Vai trò của làng và vạn trong quản lý nghề khai thác thủy sản truyền thống ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế
Bạn đang xem tài liệu "Vai trò của làng và vạn trong quản lý nghề khai thác thủy sản truyền thống ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- vai_tro_cua_lang_va_van_trong_quan_ly_nghe_khai_thac_thuy_sa.pdf
Nội dung text: Vai trò của làng và vạn trong quản lý nghề khai thác thủy sản truyền thống ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 12, Số 2 (2018) VAI TRÒ CỦA LÀNG VÀ VẠN TRONG QUẢN LÝ NGHỀ KHAI THÁC THỦY SẢN TRUYỀN THỐNG Ở ĐẦM PHÁ TAM GIANG – CẦU HAI, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ Tôn Thất Pháp1*, Nguyễn Thị Kim Anh2, Mai Ngọc Châu3 1Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế 2 Trung tâm Nghiên cứu và phát triển vùng duyên hải, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế 3Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế *Email: tonthatphap@gmail.com Ngày nhận bài: 4/4/2018; ngày hoàn thành phản biện: 18/5/2018; ngày duyệt đăng: 8/6/2018 TÓM TẮT Ở cơ chế quản lý thủy sản truyền thống ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai các làng nông nghiệp ven phá là các chủ thể được nhà nước ủy thác quản lý; các vạn ngư dân chịu sự quản lý của các làng chủ quản. Làng và vạn là hai chủ thể cộng đồng giữ vai trò quản lý quyết định tạo nên một cơ chế quản lý truyền thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đậm chất cộng đồng và có thể được gọi là Quản lý cộng đồng dựa vào làng và vạn. Ở mô hình quản lý này yếu tố nhà nước rất mờ, yếu tố cộng đồng nổi bật: chủ thể làng - vạn có được một không gian tự quản rõ nét nhờ đó hai chủ thể thể cộng đồng này đã phát huy năng lực của mình trong quản lý nghề thủy sản và nguồn lợi ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Từ khóa: đầm Phá Tam Giang- Cầu Hai, làng, vạn, quản lý dựa vào cộng đồng. 1. MỞ ĐẦU Quản lý dựa vào cộng đồng là hình thức quản lý ở đó cộng đồng được trao cơ hội, trách nhiệm và quyền hạn để tham gia quản lý tài nguyên mà cuộc sống cộng đồng dựa vào. Ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (TG-CH), phương thức quản lý thủy sản truyền thống đã tồn tại qua quá trình lịch sử lâu dài và không lúc nào không gắn kết với cộng đồng [8]. Tinh hoa của quản lý truyền thống đã được thế giới ngày nay công nhận *8+. Và đối với Việt Nam việc hợp nhất vạn chài vào cấu trúc quản lý nghề cá có thể là một hướng gợi mở nhằm góp phần giải quyết những vấn đề chủ yếu của quản lý nghề cá ven bờ [8]. Tuy nhiên, trên thực tế vai trò của vạn chài trong hệ thống quản lý hiện nay đã không còn được chú trọng và hầu như dần dần bị phai nhạt dần. Vì vậy, nghiên cứu “Vai trò của làng và vạn chài trong quản lý nghề khai thác thủy sản 197
- Vai trò của làng và vạn trong quản lý nghề khai thác thủy sản truyền thống ở đầm phá Tam Giang truyền thống ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế” sẽ là khía cạnh góp phần nhận diện những tinh hoa của quản lý truyền thống mà từ đó có thể vận dụng vào hệ thống quản lý nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống quản lý đầm phá TG-CH hiện nay. 2. PHẠM VI VÀ PHƢƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Phạm vi nghiên cứu Vùng đầm phá từ cửa Thuận An đến vùng Cầu Hai. Các địa bàn khảo sát gồm: xã Phú An, Phú Mỹ, Phú Xuân, Vinh Hà, Vinh Hưng, huyện Phú Vang; xã Vinh Hiền, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc; xã Hương Vinh, huyện Hương Trà. 2.2. Phƣơng pháp nghiên cứu 2.2.1.Thu thập dữ liệu thứ cấp Các dữ liệu thứ cấp về hoạt động nghề cá và quản lý khai thác thủy sản ở vùng đầm phá Tam Giang được thu thập qua các báo cáo tổng kết của các xã nghiên cứu; các báo cáo kết quả của các dự án liên quan đến quản lý tài nguyên thủy sản đầm phá TG- CH, các đề tài luận văn liên quan về quản lý nguồn lợi thủy sản. 2.2.2. Thu thập dữ liệu sơ cấp Tiến hành phỏng vấn nhóm nhằm tìm hiểu vai trò của cộng đồng trong tham gia hoạt động quản lý nghề thủy sản đầm phá. Tìm hiểu cũng như đánh giá vai trò của các tổ chức cộng đồng cư dân đầm phá trong quản lý nghề khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm phá. Đặc biệt thực hiện những phỏng vấn hồi cố đối với những cư dân lớn tuổi để tìm hiểu về hoạt động của các vạn, vai trò của các vạn trong quản lý nghề thủy sản đầm phá. 2.2.3. Tổ chức hội thảo Gặp gỡ, chia sẻ kết quả nghiên cứu với các chuyên gia và chính quyền, các chuyên viên của sở ban ngành, cộng đồng địa phương thông qua các cuộc họp làm việc và hội thảo khoa học. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Cƣ dân đầm phá Đầm phá TG-CH là một thủy vực ven biển rộng, nhận nước ngọt của nhiều sông như sông Hương, sông Ô Lâu, sông Đại, sông Cầu Hai, sông Truồi và tiếp xúc với biển qua 2 cửa Thuận An và Tư Hiền. Sự giao hòa hai khối nước ngọt mặn này mang đến cho phá một môi trường nước lợ đặc trưng và nguồn lợi thủy sản phong phú. Bên 198
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 12, Số 2 (2018) cạnh đó, về mặt địa mạo, thủy vực phá TG-CH thuộc kiểu hình gần kín nên xét ở khía cạnh tác động của sóng gió thì đầm phá khá an toàn về mặt cư trú và hoạt động nghề thủy sản ở phá. Chính đặc điểm môi trường này đầm phá đã lôi cuốn một cộng đồng cư dân quần cư sinh sống ở ven và trên đầm phá. Cư dân Việt đến đầm phá này có thể từ phía Bắc vào thời Lý và phía Nam ra khi Nguyễn Huệ mang một số dân từ Quy Nhơn về Thuận Hóa để tăng thêm uy lực [3]. Theo sinh kế và cư trú cư dân đầm phá chia làm hai cộng đồng: Cộng đồng cư dân làm nông sinh sống ở đất liền hình thành nên các làng nông nghiệp ven đầm phá; cư dân sống ở thuyền mưu sinh bằng nghề khai thác thủy sản quần cư thành cộng đồng ngư dân dân thủy diện đầm phá. Cộng đồng ngư dân thủy diện gồm hai thành phần: ngư dân Đại nghệ (nghề lớn) và ngư dân Tiểu nghệ (nghề nhỏ). Ngư dân Đại nghệ hoạt động nghề bằng ngư cụ gắn cố định vào đáy đầm phá và phải tham gia đấu thầu ngư trường để khai thác. Các Đại nghệ tiêu biểu là nò sáo, đáy. Ngư dân Tiểu nghệ làm nghề đánh bắt thủy sản bằng các ngư cụ di động, không cần vốn lớn và cũng không phải đấu thầu ngư trường khai thác, ví dụ nghề lưới, xẻo, xiết, câu<Ngư dân đại nghệ và tiểu nghệ cùng chung sinh sống và hợp thành các cụm cư dân phân bố khắp đầm phá. Mỗi một đơn vị ngư dân tụ cư này được gọi là vạn. Vạn được xây dựng dựa trên cơ sở quan hệ huyết thống, tín ngưỡng, hôn nhân và nghề nghiệp. Mỗi vạn có vạn trưởng do ngư dân bầu lên để điều hành vạn. 3.2. Vai trò của làng, vạn trong cơ chế quản lý tài nguyên đầm phá truyền thống Ở hệ thống quản lý của nhà nước phong kiến, đầm phá được xem là một thủy điền [3] và nhà nước cho các làng ven đầm phá TG-CH lãnh trưng từng vùng đầm phá để khai thác. Đơn cử, làng Hà Trung nhận lãnh mặt nước đầm Đả rộng lớn có hạn giới “Thượng chí Can Lô, hạ chí Tư Hiền hải khẩu” [7]. Hai làng Mỹ Lam và An Truyền được quyền quản lý đầm Sam - Chuồn nằm gần cửa sông Hương. Bên cạnh đó nhà nước phong kiến còn dành một ngư trường đầm phá “Từ sơn đầu chí hải khẩu, thượng Bình Trị hạ chí Can Lô” *7+ gọi là đầm Thủy Tú để ban thưởng cho làng Thủy Tú theo hình thức “thủy diện thế vi điền” *7+. Các làng nhận mặt nước đầm phá trở thành làng chủ quản và được quyền tự quản lý ngư trường đầm phá của mình còn phía nhà nước chỉ quản lý bằng chính sách thuế. Theo cùng một kiểu quản lý, các làng chủ quản đầm phá tiến hành i) Tổ chức cho người dân đấu thầu mặt nước đầm phá để khai thác thủy sản. Số tiền thu từ đấu thầu, làng dùng để nộp thuế cho nhà nước và làng được hưởng dụng một phần từ thuế này. Người thắng thầu được phép định lại mức đấu cụ thể cho ngư dân sao cho có phần dôi so với tổng số tiền đã bỏ ra dự đấu để hưởng lợi; ii) Làng xây dựng các luật tục về hoạt động nghề khai thác thủy sản làm cơ sở để quản lý hoạt động đánh bắt thủy sản ở đầm phá. Làng chủ quản luôn phối hợp chặt với các vạn để giải quyết kịp thời và triệt để 199
- Vai trò của làng và vạn trong quản lý nghề khai thác thủy sản truyền thống ở đầm phá Tam Giang các xung đột của ngư dân trong hoạt động nghề hoặc các vi phạm quy định đánh bắt thủy sản. 3.2.1. Quản lý khai thác thủy sản ở đầm Đả Hằng năm, làng Hà Trung tổ chức đấu toàn bộ đầm Đả để được khai thác thủy sản. Đầm Đả lớn rộng có nguồn tài nguyên dồi dào nên giá đấu đầm này rất cao và chỉ những người có nguồn lực mới có khả năng tham gia đấu. Vì thế người thắng thầu trở thành người chủ đầm có quyền lực mang biệt danh là phái viên đầm Đả: “Nhất tỉnh trưởng Thừa Thiên, nhì phái viên đầm Đả”. Với sự hỗ trợ của Hội đồng giám sát gồm đại diện làng và huyện, phái viên xây dựng lại mức đấu phù hợp cho ngư và trên mức đấu này đến lượt mình các trưởng vạn tự định ra giá đấu cụ thể cho ngư dân nghề cố định trong vạn mình, còn đối với nghề di động vạn quy tiền phí nộp cụ thể. Sự phối hợp quản lý hiệu quả giữa làng Hà Trung với phái viên và các vạn đã giữ được trật tự và ổn định hoạt động nghề của ngư dân ở đầm Đả. 3.2.2. Quản lý khai thác thủy sản ở đầmSam - Chuồn Đầm Sam – Chuồn tương đối nhỏ nên làng An Truyền và Mỹ Lam chỉ tổ chức đấu thầu ngư trường dành cho nghề cố định nò sáo. Vì lẽ đó mà người thắng thầu thường được gọi là chủ trộ (chủ các trộ nò sáo). 3.2.3. Quản lý khai thác thủy sản ở đầmThủy Tú Làng Thủy Tú tổ chức đấu thầu mặt nước đầm vào kỳ Thu tế hằng năm và các trưởng vạn là người đại diện ngư dân trực tiếp dự đấu. Làng chỉ phát thầu cho nghề khai thác cố định còn đối với các nghề tiểu nghệ - nghề di động, làng định ra một mức tiền nộp cụ thể dựa vào số lượng ngư cụ của ngư dân sử dụng khai thác. Đồng thuận về giá đấu của làng Thủy Tú, các trưởng vạn thảo luận và phân định lại mức tiền đấu phù hợp cho từng ngư trường khai thác ở vạn mình. Làng Thủy Tú lập ra một Ban quản lý đầm phávới Trưởng Ban điều hành là trưởng làng và các phụ tá là các trưởng vạn. Bên cạnhBan quản lý đầm phá có thêm Đội tuần đinh gồm 10 người dân trẻ của làng đảm đương việc tuần tra kiểm soát hoạt động khai thác của ngư dân, đồng thời khảo sát đo đạc kích cỡ các trộ sáo làm cơ sở cho việc định mức thuế. Ngoài ra, làng còn cử một người dân của làng chuyên trách theo dõi và tường trình tình hình hoạt động khai thác của ngư dân nhằm giúp Ban quản lý đầm phá nắm được tình cảnh hoạt động nghề của ngư dân từ đó xem xét điều chỉnh mức thuế phù hợp, bảo đảm ổn định cuộc sống cho ngư dân. Bộ máy quản lý này đã giúp làng Thủy Tú, dù tọa lạc ở vị trí rất xa đầm, quản lý hiệu quả hoạt động nghề khai thác thủy sản cũng như nguồn lợi thủy sản ở đầm. 200
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 12, Số 2 (2018) 3.3. Vai trò làng, vạn trong cơ chế quản lý khai thác thủy sản đầm phá ở các hệ thống quản lý sau thời kỳ nhà nƣớc phong kiến 3.3.1. Thời kỳ nhà nước thuộc Pháp Vào thời kỳ đất nước thuộc Pháp tuy đầm phá được xếp vào loại tài nguyên của Nhà nước Pháp *1+ nhưng đầm phá TG-CH vẫn do chính quyền địa phương quản lý và nộp thuế cho Nhà nước. Và cơ chế quản lý hoạt động khai thác thủy sản đầm phá do các làng chủ quản điều hành vẫn được duy trì thực hiện. 3.3.2. Thời kỳ chính quyền Việt Nam Cộng hòa Hệ thống quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn thừa nhận phương thức quản lý đầm phá dựa trên sự phối hợp làng chủ quản ở đất liền và vạn. Đặc biệt vào thời kỳ này chính quyền cho phép thành lập Nghiệp đoàn ngư nghiệp. Ở đầm Đả Nghiệp đoàn ngư nghiệp gồm 12 phân hội được xây dựng trên cơ sở 12 vạn và mỗi phân hội do trưởng vạn điều hành. Nghiệp đoàn ngư nghiệp đầm Đả hoạt động hiệu quả. Thành công trong đấu tranh hạ giảm mức thuế của làng Hà Trung đã mang lại niềm tin cho ngư dân về hoạt động bảo vệ quyền lợi ngư dân của nghiệp đoàn. Ngược lại, ở đầm Thủy Tú, thất bại trong yêu sách dành quyền quản lý và hưởng dụng mặt nước đầm phá từ làng Thủy Tú nghiệp đoàn ngư nghiệp tự tan rã. Với những hoạt động ban đầu dù có cả điểm sáng và tối, sự có mặt nghiệp đoàn ngư nghiệp cũng đánh dấu một mốc chuyển hướng quản lý giúp ngư dân có điều kiện để hoạt động trong một tổ chức nghề nghiệp chính danh nhờ đó tiếng nói của ngư dân có trọng lượng hơn và vai trò của ngư dân trong quản lý được nâng lên vị trí có thể cho là đối tác của làng chủ quản và đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của mình. 3.3.3. Hệ thống quản lý của nhà nước CHXHCN Việt Nam Sau 30 tháng 4 năm 1975, khi chuyển sang hệ thống quản lý của nhà nước CHXHCN Việt Nam, đầm phá là tài sản thuộc quyền sở hữu toàn dân, mặt nước đầm phá được phân chia lại theo địa giới của xã và xã là đơn vị hành chính trực tiếp quản lý. Các làng chủ quản đầm phá trước đây không còn nằm trong hệ thống quản lý đầm phá, các vạn ngư dân bị giải thể và ngư dân được tổ chức thành các tập đoàn sản xuất hay đội ngư nghiệp được quản lý bởi chính quyền xã theo mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Sang thời kỳ đất nước đổi mới và mở cửa (1986) chế độ bao cấp bị xóa bỏ và cơ chế quản lý hoạt động nghề thủy sản dựa theo hình thức tập thể hóa cũng tan rã, ngư dân được trở về với hình thức sản xuất theo hộ. Năm 2005 Chi hội nghề cá đầm phá ra đời. Đây là loại hình tổ chức xã hội - nghề nghiệp đầu tiên ở đầm phá được công nhận về mặt pháp lý [2] và trở thành đối tác chính thức của Đồng quản lý nghề cá ở đầm phá TG-CH [4]. 201
- Vai trò của làng và vạn trong quản lý nghề khai thác thủy sản truyền thống ở đầm phá Tam Giang 3.4. Thảo luận Mặc dù theo một kiểu quản lý chung nhưng mỗi làng chủ quản vẫn có những thay đổi tạo nên nét quản lý riêng phù hợp với điều kiện địa bàn của mình. Những khác biệt thể hiện ở cơ chế đấu thầu mặt nước, sự hợp tác giữa làng và ngư dân trong quản lý. Với Đầm Đả, là thủy vực rộng lớn, làng Hà Trung áp dụng chế độ đấu thầu toàn đầm và đối tượng dự đấu là thành phần có nguồn lực. Cách đấu này giúp làng tiết kiện thời gian và công sức trong thu thuế từ ngư dân nhờ đó hoàn thành nghĩa vụ thuế cho nhà nước đúng thời hạn. Với đầm Sam và đầm Chuồn, do mặt nước không lớn nên sự quản lý ở đây đơn giản hơn. Các làng chủ quản chỉ cho đấu ngư trường khai thác của nghề cố định nò sáo mặt nước còn lại dành cho ngư dân nghề tiểu nghệ và làng chủ quản không thu phí. Ngược lại, ở đầm Thủy Tú, làng chủ quản áp dụng chế độ đấu thầu mặt nước dành cho ngư dân và các trưởng vạn là đại diện. Hình thức đấu thầu này giúp ngư dân khỏi phải chịu thêm áp lực của một thành phần quản lý trung gian đó là phái viên hay chủ trộ như ở cơ chế quản lý ở đầm Đả và đầm Sam - Chuồn. Về quản lý, sự phối hợp giữa Làng - Chủ đầm - Vạn (ngư dân) tạo nên trục quản lý cộng đồng của cơ chế quản lý truyền thống. Trục quản lý này biểu hiện rõ ở đầm Đả qua ba thành phần làng, phái viên và vạn. Trong khi ở làng Thủy Tú bỏ đi thành phần trung gian chủ đầm, chỉ có làng và vạn phối hợp với nhau trong một đơn vị quản lý gọi là Ban quản lý đầm phá. So với kiểu quản lý của các làng Hà Trung, Mỹ Lam và An truyền, phương thức quản lý nghề khai thác thủy sản ở đầm phá của làng Thủy Tú đặt trọng tâm nhiều vào ngư dân, gắn kết nhiều với ngư dân và quan tâm nhiều đến quyền lợi của ngư dân. Tất cả các làng Hà Trung, Mỹ Lam và An Truyền và Thủy Tú đều là phi ngư nghiệp nên rất khó am tường về hoạt động nghề cũng như tài nguyên thủy sản và môi trường đầm phá. Vì thế các làng đều khôn khéo vận dụng Tri thức-Kinh nghiệm của ngư dân vào quản lý đầm phá. Tri thức-Kinh nghiệm của ngư dân là yếu tố quyết định sự hiệu quả của cơ chế quản lý truyền thống nghề khai thác thủy sản ở đầm phá TG- CH. Yếu tố này tạo nên sự gắn kết giữa làng chủ quản với các vạn ngư dân, đưa ngư dân khỏi vị trí đơn thuần là thành phần lao động mưu sinh, một dạng “tá điền đầm phá” chịu sự điều hành của các “làng chủ điền”, lên một mức cao hơn mà trong chừng mực nhất định có thể coi là đối tác để cùng làng chủ quản phối hợp quản lý tài nguyên thủy sản đầm phá. Làng và vạn là hai cộng đồng nông nghiệp và ngư nghiệp có tính cố kết cộng đồng cao. Trong một không gian tự quản có được từ nhà nước, hai chủ thể cộng đồng này đã quản lý hiệu quả nghề khai thác thủy sản cũng như bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm phá. Song hành hợp tác quản lý giữa làng chủ quản nông nghiệp và vạn là nét đặc 202
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 12, Số 2 (2018) thù của phương thức quản lý truyền thống ở phá TG-CH. Và có thể gọi đây là mô hình quản lý truyền thống nghề thủy sản dựa vào cộng đồng làng – vạn. Mô hình quản lý cộng đồng dựa vào làng - vạn ở đầm phá TG-CH vận hành và tồn tại qua một thời gian khá dài. Sau thời kỳ nhà nước phong kiến, cơ chế quản lý dựa vào làng - vạn vẫn tồn tại ở thời kỳ nhà nước thuộc Pháp. Dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa với sự ra đời của nghiệp đoàn ngư nghiệp cơ chế quản lý nghề thủy sản đầm phá truyền thống có sự cải biên theo xu hướng tạo cơ hội và quyền để ngư dân quản lý và bảo vệ quyền lợi của mình trong hoạt động nghề khai thác thủy sản đầm phá. Mô hình quản lý đầm phá truyền thống dựa vào chủ thể làng - vạn dịch sang quản lý dựa vào chủ thể làng và nghiệp đoàn ngƣ nghiệp. Tiếc thay mô hình quản lý nghề thủy sản đầm phá dựa vào làng - nghiệp đoàn ngư nghiệp chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn rồi kết thúc và hoạt động nghề thủy sản ở đầm phá lại được quản lý theo cơ chế quản lý dựa vào làng - vạn. Sang hệ thống quản lý của nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau 1975, mô hình quản lý truyền thống dựa vào làng - vạn bị xóa bỏ thay vào đó là cơ chế quản lý coi trọng yếu tố nhà nước. Đây là sự thay đổi lớn về cơ chế quản lý hoạt động thủy sản ở đầm phá này: Bỏ đi sự hỗ trợ quản lý của cộng đồng làng - vạn chính quyền đã đánh mất đi “cánh tay tự trị vươn đến ngóc ngách các hoạt động ngư dân trên phá” [6] để rồi riêng một mình chính quyền không kham nổi đưa đến quản lý không thành công. Mãi tới năm 2005, yếu tố cộng đồng mới được xem xét lại và cơ chế Đồng quản lý được vận dụng vào quản lý nghề cá đầm phá TG-CH với đối tác chính là chi hội nghề cá. Tuy vậy, qua hơn 10 năm thực hiện đồng quản lý, cơ chế Đồng quản lý nghề cá đầm phá vẫn không thoát khỏi phương thức quản lý cọi trọng yếu tố nhà nước, yếu tố cộng đồng vẫn dừng ở hình thức. Chi hội nghề cá thiếu đi không gian quyền tự quản, không được đặt ở vị trí đối tác của chính quyền mà chỉ là “cánh tay” nối dài của chính quyền cấp xã *5+. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các chi hội nghề cá không phát huy được năng lực quản lý của mình, từ đó hoạt động đồng quản lý nghề cá ở đầm phá TG-CH thiếu hiệu quả. 4. KẾT LUẬN Cơ chế quản lý thủy sản truyền thống ở đầm phá TG-CH mang nét đặc trưng riêng. Các làng nông nghiệp ở đất liền ven phá là các chủ thể được nhà nước ủy thác quản lý; các cộng đồng ngư dân là lực lượng lao động trực tiếp khai thác thủy sản để mưu sinh và chịu sự quản lý của các làng chủ quản. Quản lý truyền thống đầm phá chủ yếu dựa vào hai chủ thể cộng đồng làng và vạn nên có thể gọi đây là mô hình quản lý khai thác thủy sản đầm phá dựa vào làng - vạn. 203
- Vai trò của làng và vạn trong quản lý nghề khai thác thủy sản truyền thống ở đầm phá Tam Giang Quản lý thủy sản dựa vào làng vạn là mô hình quản lý đậm chất cộng đồng và đặc thù ở đầm phá TG-CH. Ở mô hình quản lý này yếu tố nhà nước rất mờ, yếu tố cộng đồng nổi bật: chủ thể làng và vạn có được một không gian tự quản rõ nét và hai chủ thể thể cộng đồng này phát huy được năng lực của mình để quản lý hiệu quả nghề thủy sản ở đầm phá TG-CH. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Nguyễn Quang Trung Tiến (1995). “Ngư nghiệp Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX”, Nxb Thuận Hóa, Huế. [2]. Nguyễn Quang Vinh Bình (2009). Phát triển hệ thống chi hội nghề cá ở Thừa Thiên Huế gắn với chiến lược Đồng quản lý nghề cá, Báo cáo tham luận Hội nghị Đồng quản lý nghề cá quy mô nhỏ ở Việt Nam, Trang.218-225. [3]. Nguyễn Xuân Hồng (1997).Báo cáo về mối quan hệ giữa luật và lệ trong việc quản lý hệ sinh thái nhân văn vùng đầm phá Tam Giang – Thừa Thiên Huế, Báo cáo kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 (1995-1997) của Dự án “Nghiên cứu quản lý nguồn lợi sinh học đầm phá Tam Giang- Cầu Hai. [4]. Takahashi, B and van Dujin, A. P. (2012). Operationalizing fisheries co-management: Lesson learned from lagoon fisheries co-management in Thua Thien Hue Province, Vietnam,FAP Regional Office for Asia and the Pacific, Bangkok, RAP Publication 2012/02. [5]. Tôn Thất Pháp, Mai Ngọc Châu (2017). Đồng quản lý thủy sản ở vùng phía Bắc đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế: Thực trạng và giải pháp thúc đẩy, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, trường Đại học Khoa học- Đại học Huế, Tập 9, số 1 (2017), Trang. 159-172. [6]. Trần Mai Phượng (2009). “Các hình thức quản lý tài nguyên thiên nhiên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên Huế”, Luận văn thạc sỹ khoa học lịch sử. [7]. Trần Đình Hằng (2006). “Làng xã truyền thống với việc quản lý mặt nước vùng đầm phá Tam Giang, Sông Hương”. Thông tin Khoa học, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, số tháng 3/2008, trang.23-44. [8]. Tưởng Phi Lai và cộng sự (2009). “Vai trò của vạn chài quản lý nghề cá truyền thống đề xuất hướng lồng ghép những giá trị của vạn chài trong quản lý nghề cá ven bờ ở Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam”, Các bài báo cáo tham luận tại Hội nghị đồng quản lý nghề cá quy mô nhỏ tại Việt Nam, ngày 03/11/2009, 204
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 12, Số 2 (2018) THE ROLE OF VILLAGES AND “VAN” IN TRADITIONAL FISHERY MANAGEMENT IN TAM GIANG - CAU HAI LAGOON, THUA THIEN HUE PROVINCE Ton That Phap1*, Nguyen Thi Kim Anh2, Mai Ngoc Chau3 1Faculty of Biology, University of Sciences, Hue University 2Center for Coastal Management and Development studies, University of Sciences, Hue University 3Faculty of Environmental Science, University of Sciences, Hue University *Email: tonthatphap@gmail.com ABSTRACT The specific characteristics of the Tam Giang - Cau Hai lagoon in both human ecology and natural ecosystems have resulted in its distinctive and unique traditional fisheries management mechanism. The agricultural villages on land have been assigned by the local authorities to manage the lagoon fishing activities of fishing communities (vans). High community cohesion of villages and “vans” and effective cooperation in fisheries management between these two communities are key elements making up the management mechanism that could be labeled as village and van community-based lagoon fishery management. In this management model, the state’s part is inconsiderable rather than the community’s prominent role: the village and van possess a space for self-governance; and both communities have promoted their capacity to properly manage fisheries and preserve resources in the Tam Giang - Cau Hai lagoon. Keywords: community-based management, village, van, Tam Giang - Cau Hai lagoon. 205
- Vai trò của làng và vạn trong quản lý nghề khai thác thủy sản truyền thống ở đầm phá Tam Giang Tôn Thất Pháp sinh ngày 10 tháng 12 năm 1955 tại thành phố Huế. Ông tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Sinh học tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Ông nhận học vị tiến sĩ chuyên ngành Thực vật học tại Đại học Quốc gia Hà nội năm 1993. Năm 2003, ông được phong hàm Phó giáo sư. Hiện nay ông đang công tác tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Lĩnh vực nghiên cứu: Thực vật thủy sinh và Quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng. Mai Ngọc Châu sinh ngày 07/07/1991 tại Thừa Thiên Huế. Năm 2013, bà tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Khoa học môi trường tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Năm 2017, bà nhận bằng thạc sĩ chuyên ngành Khoa học Môi trường tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Bà hiện đang công tác tại Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Lĩnh vực nghiên cứu: Quản lý tài nguyên và môi trường dựa vào cộng đồng. 206