Triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - LB Nga (khi FTA giữa Việt Nam và liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực)

pdf 15 trang Gia Huy 18/05/2022 2570
Bạn đang xem tài liệu "Triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - LB Nga (khi FTA giữa Việt Nam và liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftrien_vong_hop_tac_kinh_te_viet_nam_lb_nga_khi_fta_giua_viet.pdf

Nội dung text: Triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - LB Nga (khi FTA giữa Việt Nam và liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực)

  1. TRIỂN VỌNG HỢP TÁC KINH TẾ VIỆT NAM - LB NGA (Khi FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực) PROSPECTS FOR ECONOMIC COOPERATION BETWEEN VIETNAM AND RUSSIAN FEDERATION (When the FTA between Vietnam and the Eurasian Economic Union took effect) TS.Võ Thị Thu Hà ThS.Vũ Thị Hồng Chuyên Trường Đại học Hải Phòng Tóm tắt Ngày 29/05/2015, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu được kí kết. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu, mở ra một trang mới cho sự phát triển sâu rộng của quan hệ kinh tế không chỉ giữa Việt Nam với liên minh tế khu vực giàu tiềm năng mà còn với mỗi thành viên trong liên minh, trong đó có quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - LB Nga. Hiện nay, quan hệ kinh tế Việt Nam - LB Nga phát triển chưa tương xứng với truyền thống, tiềm năng và tầm vóc của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà hai nước đã thiết lập. Hiệp định FTA được kí kết giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực kể từ ngày 05/10/2016 sẽ tạo cơ hội cho sự bứt phá trong hợp tác kinh tế giữa hai nước, đồng thời góp phần củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - LB Nga. Để đánh giá triển vọng hợp tác kinh tế hai nước trong thời gian tới, bài viết tập trung phân tích khái quát thực trạng hợp tác kinh tế Việt Nam - LB Nga và xu thế quốc tế, bối cảnh mỗi nước, đánh giá triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - LB Nga sau khi Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực, đưa ra một số đề xuất cho các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - LB Nga. Từ khóa: Hiệp định thương mại tự do, Liên minh kinh tế Á - Âu, hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu, hợp tác kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga. Summary On May 29th, 2015, the Free Trade Agreement (FTA) between Vietnam and the Eurasian Economic Union was signed. This is an important event in the relationship between Vietnam and the Eurasian Economic Union, opening up a new stage for the extensive development of economic relations not only between Vietnam and the potential regional economic union but also with each member of the union including the economic cooperation between Vietnam and the Russian Federation. At present, the economic relation between Vietnam and Russian Federation have not been developed in line with the tradition, potential, and stature of the comprehensive strategic partnership established by the two countries. The FTA signed between Vietnam and the Eurasian Economic Union and took effective from October 05th, 2016 will create an opportunity for a breakthrough 574
  2. in the economic cooperation between the two countries and contribute to further consolidating and strengthening the Vietnam - Russia comprehensive strategic partnership. To assess the prospects for the economic cooperation between two countries in the coming time, the article focuses on the analysis of the real situation of Vietnam - Russia economic cooperation and international trends, the context of each country, the assessment of prospects for economic cooperation between Vietnam and the Russian Federation after of the entry to force the FTA between Vietnam and the Eurasian Economic Union, also gives some recommendations for the policymakers and businesses to promote the economic cooperation between Vietnam and Russia. Keywords: The Free Trade Agreement, the Eurasian Economic Union, Free Trade Agreement Vietnam - Eurasian Economic Union, economic cooperation between Vietnam and Russian federation. NỘI DUNG 1. Thực trạng hợp tác kinh tế Việt - Nga trước khi fta giữa Việt Nam và liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - LB Nga diễn ra ở nhiều lĩnh vực, trong đó hợp tác kinh tế luôn là trọng tâm hàng đầu được chính phủ hai nước đặc biệt chú trọng phát triển, nhất là kể từ khi hai nước xác lập quan hệ đối tác chiến lược (tháng 3/2001). Trong những năm từ 2001-2015, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - LB Nga đã khởi sắc và đạt kết quả tốt trong nhiều lĩnh vực hợp tác như: thương mại, đầu tư, dầu khí, năng lượng Về thương mại, kim ngạch song phương từ mức 500 triệu USD năm 2001 đã đạt vào khoảng 2,5 tỉ USD trong năm 2011. Năm 2013 - 2014, con số này là hơn 3 tỉ USD. Năm 2015, trao đổi thương mại Việt Nam - LB Nga132 đạt 3,9 tỉ USD. Trong đó đáng chú ý, Việt Nam bắt đầu xuất siêu trong thương mại với Nga. Nổi bật, năm 2015 xuất khẩu của Việt Nam vào Nga đạt 2,1 tỉ USD, còn nhập khẩu từ Nga là 1,8 tỉ USD133. Trong 8 tháng (tính từ đầu năm 2016), Nga là đối tác thương mại lớn thứ 25 của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 26 của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và chiều ngược lại Nga là nguồn hàng lớn thứ 17 của các nhà nhập khẩu Việt Nam134. 132 Không tính hợp tác khoa học kĩ thuật quân sự. 133 Lokshin (2016), Bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác Việt - Nga, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 14 tháng 7 năm 2016. 134 Wesite của Hải quan Việt Nam (2016), Một vài nét về xuất nhập khẩu Việt Nam - Nga: cập nhất trong 8 tháng tính từ đầu năm 2016, ( %C3%AA%20H%E1%BA%A3i%20quan) 575
  3. Biểu đồ: Diễn biến kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại Việt Nam- LB Nga giai đoạn năm 2010-2015 và 8 tháng từ đầu năm 2016 Nguồn: Tổng cục hải quan Việt Nam Về đầu tư, theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, tích lũy kế đến tháng 8/2016, Liên bang Nga có 111 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng kí đạt khoảng 1,05 tỉ USD, xếp thứ 23/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam135. Các dự án đầu tư lớn của Nga tại Việt Nam đang được triển khai bởi các doanh nghiệp lớn như: Power Machines, Rosatom, Rosneft, Zarubezhneft, Tập đoàn Inter RAO. Liên tục trong các năm, đầu tư của Việt Nam vào Nga cũng tăng nhanh, từ chỗ chỉ có 100 triệu USD năm 2008 đã lên tới gần 2,93 tỉ USD (tính đến tháng 5/2016) với trên 20 dự án tập trung trong các lĩnh vực dầu khí thương mại136. Các dự án đầu tư lớn của Việt Nam sang Nga gồm Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Gazpromviet, dự án Trung tâm thương mại Hà Nội tại Moskva Trong lĩnh vực hợp tác dầu khí, thăm dò và khai thác là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa Nga và Việt Nam đã và đang đạt hiệu quả cao, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách hai nước. Trong đó, Vietsovpetro trong hơn 30 năm hoạt động đã khai thác gần 200 triệu tấn dầu mỏ, chiếm gần 60% tổng sản phẩm dầu mỏ và gần 100% tổng sản lượng khí đốt do Việt Nam khai thác, trở thành lá cờ đầu của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam và lọt vào Top 10 công ty khai thác hiệu quả kinh tế cao nhất của thế giới. Điểm đặc biệt, hoạt động thăm dò và khai thác không còn gói gọn trong hoạt động của Vietsovpetro trên thềm lục địa Việt Nam mà đã mở rộng sang lãnh thổ rộng lớn Liên bang Nga và sang nước thứ ba (trước tiên là Cu Ba). Không dừng lại ở thăm dò và khai thác, hiện nay, hai bên đang mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới là lọc hóa dầu, sản xuất nhiên liệu cho động cơ chạy khí và Nga cung cấp dầu thô dài hạn cho Việt Nam. 135 Cục Đầu tư nước ngoài (2016), Tình hình đầu tư của Liên bang Nga vào Việt Nam, ( 136 Mạnh Nguyễn (2016), Nhìn lại quan hệ kinh tế Việt - Nga qua các con số, ( viet-nam.nd312/nhin-lai-quan-he-kinh-te-viet nga-qua-cac-con-so.i69928.html) 576
  4. Hợp tác năng lượng cũng đã có bước đột phá lớn, với việc hai nước kí Hiệp định liên Chính phủ về xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam (10/2010). Dự kiến từ phía Nga, đến năm 2027, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ hoàn thành. Để thực hiện dự án, Nga đã và đang giúp Việt Nam về vốn và đào tạo nguồn nhân lực. Trung tâm năng lượng hợp tác chiến lược Nga - Việt cũng đã được thành lập với mục đích “tạo lập khuyến nghị về cách hoàn thiện ngành năng lượng Việt Nam để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước”137. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được với con số đáng ghi nhận như trên, hợp tác kinh tế Việt Nam - LB Nga vẫn chưa tương xứng với truyền thống, tiềm năng và tầm vóc của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của hai nước. Xét về kim ngạch, hoạt động xuất - nhập khẩu giữa hai nước vẫn còn khá nhỏ bé, chỉ chiếm gần 1% trong tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với tất cả các thị trường trên thế giới. Theo dự kiến, hai nước phấn đấu giá trị trao đổi hàng hóa hai chiều đạt 7 tỉ USD (2015) song thực tế mới đạt 3,9 tỷ USD. Thực trạng này cho thấy, để đạt con số 10 tỉ USD vào năm 2020 theo dự kiến mà hai nước hướng đến là điều không dễ dàng, nếu như không có giải pháp đồng bộ với quyết tâm cao từ hai phía. Về đầu tư, tuy những năm gần đây, vốn đầu tư của hai nước sang nhau có tăng lên nhưng tỉ trọng đầu tư của hai nước trong tổng số FDI còn thấp. Số lượng dự án đầu tư còn hiệu lực đã giảm sút, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới việc dừng tiến độ dự án hoặc không thể triển khai dự án như đã đăng ký. Điển hình là sự kiện ngày 22/11/2016, Việt Nam đã quyết định chính thức dừng dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Nguyên nhân chính là do “tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện nay khác so với năm 2009 - thời điểm quyết định chủ trương dự án”138. Trước khi đưa ra quyết định, phía Việt Nam đã có trao đổi với đối tác Nga, Nhật Bản và nhận được sự “cảm thông và tôn trọng”139 từ phía nước bạn. Ngày 22/11, chủ trì cuộc họp báo chuyên đề về điện hạt nhân, Bộ trưởng - Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam khẳng định việc dừng dự án không làm thay đổi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga và đối tác sâu rộng với Nhật”140. Ngoài ra, hình thức đầu tư còn chưa phong phú, chỉ tập trung vào một số lĩnh vực: Phía Nga chủ yếu đầu tư lĩnh vực công nghiệp - chế tạo, khai khoáng, bất động sản; Phía Việt Nam chủ yếu lĩnh vực thương mại và dầu khí. Thực trạng trên cho thấy, Chính phủ hai nước cần phải có những giải pháp đồng bộ, với sự quyết tâm cao hơn nữa để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế Việt Nam - LB Nga phát triển nhanh, hiệu quả, xứng tầm với tính chất của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. 137 Tiếng nói nước Nga (2016), Ngành năng lượng Việt Nam bước phát triển mới, ( moi-html) 138, 139, 140 Ph.Nhung - Th.Dũng (2016) Chính thức dừng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận ( 20161122180203689.htm) 577
  5. 2. Cơ hội hợp tác kinh tế Việt Nam - LB Nga sau khi FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực 2.1. Xu hướng quốc tế và bối cảnh chung của hai nước Trong bối cảnh quốc tế hóa, toàn cầu hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ, xu hướng liên kết và hội nhập quốc tế, khu vực cũng ngày càng gia tăng. Trong đó Hiệp định thương mại tự do (FTA) là xu hướng liên kết đang ngày càng trở nên phổ biến. Là thành viên của FTA, các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều có được những cơ hội lớn trong việc phát triển kinh tế nhờ vào việc cắt giảm các hàng rào thương mại, cụ thể là thuế quan, quota nhập khẩu (và các hàng rào phi thuế quan khác). Đồng thời, vị thế của các nước cũng được nâng cao trên trường quốc tế. Với các nước nhỏ, việc tham gia trở thành thành viên của một liên kết khu vực kinh tế sẽ có sức hấp dẫn và nhận được sự chú ý nhiều hơn từ các nhà đầu tư, kinh doanh bên ngoài nhờ năng lực kinh tế tổng hợp đã được cải thiện. Thông qua các hiệp định thương mại tự do, các nước lớn mong muốn lôi kéo các nước nhỏ nhằm thiết lập trật tự thế giới mới trong đó xác định vị trí có lợi trên bản đồ địa kinh tế, chính trị toàn cầu. Trước cơ hội thuận lợi, nhằm đưa đất nước có bước phát triển đột phá trong thiên niên kỉ mới, Việt Nam tích cực tham gia các liên kết kinh tế khu vực và thế giới. Tính đến ngày 31/12/2014, Việt Nam đã kí và tham gia 8 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có 6 Hiệp định mang tính khu vực gồm các Hiệp định: ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Australia - New Zealand. Hai hiệp định còn lại là 2 hiệp định song phương với Nhật Bản, Chile. Năm 2015 - một năm đặc biệt ghi nhận thành công nổi bật của Việt Nam khi đã chính thức kí kết Hiệp định thương mại tự do FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu (29/05/2015) và với Liên minh châu Âu (02/12/2015). Trong đó, Hiệp định thương mại tự do FTA giữa Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu141 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 05/10/2016. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ giúp Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào thị trường có sức mua lớn, giàu tiềm năng với dân số khoảng hơn 183 triệu người và GDP đạt khoảng 2.200 tỷ USD 142 mà còn góp phần củng cố và tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - LB Nga để tương xứng với tầm vóc của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà hai nước thiết lập từ tháng 7/2012. Dấu ấn đậm nét của Việt Nam trong năm 2015 còn là việc cùng với các nước thành viên ASEAN thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ngày 31/12/2015. Năm 2016 tiếp tục là năm Việt Nam đạt thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế khi cùng với 11143 nước kí kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày 04/02/2016 Có thể thấy, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập chặt chẽ với khu vực và thế giới. Điều đó 141 Liên minh kinh tế Á - Âu (viết tắt là EAEU) ra đời dựa trên nền tảng của Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan. Ngày 01/01/2015, ba nước thỏa thuận thống nhất phát triển thành Liên minh kinh tế Á - Âu. Sau đó, ngày 02/01/2015 và 14/5/2015 lần lượt hai nước Armenia và Kyrgyzstan đã gia nhập Liên minh Á - Âu nâng tổng số thành viên lên thành 5 nước gồm: Nga - Belarus - Kazakhstan - Armenia - Kyrgyzstan. Đây là một mô hình hội nhập kinh tế mới trong không gian hậu Xô viết. 142 Ban Tuyên giáo trung ương (2016), Tài liệu tuyên truyền Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu, ( dinh-Thuong-mai-tu-do-giua-Viet-Nam-va-Lien-minh-Kinh-te-A-Au) 143 Gồm 12 nước thành viên là: Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Tuy nhiên, ngày 23/01/2017, Tổng thống Mĩ Donald Trump đã chính thức kí sắc lệnh Mĩ rời khỏi TPP . 578
  6. góp phần quan trọng trong sự tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm qua (2011 - 2015) bình quân đạt khoảng 5,88%, trong đó cao nhất đạt khoảng 6,68% (2015)144. Việt Nam đã lọt vào tốp 5 nền kinh tế hiệu quả của ASEAN và là một trong những trung tâm tăng trưởng kinh tế hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đối với Nga,Việt Nam còn được xem là “cầu nối” của Nga với ASEAN nên việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam sẽ giúp Nga mở rộng quan hệ với các đối tác khác trong ASEAN cũng như góp phần củng cố vị thế của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương. Liên bang Nga, những năm đầu của thập niên thứ hai của thế kỉ XXI, nền kinh tế Nga tiếp tục tăng trưởng ổn định. Một trong những nguyên nhân đưa đến những tác động tích cực đối với nền kinh tế Nga là do: Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhastan145 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2010. Sau đó, từ ngày 01/06/2011, hàng rào thuế quan biên giới giữa ba nước trong khối Liên minh được gỡ bỏ hoàn toàn đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi thương mại, cạnh tranh giữa các quốc gia thành viên cũng như giúp các nước này hội nhập tích cực vào thị trường thế giới. Do đó, bước sang năm 2012, mặc dù tăng trưởng kinh tế nhiều nước bị sụt giảm nghiêm trọng do chịu tác động từ khủng hoảng nợ công, kinh tế Nga vẫn duy trì mức độ tăng trưởng ổn định. Quý I/2012, GDP của Nga tăng 4,9%, quý II/2012 tăng 4% và quý III/2012 tăng 2,7%. Mức độ tăng trưởng GDP giai đoạn tháng 1 - 10/2012 so với cùng kỳ năm 2011 là 3,7%. Nhờ những kết quả đạt được nên Nga đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại lớn nhất toàn cầu (WTO) từ ngày 16/12/2012. Năm 2013, Nga tiếp tục duy trì tăng trưởng dương với GDP đạt khoảng 1,4 - 1,5%, tỷ lệ lạm phát 6,1%, giảm so với năm 2012 (6,6%). Thặng dư thương mại đạt con số đáng kể, khoảng 150 tỉ USD. Ngành kinh tế then chốt của Liên bang Nga - khai thác dầu mỏ đạt sản lượng 523,2 triệu tấn, tăng 1,2% so với năm 2012146. Tuy nhiên, bước sang năm 2014, kinh tế Nga có dấu hiệu suy thoái. Khủng hoảng Ukraine và mâu thuẫn giữa Moskva với các nước phương Tây đã làm suy yếu nền kinh tế Nga. Nguyên nhân từ việc Nga sáp nhận một phần lãnh thổ Ukraine (bán đảo Criema vào tháng 3/2014) và được cho là hậu thuẫn cho lực lượng ly khai ở miền Nam nước này. Vì thế, Mĩ, EU và một số quốc gia khác đã áp đặt “lệnh trừng phạt” đối với Nga. Hệ quả của “lệnh trừng phạt” này đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi giá dầu giảm sút, đồng Rúp mất giá. Giá dầu giảm từ 115 USD/thùng vào tháng 6/2014 xuống còn khoảng 50 USD/thùng từ tháng 12/2014. Do nền kinh tế Nga phụ thuộc rất nhiều vào xuất khầu nhiên liệu và năng lượng, nên việc giá dầu sụt giảm đã kéo theo sự sụt giảm nguồn thu ngân sách của Nga. Ước tính, năm 2014, Nga đã thiệt hại tới 180 tỉ USD ngân sách vì giá dầu giảm. Từ cuối năm 2014, kinh tế Nga rơi vào suy thoái. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đây sẽ là đợt suy thoái kéo dài nhất đối với Nga trong vòng 20 năm qua. Nhận định này đưa ra dựa trên các cơ sở: một là, quy luật tăng trưởng - suy thoái theo 144 Thanh Thúy (2016), Dấu ấn đối ngoại Việt Nam trong năm 2015 ( 2015.aspx) 145 trong đó Nga được xem thành viên “hạt nhân” 146 Nguyễn Đăng Phát (2013), Năm 2013 thành công của Liên bang Nga và ông Putin, 579
  7. chu kì147; hai là giá dầu lên xuống không ổn định, và ba là từ “lệnh trừng phạt” mà các nước phương Tây tiếp tục gia hạn kéo dài đối với nước Nga. Trước tình hình trên, nước Nga đã và đang thực hiện các biện pháp nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi đợt suy thoái dự báo là kéo dài. Việc tái cơ cấu nền kinh tế để không quá phụ thuộc vào lĩnh vực xuất khẩu nhiên liệu năng lượng, khắc phục nền công nghiệp chế tạo máy yếu kém, đầu tư vào nghiên cứu phát triển nông nghiệp và phát triển các mô hình hiện đại của ngành nông nghiệp là những biện pháp cơ bản và lâu dài mà chính quyền của Tổng thống V.Putin đang triển khai. Đồng thời, trong khi với thị trường phương Tây bị “đóng” do hậu quả từ chính sách “cấm vận” của Mĩ và EU thì việc mở rộng thị trường sang hướng đông cũng như các nước thuộc khu vực hậu Xô Viết cũng đã được Nga hết sức chú trọng. Ngày 01/01/2015, Liên minh kinh tế Á - Âu chính thức có hiệu lực và ngày 29/05/2015, Hiệp định thương mại tự do FTA giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu được kí kết đã thể hiện rõ điều này. Tóm lại, trong xu thế phát triển và bối cảnh riêng của mỗi nước, quan hệ hợp tác Việt Nam - LB Nga trong lĩnh vực kinh tế đang đứng trước những cơ hội và thách thức. Việc tận dụng cơ hội và có biện pháp đối mặt với những thách thức là vấn đề được chính quyền hai nước rất chú trọng nhằm đưa quan hệ hợp tác kinh tế Việt - Nga lên tầm cao mới, hiệu quả và tương xứng với tầm vóc của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Sự kiện Hiệp định tự do thương mại FTA giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực kể từ ngày 05/10/2016 đã mở ra những cơ hội mới cho quan hệ kinh tế Việt Nam - LB Nga có điều kiện phát triển. 2.2. Cơ hội hợp tác kinh tế Việt Nam - LB Nga sau khi FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực Thứ nhất, hàng rào thuế quan được khai thông, tạo điều kiện cho việc thúc đẩy hợp tác xuất nhập khẩu hai nước phát triển hơn. Mặc dù cả Việt Nam và Liên bang Nga đã gia nhập vào WTO148 song mức thuế nhập khẩu trung bình vào thị trường Nga vẫn cao. Tuy nhiên, ngay khi Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực, phía Liên minh sẽ áp dụng thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Phía Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường trong nước cho khoảng 90% các sản phẩm đến từ các nước thuộc Liên minh, đặc biệt là các sản phẩm mà khu vực này có thế mạnh xuất khẩu như chăn nuôi, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Do đó, quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu dự báo tăng trưởng khoảng 18 - 20% hàng năm, đặc biệt đối với Nga. Dự báo kim ngạch hai chiều của Việt Nam - LB Nga sẽ tăng từ mức khoảng 4 tỉ USD năm 2014 lên 10 - 12 tỉ USD vào năm 2020. Vì trong các nước thành viên của Liên minh kinh tế Á - Âu, Nga là thị trường truyền thống của Việt Nam và mối quan hệ hai nước đang phát triển ở mức cao nhất của quan hệ song phương - Đối tác chiến lược toàn diện. 16Theo lời giám đốc cơ quan tư vấn tài chính FBK, Igo Nikolaev, đối với nước Nga, “Chu kỳ tăng trưởng đã đi qua. Năm 2013 là năm cuối cùng của một chu kỳ đó ( ) kể từ năm 2014 kinh tế Nga rơi vào suy thoái”, Dẫn theo Tạp chí kinh tế , Viễn cảnh đen tối cho kinh tế Nga, ngày 22 tháng 4 năm 2014, te/20140422-vien-canh-den-toi-cho-kinh-te-nga 148 Việt Nam gia nhập năm 2007 và Nga là năm 2012 580
  8. Thứ hai, hai bên không chỉ phát huy các mặt hàng có thế mạnh mà còn mở rộng các mặt hàng trước đây không thể cung cấp do giá quá cao. Phía Nga có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Việt Nam các sản phẩm: bơ, phomat, lúa mạch, sữa, bột mì, dầu và các sản phẩm dầu mỏ, thép ống, thép cán, dàn khoan, xe hơi Đồng thời, các doanh nghiệp Nga có cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam đang khuyến khích đầu tư như: phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, chế biến nông lâm, thủy sản, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, giáo dục, y tế Phía Việt Nam không chỉ đẩy mạnh các mặt hàng vốn có lợi thế từ trước như thủy sản, nông sản, dệt may, máy tính, linh kiện điện tử mà còn mở rộng một số mặt hàng như sữa, đường tinh luyện, phụ tùng xe đạp, đồ chơi trẻ em sang thị trường Nga. Từ đây, người tiêu dùng hai bên càng có thêm nhiều sự lựa chọn về chủng loại và giá cả của sản phẩm. Thứ ba, tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai bên trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, việc miễn thuế hoàn toàn hoặc hạ xuống mức tối thiểu đã mở ra cơ hội cạnh tranh bình đẳng về giá cả và chất lượng sản phẩm cho cả hai bên, nhất là đối với doanh nghiệp Việt Nam. Thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng. Các doanh nghiệp hai nước được tiếp cận một khu vực thị trường rộng lớn, đông dân và giàu tiềm năng giao thương và hợp tác đầu tư. Việt Nam có điều kiện thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước hậu Xô Viết. Đối với Liên bang Nga, thông qua “cầu nối” thương mại với Việt Nam, Nga có thể mở rộng giao thương với thị trường các nước Đông Nam Á khá thuận lợi. Thứ tư, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy qui mô nhỏ tại Nga cũng như tại Việt Nam để thuận lợi cho việc sản xuất và tiêu thụ. Phía Việt Nam có thể xây dựng nhà máy chế biến, đóng gói chè, cà phê và xuất khẩu tại chỗ hoặc đầu tư các nhà máy sản xuất những mặt hàng có lợi thế về nguyên liệu tại chỗ như đồ nhựa gia dụng, may mặc, sản xuất đồ ăn nhanh và chế biến gỗ. Phía Nga, ngoài các dự án đầu tư truyền thống như: năng lượng, dầu khí doanh nghiệp Nga đã và đang xúc tiến đầu tư hoạt động tại Việt Nam ở một số lĩnh vực như: lắp rắp ô tô, xây dựng và bất động sản. Ngoài ra một lĩnh vực khác tiềm năng mà doanh nghiệp Nga muốn đầu tư hoạt động tại Việt Nam trong tương lai đó là tiêu dùng nhanh gồm có: thực phẩm, lương thực, đồ tiêu dùng Thứ năm, các địa phương hai nước có cơ hội đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư. Phát biểu tại “Diễn đàn Kết nối hợp tác kinh tế Việt Nam - Nga (tỉnh Kursk) diễn ra tại Hà Nội (07/12/2016), Thống đốc tỉnh Kursh Mikhailov Alexandr Nikholaevich cho rằng: “Đang có nhiều cơ hội đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Nga, tỉnh Kursk cũng như các địa phương của Nga và Việt Nam cần tận dụng tối đa cơ hội để thúc đẩy”149. Thứ sáu, hai bên có cơ hội trao đổi, hợp tác khoa học công nghệ, nhất là phía Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tiếp thu công nghệ tiên tiến từ phía Nga trong một số lĩnh vực, điển hình như: công nghệ giống, vật liệu mới, khoa học ứng dụng trong bảo quản và chế biến nông sản. 149 Wesite Trung tâm WTO (2016), Hợp tác kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga (tỉnh Kursk): Tận dụng tối đa cơ hội, ( 581
  9. Thứ bảy, điều đặc biệt quan trọng khi Ban lãnh đạo hai bên tiếp tục khẳng định bốn lĩnh vực hợp tác gồm: thương mại, đầu tư, dầu khí và năng lượng là những trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - LB Nga. Đây là cơ sở đề hai nước không ngừng tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực này. Các cơ hội hợp tác về kinh tế giữa Việt Nam với Liên bang Nga cũng có tác động không nhỏ đến quan hệ chính trị giữa hai nước khi Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực (05/10/2016), vì góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga. Đồng thời khẳng định sự chủ động, tích cực của mỗi bên trong việc thể hiện tốt vai trò đảm nhiệm: Phía Nga - vai trò trung tâm, dẫn dắt Liên minh kinh tế Á- Âu và phía Việt Nam - vai trò cầu nối trong ASEAN. Qua đó, vị trí và vai trò của mỗi bên được nâng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thuận lợi trên, hợp tác kinh tế Việt Nam - LB Nga cũng đang đứng trước khó khăn và thách thức. Cho đến nay, mặc dù Hiệp định có hiệu lực hơn bốn tháng song việc xúc tiến thương mại cũng như đưa mặt hàng thâm nhập vào thị trường của nhau phù hợp với quy định của hiệp định đã kí kết của doanh nghiệp hai bên còn khó khăn. Nguyên nhân là do có một số rào cản như: Thứ nhất, mặc dù cơ chế thanh toán song phương đồng nội tệ hai nước đã được áp dụng (kể từ cuối tháng 12.2015) song giá trị hai đồng bản tệ RUB và VNĐ chưa có tính ổn định cao nên hoạt động trong lĩnh vực thanh toán chưa đạt hiệu quả cao. Thứ hai, do rào cản bởi ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa và môi trường kinh doanh, doanh nghiệp hai bên chưa tận dụng được các cam kết mở cửa thị trường từ FTA mang lại. Phía Nga, nhiều doanh nghiệp có tiềm lực chưa tiếp cận được các dự án trọng điểm của Việt Nam. Phía Việt Nam, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, chưa thiết lập được một hệ thống phân phối ổn định của riêng mình Thứ ba, quy trình, thủ tục hải quan, cửa khẩu còn bất cập gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp khi giao dịch. Như vậy, những rào cản này cần được gỡ bỏ nhằm tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên. Riêng đối với Việt Nam, có thể thấy trong thời gian qua, Việt Nam chưa tận dụng cơ hội tốt trong hợp tác kinh tế - thương mại với Liên bang Nga trong đó có việc áp dụng Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu còn bởi một số lý do: Một là, năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam còn thấp tại thị trường Nga. So với hàng hóa của một số đối thủ cạnh tranh, trong đó đặc biệt hàng hóa Trung Quốc, chất lượng hàng hóa của Việt Nam không thua kém, thậm chí còn cao hơn hàng hóa Trung Quốc nhưng về mẫu mã, giá cả không đánh trúng tâm lý người tiêu dùng Nga bằng hàng hóa của nước bạn. Hai là, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Nga chưa phong phú chỉ tập trung chủ yếu là hàng nông sản, thủy sản, nguyên liệu thô nên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn hạn chế. Ba là, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự coi trọng thị trường Nga vì sợ rủi ro, chi phí vận tải cao, phương thức giao hàng và thanh toán chưa thuận tiện. 582
  10. Bốn là, các chính sách hỗ trợ của nhà nước nhằm giảm chi phí đầu vào, giảm cước phí vận tải hay cung cấp thông tin về thị trường, pháp luật cũng như tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam hiểu về thị trường Nga còn hạn chế Đây là một số lý do dẫn đến thực trạng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh trên thị trường Nga chưa hiệu quả, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nga còn thấp. 3. Đánh giá triển vọng và một số đề xuất nhằm phát triên quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - LB Nga 3.1. Triển vọng Trong khoảng thời gian Hiệp định FTA giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu được kí kết và có hiệu lực, giữa hai nước Việt Nam - LB Nga cũng đã kí kết một số hiệp định, nghị định thư như: Nghị định thư giữa Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên Bang Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (21/03/2016), Hiệp định Liên Chính phủ về việc tiếp tục hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu khí trên lãnh thổ Liên bang Nga (20/04/2016), Thoả thuận hợp tác giữa Tập đoàn TH (Việt Nam) và chính quyền tỉnh Kaluga về thực hiện dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa ứng dụng công nghệ cao và tổ hợp nhà kính sản xuất rau, quả sạch (16/05/2016) Cùng với những hiệp định được kí kết trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu, những kí kết, thỏa thuận song phương Việt - Nga nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy hợp tác kinh tế hai nước có bước phát triển trong thời gian tới. Triển vọng trong hợp tác kinh tế Việt Nam - LB Nga còn xuất phát từ những lợi thế, bối cảnh của mỗi nước. Về phía Việt Nam, nước có thế mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và nông sản thực phẩm trong khi đây không phải là lĩnh vực ưu tiên của Nga. Với dân số khoảng hơn 144 triệu người và thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 14 - 17 nghìn USD/năm, Nga là thị trường có sức mua lớn, giàu tiềm năng. Đây là cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản vào thị trường Nga nhất là trong bối cảnh Mĩ và các nước phương Tây đang thực hiện “lệnh trừng phạt”, cấm vận nước này. Hơn nữa, thị hiếu tiêu dùng của người Nga đối với các sản phẩm nhiệt đới như Việt Nam là rất cao. Các mặt hàng hóa nông sản, thủy sản của Việt Nam cũng đã quen với người tiêu dùng Nga. Thị trường Nga cũng không phải là thị trường khắt khe đối với hàng hóa Việt Nam so với các thị trường Mĩ và các nước phương Tây. Tại thị trường Nga, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có lịch sử làm việc lâu dài, có mối quan hệ và sự hiểu biết về văn hóa kinh doanh là cơ sở cầu nối cho các doanh nghiệp mới tiếp cận thị trường Nga. Hiện tại, cộng đồng người Việt sống, học tập và làm việc tại Nga tương đối đông đảo, các doanh nghiệp có thể tận dụng các kinh nghiệm và mối quan hệ từ mạng lưới này để tiếp cận thị trường Nga. Đến nay, Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên của Liên minh kinh tế Á - Âu. Trên thực tế, khu vực Liên minh kinh tế Á - Âu đã từng đàm phán FTA với một số nước nhưng không đạt được tiến triển và bị đình trệ hoặc hủy bỏ. Vì vậy, Hiệp định thương mại FTA giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu được kí kết và có hiệu lực đã tạo ra những lợi 583
  11. thế đặc biệt đối với hàng hóa Việt Nam, góp phần thúc đẩy tỉ trọng xuất khẩu vào thị trường các nước thành viên trong đó có Nga. Về phía Liên bang Nga, theo kí kết với Liên minh, Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải Tận dụng ưu đãi thuế quan này, một số mặt hàng Nga có lợi thế như thép, ô tô nguyên chiếc dự báo sẽ được tăng xuất khẩu vào thị trường Việt Nam. Điển hình là mặt hàng thép. Hiện nay, tổng lượng sản xuất thép của Nga đứng thứ 5 toàn cầu (đạt khoảng 70 triệu tấn/năm). Với chi phí sản xuất được đánh giá thuộc loại thấp nhất thế giới, chất lượng thép tốt đây chính là thách thức đối với các doanh nghiệp thép Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nga tăng tới 239 triệu, trong đó tăng mạnh ở nhóm hàng sắt thép các loại tăng 134 triệu USD, than đá tăng 131 triệu USD, ô tô nguyên chiếc các loại tăng 53 triệu USD150. Con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng, do các doanh nghiệp Nga tận dụng những ưu đãi thuế quan FTA đã có hiệu lực từ 05/10/2016. Bên cạnh đó, chính sách “hướng đông” của Nga, cùng với tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mĩ, EU và Nhật Bản đã gây cản trở cho hoạt động thương mại giữa Nga và phương Tây. Từ đây, nhiều hoạt động thương mại, đầu tư của Nga đang chuyển hướng sang châu Á. Đây là cơ sở để quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - LB Nga có thể được tăng cường hoạt động xuất khẩu vào thị trường của nhau, nhất là khi FTA có hiệu lực với nhiều mặt hàng được áp dụng mức thuế xuất - nhập khẩu là 0%. Để thúc đẩy hoạt động hợp tác thương mại Việt Nam - LB Nga, cùng vào tháng 05/2016 khi Hiệp định thương mại FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu được kí kết, Trung tâm xuất khẩu Nga đã ra đời. Theo ông Robert Kurilo, Trưởng đại diện Trung tâm Xuất khẩu Nga tại Hà Nội: Việt Nam là một nước đang có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh trong khu vực và châu Á151. Do đó, mục tiêu thành lập Trung tâm xuất khẩu Nga để hỗ trợ các hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu, phát triển thương mại giữa Liên bang Nga và Việt Nam nhằm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại giữa hai nước từ 4 tỉ USD (2014) tăng lên 10 tỉ USD vào năm 2020. Nhiệm vụ của Trung tâm là cung cấp các dịch vụ tín dụng, bảo hiểm, bảo lãnh ngân hàng cho các hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp Nga khi tham gia vào thị trường Việt Nam; đồng thời, tìm kiếm đối tác hợp tác, kinh doanh cho doanh nghiệp hai nước và giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính cũng như làm cầu nối giữa các cơ quan pháp lý nhà nước, các pháp nhân đầu tư, xuất nhập khẩu để các hoạt động này được triển khai đúng pháp luật152. Với chức năng là cơ quan dịch vụ “một cửa” của Chính phủ Nga, hoạt động của Trung tâm Xuất khẩu Nga đã và đang góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại giữa hai nước phát triển và đạt hiệu quả. 150 Wesite của Hải quan Việt Nam (2016), Một vài nét về xuất nhập khẩu Việt Nam - Nga: cập nhất trong 8 tháng tính từ đầu năm 2016, ( 3%AA%20H%E1%BA%A3i%20quan) 151 21, Tuổi trẻ oline (2016), Doanh nghiệp Nga muốn đầu tư vào lĩnh vực tiêu dùng nhanh, ngày 16/12/2016, ( 584
  12. 2.1. Một số đề xuất nhằm phát triển quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - LB Nga 2.1.1. Đối với chính quyền hai nước Thứ nhất, cần xây dựng hoàn thiện chương trình hành động để thực hiện các nội dung đã kí kết giữa hai nước trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu cũng như các hiệp định, nghị định thư, thỏa thuận song phương Việt - Nga về hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư. Thứ hai, Chính phủ hai bên cần tăng cường hợp tác hải quan nhằm để tạo sự thông thoáng, nhanh gọn cho các doanh nghiệp trong việc trao đổi hàng hóa thương mại. Chính phủ hai bên cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc giảm chí phí vận chuyển, thanh toán. Hiện nay, hai bên đã thống nhất trong việc thanh toán bằng đồng nội tệ, tuy nhiên “doanh nghiệp Nga thiên về trả chậm khi nhập và trả trước khi xuất khẩu hàng hóa”153 nên rất cần sự thống nhất tìm tiếng nói chung giữa doanh nghiệp hai bên. Đồng thời, Ngân hàng liên doanh Việt - Nga (VRB) cần tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong việc tài trợ cho các hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước cũng như là đầu mối quan trọng xúc tiến thương mại và đầu tư, góp phần thiết thực hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước lên mức 10 tỉ USD vào năm 2020. Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường nghiên cứu và dự báo thị trường đối với những mặt hàng hai bên có lợi thế về ưu đãi thuế quan. Phía Việt Nam, cần hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản, thủy sản Việt Nam. Thứ tư, hoàn thiện chính sách hỗ trợ sản xuất - xuất khẩu vào thị trường của Nga cũng như các nước thành viên khác và ngược lại phù hợp với quy định của Hiệp định thương mại FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu. Thứ năm, các Bộ, các ban ngành hai bên nên phối kết hợp thường xuyên tổ chức các diễn đàn, hội thảo xúc tiến thương mại đầu tư để các doanh nghiệp hai bên có cơ hội hợp tác trao đổi, quảng bá, thỏa thuận, kí kết các hợp đồng kinh tế thương mại và đầu tư. Đề thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hai nước hướng đến vào năm 2020 đạt 10 tỉ USD rất cần sự phối kết hợp chặt chẽ và kịp thời từ Đại sứ quán hai nước, các Bộ, các ngành và Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kĩ thuật. Về phía Việt Nam, nên có kế hoạch tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại Việt Nam tại Nga thường niên. Trong đó, Việt Nam nên có chiến dịch quảng bá tiếp thị mạnh mẽ (bằng tiếng Nga) ở cấp độ quốc gia cũng như doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin, từ đó thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Nga. Đồng thời, Việt Nam cũng cần phát huy tốt vai trò cầu nối của Trung tâm thương mại Hà Nội - Mokva giữa doanh nghiệp Việt Nam với thị trường Nga. Năm 2015, Trung tâm đã tổ chức: “Hội chợ bán hàng: hàng Việt Nam chất lượng cao Mokva 2015” thành công, để lại dư âm tốt đối với người dân Nga. Hoạt động này nên cần thường xuyên tổ chức nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai nước trao đổi hợp tác cũng như quảng bá văn hóa Việt Nam đến nước bạn một cách gần gũi và tinh tế. 2.1.2. Đối với các doanh nghiệp hai nước 153 Nguyễn An Hà (2015), Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Liên bang Nga trong bối cảnh mới, Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 4 (175), tr. 9 -17. 585
  13. Các doanh nghiệp hai nước cần tích cực và chủ động tham gia vào quá trình kinh doanh, đầu tư, tìm hiểu các cơ hội hợp tác mới thay vì chỉ duy trì những hình thức hợp tác truyền thống. Gần đây vào ngày 16/ 05/2016, thoả thuận hợp tác giữa Tập đoàn TH (Việt Nam) và chính quyền tỉnh Kaluga (Nga) về thực hiện dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa ứng dụng công nghệ cao và tổ hợp nhà kính sản xuất rau, quả sạch đã được kí kết. Đây là một trong những hình thức hợp tác mới góp phần giảm chi phí vận chuyển, thanh toán mà tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ cũng như khai thác tối đa thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp. Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại đầu tư giữa hai nước, hình thức hợp tác này cần được mở rộng, phát triển hơn trong thời gian tới. Doanh nghiệp hai bên cần phải nghiên cứu kỹ nội dung cụ thể của Hiệp định với từng dòng thuế của từng sản phẩm, đặc biệt đối với ngành thủy sản Việt Nam cần nghiên cứu quy định về quy tắc xuất xứ. Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý thêm các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa vì đây là những vấn đề mà phía Nga rất coi trọng. Việc nghiên cứu kỹ lưỡng luật pháp hiện hành của mỗi bên về quy trình đăng ký văn phòng đại diện và chi nhánh, đăng ký thuế và đăng ký tạm trú là những nội dung rất cần sự quan tâm của doanh nghiệp hai nước. Doanh nghiệp hai bên cần chủ động nghiên cứu thị trường cũng như lựa chọn đối tác phù hợp để kí kết hợp đồng nhằm kịp thời tận dụng được lợi ích của FTA mang lại ngay khi mới thành lập. Riêng đối với doanh nghiệp Việt Nam, cải thiện năng lực cạnh tranh, trong đó hàng đầu là chất lượng sản phẩm là vấn đề cần đặc biệt chú trọng. Trước mắt những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp dân cư thu nhập chưa cao ở Nga, tuy nhiên về lâu dài các doanh nghiệp Việt Nam cần từ bỏ suy nghĩ Nga là thị trường “dễ tính” mà phải chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện mẫu mã, bao bì Do đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ cao cần được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, không ngừng cải tiến và hoàn thiện.Các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng lợi thế khi Việt Nam hiện là đối tác đầu tiên của Liên minh kinh tế Á - Âu để có chiến lược trong việc xây dựng thương hiệu “hàng Việt” trên thị trường Nga. Có như vậy, hàng hóa Việt Nam sẽ dành được ưu thế trước các đối thủ cạnh tranh khác tại thị trường Nga. Kết luận Trong lịch sử gần 67 năm ngoại giao Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước đã đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng lợi ích thiết thực của mỗi bên, nhất là đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, đòi hỏi mỗi quốc gia có những phản ứng linh hoạt trong quan hệ song phương và đa phương, chính phủ hai bên không ngừng nỗ lực phát triển các lĩnh vực quan hệ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế để tương xứng với tầm vóc của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - LB Nga. Với 586
  14. việc Hiệp định thương mại tự do FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (trong đó có Liên bang Nga là thành viên) được kí kết và có hiệu lực đã mở ra cơ hội, triển vọng lớn cho quan hệ kinh tế Việt Nam - LB Nga có sự bứt phá trong thời gian tới. Với những lợi thế của ưu đãi thuế quan, hai bên cần tận dụng để phát huy những thế mạnh của mỗi bên, cũng như có sự bổ sung, hỗ trợ cho nhau để quá trình hợp tác đạt hiệu quả nhất. Muốn vậy từ chính quyền đến khối doanh nghiệp hai bên cần có chương trình, biện pháp và chính sách cụ thể phù hợp với nội dung đã kí kết theo Hiệp định thương mại FTA cũng như đặc điểm, tình hình của mỗi nước. Như vậy, Hiệp định thương mại FTA mới thực sự có giá trị, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - LB Nga mới có thể đạt được với những dự kiến hai bên đặt ra, ví như kim ngạch hai chiều đạt 10 tỉ USD vào năm 2020. Từ đó, góp phần vào sự phát triển phồn vinh về kinh tế, ổn định về chính trị của mỗi nước cũng như của khu vực và trên thế giới. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ban Tuyên giáo trung ương (2016), Tài liệu tuyên truyền Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu, ( truyen/90112/Tailieu-tuyen-truyen-Hiep-dinh-Thuong-mai-tu-do-giua-Viet-Nam-va- Lien-minh-Kinh-te-A-Au). 2. Cục Đầu tư nước ngoài (2016), Tình hình đầu tư của Liên bang Nga vào Việt Nam, ( 3. Nguyễn An Hà (2015), Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Liên bang Nga trong bối cảnh mới, Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 4 (175), tr. 9 -17. 4. Thanh Hà (2014), Viễn cảnh đen tối cho kinh tế Nga, Tạp chí Kinh tế ngày 22 /4/2014, ( htt://vi.rfi.fr/kinh-te/20140422-vien-canh-den-toi-cho-kinh-te-nga). 5. Lokshin (2016), Bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác Việt - Nga, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 14 tháng 7 năm 2016. 6. Mạnh Nguyễn (2016), Nhìn lại quan hệ kinh tế Việt - Nga qua các con số, ( nga-qua- cac-con-so.i69928.html). 7. Ph.Nhung - Th.Dũng (2016) Chính thức dừng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận ( nhan-ninh-thuan-20161122180203689.htm). 8. Nguyễn Đăng Phát (2013), Năm 2013 thành công của Liên bang Nga và ông Putin, ( putin/237383.vnp) 9. Tạp chí kinh tế (2014) , Viễn cảnh đen tối cho kinh tế Nga, ngày 22 tháng 4 năm 2014, ( htt://vi.rfi.fr/kinh-te/20140422-vien-canh-den-toi-cho-kinh-te-nga) 587
  15. 10. Thanh Thúy (2016), Dấu ấn đối ngoại Việt Nam trong năm 2015, Tạp chí Cộng sản oline ( ngoai-Viet-Nam-nam-2015.aspx). 11. Tiếng nói nước Nga (2016), Ngành năng lượng Việt Nam bước phát triển mới, ( nam-la-buoc-phat-trien-moi-html 12. Tuổi trẻ oline (2016), Doanh nghiệp Nga muốn đầu tư vào lĩnh vực tiêu dùng nhanh, ngày 16/12/2016, ( dau-tu-vao-linh-vuc-tieu-dung-nhanh/1237060.html). 13. Wesite của Hải quan Việt Nam (2016), Một vài nét về xuất nhập khẩu Việt Nam - Nga: cập nhật trong 8 tháng tính từ đầu năm 2016, ( =Th%E1%BB%91ng%20k%C3%AA%20H%E1%BA%A3i%20quan) 1. Wesite Trung tâm WTO (2016), Hợp tác kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga (tỉnh Kursk): Tận dụng tối đa cơ hội, ( viet-nam-lien-bang-nga-tinh-kursk-tan-dung-toi-da-co-hoi). 588