Tận dụng cơ hội phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh bảo hộ thương mại

pdf 15 trang Gia Huy 18/05/2022 2060
Bạn đang xem tài liệu "Tận dụng cơ hội phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh bảo hộ thương mại", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftan_dung_co_hoi_phat_trien_doanh_nghiep_o_viet_nam_trong_boi.pdf

Nội dung text: Tận dụng cơ hội phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh bảo hộ thương mại

  1. ThS. Lê Quốc Anh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Lê Thị Trâm Anh Trường Đại học New South Wales, Australia Tóm tắt Gây ra nhiều cản trở, nhưng bảo hộ thương mại vẫn tạo ra nhiều cơ hội phát triển doanh nghiệp cho nước có thu nhập trung bình thấp, với nhiều hướng phát triển khác nhau. Ở Việt Nam, doanh nghiệp đã có sự phát triển nhanh mạnh, giúp gắn kết đất nước với kinh tế khu vực và kinh tế thế giới, song còn nhiều hạn chế, yếu kém bởi nhiều nguyên nhân. Nay nhiều cơ hội phát triển đang mở ra trước doanh nghiệp Việt, hứa hẹn đáp ứng yêu cầu cấp thiết và thực tiễn trong bối cảnh bảo hộ thương mại. Để biến cơ hội thành hiện thực, cần đổi mới căn bản và thực chất cách thức phát triển doanh nghiệp theo hướng tôn trọng giá trị, được tổ chức theo tín hiệu và nguyên tắc thị trường, khai thác tối đa cơ hội phát triển doanh nghiệp từ tác động của các FTA. Cải thiện hệ sinh thái để khai thác các cơ hội phái sinh; cải thiện, nâng cấp hệ thống doanh nghiệp quốc gia, để tăng khả năng vượt qua các rào cản bảo hộ thương mại khi vươn ra thế giới Từ khóa: Bảo hộ thương mại, doanh nghiệp, phát triển. Abstract Trade protectionism, though causing several obstacles, still creates many business development opportunities for low middle-income countries, with many different development directions. In Vietnam, businesses have experienced rapid growth, helping to connect Vietnam with the regional economy and the global economy. However, there are still many limitations and weaknesses due to many reasons. Now many development opportunities are opening up for Vietnamese enterprises, promising to meet urgent and practical requirements in the context of trade protectionism. To turn opportunities into reality, it is necessary to fundamentally and substantially renovate the way of business development in the direction of appreciating value, organized according to market signals and principles, and maximizing business development opportunities from the impact of FTAs. It is important to improve the ecosystem to exploit derivative opportunities; improve and upgrade the national enterprise system, to increase the ability to overcome barriers of trade protectionism when reaching out to the world Keywords: Trade protectionism, business, development. 101
  2. 1. Đặt vấn đề Công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, sau hơn 30 năm đã mang về cho đất nước nhiều thành tựu to lớn và quan trọng, nhưng nhiều mặt chưa được như kỳ vọng, tiêu biểu là phát triển doanh nghiệp. Dù vài năm qua, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới liên tục lập kỷ lục, song số doanh nghiệp bình quân trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động của Việt Nam năm 2019 mới đạt 14,7. Trong khi, chỉ riêng số doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) bình quân trên 1.000 dân nói chung của Indonesia và Nigeria đều trên 200.000; có 5 nước khác là trên 100.000; có 35 nước trên 50.000. Sự ít ỏi về số doanh nghiệp bình quân trên số dân là hậu quả của nền kinh tế phát triển chưa cao, nhưng tới lượt nó, đó lại là nhân tố chính làm Việt Nam dễ bị chao đảo về kinh tế vĩ mô, làm năng suất lao động nhiều năm liền thấp nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Các hệ quả tiếp theo là mức sống trung bình thấp, đạo đức xã hội xuống cấp, nhiều tệ nạn xã hội, nhiều tác động tiêu cực tới môi trường - mà phần lớn là do thúc bách của cuộc sống. Mục tiêu có một triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 do Nghị quyết số 10/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân, ban hành năm 2017 đưa ra, rất khó hoàn thành. Không chỉ thế, hiện tại và 1-2 năm tới, với sự bùng phát của dịch Covid-19, và nhất là với sự trỗi dậy của bảo hộ thương mại, phát triển doanh nghiệp ở nước có độ mở kinh tế 203% như Việt Nam càng khó. Vì thế, phát triển doanh nghiệp đang là nhiệm vụ cấp thiết, và nước ta phải nghiên cứu, tìm tòi và tận dụng tối đa mọi cơ hội để tiến hành, kể cả trong bối cảnh bảo hộ thương mại Để góp phần phục vụ sứ mệnh trên, bài viết này tập trung nghiên cứu: (i) Phát triển doanh nghiệp ở nước có thu nhập trung bình thấp trong bối cảnh bảo hộ thương mại; (ii) Tận dụng cơ hội phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh bảo hộ thương mại; và (iii) Giải pháp để tận dụng tốt hơn các cơ hội phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam, trong bối cảnh bảo hộ thương mại hiện nay. 2. Tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 2.1. Khái quát về tổng quan nghiên cứu Thời gian dài sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thế giới chuyển dần từ hai cực sang đa cực, đến giai đoạn 2001-2011 xu thế hòa bình - hợp tác và phát triển ngày càng phát triển lan rộng, như là không thể cưỡng lại. Nhưng ngày 23 tháng 01 năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), lại mở ra thời kỳ bảo hộ thương mại trỗi dậy. Do đi ngược lại xu thế kết nối của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, nên các nghiên cứu phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh bảo hộ hầu như rất hiếm cả trong và ngoài nước, còn là khoảng trống cần nghiên cứu. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện chuyên đề phân tích kinh tế này, trước tiên cần dựa vào kinh tế học, nhất là kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, kinh tế phát triển, quản trị doanh nghiệp, tài chính doanh nghiệp để xây dựng khung phân tích, tạo thành cơ sở lý thuyết cho chuyên đề. Bên cạnh đó, còn sử dụng kiến thức về quản trị học, thống kê kinh tế, CMCN 4.0, chuỗi giá trị, và các thông tin, nhìn nhận, đánh giá về các vấn đề trên cùng diễn biến của chúng của các cơ quan chuyên ngành, người tham gia, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực đó. 102
  3. Từ nguồn tài liệu thu thập được, tiến hành nghiên cứu định tính, thông qua các phương pháp, như phương pháp: phân tích và tổng hợp lý thuyết, chuyên gia, phân tích tổng kết kinh nghiệm, nghiên cứu lịch sử Trên quan điểm duy vật biện chứng: dùng phép diễn dịch để suy đoán hệ quả tất yếu, dùng phép so sánh để đưa ra nhận định trung gian, sử dụng phép quy nạp để đưa ra kết luận, tổng hợp lại để đề đạt kiến nghị, giải pháp. Số liệu được thu thập từ Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn SME, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan, từ các Báo cáo Thường niên Doanh nghiệp Việt Nam của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) 2.3. Cơ sở lý luận về phát triển doanh nghiệp ở nước có thu nhập trung bình thấp trong bối cảnh bảo hộ thương mại 2.3.1. Sự cần thiết của phát triển doanh nghiệp ở nước có thu nhập trung bình thấp Nước có thu nhập trung bình thấp là nước có thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người nằm giữa ngưỡng trên của nhóm nước thu nhập thấp và ngưỡng dưới của nhóm nước có thu nhập trung bình cao. Các ngưỡng này do Ngân hàng Thế giới (WB) tính theo phương pháp Atlas, xác định và công bố vào ngày 01 tháng 7 hàng năm. Trong năm tài chính 2020, bắt đầu từ 01 tháng 7 năm 2019, kết thúc vào ngày 30 tháng 6 năm 2020, có 48/190 nước có thu nhập trung bình thấp, là các nước có thu nhập bình quân từ 1.026 USD đến 3.995 USD. Dù còn 25 nước có thu nhập thấp đang phấn đấu để được như họ, nhưng thu nhập này là thấp so với mức sống bình quân toàn cầu (11.124 USD), và ngưỡng dưới của nhóm nước có thu nhập cao (12.375 USD). Nguyên nhân khiến nhiều nước giầu tiềm năng nhưng vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp đa dạng, nhưng sâu xa là thể chế chất lượng chưa cao, gây ra nghèo đói (Daron & Jame, 2013, tr. 507). Nhiều nước: phóng đại sức mạnh quốc gia, đặt mục tiêu quá cao, mù mờ về lộ trình, thiếu lý trí và xơ cứng trong lựa chọn giải pháp tiến hành, nên trả giá. Để thoát bẫy thu nhập trung bình, tiến lên sánh vai với các cường quốc, các nước có thu nhập trung bình thấp cần phải thúc đẩy phát triển một cách hợp lý và khoa học. Trong đó, quan trọng nhất là: phải phát triển được doanh nghiệp, loại hình kinh doanh cơ bản, ưu việt, ngày càng phổ biến, đang được xem là trung tâm của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhờ khả năng: tập hợp và khuếch trương giá trị các nguồn lực cao và hiệu quả hơn các loại hình kinh doanh khác, đã trở thành công cụ phát triển trọng yếu của mọi quốc gia (Lê Quốc Anh & cs, 2018). Điều này càng quan trọng với các nước có thu nhập trung bình thấp, bởi ở đây khu vực doanh nghiệp còn ít về lượng, thấp về chất, thiếu sự phối hợp, năng lực cạnh tranh chưa cao, khó mang lại thành công cao khi hội nhập quốc tế sâu rộng 2.3.2. Các hướng phát triển doanh nghiệp ở nước có thu nhập trung bình thấp Thu nhập bình quân chưa cao ở các nước có thu nhập trung bình thấp một phần không nhỏ là do người lao động ở đây còn chủ yếu tham gia hoạt động kinh tế với tư cách cá nhân, tư nhân, tổ hợp, hợp tác xã, khó phát huy sở trường, áp dụng công nghệ. Để làm tăng thu nhập bình quân, họ cần đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, với các hướng chính sau: (i) Phát triển mạnh số lượng doanh nghiệp để chuyển dần lao động từ khu vực nông nghiệp năng suất thấp, sang nơi có năng suất cao hơn. Dư địa này rộng, nhất là nước có số doanh nghiệp trên 1000 dân còn thấp, để khuyến 103
  4. khích người dân thành lập doanh nghiệp mới, nhà nước cần hỗ trợ tích cực, nhất là cải cách thể chế, tăng độ thông thoáng cho môi trường đầu tư, kinh doanh. (ii) Liên kết, phối hợp và thúc đẩy đầu tư bổ sung, nâng cấp để làm hình thành các cộng đồng doanh nghiệp mạnh, nhằm hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, nhất là hàng xuất khẩu. Các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội cần phối hợp để làm hình thành các cụm, khu doanh nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế địa phương, hình thành các chuỗi cung ứng, nhất là cho sản phẩm xuất khẩu. (iii) Thu hút và phát triển khu vực doanh nghiệp FDI, để bổ sung vốn cho phát triển, có thêm việc làm, du nhập tạo sự lan tỏa công nghệ và cách quản trị tiên tiến. Cần phải có chính sách thu hút FDI khôn ngoan, để khu vực này là bộ phận bổ sung tích cực, không cản trở, gây họa cho các doanh nghiệp trong nước. (iv) Nâng quy mô một số doanh nghiệp lên đủ sức dẫn dắt thị trường, thay mặt quốc gia đứng ra cạnh tranh quốc tế, trở thành nguồn cung cấp hàng xuất khẩu. Phối hợp sự hỗ trợ của nhà nước, cố gắng của doanh nghiệp, chung sức của các ngành và cộng đồng, biến chúng thành các thương hiệu quốc gia, nắm trọng trách giữ cân đối cán cân thương mại. (v) Phát triển các khu vực doanh nghiệp quốc gia hài hòa, cân đối và hiệu quả thông qua chức năng kiến tạo - phát triển, điều hành quyết liệt của nhà nước. Chú trọng lựa chọn đối tác, đàm phán luật chơi và thực thi các FTA, để lợi thế quốc gia được phát huy, biến doanh nghiệp quốc gia thành bộ phận gắn kết trong các hệ thống kinh tế thế giới 2.3.3. Bảo hộ thương mại cản trở đáng kể việc phát triển doanh nghiệp ở nước có thu nhập trung bình thấp Bảo hộ thương mại, hay còn gọi là bảo hộ mậu dịch, là việc quốc gia áp đặt thuế nhập khẩu cao hoặc các hàng rào kỹ thuật (yêu cầu cao về chất lượng, vệ sinh, an toàn, lao động, môi trường, xuất xứ ) đối với một số mặt hàng hay dịch vụ có lợi thế, để hạn chế nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước. Sau giai đoạn 2001-2011 với chiều hướng giảm bớt, bảo hộ thương mại: đang có dấu hiệu trỗi dậy, chỉ riêng giai đoạn 2008-2018 đã có thêm khoảng 4.000 biện pháp bảo hộ thương mại mới. Nhiều nhất là biện pháp phòng vệ thương mại, tăng thuế, rào cản địa phương, trợ cấp phí xuất khẩu, phân biệt đối xử, từ đó không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu, mà còn cản trở không nhỏ đến phát triển doanh nghiệp ở nước có thu nhập trung bình thấp. Hình 1. Xu hướng điều tra phòng vệ thương mại trong Tổ chức Thương mại Quốc tế Nguồn: Dẫn theo Lê Quang Thuận & Nguyễn Thị Phương Thúy (2018) 104
  5. Các rào cản chính là: (i) Làm hẹp danh sách và quy mô các sản phẩm có thể mang lại lợi nhuận kỳ vọng cao, thu hẹp đáng kể “cầu”, làm nản lòng mong muốn thành lập doanh nghiệp mới của nhà khởi nghiệp. (ii) Làm tổng chi phí đầu tư cho việc thành lập một doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tang lên, khiến số doanh nghiệp được thành lập mới ít đi, giảm nguồn “cung” trước tổng đầu tư xã hội thực tế. (iii) Buộc doanh nghiệp đang hoạt động phải đầu tư thêm nhiều hạng mục mới để sản phẩm vượt qua được rào cản kỹ thuật, làm giảm nguồn đầu tư vào mở rộng quy mô sản xuất, nên khó có lượng sản phẩm đủ lớn để tham gia vào hệ thống tiêu thụ dạng “chuỗi” ở các thị trường lớn. (iv) Ngăn chặn chính phủ các nước hỗ trợ “khống” cho sản xuất hàng xuất khẩu, khiến chúng khó thắng trong cạnh tranh quốc tế gay gắt, phải chấp nhận phận “tầm gửi” trong thương mại quốc tế. (v) Khiến số doanh nghiệp đang hoạt động xuất khẩu phải ngừng hoạt động hoặc phá sản tăng cao, làm suy giảm lợi thế của các sản phẩm xuất khẩu chủ đạo của nước phát triển thấp hơn, khi phải đầu tư nhiều vào việc san lấp khoảng cách phát triển 2.3.4. Cơ hội phát triển doanh nghiệp ở nước có thu nhập trung bình thấp trong bối cảnh bảo hộ thương mại “Doanh nghiệp hóa” các chủ thể kinh tế là điều kiện không thể thiếu khi muốn đưa đất nước từ nhóm nước có thu nhập trung bình thấp lên nhóm nước có thu nhập trung bình cao. Vì thế, phải tận dụng mọi cơ hội có thể để phát triển doanh nghiệp, trong đó trong bối cảnh bảo hộ thương mại, cần khai thác các cơ hội: (i) Phát triển doanh nghiệp theo hướng khai thác các FTA, nhất là doanh nghiệp phục vụ xuất khẩu, bởi FTA là hình thức chống bảo hộ thương mại giữa các thành viên nội khối. Tận dụng sự đổi mới thể chế cho tương thích với các cam kết trong các FTA để phát triển các doanh nghiệp bấy lâu bị cấm đoán, hoặc để khai thác lợi thế mới, nhất là lợi thế về nông nghiệp đang bị “lãng quên”. (ii) Mở rộng quy mô hoặc nâng cấp, đổi mới công nghệ theo hướng “đi tắt, đón đầu” cho các doanh nghiệp giầu tiềm lực, giúp chúng tham gia sâu và ổn định vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp hỗ trợ để nâng cấp, bổ sung cho các khâu còn yếu và thiếu trong các chuỗi cung ứng, hoặc để thúc đẩy các quá trình kinh tế - xã hội khác. (iii) Thay thế doanh nghiệp nước ngoài trong các chuỗi cung ứng khi chúng bị đánh bật ra khỏi thị trường do bị áp đặt hình thức bảo hộ ngặt nghèo hơn, nhất là bị trừng phạt bằng cấm vận, can thiệp hành chính. Cơ hội rõ nhất là thay thế doanh nghiệp Trung Quốc để cung cấp hàng dệt may, đồ chơi cho thị trường Mỹ; hoặc thay thế doanh nghiệp EU để cung cấp hàng hoa quả, nông sản cho thị trường Nga. (iv) Thu hút các dự án FDI chất lượng, trong nước đang cần mà chúng phải dịch chuyển ra khỏi quốc gia nào đố do bị chèn ép, trả đũa vì bảo hộ thương mại. Điển hình là các dự án của Mỹ, Hàn Quốc bị dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, để tăng cường cho khu vực doanh nghiệp FDI trong nước. (v) Thu hút nguồn FDI mới buộc phải thay đổi địa chỉ đầu tư vì bị trừng phạt, vì chiến tranh thương mại, mà vẫn giữ ý đồ tiếp tục đưa sản phẩm thâm nhập thị trường nước đối thủ. Hoặc kết hợp với CMCN 4.0 để phát triển doanh nghiệp, nhằm đưa thêm sản phẩm tiềm tàng của nước có thu nhập trung bình thấp vào thương mại quốc tế, trong bối cảnh bảo hộ thương mại 2.3.5. Kinh nghiệm phát triển của Israel trong bối cảnh bảo hộ thương mại Israel là một nước nhỏ, chỉ có diện tích 22.072 km2, trong đó 3/4 là sa mạc, ít tài 105
  6. nguyên, khan hiếm nước; dân số năm 2017 là 8,7 triệu người, với 3/4 là người Do Thái, vốn là những người “tha phương cầu thực” quay về. Nước này: được tách ra thành nước độc lập năm 1948, bị không ít “cô lập” vì bị bao bọc giữa các nước Hồi giáo thù địch, vẫn đang trong “tình trạng có chiến tranh”. Nhưng từ năm 2011, Israel đã là thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), là quốc gia phát triển, năm 2018 có GDP đạt 371 tỷ USD, thu nhập bình quân 40.920 USD đứng thứ 24 thế giới. Bí quyết thành công của Israel có nhiều, nhưng nổi bật là: (i) Lý trí chính trị và sự quyết liệt của lãnh đạo được lựa chọn dựa trên phổ thông đầu phiếu; tinh thần khao khát đổi mới, sáng tạo của toàn dân; và cách tiếp cận thực dụng dựa trên cơ chế và tín hiệu thị trường của giới doanh nhân. (ii) Khắc phục khan hiếm tài nguyên, Israel phấn đấu trở thành đất nước giàu “tài nguyên sáng tạo”, mọi vấn đề luôn được giải thích, trả lời logic, minh bạch, cùng với văn hóa, tôn giáo và tố chất con người, tạo nên hệ sinh thái phát triển cho đổi mới sáng tạo, để toàn dân đồng lòng chung sức cho mục tiêu thành “quốc gia khởi nghiệp”. Hình 2. Khái quát về hệ sinh thái sáng tạo và khởi nghiệp của Việt Nam và Israel năm 2014 Nguồn: Học viện Quản lý PACE (2014). (iii) Bên việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Israel tăng cường đầu tư theo các định hướng: xuất khẩu, công nghệ tiên tiến, nhân lực có kỹ năng cao, xây dựng văn hóa kinh doanh, tạo động lực cho đầu tư và nghiên cứu, trở thành quốc gia khởi nghiệp, và không ngừng đổi mới. (iv) Israel tìm cách gắn kết với phần còn lại của thế giới ngoài Hồi giáo, thông qua thương mại, hợp tác, và hoạt động đầu tư của 9 FTA với 42 quốc gia, hiện là một trung tâm thu hút đầu tư, nhất là các công nghệ mang tính đa dụng (Nguyễn Phong, 2017). (v) Tuy được xem là “Thung lũng Silicon thứ hai”, lại là nước phát triển dựa vào sáng tạo; nhưng với quan điểm: “nông nghiệp mang tính cách mạng nhiều hơn công nghiệp”, Israel lấy nông nghiệp làm đột phá phát triển, làm cho sản lượng nông nghiệp tăng 27 lần trong 25 năm, thành nhà cung cấp nông sản chính cho EU, xuất khẩu hoa cho “cường quốc hoa” Hà Lan Các bí quyết trên giúp cho Israel có hệ sinh thái phát triển cao 106
  7. cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển, trở thành nước dẫn đầu thế giới về công nghệ cao, khởi nghiệp công nghệ, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm. Giúp đất nước nhỏ bé này phát triển thành công, dù suốt 70 năm lịch sử vừa qua luôn bị các nước Hồi giáo lân cận cấm vận; là bài học cho nhiều nước về cần làm sao để phát triển nói chung và phát triển được doanh nghiệp trong bối cảnh bảo hộ thương mại nói riêng. 3. Tận dụng cơ hội phát triển doanh nghiệp Việt trong bối cảnh bảo hộ thương mại 3.1. Doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển nhanh mạnh, từng bước gắn kết với kinh tế khu vực và kinh tế thế giới 3.1.1. Doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển nhanh mạnh, từng bước gắn kết với kinh tế khu vực và kinh tế thế giới Mới thoát khỏi nhóm nước thu nhập thấp từ năm 2008, thu nhập bình quân năm 2018 mới là 2.360 USD, nên Việt Nam là nước có thu nhập trung bình thấp điển hình, doanh nghiệp chưa phát triển cao là đương nhiên. Nhưng so với buổi đầu Đổi mới, doanh nghiệp Việt đã có sự phát triển nhanh mạnh, gắn kết hơn với kinh tế khu vực và thế giới, cụ thể: (i) Số doanh nghiệp đã tăng từ 12.000 chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước năm 1986, đến cuối năm 2018, lên 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng lên tới 59,6 lần. Trong đó, có 2.486 doanh nghiệp nhà nước; 541.753 doanh nghiệp nội ngoài nhà nước và 16.178 doanh nghiệp FDI; có tổng vốn hơn 33 triệu tỷ đồng; tương ứng lần lượt chiếm 53,1; 28,8 và 18,1 % tổng vốn. (ii) Đến cuối năm 2017, các khu vực I, II và III lần lượt có 4.942; 151.000 và 362.000 doanh nghiệp, tương ứng có tỷ trọng 0,95; 29,1 và 68,9%; về quy mô, mới có 1,9% là doanh nghiệp lớn, 74% là doanh nghiệp siêu nhỏ. Phân bố chủ yếu ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng, lần lượt chiếm hơn 2/5 và xấp xỉ 1/3; tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội lần lượt chiếm hơn 1/3 và gần 1/4 số doanh nghiệp. (iii) Vai trò của doanh nghiệp ngày càng cao, từ huy động nguồn lực, tạo việc làm mới, là hạt nhân phát triển, tăng năng suất lao động, đến thành loại hình kinh doanh chủ đạo, thúc đẩy các quá trình khác. Đóng góp ngày càng cao cho tăng trưởng, doanh nghiệp còn là nhân tố chính “giữ nhiệt” và tiếp sức cho hai động cơ tăng trưởng chính hiện nay là xuất khẩu và khu vực FDI. (iv) Còn là “vật chủ” chính cho đất nước thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tiếp nhận sự lan tỏa về ngoại ứng tích cực và cách quản trị kinh doanh tiên tiến. Giúp nước ta giữ thị trường nội địa, gắn nền kinh tế còn non trẻ vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, hội nhập sâu và thành công hơn vào các FTA, hòa nhập nhanh và hiệu quả vào CMCN 4.0. (v) Gắn kết tốt hơn vào kinh tế thế giới, khi số lượng doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu đầu năm 2017 đã đạt 63.000 doanh nghiệp, tăng 48,2% so với đầu năm 2012, tăng bình quân năm lên đến 8,2%. Trong đó: 23.300 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu; 55.100 doanh nghiệp hoạt động nhập khẩu; 15.400 doanh nghiệp hoạt động cả xuất nhập khẩu (Kiều Linh, 2018); và đến năm 2018 đã tăng lên 85.600 doanh nghiệp 3.1.2. Doanh nghiệp Việt còn nhiều hạn chế, yếu kém trong hoạt động thương mại quốc tế Nhìn chung, doanh nghiệp Việt còn nhiều hạn chế, yếu kém; riêng trong hoạt động thương mại quốc tế có các hạn chế, yếu kém điển hình là: (i) Thiếu doanh nghiệp có tầm toàn cầu, đủ sức quy tụ và hỗ trợ các doanh nghiệp khác cùng vươn ra thế giới, top 5 doanh nghiệp lớn nhất trong VNR500 không thay đổi trong các năm 2017-2019, lần lượt là 107
  8. Samsung Electronics Thái Nguyên, EVN, PVN, Viettel và Petrolimex. Năm 2019, “anh cả” Samsung Electronics Thái Nguyên mới có tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD, trong khi Microsoft - công ty lớn nhất thế giới có vốn hóa tới 905 tỉ USD, thứ nhì là Apple có vốn hóa 896 tỉ USD. (ii) Nhiều doanh nghiệp có quy mô quá nhỏ lại đơn độc nên vai trò mờ nhạt, và chỉ mới có khoảng 21% số doanh nghiệp Việt tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 30%, ở Malaysia là 46% Bảng 1. Cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2000 - 2015 Phân theo quy mô lao động Cơ cấu theo quy mô (%) Năm Dưới 10 Từ 10-199 Trên 199 Dưới 10 Từ 10-199 Trên 199 người người người người người người 2000 19.973 16.345 3.351 51,12 40,30 8,58 2005 54.528 46.969 5.119 51,16 44,14 4,80 2010 173.313 98.770 7.277 62,04 35,35 2,61 2015 303.937 129.703 8.845 68,68 29,33 1,99 Nguồn: Tổng cục Thống kê (iii) Đa phần doanh nghiệp Việt còn sử dụng công nghệ 2.0 hoặc thấp hơn, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp còn ít, sản phẩm ít theo quy chuẩn quốc tế, nên khó thâm nhập các chuỗi cung ứng toàn cầu. Quy mô sản phẩm của nhiều doanh nghiệp nhỏ, khó cung cấp sản phẩm ổn định cho các hệ thống tiêu thụ dạng chuỗi ở các nước Âu - Mỹ, Nhật Bản, khó xây dựng và phát huy thương hiệu. (iv) Nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực, nhất là hàng nông sản, được tập hợp từ nhiều SME sản xuất phân tán, quy trình công nghệ lỏng lẻo, nên thường không đồng đều về chất lượng. Sự tùy tiện trong chọn giống, sử dụng phân khoáng và thuốc bảo vệ thực vật, quy trình sản xuất - làm cho hàng Việt khó vượt được các rào cản về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. (v) Các doanh nghiệp hỗ trợ nội còn yếu và thiếu, trong lúc khu vực FDI chiếm trên 70% nguồn cung sản phẩm xuất khẩu, làm cho dường như nước ta đang xuất khẩu hộ cho các nước đối tác. Làm cho dường như GDP của Việt Nam đang “chạy đi đâu” (Bùi Trinh, 2016) chứ ít mang về lợi ích cho người dân, thậm chí có ý kiến cho rằng: càng tăng trưởng cao, nước ta càng nghèo đi, nên cần đổi mới cơ bản cách thức và trọng tâm phát triển doanh nghiệp ở nước ta. 3.1.3. Nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém của doanh nghiệp Việt trong hoạt động thương mại quốc tế Có nhiều, trong đó các nguyên nhân chính là: (i) Tư duy phát triển thương mại quốc tế của Việt Nam lạc hậu và xơ cứng, sang kinh tế thị trường nhưng vẫn giữ thể chế kiểu “cũ” xem nhẹ các phạm trù kinh tế thông thường (Todd, 2008, 251). Việc chỉ “cơi nới” và “dò đá qua sông” về thể chế làm cho nước ta khó tiến dài, tiến xa (Hải Lộc, 2019), nay tư duy phát triển đã “đụng trần” để kích thích sáng tạo. (iv) Môi trường kinh doanh, đầu tư còn nhiều rào cản, trong đó lớn nhất là vẫn dùng bộ máy với cơ cấu và chức năng như thời bao cấp (Bùi Quang Vinh, 2016) để quản trị nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng. Cơ chế xin-cho cùng sự trùng điệp về tầng nấc quản lý, mà luôn thấp thoáng lợi ích cục bộ, trục lợi, làm doanh nghiệp: một cổ nhiều tròng, trở nên èo uột, khó phát triển. (iii) Chưa có hình thức tổ chức phát triển doanh nghiệp hợp lý, khi quyền phát triển doanh nghiệp hiện là do chủ doanh nghiệp quyết định, khiến khu vực doanh nghiệp quốc gia thiếu 108
  9. tính tổ chức, lộn xộn, tự phát, tùy tiện. Sự rời rạc, ít phối hợp, thậm chí còn cạnh tranh ngược, làm từng doanh nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn, khó mạnh hơn mà còn yếu đi trước các doanh nghiệp nước ngoài, dù họ là “doanh nghiệp Việt” khi vươn ra thế giới. (iv) Nhiều yếu kém nội tại của doanh nghiệp, như vốn ít, luôn khát vốn, công nghệ thấp, khi đa phần mới ở công nghệ 2.0, hơn 1/2 số doanh nghiệp sử dụng thiết bị lạc hậu, phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu, sử dụng lao động thủ công, gia công, lắp ráp giản đơn - chậm được khắc phục. Nay khi vươn ra thế giới, phải đối đầu với các tên tuổi lớn, giá trị thương hiệu cao, trường vốn, dầy dặn kinh nghiệm thương trường - trở nên nhỏ bé, thất thế rõ trong cạnh tranh. (v) Hỗ trợ từ nhà nước đơn điệu, ít và thiếu, doanh nghiệp Việt lại non tuổi nghề, chất lượng quản trị chưa cao, nắm bắt thông tin và tiếp cận thị trường chưa tốt, phần đông ở tình trạng “li ti hóa” (Võ Trí Thành, dẫn theo Nguyễn Hoài, 2016). Đa phần doanh nghiệp lớn là doanh nghiệp nhà nước vừa dễ vi phạm cam kết trong các FTA, vừa có lãnh đạo chưa phải là doanh nhân (Lê Quốc Anh & Lê Thị Trâm Anh, 2019), nên chưa đủ tầm “chơi” lâu dài và hiệu quả khi tham gia thương mại quốc tế 3.1.4. Nhiều cơ hội phát triển mở ra trước doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh bảo hộ thương mại hiện nay Sự phát triển chưa cao của nền kinh tế, cùng đường lối ngoại giao “muốn làm bạn” với tất cả các nước, làm cho Việt Nam không trở thành “đối thủ không đội trời chung” của bất kỳ nước nào trên thế giới. Vì thế, doanh nghiệp Việt tuy vẫn chịu thiệt hại khó tránh khỏi trong bối cảnh bảo hộ thương mại hiện nay, nhưng lại có nhiều cơ hội phát triển, với các cơ hội lớn nhất là: (i) Giảm bớt đối thủ cạnh tranh tại một số thị trường lớn, như sẽ giảm sự cạnh tranh với hàng may mặc, đồ gỗ, điện thoại di động của Trung Quốc tại thị trường Mỹ. Hàng hoa quả và thủy sản đông lạnh của nước ta tại thị trường Nga, cũng bớt phải cạnh tranh với sản phẩm có thể thay thế từ: EU hoặc một vài nước khác, nên doanh nghiệp Việt có thể phát triển để mở rộng thị phần. (ii) Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã đẩy lùi không ít “công xưởng của thế giới” ra khỏi nhiều thị trường, làm đứt gẫy các chuỗi cung ứng bấy lâu do cường quốc thứ hai thế giới này chi phối. Tạo ra cơ hội để nhiều nước, trong đó có Việt Nam, phát triển doanh nghiệp nhằm thay thế doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là để cung cấp các sản phẩm giá rẻ dành cho tầng lớp khách hàng bình dân, ít có nguồn khác thay thế. (iii) Các khoản áp thuế của Mỹ đã bị Trung Quốc đáp trả, làm nhiều doanh nghiệp Mỹ và nước ngoài bị kỳ thị, tẩy chay phải rời khỏi Trung Quốc. Trong số đó có các tên tuổi lớn như Seagate Technology, Samsung Electronics, Toshiba, Sony, Asahi Kasei với công nghệ tiên tiến, số vốn mỗi dự án thường vài trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD, mà Việt Nam rất muốn được họ dịch chuyển sang. (iv) Ngược lại, không ít nhà máy của 143 công ty Trung Quốc bị Mỹ liệt vào “Danh sách thực thể” sẽ phải rời Mỹ, cùng lượng FDI hàng tỷ USD mỗi năm của Trung Quốc sẽ không thể chảy vào Mỹ. Một phần không nhỏ trong đó sẽ đổ bộ vào Việt Nam để tìm đường thâm nhập vào thị trường Mỹ, bởi quan hệ Việt - Mỹ đang nồng ấm, và nhiều chính trị gia Mỹ đang dành nhiều lời ca tụng có cánh dành cho Việt Nam. (v) Việt Nam còn giữ vị trí cầu nối cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn thâm nhập Trung Quốc, nhưng lại bất mãn với chủ trương cưỡng ép chuyển giao công nghệ, cùng chính sách đồng Nhân dân tệ yếu của Trung Quốc. Ngoài ra, nước ta còn có thể khai thác các bất đồng kinh tế giữa Mỹ với các nước 109
  10. châu Mỹ, giữa Nga với EU, giữa Trung Quốc với Úc và New Zealand, giữa Nhật Bản với Hàn Quốc để phát triển doanh nghiệp. 3.1.5. Tận dụng cơ hội để phát triển doanh nghiệp để thúc đẩy thương mại quốc tế đang là yêu cầu cấp thiết và thực tiễn ở Việt Nam, trong bối cảnh bảo hộ thương mại hiện nay Dĩ nhiên, nhiều cơ hội phát triển doanh nghiệp phát sinh do bảo hộ thương mại mang lại không phải dành riêng cho Việt Nam, các cơ hội đó cũng không bắt buộc nước ta phải khai thác, tận dụng. Nhưng nước ta rất cần khai thác chúng, bởi: (i) Số doanh nghiệp nói chung, và số doanh nghiệp đang hoạt động thương mại quốc tế nói riêng của nước ta đang ít, cần phải phát triển mạnh. Số doanh nghiệp hoạt động ít là nguyên nhân chính dẫn đến năng suất lao động ở nước ta “thấp một cách kỳ lạ” (Nguyễn Đức Thành & Nguyễn Văn Đại, 2014); còn số doanh nghiệp hoạt động thương mại quốc tế ít làm tăng rủi ro cho Việt Nam, khi mở cửa đang là “sự lựa chọn sinh - tử” (Nguyễn Đức Kiên, dẫn theo Tư Giang, 2014). (ii) Phải phát triển nhiều doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, Việt Nam mới có thể trở thành nước có thu nhập trung bình cao, còn hy vọng trở thành nước có thu nhập cao. Ngược lại, sẽ khó thoát bẫy thu nhập trung bình, thậm chí mắc kẹt ở mức thu nhập trung bình thấp, nếu cứ để 70% lao động tập trung ở nông thôn, hoạt động trong khu vực nông nghiệp đang có nguy cơ sụp đổ (Lê Quốc Phương, dẫn theo San Ngọc, 2015). (iii) Thu hút FDI mới giảm bớt nạn khan hiếm vốn trong phát triển doanh nghiệp, bởi hàng nghìn tỷ VND bị sử dụng vào việc xây dựng các trung tâm hành chính, khu quảng trường, và nâng cấp hạ tầng. Bà Victoria Kwakwa nguyên Giám đốc quốc gia của WB tại nước ta, đã từng thốt lên: “Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu ra để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới?”, vì có tới 1/2 nhu cầu vốn ở thời điểm đó chưa tìm được nguồn huy động (Bích Diệp, 2015). (iv) Thu hút nguồn FDI bị chuyển dịch do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn giúp Việt Nam mau chóng hoàn thành giai đoạn I trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa “bắt kịp” có tính bắt buộc (Lê Quốc Anh & Lê Thị Trâm Anh, 2018b). Đó còn là bước tiến lớn trong việc thoát dần “cái bóng” Trung Quốc quá lớn, để nước ta gắn bó chặt hơn, có vị thế cao hơn trong kinh tế khu vực và kinh tế thế giới. (v) Việc chuyển giao công nghệ và lan tỏa ngoại ứng từ doanh nghiệp FDI chất lượng thu hút được nhờ các FTA hoặc từ bối cảnh bảo hộ thương mại, còn giúp nước ta sàng lọc các doanh nghiệp yếu kém. Là nhân tố quan trọng để từng bước làm hình thành hệ thống doanh nghiệp Việt đông về lượng, mạnh về chất, có năng lực cạnh tranh cao, đóng góp được nhiều cho đất nước, và giảm dần nỗi lo bảo hộ thương mại 3.2. Giải pháp để tận dụng tốt hơn các cơ hội phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh bảo hộ thương mại hiện nay Khai thác các cơ hội phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh bảo hộ thương mại chỉ là một phần trong chiến lược phát triển doanh nghiệp của Việt Nam, nhưng lại là phần quan trọng, bởi ảnh hưởng lớn đến việc thúc đẩy xuất khẩu - là một trong hai động cơ tăng trưởng chính của nước ta. Để làm tốt sứ mệnh này, bên việc hỗ trợ cho phát triển doanh nghiệp nói chung, như cải cách thể chế, hạ thấp giá vốn, hỗ trợ thuê mướn mặt bằng, phát triển logistics, sửa đổi Luật Doanh nghiệp, ngăn chặn nhũng nhiễu và tham nhũng vặt Còn cần có các giải pháp bổ sung, phù hợp với phát triển thương mại quốc tế trong bối cảnh bảo hộ thương mại, cụ thể như sau: 110
  11. Doanh nghiệp được phát triển từ cơ hội phát sinh trong bối cảnh bảo hộ thương mại, thường chủ yếu sẽ hoạt động trong lĩnh vực thương mại quốc tế, vì thế: (i) Đó là các doanh nghiệp phải cạnh tranh quốc tế, bởi các cơ hội này đâu chỉ dành riêng cho Việt Nam, nên phải được tổ chức và quản trị phù hợp với áp lực cạnh tranh gay gắt, lợi nhuận biên chỉ còn rất nhỏ. (ii) Dù hoạt động là để thu về lợi nhuận cho chủ sở hữu, nhưng đó không chỉ là doanh nghiệp của chủ sở hữu, mà còn là “doanh nghiệp Việt Nam”. Do đó, cách thức phát triển phải có nhiều đổi mới, doanh nghiệp được lựa chọn phát triển phải nằm trong quỹ đạo quy hoạch của nhà nước. Các doanh nghiệp được lựa chọn phát triển để góp phần nâng cấp các chuỗi cung ứng, giúp đảm bảo quy tắc xuất xứ cần được sự đồng thuận của các hiệp hội doanh nghiệp, và phải được hỗ trợ cao hơn. Đồng thời, chúng phải đáp ứng các yêu cầu về tổ chức bộ máy, công nghệ, quy chuẩn sản phẩm, vệ sinh an toàn theo chuẩn quốc tế. Các dự án FDI bị dịch chuyển phải có công nghệ vượt trội, không tiềm ẩn rủi ro gây trả đũa, trừng phạt thương mại, cấm vận Đặc biệt, đó phải là các đổi mới thực chất, theo chuẩn mực về giá trị, trên nguyên tắc thị trường, để chúng vừa “lách” được rào cản bảo hộ, vừa góp phần tích cực và hiệu quả vào phát triển bền vững ở nước ta. 3.2.2. Khai thác tối đa cơ hội phát triển doanh nghiệp từ tác động của các FTA vừa và sắp có hiệu lực, để vừa mở rộng thương mại quốc tế, gia tăng tăng trưởng cho đất nước, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực của các rào cản bảo hộ thương mại từ các nước khác Khai thác cơ hội phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh bảo hộ thương mại là để: phát triển được nhiều doanh nghiệp nhằm thúc đẩy việc giao lưu nguồn lực, sản phẩm với thế giới, mang lại thịnh vượng cho đất nước. Nhưng các cơ hội này lại không bền, chỉ cần quan hệ giữa các khổ chủ “ấm lên” hoặc “xấu đi”, là có thể có nhiều thay đổi về các biện pháp phòng vệ giữa họ. Vì thế, bên các cơ hội do bảo hộ thương mại, Việt Nam nên tập trung khai thác các cơ hội có nội hàm tương tự, rõ nhất là phát triển doanh nghiệp từ tác động của các FTA vừa và sắp có hiệu lực. Đây là cơ hội lớn, bởi trong 6 năm vừa qua, Việt Nam có đến 4 FTA tầm cỡ, là FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA, 2015), FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (VCUFTA, 2015) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, 2018) đã có hiệu lực. FTA Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hệu lực vào tháng 7 năm 2020, và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC, 2016) được xem như là một FTA “ngầm”, cùng 9 FTA đã có trước đó, cho phép nước ta hội nhập sâu rộng với 56 nền kinh tế. Nếu năng động hơn, thì cùng với tác động của CMCN 4.0, cơ hội phát triển doanh nghiệp theo hướng thúc đẩy thương mại quốc tế là không nhỏ. Cụ thể, có thể phát triển nhanh, mạnh doanh nghiệp trong các ngành được hưởng lợi, thế chỗ doanh nghiệp ngoại ở các “đứt gãy” chuỗi cung ứng, thâm nhập vào phân khúc giá rẻ và các ngách của các chuỗi giá trị. Đồng thời, có thể phát triển doanh nghiệp ở các khâu còn yếu và thiếu trong chuỗi cung ứng; phát triển doanh nghiệp hỗ trợ để thu hút FDI từ các nước nội khối (Lê Quốc Anh & Lê Thị Trâm Anh, 2018a), mặc bảo hộ thương mại trỗi dậy và bành trướng. 111
  12. 3.2.3. Tận dụng các cơ hội phát triển doanh nghiệp phái sinh do bảo hộ thương mại tạo ra ở các khu vực, quốc gia có liên quan, để làm hình thành một bộ phận doanh nghiệp đặc thù, hiệu quả, giúp Việt Nam gắn kết sâu hơn, rộng hơn vào kinh tế khu vực và kinh tế thế giới Nhờ các mối quan hệ do lịch sử để lại, nhờ ảnh hưởng của các FTA, nước ta còn có nhiều cơ hội phát triển doanh nghiệp phái sinh do bảo hộ thương mại tạo ra ở các khu vực, quốc gia khác. Hai nhóm cơ hội chính là: (i) Phát triển doanh nghiệp trên cơ sở nguồn FDI bị chuyển dịch do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đưa đẩy, mà trước tiên là các dự án FDI của Mỹ di dời khỏi Trung Quốc do bị trả đũa, kỳ thi. Nhiều đối tác thân cận với Mỹ có nhà máy ở Trung Quốc sản xuất xe cộ, lốp xe, đồ nhựa, sản phẩm dệt may đều bắt đầu chuyển dây chuyền lắp ráp sang Việt Nam để tránh thuế cao. Sau đó là các dự án FDI xuất xứ Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam để thâm nhập vào Mỹ, biến Việt Nam thành “công xưởng thế giới” thay thế Trung Quốc, bù đắp cho các chuỗi cung ứng bị “đứt gẫy” hoặc điều chỉnh vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (ii) Phát triển doanh nghiệp từ cơ hội phát sinh do cấm vận qua lại, liên tục gia hạn giữa Nga với EU và Mỹ, sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Nhằm xuất sản phẩm sang Nga, thay thế các loại nông sản, nguyên liệu và thực phẩm có nguồn gốc từ các nước đang áp đặt lệnh trừng phạt chống Nga. Hoặc để thu hút khách du lịch từ Nga, khi nhiều địa điểm du lịch ở châu Âu không còn an toàn cho khách Nga, khi cát và nắng Việt Nam rất thích hợp với việc nghỉ Đông của người Nga. Hai nhóm cơ hội này cho phép phát triển nhiều doanh nghiệp chất lượng cao, làm hình thành một bộ phận doanh nghiệp đặc thù, hỗ trợ Việt Nam chuyển mạnh sang kinh tế số theo xu thế thời đại (Lê Quốc Anh, 2019). Song để việc tận dụng các cơ hội này phát triển doanh nghiệp được thuận lợi, nhà nước cùng các bộ ngành, hiệp hội doanh nghiệp cần phải hỗ trợ giúp chủ doanh nghiệp khắc chế bớt các ảnh hưởng tiêu cực từ bảo hộ thương mại có liên quan. Mục đích cao nhất trong phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam không phải chỉ tập trung vào khai thác các cơ hội, mà hướng tới: việc làm hình thành nên hệ thống doanh nghiệp quốc gia hài hòa, vững mạnh. Từng khu vực doanh nghiệp I, II và III, cũng như khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nội ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp FDI, hoặc các cụm doanh nghiệp theo vùng, miền, địa phương - đều là tập hợp doanh nghiệp mạnh, giầu tiềm năng phát triển. Chúng không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho chủ sở hữu, mà còn tạo ra ngoại ứng tích cực cho các chủ thể kinh tế khác, liên kết phối hợp để đưa năng suất lao động lên ngày một cao, sẵn sàng vượt qua các rào cản bảo hộ. Hơn nữa, trong thế giới kết nối đa chiều như hiện nay, các doanh nghiệp thường có ảnh hưởng qua lại với nhau, không thể có doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp mạnh khi các doanh nghiệp có liên quan trì trệ, ốm yếu. Vì vậy, nước ta cần tập hợp trí tuệ toàn dân tộc để đưa ra chủ thuyết phát triển Việt Nam, nhằm tập hợp mọi sức mạnh kinh tế để phát triển trên con đường đã chọn. Trong đó, trong phát triển doanh nghiệp, cần tập trung sức để cải thiện, 112
  13. nâng cấp hệ sinh thái sáng tạo và khởi nghiệp, nhanh chóng khắc phục ba vùng “lõm” là “giáo dục bậc cao và đào tạo”, “sáng tạo” và “sẵn sàng với công nghệ” (hình 2). Tiếp tục nâng cao chất lượng thể chế, hạ tầng và trình độ kinh doanh; cải thiện môi trường vĩ mô, phát triển thị trường tài chính, và hiệu quả thị trường hàng hóa; mạnh dạn vận dụng kinh nghiệm của các nước đi trước, để không ngừng cải thiện, nâng cấp hệ thống doanh nghiệp quốc gia 4. Kết luận Sau 3 năm tăng trưởng ấn tượng vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước bài “test” quan trọng, khi bối cảnh đầu tư, kinh doanh không thuận. Kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và nhiều bất ổn khu vực làm gia tăng bất ổn của thương mại toàn cầu, làm suy giảm niềm tin kinh doanh của nhiều nhà đầu tư. Ở trong nước, bên cạnh những hiệu ứng từ kết quả tăng trưởng tích cực trong các năm 2017-2019, kinh tế vĩ mô ổn định; còn đan xen nhiều khó khăn, thách thức. Thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng mạnh đến ngành trồng trọt, ngành chăn nuôi khó khăn bởi dịch tả lợn châu Phi vẫn tái phát tại nhiều nơi, giải ngân vốn đầu tư công không thuận. Song thách thức lớn nhất là đại dịch Covid-19 với hai ổ dịch Trung Quốc và Hàn Quốc, đe dọa nguồn nguyên liệu nhập phục vụ sản xuất, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực khó đạt kế hoạch vì thiếu nguyên liệu. Ngành du lịch sẽ thiệt hại hàng tỷ USD, nhưng nguy hiểm nhất là nếu virut Covíd-19 lây sang, chỉ cần khủng hoảng doanh thu 1-2 tháng thì hàng vạn SME sẽ phá sản khi phải trả “khống” nhiều chi phí Làm cho việc khai thác cơ hội phát triển doanh nghiệp, nhất là phát triển để bù đắp cho phần hàng xuất khẩu bị giảm sút do bối cảnh tệ hại hiện nay là rất quan trọng và cấp thiết. Và cơ hội phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh bảo hộ thương mại đang là cơ hội lớn và “sáng” nhất, bởi chỉ cần có những cố gắng thì Việt Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp mới được phát triển. Chúng không chỉ thay thế cho các doanh nghiệp bị tổn hại, mà còn góp cho hệ thống doanh nghiệp quốc gia nhiều doanh nghiệp tầm cỡ, với nhiều thương hiệu lừng lẫy với công nghệ và phương thức quản trị hiện đại. Góp phần bổ sung cho khu vực doanh nghiệp nội ngoài nhà nước: nhiều doanh nghiệp có thể tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tăng độ hoàn thiện cho các chuỗi cung ứng, làm xuất hiện nhiều doanh nghiệp đầy triển vọng, lấy hội nhập làm môi trường hoạt động Nhưng khai thác được các cơ hội này không dễ, bởi bên cạnh các nút thắt, như vốn thiếu và đắt, thiếu nhân lực chất lượng, công nghiệp phụ trợ yếu và thiếu. Nước ta còn nhiều nút thắt vô hình, như vẫn dùng chủ thuyết phát triển và mô hình tăng trưởng của hàng chục năm trước đây, để tư duy bao cấp chi phối kinh tế thị trường. Nhiều bộ ngành, quan chức vô cảm trước sự tụt hậu của dân tộc, bàng quang trước khó khăn của doanh nghiệp, gây khó khăn cho kinh tế số May mắn là bên các rào cản đó, sự nghiệp phát triển doanh nghiệp đang có nhiều động lực thúc đẩy, từ sự lãnh đạo của Đảng, hỗ trợ của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng quyết tâm vươn lên của giới doanh nhân, sự góp sức của giới khoa học, sự chung sức của cộng đồng. Hứa hẹn làm cho hoạt động phát triển doanh nghiệp có nhiều bước tiến dài, khai thác tốt và hiệu quả cơ hội từ mọi bối cảnh, góp phần giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với các cường quốc 113
  14. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bích Diệp (2015), Việt Nam lấy tiền đâu để phát triển? Truy cập ngày 03 tháng 03 năm 2020, từ . 2. Bùi Quang Vinh (2016), Bài phát biểu tâm huyết, thẳng thắn của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, truy cập ngày 26 tháng 02 năm 2020, từ . 3. Bùi Trinh (2014), GDP chạy đi đâu? Truy cập ngày 24 tháng 02 năm 2020, từ: . 4. Daron Acemoglu và Jame A. Robinson (2013), Tại sao các quốc gia thất bại, bản dịch của Nguyễn Thị Kim Chi, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. 5. Hải Lộc (2019), Tâm thế cơi nới và dò đá qua sông thì không thể tiến dài, tiến xa, truy cập ngày 25 tháng 02 năm 2020, từ: . 6. Kiều Linh (2018), 2.700 doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động, truy cập ngày 24 tháng 02 năm 2020, từ . 7. Lê Quang Thuận & Nguyễn Thị Phương Thúy (2018), Xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới và kiến nghị đối với Việt Nam, truy cập ngày 20 tháng 02 năm 2020, từ: . 8. Lê Quốc Anh (2019), Doanh nghiệp Việt Nam với kinh doanh số trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, Kỷ yếu Hội thảo: “Kinh doanh số trong kỷ nguyên toàn cầu hóa”, Nxb Lao động - Xã hội, trang 01-19. 9. Lê Quốc Anh & cs (2018), Phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Quản lý Kinh tế, số 89 tháng 7+8/2018, trang 36-44. 10. Lê Quốc Anh & Lê Thị Trâm Anh (2018a), Các FTA thế hệ mới với vấn đề phát triển doanh nghiệp Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về “Thương mại và phân phối” - CODI 2018, Nxb Nông nghiệp, trang 1028-1038. 11. Lê Quốc Anh & Lê Thị Trâm Anh (2018b), Economic development in lower middle- income countries in this day and age, through practical study in Vietnam, Kỷ yếu Hội thảo: “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh”, Nxb ĐHKTQD, trang 1029-1047. 12. Lê Quốc Anh & Lê Thị Trâm Anh (2019), Breakthrough in the Development of Vietnamese Business in Order to Grow Rapidly and Sustainably, European Journal of Business and Management, Tập 11, Số 9 (2019), trang 158-175. 13. Nguyễn Đức Thành và Nguyễn Văn Đại (2014), Chẩn đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Những rào cản cho giai đoạn 2015-2020, truy cập ngày 01 tháng 03 năm 2020, từ . 114
  15. 14. Nguyễn Hoài (2016), Ông Võ Trí Thành: Doanh nghiệp đang rơi vào xu hướng li ti hóa, truy cập ngày 26 tháng 02 năm 2020, từ . 15. Nguyễn Phong (2017), Kỳ tích phát triển của Israel và kinh nghiệm đối với Việt Nam, Kỳ I, truy cập ngày 20 tháng 02 năm 2020, từ: . 16. San Ngọc (2015), "Cường quốc" nông nghiệp có nguy cơ sụp đổ? Truy cập ngày 01 tháng 03 năm 2020, từ . 17. Todd G. Buchholz (2008), Ý tưởng mới từ các kinh tế gia tiền bối, bản dịch của Phạm Hồng Bắc và Bùi Ngọc Sơn, Nxb Tri thức, Hà Nội. 18. Tư Giang (2014), “Chúng ta chỉ còn hai lựa chọn, mở cửa hay là chết”, truy cập ngày 01 tháng 03 năm 2020, từ . 115