Vai trò của chính phủ Trung Quốc trong thúc đẩy tài chính toàn diện và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

pdf 4 trang Gia Huy 24/05/2022 1650
Bạn đang xem tài liệu "Vai trò của chính phủ Trung Quốc trong thúc đẩy tài chính toàn diện và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfvai_tro_cua_chinh_phu_trung_quoc_trong_thuc_day_tai_chinh_to.pdf

Nội dung text: Vai trò của chính phủ Trung Quốc trong thúc đẩy tài chính toàn diện và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

  1. VAI TRÒ CỦA CHÍNH PHỦ TRUNG QUỐC TRONG THÚC ĐẨY TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM ThS. Phạm Thanh Hà Học viện Tài chính Tóm tắt Chính phủ Trung Quốc đã tích cực theo đuổi một loạt các biện pháp trong những năm qua để thúc đẩy tài chính toàn diện. Bài báo này tóm tắt kế hoạch phát triển tài chính toàn diện của Trung Quốc trong giai đoạn 2016-2020; miêu tả các nỗ lực chính của Chính phủ Trung Quốc trong cải thiện chính sách và môi trường pháp lý, bao gồm chính sách tiền tệ và tín dụng, chính sách tài khoá và thuế để thúc đẩy tài chính toàn diện.Chính phủ Trung Quốc đã tích cực thực hiện một loạt các biện pháp chính sách với mục tiêu khuyến khích nền kinh tế thị trường, giảm chi phí hoạt động của các tổ chức tín dụng cho nhóm dân số chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính, khuyến khích các tổ chức tín dụng tận dụng công nghệ và cơ sở hạ tầng tài chính để tiếp cận các phân khúc khách hàng mới và thúc đẩy phát triển các sản phẩm tài chính được thiết kế tốt cho nhóm dân số này. Tổng kết từ kinh nghiệm của Trung Quốc, bài báo này đưa ra các gợi ý về chính sách thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam. Từ khoá: Chính sách tiền tệ, Chính sách tín dụng, chính sách tài khoá, chính sách thuế. 1. Kế hoạch thúc đẩy tài chính toàn diện của Trung Quốc giai đoạn 2016-2020 Năm 2015, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ban hành Kế hoạch cho việc thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch này đã đưa ra định nghĩa về tài chính toàn diện: “cung cấp các dịch vụ tài chính phù hợp và hiệu quả cho tất cả các tầng lớp xã hội có nhu cầu về dịch vụ tài chính, với chi phí phải chăng, dựa trên các nguyên tắc cơ hội, bình đẳng và bền vững thương mại”. Kế hoạch này cũng lưu ý rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nông dân, nhóm thu nhập thấp ở thành thị, các nhóm người nghèo, người khuyết tật, người già và các nhóm đặc biệt khác là khách hàng mục tiêu của tài chính toàn diện ở Trung Quốc. Kế hoạch này chỉ ra rằng tài chính toàn diện ở Trung Quốc vẫn còn phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức, bao gồm dịch vụ tài chính “mất cân bằng”, nghĩa là thiếu các sản phẩm phù hợp cho người nghèo, trong khi các sản phẩm ít phù hợp hơn tồn tại trên thị trường, và còn nhiều việc phải làm để phát triển cơ sở hạ tầng tài chính và tăng cường tính bền vững thương mại của việc cung cấp dịch vụ tài chính. Kế hoạch thiết lập các mục tiêu chính sách tài chính toàn diện ở Trung Quốc: Thứ nhất, thiết lập một hệ thống dịch vụ và hỗ trợ tài chính toàn diện tương ứng với việc đạt được một xã hội tương đối thịnh vượng ở tất cả các khía cạnh; Thứ hai, cải thiện sự sẵn có của các dịch vụ tài chính, tăng đáng kể khả năng đáp ứng của người dân đối với các dịch vụ tài chính; Thứ ba, cải thiện đáng kể sự hài lòng của người dân với các dịch vụ tài chính; và Thứ tư, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân đối với các dịch vụ tài chính, đặc biệt là cho phép DNNVV, nông dân, nhóm thu nhập thấp ở thành thị, nhóm người nghèo, người khuyết tật, người già và các nhóm đặc biệt khác có được dịch vụ tài chính với giá cả hợp lý và an toàn. Kế hoạch vạch ra các lộ trình để đạt được các mục tiêu này, bao gồm thông qua việc tăng tính đa dạng và độ bao phủ của các nhà cung cấp dịch vụ tài chính trong hệ thống tài chính, đổi mới trong thiết kế các sản phẩm và dịch vụ tài chính, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính, cải thiện luật pháp và các quy định liên quan đến tài chính toàn diện, nâng cao vai trò của chính 558
  2. sách trong hướng dẫn và khuyến khích tài chính toàn diện, củng cố giáo dục tài chính và bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính. Kế hoạch cũng lưu ý rằng mối quan hệ giữa Chính phủ và thị trường cần được xây dựng một cách chính xác, các nguyên tắc thị trường cần được tôn trọng đầy đủ, với mục đích đảm bảo rằng thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực tài chính. Chính phủ dự kiến sẽ phát huy tốt hơn vai trò của mình trong việc hướng dẫn lập kế hoạch, tổ chức và phối hợp tổng thể, và phân phối cân bằng, cũng như trong việc hỗ trợ chính sách. 2. Vai trò của Chính phủ Trung Quốc trong thúc đẩy tài chính toàn diện 2.1. Chính sách tiền tệ và tín dụng để hỗ trợ tài chính toàn diện Trong những năm gần đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng dịch vụ tín dụng cho người dân khu vực nông thôn và các DNNVV thông qua các chính sách khác nhau, bao gồm chính sách về tỷ lệ dự trữ khác biệt, tái cấp vốn cho vay và cho vay lại. Vào cuối năm 2016, tỷ lệ dự trữ cho các ngân hàng thương mại ở nông thôn được đăng ký tại các quận, huyện ở Trung Quốc là 12% và tỷ lệ dự trữ cho các ngân hàng hợp tác xã nông thôn, Hợp tác xã tín dụng nông thôn và ngân hàng cấp làng, xã là 9%. Các tỷ lệ này lần lượt thấp hơn 5 điểm phần trăm và 8 điểm phần trăm so với tỷ lệ dự trữ cho các ngân hàng thương mại lớn. Nếu bất kỳ tổ chức tín dụng nông thôn nào nói trên ở các khu vực quận, huyện đã sử dụng một phần tiền gửi mới để giải ngân các khoản vay trong khu vực địa phương, thì tỷ lệ dự trữ của nó thấp hơn 1 điểm phần trăm so với tổ chức tín dụng tương tự. Ngoài ra, bất kỳ ngân hàng thương mại nào đáp ứng được các yêu cầu hoạt động thận trọng nhất định và các khoản vay cho người dân nông thôn, DNNVV đều đạt tỷ lệ nhất định có thể được cấp tỷ lệ dự trữ thấp hơn so với các tổ chức tương tự. Để khuyến khích các tổ chức tài chính phát triển tài chính toàn diện, tháng 9 năm 2017, PBOC đã quyết định giảm tỷ lệ dự trữ tiền gửi cho các ngân hàng thương mại tuân thủ các yêu cầu thận trọng và đã đạt được các tỷ lệ cần thiết trong cho vay đối với các phân khúc thị trường chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính, bao gồm các khoản vay cho các doanh nghiệp siêu nhỏ (giới hạn tín dụng dưới 5 triệu Nhân dân tệ cho một doanh nghiệp siêu nhỏ) và bảy loại cho vay khác đối với các phân khúc chưa được tiếp cận dịch vụ. PBOC cũng đã sử dụng các công cụ cho vay và chiết khấu để khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng đến các phân khúc này, bao gồm người dân nông thôn, DNNVV, và người nghèo. Các tổ chức tín dụng thể hiện khả năng tiếp cận cao hơn với các nhóm này sẽ có quyền tiếp cận tốt hơn với các công cụ này của PBOC. Với mục đích hỗ trợ các nhóm người nghèo, DNNVV trong việc được tiếp cận các khoản vay từ các tổ chức tín dụng, tổng số tiền cho vay trong năm 2016 sử dụng công cụ cho vay của PBOC là 439 tỷ Nhân dân tệ (66 tỷ USD) và số dư nợ cho đến cuối năm 2016 là 375 tỷ Nhân dân tệ (56 tỷ USD). Tổng số tiền cho vay được phát hành trong năm 2016 sử dụng công cụ chiết khấu của PBOC là 381 tỷ Nhân dân tệ (57 tỷ USD) và số dư nợ còn lại tính đến cuối năm 2016 là 117 tỷ Nhân dân tệ (18 tỷ USD). PBOC cũng đã thận trọng thí điểm thực hiện các khoản vay thế chấp tại khu vực nông thôn, cho phép sử dụng quyền sở hữu nhà ở của nông dân, quyền quản lý đất nông thôn như tài sản thế chấp; khuyến khích DNNVV sử dụng các công cụ nợ từ các tổ chức phi tài chính; hỗ trợ các tổ chức tín dụng đủ điều kiện để gây quỹ thông qua phát hành trái phiếu tài chính được sử dụng riêng cho các khoản vay cho DNNVV; và kêu gọi các tổ chức tín dụng cung cấp các dịch vụ tài chính sinh kế cho người di cư nông thôn, sinh viên tốt nghiệp đại học, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, v.v Những nỗ lực này đã cải thiện các dịch vụ tài chính cho các nhóm dân số, doanh nghiệp chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính. 2.2. Chính sách tài khóa và thuế Phần này viết về một số ví dụ chọn lọc về chính sách tài khóa và thuế được sử dụng bởi các cơ quan tài chính Trung Quốc để khuyến khích tài chính toàn diện thông qua các phương pháp tiếp cận dựa trên thị trường, đa dạng các sản phẩm và dịch vụ tài chính. 559
  3. Quỹ bồi thường rủi ro cho vay nông nghiệp và cho vay đối với DNNVV Chính phủ trung ương Trung Quốc đã khuyến khích chính quyền địa phương thành lập các quỹ bồi thường rủi ro để khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay nông nghiệp và cho vay đối với DNNVV. Ví dụ, vào năm 2009, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) đã đưa ra một sản phẩm sáng tạo thông qua đó chính quyền địa phương và CCB cùng lựa chọn một nhóm DNNVV. Các quỹ của chính quyền địa phương và các thành viên thuộc nhóm DNNVV được gộp vào một quỹ hỗ trợ bảo lãnh. CCB giải phóng các khoản vay tương đương gấp 10 lần số tiền của quỹ cho các thành viên thuộc nhóm DNNVV, với lịch trình giải ngân và trả nợ linh hoạt. Quỹ dự phòng cho chính quyền địa phương để hỗ trợ tài chính toàn diện Các cơ quan chính phủ đã tích cực ban hành các văn bản hướng dẫn để cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng cho các hộ nghèo. Năm 2014, PBOC và các bộ, ủy ban khác đã cùng nhau ban hành Hướng dẫn về cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện cho xóa đói giảm nghèo. Cuối năm 2014, Văn phòng Giảm nghèo và Phát triển (CPAD) của Hội đồng Nhà nước, Bộ Tài chính, PBOC đã cùng nhau ban hành Hướng dẫn về Đổi mới và Phát triển Tín dụng vi mô để xóa đói giảm nghèo. Hai hướng dẫn này khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cung cấp các khoản vay không có bảo đảm, thành lập quỹ bồi thường rủi ro và hỗ trợ người nghèo với các khoản trợ cấp lãi suất của chính quyền địa phương, cũng như cung cấp và mua bảo hiểm tín dụng vi mô để đa dạng hóa các rủi ro liên quan. Để cung cấp hỗ trợ tài chính bổ sung cho các nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện, vào tháng 9 năm 2016, Bộ Tài chính đã ban hành Quy tắc hành chính đối với việc quản lý các quỹ đầu tư tài chính cho tài chính toàn diện. Các quỹ này được nhận các khoản tài chính từ trung ương để hỗ trợ và hướng dẫn chính quyền địa phương ở tất cả các cấp, tổ chức tín dụng và vốn tư nhân thúc đẩy tài chính toàn diện tại Trung Quốc. Các quỹ này được nhận các khoản hỗ trợ từ trung ương để hỗ trợ và hướng dẫn chính quyền địa phương ở tất cả các cấp, tổ chức tín dụng và vốn tư nhân hỗ trợ thúc đẩy tài chính toàn diện ở Trung Quốc. Các quỹ này được sử dụng với các mục đích sau: (1) Thưởng cho sự gia tăng các khoản vay liên quan đến nông dân, người nghèo và DNNVV của các tổ chức tín dụng cấp quận, huyện; (2) Trợ cấp đặc biệt cho các chi phí của các tổ chức tín dụng nông thôn; và (3) Trợ cấp lãi suất cho các khoản vay được đảm bảo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, cũng như các khoản trợ cấp cho các ngân hàng liên quan hoặc các nhà cung cấp dịch vụ tài chính. Từ năm 2009, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một chương trình thí điểm thưởng cho việc gia tăng đặc biệt các khoản vay liên quan đến nông dân, người nghèo và DNNVV cho các tổ chức tín dụng cấp quận, huyện. Trong những năm gần đây, với việc mở rộng liên tục phạm vi, chương trình thí điểm hiện được thực hiện ở 25 tỉnh của Trung Quốc. Năm 2016, chính quyền trung ương đã cấp 16,7 tỷ Nhân dân tệ (2,5 tỷ USD) cho các quỹ tài chính toàn diện ở địa phương, và chính quyền địa phương có thể sử dụng các quỹ này để hỗ trợ tài chính bằng cách trao thưởng cho các tổ chức tín dụng ở cấp quận, huyện và thấp hơn. Ngoài ra, một số chính quyền địa phương đã thành lập các quỹ bảo lãnh cho vay khởi nghiệp kinh doanh thông qua đó các tổ chức tín dụng phát hành các khoản vay được bảo đảm cho các doanh nhân đủ điều kiện để hỗ trợ các cá nhân khởi nghiệp hoặc tạo công ăn việc làm. Lãi suất cho các khoản vay như vậy được trợ cấp bởi các quỹ tài chính. Bảo hiểm nông nghiệp Để khuyến khích tăng cường bảo hiểm nông nghiệp, Uỷ bản quản lý Bảo hiểm (CIRC), Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và chính quyền địa phương đã tích cực thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp. Dựa trên các hoạt động định hướng thị trường của các công ty bảo hiểm, chính quyền trung ương, chính quyền tỉnh, chính quyền thành phố và quận, huyện cung cấp các khoản trợ cấp bảo hiểm nông nghiệp cho các thiệt hại kinh tế do thiên tai, dịch bệnh, sâu bệnh và tai nạn. Năm 2007, một chương trình thí điểm về trợ cấp phí bảo hiểm đã được thực hiện ở sáu tỉnh. Chương 560
  4. trình thí điểm đã cung cấp khoảng 2 tỷ Nhân dân tệ (300 triệu USD) trợ cấp phí bảo hiểm bao gồm năm loại bảo hiểm nông nghiệp. Năm 2015, CIRC, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp đã ban hành Thông tư về việc cải thiện soạn thảo các điều khoản và điều kiện cho các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp được Chính phủ trung ương trợ cấp. Do đó, mức độ bao phủ trung bình của các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp mới tăng 15%-20%; phạm vi bảo hiểm được tiếp tục mở rộng; phí bảo hiểm giảm xuống; tiêu chí yêu cầu bồi thường bảo hiểm được cải thiện; và tỷ lệ bồi thường trung bình cho tổng thiệt hại tăng 10%. Tính đến cuối năm 2016, phạm vi khu vực của các khoản trợ cấp bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ trung ương đã mở rộng ra cả nước với 15 loại sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp. Chính sách thuế Một số chính sách miễn thuế cụ thể đã được Chính phủ Trung Quốc thực hiện để đạt được các mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện, cụ thể: (i) Thuế giá trị gia tăng (VAT) được miễn cho thu nhập lãi của các tổ chức tài chính và các công ty tín dụng vi mô đối với các khoản vay nhỏ cho nông dân; (ii) Thu nhập chịu thuế chỉ được tính trên 90% thu nhập lãi của các tổ chức tài chính từ các khoản vay nhỏ cho nông dân; (iii) Thuế trước bạ được miễn cho các hợp đồng cho vay được ký giữa các tổ chức tài chính và DNNVV. 3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong thúc đẩy tài chính toàn diện Từ các bài học cải thiện chính sách và môi trường pháp lý của Trung Quốc, chúng ta có thể đưa ra một số bài học sau cho Việt Nam trong thúc đẩy tài chính toàn diện: Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tỷ lệ dự trữ bắt buộc đa dạng đối với các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng. Thực hiện chính sách tỷ lệ dự trữ thấp hơn đối với các ngân hàng, tổ chức đáp ứng được yêu cầu và cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, DNNVV và người nghèo. Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ cho vay và chiết khấu để định hướng các ngân hàng, tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ tài chính trong lĩnh vực nông nghiệp, DNNVV và người nghèo. Thứ ba, chính quyền địa phương thành lập Quỹ bồi thường rủi ro cho vay nông nghiệp và cho vay đối với DNNVV. Thứ tư, thành lập quỹ dự phòng ở địa phương để hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc cho vay trong lĩnh vực nông thôn, DNNVV và người nghèo. Thứ năm, phát triển và đa dạng hoá các loại hình bảo hiểm nông nghiệp. Nhà nước thực hiện trợ cấp về phí bảo hiểm nông nghiệp. Thứ sáu, thực hiện chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, v.v. đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong các hoạt động cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, DNNVV và người nghèo. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (2018), Toward Universal Financial Inclusion in China Models, Challenges, and Global Lessons. 561