Tiềm năng ứng dụng công nghệ Blockchain hỗ trợ công tác quản lý tại các trường đại học ở Việt Nam

pdf 10 trang Gia Huy 18/05/2022 2420
Bạn đang xem tài liệu "Tiềm năng ứng dụng công nghệ Blockchain hỗ trợ công tác quản lý tại các trường đại học ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftiem_nang_ung_dung_cong_nghe_blockchain_ho_tro_cong_tac_quan.pdf

Nội dung text: Tiềm năng ứng dụng công nghệ Blockchain hỗ trợ công tác quản lý tại các trường đại học ở Việt Nam

  1. 157 TIỀM NĂNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN HỖ TRỢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM TS. Đoàn Quang Minh Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân TÓM TẮT Cùng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ Blockchain đã và đang được nghiên cứu ứng dụng hết sức mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới ở hầu hết các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, y tế, sản xuất, bán lẻ Tuy nhiên, việc triển khai công nghệ Blockchain trong lĩnh vực giáo dục đào tạo dường như vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở Việt Nam. Bài viết này sẽ giới thiệu một cách khái quát về cơ chế hoạt động của công nghệ Blockchain cũng như đề xuất một số khuyến nghị về tiềm năng ứng dụng công nghệ này nhằm hỗ trợ công tác quản lý tại các trường đại học ở nước ta. Cuối cùng, những thuận lợi và khó khăn khi triển khai công nghệ Blockchain tại các trường đại học ở Việt Nam cũng sẽ được đề cập. Từ khóa: Công nghệ Blockchain, công tác quản lý, trường đại học ở Việt Nam. 1. GIỚI THIỆU Công nghệ Blockchain lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1991 bởi hai nhà khoa học Stuart và Stornetta (Stuart và Stornetta, 1991). Mục đích chính của công nghệ này là nhằm chống lại sự chỉnh sửa dữ liệu một cách bất hợp pháp cũng như công khai hóa dữ liệu cho tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là ngay sau khi được giới thiệu, công nghệ Blockchain gần như rơi vào quên lãng, hay nói cách khác là hầu như không có cá nhân, tổ chức nào ứng dụng công nghệ này vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội cho tới khi có một người hoặc một nhóm người lấy bí danh là Satoshi Nakamoto đã ứng dụng công nghệ Blockchain để đưa ra khái niệm đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin vào tháng 1 năm 2009 (Angela và Liana, 2014). Vậy Blockchain là gì? Trên thực tế, Blockchain đóng vai trò như một cuốn sổ cái công khai mà tất cả các bên liên quan đều có quyền được biết và sở hữu. Đến đây chúng ta cần nói thêm một chút về khái niệm sổ cái. Sổ cái được hiểu là sổ kế toán tổng hợp dùng để ghi chép các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh theo trình tự thời gian. Tức là, tất cả các giao dịch hàng ngày sẽ được ghi chép chi tiết tại sổ cái. Tương tự như sổ cái thì Blockchain cũng sẽ lưu lại tất cả các giao dịch, dữ liệu phát sinh tại từng thời điểm cũng như theo trình tự về mặt thời gian. Chỉ có điều sổ cái khác Blockchain ở những điểm sau: Thứ nhất, không phải lúc nào tất cả các bên liên quan cũng đều sở hữu sổ cái; thứ hai, nội dung phản ánh về cùng một giao dịch nào đó tại sổ cái của tất cả các bên liên quan chưa
  2. 158 hẳn đã giống hệt nhau vì nội dung này có thể bị chỉnh sửa mà các bên còn lại không thể giám sát được. Tóm lại, cùng một giao dịch phát sinh nhưng dữ liệu ghi chép ở sổ cái của các bên liên quan có thể khác nhau, đó chính là vấn đề. Công nghệ Blockchain đã khắc phục được bất cập này, đó là tất cả các bên liên quan đều có quyền sở hữu một Blockchain giống hệt nhau, việc mỗi thành viên tự ý chỉnh sửa dữ liệu của Blockchain gần như là không thể, điều này chỉ có thể xảy ra khi nhận được sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, quá trình này cũng tốn rất nhiều thời gian và công sức, và đó là lý do vì sao việc thay đổi dữ liệu của Blockchain gần như không bao giờ hoặc rất ít khi xảy ra. Như vậy có thể thấy được lợi ích mà công nghệ Blockchain mang lại là ngoài việc hoạt động đóng vai trò như là một cuốn sổ cái ghi lại tất cả các giao dịch phát sinh theo trình tự về mặt thời gian thì công nghệ này còn có tác dụng minh bạch hóa dữ liệu cũng như chống lại tất cả các hành vi chỉnh sửa dữ liệu một cách bất hợp pháp. 2. CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN Vậy để đạt được các mục tiêu như đã đề cập ở trên thì công nghệ Blockchain đã hoạt động như thế nào? Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể hơn về cơ chế hoạt động của công nghệ Blockchain hay còn gọi là công nghệ chuỗi khối. Hình 1. Công nghệ Blockchain (Nguồn: Minh họa của tác giả) Hình 1 mô tả một cách đơn giản về công nghệ Blockchain. Đó là một chuỗi gồm nhiều khối được liên kết chặt chẽ với nhau. Mỗi khối sẽ chứa ba thành phần. Thứ nhất là dữ liệu, thứ hai là dữ liệu của khối đã được mã hóa nhờ hàm băm (hàm Hash), cuối cùng là dữ liệu đã được mã hóa của khối trước đó (Hình 2).
  3. 159 Hình 2. Các thành phần của mỗi khối (Nguồn: Minh họa của tác giả) Loại dữ liệu chứa trong mỗi khối phụ thuộc vào công nghệ Blockchain được ứng dụng trong từng lĩnh vực. Chẳng hạn, đối với Bitcoin Blockchain, tức là Blockchain ứng dụng trong lĩnh vực giao dịch đồng tiền kỹ thuật số, thì dữ liệu trong mỗi khối là các giao dịch chi tiết liên quan đến việc mua bán và đào tiền ảo. Đó có thể là dữ liệu về người mua, người bán, lượng tiền ảo đã được giao dịch cũng như lượng tiền ảo mới đào được. Hình 3 mô tả một cách đơn giản về dữ liệu chứa trong một khối của Bitcoin Blockchain. Hình 3. Dữ liệu chứa trong một khối của Bitcoin Blockchain (Nguồn: Minh họa của tác giả) Mỗi khối cũng chứa dữ liệu của cả khối đã được mã hóa nhờ hàm băm. Dữ liệu sau khi được mã hóa sẽ chuyển thành chuỗi ký tự như mô tả tại Hình 4.
  4. 160 Hình 4. Dữ liệu của khối sau khi được mã hóa (Nguồn: Minh họa của tác giả) Có thể hình dung dữ liệu sau khi được mã hóa đóng vai trò tương tự như một dấu vân tay. Điều này cho thấy tính duy nhất của dữ liệu được chứa trong mỗi khối, nói một cách khác dữ liệu chứa trong mỗi khối của chuỗi là hoàn toàn khác nhau. Một khi dữ liệu của khối bị chỉnh sửa thì kết quả của hàm băm cũng sẽ bị thay đổi. Như vậy có thể thấy sử dụng hàm băm là rất hiệu quả trong việc kiểm tra xem dữ liệu của khối có bị chỉnh sửa hay không. Thành phần thứ ba trong mỗi khối là dữ liệu đã được mã hóa của khối trước đó. Đây chính là yếu tố quan trọng để tạo ra chuỗi liên kết cũng như đảm bảo tính bền vững của mỗi một Blockchain. Hình 5 minh họa sự gắn kết của ba khối đầu tiên của một chuỗi khối. Hình 5. Sự liên kết giữa các khối thông qua dữ liệu đã được mã hóa (Nguồn: Minh họa của tác giả) Như đã đề cập ở phần trên, mỗi khối ngoài dữ liệu còn có kết quả của hàm băm của chính khối đó cũng như kết quả mã hóa của khối trước đó. Nhờ đó mà khối số 3 có thể chỉ đến được khối số 2. Tương tự, khối số 2 có thể chỉ đến khối số 1. Tuy nhiên, khối số 1 lại không chỉ đến một khối nào trước đó. Vì thế, khối này còn được gọi là khối gốc của chuỗi. Giả sử có ai đó cố tình chỉnh sửa dữ liệu của khối số 2, hành vi này sẽ dẫn tới kết quả của hàm băm của khối số 2 cũng sẽ bị thay đổi theo. Điều này dẫn đến việc khối số 3 cũng như
  5. 161 các khối sau đó sẽ trở thành các khối không hợp lệ vì chúng không chứa kết quả mã hóa dữ liệu của khối trước đó. Như vậy việc thay đổi dữ liệu của một khối sẽ dẫn tới tất cả các khối tiếp theo sẽ trở nên không hợp lệ. Cơ chế này sẽ giúp phát hiện được dữ liệu có bị thay đổi một cách bất hợp pháp hay không. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng cơ chế bảo vệ này thì cũng không hoàn toàn đảm bảo rằng dữ liệu không thể bị chỉnh sửa vì ngày nay tốc độ xử lý của máy tính là rất lớn, có thể tính toán được hàng trăm ngàn hàm băm chỉ trong một giây. Vì thế, các Hacker hoàn toàn có thể chỉnh sửa được dữ liệu của một khối và tính toán lại kết quả hàm băm cho tất cả các khối tiếp theo trong một khoảng thời gian rất ngắn để đảm bảo rằng toàn bộ Blockchain là vẫn hợp lệ. Để hạn chế điều này, công nghệ Blockchain đã bổ sung thêm cơ chế bảo vệ có tên gọi là Proof – of – work (tạm dịch là bằng chứng công việc). Cơ chế này cho phép làm chậm lại quá trình tạo ra một khối mới. Trong trường hợp của Bitcoin, theo quy định thì cứ mỗi 10 phút là thời gian để xử lý tất cả các giao dịch mới cũng như thời gian dành cho thợ đào thực hiện các công việc liên quan đến việc đào tiền ảo. Sau khi kết thúc 10 phút thì một khối mới sẽ được hình thành và kết nối vào chuỗi. Như vậy, cứ sau mỗi 10 phút, một khối mới sẽ được hình thành, các giao dịch mới về tiền ảo sẽ được xác nhận, cùng với đó là các thợ đào sẽ được thưởng một lượng tiền ảo nhất định (Hình 6). Hình 6. Thời gian để khởi tạo một khối trong Bitcoin Blockchain (Nguồn: Minh họa của tác giả) Với cơ chế này, việc thay đổi dữ liệu của một khối là cực kỳ khó vì nếu ai đó muốn thay đổi dữ liệu của một khối thì người đó lại phải tạo lại tất cả các khối tiếp theo của chuỗi. Khó khăn ở chỗ là không thể tạo lại ngay được các khối này mà cứ sau mỗi 10 phút thì mới có thể tạo lại được một khối và hơn thế nữa cần phải tính toán sao cho bằng chứng công việc hay khối lượng công việc ở mỗi khối phải khớp đúng 10 phút, và điều này là vô cùng khó.
  6. 162 Như vậy để chống lại việc sửa đổi dữ liệu, công nghệ Blockchain đã sử dụng một cách kết hợp hai cơ chế bảo vệ đó là: Thứ nhất, sử dụng kết quả của hàm băm để liên kết giữa hai khối liền nhau nhờ đó khối sau có thể giám sát được sự toàn vẹn dữ liệu của khối trước; thứ hai, dùng cơ chế bằng chứng công việc để làm chậm lại cũng như tăng thêm mức độ khó cho quá trình hình thành một khối mới. Tuy nhiên, phối hợp hai cơ chế bảo vệ này vẫn chưa phải là tất cả những gì công nghệ Blockchain sử dụng nhằm chống lại việc sửa đổi dữ liệu một cách bất hợp pháp. Để đảm bảo cho việc dữ liệu không thể bị tự ý chỉnh sửa, công nghệ chuỗi khối còn sử dụng bổ sung thêm một cơ chế bảo vệ nữa đó minh bạch hóa hay công khai hóa dữ liệu. Đó là thay vì chỉ có một thực thể quản lý Blockchain, công nghệ chuỗi khối đã sử dụng mạng ngang hàng để kết nối tất cả các thành viên và bất kể ai liên quan cũng có thể tham gia vào mạng này. Một khi đã được tham gia vào hệ thống mạng chung, mỗi thành viên đều được cung cấp một phiên bản của Blockchain có nội dung giống hệt nhau (Hình 7). Hình 7. Cơ chế minh bạch hóa dữ liệu của công nghệ Blockchain (Nguồn: Minh họa của tác giả) Công nghệ Blockchain hoạt động trên cơ sở có được sự đồng thuận của tất cả các thành viên liên quan. Các thành viên sẽ thống nhất với nhau rằng khối nào là hợp lệ và khối nào là không hợp lệ. Bất kể một khối nào bị thay đổi dữ liệu một cách bất hợp pháp cũng sẽ bị từ chối bởi hệ thống. Đến đây chúng ta đã hiểu được các cơ chế chống lại sự chỉnh sửa dữ liệu bất hợp pháp của công nghệ Blockchain, đó là: 1) Sử dụng kết quả mã hóa của hàm băm để liên kết giữa hai khối liền nhau nhờ đó khối sau có thể giám sát được sự toàn vẹn dữ liệu của khối trước.
  7. 163 2) Dùng cơ chế bằng chứng công việc để làm chậm lại cũng như tăng thêm mức độ khó cho quá trình hình thành một khối mới. 3) Công khai hóa, minh bạch hóa dữ liệu cho tất cả các bên liên quan. Mỗi thành viên của hệ thống đều sở hữu một Blockchain giống hệt với các thành viên còn lại, bất kỳ sự thay đổi nào của dữ liệu cũng cần phải nhận được sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan. Với sự phối kết hợp đồng thời cả ba cơ chế bảo vệ trên, việc ai đó tự ý thay đổi dữ liệu của Blockchain là gần như không thể. Nhờ những tính năng vượt trội nêu trên mà Blockchain đã và đang trở thành một trong những công nghệ được quan tâm nhất hiện nay. 3. TIỀM NĂNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN HỖ TRỢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM Cũng giống như ở nhiều quốc gia trên thế giới, công nghệ Blockchain đã và đang rất được chú ý ở Việt Nam. Tiềm năng ứng dụng của công nghệ này là rất hứa hẹn, đặc biệt trong các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, công nghiệp sản xuất, chuỗi cung ứng, dịch vụ công, y tế, giáo dục Trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể là giáo dục đại học, công nghệ Blockchain có thể được nghiên cứu ứng dụng thử nghiệm nhằm hỗ trợ những mảng công việc sau: Hỗ trợ công tác chấm thi tuyển sinh đầu vào cho các trường đại học: Công tác tuyển sinh đầu vào của các trường đại học đóng vai trò hết sức quan trọng. Có thể nói đây là một trong các yếu tố tiền đề ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đào tạo cũng như thương hiệu của mỗi trường. Vì thế, đảm bảo chất lượng đầu vào là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý. Hiện nay, việc tuyển sinh đầu vào của các trường đa phần dựa vào kết quả của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm đã được xã hội thừa nhận thì độ tin cậy, tính công bằng do kỳ thi này mang lại vẫn còn là một dấu hỏi khi mà đâu đó vẫn xảy ra tình trạng chỉnh sửa điểm thi của các thí sinh. Thiết nghĩ, để khắc phục tình trạng này, công nghệ Blockchain nên được triển khai để hỗ trợ công tác chấm thi cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Dựa trên nền tảng cũng như cơ chế hoạt động của công nghệ Blockchain thì tất cả các công đoạn của công tác chấm thi đều được công khai và chịu sự giám sát chặt chẽ của tất cả các bên liên quan. Vì thế, việc tự ý chỉnh sửa dữ liệu là gần như không thể xảy ra. Điều này sẽ góp phần mang lại sự công bằng cho tất cả các thí sinh cũng như sự tin tưởng về chất lượng tuyển sinh đầu vào cho các trường đại học. Hỗ trợ công tác quản lý dữ liệu sinh viên: Sẽ rất tiện lợi nếu toàn bộ dữ liệu sinh viên, bao gồm văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm, được quản lý dựa trên công nghệ Blockchain. Điều này mang đến sự công khai, minh bạch cho tất cả các bên liên quan gồm sinh viên,
  8. 164 giảng viên cũng như các các phòng ban chức năng của cơ sở đào tạo. Hơn nữa, nhờ cơ chế bảo vệ dữ liệu của công nghệ Blockchain nên việc tự ý chỉnh sửa điểm của sinh viên là gần như không thể xảy ra. Cuối cùng, cách thức quản lý này sẽ mang đến nhiều sự tiện lợi cho sinh viên cũng như các nhà tuyển dụng. Cụ thể, sinh viên không nhất thiết phải nộp bản công chứng của các văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm cá nhân cho các nhà tuyển dụng mà đơn giản họ chỉ cần cung cấp đường link, chữ ký số, và quyền truy cập đến cơ sở dữ liệu nơi lưu trữ và cho phép công khai các thông tin này tại các trường đại học. Điều này cũng sẽ góp phần hạn chế rất nhiều vấn nạn sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả được cho là khá phổ biến hiện nay. Hỗ trợ công tác khen thưởng, kỷ luật sinh viên: Công tác khen thưởng, kỷ luật sinh viên giữ một vai trò quan trọng trong hoạt động chung của trường đại học. Hoạt động này góp phần động viên, giáo dục sinh viên phát huy tinh thần tự giác thi đua trong học tập, rèn luyện, cũng như chấp hành nghiêm túc các nội quy, quy định trong nhà trường. Vì thế, sẽ là tốt hơn nếu công tác khen thưởng, kỷ luật đảm bảo được tính chính xác, công bằng, công khai, dân chủ, không thành kiến cảm tính, kịp thời, đúng lúc. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động khen thưởng, kỷ luật sinh viên ở phần lớn các trường hiện nay không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí trên. Lý do là hầu như toàn bộ quy trình xét khen thưởng, kỷ luật của các trường đều được thực hiện một cách hết sức thủ công. Để khắc phục hiện trạng này, công nghệ Blockchain nên được đưa vào áp dụng. Cụ thể, ngay từ những ngày đầu nhập học, giữa nhà trường và sinh viên cần triển khai một hợp đồng thông minh dựa trên nền tảng của công nghệ Blockchain (Smart Contract) áp dụng cho toàn bộ quá trình học tập. Hợp đồng này bao gồm tất cả các điều khoản, phần việc đã được lập trình, tự động hóa hoàn toàn. Bất cứ lúc nào nhà trường cũng như sinh viên đều có thể theo dõi được những công việc đã thực hiện cũng như tiến độ của hợp đồng, đảm bảo tất cả đều công khai, minh bạch. Cụ thể, để phục vụ cho việc triển khai công tác khen thưởng, kỷ luật, sinh viên sẽ được cấp một ví điện tử có chức năng hoạt động giống như một tài khoản ngân hàng. Mỗi khi sinh viên đạt được thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học, cũng như các hoạt động khác do nhà trường phát động thì một số điểm thưởng tương ứng sẽ được tự động chuyển vào ví điện tử. Ngược lại, nếu sinh viên vi phạm kỷ luật thì ngay lập tức một số điểm nhất định, tùy theo mức độ, cũng sẽ bị trừ khỏi quỹ điểm hiện có trong ví điện tử của sinh viên. Cuối năm học, căn cứ vào tổng số điểm có trong ví điện tử, sinh viên có thể biết được mình sẽ được cấp học bổng, miễn giảm học phí, hoặc nhận quyết định tạm đình chỉ học hay không. Tóm lại, nếu áp dụng công nghệ Blockchain hỗ trợ cho công tác khen thưởng, kỷ luật sinh viên dưới hình thức triển khai hợp đồng thông minh thì tính chính xác, công bằng, công khai, kịp thời, đúng lúc sẽ gần như được đảm bảo một cách tuyệt đối góp
  9. 165 phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý sinh viên nói riêng cũng như chất lượng hoạt động của trường đại học nói chung. Hỗ trợ công tác đánh giá năng lực của giảng viên: Đánh giá toàn diện và chính xác năng lực của giảng viên là một trong những yếu tố quan trọng khuyến khích sự phấn đấu vươn lên của giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học (Nguyễn Thị Tuyết, 2008). Tuy nhiên, trong thực tế việc đánh giá giảng viên hàng năm ở các trường đại học ở Việt Nam còn mang tính hình thức, thiếu khách quan và đôi khi không chính xác (Nguyễn Đức Chính và Nguyễn Phương Nga, 2006). Vì thế, để có thêm kênh thông tin tham khảo nhằm nâng cao tính chính xác khi đánh giá giảng viên, thiết nghĩ giữa nhà trường và giảng viên cũng nên ký kết một hợp đồng thông minh. Cụ thể, trước khi năm học mới bắt đầu, giữa giảng viên và nhà trường cần phải ký kết một hợp đồng thông minh bao gồm các điều khoản mô tả chi tiết tất cả các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học dự kiến mỗi giảng viên sẽ phải thực hiện trong năm học đó. Ngay khi năm học mới bắt đầu, toàn bộ các hoạt động của giảng viên sẽ được ghi nhận, số hóa và lưu trữ một cách công khai dựa trên công nghệ Blockchain. Bất kỳ thời điểm nào nhà trường cũng có thể theo dõi, giám sát được các công việc mà giảng viên đã và đang thực hiện. Cùng với đó, nhà trường và giảng viên cũng có thể điều chỉnh, bổ sung một số điều khoản của hợp đồng nếu thấy cần thiết. Mỗi khi hoàn thành tốt một công việc nào đó thì một số điểm thưởng tương ứng sẽ được tự động chuyển vào ví điện tử của giảng viên. Ngược lại, mỗi khi giảng viên vi phạm hợp đồng thì ngay lập tức tại ví điện tử cá nhân của họ sẽ bị trừ đi một lượng điểm nhất định. Cuối năm học, dựa vào tổng điểm thưởng có trong ví điện tử của mỗi giảng viên cũng như toàn bộ quá trình hoạt động của họ đã được ghi nhận, lưu trữ một cách rõ ràng, chi tiết tại cơ sở dữ liệu nhờ công nghệ Blockchain, nhà trường sẽ có thêm căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của giảng viên một cách khách quan, công bằng cũng như chính xác hơn. 4. KẾT LUẬN Trong bối cảnh rất nhiều quốc gia đang tập trung xây dựng và phát triển nền kinh tế số cũng như sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng công nghệ Blockchain vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội dường như là một xu hướng tất yếu khi công nghệ này hội tụ các đặc tính nổi trội như chống lại sự chỉnh sửa dữ liệu một cách bất hợp pháp, công khai hóa dữ liệu dựa trên sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan, cùng với đó là loại bỏ được các khâu trung gian không cần thiết thông qua việc triển khai hợp đồng thông minh. Việt Nam được đánh giá là có nguồn nhân lực về công nghệ thông tin khá dồi dào và chất lượng nên tiềm năng ứng dụng của công nghệ Blockchain tại nước ta là rất hứa hẹn. Hơn nữa, công nghệ này hiện
  10. 166 cũng đang rất được quan tâm ở Việt Nam. Bằng chứng là, thời gian gần đây, cụm từ công nghệ Blockchain được nhắc đến khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, rất nhiều hội thảo về công nghệ Blockchain cũng đã được tổ chức, quy tụ đông đảo các thành phần tham dự từ thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, đến giới kinh doanh, công nghệ, cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp. Với các yếu tố thuận lợi nêu trên, việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain sẽ hứa hẹn mở ra sự đột phá về chất lượng đào tạo và quản lý giáo dục đại học ở Việt Nam. Cụ thể, bước đầu các trường nên thí điểm ứng dụng công nghệ Blockchain hỗ trợ cho những mảng công việc như: Công tác chấm thi tuyển sinh đầu vào; công tác quản lý dữ liệu sinh viên; công tác khen thưởng, kỷ luật sinh viên; và công tác đánh giá năng lực của giảng viên. Tuy nhiên, để các đề xuất trên có thể được hiện thực hóa thì rất cần có một khung pháp lý rõ ràng, cụ thể cho sự phát triển của công nghệ Blockchain tại Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO Angela, R. and Liana, B. (2014), ‘The issue of competing currencies. Case study – Bitcoin’, Journal of Theoretical and Applied Economics, số 21, tập 1, tr. 103-114. Nguyễn Đức Chính và Nguyễn Phương Nga (2006), ‘Nghiên cứu xây dựng các tiêu chí đánh giá hoạt động giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học của giảng viên trong Đại học Quốc gia Hà Nội’, Báo cáo nghiệm thu đề tài trọng điểm cấp Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguyễn Thị Tuyết (2008), ‘Tiêu chí đánh giá giảng viên’, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 24, tr. 131-135. Stuart, H. and Stornetta, W. S. (1991), ‘How to time-stamp a digital document’, Journal of Cryptology, số 3, tập 2, tr. 99-111.