Tín ngưỡng thờ mẫu và chư vị ở Thừa Thiên Huế

pdf 12 trang Hùng Dũng 05/01/2024 1120
Bạn đang xem tài liệu "Tín ngưỡng thờ mẫu và chư vị ở Thừa Thiên Huế", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftin_nguong_tho_mau_va_chu_vi_o_thua_thien_hue.pdf

Nội dung text: Tín ngưỡng thờ mẫu và chư vị ở Thừa Thiên Huế

  1. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 3 VĂN HÓA - LỊCH SỬ TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU VÀ CHƯ VỊ Ở THỪA THIÊN HUẾ* Trần Đại Vinh Có một tín ngưỡng dân gian mà cả nam lẫn nữ đều có nghĩa vụ tham dự bình đẳng nếu không nói là số lượng phụ nữ còn đông đảo hơn nam giới. Đó là tín ngưỡng thờ Mẫu và chư vị hay còn gọi theo phương thức hành lễ là tín ngưỡng đồng bóng, vừa kế thừa truyền thống, vừa có phần đặc thù của Huế. 1. Nguồn gốc tín ngưỡng thờ Mẫu và chư vị Trước hết là ảnh hưởng của Đạo giáo phù thủy từ Trung Quốc truyền sang, du nhập vào Việt Nam, phát triển trong thời kỳ Bắc thuộc và thịnh đạt trong thời kỳ phong kiến độc lập. Từ thần điện của Đạo giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu và chư vị Việt Nam chỉ tiếp thu thần vị: Quan Thánh đế quân và Tam giới Thánh mẫu. Nhưng ảnh hưởng chính là từ phương thuật cầu cúng, hành lễ của đạo sĩ, pháp sư như lên đồng, dùng bùa chú yểm tà ma, trị bệnh bằng phương thuật phù thủy Yếu tố nguồn gốc thứ hai là quá trình tiếp thu tín ngưỡng thần Mẹ Xứ Sở Po Yan Inư Nagar của cư dân Chàm, diễn ra từ thuở đầu của dân Việt vào định cư ở châu Hóa, cho đến các đời vua Nguyễn việc chuyển hóa thần nữ Chăm thành thần nữ Việt càng cao. Thuở ban đầu, cư dân Việt chỉ kế tục việc thờ cúng nữ thần một cách đơn giản. Hằng năm, đầu xuân dâng cúng, mở hội đua trải để cầu mưa, tại đoạn sông Ô Lâu thuộc địa phận làng Trạch Phổ (xã Phong Bình) trước đền. Nhưng trong sinh hoạt cúng tế, cũng đã hình thành nghi thức chầu văn.(1) Dần dần các chúa Nguyễn đã phong tặng sắc thần, chính thức hóa việc phụng thờ nữ thần. Đến đời Gia Long, việc ban sắc cho các làng thờ cúng diễn ra phổ biến. Sự tích nữ thần bắt đầu được nho sĩ đương thời biết rõ qua bài văn “Cổ tháp linh tích” của một vị quan viết năm 1801. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), vua lại cho trùng tu ngôi đền tại làng Hải Cát (xã Hương Thọ), có chính điện thờ Tiên chúa, có miếu thờ Thủy thần. * Trích kết quả nghiên cứu đề tài KHCN cấp tỉnh: “Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Văn hóa” được ngân sách nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư. Thành phố Huế.
  2. 4 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 Các am bà trong dân gian cũng được tái thiết với cơ ngơi hoàn chỉnh sau chiến tranh Tây Sơn - Nguyễn. Chùa chiền cũng thiết án thờ Mẫu, kèm với việc thờ Quan Thánh. Các ông hoàng, bà chúa, quan lại, mệnh phụ lui tới lễ bái ngày càng đông đúc, cho tới triều Đồng Khánh, sự tin tưởng của vua vào Thánh Mẫu lại càng mãnh liệt. Trong dòng văn đề bức chân dung của mình, ông viết: “Ta vốn là người cõi Tiên, là con thứ của Long cung, ngày Thượng nguyên đã kính vâng mệnh, thân ngồi xe ngọc, đầu đội mũ vàng, đầu thai vào Bùi quý phi của Kiên Thái Vương để sinh ra đời”. (Dư nãi thanh dương chi nhân, Long cung thứ tử, Thượng nguyên thời phụng mệnh, thân thùy ngọc lộ, thủ chính kim quan, đầu vu Kiên Thái Vương Bùi quý phi sinh hạ).(2) Vừa lên ngôi, vua đã cho tôn tạo, đổi tên đền Ngọc Trản làm điện Huệ Nam. Đại Nam thực lục đã ghi: “Vua khi còn ẩn náu, thường chơi xem núi ấy, mỗi khi đến cầu khẩn phần nhiều có ứng nghiệm. Đến nay vua phê bảo rằng: Đền Ngọc Trản thật là núi Tiên nữ linh sơn sáng đẹp muôn đời, trông rõ là hình thế như con sư tử uống nước sông, quả là nơi chân cảnh thần tiên. Đền ấy thờ được linh khí đắc nhất, cứu người độ đời, giáng cho phúc lộc hằng muôn, giúp dân giữ nước. Vậy cho đổi đền ấy làm điện Huệ Nam, để biểu hiện ơn nước một phần trong muôn phần”.(3) Vua nói rõ như vậy, quan lại, quý tộc tha hồ xây am, lập điện riêng tại phủ đệ mình để thờ cúng Thánh Mẫu. Dân gian nghèo khổ, ốm đau, bệnh tật, chết chóc lại càng tin theo cầu cúng. Ngoài ra, còn có ảnh hưởng tín ngưỡng thờ cúng Đức Thánh Trần và Liễu Hạnh công chúa từ miền Bắc du nhập vào theo bước chân của quan viên về triều nhận chức. Tất cả những hạt giống đó, được gieo trên một mảnh đất màu mỡ là tình trạng khốn khổ của nhân dân cả nước nói chung, xứ Huế nói riêng vào thế kỷ XIX. Dịch bệnh lan tràn, giết hàng vạn người. Mồ vô chủ nhan nhản khắp nơi. Còn có tình trạng hữu sinh vô dưỡng, nhà nào cũng không thiếu trẻ con chết non, và thai nhi sa sẩy, dân gian tin rằng rất linh hiển, nam thì gọi là ông Trạng, ông Quận, nữ thì gọi là Cô, được Thánh Thần Tiên Phật cho làm thị tùng bộ hạ, theo hầu nơi thượng giới, thỉnh thoảng đêm rằm, mồng một mới trở về thăm viếng cha mẹ, nên phải làm những am, miếu nhỏ thờ trước sân nhà, cứ rằm, mồng một hương khói phụng thờ. Nửa sau thế kỷ XIX, tình hình đất nước đen tối, Nam Bộ bị rơi vào tay thực dân Pháp, Hà Nội và mấy tỉnh miền Bắc cũng hai lượt bị tấn công, chiếm đóng. Một loạt tỉnh trung du tiếp giáp vùng biên giới Trung Hoa lại bị dư đảng Thái Bình Thiên Quốc từ Trung Hoa tràn sang nhiễu loạn. Ngay tại kinh kỳ, cửa ngõ Thuận An bị Pháp đánh, rồi kinh đô lại bị giặc phản công chiếm lấy. Ngai vàng Nam triều
  3. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 5 từ đời Đồng Khánh trở đi chỉ là hư vị. Quyền lực hoàn toàn nằm trong tay Khâm sứ và Toàn quyền. Thời thế bế tắc ấy đã làm cho từ vua đến quan lại, dân gian chỉ còn niềm tin vào Thánh Thần Tiên Phật, may ra cứu đỡ gì chăng. Tháng 3 năm Bính Tuất (1886), vua Đồng Khánh đã phán: “Nhà nước đương lúc vận hội khó khăn tất phải âm dương giúp đỡ mới có thể được việc nhanh chóng, nhưng điện ấy (tức điện Huệ Nam), từ trước chiếu lệ, thăng trật, cũng giống như bách thần, cho nên giữ nước giúp dân chưa được hiển ứng. Về ba vị thờ ở trên và sáu vị ở dưới về bên hữu, trẫm muốn tôn phong huy hiệu để mong sự linh diệu sau này.”(4) Kết quả, nhà vua đã gia phong thần hiệu cho chư thần thờ tại điện Huệ Nam như sau: - Ba vị ở trên: 1) Hoằng Huệ Phổ Tế Linh Bảo Diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy Ngọc Trản Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Dực Bảo Trung Hưng thượng đẳng thần. 2) Trứ Linh Chương Ứng Mục Uyên Hoằng Bác Uông Nhuận Thủy Long Thánh Phi Dực Bảo Trung Hưng trung đẳng thần. 3) Diệu Phu Quảng Độ Linh Chương Ý Nhã Anh Bình Sơn Trung Tiên Phi Dực Bảo Trung Hưng trung đẳng thần. - Sáu vị ở dưới: 1) Tiên Cung Thông Minh Thượng Tướng Quân Dực Bảo Trung Hưng tôn thần. 2) Tiên Cung Linh Minh Đại Tướng Quân Dực Bảo Trung Hưng tôn thần. 3) Thủy Tinh Lực Dũng Tướng Quân Dực Bảo Trung Hưng tôn thần. 4) Thủy Tinh Uy Dũng Tướng Quân Dực Bảo Trung Hưng tôn thần. 5) Sơn Tinh Quả Dũng Tướng Quân Dực Bảo Trung Hưng tôn thần. 6) Sơn Tinh Vũ Dũng Tướng Quân Dực Bảo Trung Hưng tôn thần. Ngay trước bàn thờ sáu vị tôn thần này, vua Đồng Khánh đã cho làm biển, đích thân vua ngự bút đề: “Âm Dương huynh đệ thất thánh nghĩa hội”, ý xem mình là huynh đệ, xếp hàng thứ 7. Năm 1888, mẹ ruột vua là Kiên Thái vương phi Bùi thị, em vua là Kiên huyện công Ưng Đậu và em gái là Như Cư đã cùng đồng môn chú tạo một đại hồng chung dâng cúng lên Thánh Mẫu. Lời minh chuông ghi như sau: “Thượng Thánh Mẫu Cung Ngọc Trản Sơn Huệ Nam Điện tam tòa tứ phủ chứng minh. “Sơ nguyện: Đế vị diên niên vĩnh truyền bách thế, nội an, ngoại trị, quốc sự tảo thành. “Tái nguyện: Âm phò Thiên Thành cuộc vĩnh bảo chung linh”.
  4. 6 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 Cơ ngơi điện Huệ Nam tại núi Ngọc Trản (dân gian quen gọi là điện Hòn Chén) vào đời vua Đồng Khánh đã bao gồm quy mô hoàn chỉnh: Giữa là tòa thánh điện nóc cổ lầu, thờ hai tầng: Tầng trên thờ các thần hiệu nêu trên, với đủ nghi trượng cờ quạt, tàng lọng. Tầng dưới, ở giữa thiết án hội đồng, đằng sau là cửu trùng đài cao chín bậc, hai bên là kiệu, ngai, võng song loan. Hai gian tả hữu tùng tự thiết tượng thờ các vị triều quận, triều cô. Bên tả chánh điện là miếu thờ Ngũ hành Tiên nương. Bên hữu là nhà trai để chuẩn bị cỗ cúng. Trước sân có hai ngôi đình bát giác và một am ở chính giữa, đều thiết trí án thờ. Ở sườn núi phía nam, tức phía hữu của điện còn xây cất hai ngôi miếu lớn. Một thờ Quan Thánh đế quân và bộ hạ, một thờ bài vị nhân thần họ Lê vớt được ven bờ. Dưới chân núi, sát bờ nước là miếu thờ Thủy Long tôn thần. Đây là ngôi điện chính của tín ngưỡng thờ Mẫu và chư vị không những của Huế mà còn là của khu vực miền Trung. Từ khi triều Nguyễn chấm dứt, việc thờ cúng ở đây do bà Từ Cung, vợ vua Khải Định chủ trì, với chức vụ Hội chủ danh dự Hội Quý tế điện Huệ Nam. Thời gian này, Hội Quý tế đã tôn trí thêm thần vị của ba Thánh Mẫu Vân Hương đệ nhất, đệ nhị và đệ tam, tức là Liễu Hạnh công chúa, Quế Hoa công chúa và Thụy Hoa công chúa vào thần điện. Thế là Thánh Mẫu miền Trung đã hòa hợp với Thánh Mẫu miền Bắc. Việc du nhập tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần và tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Vân Hương không diễn ra sớm, tuy những tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu này đã phát triển ở miền Bắc từ thời Hậu Lê. Riêng điện thờ Thánh Mẫu Vân Hương lớn nhất ở Huế là Phổ Hóa Cung do một vị quan triều Khải Định và Bảo Đại, quê ở Hà Tĩnh, từng phụng thờ Thánh Mẫu ở quê nhà, vào Huế nhậm chức đã phát tâm thiết lập nơi phụng thờ Thánh Mẫu từ năm 1925 ở gần bên trái chùa Báo Quốc. Năm 1939, dời về địa điểm hiện nay tại Phường Đúc (số nhà 185 đường Bùi Thị Xuân, Huế). Tiền đường thiết ba án thờ ba bà chúa, trước là án thờ Phật Di Lặc. Án tả tòng tự, thờ Ngũ hổ mãnh tướng, hai án hữu tòng tự thờ Táo Quân và Vân, Lôi nhị vị. Hậu điện chia làm thượng đường và hạ đường. Thượng đường tôn trí chân dung ba bà chúa, hạ đường thờ bửu kiếm. Xung quanh Huế còn có nhiều điện thờ Thánh Mẫu Vân Hương, đáng kể là Phổ Tế Cung ở Lịch Đợi, Vân Phụng Điện ở ấp Ngũ Tây, Diệu Vân Điện ở Truồi 2. Việc hành lễ của “con nhang đệ tử” Trước khi thành lập Tổng hội Thiên Tiên Thánh giáo vào năm 1965 ở Huế và gần đây, mỗi am miếu thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu và chư vị này tự túc sinh hoạt
  5. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 7 trong một đơn vị “phổ” với nhau, bao gồm “con nhang đệ tử” của từng phổ một, tập hợp chung quanh một vị chủ (thủ) am. Người chủ am, có thể là nam hay nữ, giữ trách nhiệm phụng thờ am, miếu hay điện mẫu của mình. Hằng tháng, cứ ngày 14, rằm, ba mươi, mồng một, tín đồ đệ tử tùy tâm lui tới lễ bái. Mỗi phổ có từ vài mươi đến cả trăm con nhang đệ tử, hầu hết là những người có “chân lính”, tức là những người bị ốm đau không rõ căn bệnh, cầu cúng ở am miếu mới lành, được xem như là hợp căn, hợp mạng. Mẫu và chư vị bắt làm “lính”, hầu đồng ở am, miếu. Có thể hằng tháng trong năm, họ không nhất thiết phải tới am chính, nếu không đau ốm, rủi ro gì. Nhưng vào dịp hai lễ “Khai bàn”, khoảng trung tuần tháng Hai âm lịch, và lễ “Tạ bàn” cuối năm khoảng vào hạ tuần tháng Chạp, tất cả con nhang đệ tử đều phải đến am hành lễ, dâng cúng, lên đồng đủ chín giá chủ yếu. Đó là các giá đồng “Ngũ vị Thánh Bà” và “Lục vị Tôn Ông”. Trừ hai giá Tôn Ông đệ nhất và đệ lục khỏi phải hầu lên, vì tương truyền hai vị này đã đi tu, gọi là giá bỗng, đệ tử còn hầu chín giá chính. Ngoài ra, còn phải hầu một vài giá khác, phù hợp với căn mạng của mình trong 12 giá phụ sau đây: - Giá cậu đệ nhị ngoại càn. - Giá cậu đệ tam ngoại càn. - Giá cậu đệ nhị khuôn viên. - Giá cậu đệ tam khuôn viên. - Giá cô Năm ngoại càn, cô Ba ngoại cảnh, cô Ba thủy phủ, cô Ba chín suối, cô Cả Đèo Ngang. - Giá cô Chín thượng ngàn, ông Chín thượng ngàn, ông Bảy thượng ngàn. Các cô và các cậu này là hồn thiêng của các đồng nam, đồng nữ (chưa lập gia đình, còn đồng trinh), chết oan khuất đã hiển linh, được theo hầu Tứ phủ công đồng, đã được thờ phụng phổ biến và mặc nhiên thừa nhận trong tín ngưỡng thờ cúng của các am, miếu, điện Mẫu ở Huế. Lên đồng là sự hóa thân vào một vai thần, thánh, hay ma quỷ linh thiêng trong hành lễ, tức là thần, thánh, ma quỷ đã ốp đồng vào người ngồi đồng, làm cho người đó phục trang như quỷ thần, mọi cử chỉ, hành vi, vũ đạo, ngôn ngữ y như quỷ thần, được người trần lễ bái, dâng rượu, dâng trầu Ngược lại vai đồng sẽ hoan hỷ ban phát lộc cho người trần, phán bảo chỉ dạy cho đệ tử. Trong nghi lễ lên đồng, trước hết phải có lễ cúng với đầy đủ vật phẩm, văn sớ tuyên đọc, có cung văn hát hầu văn và đệm đàn, sênh, phách Lời hát hầu văn, tiếng nhạc phụ thuộc theo vũ đạo và cử chỉ, động thái của vai đồng đang lên. Vai
  6. 8 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 đồng múa quạt thì cung văn hát bài múa quạt, vai đồng múa kiếm thì cung văn chuyển qua bài múa kiếm, vai đồng phi ngựa thì cung văn hát bài tẩu mã, vai đồng nhận rượu cúng thì cung văn hát bài dâng rượu Các “con nhang đệ tử” quan niệm rằng nếu mỗi năm vào ngày “Khai bàn” hay “Tạ bàn” mà không đến am, điện hành lễ và lên giá đồng thì sẽ đau ốm, rủi ro. Ngoài hai dịp đó, quanh năm họ cũng làm ăn mưu sinh như mọi người. Có khác chăng là họ phải kiêng cữ một số thịt cá đặc biệt, như thịt chó, thịt trâu, cá gáy, cá lóc Một số người có điều kiện có thể thiết lập một am cô, hay am cậu ngoài sân nhà mình để phụng thờ hương khói mỗi khi sóc vọng. Thỉnh thoảng, nếu trong gia đình có rủi ro gì, họ có thể tới am, điện chính của phổ để cầu cúng, và có thể lên các giá đồng bà cô, ông quận thân ruột của mình, hoặc các giá đồng hợp căn, hợp mạng để xin phán bảo. Mỗi năm, có hai lễ vía quan trọng tổ chức tại điện Hòn Chén: lễ vía húy nhật đức Vân Hương Thánh Mẫu (dân gian gọi là vía Mẹ) vào ngày 3 tháng Ba, và ngày lễ thu tế điện Huệ Nam vào hai ngày tốt trong thượng tuần tháng Bảy âm lịch, con nhang đệ tử còn có bổn phận đến nơi chiêm bái. Thỏa mãn những nghĩa vụ tế lễ đó, họ tự cho là thanh thản trong lòng, để lo làm ăn mưu sinh. Người chủ am cũng thế, ngoài những ngày sóc vọng, ngày vía lớn, tổ chức dâng lễ, lên đồng, và hai ngày Khai bàn, Tạ bàn bận rộn cầu cúng, thường nhật họ vẫn lo làm ăn mưu sinh, và để có điều kiện vật chất lo phụng thờ, hương khói cúng kiến. 3. Những nét đặc sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu và chư vị ở Huế Tín ngưỡng thờ Mẫu và chư vị này đến năm 1965 được quy tụ thống nhất trong một Tổng hội Thiên Tiên Thánh giáo Trung Nguyên Trung Phần, đặt trụ sở tại 252 đường Chi Lăng, Huế. Trụ sở này được xem như một nơi thờ vọng Thánh Mẫu và chư vị, và nơi làm việc của Ban trị sự Tổng hội. Cách đặt tên Thiên Tiên Thánh giáo được giải thích là: Thiên là huyện Thiên Bản, Tiên là làng Tiên Hương, tức là thôn Vân Cát, làng An Thái huyện Thiên Bản (nay là Vụ Bản) tỉnh Nam Định, là nơi giáng trần lần thứ hai của Liễu Hạnh công chúa. Hai chữ Thánh giáo thể hiện một nguyện vọng của Tổng hội xin thừa nhận tín ngưỡng này như một tôn giáo thiêng liêng. Trong giới nghiên cứu, tín ngưỡng này còn gọi là tín ngưỡng Tứ phủ, vì tín ngưỡng này quan niệm có thánh thần ở bốn cõi: Thượng thiên, Trung thiên, Thượng ngàn, Thủy phủ, tức gồm hai cõi trời, cõi núi rừng và cõi sông biển. Tiên, thánh, thần bốn cõi đó đều liên kết nhau chi phối cõi người. Mỗi cõi đều có quyền lực như một triều đình: có đế vương, có thánh mẫu, có chư tiên, có các hoàng tử, công chúa, có khâm sai, giám sát, các vị quận chầu, cô chầu (triều quận, triều cô), có quan văn võ, như ngũ lôi, linh quan, ngũ hổ đại tướng, và âm binh bộ hạ.
  7. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 9 Danh hiệu Tứ phủ công đồng này chưa được minh giải đầy đủ. Nó không rõ ràng như danh hiệu Tam phủ công đồng ở tín ngưỡng thờ Mẫu của dân gian miền Bắc: Thiên phủ, Địa phủ và Thủy phủ, tức cõi trời, cõi đất và cõi sông biển. Ở Huế, tín ngưỡng thờ Mẫu đã phân lập khái niệm Thiên phủ ra hai cõi: Thượng thiên và Trung thiên. Khái niệm Địa phủ lại được chuyển hóa thành khái niệm Thượng ngàn. Trung thiên được hiểu là cõi trời trung gian giữa cõi trời Thượng thiên và thế gian. Xét theo văn sớ cầu cúng của tín ngưỡng Tứ phủ công đồng ở Huế thì mỗi cõi đều có một Thánh Mẫu cai quản: - Thượng thiên có Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thánh Mẫu. - Thượng ngàn có Quản Cai Sơn Nhạc Cửu Châu Lê Mại Đại Vương. - Trung thiên có Tây Cung Vương Mẫu bổn mạng chúa tiên. - Thủy phủ có Thủy Phủ Long Cung Thánh Mẫu. Mỗi cõi lại tổ chức như một triều đình phong kiến. Vẫn theo văn sớ cầu cúng, hệ thống thần điện mỗi cõi được phân lập như sau: 1) Thượng thiên: - Thiên Y Thánh Mẫu. - Liễu Hạnh Thánh Mẫu. - Bạch Hoa công chúa. - Nhị vị Trạng nguyên tôn ông. - Ngũ vị hoàng tử. - Ngũ vị Khâm sai, hành sai tiên cô 2) Trung thiên: - Tây Cung Vương Mẫu bổn mạng chúa tiên. - Ngũ vị thánh bà. - Hỏa phong thánh bà. - Chư vị đức bà. - Thiên tào bổn mạng 3) Thượng ngàn: - Thượng ngàn Thánh Mẫu Lê Mại Đại Vương. - Thượng ngàn chư vị công tử. - Thập nhị thiên tướng. - Ngũ hổ mãnh tướng. - Ông Chín thượng ngàn.
  8. 10 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 - Cô Chín thượng ngàn. - Ông Bảy thượng ngàn. - Ngoại cảnh càn khôn, Ngũ hành, Lục động, Bạch thố, Kim tinh, Mộc tinh thánh nữ 4) Thủy phủ: - Thủy phủ chúa Động Đình Bắc Hải Đế Quân. - Thủy phủ Long Cung Thánh Mẫu. - Đệ nhất cung Xích Lân tiên nữ. - Đệ nhị cung Thủy Tinh thánh nữ. - Đệ tam cung Xích Lân tiên nữ, Bạch Ngọc hồ trung Thủy Tinh công chúa (cô Ba Thủy phủ). - Đệ tứ đức triều Khâm sai thánh nữ. - Thủy giới Long Cung chư vị thánh bà. - Thập vị thủy tể tôn ông (cũng gọi 10 ông hoàng). - Thủy phủ ngũ vị Xích Lân hoàng tử. - Tam vị Phụ quốc Trạng nguyên tôn ông. - Ngũ phương duyên lộ Hà Bá thủy quan. - Tào liêu, phán thuộc, sĩ tốt, lại binh Và cõi nào cũng có Thập nhị triều quận, Thập nhị triều cô (con số 12 này chỉ là một con số nhiều, chứ không có nghĩa cụ thể là 12), cùng các quan văn võ thần liêu, bao gồm khâm sai, giám sát, và bộ hạ theo hầu. Trong số bốn cõi này, có hai cõi chi phối trực tiếp vận mạng con người: cõi Trung thiên nắm giữ bổn mạng, quy định thọ, yểu, cõi thủy phủ lại chi phối “căn” của con người, đặc biệt là nữ giới (mệnh tại thiên tào, căn vu thủy giới). Do đó, Thánh Mẫu của hai cõi này, thường được dân gian thờ cúng trực tiếp tại nhà mình: Tây Cung Vương Mẫu, thờ thường xuyên tại trang bà, Thủy phủ Long Cung Thánh Mẫu (cùng các thủy thần khác) được dâng cúng trong lễ thành định kỳ 3 năm, 5 năm của phụ nữ. Theo truyền thuyết Chăm và Việt, Thiên Y A Na Thánh Mẫu và Liễu Hạnh Thánh Mẫu vốn từ Thượng thiên đã thác sinh vào cõi trần gian. Thiên Y A Na Thánh Mẫu thác sinh làm cô gái da ngâm đen ở vùng Đại An, Khánh Hòa sau này, vào thời thượng cổ Chăm, làm con nuôi ông bà lão trồng dưa, hóa thân sang biển Bắc làm vợ một hoàng tử Trung Hoa, rồi hóa thân trở lại quê nhà, hiển thánh giúp dân xong trở về thượng giới. Liễu Hạnh Thánh Mẫu, theo thần tích thì xuống trần bốn lượt vào thời trung đại ở Việt Nam.
  9. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 11 - Lần thứ nhất đầu thai vào nhà họ Phạm, sinh năm 1434, ở làng Trần Xá, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam, không lấy chồng, mất khi 40 tuổi. - Lần thứ hai, năm 1557, đầu thai vào nhà họ Lê ở làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam, được đặt tên là Giáng Tiên, 18 tuổi gả làm vợ Trần Đào lang, sinh được 1 trai 1 gái. Năm 21 tuổi không bệnh mà mất vào ngày mồng 3 tháng Ba âm lịch (1577). - Lần thứ ba, cách ba năm sau ứng hiện xuống trần thăm lại chồng con, và đi vân du khắp nơi. 30 năm sau (1609) trở về làng Sóc Sơn ở Nghệ An, gặp lại hậu thân của Trần Đào lang là Mai Sinh, nối lại duyên xưa, sinh được 1 trai rồi trở về trời năm 1610. - Lần thứ tư, sau thời gian công cán ở cung trời tương ứng 5 năm trần thế, năm 1615 lại xuống trần, đem theo hai công nương là Quế Hoa và Thụy Hoa, ứng hiện xuống vùng Phố Cát, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa, hiển linh tác oai tác phúc. Triều đình Lê Trịnh đem quân Vũ lâm tiễu trừ, nhưng gặp tai họa. Triều đình phải tái lập đền thờ, ban sắc phong gia tặng là “Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương”. Nếu việc thờ tam phủ được P. Giran cho là “một sản phẩm đặc sắc Việt Nam” (trong Magie et religion Annamite(5)) thì việc thờ Tứ phủ ở Huế lại là một sản phẩm tinh thần đặc sắc của tín ngưỡng dân gian Huế. T Đ V CHÚ THÍCH (1) Dương Văn An. Ô Châu cận lục, Bùi Lương dịch. Nxb Văn hóa Á Châu, Sài Gòn, 1961, tr.43: “Việc cúng bái thì dùng xôi gà, mở cuộc chầu văn”. (2) Ảnh này thờ tại điện Ngưng Hy, lăng Đồng Khánh. (3) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục, bản dịch Viện sử học, tập 9. Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 234. (4) Đại Nam thực lục, tập 9, sđd, tr. 249. (5) Dẫn lại theo Trần Văn Giàu, Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử. Nxb KHXH, Hà Nội, 1973, tr. 466. TÓM TẮT Bài viết khảo cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu và chư vị ở Thừa Thiên Huế qua các nội dung chính: Nguồn gốc; Việc hành lễ và Những nét đặc sắc trong tín ngưỡng thờ Mẫu và chư vị ở TTH. So với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, tín ngưỡng thờ Mẫu ở TTH có những nét đặc thù sau: - Tiếp nối truyền thống thờ Mẫu của người Việt từ phía Bắc truyền vào (qua việc thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh). - Tiếp thu và dung hợp tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân bản địa (qua việc thờ nữ thần Thiên Y A Na của người Chăm).
  10. 12 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 - Được triều đình nhà Nguyễn công nhận qua việc phong tặng danh hiệu cho chư vị thần linh và xây dựng các cơ sở thờ tự của đạo Mẫu (kèm theo đó là sự ủng hộ tích cực của tầng lớp quý tộc, quan lại ). Những yếu tố ấy đã tạo nên những nét văn hóa đặc sắc trong tín ngưỡng thờ Mẫu và chư vị, thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều giai tầng xã hội, không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà còn cả khu vực miền Trung, mà rõ nhất là sự ra đời của Tổng hội Thiên Tiên Thánh giáo Trung Nguyên Trung Phần tại Huế vào năm 1965. ABSTRACT THE WORSHIP OF MOTHER GODDESSES AND GENIES IN THỪA THIÊN HUẾ The article discusses the worship of Mother Goddesses and genies in Thừa Thiên Huế through the following main contents: Origin of the worship, rituals and practices, and special features of the worship of Mother Goddesses and genies in Thừa Thiên Huế. In comparison to the worship of Mother Goddesses in the North and Northern Central Vietnam, the one in Thừa Thiên Huế has the following characteristics: - Following closely the tradition of worshipping Mother Goddesses from the North (through the worship of Holy Mother Liễu Hạnh). - Acquiring and amalgamating the worship of Mother Goddess of indigenous inhabitants (through the worship of goddess Poh Yang Inư Nagar of the Cham people). - Acknowledged by the Nguyễn Dynasty through giving titles to gods and building worshipping establishments of the worship of Mother Goddesses (along with the active support of aristocracy and mandarins). Those factors have created unique cultural traits of the worship of Mother Goddesses and genies, attracting the participation of various social classes, not only in Thừa Thiên Huế but also in Central Vietnam; the most obvious was the establishment of Tổng hội Thiên Tiên Thánh giáo Trung Nguyên Trung Phần (General Association of Holy Cult in Central Highlands and Central Vietnam) in Huế in 1965.
  11. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 13 Phóng sự ảnh: LỄ VÍA THÁNH MẪU TẠI ĐIỆN HÒN CHÉN Mỗi năm có hai lễ vía quan trọng của đạo Mẫu được tổ chức tại điện Huệ Nam (tức điện Hòn Chén): Lễ vía húy nhật Đức Vân Hương Thánh Mẫu vào ngày mùng ba tháng Ba và lễ thu tế của điện Huệ Nam vào hai ngày tốt trong thượng tuần tháng Bảy âm lịch, dân gian quen gọi là “Tháng Bảy vía Cha, tháng Ba vía Mẹ”. Các lễ hội này thu hút hàng nghìn tín đồ và du khách thập phương đến chiêm Ảnh 1: Núi Ngọc Trản, nơi tọa lạc điện Hòn bái và thực hiện các nghi lễ hầu đồng, tạo Chén, ở bờ bắc Sông Hương, thuộc làng Ngọc nên những nét đặc sắc của tín ngưỡng thờ Hồ, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Mẫu và chư vị ở Huế. Nhân dịp lễ “vía Mẹ” Thừa Thiên Huế. năm Đinh Dậu (2017) vừa được tổ chức, phóng viên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển đã thực hiện phóng sự ảnh về lễ hội này tại điện Hòn Chén. (Phóng sự của Đăng Vinh). Ảnh 3: Ngày trước, người ta kết 2-3 chiếc đò lại với nhau, gọi là “bằng”, vừa làm phương tiện di chuyển, vừa để hầu đồng. Nay đã có các thuyền rồng du lịch cỡ lớn thay thế. Trong ảnh là “bằng Ảnh 2: Các thuyền rồng tập trung dưới chân núi án” của Ban tổ chức. Ngọc Trản tham gia lễ vía Thánh Mẫu. Ảnh 4: Minh Kính Đài - điện thờ chính tại điện Ảnh 5: Tín hữu chiêm bái tại các ban thờ Triều Hòn Chén. quận Triều cô.
  12. 14 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 Ảnh 6: Khách thập phương chiêm bái trước Ảnh 7: Tín hữu dâng lễ bái tại am thờ Cô ngoại cảnh. chánh điện điện Hòn Chén. Ảnh 8: Giá chầu Tam Động Hỏa Phong Thần Nữ. Ảnh 9: Giá chầu ngài Đệ nhị Trung Thiên Tôn Ông. Ảnh 10: Giá chầu ngài Đệ tam Giám Sát Thượng Ảnh 11: Các công văn trong buổi hầu đồng trên Thiên Tôn Ông. thuyền rồng.