Phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiệp định CPTPP được ký kết: Cơ hội và thách thức

pdf 10 trang Gia Huy 4260
Bạn đang xem tài liệu "Phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiệp định CPTPP được ký kết: Cơ hội và thách thức", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfphat_trien_cac_nganh_cong_nghiep_viet_nam_trong_boi_canh_hie.pdf

Nội dung text: Phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiệp định CPTPP được ký kết: Cơ hội và thách thức

  1. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HIỆP ĐỊNH CPTPP ĐƯỢC KÝ KẾT: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ThS. Trần Khánh Linh Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình là một trong những thỏa thuận thương mại toàn diện và quan trọng nhất được ký kết cho tới nay. Việt Nam, với tư cách là một thành viên của Hiệp định CPTPP, sẽ đứng trước cơ hội được tận hưởng những lợi ích kinh tế to lớn mà Hiệp định sẽ mang lại. Đặc biệt, ngàng công nghiệp Việt Nam được đánh giá là sẽ hưởng lợi nhiều nhất, với hàng loạt thuế quan giảm và xuất khẩu tăng nhiều nhất rơi vào các ngành như thực phẩm, thuốc lá, dệt may, may mặc. Tuy nhiên, các lợi ích này cũng đi kèm với rất nhiều thách thức, liên quan nhiều nhất đến việc cải cách thể chế và pháp luật sao cho phù hợp với các điều khoản đã đặt ra trong Hiệp định và giúp hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh hội nhập. Để có được sự chuẩn bị kịp thời, chính phủ, cùng các cơ quan ban ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, sửa đổi và cải cách cho kịp thời để tận dụng các cơ hội và giảm thiểu các thách thức. Từ khóa: CPTPP, TPP, phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp, Việt Nam. 1. Giới thiệu chung Một trong những hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên đang được quan tâm nhất hiện nay chính là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, gọi tắt là CPTPP). Đây được coi là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, là một trong những thỏa thuận thương mại toàn diện nhất từng được ký kết và bao trùm nhiều lĩnh vực như lao động, sở hữu trí tuệ, môi trường và giảm thuế quan. Mục tiêu của Hiệp định là tạo ra nền tảng cho một sự hội nhập kinh tế sâu rộng và tự do thương mại toàn diện. Ban đầu hiệp định được biết đến với cái tên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP), được ký kết vào tháng 02/2016 với 12 thành viên bao gồm Hoa Kỳ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, và Việt Nam. Tuy nhiên, vào tháng 01/2017, dưới quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất trong khối TPP - đã chính thức rút lui khỏi Hiệp định này, bỏ mặc những cảnh báo rằng nó sẽ trao quyền lãnh đạo thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tay Trung Quốc. Mặc dù Mỹ đã rút lui, 11 nước thành viên còn lại, dưới sự dẫn dắt của Nhật Bản, vẫn quyết định mở lại các cuộc đàm phán và tái thương lượng nhằm cố gắng duy trì những mục tiêu đầy tham vọng của TPP ban đầu (thường được gọi là TPP-12). Các cuộc đàm phán đã kết thúc vào ngày 23/01/2018 tại Tokyo, Nhật, và Hiệp định TPP được điều chỉnh lại – CPTPP – đã được ký kết vào ngày 08/03/2018 tại Santiago, Chile; với sự tham gia của tất cả các thành viên TPP ban đầu (trừ Hoa Kỳ). Hiệp định sẽ có hiệu lực vào 60 ngày sau khi được phê chuẩn bởi ít nhất sáu trong 11 nước thành viên đã ký kết. Hiện nay, các nước đã phê chuẩn Hiệp định bao gồm Mexico, Nhật Bản và Singapore và mới đây nhất Hiệp định đã được Thượng viện Australia phê chuẩn vào ngày 17/10/2018. New Zealand, Canada và bản thân Việt Nam cũng đang hoàn tất những thủ tục cần thiết cho quá trình phê chuẩn hiệp định đổi mới và toàn diện này. Về bản chất, Hiệp định CPTPP vẫn mang “luồng tư tưởng xuyên suốt” và giữ nguyên các nội dung và điều khoản gốc được đàm phán trong Hiệp định TPP ban đầu. Tuy nhiên Hiệp định được điều chỉnh này sẽ 97
  2. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ liên quan (trong đó bao gồm 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng) để đảm bảo sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP. Ngoài các điều khoản bị đình chỉ, có bốn điều khoản vẫn đang được hoàn thiện bởi Brunei, Canada, Malaysia và Việt Nam, riêng với Việt Nam, đó là những ngoại lệ liên quan đến vấn đề xử phạt thương mại. Ngoài ra CPTPP còn hướng tới tăng cường không gian chính sách và sự linh hoạt các quy định thông qua việc bổ sung các điều khoản mới về “rút lui”, “gia nhập” và “rà soát lại” hiệp định. CPTPP được đánh giá là một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới. Hiệp định này sẽ bãi bỏ 98% thuế quan đối với 11 quốc gia thành viên mà cùng nhau chúng chiếm gần 13,5% GDP của nền kinh tế toàn cầu – với tổng cộng hơn 10 nghìn tỷ đô tổng sản phẩm quốc nội và gần 500 triệu dân (thậm chí nếu có sự tham gia của Hoa Kỳ, nó có thể chiếm tới 40% GDP toàn cầu). Vì vậy, Hiệp định CPTPP được cho là sẽ mở ra “cơ hội vàng” cho các doanh nghiệp của các nước thành viên trong việc tiếp cận với các thị trường mới, đem lại thêm thu nhập và việc làm cho các cơ sở kinh doanh và người lao động. Một khi được thông qua và đi vào hiệu lực, Hiệp định này sẽ mang lại tác dụng thúc đẩy sự hợp tác về kinh tế cùng có lợi giữa 11 nước thành viên, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên; đồng thời tăng cường sự kết nối trong khu vực và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của các nước. Việt Nam, với tư cách là một thành viên đã ký kết Hiệp định này, cũng sẽ có cơ hội được tận hưởng những lợi ích kinh tế to lớn mà Hiệp định sẽ mang lại. Đặc biệt, ngàng công nghiệp Việt Nam được đánh giá là sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Đồng thời, nó sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức đi kèm. Vì vậy, bài viết này đi vào tìm hiểu những cơ hội của Hiệp định CPTPP đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp Việt Nam nói riêng, từ đó phân tích những thách thức và đề ra một số chính sách phát triển phù hợp. 2. Lợi ích về kinh tế của CPTPP đối với Việt Nam: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết sẽ là sườn sống cho các cam kết kinh tế và thương mại quốc tế đối với các doanh nghiệp Việt Nam. So với TPP – 12, tỷ trọng GDP của các nước thành viên CPTPP giảm xuống từ 40% còn 13,5% và quy mô thị trường cũng giảm đáng kể từ 822 triệu dân xuống còn 499 triệu theo CPTPP. Tuy nhiên, với ý nghĩa là một hiệp định toàn diện, kể cả không có sự tham gia của Mỹ, CPTPP vẫn được đánh giá là một Hiệp định lớn, quan trọng và sẽ có những đóng góp lớn cho nền kinh tế và thương mại các nước thành viên nói chung và Việt Nam nói riêng, và quan trọng nhất là sẽ dẫn đến nhiều cải cách chính sách cho đất nước. Thậm chí, nhiều chuyên gia nhận định, khi không có Mỹ, CPTPP sẽ giúp các thành viên của mình giảm bớt sự phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc để có một hiệp định thương mại thành công. Ngân hàng thế giới (2018) gần đây đã sử dụng mô hình cân bằng tổng thể khả toán động toàn cầu (CGE) kết hợp với mô hình mô phỏng vi mô để tiến hành đánh giá và so sánh những tác động tiềm năng tới nền kinh tế Việt Nam của 3 hiệp định thương mại được chú ý nhất hiện nay: Hiệp định CPTPP, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương ban đầu (TPP-12) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Theo kết quả mô phỏng của nghiên cứu này, ngay cả khi dựa trển các giả định thận trọng, GDP của Việt Nam ước tính sẽ tăng 1,1% nhờ vào Hiệp định CPTPP tính đến năm 2030. Thậm chí, nếu sử dụng giả định với mức tăng năng suất vừa phải, tăng trưởng GDP sẽ được ước tính lên tới 3,5%. Trong khi đó, đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết CPTPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng 1,32 % hay 1,7 tỷ USD và nếu đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ thì con số này có thể lên đến 2,01%. Những tiêu chuẩn mở cửa thị trường cao trong CPTPP đồng nghĩa với việc các hàng rào thuế quan trong thương mại hàng hóa của Việt Nam sẽ được liên tục dỡ bỏ với gần như 100% biều thuế sẽ được đưa về 0% ngay lập tức hoặc theo lộ trình. Chính xác hơn, mức thuế xuất nhập khẩu bình quân áp dụng cho các 98
  3. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường CPTPP sẽ giảm từ 1,7% hiện nay xuống còn 0,2%. Trong khi đó, các hàng rào phi thuế quan đối với Việt Nam (HRPTQ) tại các thị trường nước ngoài dự kiến sẽ giảm bình quân 3,6 điểm % (tính theo mức thuế theo giá trị - ad valorem) trong trường hợp CPTPP còn các HRPTQ mà Việt Nam áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ giảm 2,9 điểm phần trăm. Với các đặc điểm và ưu đãi về thuế quan như vậy, CPTPP dự kiến sẽ tạo ra những lợi thế lớn cho xuất khẩu Việt Nam. Tuy rằng Mỹ đã rút khỏi TPP nhưng với thị trường có quy mô kinh tế tương đối lớn với 500 triệu dân của các nước CPTPP thì lợi ích đối với Việt Nam vẫn tương đối tích cực. Nhờ Hiệp định CPTPP, thị trường xuất khẩu ở Việt Nam sẽ được đa dạng hóa và Việt Nam sẽ có thêm quyền truy cập vào các thị trường mới hơn và có thể mở rộng xuất khẩu sang các quốc gia như Canada, Mexico và Peru – những nước trước đây Việt Nam không có bất kỳ thỏa thuận thương mại nào. Cụ thể hơn, các chuyên gia cho rằng Hiệp định CPTPP được ký kết sẽ góp phần giúp Việt Nam ký kết thêm ba hiệp định thương mại tự do (FTA) mới với Canada, Mexico, Peru; đồng thời nâng cấp bảy FTA đã được ký kết với các quốc gia thành viên khác của Hiệp ước. Cùng với việc cung cấp tiếp cận thị trường toàn diện cho các nước thành viên bằng cách giảm các rào cản thuế quan và phi thuế quan, CPTPP cũng sẽ giúp phát triển và tăng cường chuỗi cung ứng giữa các quốc gia thành viên. Nhờ vậy, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự hội nhập chuyên sâu hơn với các thị trường ưu tiên. Thật vậy, dưới dự báo của Ngân hàng thế giới (2018), xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng thêm 4,2% hằng năm và nhập khẩu sẽ tăng thêm 5,3% nhờ sự có mặt của CPTPP. Con số này sẽ còn cao hơn nữa và lần lượt đạt các mức 6,9% và 7,6% dưới viễn cảnh kịch bản có năng suất tăng. Xét về lượng hàng hóa, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 13,1 tỉ USD so với kịch bản cơ sản. Đặc biệt, xuất khẩu của các Việt Nam sẽ tập trung vào các nước trong CPTPP, với kim ngạch xuất khẩu tăng lên từ 54 tỉ đến 80 tỉ USD tính đến năm 2030, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu. Bên cạnh những lợi ích về thuế quan và xuất khẩu, các cam kết mạnh mẽ hơn về bảo hộ đầu tư và mở cửa các thị trường dịch vụ trong Hiệp định CPTPP dự kiến sẽ biến Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước nhà, đặc biệt vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang tìm cách thu hút đầu tư như nông nghiệp và các lĩnh vực công nghệ cao. Việc gia tăng dòng vốn FDI này cũng sẽ giúp gia tăng cạnh tranh trong nhiều thị trường dịch vụ, đặc biệt trong các dịch vụ phục vụ sản xuất sẽ mang lại chất lượng cao hơn, giá hợp lý hơn. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nhờ vậy khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, về mặt xã hôi, CPTPP còn được dự đoán là sẽ có tác dụng giảm nghèo tích cực cho nền kinh tế - xã hội của nước nhà. Cụ thể hơn, dưới tính toán của Ngân hàng thế giới (2018), đến năm 2030, Hiệp định này dự kiến sẽ giúp giảm đến 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,50 $/ngày so với kịch bản cơ sở (kịch bản nền kinh tế không có các hiệp định mới nào). CPTPP dự kiến sẽ tạo ra nhiều cơ hội nhất ở những ngành mà người nghèo hiện đang làm việc nhiều nhất, vì vậy sẽ dẫn đến mức tăng lợi ích tương đối lớn nhất cho người nghèo. Thêm vào đó, tất cả các nhóm thu nhập trong nền kinh tế cung được dự báo là sẽ được hưởng lợi, nhưng tập trung nhiều nhất vào nhóm lao động có tay nghề cao và thuộc nhóm có thu nhập cao 60% từ trên xuống. Tất nhiên, việc thiếu đi một thành viên quan trọng là Mỹ trong Hiệp định sẽ làm cho những tác động tích cực của CPTPP đối với Việt Nam cũng giảm hơn so với những gì mà TPP – 12 có thể mang lại, nhất là cơ hội về thuế quan ở thị trường khổng lồ này. Cụ thể là, dưới kịch bản cơ bản, với TPP – 12 , nền kinh tế Việt Nam sẽ còn tăng trưởng cao hơn với mức 3,6% so với mức tăng trường GDP 1,1% với CPTPP. Xuất khẩu có thể tăng lên đến 19,1% và nhập khẩu sẽ tăng đến 21,7% dưới TPP – 12 so với lần lượt các mức 4,2% và 5,3% với CPTPP. Điều này cũng là dễ hiểu vì với sự có mặt của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất trong khối TPP – 12, tác động của Hiệp định đến kinh tế Việt Nam cũng sẽ gia tăng đáng kể. Tuy vậy, nhìn chung, CPTPP vẫn được coi là một Hiệp định toàn diện và mang lại nhiều ích lợi to lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Khi nói riêng về tác động của CPTPP đến các ngành trong nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia nhận định Hiệp định CPTPP có thể sẽ mang lại sự tăng trưởng cao nhất cho các ngành: thực phẩm, đồ uống, thuốc 99
  4. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng lá; may mặc, hàng da; dệt may cùng với tăng trưởng vừa phải ở một số tiểu lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Như vậy, công nghiệp với các ngành trọng điểm như may mặc, thực phẩm, thuốc lá sẽ là ngành có được nhiều cơ hội phát triển và lợi thế trong bối cảnh Việt Nam ký kết Hiệp định CPTPP. Vì vậy, ở phần tiếp theo, tác giả sẽ đi vào tìm hiểu sâu hơn những cơ hội cho các ngành công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh CPTPP được ký kết. 3. Ngành công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định CPTPP được ký kết: 3.1. Tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp trong bối cảnh CPTPP: Trong bối cảnh Việt Nam ký kết Hiệp định CPTPP với 10 quốc gia thành viên còn lại, các mức thuế quan và HRPTQ sẽ được hạ thấp xuống. Cụ thể, với từng ngành, lộ trình cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan dưới tác động của CPTPP từ năm 2015 tới năm 2030 (ước tính) như sau: Hình 1. Rào cản thương mại áp dụng đối với Việt Nam tại các thị trường CPTPP (%) (Nguồn: Ngân hàng thế giới, 2018) Hình 2. Hạn chế thương mại Việt Nam áp dụng đối với các thị trường CPTPP (%) (Nguồn: Ngân hàng thế giới, 2018) 100
  5. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Như vậy, dưới sự có mặt của CPTPP, hầu hết các thuế quan áp dụng cho các ngành ở Việt Nam sẽ được giảm xuống đến mức thấp nhất (còn gần như là 0%). Tuy với ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thuế quan chưa được giảm xuống mức còn 0% nhưng so với mức năm 2015, mức giảm của thuế đối với ngành này cũng được coi là đáng kể (từ gần 10% xuống còn 1-2%). HRPTQ cũng sẽ giảm đáng kể giữa các ngành, đặc biệt là các ngành lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; nông nghiệp và toàn bộ lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ. Dưới các tác động của các cắt giảm thuế quan và HRPTQ như trên, đánh giá của Ngân hàng thế giới (2018) về tác động của Hiệp định CPTPP đến sản lượng, xuất khẩu và nhập khẩu tới các ngành của Việt Nam như sau: Hình 3. Thay đổi về sản lượng, xuất khẩu và nhập khẩu theo các ngành trong CPTPP so với kịch bản cơ sở (tỷ USD) (Nguồn: Ngân hàng thế giới, 2018) Như vậy, với sự cắt giảm thuế quan đáng kể như vậy, đặc biệt là ở các ngành công nghiệp, sản lượng và xuất nhập khẩu cũng sẽ được gia tăng đáng kể. Những ngành được hưởng lợi nhiều nhất với sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong trường hợp CPTPP được ký kết chính là: i) thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; ii) may mặc, hàng da; iii) dệt may. Cụ thể hơn, kết quả mô phỏng của Ngân hàng thế giới (2018) cho thấy dưới sự có mặt của Hiệp định CPTPP, danh mục xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP sẽ tập trung nhiều vào các ngành này với mức tăng lần lượt là 10,1 tỉ USD cho thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; 6,9 tỉ USD cho may mặc, hàng da và 0,5 tỉ USD cho dệt may. Nếu tính trên thị trường xuất khẩu, Hiệp định này còn giúp gia tăng mức độ đa dạng hóa xuất khẩu hơn. Việc các lợi ích kinh tế của CPTPP tập trung vào các ngành này có thể xuất phát từ một thực tế là việc sản xuất các mặt hàng như thực phẩm, may mặc – các ngành sử dụng nhiều lao động và là mặt hàng xuất đặc biệt quan trọng với nhiều nước thu nhập thấp – thường chịu các mức thuế quan thông thương tương đối cao. Vì vậy, việc giảm thuế quan thông qua quyền truy cập ưu đãi (preferential access) từ Hiệp định thương mại tự do này trở nên đặc biệt có giá trị. Việc tăng cường thu hút vốn đầu tư FDI thông qua CPTPP cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế đối với các ngành xuất khẩu trọng điểm như dệt may, da giày, thủy hải sản, từ đó mở rộng các ngành sản xuất nội địa, thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia đối với nhiều ngành nghề. 101
  6. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Sự hưởng lợi từ các ngành công nghiệp đã có sự thay đổi đáng kể khi có và không có sự tham gia của Mỹ trong Hiệp định. Trước đó, với TPP, Việt Nam có rất nhiều cơ hội xuất khẩu hàng dệt may, giày dép và nông sản sang Mỹ, nhưng trong CPTPP, các sản phẩm khác, như thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, sẽ là mục tiêu xuất khẩu chính mới của Việt Nam. Dưới tác động của CPTPP, sản lượng của một số ngành công nghiệp dịch vụ cũng sẽ tăng. Đấy là do mức tăng trưởng và thu nhập cao hơn, cũng như sự gia tăng về nhu cầu cho các dịch vụ liên quan đến thương mại như vận tải, tài chính và các dịch vụ kinh doanh khác. Đặc biệt, việc các cam kết của Việt Nam liên quan đến những dịch vụ tài chính vượt xa những gì đã đồng thuận trong các hiệp định thương mại tự do trước đây sẽ tạo cơ hội mới cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, sự tăng cường tính minh bạch và dễ dự đoán hơn trong việc truy cập các ngành công nghiệp dịch vụ ở Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài hưởng lợi, bao gồm các lĩnh vực chính như: dịch vụ môi trường và kinh doanh dịch vụ. 3.2. Các thách thức và đề xuất chính sách phát triển: Việc ký kết Hiệp định CPTPP không phải chỉ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam mà còn đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Đồng ý với các thỏa thuận và điều khoản được đề ra trong Hiệp định này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ cam kết thúc tiến các quy định và đưa ra nhiều cải cách về thể chế và đầu tư hơn nữa vào đổi mới để phù hợp với những gì CPTPP hướng đến. Đầu tiên, song hành cũng với những lợi ích đạt được gia tăng xuất khẩu, để duy trì những ích lợi này trong dài hạn, cần có sự gia tăng trong hàm lượng công nghệ của hàng xuất khẩu. Quan trọng hơn nữa là việc Việt Nam mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn trên sân nhà. Bên cạnh đó, Việt Nam được xem là có trình độ phát triển thấp nhất trong các thành viên CPTPP và khả năng thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém nên nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa có thể sẽ gia tăng, nhất là ở các lĩnh vực công nghệ cao. Đặc biệt, một số ngành như dệt may, da giày sẽ cần phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ (“từ sợi trở đi”). Đây là một rào cản lớn cho các doanh nghiệp bởi nguồn nguyên liệu đầu vào của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Hàn Quốc và Trung Quốc (2 quốc gia không nằm trong nhóm nước CPTPP). Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam, phối hợp với chính phủ cần tận dụng lợi thế trong sự gia tăng đầu tư nước ngoài – vốn là một lợi ích tiềm năng của Hiệp định – để đổi mới, làm cho xuất khẩu ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hơn, thay vào đó sẽ dựa nhiều hơn vào chuỗi cung ứng trong nước để khắc phục các hạn chế của quy tắc xuất xứ. Các thay đổi này sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng, khuyến khích các công ty tư nhân trong nước hội nhập tích cực hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và do đó thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thứ hai, việc gia tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chuyến hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh hơn sang các ngành công nghiệp thượng nguồn của các ngành được hưởng lợi nhiều như dệt, may mặc và da để tận dụng CPTPP không phải là không đi kèm chi phí. Kinh nghiệm từ việc gia nhập WTO cho thấy Việt Nam đã không thể tận dụng ngay lập tức lợi ích của việc gia nhập Hiệp định này để thu hút và tiếp nhận dòng vốn FDI lớn do thiếu năng lực để tạo điều kiện cho các công ty có liên kết toàn cầu tham gia chuỗi giá trị cao do chi phí hậu cần cao và cơ sở hạ tầng đường xá, điện, cảng biển, dịch vụ hậu cần, còn yếu kém, kèm theo các vấn đề phía sau biên giới. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc cải thiện khả năng kết nối để hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và giữ chi phí thương mại ở mức thấp, đồng thời gia tăng khả năng di chuyển hàng hoá qua biên giới một cách hiệu quả và đáng tin cậy cho các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài trong nước tham gia vào các chuỗi giá trị này. Do đó, Việt Nam cần có sự đầu tư vào một cơ sở vật chất và thể chế tốt, đồng thời cần đưa ra những chính sách khôn ngoan để lựa chọn công nghệ tiên tiến và dòng vốn FDI thân thiện với môi trường nhằm tối ưu hóa tác động của Hiệp định CPTPP này. Ký kết Hiệp định CPTPP sẽ đi kèm các chi phí trong việc tuân thủ, trong đó các nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn các chi phí này đều liên quan đến các các hàng rào phi thuế quan. Mặc dù đã có những tiến bộ gần đây trong cải cách Hải quan và việc thực hiện Cơ chế Một cửa Quốc gia và ASEAN, nhưng chi phí tuân thủ 102
  7. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng về thời gian và tiền bạc để thông quan hàng hoá trước và tại biên giới ở Việt Nam vẫn cao. Do đó, cần có các cải cách chính sách nhằm giải quyết vấn đề nút cổ chai quan trọng này để giúp thực hiện các cam kết không chỉ trong khuôn khổ CPTPP mà cả trong Hiệp định Thuận lợi hoá Thương mại của WTO. Bên cạnh đó, một trong những nội dung quan trong nhất trong thỏa thuận CPTPP là nội dung liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, với chương sở hữu trí tuệ nêu rõ các chế độ sử dụng hợp pháp và an toàn, gia tăng các hình phạt dân sự và hình sự cho việc vi phạm bản quyền và một loạt các quy tắc mới đối với chế độ nội địa của Việt Nam. Hiệp định này còn đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Đặc biệt, CPTPP sẽ sử dụng hệ thống pháp lý ISDS, cho phép các nhà đầu tư và tập đoàn nước ngoài thách thức pháp lý các quốc gia vì vi phạm các cam kết liên quan đến đầu tư. Do đó, việc cái cách thể chế toàn diện để tuân thủ những tiêu chuẩn mạnh mẽ về mặt pháp lý là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, có một lợi thế là việc Mỹ rút khỏi TPP khiến một số điều khoản phức tạp, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư đã bị tạm hoãn để mở đường cho việc ký CPTPP. Nhờ đó, Việt Nam và các thành viên khác có thêm thời gian để điều chỉnh và thích nghi. Tuy nhiên, Hiệp định vẫn sẽ gây áp lực cho Chính phủ Việt Nam về cải cách thể chế kinh tế. Nhằm giúp cho việc hội nhập trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, CPTPP sẽ yêu cầu Việt Nam phải có nhiều cải cách liên quan đến lao động và công đoàn. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi phải có sự hoạt động tích cực của chính phủ, đặc biệt là các thành viên trong Bộ Lao động – Thương binh và Xã Hội Việt Nam trong việc diễn giải và cung cấp các thông tin về cam kết lao động của Việt Nam trong CPTPP tới các cơ quan, tổ chức có liên quan, và tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Hơn nữa, trong Hiệp định CPTPP, phần Chương Lao động là một trong những chương có các cam kết khác so với quy định của pháp luật lao động Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là yêu cầu cho phép thành lập tổ chức của người lao động không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Do đó, chính phủ cần có sự rà soát và đối chiếu các cam kết lao động được quy định trong Hiệp định với pháp luật Việt Nam để phục vụ việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan của Bộ luật Lao động. Một thách thức nữa mà Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt khi Hiệp định CPTPP chính là sự gia tăng bất bình đẳng. Mô phỏng của Ngân hàng thế giới (2018) cho thấy việc thực hiện CPTPP sẽ tạo thêm những tác động tiêu cực nhưng ở mức nhỏ về khoảng cách giới: Đến năm 2030, khoảng cách giới về tiêu dùng hộ gia đình bình quân đầu người sẽ tăng đối với các hộ gia đình trong nhóm 40% thu nhập thấp nhất, đặc biệt các lao động có kỹ năng sẽ tăng 0,25 điểm phần trăm so với kịch bản cơ sở. Do đó, nếu không có sự bổ sung trong các chính sách về giới tương lai, xã hội Việt Nam có thể gia tăng về khoảng cách giới ở mức vừa phải, được gây nên bởi sự gia tăng trong chênh lệch về lương của lao động có kỹ năng. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ đối mặt với các chênh lệch giữa các nhóm thu nhập khác nhau. Tuy tất cả các nhóm thu nhập trong nền kinh tế được dự báo là sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định này, nhưng những lao động có kỹ năng cao trong tốp 60% thu nhập cao nhất sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Như vậy, những người ở các nhóm cao trong phân phối thu nhập sẽ được hưởng lợi nhiều hơn so với người nghèo, vì hiệp định tạo ra nhiều cơ hội kinh tế hơn cho lao động có kỹ năng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng các chính sách điều chỉnh làm công cụ để bù đắp cho những đối tượng bị tụt lại phía sau; đồng thời cần xây dựng các cơ chế hỗ trợ trong nước và kết hợp với đầu tư vào nguồn vốn con người để tận dụng đầy đủ lợi ích từ Hiệp định và tạo thuận lợi cho sự dịch chuyển từ những ngành có mức tăng trưởng âm hay thấp sang những ngành có nhiều cơ hội kinh tế hơn). Nhìn chung, có thể thấy, Hiệp định CPTPP – vốn là một hiệp định thương mại lớn với nhiều nội dung phức tạp và nhiều vấn đề nằm sau đường đường biên giới mà Việt Nam chưa từng cam kết – sẽ đòi hỏi một công tác chuẩn bị kĩ càng và lâu dài. Việc rà soát, sửa đổi hàng loạt các quy định pháp luật trong nước cho phù hợp với các cam kết của CPTPP sẽ là một công việc khổng lồ và phức tạp. Đồng thời, vấn đề đặt ra là làm thế nào để cải cách các thể chế kinh tế phù hợp với CPTPP và làm thế nào để các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp hợp tác với nhau để thực hiện cải cách triệt để và hiệu quả. Như vậy, việc thực thi và thay đổi 103
  8. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng pháp luật theo Hiệp định này đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều bộ, ban, ngành và cả sự tham gia và tham vấn chặt chẽ từ cộng đồng các doanh nghiệp nhằm giúp việc sửa đổi các quy định pháp luật nội địa vừa phù hợp với cam kết trong CPTPP vừa mang lại lợi ích lớn nhất cho doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, việc tham vấn này cần được thực hiện minh bạch, đồng bộ và liên tục, tránh các trường hợp tham vấn rời rạc, tham vấn chỉ tập trung ở một số ngành, một số doanh nghiệp lớn Do đó, trách nhiệm thuộc về các cơ quan nhà nước trong việc tiến hành rà soát, sửa đổi pháp luật trong nước để vừa đảm bảo phù hợp với các cam kết CPTPP vừa có lợi cho Việt Nam trong khi các doanh nghiệp có nhiệm vụ tìm hiểu kỹ các cam kết của CPTPP mà có thể có tác động đến mình đồng thời thực hiện công việc chuẩn bị, điều chỉnh hoạt động kinh doanh thích hợp để có thể tận dụng các cơ hội, đồng thời giảm thiểu các thách thức từ hiệp định. Đặc biệt, quá trình cải cách thể chế trong nước cần bắt kịp với tiến trình chuyển đổi nhanh chóng khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập trong CPTPP, nếu không nó sẽ cản trở Việt Nam khai thác những cơ hội từ hiệp định mang lại. Nếu thực hiện tốt, Việt Nam sẽ có một môi trường kinh doanh cải cách theo hướng minh bạch, bình đẳng và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy tăng cường năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế. 4. Kết luận Sau nhiều năm đàm phán và tái đàm phán vì sự rút lui của Hoa Kỳ, cuối cùng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đã được ký kết vào tháng 3/2018. Đây được coi là một thỏa thuận lớn và tham vọng đối với Việt Nam. Hiệp định CPTPP sẽ vượt ra ngoài các hiệp định thương mại hiện có ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho Việt Nam trong tương lai. Đặc biệt, những lợi ích kinh tế của CPTPP được đánh giá là sẽ tập trung vào các ngành công nghiệp với xuất khẩu gia tăng chủ yếu ở các ngành: thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da và dệt may. Bên cạnh việc mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường, Hiệp định sẽ thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau, qua đó góp phần thúc đẩy sự minh bạch và hỗ trợ việc hình thành các thể chế hiện đại ở Việt Nam. Do đó, đây đang là thời điểm mà các doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam cần tập trung vào việc thực hiện hiệp định này để có thể đạt được các lợi ích một cách toàn diện. Đáng mừng là, có rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu kỳ vọng đạt được những lợi ích từ hiệp định. Theo kết quả một khảo sát toàn diện về doanh nghiệp trên toàn cầu của HSBC, khoảng hai phần ba (63%) doanh nghiệp tại Việt Nam tin rằng hiệp định CPTPP được ký kết vào ngay 9/3/2018 sẽ có tầm ảnh hưởng tích cực lên hoạt động kinh doanh của họ. Chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, CPTPP sẽ tác động tiêu cực và 35% cho rằng hiệp định này không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh của họ. Sự lạc quan của các doanh nghiệp trước bối cảnh CPTPP sẽ góp phần tạo động lực cho quá trình chuẩn bị và thực thi các cam kết đề ra trong Hiệp định này. Một điểm tích cực đáng lưu ý khác đó chính là việc CPTPP có tính ‘mở’, nghĩa là các quốc giá thành viên sẵn sàng đón nhận các nền kinh tế khác tham gia vào Hiệp định trên nền tảng họ đồng ý với những điều kiện của Hiệp định và nhận được sự chấp thuận của các thành viên hiện tại của CPTPP. Hơn nữa đã có nhiều dấu hiệu và tin tức khả quan về việc nhiều quốc gia suy nghĩ đến việc gia nhập Hiệp định này. Tại Mỹ – quốc gia trước đây từng rút lui khỏi CPTPP – có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Mỹ sẽ bỏ quá nhiều lợi ích kinh tế to lớn, thậm chí sẽ phải chịu thiệt thòi khi không gia nhập Hiệp định Tiến bộ và Toàn diện này, từ đó thúc giục việc tái gia nhập của Hoa Kỳ. Bản thân tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố rằng ông có thể xem xét lại việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu ông có thể có được thỏa thuận tốt hơn từ các bên ký kết TPP khác. Các nước thành viên CPTPP cũng thể hiện thái đô hoan nghênh sự tái tham gia của Mỹ, tuy rằng việc Mỹ tái gia nhập sẽ là sự tham gia vào hiệp định mới mà không phải viết lại các điều khoản của. Đồng thời, các quốc gia tham gia CPTPP cũng không loại trừ việc kết nạp thêm các nước muốn tham gia CPTPP. Hiện nay, đã có Vương quốc Anh, Hàn quốc, là thể hiện thái độ hứng thú với việc gia nhập CPTPP và Đài Loan là đang đẩy nhanh kế hoạch tham gia vào CPTPP. Việc “mở rộng” và gia tăng sự tham gia của các nước khác trong Hiệp định CPTPP sẽ góp phần gia tăng các lợi ích mà các quốc gia thành viên có thể đạt được thông qua Hiệp định này. Bởi vậy, chính phủ và doanh nghiệp không phải nên 104
  9. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng chờ đợi bất cứ mà phải sẵn sàng đổi mới và nâng cấp để khi cơ hội mở rộng thị trường xuất hiện là có thể tận dụng ngay. Nói tóm lại, Hiệp định CPTPP với việc giảm các rào cản thương mại, tăng tiêu dùng, sản xuất và xuất khẩu dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam. Tuy nhiên, các cam kết và điều khoản chặt chẽ trong Hiệp định này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải có một sự cải cách toàn diện và mạnh mẽ về thể chế và pháp luật. Để làm được điều đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, các cơ quan ban ngành và đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước để cho quá trình chuyển đổi và hòa nhập được diễn ra kịp thời và mang lại nhiều kết quả tốt đẹp nhất. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Chu Minh Thao (2019). The transformation of Vietnamese Trade Policy. Asia Research Centre, School of Business and Governance, Murdoch University. [2] Ciuriak, D., Xiao, J. & Dadkhah, A. (2017). Quantifying the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership. East Asian Economic Review, 21 (4), 343-384. [3] Gilbert, J. P., Furusawa, T. & Scollay, R. D. J. (2016). The economic impact of Trans-Pacific partnership: What have we learned from CGE simulation? Asia-Pacific Research and Training Network on Trade Working Paper Series, 157. [4] Jackson, J. K. (2016). The Trans-Pacific Partnership (TPP): Analysis of Economic Studies. Congressional Research Service Report. [5] Khan, M.A., Zada, N. & Mukhopadhyay, K. (2018). Economic implications of the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans‑Pacific Partnership (CPTPP) on Pakistan: a CGE approach. Journal of Economic Structures, 7 (2). [6] Lu, S. (2018). Evaluation of the Potential Impact of CPTPP and EVFTA on Vietnam's Apparel Exports: Are We Over-optimistic about Vietnam's Export Potential? International Textile and Apparel Association (ITAA) Annual Conference Proceedings, 47. [7] Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (2018). Đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP đến một số ngành kinh tế của Việt Nam. Lien Viet Post Bank Research Report. [8] Ngân hàng Thế giới (2018). Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Báo cáo thuộc Tập đoàn Ngân hàng thế giới. [9] Peterson Institute for International Economics (2016). Assessing the Trans-Pacific Partnership, Volume 1: Market Access and Sectoral Issues. Peterson Institute for International Economics Briefing. [10] Peterson Institute for International Economics (2016). Assessing the Trans-Pacific Partnership, Volume 2: Innovations in Trading Rules. Peterson Institute for International Economics Briefing. [11] Petri, P. A & Plummer, M. G. (2016). The Economic Effects of the Trans-Pacific Partnership: New Estimates. Peterson Institute for International Economics Working Paper Series 16 – 2. [12] Petri, P. A, Plummer, M. G., Urata, S. & Zhai, F. (2017). Going It Alone in the Asia-Pacific: Regional Trade Agreements Without the United States. Peterson Institute for International Economics Working Paper. [13] Petri, P. A, Plummer, M.G. & Zhai, F. (2012). The Trans-Pacific Partnership and Asia-Pacific Integration: A Quantitative Assessment. Policy Analyses in International Economics 98. [14] PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa (2013). TPP: Cơ hội nào cho Việt Nam. Nhà Xuất Bản Công an Nhân Dân. [15] PGS.TS Tô Trung Thành (2018). Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018. Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam, số 4. [16] Rana, P. B., & Ji, X. (2019). CPTPP: New Key Player in International Trade. RSIS Commentaries, No. 011. Singapore: Nanyang Technological University. 105
  10. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng [17] Tran, D. (2018). Foreign Direct Investment in Vietnam and the Comprehensive and Progressive Trans- Pacific Partnership agreement. Seinäjoki University of Applied Sciences. [18] TS. Nguyễn Xuân Dũng (2008). Công nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. [19] [20] 3780441.html [21] [22] [23] [24] grow.html#d78w6EppBVfSx9Ct.97 [25] [26] VCCI.html [27] [28] [29] [30] [31] 106