Ứng dụng công nghệ blockchain vào hoạt động kinh doanh ngân hàng trên toàn cầu: Cơ hội và thách thức

pdf 16 trang Gia Huy 23/05/2022 1210
Bạn đang xem tài liệu "Ứng dụng công nghệ blockchain vào hoạt động kinh doanh ngân hàng trên toàn cầu: Cơ hội và thách thức", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfung_dung_cong_nghe_blockchain_vao_hoat_dong_kinh_doanh_ngan.pdf

Nội dung text: Ứng dụng công nghệ blockchain vào hoạt động kinh doanh ngân hàng trên toàn cầu: Cơ hội và thách thức

  1. ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN VÀO HOẠT ĐỘNG KINH DOANH NGÂN HÀNG TRÊN TOÀN CẦU: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ThS Trần Thị Phương Thanh* TÓM TẮT Công nghệ chuỗi khối (blockchain) là công nghệ cốt lõi, nền tảng với triển vọng ứng dụng đầy hứa hẹn trong tương lai. Với khả năng chia sẻ thông tin dữ liệu minh bạch theo thời gian thực, tiết kiệm không gian lưu trữ và có tính bảo mật cao, blockchain là một trong những xu hướng công nghệ đột phá, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau trong đó có ngân hàng. Bài nghiên cứu tập trung phân tích những cơ hội và trở ngại các ngân hàng trên thế giới gặp phải khi ứng dụng nền tảng này trong kinh doanh và quản trị rủi ro, đồng thời cung cấp một số hàm ý giúp các các nhà lãnh đạo ngân hàng tìm ra giải pháp khắc phục điểm yếu của công nghệ blockchain trước khi ứng dụng thực tiễn. Từ khoá: Blockchain, ngân hàng, phân quyền. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Blockchain (công nghệ chuỗi khối) hiện đang là một khái niệm nhận được sự quan tâm đáng kể từ nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, thương mại, ngân hàng. Có thể nói, đây là một sự đổi mới đột phá của kỷ nguyên Internet. Nền tảng blockchain vận hành dựa trên sự kết hợp một số công nghệ máy tính, bao gồm lưu trữ dữ liệu phân tán, truyền điểm tới điểm, cơ chế đồng thuận và thuật toán mã hóa. Các ước tính tại diễn đàn kinh tế thế giới (2015) cho thấy khoảng 10% GDP thế giới sẽ được lưu trữ bởi công nghệ blockchain vào năm 2025. Trên thực tế, blockchain được kỳ vọng sẽ cải tổ hoàn toàn hệ thống tài chính giống như những gì Internet đã làm với truyền thông (Ito et al., 2017) và ngày nay, hầu hết mọi ngân hàng toàn cầu đều đang thử nghiệm công nghệ blockchain, với hy vọng tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động (Kocianski, 2018). Có thể kể tên một số ngân hàng như UBS, Bank of Montreal (BMO), CaixaBank, Commerzbank, Erste Group và IBM hiện đang làm việc trên ‘Batavia ‘– một nền tảng tài trợ thương mại toàn cầu dựa trên blockchain để hợp lý hóa việc chuyển tiền và hàng hóa với hiệu quả và tính minh bạch cao hơn phương thức ngân hàng truyền thống (Keller, 2018). Bên cạnh đó, HSBC gần đây đã * Khoa TC-NH, Trường Đại học Tài chính – Marketing. 178 -
  2. thực hiện một giao dịch tài trợ thương mại trực tiếp cho tập đoàn nông nghiệp và thực phẩm liên quốc gia Cargill bằng cách sử dụng nền tảng blockchain mở rộng R3s Corda (HSBC, 2018). Đồng thời, trong kế hoạch năm năm của Trung Quốc năm 2016 cũng đề cập tới việc tích cực áp dụng công nghệ blockchain, theo đó hơn 12 ngân hàng công lập đã áp dụng blockchain để tạo thuận lợi cho các giao dịch khác nhau (Cook, 2018a). Hơn 60 ngân hàng Nhật Bản đại diện cho 80% ngành ngân hàng nước này đã hợp tác với Ripple (đang cạnh tranh để thay thế SWIFT) nhằm thúc đẩy quá trình giao dịch tiền tệ quốc tế nhanh chóng (Cook, 2018a). Tại Anh, ngân hàng Santander đã triển khai giao thức “Ripple xcurrent” để cho phép thanh toán quốc tế từ £ 10 – £ 10.000, trong khi đó Bank of England có đề xuất hỗ trợ thanh toán và chuyển tiền bằng cách tích hợp hệ thống thanh toán gộp theo thời gian thực (RTGS) với công nghệ blockchain (Cook, 2018). Điều thú vị là ngay cả ở các quốc gia như Zimbabwe, nơi quyền sở hữu tiền điện tử là bất hợp pháp, Ngân hàng Trung ương Zimbabwe cũng đang xem xét việc triển khai blockchain (Cook, 2018a). Tại Việt Nam, HDbank, MBbank, BIDV, Vietinbank và Vietcombank cũng thử nghiệm thành công phát hành thư tín dụng (L/C) bằng công nghệ blockchain. Bên cạnh những cơ hội mà blockchain đem lại trong việc hợp lý hoá các quy trình của ngân hàng truyền thống thì nền tảng này cũng gây lo ngại khi có khả năng lấn sân một số nghiệp vụ căn bản của ngân hàng (Lang, 2017a). Ví dụ, Ikeda và Hamid (2018) đã đề xuất hệ thống kinh tế ngang hàng đổi hàng lấy hàng trên quy mô toàn cầu mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba cũng như tiền bạc. Tuy nhiên, theo Smith (2018a), vì blockchain có thể cung cấp cho các chủ ngân hàng dữ liệu không thể thay đổi với xác minh đồng thuận và truy cập thời gian thực, nên chắc chắn đây là tương lai của ngân hàng. Như vậy, có thể thấy công nghệ blockchain là một nền tảng công nghệ đầy hứa hẹn, được nhiều ngân hàng trên thế giới thử nghiệm vận hành, tuy nhiên nó còn ẩn chứa nhiều rủi ro và trở ngại. Do đó, cần phải phân tích thấu đáo điểm mạnh, điểm yếu của công nghệ này trước khi đưa vào thực tiễn. Với mong muốn cung cấp cho các nhà lãnh đạo ngân hàng một cái nhìn tổng quan về một công nghệ mới, bài tham luận tập trung phân tích những cơ hội và thách thức ngành ngân hàng toàn cầu sẽ gặp phải khi ứng dụng công nghệ này. 2. BLOCKCHAIN VÀ KỲ VỌNG THAY ĐỔI NGÀNH NGÂN HÀNG. Blockchain là công nghệ chuỗi khối, cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa trên hệ thống mã hóa, tương tự như cuốn sổ cái kế toán của một công ty, nơi mà tiền được giám sát chặt chẽ và ghi nhận mọi giao dịch trên mạng ngang hàng. Mỗi khối (block) đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với khối trước đó, kèm theo đó là một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Dữ liệu khi đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được. Blockchain được thiết kế để chống lại việc gian lận, thay đổi của dữ liệu. - 179
  3. Đối với các ngân hàng nói riêng, blockchain có tiềm năng tiết kiệm chi phí thông qua việc giảm chi phí giao dịch và xử lý thông tin, nhưng cạnh tranh cũng có khả năng gia tăng khi các công ty khởi nghiệp fintech mới xuất hiện có cơ hội để thành lập một trung gian thanh toán với chi phí thấp hơn (Iskandar, 2017). Thực tế, các ngân hàng đang phải đối mặt với thử thách rất lớn đến từ các công ty fintech. Thiếu thông tin là vấn đề nổi cộm nhất trong hệ thống thông tin tín dụng ngân hàng – mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng truyền thống. Thiếu thông tin khiến các ngân hàng thương mại dè dặt trong quyết định cấp tín dụng, điều này gây trở ngại cho các khách hàng cá nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn. Mặt khác, thiếu thông tin cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới nợ xấu ngân hàng, gây ảnh hưởng tới chất lượng khoản vay. Ngược lại, các công ty fintech lớn lại có thế mạnh trong việc thu thập thông tin liên quan đến chi phí của khách hàng thông qua ví điện tử của họ. Nói về vấn đề này không thể không nhắc tới Trung Quốc. Trước đây, nông dân và những doanh nghiệp nhỏ dưới 10 lao động ở Trung Quốc rất khó vay ở những ngân hàng truyền thống, nhưng giờ đây họ có thể được duyệt vay trong vòng vài giây thông qua ngân hàng ảo Mybank và Webank. Cả hai ngân hàng này xử lý các quyết định cho vay bằng cách dựa vào trí tuệ nhân tạo để phân tích những khối lượng thông tin khổng lồ thu thập được từ các ví điện tử Alipay (Ant Financial) và Wechat Pay (Tencent) của các khách hàng xin vay. Ant Financial và Tencent kiểm soát hơn 90% thị phần thanh toán di động ở Trung Quốc. Tổng giao dịch thanh toán di động mà hai công ty xử lý trong năm 2018 lên đến 25.000 tỉ USD. Trong những năm gần đây, thị trường tài chính thế giới chứng kiến sự gia tăng đáng kể các sản phẩm và mô hình tài chính mới như các công cụ tài chính phái sinh, cho vay ngang hàng P2P, gọi vốn cộng đồng (crowdfunding), những sản phẩm này ngày càng trở nên phổ biến. Theo số liệu của trung tâm nghiên cứu kinh tế MSB thì năm 2012 tổng dư nợ cho vay P2P trên toàn thế giới đạt 1.2 tỷ USD. Đến năm 2015 con số này đã tăng hơn 50 lần lên 64 tỷ USD. Với đà phát triển hiện tại, các chuyên gia dự đoán dư nợ P2P sẽ đạt khoảng 1000 tỷ USD vào năm 2025. Theo thống kê của Prime Meridian Capital Management và China News, hai thị trường cho vay ngang hàng mạnh nhất là Mỹ và Trung Quốc. Vào năm 2015, dư nợ cho vay ngang hàng P2P tại Mỹ đạt 18 tỷ USD, của Trung Quốc là 150 tỷ USD. Tương tự, kết quả huy động vốn dưới hình thức gọi vốn cộng đồng cũng gặt hái những thành quả ấn tượng. Tính riêng Trung Quốc, năm 2015 các quỹ huy động được 11,424 tỷ NDT, tăng 429,38% so với năm 2014 (Theo Ye và Chan, 2016). Sự đa dạng hoá các sản phẩm và mô hình tài chính đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó những đối tượng khách hàng này có nhiều lựa chọn hơn, tạo sự cạnh tranh đáng kể cho các ngân hàng truyền thống. Từ những phân tích trên có thể thấy sự phát triển của fintech là tất yếu và ngân hàng truyền thống đang đối mặt với những thách thức lớn. Nếu như giai đoạn đầu, các công ty 180 -
  4. tài chính công nghệ chỉ tập trung ở mảng ứng dụng, chủ yếu nhắm vào mô hình kinh doanh doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C), còn gọi là fintech 1.0, thì hiện tại thế giới đang chuyển qua giai đoạn fintech 2.0, nhấn mạnh vào công nghệ nền tảng, với thị phần hướng tới doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B). Do đó, để ngân hàng có sự đổi mới thì cần có một nền tảng công nghệ thật sự đột phá. Với những đặc tính nổi bật, blockchain có thể số hoá tài sản, tái cấu trúc hệ thống tài chính, tăng hiệu quả thanh toán, xử lý tài sản tài chính sau các hợp đồng thông minh, giúp giải quyết các vấn đề tồn tại của ngân hàng truyền thống. Với sự tụt hậu đáng kể so với fintech 1.0, ngành ngân hàng nên tận dụng những lợi thế về nguồn lực và quy mô của mình, để tích cực tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm các ứng dụng blockchain. Điều này sẽ giúp họ trở thành những người tiên phong ứng dụng công nghệ, từ đó nâng cao chất lượng và số lượng của các dịch vụ tài chính, tạo động lực mới cho tăng trưởng trong ngành. Bảng 1. So sánh ngân hàng truyền thống, các công ty tài chính Internet (fintech 1.0) và Ngân hàng + blockchain (fintech 2.0) Ngân hàng Công ty tài chính Ngân hàng và truyền thống Internet (fintech 1.0) blockchain (fintech 2.0) Trải Dịch vụ đồng nhất. – Dịch vụ hướng tới cá – Dịch vụ hướng tới cá nghiệm của – Trải nghiệm người nhân. nhân. khách hàng dùng không tốt. – Trải nghiệm người – Trải nghiệm người dùng tốt. dùng tốt. Hiệu quả – Nhiều liên kết – Nhiều liên kết trung – Không qua trung gian, trung gian. gian. truyền điểm tới điểm. – Quy trình thanh – Quy trình thanh toán – Sổ cái phân tán, thanh toán phức tạp. phức tạp. toán bù trừ. – Cần nhiều bước – Cần một số bước kiểm – Hoàn toàn tự động. kiểm soát thủ công. soát thủ công. An toàn, – Dữ liệu tập trung, – Dữ liệu tập trung, có – Dữ liệu phân tán, không bảo mật có thể giả mạo. thể giả mạo. thể giả mạo. – Dễ dàng rò rỉ thông – Dễ dàng rò rỉ thông tin – Sử dụng mã hoá, thông tin khách hàng. khách hàng. tin khách hàng được bảo mật hơn. Thông qua những phân tích trên, chúng ta có thể hình dung được ảnh hưởng của công nghệ blockchain đối với lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, theo Carson và cộng sự (2018), ngành ngân hàng vẫn chưa sẵn sàng để khai thác hết những gì công nghệ blockchain mang lại và vấn đề này sẽ được bàn luận ở phần tiếp theo. - 181
  5. 3. KHAI THÁC VÀ ỨNG DỤNG BLOCKCHAIN TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG Với những ưu điểm vượt trội, blockchain có thể cải thiện đáng kể những tồn tại của ngân hàng truyền thống. 3.1. Thu thập thông tin khách hàng. Nắm bắt thông tin khách hàng (KYC) là khâu đầu tiên trong tất cả các hoạt động tài chính ngân hàng, bởi trước khi để khách hàng bước vào hành trình sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của mình thì ngân hàng hay tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng của mình là ai? Ngoài ra, việc thấu hiểu khách hàng còn giúp cho ngân hàng, tổ chức tài chính trong việc quản trị rủi ro và phòng chống rửa tiền. Tuy nhiên, theo ước tính của Thomson Reuters (2016), trung bình các tổ chức tài chính lớn trên thế giới tiêu tốn khoảng 60 – 500 triệu USD mỗi năm để duy trì công việc này. Ngoài ra, KYC không chỉ tốn kém mà còn gây cảm giác khó chịu cho các khách hàng vì các thủ tục đi kèm (Walker, 2018). Trong khi đó, chỉ thị về rửa tiền của Liên minh châu Âu lần thứ 4 yêu cầu dữ liệu của khách hàng phải được theo dõi và cập nhật liên tục (Wolos, 2017). Nếu áp dụng blockchain để triển khai KYC sẽ đem lại hiệu quả đáng kể. Bởi lẽ với những trải nghiệm công nghệ tiên tiến, người dùng không phải thực hiện các bước thủ công như điền vào các bảng câu hỏi dài dòng khi mở tài khoản ngân hàng. Theo Lang (2017a), blockchain có thể cho phép các ngân hàng chia sẻ thông tin khách hàng trên toàn hệ thống của họ một cách an toàn và do đó đơn giản hóa quy trình quản trị bằng cách giảm trùng lặp thông tin và yêu cầu không cần thiết. Nếu một khách hàng đã có lịch sử giao dịch tại một ngân hàng bất kỳ, khi người này muốn mở tài khoản tại một ngân hàng khác thì danh tính của người này hoàn toàn có thể được xác minh nhanh chóng, điều này cho thấy blockchain giúp cắt giảm thời gian và sự trùng lặp thông tin (Marr, 2017). Hồ sơ pháp lý của khách hàng mở tài khoản được chia sẻ thông qua blockchain tạo ra một bản ghi KYC duy nhất, không thể chỉnh sửa được, điều này giúp hạn chế việc giấu diếm những thông tin gây rủi ro cho ngân hàng. Vì vậy, gần đây, một số ngân hàng đã hoàn thành thử nghiệm ứng dụng KYC trên nền tảng blockchain R3 (Partz, 2018b). Một ngân hàng lớn của Ba Lan, PKO BP bắt đầu sử dụng hệ thống quản lý tài liệu dựa trên blockchain vào đầu năm 2018 (Biggs, 2018). Theo Luu (2017), việc hoàn thiện và nâng cấp quy trình KYC ngày nay càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết nhằm hạn chế hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố thông qua hệ thống tiền điện tử. 182 -
  6. 3.2. Cải thiện tốc độ thanh toán Việc sử dụng công nghệ blockchain giúp các ngân hàng tăng tốc thời gian thanh toán bằng cách cho phép các cá nhân và tổ chức giao dịch trực tiếp, các giao dịch được ghi lại trên cùng một sổ cái, và thông tin giao dịch được cập nhật thông qua sự đồng thuận và không thể thay đổi thông qua mật mã. Theo nghiên cứu của Tapscott (2016), thời gian xử lý các giao dịch có thể được cắt giảm xuống còn vài phút hoặc vài giây thông qua công nghệ blockchain, đồng thời các giao dịch ngân hàng có thể được giải quyết 24/7. Điểm mạnh nền tảng blockchain là giao dịch dựa trên thời gian thực, việc giao dịch ngoại hối không bị chi phối bởi những quy định của ngân hàng địa phương, dẫn tới sự chậm trễ như phương thức giao dịch truyền thống (Lowry, 2017). Như vậy, có thể thấy blockchain giúp tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả tiếp cận nguồn vốn mà vẫn đảm bảo tính an toàn. SWIFT GPI (Global Payments Innovation Initiative – Sáng kiến đổi mới thanh toán toàn cầu) của tổ chức thanh toán quốc tế SWIFT là giải pháp công nghệ mới trong hoạt động thanh toán qua biên giới giữa các ngân hàng thông qua điện toán đám mây. SWIFT khẳng định rằng 50% các giao dịch thông qua phương thức này được thực hiện trong vòng 30 phút, và hầu hết các giao dịch được hoàn tất trong 24 giờ (Wass, 2018). Trong khi đó, những công ty như Ripple đang xây dựng và hoàn thiện phương thức thanh toán xuyên biên giới với thời gian giao dịch trong vài giây dựa trên blockchain. Nhận thấy được ưu điểm vượt trội này, một số các ngân hàng châu Á đang triển khai ứng dụng nền tảng blockchain giúp tăng tốc độ các giao dịch nội bộ (Satija và Antony,2018). Trong đó không thể không nhắc tới Misubishi UFJ (ngân hàng lớn nhất Nhật Bản và đứng thứ năm thế giới) kết hợp với công ty tài chính công nghệ Akamai (Mỹ) hứa hẹn cho ra mắt mạng mở toàn cầu – có khả năng xử lý hơn 10 triệu giao dịch mỗi giây với dung lượng cao vào cuối năm 2021 (Asia Times, 2018). Công nghệ này là sự tích hợp của Internet vạn vật (IoT), nền tảng điện toán đám mây và công nghệ blockchain. Ngân hàng Standard Chartered sử dụng Ripple, một nền tảng blockchain cấp doanh nghiệp, để thực hiện giao dịch xuyên biên giới đầu tiên của mình, nền tảng mất 10 giây để hoàn tất quy trình thanh toán, trong khi hệ thống hiện tại của ngân hàng mất 2 ngày để hoàn thành. Ngân hàng trung ương Nam Phi đã sử dụng công nghệ blockchain để giải quyết 70.000 giao dịch thanh toán hàng ngày của quốc gia này trong vòng hai giờ (tốc độ giải quyết trung bình là 1-2 giây cho mỗi giao dịch) trong khi vẫn bảo toàn tính ẩn danh (Zhao, 2018a). Tuy nhiên, không phải tất cả các nghiên cứu đều đồng ý rằng blockchain sẽ là giải pháp cho việc cải thiện tốc độ giao dịch. Điển hình là nhận định Marr (2018) nhấn mạnh rằng bản chất phức tạp, dựa trên mã hóa và phân tán của các giao dịch blockchain có thể mất một lượng thời gian đáng kể để xử lý khi so sánh với các hệ thống thanh toán truyền thống và do đó đòi hỏi nhiều tiến bộ hơn trong kỹ thuật và tốc độ xử lý. - 183
  7. 3.3. Tăng tính bảo mật và ngừa gian lận Có thể nói bảo mật là điều tối quan trọng đối với ngành ngân hàng. Như Tapscott (2017) đã nêu, 45% các tổ chức trung gian tài chính đang phải đối mặt với tội phạm kinh tế. Do đó, việc áp dụng blockchain để tăng thêm tính an toàn là một thành phần quan trọng của mô hình ngân hàng kỹ thuật số trong tương lai (Maiya, 2018). Sở dĩ blockchain có thể nâng cao tính bảo mật cho dữ liệu ngân hàng vì thông tin lịch sử được ghi chép trong sổ cái không thể bị sửa đổi và thông tin mới được thêm vào trong thời gian thực, được quản lý phi tập trung do đó gây khó khăn cho việc thao tác dữ liệu (Garcia, 2018b; Harsono 2018). Patel (2018) chỉ ra, bất kỳ thay đổi nào đối với dữ liệu trong một khối đều có thể được theo dõi và giám sát để ngăn chặn gian lận, lạm dụng và quan trọng hơn là công nghệ blockchain cho phép giao dịch theo thời gian thực và cập nhật về các gian lận tiềm năng. Dữ liệu của khách hàng được lưu trữ trên nền tảng blockchain chỉ có thể được truy cập bởi những mã nguồn tin cậy, ngoài ra khả năng bảo mật dữ liệu còn được thể hiện thông qua quá trình mã hoá (Patel, 2018). Ngoài ra, chế độ bảo mật của blockchain còn được kích hoạt thông qua “cơ sở hạ tầng khóa công khai” và bằng cách duy trì kích thước của một sổ cái (Schou-Zibell và Phair, 2018). Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, tầm quan trọng của quản trị rủi ro và phát triển năng lực quản lý rủi ro được đề cao hơn bao giờ hết. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua liên quan tới các khoản vay dưới chuẩn, việc áp dụng blockchain trong ngân hàng có thể giúp giảm rủi ro tín dụng. Thật vậy, cơ quan đăng ký nợ toàn cầu ( đang đánh giá việc sử dụng các blockchains để đảm bảo tính toàn vẹn của tài sản cho vay và bảo vệ tài sản cầm cố trên mạng khỏi các lỗ hổng công nghệ (Moore, 2018 ). Tài sản có thể được đặt trên sổ cái phi tập trung sẽ tạo ra một bản ghi bất biến của mỗi tài sản, cho phép tất cả những người tham gia trong hệ sinh thái cho vay tin tưởng và chắc chắn rằng họ đang xem cùng một dữ liệu cho vay (Moore, 2018; Tapscott, 2016). Ngoài ra, giảm gian lận là hình thức bảo mật nâng cao khác có thể tìm kiếm từ công nghệ blockchain. Risk.net (2017) đã công nhận gian lận là một trong những rủi ro hoạt động hàng đầu của ngân hàng trong năm 2017. Bản chất tập trung của các hệ thống ngân hàng truyền thống khiến nó dễ bị tấn công bởi tin tặc, còn blockchain ít bị gian lận hơn vì mỗi khối dữ liệu chứa một dấu thời gian và giữa các lô giao dịch riêng lẻ có liên kết đến khối trước đó ( Marr, 2017). English (2018) lưu ý rằng mặc dù blockchain không miễn nhiễm với tất cả các dạng rủi ro mạng, nhưng cấu trúc độc đáo của nó cung cấp khả năng bảo mật chưa từng có trong các công nghệ trước đây. Điều này là do bản chất phân tán và sức mạnh tính toán cần thiết để thực hiện các thay đổi gần như không thể. Trên thực tế, việc thay đổi blockchain yêu cầu quyền kiểm soát hơn 51% máy tính trong cùng một sổ cái phân tán và 184 -
  8. thay đổi tất cả các bản ghi giao dịch trong vòng 10 phút đối với Bitcoin (Schou-Zibell và Phair, 2018). Có thể kể một số ví dụ về áp dụng blockchain trong phòng ngừa gian lận như Emirates Muslim – ngân hàng Hồi giáo đầu tiên của UAE áp dụng công nghệ blockchain để phát hành sổ séc mới nhằm ngăn chặn gian lận (Lyon, 2017), Ngân hàng Thái Lan cũng đang coi blockchain là một phương tiện giảm gian lận (Yakubowski, 2018). Hoặc như thời gian gần đây xuất hiện những bê bối dữ liệu của các công ty công nghệ lớn như Facebook đã dấy lên những lo ngại về bảo mật quyền riêng tư, blockchain có thể hỗ trợ quá trình này vì dữ liệu chỉ có thể được chia sẻ hoặc bán khi có sự đồng ý của cá nhân (Garcia, 2018a). 3.4. Giảm chi phí Đầu tiên, tính xác thực về tính an toàn và bảo mật của blockchain giúp ngân hàng cắt giảm các chi phí trực tiếp và gián tiếp trong việc ngăn ngừa tội phạm công nghệ. Tiếp đó, khả năng chia sẻ thông tin công khai giữa các ngân hàng thông qua hệ thống blockchain cũng sẽ giảm đáng kể chi phí hành chính cho các bộ phận liên quan (Marr, 2017). Phương thức thanh toán điểm tới điểm (point to point payment) được thực hiện bằng công nghệ blockchain loại bỏ liên kết trung gian của các tổ chức tài chính, giúp cải thiện đáng kể hiệu quả dịch vụ và giảm chi phí giao dịch của các ngân hàng. Điều này cho phép các ngân hàng đáp ứng các yêu cầu về dịch vụ thanh toán bù trừ nhanh chóng và thuận tiện cho các hoạt động thương mại xuyên biên giới. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ ước tính giảm chi phí từ 15-20 tỷ USD vào năm 2022 thông qua việc sử dụng blockchain cho các giao dịch liên ngân hàng (Richter, 2018). McKinsey (2016) đã đưa ra một ước tính cho thấy rằng chi phí của mỗi giao dịch trong kinh doanh xuyên biên giới có thể giảm đáng kể do việc áp dụng blockchain, chi tiết được biểu hiện trong hình dưới. $8 $3 $26 $15 Phí ngân Chi phí hiện tại Chi phí hoạt Chi phí của hàng trung của mỗi giao dịch động mỗi giao dịch gian sử dụng blockchain Hình 1. Chi phí ứng dụng blockchain vào thanh toán xuyên biên giới Nguồn: McKinsey, blockchain disrupting the rules of the banking industry, 2016 - 185
  9. 3.5. Hợp đồng thông minh Hợp đồng thông minh (Smart Contract) là một thuật ngữ mô tả một bộ giao thức đặc biệt có khả năng tự động thực hiện các điều khoản, các thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng (ở trường hợp này là các hệ thống máy tính) nhờ sự hỗ trợ của công nghệ blockchain. Toàn bộ hoạt động của hợp đồng thông minh được thực hiện một cách tự động và không có sự can thiệp từ bên ngoài, hay thông qua một bên thứ ba trung gian. Những giao dịch được thực hiện bằng các hợp đồng thông minh rất minh bạch, có thể dễ dàng truy xuất được và không thể bị can thiệp hoặc đảo chiều. Các điều khoản trong hợp đồng thông minh tương đương với một hợp đồng có pháp lý và được ghi lại dưới ngôn ngữ của lập trình. Điểm nổi bật nhất của hợp đồng thông minh là cho phép hai bên tham gia thực hiện hợp đồng một cách chính xác, an toàn và nhanh chóng mà không cần các bên biết nhau từ trước, cũng không cần phải gặp trực tiếp để có thể làm việc với nhau, hay một bên trung gian thứ ba mà chỉ cần có kết nối Internet. Bitcoin đã đặt ra những nền tảng cơ bản cho việc thiết lập hợp đồng thông minh trên blockchain hay gọi tắt là “Smart Contract Blockchain”. Tuy nhiên, nó vẫn chưa thể thỏa mãn mọi yêu cầu về hợp đồng thông minh. Chỉ đến khi Ethereum và Smart Contract Ethereum xuất hiện thì ý tưởng hợp đồng thông minh mới được phổ biến đến cho mọi người dùng, cung cấp thêm một phương thức mới để thiết lập hợp đồng. Một hợp đồng giữa hai đối tác Vào ngày đến hạn hợp Cơ quan quản lý có thể theo dõi các được viết dưới dạng mã hoá trên đồng, hợp đồng tự thực thi hoạt động trên thị trường thông qua nền tảng blockchain. Các bên theo các điều khoản đã blockchain mà vẫn đảm bảo được liên quan ẩn danh nhưng hợp được lập trình quyền riêng tư của các bên tham gia. đồng là sổ cái công khai Hình 2. Quy trình cơ bản của các hợp đồng thông minh Nguồn: Institute of International Finance, 2016 186 -
  10. Báo cáo của Accenture Technology Vision (2018) cho thấy 60% tổng số giám đốc điều hành được khảo sát tin rằng blockchain và hợp đồng thông minh sẽ rất quan trọng trong ba thập kỷ tới. Commonwealth Bank of Australia đã khai thác các hợp đồng thông minh với công nghệ blockchain để giám sát và theo dõi lô hàng 17 tấn hạnh nhân (Mittal, 2018). Tuy nhiên, như Sarnitz và Maier (2017) lập luận, các hợp đồng thông minh có thể làm cho vai trò của các ngân hàng trong việc quản lý hợp đồng trở nên thừa thãi trong tương lai. 3.6. Tăng tính minh bạch cho các giao dịch Công nghệ blockchain cung cấp các phương tiện giúp cho toàn bộ quy trình của ngân hàng minh bạch và an toàn hơn vì các hồ sơ được khoá lại, sau đó cho phép người dùng truy cập vào toàn bộ dữ liệu lịch sử với khả năng chỉ cho phép các bên được ủy quyền truy cập vào sổ cái giao dịch được chia sẻ ( Hillsberg, 2018). Hơn nữa, tất cả các bên liên quan đều có thể truy cập và xem được bất kỳ sự thay đổi nào được thực hiện đối với các chuỗi khối công khai (Ho, 2016). Collomb và Sok (2016) khẳng định, công nghệ blockchain hứa hẹn tự động hóa báo cáo tài chính. 4. NHỮNG TRỞ NGẠI KHI ỨNG DỤNG BLOCKCHAIN TRONG LĨNH VỰC KINH DOANH NGÂN HÀNG 4.1. Tính khả thi Việc ứng dụng blockchain đã cho phép xây dựng nên một mạng lưới mà tất cả mọi người trong đó đều bình đẳng, và thông tin trên đó được phân phối về vô số máy tính khác nhau trên khắp thế giới. Tính phi tập trung đã mang lại cho xã hội một giá trị mới vượt trội so với giới ngân hàng và thể chế tài chính truyền thống, bởi nó đưa ra một góc nhìn mới về khái niệm an ninh và minh bạch. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ quản trị ngân hàng, các hoạt động cần được quản lý ở mức độ tập trung nhất định, nhằm giúp các nhà lãnh đạo có thể can thiệp kịp thời trong những tình huống phát sinh. Để đạt được sự phân quyền hoàn toàn là vô cùng khó khăn và thậm chí là không thể; do đó, điểm này cần được xem xét khi triển khai công nghệ chuỗi khối tại ngân hàng. Rất nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính và các công ty công nghệ hàng đầu đã hợp tác tạo ra một công ty công nghệ blockchain đa tập trung lớn nhất thế giới, R3. Đây hiện là mô hình triển vọng nhất trong ngành ngân hàng. Theo Chang và Han (2016), còn quá sớm để blockchain thay thế hoàn toàn phương thức giao dịch và quản lý của hệ thống tài chính hiện tại. Do đó, kịch bản “đa trung tâm, trung gian yếu” có khả năng xuất hiện. - 187
  11. 4.2. Tính hiệu quả Hiệu quả của các giao dịch đơn lẻ bị ảnh hưởng bởi công nghệ và mức độ tập trung hóa. Khi giao dịch và thanh toán bù trừ diễn ra đồng thời, mỗi giao dịch sẽ cần được xác minh bởi tất cả các nút trong toàn bộ mạng, điều này làm giảm tốc độ giao dịch. Nếu các nút trong chuỗi blockchain tăng lên thì tốc độ xử lý sẽ càng chậm lại. Tốc độ giao dịch của bitcoin bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự phân quyền của nó. Đối với các chuỗi khối doanh nghiệp (Consortium blockchain – một dạng thức blockchain giống như công ty R3 phát triển đã được đề cập ở phần trên), phù hợp hơn với ngành ngân hàng, mức độ phân cấp thấp hơn có nghĩa là giảm tốc độ không quá đáng kể. Các thử nghiệm hiện tại đã chỉ ra rằng giao dịch xuyên biên giới chỉ cần ít hơn 10 giây. Bảng 2. So sánh các loại blockchain Chuỗi khối Chuỗi khối doanh Chuỗi khối riêng tư công khai (Public nghiệp (Consortium (private blockchains) blockchains) blockchains) Mức độ tập trung Phi tập trung Đa tập trung Phi tập trung Thành phần tham gia Bất kỳ ai Một nhóm người Kiểm soát viên quyết cụ thể được đồng ý định các thành phần tham gia tham gia Quyền sở hữu Không ai Nhiều tổ chức Một tổ chức duy nhất Người tham gia có Không Có Có bị tiết lộ danh tính? Tốc độ giao dịch Chậm Nhanh Nhanh Nguồn: academy.binance.com 4.3. Chi phí và yêu cầu tiêu chuẩn hoá Việc phát triển một hệ blockchain đòi hỏi một khoản đầu tư lớn và nếu ngành ngân hàng muốn tận dụng tối đa hệ thống, thì nó nên được tiêu chuẩn hóa giữa các ngân hàng (Walker, 2018). Cụ thể như để thông tin KYC được chia sẻ hữu ích trong toàn hệ thống ngân hàng, cần xây dựng chính sách chung về nhận dạng và xác minh khách hàng (Walker, 2018). Mỗi giao dịch bitcoin tốn khoảng 0,20 USD và chỉ có thể lưu trữ 80 byte dữ liệu (Bauerle, 2018). Việc thiếu các tiêu chuẩn chung của hệ thống ngân hàng sẽ là trở ngại lớn đối với việc áp dụng và phát triển blockchain trong lĩnh vực này (Schou-Zibell và Phair, 2018). Một mối quan tâm khác là chi phí năng lượng cần thiết để cung cấp năng lượng cho các thuật toán blockchain. Nếu lấy bitcoin làm ví dụ, Galeon (2017) đã chỉ ra rằng năng lượng cần thiết để khai thác bitcoin tương đương với nhiều năng lượng hơn những gì 159 quốc gia tiêu thụ trong một năm. 188 -
  12. Bên cạnh đó, chi phí lưu trữ cũng là mối quan tâm khi áp dụng công nghệ blockchain trong ngân hàng với ước tính rằng chi phí lưu trữ dài hạn trên mỗi gigabyte cho một nút bitcoin sẽ vượt quá 22 triệu USD hoặc hơn (Bloomberg, 2018). Ngoài ra, các ngân hàng cũng lo ngại blockchain sẽ làm mất đi của họ nguồn thu khổng lồ từ dịch vụ trung gian thanh toán. Điều này là do khi thanh toán trên nền tảng blockchain thì không cần một bên thứ ba làm trung gian, đây là công việc truyền thống của ngân hàng (Marr, 2018). Tuy nhiên, để hỗ trợ việc áp dụng rộng rãi blockchain, các dịch vụ xác thực danh tính điện tử sẽ rất quan trọng, do đó, các ngân hàng vẫn có thể đóng vai trò quan trọng như một tổ chức đáng tin cậy (Buitenhek, 2016). Do đó, câu hỏi vẫn là liệu việc giảm chi phí từ việc áp dụng công nghệ blockchain trên thực tế có thể lớn hơn chi phí vận hành cũ hay không? 4.4. Vấn đề mở rộng của blockchain Hiện tại, tất cả các giao thức đồng thuận của blockchain (như của Bitcoin, Ethereum, Ripple, Tendermint) đều có một hạn chế đầy thách thức: mọi nút đầy đủ trong mạng phải xử lý mọi giao dịch. Blockchain có một đặc điểm quan trọng đó là tính phân tán, có nghĩa là mọi nút đơn trên mạng xử lý mọi giao dịch và duy trì một bản sao của toàn bộ trạng thái. Các cơ chế đồng thuận cung cấp một số lợi ích quan trọng, chẳng hạn như khả năng chịu lỗi, bảo mật, tính trung lập và tính xác thực, nhưng nó phải trả giá bằng khả năng mở rộng. Số lượng giao dịch mà blockchain có thể xử lý không bao giờ có thể vượt quá số lượng nút tham gia vào mạng. Trên thực tế, blockchain thực sự trở nên yếu hơn khi có nhiều nút được thêm vào mạng, độ trễ giữa các nút tăng khi mỗi nút thêm vào mạng. Nói cách khác, khi kích thước của blockchain tăng lên, các yêu cầu về lưu trữ, băng thông và sức mạnh tính toán được yêu cầu khi tham gia đầy đủ vào mạng sẽ tăng lên. Tại một số điểm, nó trở nên khó sử dụng đến mức nó chỉ khả thi đối cho một vài nút xử lý một block – dẫn đến nguy cơ tập trung hóa. Ngân hàng Trung ương Hà Lan cho rằng công nghệ sổ cái phân tán không phù hợp với cơ sở hạ tầng thanh toán tài chính hiện có do các hạn chế về khả năng mở rộng đối với khối lượng giao dịch lớn (Zhao, 2018b). 4.5. Cơ chế kiểm duyệt thông tin Bản chất bất biến của các hệ thống blockchain là sự đảm bảo cho tính xác thực của nó. Có nghĩa là, một khi một phần thông tin đi vào hệ thống, nó không thể được sửa đổi. Điều này giúp loại bỏ các vấn đề gian lận, nhưng cũng ngụ ý rằng việc kiểm tra sơ bộ thông tin cần phải thận trọng hơn. Do đó, các cơ chế truy cập, kiểm duyệt dữ liệu đòi hỏi độ chính xác cao ngay từ ban đầu và dữ liệu trên mỗi nút cần được xem xét để đảm bảo rằng không có các hành vi gian lận. Khi một giao dịch được bắt đầu, nó không thể được hoàn nguyên. Do đó, tính xác thực và độ tin cậy của nó cần phải được xác minh kỹ lương ngay từ ban đầu để tránh những tổn thất xảy ra. Thực tế này yêu cầu các ngân hàng phải xây dựng lại quy trình nghiệp vụ cho phù hợp. - 189
  13. 4.6. Quy định tại mỗi quốc gia Ứng dụng trên diện rộng một công nghệ mới cần được quản lý bởi quy định cụ thể của cơ quan chức năng. Việc ban hành các quy định quản lý blockchain vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng có thể phân biệt giữa hai loại phương pháp mà các nhà quản lý trên thế giới đang áp dụng: chào đón và thận trọng. Việc thiếu một khuôn khổ quốc tế khiến Chính phủ các quốc gia đưa ra quyết định và chính sách của riêng họ. Cụ thể, các trường hợp ở Mỹ, EU và Trung Quốc sẽ được phân tích sau đây. Đối với Hoa Kỳ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) và Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) thừa nhận rằng Chính phủ cần xem xét thực tế việc triển khai blockchain liên quan đến một số lĩnh vực (không chỉ tài chính, mà còn cả sức khỏe, truyền thông, ). Do đó, các cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ đã áp dụng cách tiếp cận “quy định trước, kinh doanh sau”, trong đó, các cơ quan quản lý có xu hướng hạn chế số lượng các lĩnh vực ứng dụng tiềm năng của công nghệ blockchain. Trong khi đó, EU tiếp cận công nghệ blockchain với mục tiêu biến Châu Âu thành điểm đến phát triển blockchain và mặt khác, yêu cầu các nền tảng tiền điện tử phải tiến hành các chính sách thẩm định đúng mức và báo cáo bất kỳ giao dịch đáng ngờ nào (Uỷ ban Châu Âu, 2018). Vì lý do này, 23 quốc gia Châu Âu đã ký tuyên bố về việc thiết lập đối tác blockchain châu Âu, đây sẽ là phương tiện hợp tác giữa các quốc gia thành viên để trao đổi kinh nghiệm và kiến thức trong các lĩnh vực kỹ thuật và chuẩn bị cho việc EU ra mắt các ứng dụng blockchain. Vào tháng 2 năm 2018, Ủy ban Châu Âu cũng đã ra mắt diễn đàn và đài quan sát blockchain của EU với số vốn đầu tư hơn 80 triệu EUR. Pháp đã thực hiện một cách tiếp cận ủng hộ tiền điện tử mạnh mẽ, trong đó nền tảng Numerama được cho là cung cấp cơ hội tài chính mới cho các công ty khởi nghiệp Pháp và đất nước này “sẽ không bỏ lỡ cuộc cách mạng blockchain”. Mặt khác, Trung Quốc từng được coi là nơi ẩn náu quốc tế về tiền điện tử và áp dụng cách tiếp cận “kinh doanh trước, quy định sau”, thì động thái này đã thay đổi vào năm 2017, khi ngân hàng Trung Quốc cấm cung cấp tiền xu ban đầu (ICO). Tiếp đó, đầu năm 2021, nước này cũng ban hành lệnh cấm đào bitcoin. Tóm lại, quốc gia này bắt đầu điều tiết blockchain theo cách hạn chế hơn kể từ năm 2017, khi hiện tượng tiền điện tử bùng nổ. Dường như có hai trở ngại lớn đối với quy định và áp dụng blockchain: Thứ nhất, thiếu sự đồng thuận toàn cầu về công nghệ mới này, điều này đã thúc đẩy mỗi quốc gia áp dụng các quy tắc quốc gia cụ thể và các quy tắc này thường khác nhau giữa các quốc gia; thứ hai, sự thiếu thống nhất giữa các cơ quan quản lý và các chuyên gia trong ngành. Do đó, ứng dụng blockchain vào lĩnh vực ngân hàng sẽ gặp trở ngại ở những quốc gia còn e dè với công nghệ này. 190 -
  14. 5. HÀM Ý NHẰM TỐI ƯU HOÁ VIỆC ỨNG DỤNG BLOCKCHAIN TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH NGÂN HÀNG Từ những phân tích ở trên, việc ứng dụng và khai thác công nghệ blockchain trong lĩnh vực kinh doanh ngân hàng trên toàn cầu đặt ra một số vấn đề cần giải quyết như sau: Thứ nhất, cần lựa chọn, sử dụng công nghệ blockchain thế hệ mới “đa tập trung” vào lĩnh vực ngân hàng thay vì blockchain thế hệ đầu. Thật vậy, giữa đặc thù kinh doanh ngân hàng và tính phi tập trung của công nghệ blockchain nguyên bản có mâu thuẫn nhất định. Bởi lẽ tất cả các thông tin, dữ liệu được phân quyền hoàn toàn sẽ gây khó khăn cho các nhà quản trị ngân hàng quản lý rủi ro. Hơn nữa, với cách thức phân quyền đa tập trung, tốc độ giao dịch sẽ ít bị ảnh hưởng hơn. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và phát triển công nghệ blockchain “đa tập trung, trung gian yếu” như R3 là cần thiết. Thứ hai, cần phải có sự đồng nhất trong việc áp dụng công nghệ blockchain trong toàn hệ thống ngân hàng. Ví dụ điển hình từ hoạt động thanh toán, các bên liên quan là khách hàng thuộc các ngân hàng khác nhau, có phương thức ứng dụng công nghệ số khác nhau. Nếu một bên không sử dụng nền tảng blockchain thì chắc chắn việc thanh toán bị gián đoạn. Do đó, đòi hỏi các ngân hàng phải cùng đồng thuận tham gia vào mạng lưới này. Thứ ba, xây dựng quy trình hoàn chỉnh khi áp dụng công nghệ blockchain. Việc áp dụng blockchain sẽ làm thay đổi vai trò của ngân hàng trong một số nghiệp vụ. Do đó, việc xây dựng lại quy trình nghiệp vụ là cần thiết để phù hợp với công nghệ mới và phù hợp với các đối tác kinh doanh. Thứ tư, việc đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ là vấn đề cần trú trọng ở mỗi ngân hàng. Thứ năm, Chính phủ các nước cần quan tâm khai thác các nguồn năng lượng sạch (năng lượng mặt trời, gió, ) nhằm đáp ứng đủ mức tiêu hao năng lượng khi nhiều lĩnh vực kinh tế có nhu cầu áp dụng blockchain. Thứ sáu, cần có sự đồng thuận trong thông lệ quốc tế về việc ứng dụng blockchain. Hiện nay, quan điểm và cách tiếp cận blockchain ở mỗi quốc gia khác nhau tạo hàng rào ngăn cản sự phát triển công nghệ này. 6. KẾT LUẬN Blockchain không chỉ tạo ra cơ hội mà còn đe dọa một số mô hình kinh doanh truyền thống của ngân hàng với vai trò là trung gian thanh toán. Đối với một số người, blockchain cũng mang tính cách mạng như internet, trong khi đối với những người khác, nó bị thổi phồng quá mức (Caplen, 2018). Bài tham luận đã tổng kết những cơ hội và thách thức ngành ngân hàng có thể gặp phải khi ứng dụng công nghệ blockchain với hy vọng nền tảng này sẽ thực sự phát huy hết tiềm năng khi phục vụ trong lĩnh vực tài chính. - 191
  15. Bài tham luận chỉ ra những cải tiến đối với quy trình KYC, tốc độ giao dịch và bảo mật cũng như giảm chi phí, hợp đồng thông minh, tính minh bạch và tiềm năng tăng số lượng giao dịch mà một ngân hàng có thể xử lý là những cơ hội quan trọng. Ngược lại, tác giả cũng nhận thấy tính khả thi, tính hiệu quả, chi phí thiết lập và vận hành, yêu cầu tiêu chuẩn hóa, luật pháp và quy định, và khả năng mở rộng là những thách thức chính mà các ngân hàng phải đối mặt xem xét việc áp dụng công nghệ blockchain. Mặc dù phần lớn những thách thức này có thể được khắc phục thông qua nghiên cứu và phát triển sâu rộng, nhưng việc thiếu sự quan tâm dựa trên nghiên cứu hàn lâm trong lĩnh vực chủ đề này là điều đáng quan tâm. Bài tham luận này có thể coi là một phương tiện giúp các học giả, nhà nghiên cứu và chủ ngân hàng nghiên cứu sâu hơn về chủ đề này trước khi áp dụng blockchain vào thực tiễn. TÀI LIỆU THAM KHẢO Bech, M. & Garratt, R. (2017). Central bank cryptocurrencies. BIS Quarterly Review, 55. Beck, R. (2018). Beyond Bitcoin: The Rise of Blockchain World. Computer, 51(2), 54-58. Caplen, B. (2018). Blockchain: where it works, where it doesn't. Comment-Profiles/Editor-s-Blog/Blockchain-where-it-works-where-it-doesn-t Chen, J. & Xue, Y. (2017). Bootstrapping a blockchain based ecosystem for big data exchange. IEEE International Congress, 460-463. Cocco, L., Pinna, A., & Marchesi, M. (2017). Banking on Blockchain: Costs Savings Thanks to the Blockchain Technology. Future Internet, 9(3), 1-20. Cook, J. (2018a). Is the Future of Finance in Blockchain Banking? future-of-finance-in-blockchain-banking/ English, E. (2018). Can Blockchain Help Reduce the Financial Industrys Cyber Risk? https:// www.brinknews.com/can-blockchain-help-reduce-the-financial-industrys-cyber-risk/ Ho, F. (2016). What Blockchain Actually Means For The Future Of Banking. today/what-blockchain-actually-means-for-the-future-of-banking-4dd868d020cf Lang, J. (2017a). Three uses for blockchain in banking. https: //www.ibm.com/blogs/ blockchain/2017/10/three-uses-for-blockchain-in-banking/ Lang, J. (2017b). Building the future of financial services with IBM Blockchain at Sibos. blockchain-sibos/ Maiya, R. (2017). How to be a truly digital bank. Journal of Digital Banking, 1(4), 338-348. Patel, B. (2018). How can Blockchain Help with AML KYC. finextra.com/ blogposting/15022/how-can-blockchain-help-with-aml-kyc. Risk.net (2017). Top 10 operational risks for 2017. risk-management/ operational-risk/2480528/top-10-operational-risks-for-2017 192 -
  16. Swan, M. (2015). Blockchain: Blueprint for a new economy. O’Reilly Media, USA. Tapscott, A. & Tapscott, D. (2017). How blockchain is changing finance. Harvard Business Review, 1. Wass, S. (2018). Swift speeds up cross-border payments, without blockchain. com/news/global/swift-speeds-up-global-payments-still-without-blockchain/ Zhao, W. (2018a). South Africa’s Central Bank Claims Success in Blockchain Payment Trial. payment-trial/ - 193