Phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

pdf 6 trang Gia Huy 18/05/2022 3930
Bạn đang xem tài liệu "Phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfphat_trien_mo_hinh_kinh_te_chia_se_tai_viet_nam.pdf

Nội dung text: Phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

  1. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH KINH TẾ CHIA SẺ TẠI VIỆT NAM DEVELOPING SHARING ECONOMIC MODEL IN VIETNAM Lê Thế Phiệt Trường Đại học Tây Nguyên; Email: lethephiet@gmail.com Tóm tắt Kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh tế mới phát triển trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thuật ngữ kinh tế chia sẻ hiện nay đang là một trong những chủ đề thu hút được nhiều sự quan tâm của các bên. Tại Việt Nam mô hình kinh tế chia sẻ chưa thực sự phát triển mạnh, chỉ mới xuất hiện cụ thể ở một vài lĩnh vực. Ngày 12/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, hướng tới một nền kinh tế số. Bài viết này sẽ phân tích tình hình phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. Đề xuất các giải pháp nhằm phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong thời gian tới. Từ khóa: Kinh tế chia sẻ, mô hình kinh tế chia sẻ, Việt Nam Abstract Sharing economy has been an emerging economic model in the Industry 4.0 Era. Recently, the terminology of sharing economy is being one of topics attracted many stakeholders’ attention. In Vietnam, the model of sharing economy has not widely developed; yet occured in some fields. On 12th August, 2019, the Vietnamse Prime Minister has approved the scheme to encourage the sharing economy model toward the digital economy. The main aim of this study is to analyze the current development of the sharing economy model in Vietnam. To proposal the appropriate solutions in order to improve the model of Vietnam’s sharing ecconomy in the future. Keywords: Sharing economic, Sharing economic model, Việt Nam 1. Đặt vấn đề Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm cho vấn đề thương mại được toàn cầu hóa, các mô hình kinh doanh mới ngày càng phát triển. Công nghệ số đã tạo ra những mô hình kinh doanh mới mà tiêu biểu trong những năm gần đây là mô hình “kinh tế chia sẻ”. Mô hình này khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng cuối cùng và kết hợp với các yếu tố công nghệ để hợp thành một mô hình kinh doanh. Mô hình này thường do các doanh nghiệp khởi nghiệp khởi xướng, các doanh nghiệp khởi nghiệp không sở hữu bất kỳ một nhà máy hay một kho hàng nào nhưng lại có cả một kho tài nguyên sẵn có trên toàn cầu và luôn sẵn sàng gia nhập vào hệ thống. Mô hình này làm cho hành vi của khách hàng đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ được thay đổi tính chất từ sở hữu đến chia sẻ, việc chia sẻ quyền sử dụng các hàng hóa và dịch vụ mới cũng như các ngành, lĩnh vực mới bắt đầu hình thành tạo điều kiện thuận tiện và hiệu quả hơn cho người tiêu dùng. Động lực hậu thuẫn sự phát triển của kinh tế chia sẻ bao gồm công nghệ thông tin và mạng xã hội, thương mại theo trào lưu xã hội và sự đô thị hóa. Ở Việt Nam, mô hình kinh tế chia sẻ bắt đầu xuất hiện vào năm 2014. Hiện tại, mô hình này đã đi vào cuộc sống, ngày càng được người dân đón nhận và sử dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật quy định các vấn đề liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ chưa hoàn thiện nên đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. Để phù hợp với sự phát triển mới, ngày 12-8-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ được kỳ vọng tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo. Bài viết này nhằm phân tích tình hình phát triển mô hình kinh tế chia sẻ và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. 101
  2. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 2. Cơ sở lý luận 2.1. Khái niệm kinh tế chia sẻ Kinh tế chia sẻ (sharing economy) còn được gọi theo nhiều tên khác nhau như kinh tế cộng tác (collaborative economy), kinh tế theo cầu (on-demand economy), kinh tế nền tảng (platform economy), kinh tế truy cập (access economy), kinh tế dựa trên các ứng dụng di động (app economy),v.v (Cristiano Codagnone and Bertin Martens, 2016). Kinh tế chia sẻ được manh nha vào năm 1995 tại Mỹ với mô hình ban đầu có tính chất “chia sẻ ngang hàng” nhưng không rõ rệt. Mô hình kinh doanh này thực sự phát triển mạnh mẽ khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng năm 2008, khiến người dân buộc phải thay đổi cách tiêu dùng để thích ứng với bối cảnh khó khăn. Kinh tế chia sẻ là một hệ thống kinh tế trong đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ giữa các cá nhân thông qua mạng Internet. Kinh tế chia sẻ là một hệ sinh thái kinh tế - xã hội được xây dựng nhằm chia sẻ các nguồn lực vật chất và con người trong thiết kế, sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ giữa các cá nhân và tổ chức khác nhau. Như vậy, không có một định nghĩa chung cho tất cả mọi trường hợp hay mọi quốc gia. Tuy nhiên nhìn chung, mô hình kinh tế chia sẻ là một phương thức tổ chức các giao dịch kinh tế nhằm sáng tạo giá trị dựa trên lợi thế của phát triển công nghệ số giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng. Để thực hiện được mô hình kinh tế chia sẻ đòi hỏi mọi dịch vụ phải được tiêu chuẩn hóa và số hóa làm nền tảng để mở rộng trên quy mô và phạm vi lớn, tạo nên sự kết nối giữa các bên cung cấp dịch vụ và trung gian trên toàn thế giới; cần phải có dữ liệu đầy đủ về các bên cung cấp dịch vụ; có tâm lý sẵn sàng chia sẻ giữa những người tiêu dùng, đặc biệt là sự tin tưởng vào công nghệ kỹ thuật số và có trách nhiệm với việc phát triển dịch vụ kinh tế chia sẻ; quy định pháp lý tạo hành lang cho kinh tế chia sẻ. Các bên tham gia mô hình kinh doanh này gồm 3 nhóm chính như sau: Hình 1: Các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ Thứ nhất là nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ gồm các cá nhân, hộ đăng kí kinh doanh, các doanh nghiệp tham gia sản xuất, tiêu thụ và cung ứng hàng hóa hoặc dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lời; Thứ hai là nhà cung cấp nền tảng (trung gian) là các cá nhân, hộ đăng kí kinh doanh, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng trung gian kết nối giữa người sử dụng hàng hóa, dịch vụ và người cung cấp sản phẩm/ dịch vụ trên phạm vi trên toàn thế giới thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị di động; Thứ ba là khách hàng hay người sử dụng hàng hóa/ dịch vụ là những cá nhân hay tổ chức mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cuối cùng cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, tổ chức. 2.2. Các mô hình kinh tế chia sẻ Hiện nay, trên thế giới có nhiều doanh nghiệp kinh doanh dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ. Những mô hình nổi bật thuộc nền kinh tế chia sẻ có sự lan tỏa nhất định trên toàn cầu có thể kể tới như: 102
  3. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 Nền tảng Uber: Đi tiên phong trong mô hình kinh tế chia sẻ, các nền tảng gọi xe trực tuyến Uber được xem là những biểu tượng rõ ràng nhất của kỷ nguyên cách mạng công nghệ. Nền tảng Uber tận dụng nguồn tài nguyên ô tô, xe gắn máy ít được đưa vào lưu thông và người lao động không kiếm được việc làm trong cộng đồng. Thời gian đầu, Uber chỉ kinh doanh trong lĩnh vực xe hạng sang, sau đó mở rộng ra các lĩnh vực khác như xe bình dân, xe SUV, vận chuyển Tham gia mô hình này, chủ sở hữu xe ô tô, xe gắn máy thực hiện việc đăng ký trên nền tảng, làm bài kiểm tra khả năng lái xe. Khách hàng muốn đặt xe thông qua nền tảng này sẽ click vào nền tảng Uber, chọn địa chỉ nơi đi, nơi đến và nhấn nút đặt xe, ứng dụng này sẽ lựa chọn ngẫu nhiên một phương tiện gần với khách hàng nhất. Khi đã kết nối, lái xe và người đặt xe liên lạc và thông báo điểm đón thông qua điện thoại di động. Sau sử dụng dịch vụ, người lái xe và người sử dụng dịch vụ cũng có thể đánh giá lẫn nhau trên nền tảng công nghệ (Đào Đăng Kiên, 2016). Mô hình RelayRides: Đây là mô hình chia sẻ xe ô tô trong cộng đồng, tận dụng nguồn tài nguyên đang bị lãng phí là những chiếc xe ôtô được tư nhân sở hữu. Công ty nhận được sự đầu tư của gã khổng lồ Google thông qua Quỹ đầu tư riêng – Google Ventures. Khách hàng có thể thuê xe theo giờ hoặc theo ngày.Giá đặt ra trên nền tảng RelayRides thấp hơn giá của các công ty cho thuê xe khác khoảng 35%. Kết thúc quá trình giao dịch, người thuê và người cho thuê có thể đánh giá lẫn nhau (Đào Đăng Kiên, 2016). Mô hình Airbnb: Mô hình Airbnb chia sẻ nhà ở cho người đi du lịch, tận dụng nguồn tài nguyên đang lãng phí là những căn phòng không dùng đến. Thông qua nền tảng này, chủ sở hữu căn nhà cho thuê và người thuê nhà sẽ gặp được nhau và ký kết hợp đồng thuê nhà. Khách du lịch có thể thuê một căn phòng, nguyên một căn nhà hoặc một lầu với dịch vụ của Airbnb. Giá thuê nhà định ra trên nền tảng Airbnb luôn thấp hơn giá thuê phòng khách sạn khoảng 3 lần (Đào Đăng Kiên, 2016). Mô hình TaskRabbit: Là một ứng dựng trên di động để mọi người có thể thuê người khác làm việc hay thực hiện những nhiệm vụ được giao từ giao hàng đến những việc lặt vặt tại công sở. Tất cả ứng cử viên sẽ được phỏng vấn và kiểm ra xuất xứ nhân thân trước khi đưa vào danh sách chờ nhận việc. Người có nhu cầu cần làm việc sau khi hoàn thành công việc sẽ được thanh toán online. Kết thúc công việc, người lao động và người thuê cũng có cơ hội đánh giá lẫn nhau (Đào Đăng Kiên, 2016). Mô hình KickStarter: Còn gọi là mô hình gọi vốn từ cộng đồng để thực hiện các dự án, cho phép nhà phát triển, kinh doanh, sáng tạo có khả năng đem dự án của mình ra huy động vốn từ những người tiêu dùng thông thường trên mạng internet. Hình thức này khác rất nhiều so với mô hình huy động vốn cổ điển, như phải lập dự án, luận chứng kinh tế để thuyết phục các nhà đầu tư. Mô hình của Kickstarter giới thiệu trực tiếp các dự án đầu tư đến với người tiêu dùng và huy động vốn trực tiếp từ những “khách hàng tương lai” của dự án này. Những dự án trên Kickstarter được phân loại thành nhiều ngành, bao gồm từ phim ảnh, thiết kế nghệ thuật, sản phẩm tiêu dùng cho đến dự án phần mềm game. Người cấp vốn có thể thu lại những sản phẩm như áo phông, phần mềm sử dụng, sản phẩm mẫu của dự án mà họ cấp vốn, tùy theo mức tiền mà họ bỏ ra để ủng hộ. Mô hình này thu hút sự tham gia của số đông những người trẻ khởi nghiệp. Số vốn KickStarter đã thu hút cho hơn 100.000 dự án đạt gần 1 tỷ USD (Đào Đăng Kiên, 2016). Mô hình cho vay trong cộng đồng Peer lending: Peer lending thực sự được biết đến rộng rãi nhờ sự ra mắt của hai công ty, Zopa của Anh vào năm 2005 và Prosper của Mỹ vào năm 2006. Đây là những công ty Peer lending đầu tiên trên thế giới, nơi người đi vay và người cho vay không cần thông qua ngân hàng mà vẫn hoàn toàn có thể giao dịch trực tiếp với nhau thông qua một nền tảng ứng dụng công nghệ cho hoạt động vay ngang hàng. Nền tảng đánh giá người vay thông qua dữ liệu quá khứ và tập hợp dữ liệu thu thập được từ nhiều nguồn để đưa ra mức độ an toàn của khoản vay. Các khoản vay trên nền tảng này thường có lãi suất thấp hơn nhưng người cho vay lại thu được nhiều hơn gửi vào ngân hàng, theo công ty là do chi phí tổ chức của công ty thấp hơn của ngân hàng (Đào Đăng Kiên, 2016). Bartering giữa các doanh nghiệp: là phương pháp trao đổi hàng hóa và dịch vụ trực tiếp để lấy hàng hóa và dịch vụ khác mà không cần tới phương tiện trao đổi (tức không sử dụng tiền). Hoặc các 103
  4. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 doanh nghiệp có những kỹ năng chuyên môn riêng biệt có thể thực hiện đào tạo cho một nhóm doanh nghiệp, chia sẻ kỹ năng của mình, nhận về thông tin hữu ích Thị trường chia sẻ doanh nghiệp với doanh nghiệp có thể còn lớn hơn so với thị trường chia sẻ giữa người dân (Nguyễn Đình Luận, 2019). Car Pooling – đi chung xe: Mô hình này xuất hiện vào năm 1970 khi giá xăng tăng cao, thịnh hành ở Đức vào cuối thế kỷ XX, với đặc điểm của xã hội là những người đi làm phải di chuyển khá xa, cần phải dùng xe ô tô, chi phí xăng rất cao. Vì thế, người dân đi chung xe với nhau để tiết kiệm tiền di chuyển. Tại Đức, mô hình car pooling phổ biến đến mức quốc gia này đã xây dựng một làn đường riêng dành cho các xe chở đông người (Nguyễn Đình Luận, 2019). 3. Thực trạng phát triển kinh tế chia sẻ tại Việt Nam 3.1. Thực trạng các mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam Mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam xuất hiện khá muộn và chưa phát triển mạnh mẽ như nhiều nước trên thế giới. Nhưng theo khảo sát của Công ty Nielsen - một công ty đa quốc gia hàng đầu về thông tin và đo lường, thực hiện với hơn 30.000 người tiêu dùng trực tuyến trên 60 quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, châu Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi và Bắc Mỹ vào năm 2014 về đo lường và đánh giá hành vi người tiêu dùng đối với mô hình kinh tế chia sẻ, cho thấy, kinh tế chia sẻ ở Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn. Theo khảo sát, cứ 4 người Việt Nam được hỏi thì có 3 người cho biết, họ thích ý tưởng về mô hình kinh doanh này; có tới 76% người được hỏi sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ, cao hơn rất nhiều so với con số 66% đối với người tiêu dùng toàn cầu (Nguyễn Đình Luận, 2019). 40% 32% 32% 28% 30% 18% 20% 12% 13% 14% 10% 0% Thailan Philipines Indonexia Việt Nam Malaixia Singapore Global Hình 2: Tỷ lệ người tiêu dùng từ chối cho thuê tài sản các nhân để tăng thu nhập Nguồn: Kết quả khảo sát ở hình 2 cho thấy chỉ có 18% người tiêu dùng được hỏi tại Việt Nam từ chối chia sẻ tài sản cá nhân của mình để tăng thêm thu nhập. Thực tế hiện nay một số mô hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện tại Việt Nam trong đó nổi lên các loại hình dịch vụ như vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng Cụ thể: Đối với dịch vụ vận tải: Theo số liệu thống kê của của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, đến năm 2017, có tới tận 25.000 xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi đã được cấp phù hiệu và có đến 24.000 chiếc đang tham gia mạng lưới của Uber và Grab; trong khi đó, số xe taxi truyền thống chỉ bằng 46% so với số xe tham gia mạng lưới của Uber và Grab. Tại Hà Nội, tính đến 20/12/2017, GrabTaxi có 11.474 xe tham gia thí điểm trên địa bàn, chiếm 90,67% số lượng Xe được cấp phép hoạt động trên địa bàn toàn thành phố (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, 2018). Đối với dịch vụ cho vay ngang hàng: Tại Việt Nam, mô hình này xuất hiện vào năm 2016 và hiện có khoảng gần 10 công ty như: Huydong.com, Tima, SHA, Mobivi, vaymuon.vn (Khanh Đoàn, 2018). Đối với dịch vụ du lịch và khách sạn: Các công ty cung cấp ứng dụng nền tảng lĩnh vực này là Airbnb, Expedia, Gotadi Theo ước tính, đến cuối 2017 có khoảng hơn 6.500 cơ sở tham gia Airbnb ở Việt Nam cùng với đó còn có nhiều cơ sở kinh doanh chia sẻ phòng đăng ký ở các ứng dụng khác như Booking.com trong việc phát triển dịch vụ tìm và đặt phòng, Klook cung cấp dịch vụ tìm và đặt các 104
  5. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 tour du lịch, Triipme cung cấp dịch vụ tìm kiếm tourgiude, porter người địa phương, (Nguyễn Đình Luận, 2019). Đối với dịch vụ ăn uống: mô hình này có Foody, một startup cung cấp dịch vụ tìm kiếm và đánh giá các địa điểm ăn uống trên cả nước (Nguyễn Đình Luận, 2019). Đối với dịch vụ về lao động và việc làm: Các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực cung cấp thông tin về tuyển dụng lao động kết nối giữa bên có nhu cầu lao động và bên có việc làm thông qua các nền tảng công nghệ là các trang website như Vietnamworks.com, Careerlink.vn, Timviecnhanh.com Trong những năm gần đây, theo nghiên cứu của Jobstreet, tỷ lệ người lao động tìm việc làm sử dụng kênh trực tuyến là khoảng 47%. Đối với dịch vụ thương mại điện tử: Có thể phân loại 04 mô hình thương mại điện tử chính như sau: (i) Thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C), Tại Việt Nam, có các doanh nghiệp như adayroi.com, lazada.vn, ; (ii)Thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), hình thức này thực hiện thông qua các sàn giao dịch điện tử, có một số sàn giao dịch như: Gocom.vn, Bizviet.net, vietnamesemade.com , trong kinh doanh nông sản có một số sàn như “Sàn giao dịch tôm Việt”, Sàn giao dịch nông nghiệp, thực phẩm, thủy hải sản sạch Việt Nam GCAECO, Sàn Giao Dịch Vật Tư Kỹ Thuật Nông Nghiệp AloAri. (iii) Thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với nhà nước (B2G) theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2018, tỷ lệ doanh nghiệp truy cập và thu thập thông tin từ các website cơ quan nhà nước tăng khá nhanh. Năm 2016 - 2017, tỷ lệ sử dụng công trực tuyến của doanh nghiệp là 73% với các dịch vụ được sử dụng nhiều nhất gồm khai báo thuế điện tử, dịch vụ đăng kí doanh nghiệp, các dịch vụ khai báo hải quan; (iv) Thương mại điện tử giữa người tiêu dùng với người tiêu dùng (C2C) tại thị trường Việt Nam có một đặc thù là việc cá nhân, cá thể sử dụng mạng xã hội (Facebook, zalo) hoặc tự thiết lập website để kinh doanh hiện đang là một xu hướng phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, giá trị giao dịch từ hoạt động thương mại điện tử C2C chỉ chiếm khoảng 5- 10% tổng giá trị giao dịch từ hoạt động thương mại điện tử trên thị trường. 3.2. Chính sách của quản lý nhà nước đối với nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam Khung pháp lý về hoạt động kinh doanh hiện nay vẫn “thuần túy” là các quy định kinh doanh truyền thống, mà chưa có các quy định hay điều chỉnh các hoạt động kinh doanh “chia sẻ”, gây khó khăn trong việc phát triển các hoạt động kinh doanh chia sẻ nhằm phát huy tối đa việc tận dụng các nguồn lực dư thừa của xã hội và sử dụng hiệu quả hơn các tài sản sẵn có của xã hội, cụ thể: Chưa có quy định cụ thể liên quan đến kinh tế chia sẻ như trong Luật Đầu tư năm 2014, Luật doanh nghiệp 2014, và các qui định pháp luật khác như Luật thuế, Luật thương mại điện tử, các chính sách qui định về nghĩa vụ tài chính và các chính sách khác. Thiếu các qui định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là xác định rõ hơn nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử có liên quan đến kinh tế chia sẻ. Nghị định số 52/2013 /NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 về Thương mại điện tử hiện nay còn chưa bao quát được hết các hành vi thương mại điện tử trong kinh tế chia sẻ. Trong khi đó để quản lý hoạt động Thương mại điện tử cần kết hợp với một số Nghị định khác như Nghị định số 86 của Bộ Giao thông vận tải và các Nghị định khác. Luật bảo vệ người tiêu dùng số 59/2010/QH12 ngày 17/11/2010 cũng cần được xem xét, bổ sung để có phạm vi điều chỉnh, bổ sung rõ trách nhiệm các bên liên quan đối với người tiêu dùng trong các giao dịch liên quan tới kinh tế chia sẻ (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, 2018). Chưa có quy định về nghĩa vụ nộp thuế của các công ty tham gia mô hình kinh tế chia sẻ. Các quy định về thông tin trên mạng được quy định trong Luật Công nghệ thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật hay Nghị định 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử mới chủ yếu đề cập đến các cá nhân, tổ chức kinh doanh trong và ngoài nước (có chi nhánh hay đầu tư ở Việt Nam) mà chưa có quy định pháp lý nào đối với các cá nhân hay tổ chức nước ngoài có hợp tác, kinh doanh tại Việt Nam (không có văn phòng, đại diện tại Việt Nam). Hiện nay đối với các doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, có doanh thu tại Việt Nam, chỉ nộp được thuế thu nhập doanh nghiệp 105
  6. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 theo phương thức trực tiếp do không quản lý được đầu vào ở nước ngoài và không có trụ sở thường trú tại Việt Nam. 4. Giải pháp phát triển kinh tế chia sẻ tại Việt Nam 4.1. Giải pháp đối với các doanh nghiệp Các doanh nghiệp muốn kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ, cần có những bước chuẩn bị về nguồn cung, đào tạo nhân lực. Trong đó, việc đào tạo nhân lực đóng vai trò quan trọng, có thể quyết định tới sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần tối ưu hoá sự tiện lợi của dịch vụ, đây chính là chìa khoá thành công khi kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ. Mức độ tiện ích của sản phẩm chính là yếu tố quyết định lựa chọn của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ cần quan tâm đến giá. Người tiêu dùng thông minh ngày nay luôn biết cách tìm đến dịch vụ tốt với giá cả phải chăng. Người tiêu dùng sẵn sàng chọn sản phẩm của kinh tế chia sẻ, nếu nó giúp họ tiết kiệm chi phí. Các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ cần xây dựng niềm tin để tạo dựng thương hiệu. Doanh nghiệp phải đặt khách hàng vào vị trí trung tâm. Doanh nghiệp cần thấu hiểu cặn kẽ thái độ, sở thích, thói quen tiêu dùng của khách hàng, từ đó, tạo ra sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu. 4.2. Một số đề xuất đối với các cơ quan quản lý Nâng cao nhận thức về kinh tế chia sẻ, cần chú ý đến khải niệm kinh tế chia sẻ, kinh tế kết nối, kinh tế internet, kinh tế hạ tầng, kinh tế ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin Do đó, cần mở rộng phạm vi kinh tế chia sẻ Xây dựng một hành lang pháp lý, cơ chế vận hành chặt chẽ, linh hoạt cho phát triển kinh tế chia sẻ. Hệ thống pháp luật sẽ giúp điều chỉnh mọi hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ, vừa đảm bảo môi trường thuận lợi cho nó phát triển, vừa tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa mô hình kinh tế chia sẻ với mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống, giúp Chính phủ Việt Nam kiểm soát được khoản thuế từ các công ty cung ứng dịch vụ và người chia sẻ tài sản đây được coi là nguồn thuế rất lớn. Cần tập trung đầu tư phát triển mạng lưới Internet, nâng cấp đảm bảo tính bảo mật tài khoản thanh toán trực tuyến, cả về số lượng và chất lượng, bởi, đặc thù cơ bản của kinh doanh chia sẻ chính là các giao dịch thông qua mạng lưới trực tuyến. Khi chưa có sự phát triển mạnh mẽ của Internet tại Việt Nam thì sẽ không thể có một nền tảng tốt cho sự phát triển và thành công của kinh doanh chia sẻ. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Phan Anh (2016), “Mô hình nền kinh tế chia sẻ và gợi ý cho Việt Nam”, Tạp chí Tài chính kỳ II, số tháng 7/2016. 2. Cristiano Codagnone and Bertin Martens (2016), Scoping the Sharing Economy: Origins, efinitions, Impact and Regulatory Issues, European Union. 3. Khanh Đoàn (2018), Kinh tế chia sẻ “đặt hàng” gì cho chính sách?, 4. Đào Đăng Kiên (2016), “Phát triển kinh tế chia sẻ và một số giải pháp áp dụng kinh tế chia sẻ ở Việt Nam”, Tạp chí phát triển nhân lực số 1(50) 2016 5. Nguyễn Đình Luận (2019), “Kinh tế chia sẻ và tiềm năng phát triển tại Việt Nam”, Tạp chí Tài chính 6. Lê Thanh Thủy (2018), “Các mô hình kinh tế chia sẻ nổi bật trên thế giới và vấn đề đặt ra với Việt Nam”, Tạp chí Tài chính. 7. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2018), Thực trạng kinh tế chia sẻ ở Việt Nam: Kiến nghị giải pháp quản lý nhà nước 106