Tác động của việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng đến nền kinh tế Việt Nam

pdf 6 trang Gia Huy 18/05/2022 2830
Bạn đang xem tài liệu "Tác động của việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng đến nền kinh tế Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftac_dong_cua_viec_tang_thue_suat_thue_gia_tri_gia_tang_den_n.pdf

Nội dung text: Tác động của việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng đến nền kinh tế Việt Nam

  1. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC TĂNG THUẾ SUẤT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG ĐẾN NỀN KINH TẾ VIỆT NAM Nguyễn Thị Hương, Võ Hoàng Diễm Trinh Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Trước tình hình nợ công tăng cao, nguồn thu từ thuế nhập khẩu sụt giảm do thực hiện các cam kết thương mại trong tiến trình hội nhập, Bộ Tài chính đề xuất phương án tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT). Việc tăng thuế suất thuế GTGT có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều hoạt động khác nhau trong nền kinh tế. Ảnh hưởng đa chiều của tăng thuế suất thuế GTGT cần được tính toán thận trọng và xem xét trên mối quan hệ liên kết tổng thể của cả nền kinh tế. Nghiên cứu này sử dụng mô hình cân bằng tổng thể dạng động (DCGE) với bộ dữ liệu Ma trận hạch toán xã hội (SAM) Việt Nam năm 2012 để mô phỏng tác động của việc tăng thuế suất thuế GTGT đến sự thay đổi các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam. Kết quả cho thấy, việc tăng thuế GTGT không làm tăng thu ngân sách như mong đợi mà trái lại ngân sách giảm. Giữ nguyên thuế suất thuế GTGT lại làm tăng GDP trong dài hạn, thặng dư thương mại, phúc lợi tăng mạnh. Ngân sách có giảm nhưng phần trăm giảm thấp hơn so với việc tăng thuế suất thuế GTGT. Vì vậy, Chính phủ cần cân nhắc chính sách tăng thuế suất thuế GTGT khi mục tiêu chính sách hướng đến là tăng thu ngân sách từ thuế. Từ khóa: VAT, CGE, SAM, GDP, thu ngân sách 1. Giới thiệu Tại Việt Nam, thuế GTGT được nghiên cứu từ khi tiến hành cải cách thuế bước 1 (năm 1990), áp dụng thử nghiệm năm 1993 ở 11 đơn vị (ngành đường, dệt, xi măng). Qua một thời gian thực hiện thử nghiệm, Luật Thuế GTGT số 57/1997/L-CTN lần đầu tiên được ban hành vào ngày 10/5/1997, chính thức đưa vào áp dụng từ 1/1/1999 thay thế cho thuế doanh thu. Ngày 6/3/2008, Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH ra đời đã đánh dấu sự phát triển mới về chính sách thuế GTGT của Việt Nam. Thuế giá trị gia tăng đã trở thành một sắc thuế tiên tiến góp phần làm cho hệ thống thuế của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với sự vận động và phát triển của nền kinh tế thị trường. Luật thuế giá trị gia tăng hiện nay áp dụng 3 mức thuế suất: 0%, 5%, 10%. Mức thuế suất 10% có thể coi là mức thuế suất chuẩn, áp dụng cho các hàng hóa, dịch vụ thông thường. Mức thuế suất 5% áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ ưu đãi, khuyến khích phát triển, đầu tư. Thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Trong giai đoạn 2011- 2020, thuế GTGT sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT, giảm bớt nhóm hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 5% và nghiên cứu đến năm 2020 áp dụng cơ bản một mức thuế suất (không kể mức thuế 0% áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu) (Thủ tướng chính phủ, 2011). Trước tình hình nợ công tăng cao, nguồn thu từ thuế nhập khẩu sụt giảm do thực hiện các cam kết thương mại trong tiến trình hội nhập, Bộ Tài chính đề xuất phương án tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) (Bộ Tài chính, 2017), phương án này đang gặp phải các ý kiến trái chiều từ các chuyên gia, các nhà quản lý kinh tế và dư luận trong công chúng. Vấn đề đặt ra: tăng thuế suất thuế GTGT từ 10% lên 12% có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam? Nghiên cứu này sử dụng mô hình cân bằng tổng thể dạng động (DCGE) phân tích tác động của việc tăng thuế suất thuế GTGT tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu, thu ngân sách Nhà nước và phúc lợi Hộ gia đình cả trong ngắn hạn và dài hạn. Điểm cân bằng ban đầu được so sánh với điểm cân bằng sau “cú shock thuế suất thuế GTGT” theo 2 kịch bản tăng thuế suất thuế GTGT và giữ nguyên thuế suất thuế GTGT song song với việc thay đổi thuế suất các sắc thuế khác để đo lường tác động của việc tăng thuế suất thuế GTGT. Kết quả 175
  2. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 phân tích giúp cho nhà quản lý kinh tế vĩ mô có cái nhìn tổng thể về những tác động tích cực cũng như tiêu cực của việc tăng thuế GTGT lên nền kinh tế Việt Nam, là cơ sở để lựa chọn và thực thi chính sách thuế GTGT. 2. Tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 2.1. Tổng quan nghiên cứu tác động của thuế GTGT đến nền kinh tế Trong vài thập kỷ qua, thuế GTGT đã được áp dụng ở nhiều quốc gia. Có nhiều nghiên cứu thực nghiệm về thuế GTGT và tác động của thuế GTGT lên nền kinh tế, điển hình là các nghiên cứu của Emran và Stiglitz (2005); Sajadifar, Khiabani, và Arakelyan, (2012); Miller, Webster, và Yanti (2013); Erero (2015). Đến nay, có 2 nhóm phương pháp được sử dụng phổ biến để nghiên cứu vấn đề này. Nhóm thứ nhất dựa trên cách tiếp cận hậu nghiệm, sử dụng các mô hình kinh tế lượng để kiểm chứng, đánh giá tác động. Nhóm phương pháp thứ hai dựa trên cách tiếp cận tiên liệu, sử dụng các mô hình cân bằng tổng thể (CGE) để mô phỏng và dự báo. Tại Việt Nam, một số các nghiên cứu sử dụng mô hình kinh tế lượng (Tào Thị Hoàng Anh, 2007) (La Xuân Đào, 2012) và sử dụng mô hình cân bằng tổng thể (CGE) (Nguyen và Tran, 2001) (Giesecke, và Trần, 2009) để đánh giá tác động của thuế VAT lên nền kinh tế. Cách tiếp cận dựa trên mô hình CGE có nhiều ưu việt hơn vì cho phép xem xét tổng thể các mối liên kết trong nền kinh tế, giúp dự đoán xu hướng và lý giải các cơ chế phân bổ nguồn lực khi thuế suất thay đổi đến các biến số kinh tế vĩ mô. 2.2. Cơ chế tác động của việc thay đổi thuế suất thuế GTGT đến nền kinh tế Khi tăng thuế suất thuế GTGT, giá cả sẽ tăng nên làm giảm nhu cầu về loại hàng hóa đó nên nhà sản xuất cũng phải giảm qui mô, lợi nhuận cũng giảm. Nhà sản xuất phải chuyển dần sang sản xuất kinh doanh các loại hàng hóa khác thay thế hoặc loại hàng hóa có mức lợi nhuận cao hơn. Đồng thời, sự thay đổi thuế GTGT ở thị trường hàng hóa sẽ có ảnh hưởng đến tất cả các thị trường liên quan thông qua các mối liên kết rất đa dạng và phức tạp. Cụ thể, khi sản xuất của các ngành có sự thay đổi sẽ tác động đến việc làm, thu nhập của người lao động dẫn đến sự phân bổ lại nguồn lực trong toàn nền kinh tế. Cho nên, thông qua phân tích các mức thuế suất tăng đối với từng ngành, có thể ước tính tác động của nó đến giá cả, sản lượng, mức tiêu dùng và xuất khẩu, nhập khẩu đối với mỗi ngành. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bán sản phẩm cho các doanh nghiệp khác với vai trò là hàng hóa trung gian nên giá cả tăng sẽ làm tăng chi phí cho các ngành sử dụng sản phẩm đó làm đầu vào. Vì vậy, cần cân nhắc đến nhiều yếu tố khi đánh giá tác động của tăng thuế GTGT. 2.3. Mô hình DCGE và dữ liệu Mô hình CGE dựa trên lý thuyết cân bằng Walrasian mà ở đó mức giá cả của hàng hóa, lao động và chi phí sử dụng vốn được quyết định thông qua quan hệ cung, cầu trên các thị trường làm cho nền kinh tế luôn có khuynh hướng trở về trạng thái cân bằng. Theo mô hình CGE, với thuế suất thuế GTGT và mức giá cả hiện tại, nền kinh tế được giả định đang ở trạng thái cân bằng (tổng cung = tổng cầu) mà tại đó, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được xác định. Dưới tác động của việc thay đổi thuế suất thuế GTGT, nền kinh tế sẽ dịch chuyển điểm cân bằng mà tại đó, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được tính toán lại. Từ đó, có thể so sánh các chỉ tiêu này giữa các điểm cân bằng để ước lượng sự thay đổi của các ngành nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. “Đối với mô hình DCGE, nền kinh tế không chỉ hướng đến cân bằng trong ngắn hạn mà còn chỉ ra xu hướng dịch chuyển theo thời gian để hướng đến cân bằng trong dài hạn” (Nguyễn Mạnh Toàn, 2005). Cấu trúc lý thuyết của mô hình sử dụng trong nghiên cứ này dựa trên các mô hình của Hosoe (2001); Chen (2004) và Nguyễn Mạnh Toàn (2005). Nghiên cứu này sử dụng mô hình CGE dạng động với bộ dữ liệu cho mô hình là Bảng SAM Việt Nam năm 2012 (VSAM2012) được Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố năm 2016 (CIEM,2016). 2.4. Các kịch bản mô phỏng Trong bối cảnh giảm thuế nhập khẩu do Hội nhập kinh tế quốc tế đồng thời theo chiến lược cải cách thuế trong giai đoạn hiện nay của Việt Nam (giai đoạn 2011- 2020) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên (2017) thì chính sách thuế của Việt Nam đều tập trung đồng thời các sắc 176
  3. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 thuế khác nhau. Vì vậy, việc tăng thuế GTGT cần được xem xét đồng thời với việc thay đổi thuế suất các sắc thuế khác trong nền kinh tế. Xu hướng thay đổi thuế suất các sắc thuế như sau: Thuế nhập khẩu: theo các Hiệp định thương mại đã ký kết, các mặt hàng được giảm thuế suất được chi tiết cho từng loại sản phẩm. Bên cạnh đó, mỗi Hiệp định ký kết lại giảm thuế suất cho các sản phẩm khác nhau và thời gian hiệu lực khác nhau. Lộ trình giảm thuế của các hiệp định cũng khác nhau, do đó, trong nghiên cứu này, các dòng thuế được giả định sẽ tiến tới mức cuối cùng 0% vào năm 2020. Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): theo xu hướng chung của các nước thì thuế suất thuế thu nhập được điều chỉnh giảm để thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất. Cũng như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và tỷ lệ DNNVV tại Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (97%-98%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế (Bộ tài chính, 2017). Do đó, để đảm bảo mục tiêu tiếp tục thúc đẩy DNNVV phát triển, Chính phủ đã có Tờ trình Quốc hội số 406/TTr-CP ngày 14/10/2016 về dự án Nghị quyết của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có đề xuất quy định DNNVV được giảm thuế suất phổ thông theo 2 phương án sau: (1) doanh nghiệp nhỏ áp dụng thuế suất 17%, doanh nghiệp siêu nhỏ áp dụng thuế suất 15%; (2) áp dụng một mức thuế suất 17% đối với DNNVV. Như vậy, khả năng thuế suất thuế TNDN đối với các DNNVV có thể được giảm từ thuế suất 20% hiện nay xuống còn 17%. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN): trong quá trình thực hiện Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho sửa đổi Biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng: giảm số bậc thuế chỉ còn 5 bậc đồng thời quy định khoảng cách rộng ở các bậc thấp và điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số chẵn. Bên cạnh đó, theo số liệu về quản lý thuế năm 2013 mà Trần Quốc Hoàn (2016) đã tổng hợp, phần trăm đóng góp vào tổng thuế TNCN của các cá nhân theo thứ tự từng bậc thuế lần lượt như sau: 10,06%, 10,77%, 13,12%, 15,09%, 19,45%, 14,48%, 17,30%. Có thể ước tính thuế suất thuế TNCN trung bình sẽ giảm khoảng 20%. Dựa trên xu hướng thay đổi thuế suất các sắc thuế, kịch bản tổng hợp được xây dựng như sau: Kịch bản 1 (KB1): tăng thuế suất thuế GTGT từ 10% lên 12%, thuế suất các sắc thuế còn lại giảm theo xu hướng trên. Tuy nhiên để lựa chọn chính sách thuế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đồng thời nâng cao phúc lợi cho người dân thì việc tăng thuế suất thuế GTGT cần được cân nhắc cẩn trọng. Kịch bản 2 được xây dựng để so sánh, cân nhắc lựa chọn nên hay không nên tăng thuế suất thuế GTGT. Kịch bản 2 (KB2): thuế suất thuế GTGT không đổi, thuế suất các sắc thuế còn lại giảm theo xu hướng trên. 3. Kết quả và thảo luận Tăng thuế suất thuế GTGT, giảm các loại thuế khác theo KB1 ảnh hưởng không đáng kể đến GDP và các biến kinh tế vĩ mô khác, ngân sách giảm 15,32% trong dài hạn. Bảng 1: Tốc độ tăng (%) các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô theo 2 kịch bản KB1 KB2 Ngắn hạn Dài hạn Ngắn hạn Dài hạn GDP 0,03 0,61 0,55 8,27 GO -0,03 0,77 0,32 10,27 Nhập khẩu 0,34 4,40 2,88 27,84 Xuất khẩu 0,52 4,23 -1,93 29,68 177
  4. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 Ngân sách -7,95 -15,32 -15,28 -11,28 - Thuế nhập khẩu -19,13 -100,00 -17,89 -100,00 - Thuế GTGT 20,67 21,44 1,25 21,91 - Thuế TNDN -33,29 -31,71 -31,31 -23,08 - Thuế TNCN -21,44 -18,88 -19,41 -13,58 Phúc lợi - 1,23 - 4,24 Nguồn: Tính toán từ kết quả mô phỏng Giữ nguyên thuế suất thuế GTGT như hiện nay, giảm các loại thuế khác theo KB2 làm thay đổi đáng kể GDP (tăng 8,27%), xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng mạnh trong dài hạn (tương ứng tăng 29,68% và 27,84%), xuất khẩu tăng mạnh hơn nhập khẩu, ngân sách nhà nước giảm 11,28%. Tác động của thay đổi thuế suất trong KB2 cũng làm cho phúc lợi tăng 4,24% (cao hơn so với KB1). Ngân sách giảm thấp hơn so với mức giảm ngân sách theo KB1 (giảm 15,32%). Thực tế thu ngân sách theo các sắc thuế trong những năm qua (2011- 2015) cho thấy: các khoản thu chủ yếu trong thu nội địa, thì nhóm có tỷ trọng trong tổng thu nội địa giai đoạn 2011-2015 tăng so với giai đoạn 2006-2010 có thuế GTGT từ 26,4% lên 26,9% (chủ yếu do tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng trong GDP lớn, đồng thời, chính sách thuế GTGT có diện thu thuế rộng, được sửa đổi theo hướng thu hẹp đối tượng không chịu thuế, thu hẹp nhóm thuế suất 5%, thực hiện khấu từ thuế đầu vào chặt chẽ hơn). Việc thay đổi thuế suất các sắc thuế có nhiều khả năng gây ra bất bình đẳng về thu nhập và sự biến đổi trong phúc lợi hộ gia đình. Trong mô hình, các hộ gia đình được chia thành 20 nhóm, trong đó 10 nhóm đầu tiên nằm ở khu vực thành thị, còn 10 nhóm còn lại ở khu vực nông thôn. Trong mỗi khu vực, các nhóm hộ gia đình được phân loại theo hoạt động nông nghiệp và phi nông nghiệp. Kết quả trong Bảng 3 chỉ ra rằng, kịch bản tăng thuế GTGT theo KB1 làm tăng phúc lợi, tuy nhiên mức tăng thấp hơn so với kịch bản còn lại. Bên cạnh đó, mức độ tác động phân bố không đều giữa các nhóm hộ. Trong các kịch bản giảm thuế suất, các nhóm hộ giàu (H5, H10, H15, H20) trong tất cả các khu vực (thành thị/nông thôn), lĩnh vực (nông nghiệp/phi nông nghiệp) mức tăng phúc lợi rất lớn nên có thể làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Quan trọng hơn, các nhóm hộ nông nghiệp ở khu vực nông thôn có xu hướng nhận được lợi ích cao hơn các nhóm hộ nông nghiệp ở khu vực thành thị. Ngược lại, các nhóm hộ phi nông nghiệp ở khu vực thành thị thường có phúc lợi cao hơn các nhóm hộ phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn. Tác động của thay đổi thuế suất đến phúc lợi trong nghiên cứu này mở rộng thêm kết quả trong các nghiên cứu trước đây của Emran và Stiglitz (2005), Whalley và Wang (2007), Matovu và cộng sự. (2009), và Sajadifar và cộng sự. (2012). Kết quả cho thấy tác động của thay đổi thuế suất có tác động khác nhau đến phúc lợi hộ gia đình ở nông thôn và thành thị (Bảng 3). Do đó, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ hợp lý để tạo sự công bằng trong phân phối thu nhập giữa thành thị và nông thôn cũng như giữa các hoạt động nông nghiệp và phi nông nghiệp. Tóm lại, Chính phủ tăng thuế suất thuế GTGT để bảo đảm nguồn thu ngân sách nhưng kết quả tác động đến nền kinh tế không mấy khả quan, ngân sách nhà nước trong dài hạn vẫn giảm. Ngược lại, thuế GTGT không đổi trong khi giảm các sắc thuế khác lại cho kết quả khả quan hơn, phù hợp với định hướng của Chính phủ về tăng trưởng cũng như tình hình thặng dư thương mại, ngân sách nhà nước tuy giảm nhưng mức giảm thấp hơn so với kịch bản tăng thuế suất. Nhờ sự tăng mạnh nhập khẩu cùng với những thay đổi thị trường trong quá trình hội nhập làm thay đổi qui mô và nguồn thu ngân sách. Việc cắt giảm thuế cũng sẽ dẫn tới việc thúc đẩy gia tăng kim ngạch thương mại. Các mặt hàng nhập khẩu được giảm thuế sẽ có số lượng nhập khẩu gia tăng dẫn đến tăng thu thuế GTGT. Bên cạnh đó, kết quả thay đổi thuế suất trong KB2 cũng làm tăng phúc lợi cao nhất. Vì vậy, có thể nói rằng KB2 là sự lựa chọn khả thi hơn khi xét về mặt phúc lợi và chiến lược dài hạn của Chính phủ. 178
  5. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 Bảng 3: Ảnh hưởng của thay đổi thuế suất thuế GTGT đến phúc lợi HGĐ KB 1 KB 2 EV % EV % H1 1.216 1,28 3.733 3,92 p ệ H2 5.928 2,49 11.252 4,73 H3 14.24 2,81 27.8 5,48 H4 16.482 2,28 36.714 5,07 Nông nghi Nông ị H5 9.798 1,25 37.374 4,78 H6 1.654 3,01 3.036 5,54 p Thành th ệ H7 5.015 2,61 8.805 4,59 H8 12.986 1,99 28.886 4,43 H9 28.047 1,32 79.994 3,76 Phi nông nghi Phi nông H10 82.809 0,78 407.304 3,85 H11 31.29 1,83 60.821 3,56 p ệ H12 34.627 1,23 105.368 3,74 H13 43.617 1,33 128.441 3,92 H14 42.528 1,25 145.69 4,29 Nông nghi Nông H15 36.094 1,52 150.294 6,34 H16 2.117 1,55 4.135 3,03 p ệ Nông thôn Nông H17 4.003 1,18 9.867 2,91 H18 6.005 0,99 22.421 3,69 H19 3.539 0,36 40.775 4,11 Phi nông nghi Phi nông H20 29.761 1,66 102.749 5,73 Tổng 411.756 1,23 1.415.457 4,24 Nguồn: Tính toán từ kết quả mô phỏng 4. Kết luận và gợi ý chính sách Qua việc ứng dụng mô hình CGE dạng động với nguồn dữ liệu ma trận hạch toán xã hội Việt Nam 2012, kết quả của nghiên cứu này cho thấy việc tăng thuế suất thuế VAT từ 10% lên 12% giúp cải thiện nguồn thu thuế cho ngân sách chính phủ (khoảng 7%) trong ngắn hạn, tuy nhiên trong dài hạn việc tăng thuế VAT làm méo mó hệ thống giá của hàng hóa, tác động tiêu cực đến sản xuất. Kết quả là trong dài hạn, tổng thu ngân sách từ thuế của chính phủ không được cải thiện nhiều so với năm gốc do nguồn thu từ thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đều giảm. Như vậy, nếu chính sách tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% được thực thi thì mục tiêu chính sách thuế GTGT nhằm tăng thu ngân sách của Chính phủ sẽ không như mong đợi. Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại cũng là một yếu tố mà Chính phủ cần phải xem xét khi thực thi chính sách tăng thuế GTGT bởi tốc độ giảm của xuất khẩu lớn hơn tốc độ giảm của xuất khẩu trong kịch bàn này. Tác động của tăng thuế GTGT có thể làm thâm hụt thương mại của Việt Nam gia tăng. Nhưng cũng cần lưu ý là thâm hụt thương mại có tính chất nhiều mặt liên quan tới như: kiểm soát lạm phát, thu hút đầu tư mà theo đó đòi hỏi nhiều công cụ chính sách. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm đến các chính sách liên quan như tăng cường năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. 179
  6. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 Kịch bản giữ nguyên thuế suất thuế GTGT và giảm thuế suất các sắc thuế khác vẫn có tác động tích cực hơn cho nền kinh tế so với kịch bản tăng thuế suất thuế GTGT. Vì vậy, Chính phủ cần cân nhắc chính sách tăng thuế suất thuế GTGT khi mục tiêu chính sách hướng đến là tăng thu ngân sách từ thuế. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] A., J., Giesecke, & Nhi, T. H. (2009). Modelling Value- Added tax in the presence of multiproduction and differentiated exemptions. paper presented at the Twelfth Annual Conference on Global Economic Analysic, Santiago, Chile, June 10-12. [2] Bộ tài chính. (2017). Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và luật thuế tài nguyên, Dự thảo Luật. [3] Chen, K. (2004). An Illustrative CGE model. Graduate School of International Corporation Studies (GSICS), Kobe University. [4] CIEM. (2016). Ma trận hạch toán xã hội (SAM) Việt Nam năm 2012. NXB Tài chính. [5] Cổng TTĐT Bộ Tài chính. (2017). Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tái cơ cấu ngân sách và nợ công. Retrieved August 22, 2017, from 107378&_afrLoop=13494136899066359#!%40%40%3FdID%3D107378%26_afrLoop%3D13494136 899066359%26dDocName%3DMOFUCM103420%26_adf.ctrl-state%3D18n3zc25w6_113 [6] Đặng Thị Việt Đức (2014), “Chính sách và thực trạng thu thuế tại Việt Nam”, Tạp Chí Tài Chính, (6), 23–27. [7] Emran, M. S., & Stiglitz, J. E. (2005). On selective indirect tax reform in developing countries. Journal of Public Economics, 89(4 SPEC. ISS.), 599–623. [8] Erero, J. L. (2015). Effects of Increases in Value Added Tax: A Dynamic CGE Approach E¤ects of Increases in Value Added Tax: A Dynamic CGE Approach, (November). [9] Hosoe, N. (2001). Computable General Equilibrium with GAMS. National Graduate Institute for Policy Studies. [10] Kemal, D., Melo, J. de, & Robinson, S. (1982). General Equilibrium Models for Development Policy. Cambridge University Press, UK, Cambridge. [11] La Xuân Đào. (2012). Chính sách thuế đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Mã số: 62310301, trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia, TP HCM. [12] Miller, A., Webster, A., & Yanti, E. (2013). The effects of indirect taxes on the Industrial Composition of US inward FDINo Title. Research Paper, Bournemouth University. [13] Nguyen, C., & Tran, K. D. (2001). Further Development of CGE Model To Evaluate Tariff Policy in Vietnam. Paper presented at the Conference on MIMAP Model, Singapore. [14] Nguyen Manh, T. (2005). The Long-Term Effect of Trade Liberalization on Income Distribution in Vietnam: A Multi- Household Dynamic Computable General Equilibrium Approach. Kobe University, Japan. [15] Sajadifar, S. H., Khiabani, N., & Arakelyan, A. (2012). A Computable General Equilibrium Model for Evaluating the Effects of Value-Added Tax Reform in Iran. World Applied Sciences Journal, 18 (7), 918– 924. [16] Tào Thị Hoàng, A. (2007). Đổi mới và hoàn thiện các chính sách thuế nhằm góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa,. Luận án Tiến sĩ kinh tế, Mã số: 5.02.09, Chuyên ngành: Tài chính, lưu thông tiền tệ và tín dụng, Học viện Tài chính Hà Nội. [17] Vargas, E., & F.Schreiner et al. (1999). Computable General Equilibrium Modeling for Regional Analysis. Web book, Regional Research Institute, West Virginia University. 180