Tác động của tín dụng với phát triển nông nghiệp nông thôn: Tổng hợp từ nghiên cứu trong nước và quốc tế

pdf 6 trang Gia Huy 24/05/2022 1780
Bạn đang xem tài liệu "Tác động của tín dụng với phát triển nông nghiệp nông thôn: Tổng hợp từ nghiên cứu trong nước và quốc tế", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftac_dong_cua_tin_dung_voi_phat_trien_nong_nghiep_nong_thon_t.pdf

Nội dung text: Tác động của tín dụng với phát triển nông nghiệp nông thôn: Tổng hợp từ nghiên cứu trong nước và quốc tế

  1. TÁC ĐỘNG CỦA TÍN DỤNG VỚI PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN: TỔNG HỢP TỪ NGHIÊN CỨU TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ PGS. TS. Vũ Sỹ Cường Học viện Tài chính Đặt vấn đề Việt Nam là một quốc gia có truyền thống nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn. Vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, nông nghiệp được coi là một yếu tố cơ bản cho sự phát triển kinh tế nói chung. Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, thương mại nông nghiệp đã có đóng góp lớn cho các nguồn ngoại tệ, tăng thu nhập nông thôn và cải thiện điều kiện sống ở khu vực nông thôn. Tài chính toàn diện (financial inclusion) hay còn gọi là tài chính bao trùm, được hiểu khái quát là các dịch vụ tài chính được cung ứng tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương, theo cách thức thuận tiện và phù hợp với nhu cầu, nhằm thông qua đó góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tài chính toàn diện được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững. Mục tiêu của tài chính toàn diện là tăng cơ hội tiếp cận nguồn lực tài chính với mọi người dân, nhất là ở nhưng khu vực khó khăn như nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, tín dụng được coi là một công cụ hỗ trợ cho phát triển kinh tế nông thôn nói chung và hoạt động kinh tế hộ gia đình nói riêng. Vấn đề đặt ra là liệu chính sách tín dụng và hỗ trợ mang tính tiếp cận tích cực từ nhà nước sẽ mang lại những hiệu quả như thế nào trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bài viết này có mục tiêu là tổng hợp lại các nghiên cứu trong và ngoài nước về tác động của tín dụng với phát triển nông nghiệp và nông thôn. Ngoài phần mở đầu và kết luận, bài viết gồm 2 phần chính, ở phần thứ nhất sẽ là tổng hợp các nghiên cứu ở nước ngoài và phần tiếp theo là tổng hợp các nghiên cứu ở Việt Nam. 1. Tác động của tín dụng với phát triển nông nghiệp nông thôn: tổng hợp các nghiên cứu quốc tế Tuy còn nhiều tranh cãi về phương pháp, phần lớn các nghiên cứu trên thế giới về tín dụng nông nghiệp đều cho rằng một chính sách chủ động và hiệu quả từ Nhà nước sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp. Glover & Kusterer (2016), trong một nghiên cứu so sánh giữa nhiều nước phát triển, cho rằng một chính sách tín dụng hợp lý, phối hợp giữa nhà tài trợ quốc tế, Nhà nước, doanh nghiệp, và ngân hàng sẽ giúp ngành nông nghiệp phát triển theo hướng dựa vào thị trường, hình thành ngành kinh doanh chuyên nghiệp cho nông dân. Các nghiên cứu về tác động của tín dụng đặc biệt là tín dụng vi mô như Morduch, (1998), Mosley và Hulme, (1998), Copestake, Bhalotra, và Johnson, (2001); Zaman (2001), cho thấy thấy có cả những tác động tích cực và tiêu cực, trong đó hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô thường mang lại lợi ích cho nhóm nghèo nhưng lại không mang đến lợi ích cho nhóm nghèo nhất. Bên cạnh đó, Rutherford, (1996) chứng minh rằng hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp các khoản vay cho người nghèo nhưng chưa hướng đến việc nâng cao năng lực cho người nghèo quản lý những đồng tiền của họ một cách tốt hơn. Các khoản vay tài trợ bởi tổ chức tài chính vi mô có thực sự cải thiện thu nhập của những người nông dân nghèo nói riêng và những người nghèo nói chung cũng là vấn đề đáng quan tâm. Những nghiên cứu của Rahman(1998), Mayoux(1999), Husain, Mukherjee, và Dutta(2010), cho thấy cần có sự kết hợp giữa hoạt động cho vay của tổ chức tài chính vi mô với các hoạt động can thiệp khác của Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả tổng thể của sự can thiệp, hướng tới mục tiêu cải thiện phúc lợi người nghèo. 203
  2. Nghiên cứu của Karmakar K.G. (2000) đã nhận thấy, sử dụng các nguồn vốn tín dụng bất hợp lý sẽ dẫn tới hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển của khu vực nông thôn bị giảm, mặc dù kết quả này có thể không ảnh hưởng nặng nề đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong cuốn sách của mình, Karmakar đã chứng minh được rằng, các chương trình tín dụng không phù hợp sẽ khiến các hộ nông dân rơi vào bẫy nghèo đói. Tác giả đã lập luận rằng việc chính thức hoá thị trường vốn sẽ khiến cho người nông dân mất cơ hội tiếp cận vốn tín dụng. Trong bối cảnh đó, tác giả lập luận rằng các hình thức tín dụng vi mô vẫn có vai trò quan trọng đối với người nghèo, hướng tới mục tiêu giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển. Một trong những nguyên nhân quan trọng, theo Karmakar K.G. (2000) dẫn tới sự kém hiệu quả của các chương trình tín dụng nông thôn truyền thống là cơ chế thu hồi vốn thực hiện kém hiệu quả. Sự kém hiệu quả của cơ chế này, bắt nguồn từ nhóm các nguyên nhân bên trong và bên ngoài. Theo tác giả, những người vỡ nợ có thể được phân làm hai nhóm, (a) nhóm có nhận thức rõ ràng và (b) nhóm cần phải được giải thích thêm về những động cơ và trách nhiệm khi phá sản; Trên cơ sở đó, tác giả luận giải sự cần thiết phải có các chương trình hỗ trợ đi kèm với chương trình tín dụng vi mô. Barry & Robison (2001), trong một khảo cứu về chính sách tín dụng của cả các nước phát triển và đang phát triển, cho rằng ngành nông nghiệp dù ở mức độ phát triển cao hay thấp cũng đều cần sự tham gia chủ động của nhà nước. Về vai trò của vốn tín dụng, nhiều nghiên cứu cho rằng vốn tín dụng đóng vai trò to lớn đối với người nông dân sản xuất sản xuất nhỏ, có tác động đến thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho người dân (Aliou Diagne Manfred Zeller (1999). Theo Boucher và cộng sự (2007), vốn tín dụng ngân hàng do các NHTM cung ứng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng năng suất nông nghiệp thông qua việc đầu tư vào tư liệu sản xuất [3], còn theo Diagne, A., Zeller, M., & Sharma M (2000) thì vốn tín dụng cũng cho phép các hộ nông dân đầu tư vào cải tiến kỹ thuật và áp dụng công nghệ mới trong nông nghiệp như hạt giống cho năng suất cao, phân bón làm tăng hiệu quả và thu nhập của họ [5]. Monika Huppi và Gershon Feder (1989) đã nghiên cứu vai trò của tín dụng nông thôn thông qua hình thức tín dụng hợp tác xã và chương trình cho vay theo nhóm. Theo các tác giả, các mô hình tín dụng nông thôn nói trên có vai trò quan trọng trong việc khắc phục những thất bại của hệ thống ngân hàng thương mại trong việc cung cấp tín dụng cho các hộ nông dân ở các nền kinh tế đang phát triển. Việc các ngân hàng thương mại và các tổ chức cho vay nông thôn khác không tiếp cận đến nhóm nông dân thu nhập thấp có ảnh hưởng đến mục tiêu xoá đói, giảm nghèo ở các nền kinh tế đang phát triển. Mặc dù vậy, hoạt động của tín dụng nông thôn và các chương trình cho vay theo nhóm có cả những kết quả tốt và không tốt. Theo các tác giả, các hạn chế trong hoạt động của các tổ chức tín dụng nông thôn nằm chủ yếu ở các hoạt động triển khai và các hoạt động hỗ trợ bổ sung chứ không nằm ở hoạt động cho vay và cách tiếp cận đối tượng cho vay. Các tác giả xác định các yếu tố mang lại sự thành công của chương trình cho vay theo nhóm bao gồm (1) tính đồng nhất trong mỗi nhóm nông dân với kết hợp tính trách nhiệm chung trong việc hoàn trả và trách nhiệm giám sát, quản lý; (2) thiết lập trái phiếu cộng đồng như là một hình thức đặt cọc và chỉ được hoàn trả cho nhóm sau khi đã hoàn trả đầy đủ khoản vay; (3) Từ chối cho các thành viên của nhóm vay tiếp các khoản trong tương lai khi bất cứ thành viên nào bị phá sản, không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ của khoản vay hiện hữu. Guinnane, T. (2001) đã nghiên cứu về vai trò của tín dụng hợp tác xã đối với sự phát triển của nông nghiệp Đức trong thế kỷ 19. Mặc dù đây là thời kỳ phát triển mạnh của hệ thống ngân hàng thương mại ở Đức, nhưng tín dụng hợp tác xã vẫn tồn tại và đóng góp cho sự phát triển của nền nông nghiệp. Điều này là do hoạt động của tổ chức tín dụng hợp tác xã đã vốn hoá dựa trên các thông tin và đặc biệt là đã thành công trong việc xử lý/xử phạt các trường hợp phá sản. Đây là 204
  3. hai yếu tố quan trọng góp phần thành công trong việc cung cấp tín dụng cho những cá nhân người nông dân bị bỏ qua bởi hệ thống ngân hàng thương mại. Hoạt động xây dựng hệ thống thông tin được ưu tiên đã góp phần giúp chương trình thiết kế được các khoản cho vay phù hợp với nhu cầu của từng người/hộ nông dân. Can thiệp của Chính phủ vào các vấn đề như giải quyết khó khăn trong thực thi, sửa chữa vấn đề thông tin không hoàn hảo, bảo vệ những người gửi tiền, xử lý vấn đề sức mạnh thị trường là cần thiết để phát triển thị trường tín dụng nông thôn (Timothy Besley, 1994). Tác giả đã đề xuất những giải pháp để Chính phủ các nền kinh tế đang phát triển xử lý vấn đề nói trên như giải pháp về quyền tài sản, hay cung cấp đang dạng hoá các mô hình tín dụng nông thôn để đạt được mục tiêu phát triển. Timothy Besley và Stephen Coate (1995) đã nghiên cứu thực trạng hoạt động tín dụng nông thôn ở Bangladesh. Dựa trên phương pháp lý thuyết trò chơi, các tác giả đã tập trung nghiên cứu, đánh giá về hiệu quả hoạt động cho vay theo nhóm. Theo các tác giả, hoạt động tín dụng nông thôn dựa trên mô hình cho vay theo nhóm có cả những kết quả tích cực và những kết quả tiêu cực. Tỷ lệ hoàn trả tiền vay của các nhóm được các tác giả sử dụng như là yếu tố đánh giá hiệu quả hoạt động. Trong trường hợp nhóm đi vay thành công, các thành viên, các tác giả đã chỉ ra những vấn đề có liên quan. Trong một số tình huống, nhóm đi vay sẽ thanh toán khoản vay, mặc dù tổng thể dự án của nhóm vay không đủ thu nhập so với khoản vay ban đầu. Trong một số trường hợp khác, nhóm tuyên bố vỡ nợ mặc dù một số cá nhân trong nhóm có đủ năng lực hoàn trả nếu đó là khoản vay cá nhân. Trên cơ sở đó, các tác giả đã đề xuất phương án nhằm thiết lập những "tài sản đảm bảo mang tính xã hội" để giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động tín dụng nông thôn. Cũng trong trường hợp của Bangladesh, các tác giả Manohar Sharma và Manfred Zeller (1997) đã sử dụng mô hình kinh tế Tobit để đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức tín dụng nông thôn. Trên cơ sở số liệu về tỷ lệ hoàn trả vốn vay của 128 nhóm vay tín dụng thuộc ba chương trình tín dụng nông thôn của Bangladesh, các tác giả đã kiểm định giả thuyết về các yếu tố ảnh hưởng như quy mô nhóm vay, quy mô khoản vay, sự kết hợp giữa doanh nghiệp với nhóm vay, các đặc tính nhân chủng học, các ràng buộc xã hội Theo các tác giả, khả năng hoàn trả là tốt ngay cả ở các vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng nông thôn là việc thiết kế dịch vụ/chương trình cho vay theo từng nhóm phù hợp. Bên cạnh đó, việc tự do trong thành lập nhóm đi vay là khuyến nghị của tác giả để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các nhóm đi vay và do đó là hiệu quả hoạt động của tổ chức tín dụng nông thôn. Serova, E., và Ianbykh, R. (1999) nghiên cứu hỗ trợ tín dụng nông nghiệp của các nền kinh tế chuyển đổi. Theo các tác giả, đối với các nền kinh tế có cơ cấu kinh tế nông nghiệp chủ yếu, các khoản tín dụng đã không được sử dụng hiệu quả trong giai đoạn đầu của quá trình cải cách. Lý do chính là chính sách hỗ trợ tín dụng cứng nhắc và cách thức quản lý mang nặng tính hành chính và ít quan tâm đến yếu tố thị trường và đặc thù của sản xuất nông nghiệp. Jong-Hee Kim (2016) trong nghiên cứu của mình cho thấy, cải thiện tiếp cận tài chính và chính sách tài chính toàn diện cho phép giảm đi bất bình đẳng và hỗ trợ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp, nông thôn. 2. Ảnh hưởng của tín dụng với phát triển nông nghiệp nông thôn: các nghiên cứu về Việt Nam Trong luận án của Trần Thọ Đạt (1998) phân tích về chi phí giao dịch, sự chia tách thị trường trong khu vực tài chính vi mô ở nông thôn, với phần mô hình từ số liệu sơ cấp của khu vực Đồng bằng Sông Hồng. Kết quả cho thấy, một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động tín dụng nông thôn là chi phí giao dịch cao và do đó các tổ chức tín dụng chính thức ít quan tâm đến phát triển thị trường tài chính ở khu vực này. Sử dụng mô hình Tobit, 205
  4. nghiên cứu của Phạm Bảo Dương và Izumida (2002) trên cơ sở phân tích số liệu khảo sát hộ gia đình ở 3 tỉnh miền Trung và Nam bộ cho thấy tín dụng nông nghiệp có tác động tích cực tới sản lượng sản xuất của các hộ gia đình trong mẫu nghiên cứu. Nghiên cứu của Đỗ Kim Chung (2005) cũng cho kết quả tương tự khi đánh giá tín dụng nông thôn có ảnh hưởng tốt đến xóa đói giảm nghèo. Nghiêm Hồng Sơn (2006) phân tích sâu hơn về năng suất và hiệu quả của các tổ chức tài chính nông thôn khu vực bán chính thức dựa trên phân tích các số liệu điều tra của mình với năm 2006 cho thấy việc mở rộng các tổ chức tài chính vi mô và các Quỹ tín dụng có tác động tốt tới khả năng tiếp cận tín dụng của người dân ở nông thôn. Ngân hàng Thế giới (2006) với nghiên cứu đối với các dịch vụ tài chính vi mô ở Việt Nam đã thực 9 hiện khảo sát và đánh giá về bức tranh chung tài chính nông thôn Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị về chính sách, đặc biệt đối với các tổ chức tài chính quy mô nhỏ. Một trong những kết quả đáng chú ý là Chính phủ cần có hỗ trợ về chính sách cho các tổ chức tài chính vi mô ở nông thôn vì đây là mô hình có hiệu quả với xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Trong nghiên cứu của Quách Mạnh Hào (2005) đã sử dụng số liệu điều tra mức sống dân cư Việt Nam năm 1992/1993 và 1997/1998 để phân tích mối quan hệ giữa tiếp cận tài chính và vấn đề xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập của khu vực nông thôn. Kết quả cho thấy cải thiện tiếp cận tài chính có thể làm giảm mạnh tỷ lệ nghèo đói ở Việt Nam. Nghiên cứu về tác động của tín dụng Nguyễn Việt Cường (2008), sử dụng mô hình đánh giá tác động để xem xét hiệu quả của chính sách tín dụng vi mô cho hộ nông dân nghèo. Nghiên cứu cho thấy chương trình này tác động tính cực đến thu nhập nói chung của nông dân, dù tác động mong muốn ban đầu là hướng đến hộ nghèo chưa được thành công như kỳ vọng. Tác giả Phan Thị Nữ (2012), trên cơ sở các số liệu điều tra mức sống hộ gia đình, đã vận dụng mô hình Khác biệt trong khác biệt và mô hình hồi qui OLS được sử dụng để phân tích dữ liệu bảng từ VHLSS 2004 và VHLSS 2006 để đo lường mức độ tác động của tín dụng đối với kết quả giảm nghèo ở nông thôn Việt Nam. Tác giả đã phát hiện thấy tác động tích cực của tín dụng đối với sự cải thiện phúc lợi của hộ gia đình nghèo thông qua kênh dẫn chi tiêu cho đời sống. Tuy nhiên, kênh cải thiện thu nhập của hộ nghèo không có tác động tích cực. Trong khi đó, cải thiện về giáo dục và đa dạng hoá việc làm lại mang đến sự cải thiện phúc lợi của hộ gia đình. Đây là những cơ sở khoa học, gợi ý cho việc thay đổi nội dung hoạt động tín dụng nông thôn để thực sự cải thiện phúc lợi của các hộ nông dân. Trước đó, tác giả Trương Đồng Lộc (2009) cũng đã nghiên cứu vai trò, tác động của tín dụng nông thôn đến kết quả xoá đói, giảm nghèo đối với các hộ nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tác giả đã luận giải mối quan hệ chặt trẽ giữa tín dụng nông thôn với hoạt động xoá đói giảm nghèo để thấy được vai trò của vốn đối với sự phát triển của các hộ nông dân. Các kênh tác động của vốn đến cải thiện phúc lợi của các hộ nông dân được nghiên cứu bao năng suất lao động, thu nhập của hộ gia đình, mức tiết kiệm của các hộ gia đình. Vai trò của vốn tín dụng như là nguồn lực bổ sung để các hộ gia đình có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của "thiếu vốn - không có khả năng đầu tư - thu nhập thấp - tiết kiệm thấp - thiếu vốn". Theo tác giả, hạn chế trong việc tiếp cận vốn chính thức đối với hộ gia đình là nguyên nhân căn bản ảnh hưởng đến cơ hộ thoát nghèo. Trong khi đó, các kênh hỗ trợ phi chính thức ít có khả năng giúp các hộ nông dân thoát nghèo. Kết luận Phát triển nông nghiệp là vấn đề có tầm chiến lược và mang tính đột phá trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Vì vậy, chính sách tín dụng và hỗ trợ cho nông nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước coi là một trong những ưu tiên chính sách hàng đầu. Các nghiên cứu trong và ngoài nước cũng đã khẳng định ảnh hưởng tích cực của tín dụng với phát triển nông nghiệp và nông thôn. Dù còn chưa khảo sát đầy đủ song có thể rút ra một số nhận xét từ các nghiên cứu được tổng hợp trong bài viết: 206
  5. Một là, tiếp cận tính dụng chính thức là yếu tố giúp hộ nông dân tăng sản xuất, cải thiện thu nhập, các chính sách hỗ trợ tín dụng đều cho phép cải thiện phúc lợi của các hộ gia đình nông thôn. Hai là, các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại cần giải quyết vấn đề bất đối xứng thông tin để tăng cơ hội tiếp cận vốn tín dụng của các hộ nông dân; Ba là, cần có sự kết hợp giữa vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng như các ngân hàng thương mại với sự tham gia tiết kiệm của các hộ dân địa phương (qua mô hình tài chính vi mô) để nâng cao hiệu quả chính sách; Bốn là, cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động tín dụng với các chương trình phát triển nông thôn và các tổ chức xã hội ở khu vực nông thôn. Điều này cho phép phát triển các mô hình cho vay theo nhóm chịu trách nhiệm chung, mô hình được đánh giá là có nhiều mặt tích cực. Năm là, đa dạng hoá các loại hình tín dụng nông thôn vì chi phí giao dịch ở khu vực nông thôn thường cao hơn khu vực thành thị và điều kiện cơ sở hạ tầng khó khăn hơn nên khả năng tiếp cận tín dụng của nông dân thấp hơn. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tiếng Việt 1. Đỗ Kim Chung, (2005) Tài chính vi mô cho xoá đói giảm nghèo: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế (330). 2. Trương Đồng Lộc, (2009). Tín dụng nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạngvà giải pháp phát triển, Tạp chí Ngân hàng, số 40. 3. Phan Thị Nữ (2002) Đánh giá tác động của tín dụng đối với giảm nghèo ở nông thôn Việt Nam Chuyên san khoa học Xã hội và Nhân văn, tập 72B, số 3, năm 2012. 4. Nguyễn Ngọc Oánh (2014). Khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ nông dân: Trường hợp nghiên cứu ở vùng cận ngoại thành Hà Nội, Tạp chí Khoa học và Phát triển, 8 (1), 170-177. 5. Đoàn Hữu Tuệ, (2005). Tài chính vi mô và một số khuyến nghị đối với hoạt động tài chính vi mô ở nước ta, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế (329). 6. Ngân hàng Thế giới (2006) “Việt Nam: Phát triển một chiến lược toàn diện để mở rộng tiếp cận [của hộ nghèo] đối với các dịch vụ tài chính vi mô: Tăng cường tiếp cận, hiệu quả và bền vững - Báo cáo nghiên cứu. 7. Ngân hàng Thế giới, (2009). Huy động và sử dụng vốn - Báo cáo phát triển Việt Nam 2009. Tiếng Anh 8. Besley, T. (1994). How do market failures justify interventions in rural credit markets?. The World Bank Research Observer, 9(1), 27-47. 9. Besley, T., & Coate, S. (1995). Group lending, repayment incentives and social collateral. Journal of development economics, 46(1), 1-18. 10. Brooks, A. C. (2000). Is There a Dark Side to Government Support for Nonprofits? Public Administration Review, 60(3), 211-218. 11. Nguyễn Việt Cường (2008) - “Is a governmental micro credit programme for the poor really pro-poor? Evidence from Vietnam” - The Developing Economies, Vol 46 (2), p. 151-187. 12. Datta, D. (2004). Microcredit in rural Bangladesh: Is it reaching the poorest?. Journal of Microfinance/ESR Review, 6(1), 55-82. 13. Phạm Bảo Dương and Izumida (2002) “Rural Development Finance in Vietnam: A Micro econometric Analysis of Household Surveys” - World Development Vol. 30, No. 2, pp. 319-335, 2002. 14. Trần Thọ Đạt (1998) - “Borrower Transaction Costs, Segmented Markets and Credit Rationing: A Study of the Rural Credit Market in Vietnam”, Thesis, ANU, Australia. 207
  6. 15. Quách Mạnh Hào (2005) Access to Finance and Poverty Reduction: An Application to Rural Vietnam, Thesis, Birmingham University, UK. 16. Hoff, K., & Stiglitz, J. E. (1990). Introduction: Imperfect information and rural credit markets: Puzzles and policy perspectives. The World Bank economic review, 4(3), 235-250. 17. Hulme, D. and Mosley, P. (1996), Finance against the poor (Vols. 1-2), Routledge, London . 18. Johnson, S., & Rogaly, B. (1997). Microfinance and poverty reduction. Oxfam. 19. Jong-Hee Kim (2016) “A Study on the Effect of Financial Inclusion on the Relationship Between Income Inequality and Economic Growth”, Emerging Markets Finance and Trade, 52:2, 498-512. 20. Matin, I., Hulme, D., & Rutherford, S. (2002). Finance for the poor: from microcredit to micro financial services. Journal of International Development, 14(2), 273-294. 21. Morduch, J. (1998). Does microfinance really help the poor? Evidence from flagship programs in Bangladesh. World Bank, Washington DC. 22. Mosley, P., & Hulme, D. (1998). Microenterprise finance: Is there a conflict between growth and poverty alleviation?. World Development, 26(5), 783-790. 23. Mosley, P. (2001). Microfinance and poverty in Bolivia. Journal of Development Studies, 37(4), 101-132. 24. Mosley, P. and Hulme, D.(1998). Microenterprise finance: Is there a conflict between growth and poverty alleviation? World Development, 26 (5), pp. 783-790. 25. Rahman, A. (1998). A micro-credit initiative for equitable and sustainable development: Who pays? World Development, 26(1), 67-82. 26. Serova, E., & Ianbykh, R. (1999). State programs for the support of agricultural credit in transitional economies. Problems of Economic Transition, 42(2), 69-80. 27. Silar, J., & Doucha, T. (1999). Credit support schemes provided by the Support and the guarantee fund for farmers and forestry in the Czech Republic. OECD Proceedings of the Agricultural Finance and Credit Infrastructure in Transition Economies, 263-276. 28. Sơn Nghiêm Hồng (2006) Efficiency and Effectiveness of Rural Finance in Vietnam: Evidence from NGO Schemes in the North and the Central Regions - Report, 2006. 208