Phát triển nông nghiệp bền vững thông qua mô hình sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ PGS ở Việt Nam

pdf 16 trang Gia Huy 2870
Bạn đang xem tài liệu "Phát triển nông nghiệp bền vững thông qua mô hình sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ PGS ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfphat_trien_nong_nghiep_ben_vung_thong_qua_mo_hinh_san_xuat_v.pdf

Nội dung text: Phát triển nông nghiệp bền vững thông qua mô hình sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ PGS ở Việt Nam

  1. PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG THÔNG QUA MÔ HÌNH SẢN XUẤT VÀ KINH DOANH THỰC PHẨM HỮU CƠ PGS Ở VIỆT NAM DEVELOPMENT OF SUSTAINABLE AGRICULTURE THROUGH THE MODEL OF MANUFACTURING AND TRADING ORGANIC FOOD IN VIETNAM ThS. Đặng Thu Hương Trường Đại học Thương mại Tóm tắt Đảm bảo phát triển bền vững và an ninh lương thực luôn là vấn đề cấp thiết đối với mọi quốc gia. Để thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển nông nghiệp bền vững, Việt Nam đã đưa vào áp dụng khá nhiều các chính sách, giải pháp và mô hình khác nhau, trong đó không thể không kể tới các chính sách về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Mô hình sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ PGS (Participatory Guarantee System) là một mô hình mới được đưa vào áp dụng ở Việt Nam từ năm 2008 đến nay, nhưng mô hình này đã và đang ngày càng thể hiện tầm quan trọng và hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ nói riêng và nông nghiệp bền vững ở Việt Nam nói chung, thu hút sự tham gia và quan tâm của nhiều đối tượng khác nhau trong chuỗi cung ứng thực phẩm, từ nông dân, doanh nghiệp sản xuất - chế biến đến nhà bán lẻ và cả người tiêu dùng. Bài viết tập trung phân tích vai trò của mô hình sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ PGS trong việc thúc đẩy thực hiện chiến lược nông nghiệp bền vững ở Việt Nam, thực trạng áp dụng mô hình cũng như những giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện và tăng cường áp dụng mô hình PGS ở Việt Nam trong thời gian tới. Từ khóa: Nông nghiệp bền vững, thực phẩm hữu cơ, đảm bảo chất lượng cùng tham gia, PGS. Abstract Ensuring sustainable development and food security is always an emergency to all countries. To implement national strategies on developing sustainable agriculture, Vietnam has applied many different policies, solutions and models, including the policies on developing organic agriculture. PGS (Participatory Guarantee System) is a model of organic food production and sale introduced in Vietnam from 2008 until now. This model has been increasingly revealed its importance and effectiveness in promoting the development of organic agriculture in particular and sustainable agriculture in Vietnam in general and attracted the participation and interest of many different members in the food chain, from farmers, production - processing enterprises to retailers and consumers. This article focuses on analyzing the role of PGS model in promoting the implementation of sustainable agriculture strategies in Vietnam, situation of application as well as the solutions and recommendations to improve and strengthen the application of the model in Viet Nam in the future. Key words: Sustainable agriculture, organic food, Participatory Guarantee System, PGS 288
  2. 1. Giới thiệu chung về mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm hữu cơ pgs 1.1 Sự ra đời, phạm vi và cấu trúc của mô hình PGS 1.1.1 Sự ra đời của mô hình PGS Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phương pháp sản xuất với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm thực phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất. Đó là phương pháp nuôi, trồng rau quả, thực phẩm mà không sử dụng bất cứ một loại hoá chất độc hại nào, như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ hoá chất cũng như các loại phân hoá học, sản xuất hữu cơ chú trọng đến cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.Trong những năm trở lại đây khi sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm đang lạm dụng rất nhiều các hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, chất bảo quản thực phẩm gây tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng thì các sản phẩm hữu cơ ngày càng được người tiêu dùng chú trọng và quan tâm. Nhu cầu về sản phẩm hữu cơ trên thị trường là tương đối lớn nhưng bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng còn không ít băn khoăn rằng liệu các sản phẩm họ lựa chọn có thực sự được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ hay không hay họ có thể dựa vào đâu để có thể tin tưởng rằng các sản phẩm này đạt chuẩn hữu cơ? Nắm bắt được những mong muốn đó của người tiêu dùng, mô hình đảm bảo chất lượng cùng tham gia PGS (Participatory Guarantee System) đã ra đời. Đây là một mô hình mà hệ thống của nó gồm các tổ chức và con người cùng tham gia vào quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ hoặc đang sử dụng sản phẩm hữu cơ để đảm bảo sự minh bạch, tin cậy với chất lượng hữu cơ của sản phẩm. Qua đó tổ chức các chương trình khuyến khích, xây dựng cộng đồng, bảo vệ môi trường và hỗ trợ các nền kinh tế địa phương nói chung. Năm 2004, Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) chấp nhận PGS là một mô hình đảm bảo có giá trị cho các sản phẩm hữu cơ đặc biệt là cho thị trường nội địa. IFOAM sau đó đã lập ra một ban chuyên trách để phát triển phương pháp PGS cụ thể hơn. Đã có rất nhiều nước trên thế giới tham gia ứng dụng mô hình này vào thực tế sản xuất để phục vụ nhu cầu sử dụng như : New Zealand, Mỹ, các nước châu Á như Ấn Độ, Thái Lan và một số nước ở châu Mỹ La Tinh như Brazil, Peru. Khi ứng dụng mô hình đảm bảo chất lượng cùng tham gia PGS ở các nước này, tất cả các thành viên trong chuỗi cung ứng sản phẩm, từ nông dân đến người kinh doanh, người bán lẻ và cả người tiêu dùng đã cùng đóng góp và xây dựng cho hệ thống PGS thêm hoàn thiện, minh chứng cho những sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ được sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ trong hệ thống. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, với mỗi một điều kiện tự nhiên và con người khác nhau, mô hình PGS lại được xây dựng và áp dụng khác nhau, nhằm phù hợp với điều kiện sản xuất cũng như điều kiện kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia một cách hợp lý. Tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của IFOAM, dự án ADDA- VNFU đã giới thiệu ý tưởng PGS tới các nhà sản xuất, nhà kinh doanh, người tiêu dùng mà dự án đang cùng làm việc cũng như với một số nhà nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ tại địa phương. ADDA là “Dự án Phát triển Nông nghiệp Hữu cơ” được tài trợ bởi Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Châu Á – Tổ chức Phi chính phủ của Đan Mạch, phối hợp thực hiện với Hội Nông dân Việt Nam từ tháng 11/2005 đến tháng 10/2012 tại các tỉnh phía bắc bao gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà 289
  3. Tĩnh. Từ tháng 11/2010 đến tháng 12/2012, Dự án đã lựa chọn các nhóm nông dân tiềm năng, thực sự mong muốn và quyết tâm làm nông nghiệp hữu cơ tại Sóc Sơn (Hà Nội) và Lương Sơn (Hòa Bình) để tiếp tục củng cố và phát triển sản xuất hữu cơ một cách bền vững. Năm 2008, cać bên liên quan đã đồng ý thiết lập hệ thống PGS (participatory guarantee system) là hệ thống đảm bảo chất lượng sản phẩm hữu cơ đầu tiên ở Việt Nam. Từ năm 2009 đến 2011, dự án đã tiến hành phát triển hệ thống PGS, bao gồm: Cơ cấu tổ chức, thiết lập tiêu chuẩn, phương pháp giám sát và đánh giá, mẫu biểu, thủ tục đăng ký; Tiến hành đào tạo thanh tra viên Ra quyết định và cấp chứng nhận PGS cho các đơn vị đạt tiêu chuẩn [1] 1.1.2 Phạm vi áp dụng Mô hình PGS được áp dụng trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ. Trong đó, tham gia hệ thống này không chỉ có người sản xuất (nông dân) mà còn có các bên liên quan, bao gồm: các đơn vị chế biến, phân phối, khách hàng, các cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng quan tâm khác. Quá trình sản xuất và thu hoạch thường xuyên được giám sát, điều tra nhằm đam̉ bảo phát hiện, khắc phục những sai phạm nhỏ và loại bỏ ngay lập tức các nhóm sản xuất, các sản phẩm mắc sai phạm nghiêm trọng về các tiêu chuẩn sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ mà hệ thống đã đặt ra. 1.1.3 Cấu trúc của mô hình PGS Mô hình PGS có một cấu trúc đơn giản gồm nhiều “đơn vị”, mỗi đơn vị có vai trò và nhiệm vụ khác nhau (hình 1) Hình 1: Cấu trúc của mô hình PGS (Nguồn: www.Vietnamorganic.vn) Điều kiện tham gia mô hình của các đơn vị thành viên được thể hiện như sau: - Hộ nông dân cá thể: Để tham gia vào nhóm sản xuất, nông dân phải liên hệ với người lãnh đạo nhóm sản xuất trong khu vực của họ. - Nhóm sản xuất: Bất cứ nông dân nào cũng có thể khởi đầu thành lập một nhóm sản xuất của những nông dân làm hữu cơ. Nhóm sản xuất cần có ít nhất 5 thành viên. Nhóm phải nằm ở tại địa phương (cụ thể là các thành viên phải quen nhau và biết đồng ruộng sản xuất của nhau). 290
  4. - Liên nhóm: Một liên nhóm bao gồm một số các nhóm sản xuất ở một khu vực nhất định. Các thành viên bao gồm trưởng của tất cả các nhóm sản xuất cũng như các thành viên từ bên ngoài như người tiêu dùng, thương lái, các quan chức địa phương, giảng viên hoặc nhân viên của các tổ chức phi chính phủ đang làm việc trong khu vực của liên nhóm. - Nhóm điều phối PGS: Nhóm điều phối PGS chịu trách nhiệm những vấn đề lớn phổ biến trong các liên nhóm nói chung. Các thành viên của nhóm điều phối là các tình nguyện viên có năng lực kĩ thuật được chọn tại các cuộc họp thường niên của PGS. 1.2 Quy trình triển khai và chứng nhận theo mô hình PGS 1.2.1 Quy trình triển khai, chứng nhận Quá trình triển khai, chứng nhận và nhiệm vụ chính của từng đơn vị thành viên tham gia mô hình PGS được thể hiện qua mô hình sau (hình 2): Hình 2 – Quy trình triển khai và chứng nhận theo mô hình PGS (Nguồn: www.Vietnamorganic.vn) 1.2.2 Các bước triển khai và chứng nhận PGS Để được chứng nhận PGS, thì những thành viên tham gia hệ thống bắt buộc phải qua các bước sau: Bước 1: Nông dân liên hệ với nhóm sản xuất để làm thủ tục tham gia nhóm. Các nhóm sản xuất hữu cơ được hình thành và hoạt động trên những khu vực được cấp chứng nhận sản xuất rau an toàn. Nông dân phải tham gia khóa tập huấn về tiêu chuẩn hữu cơ PGS, sau đó hoàn thành và kí cam kết của mình để chứng tỏ sự tự nguyện thực hiện theo đúng các tiêu chuẩn và thủ tục cấp chứng nhận PGS. Cùng với bản cam kết này, nông dân cũng sẽ phải hoàn thành và nộp lại cho Liên nhóm một bản Kế hoạch quán lí đồng ruộng ( FMP) và chúng được giữ trong hồ sơ dữ liệu. 291
  5. Bước 2: Liên nhóm sẽ thẩm tra xem Kế hoạch quản lí đồng ruộng của nông dân có được hoàn thành đầy đủ không và sau đó sẽ thông báo cho nhóm sản xuất để tiến hành thanh tra chéo. Bước 3: Nông dân và đồng ruộng của họ sẽ được thanh tra bởi các thành viên khác trong nhóm sản xuất. Công việc thanh tra gồm cả việc kiểm tra thực tế trong hộ gia đình (đồng ruộng, nhà kho, khu sơ chế, nhà ở v v) và sổ sách tài liệu được nông dân lưu giữ theo quy định. Trong quá trình thanh tra, các thanh tra viên sẽ lấu mẫu đất và nước để kiểm tra. Nông dân sẽ được miễn kiểm tra khâu này nếu họ đã được kiểm tra trong vòng 12 tháng trước đây hoặc nếu nông dân đã có chứng nhận rau an toàn. Bước 4: Dựa trên báo cáo thanh tra theo danh mục và các báo cáo khác như báo cáo kết quả kiểm tra đất và nước, bản Cam kết của người nông dân và kế hoạch quản lí đồng ruộng, Hội đồng chứng nhận liên nhóm sẽ ra quyết định về tình trạng cấp chứng nhận của các ruộng. Quyết định sẽ được gửi tới nhóm điều phối trong đó bao gồm các họat động cần thực hiện nếu có sai phạm. Bước 5: Nhóm điều phối sẽ nhập các thông tin tóm tắt của từng nông dân vào hệ thống dữ liệu và gửi giấy chứng nhận tới nông có giá trị trong 1 năm kể từ ngày thanh tra. Mỗi giấy chứng nhận của nông dân có ghi số nhận diện (số ID) của từng nông dân gồm cả mã số cho nông dân và liên nhóm. Bước 6: Các khu vực sản xuất của nông dân sẽ được thanh tra lại hàng năm. Giám đốc chứng nhận của liên nhóm sẽ điều khiển tiến trình tái thanh tra.Trước khi thanh tra, nông dân phải cập nhật Kế hoạch quản lí đồng ruộng và kiểm tra hồ sơ ghi chép của họ (ghi chép vật tư đầu vào đã được sử dụng và việc bán sản phẩm). Bước 7: Tiến trình thanh tra, ra quyết định và phê chuẩn theo các bước từ 3 đến 5 ở trên. Kiểm tra dư lượng: Khu vực sản xuất sẽ được chọn ngẫu nhiên một tỉ lệ nhỏ để kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trong các loại cây đang trồng trên đồng ruộng.Việc kiểm tra dư lượng thuốc sâu sẽ được điều khiển bởi nhóm điều phối nhưng liên nhóm sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động nếu được yêu cầu. Bước 8: Hàng năm, Giám đốc chứng nhận của liên nhóm sẽ chọn ngẫu nhiên khoảng 10% các báo cáo thanh tra để các thành viên của liên nhóm sẽ tái thanh tra các khu vực sản xuất này và báo cáo tới hội đồng chứng nhận liên nhóm về các kết luận tái thanh tra theo danh mục. Hội đồng chứng nhận sẽ thông qua các báo cáo này và ra quyết định phê chuẩn hoặc thay đổi tình trạng chứng nhận cho nông dân.Những khu vực được tái thanh tra sẽ được đánh dấu trong hệ thống dữ liệu. 1.3 Mục tiêu và lợi ích áp dụng của mô hình PGS 1.3.1 Mục tiêu áp dụng Mục tiêu áp dụng của PGS dựa trên mục tiêu của các cơ quan chứng nhận từ bên ngoài, đó là cung cấp một hệ thống đảm bảo đáng tin cậy cho người tiêu dùng đang tìm kiếm và có nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Khi người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến việc lựa chọn và tiêu thụ những sản phẩm thực phẩm an toàn và chất lượng nhằm đảm bảo sức khoẻ của gia đình họ thì nhu 292
  6. cầu về thực phẩm hữu cơ ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, làm thế nào có thể mua được những sản phẩm thực sự có nguồn gốc hữu cơ một đảm bảo và tin cậy luôn là câu hỏi lớn đối với người tiêu dùng. Ngược lại, đối với người nông dân sản xuất và những người cung ứng sản phẩm hữu cơ chân chính lại luôn mong muốn có thể nhận được lợi nhuận xứng với những nỗ lực mà họ bỏ ra để tạo ra và cung ứng những sản phẩm thực ra an toàn, chất lượng, thân thiện với môi trường. Nhưng khó khăn lớn nhất đối với họ là việc tiếp cận được thị trường, tiếp cận với khách hàng để tiêu thụ sản phẩm . Giá trị của hệ thống PGS nằm ở chỗ chú trọng vào cả hai vấn đề: Cung cấp cho người tiêu dùng sự đảm bảo đáng tin cậy về những sản phẩm được sản xuất và phân phối theo đúng tiêu chuẩn hữu cơ; đồng thời thông qua mô hình này, PGS cũng giúp tạo ra sự kết nối trực tiếp giữa người mua và người bán các sản phẩm thực phẩm có nguồn hữu cơ. 1.3.2 Lợi ích áp dụng Bởi phương pháp của hệ thống PGS là có sự tham gia trực tiếp của các bên liên quan khác nhau trong chuỗi sản xuất để cùng thiết lập tiêu chuẩn, cùng giám sát và chứng nhận, kinh doanh thực phẩm hữu cơ nên tạo được sự minh bạch và tin cậy cao trong hệ thống cũng như với người tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng, tham gia vào hệ thống này còn có thể giúp họ nâng cao sự nhận thức cũng như hiểu biết về kỹ thuật sản xuất hữu cơ, khả năng hoạt động cộng đồng và tăng niềm tin vào chất lượng của các sản phẩm hữu cơ. Đối với người nông dân sản xuất, sự tham gia trực tiếp này giúp họ được tiếp cận, được đào tạo, tư vấn và hướng dẫn trong các hoạt động và quy trình sản xuất hữu cơ, giảm bớt được các công việc giấy tờ và ghi chép hồ sơ, đồng thời tạo điều kiện cho những nông hộ sản xuất nhỏ cũng có thể cùng tham gia và giữ cho việc cấp chứng nhận đơn giản hơn, có chi phí thấp hơn so với việc xin đánh giá ngoài để chứng nhận để đạt các tiêu chuẩn hữu cơ khác. Họ cũng không phải lo lắng quá nhiều về đầu ra cho sản phẩm mà mình sản xuất ra. Đối với người kinh doanh, phân phối bán lẻ trong hệ thống, việc tham gia vào hệ thống giúp cho họ có được một nguồn cung cấp sản phẩm ổn định, tin cậy, cũng như tạo dựng được uy tín và minh chứng với khách hàng và người tiêu dùng nhờ sản phẩm được gắn nhãn, mác hữu cơ PGS. 2. Phát triển nông nghiệp bền vững và vai trò của mô hình pgs trong phát triển nông nghiệp bền vững ở việt nam 2.1 Khái quát về vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam 2.1.1 Khái niệm về Phát triển nông nghiệp bền vững Phát triển được hiểu là một quá trình lớn lên, tăng tiến trong mọi lĩnh vực. Bất cứ trong lĩnh vực nào, sự phát triển đều thỏa mãn các thành tố như: sự tăng lên về cả chất và lượng; sự thay đổi về cơ cấu, thể chế, chủng loại, tổ chức; sự thay đổi về thị trường; và giữ công bằng xã hội, an ninh, trật tự. Phát triển nông nghiệp cũng không nằm ngoài nội dung đó. Theo FAO (1992), phát triển nông nghiệp bền vững (PTNNBV) là quá trình quản lý và duy trì sự thay đổi về tổ chức, kỹ thuật và thể chế cho nông nghiệp phát triển nhằm 293
  7. đảm bảo thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của con người về nông phẩm và dịch vụ vừa đáp ứng nhu cầu của mai sau.[7] Theo Đỗ Kim Chung và cộng sự (2009), PTNNBV là quá trình đảm bảo hài hòa ba nhóm mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, thỏa mãn nhu cầu về nông nghiệp hiện tại mà không tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của tương lai. [7] Từ những khái niệm trên, có thể thấy rằng phát triển nông nghiệp bền vững đòi hỏi phải đảm bảo hài hòa giữa ba yếu tố: phát triển kinh tế, xã hội và môi trường một cách bền vững. Cụ thể: - Về kinh tế, sản xuất nông nghiệp bền vững phải đạt hiệu quả cao, làm ra nhiều sản phẩm, không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu thức ăn chăn nuôi, dự trữ lương thực mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế. - Về mặt xã hội, phát triển nông nghiệp bền vững cần quan tâm tới số lượng lao động được huy động và hiệu quả sử dụng lao động, thu nhập bình quân đầu người, tình trạng di cư, nhập cư, phải đảm bảo cho người nông dân có đầy đủ công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao. Hệ thống thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như khả năng cung ứng vật tư nông nghiệp vận hành có hiệu quả. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, xã hội của cộng đồng và thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước cũng là những chỉ tiêu xã hội của PTNNBV. - Về môi trường, tính bền vững của đất và sinh vật cần được lưu tâm. Một hệ thống nông nghiệp không thể được coi là bền vững nếu đất đai bị suy thoái, sinh vật bị suy giảm trong quá trình sản xuất. PTNNBV không hủy hoại nguồn tài nguyên thiên nhiên, giữ nguồn nước ngầm trong sạch và không gây ô nhiễm môi trường. 2.1.2 Tình hình Phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam Từ những những nhận định cơ bản về PTNNBV trên đây, có thể thấy rằng, vấn đề PTNNBV là một xu hướng tiến bộ nhưng cũng hết sức cấp thiết của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để PTNNBV thì không thể thực hiện trong một thời gian ngắn với duy nhất một phương pháp và cách thức cụ thể nào bởi để đạt được tính bền vững cần đạt được trên cả ba hệ thống chỉ tiêu phát triển của kinh tế, xã hội và môi trường. Ở Việt Nam, mặc dù chúng ta vẫn đang trong thời kỳ CNH – HĐH nhưng nông nghiệp vẫn được xác định là một trong những ngành then chốt với lực lượng lao động chiếm hơn 50 % dân số. Đảng, chính phủ và Nhà nước luôn quan tâm và có những chiến lược, chính sách định hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp Việt Nam được phát triển dựa trên cơ sở quy hoạch cụ thể cho từng vùng theo hướng mở nhằm khai thác triệt để những lợi thế so sánh và khắc phục những hạn chế của vùng. Thực hiện đầu tư công, chính sách tài chính ưu đãi và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát triển một cách bền vững. Hơn nữa, để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và phát triển công nghiệp chế biến, Việt Nam đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ công nghệ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và thực hiện liên kết mô hình “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông). Về mặt xã hội, nông dân Việt Nam được khuyến khích tham gia vào các tổ, hội và hợp tác xã để cùng hỗ 294
  8. trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất. Nhận thức của người nông dân về kỹ thuật sản xuất, kiến thức thị trường được nâng cao thông qua các chương trình đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật do trung tâm khuyến nông và các hội, đoàn thể khác tổ chức. Về môi trường, nông dân Việt Nam được trang bị kiến thức về những tác hại của ô nhiễm môi trường, cách bảo vệ môi trường và vận động họ thay đổi những tập quán, thói quen gây ô nhiễm môi trường. Điều này đã giúp họ tiếp cận được với phương pháp canh tác mới ít tổn hại tới môi trường. Trong chăn nuôi, các nông hộ có qui mô đàn tương đối lớn được khuyến khích, hỗ trợ lắp đặt biogas nhằm giảm chất thải ra môi trường và bổ sung thêm nguồn khí đốt, hạn chế chặt phá cây xanh làm củi đốt. [7] 2.2 Vai trò của việc phát triển mô hình PGS đối với phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam Việt Nam đã có nhiều chính sách và giải pháp quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, chúng ta lại thiếu nhiều mô hình và giải pháp thực hành hiệu quả trong vấn đề này. Với thực trạng sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay đa số vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất chưa tập trung, các khâu trong chuỗi cung ứng thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ chưa có tính liên kết cao, vấn đề VSATTP không được kiểm soát chặt chẽ, gây mất niềm tin nghiêm trọng với người tiêu dùng, thì mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ PGS thực sự là một mô hình hiệu quả trong chiến lược PTNNBV ở Việt Nam hiện nay. Việc xây dựng và phát triển mô hình có thể góp phần hiệu quả vào việc đạt được các chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường một cách bền vững. Cụ thể: - Về kinh tế: PGS là một mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao. Ở đây, không chỉ xem xét về vấn đề năng suất đơn thuần mà cần xem xét cả về vấn đề chất lượng sản phẩm. Với quy trình sản xuất của sản phẩm hữu cơ, các vật tư nông nghiệp đầu vào có nguồn gốc hữu cơ cùng với sự hướng dẫn, tư vấn và giám sát kỹ thuật chặt chẽ trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp thì chất lượng sản phẩm đầu ra của hệ thống luôn được đánh giá là tốt nhất, mang lại giá trị dinh dưỡng cũng như giá trị kinh tế cao nhất. Hơn nữa, mô hình này nếu được vận hành một cách có hiệu quả sẽ thu hút nhiều nông hộ sản xuất nhỏ lẻ tham gia, tập hợp thành vùng canh tác lớn, tập trung hóa trong sản xuất, tạo liên kết chuỗi với các nhà phân phối bán lẻ, tạo được thương hiệu và uy tín với người tiêu dùng. Mô hình này hoàn toàn vượt trội hơn hẳn so với các phương thức sản xuất cá thể và nông hộ quy mô nhỏ đơn thuần khi người nông dân lúng túng trong sản xuất, không tuân theo một quy trình canh tác cụ thể nào, không có kế hoạch canh tác hợp lý và thường rơi vào tình trạng thấy gì được giá là trồng nhưng đua nhau trồng quá nhiều và không bán được hoặc bán không được giá, nhiều nơi lại phải nhổ bỏ, dẫn đến kết quả là đầu ra thị trường bấp bênh, giá trị gia tăng của sản phẩm mang lại không cao. - Về xã hội: Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp đặc biệt phù hợp ở Việt Nam hiện nay bởi mô hình này thu hút sự tham gia của các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ, sau đó mới tập hợp thành những nhóm và liên nhóm để canh tác trên vùng sản xuất lớn. Có thể nói, với đặc điểm canh tác bao đời nay là xuất nhỏ lẻ, manh mún đã tạo không ít khó khăn cho nền nông nghiệp nước ta trong quá trình tái cơ cấu, thúc đẩy tăng trưởng trong nông nghiệp và thực hiện chiến lược PTNNBV. Tuy nhiên, với mô hình PGS, các hộ nông 295
  9. dân sản xuất quy mô nhỏ lại được khuyến khích và tạo điều kiện tham gia vào hệ thống, giải quyết vấn đề tạo công ăn việc làm cho người nông dân, cũng như phát triển hệ thống các cửa hàng kinh doanh, phân phối sản phẩm. Công tác kiểm soát chất lượng và VSATTP cũng sẽ phần nào được giải quyết nếu phát triển mô hình này bởi đây là mô hình đảm bảo chất lượng có sự tham gia và đánh giá của nhiều bên liên quan trong cùng chuỗi cung ứng, từ đó cung cấp những sản phẩm thực phẩm chất lượng, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. - Về môi trường: Đây là khía cạnh thể hiện tính bền vững rõ ràng nhất của mô hình PGS. Bởi trong tất cả các phương thức sản xuất nông nghiệp thì nông nghiệp hữu cơ luôn được coi là phương thức sản xuất thân thiện nhất với môi trường, không những gìn giữ được môi trường sinh thái tốt nhất mà còn có thể cải tạo được môi trường tự nhiên, đặc biệt là đất trồng. 3. Thực trạng áp dụng mô hình sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ pgs ở việt nam 3.1 Kết quả triển khai và áp dụng mô hình PGS ở Việt Nam 3.1.1 Kết quả chung về xây dựng và triển khai mô hình Năm 2008, các bên liên quan đã đồng ý thiết lập hệ thống PGS (participatory guarantee system) là hệ thống đảm bảo chất lượng sản phẩm hữu cơ. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ “Dự án Phát triển Nông” được tài trợ bởi Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Châu Á, Đan Mạch (ADDA) – Tổ chức Phi chính phủ của Đan Mạch, phối hợp thực hiện với Hội Nông dân Việt Nam từ tháng 11/2005 đến tháng 10/2012 tại các tỉnh phía bắc bao gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Tĩnh. Từ tháng 11/2010 đến tháng 12/2012, Dự án lựa chọn các nhóm nông dân tiềm năng, thực sự mong muốn và quyết tâm làm nông nghiệp hữu cơ tại Sóc Sơn (Hà Nội) và Lương Sơn (Hòa Bình) để tiếp tục củng cố và phát triển sản xuất hữu cơ một cách bền vững với muc̣ tiêu xây dựng khung sản xuất va ̀ thị trường thích hợp cho nông nghiệp hữu cơ, được người sản xuất và người tiêu dùng đánh giá cao.[8] Các hoạt động cụ thể của hệ thống PGS Việt Nam bao gồm: Phat́ triển hệ thống PGS về cơ cấu tổ chức, thiết lập tiêu chuẩn, phương pháp giám sát và đánh giá, mẫu biểu, thủ tục đăng ký, chứng nhận; Đào tạo thanh tra viên; Ra quyết định và cấp chứng nhận PGS cho các đơn vị đạt tiêu chuẩn 3.1.2 Kết quả xây dựng, đánh giá và cấp chứng nhận cho các nhóm sản xuất của hệ thống PGS Việt Nam Năm 2009: có 13 nhóm đăng ký và xin cấp chứng nhận PGS nhưng chỉ 1 nhóm Bái Thượng (Sóc Sơn) được cấp chứng nhận [4] Năm 2010 – 2011: Có 25 nhóm sản xuất với hơn 240 nông dân hoàn thành các thủ tục đăng ký ký xin cấp chứng nhận PGS: Sau khi tiến hành các thủ tục thanh tra, 16 nhóm rau, 1 nhóm nhãn và 1 nhóm bưởi đã được cấp chứng nhận hữu cơ PGS. Các nhóm được cấp chứng nhận PGS chủ yếu tại Sóc Sơn và Lương Sơn; Kết quả tiến hành thanh tra định kỳ và thanh tra hàng năm thì 1 nhóm bị đình chỉ chứng nhận (do trồng cây song song), 2 296
  10. nhóm bị cảnh cáo và 16 nhóm được cấp lại chứng nhận. Ngoài ra, ban điều phối PGS cùng liên nhóm lấy mẫu rau để kiểm tra dư lượng bất thường khi cần thiết. [4] Năm 2011 – 2012: Dự án tiếp tục hỗ trợ cać nhóm phát triển sản xuất, đặc biệt lĩnh vực giám sát và quản lý chất lượng nhằm đaṕ ứng các tiêu chuẩn PGS tại huyện Sóc Sơn (TP.Hà Nội) và huyện Lương Sơn (Tỉnh Hòa Bình); Lựa chọn những nông dân trong các nhóm hữu cơ có đủ điều kiện để triển khai thí điểm một số mô hình kết hợp trồng rau hữu cơ với chăn nuôi gà, lợn và gạo hữu cơ nhằm dần chuyển đổi nông dân sang hệ thống nông nghiệp hữu cơ khép kín bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi. [4] Năm 2013-2014: Tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất cũ (thêm diện tích và thêm nhóm mới ở các liên nhóm Lương Sơn (Số thành viên: 96, diện tích: 7ha, sản lượng 88 tấn) và Thanh Xuân – Huyện Sóc Sơn (Số thành viên: 90, diện tích: 14ha, sản lượng 240 tấn); Thêm 2 liên nhóm mới ở phía Bắc là Trác Văn và Tân Lạc với tổng diện tích sản xuất gấn 2ha và 1 liên nhóm ở Hội An (6/2014). [4] Năm 2015 -2016: Hiện Liên nhóm sản xuất Tân Lạc đã tách ra khỏi PGS Việt Nam để thành lập một PGS riêng dưới sự hỗ trợ của dự án ADDA mà đối tác thực hiện là Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam VOAA nhằm hướng tới tự chủ, tự lập và tự khẳng định uy tín của mình tại thị trường Hòa Bình. Ba vùng sản xuất của Thanh Xuân (Sóc Sơn), Lương Sơn (Hòa Bình) và Trác Văn (Hà Nam), với tổng số thành viên là 298 (tăng 44% so với 2014), diện tích sản xuất chuyển đổi là 15,5 ha, được cấp chứng nhận PGS là 27,8 ha tăng 63,5% so với 2014; các sản phẩm chủ yếu là rau với sản lượng cung cấp ra thị trường Hà Nội là 714 tấn, tăng 118,5 % so với năm 2014. Các PGS khác như PGS Hội An và Bến Tre dù mới được thiết lập trong 2 năm, còn nhiều thử thách trong quá trình chuyển đổi đất đai môi trường và nhận thức của cong người, song cũng đang hứa hẹn trở thành một cộng đồng PGS năng động, hợp tác và phát triển [5] 3.1.3 Thực trạng kinh doanh thực phẩm hữu cơ được chứng nhận PGS tại các cửa hàng trong hệ thống PGS Việt Nam Bên cạnh hoạt động sản xuất, hoạt động phân phối và tiêu thụ sản phẩm được chứng nhận PGS cũng được giám sát chặt chẽ bởi ban điều phối của PGS Việt Nam. Tất cả các cửa hàng kinh doanh thực phẩm được chứng nhận PGS đều phải tuân thủ các nguyên tắc và xin đánh giá chứng nhận theo các yêu cầu trong tiêu chuẩn áp dụng với nhà bán lẻ của PGS Việt Nam. [3] Theo kết quả khảo sát [6] đối với các cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ được chứng nhận PGS (chủ yếu là rau xanh) trên địa bàn Hà Nội thì 50% số cửa hàng được điều tra chỉ bán những sản phẩm hữu cơ được chứng nhận PGS, 50% số còn lại vừa bán cả sản phẩm hữu cơ được chứng nhận PGS và cả những sản phẩm rau thông thường hoặc sản phẩm rau là hữu cơ nhưng không được chứng nhận PGS. Tuy nhiên, tỉ trọng lượng hàng hóa được chứng nhận PGS vẫn cao hơn các loại khác. Về Giá bán của các sản phẩm được chứng nhận PGS hầu hết các chủ cửa hàng cho biết là cao hơn các sản phẩm cùng loại. Mặc dù vậy, sản phẩm hữu cơ được chứng nhận PGS lại có mức tiêu thụ cao hơn cho thấy người tiêu dùng đã biết đến và tin tưởng 297
  11. vào sản phẩm. Các loại sản phẩm được chứng nhận PGS được bày bán tại các cửa hàng chủ yếu là rau, củ. Về nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm: Qua điều tra, nguồn nhập rau hữu cơ chủ yếu của các cửa hàng là từ Lương Sơn, Lạc Sơn- Hòa Bình, Thanh Xuân- Sóc Sơn- Hà Nội, Trác Văn- Hà Nam. Tất cả các cửa hàng được điều tra đều khẳng định có người đại diện tham gia vào hệ thống chứng nhận PGS nhằm kiểm soát chất lượng nguồn cung cấp và thường xuyên cập nhật các thông tin, kiến thức về sản phẩm hữu cơ được chứng nhận PGS thông qua trang web của hệ thống và trong các cuộc họp thường niên. Về công tác vận chuyển, phân phối: Quá trình phân phối rau hữu cơ được chứng nhận PGS được diễn ra như sau: Sau khi nhận được đơn đặt hàng từ các cửa hàng kinh doanh, các hộ nông dân trong nhóm sản xuất sẽ thu hoạch rau rồi sơ chế qua và cho vào túi nilon. Túi này sẽ do ban điều phối quy định về chất lượng và có in logo của PGS. Nhóm sẽ phân công thành viên nhóm tập hợp tất cả các đơn hàng và chịu trách nhiệm vận chuyển đến cửa hàng. Sản phẩm hữu cơ được cất trữ trong các công te nơ và vật đựng chuyên dụng chỉ chuyên sử dụng để đựng thực phẩm hữu cơ, phải được đề nhãn rõ ràng cho biết tên sản phẩm và tình trạng chứng nhận của nó. Chi phí vận chuyển và thuê người vận chuyển là do cửa hàng chi trả. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 20% các cửa hàng được điều tra thực hiện theo hình thức khác mà chưa có sự thống nhất chung trong hệ thống, đó là tự thuê vận chuyên đến tận nơi cung cấp để thu mua hàng sau đó mang về sơ chế, bọc túi và dán nhãn của cửa hàng bên cạnh nhãn hiệu chung của PGS. Điều này có thể dẫn tới những vi phạm hoặc rủi ro trong việc minh bạch nguồn gốc của sản phẩm hoặc tình trạng cửa hàng trà trộn các sản phẩm thông thường với sản phẩm hữu cơ như đã từng xảy ra trên thực tế. Về công tác bảo quản và bày bán sản phẩm: Rau hữu cơ là loại sản phẩm có vòng đời ngắn, dễ hư hỏng. Vì vậy mà hầu hết các cửa hàng đều không nhập quá nhiều. Quá trình bảo quản là quá trình quan trọng để giữ rau được tươi lâu hơn và đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Các sản phẩm được chứng nhận hữu cơ PGS không được tiếp xúc với các sản phẩm thông thường hoặc các sản phẩm không có chứng nhận ở trong bất cứ tình huống nào có thể dễ gây ra lẫn tạp hoặc nhầm lẫn. Khu vực cất giữ các sản phẩm PGS được đánh dấu rõ ràng chẳng hạn như vạch kẻ màu trên sàn để dễ phân biệt. Về quản lý sâu hại trong quá trình bảo quản cần được kiểm soát chủ yếu thông qua cơ sở vật chất tốt và có các biện pháp quản lý kho hàng và nơi bán hàng tốt. Các chất nông nghiệp tổng hợp là không được phép sử dụng. Các cửa hàng kinh doanh đều sử dụng chủ yếu phương pháp kiểm soát nhiệt độ, bảo quản bằng hệ thống làm lạnh. Có một số cửa hàng chỉ trưng bày một số ít sản phẩm, còn lại bảo quản trong ngăn lạnh, khi khách hàng có nhu cầu thì họ sẽ lấy hàng từ trong tủ lạnh cho khách hàng để khách hàng luôn được sử dụng rau tươi mới mà vẫn đảm bảo chất lượng như hệ thống các cửa hàng của Bác Tôm, Ecomart, Một số cửa hàng lại trang bị hệ thống tủ trưng bày của cửa hàng có kèm theo hệ thống làm lạnh, cửa hàng cũng có tủ lạnh riêng để bảo quản thêm. Hầu hết các hệ thống cửa hàng kinh doanh rau hữu cơ đều có không gian thoáng đãng và sạch sẽ. Nơi trưng bày và bảo quản thường xuyên được đảm bảo vệ sinh theo đúng các tiêu chuẩn của PGS dành cho nhà bán lẻ [6]. 298
  12. 3.2 Đánh giá kết quả và thực trạng áp dụng mô hình PGS trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ ở Việt Nam 3.2.1 Những thành công chủ yếu Thứ nhất, thành công và cũng là tín hiệu đáng mừng của hệ thống PGS Việt Nam thời gian qua là đang không ngừng phát triển và mở rộng cả về diện tích, số lượng thành viên tham gia và sản lượng, với nhiều liên nhóm mới tham gia cũng như mở rộng vùng sản xuất. Các vùng sản xuất của hệ thống PGS Việt Nam không chỉ tập trung ở khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận mà đã bắt đầu hình thành những liên nhóm và những vùng sản xuất mới ở Bến Tre, Hội An. Thứ hai, các hoạt động đảm bảo chất lượng của hệ thống PGS Việt Nam dần đi vào nề nếp và được tổ chức thường xuyên hơn như: Công tác kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất, lấy mẫu xét nghiệm để đảm bảo việc sản xuất rau ổn định, đạt tiêu chuẩn và khẳng định tính minh bạch trong thực hiện; Tiến hành phối hợp xử lý thông tin, phản ánh kịp thời và phát hiện các trường hợp vi phạm, xử phát nghiêm minh các nhóm vi phạm qua các biện pháp như thu hồi chứng nhận hoặc đình chỉ tiêu thụ một thời gian; Tăng cường các hoạt động tập huấn cho nông dân, các buổi tham quan mô hình sản xuất cho du khách. Thứ ba, cùng với sự mở rộng về quy mô và gia tăng về sản lượng, hệ thống PGS Việt Nam bước đầu phát triển được thị trường, nhiều điểm bán hàng mới để tiêu thụ sản phẩm và các cửa hàng cũ mở rộng diện tích kinh doanh, các cửa hàng bán lẻ tạo được mối liên kết chặt chẽ với các nhóm sản xuất, tạo điều kiện thúc đẩy sản lượng sản xuất và tăng nguồn thu nhập khá ổn định cho các thành viên tham gia sản xuất. 3.2.2 Những khó khăn và tồn tại Mặc dù thành lập từ năm 2008, tính cho đến nay hệ thống PGS Việt Nam đã hoạt động được hơn 8 năm, đây không phải là thời gian quá ngắn hay quá dài để PGS có thể vận hành một cách trôi chảy. Thực tế quản lý hệ thống PGS ở Việt Nam vẫn còn non trẻ, những khó khăn mà PGS Việt Nam gặp phải ngay từ những ngày đầu tiên thành lập tới nay là không hề ít. Có thể kể tới những khó khăn và cũng là những tồn tại chủ yếu mà PGS Việt Nam gặp phải trong thời gian qua như sau: Trong quá trình sản xuất hữu cơ, các liên nhóm gặp không ít khó khăn về phương pháp cũng như kỹ thuật sản xuất và canh tác hữu cơ như tình trạng ủ phân bón chưa đúng kỹ thuật,tình trạng thu hoạch “non”, giống cây chưa đảm bảo, kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm chưa chuẩn, khó khăn về nguồn nước tưới, giống cây. Đây là một phần dẫn đến khá nhiều vi phạm trong sản xuất như nông dân không hoàn thành việc ghi chép sổ sách, tình trạng trồng cây song song (cả hữu cơ và không hữu cơ), trồng cây phân xanh không thường xuyên, Bên cạnh khâu sản xuất, nhiều liên nhóm sản xuất mới thành lập cũng gặp không ít khó khăn trong vấn đề hợp tác tiêu thụ sản phẩm, sản xuất đạt đầu vào nhưng đầu ra lại thiếu những nhà bán lẻ hợp tác, nhận mua lại sản phẩm cho nông dân, dẫn đến tình trạng có những nhóm sản xuất đã xin rút khỏi hệ thống như 2 nhóm bưởi và 1 nhóm nhãn ở Lương Sơn trong những năm đầu tham gia dự án. Đối với các nhà bán lẻ trong hệ thống, công tác tiêu thụ sản phẩm cũng gặp không ít khó khăn, do giá bán của những sản phẩm 299
  13. trong hệ thống thường khá cao so với sản phẩm bán ngoài chợ hoặc qua các chuỗi cung ứng khác. Cộng thêm với sự thiếu đầu tư hoặc đầu tư chưa hiệu quả vào các hoạt động marketing, phát triển thương hiệu cho sản phẩm nên nhiều người tiêu dùng chưa biết đến sản phẩm và nhãn sản phẩm của chuỗi, chưa nhận thức và có khả năng phân biệt sản phẩm hữu cơ với sản phẩm thông thường khác. Ngoài ra, tại các cửa hàng bán lẻ, vẫn tồn tại tình trạng đưa rau từ bên ngoài không kiểm soát được nguồn gốc vào hệ thống hoặc có sự phân loại không rõ ràng giữa rau hữu cơ và rau an toàn, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; Trên thị trường, tình trạng chứng nhận sản phẩm hữu cơ hoặc chứng nhận PGS cũng đang ngày càng bị lạm dụng nhiều chưa được kiểm soát triệt để, dẫn đến xuất hiện nhiều điểm bán tự gắn mác hữu cơ cho sản phẩm không được kiểm duyệt; một số cửa hàng còn tự phong vai trò bán và giám sát rau hữu cơ làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của hệ thống và niềm tin của người tiêu dùng. Đối với các quá trình hỗ trợ từ các thành viên nằm ngoài chuỗi như các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước là chưa nhiều, dẫn đến nhiều khó khăn trong quản lý, điều hành của hệ thống. Chẳng hạn như, quá trình đào tạo nông dân sản xuất hữu cơ cần có sự hỗ trợ và giúp đỡ của các giảng viên chuyên ngành và các nhà nghiên cứu, các kỹ sư nông nghiệp để hỗ trợ và hướng dẫn cho nông dân cả về lý thuyết và thực hành, đồng thời lắng nghe ý kiến của họ, giải đáp các thắc mắc để họ thực sự hiểu và áp dụng đúng quy trình sản xuất rau hữu cơ. Tuy nhiên, một mặt lực lượng tham gia hỗ trợ này của hệ thống PGS Việt Nam hiện nay không nhiều, nếu không muốn nói là thiếu, chủ yếu dựa vào sự tham gia hợp tác của một số ít giảng viên trường Cao đẳng Nông nghiệp Bắc Bộ, mặt khác không phải khi nào cũng có thể đào tạo nông dân đạt chất lượng hiệu quả cao. Nhìn chung, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam còn chậm, hệ thống quản lý PGS ở Việt Nam còn non trẻ bởi Việt Nam theo đuổi sự nghiệp phát triển nông nghiệp hữu cơ chậm hơn các nước trên thế giới, và hiện nay phát triển nông nghiệp hữu cơ mới chỉ dừng lại ở việc thí điểm và đưa vào sản xuất ở một vài khu vực mang tính chất nhỏ lẻ. Trong khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi diện tích lớn, khoa học kỹ thuật phát triển mạnh, và giá của các sản phẩm hữu cơ còn cao, khó tiêu thụ trên thị trường,vì vậy khó có thể triển khai ngay trên diện rộng một cách hiệu quả. 4. Một số giải pháp và kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển mô hình pgs ở việt nam trong thời gian tới 4.1 Một số giải pháp cho các thành viên tham gia mô hình PGS 4.1.1 Đối với các nhóm và liên nhóm của các hộ nông dân: Cần tăng cường kêu gọi sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các thành viên khác trong hệ thống như Ban điều phối PGS Việt Nam, các nhà bán lẻ, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học để hỗ trợ giải quyết các vấn đề về kỹ thuật, phương pháp sản xuất hữu cơ. Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay vì với nền nông nghiệp hữu cơ còn khá non trẻ ở nước ta hiện nay, khi mà người nông dân đang quá quen thuộc với những phương pháp sản xuất và canh tác cũ, cùng với những thiếu thốn trong nghiên cứu và hỗ trợ kỹ thuật kịp thời sẽ đe dọa đến năng suất và chất lượng sản phẩm đầu ra của hệ thống. 300
  14. Cần tăng cường tốt hơn nữa sự kiểm tra, giám sát giữa các bên liên quan, đặc biệt là kiểm tra chéo giữa các liên nhóm sản xuất để các thành viên tự giám sát nhau. Đồng thời tổ chức họp giao ban thường xuyên hơn trong liên nhóm để các thành viên tham gia trao đổi với nhau về cách thức sản xuất, kinh nghiệm sản xuất cũng như kịp thời phát hiện, xử lý, giải quyết những vướng mắc trong quá trình sản xuất, tránh tình trạng người nông dân gặp khó khăn không biết cách giải quyết sẽ tự ý quyết định. Các nhóm hoặc liên nhóm cần tích cực đề xuất với Ban điều phối hoặc chủ động liên hệ với các giảng viên, các nhà khoa học đề tổ chức nhiều hơn nữa các buổi học tập, chuyển giao kiến thức, phương pháp kỹ thuật; Tham quan học tập các mô hình của các liên nhóm khác và cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm của nhóm mình cho các nhóm trong cùng hệ thống. Thành viên khi tham gia các lớp tập huấn nên ghi chép đầy đủ các thông tin sau mỗi buổi tập huấn để đảm bảo lượng kiến thức cần thiết và phục vụ cho sản xuất. Tăng cường tìm kiếm khách hàng (các nhà bán lẻ) thông qua việc các chương trình tham gia hội chợ, hội nghị giới thiệu sản phẩm cũng như thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các nhà bán lẻ trong hệ thống để chủ động về sản lượng sản xuất, loại sản phẩm và giám sát được chất lượng sản phẩm. 4.1.2 Đối với các nhà bán lẻ Giải pháp quan trọng nhất với các nhà bán lẻ hiện nay là tích cực tiến hành các hoạt động marketing và quảng bá thương hiệu sản phẩm để người tiêu dùng có thể biết đến nhiều hơn và tin tưởng hơn vào sản phẩm hữu cơ được chứng nhận PGS. Có thể qua các hoạt động marketing trực tiếp tại cửa hàng như tư vấn, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng, tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá bán sản phẩm; Thông qua các tờ rơi, tài liệu giới thiệu về sản phẩm, về cơ sở cung ứng hay tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo ,các chuyến tham quan các vùng sản xuất và cung ứng sản phẩm hữu cơ. Các nhà bán lẻ cũng cần xây dựng và thiết lập mối quan hệ mật thiết hơn nữa với các vùng sản xuất sản phẩm hữu cơ được chứng nhận PGS. Thông qua việc lên kế hoạch tiêu thụ để phối hợp đặt hàng về số lượng, chủng loại cho các vùng sản xuất chủ động trong kế hoạch sản xuất, gieo trồng. Mặt khác, các nhà bán lẻ cũng thường xuyên giám sát (thông qua các cuộc thanh tra định kỳ và đột xuất, lấy mẫu xét nghiệm) đối với chất lượng của sản phẩm tại các vùng sản xuất liên kết để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như uy tín của cửa hàng; Các nhà bán lẻ cũng cần tích cực hỗ trợ cho các vùng sản xuất liên kết về tài chính, về xây dựng và đảm bảo các nguồn lực cần thiết để đảm bảo số lượng và chất lượng của sản phẩm đầu ra. Các nhà bán lẻ phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn và quy định của PGS dành cho các nhà bán lẻ như về phân loại, sơ chế, trưng bày sản phẩm tại cửa hàng, cách thức bao gói và đóng nhãn mác, kiểm soát hoạt động của nhân viên bán hàng để đảm bảo chất lượng và VSATTP cho sản phẩm. 4.1.3 Đối với Ban điều phối PGS Việt Nam: Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra mẫu sản phẩm định kỳ hoặc đột xuất, trong đó thanh kiểm tra, lấy mẫu cả khâu sản xuất và tại các cửa hàng tiêu thụ sản phẩm. 301
  15. Mở rộng tuyên truyền tới người tiêu dùng hơn nữa thông qua cách kênh truyền hình, báo chí, mạng internet để người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng các sản phẩm hữu cơ nói chung và sản phẩm hữu cơ được chứng nhận PGS nói riêng. Đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát chất lượng, độ an toàn của sản phẩm từ khâu sản xuất, sơ chế, bảo quản tới khâu đưa ra thị trường tiêu thụ. Giám sát chặt chẽ các đơn vị phân phối sản phẩm cũng như xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm, công bố rộng rãi để không ảnh hưởng tới uy tín của hệ thống và lòng tin của khách hàng. 4.2 Một số kiến nghị với các cơ quan Nhà nước Để tiếp tục nghiên cứu tính bền vững của mô hình PGS cũng như khả năng nhân rộng mô hình này ở Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước cần có các chính sách và giải pháp nhằm nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy PGS thành một hình thức quản lý tự nguyện, hỗ trợ các dự án, mô hình nhằm mở rộng quy mô sản xuất đáp ứng được nhu cầu của thị trường, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng. Nhà nước cũng cần có một tầm nhìn dài hạn để hỗ trợ thực hiện những chuyến đi học hỏi kinh nghiệm thực tế ở các nước đã đạt thành công lớn từ PGS như Ấn Độ, Brazil, Nhà nước nên hỗ trợ các nhà phân phối về mặt truyền thông tuyên truyền, quảng cáo sản phẩm, chỉ dẫn những địa chỉ kinh doanh rau chất lượng trên các phương tiện truyền thông đại chúng như TV, radio, sách báo để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề chất lượng và VSATTP, về thực phẩm hữu cơ nói chung cũng như những sản phẩm, nhãn sản phẩm của các chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn như mô hình PGS ở Việt Nam. Kết luận Phát triển các phương pháp canh tác và mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một trong những chính sách quan trọng gắn liền với chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam. Trong đó, mô hình sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ PGS là một mô hình thực hành có ý nghĩa chiến lược với ngành nông nghiệp hữu cơ non trẻ ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.Với những đặc điểm và điều kiện áp dụng mô hình rất phù hợp với điều kiện và bối cảnh nông nghiệp ở Việt Nam cũng như những lợi ích to lớn góp phần giải quyết những bài toán nan giải trong hoạt động sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn, mô hình ngày càng nhận được sự quan tâm và thu hút thêm nhiều thành viên tham gia ở các khâu khác nhau trong chuỗi cung ứng thực phẩm, nhận được sự quan tâm, ghi nhận của người tiêu dùng và các cơ quan chức năng. Vì vậy, cần có những nghiên cứu và những giải pháp để mở rộng quy mô, thúc đẩy áp dụng mô hình này ở Việt Nam nhằm thúc đẩy thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của quốc gia trong thời gian tới. 302
  16. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tài liệu tham khảo trong nước [1] ADDA (2009), PGS – Hệ thống giám sát có sự tham gia cho sản phẩm hữu cơ – Cẩm nang hoạt động cho người sản xuất [2] Ban điều phối PGS Việt Nam (2013), Tiêu chuẩn hữu cơ PGS [3] Ban điều phối PGS Việt Nam (2011), Tiêu chuẩn PGS cho đối tượng bán lẻ [4] Ban điều phối PGS Việt Nam (2015), Báo cáo Đại hội PGS Việt Nam lần IV nhiệm kỳ 2015-2016 [5] Ban điều phối PGS Việt Nam (2017), Báo cáo Đại hội PGS Việt Nam lần V nhiệm kỳ 2017-2019 [6] Đặng Thu Hương (2015), Nghiên cứu mô hình đảm bảo chất lượng cùng tham gia PGS , Đề tài NCKH cấp trường, Đại học Thương Mại. [7] Serey Mardy, Nguyễn Phúc Thọ, Chu Thị Kim Loan (2013), Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về phát triển nông nghiệp bền vững và những bài học cho phát triển nông nghiệp ở Campuchia, Tạp chí Khoa học và Phát triển, tập 11, số 3: 439-446 [8] Website www.Vietnamorganic.vn Tài liệu tham khảo nước ngoài [9] Laercio, Meirelles, Regulation of participatory gurantee systems in Brazil – A case study, 2010. [10] Nelson, E, Gómez Tovar, L, Schwentesius, R & Gómez Cruz, M., Participatory Guarantee Systems: New Approaches to Organic Certification - The Case of Mexico, 2009. [11] Fonseca, M.F. Wilkinson, J . Egelyng, H . Mascarenhas, G.C.C, The instutitionalization of participatory guarantee systems (PGS) in Brazin: Organic and fair trade initiatives, 2008. [12] Ron Khosla, A participatory Organic Guarantee System for India, Final Report of FAO, 2006 303