Vai trò chính phủ trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện

pdf 15 trang Gia Huy 3440
Bạn đang xem tài liệu "Vai trò chính phủ trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfvai_tro_chinh_phu_trong_viec_thuc_day_tai_chinh_toan_dien.pdf

Nội dung text: Vai trò chính phủ trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện

  1. VAI TRÒ CHÍNH PHỦ TRONG VIỆC THÚC ĐẨY TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN PGS. TS. Hoàng Thị Thúy Nguyệt Học viện Tài chính Đặt vấn đề Ngày nay, tài chính toàn diện nhận được sự quan tâm của các Chính phủ trên phạm vi toàn cầu. Hiện đã có 55 nước đưa ra cam kết về thực thi tài chính toàn diện, hơn 30 nước ban hành hoặc đang xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Liên Hợp Quốc đều coi tài chính toàn diện là một trong những trụ cột quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định tài chính, giảm bất bình đẳng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Nhiều tài liệu thực nghiệm về tài chính và phát triển cũng cho thấy các quốc gia thúc đẩy tài chính toàn diện sẽ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và giảm nghèo bền vững hơn. Tìm hiểu, phân tích một số quan niệm về tài chính toàn diện, tầm quan trọng của tài chính toàn diện và lập luận vai trò Chính phủ thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện là mục tiêu của bài viết này. Từ khóa: Tài chính toàn diện, phát triển tài chính toàn diện, vai trò Chính phủ. 1. Các quan niệm về tài chính toàn diện: Quan niệm về tài chính toàn diện (Financial inclusion) được các học giả nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Theo nghiên cứu lý thuyết, tài chính toàn diện đề cập tới một trạng thái của nền kinh tế khi tất cả những người trưởng thành trong độ tuổi lao động đều có khả năng tiếp cận một cách thuận tiện đến các khoản tín dụng, tiết kiệm, thanh toán, và bảo hiểm từ các nhà cung cấp dịch vụ chính thức với chi phí hợp lý (Leyshon và Thrift 1995). Nói cách khác, theo Sinclair (2001) khi bảo đảm được tài chính toàn diện cũng cũng có nghĩa là giảm thiểu mức độ loại trừ tài chính (financial exclusion). Loại trừ tài chính đó là sự bất lực của một số nhóm người trong xã hội trong việc truy cập hệ thống tài chính chính thức, điều này xảy ra có thể xuất phát từ quyền truy cập, điều kiện truy cập, giá cả, marketing (Carbo, Gardener, and Molyneux 2005). Trên thực tế, nhiều nước thường tham chiếu khái niệm tài chính toàn diện được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Liên Hợp Quốc sử dụng khi xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển tài chính toàn diện quốc gia. Theo Ngân hàng Thế giới: Tài chính toàn diện là việc các cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ tài chính hữu ích với giá cả phải chăng, đáp ứng được các nhu cầu của họ bao gồm: chuyển tiền, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm - được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững (Worldbank 2017). Liên Hợp Quốc, một tổ chức đi đầu trong việc chống đói nghèo lại nhấn mạnh tài chính toàn diện là cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý cho người dân nhất là người nghèo. Các dịch vụ tài chính cơ bản bao gồm tiết kiệm, tín dụng ngắn hạn và dài hạn, thanh toán, thế chấp, bảo hiểm, trợ cấp, chuyển tiền trong nước và quốc tế (Bluebook, 2006). Trong khi đó, nhấn mạnh đến chất lượng sử dụng dịch vụ, Liên minh Tài chính Toàn diện (AFI) quan niệm tài chính toàn diện là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu của người sử dụng với với mức chi phí hợp lý, khuyến khích nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính thường xuyên với hệ thống tài chính chính thức. Như vậy, trên phương diện lý thuyết và thực tế vận hành, tài chính toàn diện được hiểu với hai khía cạnh đó là khả năng tiếp cận và sử dụng những dịch vụ tài chính cơ bản như thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm của người dân, doanh nghiệp từ hệ thống tài chính chính thức. 443
  2. 2. Tại sao tài chính toàn diện lại quan trọng? Tài chính toàn diện là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển tài chính chung. Về lý thuyết, phát triển hệ thống tài chính có vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nghiên cứu thực nghiệm cũng chỉ ra mối quan hệ quan trọng giữa phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế (Demetriades & Hussein, 1996; Eita & Jordaan, 2007; Vua & Levine, 1993; Spiegel, 2001). Phát triển tài chính cũng được chứng minh có tác dụng làm giảm tác động của những cú sốc bên ngoài đối với nền kinh tế trong nước (Beck, Lundberg và Majnoni, 2006; Raddatz, 2006). Xét trên bối cảnh rộng hơn, tài chính toàn diện đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua tạo giá trị cho các doanh nghiệp nhỏ, đem lại tác động lớn cho việc cải thiện các chỉ số phát triển con người - như y tế, dinh dưỡng, giáo dục - và đẩy lùi bất bình đẳng, nghèo đói (CIMP, 2011; Obstfield, 1994 và Ghali, 1999). Tài chính toàn diện thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế qua nhiều cách, trước hết bằng việc các tổ chức tài chính huy động các khoản tiền nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đây là cơ hội tốt để đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, mở rộng thị trường nhằm có được lợi nhuận cũng như khắc phục các cú sốc từ bên ngoài. Sự ra đời của những công cụ tài chính mới cũng có tác dụng thúc đẩy môi trường khởi nghiệp, mở rộng quy mô doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, từ đó tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với sự hỗ trợ của công nghệ tài chính (financial technology - fintech), các phương pháp thanh toán truyền thống bằng tiền mặt đối với các khoản thanh toán lương, trợ cấp phúc lợi xã hội, các hóa đơn dần thay thế bằng các công nghệ mới (ví dụ: qua điện thoại di động) sẽ giúp tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro đạo đức trong hoạt động tài chính - ngân hàng. Tài chính toàn diện cũng được coi là một trụ cột của giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện 7/17 mục tiêu về phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs) của Liên Hợp Quốc giai đoạn 2015-2030. Nhờ có tài chính toàn diện, người nghèo có cơ hội thoát khỏi thị trường tín dụng “chợ đen” và nâng cao hiểu biết về tài chính. Những người dân và doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa khi được tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức, họ sẽ được học hỏi để biết cách quản lý tài chính và hòa nhập cộng đồng tốt hơn, từ đó có thể tự thoát nghèo và không tái nghèo. 3. Vai trò Chính phủ trong thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện: Mặc dù, theo thời gian tài chính toàn diện có thể được mở rộng bởi khu vực tư nhân song vai trò Chính phủ thúc đẩy tiến trình này là hết sức quan trọng thể hiện ở các khía cạnh sau đây: Thứ nhất, tạo lập và phát triển khuôn khổ pháp lý minh bạch, đáng tin cậy Về lý thuyết, vai trò của Chính phủ trong thị trường tài chính là đóng góp cho sự phát triển của một hệ thống quản trị tài chính hiệu quả, bao gồm việc tổ chức một hệ thống thanh toán đáng tin cậy, cơ chế thanh toán bù trừ, quy trình, thủ tục kế toán được chuẩn hóa. Theo đó, Chính phủ cần kiến tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch, một bộ luật thống nhất làm cơ sở thực thi hiệu quả các hợp đồng tài chính và giải quyết vấn đề thông tin bất cân xứng. Kết quả thực nghiệm cũng cho thấy khối lượng tín dụng ngân hàng cao hơn đáng kể ở các quốc gia có nhiều hơn chia sẻ thông tin (Jappelli và Pagano, 2002; và Djankov, McLeish và Shleifer, 2007). Trong bối cảnh công nghệ tài chính không ngừng thay đổi, một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện thể hiện sự cam kết dài hạn của Chính phủ trong việc thúc đẩy thị trường tài chính sẽ định hướng doanh nghiệp đầu tư vào các dịch vụ tài chính đa dạng. Các dịch vụ thanh toán di động, bảo lãnh, bảo hiểm, tín dụng vi mô trong điều kiện ứng dụng điện toán đám mây, thiết bị di động, phân tích dữ liệu lớn và mạng xã hội cần ưu tiên phát triển trong kỷ nguyên công nghệ số. Tuy nhiên, các quy định một mặt cần cho phép các nhà sản xuất ứng dụng các công nghệ mới, mặt khác cũng cần chú trọng đến những điều khoản bảo đảm an toàn, giảm thiểu rủi ro đối với người sử dụng dịch vụ. Chính sách an ninh bắt buộc đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài 444
  3. chính số là rất cần thiết. Pháp luật cũng cần đối xử bình đẳng với các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính phi ngân hàng nếu các tổ chức này cung cấp những sản phẩm, dịch vụ tài chính tương tự nhau. Nói cách khác, quy định liên quan đến kiểm soát rủi ro cần dựa vào mức độ rủi ro của dịch vụ chứ không phải dựa vào ai là người cung cấp dịch vụ. Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, công nghệ Vai trò thứ hai của Chính phủ nằm ở việc giảm chi phí giao dịch trên thị trường tài chính, đặc biệt là chi phí thực thi hợp đồng tài chính. Bên cạnh hệ thống pháp lý minh bạch, Chính phủ có thể thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng tài chính bằng cách trực tiếp tài trợ hoặc khuyến khích đầu tư của khu vực để hỗ trợ mở rộng các dịch vụ tài chính đến khắp mọi miền đất nước. Cơ sở hạ tầng như vậy có thể bao gồm hệ thống thanh toán di động, mạng bán hàng hoặc đăng ký tín dụng nhằm tạo điều kiện cho việc sử dụng các công nghệ tiên tiến và khuyến khích sự gia nhập của các tổ chức tài chính phi truyền thống. Đầu tư thỏa đáng xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia với các dữ liệu đầy đủ, đáng tin cậy có khả năng cung cấp thông tin hữu ích cho người sử dụng. Những số liệu về mạng lưới giao dịch, hệ thống thanh toán, dịch vụ tín dụng, huy động vốn trên các địa bàn, số liệu khảo sát về nhu cầu người sử dụng dịch vụ sẽ giúp cho các bên tham gia thị trường tiết kiệm chi phí tìm kiếm thông tin, hạ giá thành sản phẩm, từ đó tăng khả năng tiếp cận của người nghèo, doanh nghiệp, người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần đầu tư thỏa đáng vào đào tạo và “giữ chân” những nhân sự có trình độ cao có khả năng vận hành và làm chủ hệ điều hành, cơ sở dữ liệu nhằm bảo đảm hệ thống vận hành thông suốt, bảo đảm an ninh quốc gia và an toàn tài chính. Thứ ba, khuyến khích phát triển các sản phẩm tài chính mới, hiện đại, chi phí thấp Để công nghệ thực sự góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, bên cạnh khuôn khổ pháp lý bảo vệ nhà sản xuất liên quan đến bản quyền và thực thi hợp đồng hiệu quả Chính phủ cần đảm bảo rằng chính sách thuế không cản trở sự đầu tư vào công nghệ. Sử dụng công cụ thuế và trợ cấp một cách linh hoạt hỗ trợ các nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm tài chính độc đáo, chi phí thấp phục vụ cho người dân, doanh nghiệp nhất là những người yếu thế, vùng sâu, vùng xa là rất cần thiết. Chính phủ cũng có thể khuyến khích phát triển tài chính toàn diện bằng cách thúc đẩy nền kinh tế theo hướng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt những khoản tiền lương, trợ cấp xã hội, bảo hiểm xã hội Thứ tư, tăng cường giáo dục nhằm thay đổi nhận thức của người dân về tài chính toàn diện Một trong những rào cản chính trong việc phát triển tài chính toàn diện đó là sự thiếu hiểu biết về sản phẩm, dịch vụ của những người dân và doanh nghiệp, điều đó làm trầm trọng hơn vấn đề thông tin bất cân xứng trên thị trường tài chính. Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới đã chỉ ra rằng nguyên nhân người dân thiếu tự tin, ngại tiếp cận các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty tài chính, các quỹ đầu tư là do thiếu kiến thức về các loại sản phẩm, dịch vụ. Đây chính là rào cản thúc đẩy họ tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ tài chính phi chính thức, tín dụng “đen”, cản trở sự phát triển tài chính toàn diện trong mỗi quốc gia. Do đó, một mặt các nhà cung cấp dịch vụ cần có cách thức tiếp thị phù hợp với năng lực của người tiêu dùng, mặt khác Chính phủ cần triển khai sớm các chương trình giáo dục về tài chính trong các trường học, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đào tạo kỹ năng và năng lực tài chính để họ có thể tiếp cận sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức và biết cách sử dụng, quản lý tài chính hiệu quả hơn. 4. Kết luận: Qua nghiên cứu các bài viết về vai trò Chính phủ đối với tài chính toàn diện, kết quả chỉ ra rằng, tài chính toàn diện được hiểu với hai khía cạnh chính đó là khả năng tiếp cận và và khả năng sử dụng những dịch vụ tài chính cơ bản từ hệ thống tài chính chính thức. Tài chính toàn diện là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển tài chính chung và có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Chính phủ có vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy tài chính toàn diện qua kiến tạo khuôn khổ pháp lý, xây dựng và thực thi 445
  4. chiến lược quốc gia; tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính, công nghệ; khuyến khích phát triển các sản phẩm tài chính mới, hiện đại, chi phí thấp và tăng cường giáo dục nhằm thay đổi nhận thức của người dân về tài chính toàn diện. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Thị Hòa (2017), Tổng quan về tài chính toàn diện, vai trò của công nghệ số trong thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam” 2. Phạm Thị Hồng Vân, Trần Thị Thu Hường, Vũ Thị Thanh Hà (2018), Kinh nghiệm phát triển tài chính toàn diện tại một số quốc gia trên thế giới, Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng số 193- Tháng 6/2018 3. Asli Demirgüç-Kunt (2008), Finance and Economic Development: The Role of Government. 4. Jong-Hee Kim (2016) A Study on the Effect of Financial Inclusion on the Relationship Between Income Inequality and Economic Growth, Emerging Markets Finance and Trade. 5. Balach Rasheed, Lee Chin, Siong-Hook Law, Muzafar Shah Habibullah (2016) The Role of Financial Inclusion in Financial Development: International Evidence 6. Otiwu Kingsley C;*Okere Peter A;Uzowuru Lawrence N;Ozuzu Pauline N (2018), Financial inclusion and economic growth of Nigeria 7. The world bank (2017), Global Findex Database 2017 : Measuring Financial Inclusion and the Fintech Revolution 446
  5. Chủ đề 4 KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN TÓM TẮT Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về triển khai tài chính toàn diện và rút ra các bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam. Kinh nghiệm của các quốc gia được giới thiệu chủ yếu gồm: Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Bangladesh, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung quốc, Indonesia, Australia, Malaysia. - Sử dụng chỉ số tài chính toàn diện (Index of financial inclusion - IFI) để đánh giá mức độ tài chính toàn diện của các nước trong đó có Việt Nam. - Phân tích các giải pháp triển khai tài chính toàn diện của các nước đặc biệt là Ấn Độ trong việc chuyển đổi tài chính phi tiền mặt và số hóa thanh toán điện tử. - Kinh nghiệm phát triển tài chính vi mô với giảm bất bình đẳng thu nhập của người dân. - Đánh giá các thành công và hạn chế trong triển khai tài chính toàn diện ở các quốc gia từ đó rút ra bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam. CÁC VẤN ĐỀ TRAO ĐỔI 1. Nghiên cứu 12 nước cho thấy Việt Nam có chỉ số tài chính toàn diện ở mức độ trung bình, giải pháp nào để có thể gia tăng chỉ số tài chính toàn diện đối với Việt Nam? 2. Ấn Độ đã có những chính sách toàn diện để chuyển đổi sang “Tài chính phi tiền mặt”, kinh nghiệm này có thể được áp dụng đối với Việt Nam? 3. Kết quả nghiên cứu các nước cho thấy phổ cập tài chính có ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc giảm bất bình đẳng về thu nhập, bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam trong sử dụng các giải pháp tài chính vi mô để giảm nghèo? 4. Kinh nghiệm của các quốc gia về ứng dụng Fintech (Financial Technology) và những thách thức đối với Việt Nam? 5. Kinh nghiệm giáo dục tài chính toàn diện của các nước và vấn đề thúc đẩy hoạt động giáo dục tài chính của Việt Nam? 6. Vai trò của tài chính toàn diện đối với các nước ASEAN và giải pháp phát triển tài chính toàn diện bền vững ở Việt Nam? 447
  6. CHỈ SỐ TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN VÀ KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN CỦA CÁC NƯỚC CHÂU Á TS. Trần Hùng Sơn, ThS. Nguyễn Thanh Liêm Trường Đại học Kinh tế - Luật Tóm tắt Mục tiêu của bài viết này nhằm đo lường chỉ số tài chính toàn diện (IFI)của một số quốc gia ở Châu Á. Kết quả tính toán cho thấy các quốc gia trong mẫu nghiên cứu có mức độ tài chính toàn diện – FI (thể hiện qua IFI) khác nhau. Nhìn chung, phần lớn các nước trong mẫu nghiên cứu có IFI ở mức trung bình (bao gồm cả Việt Nam), ngoại trừ Singapore và Malaysia có mức độ tài chính toàn diện cao nhất. Ngoài ra, mức độ FI của các quốc gia trong mẫu nhìn chung có sự cải thiện qua các năm và có mối liên hệ chặt chẽ với thu nhập của các quốc gia này. Bài viết cũng trình bày kinh nghiệm thúc đẩy FI của một số quốc gia Châu Á, các kinh nghiệm này sẽ là bài học cho việc phát triển FI tại Việt Nam. Từ khóa: Tài chính toàn diện, chỉ số tài chính toàn diện, kinh nghiệm, châu Á 1. Giới thiệu Trong những năm gần đây, phát triển một hệ thống tài chính toàn diện (inclusive financial system) - hệ thống tài chính phục vụ cho tất cả các thành viên trong xã hội trở thành một chính sách quan trọng của nhiều quốc gia, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi. Tài chính toàn diện (financial inclusion - FI) là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp, thuận tiện cho cá nhân (hộ gia đình) và doanh nghiệp. Nói cách khác, FI đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân có thể tiếp cận được thị trường tài chính chính thức từ đó sẽ góp phần thúc đẩy việc phân bổ và sử dụng nguồn lực có hiệu quả, từ đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo. FI tạo điều kiện cho các cá nhân tích lũy cho tương lai và có thể tạo ổn định tài chính cho quốc gia, do tỷ lệ tiền gửi ngân hàng cao sẽ giúp cho hệ thống ngân hàng ổn định trong thời kỳ khó khăn (Han và Melecky, 2013). Tại Việt Nam, kể từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã hợp tác cùng nhóm Ngân hàng Thế giới xây dựng một chiến lược quốc gia về FI. Với dân số lớn và tỉ lệ phổ cập tài chính thấp, Việt Nam nằm trong nhóm 25 nước ưu tiên tập trung các nỗ lực về FI trong sáng kiến Phổ cập tiếp cận tài chính (UFA) đến năm 2020. Mục tiêu của sáng kiến này là sẽ giúp cho những người hiện nay chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng được tiếp cận với hệ thống tài chính chính thức. Giúp người trưởng thành mở một tài khoản giao dịch là bước đầu tiến tới FI. Khi đó người dân có thể sử dụng các dịch vụ mà họ cần như tiết kiệm, thanh toán, vay vốn và mua bảo hiểm. Mang dịch vụ tài chính chính thức đến với hàng triệu người hiện chưa hoặc còn ít sử dụng dịch vụ tài chính sẽ giúp Việt Nam đạt được cả hai mục đích giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thành mục tiêu đã nêu trong Báo cáo Việt Nam 2035. Bằng phương pháp của Samar (2015), trong đó chủ yếu khai thác thông tin về các chỉ tiêu vi mô liên quan đến tài chính cá nhân và các chỉ tiêu vĩ mô, chúng tôi đo lường chỉ số FI của Việt Nam và một số quốc gia Châu Á. Các kết quả tính toán này cùng với nội dung trình bày kinh nghiệm phát triển FI của một số nước Châu Á sẽ cung cấp thông tin đầy đủ về thực trạng FI tại Việt Nam và các quốc gia này. 2. Phương pháp đo lường chỉ số tài chính toàn diện Cho đến nay chưa có một định nghĩa thống nhất về FI, tuy nhiên các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng FI là quá trình đảm bảo cho việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức của thành viên trong một nền kinh tế (Hannig và Jansen 2010; Khan, 2011 và Sarma, 2015). 448
  7. Theo Sarma (2015), chỉ số tài chính toàn diện (Index of financial inclusion - IFI) là một thước đo thể hiện tất cả các khía cạnh khác nhau của FI một quốc gia: Sự thâm nhập (penetration); Sự thuận tiện (availability) và mức độ sử dụng (usage). Việc sử dụng kết hợp các chỉ tiêu vi mô liên quan đến tài chính cá nhân và các chỉ tiêu vĩ mô để đo lường IFI sẽ phản ánh đầy đủ các khía cạnh khác nhau của FI. Giá trị IFI càng cao thì việc tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức của dân chúng càng cao. Theo đó, IFI được tính như sau: Trong đó: wi= tỷ trọng của thành phần thứ i, Ai = giá trị thực tế của thành phần thứ i Mi = giá trị cao nhất của thành phần thứ i mi = giá trị thấp nhất của thành phần thứ i Công thức (1) cần đảm bảo điều kiện . Giá trị IFI được tính như sau: Các thành phần tính chỉ số tài chính toàn diện Thành phần 1: Sự thâm nhập của hệ thống ngân hàng (Banking penetration): cho biết mức độ sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức của người dân, số lượng người sử dụng các dịch vụ ngân hàng càng nhiều thì khả năng tiếp cận tài chính càng cao. Chỉ tiêu được sử dụng để đo lường thành phần 1 là số lượng tài khoản ngân hàng trên 1.000 dân. Thành phần 1 này sẽ có trọng số là 1. Thành phần 2: Sự thuận tiện của các dịch vụ ngân hàng (Availability of banking services): cho biết mức độ sẵn có của các dịch vụ ngân hàng. Chỉ tiêu được sử dụng để đo lường thành phần 2 bao gồm: số lượng máy ATM và số lượng chi nhánh ngân hàng trên 100.000 dân. Chỉ số thành phần 2 này được tính từ 2 chỉ tiêu trên, trong đó tỷ trọng của chi nhánh ngân hàng là 2/3 và tỷ trọng của số lượng ATM là 1/3. Thành phần 2 này sẽ có trọng số là 0,5. Thành phần 3: Mức độ sử dụng (Usage): đo lường sự hữu dụng của hệ thống ngân hàng. Chỉ tiêu được sử dụng để đo lường thành phần 3 là tổng của tỷ lệ tiền gửi và cho vay của hệ thống ngân hàng trên GDP. Thành phần 3 này sẽ có trọng số là 0,5. Từ các thành phần tạo thành IFI trình bày trên, IFIk cho quốc gia k được tính theo công thức sau: Trong đó (pk, ak, uk) là các chỉ số thành phần 1, 2 và 3 của quốc gia k được tính từ công thức số (1). 3. Đo lường chỉ số tài chính toàn diện của các nước Châu Á Sử dụng phương pháp Sarma (2015), chúng tôi tính IFI cho các nước Châu Á khác (gồm 9 nước Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc) từ các số liệu được thu thập từ IMF1. Trong đó năm chỉ tiêu được sử dụng để đo lường chỉ số tài chính toàn diện gồm: số lượng tài khoản ngân hàng trên 1.000 dân, số lượng máy ATM và số lượng chi nhánh ngân hàng trên 100.000 dân, cuối cùng là tỷ lệ tiền gửi và cho vay của hệ thống ngân hàng trên GDP2. 1 Nguồn dữ liệu này được thu thập tại thời điểm 31/01/2019. 2 Sarma (2015) sử dụng hai chỉ tiêu tương tự chúng tôi đó là: tỷ lệ tín dụng và tiền gửi nội địa/GDP. 449
  8. Bảng 1 trình bày các giá trị IFI cho Việt Nam và 11 quốc gia Châu Á. Trong năm 2017, IFI biến động từ mức thấp nhất 0,159 của Myanmar và cao nhất là 0,818 của Singapore. Chúng tôi phân loại 12 quốc gia này theo 3 nhóm - Nhóm các nước có IFI cao (IFI từ 0,6-1), Nhóm các nước có IFI trung bình (IFI từ 0,3-0,6), và Nhóm các nước có IFI thấp (IFI dưới 0,3). Nhóm các nước có IFI cao: là các quốc gia có giá trị IFI tương ứng từ 0,6-1 trong 4 năm liên tiếp bao gồm: Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan. Đây cũng là các nước có mức thu nhập cao.Nhóm các nước có IFI trung bình: là các quốc gia có giá trị IFI tương ứng từ 0,3-0,6 trong 4 năm liên tiếp bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Có một điểm đáng lưu ý đó là Indonesia đã có bước phát triển đáng kể trong việc phát triển FI của quốc gia mình (xem thêm nội dung 4.2) khi IFI năm 2017 là 0,602. Đây là nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp (ngoại trừ Trung Quốc). Cambodia, Lào và Philippines chuyển dịch sang nhóm IFI trung bình kể từ năm 2015. Cuối cùng, quốc gia duy nhất có IFI thấp liên tiếp trong 4 năm là Myanmar. Kết quả phân loại này nhìn chung cho thấy việc sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức (FI) và mức thu nhập của quốc gia có quan hệ mật thiết với nhau. Bảng 1: Chỉ số tài chính toàn diện một số quốc gia Châu Á Quốc gia 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 Brunei 0,712 0,729 0,721 Cambodia 0,121 0,144 0,162 Trung Quốc 0,376 0,360 0,358 0,405 0,409 Ấn Độ 0,303 0,315 0,334 0,365 0,391 0,405 Indonesia 0,253 0,256 0,241 0,245 0,247 0,253 0,270 Lào Malaysia 0,723 0,764 0,772 0,781 0,791 0,798 0,807 Myanmar Philippines 0,198 0,197 0,203 0,200 0,220 0,229 0,245 Singapore 0,782 0,781 0,784 0,790 0,790 0,791 0,804 Thái Lan 0,518 0,546 0,574 0,593 0,620 0,627 0,640 Việt Nam 0,437 Quốc gia 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 Brunei 0,714 0,809 0,830 0,737 0,743 0,757 0,735 Cambodia 0,184 0,216 0,226 0,272 0,302 0,336 0,365 Trung Quốc 0,402 0,421 0,430 0,437 0,474 0,495 0,475 Ấn Độ 0,434 0,459 0,498 0,551 0,607 0,651 0,689 Indonesia 0,303 0,350 0,404 0,423 0,434 0,481 0,602 Lào 0,263 0,297 0,334 0,373 0,347 Malaysia 0,816 0,829 0,850 0,848 0,824 0,824 0,811 Myanmar 0,075 0,100 0,118 0,133 0,169 0,159 Philippines 0,262 0,253 0,278 0,287 0,303 0,335 0,330 Singapore 0,804 0,803 0,803 0,806 0,809 0,808 0,818 Thái Lan 0,642 0,676 0,696 0,712 0,721 0,733 0,737 Việt Nam 0,452 0,466 0,491 0,520 0,550 0,596 0,588 Nguồn: Tính toán của tác giả từ Nguồn dữ liệu này được thu thập tại thời điểm 31/01/2019 450
  9. 4. Kinh nghiệm phát triển tài chính toàn diện của một số nước Châu Á 4.1. Kinh nghiệm của Trung Quốc Trung Quốc được đánh giá là một trong các quốc gia thành công trong chiến lược phát triển FI, tỷ lệ sở hữu tài khoản ngân hàng đã tăng lên đáng kể và ngang bằng với các quốc gia trong nhóm G-20 (WB và People's Bank of China, 2018). Sự phát triển của mạng lưới ngân hàng đại lý cá nhân (Agency banking network) và cơ sở hạ tầng tài chính đã hỗ trợ cho những thành công cho sự phát triển FI của Trung Quốc. Theo WB và People's Bank of China (2018) sự phát triển FI của Trung Quốc dựa trên ba vấn đề quan trọng sau: (1) Mô hình tác nhân (agent-based models) (2) Fintech và dịch vụ tài chính số (3) Vai trò của Chính phủ đối với FI Mô hình tác nhân Xét trên góc độ hiệu quả tài chính, việc tiếp cận người tiêu dùng ở nông thôn và vùng xa là một trở ngại lớn đối với FI của hầu hết các quốc gia. Trung Quốc đã giải quyết trở ngại này bằng cách thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới ngân hàng đại lý cá nhân, thông qua việc kết hợp các quy định, các hỗ trợ và hướng dẫn cho các nhà cung cấp và thực hiện chi trả các khoản trợ cấp xã hội qua thẻ ngân hàng. Đến cuối năm 2016, qua việc thực hiện chính sách này đã dẫn đến việc thành lập 983.400 điểm dịch vụ ngân hàng đại lý cá nhân, bao phủ hơn 90% đơn vị hành chính trên khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, mô hình của Trung Quốc đòi hỏi phải có sự điều chỉnh nếu đảm bảo phát triển FI lâu dài và bền vững. Nhiều điểm dịch vụ ngân hàng đại lý cá nhân có ít người sử dụng và cung cấp các dịch vụ còn hạn chế. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy cần phải xem xét tính bền vững và khả năng cung cấp dịch vụ khi mở rộng các điểm dịch vụ này. Do vậy cần cho phép phát triển các mô hình kinh doanh này bền vững và sáng tạo hơn. Fintech và dịch vụ tài chính số Ngành công nghiệp Fintech Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng để tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng mới với một loạt các sản phẩm và dịch vụ tài chính số. Một trong những yếu tố chính tạo nên sự thành công của tài chính số tại Trung Quốc là không gian pháp lý cho những đổi mới trong tài chính số. Các cơ quan quản lý của Trung Quốc tạo điều kiện phát triển các sản phẩm và mô hình kinh doanh mới và sáng tạo, chẳng hạn như sử dụng mô hình kinh doanh trực tuyến, dựa trên mạng tích hợp dịch vụ tài chính vào các nền tảng thương mại điện tử hoặc phương tiện truyền thông xã hội (ví dụ: Alipay, Tenpay, Ant Financial). Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy cả những rủi ro và lợi ích của chính sách này. Kết quả là hàng trăm triệu người tiêu dùng hiện có thể sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính số tiên tiến, chi phí thấp và dễ tiếp cận và phù hợp hơn với nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng. Nhưng các trường hợp gian lận của các công ty Fintech cũng gây tổn hại cho người tiêu dùng, đặc biệt là trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P). Chính vì thế, tạo sự cân bằng hợp lý giữa việc cho phép sự đổi mới và quản lý rủi ro là nhiệm vụ quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc phát triển tài chính số. Vai trò của Chính phủ Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy cần phải xác định đâu là vai trò thích hợp của Chính phủ trong FI. Ở cả cấp quốc gia và địa phương, chính quyền Trung Quốc đã tham gia sâu rộng vào việc hỗ trợ FI thông qua sự kết hợp của cả các kế hoạch trực tiếp và gián tiếp. Trong đó một số chương trình đã đạt được thành công, một số chương trình khác có ít tác động hơn hoặc thậm chí gây ra các tác động méo mó trên thị trường. Chính phủ Trung Quốc đã có sự thay đổi tư duy từ việc với tư cách là người ủng hộ (promoter) FI sang thành người hỗ trợ (enabler) cho FI, đây cũng là một thách thức tại nhiều quốc 451
  10. gia khác. Đây vẫn là một quan niệm sai lầm phổ biến khi xem FI là thúc đẩy tín dụng cho người nghèo ở nông thôn thông qua các chương trình trợ cấp và chính sách ưu đãi. Các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc đã nhận thấy sự cần thiết phải chuyển sang các cách tiếp cận dựa trên thị trường, bền vững hơn về mặt thương mại đối với FI, điều này đã được nêu trong Kế hoạch thúc đẩy sự phát triển FI (2016-2020). 4.2. Kinh nghiệm của Indonesia Năm 2010, Indonesia đã thông qua chính sách xem FI như một trụ cột quan trọng của chiến lược quốc gia nhằm giảm sự chênh lệch thu nhập đang gia tăng giữa khu vực nông thôn và thành thị, do sự tập trung quá mức của chính sách công nghiệp hóa dưới thời Tổng thống Suharto từ năm 1965 đến năm 1998. Chính phủ Indonesia đã thực hiện nhiều chương trình để cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) và các hộ gia đình nghèo thông qua việc nới lỏng các quy định tài chính, giáo dục, các tài khoản ngân hàng không cần duy trì số dư tối thiểu (no-frills bank accounts), chương trình nhận dạng tài chính và các chương trình cho vay doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ bởi Chính phủ. Tài khoản tiết kiệm không cần duy trì số dư tối thiểu và các sáng kiến giáo dục tài chính đã thúc đẩy tiết kiệm và cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của MSME. Ngân hàng Rakyat Indonesia, ngân hàng lớn thứ hai, đã tham gia rất tích cực vào lĩnh vực tài chính vi mô. Ngoài ra, Chính phủ đã khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng cường cơ sở hạ tầng bằng cách xây dựng các chi nhánh ngân hàng và lắp đặt máy rút tiền tự động (ATM) để tiếp cận người dân gặp hạn chế trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính và cải cách các quy định tài chính để phù hợp với hoạt động của ví điện tử (mobile money) và sự tham gia của các công ty viễn thông vào dịch vụ tài chính. Đến năm 2015, Chính phủ Indonesia đã thực hiện Quy định ngân hàng không chi nhánh và Luật Tài chính vi mô mới (Branchless Banking rules and Microfiance Law) với mục đích gia tăng sự tham gia các chương trình tài chính vi mô của các ngân hàng thương mại. Theo kết quả khảo sát Global findex survey của WB (2018), Indonesia là quốc gia có mức tăng tỷ lệ sở hữu tài khoản ngân hàng lớn nhất trong khu vực với tỷ lệ người dân sở hữu tài khoản ngân hàng từ 20% vào năm 2011 lên 36% vào năm 2014 và 49% vào năm 2017. Kết quả khảo sát cũng cho thấy đây là quốc gia có hoạt động tiết kiệm mạnh nhất so với các nền kinh tế mới nổi khác, thể hiện ở việc sử dụng tài khoản để đăng ký tiết kiệm ở mức cao hơn 10 điểm phần trăm so với mức trung bình của các nước đang phát triển. Indonesia là một trong số ít các quốc gia trên toàn cầu có tỷ lệ nữ giới có tài khoản ngân hàng nhiều hơn 5% so với nam giới (51% phụ nữ so với 46% nam giới) và tỷ lệ tài khoản hoạt động của phụ nữ và nam giới là bằng nhau. Những tiến bộ đáng kể trong việcphát triển FI của Indonesia gần đây có thể tóm trong ba nội dung chính sau: Quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Chính phủ: Các chính phủ đều ưu tiên đưa FI làm một công cụ để xóa đói giảm nghèo ở nước này. Chính phủ thành lập ban thư ký phụ trách vấn đề FI để đảm bảo đạt được các mục tiêu đặt ra.3 Hoạt động có hiệu quả của Ban thư ký FI: để thực hiện mục tiêu FI của mình, Chính phủ đã thành lập Ban thư ký FI quốc gia nhằm tạo ra các thay đổi và đưa ra các thay đổi mới. Dưới sự lãnh đạo của Ban thư ký, tổ chức Gates, tổ chức Microsave và Women’s World Banking đã xây dựng lộ trình phát triển FI tương tự như Ấn Độ như sau: Liên kết ID sinh trắc học quốc gia (bao gồm 90% dân số trưởng thành) với hệ thống thanh toán. Như kinh nghiệm Ấn Độ, tận dụng ID kỹ thuật số của công dân để xác thực họ trong quá trình mở tài khoản, thay vì dựa vào ID giấy, điều này đã giảm đáng kể thời gian và chi phí mở tài 3 Năm 2016, tổng thống Jokowi tuyên bố sẽ đạt mục tiêu tài chính toàn diện với tỷ lệ là 75% vào năm 2019 ( with-new-strategy.html) 452
  11. khoản và đồng thời tăng tính bảo mật. Chẳng hạn, ở vùng sâu vùng xa bình quân phải mất từ 3 đến 5 ngày để mở tài khoản ở Indonesia. Việc cho phép nhà cung cấp xác thực khách hàng bằng cách kết hợp sinh trắc học của họ với cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ giảm quá trình này xuống chỉ còn 5 phút; và chi phí giảm từ 5-8 USD còn 0,4 USD. Cho phép nhiều doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tài chính như: các ngân hàng, các nhà khai thác mạng di động, và rất nhiều công ty Fintech. Việc cho phép nhiều doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tài chính đã giúp cho việc bao phủ các dịch vụ tài chính đến các hòn đảo trên lãnh thổ Indonesia. Phát triển FI thông qua việc số hóa các chương trình G2P, điều này cho phép người nhận phúc lợi được thanh toán trực tiếp vào tài khoản số của họ, thay vì nhận bằng tiền mặt (điều này sẽ giảm chi phí, các vấn đề liên quan đến bảo mật ). Ban Thư ký cũng quan tâm đến những cơ hội liên quan đế lĩnh vực kỹ thuật số mang lại mà đại diện là điện thoại di động: trong năm 2014, trong số 119 triệu người trưởng thành chưa tiếp cận dịch vụ tài chính thì có 100 triệu người sở hữu điện thoại di động. Với tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng, điều này sẽ tạo điều kiện cho việc tiếp cận đến những người có thu nhập thấp. Phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng các quy định pháp luật: Để các dịch vụ tài chính kỹ thuật số (DFS) được phát triển, Indonesia đã xây dựng các chính sách liên quan đến các yếu tố chính của cơ sở hạ tầng, xây dựng các quy định pháp luật (gần đây nhất là Quy định ngân hàng không chi nhánh có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 và Luật Tài chính vi mô có hiệu lực từ ngày 8/1/2015) cũng như hỗ trợ phát triển hệ sinh thái nhằm cung cấp các sản phẩm theo nhu cầu của người dùng (Go-Jek là một ví dụ). Tóm lại, vị thế hiện tại của Indonesia tương đồng với vị trí Trung Quốc và Ấn Độ cách đây vài năm. Thành quả đạt được của Indonesia hiện tại là tự sự phát triển hệ thống riêng của mình đồng thời áp dụng một số bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc và Ấn Độ. 4.3. Kinh nghiệm của Ấn Độ Ấn Độ đã chủ động theo đuổi chiến lược phát triển công bằng thông qua các hoạt động của Chính phủ Ấn Độ (GoI) và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) để mở rộng FI. Với hơn 1,2 tỷ dân và là quốc gia đang phát triển nhanh chóng, Ấn Độ đã ưa tiên đưa FI lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự về chính trị và kinh tế xã hội. Từ những năm 1950, Ấn Độ đã thực hiện những chính sách phát triển mạng lưới ngân hàng thương mại và hiệp hội hợp tác xã tín dụng nhằm phát triển kinh doanh và phát triển tài khoản ngân hàng không cần duy trì số dư tối thiểu. Là quốc gia đang phát triển lớn thứ hai thế giới, Ấn Độ đã tập trung vào mục tiêu giảm nghèo kể từ khi độc lập vào năm 1947. Từ lâu trước khi FI trở nên phổ biến, Ấn Độ nhận thấy sự cần thiết của việc tiếp cận tài chính phù hợp và giảm loại trừ tài chính. Chiến lược phát triển tài chính toàn điện đã được bắt đầu đẩy mạnh từ năm 2005 khi NHTW Ấn Độ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nó trong Tuyên bố chính sách thường niên 2005-2006. Sau đó, RBI bắt đầu thuyết phục các ngân hàng đưa FI như một mục tiêu kinh doanh. FI thực sự trở thành một sáng kiến chính sách sau các khuyến nghị của Ủy ban Rangarajan năm 2008. FI bắt đầu thu hút sự chú ý của các bên liên quan khi các ngân hàng nhận ra ý nghĩa của việc kết nối với nhiều người hơn để tăng trưởng kinh doanh. Ủy ban Tư vấn Tài chính toàn diện (FIAC) được thành lập vào năm 2012 được tái cấu trúc vào tháng 6 năm 2015 để xem xét các chính sách FI và đưa ra các ý kiến tư vấn chuyên môn để phát triển FI. FIAC được ủy nhiệm xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện (NSFI). Với sự phát triển gần đây của FI số, NSFI cũng tìm cách rút ra các Nguyên tắc cấp cao của G-20 về FI số và phù hợp với các yêu cầu cụ thể của Ấn Độ. Theo khảo sát Global Findex survey của WB (2018), trong năm 2017 tỷ lệ sở hữu tài khoản ngân hàng của Ấn Độ là 79,8% từ mức 35,2% vào năm 2011.Tỷ lệ chênh lệch về sở 453
  12. hữu tài khoản ngân hàng về giới giữa nam giới và nữ giới đã giảm từ 20% xuống còn 6% trong vòng 3 năm. Các bài học rút ra từ kinh nghiệm phát triển FI gần đây của Ấn Độ bao gồm: Chính phủ tham gia cao độ trong việc thực hiện các Chương trình phát triển FI (PMJDY): Văn phòng Chính phủ trực tiếp theo dõi PMJDY, tổ chức các cuộc họp hội nghị video hàng tuần, trong đó tất cả các ngân hàng được yêu cầu tham gia. Trong các cuộc họp này, các ngân hàng sẽ báo cáo các con số, nêu ra các vấn đề họ đang gặp phải và đưa ra các giải pháp khả thi. Các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước đóng vai trò quan trọng đối với PMJDY khi chiếm gần 80% tài khoản và lượng tiền gửi PMJDY. Các ngân hàng sở hữu nhà nước có mạng lưới chi nhánh rộng lớn và thúc đẩy việc mở tài khoản có quy mô lớn trên toàn quốc. Niềm tin của người tiêu dùng vào các ngân hàng này cũng là một yếu tố đóng góp quan trọng cho thành công của PMJDY. Ấn Độ đã xây dựng hệ thống nhận dạng quốc gia dựa trên sinh trắc học, trực tuyến, có thể kiểm chứng bằng kỹ thuật số. Vào thời điểm PMJDY ra mắt, khoảng 700 triệu người Ấn Độ đã nhận dạng sinh trắc học quốc gia tên là Aadhaar (Kumar 2016). Những người có số Aadhaar có thể mở tài khoản PMJDY một cách nhanh chóng. Chuyển mục tiêu trọng tâm phát triển FI từ phạm vi địa lý sang tập trung vào số hộ gia đình (cung cấp cho mỗi hộ gia đình ít nhất 1 tài khoản ngân hàng). Để tránh tình trạng tài khoản được cấp không hoạt động (account dormancy), PMJDY đã thực hiện chương trình chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng. Sáu mươi hai phần trăm tài khoản ngân hàng thụ hưởng được liên kết với số Aadhaar, giúp xác minh danh tính của người thụ hưởng dễ dàng hơn, do đó cũng giúp loại bỏ tài khoản ảo và trùng lặp. Gia tăng các đại lý ngân hàng cá nhân. Theo PMJDY, các đại lý được yêu cầu phải có mặt tại các điểm cố định trong từng khu vực dịch vụ, để cung cấp dịch vụ dễ dàng vào lúc cần thiết. Từ tháng 12 năm 2014 đến tháng 12 năm 2015 tỷ lệ các đại lý đã tăng từ 48% lên 79% (Micro Save 2016). Đơn giản hóa việc mở tài khoản. Những người có số định danh duy nhất chỉ cần điền một mẫu đơn đơn giản để mở tài khoản. Những người không có số định danh duy nhất có thể cung cấp các hình thức định danh thay thế khác. Nếu một cá nhân không có số định danh, thì họ vẫn có thể mở một tài khoản nhưng bị giới hạn về tín dụng, số tiền rút và gửi. Để làm cho tài khoản thân thiện hơn với người dùng, PMJDY đã tập trung vào ngân hàng di động, theo đó chủ tài khoản có thể chuyển tiền và kiểm tra số dư. 4.3. Kinh nghiệm Thái Lan Thông qua Ngân hàng Trung ương Thái Lan, Chính phủ đóng vai trò vừa là nhà cung cấp dịch vụ tài chính vừa là cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy FI. Các tổ chức cụ thể là Ngân hàng tiết kiệm được thành lập vào năm 1913 và Ngân hàng Nông nghiệp và các Hợp tác xã Nông nghiệp (BAAC) được thành lập vào năm 1966 nhằm tạo điều kiện cho khu vực nông thôn tiếp cận với tài chính (ADBI, 2014). Cả hai sáng kiến này đều có tác động quan trọng trong việc thúc đẩy FI. Trong thời gian đó, các tổ chức tài chính khác cũng được thành lập và nhờ đó tạo điều kiện cho các cá nhân và hộ gia đình tiếp cận tài chính tốt hơn. Tuy nhiên, sự gia tăng mạnh mẽ thực sự đối với FI chỉ mới xuất hiện trong 2 thập kỷ gần đây. Gần đây, Chính phủ đã chọn đưa FI là một phần chiến lược của quốc gia. Trong năm 2011 Cục FI và phát triển chính sách được thành lập trong khuôn khổ quản lý của Văn phòng chính sách tài khóa. Cũng trong năm 2011, nhận thấy cần thúc đẩy cũng như điều tiết các lĩnh vực tài chính vi mô và bảo hiểm vi mô, các chỉ thị hướng dẫn về tài chính vi mô được đưa ra, và khung hoạt động cho bảo hiểm vi mô cũng được phê duyệt. Các dịch vụ tài chính không thông qua ngân hàng nhằm phục vụ các đối tượng có thu nhập thấp và bị bỏ qua bởi các ngân 454
  13. hàng được tạo điều kiện với một số chính sách như Bảo hiểm nông nghiệp và Quỹ tiết kiệm quốc gia, cùng quỹ bảo hiểm thiên tai quốc gia, và đặc biệt là lộ trình nâng cấp hệ thống thanh toán trong giai đoạn 2012-2016. Thái Lan đã chọn chiến lược thúc đẩy FI với động lực từ phía Chính phủ như các chương trình từ Chính phủ và các định chế để thúc đẩy tài chính đến các hộ có thu nhập thấp và ở nông thôn. Trong các chương trình này, Quỹ làng xã (village funds) và Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp là các định chế then chốt. Đầu tiên, Quỹ làng xã được thành lập năm 2001 và đến nay đã trở thành một trong những chương trình cấp tín dụng vi mô lớn nhất thế giới (ADBI, 2014). Quỹ làng xã được thiết kế nhằm cải thiện khả năng tiếp cận tài chính, tăng thu nhập và giảm nghèo ở các khu vực nông thôn. Quỹ làng xã và BAAC trong các khu vực nông thôn và bán đô thị được quản lý bởi một hội đồng gồm 10 người. Hội đồng này quản lý quỹ và các tiêu chí cho vay. Khoản cho vay tối đa là 1 năm, và một khoản vay không có thể chấp thường không quá 600 USD (National Statistical Office, 2009). Quỹ làng xã đã làm tăng FI và tăng đáng kể tín dụng nông thôn. 99% làng xã có tiếp cận đến quỹ (Boonperm và cộng sự, 2012). Các khoản vay phục vụ các mục đích đa dạng như tài chính cho các họ nông thôn nghèo, tài trợ các hoạt động nông nghiệp hoặc mua hàng tiêu dùng. Nhiều hộ gia đình đã tham gia và tỷ lệ không trả nợ chỉ ở mức 1-3%. Ngân hàng Nông nghiệp và các Hợp tác xã Nông nghiệp (BAAC) là các định chế thúc đẩy hữu hiệu FI. Do một phần lớn lao động thuộc ngành nông nghiệp và các ngành liên quan nông nghiệp (World Bank, 2012), nên cung cấp các dịch vụ tài chính cho các hộ nông dân là cần thiết để gia tăng FI. Các ngân hàng và hợp tác xã nông nghiệp (BAAC) đã đóng vai trò tốt về mặt này, cung cấp tín dụng cho các hộ gia đình nông dân có thu nhập thấp, hỗ trợ đầu tư, vốn lưu động và đã bao phủ 77 tỉnh thành với trên 1.100 chi nhánh (BAAC, 2014). BAAC đã mở rộng các hoạt động cho vay không những cho các hộ nông và các hoạt động nông nghiệp mà còn cho các cá nhân, các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đến rất nhỏ trong các lĩnh vực phi nông nghiệp kể từ năm 2006, phục vụ các mục đích vay như sinh hoạt và học phí. Ngoài ra, BAAC cũng mở ra một chương trình thẻ tín dụng cho các nông dân sản xuất gạo, không tính lãi suất trong 1 khoảng thời gian lên đến 5 tháng, để cấp tín dụng mua các đầu vào cho quá trình sản xuất nông nghiệp. Theo báo cáo BAAC (2014), có khoảng 95% nông hộ được tiếp cận dịch vụ tài chính của BAAC, với lãi suất vay là 7% cho cá nhân và 5% cho các hợp tác xã nông nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dù đã có nhiều tiến triển, FI ở Thái Lan vẫn có thể gia tăng bằng cách giảm các rào cản pháp lý đối với các định chế cung cấp tín dụng vi mô, giảm rào cản liên quan đến khoảng cách (cần phát triển nhiều hơn các định chế), mở rộng tiếp tục mô hình ngân hàng qua điện thoại, làm tăng khả năng tiếp cận tài chính cho các hộ có thu nhập thấp. Đặc biệt, do khả năng tiếp cận tài chính được cải thiện nên tình trạng nợ cao ở các cá nhân, hộ khá phổ biến. Cần có các biện pháp xử lý tốt vấn đề này để có thể tiếp tục phát triển chương trình FI. 4.4. Kinh nghiệm tại Philippines FI trở thành một mục tiêu chính trị được quan tâm ở các quốc gia đang phát triển. Tiếp cận tài chính tạo điều kiện cho người nghèo tích lũy tài sản như các khoản tiết kiệm và bảo hiểm để bảo vệ họ khỏi các rủi ro tiềm tàng và các cú sốc, và đầu tư vào các hoạt động tạo ra thu nhập. Vì thế, phát triển tài chính ở các nước đang phát triển ngày càng tập trung vào các biện pháp hướng đến hệ thống FI. Về mặt này, Chính phủ Philippines đã thể hiện các nỗ lực nhằm cải thiện tính toàn diện của tài chính, và Philippines được xem là một trong các nước dẫn đầu về các sáng kiến và các chính sách phù hợp nhất để phát triển FI (Llanto, 2017). Dù có những nỗ lực nhằm làm tăng FI, Bangko Sentral ng Pilipinas (BSP) nhận thấy tiếp cận sản phẩm và dịch vụ tài chính vẫn gặp nhiều hạn chế. Cụ thể, chỉ khoảng 34% người 455
  14. Philippines ở độ tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng, so với con số 82% của Thái Lan và 49% ở Indonesia trong năm 2017. Khi có nhu cầu vay, chỉ 12% người Philippines vay ở các định chế tài chính chính thức, và có đến 35% các thành phố không có các chi nhánh ngân hàng phục vụ người dân trong cùng năm 2017 (Umali, 2018). Hơn nữa, mặc dù Philippines được xem là tiên phong trong các dịch vụ tài chính viễn thông nhưng chỉ có khoảng 1% tổng số thanh toán (retail payment) được thực hiện qua kênh điện tử trong năm 2015. Chính phủ Philippines đã thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục tình trạng FI vẫn còn thấp trong những năm gần đây. Trong năm 2015, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện (NSFI) để đưa ra và phối hợp các nỗ lực khác nhau đối với FI. Nó đã xác định bốn lĩnh vực chính cần cải cách để thúc đẩy FI, đó là, (i) chính sách và quy định, (ii) giáo dục về tài chính và bảo vệ người tiêu dùng, (iii) các chương trình vận động, và (iv) dữ liệu và đo lường (ADBI, 2014). Các lĩnh vực chính này sẽ hướng dẫn việc xây dựng các chính sách và quy định dựa trên bằng chứng, thiết kế và thực hiện các chương trình và giám sát tiến trình phát triển FI. Chính phủ đã cam kết dành 40 triệu USD để tăng thu thập dữ liệu và giúp các đối tượng nghèo nhất (đặc biệt là các đối tượng không có các giấy tờ nhận diện) có thể sử dụng các dịch vụ tài chính. Chính phủ cũng đưa ra quy định về đăng ký tài sản thế chấp có thể di chuyển quốc gia (national movable collateral registry), để làm giảm rủi ro cho ngân hàng, từ đó làm tăng khả năng cho vay cho các doanh nghiệp. Kế hoạch phát triển Philippines (PDP) trong giai đoạn 2017-2022 đã đưa ra một khung chiến lược cho chính sách vĩ mô bền vững, trong đó có chính sách FI có thể hỗ trợ tốt cho tăng trưởng và tăng tiếp cận đến các cơ hội kinh tế cho người dân. Các chiến lược trong khung này gồm có gia tăng hiệu quả của FI, và khuyến khích tăng hiệu quả và đổi mới sáng tạo trong tài chính vi mô và bảo hiểm vi mô. Chính phủ Philippines còn có các biện pháp làm giảm tính bất bình đẳng bằng cách hỗ trợ kiến thức về tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các hợp tác xã và các lao động Philippines ở nước ngoài và gia đình của họ. Trong giai đoạn 2017-2022, PDP nhắm đến các mức tăng trong các chỉ số bao gồm tài chính như số tài khoản tiền gửi, số điểm truy cập trên 10.000 người lớn, tỷ lệ phần trăm người lớn có tài khoản chính thức, cung cấp dịch vụ tài chính vi mô và tạo điều kiện cho bảo hiểm vi mô được mở rộng. 5. Kết luận Trong bài viết này, chúng tôi đo lường chỉ số tài chính toàn diện của Việt Nam và một số quốc gia ở Châu Á trong giai đoạn 2004-2017. Kết quả tính toán cho thấyphần lớn các nước trong mẫu nghiên cứu có IFI ở mức trung bình, ngoại trừ Singapore và Malaysia có mức độ tài chính toàn diện cao nhất (thể hiện qua chỉ tiêu IFI). Mức độ tài chính toàn diện của các quốc gia trong mẫu nhìn chung có sự cải thiện qua các năm và có mối liên hệ chặt chẽ với thu nhập của các quốc gia. Các đo lường về IFI này đã cung cấp các thông tin hữu ích về thực trạng tài chính toàn diện của các quốc gia Châu Á trong mẫu nghiên cứu. Cuối cùng bài viết cũng đã trình bày kinh nghiệm phát triển FI của 5 quốc gia ở Châu Á: Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan và Philipines. Kinh nghiệm phát triển FI của các nước này cũng là bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng chiến lược thúc đẩy phát triển FI cho các quốc gia khác trong đó có Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bank for Agriculture and Agricultural Cooperatives (BAAC) 2014. About BAAC. en/content-about.php 2. Boonperm, J., Haughton, J, Khandker, S. R., Rukumnuaykit, P. 2012. Appraising the Thailand Village Village Fund World Bank Policy Research Working Paper No. 5998 456
  15. 3. Han, R., Melecky, M. (2013). Financial Inclusion for Financial Stability: Access to Bank Deposits and the Growth of Deposits in the Global Financial Crisis. World Bank Policy Research Working Paper 6577, World Bank. 4. Hannig, A., and S. Jansen. (2010). Financial Inclusion and Financial Stability: Current Policy Issues. ADBI Working Paper 259. Tokyo: Asian Development Bank Institute. 5. Khan, H. R. (2011). Financial Inclusion and Financial Stability: Are They Two Sides of the Same Coin? Address by Shri H. R. Khan, Deputy Governor of the Reserve Bank of India, at BANCON 2011, organized by the Indian Bankers Association and Indian Overseas Bank, Chennai, India, 4 November. 6. Kumar, Ashok. (2016). Aadhaar Enrolment to Be Completed by June 2015. The Hindu, 23 May. 2015/article6547319.ece 7. Llanto, G. M., Maureen, A. D. R. (2017). What determines financial inclusion in the Philippines? Evidence from a national baseline survey. Philippine Institute for Development Studies Working Paper No. 2017-38. 8. MicroSave. (2016). Assessment of Bank Mitrs (BMs) Under Pradhan Mantri Jan Dhan Yojana (PMJDY)—Wave III. New Delhi: MicroSave, January. 9. National Statistical Office (2009). Thailand Socio-Economic Survey. center/project/search center/23project-en.htm 10. Sarma, M. (2015). Measuring financial inclusion. Economics Bulletin, 35(1), 604-611. 11. Umali, T. (2018). ADB boosts financial inclusion in the Philippines. Digital Economy News Philippines. 12. World Bank Group; People's Bank of China. (2018). Toward Universal Financial Inclusion in China: Models, Challenges, and Global Lessons. World Bank and People's Bank of China 457