Fintech và tài chính toàn diện: Thúc đẩy hay kiến tạo?

pdf 9 trang Gia Huy 24/05/2022 1220
Bạn đang xem tài liệu "Fintech và tài chính toàn diện: Thúc đẩy hay kiến tạo?", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdffintech_va_tai_chinh_toan_dien_thuc_day_hay_kien_tao.pdf

Nội dung text: Fintech và tài chính toàn diện: Thúc đẩy hay kiến tạo?

  1. FINTECH VÀ TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN: THÚC ĐẨY HAY KIẾN TẠO? TS. Trần Thanh Thu - TS. Đào Hồng Nhung - TS. Nguyễn Thị Bảo Hiền Học viện Tài chính Tóm tắt Với sự bùng nổ mạnh mẽ và sự kỳ diệu của công nghệ, thế giới đã và đang chứng kiến những dịch chuyển sâu sắc trong mọi ngành công nghiệp, đặc biệt là sự xuất hiện của những mô hình kinh doanh mới, thách thức những mô hình kinh doanh truyền thống, tái định hình hệ thống sản xuất, phân phối, và xu hướng tiêu dùng. Đối với ngành dịch vụ tài chính, sự xuất hiện của các công ty Fintech cũng như xu hướng khai thác dữ liệu lớn, tiền ảo và chuỗi khối (Big data, Bitcoin, & Blockchain) tạo ra những thay đổi lớn trên thị trường tài chính, đặc biệt là tác động đến mức độ tiếp cận tài chính (tài chính toàn diện - Financial Inclusion) của các chủ thể tham gia thị trường. Trong bài viết này, các tác giả làm rõ tác động của Fintech đến tài chính toàn diện thông qua nhận diện vai trò thúc đẩy hay kiến tạo của Fintech đối với từng chủ thể trên thị trường. Trên cơ sở đó, các tác giả xây dựng mô hình tương tác giữa Fintech và tài chính toàn diện tại Việt Nam. Đây là tiền đề để đưa ra những kiến nghị về mặt chính sách cũng như những định hướng quản trị cho các doanh nghiệp ngành dịch vụ tài chính. Từ khoá: Fintech, tài chính toàn diện, thúc đẩy, kiến tạo, Việt Nam 1. Giới thiệu vấn đề nghiên cứu Một trong những tiêu chí đánh giá mức độ cạnh tranh toàn cầu của một nền kinh tế (GCI) chính là sự phát triển của thị trường tài chính (Pillar 8 - Financial market development). Chỉ tiêu này đóng góp 17% vào tổng mức cạnh tranh của một nền kinh tế và được đo lường thông qua đánh giá mức độ hiệu quả của thị trường, sự tin cậy, và uy tín của các định chế tài chính. Mặc dù đã có những cải thiện đáng kể, tiêu chí đánh giá sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam còn nằm ở mức thấp so với mức trung bình của thế giới cũng như so với các nền kinh tế có điều kiện tương đồng trong khu vực ASEAN. Năm 2016, Việt Nam xếp thứ 60 trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh toàn cầu với tổng điểm 4.36. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường tài chính xếp thứ 78 với tổng điểm 3.88. Hai chỉ tiêu này của năm 2017 lần lượt là 55 (điểm 4.4) và 71 (điểm 4.0). Đến năm 2018, vị thế cạnh tranh của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể, đặc biệt là về chỉ tiêu đánh giá thị trường tài chính với 62/100 điểm, đứng ở vị trí thứ 59. Sự cải thiện đáng kể của những chỉ số cạnh tranh cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện các yếu tố của môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, những con số này còn khá khiêm tốn so với những nền kinh tế khác, chẳng hạn như Thái Lan. Vị thế cạnh tranh của Thái Lan luôn được xếp ở nhóm cao hơn mức trung bình thế giới. Năm 2018, chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển thị trường tài chính của Thái Lan đạt 84/100, bỏ xa mức 62/100 của Việt Nam. Đồng thời, trong khi tiếp cận nguồn tài chính là trở ngại lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (12,3%) thì con số này ở thị trường Thái Lan chỉ đứng thứ 9 (4,8%). Nếu so sánh với những nền kinh tế khác trong khu vực châu Á và trên thế giới, Việt Nam cần có những chương trình hành động cụ thể và quyết liệt hơn để đẩy mạnh sự phát triển của thị trường tài chính nhằm gia tăng vị thế cạnh tranh. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ trong vòng 10 năm trở lại đây đã tạo ra một giai đoạn mới cho tất cả các ngành công nghiệp khi khoa học công nghệ thâm nhập sâu hơn vào cấu trúc ngành. Đối với lĩnh vực tài chính, làn sóng Fintech đã tạo ra những thay đổi to lớn về mô hình kinh doanh, hàng rào gia nhập và rút khỏi thị trường, hành vi của khách hàng, cũng như chiến lược cạnh tranh của các doanh nghiệp. Fintech đã có những đóng góp đáng kể vào việc gia tăng mức độ tiếp cận nguồn tài chính của các chủ thể tham gia thị trường, điều tiết dòng chảy 140
  2. vốn, giảm thiểu các chi phí giao dịch, và gia tăng sự kết nối giữa cung và cầu trên thị trường tài chính. Nói cách khác, Fintech đã tạo ra những ảnh hưởng đến tài chính toàn diện (Financial Inclusion). Tuy nhiên, làm rõ sự tác động của Fintech đến tài chính toàn diện vẫn là một vấn đề được các nhà nghiên cứu quan tâm, đặc biệt là tại các thị trường đang phát triển, nơi nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh cũng như tiêu dùng cá nhân đang liên tục gia tăng. Chỉ số tài chính toàn diện của Sarma (2015) thể hiện IFI là một chỉ tiêu tổng hợp gồm ba bộ phận, sự thâm nhập của hệ thống ngân hàng, sự thuận tiện của dịch vụ ngân hàng, sự hữu dụng của hệ thống ngân hàng. Chỉ tiêu này càng cao sẽ cho thấy mức độ tiếp cận tài chính của quốc gia đó càng cao. Nghiên cứu của Hoàng và cộng sự (2017) đã tính toán IFI cho Việt Nam và một số nước trong khu vực châu Á giai đoạn 2004-2016 dựa trên hệ thống ngân hàng. Sự gia tăng liên tục của chỉ số này ở các quốc gia trong mẫu từ giai đoạn 2010 đến nay cho thấy việc kết hợp tài chính và công nghệ đã tạo ra những tác động tích cực đến mức độ tiếp cận tài chính. Mặt khác, nếu xét từ góc độ người sử dụng dịch vụ tài chính, Fintech giúp xoá bỏ những khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ và nguồn tài chính, gia tăng tài chính toàn diện. Nghiên cứu của Kim (2018) cho rằng mức độ tài chính toàn diện có tác động đến sự mở rộng của thị trường tín dụng Fintech. Tác giả xem xét ở cấp độ thị trường vai trò đánh đổi của tín dụng Fintech và tín dụng ngân hàng. Do vậy, sự phát triển của Fintech sẽ dẫn đến sự suy giảm vai trò của hệ thống ngân hàng trong thị trường tài chính cũng như sự bùng nổ của những phương thức cung cấp tín dụng mới, chẳng hạn như cho vay ngang hàng (P2P lending) hoặc các quỹ gọi vốn cộng đồng cho các start-ups/DN nhỏ và vừa. Đối với những quốc gia có thị trường tài chính phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, liệu rằng sự cạnh tranh này có làm giảm mức độ tiếp cận các dịch vụ tài chính của các chủ thể trên thị trường? Trong bối cảnh này, các nhà ban hành chính sách cần có những quy định gì để tăng cường tính hiệu quả của thị trường. Thuật ngữ “RegTech” (Regulation of Technology) xuất hiện đồng thời với Fintech trong nghiên cứu của Arner và cộng sự (2017) nhằm chỉ ra sự cần thiết phải ban hành các quy định đối với Fintech (phần lớn là họat động của các công ty start-ups và các chủ thể liên kết như ngân hàng, các công ty bảo hiểm, và các quỹ đầu tư) nhằm giảm thiểu rủi ro của các doanh nghiệp này. Rủi ro từ Fintech không chỉ được xem xét từ phía cung mà còn xuất phát từ phía cầu khi người sử dụng dịch vụ phải đối mặt với những rủi ro trong sử dụng dịch vụ. Đây cũng chính là lí do vì sao tỷ lệ người thực sự sử dụng các dịch vụ Fintech chưa cao, những sản phẩm tài chính bậc cao chưa trở nên phổ biến, cũng như nhóm “early adopters” của Fintech mang những đặc điểm riêng biệt. Xuất phát từ những lý do nêu trên, trong nghiên cứu này, các tác giả làm rõ tác động của Fintech đến tài chính toàn diện thông qua nhận diện hai vai trò của Fintech đến từng chủ thể, vai trò thúc đẩy và vai trò kiến tạo. Các tác giả không những chỉ ra những thời cơ và thách thức mà Fintech mang lại cho tài chính toàn diện mà còn đưa ra những hướng đi cụ thể cho các nhà điều hành chính sách. Bài báo được chia làm 5 phần. Phần một giới thiệu vấn đề nghiên cứu, phần hai khái quát về Fintech và sự phát triển của Fintech trong vòng 10 năm trở lại đây. Phần thứ ba làm rõ tác động của Fintech đối với mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính của các doanh nghiệp cũng như các cá nhân. Phần thứ tư là một số đề xuất về mô hình tương tác giữa Fintech và tài chính toàn diện ở Việt Nam. Phần cuối cùng là một số kết luận của nghiên cứu. 2. Khái quát về Fintech và sự phát triển của Fintech trong 10 năm gần đây Khái niệm Fintech Giống như rất nhiều những thuật ngữ tổng hợp khác, chẳng hạn như “Bio Tech”, “FinTech” là sự kết hợp của công nghệ (technology) vào lĩnh vực tài chính (financial). Fintech có thể được nhìn nhận từ phía các công ty trong lĩnh vực tài chính hoặc từ phía các công ty trong lĩnh vực công nghệ. Kuo Chuen & Teo (2015) cho rằng FinTech là những sản phẩm/ dịch vụ của các công ty dịch vụ tài chính được tạo ra nhờ sự đột phá và đổi mới của công nghệ thông tin. E&Y (2015) 141
  3. xem xét Fintech là một sự đổi mới trong ngành dịch vụ tài chính nhờ nhân tố thúc đẩy là công nghệ thông tin. Freedman (2006) xem xét Fintech như là việc xây dựng những hệ thống nhằm mô hình, định giá, và truyền tải những sản phẩm tài chính. Lee (2015) cho rằng Fintech là một hình thức kinh doanh sử dụng phần mềm và phần cứng nhằm cung cấp dịch vụ tài chính. Arner và cộng sự (2016) định nghĩa Fintech như là một giải pháp công nghệ thông tin. Như vậy, Fintech là một thuật ngữ thể hiện sự giao thoa giữa công nghệ và tài chính. Nó không đơn thuần là việc điện tử hoá các giao dịch tài chính mà hướng đến việc cung cấp những dịch vụ tài chính đổi mới, sáng tạo và đột phá nhờ ứng dụng sâu rộng và mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Những dịch vụ tài chính của các công ty Fintech được thể hiện cụ thể tại bảng sau: Bảng 1: Phân loại Fintech Dịch vụ/sản phẩm Mô tả Quản lý tài sản Cung cấp dịch vụ như robot tư vấn, giao dịch cộng đồng, quản trị tài sản, ứng dụng hoặc quản trị tài chính cá nhân Dịch vụ trao đổi Cung cấp dịch vụ trao đổi tài chính hoặc chứng khoán như cổ phiếu, chứng khoán phái sinh và những công cụ giao dịch tài chính khác Tài trợ Cung cấp nguồn tài chính chẳng hạn như các quỹ gọi vốn cộng đồng, cho vay cộng đồng, tài chính vi mô và các giải pháp bao thanh toán Bảo hiểm Cung cấp các sản phẩm bảo hiểm, quản trị các hợp đồng bảo hiểm, dịch vị quản trị rủi ro và dịch vụ môi giới bảo hiểm Chăm sóc khách hàng Các dịch vụ chăm sóc khách hàng dựa trên phân tích dữ liệu lớn và lịch sử thanh toán Đào tạo Cung cấp kiến thức cho nhà đầu tư, những giải pháp cho mô hình kinh doanh hoặc những giải pháp công nghệ cho các công ty khởi nghiệp Thanh toán Cung cấp những giải pháp thanh toán mới và đột phá như hệ thống thanh toán trên ĐTDĐ, tiền ảo và ví điện tử Công nghệ giám sát Cung cấp các giải pháp công nghệ nhằm giám sát, báo cáo và tuân thủ trong ngành tài chính Quản trị rủi ro Cung cấp những dịch vụ giúp các công ty dễ dàng đánh giá mức độ tin cậy tài chính của những công ty đối thủ hoặc quản trị rủi ro tốt hơn Sự bùng nổ của Fintech trong những năm gần đây Trong thị trường tài chính truyền thống, vai trò kết nối do các trung gian tài chính đảm nhiệm. Những công ty này không những điều tiết vốn trên thị trường sơ cấp mà còn định hình và tác động đến cấu trúc của thị trường thứ cấp thông qua mạng lưới kết nối rộng lớn, đa dạng, và đan xen lẫn nhau, phức tạp hơn nhiều so với lĩnh vực sản xuất hay phân phối (Zhu và cộng sự, 2004). Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực tài chính giúp cho cách thức tổ chức, quá trình tương tác, và thực hiện các công việc dễ dàng hơn (Bouwman và công sự, 2005). Những nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng công nghệ tài chính (financial technologies) là thuật ngữ có tính kế thừa lâu đời hơn Fintech. Những ứng dụng công nghệ đầu tiên được sử dụng bởi các ngân hàng và các công ty thương mại dựa trên những phương tiện lưu trữ thông tin. Tuy nhiên, do giới hạn về năng lực truyền tải, quy mô thị trường chỉ dừng lại ở cấp độ khu vực. Phải đến năm 2008, khi sự phát triển của công nghệ số bùng nổ, Fintech mới thực sự trở thành một hiện tượng trên thị trường tài chính. Theo Alt & Puschmann (2012) có bốn nguyên nhân chính dẫn đến sự dịch chuyển này. Trước hết là sự lan toả của những giải pháp công nghệ thông tin. Mặc dù tương lai của Fintech đã được nhìn nhận từ năm 2012 song tại thời điểm đó khái niệm Fintech chỉ xuất hiện ở phạm vi nhỏ trong một thời gian ngắn. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, một tập hợp những dịch vụ kỹ thuật số, lập kế hoạch & tư vấn, thanh toán, đầu tư, tài trợ, và những hỗ trợ 142
  4. chéo đã cho thấy ứng dụng rộng rãi của Fintech trong ngành ngân hàng. Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ giới hạn ở những nhóm khách hàng và tại từng thị trường. Tiếp đến là sự bùng nổ của làn sóng khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Đây được xem là nhân tố chính của Fintech. Sau khủng hoảng kinh tế năm 2008, làn sóng khởi nghiệp trong ngành dịch vụ tài chính gia tăng. CBinsights (2018) chỉ ra rằng tổng quy mô vốn đầu tư mạo hiểm cho Fintech tăng từ 3,7 tỷ đô năm 2013 lên 16,5 tỷ đô năm 2017. Mặc dù những doanh nghiệp hiện tại của ngành bắt đầu có những chiến lược phản vệ song cả ngân hàng và các công ty bảo hiểm đều rất khó có thể tạo ra sự khác biệt, sự sáng tạo và tư duy số như những công ty khởi nghiệp. Thứ ba là sự thay đổi hành vi của những khách hàng hiện tại đối với ngân hàng online và mối tương tác liên ngân hàng. Sự bùng nổ của các thiết bị điện tử và kỹ thuật số cá nhân cho phép các khách hàng có thể tiếp cận một cách không giới hạn với các thông tin tài chính. Ngoài ra, công nghệ số đảm nhận những công việc thuộc về bộ phận tư vấn của ngân hàng. Điều này làm giảm sút sự trung thành của khách hàng cũng như gia tăng sự thay thế trong lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ. Tại Đức, có đến hơn 50% khách hàng của các ngân hàng bán lẻ sử dụng dịch vụ của những nhà cung cấp khác cũng như sẵn sàng sử dụng sản phẩm tài chính của các công ty công nghệ (Bain & Company 2011). Cuối cùng là yêu cầu tách biệt chức năng bán lẻ và chức năng đầu tư của hệ thống ngân hàng, giảm thiểu hành vi lừa đảo, gia tăng tỷ lệ an toàn vốn sau hậu qủa của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007. Những quy định pháp lý ngày càng chặt chẽ này đã gia tăng áp lực lên các nhà cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống. Mặc dù sự bùng nổ của Fintech gắn liền với làn sóng khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, cần phải tách biệt làn sóng này khỏi những chức năng mà Fintech đảm nhận trong những lĩnh vực của thị trường tài chính. Arner và cộng sự (2016) cho rằng Fintech bao gồm tất cả những ứng dụng và thông thường là công nghệ kỹ thuật số để cung cấp các giải pháp tài chính. Nó bao gồm nhiều ý tưởng đổi mới và mô hình kinh doanh nhờ công nghệ số, chú trọng đến tương tác giữa các khách hàng, dịch vụ thanh toán, đầu tư & tài trợ, bảo hiểm. Sự kết hợp của ba cấp độ dịch chuyển ở ba lĩnh vực của Fintech được thể hiện cụ thể ở ma trận dưới đây. Cung cấp dịch vụ của các công ty khởi nghiệp Quyết định của người Toàn thị trường tiêu dùng trong cung cấp dịch vụ ngân hàng bán lẻ Sự tham gia vào hệ sinh thái di động Đổi mới trong công Cấp độ mạng lưới Khai thác tiền ảo bền nghệ bảo hiểm vững Quyết định đầu tư mạo hiểm Nền tảng tư vấn nhờ robot Cấp độ tổ chức Giao dịch có tần suất lớn Lĩnh vực Công nghệ ngân hàng Công nghệ bảo hiểm Công nghệ điều hành (Nguồn: R.Alt và cộng sự, 2018) 3. Vai trò kiến tạo và thúc đẩy của Fintech đối với tài chính toàn diện Tài chính toàn diện (Financial Inclusion) là thuật ngữ dùng để chỉ quá trình cung cấp có trách nhiệm và bền vững các sản phẩm hay dịch vụ tài chính hữu ích, phù hợp khả năng cho mọi cá nhân và doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của họ về giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín 143
  5. dụng và bảo hiểm (Ngân hàng Thế giới, 2017). Tài chính toàn diện chú trọng đến việc đảm bảo khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức một cách bình đẳng cho tất cả các chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là những đối tượng khó khăn do phải đối mặt với những rào cản tiếp nhận như thu nhập, chi phí, khoảng cách địa lý, thông tin và trình độ học vấn. Như vậy, mức độ tiếp cận các nguồn tài chính chính thức phụ thuộc vào mức độ bao phủ, sự sẵn có, và sự thuận tiện của các dịch vụ tài chính trên thị trường. Phần lớn những chỉ tiêu đánh giá tài chính toàn diện đều dựa vào sự phát triển và hoàn thiện của hệ thống ngân hàng cũng như những dịch vụ tài chính do ngân hàng cung cấp. Do vậy, sự ra đời và bùng nổ của Fintech kỳ vọng mang lại sự đa dạng về sản phẩm, gia tăng mức độ cạnh tranh, giảm chi phí sử dụng dịch vụ tài chính, và cuối cùng tăng cường mức độ tiếp cận các nguồn tài chính chính thức cho tất cả các chủ thể trên thị trường. Tuy nhiên, tác động của Fintech đến tài chính toàn diện cần được nhìn nhận và làm rõ trên quan điểm của những chủ thể khác nhau. Nhóm tác giả đưa ra những nhận định như sau về mối quan hệ giữa Fintech và tài chính toàn diện. Thứ nhất, Fintech tăng cường mức độ tiếp cận tài chính của các chủ thể trên thị trường thông qua việc kiến tạo những mô hình kinh doanh mới, củng cố mạng lưới thị trường, thúc đẩy cạnh tranh và giảm thiểu các chi phí tiếp cận dịch vụ tài chính. Lợi nhuận của các ngân hàng truyền thống đến từ sự chênh lệch của lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay cũng như phí cung cấp các dịch vụ tài chính. Đối với các quỹ đầu tư hoặc các công ty bảo hiểm, thu nhập đến từ việc phân tán rủi ro và đầu tư trên thị trường tài chính. Để thành lập và vận hành, mô hình của các định chế trung gian truyền thống đòi hỏi một lượng vốn đầu tư ban đầu cũng như chi phí hoạt động lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế phẳng, những giao dịch tài chính toàn cầu gia tăng, sự dịch chuyển dòng vốn xuyên quốc gia trở nên phổ biến, một bộ máy vận hành cồng kềnh sẽ tốn nhiều chi phí biến đổi và làm sụt giảm biên lợi nhuận của các công ty này. Sự xuất hiện và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số vào lĩnh vực tài chính đã tạo ra những mô hình kinh doanh có sự khác biệt và đột phá so với hoạt động hiện tại của các định chế tài chính trung gian trên thị trường. Nền tảng số cho phép các giao dịch được thực hiện thuận tiện và nhanh chóng, đa dạng hoá các dịch vụ tài chính, giảm thiểu những chi phí vận hành không cần thiết nhờ tăng cường tự động hoá. Đồng thời, sự bùng nổ của các start-ups Fintech đã tạo ra sự cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính giữa các định chế tài chính và các start-ups Fintech, giảm hàng rào gia nhập ngành, đa dạng hoá danh mục dịch vụ, gia tăng xác suất thay thế. Đồng thời, hệ sinh thái Fintech cũng cho phép dịch chuyển dữ liệu lớn liên công ty, giảm thiểu các chi phí giao dịch trên thị trường.Điều này giúp các chủ thể trên thị trường gia tăng khả năng tiếp cận các nguồn tài chính chính thức, giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường tín dụng phi chính thức. Đặc biệt là đối với những cá nhân yếu thế (người nghèo, phụ nữ, dân tộc thiểu số) và những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ hai, Fintech tăng cường mức độ tiếp cận tài chính của các chủ thể trên thị trường thông qua việc cung cấp công cụ, nền tảng, và quá trình để thúc đẩy dòng chảy thông tin, gia tăng kết nối cung cầu, điều tiết và giám sát nguồn tài chính, phòng ngừa và xử lý rủi ro trên thị trường tài chính. Vai trò thúc đẩy tài chính toàn diện của Fintech được thể hiện thông qua việc kết nối cung cầu trên thị trường tài chính cũng như việc xây dựng hệ sinh thái Fintech nhằm thúc đẩy tính chủ động của các chủ thể trên thị trường tài chính. Số liệu lớn cho phép các công ty cung cấp dịch vụ tài chính theo dõi và đánh giá năng lực tài chính của người sử dụng một cách toàn diện thay vì chỉ dựa trên lịch sử tín dụng. Điều này giúp cho cơ hội tiếp cận nguồn tài chính chính thức của những nhóm khách hàng chưa từng có giao dịch với ngân hàng gia tăng. Đồng thời, dòng chảy dữ liệu trong và ngoài hệ sinh thái Fintech giúp giảm thiểu các chi phí thông tin cho người sử dụng, mang đến sự dễ dàng và thuận tiện trong việc lựa chọn những dịch vụ phù hợp. Nhờ số hoá các giao dịch tài chính, thông tin trên thị trường trở nên minh bạch và công khai. Điều này giúp cho 144
  6. hoạt động điều tiết dòng chảy vốn giữa các khu vực, các chủ thể của nền kinh tế được diễn ra dễ dàng và thuận tiện hơn. Đối với khách hàng cá nhân, thay vì trở thành chủ thể bị động trong thị trường, Fintech gia tăng tính tự chủ của đối tượng này khi tham gia thị trường thông qua trao cho họ quyền tạo dựng dữ liệu tài chính cá nhân, quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, quyền thương lượng để có được những dịch vụ phù hợp. Nói cách khác, Fintech đã gia tăng sức mạnh thương lượng cho người sử dụng dịch vụ trên thị trường. Đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp khởi nghiệp, Fintech tạo nền tảng kết nối với người cung cấp vốn, đa dạng hoá phương thức tài trợ giúp những doanh nghiệp này vượt qua rào cản về vốn, vị thế thị trường, rủi ro kinh doanh, cũng như năng lực quản trị và phòng ngừa rủi ro tài chính. Hệ sinh thái Fintech cũng cho phép các doanh nghiệp này dễ dàng thương lượng và tái cấu trúc hoạt động khi gặp phải những trở ngại trong kinh doanh. Thứ ba, Fintech làm sụt giảm mức độ tiếp cận nguồn tài chính chính thức của một hoặc một vài nhóm chủ thể trên thị trường thông qua việc kiến tạo những lợi thế cho nhóm những chủ thể này. Nói cách khác, Fintech tạo ra sự phân hoá rõ rệt trong thị trường tài chính. Mặc dù Fintech được đánh giá là sự đổi mới có tính đột phá của thị trường tài chính, những nghiên cứu từ phía người sử dụng cho thấy tỷ lệ người sử dụng các dịch vụ Fintech còn hạn chế. Điều này đồng nghĩa với việc Fintech có thể làm giảm sút tài chính toàn diện thông qua việc nới rộng sự bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ tài chính của các chủ thể trên thị trường. Nghiên cứu của Ryu (2018) làm rõ sự khác biệt giữa nhóm sử dụng tiên phong các dịch vụ của Fintech (early adopters) và nhóm gia nhập thị trường cuối cùng (lately adopters) từ cách tiếp cận lợi ích và rủi ro. Việc sử dụng các dịch vụ tài chính có nền tảng kỹ thuật số đòi hỏi người sử dụng phải có một mức độ nhận thức nhất định về công nghệ cũng như các dịch vụ được đề xuất. Đồng thời, việc căn cứ vào những yếu tố phi tài chính như trình độ học vấn, nghề nghiệp, khu vực sinh sống, mục đích sử dụng của các công ty cung cấp dịch vụ sẽ tạo ra ưu thế cho một bộ phận thị trường và tạo ra những rào cản phi tiền tệ cho một bộ phận khác. Mặt khác, việc đánh giá và đưa ra thang điểm dựa toàn bộ vào hệ thống số hoá sẽ dẫn đến tình trạng người cần vốn không tiếp cận được vốn và ngược lại, người không cần vốn lại nhận được quá nhiều cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính. Thứ tư, Fintech làm sụt giảm mức độ tiếp cận nguồn tài chính của các chủ thể trên thị trường tài chính thông qua việc gia tăng rủi ro cho các đối tượng sử dụng dịch vụ cũng như các nhà ban hành chính sách. Kết qủa mô hình của Ryu (2018) cho thấy nguy cơ mất an toàn thông tin có tác động mạnh nhất đến việc từ chối sử dụng các dịch vụ do các công ty Fintech cung cấp. Ngoài một bộ phận khách hàng thành thị có thu nhập trên trung bình và trình độ học vấn cao, phần lớn người sử dụng có xu hướng lựa chọn dịch vụ tài chính truyền thống do nhận thức về rủi ro của Fintech như rủi ro tài chính, rủi ro luật pháp, rủi ro mất an toàn thông tin, và rủi ro hoạt động. Việc cung cấp các thông tin cá nhân và lưu trữ dữ liệu giao dịch của các dịch vụ tài chính Fintech khiến người sử dụng phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn thông tin, nguy cơ bị lừa đảo, hoặc sử dụng các dịch vụ tài chính phi chính thức giả mạo. Do phần lớn người sử dụng có tâm lý né tránh và phòng ngừa rủi ro, việc sử dụng Fintech như một nhân tố thúc đẩy mức độ tiếp cận tài chính đòi hỏi sự hợp tác ba bên, bên cung cấp dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ, và các nhà điều hành thị trường. Sự bùng nổ của thông tin khiến mọi chủ thể đối mặt với tình trạng quá tải do giới hạn về mặt nhận thức. Trong tình huống này, tính sẵn có của thông tin làm tình trạng bất cân xứng thông tin càng trở nên trầm trọng. Theo đó, mức độ tiếp cận tài chính của các chủ thể bị sụt giảm. Đồng thời, chi phí quản lý điều hành gia tăng. 145
  7. 4. Fintech và tài chính toàn diện tại Việt Nam - Mô hình đề xuất Fintech tại một số thị trường trong khu vực châu Á Châu Á đang được đánh giá là khu vực năng động nhất của nền kinh tế thế giới, là thị trường tiềm năng của khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả Fintech. Tuy nhiên, Fintech tại mỗi quốc gia lại có những sự khác biệt nhất định. Thị trường phát triển bậc cao gồm Singapre, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc; thị trường mới nổi gồm Trung Quốc và Ấn Độ; thị trường biên gồm các nước còn lại khu vực ASEAN như Thái Lan, Việt Nam, Myanmar. Nhật Bản, nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, là thị trường năng động cho sự phát triển của Fintech. Chính phủ Nhật Bản cũng là chính phủ đầu tiên thực thi việc đăng ký giao dịch tiền ảo. Có đến 30% đến 40% các giao dịch Bitcoin trên thế giới là tại Nhật. Fintech tăng cường tài chính toàn diện tại Nhật thông qua hoạt động cho vay ngang hàng. Trái lại, thanh toán qua di động và các phương thức thanh toán thông minh khác không thực sự phát triển tại Nhật do thị trường Nhật vẫn ưa thích sử dụng tiền mặt. Bên cạnh đó, Fintech cũng cung cấp các giải pháp quản lý tài sản cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, tạo ra sân chơi cho các ngân hàng thương mại nhỏ cũng như các công ty Fintech. Chính phủ Nhật Bản đưa ra những chính sách ủng hộ các công ty khởi nghiệp phi ngân hàng cũng như phát triển những chương trình đào tạo nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực cho hoạt động khởi nghiệp. Cũng giống như Nhật Bản, Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA) thành lập văn phòng thúc đẩy Fintech (FFO) vào tháng 3 năm 2016 để tăng cường sự phát triển lành mạnh của hệ sinh thái Fintech tại HK và biến HK trở thành trung tâm Fintech ở khu vực châu Á. HKMA duy trì cách tiếp cận trung lập giữa công nghệ và rủi ro để điều tiết Fintech. Những quy định này nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và rủi ro. Chẳng hạn, HKMA giới thiệu “Những công cụ lưu trữ dữ liệu” năm 2015 và đẩy mạnh sự thiết lập của ngân hàng ảo nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời cũng giới thiệu không gian giám sát Fintech (FSS) năm 2016, nâng cấp năm 2017 cho phép các ngân hàng, các công ty tài chính cùng thử nghiệm các sản phẩm tài chính, chia sẻ dữ liệu trước khi cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên thị trường Fintech tại Hồng Kông đang đối mặt với sự thiếu nhân lực. HKMA đã đưa ra chương trình thực tập cho sinh viên, trại hè doanh nhân khởi nghiệp nhằm tuyển chọn đội ngũ cho Fintech. Tại Trung Quốc, sự xuất hiện của Fintech dịch chuyển vai trò của ngân hàng từ vai trò trung tâm sang vai trò hợp tác. Từ năm 2017, 5 ngân hàng lớn của nhà nước đã kết nối với những tập đoàn công nghệ lớn như ICBC cùng với JD.COM; Agricultural Bank of China cùng với Baidu; Bank of China với Tencent; China Construction Bank với Alibaba; và Bank of Communications với Suning. Sự hợp tác này giúp 5 ngân hàng lớn có thể phát triển dịch vụ ở nhiều lĩnh vực. Tương lai của Fintech ở Trung Quốc là sự hợp tác giữa các ngân hàng và các công ty Fintech. Tuy nhiên, thách thức đang đặt ra với những ngân hàng nhỏ tại Trung Quốc. Có đến 84% ngân hàng đánh mất dữ liệu và kết nối đối với khách hàng vào những công ty Fintech. 76% khách hang yêu cầu những dịch vụ và trải nghiệm tốt hơn. Ngân hàng đang đánh mất khách hang, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thái Lan xếp thứ bảy về mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực Fintech tại châu Á vào cuối năm 2018. Thái Lan hiện có 100 DN khởi nghiệp và không có các doanh nghiệp lớn như Mỹ hay Trung Quốc. Đồng thời, ba ngân hàng lớn là Siam Commercial Bank, KASIKORNBANK, avf Krungsri Bank đã xây dựng phòng lab Fintech riêng với nền tảng ngân hàng và chương trình đẩy mạnh. Blockchain và robo-advice chiếm tỷ trọng chính trong các dịch vụ. Fintech tại Việt Nam Việt Nam được đánh giá là thị trường triển vọng của Fintech tại châu Á với kết cấu dân số vàng, tỷ lệ người có tài khoản tại ngân hàng còn thấp so với các nước trong khu vực, phần lớn dân cư sinh sống tại khu vực nông thôn, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động cao, và nhu cầu tín dụng tiêu dùng đang gia tăng (Đặng, 2017). Những công ty cung cấp dịch vụ thanh toán đầu tiên được NHNN cho phép thử nghiệm năm 2007 là Mobivi, Payoo, VNPay, VinaPay, 146
  8. Smartlink, M_Service, VNPT EPay, Ngân Lượng và ECPay. Dịch vụ này đã được cấp giấy phép chính thức và số lượng các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán tăng gấp đôi so với thời điểm bắt đầu thử nghiệm. Ngoài ra, những công ty Fintech đã giới thiệu những sản phẩm bậc cao như cho vay trực tuyến, gọi vốn cho start-ups, quản lý dữ liệu, tư vấn tài chính cá nhân, Thanh toán qua ví điện tử tăng vọt, đạt đến 125 triệu USD năm 2016, cao gấp đôi năm 2013. Đồng thời dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P) cũng tăng từ 1,6% giá trị giao dịch năm 2015 lên 23% giá trị giao dịch dự kiến năm 2021. Mô hình đề xuất nhằm tăng cường vai trò thúc đẩy và kiến tạo của Fintech với tài chính toàn diện tại Việt Nam Không thể phủ nhận những tác động tích cực Fintech đến tài chính toàn diện. Mặc dù đây là vấn đề xã hội có tính chất toàn cầu từ trước năm 2008, phải đến khi Fintech xuất hiện, sự gia tăng đột biến của điện thoại thông minh và sự đa dạng của các dịch vụ tài chính đã gia tăng mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính thông qua ĐTTM. Sự đột phá của CNTT đã tăng cường tài chính toàn diện theo cách chưa từng được nghĩ đến trước đó một thập kỷ. Tuy nhiên, Fintech cũng có những tác động tiêu cực đến tài chính toàn diện thông qua việc gia tăng khoảng cách tiếp cận giữa các nhóm chủ thể cũng như rủi ro gắn liền với việc sử dụng dịch vụ. Thị trường tài chính Việt Nam, mặc dù đã có những cải thiện đáng kể từ năm 2016, song vẫn là một thị trường có mức phát triển thấp so với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Tính sẵn có của các nguồn tài chính thấp tạo ra rào cản lớn cho các doanh nghiệp khi tiến hành kinh doanh tại Việt Nam. Hoạt động gọi vốn cho khởi nghiệp cũng vấp phải những trở ngại do sự yếu kém trong quản trị rủi ro và điều hành thị trường. Chính phủ còn can thiệp quá sâu vào thị trường thông qua điều tiết bằng quy định thay vì điều tiết bằng nguyên lý. Trên cơ sở quan sát sự phát triển và điều hành Fintech tại một số thị trường khu vực và thực trạng Fintech tại Việt Nam, nhóm tác giả đề xuất mô hình quản lý dựa trên quan hệ tương tác giữa các chủ thể nhằm tăng cường vai trò của Fintech với tài chính toàn diện tại Việt Nam như sau. Các cơ quan ban hành chính sách (Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, Bộ thông tin truyền thông) Chương trình Điều tiết chung Cơ chế hỗ trợ hỗ trợ chuyên biệt +Chiến lược phát triển đặc thù +Theo vùng +Cụ thể hoá chỉ tiêu +Thuế +Mục đích sử dụng +Vốn đối ứng +Trình độ học vấn Kiểm soát +Quỹ phát triển +Giáo dục tài chính Thị trường tài chính doanh nghiệp +Nguồn nhân lực +Hệ sinh thái Fintech Đối tượng sử dụng dịch vụ Đối tượng cung cấp dịch vụ Kiến thức tài chính Cá nhân, hộ gia đình Công ty FinTech Chi phí tiếp cận DNNVV Ngân hàng/CTBH Quản trị tài chính Quản trị rủi ro Quản lý tài sản 5. Kết luận Làn sóng Fintech trong vòng 10 năm trở lại đây đã tạo ra những chuyển biến to lớn trong ngành tài chính, không những làm thay đổi cấu trúc thị trường mà còn tác động đến mức độ tiếp cận tài chính của các chủ thể tham gia thị trường. Vai trò của Fintech đối với tài chính toàn diện 147
  9. cần được xem xét trên quan điểm của từng chủ thể cũng như có sự phân định giữa vai trò trực tiếp và gián tiếp; tăng cường hay sụt giảm. Bài báo đã làm rõ cả tác động tích cực và tiêu cực của Fintech đến tài chính toàn diện từ góc nhìn của người sử dụng dịch vụ tài chính. Đồng thời, nhóm tác giả cũng chỉ ra mô hình quản lý trên cơ sở tương tác ba bên nhằm tăng cường tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của Fintech đến tài chính toàn diện tại Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Sarma, M. (2015). Measuring fnancial inclusion. Economics Bulletin, 35(1), 604-611. 2. Kim, Y. Hee (2018), Determinants of Fintech Credit Expansion. Master’s Thesis of Public Administration, Graduate School of Public Administration, Seoul National University. 3. Arner, D. W., Barberis, J., & Buckley, R. P. (2016). The evolution of Fintech: A new post-crisis paradigm? Georgetown Journal of International Law, 47(4), 1271-1319. 4. Arner, D. W., Barberis, J., & Buckley, R. P. (2017). Fintech, RegTech and the reconceptualisation of financial regulation. Northwestern Journal of International Law and Business, 37(3), 371-413. 5. Bain & Company (2017). Evolving the customer experience in banking. 6. CBInsights(2018). Global Fintech report Q1 2018. 7. Zhu, K., Kraemer, K. L., Xu, S., & Dedrick, J. (2004). Information technology payoff in E-business environments: An international per- spective on value creation of E-business in the financial services industry. Journal of Management Information Systems, 21(1), 17- 54. 8. Bouwman, H., den Hooff, V., van de Wijngaert, L., & van Dijk, J. (2005). Information and communication technology in organizations: Adoption, implementation, use and effects. Sage Publications. 9. Ryu, Hyun-Sun (2018)
, Understanding Benefit and Risk Framework of Fintech Adoption: Comparison of Early Adopters and Late Adopters, Proceedings of the 51st Hawaii International Conference on System Sciences, 3864-3873. 10. Alt, R.&Beck, R.&Smits, M.T. (2018), Fintech and the transformation of Finance Industry. Electronic Markets, 28:235-243. 11. Fintech 2018, The Asia Pacific Edition, CFA Institute. 12. The Global Competitiveness Index Report 2016, 2017, 2018, worldforum.org. 13. Kuo Chuen, D.L., and E.G. Teo, Emergence of Fintech and the LASIC principles.Journal of Financial Perspectives, 3(3), 2015, 24-36. 14. Freedman, R.S., Introduction to financial technology, Academic Press, 2006. 15. Earn &Young (2016), The future of Fintech and financial industries. 16. Đặng Thế Tùng (2017), Vai trò của Fintech trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam. Kỷ yếu hội thảo quốc tế “Thúc đẩy tiếp cận tài chính ở Việt Nam”, 343-365, NXB Lao động xã hội. 17. Báo cáo thường niên thị trường tài chính 2017, phần “Tiếp cận tài chính”, PGS., TS. Hoàng Công Khanh và cộng sự, Trung tâm nghiên cứu tài chính và kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh. 148