Vai trò của các khu vực kinh tế đối với tăng năng suất lao động của Việt Nam

pdf 23 trang Gia Huy 18/05/2022 1950
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Vai trò của các khu vực kinh tế đối với tăng năng suất lao động của Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfvai_tro_cua_cac_khu_vuc_kinh_te_doi_voi_tang_nang_suat_lao_d.pdf

Nội dung text: Vai trò của các khu vực kinh tế đối với tăng năng suất lao động của Việt Nam

  1. VAI TRÕ CỦA CÁC KHU VỰC KINH TẾ ĐỐI VỚI TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG CỦA VIỆT NAM TS. Nguyễn Thị Cẩm Vân Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Khoảng cách lớn về năng suất lao động (NSLĐ) giữa các khu vực lớn của nền kinh tế và giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực là thực tế cơ bản của nền kinh tế Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn 2001- 2015, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng NSLĐ toàn nền kinh tế. Hai khu vực kinh tế còn lại đều có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng NSLĐ tổng thể, tuy nhiên, tầm quan trọng của từng khu vực thay đổi theo từng thời kỳ. Nhìn chung trong giai đoạn 2001-2015, gia tăng NSLĐ trong nội bộ khu vực kinh tế trong nước, chủ yếu của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, là nguồn chính khẳng định vai trò đóng góp của khu vực kinh tế trong nước cho tăng trưởng NSLĐ toàn nền kinh tế. Dòng lao động dịch chuyển từ khu vực kinh tế trong nước, nhất là từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước có mức NSLĐ thấp sang khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có mức NSLĐ cao hơn là thành phần lớn nhất khẳng định vai trò đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với tăng trưởng NSLĐ tổng thể. Trong đó, chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các khu vực kinh tế chỉ có tác động mạnh đến tăng trưởng NSLĐ tổng thể trong khoảng thời gian trước năm 2005. Kể từ năm 2005 trở lại đây, việc dịch chuyển lao động từ khu vực có năng suất thấp sang các khu vực có năng suất cao và sang các khu vực có năng suất đang tăng lên là không nhiều, tăng trưởng NSLĐ toàn nền kinh tế chủ yếu được giải thích bởi sự gia tăng NSLĐ của các khu vực kinh tế. Từ khóa: tăng trưởng năng suất lao động, kinh tế nhà nước, kinh tế ngoài nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1. Giới thiệu Theo hình thức sở hữu, nền kinh tế Việt Nam được chia thành ba thành phần: kinh tế nhà nước, kinh tế ngoài nhà nước, và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước bao gồm: kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể. 403
  2. Kể từ khi bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức được vị trí, vai trò của các khu vực kinh tế trong chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Trong những năm qua, Đảng ta luôn thể hiện quan điểm nhất quán đối với thành phần kinh tế nhà nước, đó là kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được coi là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, được khuyến khích phát triển, và bình đ ng với các thành phần khác. Khu vực kinh tế tư nhân từ chỗ chỉ được thừa nhận và cho phép tồn tại trong nền kinh tế nhiều thành phần (Đại hội VI của Đảng năm 1986) thì đến nay phát triển kinh tế tư nhân được coi là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII năm 2017). Đây là một bước tiến lớn về mặt nhận thức về khu vực kinh tế tư nhân, và vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được coi trọng. Sự chuyển biến trong nhận thức đã được thể chế hóa bằng pháp luật của Nhà nước nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và các khu vực kinh tế khác trong toàn nền kinh tế. Năm 1990, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp Tư nhân được ban hành thể hiện sự thừa nhận của Nhà nước về mặt pháp lý quyền hoạt động của khu vực tư nhân trong nước trong một số lĩnh vực. Năm 1999, Luật Doanh nghiệp với tư duy đột phá về quyền tự do kinh doanh của người dân, xóa bỏ các rào cản thành lập doanh nghiệp trở thành cột mốc đánh dấu sự phát triển có tính bước ngoặt của khu vực kinh tế tư nhân. Luật Doanh nghiệp 1999 đã được sửa đổi năm 2005 và thay thế bằng Luật Doanh nghiệp năm 2014, được coi là một bước đột phá mới về thể chế nhằm tiếp tục tháo gỡ những hạn chế, bất cập về quy định đầu tư, kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư được tự do kinh doanh, đầu tư các lĩnh vực mà pháp luật không cấm theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013. Bên cạnh đó, khung pháp luật (Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại ) và cơ chế chính sách (hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ mở rộng thị trường, đào tạo, phát triển khoa học công nghệ ) thúc đẩy sự phát triển của các khu vực kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng đã được ban hành và liên tục được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp trong từng thời kỳ. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và xã hội trong thời gian qua, các khu vực kinh tế ở nước ta đã có những bước phát triển nhất định, ngày càng kh ng định 404
  3. rõ vị trí, vai trò của mình và có những đóng góp quan trọng vào những thành tựu đạt được trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ở Việt Nam. Những thành công mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua là kết quả của quá trình đóng góp bền bỉ của ba khu vực lớn trong nền kinh tế. Năm 2000, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng góp 49% GDP cả nước, khu vực kinh tế nhà nước đóng góp 37%, và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 14%. Năm 2015, khu vực kinh tế ngoài nhà nước vẫn có đóng góp lớn nhất (chiếm 43% GDP), khu vực kinh tế nhà nước vẫn đứng ở vị trí thứ hai trong phần đóng góp vào GDP nhưng tỷ trọng đã giảm xuống còn 28%, và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã nâng tỷ trọng đóng góp vào GDP lên 17%. Trong cả giai đoạn 2000-2015, so với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế ngoài nhà nước luôn đóng vai trò chủ đạo trong đóng góp vào GDP. Năm 2017, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng góp 40,5% cho tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, cao hơn so với mức 35,7% của khu vực kinh tế nhà nước và mức 16,8% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài [7]. Hình 1. Đóng góp của các thành phần kinh tế vào GDP giai đoạn 2000-2015 Nguồn: Tổng cục Thống kê Ghi chú: Từ năm 2010, Tổng cục Thống kê đã tách thuế giá trị gia tăng hàng hóa và dịch vụ ra khỏi giá trị gia tăng của các ngành. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước không chỉ có đóng góp quan trọng vào GDP mà còn tạo ra phần lớn việc làm trong nền kinh tế. Năm 2000, khu vực kinh tế ngoài nhà nước thu hút 34.415 nghìn lao động (chiếm 89% tổng số lao động có việc làm của nền kinh tế). Đến năm 2015, khu vực này tạo ra việc làm cho 405
  4. 45.711 nghìn lao động (chiếm 86% tổng số việc làm). Hai khu vực còn lại của nền kinh tế chỉ tạo ra khoảng 14% việc làm (trong đó khu vực kinh tế nhà nước chiếm 10%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 4%). Hơn nữa, tỷ trọng này sẽ tiếp tục giảm xuống trong những năm tới khi tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và cải cách hành chính được đẩy mạnh. Hình 2. Đóng góp của các thành phần kinh tế vào giải quyết việc làm Nguồn: Tổng cục Thống kê Trong giai đoạn phát triển mới, để Việt Nam trở thành một nền kinh tế hiện đại phải dựa trên nền tảng NSLĐ cao và hiệu quả hoạt động của tất cả các khu vực kinh tế, đặc biệt là của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân. Để đánh giá một cách khách quan vai trò của các khu vực kinh tế đối với những thay đổi hiệu suất của nền kinh tế trong thời gian qua, nghiên cứu này sử dụng phương pháp SSA (shift share analysis) để đo lường đóng góp của các khu vực kinh tế vào những thay đổi của NSLĐ toàn nền kinh tế trong giai đoạn 2000-2015. Khác với các nghiên cứu khác đã sử dụng phương pháp SSA để phân rã nguồn tăng trưởng NSLĐ của nền kinh tế theo các ngành kinh tế để xác định các nhân tố đóng góp cho tăng trưởng NSLĐ tổng thể, nghiên cứu này áp dụng phương pháp SSA để phân tích nguồn tăng trưởng NSLĐ theo các khu vực kinh tế. Dựa trên các kết quả phân tích, bài viết cố gắng làm sáng tỏ những thách thức mà các khu vực kinh tế phải đối mặt khi thực hiện những nỗ lực cải thiện tốc độ tăng NSLĐ tổng thể trong bối cảnh mới của phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Nội dung của bài viết được tổ chức như sau: phần tiếp theo sẽ tổng quan các nghiên cứu về nguồn tăng trưởng NSLĐ các quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam và trình bày kỹ thuật phân tích nguồn tăng trưởng NSLĐ theo phương pháp 406
  5. SSA; phần 3 là kết quả phân tích nguồn tăng trưởng NSLĐ theo ba khu vực kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 2000-2015; phần thứ 4 của bài viết sẽ nhận diện một số thách thức đối với các khu vực kinh tế; và phần cuối cùng là phần kết luận. 2. Tổng quan nghiên cứu và phƣơng pháp nghiên cứu 2.1. Tổng quan nghiên cứu Năng suất là một trong những yếu tố nội lực tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Để đánh giá hiệu quả sản xuất của một nền kinh tế, người ta thường dựa vào hai chỉ số quan trọng là: năng suất lao động (NSLĐ) và năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). Nghiên cứu này tập trung vào chỉ số thứ nhất NSLĐ, một chỉ số quan trọng phản ánh hiệu quả sử dụng lao động. Trên phương diện đầu vào lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế được giải thích là tổng của hai thành phần: tốc độ tăng NSLĐ và tốc độ tăng lực lượng lao động. Trong đó, tăng lực lượng lao động có thể dễ dàng đạt được thông qua tăng tỷ lệ sinh hoặc thông qua việc tăng thu hút lao động từ các quốc gia khác. Tuy nhiên,việc tăng nguồn cung lao động theo các cách thức này bản thân nó đã bộc lộ nhiều hạn chế và không phải là phương án tối ưu cho phát triển bền vững. Do đó, tăng NSLĐ là nhân tố quyết định đối với tăng trưởng kinh tế bền vững của một quốc gia. Khi tìm hiểu về các nhân tố xác định sự thay đổi năng suất, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tăng trưởng NSLĐ của một nền kinh tế có thể đạt được theo hai cách: cách thứ nhất là gia tăng năng suất của các khu vực kinh tế thông qua tích lũy vốn, thay đổi công nghệ và nâng cao hiệu quả phân bổ; cách thứ hai là dịch chuyển lao động giữa các khu vực, từ các khu vực năng suất thấp sang các khu vực có năng suất cao (Dani Rodrik, 2012). Để đo lường và so sánh các hiệu ứng khác nhau tác động đến tăng trưởng năng suất ở các quốc gia, vùng lãnh thổ và các khu vực kinh tế, một trong những phương pháp phân tích được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu là phương pháp SSA (Shift Share Analysis). Trong đó phải kể đến những nghiên cứu tiêu biểu sau đây: Jan Fagerberg (2000) đã nghiên cứu nguồn tăng trưởng NSLĐ của khu vực chế biến - chế tạo ở 39 quốc gia bao gồm: các quốc gia công nghiệp phát triển, các quốc gia với nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, và các quốc gia đang phát triển trong thời kỳ 1973-1990. Sử dụng phương pháp SSA, tác giả đã chỉ ra rằng thay đổi cơ cấu vẫn quan trọng đối với tăng trưởng nhưng theo một cách khác so với trước đây. Sự khác biệt cơ bản ở đây là vai trò của những công 407
  6. nghệ mới trong việc tạo ra sự thay đổi cơ cấu. Trong nửa đầu của thế kỷ XX, tăng trưởng sản lượng, năng suất và việc làm có quan hệ chặt chẽ với nhau. Việc làm trong các ngành dựa vào công nghệ mới như điện tử và vật liệu tổng hợp mở rộng nhanh chóng với mức lương cao hơn các ngành truyền thống, điều này chứng tỏ vai trò quan trọng của thay đổi cơ cấu đến tăng trưởng NSLĐ. Gần đây, mối quan hệ giữa sản lượng, năng suất và việc làm trở nên mờ nhạt hơn. Công nghệ mới cách mạng điện tử đã mở rộng năng suất rất nhanh, đặc biệt trong ngành cơ điện tử, nhưng không có sự gia tăng lớn tương tự trong phần chia của ngành trong tổng số việc làm. Trong thực tế, các ngành có phần chia việc làm tăng đáng kể nhất là các ngành công nghiệp truyền thống - chủ yếu hướng tới tiêu dùng cá nhân - về trung bình có tăng trưởng năng suất thấp. Do đó, trong những thập kỷ gần đây, công nghệ mới không liên kết với sự thay đổi cơ cấu của cầu, sản lượng và việc làm giống như trước đây. Điều này giải thích tại sao thay đổi cơ cấu lại quan trọng đối với tăng trưởng NSLĐ trong nửa đầu của thế kỷ 20 hơn là nửa sau của thế kỷ này (ít nhất là đến năm 1990 . Yilimaz Kilicaslan (2005 đã phân rã nguồn tăng trưởng NSLĐ của 46 quốc gia trong thời kỳ 1965-1999 thành hai thành phần: thứ nhất là kết quả tăng trưởng năng suất trong nội bộ các ngành within effect 28 ngành , thứ hai là kết quả của việc tái phân bổ lao động giữa các ngành between effect . Kết quả nghiên cứu cho thấy đối với hầu hết các quốc gia trong mẫu, tăng trưởng NSLĐ hoàn toàn được giải thích bởi tăng trưởng năng suất trong nội bộ các ngành. Sử dụng phương pháp phân rã nguồn tăng trưởng NSLĐ ít phức tạp nhất (thành hai thành phần hiệu ứng nội ngành và hiệu ứng giữa các ngành đối với Ấn Độ và Trung Quốc giai đoạn 1980-2004, Saccone và Valli  đã chỉ ra rằng ở Trung Quốc, hiệu ứng nội ngành lấn át thành phần thay đổi cơ cấu; còn ở Ấn Độ, thay đổi cơ cấu có vai trò lớn hơn so với Trung Quốc mặc dù thành phần này chỉ bằng một nửa so với hiệu ứng nội ngành. Kết quả nghiên cứu của Ghani và Suri  cũng cho thấy hiệu ứng nội ngành có đóng góp cho tăng trưởng ở Malaysia từ 1981 đến 1997 lớn hơn nhiều so với thành phần thay đổi cơ cấu thay đổi cơ cấu có đóng góp dưới 20 . Kết luận rút ra từ nghiên cứu thực nghiệm về NSLĐ ở 38 quốc gia gồm 29 quốc gia đang phát triển và 9 quốc gia có mức thu nhập cao trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2005 của Dani Rodrik 2012 chỉ ra rằng đối với các nước phát triển, tăng trưởng NSLĐ tổng thể chủ yếu dựa vào sự gia tăng NSLĐ 408
  7. của các ngành, chuyển dịch cơ cấu chỉ có đóng góp rất nhỏ (dương hoặc âm). Đối với các quốc gia đang phát triển, thay đổi cơ cấu đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng NSLĐ ở châu Phi, châu Mỹ Latin, và châu Á. Phần lớn sự khác nhau trong tăng trưởng năng suất của các quốc gia châu Phi và châu Mỹ Latin với khu vực châu Á là do sự khác nhau về mô hình thay đổi cơ cấu, với lao động dịch chuyển từ khu vực có năng suất thấp tới khu vực có năng suất cao ở châu Á, sự chuyển dịch diễn ra theo hướng ngược lại ở châu Phi và châu Mỹ Latin. NSLĐ là chủ đề mới được nghiên cứu ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Phương pháp SSA đã được Nguyễn Thị Tuệ Anh (2008) lần đầu tiên áp dụng phân tích tăng trưởng và thay đổi cơ cấu ngành ở Việt Nam thời kỳ trước khủng hoảng kinh tế 1991-2006. Các kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Tuệ Anh và cộng sự đã nhấn mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành có đóng góp quan trọng vào nhịp tăng NSLĐ tổng thể của Việt Nam thời kỳ 1991-2006, trong đó tác động của chuyển dịch cơ cấu ngành chủ yếu là do sự di chuyển lao động từ ngành có mức NSLĐ thấp sang các ngành có mức NSLĐ cao hơn. Bên cạnh đó, đóng góp của tăng NSLĐ nội bộ các ngành vào nhịp tăng NSLĐ tổng thể có xu hướng giảm dần qua ba thời kỳ thực hiện các kế hoạch 5 năm: 1991-1995, 1995- 2000, 2000-2006. Sau đó Trần Thọ Đạt và Nguyễn Thị Cẩm Vân (2015) cũng đã áp dụng phương pháp này để phân tích nguồn tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam theo ngành trong giai đoạn 1995-2014. Các tác giả đã chỉ ra rằng trong thời kỳ 2000-2010, sự dịch chuyển lao động từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn là động lực cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam. Trong các thời kỳ 1995 – 1999 và 2011-2014, gia tăng năng suất của các ngành là nguồn chính của sự gia tăng NSLĐ tổng thể của nền kinh tế. Ngoài ra, nghiên cứu Hồ Đình Bảo (2015) cũng đã áp dụng phương pháp SSA để phân tích những nút thắt của tăng trưởng NSLĐ Việt Nam thời kỳ 2005-2014. Kết quả nghiên cứu cho thấy tăng trưởng nội ngành (chủ yếu là công nghiệp và dịch vụ) có đóng góp căn bản cho tăng trưởng NSLĐ chung, và chuyển dịch cơ cấu cấu có đóng góp không đáng kể. Hơn nữa, tăng trưởng NSLĐ trong thời kỳ 2005 – 2014 chủ yếu do đóng góp của tác động nội khu vực, trong đó khu vực ngoài nhà nước thể hiện vai trò quan trọng. Hệ thống các nghiên cứu đã có ở trên thế giới và ở Việt Nam là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng để áp dụng phân tích cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chưa làm sáng tỏ được bức tranh NSLĐ của nền kinh tế dưới góc độ đóng góp của ba thành phần trụ cột của nền kinh tế là: kinh tế nhà 409
  8. nước, kinh tế ngoài nhà nước, và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Khác với các nghiên cứu khác, nghiên cứu này tập trung vào phân tích, đánh giá sâu hơn và kỹ lưỡng hơn về vai trò đóng góp của ba khu vực kinh tế lớn vào sự thay đổi của NSLĐ của Việt Nam trong thời gian qua. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Để làm sáng tỏ các nguồn đóng góp tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam trong giai đoạn 2000-2015, nghiên cứu này sẽ sử dụng phương pháp SSA giống như trong nghiên cứu của Fagerberg (2000). Các ký hiệu được sử dụng: LP là năng suất lao động của nền kinh tế; LPi là năng suất lao động của khu vực i in 1, ; Si là tỷ trọng lao động của khu vực i trong tổng lao động của nền kinh tế ; t là chỉ số thời gian (t – 1 là năm cơ sở; t là năm so sánh); Khi đó, NSLĐ tổng thể của nền kinh tế được tính theo công thức: n LP LPS i 1 ii (1) Từ đó suy ra tốc độ tăng NSLĐ tổng thể được phân rã thành ba thành phần riêng biệt: (2) Thành phần thứ nhất gọi là hiệu ứng nội khu vực (within effect) đo lường tổng của những thay đổi NSLĐ của các khu vực khi các khu vực đó vẫn giữ được tỷ trọng lao động không đổi giống như ở năm cơ sở. Thành phần thứ hai gọi là hiệu ứng dịch chuyển tĩnh (static shift effect), 410
  9. được tính bằng tổng của những thay đổi tương đối của lao động mỗi khu vực giữa năm t và năm t - 1 với các trọng số là các giá trị ban đầu của NSLĐ (trong năm cơ sở t - 1) của khu vực đó. Thành phần thứ ba, gọi là hiệu ứng dịch chuyển động (dynamic shift effect) hay thành phần tương tác, đo lường sự tương tác giữa những thay đổi của NSLĐ và những thay đổi trong phần chia lao động của các khu vực. Nghiên cứu này sử dụng nguồn số liệu về GDP và lao động do Tổng cục Thống kê công bố trong giai đoạn 2000 - 2017. Các kết quả nghiên cứu chính sẽ được trình bày trong phần tiếp theo của bài viết. 3. Nguồn tăng trƣởng NSLĐ Việt Nam giai đoạn 2000 - 2015 3.1. Năng suất lao động của các khu vực và nền kinh tế Trong nghiên cứu này, NSLĐ được tính bằng tỷ số của sản lượng (tỷ đồng theo giá so sánh 2010) và số lao động (nghìn lao động). Có thể thấy rằng NSLĐ của nền kinh tế Việt Nam liên tục được cải thiện trong giai đoạn 2000 – 2017 (hình 3). Đơn vị: triệu đồng (giá so sánh 2010) Hình 3. Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2000 - 2017 Nguồn: Tính toán của tác giả từ số liệu của Tổng cục Thống kê Xét theo xu thế biến động, NSLĐ bình quân toàn nền kinh tế liên tục tăng lên và có mức tăng khá. Tuy nhiên, mức NSLĐ bình quân của nền kinh tế đạt được còn thấp, chỉ cao hơn năng suất của khu vực kinh tế ngoài nhà nước và kém hơn h n so với mức năng suất của khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (hình 4). NSLĐ của nước ta còn thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do những khu vực có NSLĐ thấp lại chiếm tỷ 411
  10. trọng lao động cao, có nguyên nhân do chất lượng lao động mà biểu hiện trước hết ở tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn rất thấp (dưới 20%) và tăng chậm, ngay cả số đã qua đào tạo thì cơ cấu cũng còn nhiều điểm chưa hợp lý. Năng suất thấp là yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và tính bền vững của tăng trưởng. Năng suất thấp cũng là vấn đề đáng lo ngại đối với khả năng cạnh tranh trong tương lai của Việt Nam trong bối cảnh tăng cường hội nhập. Trong ba khu vực kinh tế lớn, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài luôn dẫn đầu về mức NSLĐ, khu vực kinh tế nhà nước ở vị trí thứ hai và khu vực kinh tế ngoài nhà nước có mức NSLĐ thấp nhất (hình 4). Năm 2015, NSLĐ của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 222,3 triệu đồng/lao động gấp 1,4 lần khu vực nhà nước và gấp trên 8 lần khu vực ngoài nhà nước. Trong nền kinh tế, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài được coi là khu vực năng động và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Năm 2017, khu vực này đóng góp khoảng 20% cho GDP, 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 18% tổng thu ngân sách, 55% giá trị sản xuất công nghiệp, chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho 3,7 triệu lao động. H nh 4. NSLĐ của các khu vực kinh tế (theo giá so sánh 2010) giai đoạn 2000 - 2015 Nguồn: Tính toán theo số liệu của Tổng cục Thống kê Tuy nhiên, NSLĐ của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại có xu hướng giảm trong giai đoạn 2000-2015. Có thể lý giải kết quả này như sau: do mức NSLĐ xã hội thấp nên chi phí nhân công duy trì ở mức thấp, đây chính là đặc 412
  11. điểm then chốt giúp thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam trong các ngành thâm dụng lao động, không đòi hỏi nhiều kỹ năng như: dệt may, da giày, và chế biến - chế tạo các sản phẩm đơn giản. Và như vậy, sau nhiều năm tham gia vào nền kinh tế, các doanh nghiệp FDI vẫn chủ yếu tập trung vào các ngành khai thác tài nguyên, các ngành gia công, lắp ráp, chủ yếu tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ, tạo ra giá trị ra tăng thấp. Trong khi đó, NSLĐ của khu vực kinh tế nhà nước có chiều hướng tăng (mặc dù khá chậm) nên khoảng cách NSLĐ giữa hai khu vực này ngày càng thu hẹp. Mặc dù vậy, khoảng cách về NSLĐ giữa hai khu vực kinh tế này vẫn còn khá lớn. Trong đó, mức NSLĐ của khu vực kinh tế nhà nước còn thấp do các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả. Mặc dù khu vực kinh tế ngoài nhà nước có đóng góp hết sức quan trọng vào GDP và tạo ra phần lớn việc làm trong nền kinh tế nhưng đây lại là khu vực có mức NSLĐ thấp nhất và tăng chậm. Cần lưu ý rằng năm 2016, trên 85% lao động của nền kinh tế đang hoạt động trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Điều đó có nghĩa là phần lớn việc làm được tạo ra trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước, và chủ yếu là việc làm có NSLĐ thấp nên NSLĐ toàn xã hội cũng thấp và chậm cải thiện. Hơn nữa, sự hòa nhập chậm chạp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước vào chuỗi giá trị toàn cầu đã và đang dẫn tới giá trị gia tăng trong nước thấp dù Việt Nam được coi là cửa ngõ của khu vực kết nối với thị trường toàn cầu. Diễn biến tốc độ tăng NSLĐ của các khu vực kinh tế trong giai đoạn 2001 – 2015 được trình bày trong bảng 1. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có tốc độ tăng trưởng NSLĐ âm trong hầu hết các năm. NSLĐ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng với tốc độ trung bình 3,8%/năm, cao hơn mức 3,2% của khu vực kinh tế nhà nước trong thời kỳ nghiên cứu. Như vậy, tăng trưởng NSLĐ của khu vực kinh tế trong nước đã lấn át sự suy giảm năng suất của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, và có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng NSLĐ tổng thể. 413
  12. Bảng 1. Tốc độ tăng trƣởng NSLĐ của các khu vực và nền kinh tế Năm 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 Khu vực Kinh tế NN 4.6 1.7 -0.3 5.2 3.6 7.9 4.8 -14 -35 51.3 -9.2 9.6 6.5 0.4 10.7 Kinh tế ngoài NN 4.2 3.8 4.3 4.1 8.2 2.7 4 2.3 15.3 -16 6 4.5 2.9 5.7 5.8 Khu vực FDI -11 -20 -16 -9.8 -8.4 -3.4 -2.5 64.7 -33 -13 76.5 -33 3.8 -6.6 3 Nền kinh tế 4.5 3.2 4.3 4.6 4.7 4.3 4.7 1.9 4.4 2.5 4.4 3.1 3.8 4.9 6.5 Nguồn: Tính toán theo số liệu của Tổng cục Thống kê Bảng 1 cũng cho thấy tốc độ tăng NSLĐ toàn xã hội còn thấp. Với tốc độ này, Việt Nam khó có thể theo kịp quỹ đạo phát triển của các nước trong khu vực. So với một số quốc gia thuộc khối ASEAN và trong khu vực châu Á, mức NSLĐ của Việt Nam đạt được còn rất khiêm tốn. Nếu phép so sánh được thực hiện với Singapore (nước có mức NSLĐ cao nhất châu Á), thì NSLĐ của Việt Nam chỉ bằng 1/20 năm 2000, và bằng 1/13 năm 2015 (bảng 2). Mặc dù có thể coi đây là một tín hiệu tương đối tích cực, song không thể phủ nhận thực tế là khoảng cách về năng suất của Việt Nam với nền kinh tế thành công dẫn đầu trong khu vực ngày một xa hơn trong trong quá trình cố gắng thực hiện những nỗ lực “bắt kịp”. Trong khối ASEAN, NSLĐ của Việt Nam: năm 2000, so với Malaysia chỉ bằng 1/8, so với Thái Lan và Indonesia bằng khoảng 1/3, và chưa bằng một nửa NSLĐ trung bình của khối ASEAN; năm 2010, so với Malaysia bằng 1/7, so với Thái Lan bằng 1/3, so với Philippines bằng 1/2, và gần bằng một nửa NSLĐ của khối ASEAN; năm 2015, khoảng cách giữa NSLĐ của Việt Nam và các nền kinh tế khác trong khối ASEAN không những không được rút ngắn so với thời điểm năm 2010 mà còn có dấu hiệu bị bỏ lại xa hơn nữa ở phía sau. 414
  13. Bảng 2. So sánh mức NSLĐ và tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam với một số quốc gia trong khu vực Mức NSLĐ Tăng trƣởng NSLĐ qua các Tên nƣớc và (nghìn USD) thời kỳ (%) 2010- vùng lãnh thổ 2000 2010 2015 2000-2005 2005-2010 2015 Singapore 99.8 120.6 127.8 3.2 0.6 1.2 Nhật Bản 68.8 74.4 77.2 1.4 0.2 0.7 Hàn quốc 42.7 59.5 63.4 3.2 3.4 1.3 Trung Quốc 6.0 15.5 22.3 8.6 10.3 7.2 Malaysia 39.3 50.9 55.7 3.6 1.6 1.8 Thái Lan 16.6 22.7 26.5 3.8 2.5 3.1 Philippines 12.0 14.6 18.1 1.2 2.6 4.3 Indonesia 14.3 19.7 24.3 3.7 2.8 4.2 Việt Nam 4.8 7.7 9.6 5.6 3.8 4.3 Lào 4.6 7.8 11.1 4.8 5.9 6.9 Campuchia 3.0 4.5 5.7 4.7 3.2 4.9 Myanmar 3.9 6.5 5.7 5.0 5.6 -2.9 ASEAN 13.4 18.4 21.9 3.4 2.9 3.5 Ghi chú: GDP giá cơ bản trên 1 lao động theo sức mua tương đương 2011, tham chiếu năm 2015. Nguồn: APO Productivity Databook 2017, tr 59-60 Tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam tương đối cao trong so sánh với các quốc gia trong khối ASEAN và khu vực châu Á (bảng 2). NSLĐ của Việt Nam tăng với tốc độ trung bình 5,6% thời kỳ 2000-2005 (đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc), 3,8% trong thời kỳ 2005-2010, và 4,3% trong thời kỳ 2010-2015 (đứng ở vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng tăng trưởng NSLĐ châu Á). Tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam bình quân cả thời kỳ 2000 - 2015 là 4,5%, cao hơn trung bình của khối ASEAN, nhưng thấp hơn so với Lào. Với tốc độ tăng năng suất ngày càng lớn, Lào đã dần thu hẹp khoảng cách, nhanh chóng bắt kịp và vượt lên mức NSLĐ của Việt Nam vào năm 2010, và sau đó Việt Nam đã bị tụt lại phía sau. Thực tế này làm nảy sinh những lo ngại về sức hút các nhà đầu tư nước ngoài 415
  14. vào thị trường Việt Nam. Chi phí nhân công ở Việt Nam đang tăng nhanh hơn so với NSLĐ, do đó, có thể luồng vốn FDI sẽ chuyển hướng sang các thị trường hấp dẫn hơn như Lào, Campuchia, nơi có chi phí thấp hơn và NSLĐ tăng nhanh hơn. Như vậy, phân tích ở trên cho thấy nâng cao NSLĐ sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong thời gian tới. Bứt phá hay bị tụt lại phía sau phụ thuộc rất nhiều vào những nỗ lực cải thiện NSLĐ của Việt Nam trong chặng đường phía trước. 3.2. Nguồn tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam giai đoạn 2000 - 2015 Phần này trình bày kết quả tính toán dựa trên việc áp dụng phương pháp SSA để phân tích nguồn tăng trưởng NSLĐ theo khu vực kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2000 - 2015. Hình 5 cho thấy trong thời kỳ 2001-2004, chuyển dịch lao động giữa các khu vực kinh tế là thành phần lớn nhất đóng góp cho tăng trưởng NSLĐ tổng thể. Vì vậy có thể kh ng định rằng thời kỳ mà nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng NSLĐ cao nhất là thời kỳ mà cơ cấu lao động của nền kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhất. Sự chuyển dịch này hướng vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nên đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài vào tăng trưởng trong thời kỳ này phần lớn là do hấp thụ lao động từ các khu vực năng suất thấp hơn. Đây là thời kỳ mà Luật Doanh nghiệp năm 1999 bắt đầu có hiệu lực và đã tạo ra bước ngoặt lớn đối với sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài trong nền kinh tế. Từ năm 2005 đến năm 2008, gia tăng NSLĐ của các khu vực kinh tế giải thích trên 68% cho tăng trưởng NSLĐ chung. Cụ thể, trong các năm 2005 đến 2007, sự cải thiện mạnh mẽ nội lực của khu vực kinh tế trong nước có ảnh hưởng chi phối đối với tăng trưởng NSLĐ; năm 2008 là năm khu vực kinh tế nhà nước bắt đầu bộc lộ sự yếu kém, NSLĐ của khu vực này giảm và tăng trưởng NSLĐ tổng thể chủ yếu dựa vào sự cải thiện năng lực của khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Sau đó, năm 2009-2010, tăng trưởng NSLĐ toàn nền kinh tế chủ yếu do đóng góp của chuyển dịch lao động giữa các khu vực của nền kinh tế. Kể từ năm 2011, xu hướng chung là không rõ ràng, các thành phần tăng trưởng NSLĐ của các khu vực và chuyển dịch cơ cấu thay phiên nhau đóng vai trò chủ đạo đối với tăng trưởng NSLĐ tổng thể. 416
  15. Hình 5. Nguồn tăng trƣởng NSLĐ ở Việt Nam giai đoạn 2000-2015 Nguồn: Tính toán của tác giả theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Trong cả giai đoạn 2001-2015, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng NSLĐ toàn nền kinh tế (hình 6). Hai khu vực kinh tế còn lại đều có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng NSLĐ tổng thể, tuy nhiên, tầm quan trọng của từng khu vực thay đổi theo từng thời kỳ. Thời kỳ 2001-2004, khu vực kinh tế nhà nước có đóng góp lớn thứ hai cho tăng trưởng NSLĐ tổng thể. Trong những năm tiếp theo 2005-2008, tầm quan trọng của khu vực kinh tế nhà nước đã giảm xuống và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng. Sau khủng hoảng, từ năm 2009 đến năm 2012, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có biểu hiện sa sút đáng kể trong phần đóng góp vào tăng trưởng NSLĐ chung và có đóng góp thấp hơn h n hai khu vực còn lại. Từ năm 2013, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu phục hồi và khu vực kinh tế nhà nước rớt xuống vị trí thứ ba trong phần đóng góp vào tăng trưởng NSLĐ chung. Nhìn chung trong giai đoạn 2001-2015, gia tăng NSLĐ trong nội bộ khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực kinh tế nhà nước là nguồn chính kh ng định vai trò đóng góp của bản thân hai khu vực này cho tăng trưởng NSLĐ toàn nền kinh tế. Dòng lao động dịch chuyển từ khu vực kinh tế trong nước, nhất là từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước có mức NSLĐ thấp sang khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có mức NSLĐ cao hơn là thành phần lớn nhất kh ng định vai trò đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với tăng trưởng NSLĐ tổng thể. Mặc dù sự chuyển dịch này là tích cực và đúng hướng nhưng sự 417
  16. suy giảm mức NSLĐ của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài làm cho thành phần tương tác và hiệu ứng nội khu vực đều có đóng góp âm cho tăng trưởng. Hình 6. Đóng góp của các khu vực vào tăng trƣởng NSLĐ Việt Nam giai đoạn 2001-2015 Nguồn: Tính toán của tác giả theo số liệu của Tổng cục Thống kê Như vậy phân tích ở trên cho thấy khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã và đang là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế. Do đó Việt Nam cần xác định không nên quá phụ thuộc vào bên ngoài mà cần quan tâm nhiều hơn đến tầm quan trọng và phát huy nội lực của khu vực kinh tế trong nước trong bối cảnh hội nhập mới. 4. Thách thức về năng suất lao động đối với Việt Nam Theo số liệu dự báo của Liên Hiệp Quốc, giai đoạn dân số vàng của Việt Nam kéo dài khoảng 50 năm từ năm 1970 đến năm 2020. Càng về cuối giai đoạn cơ cấu dân số vàng, tốc độ tăng dân số trong độ tuổi lao động càng giảm. Thực tế cho thấy tốc độ tăng lực lượng lao động trong độ tuổi lao động của Việt Nam thời kỳ 2001 – 2010 vào khoảng 2,8%, năm 2017 chỉ còn 1,07%. Sự sụt giảm tốc độ tăng lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ở trên là rất đáng kể và tốc độ này được Liên hiệp quốc dự báo là sẽ tiếp tục giảm xuống. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng trở thành một quốc gia có thu nhập cao và phát triển thịnh vượng vào năm 2035. Muốn hiện thực hóa khát vọng này, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng cao và liên lục khoảng 7-8% /năm. Khi tốc độ tăng lao động trong nền kinh tế có xu hướng giảm xuống, thì tốc độ tăng GDP sẽ ngày càng phụ thuộc vào tốc độ tăng NSLĐ. Do đó, đặc trưng quyết định thành công trên con đường tăng 418
  17. trưởng vươn tới sự thịnh vượng đó chính là tăng trưởng về NSLĐ. Trên con đường này, thách thức đặt ra đối với Việt Nam là NSLĐ phải liên tục tăng với tốc độ trên 6% trở lên. Nếu duy trì được đà tăng trưởng này và hơn thế nữa, nền kinh tế sẽ dần tiệm cận đến quỹ đạo phát triển mong đợi. Để giải bài toán tăng trưởng NSLĐ trong quá trình thực hiện mục tiêu đầy tham vọng năm 2035, Việt Nam cần phải dựa vào sự gia tăng NSLĐ mạnh mẽ của tất cả các khu vực kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Nâng cao NSLĐ ở tất cả các khu vực kinh tế là chưa đủ để tốc độ tăng trưởng NSLĐ của nền kinh tế đạt mức tiềm năng, sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ khu vực có năng suất thấp đến khu vực có năng suất cao hơn là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng năng suất. Sau đây là một số thách thức đối với các khu vực kinh tế trên đường đua năng suất trong chặng đường phía trước. 4.1. Đối với khu vực kinh tế nhà nước Mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi, khu vực kinh tế nhà nước luôn được đánh giá là kém hiệu quả do có mức đầu tư lớn, thâm dụng vốn cao nhưng NSLĐ thấp và tăng chậm, đóng góp vào tăng trưởng NSLĐ của nền kinh tế còn hạn chế, gây thất thoát lớn về nguồn lực do năng lực quản lý yếu kém và nhiều bất cập. Với vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, việc nâng cao NSLĐ và hiệu quả đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước có ý nghĩa sống còn. Vì vậy, để tăng NSLĐ của nền kinh tế trong bối cảnh các doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn, cần phải tháo gỡ những nút thắt này bằng cách quyết liệt cải cách cơ chế sở hữu và chính sách quản lý các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước buộc phải tham gia cuộc chơi theo các chuẩn mực quốc tế khi cơ hội cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn ngày càng trở nên hạn hẹp và mức độ cạnh tranh ngày càng tăng lên. Muốn vậy, các doanh nghiệp nhà nước cần phải lường trước sự khan hiếm về cơ hội tiếp cận các nguồn lực cũng như sự gia tăng mức độ cạnh tranh và phải đạt hiệu quả hoạt động tốt hơn trước khi hoàn cảnh buộc họ phải làm như vậy. Quản lý và quản trị tốt hơn có thể giúp các doanh nghiệp nhà nước cải thiện năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh tăng trưởng năng suất tổng thể. Để làm được điều đó, trước hết các doanh nghiệp nhà nước cần thu hút, tuyển dụng các chuyên gia hàng đầu, được đào tạo ở nước ngoài để bổ sung những thiếu hụt trong nguồn lực nhân tài của mình. Sau đó, các doanh nghiệp nhà nước cần từng bước áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động vận hành nội bộ của mình và đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp, hiệu quả. 419
  18. Trong hệ thống các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước, nâng cao năng suất các doanh nghiệp nhà nước trong các ngành vận tải, kho bãi và viễn thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì đây là những ngành không chỉ có tiềm năng tăng trưởng lớn mà các doanh nghiệp nhà nước còn có khả năng kiểm soát phần lớn thị trường nội địa [10]. 4.2. Đối với khu vực kinh tế ngoài nhà nước Phân tích ở trên cho thấy khu vực kinh tế ngoài nhà nước đang sử dụng phần lớn lao động của nền kinh tế nhưng khu vực này lại có mức NSLĐ thấp hơn h n so với hai khu vực còn lại. Do đó, để nâng cao NSLĐ của toàn nền kinh tế, nhiệm vụ đặt ra đối với khu vực này không chỉ là nâng cao NSLĐ của bản thân khu vực mà còn phải tích cực chuyển dịch lao động sang các khu vực có năng suất cao hơn. Dù đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua, trở thành khu vực có đóng góp quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế song tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước vào GDP gần như không tăng lên trong suốt giai đoạn 2000 – 2015 (giảm từ 49% năm 2000 xuống còn 43% năm 2015). Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân chỉ đóng góp khoảng 5 đến 10% GDP, và giữ ổn định khoảng 7% trong những năm gần đây (hình 7). Hình 7. Đóng góp của khu vực kinh tế tƣ nhân vào GDP giai đoạn 2000 - 2015 Nguồn: Tính toán của tác giả theo số liệu của Tổng cục Thống kê Bên cạnh đó, quy mô của các doanh nghiệp thuộc khối kinh tế ngoài nhà nước chậm cải thiện, chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể và kinh tế hộ gia đình. Tuy số doanh nghiệp nhiều nhưng phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ ( trong đó hơn 90% doanh nghiệp có quy mô vốn dưới một tỷ đồng). Do quy mô nhỏ nên các doanh nghiệp không có khả năng du nhập công nghệ và đổi mới thiết bị, và 420
  19. cũng không thể đầu tư lớn để cách tân công nghệ [12]. Sự phát triển chủ yếu mang tính tự phát, chưa có quy hoạch định hướng rõ ràng. Đặc điểm của khu vực này là trình độ công nghệ, quản trị thấp, chậm cải thiện, trình độ lao động còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, khả năng maketing và tiếp cận thông tin còn kém, chất lượng sản phẩm, dịch vụ tạo ra thấp nên giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh yếu, không có năng lực xuất khẩu và không đủ khả năng tham gia vào mạng liên kết sản xuất để kết nối với các chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia. Trong khi đó, hoạt động của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, có khu vực kinh tế tư nhân còn gặp nhiều rào cản đang cản trở sự phát triển năng động của khu vực kinh tế quan trọng này. Sự phân biệt đối xử trong nhận thức đối với khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn tồn tại. Hệ thống pháp luật và chính sách chưa tạo điều kiện cho việc hình thành môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Trong khi các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng những chính sách ưu đãi về thuế, vốn và đất đai thì các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước dường như đứng ngoài những ưu đãi này. Vì thế, các doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn về thủ tục hành chính mà còn gặp khó khăn cả về tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai và hạ tầng sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường, công nghệ, đào tạo và quản lý. Trong đó, thiếu vốn luôn là vấn đề thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp tư nhân khi không có tài sản thế chấp để vay vốn hoặc tài sản thế chấp không minh bạch, đang tranh chấp, hoặc thiếu dự án khả thi. Trở ngại lớn nhất khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn là do thủ tục, hồ sơ vay vốn phức tạp, yêu cầu quá cao. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng không đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về tài sản thế chấp do thiếu tài sản có giá trị cao để thế chấp, các ngân hàng quá thận trọng, không đa dạng hóa tài sản thế chấp như hàng tồn kho Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cao hơn h n so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp cũng là một nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng. Do đó, để tăng NSLĐ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, giải pháp chính cần thực hiện là khơi thông thị trường vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn để các doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhập khẩu công nghệ mới. Để làm được điều đó, chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ hiệu quả, linh hoạt trong việc lựa chọn lĩnh vực, đối tượng ưu tiên, thẩm định các dự án vay vốn, ưu tiên hỗ trợ vốn, lãi suất cho các doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu công nghệ và phát minh, sáng chế. 421
  20. Cùng với những nỗ lực cải thiện năng lực nội tại của các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước, dịch chuyển cơ cấu lao động hợp lý và đúng hướng cũng góp phần giải quyết bài toán NSLĐ của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2000 – 2017, kinh tế cá thể - một bộ phận của kinh tế ngoài nhà nước - luôn duy trì tỷ trọng đóng góp trên 30% cho GDP của Việt Nam. Hiện nay, nguồn lao động dư thừa trong nông nghiệp và khu vực kinh tế cá thể ở mức cao nên dư địa tăng NSLĐ của toàn nền kinh tế dựa vào tái phân bổ nguồn lao động từ kinh tế cá thể sang hình thức tổ chức doanh nghiệp hiện đại là rất lớn [12]. Điều này sẽ giúp tăng dần quy mô của doanh nghiệp đang quá nhỏ hiện nay. Tuy nhiên, thách thức không nhỏ đối với quá trình chuyển dịch này là không chỉ là đầu tư vào máy móc mà còn là cải thiện kỹ năng lao động. 4.3. Đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài Kết quả phân tích ở trên cho thấy khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là khu vực có mức NSLĐ cao nhất và đây cũng là khu vực hấp thụ đáng kể lao động từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước chuyển sang nhưng NSLĐ của khu vực này lại có khuynh hướng giảm dần. Do đó, thách thức cơ bản đặt ra cho khu vực này trong thời gian tới là vừa nâng cao được NSLĐ và vừa tiếp tục hấp thụ lao động từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước dịch chuyển sang. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài được ghi nhận là có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế (GDP, vốn, nguồn thu ngân sách, tạo việc làm và luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 70% năm 2015) ) của Việt Nam nhưng chất lượng FDI còn thấp, tác động lan tỏa của công nghệ và tri thức kinh doanh đến nền kinh tế còn yếu nên ít tác động đến sự chuyển dịch cơ cấu lên cao. Sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước đã không giúp các doanh nghiệp trong nước mạnh lên. Do đó, Việt Nam cần có chiến lược thu hút FDI đúng đắn để nâng cao vai trò của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong tăng năng suất, thông qua tăng cường kết nối khu vực doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cần chú trọng và ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, chọn lọc các dự án tạo NSLĐ cao, có tính lan tỏa đến nền kinh tế. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới cung ứng toàn cầu và tăng năng suất qua chuyển giao công nghệ. Muốn vậy, cần có chiến lược nâng cao 422
  21. năng lực của các doanh nghiệp trong nước để các doanh nghiệp trong nước đủ năng lực học hỏi công nghệ mới hoặc đủ năng lực cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp FDI. Chiến lược này cần gắn kết chặt chẽ với chính sách phát triển khoa học và công nghệ, chính sách giáo dục và đào tạo, và chính sách thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và nuôi dưỡng doanh nghiệp tư nhân trong nước để các doanh nghiệp lớn dần và sớm đạt quy mô. Cần lưu ý rằng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp của nền kinh tế, chủ yếu các doanh nghiệp FDI tập trung trong các ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm. Với một nước mà mức thu nhập trung bình còn thấp như Việt Nam, công nghiệp là khu vực có mức NSLĐ cao nhất đồng thời cũng là khu vực cách tân công nghệ tiềm năng nhất [12]. Do đó, chiến lược thu hút FDI hiệu quả cũng cần gắn phải gắn kết chặt chẽ với chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, trong đó cần ưu tiên cho những dự án thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và hạn chế những dự án nhập khẩu công nghệ lạc hậu, khai thác khoáng sản ồ ạt, tàn phá môi trường và đa dạng sinh thái. Như vậy, thách thức lớn nhất đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đó là vấn đề công nghệ nhập khẩu và kênh chuyển giao, phổ biến công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nội địa, và môi trường sinh thái. Ngoài ra tình trạng lao động trong nước có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, chi phí nhân công tương đối có sự gia tăng cũng đặt ra áp lực không nhỏ đối với khả năng tăng NSLĐ của khu vực này. 5. Kết luận Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhất định trong quá trình từng bước cải thiện NSLĐ, nâng cao năng lực và giá trị nội tại của nền kinh tế. Tăng trưởng NSLĐ của toàn nền kinh tế đạt được trong thời gian qua là nhờ vào sự đóng góp bền bỉ của ba khu vực kinh tế: khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực kinh tế trong nước. Những đóng góp này đã từng bước làm thay đổi diện mạo cũng như vị thế của Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Kết quả nghiên cứu cho thấy chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các khu vực kinh tế có tác động mạnh đến tăng trưởng NSLĐ tổng thể trong khoảng thời gian trước năm 2005. Sau năm 2005, tăng trưởng NSLĐ toàn nền kinh tế chủ yếu được giải thích bởi sự gia tăng NSLĐ của các khu vực kinh tế. Trong 423
  22. đó phải kể đến vai trò dẫn dắt của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Các khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thay nhau đứng ở vị trí thứ hai trong đóng góp vào tăng trưởng. Điều đó cho thấy trong khoảng thời gian từ năm 2005 trở lại đây, việc dịch chuyển lao động từ khu vực có năng suất thấp sang các khu vực có năng suất cao và sang các khu vực có năng suất đang tăng lên là không nhiều. Và như vậy, với cơ cấu kinh tế như hiện nay, vẫn còn dư địa rất lớn cho việc tăng NSLĐ bằng cách chuyển dịch lao động sang các khu vực có NSLĐ cao hơn. Quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp dòng vốn FDI chảy mạnh hơn vào Việt Nam. Việc gia tăng sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI đã có tác động tích cực nhất định đến cải thiện NSLĐ của nền kinh tế. Tuy nhiên, mức NSLĐ của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực được coi là năng động trong nền kinh tế đang tiếp nhận dòng lao động di chuyển từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước có mức NSLĐ thấp nhất sang, đang có xu hướng giảm đi đáng kể và đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng NSLĐ tổng thể còn hạn chế. Sự hạn chế này phản ánh thực trạng các doanh nghiệp FDI mặc dù góp phần đưa Việt Nam vào mạng lưới sản xuất và mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng trên 90% các doanh nghiệp này sử dụng công nghệ trung bình, thấp và lạc hậu, đồng thời hưởng nhiều biệt đãi; trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phần lớn thực hiện gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; trong ngành dịch vụ, vốn FDI tập trung vào bất động sản không giúp tạo việc làm cho người lao động, không thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, hoạt động sản xuất và xuất khẩu, do đó không có tác dụng hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều này cho thấy chính sách thu hút FDI và nhập khẩu công nghệ có thể làm tăng năng suất trong ngắn hạn, song để nâng cao năng lực của nền kinh tế, trong dài hạn, Việt Nam cần phải dựa vào nội lực, phải nỗ lực xây dựng, củng cố và phát huy tiềm lực của khu vực kinh tế trong nước, thiết lập nền tảng vững chắc để độc lập, tự chủ và vững vàng hội nhập. 424
  23. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Fagerberg, J. (2000), “Technological progress, structural change and productivity growth a comparative study”, Structural Change and Economic Dynamics, Vol.11 pp.393 - 411. 2. Ghani and Suri (1999), “Productivity Growth, Capital Accumulation, and the Banking Sector: Some Lessons from Malaysia”, Policy Research Working Paper, No. 2252, Washington, DC: The World Bank. 3. Hồ Đình Bảo (2015), „Những nút thắt của tăng trưởng năng suất lao động Việt Nam‟, Slide trình bày ở Tọa đàm khoa học. 4. Nguyễn Thị Tuệ Anh (2008), Tăng trưởng năng suất lao động Việt Nam 16 năm (1991 - 2006) từ góc độ đóng góp của các ngành kinh tế và chuyển dịch cơ cấu ngành, NXB Lao động, Hà Nội. 5. Rodrik 2012 , “Globalization, Structural Change, and Productivity Growth”, IFPRI Discussion Paper 01160. 6. Saccone, D. and V. Valli (2009), “Structural Change and Economic Development in China and India,” Working paper No. 7/2009, Dipartimento di Economia, Università di Torino, Italy. 7. Tổng cục Thống kê (2018), „Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 2017‟. 8. Trần Thọ Đạt và Nguyễn Thị Cẩm Vân (2015), „Tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam: một phân tích dựa trên SSA‟, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia: Khơi nguồn động lực tăng trưởng trong bối cảnh mới của hội nhập, tháng 1/2015, NXB ĐHKTQD. 9. Yilimaz Kilicaslan (2005 , “Industrial structure and labour markets a study on productivity growth”. 10. Viện Nghiên cứu toàn cầu Mckinsey (2012). “Giữ nhịp tăng trưởng bền vững tại Việt Nam: Thách thức về năng suất”. 11. Vũ Hoàng Ngân, Nguyễn Thị Cẩm Vân, Hoàng Thị Huệ, Phạm Ngọc Toàn (2016), „Nguồn tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 1996 – 2016‟, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia: Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam và vai trò của nhà nước kiến tạo trong hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tháng 3/2017, NXB ĐHKTQD. 12. 123351.html 425