Bảo vệ người tiêu dùng tài chính - Từ góc độ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi

pdf 12 trang Gia Huy 1890
Bạn đang xem tài liệu "Bảo vệ người tiêu dùng tài chính - Từ góc độ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfbao_ve_nguoi_tieu_dung_tai_chinh_tu_goc_do_cua_to_chuc_bao_h.pdf

Nội dung text: Bảo vệ người tiêu dùng tài chính - Từ góc độ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi

  1. BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG TÀI CHÍNH - TỪ GÓC ĐỘ CỦA TỔ CHỨC BẢO HIỂM TIỀN GỬI ThS Phan Thị Thanh Bình, Đào Thùy Linh - Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam Tóm tắt Hiện nay, tại Việt Nam chưa có các quy định riêng bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Nhóm đối tượng này thực tế gặp phải rất nhiều rủi ro không được bảo vệ. Nguyên nhân chính là do mức độ nhận thức và phổ cập giáo dục tài chính còn thấp, thông tin về sản phẩm, dịch vụ tài chính chưa minh bạch và chưa có cơ chế bảo vệ pháp lý chính thức dẫn đến tình trạng bị lừa đảo khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, tình trang tín dụng đen, cho vay nặng lãi vẫn còn phổ biến. Trong bối cảnh đó, tổ chức bảo hiểm tiền gửi đã thể hiện vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền thông qua việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chính như điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm, giám sát, kiểm tra tổ chức thành viên để kịp thời phát hiện những yếu kém, sai phạm trong quá trình hoạt động, tham gia vào quá trình xử lý các tổ chức yếu kém và đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm tiền gửi đến người gửi tiền nhằm ngăn chặn những rủi ro có thể xảy đến đối với người gửi tiền. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm của một số tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới trong việc bảo vệ người gửi tiền nói riêng và bảo vệ người tiêu dùng tài chính nói chung. Từ đó, đề xuất những giải pháp và định hướng chính sách để tăng cường vai trò của tổ chức BHTG đối với bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam. Từ khóa: bảo vệ người tiêu dùng tài chính, bảo hiểm tiền gửi, bảo vệ người gửi tiền, tài chính toàn diện Abstract The financial consumers in Vietnam are now facing many unprotected risks given the fact that there are no specialized regulations on protecting financial consumers. The main causes can be named as the low level of awareness and financial literacy, the lack of transparency of the information on financial products and services, the absence of official legal protection mechanism and the increasing popularity of “black credit” or usury in financial market. In that context, the deposit insurer has played its role in protecting the legitimate rights and interests of depositors through the implementation of its key functions and duties such as adjustment of deposit insurance coverage; supervision and examination of the member institutions to promptly detect weaknesses and violations in the operation process; participation in the handling of weak institutions; deposit insurance reimbursement; and especially dissemination of deposit insurance policies to depositors in order to protect them against the risks. However, the role of the deposit insurer in Vietnam is still limited. This paper studies the context of financial consumers protection in Vietnam focusing on the depositors; experiences of the deposit insurers in some countries in protecting depositors in particular and financial consumers in general. Based on the studies, I will make policy recommendations to enhance the role of the Deposit Insurance of Vietnam in protecting financial consumers in Vietnam. 146
  2. Keyword: financial consumer protection, deposit insurance, depositor protection, financial inclusion 1. Tổng quan về bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam Một khung khổ bảo vệ người tiêu dùng tài chính hiệu quả là cơ sở để tăng cường cả việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính và hỗ trợ hơn nữa sự phát triển của hệ thống tài chính đối với nền kinh tế quốc gia (WB, 2015). Tại Việt Nam, khu vực tài chính đang phát triển với một tốc độ rất nhanh. Năm 2019, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt 261,9 tỷ USD10. Tổng tài sản thị trường tài chính chiếm khoảng 213,1% GDP, gấp 2 lần quy mô nền kinh tế. Thị trường vốn được mở rộng và thu hẹp khoảng cách so với quy mô tín dụng ngân hàng. Năm 2019, quy mô thị trường chứng khoán chiếm 111% GDP và quy mô tín dụng ngân hàng chiếm 132,8% GDP11. Hàng loạt sản phẩm, dịch vụ tài chính được giới thiệu ra thị trường, và kéo theo đó là sự gia tăng số lượng người tiêu dùng tài chính. Khung pháp lý duy nhất để bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam là Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, Luật này chỉ quy định về việc bảo về người tiêu dùng nói chung, không có quy định riêng để bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính. Tại Việt Nam cũng chưa có một cơ quan quản lý chuyên trách nào chịu trách nhiệm riêng bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Việt Nam có 5 cơ quan liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quản lý trong lĩnh vực ngân hàng, Bộ Tài chính quản lý lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin – Truyền thông và Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng chịu trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng nói chung. Cả 5 cơ quan này đều có khả năng tham gia vào quá trình bảo vệ người tiêu dùng, nhưng các cơ quan này đều chưa có các bộ phận chuyên trách cũng như các quy trình quản lý cụ thể để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng, chưa có cơ chế phối hợp để xử lý các xung đột lợi ích xảy ra khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Bên cạnh đó, việc thiếu quy định pháp lý liên quan đến việc minh bạch và công bố thông tin sản phẩm, dịch vụ tài chính cũng khiến người tiêu dùng gặp phải nhiều rủi ro bị lạm dụng và lừa đảo trong các hợp đồng dịch vụ tài chính bằng cách không công bố hoặc mô tả không minh bạch về phí, hoa hồng hay các loại hình phạt; không công bố các xung đột lợi ích (quyền lợi của người tiêu dùng và hoa hồng của người bán dịch vụ); sai sót trong hoạt động bán hàng do nhân viên thiếu thận trọng, thiếu năng lực hoặc không được đào tạo; lạm dụng thu nợ, tịch thu hay xử lý tài sản bảo đảm; quảng cáo gây hiểu lầm Ngoài việc bổ sung các quy định nhằm tăng cường minh bạch và công bố thông tin đối với các sản phẩm, dịch vụ tài chính, thì một giải pháp quan trọng khác là nâng cao hiểu biết tài chính của người tiêu dùng. Theo Báo cáo Global Findex 2017, Việt Nam có tỷ lệ phổ cập tài chính còn tương đối thấp so với các quốc gia trong khu vực và trong nhóm các quốc gia cùng mức thu nhập. Cụ thể, chỉ có 21% dân số trên 15 tuổi có vay tiền từ tổ chức tài chính hoặc sử dụng thẻ tín dụng, trong khi chỉ 30% người dân trên 15 tuổi có tài khoản tại một tổ chức tài chính, con số này tại các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương là 70,3% và nhóm các quốc gia thu nhập dưới trung bình là 56,1%. 10 11 Dự thảo Chiến lược phát triển Thị trường Tài chính giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia 147
  3. Như vậy, có tới 70% thanh niên và người trưởng thành tại Việt Nam không có tài khoản ngân hàng. Tỷ lệ phụ nữ có tài khoản ngân hàng còn thấp, chỉ chiếm 30,4%. Người trưởng thành sống tại vùng nông thôn có tài khoản ngân hàng chiếm 25,2%. Bảng 1: Tài chính toàn diện tại Việt Nam (so với trung bình khu vực và cùng nhóm thu nhập) Đơn vị: % Việt Nam Đông Á và Nhóm Thu Thái Bình nhập dưới Dương trung bình Có tài khoản tại một tổ chức tài chính 30,0 70,3 56,1 Vay tiền tại một tổ chức tài chính hoặc sử 21,7 21,5 9,8 dụng thẻ tín dụng Phụ nữ có tài khoản ngân hàng 30,4 67,9 53,0 Người trưởng thành sống tại vùng nông 25,2 68,8 57,6 thôn có tài khoản ngân hàng Nguồn: Global Findex 2017, World Bank (Số liệu tính trên dân số độ tuổi trên 15) Hiện tại chưa có khảo sát quốc gia về năng lực và hiểu biết tài chính của người dân, do vậy vẫn thiếu thông tin về hiểu biết, kỹ năng, thái độ và hành vi tài chính của người tiêu dùng, tuy nhiên những năng lực này được hiểu là vẫn còn yếu kém đối với phần đông dân số. Một bộ phận dân số sống tại các thành thị, thành phố lớn hoặc người trẻ có hiểu biết và sử dụng dịch vụ tài chính rất thành thạo, ngược lại tại các vùng nông thôn, hoặc vùng sâu vùng xa, người dân rất thiếu thông tin và khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cũng khó khăn hơn. Tại Việt Nam, hiện chưa có nhiều các chương trình giáo dục tài chính hiệu quả, chủ yếu vẫn là kết hợp giữa các nhà cung cấp dịch vụ tài chính và tổ chức xã hội dưới các hình thức trực tuyến, thông qua mạng xã hội hoặc các buổi đào tạo trực tiếp. Các phương thức giáo dục tài chính khác thông qua phương tiện thông tin đại chúng, hoặc các đoạn phim ngắn, chương trình gameshow truyền hình cũng là một cách hiệu quả để thu hút sự chú ý và nâng cao hiểu biết tài chính của người dân. Tuy nhiên, để những chương trình giáo dục tài chính này có hiệu quả thì cần gắn liền với chiến lược giáo dục tài chính và không thể thiếu vai trò của những nhà quản lý và xây dựng chính sách. Thực tế cho thấy, sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính, sự thiếu đa dạng đối với các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp và thủ tục cho vay rắc rối, kém linh hoạt khiến tình trạng tín dụng đen hay cho vay nặng lãi tại Việt Nam vẫn còn phổ biến. Tín dụng đen được hiểu là việc áp đặt các điều khoản cho vay không công bằng và lạm dụng đối với người đi vay, khoản vay này có các điều khoản và điều kiện gây tổn hại cho người 148
  4. vay (GAO, 2004; FDIC, 2006)12. Tại Việt Nam, tín dụng đen là hình thức cho vạy nặng lãi, hay là hoạt động cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định (từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay), được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Số liệu nghiên cứu năm 2013 của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, các khoản vay tín dụng đen chiếm khoảng 30% tổng tín dụng thực do hệ thống ngân hàng cung cấp, tức vào khoảng 50 tỷ USD. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu thuộc ngân hàng BIDV năm 2018 cũng ghi nhận: Năm 2018 quy mô tín dụng phi chính thức tại Việt Nam hiện nay tương đương khoảng 15-20% tổng tín dụng của nền kinh tế; trong đó, quy mô tín dụng đen chiếm khoảng 30-35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế, khoảng 450-550 ngàn tỷ đồng. Quy mô tuy không lớn nhưng rủi ro và hệ lụy của “tín dụng đen” rất cao cho cả phía người cho vay (khó thu hồi nợ), người đi vay (lãi suất cao, có nguy cơ vỡ nợ) và rủi ro về mặt pháp lý (rất khó giải quyết) (Cấn Văn Lực, 2019), gây ảnh hưởng lớn đến uy tín và môi trường tài chính quốc gia. 2. Tổng quan về tổ chức bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam và vai trò bảo vệ người tiêu dùng tài chính của tổ chức BHTG tại Việt Nam Tại Việt Nam, hệ thống ngân hàng vẫn là nguồn cung ứng vốn chính của nền kinh tế, do vậy người gửi tiền là một thành phần rất quan trọng đối với hệ thống tài chính Việt Nam. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) được thành lập với sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần vào sự ổn định, phát triển lành mạnh của hệ thống tài chính quốc gia. Tính đến cuối năm 2020, BHTGVN đã bảo vệ hơn 6,1 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.282 tổ chức tham gia BHTG. BHTGVN bảo vệ người gửi tiền thông qua việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chính như điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm, giám sát, kiểm tra tổ chức thành viên để kịp thời phát hiện những yếu kém, sai phạm trong quá trình hoạt động, tham gia vào quá trình xử lý các tổ chức yếu kém, chi trả tiền gửi được bảo hiểm và đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm tiền gửi đến người gửi tiền nhằm ngăn chặn những rủi ro có thể xảy đến đối với người gửi tiền. Điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm Hạn mức trả tiền bảo hiểm là công cụ cốt lõi để bảo vệ người gửi tiền và gìn giữ niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Từ khi thành lập tới nay, BHTGVN đã trải qua 2 lần thay đổi hạn mức: từ 30 triệu VNĐ lên 50 triệu VNĐ vào năm 2005, và từ 50 triệu VNĐ lên 75 triệu VNĐ vào năm 2017. Theo tính toán của BHTGVN, với hạn mức 75 triệu VNĐ hiện tại sẽ bảo hiểm toàn bộ được cho 87% người gửi tiền, tỷ lệ này vẫn còn khá thấp so với khuyến cáo của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) là hạn mức BHTG nên bảo vệ toàn bộ từ 90-95% người gửi tiền. Do đó, BHTGVN đang đề xuất tăng hạn mức BHTG lên 125 triệu VNĐ, với hạn mức này khoảng 90,94% người gửi tiền sẽ được bảo hiểm toàn bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong thực tế, khi xảy ra sự cố tại TCTD, việc phần lớn người gửi tiền được bảo vệ toàn bộ sẽ giúp đảm bảo niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính, từ đó giảm rủi ro rút tiền hàng loạt, điều này càng 12 Tín dụng đen tại Việt Nam có ý nghĩa tương tự như thuật ngữ Predatory lending, được dùng để chỉ những hành vi trái đạo đức do các tổ chức cho vay thực hiện có tính chất bất công, lừa đảo hoặc gian lận. 149
  5. quan trọng ở vùng nông thôn nơi người dân không có nhiều thông tin, thiếu hiểu biết tài chính và thường phản ứng thái quá với tin tức tiêu cực. Giám sát, kiểm tra tổ chức thành viên BHTGVN thực hiện giám sát đối với 100% các tổ chức tham gia BHTG, tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng. Đối với 29 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) có vi phạm nghiêm trọng bị đặt dưới tình trạng kiểm soát đặc biệt (KSĐB), BHTGVN thực hiện giám sát chuyên sâu. Báo cáo giám sát của BHTGVN đã hỗ trợ hiệu quả cho NHNN trong công tác quản lý, giám sát các TCTD. Để đảm bảo các TCTD tuân thủ các quy định pháp luật về BHTG, ngăn ngừa hiện tượng gian lận, trục lợi BHTG, BHTGVN đã tiến hành kiểm tra tại chỗ đối với 380 tổ chức tham gia BHTG trong năm 2020, trong đó kiểm tra 18 QTDND theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Nội dung kiểm tra bao gồm: kiểm tra hiện trạng hồ sơ pháp lý về BHTG; kiểm tra việc niêm yết chứng nhận tham gia BHTG; kiểm tra việc chấp hành chế độ thông tin báo cao; kiểm tra việc tính và nộp phí. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm đối với các quỹ tín dụng nhân dân xếp nhóm 4, nhóm 5 theo kết quả phân loại hoạt động giám sát. Tham gia vào quá trình xử lý các TCTD yếu kém Theo Luật BHTG, BHTGVN tham gia vào quá trình KSĐB đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của NHNN, thực hiện giám sát, kiểm tra tình hình biến động của tiền gửi được bảo hiểm để tham mưu cho Ban Lãnh đạo xử lý các tình huống phát sinh đối với TCTD bị KSĐB. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi bổ sung Luật các TCTD 2017 quy định BHTGVN được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ trong quá trình cơ cấu lại TCTD bị KSĐB và BHTGVN được sử dụng nguồn vốn từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ để cho vay đặc biệt theo phương án phục hồi đã được phê duyệt, theo chỉ định của NHNN. Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của BHTGVN đạt trên 70 nghìn tỷ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ là trên 61 nghìn tỷ đồng. Việc BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD yếu kém sẽ giúp làm lành mạnh hệ thống tài chính và qua đó bảo vệ được người tiêu dùng tài chính nói chung và người gửi tiền nói riêng. Chi trả tiền gửi được bảo hiểm Chức năng chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền khi xảy ra đổ vỡ là chức năng quan trọng nhất thể hiện vai trò của tổ chức BHTG trong việc bảo vệ người gửi tiền. Từ khi thành lập đến nay, BHTGVN đã chi trả cho người gửi tiền tại 39 Quỹ tín dụng nhân dân với số tiền 26,8 tỷ đồng. Những năm gần đây, dù không phát sinh nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm, BHTGVN vẫn theo dõi sát quá trình thực hiện xử lý pháp nhân đối với các tổ chức tham gia BHTG bị kiểm soát đặc biệt, đồng thời chủ động xây dựng phương án chi trả tiền bảo hiểm. Bên cạnh đó, BHTGVN cũng vận hành chương trình mô phỏng chi trả trên phần mềm đối với ngân hàng thương mại để chuẩn bị tốt cho việc triển khai chi trả khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Nâng cao nhận thức công chúng về BHTG BHTGVN đã chú trọng tuyên truyền về chính sách BHTG thông qua các sự kiện tuyên truyền, hội thảo chuyên đề, cuộc thi online với sự tham gia, đón nhận tích cực của công chúng, 150
  6. của người gửi tiền ở vùng sâu, vùng xa, cán bộ làm việc tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, sinh viên các trường đại học Các phương tiện truyền thông được BHTGVN lựa chọn là các kênh truyền hình trung ương và địa phương, các báo và tạp chí lớn có uy tín. Bên cạnh đó, BHTGVN đã hợp tác với hệ thống VNPost để triển khai tuyên truyền trên địa bàn 09 tỉnh qua các tấm áp phích dán tại 1.416 bưu cục, bưu điện văn hóa xã, thiết kế tờ thông tin hạn mức BHTG để cung cấp cho người dân những thông tin chính thống về chính sách và hạn mức BHTG hiện tại. Những năm gần đây, BHTGVN đã chủ động tuyên truyền về chính sách BHTG tới sinh viên các trường đại học, cao đẳng, từ đó góp phần nâng cao hiểu biết tài chính tại Việt Nam, đây là nhóm sẽ trở thành người tiêu dùng tài chính trong tương lai. Do vậy, trang bị kiến thức tài chính cho đối tượng này sẽ góp phần giúp họ có thể sáng suốt lựa chọn sản phẩm tài chính để đầu tư, tránh được rủi ro lừa đảo, gian lận. 3. Kinh nghiệm quốc tế về vai trò của tổ chức BHTG đối với bảo vệ người tiêu dùng tài chính Tại nhiều tổ chức BHTG trên thế giới, bảo vệ người tiêu dùng tài chính đã được xác định là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển của tổ chức. Trong bài viết này, người viết sẽ nghiên cứu những kinh nghiệm của Tổng công ty BHTG Hoa Kỳ và Philippines trong việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính nói chung và người gửi tiền nói riêng. 3.1 Tổng công ty BHTG Hoa Kỳ (FDIC) Tại Mỹ, việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính được quy định rất rõ ràng và chặt chẽ trong Đạo luật Dodd-Frank Cải cách và bảo vệ người tiêu dùng phố Wall năm 2010. Cơ quan chịu trách nhiệm chính cho việc này là Cục bảo vệ người tiêu dùng tài chính (CFPB), nhiệm vụ của CFPB bao gồm: • Loại bỏ các hành vi gian lận, lừa đảo hoặc lạm dụng bằng cách thiết lập các quy tắc, giám sát các công ty và thực thi pháp luật • Thực thi luật cấm phân biệt đối xử trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng • Nhận khiếu nại của người tiêu dùng • Tăng cường giáo dục tài chính • Nghiên cứu trải nghiệm của người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm tài chính • Giám sát thị trường tài chính để tìm những rủi ro mới đối với người tiêu dùng Với tư cách là tổ chức bảo hiểm tiền gửi cũng như cơ quan giám sát các định chế tài chính tại Mỹ, không chỉ hướng đến riêng đối tượng người gửi tiền, FDIC cung cấp thông tin và tài nguyên để giáo dục và bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy tài chính toàn diện, và kết nối người tiêu dùng với tài nguyên tài chính trong cộng đồng của họ. Để bảo vệ người tiêu dùng tài chính, FDIC đã thực hiện ba nhóm mục tiêu chính sau: a. Kết nối với người tiêu dùng Người tiêu dùng nếu cần bất kỳ sự trợ giúp nào có thể liên hệ với FDIC thông qua tổng đài hỗ trợ hoặc gửi yêu cầu, khiếu nại hoặc câu hỏi trực tuyến trên website của FDIC hoặc xem xét 151
  7. mục các câu hỏi thường gặp. Tính đến 31/12/2020, Tổng đài của FDIC đã nhận được 141.607 cuộc gọi, trong đó 27.417 cuộc liên quan đến bảo hiểm tiền gửi. Ngoài các cuộc gọi hỏi về số tiền được bảo hiểm, FDIC cũng nhận được 1.472 yêu cầu bằng văn bản từ người tiêu dùng và nhân viên ngân hàng, 99% những yêu cầu này được phản hồi trong vòng 2 tuần, theo đúng chính sách của FDIC. b. Bảo vệ người tiêu dùng FDIC cung cấp chương trình giáo dục tài chính Money Smart giúp người dân ở mọi lứa tuổi nâng cao hiểu biết tài chính và sử dụng tài chính một cách thông minh. Money Smart được ra mắt lần đầu tiên từ năm 2001 và đã chứng minh là một chương trình thành công, đem lại nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, FDIC còn thực hiện FDIC Podcast, một chương trình radio nhằm mục đích cung cấp kiến thức về tài chính cá nhân, các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng và kiến thức về tài chính ngân hàng Một phần quan trọng trong sứ mệnh BHTG của FDIC là bảo đảm nhân viên ngân hàng và người tiêu dùng tiếp cận được với những thông tin chính xác về quy định của FDIC đối với tiền gửi được bảo hiểm. FDIC có một chương trình tiếp cận giáo dục BHTG bao gồm các hội thảo cho cán bộ ngân hàng, một công cụ tính toán số tiền được bảo hiểm, và các nguồn tài nguyên khác trên website hướng tới đối tượng là cán bộ ngân hàng và người tiêu dùng. Ví dụ, người tiêu dùng và nhân viên ngân hàng có thể dùng công cụ BankFind để xác minh một website có thực sự được điều hành bởi một ngân hàng thành viên của FDIC hay không. Trong năm 2020, FDIC đã tổ chức 4 cuộc hội nghị điện đàm cho cán bộ ngân hàng về tiền gửi được bảo hiểm với 4.855 người tham dự tại 1.872 ngân hàng. FDIC cũng cung cấp các video đào tạo về BHTG trên website và kênh Youtube chính thức của tổ chức. c. Kết nối các cộng đồng FDIC thúc đẩy tài chính toàn diện để xây dựng và củng cố mối liên hệ tích cực giữa tổ chức tài chính được bảo hiểm và người tiêu dùng, người gửi tiền, doanh nghiệp nhỏ và các cộng đồng. Để hỗ trợ thực hiện mục tiêu thúc đẩy sự tiếp cận tới nhiều sản phẩm ngân hàng có trách nhiệm và bền vững, đáp ứng nhu cầu tài chính của người tiêu dùng, FDIC đã: • Thực hiện nghiên cứu việc sử dụng dịch vụ tài chính của người tiêu dùng, chiến lược, sản phẩm và dịch vụ ngân hàng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng có thu nhập thấp; • Hỗ trợ ngân hàng nghiên cứu các cơ hội đưa ra sản phẩm và dịch vụ mới có triển vọng hỗ trợ, mở rộng và giữ người tiêu dùng tham gia vào hệ thống ngân hàng; • Hỗ trợ quan hệ đối tác để thúc đẩy người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng; • Tăng cường giáo dục và hiểu biết tài chính; • Thúc đẩy quan hệ đối tác để hỗ trợ phát triển cộng đồng và doanh nghiệp nhỏ. Tính đến hết năm 2020, FDIC đã tổ chức hơn 122 sự kiện, tạo cơ hội cho các đối tác cùng hợp tác để tìm cách tăng khả năng tiếp cận của người tiêu dùng tới dịch vụ tài khoản và tín dụng của các ngân hàng được FDIC bảo vệ; cơ hội để tiết kiệm và cải thiện lịch sử tín dụng; và các sáng kiến để tăng cường năng lực tài chính của các nhà cung cấp dịch vụ cộng đồng trực tiếp 152
  8. phục vụ đối tượng người tiêu dùng có thu nhập thấp và trung bình cũng như doanh nghiệp nhỏ. Bên cạnh đó, FDIC cũng chia sẻ tài nguyên để khuyến khích các ngân hàng và trường học cùng hợp tác để cải thiện kỹ năng và kinh nghiệm tài chính của giới trẻ. Các chương trình giáo dục tài chính và tiết kiệm tại trường học giúp giới trẻ được tiếp cận với dịch vụ tài chính từ khi còn nhỏ, giúp thanh thiếu niên học cách quản lý tiền bạc hiệu quả hơn. Các chương trình tiết kiệm của thanh thiếu niên không chỉ khuyến khích phát triển thói quen tiết kiệm ở độ tuổi mới lớn mà qua đó còn có khả năng thúc đẩy tài chính toàn diện cho cả gia đình. 3.2 Tổng công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC) Cơ sở pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Hàn Quốc bao gồm Luật mới về bảo vệ người tiêu dùng tài chính đã được Quốc hội Hàn Quốc thông qua vào tháng 3/2020 nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi việc bị lừa đảo hoặc các hành vi bán hàng gian lận của các công ty tài chính, đồng thời tăng cường quyền lợi của người tiêu dùng và trao quyền cho người tiêu dùng để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt về đầu tư và quản lý tài sản của họ. Bảo vệ người tiêu dùng tài chính cũng là một trong 4 mục tiêu chiến lược trong trung và dài hạn của KDIC, với nhiệm vụ chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể. Bảng 2: Mục tiêu Bảo vệ người tiêu dùng tài chính hướng tới tài chính toàn diện Mục tiêu Nhiệm vụ chiến Kế hoạch hành động cụ thể chiến lược lược Mở rộng phạm vi bảo hiểm để tăng cường bảo vệ người gửi tiền Cải thiện dịch vụ Thực hiện xử lý và chi trả tiền bảo hiểm một cách bảo vệ người gửi nhanh chóng và hiệu quả tiền Bảo vệ Thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức liên quan để chi người tiêu trả yêu cầu bảo hiểm không thu hồi được dùng tài Tạo điều kiện tái cơ cấu nợ đối với những đối chính Tăng cường hỗ trợ tượng nghèo và hỗ trợ phục hồi tài chính hướng tới những đối tượng yếu thế về mặt tài tài chính Thúc đẩy các nỗ lực công chúng và giáo dục tài chính toàn diện chính cho những đối tượng yếu thế về tài chính Xây dựng một nền tảng hỗ trợ cho những tổn thất Khắc phục thiệt do việc chuyển tiền nhầm hại cho người tiêu dùng tài chính Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng tài chính thông qua ngăn chặn lừa đảo Nguồn: Báo cáo thường niên KDIC 2019 KDIC đã đạt được những thành công nhất định trong việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính, những kết quả nổi bật có thể kể đến như: 153
  9. a. Giáo dục tài chính cho những đối tượng khó khăn về tài chính KDIC cung cấp giáo dục tài chính cho những đối tượng là người tiêu dùng tài chính trong tương lai (học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) và những người khó khăn về tài chính (người già, tiểu thương, gia đình đa văn hóa ). Trong năm 2019, KDIC đã mở lớp giáo dục tài chính cho tổng cộng 36.846 người, tăng 23,2% so với năm 2018. Đặc biệt, giáo dục tài chính cho các đối tượng người tìm việc lớn tuổi, người khuyết tật và trẻ em địa phương đã tăng đột biến lần lượt là 120,5%, 67,9% và 49,9%, góp phần nâng cao hiểu biết tài chính cho các đối tượng khó khăn về tài chính. Để tăng hiệu quả giáo dục tài chính, KDIC đã điều chỉnh chương trình giáo dục cho phù hợp với từng đối tượng tham gia bằng cách lồng ghép các buổi biểu diễn ảo thuật, video và trò chơi đối với trẻ em; phát triển học liệu riêng cho người khuyết tật. KDIC cũng đưa ra một loạt các chương trình giáo dục tài chính vừa lý thú và nhiề thông tin để đáp ứng nhu cầu tăng cao về phương pháp học tập trải nghiệm, bao gồm vừa học vừa chơi, tham quan KDIC và các hội trại tài chính. b. Mở rộng lợi ích của việc tư vấn pháp lý miễn phí KDIC cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí, hợp tác với các tổ chức phúc lợi xã hội để bảo vệ những người yếu thế trong xã hội khỏi tổn thất tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích của họ. Trong năm 2019, 10 buổi tư vấn (41 trường hợp) đã được thực hiện cho người cao tuổi để góp phần giải quyết các vướng mắc pháp lý liên quan đến việc thừa kế và lập di chúc; 3 buổi tư vấn (6 trường hợp) đã được cung cấp cho các thành viên gia đình đa văn hóa, để khắc phục các cản trở do rào cản ngôn ngữ và hệ thống luật pháp Hàn Quốc. c. Kiểm tra việc tuân thủ yêu cầu của KDIC đối với Cơ chế Thông báo, Giải thích và Xác nhận hạn mức BHTG Tại Hàn Quốc, Luật BHTG Hàn Quốc sửa đổi năm 2016 quy định tổ chức tham gia BHTG phải nêu rõ sản phẩm tài chính được bảo hiểm trong các sách hướng dẫn, tờ rơi, quảng cáo sao cho khách hàng được đảm bảo đã hiểu về sản phẩm tài chính trước khi lựa chọn đầu tư để tránh rủi ro bị lừa đảo. Sau sự đổ vỡ của một loạt ngân hàng tiết kiệm do thiếu hiểu biết về hệ thống BHTG, KDIC nỗ lực bảo vệ người gửi tiền khỏi thiệt hại, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương, người gửi tiền nhỏ lẻ ở vùng nông thôn thông qua Cơ chế Thông báo, Giải thích và Xác nhận hạn mức BHTG. Năm 2019, KDIC đã thực hiện kiểm tra 1.000 chi nhánh của tổ chức được bảo hiểm về việc tuân thủ quy định công bố thông tin nói trên. d. Nâng cao nhận thức công chúng về hệ thống BHTG Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về KDIC và BHTG, một loạt các phương tiện tuyên truyền đã được sử dụng bao gồm truyền hình, in hình quảng cáo, truyền thông mạng xã hội trên Kakaotalk, Instagram, cũng như linh vật của KDIC. Dựa vào khảo sát, KDIC hướng đến vào nhóm đối tượng ít hiểu biết về tài chính như sinh viên độ tuổi 20 và người già trên 60 tuổi. Theo kết quả khảo sát năm 2019, 92,8% công chúng có nhận thức về KDIC, tăng 1,8% so với năm 2018, nhận thức về hệ thống BHTG tăng 1% lên mức 95%. Nhận thức về các sản phẩm đầu tư không đủ điều kiện BHTG tăng 3,1% so với năm 2018 lên mức 88,2%. Đây là những con số khá cao thể hiện sự thành công của chiến dịch nâng cao nhận thức công chúng của KDIC. 154
  10. 3.3 Tổng công ty BHTG Philippines (PDIC) Philippines đang đề xuất thông qua Luật Bảo vệ người tiêu dùng tài chính (FCPA) có hiệu lực với tất cả các sản phẩm và dịch vụ tài chính được cung cấp bởi bất kỳ định chế tài chính nào, bao gồm: tiết kiệm; tín dụng, bảo hiểm, sản phẩm được cung cấp bởi tổ chức bảo vệ sức khỏe, đầu tư, chuyển tiền, và các sản phẩm và dịch vụ tài chính kỹ thuật số. Nếu FCPA được thông qua thì Philippines sẽ có một cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính toàn diện, tạo điều kiện cho giáo dục tài chính, quản trị điều hành tốt, giám sát hiệu quả và tài chính toàn diện được phát huy. Tổ chức BHTG tại Philippines là PDIC, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của PDIC là bảo vệ tiền gửi của người gửi tiền, và mọi quyết định, hành động, chương trình của PDIC đều hướng tới mục tiêu chung này. a. Tăng cường tiếp cận công chúng PDIC đã cải thiện và đổi mới việc truyền thông đến công chúng thông qua việc tăng khả năng tiếp cận của công chúng với thông tin BHTG bằng việc mở cửa Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng (PAC), đưa vào sử dụng mạng xã hội Facebook và Twitter, hỗ trợ người gửi tiền qua Tổng đài (Call center). Nhận thức được tầm quan trọng của các điểm tiếp cận với công chúng, PDIC đã xây dựng một Hệ thống xử lý khách hàng để quản lý các truy vấn, yêu cầu và khiếu nại (QRC) của người gửi tiền. Tính đến cuối 2019, tổng cộng 49.256 QRC nhận được thông qua Call center, PAC và các kênh khác như email, thư và bài đăng trên Facebook đã được xử lý phản hồi/xác nhận và chuyển đến các đơn vị của PDIC để xử lý trong vòng 3 ngày kể từ khi tiếp nhận. b. Nâng cao hiểu biết tài chính Chương trình giáo dục tài chính “Be a Wise Saver – BAWS - Người tiết kiệm thông thái” là chương trình giáo dục tài chính hàng đầu và đã được triển khai từ năm 2009 của PDIC. Năm 2016, PDIC đã hợp tác với Ủy ban ngôn ngữ Philippines (KWF) để dịch các tài liệu thông tin liên quan của chương trình này sang các ngôn ngữ chính của Philippine để tăng cường sức lan tỏa của chương trình và khiến nó gần gũi, dễ hiểu hơn đối với các đối tượng liên quan. Mục tiêu của BAWS giúp các cá nhân có thể đưa ra những quyết định tài chính sáng suốt thông qua việc giảng dạy 7 Thói quen của một Người tiết kiệm thông thái, cung cấp cho họ những thông tin cần thiết và hiểu biết sâu sắc về thực hành tiết kiệm và hoạt động ngân hàng, từ đó sáng suốt hơn để tránh các hành vi gian lận và lừa đảo tài chính. Tính đến năm 2019, khoảng 5.000 người là sinh viên các trường đại học hoặc cán bộ đã được tiếp cận với các khóa đào tạo tài chính của chương trình này tại 3 thành phố Metro Manila, Davao và Iloilo. c. Nâng cao nhận thức công chúng về BHTG và PDIC Trong năm 2019, PDIC đã thực hiện một cuộc Khảo sát Nhận thức công chúng lần đầu tiên với 1.500 đối tượng khảo sát được lựa chọn ngẫu nhiên trên cả nước. Khảo sát cho thấy 90% người được khảo sát đã từng nghe, đọc, hoặc thấy thông tin về PDIC, 15,6% trong số đó có thể liên hệ PDIC với vai trò bảo vệ người gửi tiền. Nguồn thông tin chính từ ngân hàng, TV, báo, đài, website/truyền thông xã hội. Dựa trên kết quả khảo sát, PDIC đã xây dựng Kế hoạch truyền thông chiến lược (SCP) như một hướng dẫn tổng thể về cách PDIC truyền thông nội bộ và bên ngoài. SCP cũng xác định một số chương trình và hành động PDIC cần thực hiện như: Tuần lễ Bảo vệ và nâng cao nhận thức người gửi tiền vào tháng 6, Tuần lễ Hiểu biết về Kinh tế và tài chính vào tháng 11, tăng cường quảng cáo và truyền thông, chiến dịch truyền thông xã hội, sử 155
  11. dụng công nghệ phù hợp trong truyền thông để giúp công chúng hiểu được vai trò của PDIC trong việc bảo vệ người gửi tiền và giữ ổn định tài chính. 4. Tăng cường vai trò của tổ chức BHTG đối với bảo vệ người tiêu dùng tài chính Dựa trên thông lệ và kinh nghiệm quốc tế, tác giả đề xuất một số giải pháp bảo vệ người tiêu dùng tài chính nói chung và nâng cao vai trò của tổ chức BHTG trong việc bảo vệ người gửi tiền nói riêng tại Việt Nam như sau: (i) Thiết lập khung pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng tài chính bao gồm Luật Bảo vệ người tiêu dùng tài chính và các văn bản hướng dẫn kèm theo. Trong đó quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính phải công khai minh bạch thông tin về sản phẩm, dịch vụ; cam kết đối xử công bằng, bình đẳng với tất cả người tiêu dùng; bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng; nhà cung cấp dịch vụ tài chính phải có cơ chế giải quyết, xử lý khiếu nại cho người tiêu dùng. (ii) Thành lập cơ quan chuyên trách bảo vệ người tiêu dùng tài chính, cơ quan này cần có thẩm quyền nhất định, hoạt động khách quan và độc lập, có đủ quyền lực, nguồn lực và năng lực trong việc giám sát và chịu trách nhiệm đề xuất các chính sách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Ngoài ra, cần có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính khi xảy ra các xung đột lợi ích trong quá trình sử dụng dịch vụ tài chính. (iii) Tăng cường giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức và hiểu biết của công chúng về các sản phẩm dịch vụ tài chính, qua đó giảm thiểu rủi ro bị thiệt hại về tài chính trong quá trình sử dụng dịch vụ, và giúp người dân có thể đưa ra những quyết định tài chính một cách sáng suốt. (iv) Riêng với tổ chức BHTG, để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, ngoài việc tiếp tục triển khai hiệu quả những chức năng, nhiệm vụ được quy định thì tổ chức BHTG cần tăng cường hơn nữa các biện pháp tiếp cận người gửi tiền thông qua website hoặc các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, thiết lập một hotline hỗ trợ trực tiếp và nhanh chóng cho người gửi tiền. Tăng cường giáo dục tài chính với các đối tượng người tiêu dùng tài chính tiềm năng trong tương lai như học sinh ở mọi lứa tuổi (tiểu học, trung học) và sinh viên tại các trường đại học. Nâng cao nhận thức công chúng về BHTG nhất là với những đối tượng yếu thế trong xã hội và có ít hiểu biết về mặt tài chính như người già, người khuyết tật, người dân ở vùng sâu vùng xa 156
  12. Tài liệu tham khảo: Federal Deposit Insurance Corporation (2006), Challenges and FDIC efforts related to predatory lending. Report by the Office of Inspector General, 550 17th Street NW, Washington, DC 20429, USA. Federal Deposit Insurance Corporation (2021), Annual Report 2020, 550 17th Street NW, Washington, DC 20429, USA. Global Findex Database (2017), truy cập ngày 14/6/2021, tại Hien, H.T.T., & Van, N.T. (2020), Bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, Số 13. Huong, D.T.T., & Chi, V.M. (2019), Đánh giá giải pháp ngăn chặn tín dụng đen thời gian qua và một số khuyến nghị, Tạp chí Ngân hàng, Số 23. Luc, C.V. (2019), Ứng xử phù hợp tín dụng phi chính thức, Tạp chí Tài chính Online, truy cập ngày 14/06/2021, tại chinh-thuc-302065.html. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (2021), Dự thảo Chiến lược phát triển thị trường tài chính 2021-2025, tầm nhìn đến 2030, Hà Nội, Việt Nam. Philippine Deposit Insurance Corporation (2020), Annual Report 2019, Manila, Philippines. U.S. Government Accountability Office (2004), Consumer protection: Federal and state agencies face challenges in combating predatory lending. Report 04-280. World Bank (2017), Good practices for Financial Consumer Protection, The World Bank Group, 1818 H Street NW, Washington, DC 20433, USA. World Bank Data (2021), GDP (Current US$-Vietnam), truy cập ngày 14/06/2021,tại World Bank Group (2015), Diagnostic Review of Consumer Protection and Financial Literacy – Vietnam, Finance and Markets Global Practice-Volume 1, The World Bank Group, 1818 H Street NW, Washington, DC 20433, USA. www.fdic.gov www.pdic.gov.ph 157