Ngành ngân hàng – ngành kinh tế lợi thế trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

pdf 8 trang Gia Huy 18/05/2022 2690
Bạn đang xem tài liệu "Ngành ngân hàng – ngành kinh tế lợi thế trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnganh_ngan_hang_nganh_kinh_te_loi_the_trong_cuoc_cach_mang_c.pdf

Nội dung text: Ngành ngân hàng – ngành kinh tế lợi thế trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

  1. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng NGÀNH NGÂN HÀNG – NGÀNH KINH TẾ LỢI THẾ TRONG CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ 4 ThS. Tiêu Thị Thanh Hoa Trường Đại học Ngân hàng TPHCM TÓM TẮT Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nước ta trong giai đoạn vừa qua đã đạt những thành công nhất định trong phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên sự thành công này trong đó yếu tố nguồn vốn đóng một vai trò không nhỏ. Với chức năng là trung gian tài chính, ngân hàng đã cung ứng một nguồn vốn theo cơ cấu cho các ngành kinh tế phát triển theo đúng định hướng. Quá trình phát triển của ngành ngân hàng trải qua nhiều giai đoạn và gắn liền với việc ứng dụng khoa học công nghệ. Vì vậy, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện đang và sẽ tác động nhất định đến ngành ngân hàng và tạo ra những lợi thế phát triển rõ rệt. Những thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp này như Trí thông minh nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big data), Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) sẽ ảnh hưởng đến hoạt động quản trị, mô thức kinh doanh, sản phẩm tài chính làm cho hoạt động ngân hàng ngày càng nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành ngân hàng 1. Vai trò của ngành ngân hàng đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế Những năm đầu sau giải phóng, nền kinh tế Việt Nam vận hành theo cơ chế bao cấp và vào thời điểm đó, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong nền sản xuất. Năm 1986, cơ cấu kinh tế với nông nghiệp chiếm tỷ lệ 38.1%, tỷ trọng ngành dịch vụ là 33%, công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất với 28,9%. Nền kinh tế vẫn phụ thuộc chính vào nông nghiệp, giải quyết tình trạng thiếu lương lực và tạo việc làm cho người lao động. Ngành công nghiệp phát triển chủ yếu các lĩnh vực khai khoáng, điện, giấy còn ngành dịch vụ hầu như chưa phát triển. Từ đổi mới đến nay, cơ cấu kinh tế có sự thay đổi nhanh chóng. Đến năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,57% GDP; Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,28%; Khu vực dịch vụ chiếm 41,17%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,98%. Khu vực công nghiệp và dịch vụ luôn có sự tăng trưởng mạnh là động lực để thay đổi cơ cấu, chuyển dịch sang hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều này chứng tỏ xu thế tiến bộ, phù hợp với hướng chuyển dịch cơ cấu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và củng cố tiềm lực kinh tế đất nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã mang lại nhiều thành tựu đáng kể từ các chỉ số kinh tế cơ bản như GDP, xuất nhập khẩu, đầu tư, thu chi ngân sách nhà nước đều đạt cao và bền vững, cho đến việc nâng cao mọi mặt đời sống xã hội của người dân. Có được kết quả trên, ngoài đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như sự đóng góp của toàn dân, còn phải kể đến những nỗ lực của các ngành, các cấp, trong đó có ngành ngân hàng. Hoạt động ngân hàng đã có những bước đột phá và đóng góp tích cực cho quá trình đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam, thể hiện ở những nội dung chính sau: Căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ của ngành ngân hàng, từng ngân hàng đã xây dựng và thực thi chính sách tín dụng riêng phù hợp, góp phần đáng kể vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cùng với nguồn vốn ngân sách, tín dụng ngân hàng đã góp phần vào việc thực hiện thành công nhiều chương trình, dự án lớn của quốc gia và của các ngành kinh tế mũi nhọn. Trong 3 năm 188
  2. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng trở lại đây, tín dụng tập trung chủ yếu ở ngành xây dựng, sản xuất công nghiệp và gia công chế biến, thương mại. Trong đó, thương mại, bán luôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 21.35%, kế đến là ngành sản xuất công nghiệp và gia công chế biến chiếm 18.64%. Nhóm kế tiếp là xây dựng chiếm 9.5% và dịch vụ cá nhân, công cộng chiếm 9%. Còn lại là lĩnh vực nông lâm, thủy hải sản chiếm trên 5%, hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 4%. Nguồn vốn tín dụng cung cấp cho ngành là một trong những nguồn lực quan trọng để ngành tăng trưởng, do đó với tỷ trọng tín dụng cao cho ngành dịch vụ và công nghiệp đây sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hình 1: Biến động dư nợ cho vay theo ngành năm 2015-2017 Nguồn: Vietstoct 189
  3. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Hình 2: Tỷ trọng cho vay theo ngành của các ngân hàng năm 2017 Nguồn: Vietstock Ngoài ra, nhận thức sâu sắc quan điểm kinh tế nhiều thành phần và vai trò của các khu vực kinh tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có những chuyển biến căn bản về hoạt động tín dụng, tỉ trọng cho vay khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đã tăng từ khoảng 20% năm 1989 lên khoảng 50% trong giai đoạn hiện nay. Nhờ đó, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã mở rộng sản xuất kinh doanh, đóng góp ngày càng nhiều cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp khoảng 31% giá trị sản xuất công nghiệp và 26% GDP, tạo công ăn việc làm cho 26% lao động trong nước. 2. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 Khái niệm Industry 4.0 hay là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (The Fourth Industrial Revolution - FIR) lần đầu tiên được đề cập trong bản Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao được chính phủ Đức thông qua vào năm 2012. Theo GS. Klaus Schwab, chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Industry 4.0 là một thuật ngữ bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, xu hướng trao đổi dữ liệu, công nghiệp chế tạo và sản xuất thông minh. Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên (từ năm 1784) xuất hiện khi con người phát minh ra năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (từ 1870) là sự ra đời của động cơ điện, mang lại cuộc sống văn minh, năng suất tăng nhiều lần so với động cơ hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (từ 1969) là những phát minh về bóng bán dẫn, điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau và tự động hóa sản xuất. Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư đang nảy nở từ nền tảng của cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Giáo sư Klaus Schwab, cũng đã mô tả cuộc cách mạng lần thứ tư này khác biệt cơ bản với ba lần trước, đặc trưng chủ yếu là những tiến bộ trong công nghệ. Các công nghệ này có tiềm năng tiếp tục kết nối hàng tỷ người trên web, cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh và tổ chức, giúp tái tạo môi trường tự nhiên bằng cách quản lý tài sản tốt hơn. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong cách mạng 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data) và Công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence, viết tắt là AI) theo Wikipedia: là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Trí thông minh nhân tạo liên quan đến cách cư xử, sự học hỏi và khả năng thích ứng thông minh của máy móc. Trí tuệ nhân tạo ứng dụng các hệ thống học máy (Machine learning) để mô phỏng trí tuệ của con người trong các xử lý mà con người làm tốt hơn máy tính. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi, .Các ví dụ ứng dụng bao gồm các tác vụ điều khiển, lập kế hoạch và lập lịch (scheduling), khả năng trả lời các câu hỏi về chẩn đoán bệnh, trả lời khách hàng về các sản phẩm của một công ty, nhận dạng chữ viết tay, nhận dạng tiếng nói và khuôn mặt. Internet Vạn Vật (Internet of Things, viết tắt IoT) theo Wikipedia: là một liên mạng, trong đó các “thiết bị kết nối" và "thiết bị thông minh” và các trang thiết bị khác được nhúng với các bộ phận điện tử, phần mềm, cảm biến, cơ cấu chấp hành cùng với khả năng kết nối mạng máy tính giúp cho các thiết bị này có thể thu thập và truyền tải dữ liệu. Năm 2013, tổ chức Global Standards Initiative on Internet of Things (IoT-GSI) định nghĩa IoT là "hạ tầng cơ sở toàn cầu phục vụ cho xã hội thông tin, hỗ trợ các dịch vụ (điện toán) chuyên sâu thông qua các vật thể (cả thực lẫn ảo) được kết nối với nhau nhờ vào công nghệ thông tin và truyền thông hiện hữu được tích hợp" và với mục đích đó một "vật" trong thế giới thực (vật thực) hoặc thế giới thông tin (vật ảo), có thể được nhận dạng và tích hợp vào một mạng lưới truyền thông". Hệ thống IoT cho phép vật được cảm nhận hoặc được điều khiển từ xa thông qua hạ tầng mạng hiện hữu, tạo 190
  4. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cơ hội cho thế giới thực được tích hợp trực tiếp hơn vào hệ thống điện toán, hệ quả là hiệu năng, độ tin cậy và lợi ích kinh tế được tăng cường bên cạnh việc giảm thiểu sự can dự của con người. Dữ liệu lớn (Big data): Trong báo cáo nghiên cứu năm 2001 và những diễn giả liên quan, META Group (hiện giờ là Gartner) và nhiều ngành công nghiệp tiếp tục sử dụng mô hình '3Vs' để mô tả dữ liệu lớn. Trong năm 2012, Gartner đã cập nhật định nghĩa như sau: "Dữ liệu lớn là khối lượng lớn, tốc độ cao và/hoặc loại hình thông tin rất đa dạng mà yêu cầu phương thức xử lý mới để cho phép tăng cường ra quyết định, khám phá bên trong và xử lý tối ưu". Định nghĩa '3Vs' của Gartner vẫn được sử dụng rộng rãi, phù hợp với định nghĩa đồng thuận là: "Dữ liệu lớn tiêu biểu cho tập thông tin mà đặc điểm như khối lượng lớn (Volume), tốc độ cao(Velocity) và đa dạng (Variety) để yêu cầu phương thức phân tích và công nghệ riêng biệt để biến nó thành có giá trị". Thêm nữa, vài tổ chức đã thêm vào tính xác thực (Veracity) để mô tả về nó. 3Vs đã được mở rộng để bổ sung đặc tính của dữ liệu lớn. Blockchain (Công nghệ chuỗi khối) theo Wikipedia: là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu. Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó. Vì vậy Blockchain phù hợp để ghi lại những sự kiện, hồ sơ y tế, xử lý giao dịch, công chứng, danh tính và chứng minh nguồn gốc. Việc này có tiềm năng giúp xóa bỏ các hậu quả lớn khi dữ liệu bị thay đổi trong bối cảnh thương mại toàn cầu. Blockchain đầu tiên được phát minh và thiết kế bới Satoshi Nakamoto vào năm 2008 và được hiện thực hóa vào năm sau đó như là một phần cốt lõi của Bitcoin, khi công nghệ blockchain đóng vai trò như là một cuốn sổ cái cho tất cả các giao dịch. Qua việc sử dụng mạng lưới ngang hàng và một hệ thống dữ liệu phân cấp, Bitcoin blockchain được quản lý tự động. Việc phát minh ra blockchain cho Bitcoin đã làm cho nó trở thành loại tiền tệ kỹ thuật số đầu tiên giải quyết được vấn đề double spending (chi tiêu gian lận khi 1 lượng tiền được dùng 2 lần). Công nghệ này của Bitcoin đã trở thành nguồn cảm hứng cho một loạt các ứng dụng khác. 3. Tác động của của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến ngành ngân hàng Việt Nam 3.1. Lợi thế Mặc dù không nằm trong lĩnh vực được đánh giá là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng tài chính, ngân hàng là ngành hiện đang ứng dụng công nghệ thông tin hàng đầu. Do đó, những thành tựu công nghệ nổi bật của Cách mạng công nghiệp 4.0 là: Trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật; Dữ liệu lớn, Công nghệ chuỗi khối đều mang đến những cơ hội lớn cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trên nhiều khía cạnh. Thứ nhất, Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động tới mô thức quản trị ở các ngân hàng thông qua sự xuất hiện của trí thông minh nhân tạo. AI đang là trọng tâm nghiên cứu và phát triển tại nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới. Khi AI hoàn thiện các ngân hàng có thể ứng dụng AI trong việc quản lý danh mục rủi ro, quản lý khách hàng và quản lý cơ sở dữ liệu bởi nó có thể xử lý thông tin như con người nhưng với tốc độ xử lý nhanh và mức độ chính xác cao hơn. Điều này sẽ hỗ trợ ngân hàng rất nhiều trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Thứ hai, mô hình ngân hàng số hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ thông qua các thiết bị số kết nối với các phần mềm máy tính qua môi trường mạng Internet trên thực tế đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn bộ cấu trúc hệ thống của ngân hàng và cung cấp nhiều dịch vụ hiện đại của hệ thống ngân hàng. Không những thế, hoạt động giao tiếp của con người sẽ có những bước tiến đáng kể từ chổ trực tiếp đến việc sử dụng công nghệ thực tế ảo và không gian ba chiều. Điều này sẽ làm thay đổi hoàn toàn kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống. Kênh bán hàng thông qua Internet, Mobilebanking,Tablet Banking, mạng xã hội, phát triển ngân hàng số và giao dịch không giấy tờ sẽ là xu thế phát triển mạnh. Nhờ ứng dụng chuyển đổi kỹ thuật số, các sản phẩm của ngân hàng có thể tích hợp được với nhiều sản phẩm dịch 191
  5. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng vụ phụ trợ để làm hài lòng khách hàng. Với sự phát triển của “ngân hàng không giấy” các chi nhánh không còn đóng vai trò quan trọng và cũng sẽ không phải là kênh phân phối mang lại nhiều lợi nhuận nhất trong tương lai. Trong tương lai, có thể phần lớn doanh thu của ngân hàng bán lẻ là nhờ vào web, điện thoại di động hay ứng dụng trên máy tính bảng. Việc cạnh tranh thông qua mở rộng mạng lưới các chi nhánh ngân hàng sẽ dần chấm dứt, thay vào đó là công nghệ ngân hàng hiện đại điều này góp phần giảm chi phí hoạt động của ngân hàng. Thứ ba, dữ liệu lớn (Big Data) và phân tích hành vi khách hàng cũng đang trở thành xu hướng tương lai cho thời đại công nghệ số khi có thể thu thập dữ liệu bên trong và bên ngoài thông qua tổ chức phân tích hành vi khách hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng, tiết giảm chi phí và hỗ trợ cho các quá trình ra quyết định. Khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng có nhiều thuận lợi, nhờ việc xây dựng được những trung tâm dữ liệu lớn. Việc thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn sẽ tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định phù hợp và nhanh hơn, giảm được chi phí và tạo lợi thế cạnh tranh. Hiện nay, mô hình cho vay ngang hàng đang là một xu thế tín dụng phi tập trung trên thế giới và được dự báo sẽ làm thay đổi thói quen tài chính của người Việt trong thời gian tới. So với tín dụng truyền thống, tín dụng phi tập trung dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain, hoạt động như một Ngân hàng số có những ưu điểm so với hệ thống tín dụng truyền thống như phá vỡ sự độc quyền, tư duy phân quyền, chuyển đổi cấu trúc kinh doanh Với việc nghiên cứu hành vi đặc thù của khách hàng, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thẩm định tín dụng với các thuật toán phân tích dữ liệu lớn (Big data) có thể đưa ra quyết định giải ngân ngay trong ngày. Thứ tư, tín dụng hiện vẫn là một hoạt động mang lại nguồn thu nhập lớn cho ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của các ngân hàng là làm sao để kiểm soát được rủi ro tín dụng. Với mô hình cơ sở dữ liệu tập trung hiện tại, mỗi ngân hàng có một cơ sở dữ liệu riêng. Vì thế, việc lưu trữ và quản lý thông tin đòi hỏi chi phí cao, công nghệ bảo mật chặt chẽ, nhưng rủi ro rò rỉ dữ liệu vẫn xảy ra. Mặt khác, các ngân hàng cũng không thể bao quát hết hành vi tín dụng của người đi vay nếu họ vay bên ngoài hệ thống. Với Blockchain, ngân hàng có thể giải quyết vấn đề đó bằng khía cạnh kỹ thuật. Thay đổi nền tảng công nghệ có thể giúp kiểm soát dòng tiền, thông tin người đi vay, thẩm định hồ sơ vay chặt chẽ hơn nhưng vẫn duy trì được sự cân bằng trong chính sách. Blockchain đem lại nhiều lợi ích trong lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ tài chính. Việc lưu trữ phi tập trung các dữ liệu về giao dịch và việc thay đổi thông tin về lịch sử giao dịch gần như bất khả thi, do đó nhữnggì lưu trữ nhờ blockchain đều có độ tin cậy cao. Blockchain còn đóng vai trò như một sổ cái điện tử lưu thông tin tất cả các giao dịch. Mỗi mục sổ cái điện tử, sau khi được xác minh sẽ không thể thay đổi trong hồ sơ sổ kế toán. Công nghệ một sổ cái cho phép các tổ chức khác nhau chia sẻ một công nghệ blockchain phổ biến, giúp giao dịch nhanh hơn và an toàn hơn, dữ liệu đáng tin cậy hơn. Tiến trình giao dịch sẽ diễn ra nhanh hơn vì gần như diễn ra trong thời gian thực, giúp tiết kiệm chi phí khi loại bỏ hầu như các hoạt động trung gian. Ngoài ra, nó còn trợ giúp rất nhiều trong việc chống rửa tiền hoặc các giao dịch không minh bạch do mọi dấu vết giao dịch đều có thể lưu trữ trên blockchain và không bao giờ thay đổi được. 3.2. Thách thức Thứ nhất, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ thanh toán trong bối cảnh các doanh nghiệp công nghệ tài chính - FinTech đang ngày càng mở rộng và phát triển. Theo khảo sát, đánh giá của PwC trong vòng từ 3 đến 5 năm tới, tổng mức đầu tư vào FinTech trên toàn cầu có thể vượt mức 150 tỷ USD. Khảo sát của PwC cho thấy, ngành dịch vụ ngân hàng và thanh toán sẽ chịu nhiều áp lực nhất từ các công ty FinTech. Những đại diện tham gia khảo sát đến từ lĩnh vực chuyển tiền và thanh toán dự đoán rằng, trong 5 năm tới, họ có thể để mất 28% thị phần của mình vào tay các FinTech, còn các ngân hàng cho rằng họ sẽ mất 24% thị phần. Trong khi đó, tỷ lệ này là 22% trong lĩnh vực quản lý tài sản và 21% trong lĩnh vực bảo hiểm. Thứ hai, sự phát triển của hạ tầng viễn thông trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra những thách thức mới về bảo mật, do đó an ninh mạng trở nên vô cùng quan trọng. Với sự phát triển ngày càng tinh 192
  6. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng vi của công nghệ số và xu hướng chuyển dần sang điện toán đám mây, những lỗ hổng bảo mật cũng vì thế mà tăng theo, kéo theo rủi ro tin tặc tấn công. Những thông tin cá nhân riêng tư của con người có khả năng bị công khai. Điều này đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải có trách nhiệm xã hội nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến tính an toàn và riêng tư trong thông tin của khách hàng và có cách thức phòng thủ mới để bảo đảm an toàn bảo mật mạng. Theo đó, các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng vừa và nhỏ ngoài việc trang bị cho mình những công cụ bảo mật mới như sử dụng phương pháp sinh trắc học, quét mống mắt, vân tay để thay thế mật khẩu hay an toàn bảo mật mạng; cần quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dự phòng và nâng cao nhận thức về bảo mật và an toàn thông tin trong toàn hệ thống. Thứ ba, thị trường lao động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng sẽ có sự thay đổi. Do việc ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng dẫn đến sự phát triển của ngân hàng số, “ngân hàng không giấy”, ứng dụng trí thông minh nhân tạo có thể khiến số lượng nhân viên của các ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty chứng khoán sụt giảm một cách đáng kể (đặc biệt là với các bộ phận kỹ sư tin học, giao dịch chi nhánh ). Mặc dù vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ gia tăng (giỏi cả về chuyên môn nghiệp vụ tài chính, ngân hàng và công nghệ thông tin). 4. Kiến nghị 4.1. Ngân hàng thương mại Cần phát triển những giải pháp công nghệ thông tin mới, trong đó nhấn mạnh khả tích hợp các công nghệ hiện đại như hệ thống cảm biến, hệ thống điều khiển, mạng truyền thông, các ứng dụng kinh doanh và chăm sóc khách hàng; ứng dụng quản trị thông minh AI trong Quản trị quan hệ khách hàng và Quản trị rủi ro, quản lý văn bản, kế toán quản trị, quản lý nguồn vốn, quản lý dự án và phân tích hiệu quả đầu tư, quản trị nhân sự; Xây dựng trung tâm chăm sóc khách hàng điện tử; Cổng thông tin điện tử tích hợp các dịch vụ điện tử trên mạng Internet. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học phân tích và quản lý dữ liệu: cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tạo ra một lượng lớn dữ liệu, theo đó việc thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn sẽ (Big data) sẽ tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh. Trong thời gian tới, các ngân hàng cần quan tâm đến tư xây dựng trung tâm dự liệu (Data center); nâng cao năng lực xử lý của hệ thống mạng LAN, WAN, thiết bị chuyển mạch. Tăng cường ứng dụng điện toán đám mây: Hệ thống mạng dựa trên các giải pháp điện toán đám mây tạo cơ hội tuyệt vời giúp lưu trữ và sử dụng hiệu quả các dữ liệu lớn. Các giải pháp dựa trên đám mây sẽ trở nên ngày càng quan trọng đối với cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Theo đó các ngân hàng cần tận dụng một cách triệt để công nghệ thông tin trên nền tảng điện toán đám mây để giải quyết nhanh các nhu cầu phát sinh về tài nguyên công nghệ thông tin. Đây vừa là giải pháp hỗ trợ để đạt được mục đích vừa là phương tiện hiệu quả giúp gia tăng lợi nhuận. Tối ưu hóa mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ 4.0: Trong một thế giới khi mà các tương tác điện tử đang lấn át các phòng giao dịch truyền thống sẽ kéo theo sự thay đổi phương thức tương tác điển hình và thứ tự ưu tiên dành cho các kênh giao dịch của khách hàng với các ngân hàng. Theo đó, hoạt động ngân hàng không còn được xác định và xoay quanh một mạng lưới phân phối hữu hình nữa mà là một ngân hàng tương tác thực tế ảo. Khách hàng có thể sẽ chỉ cần đến dịch vụ ngân hàng chứ không cần đến các ngân hàng. Do đó, ngân hàng cần tối ưu hóa mô hình kinh doanh thông qua việc thiết kế các trải nghiệm trực tuyến cho khách hàng bên cạnh việc phát triển các phương thức thanh toán di động, trong đó có ví điện tử và các giải pháp không dùng thẻ; trang bị và đào tạo các kỹ năng mới cho từng cá nhân cán bộ ngân hàng cũng như cho toàn bộ hệ thống. Việc xây dựng các chi nhánh sẽ chủ yếu dựa vào nền tảng công nghệ tự động hóa, kết nối đa chiều và thông minh hóa của cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, chi nhánh với không gian giao dịch hiện đại, tiện ích, hướng đến việc giúp khách hàng tự tương tác và trải nghiệm dịch vụ mà không cần đến sự giúp đỡ của giao dịch viên truyền thống. 193
  7. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Tăng cường ứng dụng chuỗi cung ứng thông minh: Nguyên lý của Cách mạng công nghiệp 4.0 là tạo ra một mô hình chuỗi cung ứng mới gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu của khách hàng. Chuỗi cung ứng mới này sẽ tạo ra một cơ sở dữ liệu duy nhất, làm cho chuỗi cung ứng thông minh hơn, minh bạch hơn và hiệu quả hơn ở mọi giai đoạn, từ khi phát sinh nhu cầu cho đến khi bàn giao dịch vụ, sản phẩm và có thể tùy biến theo từng khách hàng. Vì vậy, các ngân hàng cần nhanh chóng hoạch định chiến lược, tìm kiếm những giải pháp toàn diện cho dịch vụ ngân hàng thông qua sử dụng các dữ liệu thông minh và sự hợp tác với nhiều ngành kinh doanh. Đẩy mạnh bán chéo sản phẩm cho khách hàng hiện tại thông qua dịch vụ ngân hàng điện tử cá nhân và phát triển các thiết bị tự phục vụ. Các ngân hàng trong nước có thể tận dụng lợi thế công nghệ dữ liệu lớn Big data trong việc lưu trữ thông tin khách hàng để bán chéo sản phẩm như bảo hiểm, tư vấn tài chính, chứng khoán Lợi thế của việc quảng cáo sản phẩm sau khi khách hàng đăng nhập vào dịch vụ ngân hàng điện tử là ngân hàng không cần đến các quy trình tuân thủ và tiếp nhận khách hàng bởi mọi thông tin cần thiết đều đã có sẵn, quy trình tuân thủ sẽ chỉ đơn giản dựa trên một cái nhấp chuột, mở rộng dịch vụ dành cho khách hàng hiện hữu chứ không phải những mẫu phiếu phức tạp. Chú trọng quản lý an ninh mạng: Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đẩy cao mức độ chia sẻ thông tin từ đó tạo ra một nhu cầu rất lớn về an ninh mạng. Theo đó, các ngân hàng cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trung tâm Dự phòng dữ liệu (Disaster Recovery); nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao, đảm bảo việc mở rộng phạm vi hoạt động (nếu có) được ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài, đáp ứng. Ngân hàng nhà nước cần tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống thanh toán quốc gia; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chức năng, tăng cường các quy định và biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, phát hiện đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán thẻ, ATM, POS và các phương thức thanh toán sử dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước cũng cần giám sát thận trọng luồng tiền phát sinh trong các hoạt động thanh toán xuyên biên giới, thanh toán quốc tế; các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới. 4.2. Ngân hàng nhà nước Tăng cường tích hợp công nghệ thông tin trong quy trình quản lý và quản trị của cả Ngân hàng nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng: Đối với Ngân hàng nhà nước, định hướng sẽ tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin hiện đại, tự động hóa hầu hết các quy trình nghiệp vụ ngân hàng của Ngân hàng nhà nước, phát triển dịch vụ hậu cần thông minh thông qua việc ứng dụng công nghệ số. Cấu trúc lại hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng theo hướng chuyển đổi mô hình từ mô hình phân tán sang mô hình xử lý tập trung. Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai hệ thống thanh toán bù trừ tự động. Nghiên cứu, áp dụng các tiêu chuẩn về thanh toán theo thông lệ quốc tế và chuẩn tin điện tài chính quốc tế. Tiếp tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử. Ngân hàng nhà nước cần thực hiện rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý để có thể điều chỉnh đầy đủ các dịch vụ công nghệ mới và các nhà cung ứng dịch vụ mới. Xây dựng cơ chế và khuôn khổ pháp lý về việc thành lập các tổ chức xử lý bù trừ tập trung các giao dịch thanh toán trên nguyên tắc cạnh tranh, tạo cơ sở phát triển thanh toán trên bề rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán. Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực ngành ngân hàng. Việc đào tạo, quan tâm tới chất lượng nguồn nhân lực công nghệ cao được thực hiện ở cả Ngân hàng nhà nước và trong toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng với vai trò định hướng từ Ngân hàng nhà nước. Các cán bộ nghiệp vụ của Ngân hàng nhà nước được đào tạo đảm bảo đủ khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, có năng lực định hướng, đề xuất các chính sách, chế độ, thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng hiệu quả. Đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ nhân viên không những giỏi công nghệ thông tin mà còn am hiểu nghiệp vụ ngân hàng tại các tổ chức tín dụng để có thể ứng dụng và vận hành những thành tựu của cuộc cánh mạng 4.0 vào hoạt động ngân hàng. Kết hợp đào tạo nâng cao trình độ, khảo sát công nghệ hiện đại trong nước và quốc tế, thực hiện các 194
  8. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng chế độ đãi ngộ chuyên gia. Chất lượng nguồn nhân lực không chỉ là về trình độ nghiệp vụ ngân hàng mà đi liền là kỹ năng về vận hành công nghệ số, tính tuân thủ về quy trình vận hành cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong môi trường công nghệ thông tin. 5. Kết luận Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ở giai đoạn đầu và tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, ngành ngân hàng cũng không phải là một ngoại lệ. Thành tựu của Cuộc cách mạng này khi ứng dụng vào ngành ngân hàng sẽ mang lại nhiều lợi thế phát triển. Đó là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động quản trị, thay đổi mô thức kinh doanh nhờ mạng internet vạn vật. Việc phân tích dữ liệu lớn giúp cho ngân hàng ngày càng thấu hiểu nhu cầu của khách hàng và thiết kế các sản phẩm tài chính tối ưu nhất. Công nghệ chuỗi giúp cho thông tin tài chính minh bạch, giảm thời gian giao dịch và tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức mà ngân hàng cần vượt qua để tận dụng được lợi thế này như đầu tư công nghệ thông tin, tăng cường ứng dụng và khai thác các công nghệ mà cuộc cách mạng này mang lại. Vì vậy, cần có vai trò định hướng, hỗ trợ và hoàn thiện khung pháp lý từ phía Ngân hàng nhà nước. Ngân hàng phát triển vững mạnh sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với bối cảnh thương mại toàn cầu và bùng nổ công nghệ như hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 2016: Báo cáo đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và một số định hướng hoạt động của ngành Ngân hàng Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo OECD (2016). [2] PwC. (2016), Khảo sát “Những ranh giới bị xóa nhòa: Các FinTech đang định hình ngành dịch vụ tài chính như thế nào”. [3] Tô, H.V., Vũ, X.T. (2016), Ngành Ngân hàng trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tạp chí Ngân hàng số 15/2016;. [4] Schwab, K. (2016), The Fourth Industrial Revolution: what it means, how to respond respond/. 195