Quá trình phát triển thành nước công nghiệp hiện đại của Israel và một số gợi ý đối với Việt Nam

pdf 13 trang Gia Huy 19/05/2022 2500
Bạn đang xem tài liệu "Quá trình phát triển thành nước công nghiệp hiện đại của Israel và một số gợi ý đối với Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfqua_trinh_phat_trien_thanh_nuoc_cong_nghiep_hien_dai_cua_isr.pdf

Nội dung text: Quá trình phát triển thành nước công nghiệp hiện đại của Israel và một số gợi ý đối với Việt Nam

  1. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN THÀNH NƯỚC CÔNG NGHIỆP HIỆN ĐẠI CỦA ISRAEL VÀ MỘT SỐ GỢI Ý ĐỐI VỚI VIỆT NAM PGS.TS. Đỗ Thị Đông Trường Đại học Kinh tế quốc dân Tóm tắt Bài báo này trình bày quá trình phát triển thành nước công nghiệp hiện đại của Israel, đặc biệt là những nhân tố được cho là nguyên nhân của những thành công của quá trình phát triển dựa vào công nghệ cao của đất nước này. Từ những phân tích đó, bài báo đưa ra một số gợi ý đối với quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam. Từ khóa: Israel, kinh tế Israel, nhân tố thành công của phát triển kinh tế. 1. Quá trình phát triển kinh tế của Isarel Israel là quốc gia của những người Do Thái nằm ở rìa phía Đông của biển Địa Trung Hải. Israel được thành lập vào năm 1948, là quốc gia có diện tích và dân số nhỏ, khoảng 806 nghìn người vào khi thành lập và khoảng 8,5 triệu người vào năm 2016, nhưng có đặc điểm địa lý khá phong phú. Do sự phản đối của những nước Ả rập đối với việc thành lập nhà nước Israel độc lập, các cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông xảy ra đã làm cho tình hình trong khu vực các nước Ả rập trở nên phức tạp, gây nên nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế của Israel. Mặc dù phần lớn thời gian ở trong tình trạng bất ổn về chính trị nhưng quá trình phát triển kinh tế của Nhà nước Israel lại đạt được nhiều thành công ấn tượng. Nhìn chung, quá trình phát triển kinh tế của Israel có thể chia làm những giai đoạn như sau: Giai đoạn trước năm 1948 Lịch sử Israel bắt đầu từ những năm 1880s, khi những người nhập cư theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái tới Palestin để gia nhập cộng đồng Do Thái đã sinh sống từ trước đó, lập nên những khu vực định cư và một số ngành công nghiệp, khôi phục tiếng Hebrew làm ngôn ngữ chính thức quốc gia, tạo nên những định chế kinh tế xã hội mới. Do hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ nhất, dân số Do Thái giảm xuống còn khoảng 56 nghìn người, tương đương với mức đầu thế kỷ. Có thể nói rằng, hai yếu tố tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế nhanh chóng của khu vực Do Thái là sự nhập cư và các dòng vốn. Cuối năm 1947, dân số Do Thái đạt mức khoảng 630 nghìn người. Các dòng vốn trong đó chủ yếu là vốn tư nhân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực này, làm cho tổng sản phẩm quốc nội tăng trưởng mạnh mẽ. Giai đoạn 1922- 1947, tổng sản phẩm quốc nội ròng của khu vực Do Thái tăng trưởng với mức độ trung bình 13,2%, tới năm 1947 chiếm 54% tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế của cả khu vực Do Thái và Ả rập. Giá 217
  2. trị này tính theo đầu người tăng ở mức trung bình 4,8% / năm, năm 1947 gấp 8,5 lần so với năm 1922 và lớn gấp 2,5 lần so với khu vực Ả rập. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, người Anh thông báo ý định rút lui khỏi lãnh thổ Palestin. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đề xuất phân chia Palestin thành hai nhà nước: Nhà nước Ả rập và Nhà nước Do Thái. Mặc dù ý định này bị những người Ả rập tại Palestin phản đối, đến cuối thời kỳ ủy trị của Anh, ngay sau khi Anh rút lui, dưới sự chỉ đạo của David Ben Gurion, người Do Thái đã tuyên bố thành lập Nhà nước Israel. Giai đoạn độc lập (1948 – 1968) Nhà nước Israel bắt đầu được hình thành và phải đối phó với nhiều vấn đề nghiêm trọng do không được các nước Ả rập công nhận độc lập. Trong giai đoạn này, nền kinh tế của Israel có ba yếu tố nổi bật là: chi phí quốc phòng cao, hấp thu một lượng lớn người nhập cư và xây dựng thể chế mới như các ngân hàng, Viện bảo hiểm quốc gia, các tổ chức chính phủ, tất cả những việc này đều cần đến tiền. Chính phủ Israel đã thực thi chính sách hạn chế thực phẩm chủ yếu và giới hạn lượng ngoại tệ mà một cá nhân được phép nắm giữ. Nhà nước đồng thời cũng đổ tiền vào các dự án phát triển nông nghiệp và khai thác nước. Israel chứng kiến sự bùng nổ về người nhập cư giai đoạn 1948 – 1951. Tỷ lệ nhập cư vào Israel giai đoạn này vào khoảng 22,6% mỗi năm, làm cho số dân của Israel tăng gấp đôi lần trong giai đoạn này. Trong số dân nhập cư, tỷ lệ trẻ em khá cao, họ phụ thuộc hoàn toàn vào nhà nước về nhà ở, ngôn ngữ, giáo dục, đào tạo nghề và việc làm. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong nền kinh tế. Mặc dù Nhà nước Israel thừa hưởng một nền quân chủ từ cộng đồng Do Thái trước đó, Israel vẫn phụ thuộc vào trợ vốn bên ngoài. Nhưng do thiếu tài nguyên thiên nhiên, thị trường nội địa nhỏ, nhà nước lại can thiệp quá sâu vào nền kinh tế, Israel chỉ thu hút được ít vốn đầu tư nước ngoài. Sự đóng góp và các khoản vay từ những người Do Thái ở các nước khácthường ở dạng trái phiếu Israel lãi suất thấp đã giúp quốc gia này nhập khẩu năng lượng, nguyên liệu thô, và các hàng hóa đầu vào để sản xuất. Một sự kiện quan trọng vào thời điểm này là việc Nhà nước Israel đã ký một thỏa thuận bồi thường với Tây Đức vào năm 1952, trong đó, Tây Đức sẽ rót một khoản tiền tương đương với 850 triệu USD vào Israel vào giai đoạn 1953- 1964, hầu hết ở hình thức hàng hóa. Mặc dù chính phủ Israel chi tiêu khá tốn kém vào việc mua vũ khí nhưng khoản tiền bồi thường từ Đức đã giúp đầu tư của Israel được tăng cường trong khu vực nông nghiệp và sản xuất thông qua các liên doanh, trợ cấp, khoản vay cho các nhà đầu tư tư nhân. Việc Israel tham gia vào chiến dịch Sinai, chiến dịch mà tại đó quốc gia này tham gia lực lượng với Anh và Pháp để tấn công Ả rập đã dẫn đến sự bùng nổ nhỏ về kinh tế vào năm 1956. Lượng người nhập cư tăng mạnh vào năm 1957, thất nghiệp giảm, năng suất tăng (đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp), 218
  3. cán cân thanh toán của nhà nước được cải thiện. Tương tự như vậy, cuộc chiến tranh năm 1967 đã đưa Israel ra khỏi suy thoái kinh tế. Sau chiến tranh, tỷ lệ thất nghiệp giảm, năng suất và tiêu dùng cá nhân tăng, các ngành công nghiệp liên quan đến quốc phòng (từ kim loại đến máy tính) được hưởng lợi. Du lịch cũng được hưởng lợi và dòng người nhập cư lại bắt đầu. Thị trường nội địa mở rộng bao gồm cả bờ Tây và dải Gaza, tạo nên một lực lượng lao động giá rẻ cho Israel. Giai đoạn 1948- 1968, Israel đã tăng trưởng kinh tế đáng kể. GDP tăng 30,1% vào năm 1951. Nếu tính giai đoạn 1950-1968, tăng trưởng GDP bình quân vào khoảng 9,2% hàng năm, chỉ thấp hơn Nhật Bản vào thời điểm đó (khoảng 9,7%/ năm). Tiêu dùng tư nhân tăng khoảng 9% vào giai đoạn này. Kết thúc giai đoạn, GDP tính theo đầu người của Israel đạt mức 1.412 USD/ người. Đại diện của Ngân hàng Thế giới ở Israel vào thời điểm này đã cho rằng Israel là sự thần kỳ về phát triển kinh tế bất chấp sự khan hiếm về tài nguyên thiên nhiên, láng giềng chống đối, tỷ lệ nhập cư lớn. Nhân tố được cho là mang lại sự thành công trong giai đoạn này bao gồm lực lượng lao động có kỹ năng và dòng vốn từ nước ngoài. Giai đoạn tăng trưởng và dao động (1968 – 1989) Do luôn phải đối phó với các nước láng giềng, trong lĩnh vực quân sự ở Israel, sản xuất súng và các thiết bị liên lạc phát triển từ trước năm 1967. Sau chiến tranh năm 1967, Israel bắt đầu sản xuất các vũ khí phức tạp hơn như máy bay phản lực chiến đấu, xe tăng, tên lửa phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Sự phát triển sản xuất các hàng hóa quân sự này đặt ra một yêu cầu về tính ưu việt của công nghệ. Điều này làm cho chi tiêu quốc phòng tại Israel gia tăng nhanh chóng, từ mức 10,4% của GNP năm 1967 đến mức 20,2% vào năm 1969 và 25,7% vào năm 1970 do chính phủ tập trung nguồn lực vào nghiên cứu và phát triển, làm tăng việc làm trong ngành quốc phòng từ 14 nghìn lao động năm 1966 đến 34 nghìn năm 1972 và làm cho ngành này trở thành một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Cuộc chiến năm 1973 và sau đó là cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Trung Đông đã khiến chi tiêu quốc phòng của Israel tiếp tục tăng chóng mặt, xấp xỉ 32% của GNP trong giai đoạn 1973 - 1976 và chi phí này chỉ có thể thực hiện được do sự tài trợ của Mỹ. Trong thời gian từ 1972 – 1979, Israel đã dành khoảng 30% tổng giá trị sản phẩm quốc nội cho chi tiêu quốc phòng. Mỹ hỗ trợ đến ¼ chi tiêu này cùng nhiều khoản khác theo các chương trình tài trợ (Bảng 1). Mặc dù hiệp ước hòa bình giữa Israel và Ai Cập được ký vào năm 1979 nhưng chi phí quốc phòng vẫn duy trì ở mức 20% GDP trong suốt những năm 1980s. 219
  4. Bảng 1: Viện trợ của Mỹ cho Israel ĐVT: Triệu USD Năm Viện trợ cho quân đội Viện trợ cho kinh tế Tổng viện trợ 1949 - 2000 37.594,9 27.551,5 87.387,85 2001 1.975,6 838,2 3.911,05 2002 2.040,0 720,0 3.117,65 2003 3.086,4 596,1 4.024,15 2004 2.147,3 477,2 3.063,25 2005 2.202,2 357,0 3.013,15 2006 2.257,0 237,0 3.427,20 2007 2.340,0 120,0 3.003,65 2008 2.380,0 0 2.922,40 2009 2.550,0 0 2.810,10 2010 2.775,0 0 3.035,70 2011 3.000,0 0 3.485,10 Nguồn: israel/11203-u-s-aid-to-israel.html Bất chấp việc gia tăng việc làm và thu nhập từ xuất khẩu vũ khí tăng cũng như hiệp định tự do thương mại với Cộng đồng Châu Âu được ký vào năm 1975, nền kinh tế Israel phát triển chậm lại do việc đầu tư quá mức vào quốc phòng, chi phí năng lượng tăng và suy thoái toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Israel chỉ khoảng 2,7%/ năm trong giai đoạn 1981 – 1989, còn GDP trên đầu người chỉ tăng khoảng 1,1% / năm. Lạm phát tăng ở mức hai con số vào đầu những năm 1980s. Năm 1985, Chính phủ Israel đã thực thi một chương trình cải cách kinh tế, đánh giá lại tiền tệ Israel và chi tiêu công. Tư nhân hóa đã làm suy yếu những Histadrut, có thể tạm gọi là những tập đoàn lớn về xây dựng, bảo hiểm, dịch vụ y tế và kinh doanh khác và tạo hành lang phát triển cho sự bùng nổ kinh tế vào những năm 1990s. Mặc dù vậy, kết thúc giai đoạn này, kinh tế Israel đã thể hiện là phát triển khá vững mạnh với mức GDP tính theo đầu người đạt 9.881 USD vào năm 1988. 220
  5. Giai đoạn đổi mới công nghệ cao (1990 – nay) Có thể nói rằng, nhân tố quan trọng tạo nên sự phát triển vượt bậc về kinh tế vào những năm 1990s tại Israel là từ những người nhập cư đến từ Liên Xô và sự phát triển năng động của ngành công nghệ cao. Sự sụp đổ của chế độ chủ nghĩa xã hội cũ theo Liên Xô đã khiến cho gần 900 nghìn người nhập cư mới đến Israel trong giai đoạn 1989 – 1998, đóng góp vào 19,3% dân số của quốc gia này. Phần đông những người nhập cư có trình độ cao, dễ dàng hòa nhập với thị trường Israel. Hơn 55% trong số này có trình độ từ trung học trở lên, trong đó, hơn một nửa hiện đang nắm giữ những vị trí quản lý, cụ thể là: 15% là các kỹ sư và thiết kế, 7% là nhà vật lý, 18% là kỹ thuật viên và các ngành nghề chuyên nghiệp khác, 8% là quản lý. Sự đóng góp của những người nhập cư này được ước tính vào khoảng 6-7% tỷ lệ tăng của GDP trong nửa đầu của những năm 1990s và khoảng 2% vào những năm còn lại của thập kỷ. Cùng với dòng người nhập cư tăng lên nhanh chóng là sự phát triển đáng kinh ngạc của khu vực công nghệ cao, khu vực mà hiện tại đứng trong top 5 trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao. Tel Aviv tại Israel được xác định là một trong 10 trung tâm công nghệ cao lớn nhất trên thế giới. Tính đến tháng 12/2000, cứ trong 1000 người Israel thì có 9 người được tuyển dụng vào làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ cao. Tỷ lệ này gần như gấp đôi so với Nhật và Mỹ vào cùng thời điểm. Sự phát triển của ngành công nghệ cao ở Israel có lịch sử lâu đời, từ hoạt động nghiên cứu và phát triển đã được tiến hành trong lĩnh vực quân sự. Với sự giảm sút của chi tiêu chính phủ về quốc phòng bắt đầu từ những năm cuối của thập kỷ 80 thế kỷ trước, hàng ngàn lao động đã rời quân đội và khởi nghiệp với môi trường kinh đoanh được chính phủ ủng hộ với nhiều quy định mới về luật, tư nhân hóa, tự do hóa. Quá trình hòa bình ở Trung Đông, được khởi xướng với sự kiện Madrid 1991, Tuyên bố Oslo 1993, hiệp ước hòa bình với Jordan 1994 đã định vị Israel thành quốc gia công nghệ cao trong vùng. Bên cạnh đó, với xu hướng toàn cầu hóa và dòng vốn quốc tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Israel đạt giá trị hơn 7 tỷ USD giai đoạn 1993 – 1997, đạt kỷ lục ở mức 5 tỷ USD vào năm 2000, trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Ngành công nghệ cao của Israel được quốc tế hóa, Israel được đánh giá là một trong 3 quốc gia có giá trị IPO lớn nhất trên sàn chứng khoán NASDAQ ở New York, sau Mỹ và Canada và chỉ sau Anh trên thị trường đầu tư thay thế ở Luân đôn. Giá trị xuất khẩu ở khu vực công nghệ cao và dịch vụ chiếm đến 1/3 trong tổng giá trị xuất khẩu ở Israel. Bảng 2 trình bày danh sách một số nhà đầu tư đến từ Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Có thể thấy rằng, phần nhiều trong số này là các tập đoàn công nghệ cao. 221
  6. Bảng 2: Một số nhà đầu tư nước ngoài vào Israel Tiến trình hòa bình ở Trung Đông đã có tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển ở Israel vào giai đoạn 1990-2000. Việc tham gia các hiệp định và các hội nghị quốc tế một phần giúp củng cố vị thế pháp lý của Israel trên trường quốc tế, một mặt làm giảm đi những lo ngại về sự bất ổn của quốc gia này, từ đó tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, khi tình hình đất nước ổn định, du lịch của Israel cũng khởi sắc. Tuy nhiên, trong những năm đầu của thế kỷ 20, nền kinh tế của Israel tụt dốc vì sự đổ vỡ của bong bóng dot-com, nhiều công ty khởi nghiệp trong thời kỳ cao của bong bóng dot-com đã phải phá sản. Thêm vào đó, cuộc nổi dậy lần thứ 2 của người Palestin đã tiêu tốn của Israel hàng tỷ đô la cho chi phí an ninh, sự sụt giảm của đầu tư và du lịch, khiến thất nghiệp của Israel lên đến hai con số. Nền kinh tế Israel đã giảm khoảng 4% tăng trưởng trong quý 1 năm 2002, sau đó phục hồi nhờ việc mở rộng thị trường xuất khẩu, xu hướng sử dụng internet trên toàn cầu làm tăng nhu cầu sử dụng phần mềm, nhu cầu các sản phẩm an ninh quốc phòng tăng sau vụ khủng bố 11/9. Điều này đã làm cho tình trạng thất nghiệp ở Israel cải thiện đáng kể và kinh tế phục hồi, đạt mức tăng trưởng dương. Về tình hình tài chính, giai đoạn 1991- 2000, đầu tư mạo hiểm tăng hàng năm, đến cuối giai đoạn, giá trị đầu tư mạo hiểm đạt gần 60 lần so với đầu giai đoạn, từ mức 58 triệu USD lên 3,3 tỷ USD, số lượng công ty thành lập từ vốn đầu tư mạo hiểm tăng từ 100 đến 800 (hình 1). Doanh thu từ lĩnh vực công nghệ thông tin tăng từ 1,6 tỷ lên 12,5 tỷ USD. Israel đón làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào lớn chưa từng có, đạt mức 13 tỷ USD vào năm 2006 trong khi vẫn tiếp tục nhận được viện trợ từ các nước mà trong đó đáng kể là từ Mỹ (bảng 1). Kể từ năm 2001, tổng nợ nước ngoài của Israel là 95 tỷ USD, xấp xỉ 41,6% GDP. Về khoa học công nghệ, đây là một trong những lĩnh vực phát triển cao và có mức độ công nghiệp hóa mạnh nhất ở Israel. Tỷ lệ lao động tham gia vào lĩnh vực khoa 222
  7. học công nghệ và vốn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển theo GDP đứng hàng đầu thế giới. Israel đứng thứ 4 trên thế giới về số công trình khoa học trên 1 triệu dân. Tỷ lệ trung bình số nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật và kỹ sư trên 10 ngàn lao động cao nhất thế giới là 140 người. Tỷ lệ này ở Mỹ là 85 và ở Nhật là 83 người/ 10 nghìn lao động. Hình 1: Các dự án khởi nghiệp ở Israel giai đoạn 1990-2008 Nguồn: Jordan Weissmann, 2012 Trong đó: màu xanh là dự án khởi nghiệp mới, màu đỏ là dự án khởi nghiệp đầu tư mạo hiểm. Chính phủ Israel đã thực thi nhiều biện pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế mà đáng kể đến là việc tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư được thực hiện. Chính phủ đã ban hành các luật khuyến khích đầu tư vốn từ năm 1959 thông qua các chương trình tài trợ cạnh tranh và miễn thuế cho các phương tiện sản xuất. Chính phủ cũng ban hành luật khuyến khích chi tiêu nghiên cứu và phát triển công nghiệp vào năm 1984 để thúc đẩy phát triển lĩnh vực sản xuất. Ngoài ra, Chính phủ Israel cũng hỗ trợ phát triển kinh doanh trên mọi lĩnh vực thông qua nhiều chương trình như: Khuôn khổ hợp tác nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp toàn cầu, hình thành các trung tâm dự án nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp toàn cầu, ưu đãi thuế cho các trung tâm nghiên cứu và phát triển, miễn thuế cho đầu tư vốn mạo hiểm, triển khai các chương trình hỗ trợ việc làm, các chương trình hỗ trợ đào tạo, Nền kinh tế Israel giai đoạn trước khi gia nhập OECD đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Theo báo cáo IMD về khả năng cạnh tranh toàn cầu, năm 2007, Israel đứng đầu thế giới về chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, sự có sẵn các kỹ sư có trình độ và các nhà khoa học, đứng thứ hai trên thế giới về sự có sẵn vốn đầu tư mạo hiểm, kỹ năng công nghệ thông tin. Đồng thời, nền kinh tế này cũng cho thấy nhiều yếu tố khác được xếp hạng cao (Bảng 3). 223
  8. Bảng 3: Khả năng cạnh tranh của Israel – Báo cáo toàn cầu IMD 2007 Tiêu chí Xếp thứ 1 Xếp thứ 2 Xếp thứ 3 Xếp thứ 4 Chi tiêu R&D cho kinh doanh Israel Thụy Điển Phần Lan Nhật Bản Tổng chi tiêu R&D (% của GDP) Israel Thụy Điển Phần Lan Nhật Bản Sự có sẵn các kỹ sư có trình độ chuyên Israel Singapore Ấn Độ Ireland môn cao Khả năng có sẵn vốn đầu tư mạo hiểm Mỹ Israel Đan Mạch Hà Lan Kỹ năng công nghệ thông tin Ireland Israel Hàn Quốc Singapore Tính năng động và khả năng thích ứng Iceland Ireland Israel Hồng Kông của lực lượng lao động Tỷ lệ dân số có trình độ đại học Canada Nhật Singapo Israel Sự có sẵn các nhà khoa học và kỹ sư Israel Nhật Phần Lan Ấn Độ Độc lập về luật pháp Đức Hà Lan Israel Iceland Sự sẵn sàng về công nghệ Thụy Điển Singapo Israel Iceland Chất lượng của các tổ chức nghiên cứu Thụy Sỹ Mỹ Anh Israel Nguồn: IMD World Competitive Yearbook 2007 và WEF- The Global Competitive Report 2006- 2007 Thu nhập bình quân đầu người ở Israel tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn này (Hình 2). Nếu năm 1960, thu nhập bình quân đầu người của Israel chỉ mới ở mức 1.366 USD thì đến năm 1988, chỉ tiêu này đạt mức 9.881 USD và năm 1998 đạt mức 19.400 USD. Giá trị này tiếp tục tăng ấn tượng, đạt mức 29.657 USD vào năm 2008. Tổng sản phẩm quốc nội của Israel năm 2008 đạt mức 216,76 tỷ USD, dự trữ ngoại hối trên 30 tỷ USD. Israel trở thành thành viên chính thức của OECD vào 7/9/2010. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của Israel ước tính khoảng 36.557 USD/ người, đứng thứ 26 trên thế giới. Hình 2: Thu nhập bình quân đầu người của Israel theo thời gian Nguồn: 224
  9. 2. Những nhân tố mang lại sự thành công của quá trình phát triển kinh tế dựa vào công nghệ cao của Israel Có thể nói rằng, quá trình phát triển kinh tế ở Israel thành công nhờ những nhân tố sau đây: Thứ nhất là sự khác biệt của hậu quả của chiến tranh và bạo động tại Israel. Nếu như ở nhiều quốc gia khác có tranh chấp và hơn nữa là chiến tranh thường dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như phá hủy cơ sở hạ tầng, ngăn cản các hoạt động sản xuất và cung cấp dịch vụ, gây nên những bất ổn trong cuộc sống thì ở Israel, tác hại của chiến tranh dường như lại khá khác biệt. Vào những năm đầu thành lập đất nước, mà cụ thế là hai lần quân đội Ả rập xâm lược nhà nước Do Thái (1948 và 1973), quân đội Israel đã cố gắng xua đuổi quân xâm lược trước khi họ xâm nhập vào địa phận của Israel và cố gắng đẩy địa điểm giao tranh xảy ra trên đất Ả rập. Do vậy, hậu quả chủ yếu của chiến tranh thường dừng lại ở sự hy sinh của quân lính và việc các thiết bị bị phá hủy. Cơ sở hạ tầng của Israel không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hệ thống giao thông và liên lạc không bị gián đoạn, các cảng vẫn mở cửa, các nhà nhà máy vẫn sản xuất, các nông trang, doanh nghiệp, văn phòng, phòng thí nghiệm vẫn hoạt động bình thường. Tất nhiên là lực lượng lao động bị ảnh hưởng bởi các công dân mà đặc biệt là những người là lính dự bị luôn trong tình trạng chuẩn bị lên đường tham gia chiến tranh nhưng nhìn chung điều này không làm ảnh hưởng nặng nề đến năng suất của đất nước. Những vụ đánh bom tự sát trong những năm 1990s thường được thực hiện tại trung tâm các thành phố lớn ở Israel nhưng địa điểm là những nơi có hoạt động giao thông, thương mại hoặc sinh hoạt cộng đồng như là bến xe bus, siêu thị, nhà hát, chứ không phá hủy các cơ sở sản xuất hoặc là các trung tâm công nghệ. Nguyên nhân của việc này là do mục đích của đánh bom nhằm gây tâm lý sợ hãi chứ không nhằm vào phá hủy cơ sở vật chất. Tương tự như vậy, làn sóng khủng bố đe dọa các khách du lịch, gây thiệt hại cho các ngành nghề liên quan đến du lịch nhưng lại không làm phương hại đến việc thu hút đầu tư nước ngoài đến Israel bởi vì sản phẩm và dịch vụ của Israel thường ở dạng vô hình. Nếu đối tác nước ngoài e ngại đến Israel thì điều này cũng không sao cả vì các công ty của Israel sẽ chủ động đến với họ ở nước của họ, và như thế, việc hợp tác vẫn diễn ra suôn sẻ như bình thường. Như vậy, có thể thấy rằng xung đột giữa Israel và các nhà nước Ả rập không có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế của Israel. Thứ hai là những tài năng nhập cư. Có thể nói rằng, đây cũng là một điều khác biệt của Israel so với các quốc gia. Thông thường, ở một nơi có tranh chấp và thậm chí là chiến tranh thì sẽ khó thu hút người nhập cư, nhưng việc này ở Israel thì lại khác. Israel được hưởng lợi từ vận may trăm năm có một: đó là đón luồng di cư của những người Do Thái khi Liên Xô tan rã. Trong số đến gần 1 triệu dân Do Thái từ Liên Xô đến nhập cư, có đến 60% có bằng cử nhân, trong khi bản thân nước Israel thì tỷ lệ này 225
  10. vào thời gian đó chỉ khoảng hơn 30%. Những người nhập cư có chuyên môn cao, đóng góp vào 15% lực lượng lao động ở Israel đã hòa nhập rất nhanh vào môi trường làm việc của Israel và đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền kinh tế này. Thứ ba là vai trò của chính phủ Israel trong việc quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế. Sức mạnh của nền kinh tế Israel không chỉ thể hiện ở ở những doanh nghiệp công nghệ cao mà còn do các chính sách quản lý vĩ mô khôn ngoan của Chính phủ. Từ cuối những năm 1980s, nền kinh tế Israel sau thâm hụt ngân sách nặng nề bởi chi tiêu quốc phòng quá cao, Chính phủ Israel đã thực hiện nhiều biện pháp dứt khoát như cắt giảm chi tiêu công, phát giá đồng tiền, tách mối quan hệ giữa lương và giá, trao vai trò độc lập cho ngân hàng trung ương. Tất cả những việc làm này chính là sự khởi khởi đầu cho một nền kinh tế hiện đại. Trong những năm đầu của quá trình phát triển đất nước, nền kinh tế Israel hầu như bị chi phối bởi các doanh nghiệp khổng lồ được nhà nước hậu thuẫn, nhưng từ năm 1993, Nhà nước đã thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có giá trị lên đến 100 triệu USD từ chương trình Yozma. Một phần tiền từ quỹ được đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhưng điều quan trọng hơn là chương trình này còn lôi kéo các nhà đầu tư mạo hiểm của nước ngoài lập ra các quỹ ở Israel, dựa trên chính sách ưu đãi của chính phủ như là giảm thuế và cam kết nguồn vốn đối ứng trong nước. Nhờ vậy, đầu tư mạo hiểm ở Israel phát triển nhanh chóng với hàng trăm doanh nghiệp khởi nghiệp mỗi năm. Sau khi thị trường đầu tư mạo hiểm đi vào ổn định, năm 1998, Chính phủ Israel đã cho tư nhân hóa quỹ này. Bên cạnh đó, Chính phủ Israel cũng phát triển chính sách nhập cư và triển khai những chính sách đầu tư vào công nghệ, giáo dục, nông nghiệp. Đặc biệt là Chính phủ Israel còn rất nhạy bén khi nhìn nhận khu vực kinh tế tư nhân và hỗ trợ khu vực này phát triển. Thứ tư là nguồn vốn khổng lồ từ nước ngoài. Giống như những nền kinh tế mới nổi, Israel khó có thể có được những thành tựu kinh tế nổi bật nếu thiếu nguồn vốn khổng lồ từ nước ngoài, đặc biệt là trong hoàn cảnh mà quốc gia này thiếu nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và những vùng biên giới ổn định. Bất chấp những khó khăn đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn vẫn đổ về Israel, chủ yếu là đến từ các nguồn như: hỗ trợ của những người Do Thái ngoài Isreal, tiền của những người Do Thái nhập cư đến Israel, khoản bồi thường của Tây Đức, viện trợ của Mỹ, và viện trợ của nhiều quốc gia khác trên thế giới (đã có giai đoạn mà viện trợ nước ngoài ngoài tính trên đầu người ở Israel cao nhất trên thế giới). Thậm chí các số liệu thống kê đã chỉ ra rằng sự bất ổn về an ninh đã khiến cho dòng vồn nước ngoài đổ về Israel tăng lên bởi viện trợ của người Do Thái và của Mỹ tăng lên. Nguồn viện trợ này làm giảm gánh nặng chi tiêu quốc phòng đồng thời trang bị cho quân đội Israel những vũ khí tối tân trong việc bảo vệ đất nước. Thứ năm là sự phát triển của lĩnh vực quân sự ở Israel. Israel trở thành một trong năm nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới. Khu vực quân sự đã mang về 226
  11. cho Israel nguồn thu lớn nhờ vào việc xuất khẩu vũ khí. Đây cũng là khu vực hiện đại nhất, được đầu tư về nghiên cứu và phát triển nhiều nhất ở Israel trong những năm 1970s và 1980s. Tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển liên quan đến quân sự ước tính khoảng 65% tổng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của Chính phủ Isreal trong những năm 1980s, cao hơn nhiều so với mức 13% trong khu vực dân sự. Mặc dù về sau, Israel có xu hướng dựa một phần vào Mỹ, nhưng nhìn chung là ngành quốc phòng của Israel vẫn vững mạnh. Sự kiện 11/9 đã khiến cho nhu cầu của các nước trên thế giới về hàng hóa và dịch vụ an ninh của Israel tăng lên khiến cho ngành quốc phòng vốn đã mạnh lại càng trở nên vững mạnh hơn. Những công nghệ hiện đại trong lĩnh vực quân sự về sau được chuyển giao áp dụng trong lĩnh vực khác bởi những lao động chuyên nghiệp, được đào tạo trong lĩnh vực quân sự đã góp phần thúc đẩy đổi mới và sáng tạo ở đất nước này trong các khu vực khác. Thứ sáu là tố chất của người Do Thái. Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến tố chất của người Do Thái đã làm nên những kỳ tích phát triển kinh tế ở đất nước này. Quan niệm của người Do Thái từ thời xa xưa đến nay là coi tri thức là vốn đặc biệt bởi vốn này có thể tạo ra tài sản mà lại không bị cướp đoạt. Người Do Thái quan niệm rằng trong học tập, điểm số không phải là vấn đề quan trọng mà quan trọng là cách học và những gì học được. Trong hệ thống giáo dục phổ thông ở Israel, môn học kinh doanh được đưa vào giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 6 bên cạnh các môn học khác như là khoa học, toán học. Ở bậc trung học, học sinh giảm dần việc học khoa học mà chú trọng và việc tạo ra sản phẩm. Trong năm cuối của trường đại học, sinh viên sẽ được giao dự án và thực hành. Đây là một trong những lý do quan trọng vì sao phong trào khởi nghiệp kinh doanh ở Israel lại diễn ra mạnh và tạo được nhiều thành công nổi bật. 3. Một số gợi ý đối với Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế trong bối cảnh mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư Từ quá trình phát triển của Israel, có thể rút ra một vài gợi ý đối với Việt Nam như sau: Thứ nhất là trên con đường phát triển trở thành nước công nghiệp hiện đại, các giai đoạn có những đặc điểm riêng biệt đòi hỏi một quốc gia hay vùng lãnh thổ phải xác định nguồn động lực và chính sách phát triển phù hợp. Mỗi quốc gia lại có đặc điểm khác biệt, nếu không nói là độc nhất vô nhị, cần được nhận ra và phát huy nếu đó là đặc điểm tốt hoặc hạn chế nếu đó là những đặc điểm không thuận lợi. Trường hợp của Israel đã cho thấy rằng, quốc gia này đã kết hợp và biến điểm yếu (xung đột và chiến tranh) trở thành điểm mạnh, thậm chí là điểm được cho là động lực phát triển của nền kinh tế (sản xuất vũ khí và cung cấp các dịch vụ an ninh, tận dụng nguồn tài trợ, lựa chọn phát triển các sản phẩm công nghệ cao phù hợp với đặc điểm xuất khẩu trong điều kiện hạn chế nguồn lực), Con đường đi lên thành nước công nghiệp hiện đại của Israel ghập ghềnh khó khăn chứ không phẳng lặng như nhiều quốc gia phát triển khác. Bên cạnh đó, trong so sánh với các nước phát triển khác, có thể dễ dàng 227
  12. thấy được, là cho dù với nước nào, thì sau thời gian phát triển theo chiều rộng, họ đều cần tìm đến những mô hình phát triển kinh tế theo chiều sâu, dựa vào nguồn lao động có tay nghề và tri thức, năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, để từ đó có thể làm chủ quá trình sản xuất và công nghệ, sản xuất ra những hàng hóa có chất lượng cao. Đối với Việt Nam, kể từ sau đổi mới, nền kinh tế đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận nhưng tăng trưởng chủ yếu là do đóng góp của những nhân tố theo chiều rộng: lao động rẻ, vốn, tài nguyên. Nếu cứ giữ cách thức phát triển như vậy sẽ hạn chế sự phát triển của nền kinh tế. Chẳng hạn như nếu cứ phát triển theo hướng tận dụng lao động giá rẻ, vốn là lao động có tay nghề, nhưng với hàm lượng chất xám hạn chế, năng suất lao động không cao thì chính những đặc điểm của lực lượng lao động này sẽ là yếu tố cản trở sự bứt phá để phát triển lên một giai đoạn cao hơn, vốn là giai đoạn yêu cầu lực lượng lao động phải có năng lực sáng tạo và đổi mới, có trình độ cao để có thể làm chủ được công nghệ, có năng suất lao động cao, Vì vậy, Việt Nam cần xác định rõ hướng đi của mình hơn trong việc sử dụng các nguồn lực phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Israel cho thấy rằng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng là một hướng đi tốt cho những nước vốn đi lên từ nông nghiệp. Đây cũng là một gợi ý đối với Việt Nam. Thứ hai là cần phải hoàn thiện thể chế kinh tế. Từ các trường hợp của Israel cũng như nhiều quốc gia công nghiệp hóa thành công, có thể thấy được thể chế kinh tế hoàn thiện và năng động giữ một vai trò quan trọng. Chính phủ Israel đã hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thông qua việc tạo ra một nền tảng luật phát chặt chẽ, và sự năng động trong thay đổi chính sách phát triển phù hợp với tình hình của đất nước, từ tận dụng viện trợ phát triển vũ khí tối tân vừa bảo vệ đất nước vừa xuất khẩu tạo nguồn thu, đến việc tận dụng nguồn lực tri thức đến từ những người nhập cư có chuyên môn, tạo nền tảng thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, phát triển công nghệ cao. Chính phủ Israel cũng thể hiện sự mạnh mẽ trong việc bảo vệ hòa bình, mở cửa nền kinh tế và khuyến khích tự do hóa tài chính, kết nối mạnh mẽ với giới kinh tế. Đối với Việt Nam, cải cách thể chế ở Việt Nam đã trở thành một vấn đề cấp bách và không thể trì hoãn. Việt Nam hiện tại còn rất nhiều vấn đề cần hoàn thiện như cơ chế sở hữu, hệ thống tài chính, quá trình xây dựng và thực thi các chính sách, hiệu quả của đầu tư công, hoạt động của khu vực hành chính công, việc tham gia các hiệp định, vấn đề tham nhũng và tính minh bạch, Thứ ba việc phát triển con người cần được quan tâm hơn nữa. Không thể phủ nhận rằng, tố chất thông minh, chăm học hỏi, quan niệm coi trọng tri thức, tư duy vì cộng đồng của người Do Thái là một trong những nhân tố quan trọng để mang lại thành công của đất nước này. Bởi vậy, nếu Việt Nam muốn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, thì con người cần được coi là yếu tố then chốt để kiến tạo thành công. Việt Nam cần một cuộc cải cách giáo dục triệt để để xây dựng nguồn nhân lực có chất 228
  13. lượng cao. Từ những kinh nghiệm phát triển của Israel, có thể thấy rằng cần đổi mới giáo dục toàn diện ở nhiều khía cạnh như cải tiến nội dung chương trình ở các cấp học, nâng cao năng lực của đội ngũ giảng dạy và quản lý tại các trường học, thắt chặt mối quan hệ giữa nhà trường và người sử dụng lao động để chương trình học đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người sử dụng lao động, trao quyền tự chủ nhiều hơn, rộng rãi hơn cho các trường đại học, đầu tư nhiều hơn vào các trường học, Thứ tư là cần thiết phải nâng cao năng lực đổi mới. Khi nhìn vào con đường phát triển của các quốc gia và vùng lãnh thổ đã công nghiệp hóa thành công, có thể thấy rằng sau một giai đoạn phát triển theo chiều rộng, nền kinh tế Việt Nam cần những nguồn động lực mới để phát triển theo chiều sâu, mà một trong những vấn đề đó là năng lực đổi mới. Việc nâng cao năng lực đổi mới cũng cần được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh: chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, phát triển đội ngũ chuyên gia có năng lực đổi mới, chính sách đầu tư ưu đãi đối với các tổ chức, khu vực để việc đổi mới được thực hiện, Thứ năm là cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phong trào khởi nghiệp, vốn được khởi xướng trong mấy năm gần đây ở Việt Nam và hiện đang được triển khai nhưng còn chưa thu được những kết quả thuyết phục. Thật sự là, một quốc gia muốn phát triển thì mỗi cá nhân trong nền kinh tế phải phát triển lành mạnh và bền vững, bởi vậy, phong trào khởi nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế cần được chú trọng và thực thi mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa để tạo nên cộng đồng doanh nghiệp giàu mạnh cho đất nước, khai thác tốt hơn nguồn lực hiện của của nền kinh tế. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1- Dan Breznitz (2004), Diffusion of Academic R&D Capabilities as an Industrial Innovation Policy? – The Development of Israel’s IT Industry, Massachusetts Isstitute of Technology IPC Working Paper IPC-04-006. 2- Elhanan Helpman (2003), Israel’s economic growth: An international comparison, Israel Economic Review 1 (2003) 3- IMD (2007), Global Competitive Report 4- Jordan Weissmann (2012), It's Not (Just) the Culture, Stupid: 4 Reasons Why Israel's Economy Is So Strong), Aug 2, 2012, The Atlantic Daily. 5- Linda Sharaby (2002), Israel’s economic growth: success without security, Middle East Review of International Affairs, Vol. 6, No.3, September, 2002. 6- WEF (2007), The Global Competitive Report 2006- 2007 229