Những lời khen tặng dành cho “Nền Kinh tế Xanh lam”

pdf 217 trang Gia Huy 2690
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Những lời khen tặng dành cho “Nền Kinh tế Xanh lam”", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnhung_loi_khen_tang_danh_cho_nen_kinh_te_xanh_lam.pdf

Nội dung text: Những lời khen tặng dành cho “Nền Kinh tế Xanh lam”

  1. Những lời khen tặng dành cho “Nền Kinh tế Xanh lam” Quyển The Blue Economy cho thấy việc bảo đảm nguyên vật liệu và điều chỉnh các kế hoạch sản xuất theo kiểu mẫu của tự nhiên sẽ giải quyết được nhiều vấn đề suy thoái và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, chính sách kinh tế hiện nay và các mô hình kinh doanh cốt lõi đã phớt lờ đi những giải pháp tổng hợp. Các mô hình kinh tế tương lai nên tính đến lợi thế chiến lược của những cải tiến dựa vào tự nhiên và vật lý học. Đó là một yêu cầu quá cao, nhưng quyển sách của Gunter Pauli chỉ rõ cách đáp ứng yêu cầu ấy với lối trình bày phong phú về việc môi trường và kinh tế có thể hoặc buộc phải hợp tác với nhau như thế nào. Anders Wijkman, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển và thành viên Nghị viện châu Âu (1999-2009) Quyển The Blue Economy là một tầm nhìn khác thường về những gì chúng ta có thể làm được trong bối cảnh một nền kinh tế bền vững. Gunter Pauli đã hoạt động không mệt mỏi nhằm biến triển vọng của việc mô phỏng sinh học thành hiện thực. Quyển sách của ông là kết quả hấp dẫn của nỗ lực khai thác tiềm năng đạt tới sự bền vững trong khắp các hệ sinh thái của Tự Nhiên. Là những nhà quản lý đầu tư, chúng tôi luôn tìm kiếm những ý tưởng độc đáo có thể mang lại lợi nhuận, đồng thời giải quyết các thách thức lớn nhất của Thế Giới. Tôi xin khuyên những ai không hài lòng với khái niệm kinh doanh bền vững theo nghĩa hẹp hãy mau đọc cuốn sách này và nắm lấy cơ hội tốt mà chúng ta đang có để sáng tạo một hệ thống kinh tế bền vững lâu dài dựa trên sự khôn ngoan vô cùng của Tự Nhiên. Colin M. le Duc, thành viên của công ty Generation Investment Management LLP (London)
  2. Gunter Pauli đã giới thiệu một mô hình kinh doanh có thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản, tạo nguồn vốn xã hội và đạt tới sự bền vững. Công cuộc phát triển kinh tế ở Bhutan của ông với tổ chức READ tập trung vào việc áp dụng một loạt cải tiến được mô tả trong quyển sách này nhằm hoàn thiện Chỉ số Hạnh phúc quốc dân [1] cũng như đẩy mạnh doanh nghiệp mang tính xã hội và thân thiện với môi trường. Xét đến những nhiệm vụ của mạng lưới Social Venture Network, thì thông điệp của ông trong quyển The Blue Economy chắc chắn sẽ được sự hưởng ứng ngày càng đông đảo của giới lãnh đạo kinh tế và xã hội. Omer L. Rains, Chủ tịch tổ chức Rural Education & Development (READ) Giám đốc toàn cầu quỹ Marshall Plan Venture Capital Fund Thành viên mạng lưới Social Venture Network (SVN) Hiện thực hóa mô hình Kinh tế Xanh là một nỗ lực xứng đáng với những doanh nhân, người có lòng nhân ái và nhà đầu tư vốn mạo hiểm mang tính xã hội, những người quan tâm đến y tế, giáo dục và nghiên cứu môi trường. Thế giới cần thêm nhiều nhà lãnh đạo có khả năng đề ra những mô hình kinh tế bền vững. Quyển sách mới của Gunter Pauli đem lại cho chúng ta một tầm nhìn giúp đáp ứng những nhu cầu hiện tại và tạo cơ hội tốt cho các thế hệ tương lai. Teresa Heinz, Chủ tịch tổ chức Heinz Family Philanthropies Gunter Pauli giải thích một cách tài tình những kiểu mẫu trong tự nhiên có thể giúp chúng ta giải quyết các vấn đề liên quan đến sự bền vững. Có nhiều khả năng lựa chọn thú vị và đầy sức cạnh tranh, khác hẳn những giải pháp hóa học hoặc kỹ thuật với hậu quả không chủ ý nhưng hết sức nguy hại. Yvon Chouinard, chủ sở hữu công ty Patagonia, Inc. Khủng hoảng kinh tế hiện nay của chúng ta cũng là một khủng hoảng về đạo đức và giá trị; nó chỉ đem lại phồn vinh cho một số ít người mà không quan tâm đến đa số. The Blue Economy ủng hộ một nền kinh tế mới, một nền kinh tế được dẫn dắt bởi sự đổi mới và sáng tạo
  3. nhằm vun đắp cho thế hệ nhóm doanh nghiệp xã hội kế cận. Chúng ta cần một nền kinh tế như thế, và không ai thích hợp hơn Gunter Pauli để tặng nó cho nhân loại. Wendy Luhabe, Hiệu trưởng danh dự trường Đại học Johannesburg, Chủ tịch Industrial Development Corporation of South Africa Mười lăm năm trước đây, Gunter Pauli đến văn phòng của tôi ở Tokyo, nơi tôi đang làm Hiệu trưởng trường Đại học Liên Hợp Quốc. Anh giải thích ý tưởng “Phát thải số không” của mình, ngay sau đó tôi thu dụng anh làm Cố vấn đặc biệt. Trong một thời gian ngắn ngủi, ý tưởng “Phát thải số không” được phổ biến ở Nhật và một số nước khác. Nhiều công ty tư nhân Nhật Bản nhanh chóng đầu tư vào công nghệ và cơ sở sản xuất nhằm thực hiện cái ý tưởng độc đáo ấy. Tác phẩm mới The Blue Economy của Gunter giới thiệu nhiều ý tưởng đổi mới tuyệt vời cùng với những ứng dụng thực tiễn giúp nhà doanh nghiệp và người tiêu dùng có tác động đáng kể đến nền kinh tế thế giới, đồng thời làm ra tiền, tạo công ăn việc làm và bảo vệ môi trường sinh thái. Suy ngẫm về tương lai, Gunter luôn luôn lạc quan. Tôi cũng vậy. Khi đọc The Blue Economy , quý vị sẽ được biết các ý tưởng ấy và những ứng dụng cụ thể của chúng. Quý vị đừng bỏ lỡ quyển sách này và hãy giới thiệu nó cho bạn bè của mình. Giáo sư Heitor Gurgulino de Souza, Hiệu trưởng trường Đại học Liên Hợp Quốc, Tokyo, Nhật Bản (1987-1997), Tổng thư ký IAUP (International Association of University Presidents) Thiên nhiên có giải pháp cho mọi vấn đề của chúng ta. Gunter Pauli là một doanh nhân nhìn xa trông rộng có khả năng giúp chúng ta sáng tạo một Nền Kinh tế Xanh lam dựa trên sự tôn trọng con người và các hệ sinh thái của Trái đất. Quyển sách của ông chắc chắn sẽ là kinh thánh của nền kinh tế ấy, nó có ý nghĩa lớn đối với những ai trong chúng ta muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Christian Courtin-Clarins, Chủ tịch công ty Clarins (Pháp)
  4. Gunter Pauli đã chịu khó thu thập nhiều ý tưởng có thể đem lại cuộc sống hài hòa với tự nhiên, sự giàu có cho nhà doanh nghiệp cũng như thực phẩm và an toàn sinh kế cho mọi người. The Blue Economy là quyển sách quan trọng đối với các doanh nhân mang ý thức môi trường và tôn vinh sự tiến hóa của loài người. Paul Mahal, thành viên sáng lập công ty CoroCare Hawaii đang áp dụng các nguyên lý của sự phồn vinh từ mô hình ahupua’a nhằm đem lại sức sống mới cho ‘âina (đất và đại dương). Các nguyên lý này bắt nguồn từ văn hóa của người bản địa, phù hợp với các hệ thống cổ của Trái đất cũng như với tinh thần và các giá trị của Aloha và Pono [2] . Những cải tiến mô tả trong quyển “Nền Kinh tế Xanh lam” tôn vinh cái tinh thần ấy. Aloha ke Akua, e mâlama kakou. Mark McGuffie, Giám đốc điều hành Enterprise Honolulu Quyển Blue Economy giữ một vị trí đặc biệt trong cơ quan của tôi – vị trí trung tâm. Trong thời gian 30 năm hoạt động cho một tương lai bền vững, ít khi nào tôi bắt gặp một cuốn sách nghiêm chỉnh khoa học VÀ gây nhiều ngạc nhiên thích thú như thế. Tôi xem cả hai đặc tính ấy đều quan trọng. Hiểu biết sâu sắc và những kịch bản hướng đến giải pháp của Gunter Pauli có thể làm đầu bạn bốc khói và tim bạn đập mạnh. Là người nghiên cứu phương pháp tư duy và thiết kế toàn hệ thống, 100 đổi mới mà cuốn sách mô tả khiến tôi tràn đầy hy vọng và phấn khởi về những khả năng cho tương lai mà tôi sẽ vui sướng để lại các thế hệ sau. Kris Holstrom, Điều phối viên về bền vững vùng của tổ chức The New Community Coalition, Chủ trang trại hữu cơ Colorado Quyển The Blue Economy thúc đẩy quá trình chuyển tiếp của chúng ta từ nền kinh tế dựa trên sản phẩm sang nền kinh tế dựa vào hệ thống. Bước nhảy vọt về văn hóa ấy đòi hỏi tất cả chúng ta phải nhìn thấy – và vượt qua – các mối quan hệ đã dẫn đến cái chiến lược kinh doanh cốt lõi lệ thuộc vào sự bạo ngược của thị trường. TS. Catia Bastioli, Chủ tịch Novamont S.p.A (Ý), Nhà sáng tạo châu Âu năm
  5. 2007 Các loài sinh vật đã tiến hóa đến trạng thái phụ thuộc lẫn nhau, tạo ra những cơ chế chung sống tuyệt vời. Những ý tưởng mới lạ và quan niệm gây kinh ngạc được giới thiệu trong quyển The Blue Economy như vang lên trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Chúng ta được biết rằng Thiên nhiên đã sáng tạo những hệ thống có khả năng thích ứng hoàn hảo. Mô hình thác nước chuyển năng lượng và chất dinh dưỡng từ một giới của tự nhiên vào một giới khác cho chúng ta một hệ hình cần thiết để suy ngẫm về vị trí của mình trong sự trường tồn của tự nhiên. Amy McConnell Franklin, Ph.D., M.Ed., M.P.H. Tác giả quyển Choose to Change Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên hỗ trợ công việc ban đầu của Gunter Pauli với chương trình phát thải số không. Quyển The Blue Economy sẽ tặng cho cả thế giới một động cơ mạnh mẽ của một nền kinh tế mới. Giáo sư Kiyoshi Kurokawa, M.D., Cố vấn khoa học đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản (2006-2008), Chủ tịch Hội đồng khoa học Nhật Bản (2003-2006) Trong quyển The Blue Economy, Gunter Pauli cung cấp cho người đọc một tập hợp đặc sắc những đổi mới có khả năng gắn liền lợi nhuận với sự bền vững. Ông cho thấy doanh nghiệp, khoa học, xã hội dân sự và cộng đồng có thể hợp tác và hưởng lợi như thế nào trong việc đáp ứng nhu cầu của mọi người. Tác phẩm ấy sẽ truyền sinh lực cho các doanh nhân để giải quyết thách thức mà nguyên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan đã đặt ra: “Chúng ta hãy thử kết hợp thế lực của thị trường với sức mạnh của những ý tưởng chung. Chúng ta hãy làm thế nào để sức sáng tạo của giới doanh nghiệp tư nhân phù hợp với nhu cầu cơ bản của những người thiệt thòi và yêu cầu của các thế hệ tương lai.” Frederick C. Dubee,
  6. Giáo sư Hàn lâm viện Hòa bình Thế giới, Đại học Basel, Giáo sư Viện Nghiên cứu gien học Bắc Kinh, Cố vấn cao cấp Khế ước Toàn cầu của LHQ, Mạng lưới Trung Quốc, Giám đốc điều hành International Global Management Education Institute Qua cái nhìn của một chuyên gia kinh tế, quyển The Blue Economy trưng bày đầy đủ những đổi mới công nghệ dựa vào tự nhiên. Nó cho thấy sự bền vững môi trường và lợi nhuận doanh nghiệp không loại trừ lẫn nhau. Andrew Parker, Ph.D Thành viên Ban Giám hiệu Trường cao đẳng St John’s (Anh), Giáo sư sinh lý học Đại học Oxford (Anh) Từ Xanh lục (sáng kiến) Tiến lên Xanh lam (kinh tế) Sắc Đỏ của bạn (bản quyết toán) trở thành Đen (sự sung túc) Với động lực của nữ thần Đất (tự nhiên ) Tomoyo Nonaka, Chủ tịch Gaia Initiative, Giám đốc điều hành Sanyo Electric Group (Nhật Bản) (2005-2008) [1] Khái niệm “Tổng Hạnh Phúc quốc dân” (Gross National Happiness) do vua Bhutan Jigme Singye Wangchuck sáng tạo năm 1972, mang nội dung: thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội công bằng, bảo tồn giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và thiết lập cơ cấu quản trị nhà nước tốt; nghĩa là bao quát hơn khái niệm “tổng sản phẩm quốc dân” rất nhiều và rất gần với khái niệm “phát triển bền vững”. [2] Ahupua’a là phương thức phân chia đất canh tác theo truyền thống cổ xưa của người Hawaii bản địa có thể bảo đảm công bằng và an ninh lương thực cũng như bảo vệ nguồn đất và nước. Họ sử dụng các nguồn này trong tinh thần tôn trọng (aloha), hợp tác và trách nhiệm,
  7. nhằm đạt tới sự hài hòa (pono).
  8. LỜI NÓI ÐẦU Các ý tưởng mà bạn sắp bắt gặp trong cuốn sách này thuộc về những viễn cảnh hấp dẫn nhất của quá trình thực hiện một nền kinh tế ít carbon, sử dụng nguồn lực hiệu quả và có sức cạnh tranh trong thế kỷ 21. Đáng lưu ý là việc mô phỏng các hoạt động hiệu quả và không chất thải của các hệ sinh thái sẽ mở ra những cơ hội tạo công ăn việc làm lớn nhất. Thế giới tự nhiên tuyệt vời và đa dạng đã giải quyết thật tài tình, bất ngờ, thậm chí phản trực giác những thách thức đặt ra cho nhân loại trong phát triển bền vững. Nếu như con người có thể giải mã những bí ẩn hóa học, những quá trình và thiết kế hấp dẫn mà các sinh vật – từ vi khuẩn, động vật nhuyễn thể cho tới các loài bò sát và có vú – đã phát triển và thử nghiệm hàng ngàn năm, có lẽ chúng ta sẽ có được những giải pháp mới mẻ mang tính cải biến cho nhiều vấn đề của một hành tinh chứa sáu tỉ người và sẽ vượt quá con số chín tỉ trong năm 2050. Quyển The Blue Economy của Gunter Pauli mở cửa cho chúng ta bước vào lĩnh vực mới mẻ hướng đến tương lai này. Các bước tiến khai phá mà nó mô tả sẽ nhanh chóng thuyết phục các nhà lãnh đạo nhà nước và doanh nghiệp về việc nghiên cứu, phát triển những ngành khoa học mũi nhọn làm cơ sở cho các phát triển mới ấy. Cuốn sách nêu bật công việc sáng tạo của nhiều nhân vật như Emile Ishida (Nhật Bản), Wilhelm Barthlott (Đức), Andrew Parker (Anh), Joanna Aizenberg (Nga/Mỹ), Jorge Alberto Vieira Costa (Brazil) và các nhà khoa học hàng đầu khác, những người không chấp nhận sự hiểu biết thông thường hay tình trạng hiện tại. Qua mô tả công việc của họ, The Blue Economy chứng minh rằng chúng ta có thể tìm ra những phương pháp vật lý, hóa học và sinh học để sử dụng nguyên vật liệu tái tạo và hoạt động thực tiễn bền vững giống như các hệ sinh thái vậy. Điều ấy không còn thuộc lĩnh vực khoa học giả tưởng nữa: nó đang xảy ra thực sự tại đây, ngay lúc này. Với chính sách
  9. hỗ trợ thích hợp cho việc nghiên cứu phát triển, với những chiến lược thúc đẩy hoạt động kinh doanh qua cơ chế thị trường, các phương tiện và phương pháp nói trên sẽ cho chúng ta rất nhiều cơ hội đẩy nhanh quá trình ứng phó với các vấn đề cấp bách của thế giới. Mặt khác, sự chấp nhận rộng rãi khuôn khổ nêu trong The Blue Economy có thể tạo một cơ sở logic vững chắc cho việc thực hiện chương trình hành động của Công ước đa dạng sinh học và việc hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức như UNEP và IUCN. Hiện nay, các loài sinh vật biến mất với tốc độ chưa từng thấy. Nhiều nhà khoa học nghĩ rằng đây là đợt tuyệt chủng thứ sáu trên trái đất, chủ yếu do mô hình kinh tế và cách thức hoạt động của con người đã đánh giá thấp đóng góp của các loài, sinh cảnh và hệ sinh thái cho đời sống chúng ta cũng như cho các hệ thống hỗ trợ sự sống của hành tinh. Những loài sinh vật trong các hệ sinh thái ấy đã củng cố nền kinh tế hàng triệu tỉ đô la của chúng ta bằng nhiều dịch vụ thiết yếu cả trên bình diện địa phương, vùng lẫn toàn cầu. Nhiều loài sinh vật và quá trình hệ sinh thái giữ đầu mối cho những thành quả có thể rất quan trọng trong việc sản xuất thuốc men, lương thực, nhiên liệu sinh học và vật liệu ít tốn năng lượng. Chúng tỏ ra là thiết yếu cho việc giảm nhẹ tác động hay thích ứng với biến đổi khí hậu. Chắc hẳn chúng ta sẽ cần đến những thành quả như thế để thúc đẩy các ngành kinh tế bền vững cung cấp nhiều việc làm lâu dài phù hợp với con người. Với 100 đổi mới mô tả trong quyển sách, The Blue Economy ước lượng một tiềm năng tạo ra 100 triệu việc làm. Ước lượng ấy càng hiển nhiên hơn khi thực tế hiện nay đã có nhiều lao động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hơn trong cả ngành công nghiệp dầu khí, và số vốn đầu tư vào năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt đã vượt quá mức đầu tư cho việc xây dựng mới những nhà máy sử dụng năng lượng hóa thạch. Liên Hợp Quốc dự đoán năm 2025 sẽ có 1,8 tỉ người sống ở những quốc gia hay vùng khan hiếm nước. Hai phần ba nhân loại có thể phải sống trong điều kiện thiếu hụt nước. Trong khi đó, biến đổi khí hậu với
  10. nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan được dự đoán là sẽ làm vấn đề nước trở nên trầm trọng hơn nữa. Các bạn hãy xem xét một hệ thống thu góp nước mưa mô phỏng khả năng của con bọ ở sa mạc Namib (Onymacris unguicularis) . Con vật tháo vát này sống ở nơi mỗi năm nhận nửa inch [1] nước mưa thôi, nhưng nó có thể hứng lấy nước từ sương mù ùa qua sa mạc trong vài buổi sáng của một tháng. Mới đây, một số nhà nghiên cứu đã thiết kế một bề mặt mô phỏng cấu tạo của cánh con bọ; cấu tạo ấy gồm những chỗ lồi hút nước và những khe kỵ nước cho phép nó thu hút và đẩy những giọt nước nhỏ hơn sợi tóc tới miệng nó. Những thử nghiệm kỹ thuật đầu tiên ở một số tháp giải nhiệt cho thấy phát minh của họ có thể giúp thu lại 10% lượng nước thất thoát. Điều ấy làm giảm hiệu ứng đảo nhiệt [2] ở các tòa nhà lân cận, do đó cũng hạ chi phí năng lượng xuống. Hàng năm có chừng 50.000 tháp làm mát mới được xây dựng và mỗi hệ thống lớn ấy để mất hơn 500 triệu lít nước mỗi ngày. Như vậy, lượng tiết kiệm 10% thật đáng kể. Những nhà nghiên cứu khác dựa vào hệ thống thu thập nước của con bọ để phát triển một loại lều tự sản xuất nước cũng như những bề mặt pha trộn thuốc thử cho các áp dụng liệu pháp “phòng thí nghiệm trên một vi mạch”. Hai mươi người được thuê làm việc trong phát triển còn non trẻ này, nhưng tiềm năng thực sự của nó trên thế giới lên tới 100.000 việc làm mới. Quyển The Blue Economy đề cập đến một dự án ở Benin, nơi một hệ thống canh tác và chế biến thực phẩm mô phỏng cách thức chuyển dưỡng chất qua nhiều tầng của một hệ sinh thái. Chất thải động vật từ lò sát sinh được chế biến ở một trại nuôi dòi thành đồ ăn cho cá và chim cút; khí sinh học cung cấp điện và nhà máy được xây dựng để xử lý nước. Dự án ấy là một thế giới thu nhỏ của Nền Kinh tế Xanh lam. Cũng dùng đồng đô la, euro, rupi hay nhân dân tệ như những hệ thống kinh tế thông thường, nhưng nó tạo ra thu nhập, sinh kế và an ninh lương thực, đồng thời tái chế, tái sử dụng chất thải. Hiện nay có 250 người làm việc trong dự án. Nếu như mô hình thác nhiều tầng này được áp dụng
  11. tại mỗi lò mổ, sẽ có tiềm năng đạt tới 500.000 việc làm ở châu Phi hay năm triệu việc làm trên toàn thế giới. Gần 70 năm trước đây, kỹ sư người Thụy Sĩ George de Mestral trong một cuộc đi dạo ở đồng quê đã quan sát những móc nhỏ ở hạt ngưu bàng ngoan cố bám vào quần áo mình. Sau đó, ông nghĩ ra một phát minh được biết dưới tên “khóa dán Velcro”. Gần đây hơn, những tòa nhà như trung tâm thương mại Eastgate ở Zimbabwe, một bệnh viện ở Columbia, một trường học ở Thụy Điển và trụ sở Hội Động vật học London được làm mát bằng những hệ thống điều hòa hoạt động theo cách thức của gò mối. Trong khi đó, các trường kỹ sư trên khắp thế giới đua nhau phát triển điện mặt trời hiệu quả hơn trên cơ sở các phân tử và quá trình của sự quang hợp. Điều mà The Blue Economy nhấn mạnh là tiềm năng to lớn của những đổi mới như thế. Nó soi sáng bước ngoặt gắn liền với vô số những bước đột phá ở phòng thí nghiệm, trong quá trình phát triển hay thương mại hóa. Thế giới phải khốn khổ vì những cuộc khủng hoảng lương thực, nhiên liệu, tài chính và kinh tế. Tổn thất hệ sinh thái và đa dạng sinh học dẫn đến khủng hoảng khí hậu và hiểm họa cạn kiệt tài nguyên đang lờ mờ hiện ra. Một Nền Kinh tế Xanh lam có khả năng giải quyết các thử thách ấy một cách có hệ thống và sẵn sàng nắm bắt những cơ hội hiển nhiên, nền kinh tế ấy là thiết yếu trong lúc này. Trái đất luôn luôn là nguồn lực lớn nhất của chúng ta, và cuốn sách này nêu 100 thí dụ nhằm giải thích tại sao ngày nay việc đầu tư vào lĩnh vực bền vững hệ sinh thái cả trên bình diện địa phương lẫn toàn cầu càng hợp lý và quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu tuân theo logic của tự nhiên, chúng ta có thể xây dựng nền tảng cho quá trình đổi mới xã hội toàn diện và công cuộc cải tạo kinh tế ngay từ gốc rễ. Trong cuốn Codex Atlanticus , Leonardo da Vinci đã tóm tắt cô đọng về khả năng của các hệ sinh thái và sự bảo tồn vật chất của tự nhiên như sau: “Mọi thứ đều đến từ mọi thứ; mọi thứ đều làm bằng mọi thứ; mọi thứ đều biến thành mọi thứ, tất cả những gì tồn tại trong các nguyên tố đều được
  12. làm bằng các nguyên tố ấy.” Achim Steiner, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) Ashok Khosla, Chủ tịch Liên Hiệp Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) [1] Đơn vị chiều dài Anh Mỹ, bằng 2,54 cm. [2] Hiện tượng nhiệt độ trong thành phố tăng đáng kể, so với vùng ngoại ô và nông thôn. Nguyên nhân chính là nhiệt phát sinh từ ánh nắng và những tòa nhà khó phân tán hơn, trong khi thảm thực vật có chức năng điều hòa nhiệt độ phải nhường chỗ cho những công trình xây dựng.
  13. LỜI ÐỀ TẶNG Chúng ta đừng đòi hỏi nhiều hơn ở Trái Đất. Chúng ta hãy làm nhiều hơn với những gì Trái Đất tặng cho chúng ta. - Gunter Pauli Cố gắng nắm vững những kiến thức mới dựa trên sự tài tình của các hệ sinh thái không phải là một hoạt động riêng lẻ. Mặc dù cuốn sách này được viết bởi một người, nhưng nhiều gợi ý, nguồn lực và sự hỗ trợ từ một mạng lưới đa dạng bao gồm bạn bè xưa, gia đình thân thuộc và cả những người mới quen làm tôi ngạc nhiên. Từ năm 1982, Yusuke Saraya, người bạn Nhật lâu năm của tôi, thường cùng tôi xem xét những khả năng mà các hệ sinh thái mở ra cho chúng ta. Ngay lúc bắt đầu dự án, tôi đã nhận được sự động viên tích cực nhất từ bạn tôi là Yasuhiro Sakakibara. Sau chuyến đi thăm không thể nào quên thành phố Reims (Pháp) vào năm 2006, khi tôi bàn bạc với bạn ấy về ý tưởng của mình, bạn đã tỏ ý muốn ủng hộ tôi hết mình. Sự giúp đỡ vô điều kiện cùng với lời khuyên nên làm cho việc kinh doanh có lợi và lời hứa tài trợ đã nói lên tính hào hiệp của bạn. Đóng góp trí tuệ của Ashok Khosla, Anders Wijkman và Heitor Gurgulino de Souza, những cổ động viên và thành viên của Câu lạc bộ Rome, đã tạo ra khuôn khổ cho việc thảo luận. Ngay từ đầu, họ đã hào phóng hỗ trợ cho công việc nhận diện những bước đột phá thực sự, bỏ qua loại pin “xanh” và chất dẻo có nguồn gốc từ bắp. Jorge Reynolds, người mà tôi được đặc ân làm theo hướng dẫn và cộng tác hơn một phần tư thế kỷ, đã trực tiếp truyền cho tôi kiến thức sâu rộng về những khám phá trong cách hoạt động của tim cá voi và khả năng tác động đến xã hội của chúng, ngoài việc phục hồi tim người bệnh. Các phát minh của ông mang lại một cái nhìn mới mẻ về cách thức những tiến bộ mang tính đổi mới trong ngành y tế dẫn đến những bước đột phá cho sức khỏe
  14. của hành tinh, đồng thời xây dựng một nền công nghiệp có sức cạnh tranh, nghĩa là đạt tới một sự đồng bộ mạnh mẽ. Jorge cũng thuộc một nhóm nhỏ những người đã chứng kiến giấc mơ của Paolo Lugari thành hiện thực ở Las Gaviotas nhờ vận dụng khả năng sống cộng sinh của các hệ thống tự nhiên để cải tạo lại đất hoang hóa bởi sự đối xử tàn tệ và vô ý thức của con người qua hàng trăm năm. Vô số trang chuyên môn của danh mục về những gì tự nhiên và các hệ sinh thái đã hoàn thành được thu thập một cách khó nhọc, nhưng chúng chỉ trở nên sinh động khi các nhà khoa học như Joanna Aizenberg, Andrew Parker, Christer Swedin, Jorge Alberto Vieira Costa, Peter Steinberg và Fritz Vollrath hiểu thấu ý nghĩa của chúng và mô tả những cơ hội một cách rõ ràng và với niềm đam mê. Những cố gắng ấy cùng với tính thiết thực của các nhà doanh nghiệp như Curt Hallberg, Emile Ishida, Mats Nilson và Norman Voyer đã đem lại một sự phong phú về nội dung giúp tôi xác lập tầm nhìn và nền tảng cho những ý tưởng trong quyển sách này. Sau đó, khi suy ngẫm về công trình của những nhà tích hợp hệ thống như Paolo Lugari, linh mục Godfrey Nzamujo, John Todd và Anders Nyquist, tôi nhận thức được tác động to lớn của việc tập hợp những công nghệ thích hợp thành hệ thống nhằm đạt tới một cái gì có tính khả thi về kinh tế, hoàn toàn tự nhiên, khá phức tạp nhưng cũng đồng thời rất đơn giản. Tôi hiểu rằng năng lực của họ đã đưa tôi vào con đường dẫn tới một sự việc nào đó thật đáng giá. Nếu không có hơn một trăm nhà khoa học và doanh nghiệp bỏ nhiều thì giờ giúp tôi, thì tôi sẽ không bao giờ có được tầm nhìn của họ cho mục tiêu của tôi: mô tả việc làm cho logic hệ sinh thái phù hợp với những mô hình kinh tế có thể tạo ra sinh kế ổn định lâu dài và đáp ứng nhu cầu cơ bản của mọi người như thế nào. Rồi cũng cần có sức để theo đuổi công việc khó nhọc này. Trong khi những người hợp tác nhất thời của tôi bỏ rơi mục tiêu bao quát để chọn việc bảo vệ bản quyền vì lợi ích cá nhân, thì tư cách lãnh đạo về mặt đạo
  15. đức của Elie Wiesel [1] , người cố vấn dày kinh nghiệm của tôi, đã giúp tôi đặt trọng tâm vào những giá trị cao hơn. Điều ấy cho phép tôi từ bỏ cách nhìn quá lãng mạn về những loài riêng lẻ đã khiến tôi không chú ý đến khả năng thực sự của các hệ sinh thái và danh mục lớn các cơ hội kinh doanh. Trong thế giới nhiều đổi thay này, tôi đã nhận được sự ủng hộ lớn nhất từ người bạn đời của tôi là Katherina. Hỗ trợ vô điều kiện của vợ tôi đã giúp tôi nhận ra tầm quan trọng của ý tưởng tạo ra việc làm một cách có hệ thống, xác định lại tính cạnh tranh và tạo dựng một cấu trúc kinh tế mới cho cộng đồng thế giới − thay vì tính toán thiển cận về những doanh nghiệp lý tưởng. Nhiều tổ chức trên khắp thế giới đã mời tôi chia sẻ những hiểu biết mới, tham gia đối thoại, đặt trọng tâm cho những đề nghị dự án và xác định các trường hợp ưu tiên. Những cuộc nói chuyện với hội nghị Bioneers at the Bay (bang Massachusetts, Hoa Kỳ – được tổ chức bởi Viện Marion); Hội đồng Quản trị của UNEP tại Nairobi (Kenia); Hội nghị Các bên Tham gia Công ước Đa dạng sinh học tại Bonn (Đức); Hội nghị Thượng đỉnh Các nhà Lãnh đạo Công nghiệp tại New Delhi (Ấn Độ); các chuyên gia ngân hàng và nhà nông tại ngân hàng ABSA ở Stellenbosch (Nam Phi); Nhóm Chuyên gia về Giải pháp cho Biến đổi Khí hậu của Al Gore; Hội nghị của Tổ chức toàn cầu của các nhà lập pháp về một môi trường cân bằng (GLOBE) tại Tokyo (Nhật Bản); Hội nghị của tổ chức LIFT tại Marseille (Pháp); Hội nghị Thường niên của các Kỹ sư (APEI) ở Brazil; Hội nghị Thượng đỉnh của các Tổng Giám đốc Doanh nghiệp APEC tại Singapore; Đại hội đồng Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO) tại Viên (Áo) và Hội nghị Thường niên năm 2009 của Câu lạc bộ Rome tại Amsterdam (Hà Lan) là những lần trao đổi làm giàu thêm kiến thức của tôi. Có lẽ món quà lớn nhất mà tôi nhận được trong thập kỷ qua là vết cắn của một con nhện nâu ẩn dật (brown recluse spider) đã khiến tôi phải chống nạng chín tuần và ngồi xe lăn thêm bốn tuần nữa. Mặc dù điều ấy ngăn cản tôi đi lại trên trái đất để tìm kiếm giải pháp, nhưng
  16. nhờ vậy mà tôi có thời gian ở Marion (bang Masachusetts) để suy ngẫm về những con đường đi tới tương lai. Michael Baldwin, sáng lập viên Viện Marion và Peter Dean, cũng là thành viên ban giám đốc như Baldwin, đã cho tôi một cơ hội hiếm có để suy đi nghĩ lại, trong khi một thế giới mới xuất hiện nơi chân trời của tôi. Chính trong mối quan hệ đúng lúc ấy mà năng lực kết tinh của Peter Dean và Erin Sanborn đã tạo cho dự án này cái nền tảng đáng có từ khi Achim Steiner, giám đốc điều hành Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc, quyết định hỗ trợ nó. Tôi rất biết ơn Achim vì ông tiếp tục ủng hộ nỗ lực nghiên cứu Nền Kinh tế Xanh lam mới nổi. Rồi xuất hiện những biên tập viên như Martha Fielding và Bob Felt, những người có khả năng chuyển hiểu biết của tôi về nền kinh tế mới thành những dòng chữ xuôi chảy mà một lượng độc giả lớn có thể hiểu, không chỉ các nhà chuyên môn thôi. Năm 1979, Aurelio Pecei, nhà sáng lập Câu lạc bộ Rome hoạt động với tư cách một cố vấn cá nhân, đã mời tôi tham dự hội nghị thường niên của câu lạc bộ ở Salzburg (Áo). Ba thập kỷ sau, các thành viên câu lạc bộ cho rằng quyển sách này đáng được gọi là Báo cáo cho Câu lạc bộ Rome, theo truyền thống tốt đẹp của những tác phẩm quan trọng được xuất bản trước đây như Giới hạn của Tăng trưởng [2] và Hệ số Bốn [3] . Đó là một vinh dự khiến tôi phải hổ thẹn. Vì vậy, tôi nhận vinh dự ấy với lòng biết ơn sâu sắc để xứng đáng với những mong đợi ở tôi. Ước muốn lớn nhất của tôi là đóng góp hết sức mình cho tầm nhìn rộng và công cuộc tạo dựng một xã hội bền vững mà các nhà sáng lập Câu lạc bộ Rome đã mô tả. Có nhiều nhân vật chủ chốt trong việc hình thành cuốn The Blue Economy ; nhưng nguồn cảm hứng lớn nhất là đứa con trai tôi, Philipp- Emmanuel, khi mới vừa chào đời đã mở mắt tôi ra, cho tôi một cái nhìn tích cực về tương lai, khơi dậy cái tình cảm tự nhiên khiến bậc cha mẹ cảm thấy có trách nhiệm tạo nên một môi trường thuận lợi, tốt đẹp hơn cho con mình. Hai anh của Philipp-Emmanuel, Carl-Olaf và Laurenz-
  17. Frederik, là những độc giả đầu tiên của quyển sách này. Đứa con gái Chido [4] của tôi hoàn toàn xứng đáng được khen ngợi vì đã chứng minh rằng tất cả những gì trong quyển sách này không phải là điều tưởng tượng. Đó là thực tế đang hình thành, như được mô tả qua các chương của Nền Kinh tế Xanh lam. Điều ấy mang lại hy vọng. [1] Elie hay Eliezer Wiesel (sinh năm 1928 ở Rumani) là giáo sư, nhà vận động chính trị, tác giả của 57 cuốn sách, trong đó có tác phẩm bộ ba “Nigtht”, “Dawn” và “Day” dựa trên trải nghiệm của ông ở trại tập trung Ốt-sơ-ven-xim (Auschwitz). Ông được trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 1986. [2] “The Limits to Growth” của các tác giả Donella H. Meadows, Dennis L. Meadows v.v., xuất bản năm 1972. [3] “Factor four” của L. Hunter Lovins, Amory Lovins và Ernst von Weizsäcker, xuất bản năm 1998. [4] Đứa con nuôi người Zimbabwe, tên là Chido Govero của tác giả.
  18. LỜI TỰA Nếu chúng ta chỉ dạy con mình những gì chúng ta biết, thì chúng chẳng khi nào làm tốt hơn chúng ta được. - Gunter Pauli Trong những năm 1980, khi đọc sách của Lester Brown, người sáng lập Viện Quan sát Thế giới ở Washington DC, và ê kíp làm việc của ông, tôi cảm thấy sự thôi thúc phải giúp mọi người có được kho dữ liệu phong phú về các vấn đề môi trường toàn cầu ấy. Cuộc tiến công mãnh liệt của những thống kê và phân tích xu hướng phát triển tiêu cực dựa trên dữ liệu thu thập ở Washington DC chỉ cho thấy vài tia hy vọng ở chân trời. Vì vậy, tôi đã sáng lập một nhà xuất bản đặc biệt nhằm phổ biến hai quyển niên giám của Viện Quan sát Thế giới là Báo cáo về Tình trạng Thế giới và Những Dấu hiệu của Sự sống đến những độc giả ngoan cố nhất: tập thể doanh nhân châu Âu. Là một nhà doanh nghiệp từng thành lập nửa chục công ty, tôi cũng vừa là một công dân biết lo lắng. Đầu những năm 1990, khi hai đứa con trai của tôi Carl-Olaf và Laurenz-Frederik chào đời, một ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu tôi như thường xảy ra với nhiều người cha, người mẹ trẻ tuổi: chúng tôi muốn để lại cho con mình một thế giới trong tình trạng tốt hơn so với thế giới chúng tôi đã nhận được từ cha mẹ mình. Gần hai thập kỉ sau, khi đứa con đầu của tôi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi phải thú nhận dường như đó là một nhiệm vụ hết sức khó nhọc. Tuy nhiên, lúc con người trở nên chín chắn và nếp nhăn trên khuôn mặt tiết lộ những trăn trở của mình, chúng ta không thể cứ mãi là những công dân lo lắng cho tương lai và hối tiếc về mọi lỗi lầm phạm phải. Tốt hơn, chúng ta nên tập hợp lại, tìm cách đặt nền tảng cho phép thế hệ kế cận đạt được nhiều thành tựu hơn chúng ta. Có lẽ tự do lớn nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho con cái của mình là quyền suy
  19. nghĩ khác và quan trọng hơn nữa, là quyền hành động khác chúng ta. Vì thế chúng ta cần ngẫm nghĩ về những gì là cấu trúc cho tư duy tích cực và nền tảng cho hành động cụ thể mà chúng ta có thể để lại cho các thế hệ tương lai. Đó có lẽ là thách thức lớn nhất đặt ra cho chúng ta. Tin xấu hiện nay không chỉ là tình trạng suy sụp của hành tinh chúng ta. Lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, chúng ta nhận thức được là hệ thống kinh tế cũng đang tan rã. Sớm là một thành viên của Câu lạc bộ Rome, một tập hợp không chính thức của những nhà lập chính sách, học giả, lãnh đạo doanh nghiệp và viên chức quốc tế có nhiều lo lắng, tôi hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc lên tiếng kêu gọi thức tỉnh. Báo cáo Giới hạn của Tăng trưởng do Câu lạc bộ Rome công bố đã vạch rõ cái vòng lẩn quẩn của bùng nổ dân số, suy thoái môi trường, phát triển công nghiệp vô chừng mực và sa sút đạo đức. Với tư cách là người xuất bản Báo cáo về Tình trạng Thế giới bằng một số tiếng châu Âu và thành viên tích cực của Câu lạc bộ Rome trong ba thập kỉ, không khi nào tôi có thể tách rời những kết luận không thuận lợi với sự cần thiết phải hành động tích cực. Tôi bắt đầu công việc với Ecover, một nhà máy sản xuất chất tẩy rửa phân hủy sinh học. Khi ngay cả các hãng lớn nhất cũng công nhận thành phần phân hủy sinh học của chúng tôi – các axit béo trong dầu cọ – là sản phẩm công nghiệp thay thế cho những chất hoạt hóa bề mặt của ngành hóa dầu, thì nhu cầu về chất thay thế này đã tăng vọt lên. Điều ấy kích thích những nhà nông, đặc biệt ở Indonesia, khai phá nhiều khu rừng mưa nhiệt đới rộng lớn để trồng cọ. Hậu quả là nhiều nơi sinh sống của loài đười ươi cũng đã biến mất. Vì vậy tôi cảm thấy buồn bực khi biết rằng tính phân hủy sinh học và khả năng tái tạo không đồng nghĩa với sự bền vững. Trong bài viết đầu tiên về đề tài này công bố năm 1991 tại Seoul (Hàn Quốc), tôi hô hào giới công nghiệp lấy tính hiệu quả của các hệ sinh thái làm chuẩn mực. Sự hoàn hảo của một hệ sinh thái không dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ như nước sạch và không khí trong lành,
  20. bổ sung lớp đất mùn, kiểm soát vi khuẩn và tiến hóa liên tục, luôn luôn tìm giải pháp tốt hơn và hiệu quả hơn. Các hệ thống sinh thái còn là nguồn cảm hứng để thay đổi hệ thống sản xuất và tiêu dùng thải quá nhiều rác của chúng ta. Bài báo giả định rằng trạng thái bền vững chỉ có thể dự kiến được nếu hệ thống kinh tế của chúng ta xóa bỏ khái niệm chất thải và bắt đầu lưu chuyển dưỡng chất và năng lượng theo cách thức của tự nhiên. Sau khi vỡ mộng với Ecover, tôi được GS.TS Heitor Gurgolino de Souza, Hiệu trưởng trường Đại học Liên Hợp Quốc mà Nhật Bản là nước chủ nhà, thách thức về việc phát triển một hệ thống kinh tế chẳng những không tạo ra rác và phát thải mà còn cung ứng việc làm, đóng góp vào vốn xã hội và không đòi hỏi chi phí cao. Tôi chấp nhận thách thức ấy ba năm trước khi Nghị định thư Kyoto được chấp thuận. Vì vậy từ tháp ngà hàn lâm, tôi có cơ hội hình dung cách thức chúng ta mô phỏng sự tương tác vừa sáng tạo vừa tiến hóa giữa các hệ sinh thái tự nhiên, qua đó chất thải của loài sinh vật này là chất dinh dưỡng của loài khác. Sau ba năm nghiên cứu và hợp tác với Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc, Sáng kiến Nghiên cứu Phát thải Số không (ZERI) được thành lập ở Thụy Sĩ với mục tiêu duy nhất là thực hiện những dự án mở đường có thể minh chứng cho một mô hình sản xuất - tiêu dùng khả thi cả về mặt khoa học lẫn kinh tế. Nhân lễ kỷ niệm 10 năm hoạt động khai phá trên khắp thế giới, Ban Giám đốc ZERI đặt làm một bản kiểm kê những đổi mới lấy cảm hứng từ các hệ thống tự nhiên. Khởi điểm chỉ là việc thu thập tài liệu khoa học đã được kiểm định chất lượng và cho phép công chúng sử dụng. Đó là một việc tìm kiếm lãng mạn và hấp dẫn cái nổi bật của những loài góp phần to tát vào đa dạng sinh học. Tuy nhiên, việc ấy nhanh chóng phát triển thành cuộc săn tìm một mô hình kinh tế có khả năng thôi thúc các doanh nhân đưa nhân loại cùng thói quen sản xuất và tiêu dùng của họ vào một con đường khả dụng và bền vững. Khi bắt đầu cuộc tìm kiếm, tôi có cơ hội làm việc với Fritjof Capra để biên tập quyển Steering
  21. Business towards Sustainability (Lèo lái doanh nghiệp theo hướng bền vững) . Dự án ấy đã gây ra một làn sóng ý tưởng mới. Tôi hiểu rằng cuộc tìm kiếm những cơ hội kinh doanh kiểu mới ấy dựa vào niềm tin vững chắc là nếu như tôi miêu tả thành công các mô hình mình dự kiến, điều ấy có thể sẽ truyền cảm hứng kinh doanh cho nhiều người khác. Nhóm điểm sách báo đã phải vật lộn với công việc, đánh giá hàng ngàn bài báo thích hợp trong các xuất bản phẩm khoa học tiếng Anh. Chúng được bổ sung bằng các xuất bản phẩm tương tự viết bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức và Nhật Bản. Nhiệm vụ của tôi là xem xét kỹ từng bài trong số hơn 3.000 bài viết và tưởng tượng những trường hợp nào có thể được dùng để thúc đẩy công nghiệp và thương mại theo hướng bền vững mà không cần trợ giá hay ưu đãi thuế. Tôi cân nhắc xem có thể tập hợp những đổi mới nào thành một hệ thống có khả năng hoạt động theo cách thức của một hệ sinh thái, tôi sắp xếp các phát triển mới của những “đấu thủ” khác nhau thành từng nhóm nhằm sử dụng thật hiệu quả những lực trường tồn được mô tả bởi các định luật vật lý đúng trong mọi trường hợp. Là một doanh nhân ủng hộ sự đổi mới, tôi gởi một danh sách 340 công nghệ chọn lọc cho một ê kíp gồm những nhà chiến lược kinh doanh, chuyên gia tài chính, nhà báo điều tra và nhà lập chính sách công. Động tác này xảy ra trước cuộc suy thoái hiện nay, giữa lúc thế giới còn đang xây dựng lâu đài trên cát bằng tiền bạc không hiện hữu. Suốt thời gian hai năm, tôi gặp nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp ở khắp bốn phương trời. Tôi đã tổ chức hàng chục buổi họp với những nhà phân tích tài chính, phóng viên kinh tế và nhà nghiên cứu chiến lược kinh doanh. Việc ấy đã giúp tôi mài giũa cái logic cho sự lựa chọn cuối cùng mà kết quả là 100 đổi mới quan trọng nhất được liệt kê trong Phụ lục 1. Rồi nạn suy thoái hoành hành. Cuối năm 2008, Liên Hợp Quốc thông báo rằng sự sụp đổ của thị trường tài chính đã cướp mất 50 triệu việc làm ở các nước đang phát triển. Khi ấy, người ta mới thực tế hơn. Tôi không tìm sự thỏa mãn ở việc ghép một tấm ảnh hấp dẫn vào một giải thích khoa học. Tôi cần phải truyền đạt một cái gì tốt hơn tính độc
  22. đáo, thú vị của mỗi loài sinh vật mà chúng tôi xem xét. Một ê-kíp mới đánh giá lại tất cả mọi thông tin chúng tôi có được và xem xét động lực của sự phá sản mô hình kinh tế hiện nay trong ánh sáng những đổi mới mà chúng tôi đã liệt kê. Chúng tôi đã phát hiện con phượng hoàng của nền kinh tế mới, nó dường như chuyển đổi cái logic của những kết quả ngắn hạn và lợi tức phụ thành một logic cho phép một thế giới với nguồn lực giới hạn của nó có thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người bằng những gì có được. Tôi nhận ra một mô hình mới có thể tạo cơ hội độc nhất cho những nhà doanh nghiệp trên khắp thế giới để chuyển đổi hệ thuyết kinh doanh chủ đạo. Đó không phải là việc phát triển dòng vô tính hay thủ thuật biến đổi gien được bảo vệ bởi những bằng sáng chế gần với hành động chiếm đoạt tài nguyên sinh học hơn là sự đổi mới thật sự. Đó là cái logic lan tỏa và tính nhạy cảm của các hệ sinh thái. Danh sách 100 đổi mới nói trên đã lấy cảm hứng từ khả năng tiến hóa không ngừng của các hệ thống tự nhiên nhằm đạt hiệu quả cao hơn, lưu chuyển dưỡng chất và năng lượng mà không lãng phí bất cứ cái gì, đồng thời sử dụng mọi đóng góp và đáp ứng nhu cầu cơ bản của mọi thành viên. Những hiểu biết về logic của các hệ sinh thái đã kết tinh thành nền tảng của quyển sách này, cho phép tôi xác lập khuôn khổ cho Nền Kinh tế Xanh lam và nhận thức rằng biến động kinh tế hiện nay lại hóa ra hay. Có lẽ cuối cùng rồi chúng ta sẽ chấm dứt lối tiêu dùng không thực tế đã đẩy nền kinh tế đến chỗ nợ nần chồng chất. Hô hào công dân tiêu thụ nhiều hơn để thoát khỏi khủng hoảng là một mẫu rập khuôn cái logic vừa mù quáng vừa phỉnh gạt công dân, khiến tất cả chúng ta cũng như các thế hệ tương lai phải mắc nhiều nợ đến nỗi không bao giờ có khả năng hoàn trả. Cách tiếp cận vô liêm sỉ này đã rút hết phương tiện thanh toán tiền mặt của cả thế giới để cung ứng cho giới “kinh tế ngân hàng” thượng lưu và không cấp tín dụng cho ai khác. Những hành động như thế diễn ra dưới đáy một mô hình kinh tế phá sản, một mô hình kinh tế đỏ [1] vay mượn – của tự nhiên và con người, từ tài sản chung của
  23. mọi người – để nợ lại mai sau mà không nghĩ đến việc hoàn trả. Các hệ thống kinh tế quy mô lớn vô độ, luôn tham lam tìm mức chi phí thấp hơn cho mỗi đơn vị sản xuất thêm, tạo ra những khái niệm trù tượng vô ích về các hậu quả không chủ ý. Khủng hoảng kinh tế năm 2008 có nguyên nhân là giới ngân hàng và những người có quyền quyết định trong doanh nghiệp đã dấn thân vào con đường điên cuồng sáp nhập và mua lại, nhân rộng tài sản và vay những món nợ khổng lồ khiến tăng trưởng trở thành thất sách. Đó là câu chuyện về sự thất bại của nền kinh tế dựa vào vay nợ. Để so sánh, trong khi bảo vệ môi trường, mô hình kinh tế xanh (lục) đòi hỏi các công ty phải đầu tư nhiều hơn và người tiêu dùng phải chi trả thêm nhưng chỉ đạt một thành quả kinh tế bằng với hay thậm chí thấp hơn mô hình thông thường. Nếu điều ấy đã là một thách thức giữa lúc kinh tế phồn thịnh, thì trong giai đoạn suy thoái, nó dứt khoát là một giải pháp ít cơ may thành công. Mặc dù có nhiều thiện chí và cố gắng, nền kinh tế xanh (lục) chưa đạt được tính khả thi như mong mỏi. Nhưng nếu đổi màu quang phổ từ xanh lục sang xanh lam, chúng ta sẽ thấy ngoài việc bảo tồn sinh thái, Nền Kinh tế Xanh lam còn đáp ứng các vấn đề bền vững khác. Chúng ta có thể nói Kinh tế Xanh lam bảo đảm cho các hệ sinh thái có khả năng duy trì con đường tiến hóa để tất cả đều có thể hưởng lợi từ nguồn sáng tạo, tính dễ thích ứng và sự phong phú vô tận của tự nhiên. Người có tâm hồn trẻ trung sẽ nắm lấy cơ hội làm ăn, lưu chuyển năng lượng và nguyên liệu theo gương các hệ sinh thái nhằm tăng giá trị và tạo ra nhiều lợi ích trao đổi, biến đổi chúng thành thu nhập và việc làm. Khi chúng ta thực hiện các ý tưởng của Nền Kinh tế Xanh lam thì quyết định của hàng triệu người hành động sẽ thay thế được chế độ kinh tế chỉ huy của vài nhà kiến lập thị trường, một số công ty độc quyền hay sự điều tiết theo pháp lệnh. Một cơ cấu kinh tế - xã hội mới và mạnh mẽ sẽ xuất hiện. Việc tham gia tích cực và nỗ lực hoạt động của công dân là những gì sẽ thay đổi luật chơi, những gì sẽ thực hiện một cuộc chuyển
  24. đổi thực sự. Trong thời điểm lịch sử này, khi rõ ràng lượng sản xuất dầu và thực phẩm đang ở gần tột đỉnh, chúng ta nên lấy cảm hứng và những ý tưởng thiết thực từ các hệ sinh thái vì chúng đã tỏ ra có khả năng sáng tạo và tiến hóa, vượt qua thử thách để sinh tồn. Quyển sách này có mục đích góp phần vào việc thiết kế một mô hình kinh tế mới không chỉ có khả năng đáp ứng nhu cầu của mọi người, mà còn biến đổi cái cấu trúc giả tạo gọi là “khan hiếm” thành ý thức về sự đầy đủ hay ngay cả sự thừa thãi nữa. Trong khi việc phung phí các nguồn vật chất mà bãi rác hiện đại và lò thiêu là những thí dụ tiêu biểu đã đáng trách, thì sự lãng phí nguồn nhân lực hoàn toàn không thể chấp nhận được. Khi số thanh niên thất nghiệp dao động từ 25% ở thế giới công nghiệp đến hơn 50% ở các nước đang phát triển, và nếu các nhà lãnh đạo xem thế hệ kế cận là vô ích – hay tệ hơn nữa, nếu thanh niên và những người thiệt thòi tự xem mình là vô ích – thật dễ tưởng tượng điều ấy có nghĩa gì đối với xã hội toàn cầu. Đó là biểu hiện của một hệ thống suy yếu nặng nề, một xã hội trong cơn khủng hoảng tột cùng, được minh chứng bởi những số thống kê về bạo lực, tội phạm, khủng bố, lạm dụng ma túy, nhập cư trái phép, giáo dục buông thả, cũng như bởi cách đối xử đáng lên án đối với những nhóm người hay cộng đồng đã gặp rủi ro hoặc ít được quan tâm. Abdelsalam al-Majali, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Jordan, nguyên Thủ tướng Jordan, đã từng nói: “ Nên giải thích, không nên áp đặt. ” Nếu mục đích của chúng ta là xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người, chớ không phải làm đầy tài khoản của một vài người, nếu chúng ta sẵn sàng chống rủi ro một cách hữu ích thì những suy xét kỹ lưỡng dựa vào khoa học vững chắc và những trường hợp đã được chứng minh bằng tư liệu có thể giúp chúng ta đạt mục đích đó. Một diễn đàn mạnh mẽ của giới doanh nghiệp nên mô phỏng sự thành công của các hệ sinh thái trong việc loại trừ chất thải và đạt tới tình trạng toàn dụng lao động cũng như khả năng sản xuất tối đa. Nhiều sáng kiến nhỏ trên khắp thế giới có thể đặt nền tảng cho những cơ hội kinh doanh mới,
  25. thúc đẩy sự hình thành một hệ thống kinh tế vĩ mô. Thay vì chờ các nhà lập chính sách đạt thỏa thuận với nhau, phương hướng của chúng ta là giới thiệu những cơ hội mở do tự nhiên tạo ra cho mọi cá nhân ở khắp mọi nơi. Thật lạ lùng khi xã hội hiện đại ít có logic tự nhiên như thế nào. Để làm mát một tòa nhà, tại sao các chuyên gia về điều hòa nhiệt độ lại bơm không khí lạnh [2] “lên”? Muốn làm sạch nước, sao chúng ta lại đổ chất hóa học vào để hủy diệt mọi sự sống? Nhà kính làm ấm không khí, chớ không sưởi rễ cây? Tại sao chúng ta trả hơn 100 đô la Mỹ mỗi kilowatt giờ điện từ một pin gây độc cho môi trường? Khi uống cà phê, chúng ta chỉ hấp thu 0,2% sinh khối và để phần cực lớn kia thối rửa, tạo ra khí metan hay làm cho loài trùn cũng bị căng thẳng bởi độc tố thần kinh gọi là “cafein” như chúng ta. Một trăm ngàn tấn titan khai thác và tinh chế ở nhiệt độ cao bị ném vào bãi rác khi chúng ta thải những dao cạo “dùng một lần”. Loài người sử dụng quá nhiều năng lượng, thải khí nhà kính một cách vô lý và gây tổn hại lớn cho môi trường. Chúng ta khó ngạc nhiên khi phải đối mặt với biến đổi khí hậu. Chúng ta chỉ có thể bào chữa cho những gì chúng ta làm và cách thức chúng ta làm bằng sự thiếu hiểu biết về những hậu quả không chủ ý. Nhưng một khi đã hiểu, chúng ta không chỉ có nhận thức cần cho sự thay đổi mà còn được trao quyền thực hiện nó một cách có ý thức nữa. Chido Govero chưa hề biết cha mình và mồ côi mẹ từ lúc mới lên bảy nhưng đã sớm trở thành một chủ hộ thiếu niên với trách nhiệm nuôi nấng bà ngoại và đứa em nhỏ. Mặc dù một bi kịch như thế có thật nhưng nó rất ít phổ biến. Hàng triệu người, trong số đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, đã chịu đựng sự đối xử tồi tệ để bảo đảm một mức sống tối thiểu. Cũng nhanh chóng như việc học cách sống sót hàng mấy năm trời chỉ bằng một chén đậu phộng mỗi ngày, Chido biết đánh giá cao khả năng phục hồi của các hệ thống tự nhiên. Ở châu Phi, các hệ thống này bị cướp phá bởi lối canh tác vô trách nhiệm của người nhập cư từ châu Âu, họ đã đem theo những truyền thống chỉ thích hợp với vùng ôn đới
  26. bốn mùa và những kỹ thuật không những phá hủy tầng thực vật tự nhiên mà còn xói mòn lớp đất màu mỡ. Nhưng Chido không lên án những sai lầm của quá khứ. Con tôi đã nắm lấy cơ hội khai thác tiềm năng của chất thải cà phê để đạt tới an toàn lương thực và sinh kế cho chính mình cũng như cho các trẻ mồ côi khác ở Zimbabwe. Khi đã có an toàn lương thực và sinh kế thì hành động bất lương – đối với cả những thiếu nữ lẫn hệ sinh thái – có thể không còn nữa. Ước mơ của Chido là thực hiện điều ấy trong cuộc đời mình. Bạn mong đạt được điều gì hơn thế nữa trong cuộc đời mình? Phải chăng bạn chưa muốn trả lời cho tới khi đọc xong quyển sách này? Gunter Pauli La Minoca, Columbia, ngày 10 tháng 1 năm 2010 [1] Ở đây, đỏ có nghĩa là mắc nhiều nợ. [2] Không khí lạnh nặng hơn không khí nóng nên sẽ hợp lý hơn nếu bơm nó xuống.
  27. CHƯƠNG MỘT NHỮNG NGUỒN VĨNH CỬU CHO CÁC THÁCH THỨC CỦA THỜI ÐẠI CHÚNG TA Có người mơ thoát khỏi thực tế. Có người mơ thay đổi thực tế vĩnh viễn. – Soichiro Honda Quyển sách này nói về sự chấp nhận một ý thức mới, một điều không khó lắm, nếu như chúng ta sẵn sàng từ bỏ những lề thói cũ và tiếp nhận những thói quen mới. Nó là tiếng đánh thức những ai trong chúng ta cảm thấy không thể nào bỏ qua các cơ may độc nhất vô nhị được. Các khả năng phía trước chúng ta sẽ có tác động tốt hơn – ngay bây giờ. Phải ngay bây giờ. Sinh thái học bề sâu [1] , văn hóa lưu niên [2] và sự bền vững là những quan niệm đã gieo mầm mống ban đầu của tư tưởng xanh. Các quan niệm ấy dạy cho chúng ta biết đánh giá cao nguyên vật liệu tái tạo trong những cấu trúc và sản phẩm của chúng ta. Mặc dù chúng ta bắt đầu hiểu tầm quan trọng của những quá trình bền vững, nhưng ít ai biết cách làm cho chúng khả thi về mặt kinh tế. Nếu chúng ta bắt đầu hiểu và vận dụng khả năng tuyệt vời, tính kinh tế và sự đơn giản của tự nhiên, thì chúng ta có thể mô phỏng tính tiện dụng gắn liền với cái logic của các hệ sinh thái và đạt kết quả mà những ngành công nghiệp toàn cầu hóa hiện nay không thể nào có được. VẬT LÝ HỌC VÀ TÍNH THỰC TIỄN Vũ trụ của chúng ta là một vũ trụ vật lý. Mọi sự sống và mọi vật quanh ta đều vận hành theo các định luật vật lý hoàn toàn có thể đoán trước được. Mối quan hệ thiết yếu giữa các định luật, lý thuyết vật lý và những điều kiện cần thiết cho việc sản xuất, tiêu dùng và sống còn của chúng ta không được quan tâm cho lắm trong lớp học vật lý hiện tại.
  28. Nhưng chính nhờ quan sát các nguyên lý vật lý học mà chúng ta hiểu được những thay đổi nhỏ của áp suất, nhiệt độ và độ ẩm có thể tạo ra những sản phẩm nổi bật như thế nào. Với vẻ đẹp mắt, sự đơn giản và tính hiệu quả, các sản phẩm ấy làm lu mờ những thành quả của kỹ thuật biến đổi gien. Thay vì dùng thủ thuật tác động vào sự sống sinh học, chúng ta hãy tìm nguồn cảm hứng từ cách thức tự nhiên sử dụng vật lý. Ngay từ một phần tỉ giây đầu tiên của sự sáng thế, vũ trụ và thế giới của chúng ta, rồi đến quá trình tiến hóa của muôn loài đều chịu sự tác động và tạo hình của những lực mạnh mẽ nhất: nhiệt độ và áp suất. Trong khuôn khổ các lực vật lý cơ bản – trọng lực, điện từ, phóng xạ cường độ cao và thấp – các loài sinh vật đã phản ứng, tác động lẫn nhau, đã trải qua quá trình tiến hóa và trở nên đa dạng khác thường. Các hệ sinh thái hình thành được chia sẻ bởi hàng triệu loài độc nhất vô nhị hoạt động trong vương quốc của vật lý và sinh hóa, đồng thời phát triển dần về mặt sinh học. Nếu quan sát mọi vật trong tự nhiên học cách lợi dụng vật lý như thế nào, chúng ta sẽ thấy rất lạ lùng. Có lẽ đó là vì các định luật vật lý không có ngoại lệ, ngược lại với ngữ pháp của ngôn ngữ tự nhiên hay sinh vật học. Mặt trời mọc mỗi sáng, táo rụng xuống đất, những trường áp suất tạo ra gió. Trong lĩnh vực hóa học, tất cả đều thay đổi theo nhiệt độ, áp suất và chất xúc tác. Còn việc cá ngựa đực đẻ con chứng tỏ rằng sinh học lúc nào cũng có ngoại lệ . Nhiều nhà khoa học thừa nhận rằng cách đây mấy tỉ năm, sự sống trên trái đất đã tiến hóa và thích ứng trong điều kiện tương đối ổn định của vùng nước bao quanh, nhiệt độ và áp suất không khí. Mọi loài sinh vật đã học cách hoạt động với những gì hiện có tại chỗ. Được tạo hình bởi các định luật không thể tránh khỏi của vật lý, mọi loài với cuộc hành trình kéo dài hàng tỉ năm trên con đường tiến hóa đã biết cách vượt qua những thách thức để sống còn, chỉ sử dụng những gì chúng có được và làm những gì chúng có thể làm tốt nhất. Khi một đứa trẻ chào đời, trên con đường đi tới cuộc sống riêng biệt,
  29. nó cũng trải qua một sức nén khủng khiếp, phải chui qua một khe chỉ rộng 10 phân để ra ngoài thế giới thở khí trời. Ngực và vai đứa nhỏ bị ép mạnh đến nỗi tất cả chất lỏng bị đẩy ra khỏi buồng phổi. Nhờ phổi trống rỗng, lần đầu tiên đứa nhỏ có thể hít không khí vào. Sức nén ấy là một chuẩn bị không thể thiếu cho đời sống, nó đem lại cảm giác căng thẳng nhưng mặt khác, cũng cho phép thưởng thức vẻ đẹp của sự chào đời. Mọi sự sống đều tương tự như thế. Khi một con bướm rời cái kén, một người quan sát kiên nhẫn sẽ thấy nó phải đấu tranh khó khăn như thế nào, lâu cả mấy tiếng đồng hồ để hoàn tất quá trình biến đổi thành một con vật có cánh xinh đẹp. Trước đây, một số nhà quan sát khoa học đã cắt kén của một con bướm để nó dễ dàng ra khỏi lớp vỏ bọc cứng. Họ nhận thấy con vật không bay được và đã chết non trong chốc lát sau khi ra đời mà không phải chịu đau đớn. Như vậy, sức ép có thể được xem như sự dẫn dắt vào đời, chất xúc tác cho các động lực phức tạp của hình dạng và chức năng, từ sức căng bắp thịt đến khả năng bơm máu của trái tim, đến việc vận động khớp xương và hít thở không khí. Dường như khủng hoảng là một hình thức khác của sức ép có khả năng truyền sinh lực cho chúng ta để đạt những giải pháp mới. Nó cũng nhắc chúng ta nên thưởng thức cái đẹp của cuộc sống. LÃNG PHÍ Sau một tỉ năm tiến hóa các loài, chỉ có con người khôn ngoan ( homo sapiens ) mới tìm cách kiểm soát cân bằng động của tự nhiên vốn chịu tác động của các lực vật lý. Chúng ta thu hoạch năng lượng để sử dụng tùy ý – ban đầu là lửa, rồi đến nhiên liệu hóa thạch và nguyên tử lực. Chúng ta khai thác và nhào nặn vật chất để làm nên phát minh thông thường đáng lưu ý nhưng cũng có khi không được như vậy. Tuy nhiên, những thành tựu của thời đại công nghiệp đã làm căng thẳng sức chịu tải của hành tinh chúng ta. Việc sản xuất hoang toàng và tiêu dùng phung phí đem lại những điều ngoài ý muốn chúng ta và hủy hoại hay gây tổn hại cho những gì các hệ thống tự nhiên đã tạo ra trong hàng ngàn năm. Chúng ta đang ở ngã ba đường và phải xem xét các khả năng
  30. lựa chọn cho tương lai. Chúng ta sẽ sống hòa hợp với Trái Đất và các loài sinh vật ở đó hay tiếp tục hành vi tiêu thụ và phá hủy xấu xa? Chúng ta sẽ chung sống hài hòa và hữu ích hoặc tự tiêu diệt mình như chúng ta đã bắt đầu tiêu diệt nhiều loài khác hay chết ngợp trong sự thừa mứa vô ích và lượng rác thải to lớn của chúng ta? Gần một trăm ngàn loại phân tử khác nhau cấu thành dầu hỏa được sử dụng trong quá trình tổng hợp nhiên liệu, chất dẻo, vật liệu xây dựng hay những sản phẩm khác trong vô số sản phẩm hóa dầu mà chúng ta tiêu dùng hằng ngày. Tuy nhiên, dòng thải kèm theo thành tựu tốt đẹp ấy có thể nhìn thấy khắp mọi nơi. Không còn che giấu được nữa cái giá môi trường phải trả cho việc chiết xuất và tinh chế dầu, cũng như tác động lớn lao đến biến đổi khí hậu của carbonic thải vào không khí và gánh nặng khủng khiếp của chất thải tích tụ từ các sản phẩm hóa dầu. Chất dẻo tạo thành bởi các phân tử nối đồng hóa trị với nhau chắc hẳn là một phát minh đáng kể. Thế nhưng các phản ứng tổng hợp chất dẻo đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ áp suất, nhiệt độ và chất xúc tác, các phản ứng đó tạo ra nhiều sản phẩm cấu thành bởi những đại phân tử rất khó phân hủy. Trong một khu vực rộng lớn ở Thái Bình Dương, chất dẻo thải bỏ đã tích tụ thành những hòn đảo lớn chỉ có thể phân rã dần. Giờ đây hạt chất dẻo đã xen lẫn vào cát bãi biển. Chất thải polyme ngoan cố ấy đã tràn ngập những bãi chôn rác khổng lồ. Bạn thử nghĩ xem: một chai nhựa vứt bỏ có thể tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm trong bãi rác! Chắc chắn chúng ta có thể làm tốt hơn thế. Nhiều ngành sản xuất dựa vào nông nghiệp cũng tạo ra một lượng chất thải quá lớn như thế. Nhà máy bia chỉ sử dụng tinh bột từ lúa mạch và loại bỏ phần còn lại. Trồng lúa chỉ để lấy hạt, những phần khác, nhất là rơm rạ bị xem như chất thải. Bắp canh tác cũng chỉ dùng hạt làm thức ăn gia súc, chất dẻo hay nhiên liệu sinh học. Cả ba ngành sản xuất giành nhau cái hạt nhỏ ấy nên giá bắp tăng vụt. Vì vậy nhiều người dân các nước đang phát triển ở châu Mỹ La tinh không còn khả năng mua arepas hay tortillas , những thức ăn chính để chống đói của họ. Rồi đến
  31. cà phê, ngoại trừ nhân hạt, các phần còn lại đều bị để cho thối rữa; hay việc sản xuất mía chỉ dùng 17% làm đường, còn phần lớn thì đốt bỏ. Đốn cây lấy xenluloza làm giấy, nhưng hơn 70% sinh khối của nó bị thiêu hủy. Đứng đầu danh sách phát thải khí nhà kính là metan thoát ra từ phân bò sữa thối rữa vì không được xử lý. Bất cứ khi nào chúng ta không biết làm gì với “chất thải” thì chúng bị loại bỏ. Điều đó hoàn toàn tương phản với cách thức hoạt động của các hệ sinh thái trong tự nhiên. Đa số các ngành công nghiệp của chúng ta đều tạo ra khối lượng rác rất lớn. So với khu dân cư, lượng chất thải phát sinh từ việc khai thác mỏ, sản xuất và phân phối sản phẩm nhiều gấp 71 lần. Ngoài ra, còn có chất thải hạt nhân, đất trộn lẫn kim loại nặng, nước ngầm nhiễm crom, bãi chôn rác đầy ứ những chai nhựa vứt bỏ. Cặn bã từ sự tiêu dùng của chúng ta được chôn ở những khu đất tập trung và được thiêu hủy khi khối lượng tích tụ quá lớn. Thật giả dối nếu nói rằng đốt rác sẽ tạo ra năng lượng. Phần nhiều rác được thiêu hủy chỉ giảm khối lượng vì nước trong đó bốc hơi. Ngoại trừ nước ra, đa số các thành phần của rác đều tồn lại. Hằng năm ở Hoa Kỳ, ước tính chi phí dành riêng cho việc vận chuyển rác đến các bãi chứa lên đến con số gây sửng sốt là 50 tỉ đô la. Nếu cộng thêm chi phí thu gom, chuyên chở, phân loại và vứt bỏ chất thải từ ngành xây dựng, nông nghiệp, khai thác quặng mỏ và công nghiệp thì phí tổn vượt quá mức khó tin được là một ngàn tỉ đô la. Như vậy, số tiền chi cho rác hàng năm nhiều hơn gói kích thích kinh tế năm 2008 của cả nước Mỹ, và cũng nhiều hơn thâm hụt ngân sách to lớn ở châu Âu do chính phủ các nước này phải bơm số tiền tương đương vào các ngân hàng suy yếu. Trong khi những khoản tiền hỗ trợ hàng ngàn tỉ này được coi là một hoạt động hữu ích cho nền kinh tế quốc gia, thì rõ ràng việc quản lý rác quá tốn kém quả là vô ích và tạo ra những việc làm chẳng khi nào nên xếp vào loại thân thiện với môi trường. Sử dụng đất làm chỗ chứa rác là điều bất hợp lý. Không thể chấp nhận nước rỉ độc hại và chi phí ngăn chận nó – một chi phí mà toàn xã hội phải trả, chớ
  32. các công ty không được yêu cầu phải khấu trừ vào lợi nhuận của họ. Trong hai thế kỷ, mô hình kinh tế phổ biến ấy đã kích thích chu kỳ bất tận của tăng trưởng, tiêu thụ và vứt bỏ, đã nuôi dưỡng sự thèm muốn vô độ của cải vật chất mà để có được xã hội phải mang nợ chồng chất không biết bao giờ mới trả được. Chúng ta quá ham muốn đạt được tất cả bằng tiền vay dễ dàng của ngân hàng và mua những gì chúng ta thường không cần đến. Trong khi đó, nhu cầu to lớn và quan trọng, nhất là của người dân ở các nước đang phát triển lại không được đáp ứng. Mức cầu của thế giới về nước uống và thức ăn hằng ngày đã vượt quá khả năng cung cấp của trái đất cho rất nhiều gia đình. Mặc dù đạt được nhiều lợi ích, các phương tiện hiện có của chúng ta không thể đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người. Lối sống và lòng ham muốn vật chất của chúng ta đòi hỏi phải sản xuất ngày càng nhiều năng lượng hơn với nhiên liệu hóa thạch, hạt nhân và cả hệ thống quang voltaic (cần nhiều năng lượng đầu vào) cũng như tuabin gió (cần điện để khởi động). Chúng ta có thể – chúng ta phải – làm tốt hơn. Trong mười năm qua, nhiều nhà môi trường học và kinh tế học lỗi lạc đã kêu gọi các nước công nghiệp giảm mạnh cường độ sử dụng nguyên vật liệu của mình. Trước khi họ lên tiếng đã có yêu cầu tăng hiệu quả năng lượng được diễn đạt hết sức rõ ràng trong quyển “Hệ số bốn” (Factor Four) của Ernst Ulrich von Weizsäcker, quyển sách đã trở thành một Báo cáo cho Câu lạc bộ Rome. Với khái niệm “dấu chân sinh thái” [3] , William Rees đã cung cấp một phương tiện đánh giá nhu cầu của con người so với khả năng tái tạo của môi trường sinh thái. Khái niệm ấy được đưa vào từ điển thuật ngữ và mô tả việc sử dụng vật chất quá đáng của chúng ta bằng một lối ẩn dụ dễ hiểu. Nếu không thay đổi hành vi, chúng ta cần hơn hai trái đất để duy trì mức sản xuất và tiêu dùng hiện tại cũng như chứa rác thải tích tụ mà chúng ta không thể bỏ ở nơi nào khác. Nền kinh tế đang suy thoái, không phải chỉ vì sự tan rã của thị trường tài chính, nơi mà tiền bạc lưu chuyển một cách bí ẩn. Hệ thống kinh tế của chúng ta bị stress vì thế giới vật chất của chúng ta
  33. hoạt động trên cơ sở những nguồn lực chúng ta không có và rác thải mà chúng ta không biết chôn lấp nơi nào. Có lẽ việc đầu tiên chúng ta cần phải thay đổi là ngưng sản xuất và tiêu dùng những gì không thật sự cần thiết, những gì tạo ra chất thải không ai muốn, nhất là chất thải độc hại cho chính chúng ta và các sinh vật cùng sống với chúng ta trên hành tinh này. CHÀO ĐÓN RÁC THẢI NHƯ THẾ NÀO Có lẽ chúng ta sẽ hiểu việc thải rác không phải là vấn đề chúng ta phải giải quyết. Nếu một sinh vật không tạo ra rác, rất có thể nó không còn sống hoặc ít ra cũng mắc bệnh rất nặng. Vấn đề cần xử lý ở đây là chúng ta đã phung phí rác mà chúng ta thải ra. Bạn hãy lưu ý rằng quá trình biến đổi rác thành thực phẩm vừa tiêu dùng vừa sản xuất năng lượng. Trong khi chúng ta lúc nào cũng tìm nguồn năng lượng cho những ứng dụng thương mại cũng như trong gia đình thì các hệ sinh thái không bao giờ cần nối điện. Không một thành viên nào của một hệ sinh thái phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch hay điện lưới để có đầu ra; và cũng không một hệ thống tự nhiên nào lại xả rác. Trong tự nhiên, chất thải từ quá trình này luôn luôn là chất dinh dưỡng, vật liệu hay nguồn năng lượng cho một quá trình khác. Mọi thứ đều nằm trong dòng dinh dưỡng. Do đó, bằng cách áp dụng các mô hình quan sát được ở một hệ sinh thái, chúng ta có thể tìm thấy giải pháp không chỉ cho các vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn cho tình trạng thiếu hụt trong kinh tế nữa. Có lẽ chúng ta sẽ có khả năng xoay chuyển tình thế lưỡng nan bằng cách mở rộng tầm nhìn của chúng ta và từ bỏ khái niệm chất thải. Với ngành hóa học xanh, polyme có nguồn gốc từ dầu hỏa sẽ được thay thế bằng các hợp chất cao phân tử làm bằng nguyên liệu tự nhiên như tinh bột, axit aminô, đường, linhin, xenluloza và nhiều chất khác nữa. Ngày nay, phải thừa nhận rằng chúng ta có thể lấy cảm hứng từ các hệ thống tự nhiên không những cho sản phẩm mà ngay cả cho quá trình sản xuất nữa. Thay vì đổi một bộ phận hay một thành phần độc hại bằng một yếu tố ít độc hơn, nếu chúng ta mô phỏng cách thức hệ sinh thái tự
  34. nhiên sử dụng mọi thứ thì sẽ đạt được những hệ thống bền vững vừa cung cấp việc làm vừa hiệu quả hơn những ngành công nghiệp thải nhiều rác. Điều đó nghĩa là khi chế tạo một sản phẩm − một màu tự nhiên hoặc một vật liệu xây dựng hay một bề mặt kị nước − chẳng những chúng ta nhận thức được tác động qua lại của nó với môi trường, nhưng còn thành công về mặt kinh tế và giành được thị phần đáng kể nữa. Côn trùng sa mạc, nhện và rong biển hoàn thiện nhiều giải pháp độc đáo có thể thay thế những sản phẩm độc hại thông dụng bằng những sản phẩm có nguồn gốc từ vật liệu tái sinh thực sự. Những giải pháp đó thật quan trọng vì chúng cải thiện rõ rệt đời sống hằng ngày của chúng ta, đồng thời giảm thiểu mức độ ô nhiễm. Các ngành công nghiệp kiểu cũ thải chất độc và hoạt động không hiệu quả sẽ mất sức cạnh tranh và do đó sẽ không còn khả năng sử dụng lao động. Lý tưởng là khi cả quy trình sản xuất, tiêu dùng và sau tiêu dùng đều trở nên bền vững. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho sự chuyển đổi cơ bản sang Nền Kinh tế Xanh lam. Bước đầu tiên là tìm cách chuyển hóa chất thải thành lợi ích kinh tế và nhận dạng những nguồn vào phổ biến, giá rẻ vì chúng ít hoặc không có giá trị đối với các thành viên khác trong hệ thống. Đó là cách thức hoạt động của tự nhiên. Dưới sự lãnh đạo của Hiroyuki Fujimura, công ty Nhật Bản Ebara Corporation bắt đầu theo đuổi một chiến lược “phát thải số không” chẳng để cái gì thành chất thải. Mọi vật − kể cả rác thải − đều phải tạo ra giá trị. Tập đoàn Ebara đã tài trợ và ủng hộ GS. Toshihito Shirai thuộc Viện Công nghệ Kyushu trong cuộc tìm kiếm giải pháp cho việc chế tạo chất dẻo theo logic của dòng thác dinh dưỡng và năng lượng. Shirai và ê kíp của mình đã phát triển một quy trình sử dụng một loại nấm chuyể̉n hóa tinh bột từ thức ăn thừa của nhà hàng thành axit polylactic ở nhiệt độ môi trường xung quanh. Quả thật họ đã tìm ra phương pháp chế tạo chất dẻo từ rác thải nhà bếp! Mặc dù nguyên liệu của họ là tái tạo và có nguồn gốc nông nghiệp, họ không bao giờ
  35. gây khó khăn cho việc cung cấp lương thực chủ yếu như cách sử dụng bắp để sản xuất nhiên liệu sinh học hay chất dẻo phân hủy sinh học. Chất thải cũng không bị vứt ra bãi rác, nơi nó trở thành nguồn phát tán khí metan. Biểu đồ 1. Chất thải thực phẩm: nguyên liệu làm chất dẻo Các nhà lãnh đạo công nghiệp có cơ hội để đạt những kết quả tương tự trong lĩnh vực xà phòng và chất tẩy phân hủy sinh học. Những chất hoạt hóa bề mặt chế biến từ đường ( alkyl-polyglucoses ) và chủ yếu dùng trong công nghiệp dược cho ta loại xà phòng lý tưởng, khác với loại làm bằng dầu cọ. Một khả năng lựa chọn khác nữa là dùng d-limonene, một tác nhân làm sạch chiết xuất từ vỏ quả họ chanh cam. Nếu như ngành công nghiệp từ bỏ việc sử dụng hóa chất và sáp để bảo quản trái cây hàng tháng trời hay vận chuyển trên đường dài, thì “chất thải” từ việc sản xuất nước chanh, cam có thể dùng làm thức ăn gia súc hay nguyên liệu để chế biến péctin (một tác nhân làm đông) và tạo giá trị lớn hơn khi được sử dụng để sản xuất xà phòng thực sự phân hủy sinh học. Ngành chế tạo giấy cũng có khả năng lựa chọn giống như thế. Theo
  36. truyền thống, xenluloza và linhin được xử lý bằng nhóm chất alkali- sulfates. Ngoại trừ xenluloza, quá trình chia tách gỗ truyền thống ấy đốt cháy tất cả mọi thứ bằng phản ứng hóa học, nên chỉ còn sợi gỗ thương mại là đầu ra duy nhất. Còn cặn bã được biết dưới tên “dung dịch đen” (black liquor) thì bị thiêu hủy. Giáo sư Janis Gravitis thuộc Viện Nghiên cứu Hóa học Gỗ ở Riga (Latvia), đã nghiên cứu những quy trình sản xuất giấy khác, kể cả việc tạo ra một nhà máy tinh lọc sinh học nhằm chiết xuất tất cả các thành phần của cây để dùng trong thương mại, từ xenluloza, hemi-xenluloza cho đến linhin và chất béo. Một khi các nhà khoa học và kỹ sư công nghiệp bắt đầu thiết kế những quy trình lưu chuyển chất dinh dưỡng để chất thải của ngành này là nguyên liệu sẵn có cho một ngành khác, thì chúng ta gần đạt tới sự thiết kế toàn hệ thống hơn. Căn cứ vào những khả năng thay thế không có tác động hay sản phẩm phụ (side effect) độc hại, đã đến lúc phải thúc đẩy các nhà khoa học và doanh nghiệp chấp nhận những quy trình sản xuất bền vững. Công nghiệp và thương mại cần được hỗ trợ để có thể nhận biết cơ hội kinh doanh gắn liền với một cách tiếp cận như thế, cũng như thấy rõ giá trị của những môi trường hỗ trợ sức khỏe và đời sống. ĐẠT TỚI SỰ PHONG PHÚ Những người hoài nghi có thể biện luận rằng việc mô phỏng các hệ sinh thái tự nhiên chỉ có thể thành công nếu vượt qua được mọi khó khăn, nhưng trên thực tế, các hệ thống ấy được thiết kế theo một cách khó có thể thất bại. Các hệ thống tự nhiên cung cấp những mô hình sản xuất hiệu quả và tiêu dùng đúng mực có khả năng hoạt động tốt và rất hấp dẫn. Mặc dù chúng ta hết sức ngưỡng mộ và ca tụng một loài sinh vật cá thể, nhưng chính các hệ sinh thái đa dạng trên khắp thế giới mới cho thấy những cách thức hiệu quả để đáp ứng nhu cầu cơ bản của mọi người bằng những gì có được ở địa phương. Đó là một nguyên tắc căn bản của Nền Kinh tế Xanh Lam tương phản với cách thức hoạt động trong giai đoạn hiện tại của lịch sử kinh tế,
  37. khi một hệ thống được thiết kế bằng những gì chúng ta không có. Bạn hãy dừng lại, ngẫm nghĩ: mọi hệ sinh thái đều đạt tới tình trạng tự túc. Mặc dù ban đầu chúng ta có thể cảm nhận sự khan hiếm nhưng nếu nhìn kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy một thực tế phong phú và đa dạng. Càng phong phú chừng nào, nó càng cho nhiều đầu ra hơn với số đầu vào ít hơn và tính đa dạng cũng sẽ lớn hơn. Các hệ sinh thái không phát triển thành cơ chế độc quyền với một ít đấu thủ chi phối tất cả. Chúng phô bày những đặc tính gần với điều kiện thị trường mà nhà sáng lập kinh tế học hiện đại Adam Smith đã đề xuất: hàng ngàn đấu thủ điều chỉnh chính xác hoạt động của mình, như thể có một bàn tay vô hình hướng họ đến sự phân phối và sử dụng nguồn lực tốt nhất. Những kỹ sư và nhà nông học bác bỏ mô hình toàn hệ thống vì cho là nó không thực tế chắc chưa biết đến những dự án đáng lưu ý đã đạt nhiều kết quả ấn tượng. Sản lượng cao với ít vật liệu đầu vào, tiêu dùng năng lượng thấp, và trong đa số trường hợp, hệ thống sản xuất vượt mức nhu cầu. Tăng cường sức khỏe, an ninh lương thực, nước uống là những lợi ích bổ sung – nhưng chẳng phải không quan trọng. Sự lưu chuyển dưỡng chất và năng lượng liên tục từ loài này sang loài khác trong một khuôn khổ do các định luật vật lý tạo ra đã chứng tỏ là nó có thể được áp dụng trong một bối cảnh công nghiệp. Các ngành công nghiệp hiệu quả cao của Nền Kinh tế Xanh Lam có khả năng tạo công ăn việc làm cho mọi người đã bắt đầu hiện ra nơi chân trời. Chúng dựa vào cách thức tự nhiên dùng vật lý và sinh hóa để xây dựng toàn bộ hệ thống hoạt động tốt, lưu chuyển nhiều thực phẩm và năng lượng, chuyển đổi dễ dàng theo một chu trình khép kín không chất thải hay thất thoát năng lượng. Những lực mạnh mẽ như thế không chỉ quy định các thông số của đời sống trên trái đất mà còn giúp phát triển chính cái đời sống ấy nữa. Khi đi từ nhận thức đơn thuần đến việc xem xét một chu trình tái tạo, cả chúng ta cũng có thể có những hành vi và hoạt động thực tiễn nhằm bảo đảm cho nhu cầu cơ bản của mọi người được đáp ứng và hành tinh xanh của chúng ta cùng tất cả các sinh vật
  38. trên đó tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn bao giờ. [1] Khuynh hướng triết học mà A. Naess là đại diện, xem nhân loại là một bộ phận khăng khít của thiên nhiên và cho rằng môi trường cũng có quyền sống và phát triển như con người. [2] Hệ thống thiết kế sinh thái được tạo ra nhằm đưa tính bền vững vào mọi khía cạnh của đời sống con người, đặc biệt chú trọng đến việc quy hoạch, tổ chức và bảo tồn nơi sinh sống lâu dài, cũng như việc sản xuất lương thực, cung cấp điện, phân vùng cảnh quan và xây dựng cơ cấu xã hội tốt đẹp hơn. [3] “Dấu chân sinh thái” so sánh mức tiêu dùng tài nguyên thiên nhiên của một nước, một vùng hay của trái đất với khả năng đáp ứng (tương đương với khả năng tái tạo sinh học) của nước ấy, vùng ấy hay của trái đất.
  39. CHƯƠNG HAI MÔ PHỎNG CÁC HỆ SINH THÁI CHO NỀN KINH TẾ XANH LAM Motanai (Không phung phí thì không túng thiếu) – Tục ngữ Nhật Bản Một nền kinh tế phồn thịnh hết sức cần thiết cho sự bền vững. Nhưng ngược lại, nếu không có tính bền vững thực sự thì không một nền kinh tế nào có thể tiếp tục hoạt động được. Trong ý nghĩa đó, có lẽ bạn sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng giải pháp cho nền kinh tế bất ổn hiện nay nằm trong sự hiểu biết và áp dụng logic của các hệ sinh thái. Lúc nào tự nhiên cũng cho thấy tính kinh tế thực sự − và tính bền vững thực sự. Nếu như chúng ta phát triển kinh tế theo tự nhiên, chúng ta có thể sử dụng năng lượng và tài nguyên một cách hiệu quả và không có chất thải, đồng thời tạo ra hàng trăm triệu việc làm. Các mô hình hệ sinh thái cung cấp chìa khóa cho sự thịnh vượng và phương tiện để chia sẻ với mọi người. Một hệ thống kinh tế lấy cảm hứng từ các hệ sinh thái sẽ hoạt động với những gì có được ở địa phương, chẳng hạn như những nguồn năng lượng tự nhiên thể hiện trước hết và chủ yếu các định luật vật lý. Khoa học vật lý mô tả các lực tiềm ẩn mà mọi loài trên trái đất sử dụng một cách năng động. Sự thông hiểu điều đó là con đường dẫn đến trạng thái bền vững. Chuyển đổi tình trạng suy thoái kinh tế hiện tại bằng cách mô phỏng cái logic nằm trong các hệ sinh thái sẽ cho phép chúng ta đáp ứng các nhu cầu cơ bản và thiết lập Nền Kinh tế Xanh Lam, một nền kinh tế thực sự phồn thịnh. Mô phỏng tính hiệu quả của các hệ thống tự nhiên trong hoạt động và sử dụng vật chất là một phương pháp thực tiễn nhằm đạt tới sự bền vững và tính hiệu quả cao, đồng thời giữ sức cạnh tranh và tạo giá trị gia tăng. Sự lưu chuyển chất dinh dưỡng và năng lượng là một đặc tính hài
  40. hòa khác của hệ sinh thái mà chúng ta rất muốn mô phỏng. Đó là phương pháp mà tự nhiên dùng để biến đổi tình trạng khan hiếm giả tạo thành đầy đủ rồi cuối cùng thành thừa thãi. Chúng ta có thể hình dung thác nhiều tầng như một thác nước, một dòng dinh dưỡng tự chảy mà không cần năng lượng, chỉ cần trọng lực thôi. Nó là một ẩn dụ tượng hình giúp chúng ta hiểu cách thức dưỡng chất được chuyển từ loài sinh vật này sang loài khác, vì lợi ích chung của mọi loài. Chất khoáng hấp thu trong đất nuôi vi sinh vật, vi sinh vật nuôi cây, cây lại nuôi các loài khác, với chất thải của loài này là chất dinh dưỡng của loài khác. Lưu chuyển năng lượng và dưỡng chất theo mô hình thác nhiều tầng dẫn đến sự bền vững bằng cách giảm bớt hoặc bỏ hẳn những đầu vào như năng lượng, đồng thời loại trừ chất thải (và chi phí xử lý), không phải chỉ vì vấn đề ô nhiễm, mà còn vì đó là cách sử dụng vật chất không hiệu quả. Trên khắp thế giới có nhiều thí dụ kinh doanh thành công, vững vàng đã minh họa cách thức nền Kinh tế Xanh lam đem lại lợi ích chẳng những cho đất nước mà còn cả cho người dân nữa, với kết quả là mọi người đều có được an ninh lương thực, an toàn sinh kế và nghề nghiệp. Chúng ta có thể xem biến đổi đáng kể của làng Las Gaviotas trên thảo nguyên Vichada (Columbia) do Paolo Lugari thực hiện. Chúng ta có thể nghiên cứu dự án về an ninh lương thực và sinh kế ở Benin (Tây Phi) được hoàn thành bởi tu sĩ Godfrey Nzamujo. Chúng ta có thể quan tâm đến tầm nhìn rộng của Håkan Ahlsten và cư dân đảo Gotland về việc gìn giữ, phục hưng đất nước và văn hóa của họ; hay nỗ lực của làng Picuris Pueblo trong việc biến gỗ có đường kính nhỏ dễ bắt lửa thành nguyên liệu cho một hệ thống sinh học tổng hợp tạo ra việc làm, lương thực, chất đốt và vật liệu xây dựng một cách lâu dài. Các công việc ấy có điểm chung là sự mô phỏng cái thác nhiều tầng lưu chuyển dưỡng chất của tự nhiên và việc sử dụng những nguồn năng lượng vận hành theo các định luật vật lý. Cũng thế, mỗi công việc đều đạt tới an ninh lương thực và năng lượng, đồng thời tạo ra nhiều lợi ích, gồm cả chi thu lành mạnh, giảm cường độ vật liệu và tiết kiệm năng lượng.
  41. THIÊN ĐÀNG HỒI PHỤC Khi Paolo Lugari đề nghị biến đổi thảo nguyên Vichada ở Columbia thành rừng mưa như xưa, không ai nghĩ điều ấy có thể thực hiện trên cơ sở khoa học đang thịnh hành lúc bấy giờ. Một dải đất thảo nguyên hẹp phía tây sông Orinoco hoàn toàn vô giá trị. Đất chua (độ pH thấp); nước không uống được; đất, nước, không khí đều không dễ tiếp cận. Ai lại muốn mua, dù chỉ một mẫu Anh (acre) thôi? Đất được phân phối với giá hỗ trợ khoảng 2,50 đô la mỗi mẫu Anh. Ngân hàng Thế chấp Trung ương Columbia (Banco Central Hipotecario) tài trợ. Dù không có cả kinh nghiệm lẫn nguồn tài chính, Lugari kiên trì trồng cây, áp dụng một phương pháp sáng tạo để phục hồi đất thảo nguyên khô cằn, cạn kiệt, biến nó thành một vườn Địa đàng tươi tốt với tính đa dạng sinh học nhiệt đới. Ngày nay, một phần tư thế kỉ sau đó, Lugari chào mừng khách đến thăm khu rừng mưa nguyên sinh rộng 20.000 mẫu Anh. Lugari và ê kíp của mình khám phá ra rằng quan hệ cộng sinh giữa nấm rễ (mycorrhizal fungi) và thông Caribe (Pinus caribaea) không chỉ bảo đảm sự sinh tồn của 92% cây giống con mà còn thay đổi những thuộc tính địa lý của cả vùng nữa. Như thế nào vậy? Khi được trồng trong một cơ chất chứa nhiều nấm Pisolithus tinctorius , những cây thông con Caribe tạo ra một khoảng râm mát riêng biệt bảo vệ đất và rễ cây khỏi tia tử ngoại của mặt trời. Mặc dù còn phải chịu stress vì nóng khiến lá thông rụng thành một tấm thảm dầy, thông vẫn phát triển cho tới lớn nhờ được nấm nuôi dưỡng. Thảm lá thông cải thiện độ ẩm của đất, đồng thời giữ những mảnh vụn phân hủy thành com-pốt không bị nước cuốn đi. Điều quan trọng là lớp phủ ấy cũng làm giảm nhiệt độ của đất. Vì khi nước mưa rơi xuống đất nóng, nó không thể thấm qua cả bề mặt xốp nên dễ dàng cuốn trôi đất hơn, gây ra nạn xói mòn. Nhưng nếu đất mát hơn, nước mưa có khả năng thấm vào lớp nền. Như vậy, độ thấm nước của đất tăng lên đã tạo ra một môi trường giữ chặt hạt giống mới. Cùng với sự phát triển của khu rừng mới, tính đa dạng sinh học cũng cao hơn và nước mưa dồi dào hơn. Vùng thảo
  42. nguyên khô cằn với nước uống kém chất lượng và đất quá chua giờ đã trở thành một rừng mưa có nước uống thừa thãi cũng như đất màu mỡ, hết sức thuận lợi cho sự nảy nở tươi tốt của giới thực vật. Biểu đồ 2. Sự cộng sinh giúp phục hồi rừng mưa Khi một nhóm làm phim Nhật Bản đến Gaviotas để ghi lại điều khó tin được đã quan sát thấy những đám mây bay đến gần rồi lơ lửng trên thảo nguyên. Lúc những đám mây này trôi trên phạm vi mát mẻ của khu rừng, họ rất ngạc nhiên vì chứng kiến một cơn mưa gây khoan khoái, dễ chịu. Thật vậy, khu rừng xanh tốt mát hơn cánh đồng hấp thu sức nóng. Khi nhiệt độ mặt đất thấp, hơi nước trong mây dễ ngưng tụ thành mưa hơn. Đã qua rồi 450 năm phát quang, đốt rừng làm rẫy và trồng những loại cỏ xâm hại để nuôi trâu bò, giờ đây trong thiên đàng mới của Las Gaviotas, nấm và cây cối phát triển tốt nhờ sống cộng sinh một cách hài hòa, tạo điều kiện tái sinh cho cả khu rừng. Bất kể những chuyển đổi khí tượng và chất lượng đất đáng kinh ngạc, có lẽ kết quả đáng ca tụng nhất là sự tăng giá trị của đất. Đất có năng suất là đất tốt. Trong thời gian 21 năm, mỗi mẫu Anh đất thảo nguyên
  43. biến thành rừng mưa, nếu chỉ tính nước uống, thực phẩm thu hoạch từ rừng và sinh kế có được, đã tăng giá trị gấp khoảng 3.000 lần. Trước khi phục hồi, cư dân sống quanh vùng Las Gaviotas không có cơ may tìm được việc làm. Họ thường mắc bệnh đường tiêu hóa, không thể có nước uống an toàn và khó tiếp cận dịch vụ y tế. Nhưng chỉ một thế hệ sau thôi, nước đã là tài sản chung được phân phối miễn phí. Nước dư thừa bán cho người giàu ở Bogota – họ sẵn sàng trả số tiền tương đương với giá một chai nước nhập khẩu San Pellegrino hay Evian – đem lại cho Las Gaviota một nguồn thu nhập chưa bao giờ có. Thôi thúc bởi các thành quả của Las Gaviotas: chi thu lành mạnh, danh mục các công nghệ mà giấy phép sử dụng được cấp cho khắp thế giới, tiền lương rộng rãi và phúc lợi cho cộng đồng địa phương với 2.000 dân, William B. Harrison Jr., chủ tịch công ty dịch vụ tài chính JP Morgan đã ủng hộ việc mở rộng diện tích làng từ 20.000 thành 250.000 mẫu Anh. Trên cơ sở phân tích những thị trường mới nổi của JP Morgan, ông đưa ra đề nghị một gói đầu tư trị giá 300 triệu đôla với tổng thống Columbia Alvaro Uribe. Một sáng kiến phát triển như thế có thể tạo ra 100.000 việc làm trong thập kỉ tới, đồng thời cân đối lượng phát thải carbonic của những nước như Bỉ và Hà Lan. Biểu đồ 3. Mô hình Las Gaviotas
  44. Ở nơi mà các dịch vụ công và doanh nghiệp truyền thống chẳng bao giờ đem lại lợi ích cho dân cư địa phương, thì tầm nhìn rộng và công việc mở đường của một người đã đáp ứng được nhu cầu của người dân. Việc chăm sóc xã hội và môi trường theo lý tưởng doanh nghiệp ấy được hoàn thành nhờ đã mô phỏng các quá trình hệ sinh thái. Thành công của Las Gaviotas cho thấy rõ là ảnh hưởng qua lại giữa áp suất, nhiệt độ, sức căng bề mặt, khả năng dẫn nhiệt, từ trường và nhiều hơn nữa đã khiến mưa rơi, cây cối phát triển. Một khi đã hiểu các mối liên kết động và sự nối liền những tấm thảm thêu của tự nhiên thì chúng ta sẽ có được những cách tiếp cận mới. AN NINH LƯƠNG THỰC Ở CHÂU PHI Trung tâm Songhai ở Porto Novo, thủ đô nước Benin, Tây Phi, được quản lý bởi Godfrey Nzamujo, một tu sĩ dòng Dominic. Năm 1985, chỉ một năm sau khi Paolo Lugari triển khai kế hoạch tái trồng rừng Las Gaviotas, cha Nzamujo đảm trách chương trình đẩy lùi nạn đói và cung cấp thực phẩm cho người châu Phi. Chương trình bắt đầu trên vài mẫu Anh đất đầm lầy do cựu tổng thống Benin cấp. Ngày nay, sau một phần tư thế kỉ, nó đã xoay chuyển tình thế, biến suy thoái môi trường thành một hỗ trợ mạnh mẽ cho an ninh lương thực và sinh kế ở châu Phi. Dưới sự hướng dẫn của cha Nzamujo, Songhai phát triển thành một hệ thống lưu chuyển dưỡng chất và năng lượng như thác nước nhiều tầng nhằm đạt những kết quả đáng kể. Nước thải cả xám lẫn đen từ nhà vệ sinh, việc giặt rửa cũng như mọi chất thải của người và thú đều được thu gom vào một bể phân hủy có ba ngăn. Lục bình, một loại cây xâm hại ở địa phương, được cắt nhỏ và cho vào bể phân hủy. Trong đó, hỗn hợp sinh khối tạo ra khí metan, cung cấp năng lượng cho địa phương. Sau quá trình khoáng hóa, phần sinh khối còn lại trở thành đồ ăn cho phiêu thực vật, phiêu động vật và sinh vật đáy; những loài này lại được dùng để nuôi cá trong dự án nuôi trồng thủy sản. Thiết kế bể phân hủy cho phép xử lý sinh khối và sản xuất gas ở mức độ cao, giống như biến đổi đột ngột axit - kiềm trong cơ thể chúng ta để chống vi khuẩn gây hại.
  45. Độ pH chuyển từ axit trong bể phân hủy sang độ kiềm cao ở ao trồng tảo ở gần đó. Bổ sung bởi ánh sáng mặt trời, vi khuẩn kị khí hỗ trợ vi tảo trong việc biến đổi mạnh mẽ CO 2 thành oxy, hoàn thành thiết kế hệ thống của tự nhiên nhằm loại trừ mầm bệnh. Giáo sư George Chan, người đã hiến trọn đời cho việc thiết kế những hệ thống canh tác và quản lý chất thải tổng hợp như thế có thể tự hào về các kết quả ấy. Songhai đối mặt với một thử thách lớn về vệ sinh khác nữa: ruồi nhặng. Mặc dù có tính đến khả năng phun chất hóa học nhưng việc ấy không được phép thực hiện ở một môi trường sản xuất thực phẩm có kỳ vọng đạt nhãn sinh thái. Chiến lược của cha Nzamujo thật khác thường. Cha tìm đến con dòi, ấu trùng của ruồi, để giải quyết vấn đề. Tất cả mọi thứ thải bỏ từ lò sát sinh ở trung tâm Songhai được thu gom vào một khu đặc biệt gồm hàng trăm bồn xi măng vuông chỉ sâu một gang tay và được bao bọc hoàn toàn bởi những con kênh nuôi cá chép. Một tấm lưới khổng lồ bao trùm khu ngoài trời ấy để ngăn chim bay vào. Mắt lưới chỉ lớn vừa đủ cho ruồi lọt qua. Ruồi sinh sôi nảy nở trên những thứ mà lò mổ thải bỏ vì không thể dùng làm đồ ăn được. Đám tiệc dành cho ruồi này đã biến khu đất thành một trại nuôi dòi to lớn với công suất mỗi tháng gần một tấn. Vậy mà không còn thấy một con ruồi nào ở những nơi khác của trung tâm nữa. Mọi con ruồi đều bu lại nơi có cái thứ đối với chúng là món cháo dinh dưỡng ngon lành, ăn ngốn ngấu rồi đẻ vô số trứng. Sau một thời gian, người ta phun nước vào chất thải đã được tiêu hóa phần lớn để dòi nổi lên trên và dễ thu hoạch hơn. Có thể làm gì với dòi ư? Trước hết, người địa phương dùng nó để làm thức ăn rẻ tiền cho cá và chim cút. Cả cá lẫn trứng cút đều góp phần vào việc dinh dưỡng đầy đủ và an ninh lương thực của họ. Tuy nhiên, các enzim trong con dòi lại có tiềm năng tạo giá trị kinh tế lớn hơn. Chúng có đặc tính được chứng minh là chữa lành vết thương bằng cách kích thích tăng trưởng các tế bào sợi. Nhưng làm thế nào để có thể chiết enzim mà dòi vẫn còn sống để nuôi cá và chim cút? Một giải pháp vô
  46. cùng đơn giản: Ngâm dòi trong nước muối thì nó sẽ mửa ra enzim! Đây lại là một thiết kế hệ sinh thái rất khéo léo. Mục tiêu ban đầu của cha Nzamujo là ngừa bệnh bằng một phương pháp trừ ruồi tự nhiên. Giải pháp đó lại cung cấp enzim chữa bệnh một cách tự nhiên và hiệu quả. Trong khi sinh học và sinh hóa của con dòi cho thấy những đặc tính chữa bệnh, theo một giả thuyết mới, các enzim của nó phát ra một xung điện hầu như không thể đo được mà người ta chưa phát hiện vì không có máy móc thích hợp. Xung điện ấy kích thích sự phục hồi tế bào, thúc đẩy quá trình lành bệnh. Con dòi biết cách áp dụng các định luật vật lý (điện và từ tính) để làm vết thương mau lành. Phương pháp chữa trị bằng dòi, đặc biệt cho người mắc bệnh đái đường, được nhiều chính phủ trên khắp thế giới chấp nhận. Một dạng “sạch” – không có dòi – có cơ may được cấp giấy phép nhanh để ra thị trường. Điều này sẽ rất được hoan nghênh vì nguyên nhân chính của các ca giải phẫu cưa cắt ở châu Phi là những vết thương không được chữa trị. MỘT HÒN ĐẢO BỒNG BỀNH GIẤC MƠ Gần một ngàn năm trước, các nhà buôn lớn nhất của Florence và Nga đã xây dựng nhà thờ và kho hàng ở Gotland, một hòn đảo tuy nhỏ nhưng đặc biệt nằm giữa biển Baltic. Đến thăm Visby, thành phố chính trên đảo, du khách sẽ có những ấn tượng khó quên. Bức tường đá lớn bao quanh thành phố không những chứa đựng nhiều tòa nhà và đại giáo đường lịch sử mà còn nhiều truyền thống nữa. Đến thế kỉ hai mươi mốt, cư dân đảo đấu tranh tìm phương hướng đạt sự phồn vinh trong nền kinh tế toàn cầu hóa. Có vẻ như du lịch là khả năng lựa chọn duy nhất. Thật vậy, với gần một triệu khách trong năm, du lịch góp phần lớn nhất cho nền kinh tế của Gotland. Trong kỳ nghỉ hè, số cư dân địa phương tăng gấp mười lần, để rồi lại tụt xuống như cũ trong suốt thời gian còn lại của năm.
  47. Tuy vậy, người dân ở đây lại muốn kiến tạo một tương lai cho quê hương của họ, nhất là cho các thế hệ tương lai; nếu không, các thế hệ này sẽ rời đảo sớm như có thể. Tầm nhìn của họ là xây dựng một cộng đồng bền vững phù hợp với các nguồn lực của địa phương, xứng đáng với bối cảnh những thành tựu lịch sử to lớn của nó và sự công nhận là Thành phố Di sản Thế giới của UNESCO. Theo lời mời của GS. TS. Carl- Göran Hedén, một thành viên của Hàn lâm viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, cộng đồng đã cùng với sinh viên, chuyên gia ngân hàng, nhà lập chính sách, nhà nghiên cứu và doanh nhân làm một bài tập hình dung để tìm giải pháp. Bất cứ quan sát viên nào tìm kiếm những cơ hội phát triển khác với du lịch đều tập trung ngay vào vùng nông thôn. Với những nhà thờ và nhà tư nhân tuyệt đẹp, phong cảnh đồng quê được tạo hình một cách đáng yêu qua nhiều thế kỷ. Một trăm năm trước, khi củ cải đường được du nhập vào đảo, việc sản xuất nó phát triển thành một ngành công nghiệp mới. Tuy nhiên, khi quá trình toàn cầu hóa được củng cố, nhà máy đường phải đóng cửa vì không đủ sức cạnh tranh nữa. Không có khả năng nào khác để tiếp tục nghề nông, ngoại trừ cà rốt. Nổi tiếng với màu hung đỏ, cà rốt Gotland có được vị ngon tuyệt nhờ đất trên đảo có tính kiềm. Mặc dù không gặp vấn đề gì trong khi sản xuất, nhưng việc bán cà rốt từ một đảo nằm giữa biển Baltic là một thách thức. Hơn nữa, những nhà cung cấp các cửa hàng thực phẩm thường loại ra một lượng lớn nông sản không đáp ứng tiêu chuẩn ngặt nghèo của họ. Cư dân đảo đã phát triển một phương pháp sáng tạo dựa vào lợi thế của sự lưu chuyển chất dinh dưỡng trong tự nhiên, đồng thời tạo ra giá trị và việc làm. Håkan Ahlsten, chuyên gia ngân hàng ở địa phương, thích ý tưởng làm một sản phẩm đơn giản: bánh cà rốt nướng. Sẵn có một nguyên liệu dồi dào, tươi tốt để sử dụng, thì không thể nào bỏ qua một doanh nghiệp sản xuất bánh cà rốt được. Sau khi đạt thỏa thuận, họ nhanh chóng tạo một công thức làm bánh cà rốt ngon lành. Bánh nướng Gotland đông lạnh rất được ưa chuộng trên khắp nước Thụy Điển
  48. và ngay cả ở nơi xa xôi như châu Á nữa. Trong vòng năm năm, số lao động ở hiệu làm bánh địa phương đã tăng vọt từ năm lên tới ba mươi. Sáng kiến quan trọng kế tiếp bắt nguồn từ ý muốn đạt giá trị thị trường lớn hơn bằng cách sử dụng toàn bộ vụ mùa cà rốt. Ông Yngve Anderrson, một công dân đáng trọng khác của Gotland, đã đầu tư vào việc thiết kế và xây dựng một trung tâm phân loại cà rốt, nơi mà gần cả sản lượng có thể được tồn kho, phân loại và chế biến bằng máy móc tối tân. Lượng cà rốt to lớn được phân ra nhiều loại riêng biệt bằng máy. Mỗi loại được đóng gói một cách khác, từ cà rốt tí hon đến cà rốt thon dài, cà rốt mập và lùn, đến loại củ có hình dáng khác thường. Đáng ngạc nhiên là cà rốt tí hon rửa sạch và đóng gói trước kia xem như chẳng có giá trị nào trên thị trường vì quá nhỏ, nay lại bán được nhiều gấp bốn lần cà rốt thông thường. Những củ to nhất không được đóng gói mà dùng để ép lấy nước, một thị trường ngách đem lại nhiều lợi nhuận. Thú vị thay, những củ cà rốt to nhất lại cho nhiều nước nhất – 40% nhiều hơn bình thường nếu tính theo thể tích. Thay vì thải bỏ, bã cà rốt được dùng làm đồ ăn lý tưởng cho heo. Việc phân loại cà rốt nhằm tạo giá trị cao hơn lại đặt ra nhiều thách thức lớn. Máy móc chỉ có thể kham nổi việc chế biến toàn bộ sản lượng cà rốt nếu hoạt động đều trong cả năm, chớ không tập trung vào mùa thu hoạch chỉ kéo dài sáu tuần lễ. Tuy nhiên, chế biến suốt 12 tháng đòi hỏi phải đầu tư vào việc làm lạnh kho chứa hàng ở nhiệt độ bất biến là 0 o C. Khi tính khả thi của công cuộc kinh doanh này được chứng minh bằng giá bán cao hơn, thì thách thức kế tiếp là việc đáp ứng nhu cầu năng lượng hết sức lớn lao của hoạt động cả năm. Khi xem các con số và biểu đồ liên quan, ông Yngve Andersson quyết định chấp nhận mạo hiểm, chỉ sử dụng năng lượng gió để cung cấp điện cho xí nghiệp. Toàn bộ hoạt động − từ trữ hàng, phân loại, chế biến, đóng gói, bán ra thị trường cho đến đông lạnh bánh cà rốt − đều dùng phong điện. Tiền đầu tư vào năng lượng gió dễ dàng lấy lại được từ
  49. hoạt động kinh doanh quốc tế. Tổng số lao động sử dụng trực tiếp và gián tiếp lên tới khoảng 250 người. Việc suy tính lại vấn đề cà rốt đã giúp người Gotland có được một cách thức tiến bộ để giảm chi phí, đồng thời tạo ra việc làm và an toàn sinh kế. Việc tìm thấy giá trị ở những gì có được tại địa phương dẫn đến những ngành công nghiệp vững bền, có sức cạnh tranh và có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế, ngay cả khi nền kinh tế ấy thuộc về một đảo biệt lập trên biển Baltic. Dự án cà rốt là một trường hợp gây ấn tượng mạnh nhất, nhưng đó không phải là sáng kiến duy nhất của cư dân đảo. Nhiều bước đột phá khác chứng tỏ tính tiên phong của họ. Việc kết hợp sản xuất bia với bánh mì cũng đáng được khen ngợi. Hãng bia Gotland cung cấp một loại bia ngon tuyệt cho cư dân địa phương. Hèm còn lại từ quá trình sản xuất bia được chở tới hiệu bánh mì để dùng làm bánh mì – lại một thí dụ điển hình nữa của việc chuyển hóa chất thải của một quá trình thành nguyên liệu cho một quá trình khác. Bằng cách sử dụng cái gì có được ở địa phương, việc lưu chuyển chất dinh dưỡng và khích lệ doanh nhân thực hiện những ý tưởng khả thi, cư dân đảo Gotland đã đi trước những người đồng thời của họ hàng mấy năm trời. CÁC GIẢI PHÁP TIẾN BỘ CỦA LÀNG PUEBLO Những đám cháy rừng dữ dội thường trở thành tin thời sự. Hằng năm, nhiều đám cháy rừng đã tàn phá những hệ sinh thái rộng lớn ở miền tây Hoa Kỳ. Cục quản lý đất đai của bang New Mexico đã nhận tài trợ từ chính quyền liên bang để chi trả cho việc loại bỏ gỗ đường kính nhỏ (đến 18cm) ra khỏi đất làng Picuris Pueblo. Dù bị thiêu hủy hay vứt bỏ vào bãi rác, gỗ vụn cũng góp phần làm ô nhiễm không khí vì phát sinh khí carbonic Lynda Taylor và Robert Haspel đề nghị một phương án khác, và làm việc với các già làng Picuris Pueblo để tìm giải pháp lưu chuyển dưỡng chất và năng lượng phù hợp với phong tục tập quán của người Pueblo. Việc loại bỏ gỗ nhỏ nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng được thực hiện nhanh chóng. Phần lớn số gỗ ấy được phơi khô rồi cho vào một
  50. container tái sử dụng và được thiêu đốt không hoàn toàn bằng cách giữ khói lại, nghĩa là biến đổi gỗ thành than củi. Tuy nhiên, vì tôn trọng truyền thống của người Pueblo nên cần phải xóa những dấu vết do xe thu dọn bụi rậm để lại trong rừng. Bổi làm bằng gỗ nhỏ được cấy bào tử một loại nấm bản địa rồi rải lên các dấu vết ấy. Lạ thay, chỉ hai năm sau mọi dấu vết đều biến mất. Các thành viên bộ lạc thu nhặt nấm để làm thức ăn và dùng phần thải bỏ giàu axit aminô làm nguyên liệu chế biến đồ ăn cho bầy bò rừng của gia đình Sam ở tại địa phương. Nhờ có đủ thức ăn cho bầy bò và sự hỗ trợ thường xuyên của Taylor và Haspel, gia đình Sam có thể cung cấp thịt bò rừng cho các thị trường thương mại. Biểu đồ 4. Hệ thống Picuris Publeblo Công việc khởi đầu như một cố gắng làm giảm nguy cơ cháy rừng đã trở thành một hệ thống sinh học tổng hợp tạo ra việc làm, thực phẩm, nhiên liệu và vật liệu xây dựng, đồng thời thay thế hóa chất và xăng. Kinh nghiệm của làng Picuris Pueblo là một thí dụ về phát triển kinh tế dựa vào các hệ thống tự nhiên, sử dụng những gì có ở địa phương và xây dựng trên truyền thống của người bản địa châu Mỹ.
  51. Khi chúng ta thay thế những tiêu chuẩn cũ bằng một hệ thống có khả năng lưu chuyển dưỡng chất và năng lượng, thì một hệ thuyết kinh tế hoàn toàn mới xuất hiện. Những giải pháp khác thường có được từ việc lý giải lại tự nhiên cũng như chức năng của năng lượng và chất dinh dưỡng, những giải pháp ấy cho phép chúng ta đạt hiệu quả sử dụng nguồn lực cao hơn, thiết lập những ngành công nghiệp có sức cạnh tranh, tiếp nhận những đổi mới tạo ra việc làm và giá trị gia tăng. Đó là cách thức các hệ sinh thái phát triển thành những hệ thống ngày càng hiệu quả hơn, sử dụng ngày càng ít năng lượng hơn, cho dù số loài vật cứ tăng lên mãi. Đó là một thác nhiều tầng bao gồm tất cả đã dẫn đến sự phong phú trên mọi bình diện. BÃ MÍA, MỘT GIẢI PHÁP NGỌT NGÀO Những lượng chất thải nông nghiệp khổng lồ mà công nghệ chế biến thực phẩm của chúng ta tạo ra cũng có thể được xử lý khôn khéo bằng cách phản ánh các hệ sinh thái. Lấy thí dụ đường có nguồn gốc chủ yếu từ cây mía. Hàm lượng đường trong cây mía dao dộng trong khoảng 10 - 15%. Như vậy, mỗi tấn đường sản xuất được chỉ là một phần nhỏ của sinh khối cây mía. Thông thường phần chất thải còn lại, tức là bã mía, bị thiêu hủy. Các hệ thống tự nhiên ít khi dùng lửa như một nguồn năng lượng, trong khi con người lúc nào cũng sử dụng nó. Bã mía là một nguồn nhiên liệu vừa rẻ vừa dễ có, nhưng thành phần duy nhất thật sự cung cấp năng lượng là linhin. Các thành phần khác, xenluloza và hemi-xenluloza, chủ yếu thải ra khí carbonic khi thiêu hủy vì chúng cháy mà không cho nhiệt lượng hữu ích. Nếu như chúng ta dùng bã mía để làm giấy, sản phẩm từ giấy và các tông, như đã được thực hiện trên quy mô nhỏ, chắc hẳn chúng ta sẽ đạt kết quả tốt hơn. Loại sợi nhiệt đới này không thích hợp với mô hình quản lý dây chuyền cung cấp hiện tại dựa vào những đồn điền thông và bạc hà rộng lớn trên khắp thế giới. Tuy nhiên, một ước tính cho thấy những con số đáng ngạc nhiên. Với mức sản xuất hàng năm từ 15 đến 30 tấn trên mỗi mẫu Anh, bã mía cho từ 100 đến 200 tấn sợi trong 7
  52. năm, thời gian cần thiết để khai thác những cây thông mọc mau nhất. Về mặt cung cấp sợi, cây mía dễ dàng vượt qua những loại cây ở vùng ôn đới. Như vậy chúng ta bắt đầu thấy có thể sử dụng nguyên liệu tái tạo như thế nào, đồng thời xây dựng những cụm công nghiệp có khả năng hoạt động tốt. Chính vì sự gắn bó với cái logic của những ngành công nghiệp nhiều chất thải (chỉ lấy đường và đốt bỏ bã mía trong trường hợp vừa mới nêu) mà chúng ta đã phải trả giá đắt đỏ bằng sự phát thải carbon nguy hại. Chính sự cả tin vào những tính toán thiển cận đã khiến chúng ta chỉ chiết xenluloza từ cây thông và phung phí 70 đến 80% sinh khối của cây. Còn nhiều thí dụ khác nữa. Việc thu hoạch hạt cà phê loại bỏ một lượng chất thải gây sửng sốt lên tới 99,8% tổng số sinh khối. Theo những nghiên cứu mới nhất về chất thải rắn ở Hoa Kỳ, nếu chi một đô la cho việc xử lý rác thải hộ gia đình thì phải tốn đến 70 đô la để giải quyết chất thải từ nông nghiệp, hoạt động khai thác mỏ và công nghiệp! Bạn hãy tưởng tượng chúng ta sản xuất thực phẩm như tự nhiên: lưu chuyển chất dinh dưỡng qua nhiều giới khác nhau, từ cây đến nấm đến thú vật đến vi khuẩn đến tảo và ngược trở lại, theo nhiều hướng và với nhiều cách kết hợp khác nhau, tùy theo nơi cư trú riêng biệt. Chỉ cần những nguồn năng lượng duy nhất là ánh sáng và trọng lực, lúc nào cũng có sẵn và lại miễn phí! Đây là những tia sáng le lói của một nền kinh tế mới bám chặt vào những mô hình mạnh mẽ lưu chuyển chất dinh dưỡng và thường xuyên tạo ra thực phẩm, chỗ ở, việc làm, năng lượng và thu nhập. CÁC HỆ THỐNG TỔNG THỂ Ở THÀNH PHỐ Mô hình thác nhiều tầng cũng có tác dụng ở những khu phố và khu công nghiệp. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Thành phố Sinh thái ở Kitakyushu, Nhật Bản, đã mọc lên từ những đống đổ nát của bãi chất thải ô nhiễm bên bờ vịnh Dokai mà hồi trước người ta gọi là “Biển Tử thần”. Kitakyushu là một cơ sở sản xuất sắt tăng trưởng nhanh trong thời gian đầu, nhưng khi cạnh tranh quốc tế khiến giá thép hạ thấp,
  53. người ta đã phó mặc nó cho cư dân thành phố. Chính quyền tỉnh đóng vai trò chính trong việc bảo đảm tài trợ cho quá trình chuyển đổi cơ cấu từ công nghiệp nặng sang công nghiệp môi trường. Trong thời gian Toshihiko Shirai làm giám đốc, kế hoạch Thành phố Sinh thái Kitakyushu đã cải tạo cả phần phía đông của khu vực rác thải Hibiki, cũng như phát triển, thúc đẩy các ngành công nghiệp môi trường và các công nghệ tiên tiến. Mỗi năm, hàng ngàn thực tập sinh và tình nguyện viên quốc tế đến Thành phố Sinh thái để học tập những công nghệ “3R” (reduce, reuse, recycle: tiết giảm, tái sử dụng, tái chế) hàng đầu, rồi trở về quê hương của họ xây dựng dự án, chia sẻ bí quyết mới tiếp thu được. Rõ ràng việc nắm lấy thời cơ không chỉ có hiệu quả, mà còn là thiết yếu đối với tầng lớp lãnh đạo chính phủ và công nghiệp. Tuy nhiên, một mô hình kinh tế mới chỉ có thể thành công nếu thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh ở cơ sở. Đây chính là nơi có khả năng truyền cảm hứng cho người chưa được nhận cảm hứng, tiếp cận người chưa được tiếp cận, nơi có cơ hội làm việc chung với những ai thường không nhận được sự quan tâm hay cơ may nào. Điều ấy sẽ thay đổi nhận thức của chúng ta để có thể làm tốt hơn trong thế giới hiện tại. Việc trao quyền cho thanh niên, nhất là những thanh niên lọt vào cái bẫy thất nghiệp và nghèo khó, có thể đạt những thành quả kinh tế to lớn. Cái cấu trúc khan hiếm giả tạo không hấp dẫn đối với những ai phải chịu đựng nó. Nếu bạn không có việc làm, đói khát, yếu đuối hay bị lợi dụng, thì sinh kế không phải là cuộc trò chuyện xã giao. Đó là vấn đề sống còn trước mắt. Nếu hành động theo cách thức của các hệ thống tự nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra nhiều việc làm hơn, đồng thời nâng cao năng suất và cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn lực. Bạn sẽ không bao giờ nghe nói cây, cá hay nấm bị thất nghiệp cả! Xã hội chúng ta có thể đạt tới sự thịnh vượng như thế nào? Làm sao chúng ta có thể thường xuyên nhận được các nguồn tái tạo cho thực phẩm, chỗ ở, sinh kế và sức khỏe? Trong việc phản ánh những phương pháp thành công của các hệ sinh thái, chúng ta có thể bắt đầu lựa chọn
  54. những mô hình có một phạm vi rộng rãi, một xu hướng lưu chuyển, một mục tiêu bảo tồn hành tinh cùng các loài sống trên đó và một tương lai vĩnh cửu. Đó là nền kinh tế đích thực. Khi chúng ta hiểu rõ hệ thuyết ấy, hình ảnh của Nền Kinh tế Xanh Lam sẽ hiện ra như chim phượng hoàng tái sinh từ tro tàn của tình trạng bất ổn kinh tế, thu hút sức mạnh và cảm hứng từ tự nhiên.
  55. CHƯƠNG BA HIỆU QUẢ SỬ DỤNG NGUỒN CỦA TỰ NHIÊN Tự nhiên dệt các tấm vải của mình bằng những sợi dài nhất. Mỗi mảnh vải nhỏ của tự nhiên cho thấy cấu trúc của cả bức thảm thêu. – Richard Feynman CẤU TRÚC VÀ DÒNG CHẢY Chúng ta có thể học những phương pháp đơn giản và thực dụng để tạo ra tiện nghi trong nhà từ các dòng chảy nước và không khí với những đặc chất vật lý tuyệt vời, cũng như từ các hệ thống giản đơn, hài hòa của những loài rất khác nhau như mối, ngựa vằn, bọ sa mạc Namib và trai. Nếu làm theo cái cấu trúc mới ấy, chúng ta có thể đạt nhiều kết quả hơn với ít năng lượng hơn và bảo đảm những điều kiện sức khỏe sẽ tốt hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể loại bỏ nhiều bộ phận và sản phẩm được xem như không thể thiếu trong ngành xây dựng hiện đại. Sao có thể được như thế? Những tòa nhà hoàn toàn khép kín và được cách ly tối đa để tiết kiệm năng lượng ít có khả năng tự điều hòa. Cần phải dùng máy bơm những lượng không khí nhất định qua tòa nhà để giữ sự thoải mái dễ chịu cho người sống nơi đó. Đáng tiếc là hơi ẩm lại tích tụ trong những tòa nhà khép kín, nhất là ở tầng hầm (không khí ẩm nặng hơn nên chuyển động xuống dưới). Phòng ngủ trở nên nóng vì không khí khô, gây khó khăn cho hệ thống hô hấp của chúng ta, trong khi những hạt bụi từ việc sử dụng máy móc điện tử tích tụ lại. Nhiều hạt bụi chứa tĩnh điện. Bọ mạt sinh sôi nảy nở trong những tấm thảm nhờ cửa sổ ba lớp kính với màn lọc tia tử ngoại tạo điều kiện ấp trứng lý tưởng cho chúng. Mạt bụi là loài tương cận nhỏ tí ti của nhện. Chúng sống bằng gầu và vảy da của người. Mạt bụi là một thủ phạm quen thuộc gây các chứng dị
  56. ứng da và bệnh đường hô hấp như bệnh suyễn. Muốn loại trừ bọ mạt phải dùng đến những hóa chất mạnh có thể tồn tại hàng tháng trong tòa nhà khép kín, bên cạnh những hóa chất hữu cơ dễ bay hơi có trong đa số chất keo dùng cho thảm và đồ đạc. Đó không phải là cách thức chúng ta hình dung một tòa nhà sinh thái! Mặc dù chúng ta có thể tiết kiệm 30% năng lượng – thật ra có khả năng tạo ra tất cả điện dùng trong tòa nhà bằng pin mặt trời – nhưng độc tính của những hóa chất đắt đỏ và tình trạng căng thẳng của hệ thống miễn dịch của chúng ta là những tác động phụ ngoài ý muốn. Trái lại, nếu thiết kế tòa nhà hiệu quả năng lượng bao gồm những giải pháp thành công và được áp dụng hàng triệu năm bởi những loài sống trong một nơi cư trú tương tự, thì chúng ta sẽ ghi nhận một sự khác biệt hoàn toàn của những tòa nhà có lợi cho sức khỏe cũng như cách thức hoạt động của các hệ thống trong những tòa nhà ấy. Trong thực tế, những tòa nhà lành mạnh có hiệu quả gấp đôi vì chúng làm giảm chi phí năng lượng và y tế, đòi hỏi ít vốn mạo hiểm hơn cho việc xây dựng và bảo đảm đầu tư sẽ có lãi nhiều hơn. Bằng cách nào vậy? MỐI, BẬC THẦY CỦA DÒNG CHẢY Những nhà nông đầu tiên trên trái đất là mối và kiến. Có lẽ 100 triệu năm trước đây, mối đã đáp ứng được nhu cầu sinh tồn của mình trong điều kiện thời tiết biến đổi. Quá trình thích ứng của chúng thành công nhờ một hệ thống canh tác tương tự như nhà kính trồng rau quả. Chúng đã hoàn thiện một phương pháp điều hòa nhiệt độ và độ ẩm trong tổ, cho phép thu hoạch nhiều nấm, món ăn chủ yếu của chúng. Chúng đã đạt thắng lợi trong an toàn lương thực và chuyển dần từ săn bắt hái lượm sang định canh định cư một thời gian dài trước khi con người khôn ngoan (homo sapiens) xuất hiện. Khả năng kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và khí áp đáng phục ấy tuân theo các định luật vật lý cũng như áp dụng những phép tính phức tạp vào việc canh tác và xây dựng. Mối đã hoàn thiện việc thiết kế những ống thông hơi, nơi không khí trở nên ấm và bay lên phía trên, tạo ra
  57. một độ chênh lệch áp suất trong tổ. Vì tổ mối có những đường ngầm tí ti thông với môi trường xung quanh nên không khí bên ngoài bay vào tổ làm cân bằng áp suất. Điều này minh họa chính xác định luật Newton thứ ba về chuyển động: “Mỗi lực tác động đều có một phản lực ngược chiều với cùng độ lớn.” Nhiệt độ của không khí bay qua các đường ngầm thay đổi rất ít nhờ tác dụng ổn định nhiệt của lớp đất nằm sâu hơn. Vì thế, độ ẩm và nhiệt độ bên ngoài sẽ quyết định lượng hơi ẩm còn lại trong không khí vào tổ nhà kính. Mối biết cách tính toán và xây dựng tổ ở bất cứ nơi nào trên thế giới, ở mọi vùng khí hậu và bảo đảm điều kiện phát triển lý tưởng cho ti thể nấm trắng, nguồn thức ăn bổ dưỡng chính của chúng. Trong những năm 50 của thế kỷ 20, kiến trúc sư Thụy Điển Bengt Warne quan sát tổ mối ở Zimbabwe. Phác họa ban đầu của ông về những dòng chảy không khí trong gò mối, công bố trong quyển På Akacians Villkor (Về điều kiện sống của cây xiêm gai) có vẻ đơn giản nhưng lại là một thách thức đối với khả năng thích ứng của ngành kiến trúc hiện đại. Phải cần đến một kiến trúc sư Thụy Điển khác, Anders Nyquist (người đã từng gặp Warne nhưng chưa bao giờ hợp tác với ông này) để lập những công thức toán học nhằm quy tắc hóa những nhận thức của Warne thành một mô hình mà nếu so sánh với nó, các hệ thống quan trắc khí hậu tự động hiện nay sẽ trở thành lỗi thời. Dựa trên những nghiên cứu về cấu trúc tổ mối, Nyquist khám phá ra rằng có thể thiết kế những tòa nhà tiết kiệm năng lượng được điều hòa nhiệt độ theo nhu cầu của người ở trong nhà mà không phải nhốt họ trong một phòng kín hơi và cách ly hoàn toàn. Nơi nào không khí không lưu thông được, vi khuẩn và vi trùng có hại sẽ sinh sôi nảy nở. Trong một không gian như thế, khi một người hắt hơi thì tất cả mọi người sẽ bị cảm lạnh. Đó không thể là mục đích của tiết kiệm năng lượng! Trường Laggarberg ở Timrå ngay bên cạnh thành phố Sundsvall (Thụy Điển), là một thiết kế của Nyquist dựa vào kỹ năng phi thường của cả loài mối lẫn những nền văn minh cổ xưa trong việc sưởi ấm hoặc