Sự hình thành và phát triển của khu vực đầu tư ASEAN và gợi ý cho Việt Nam
Bạn đang xem tài liệu "Sự hình thành và phát triển của khu vực đầu tư ASEAN và gợi ý cho Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- su_hinh_thanh_va_phat_trien_cua_khu_vuc_dau_tu_asean_va_goi.pdf
Nội dung text: Sự hình thành và phát triển của khu vực đầu tư ASEAN và gợi ý cho Việt Nam
- SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA KHU VỰC ĐẦU TƯ ASEAN VÀ GỢI Ý CHO VIỆT NAM PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng1 – ThS. Vũ Quang Hải2 Tóm tắt: Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) là cơ chế hợp tác khu vực mang lại lợi ích kinh tế và gây bất lợi với các nước thành viên. Việc phân tích sự hình thành và phát triển của AIA là cần thiết, tạo điều kiện để Việt Nam thu hút FDI và hội nhập sâu rộng khu vực và thế giới. Bài viết phân tích sự hình thành, phát triển và nội dung của AIA, tình hình FDI vào ASEAN và triển vọng FDI trong ASEAN như là minh chứng cho sự phát triển AIA, từ đó đề xuất gợi ý để Việt Nam tăng cường thu hút FDI cũng như góp phần thúc đẩy hợp tác đầu tư trong ASEAN. Từ khoá: Khu vực đầu tư ASEAN, đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam. 1. GIỚI THIỆU Vào những năm 1990, các nước ASEAN chịu áp lực cạnh tranh gay gắt để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các nước đang phát triển khác trên thế giới cũng như khu vực. Ngày 15/12/1995, tại Thái Lan, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 5 ASEAN quyết định thành lập Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) nhằm tăng cường thu hút vốn và tăng khả năng cạnh tranh khuyến khích FDI, làm cơ sở đàm phán điều kiện ký kết thoả thuận chung về AIA. Ngày 07/10/1998, tại Manila, Philippines, AIA được ký kết với quyết tâm thực hiện tầm nhìn ASEAN xây dựng AIA môi trường đầu tư thông thoáng và rõ ràng giữa các quốc gia thành viên, nhằm đẩy mạnh đầu tư vào ASEAN từ các nguồn trong và ngoài ASEAN. Hiệp định đề cập tới nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong đầu tư; chương trình và kế hoạch hành động; mở cửa ngành nghề và đối xử quốc gia; quy tắc đối xử tối huệ quốc và quyền từ chối đối xử tối huệ quốc; biện pháp tự vệ khẩn cấp và biện pháp bảo vệ cán cân thanh toán; giải quyết tranh chấp Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan của sự phát triển trong và ngoài khối, một số quy định của AIA không phù hợp với tình hình mới. Ngày 29/3/2012, Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) chính thức có hiệu lực và là văn bản cam kết quan trọng trong hội nhập ASEAN, liên kết ASEAN với thế giới. Thông qua ký kết và thực hiện Hiệp định ACFTA, AJFTA, AKFTA, AANZFTA, AIFTA năm 2019, FDI vào khu vực ASEAN thu hút 160,56 tỷ USD trên hầu hết ngành kinh tế. Lượng vốn FDI chiếm trên 20% trong tổng số vốn FDI các nước đang phát triển. FDI nội khối ASEAN tăng lên gấp đôi sau hơn hai thập kỷ, chiếm 16% vốn FDI trong ASEAN năm 2019. Tham gia AIA, Việt Nam thu được những lợi ích nhất định. Đến ngày 30/9/2020, Việt Nam có 32.658 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 381,53 tỷ USD. AIA đóng góp trên 20%, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với không ít bất lợi như áp lực cạnh tranh đến từ trong và ngoài ASEAN, điều chỉnh chính sách thu hút FDI theo cam kết trong AIA làm tăng chi phí. 1 Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Email: langnguyen2200@gmail.com. 2 Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Email: vuquanghai94@gmail.com. 337
- 2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU Có một số nghiên cứu liên quan tới AIA như xu hướng gia tăng FDI vào ASEAN do triển khai tự do hoá đầu tư gắn với bảo hộ hợp lý (OECD, 2019); môi trường đầu tư ASEAN và gợi ý điều chỉnh chính sách để hỗ trợ các nước ASEAN giải quyết thách thức nảy sinh từ tăng cường mở cửa đầu tư (OECD, 2014); so sánh luật đầu tư của 10 nước ASEAN, chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt trong chính sách khuyến khích FDI (Jonathan Bonnitcha, 2017); nghiên cứu luật đầu tư nước ngoài của các nước ASEAN và triển vọng cho cộng đồng kinh tế AEC (Mohamad, 2019); sự gia tăng dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào ASEAN (Edward Ng, 2017); nghiên cứu lựa chọn đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc tại ASEAN (Sheng Ma, Xinxin xu, Ziqiang Zeng, Lin Wang, 2019); nghiên cứu sự chuyển đổi trong nền kinh tế các nước ASEAN (Ponciano S.Intal, 2017); khuôn khổ hợp tác đầu tư trong ASEAN và tình hình đầu tư từ ASEAN vào Việt Nam (Phạm Thái Hà, 2017); chính sách thu hút FDI của Thái Lan, dữ liệu khảo sát thực nghiệm để kiểm định yếu tố ảnh hưởng đến FDI vào Thái Lan so với Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam chỉ ra nguyên nhân thay đổi FDI (Ampassacha Rakkhumkaeo, 2016); phân tích cam kết và thực hiện cam kết đầu tư của Việt Nam trong khuôn khổ AEC, quan hệ FDI giữa ASEAN và Việt Nam (Nguyễn Thị Minh Phương, 2015). 3. PHƯƠNG PHÁP VÀ DỮ LIỆU Bài viết sử dụng phương pháp tổng hợp, phân tích, so sánh để giải quyết vấn đề đặt ra. Nguồn dữ liệu sử dụng trong bài viết được thu thập và xử lý từ Ban thư ký ASEAN, Tổng cục Thống kê các nước ASEAN, Cơ quan quản lý đầu tư của các nước ASEAN và các bài nghiên cứu chuyên sâu. 5. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 5.1. Sự cần thiết thành lập Khu vực đầu tư ASEAN Vào những năm 1990, tình hình chính trị, kinh tế quốc tế và khu vực Đông Nam Á có nhiều thay đổi quan trọng, tác động lớn tới các nước ASEAN. Về chính trị, chiến tranh lạnh chấm dứt cùng với sự giảm bớt cam kết về an ninh và giúp đỡ về kinh tế của Hoa Kỳ và Trung Quốc cho ASEAN. Về kinh tế, cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực thương mại từ các nước đang phát triển khác mới nổi lên, đặc biệt là Trung Quốc cùng với sự xuất hiện và lớn mạnh của tác tổ chức hợp tác khu vực như EU, NAFTA, làm cho hàng hoá của ASEAN khó thâm nhập hơn vào thị trường quốc tế. Trước bối cảnh khu vực và thế giới, các nước ASEAN ngày càng phải cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút FDI từ các nước đang phát triển cũng như trong nội bộ khu vực. Điều đó đòi hỏi ASEAN nâng cao tính hấp dẫn và tính cạnh tranh của ASEAN để thúc đẩy FDI. ASEAN coi FDI là “nguồn tài chính quan trọng để duy trì tốc độ phát triển kinh tế, công nghiệp, cơ sở hạ tầng và công nghệ; do đó thừa nhận nhu cầu thu hút FDI vào ASEAN mức độ lớn và bền vững hơn” (Ban thư ký ASEAN, 1998). Bên cạnh đó, ASEAN khẳng định lại tầm quan trọng của duy trì tăng trưởng và phát triển ở tất cả các quốc gia thành viên bằng nỗ lực chung thúc đẩy tự do hoá thương mại và đầu tư giữa các nước ASEAN; khẳng định “cam kết theo Hiệp định ASEAN năm 1987 về khuyến khích và bảo hộ đầu tư để củng cố lòng tin của nhà đầu tư khi đầu tư vào ASEAN, khuyến khích đầu tư lớn hơn vào khu vực” (Ban thư ký ASEAN, 1998). Nhằm thực hiện tầm nhìn ASEAN, xây dựng AIA cạnh tranh với môi trường đầu tư thông thoáng và rõ ràng, hướng đến tầm nhìn ASEAN 2020, AIA được thành lập. 338
- 5.2. Quá trình thành lập Khu vực đầu tư ASEAN AIA là khu vực đầu tư giữa các nước ASEAN trong đó các quốc gia thành viên tiến hành đầu tư tự do, bảo hộ, xúc tiến và thuận lợi hoá đầu tư nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài khối, tăng cường khả năng cạnh tranh và phát triển năng động ASEAN. Nhằm khuyến khích và bảo hộ vốn di chuyển trong ASEAN hình thành từ nửa cuối những năm 1980, thời kỳ FDI đổ ồ ạt vào các nước ASEAN và xuất hiện ngày càng rõ nét xu thế di chuyển vốn từ các nước có trình độ phát triển cao sang những nước có trình độ phát triển thấp hơn trong khu vực. Năm 1987, ASEAN đạt được Thoả thuận về Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư – tiền đề để tiến tới hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực đầu tư của ASEAN. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ tư tổ chức tại Singapore năm 1992, các nhà lãnh đạo ASEAN quyết định đưa sự hợp tác và phát triển kinh tế lên một bước mới, khác hẳn về chất, với việc ký kết Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) làm cơ sở pháp lý cho quá trình tự do hoá thương mại trong khối, tiến tới thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA). Cũng tại cuộc họp Thượng đỉnh, các nước ASEAN ký kết Thoả thuận khung về Khuyến khích hợp tác kinh tế nhằm tiến hành tự do hoá thương mại, khuyến khích buôn bán và đầu tư nội bộ ASEAN. Ngày 15/12/1995, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 5 của ASEAN quyết định thành lập AIA nhằm tăng cường thu hút vốn và khả năng cạnh tranh để khuyến khích FDI vào khu vực ASEAN làm tiền đề ký kết thoả thuận chung về AIA. Đến năm 1996, Công ước về AIA được ký kết tạo nền tảng tự do hoá FDI, tăng cường niềm tin nhà đầu tư ngoài khu vực đầu tư vào ASEAN. Trong tuyên bố chung cuộc họp Thượng đỉnh không chính thức của ASEAN về tình hình tài chính, ngày 15/12/1997, tại Kuala Lumpur, các nhà lãnh đạo các nước thành viên ASEAN khẳng định cam kết tiếp tục duy trì mở cửa thương mại và môi trường đầu tư trong ASEAN, kể cả đẩy nhanh tiến độ thực hiện AFTA, AIA và Cơ chế hợp tác công nghiệp ASEAN. Các nhà lãnh đạo nhất trí cần nỗ lực hơn nữa để loại bỏ rào cản thương mại và thúc đẩy thương mại và đầu tư nội bộ ASEAN. Trên cơ sở quyết định thành lập AIA của các Bộ trưởng kinh tế ASEAN, Uỷ bản soạn thảo Hiệp định AIA được thành lập để tập trung soạn thảo Hiệp định. Hiệp định được hoàn thành và ký vào ngày 07/10/1998 tại Manila, Philippines sau nhiều vòng đàm phán. Hiệp định AIA quy định các nghĩa vụ chung của các thành viên trong đầu tư; chương trình và kế hoạch hành động; mở cửa ngành nghề và đối xử quốc gia; đối xử tối huệ quốc và quyền từ chối đối xử tối huệ quốc; các biện pháp tự vệ khẩn cấp và biện pháp bảo vệ cán cân thanh toán Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan của sự phát triển trong và ngoài khối, một số quy định của AIA không phù hợp với tình hình mới, đặc biệt nhu cầu hội nhập của khối. Để tăng cường hợp tác khu vực, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút FDI vào ASEAN và cũng để phù hợp hơn với tầm nhìn cộng đồng kinh tế ASEAN thống nhất, năng động đòi hỏi phải có văn bản hoàn chỉnh điều chỉnh toàn diện lĩnh vực đầu tư trong ASEAN. Các nước thành viên ASEAN thống nhất quan điểm soạn thảo Hiệp định mới thay thế Hiệp định hiện hành. Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 39 diễn ra tại Manila, Philippines tháng 8 năm 2007 giao Uỷ ban Điều phối Đầu tư ASEAN chủ trì soạn thảo Hiệp định điều chỉnh đầu tư thuộc khối ASEAN. Đến ngày 29/3/2012, Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) chính thức có hiệu lực. Trong khuôn khổ AIA, ASEAN mở rộng hợp tác đầu tư Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, thông qua ký kết và triển khai thực hiện Hiệp định ACFTA, AJFTA, AIFTA, AKFTA, 339
- AANZFTA, để nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN trong thu hút FDI từ cả trong và ngoài khối, thực hiện tự do hoá đầu tư. Ngày 15/11/2020, Bộ trưởng Kinh tế các quốc gia ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand ký kết thành công Hiệp định RCEP mở ra một giai đoạn hợp tác thương mại và đầu tư mới đối với ASEAN. 5.3. Nội dung của Khu vực đầu tư ASEAN 5.3.1. Hiệp định khung về Khu vực đầu tư ASEAN Hiệp định AIA được ký kết ngày 07/10/1998 tại Manila, Philippines. Về phạm vi điều chỉnh, Hiệp định AIA điều chỉnh đầu tư trực tiếp, không điều chỉnh đầu tư gián tiếp và những vấn đề liên quan đến đầu tư được các Hiệp định khác điều chỉnh như Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ. Về mục tiêu, Hiệp định hướng tới xây dựng AIA môi trường đầu tư thông thoáng và rõ ràng hơn giữa các thành viên nhằm: “(i) đẩy mạnh đầu tư vào ASEAN từ cả các nguồn trong và ngoài ASEAN; (ii) cùng thúc đẩy ASEAN thành lập khu vực đầu tư hấp dẫn nhất; (iii) củng cố và tăng cường tính cạnh tranh các lĩnh vực kinh tế trong ASEAN; (iv) giảm dần hoặc loại bỏ quy định và điều kiện đầu tư gây cản trở đầu tư và hoạt động của các dự án đầu tư trong ASEAN và đảm bảo thực hiện mục tiêu trên góp phần hướng tới tự do lưu chuyển đầu tư năm 2020” (Ban thư ký ASEAN, 1998). Về nghĩa vụ chung, Hiệp định quy định các quốc gia thành viên đảm bảo biện pháp và chương trình thực hiện trên cơ sở công bằng và cùng có lợi; thực hiện các biện pháp thích hợp để đảm bảo tính rõ ràng và nhất quán trong áp dụng và giải thích các đạo luật, quy định và thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư trong nước nhằm tạo ra và duy trì một thể chế đầu tư có thể dự đoán trong ASEAN; thực hiện hỗ trợ, xúc tiến và tự do hoá để có thể đóng góp liên tục và đáng kể thực hiện mục tiêu thiết lập môi trường đầu tư thông thoáng và rõ ràng hơn; áp dụng biện pháp phù hợp nhằm tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư của các quốc gia thành viên đối với FDI và thực hiện các biện pháp hợp lý trong phạm vi cho phép để bảo đảm tuân thủ các điều khoản của Hiệp định. Về mở cửa ngành nghề và đối xử quốc gia, mỗi quốc gia thành viên mở cửa ngay lập tức tất cả các ngành nghề cho đầu tư từ nhà đầu tư ASEAN; dành ngay lập tức các nhà đầu tư ASEAN và đầu tư, đối với tất cả các ngành nghề và biện pháp tác động tới đầu tư đó, không chỉ giới hạn ở việc tiếp nhận, thành lập, nắm giữ, mở rộng, quản lý, vận hành và định đoạt đầu tư, sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho các nhà đầu tư và đầu tư tương tự ở trong nước. Đồng thời, mỗi quốc gia thành viên xây dựng Danh mục loại từ tạm thời và Danh mục nhạy cảm (nếu có), bao gồm bất kỳ ngành nghề hoặc biện pháp nào tác động đến đầu tư mà quốc gia đó không thể mở cửa hoặc dành đối xử quốc gia cho các nhà đầu tư ASEAN. Danh mục loại trừ tạm thời được xem xét lại 2 năm một lần và được tất cả các Quốc gia thành viên trừ Việt Nam, Lào và Myanmar, loại bỏ dần cho đến năm 2010. Danh mục nhạy cảm được xem xét vào ngày 01/01/2003 và vào từng giai đoạn tiếp theo do Hội đồng AIA quyết định. Về đối xử tối huệ quốc, mỗi thành viên dành ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà đầu tư và đầu tư của quốc gia thành viên khác, sự đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho nhà đầu tư và đầu tư của bất kỳ quốc gia thành viên nào khác đối với tất cả các biện pháp tác động đến đầu tư, không chỉ giới hạn ở việc tiếp nhận, thành lập, nắm giữ, mở rộng, quản lý, vận hành và định đoạt đầu tư. Mọi ưu đãi theo các hiệp định hoặc thoả thuận hiện tại hoặc tương lai một quốc gia thành viên là một bên đều được dành cho tất cả các quốc gia thành viên khác trên cơ sở đãi ngộ tối huệ quốc. Hiệp định không ngăn cản bất kỳ quốc gia thành viên nào dành đối xử đặc biệt hoặc các ưu đãi cho các nước láng giềng trong tam giác phát triển và các thoả thuận tiểu khu vực khác giữa các thành viên. 340
- Về ngoại lệ chung, Hiệp định không ngăn cấm bất kỳ quốc gia thành viên nào thông qua hoặc thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia hoặc đạo đức xã hội, bảo vệ cuộc sống hoặc sức khoẻ con người, động vật hoặc thực vật; bảo đảm sự tuân thủ pháp luật không trái với các điều khoản của Hiệp định; việc ngăn cản các hiện tượng lừa đảo, gian lận hoặc giải quyết tác động do không hoàn thành nghĩa vụ theo thoả thuận; việc bảo vệ sự riêng tư cá nhân liên quan đến đưa ra và phổ biến tư liệu cá nhân và việc bảo vệ bí mật các hồ sơ và tài khoản cá nhân; việc bảo đảm an toàn và các biện pháp nhằm bảo đảm việc đặt ra và thu một cách công bằng hoặc hiệu quả các loại thuế trực thu đối với đầu tư hoặc các nhà đầu tư của quốc gia thành viên. Điều kiện là các biện pháp đó không được áp dụng theo cách tạo ra sự phân biệt đối xử tuỳ tiện hoặc bất hợp lý giữa các nước, nơi có các điều kiện tương tự hoặc hạn chế ngầm định đầu tư. Về giải quyết tranh chấp FDI, Nghị định thư về Cơ chế giải quyết tranh chấp ASEAN được áp dụng đối với “bất kỳ tranh chấp hoặc bất đồng nào phát sinh giữa các nước ASEAN liên quan đến việc giải thích và áp dụng Hiệp định này. Khi cần thiết, một cơ chế giải quyết tranh chấp được thành lập phù hợp với mục đích của Hiệp định này và sẽ là một phần không tách rời của Hiệp định.” (Ban thư ký ASEAN, 1998). 5.2.3. Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN ACIA ký kết 26/02/2009, có hiệu lực từ 29/3/2012 thay thế cho Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư ASEAN năm 1987 và Hiệp định AIA năm 1998. Hiệp định ACIA bao gồm 4 nội dung chính là Tự do hoá đầu tư, Bảo hộ đầu tư, Thuận lợi hoá đầu tư và Xúc tiến đầu tư. ACIA đưa ra các định nghĩa liên quan tới AIA một cách toàn diện hơn và có các biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm lợi ích của các nhà đầu tư, bảo đảm nguyên tắc về đối xử quốc gia cũng như nâng cao nhận thức của ASEAN về một môi trường đầu tư khu vực thống nhất. Về nghĩa vụ, ACIA điều chỉnh biện pháp các nước thành viên áp dụng đối với các nhà đầu tư và các khoản đầu tư hiện tại hoặc tương lai (tính từ thời điểm ACIA có hiệu lực) của các nhà đầu tư đến từ các nước thành viên; ACIA không áp dụng với các biện pháp liên quan đến thuế (trừ các trường hợp quy định khác trong Hiệp định); các khoản tài trợ hay trợ cấp của một nước thành viên; mua sắm công; các dịch vụ cung cấp nhằm thực hiện thẩm quyền của nhà nước bởi một cơ quan hoặc tổ chức nước thành viên; các biện pháp tác động đến thương mại dịch vụ theo Hiệp định AFAS, trừ một số biện pháp liên quan tới Phương thức cung ứng dịch vụ 3 – Hiện diện thương mại như quy định cụ thể trong Hiệp định. Về tự do hoá đầu tư, ACIA hướng vào mục tiêu cụ thể, giới hạn áp dụng các điều khoản tự do hoá trong các lĩnh vực: chế tạo, nông nghiệp, nghề cá, lâm nghiệp, khai mỏ, các dịch vụ hỗ trợ cho các ngành trên. Ngoài ra, ACIA quy định cho phép tự do hoá đối với bất kỳ lĩnh vực nào được các quốc gia thành viên nhất trí. Quy định này cho phép tự do hoá một số lĩnh vực, dịch vụ khác phát sinh trong tương lai. Về nguyên tắc đối xử quốc gia, tương tự như Hiệp định AIA, ACIA quy định mỗi quốc gia thành viên cam kết dành cho các nhà đầu tư và đầu tư của các nhà đầu tư từ quốc gia thành viên khác sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử với các nhà đầu tư và đầu tư của nhà đầu tư trong nước. Về nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, mỗi thành viên cam kết dành cho các nhà đầu tư và đầu tư của nhà đầu tư từ quốc gia thành viên khác sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử với các nhà đầu tư và đầu tư của nhà đầu tư từ bất kỳ quốc gia thành viên hay ngoài thành viên ASEAN, trừ trường hợp các thoả thuận tiểu khu vực giữa hai hay nhiều thành viên, thoả thuận của các nước thành viên với nước khác nhưng phải thông báo với Hội đồng đầu tư ASEAN. 341
- Theo Điều 6, Hiệp định ACIA, sau khi ACIA có hiệu lực, bất kỳ thành viên nào có bất kỳ thoả thuận nào với các quốc gia khác ngoài khối, trong đó có các cam kết dành sự đối xử ưu đãi hơn đối với các nhà đầu tư và đầu tư của các nhà đầu tư quốc gia đó so với các cam kết trong ACIA mặc định đối xử ưu đãi hơn đó cũng sẽ được áp dụng với các nước thành viên ASEAN. Tuy nhiên, theo Hiệp định, nguyên tắc này không áp dụng đối với các quy định liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước – Nhà đầu tư nước ngoài (ISDS). Về yêu cầu thực hiện, Hiệp định ACIA khẳng định lại các quy định trong Hiệp định về các Biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại của WTO (Hiệp định TRIMS) trong đó có nội dung liên quan đến cấm các quốc gia đặt ra yêu cầu thực hiện như yêu cầu doanh nghiệp mua một tỷ lệ nhất định hàng hoá nội địa, xuất khẩu một tỷ lệ nhất định hàng hoá, Các quốc gia cam kết tiến hành đánh giá chung các yêu cầu thực hiện để bổ sung thêm cam kết vào Hiệp định này sau 2 năm kể từ ngày ACIA có hiệu lực. Về nghĩa vụ bảo hộ đầu tư, ACIA có rất nhiều quy định bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài các khoản đầu tư của họ khi đầu tư vào một quốc gia trong ASEAN, trong đó có quy định về đối xử công bằng và thoả đáng, tự do chuyển tiền (vốn, lợi nhuận, ) ra nước ngoài, đảm bảo an ninh, an toàn, không bị trưng thu, trưng dụng tài sản bất hợp lý Đặc biệt, ACIA đưa vào cơ chế ISDS cho phép nhà đầu tư khi có tranh chấp với nước nhận đầu tư có quyền kiện nước đó ra trọng tài độc lập. Quy trình và thủ tục giải quyết tranh chấp theo cơ chế ISDS được quy định khá cụ thể trong Hiệp định. Phạm vi giải quyết tranh chấp là tất cả tranh chấp liên quan đến các nghĩa vụ về đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, quản lý cấp cao và ban giám đốc, đối xử đầu tư, bồi thường trong trường hợp xung đột, chuyển tiền, trưng dụng và bồi thường. ACIA có ngoại lệ cho phép các quốc gia ASEAN không phải tuân thủ một số nghĩa vụ trong Hiệp định, bảo đảm nước sở tại quyền điều chỉnh cũng như biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội. Hiệp định quy định các ngoại lệ liên quan đến bảo vệ đạo đức công cộng, bảo vệ tính mạng và sức khoẻ con người, động thực vật, bảo vệ các công trình quốc gia về văn hoá, lịch sử hoặc khảo cổ ; ngoại lệ về an ninh quốc phòng; Bảo lưu theo Danh mục bảo lưu của từng quốc gia. Mỗi quốc gia có Danh mục biện pháp bảo lưu hai nghĩa vụ đối xử quốc gia và nghĩa vụ nhân sự quản lý cấp cao và ban giám đốc. Theo quy định ACIA, các quốc gia thành viên phải cắt giảm hoặc xoá bỏ bảo lưu trong Danh mục bảo lưu quốc gia theo lộ trình để phù hợp với ba giai đoạn của Lộ trình chiến lược trong Kế hoạch tổng thể thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Tuy nhiên, ACIA vẫn chưa thúc đẩy hợp lý hiệp định đầu tư trong ASEAN, do đó các hiệp định này trở thành một trong những điều phức tạp nhất thế giới (OECD, 2019). Mặt khác, việc bổ sung hiệp định liên quan đến đầu tư của ASEAN vào mạng lưới hiệp định song phương đã có dẫn đến sự nhân lên gấp bội của các hiệp định khiến mạng lưới nghĩa vụ quốc tế phức tạp, dễ bị chồng chéo và không nhất quán. Ví dụ, Úc và Malaysia ký một FTA vào năm 2012 sau khi AANZFTA có hiệu lực, Singapore ký FTA song phương và một chương trình đầu tư với Trung Quốc năm 2009, một năm trước khi ACFTA có hiệu lực rộng lớn hơn Mặc dù Điều 44 của ACIA cung cấp biện pháp bảo vệ chống lại sự mâu thuẫn pháp lý bằng cách tuyên bố ACIA không vi phạm quyền và nghĩa vụ hiện có của một quốc gia thành viên theo các hiệp định đầu tư khác mà họ là thành viên. Tuy nhiên, sự tồn tại song song giữa một Hiệp định song phương và ACIA đã cung cấp hai nguồn bảo vệ cho nhà đầu tư. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa các quốc gia ASEAN và nhà đầu tư, nhà đầu tư lựa chọn hiệp định có lợi nhất và điều đó gây bất lợi cho nước ASEAN. 342
- 5.3.3. So sánh AIA và ACIA a) Những điểm giống nhau Cả hai Hiệp định có mục tiêu chung là cải thiện môi trường đầu tư ASEAN để thu hút FDI cả trong và ngoài khối. Đồng thời, ACIA khẳng định lại một số quy định trong Hiệp định AIA như nguyên tắc đối xử quốc gia, nguyên tắc tối huệ quốc, trưng dụng và bồi thường, minh bạch đầu tư. b) Những điểm khác nhau Thứ nhất, AIA bao gồm 21 điều khoản, tập trung vào ba nội dung là Tự do hoá đầu tư, Thuận lợi hoá đầu tư và Xúc tiến đầu tư. Trong khi đó, ACIA bao gồm 49 điều khoản, kèm theo 2 phụ lục và một danh sách bảo lưu của các quốc gia thành viên ASEAN. ACIA là một hiệp định đầu tư khá toàn diện trong ASEAN, diễn ra trên bốn trụ cột là Tự do hoá đầu tư, Bảo hộ đầu tư, Thuận lợi hoá đầu tư và Xúc tiến đầu tư. Thứ hai, AIA chưa đề cập rõ về mối quan hệ giữa các quy định về Tự do hoá đầu tư và Bảo hộ đầu tư; ACIA đề cập rõ ràng mối quan hệ giữa các quy định của Tự do hoá đầu tư và Bảo hộ đầu tư. Thứ ba, AIA dành ưu đãi nhà đầu tư ASEAN trong thời hạn đến năm 2010 và các nhà đầu tư nước ngoài tại ASEAN với thời hạn môi trường đầu tư mở và tự do vào năm 2020. ACIA dành sự ưu đãi ngay lập tức cho các nhà đầu tư ASEAN và các nhà đầu tư nước ngoài tại ASEAN với thời hạn môi trường đầu tư mở và tự do được rút ngắn vào năm 2015. Thứ tư, AIA đưa ra định nghĩa rất hẹp về địa vị nhà đầu tư, ACIA đưa ra các định nghĩa liên quan tới AIA một cách toàn diện hơn và phù hợp với những hoạt động đầu tư hiện hành. ACIA bổ sung một số định nghĩa mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi áp dụng quy định liên quan một cách thống nhất. Bên cạnh đó, AIA dẫn chiếu quy định của Nghị định thư về cơ chế giải quyết tranh chấp làm cơ sở giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên về đầu tư nhưng chỉ dừng lại ở phạm vi tranh chấp liên quan tới việc giải thích và áp dụng AIA hoặc bất kỳ thoả thuận nào khác phát sinh từ AIA. ACIA quy định một cách chi tiết trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với quốc gia thành viên. ACIA quy định một phần riêng về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và quốc gia thành viên từ Điều 28 đến Điều 41. Phạm vi giải quyết tranh chấp là những tranh chấp ảnh hưởng đến quyền lợi cơ bản của các bên liên quan, cụ thể là những tranh chấp về đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, quản trị cấp cao và Ban giám đốc, bồi thường do xung đột, chuyển tiền, quản lý, điều hành. Theo ACIA, nhà đầu tư ASEAN giải quyết tranh chấp với quốc gia sở tại bằng cách sử dụng toà án trong nước hoặc trọng tài quốc tế, bao gồm toà án của Trung tâm quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư (ICSID), theo quy tắc của Uỷ ban liên hiệp quốc về luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) hay bất kỳ quy tắc nào khác được các bên tranh chấp thoả thuận. Điều kiện là nhà đầu tư phải chứng minh tranh chấp phát sinh do vi phạm nghĩa vụ nước sở tại về quản lý, thực hiện, vận hành hoặc bảo đảm đầu tư. Tuy nhiên, ACIA khuyến khích nhà đầu tư sử dụng giải pháp thay thế tranh chấp (hoà giải, tham vấn, đàm phán, ) trước khi bắt đầu thủ tục tố tụng ISDS để ngăn ngừa tranh chấp gia tăng. Quy định này tương tự với AANZFTA. 5.4. Tình hình FDI trong Khu vực đầu tư ASEAN FDI trong ASEAN tăng 10,36% từ 153,1 tỷ USD năm 2018 lên 160,56 tỷ USD năm 2019. Tỷ lệ vốn FDI toàn cầu của ASEAN so với các nền kinh tế đang phát triển từ 18% năm 2016 lên 20% năm 2017, tỷ lệ vốn FDI của khu vực Đông và Đông Nam Á từ 31% năm 2016 lên 34% năm 2017. 343
- Bảng 1: FDI vào ASEAN giai đoạn 2011–2019 Đơn vị: tỷ USD Quốc gia 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019 Brunei 0,62 1,21 0,86 0,73 0,57 0,17 – 0,15 0,46 0,52 0,37 Campuchia 0,78 0,89 1, 57 1, 27 1, 72 1, 70 2, 28 2,73 3,10 3,71 Indonesia 13,77 19,24 19,14 18,44 21,81 16,64 3,92 20,58 20,56 23,56 Lào 0,33 0,47 0,29 0,43 0,91 1,08 1,08 1,70 1,32 0,56 Malaysia 9,16 12,00 9,40 12,11 10,88 10,18 11,29 9,30 7,61 7,70 Myanmar 2,25 2,06 1,35 2,62 0,95 2,82 2,99 4,00 1,61 2,51 Philippines 1,30 1,81 2,80 3,86 5,81 5,64 8,28 10,26 9,95 7,65 Singapore 57,46 39,89 60,10 56,67 73,28 59,70 68,82 83,62 79,72 92,08 Thái Lan 14,75 2,47 12,90 15,94 4,98 8,93 2,81 8,23 13,21 6,31 Việt Nam 8,00 7,52 8,37 8,90 9,20 11,80 12,60 14,10 15,50 16,12 Tổng 108,42 87,56 116,77 120,97 130,11 118,67 113,92 154,97 153,10 160,56 Nguồn: ASEANstats ơ Có 6/10 nước ASEAN tăng vốn FDI, trong đó tăng mạnh nhất là Myanmar, 15,59% từ 1,61 tỷ USD lên 2,51 tỷ USD, tiếp theo là Campuchia tăng 11,96% từ 3,10 tỷ USD lên 3,71 tỷ USD và Singapore tăng 11,56 từ 79,72 tỷ USD năm 2018 lên 92,08 tỷ USD năm 2019. FDI vào Indonesia cũng tăng 11,46% từ 20,56 tỷ USD lên 23,56 tỷ USD, Malaysia tăng 10,12% từ 7,61 tỷ USD lên 7,70 tỷ USD, trong khi FDI vào Việt Nam tăng 10,4% từ 15,5 tỷ USD năm 2018 lên 16,12 tỷ USD năm 2019 (Bảng 1). Năm 2019, 03 nước Singapore, Indonesia và Việt Nam chiếm 82,06% vốn FDI vào ASEAN cho thấy mức độ tập trung đầu tư cao (năm 2017 và năm 2018, con số này lần lượt là 76,33 và 75,62%). Sự gia tăng về vốn FDI của Singapore lên mức cao nhất cho thấy Singapore vẫn là nước nhận FDI lớn nhất khu vực. Năm 2018, dòng vốn FDI từ EU vào Singapore tăng 4,7 lần lên 18 tỷ USD, từ Nhật Bản tăng 32% lên 5 tỷ USD, từ Hàn Quốc tăng hơn 3 lần lên 2,3 tỷ USD. FDI từ các nền kinh tế khác cũng tăng và tất cả đủ bù đắp sự sụt giảm đáng kể của FDI từ Hoa Kỳ (từ 28 tỷ USD năm 2017 xuống chỉ còn 4 tỷ USD năm 2018). Tỷ lệ vốn FDI vào Singapore tiếp tục tăng từ 52,07% năm 2018 lên 57,35% năm 2019. Tỷ trọng FDI vào ASEAN của 10 nhà đầu tư hàng đầu (Bảng 2) giảm từ 75% năm 2017 xuống 64% năm 2018, cho thấy sự đa dạng hóa các nguồn vốn FDI. Mặc dù giảm 3% nhưng đầu tư nội khối ASEAN (25 tỷ USD) vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (16% FDI vào ASEAN). Singapore vẫn là nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực và Indonesia là nước nhận đầu tư nội vùng lớn nhất. Tuy nhiên, không phải tất cả các khoản đầu tư nội vùng từ Singapore là nhà đầu tư Singapore vì có nhiều doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở tại Singapore cũng đầu tư thông qua đến các quốc gia thành viên ASEAN khác. 344
- Bảng 2: Nhóm 10 đối tác đầu tư vào ASEAN 2017–2018 Đơn vị: tỷ USD,% Năm 2017 Năm 2018 Đối tác Đối tác Giá trị Tỷ lệ Giá trị Tỷ lệ ASEAN 25 17 ASEAN 25 16 Hoa Kỳ 25 17 Nhật Bản 21 14 Nhật Bản 16 11 Trung Quốc 10 7 Trung Quốc 14 9 Hồng Kông 10 7 Hà Lan 10 7 Hoa Kỳ 8 5 Hồng Kông 6 4 Hà Lan 8 5 Hàn Quốc 5 3 Hàn Quốc 7 4 Đức 3 2 Luxembourg 4 3 Thuỵ Sỹ 3 2 Anh 4 2 Anh 3 2 Đức 2 1 Tổng top 10 110 75 Tổng top 10 98 64 Nguồn: ASEAN Investment Report 2019 FDI từ Liên minh châu Âu (EU) tăng 45% lên 22 tỷ USD, dẫn đầu là đầu tư từ Hà Lan, Luxembourg, Đan Mạch, Pháp và Vương quốc Anh. Hơn 80% FDI từ EU đến hoặc qua Singapore (chủ yếu từ Hà Lan và Vương quốc Anh). Mặc dù dòng vốn FDI giảm, Hà Lan vẫn là nhà đầu tư lớn nhất của EU trong khu vực – vị trí mà Hà Lan nắm giữ vào năm 2017. FDI từ Nhật Bản tăng 30% lên 21 tỷ USD, tập trung ở Thái Lan, Singapore, Indonesia và Việt Nam. FDI từ Nhật Bản vào 4 nước thành viên này chiếm hơn 91% đầu tư của Nhật Bản vào ASEAN. FDI từ Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 83% lên 10 tỷ USD năm 2018, khiến nền kinh tế này thành nhà đầu tư lớn thứ tư trong ASEAN. Ba quốc gia thành viên (Singapore, Thái Lan và Malaysia) nhận được gần 60% FDI từ Hồng Kông. Hàn Quốc là nhà đầu tư quan trọng. Năm 2018, ASEAN vẫn là một điểm nhận đầu tư quan trọng của FDI từ Hàn Quốc. Phần lớn FDI từ Hàn Quốc tiếp tục tập trung ở Việt Nam và Singapore. Tuy nhiên, FDI của Hàn Quốc có xu hướng tăng tại Campuchia, Indonesia, Myanmar và Thái Lan từ năm 2017. Bảng 3 cho thấy có sự khác biệt trong FDI vào ASEAN phân theo ngành kinh tế. Lĩnh vực sản xuất và ba ngành dịch vụ chủ yếu là bán buôn và bán lẻ, tài chính và bảo hiểm, bất động sản là ngành thu hút FDI chủ yếu. Riêng lĩnh vực sản xuất và ba ngành dịch vụ này chiếm tới 84,52% tổng vốn FDI vào ASEAN. Con số này tăng nhẹ so với năm 2018 (80,39%) cho thấy mức độ tập trung của FDI vào ASEAN. Đặc biệt, FDI vào lĩnh vực tài chính và bảo hiểm tăng mạnh, từ 32.022,41 triệu USD năm 2018 lên 51.306,90 triệu USD năm 2019, đẩy tỷ lệ vốn trong ngành này từ 21,57% lên 31,95% tổng vốn FDI vào ASEAN. 345
- FDI vào lĩnh vực sản xuất tăng nhẹ, từ 54.818,77 triệu USD năm 2018 lên 56.242,30 triệu USD lên 2019. Sự gia tăng FDI lĩnh vực sản xuất ở ASEAN một phần là do chuyển dịch từ Trung Quốc và quốc gia đang phát triển khác do tác động của căng thẳng thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc. Các quốc gia hưởng lợi chính về FDI trong lĩnh vực sản xuất là Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia. Theo khảo sát của Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc, khoảng 30% trong 430 doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Trung Quốc có xu hướng chuyển cơ sở sản xuất để giảm thiểu tác động mức thuế cao hơn trước biến động khó lường của căng thẳng thương mại Hoà Kỳ – Trung Quốc và 18,5% chuyển sang ASEAN. Tuy nhiên, mức gia tăng này chậm hơn so với các ngành khác nên tỷ trọng FDI trong sản xuất so với tổng vốn FDI vào ASEAN giảm nhẹ, từ 35,81% năm 2018 xuống còn 35,03% năm 2019. Bảng 3: FDI vào ASEAN theo ngành kinh tế 2018–2019 Đơn vị: triệu USD,% Năm 2018 Năm 2019 Ngành/Lĩnh vực Giá trị Tỷ lệ Giá trị Tỷ lệ Sản xuất 54.818,77 35,81 56.242,30 35,03 Tài chính và bảo hiểm 33.022,41 21,57 51.306,90 31,95 Bán buôn và bán lẻ 21.928,10 14,32 18.281,70 11,39 Bất động sản 13.313,83 8,70 9.873,38 6,15 Khai khoáng –6.897,05 –4,50 3.519,73 2,19 Xây dựng 3.282,49 2,14 2.809,94 1,75 Nông, lâm, thuỷ sản 3.608,76 2,36 2.602,02 1,62 Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 812,22 0,53 2.313,95 1,44 Cung cấp điện, ga, hơi nước và điều hoà 1.319,12 0,86 1.559,24 0,97 Vận chuyển và lưu trữ 3.525,07 2,30 1.438,31 0,90 Hoạt động khoa học và công nghệ 1.269,07 0,83 688,67 0,43 Cấp nước, thoát nước và quản lý chất thải 150,15 0,10 559,11 0,35 Dịch vụ hành chính và hỗ trợ 504,05 0,33 408,25 0,25 Nghệ thuật và giải trí 684,70 0,45 66,63 0,04 Giáo dục 51,39 0,03 37,88 0,02 Hành chính công, quốc phòng và an ninh 10,83 0,01 11,36 0,01 Dịch vụ lưu trú và ăn uống 807,87 0,53 –54,00 –0,03 Thông tin và truyền thông 2.952,31 1,93 –803,47 –0,50 Hoạt động khác 17.934,73 11,71 9.699,99 6,04 Tổng 153.098,84 100,00 160.561,88 100,00 Nguồn: ASEANstats 346
- FDI vào bán buôn và bán lẻ, bất động sản có xu hướng giảm. Năm 2018, FDI vào bán buôn và bán lẻ đạt 21.928,10 triệu USD, chiếm 14,32% tổng vốn FDI thì đến năm 2019, con số này giảm xuống còn 18.281,70 triệu USD, chiếm 11,39% tổng vốn FDI vào ASEAN. Tương tự, FDI vào ngành bất động sản cũng giảm từ 13.313,83 triệu USD, chiếm 8,7% tổng vốn FDI năm 2018 xuống còn 9.873,38 triệu USD, chiếm 6,15% tổng vốn FDI vào ASEAN năm 2019. Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản tiếp tục nhận FDI ngày càng giảm, từ 3.608,76 triệu USD, chiếm 2,36% tổng vốn FDI vào ASEAN năm 2018 xuống 2.602,02 triệu USD, chiếm 1,62% tổng vốn FDI vào ASEAN năm 2019. Các doanh nghiệp ASEAN đầu tư nhiều nhất vào nông, lâm, thuỷ sản, có trên 80% vốn FDI chảy vào nông, lâm, thuỷ sản là nội vùng ASEAN. Trong đó, Indonesia là nước tiếp nhận chính, với hơn 80% FDI vào nông, lâm, thuỷ sản. Bảng 3 cho thấy năm 2018 có những khoản đầu tư vào một số ngành công nghiệp đáng theo dõi vì tiềm năng tăng trưởng và tác động đến phát triển kinh tế và xã hội trong khu vực như y tế và hoạt động trợ giúp xã hội. Năm 2018, FDI lĩnh vực y tế và trợ giúp xã hội chỉ đạt 812,22 triệu USD, đến năm 2019, con số này tăng 2,85 lần lên 2.313.95 triệu USD. Đầu tư vào chăm sóc sức khoẻ của ASEAN bao gồm bệnh viện tư nhân, trung tâm y tế, cơ sở nghiên cứu và phát triển y tế, sản xuất thiết bị y tế đang tăng lên với nguồn vốn đến từ ASEAN, Úc, EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Tăng thu nhập, nhu cầu gia tăng đối với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và môi trường FDI tự do trong khu vực là những yếu tố quyết định FDI đối với ngành này. Đồng thời, sự phát triển nhanh chóng và gia tăng cơ hội trong kinh tế kỹ thuật số ở ASEAN thu hút sự chú ý của các công ty nước ngoài và ASEAN như AC Commerce (Thái Lan), Carousell (Singapore), Go–Jek (Indonesia), Alibaba, JD.com, Tencent (Trung Quốc), Amazon (Hoa Kỳ) cũng tích cực đầu tư và mở rộng trong ASEAN và lĩnh vực thương mại điện tử. 5.5. Triển vọng của Khu vực đầu tư ASEAN và gợi ý cho Việt Nam 5.5.1. Triển vọng của Khu vực đầu tư ASEAN FDI vào ASEAN đến năm 2030 tiếp tục tăng tốc. Giai đoạn 1980–2020, luỹ kế FDI trong ASEAN tăng với tốc độ ổn định 15%/năm. Với giả định thận trọng về tăng trưởng hàng năm 7,3%/năm, UOB dự báo luỹ kế FDI vào ASEAN tăng gấp đôi vào năm 2025, đạt 3,6 nghìn tỷ USD và gần gấp ba vào năm 2030, đạt 5,2 nghìn tỷ USD. Bên cạnh đó, nghiên cứu của UNCTAD về xu hướng FDI chỉ ra FDI gia tăng vừa phải trên toàn cầu và ASEAN. Đồng thời, việc điều chỉnh chính sách thu hút FDI của các quốc gia và đặc điểm FDI trong nền kinh tế số, sự nổi lên của công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia và công nghệ số hoá tạo động lực mới thúc đẩy FDI. Về đối tác đầu tư, theo dự báo của Ngân hàng Liên minh Hải ngoại Singapore (UOB), đến năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt Nhật Bản và Hoa Kỳ, trở thành đối tác đầu tư lớn thứ hai của ASEAN (sau đầu tư nội khối ASEAN). “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” chạy qua 9 quốc gia ASEAN là Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Philippines và Brunei Darussalam kết nối Trung Quốc với với vịnh Ba Tư và biển Địa Trung Hải cùng hiệp định RCEP vừa được ký kết vào 15/11/2020 sẽ thúc đẩy FDI mạnh mẽ từ Trung Quốc vào ASEAN. Mặt khác, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính tổng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ASEAN giai đoạn 2016–2030 đạt khoảng 2.800 tỷ USD đến 3.100 tỷ USD. Điều đó cho thấy cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung thúc đẩy hơn nữa nhịp độ các dự án BRI và đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN. 347
- UOB dự báo FDI từ Trung Quốc vào ASEAN năm 2030 đạt 185,0 tỷ USD (chiếm 13,8% tổng vốn FDI vào ASEAN). Hình 1: FDI từ Trung Quốc vào ASEAN đến năm 2030. Nguồn: UOB Global Economics & Markets Research 5.5.2. Gợi ý cho Việt Nam Tham gia vào AIA, tạo điều kiện Việt Nam thu hút được nhiều hơn FDI từ cả trong và ngoài ASEAN, thúc đẩy tiến trình điều chỉnh và hoàn thiện chính sách thu hút FDI, thực hiện công khai, minh bạch cơ chế quản lý FDI, bảo đảm tiến trình chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã họi chủ nghĩa hiệu quả hơn; đồng thời, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó cũng đòi hỏi Việt Nam tăng chi đầu tư điều chỉnh chính sách hút FDI và tổ chức lại bộ máy quản lý FDI theo cam kết của AIA. Mặt khác, cạnh tranh gay gắt hơn với nhiều đối thủ hơn trên bình diện rộng hơn, sâu hơn đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi đổi mới tư duy, thể chế và phương thức quản lý FDI của Chính phủ nhằm tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng. Hiện tại, Việt Nam vẫn dựa trên ưu đãi về thuế, chi phí nhân công thấp và dịch vụ tiện ích giá rẻ. Tuy nhiên, đây chỉ là lợi thế chi phí ngắn hạn, không phải lợi thế cạnh tranh trong dài hạn. Lợi thế này dần mất đi và Việt Nam phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với Lào, Campuchia, Myanmar trong khi khó có thể cạnh tranh với các nước ASEAN 6. Đồng thời, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung biến động khó lường, với độ mở thương mại của Việt Nam, Việt Nam chịu tác động phức tạp và nhiều chiều từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Đặc biệt, khi bị Mỹ áp thuế, doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách “mượn đường” các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam để xuất khẩu vòng sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, những mặt hàng bị áp thuế hầu hết là những mặt hàng máy móc, công nghệ tương đối đặc thù nên Trung Quốc không dễ dàng chuyển sang Việt Nam để lách thuế. Thay vào đó, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư sang các quốc gia ASEAN như phân tích ở trên và từ đó xuất khẩu hàng hoá sang Hoa Kỳ. Do đó, Việt Nam và các nước ASEAN khác đối mặt với nguy vơ bị lợi dụng xuất xứ đối với hàng hoá xuất khẩu, bị biến thành “sân sau” của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Kết quả là chính Việt Nam và các nước ASEAN khác có nguy cơ nằm trong danh sách áp thuế của Mỹ trong tương lai. 348
- Bên cạnh đó, nguy cơ dịch chuyển dòng vốn FDI chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường từ Trung Quốc vào Việt Nam. Đặc biệt, do dịch chuyển của FDI từ Trung Quốc sang các nước ASEAN trong đó có Việt Nam tạo áp lực hạ tầng, xã hội ở một số địa phương. Đồng thời có sự gia tăng nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam dẫn đến việc khó kiểm soát. Các nhà đầu tư Trung Quốc gia tăng các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị thâu tóm, thôn tính thông qua hoạt động mua bán cổ phần. Điều đó đòi hỏi Việt Nam cần có giải pháp đồng bộ để thu hút FDI chất lượng cao từ Trung Quốc. Điều đó, đòi hỏi Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả để có thể tiếp nhận một cách có chọn lọc nguồn vốn FDI, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Thứ nhất, nâng cao nhận thức toàn diện về vấn đề điều chỉnh chính sách thu hút FDI trong ASEAN là phương thức tiếp cận có hiệu quả nhất đối với việc khai thác triệt để các cam kết của Việt Nam trong AIA để xây dựng và hoàn thiện chính sách thu hút FDI. Do đó, cần coi trọng xây dựng hệ thống lý luận, nguyên tắc, quan điểm rõ ràng, nhất quán về điều chỉnh chính sách thu hút FDI phù hợp với điều kiện Việt Nam trong AIA và các cam kết quốc tế khác về đầu tư, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền hiệu quả, đặc biệt đối với các cấp quản lý, các nhà đầu tư nước ngoài cũng như doanh nghiệp và các đối tượng hữu quan. Thứ hai, điều chỉnh phân cấp quản lý FDI hợp lý, phù hợp với điều kiện hội nhập ASEAN. Bên cạnh phân cấp toàn diện cho chính quyền tỉnh, thành phố nhằm phát huy tính sáng tạo của địa phương cần coi trọng thực hiện nghiêm minh quy định pháp luật về quản lý FDI, có hình thức chế tài đủ mạnh khi các địa phương hoặc các cấp quản lý được phân cấp có hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước gây thiệt hại do vi phạm cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều chỉnh chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để đo lường và đánh giá mức độ cải thiện môi trường đầu tư của các địa phương theo cam kết trong AIA. Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI, dựa vào lợi thế cạnh tranh trong dài hạn thay vì dựa vào lợi thế chi phí trong ngắn hạn. Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng các hàng rào kỹ thuật cần thiết, nâng cao tiêu chuẩn môi trường, tài nguyên, công nghệ, phù hợp với tiêu chuẩn ASEAN và thế giới để loại bỏ những dự án kém chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau cấp phép các dự án FDI nhằm đảm bảo nhà đầu tư thực hiện đúng các cam kết về yêu cầu, tiến độ triển khai được quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Việt Nam cần có điều kiện chặt chẽ hơn đối với hoạt động đầu tư theo hướng góp vốn, mua cổ phẩn, đồng thời bổ sung thêm các quy định về điều kiện an ninh quốc phòng đối với một số địa bàn, lĩnh vực FDI có điều kiện. Thứ tư, khai thác các tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cấp chính sách thu hút FDI gắn với chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển nền kinh tế số. Việt Nam cần có những chính sách đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0, tận dụng lợi thế trong AIA thu hút FDI. Thứ năm, hiện đại hoá phương thức xúc tiến đầu tư phù hợp với xu hướng chung trong ASEAN bằng việc thay đổi triệt để cách thức tổ chức và thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng thương hiệu quốc gia: chuyển từ phương thức thụ động và dựa trên phê duyệt sang cách tiếp cận về xúc tiến FDI có mục tiêu xây dựng chiến lược ngành rõ ràng và vận động chính sách để giải phóng tiềm năng đầu tư. 349
- Đồng thời nghiên cứu áp dụng mô hình cơ quan xúc tiến đầu tư quốc gia có sự kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân nhằm nâng cao năng lực quản trị như mô hình của Uỷ ban phát triển kinh tế Singapore (EDB), hay Cơ quan phát triển đầu tư Malaysia (MIDA). Nghiên cứu khả năng tổ chức các trung tâm xúc tiến đầu tư của trung ương và địa phương thành một hệ thống quản lý theo ngành dọc để tránh lãng phí và nâng cao hiệu quả, thể chế hoá cơ chế phối hợp giữa các cơ quan xúc tiến đầu tư này. 6. KẾT LUẬN AIA là hạt nhân quan trọng thúc đẩy ASEAN trở thành trung tâm trong hệ thống sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia, thu hút FDI từ 94/100 công ty đa quốc gia phi tài chính lớn nhất thế giới. FDI từ nhóm 100 công ty đa quốc gia phân tán trên tất cả các lĩnh vực và hầu hết các ngành công nghiệp của ASEAN khiến ASEAN trở thành chủ nhà lớn thứ bảy của công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới. Tham gia AIA, Việt Nam tích cực, chủ động thu hút FDI hiệu quả từ cả trong và ngoài ASEAN song cũng phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là vấn đề điều chỉnh chính sách thu hút FDI của Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực cao nhất để hoàn thiện chính sách, cải thiện sức cạnh tranh với các nước ASEAN cũng như các nước đang phát triển khác. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ban thư ký ASEAN (2019), ASEAN Investment Report 2019, Jakarta, Indonesia. 2. Ban thư ký ASEAN (2018), ASEAN Investment Report 2018: Foreign Direct Investment and Digital Economy in ASEAN, Jakarta, Indonesia. 3. Ban thư ký ASEAN (2019), Niên giám thống kê ASEAN 2018, Jakarta, Indonesia. 4. Ban thư ký ASEAN (2017), ASEAN at 50: A Historic Milestone for FDI an MNEs in ASEAN, Jakarta, Indonesia. 5. Ban thư ký ASEAN (2014), ASEAN Comprehensive Investment Agreement (ACIA), Jakarta, Indonesia. 6. Ban thư ký ASEAN (1998), Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN, Jakarta, Indonesia. 7. China Briefing (2019), The US – China trade war: A timeline, truy cập lần cuối ngày 15 tháng 11 năm 2020, từ: –briefing.com/news/the–us–china–trade–war–a–timeline/. 8. Huỳnh Tâm Sáng (2019), Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và những chiều kích cạnh tranh chiến lược, truy cập lần cuối ngày 20 tháng 11 năm 2020, từ: My–Trung%20va%20chieu%20kich%20canh%20tranh%20chien%20luoc%20(SCIS).pdf. 9. Nguyễn Anh Thu và Vũ Thanh Hương (2018), Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và một số tác động dự đoán, truy cập lần cuối ngày 15 tháng 11 năm 2020, từ: –pham/258–tai–lieu–tham– khao/5.%20Chien%20tranh%20thuong%20mai%20My%20Trung%20va%20mot%20so%20tac%20d ong%20du%20doan.pdf. 10. Nguyễn Tiến Minh (2015), Hợp tác kinh tế ASEAN – Trung Quốc, truy cập lần cuối ngày 20 tháng 11 năm 2020, từ: 11. Nguyễn Thị Tuệ Anh (2015), Nghiên cứu điều chỉnh chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam đến năm 2020, truy cập lần cuối ngày 25 tháng 11 năm 2020, từ: – tuc/4378/nghien–cuu–dieu–chinh–chinh–sach–dau–tu–truc–tiep–nuoc–ngoai–o–viet–nam–den– nam–2020?newsgroup=Đề%20tài%20NCKH%20cấp%20nhà%20nước. 350
- 12. Trần Thị Thanh Hương (2019), Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và một số tác động đến Việt Nam, truy cập lần cuối ngày 20 tháng 11 năm 2020, từ: –cuu–trao– doi/chien–tranh–thuong–mai–my–trung–va–mot–so–tac–dong–den–viet–nam–309898.html. 13. Jonathan Bonnitcha (2017), Investment Laws of ASEAN Countries: A comparative review, truy cập lần cuối ngày 25 tháng 11 năm 2020, từ: –laws–asean–countries.pdf. 14. Kiên Dương (2018), Thu hút FDI: Đừng đưa nhau xuống đáy, truy cập lần cuối ngày 25 tháng 11 năm 2020, từ: –hut–von–dau–tu–dung–dua–nhau–xuong–day–64636.htm. 15. Nguyễn Thị Việt Nga, Chiến lược thu hút FDI thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, truy cập lần cuối ngày 25 tháng 11 năm 2020, từ: –chinh–kinh–doanh/chien–luoc–thu–hut– fdi–thoi–ky–cach–mang–cong–nghiep–40–301334.html. 16. Nguyễn Thị Minh Phương (2015), Tự do hoá đầu tư trong cộng đồng kinh tế ASEAN và sự tham gia của Việt Nam, truy cập lần cuối ngày 25 tháng 11 năm 2020, từ: 17. Phạm Thái Hà (2017), Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam theo khuôn khổ hợp tác đầu tư trong ASEAN, truy cập lần cuối ngày 25 tháng 11 năm 2020 từ: –cuu–trao– doi/dau–tu–truc–tiep–nuoc–ngoai–vao–viet–nam–theo–khuon–kho–hop–tac–dau–tu–trong–asean– 125667.html?mobile=true. 18. OECD (2018), OECD Investment Policy Reviews: Viet Nam, truy cập lần cuối ngày 25 tháng 11 năm 2020, từ: –content/uploads/2018/12/OECD–Investment–Policy–Review– Viet–Nam–2018.pdf. 19. UOB (2016), Foreign Investment Direct to Provide, truy cập lần cuối ngày 15 tháng 4 năm 2019, từ: –foreign–direct–investment–to–provide.pdf. 20. VCCI (2015), Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN, truy cập lần cuối ngày 25 tháng 11 năm 2020, từ: –de/7172–hiep–dinh–dau–tu–toan–dien–asean–acia. 351