Phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mới và những vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam
Bạn đang xem tài liệu "Phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mới và những vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- phong_ve_thuong_mai_trong_boi_canh_thuc_hien_cac_fta_the_he.pdf
Nội dung text: Phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mới và những vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam
- PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI TRONG BỐI CẢNH THỰC HIỆN CÁC FTA THẾ HỆ MỚI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHO CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TRADE REMEDIES IN THE CONTEXT OF IMPLEMENTING NEW AGE FTAS AND EMERGING ISSUES FOR VIETNAMESE ENTERPRISES TS. Lê Thị Việt Nga Trường Đại học Thương mại Tóm tắt Phòng vệ thương mại là những biện pháp thường được các quốc gia sử dụng như là những công cụ để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Để một biện pháp phòng vệ thương mại chính thức được áp dụng, cơ quan chức năng của nước nhập khẩu phải tiến hành điều tra và đưa ra quyết định về việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, quá trình điều tra đó chỉ được bắt đầu khi có đơn yêu cầu điều tra của một hay một số doanh nghiệp của ngành sản xuất tương tự tại nước nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước có vai trò quan trọng trong việc giúp cơ quan chức năng có thể khởi xướng một vụ điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Việt Nam đang trong tiến trình thực hiện các FTA thế hệ mới, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với sức ép cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập khẩu. Trước bối cảnh như vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để được bảo vệ. Bài viết này mong muốn chia sẻ những vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mạisau khi nghiên cứu về vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại, xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam cũng như những nguy cơ thiệt hại đối với doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện các FTA thế hệ mới. Trong bài viết này, tác giả sử dụng phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp và những số liệu từ kết quả điều tra của Trung tâm WTO - Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam về việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ở Việt Nam. Từ khóa: FTA thế hệ mới, biện pháp phòng vệ thương mại, sức ép cạnh tranh Abstract The term “trade remedies” refers to anti-dumping duties, countervailing duties and safeguards. These measures are applied to protect the domestic market in face of the import of foreign goods. In principle, anti-dumping and anti-subsidy measures are applied to deal with unfair competition acts of the imports, safeguard measure is regarded as a tool to protect the domestic market in urgent cases due to excessive import of goods into Vietnam, which causes serious injury to the domestic industry. In other words, safeguard measure could be applied even if the business’ activities of the commercial partners are legitimate without any dumping or subsidy acts. An official determination of applying such measures is issued after taking an anti-dumping or countervailing or safeguard investigation which is initiated with a written complaint from the domestic industry. It is, therefore, so important to enterprises to initiate investigation if they need to be protected. The paper wants to suggest some recommendations 165
- for Vietnamese enterprises to use trade remedies as tools to protect them in the face of competitive pressure from the imports. Key words: New age FTA, trade remedies, competitive pressure 1. Khái quát về phòng vệ thương mại và vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực hiện FTA thế hệ mới FTA (viết tắt của những từ tiếng Anh: Free Trade Agreement) nghĩa là những thỏa thuận thương mại tự do, đó là kết quả chính thức của quá trình thương lượng giữa hai hay nhiều quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhằm thực hiện tự do hóa thương mại thông qua việc cắt giảm thuế quan và xóa bỏ những trở ngại đối với hoạt động thương mại giữa các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó. Ban đầu, FTA được ký kết với mục đích chính là thực hiện tự do hóa thương mại đối với hàng hóa. Sau đó, FTA được mở rộng phạm vi đàm phán, bao gồm tự do hóa thương mại hàng hóa, tự do hóa thương mại dịch vụ và đầu tư quốc tế. Trong những năm gần đây, cụm từ ‘FTA thế hệ mới’ được sử dụng để nói về những FTA với những đặc trưng khác biệt so với FTA trước đây, trong đó có những khác biệt tiêu biểu như: Thứ nhất, FTA thế hệ mới có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, không chỉ bao gồm những nội dung của các FTA trước đây mà còn bao gồm nhiều vấn đề mới liên quan đến tự do hóa thương mại như môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, Có thể nói FTA thế hệ mới không chỉ tác động làm thay đổi chính sách thương mại của quốc gia mà còn làm thay đổi thể chế của một nền kinh tế theo định hướng thị trường hơn. Thứ hai, mức độ tự do hóa của các FTA thế hệ mới sâu hơn, điều này thể hiện rất rõ ở những cam kết giảm thuế quan với mức độ giảm thuế nhiều hơn và thời gian thực hiện giảm thuế ngắn hơn. Thứ ba, cách thức đàm phán về tiếp cận thị trường trong hoạt động thương mại dịch vụ và đầu tư quốc tế cũng thay đổi so với trước đây, thay vì đàm phán theo cách “chọn – cho” thì các quốc gia đàm phán theo cách “chọn - bỏ”, tức là cho phép tiếp cận thị trường ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ mà các nước được bảo lưu. Trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mới với mức độ mở cửa thị trường sâu và phạm vi điều chỉnh rộng như vậy, các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài songchính bản thân họ cũng phải đối mặt với sức ép cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập khẩu. Áp lực cạnh tranh không chỉ do hàng rào thuế quan được dỡ bỏ mà có thể do cả những hành động cạnh tranh không công bằng của đối tác nước ngoài. Vì ngay cả khi có được điều kiện tiếp cận thị trường thuận lợi, các nhà kinh doanh sẽ không từ bỏ những cơ hội để có thể nhanh chóng mở rộng thị phần, tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp, trong đó có cả những hành động cạnh tranh được coi là không lành mạnh như được trợ cấp xuất khẩu, bán phá giá hàng xuất khẩu. Trước sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu, thông thường, nước nhập khẩu sẽ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước. Các biện pháp phòng vệ thương mại (trade remedies) là những biện pháp được chính phủ sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước những thiệt hại nghiêm trọng hoặc nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng từ sự gia tăng mạnh mẽ, đáng kể của hàng nhập khẩu. Các biện pháp phòng vệ thương mại thường bao gồm: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại. Về mặt bản chất, chống bán phá giá và chống trợ cấp là những biện pháp đối kháng được sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng nhập khẩu. Cụ thể, biện pháp chống bán phá giá (có thể được thể hiện dưới 166
- các hình thức như yêu cầu nâng giá bán, biện pháp chống bán phá giá tạm thời, thuế chống bán phá giá) hay biện pháp chống trợ cấp (được thể hiện dưới hình thức thuế chống trợ cấp/ thuế đối kháng) sẽ làm tăng giá bán của hàng nhập khẩu tại thị trường nước nhập khẩu, vì vậy đây là những biện pháp có vai trò quan trọng giúp loại bỏ những tác động thiệt hại đối với ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc giống hệt tại nước nhập khẩu do hàng nhập khẩu bị bán phá giá hoặc được trợ cấp xuất khẩu gây ra. Trong khi đó, tự vệ thương mại là biện pháp khẩn cấp được sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự gia tăng mạnh mẽ, bất thường của hàng nhập khẩu mặc dù đối tác thương mại vẫn cạnh tranh lành mạnh. Hay nói cách khác, tự vệ thương mại có vai trò như cái “van an toàn” giúp bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự gia tăng mạnh mẽ của hàng nhập khẩu. Như vậy, phòng vệ thương mại là những biện pháp chính nghĩa, cần thiết nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng, bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu và không đi ngược lại với xu hướng tự do hóa thương mại. Để đảm bảo những biện pháp phòng vệ thương mại được sử dụng đúng mục đích, không làm cản trở hoạt động thương mại quốc tế, cũng như để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế tăng trưởng và phát triển bền vững, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã ban hành Hiệp định chống bán phá giá, Hiệp định trợ cấp và chống trợ cấp, Hiệp định tự vệ điều chỉnh về hoạt động chống bán phá giá, trợ cấp và chống trợ cấp, hoạt động tự vệ ở các thành viên. Theo đó, các Hiệp định đưa ra những quy định về quy trình thủ tục, điều kiện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và những quy định ràng buộc đối với các biện pháp phòng vệ thương mại khi được áp dụng.Các FTA thế hệ mới (chẳng hạn Hiệp định TPP) cũng có những quy định về phòng vệ thương mại tương tự như các Hiệp định này của WTO. 2. Xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới Từ khi WTO được thành lập (1/1/1995) đến nay, số lượng các vụ điều tra áp các biện pháp phòng vệ thương mại có những diễn biến phức tạp và không có chiều hướng giảm. Về biện pháp chống bán phá giá, số lượng vụ điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá của các thành viên của WTO từ năm 1995 đến hết năm 2014 được thể hiện qua Biểu đồ 1 dưới đây. Nguồn: 167
- Biều đồ 1: Số lượng vụ điều tra chống bán phá giá tại WTO từ năm 1995 - 2014 Từ biểu đồ trên cho thấy số lượng vụ điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá tăng mạnh từ năm 1995 đến năm 2001, đây cũng là giai đoạn các thành viên thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan mạnh mẽ theo kết quả của vòng đàm phán Uruguay. Có vẻ như khi thuế quan cắt giảm, điểu kiện tiếp cận thị trường trở nên thông thoáng hơn khiến khối lượng hàng nhập khẩu sẽ tăng và làm gia tăng áp lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất trong nước. Thêm vào đó, để tăng khả năng nhanh chóng mở rộng thị trường, tăng doanh thu, lợi nhuận và thị phần, các nhà xuất khẩu tiến hành bán phá giá hàng xuất khẩu, chính điều này càng làm tăng sức ép cạnh tranh cho ngành sản xuất nội địa tại thị trường nhập khẩu. Bởi vậy, chống bán phá giá là hành động đối kháng cần thiết và chính nghĩa trong bối cảnh đó. Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá có xu hướng giảm trong các năm 2001-2007 song lại có dấu hiệu tăng trong những năm gầy đây. Theo thống kê của WTO, thành viên thường là đối tượng của các vụ điều tra chống bán phá giá bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn quốc, Hoa kỳ, Thái Lan, Malayxia, và lĩnh vực có số vụ điều tra lớn hơn cả là hóa chất và các sản phẩm dẫn xuất từ hóa chất, kim loại và các sản phẩm từ kim loại. Về biện pháp chống trợ cấp, xu hướng áp dụng biện pháp chống trợ cấp tại các nước thành viên của WTO được mô tả quả Biểu đồ 2 dưới đây. Nguồn: Biểu đồ 2: Số vụ điều tra chống trợ cấp tại các nước thành viên của WTO từ năm 1995-2014 Qua Biểu đồ trên cho thấy xu hướng sử dụng biện pháp chống trợ cấp có chiều hướng tăng từ năm 1995-1999, sau đó có xu hướng giảm đến năm 2005 và lại có dấu hiệu tăng từ năm 2006 đến nay. Điều này chứng tỏ mặc dù WTO đã có quy định rất rõ ràng về trợ cấp và các biện pháp chống trợ cấp song khó làm hạn chế được hành động trợ cấp xuất khẩu của các nước thành viên, số vụ điều tra chống trợ cấp có chiều hướng tăng từ năm 2005 trở lại đây, đáng kể là số vụ điều tra chống trợ cấp năm 2014 cao nhất trong gần 20 năm qua. Kim loại và hóa chất vẫn là những ngành có số vụ điều tra nhiều hơn cả. Về tự vệ thương mại, đây là biện pháp có diễn biến khá phức tạp trong những năm qua, thực trạng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ được minh họa qua biểu đồ 3 dưới đây. 168
- Nguồn: Biểu đồ 3: Số vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ thương mại tại các thành viên của WTO từ năm 1995-2014 Từ Biểu đồ 3 ở trên cho thấy số vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ cũng tăng mạnh trong giai đoạn 1995-2000, sau đó giảm vào năm 2001 và tăng mạnh vào năm 2002, đây cũng là năm có số lượng vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ nhiều nhất trong gần 20 năm qua. Điều đáng nói số vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ từ năm 2003 đến nay thường xuyên biến động qua các năm nhưng vẫn thể hiện chiều hướng gia tăng trong việc sử dụng biện pháp này, đặc biệt số vụ điều tra từ năm 2009 đến nay ở mức cao hơn so với giai đoạn 2003-2009. Từ những số liệu trên đây có thể thấy xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ở các nước là thành viên của WTO trong giai đoạn 1995-2014 có nhiều biến động. Nhìn chung trong khoảng thời gian 5-7 năm đầu sau khi WTO được thành lập, cũng là giai đoạn đầu thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo kết quả của vòng đàm phán Uruguay, số lượng vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đều tăng qua các năm. Đến giai đoạn 2001-2008, số lượng các vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có xu hướng giảm và ở mức thấp. Tuy nhiên, từ sau năm 2008 đến nay, số lượng các vụ điều tra này có dấu hiệu tăng và biến động ở mức cao hơn, thể hiện xu hướng gia tăng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Giai đoạn từ năm 2008 đến nay là giai đoạn nền kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế bắt nguồn từ Mỹ vào giữa năm 2008. Do vậy, phải chăng tự do hóa thương mại và ảnh hướng của suy thoái kinh tế khiến các doanh nghiệp và các quốc gia có xu hướng sử dụng các biện pháp như bán phá giá, trợ cấp xuất khẩu để tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, từ đó tạo ra xu hướng gia tăng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước. 3. Thực trạng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ở Việt Nam Theo thống kê của Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, tính đếntháng 3 năm 2016, có 94 vụ điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong đó có 46 vụ dẫn đến việc áp dụng biện pháp chính thức, cụ thể có 70 vụ điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam 169
- trong đó có 36 vụ dẫn tới việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, có 7 vụ điều tra chống trợ cấp trong đó có 4 vụ dẫn đến việc áp dụng biện pháp đối kháng và có 6 vụ bị áp dụng biện pháp tự vệ trong tổng số 17 vụ điểu tra áp dụng biện pháp tự vệ. Tuy nhiên, Việt Nam mới tiến hành điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong 6 trường hợp, trong đó có2 trường hợp điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá và 4 trường hợp điều tra áp dụng biện pháp tự vệ và chưa bao giờ sử dụng biện pháp đối kháng đối với hàng nhập khẩu. Về biện pháp chống bán phá giá: Lần đầu tiên, vào ngày 02 tháng 7 năm 2013, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4460/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a và Lãnh thổ Đài Loan (mã số vụ việc 13-KN- BPG-01), căn cứ vào đơn kiện nhận được ngày 06/05/2013 của hai công ty là Công ty TNHH POSCO VST và Công ty cổ phần Inox Hòa Bình. Ngày 02 tháng 12 năm 2013,Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương (Cơ quan điều tra) công bố Kết luận điềutra sơ bộ vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàngthép không gỉ cán nguội, có mã HS: 7219.32.00; 7219.33.00; 7219.34.00;7219.35.00; 7219.90.00; 7220.20.10; 7220.20.90; 7220.90.10; 7220.90.90 nhập khẩuvào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Indonesia,Malaysia và Lãnh thổ Đài Loan (mã số vụ việc 13-KN-BPG-01), phù hợp với quy địnhtại Điều 17 Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm 2004 về việcchống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Ngày 25 tháng 12 năm 2013, Bộ Công Thương đã ban hành Quyếtđịnh số 9990/QĐ- BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối vớimột số sản phẩm thép không gỉ cán nguội .Quyết định này có hiệu lực từ ngày 25/1/2014 trong thời gian 120 ngày. Ngày 5 tháng 9 năm 2014, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 7896/QĐ- BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, In- đô-nê-xi-a, Ma-lay-xi-a và Lãnh thổ Đài Loan (mã số vụ việc 13-KN-BPG-01). Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 30 ngày kể từ ngày ký. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng cho hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, cụ thể như sau: Nước/Vùng lãnh thổ Tên nhà sản xuất/xuất khẩu Biên độ bán phá giá LISCO 4,64% Trung Quốc FSSS 6,87% Các nhà sản xuất/xuất khẩu khác 6,58% JSI 3,07% Indonesia Các nhà sản xuất/xuất khẩu khác 3,07% Bahru 10,71% Malaysia Các nhà sản xuất/xuất khẩu khác 10,71% YUSCO 13,79% Đài Loan YLSS 37,29% Các nhà sản xuất/xuất khẩu khác 13,79% 170
- Mức thuế trên có giá trị trong thời hạn 5 năm, hàng năm tiến hành rà soát để điều chỉnh. Trường hợp thứ hai, Ngày 03 tháng 3 năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 818/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ (còn gọi là tôn mạ) nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) và Hàn Quốc, căn cứ vào đơn kiện của các nguyên đơn Công ty cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam (CSVC), Công ty TNHH Tôn Phương Nam, Công ty cổ phần Thép Nam Kim và Công ty cổ phần Tôn Đông Á. Cơ quan điều tra đang trong giai đoạn thu thập minh chứng và tiến hành điều tra, dự kiến đầu tháng 6 năm 2016 sẽ có kết luận sơ bộ. Về biện pháp tự vệ thương mại, Việt Nam đã tiến hành khởi xướng điều tra 4 trường hợp, cụ thể như sau: Thứ nhất, vụ kính nổi. Đây là vụ kiện do Việt Nam khởi xướng điều tra ngày 1/07/2009. Ngày 23/02/2010, Cục Quản lý Cạnh tranh đã đưa ra quyết định cuối cùng chấm dứt điều tra và không áp đặt biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhập khẩu. Thứ hai, vụ dầu thực vật. Đây là vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ do Việt Nam tiến hành khởi xướng điều tra ngày 26/12/2012 căn cứ trên đơn kiện nhận được từ Tổng Công ty Dầu Thực vật (VOCARIMEX) đệ đơn ngày 30/11/2012. Sản phẩm bị điều tra: Dầu nành tinh luyện, dầu stearin tinh luyện và dầu olein tinh luyện có mã số HS: 1507.90.90; 1511.90.91; 1511.90.92; 1511.90.99. Ngày 22/04/2013, Bộ Công thương ra quyết định áp đặt biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm dầu thực vật với mức thuế nhập khẩu 5% trong thời gian không quá 200 ngày. Ngày 25/06/2013, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương ra thông báo gia hạn vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ thêm 02 tháng trước khi ra quyết định cuối cùng trong điều tra. Ngày 23 tháng 8 năm 2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 5987/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với dầu thực vật, cụ thể là dầu nành tinh luyện, dầu cọ tinh luyện với mã HS: 1507.90.90, 1511.90.91, 1511.90.92, 1511.90.99 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau.(mã số vụ việc 12-KN-TVE-01). Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký (tức ngày 07/9/2013). Quyết định này thay thế Quyết định số 2564/QĐ-BCT ngày 22 tháng 4 năm 2013 về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời. Mức thuế tự vệ chính thức được áp dụng theo lộ trình như trong bảng dưới đây: Thời gian có hiệu lực Mức thuế 07/5/2013 - 06/5/2014 5% 07/5/2014 - 06/5/2015 4% 07/5/2015 - 06/5/2016 3% 07/5/2016 - 06/5/2017 2% Thứ ba, vụ bột ngọt. Ngày 01/09/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định số 9269/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng bột ngọt nhập 171
- khẩu vào Việt Nam trên cơ sở đơn yêu cầu điều tra của Công ty Cổ phần Hữu hạn Vedan Việt Nam. Đến nay, cơ quan chức năng đang trong quá trình điều tra, chưa có kết luận. Thứ tư, vụ phôi thép và thép dài. Ngày 25 tháng 12 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 14296/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, căn cứ vào đơn yêu cầu điều tra của Công ty cổ phần thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Công ty CP Thép Việt Ý.Ngày 07 tháng 3 năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 862/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, theo đó biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng như sau: mức thuế tương đối là 23,3% đối với phôi thép và 14,2% đối với thép dài, biện pháp tự vệ được áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày kể từ ngày bắt đầu áp dụng. Như vậy, Việt Nam đã gia nhập WTO được gần chục năm song mới chỉ có 2 trường hợp Việt Nam đã điều tra áp dụng biện pháp chống bán giá giá và 4 trường hợp điều tra áp dụng biện pháp tự vệ thương mại. Nếu so với số vụ điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của các nước đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam thì con số này là quá nhỏ. Qua đó có thể nhận thấy việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam còn hạn chế. Trong thời gian tới, khi áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt dưới tác động của các FTA thế hệ mới, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ mình trước những thiệt hại từ hàng nhập khẩu là cần thiết. Đã đến lúc các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến những biện pháp phòng vệ thương mại như là những công cụ có thể bảo vệ mình một cách chính nghĩa và hợp lý ngay trên sân nhà. 4. Nguy cơ thiệt hại đối với doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện FTA thế hệ mới và những vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam để sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia đàm phán, ký kết những FTA thế hệ mới với nhiều đối tác trên thế giới, trong đó Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (VEFTA) được coi là những FTA thế hệ mới có tác động đáng kể đến thể chế, thương mại, đầu tư và sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm tới đây. Hiệp định TPP đã được ký bởi 12 quốc gia vào ngày 4/2/2016 và đang trong quá trình chờ chính phủ các thành viên phê chuẩn trước khi chính thức có hiệu lực vào năm 2018. Ngay khi Hiệp định TPP có hiệu lực, 18.000 dòng thuế sẽ được giảm và xóa bỏ, có những mặt hàng được hưởng ngay mức thuế 0% nếu chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm theo quy tắc xác định xuất xứ của Hiệp định này từ một trong các nước là thành viên của TPP, chẳng hạn mặt hàng may mặc. Hiệp định VEFTA cũng đã được ký kết vào tháng 12/2015 và dự kiến có hiệu lực từ năm 2018. Ngaykhi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế. Đối với các hàng hóa còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Ngược lại, phía Việt Nam cam kết xóa 65% dòng thuế cho hàng hóa từ EU ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong vòng 10 năm tiếp theo, Việt Nam xóa trên 99% dòng thuế, còn lại sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan với mức thuế trong hạn ngạch là 0%. Qua đócho thấy một khi các FTA thế hệ mới này có hiệu lực, phần 172
- nhiều các dòng thuế được xóa bỏ, điều này tạo nên áp lực cạnh tranh vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam ngay tại thị trường trong nước và nguy cơ bị thiệt hại do sự gia tăng mạnh mẽ của hàng nhập khẩu là điều khó tránh khỏi. Ngoài ra, như đã phân tích trong phần (2) ở trên, tự do hóa thương mại không làm mất đi các hành động cạnh tranh không lành mạnh, tự do hóa cũng khiến các doanh nghiệp cần có công cụ được bảo vệ, vì vậy việc sử dụng các biện pháp đối kháng như chống bán phá giá, chống trợ cấp hay biện pháp tự vệ nhằm tự bảo vệ mình trước sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu vẫn là cần thiết và tất yếu. Do đó, trong bối cảnh thực hiện FTA thế hệ mới, không thể loại trừ khả năng các doanh nghiệp Việt Nam bị thiệt hại đáng kể hay có nguy cơ bị thiệt hại đáng kể ngay tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, trong một nghiên cứu của Trung tâm WTO thuộc phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho thấy chỉ có 2% trong tổng số hơn 100 doanh nghiệp có phản hồi bày tỏ họ đã tìm hiểu kỹ về các biện pháp phòng vệ thương mại, có trên 80% doanh nghiệp bày tỏ họ có nghe nói đến hoặc tìm hiểu sơ bộ; có khoảng 50% doanh nghiệp bày tỏ họ không có cảm nhận gì về hàng hóa nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh hoặc tăng ồ ạt vào thị trường Việt Nam; hơn 50% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn về nhân lực khi đi kiện yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Qua đó cho thấy hiện tại còn nhiều doanh nghiệp chưa có đầy đủ thông tin, hiểu biết về các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như chưa có cảm nhận gì về hàng hóa nước ngoài cạnh tranh không lạnh mạnh hoặc tăng ồ ạt vào thị trường trong nước. Nếu tình trạng này không được cải thiện thì nguy cơ thiệt hại đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong những năm tới đây sẽ tăng lên do không chủ động có biện pháp đối phó kịp thời với việc gia tăng mạnh mẽ của hàng nhập khẩu khi thuế quan được xóa bỏ đáng kể. Như vậy, trước nguy cơ bị thiệt hại của các doanh nghiệp Việt Nam bởi sự gia tăng mạnh mẽ, ồ ạt của hàng nhập khẩu khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực, việc sử dụng những công cụ hợp pháp như các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình là cần thiết. Để những những biện pháp này chính thức được sử dụng, cần phải có quá trình điều tra bởi các cơ quan chức năng trên cơ sở đơn yêu cầu điều tra của các doanh nghiệp trong nước. Do đó, bản thân các doanh nghiệp phải được trang bị những kiến thức, kinh nghiệm sử dụng các biện pháp này. Dưới đây tác giả mạnh dạn đưa ra những vấn đề cần chú ý đối với doanh nghiệp Việt Nam để được bảo vệ bằng những biện pháp phòng vệ thương mại trước sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Thứ nhất, các doanh nghiệp cần chủ động và tích cực hơn nữa trong việc nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng vệ thương mại. Nếu các doanh nghiệp chưa nhận thức được các biện pháp phòng vệ thương mại một cách đầy đủ, toàn diện thì sẽ khó có thể sử dụng chúng như là những công cụ để chủ động tự bảo vệ mình trước sức ép cạnh tranh gay gắt của hàng nhập khẩu. Theo thống kê của Trung tâm WTO của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, hơn 40% các doanh nghiệp trả lời “cần” và hơn 50% doanh nghiệp trả lời “rất cần” sự hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức và năng lực sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp thông qua các hoạt động như tuyên truyền, đào tạo, trang bị tài liệu và chỉ có 25% ý kiến trả lời sẽ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khi gặp khó khăn do hàng nhập khẩu gây ra [2]. Điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp đang rất thiếu thông tin cũng như kỹ năng về các biện pháp phòng vệ thương mại. Có lẽ chính vì lẽ đó nên số vụ điều tra được khởi xướng bởi các doanh nghiệp Việt Nam đối với hàng nhập khẩu còn rất hạn chế. 173
- Do vậy, doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tự nâng cao nhận thức và kỹ năng hoặc chủ động trong việc tìm đến những nơi có thể nhận được sự hỗ trợ liên quan biện pháp phòng vệ thương mại để có thể sử dụng các biện pháp này một cách chủ động, kịp thời và hiệu quả hơn. Thứ hai, doanh nghiệp cần chuẩn bị cả về con người và tài chính để sẵn sàng trong việc điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Con người và tài chính là hai yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp có thể theo đuổi các điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cũng như để đối phó với các vụ điều tra của nước ngoài, chẳng hạn của Hoa kỳ. Đặc điểm của các vụ điều tra áp dụng phòng vệ thương mại là có thể xảy ra bất kỳ lúc nào mà khó dự báo trước, thời gian của các vụ kiện có thể khá dài do quá trình điều tra để thu thập đầy đủ minh chứng trước khi đưa ra kết luận chính thức nên doanh nghiệp luôn phải ở thế sẵn sàng cho quá trình điều tra với những con người có hiểu biết và kinh nghiệm cùng với nguồn lực tài chính tốt. Thứ ba, doanh nghiệp tăng cường kết nối, trao đổi thông tin với các doanh nghiệp khác, với Hiệp hội ngành nghề, các cơ quan chức năng để có thêm thông tin, kinh nghiệm cũng như tăng cường sức mạnh trong các vụ điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu Thứ tư, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phương thức kinh doanh để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại cho doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp cũng cần tính đến việc đưa các biện pháp phòng vệ thương mại trở thành một nội dung trong chiến lược kinh doanh của mình như là một trong những công cụ nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh. Tuy nhiên, cũng cần phải xác định rằng không nên lợi dụng những biện pháp phòng vệ thương mại như là những công cụ bảo hộ trá hình vì nếu thực sự các doanh nghiệp làm như vậy sẽ không mang lại hiệu quả kinh doanh tốt cho doanh nghiệp trong tương lai và có thể sẽ bị chính đối tác nước ngoài kiện. Như vậy, phòng vệ thương mại là những biện pháp được sử dụng nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trong nước trước sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Trong thời gian tới, hoạt động thương mại quốc tế của Việt nam được dự đoán sẽ ngày càng phát triển dưới tác động của các thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, tuy nhiên nguy cơ bị thiệt hại do sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần biết cách sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như là những công cụ chính nghĩa, hợp pháp nhằm bảo vệ mình. 174
- Tài liệu tham khảo 1. Lê Thị Việt Nga (2015), Thực tiễn áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong mối quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa kỳ, Kỷ yếu hội thảo tại Đại học Ngoại thương “20 năm quan hệ Việt Nam – Hoa kỳ 2. Nguyễn Thị Thu Trang (2014), Giải pháp tăng cường sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại nhằm chuẩn bị cho doanh nghiệp trong nước sẵn sàng cho việc mở cửa thị trường thực thi các FTA và cộng đồng kinh tế ASEAN, Ấn bản phẩm của PHòng thương mại và công nghiệp Việt Nam 3. 4. 5. 175