Bảo vệ người tiêu dùng tài chính Việt Nam cần được bắt đầu từ giáo dục hiểu biết tài chính

pdf 10 trang Gia Huy 23/05/2022 1040
Bạn đang xem tài liệu "Bảo vệ người tiêu dùng tài chính Việt Nam cần được bắt đầu từ giáo dục hiểu biết tài chính", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfbao_ve_nguoi_tieu_dung_tai_chinh_viet_nam_can_duoc_bat_dau_t.pdf

Nội dung text: Bảo vệ người tiêu dùng tài chính Việt Nam cần được bắt đầu từ giáo dục hiểu biết tài chính

  1. BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG TÀI CHÍNH VIỆT NAM CẦN ĐƯỢC BẮT ĐẦU TỪ GIÁO DỤC HIỂU BIẾT TÀI CHÍNH ThS Đặng Chí Thọ - TUU of Vietnam, ThS Bùi Khắc Tuấn - NFSC of Vietnam 24 Tóm tắt Bảo vệ người tiêu dùng tài chính là một phần của cấu trúc tài chính và tăng cường hệ thống quản lý, giám sát tài chính nhằm hướng tới xây dựng một cấu trúc tài chính mạnh mẽ, ổn định lâu dài; là một trong những công cụ quan trọng giúp tăng khả năng tiếp cận tài chính của người dân đồng thời giúp ổn định và phát triển thị trường tài chính quốc gia. Trong đó, giáo dục tài chính nhằm nâng cao hiểu biết tài chính được coi là phương thức bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả và là công cụ trợ lực hữu hiệu cho các chính sách điều hành, gián tiếp hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia như thúc đẩy luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, tăng tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh cho thị trường tài chính, hướng tới phát triển bền vững, nhất quán. Tại Việt Nam, vấn đề giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính đang từng bước được quan tâm song với mức độ còn hạn chế. Nghiên cứu này trình bày vai trò của nâng cao hiểu biết tài chính đối với bảo vệ người tiêu dùng tài chính cũng như kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiểu biết tài chính cho người tiêu dùng tài chính Việt Nam. Abstract Financial consumer protection is part of the financial structure and strengthening the financial supervision and management system which helps to build a sound and stable financial structure in the long term; it is also one of the important tools to help increase people's access to finance as well as stabilize and develop the national financial markets. In which, financial education to improve financial literacy is considered to be an effective consumer protection method and an effective support tool for operating policies, indirectly supporting the implementation of national objectives such as promoting the circulation of investment and saving capital in the economy, increasing transparency and healthy competition for the financial market, which are crucial for sustainable and consistent development. In Vietnam, financial education, capacity building and financial literacy have been gradually drawing attention but to a limited extent. This study presents the role of financial literacy in financial consumer protection as well as international experience in this issue. Based on the analysis, the study will propose some solutions to improve financial literacy for financial consumers in Vietnam. Keywords: Financial consumer protection, financial education, financial literacy, transparency, healthy competition. 24 ThoDC@dhcd.edu.vn, ThoDC@nfsc.gov.vn - F&B Falcuty – TUU of Vietnam TuanBK@nfsc.gov.vn – Research and Policy Coordination Unit - NFSC of Vietnam 211
  2. 1. Đặt vấn đề Theo dòng thời gian gần đây, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã lần lượt ban hành các Nguyên tắc cấp cao về bảo vệ người tiêu dùng tài chính (2012) và Các thông lệ tốt về bảo vệ người tiêu dùng tài chính (2017). Gần nhất, Hội nghị thượng đỉnh G20 Cannes (Tháng 11/2011) đã ra tuyên bố đưa các chính sách bảo vệ người tiêu dùng tài chính vào khung giám sát và khung pháp lý trên cơ sở đánh giá rằng bảo vệ người tiêu dùng tài chính sẽ thúc đẩy sự phát triển của tài chính toàn diện, tăng cường sự ổn định tài chính và thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính tại các quốc gia thành viên. Một trong số các Nguyên tắc cấp cao về bảo vệ người tiêu dùng tài chính được đề cập là về giáo dục và hiểu biết tài chính. Hiểu một cách đơn giản, giáo dục tài chính là giải pháp cung cấp cho dân chúng thông tin, kiến thức cần thiết về sản phẩm, dịch vụ tài chính. Nhờ được giáo dục tài chính, nhận thức của dân chúng về các sản phẩm, dịch vụ tài chính sẽ thay đổi, từ đó sẽ tác động đến hành vi và cách ứng xử của họ. Theo đó, họ sẽ tin tưởng vào các sản phẩm, dịch vụ tài chính, tự tin tiếp cận và hạn chế việc tham gia sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính phi chính thức (chẳng hạn như tín dụng đen). Hơn nữa, hiểu biết về tài chính hỗ trợ quá trình ra quyết định hợp lý hơn cho các cá nhân bằng cách nâng cao hiểu biết của họ trước các rủi ro tài chính. Tăng cường hiểu biết về tài chính sẽ góp phần vào hoạt động hiệu quả hơn của thị trường tài chính, tăng cường sự ổn định tài chính và do đó là phúc lợi xã hội bằng cách tăng năng suất trong nền kinh tế nói chung. Nâng cao hiểu biết tài chính mang tầm quan trọng không chỉ đối với các cá nhân mà còn tạo ra chiều sâu cho hệ thống tài chính và cải thiện hiệu quả thị trường. Nguyên nhân là bởi với sự tăng lên về khối lượng, sự đa dạng của thông tin mà các cá nhân tìm kiếm từ các tổ chức tài chính sẽ dẫn đến nhu cầu về sự minh bạch hơn trên thị trường tài chính. Bên cạnh đó, nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của họ sẽ cho phép phát triển các sản phẩm và dịch vụ tài chính sáng tạo, đổi mới và có tính cạnh tranh trên thị trường tài chính. Hơn nữa, hiểu biết tài chính sẽ dẫn đến sự gia tăng xu hướng tiết kiệm của các cá nhân và tạo ra một hệ thống an sinh xã hội hiệu quả hơn. Tỷ lệ tiết kiệm cao hơn sẽ có tác động thuận lợi đến đầu tư và tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế và ổn định tài chính. Tại Việt Nam, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng nói chung còn có nhiều hạn chế, đặc biệt bảo vệ người tiêu dùng tài chính nói riêng còn là vấn đề khá mới mẻ. Trong đó, hoạt động giáo dục và nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân chưa được quan tâm đúng mức và còn khá đơn giản, chưa thực sự đa dạng, phong phú, thiếu sự tương tác với công chúng. Đây chính là rào cản không nhỏ dẫn đến việc người dân chưa thay đổi được nhận thức và hành vi trong tiếp cận được các sản phẩm, dịch vụ tài chính và tự bảo vệ quyền lợi của mình. Thêm nữa, so với các nước trong khu vực, việc tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng - tài chính còn khá thấp, mặc dù hệ thống ngân hàng và tài chính Việt Nam đã phát triển khá nhanh với đa dạng các sản phẩm, dịch vụ. Trong bối cảnh thị trường tài chính liên tục phát triển dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, các sản phẩm tài chính trở nên vô cùng đa dạng, giao dịch tài chính cũng ngày càng phức tạp, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng tài chính càng trở nên cấp thiết. nghiên cứu này khái lược kinh nghiệm quốc tế trong việc giáo dục và nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng tài chính, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiểu biết tài chính cho người tiêu dùng tài chính ởViệt Nam. 212
  3. 2. Kinh nghiệm quốc tế về giáo dục và nâng cao hiểu biết tài chính. 2.1 Thông lệ quốc tế Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục và nâng cao hiểu biết tài chính, trên thế giới đã có nhiều sáng kiến quốc tế, các cải cách sâu rộng ở tầm quốc gia. Ở nhiều nước, các cơ quan quản lý, giám sát tài chính đã tham gia vào hoạt động giáo dục hiểu biết tài chính cho người tiêu dùng. Theo kết quả của Khảo sát toàn cầu năm 2013 của Ngân hàng Thế giới về giáo dục và bảo vệ người tiêu dùng tài chính mới mẫu khảo sát là 114 quốc gia cho thấy phần lớn các cơ quan quản lý, giám sát tài chính (71%) có tham gia vào hoạt động giáo dục tài chính. Các nội dung giáo dục tài chính mà các cơ quan này tiến hành gồm: Xây dựng các tài liệu đào tạo về giáo dục tài chính (63 nước); Trực tiếp đào tạo về giáo dục tài chính (60 nước); Xây dựng, giám sát việc triển khai chiến lược về giáo dục hiểu biết tài chính (49 nước); Tiến hành khảo sát hiểu biết tài chính và công bố các báo cáo định kỳ (37 nước); Ban hành hướng dẫn về giáo dục hiểu biết tài chính tới các định chế tài chính (34 nước). Thông lệ quốc tế cũng dần được bàn thảo và hình thành. Điển hình là vào năm 2005, OECD đã ban hành bộ 6 nguyên tắc và thông lệ tốt về giáo dục và nâng cao hiểu biết tài chính, gồm: (i) Việc xây dựng năng lực tài chính này, dựa trên thông tin và hướng dẫn tài chính thích hợp, cần được thúc đẩy. Giáo dục tài chính cần được cung cấp một cách công bằng và không thiên vị. Các chương trình cần được phối hợp và phát triển với hiệu quả; (ii) Các chương trình giáo dục tài chính nên tập trung vào các vấn đề ưu tiên cao, tùy thuộc vào hoàn cảnh quốc gia, có thể bao gồm các khía cạnh quan trọng của việc lập kế hoạch đời sống tài chính như tiết kiệm cơ bản, quản lý nợ tư nhân hoặc bảo hiểm cũng như các điều kiện tiên quyết để nhận thức về tài chính như toán tài chính sơ cấp và Kinh tế học. Cần khuyến khích nhận thức của những người về hưu trong tương lai về sự cần thiết phải đánh giá mức độ đầy đủ tài chính của các chương trình lương hưu công hoặc tư hiện tại của họ và thực hiện các hành động thích hợp khi cần; (iii) Giáo dục tài chính cần được xem xét trong khuôn khổ pháp lý và hành chính và được coi là một công cụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, niềm tin và ổn định, cùng với các quy định của các tổ chức tài chính và bảo vệ người tiêu dùng (bao gồm cả quy định về thông tin và tư vấn tài chính). Việc khuyến khích giáo dục tài chính không nên được thay thế cho quy định tài chính, điều cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng (ví dụ như chống lại gian lận) và giáo dục tài chính được chỉ nên là sự bổ sung cho các quy định tài chính; (iv) Cần thực hiện các biện pháp thích hợp khi năng lực tài chính là cần thiết nhưng vẫn còn thiếu sót. Các công cụ chính sách khác cần xem xét là bảo vệ người tiêu dùng và quy định tổ chức tài chính. Không hạn chế quyền tự do hợp đồng, nên xem xét các cơ chế mặc định, có xem xét đến giáo dục tài chính không đầy đủ hoặc hành vi thụ động; (v) Vai trò của các tổ chức tài chính trong giáo dục tài chính cần được thúc đẩy và trở thành một phần của quản trị tốt đối với các khách hàng tài chính của họ. Trách nhiệm giải trình và trách nhiệm của các tổ chức tài chính không chỉ cần được khuyến khích trong việc cung cấp thông tin và tư vấn về các vấn đề tài chính, mà còn trong việc thúc đẩy khách hàng nhận thức về tài chính, đặc biệt là đối với các cam kết dài hạn và cam kết thể hiện tỷ lệ thuận với thu nhập hiện tại và tương lai; (vi) Các chương trình giáo dục tài chính cần được thiết kế để đáp ứng nhu cầu và mức độ hiểu biết về tài chính của đối tượng mục tiêu, cũng như phản ánh cách đối tượng mục tiêu thích nhận thông tin tài chính. Giáo dục tài chính nên được coi là một quá trình lâu dài và liên tục, đặc biệt là để tính đến sự phức tạp ngày càng tăng của thị trường, các nhu cầu khác nhau ở các giai đoạn cuộc sống khác nhau và thông tin ngày càng phức tạp. 213
  4. Năm 2012, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra Bộ 10 nguyên tắc cấp cao về bảo vệ người tiêu dùng tài chính, gồm: (i) Khung pháp lý, quy định và giám sát; (ii) Vai trò của Cơ quan giám sát; (iii) Đối xử bình đẳng và công bằng với người tiêu dùng; (iv) Công bố thông tin và minh bạch; (v) Giáo dục và Nhận thức Tài chính; (vi) Hành vi kinh doanh có trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ tài chính và đại lý được ủy quyền; (vii) Bảo vệ tài sản của người tiêu dùng chống lại gian lận và lạm dụng; (viii) Bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng và quyền riêng tư; (ix) Xử lý và giải quyết khiếu nại; (x) Cạnh tranh. Theo đó, tổ chức OECD cho rằng giáo dục và hiểu biết về tài chính cần được thúc đẩy bởi tất cả các bên liên quan và thông tin rõ ràng về bảo vệ người tiêu dùng, quyền và trách nhiệm phải được người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận. Các cơ chế phù hợp cần được phát triển để giúp người tiêu dùng hiện tại và tương lai phát triển kiến thức, kỹ năng và sự tự tin để hiểu một cách thích hợp các rủi ro, bao gồm cả rủi ro và cơ hội tài chính, đưa ra các lựa chọn sáng suốt, biết nơi cần hỗ trợ và thực hiện hành động hiệu quả để cải thiện tình hình tài chính của chính họ. Việc cung cấp thông tin và giáo dục tài chính trên diện rộng nhằm nâng cao kiến thức và năng lực tài chính của người tiêu dùng cần được thúc đẩy, đặc biệt là đối với các nhóm dễ bị tổn thương. Tùy thuộc vào hoàn cảnh quốc gia, giáo dục và nâng cao nhận thức về tài chính cần được khuyến khích như một phần của chiến lược giáo dục và bảo vệ người tiêu dùng tài chính rộng lớn hơn, được cung cấp thông qua các kênh đa dạng và phù hợp, và nên bắt đầu từ khi còn nhỏ và có thể tiếp cận được cho tất cả các giai đoạn của cuộc đời. Các chương trình và cách tiếp cận cụ thể liên quan đến giáo dục tài chính nên được nhắm mục tiêu cho các nhóm người tiêu dùng tài chính dễ bị tổn thương. Tất cả các bên liên quan cần được khuyến khích thực hiện các nguyên tắc và hướng dẫn quốc tế về giáo dục tài chính do Mạng lưới quốc tế về giáo dục tài chính (INFE) của OECD phát triển. Các tổ chức quốc gia và các tổ chức quốc tế có liên quan cần tổng hợp thêm thông tin có thể so sánh trong nước và quốc tế về giáo dục và nhận thức tài chính để đánh giá và nâng cao hiệu quả của các phương pháp tiếp cận giáo dục tài chính. 2.2 Kinh nghiệm giáo dục và nâng cao hiểu biết tài chính tại một số nước 2.2.1 Giáo dục tài chính ở châu Âu Nhiều nước ở châu Âu đã và đang xây dựng, phát triển, triển khai các chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính. Phần lớn các quốc gia này hướng đến việc nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân và cải cách hệ thống lương hưu. Các quốc gia châu Âu sử dụng rất nhiều kênh như websites, mạng xã hội, chiến dịch tuyên truyền, ngày hiểu biết tài chính/tuần hiểu biết tài chính, thư viện để cung cấp các thông tin về tài chính mà người tiêu dùng dịch vụ tài chính cần. Các sáng kiến giáo dục tài chính rộng rãi này cũng cung cấp các thông tin về các sản phẩm và dịch vụ tài chính trên thị trường, đặc biệt chú trọng nhóm người không tham gia thị trường tài chính chính thức hoặc những người mới sử dụng các dịch vụ tài chính (nhóm người trẻ hoặc nhập cư). Các kênh cung cấp thông tin này bổ sung nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng tài chính bằng các giúp họ nắm đầy đủ thông tin, so sánh các sản phẩm dịch vụ và tự bảo vệ mình. Hơn nữa, nhiều sáng kiến giáo dục tài chính tập trung nhiều hơn đến nhóm người dân dễ bị tổn thương. Những chương trình giáo dục tài chính này thường tiếp cận người dân vào thời điểm họ cần các thông tin tài chính cũng như kiến thức và kỹ năng ở những vấn đề cụ thể như kỹ năng lên kế hoạch lương hưu cho người lao động, kỹ năng quản lý nợ cho những người vay nợ nhiều hoặc có rủi ro sẽ nợ nhiều, kỹ năng quản lý tiền cho người thu nhập thấp tiếp cận tài chính vi mô 214
  5. và nâng cao hiểu biết tài chính cho người mới nhập cư. Cuối cùng, phần lớn các nỗ lực giáo dục tài chính ở các quốc gia châu Âu hướng đến trẻ em và người trẻ và hướng đến mục tiêu trang bị cho họ các kiến thức và kỹ năng để xử lý các vấn đề tài chính mà họ có thể gặp trong tương lai. Các chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính ở châu Âu Trạng thái của CLQG về giáo Số nước Tên nước dục tài chính Một CLQG đang được sửa đổi bổ CH Séc, Hà Lan, Slovakia, Tây Ban Nha, sung và CLQG thứ hai đang được 5 Vương Quốc Anh triển khai thực thi Armenia, Bỉ, Croatia, Đan Mạch, CLQG đầu tiên đang được triển 12 Estonia, Ai-len, Latvia, Bồ Đào Nha, khai thực thi Nga, Sovenia, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ CLQG đang được tích cực thiết kế 4 Pháp, Ba Lan, Ru-ma-ni, Serbia CLQG đang được lên kế hoạch 4 Áo, Ý, Bắc Macedonia, Ukraina thiết kế Nguồn: OECD 2.2.2 Giáo dục tài chính ở Hoa Kỳ Tại Hoa Kỳ, Ủy ban Giáo dục và Hiểu biết tài chính được thành lập theo Đạo luật Giao dịch Tín dụng Công bằng và Chính xác năm 2003. Ủy ban được giao nhiệm vụ phát triển trang Website giáo dục tài chính quốc gia (MyMoney.gov) và chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính. Chủ tịch Ủy ban là Bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ và Phó Chủ tịch là Cục trưởng Cục Bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Ủy ban được điều phối bởi Văn phòng Chính sách Người tiêu dùng của Bộ Tài chính. Vai trò của Ủy ban là đảm bảo sức khỏe tài chính bền vững cho tất cả các cá nhân và gia đình ở Hoa Kỳ. Để thực hiện vai trò này, Ủy ban đặt ra định hướng chiến lược cho chính sách, giáo dục, thực hành, nghiên cứu và điều phối để tất cả người Mỹ đưa ra các quyết định tài chính sáng suốt. Chiến lược Quốc gia nêu chi tiết các ưu tiên về hiểu biết tài chính của chính phủ liên bang và nhấn mạnh kế hoạch hợp tác với các chính quyền tiểu bang, địa phương và khu vực tư nhân để tăng cường khả năng tài chính cho tất cả người Mỹ. Chiến lược quốc gia cập nhất của Hoa Kỳ được xây dựng và ban hành năm 2020 nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về tài chính của người Mỹ theo hai cách: (i) Thứ nhất: xác định các phương pháp để cải thiện giáo dục và nâng cao hiểu biết tài chính của người Mỹ; (ii) Thứ hai: tăng vai trò ưu tiên và cấu trúc Chính phủ liên bang trong việc thúc đẩy giáo dục tài chính. Chiến lược Quốc gia 2020 được xây dựng dựa trên việc kế thừa và phát triển Chiến lược Quốc gia trước đó và dựa trên việc xem xét các hoạt động giáo dục tài chính liên bang và các cơ hội để hợp lý hóa các hoạt động giáo dục tài chính liên bang do Bộ Tài chính Hoa Kỳ hoàn thành trong báo cáo năm 2019 về Cải cách Kiến thức Tài chính Liên bang: Phối hợp và Cải thiện nỗ lực nâng cao hiểu biết Tài chính. 2.2.3 Giáo dục tài chính tại một số nước châu Á Tại Nhật Bản, giáo dục tài chính cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ rất được chú trọng. Chương trình giáo dục tài chính được lồng ghép vào chương trình phổ thông bắt đầu từ lớp 1 của cấp tiểu học cho đến lớp 12 của cấp trung học. Hội đồng trung ương về thông tin dịch vụ tài chính 215
  6. (CCSFI), tài trợ bởi Ngân hàng Nhật Bản (Bank of Japan), tạo ra một ma trận mục tiêu đầy tham vọng cho việc thực hiện giáo dục tài chính ở cấp tiểu học và trung học. Những nội dung chính gồm có: (i) Lập kế hoạch tài chính trọn đời và quản lý chi tiêu hộ gia đình, bao gồm quản lý tiền và ra quyết định, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các sản phẩm tài chính, hiểu tầm quan trọng của lập kế hoạch và đạt được những kỹ năng về việc đó, hoặc dự phòng cho tai nạn, thảm hoạ, hoặc ốm đau; (ii) Cơ chế của tài chính và nền kinh tế, bao gồm hiểu chức năng của tiền và tài chính, chu kỳ kinh doanh, nhu cầu chính sách kinh tế, và những vấn đề tài chính; (iii) Quyền và rủi ro đối với người tiêu dùng, phòng ngừa những vấn đề tài chính bao gồm đạt được những kỹ năng căn bản cho việc ra quyết định độc lập và phù hợp để sống tốt hơn, ngăn chặn những vấn đề liên quan đến giao dịch tài chính và nợ nhiều; (iv) Giáo dục nghề nghiệp, bao gồm hiểu tầm quan trọng của công việc và sự lựa chọn nghề nghiệp. Tại Ấn Độ, Hội đồng Phát triển và Ổn định Tài chính đã đưa ra Chiến lược Quốc gia về Giáo dục Tài chính vào năm 2012. Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) đã phát triển các tài liệu giảng dạy cho nhiều nhóm đối tượng, bao gồm sinh viên, phụ nữ, người nghèo ở nông thôn và thành thị và người cao tuổi. Những tài liệu này được quảng bá thông qua các trường học. Các ngân hàng tư nhân cũng đã phát triển các trung tâm về hiểu biết tài chính để làm việc với các tổ chức tài chính vi mô (MFI). Tương tự như chương trình “Tiết kiệm của tôi” của Ngân hàng trung ương Indonesia, RBI cũng đã thực hiện một cuộc đấu thầu phối hợp trong thập kỷ qua để tạo ra các cơ sở dịch vụ tài chính cơ bản cho nhóm “bị loại trừ” như các tài khoản đơn giản (No-frills accounts) có hoặc không có chức năng thấu chi. Tại Thái Lan, điểm nổi bật trong chương trình giáo dục tài chính là sự đổi mới trong kênh đào tạo và đẩy mạnh sự hợp tác công tư trong chiến lược giáo dục tài chính quốc gia. Khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân vào chiến lược giáo dục tài chính quốc gia không chỉ giúp san sẻ gánh nặng xã hội với Chính phủ mà còn tăng tính thực tiễn cho nội dung đào tạo. Các tổ chức tham gia vào chiến lược giáo dục tài chính quốc gia của Thái Lan rất đa dạng, gồm: (i) Các tổ chức tài chính chuyên nghiệp: Tại khu vực nông thôn là Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp (BAAC); tại khu vực thành thị là Ngân hàng Tiết kiệm Chính phủ (GSB); (ii) Ngân hàng thương mại: Các ngân hàng thực hiện trách nhiệm xã hội của mình thông qua việc cử các nhân viên đến đào tạo cho các trường học hoặc cung cấp dịch vụ lập kế hoạch tài chính cá nhân miễn phí cho khách hàng; (iii) Các cơ quan quản lý nhà nước, gồm Sở Giao dịch chứng khoán và Uỷ ban Chứng khoán Thái Lan, thiết kế chương trình xây dựng thói quen tiết kiệm dài hạn cho học sinh tiểu học và trung học nhằm giúp các em trở thành nhà đầu tư chứng khoán tiềm năng; (iv) Trung tâm bảo vệ người tiêu dùng tài chính và các tổ chức xã hội và tổ chức phi chính phủ: Các tổ chức như Viện nghiên cứu châu Á Kennan, Quỹ nghiên cứu Thái Lan, Quỹ Khom Loy và quỹ Step Ahead đều cung cấp các khoá học tài chính cho những người có thu nhập thấp và khó khăn. Ngoài hình thức đào tạo căn bản tại lớp học, có những tổ chức cung cấp khoá đào tạo ngay cạnh bãi rác như Quỹ Khom Loy, quỹ Kennan tại các khu “ổ chuột” để đảm bảo giáo dục tài chính đến được những nhóm yếu thế nhất trong xã hội. Tại Indonesia, chương trình giáo dục tài chính được phát triển khá tốt, vì bao gồm các nỗ lực hợp tác của Bộ Tài chính (MoF), Ngân hàng trung ương Indonesia và Cơ quan dịch vụ tài chính Indonesia. Các cơ quan này đã phối hợp phát triển một loạt các chương trình ở cấp quốc gia đồng thời hướng đến các nhóm cụ thể, bao gồm sinh viên và thanh niên, công nhân nhập cư, ngư dân, cộng đồng ở vùng sâu vùng xa và công nhân nhà máy. Một sự phát triển đáng chú ý là 216
  7. chương trình TabunganKu (Tiết kiệm của tôi) của Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Indonesia đã giúp thúc đẩy tiết kiệm trong tài khoản ngân hàng. Trong chương trình này, chính phủ đã thiết lập một tài khoản tiết kiệm đơn giản mà không phải trả phí quản lý hàng tháng và khoản tiền gửi ban đầu thấp là 20.000 Rp cho các ngân hàng thương mại và 10.000 Rp cho các ngân hàng nông thôn. Tính đến tháng 4 năm 2014, số lượng tài khoản TabunganKu đã đạt 12 triệu tài khoản kể từ khi bắt đầu vào tháng 2 năm 2010 (Ngân hàng Indonesia 2010; Ngân hàng Thế giới 2014). Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc có các sản phẩm tài chính đáp ứng nhu cầu của các chương trình giáo dục tài chính. Các chương trình giáo dục tài chính được thực hiện cả thông qua trường học và các phương tiện truyền thông. Ngân hàng trung ương Indonesia hợp tác với tất cả các ngân hàng thương mại và ngân hàng nông thôn, đã tiến hành một loạt chiến dịch, bao gồm cả chiến dịch quốc gia “Hãy đến ngân hàng” vào năm 2008 để nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng về các dịch vụ tài chính, sản phẩm, lập kế hoạch, quản lý và hiểu biết. Cơ quan dịch vụ tài chính Indonesia cũng có chương trình Chiến lược quốc gia về hiểu biết tài chính. Tại Malaysia, ngân hàng trung ương (Bank Negara Malaysia, BNM) đã khởi xướng Chương trình Giáo dục Người tiêu dùng (CEP) vào năm 2003 như một phần của Kế hoạch Tổng thể Khu vực Tài chính 2000-2010. Năm 2010, Kế hoạch Chuyển đổi Kinh tế 2010-2020 (ETP) đã công nhận tầm quan trọng của việc có những người tiêu dùng có đủ năng lực tài chính, những người có thể đưa ra các lựa chọn tài chính sáng suốt và có ý thức, đồng thời xác định BNM chủ trì việc tạo ra một chương trình hiểu biết tài chính quốc gia phối hợp dựa trên quan hệ đối tác công tư. Hơn nữa, Kế hoạch Tổng thể Khu vực Tài chính mới (2011-2020) đã nhấn mạnh nhiều đến hiểu biết tài chính như một yếu tố chính của sự bao gồm tài chính, đồng thời khuyến nghị thúc đẩy giáo dục tài chính cho người lớn và thanh niên. Kế hoạch chi tiết đưa ra một số khuyến nghị nhằm trao quyền cho người tiêu dùng kiến thức, kỹ năng và công cụ để đưa ra các quyết định tài chính sáng suốt nhằm xây dựng, quản lý và bảo vệ tài sản cá nhân của họ. Các sáng kiến giáo dục tài chính có ba mục tiêu chính, bao gồm hỗ trợ chương trình nghị sự phát triển tổng thể, giải quyết các nhu cầu cụ thể và tính dễ bị tổn thương của người tiêu dùng hiện nay (bao gồm nợ hộ gia đình cao, thanh niên gặp khó khăn về tài chính và hỗ trợ giáo viên trong việc giáo dục tài chính cho trẻ em đi học) và hỗ trợ cuộc sống - học tập kéo dài dựa trên các giai đoạn cuộc đời. Tại Philippines, Ngân hàng trung ương Philippines BSP đã tích cực trong việc phát triển các chiến lược về giáo dục tài chính và đã ban hành một số thông tư về vấn đề này. Trọng tâm chính là Chương trình Học tập Kinh tế và Tài chính nhằm thúc đẩy nhận thức về các vấn đề tài chính kinh tế. Chương trình nhắm mục tiêu đến các đối tượng cụ thể như học sinh, sinh viên trung học và đại học, công nhân Philippines ở nước ngoài, khách hàng tài chính vi mô và những đối tượng khác. BSP cũng có Chương trình Tín dụng Bảo đảm, một quỹ ủy thác được tài trợ bởi sự đóng góp của chính quyền tỉnh và một hợp tác xã trong cùng tỉnh để khuyến khích các tổ chức tài chính cho vay các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong tỉnh bằng cách sử dụng bảo lãnh thay thế tài sản thế chấp. Vụ xử lý các vấn đề người tiêu dùng của BSP đã phụ trách các chương trình bảo vệ người tiêu dùng và Hội đồng chính sách tiền tệ của BSP đã phê duyệt việc áp dụng Khung bảo vệ người tiêu dùng tài chính (FCP) để thể chế hóa việc bảo vệ người tiêu dùng như một thành phần không thể thiếu của giám sát ngân hàng trong nước (Tetangco 2014). Ngoài ra, Hội đồng Tín dụng Quốc gia và Ủy ban Bảo hiểm giám sát giáo dục tài chính về bảo hiểm vi mô phối hợp với Ủy ban Chống Nghèo đói Quốc gia. 217
  8. 3. Một số khuyến nghị cho giáo dục và nâng cao hiểu biết tài chính tại Việt Nam Cho tới nay, Việt Nam mới chỉ có 2 cơ chế bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính: có cơ quan quản lý khiếu nại và có hỗ trợ khách hàng bằng đường dây nóng. Theo đó, việc nâng cao hiểu biết để bảo vệ người tiêu dùng tài chính còn nhiều hạn chế. Để khắc phục hạn chế này. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2020 xác định một trong những mục tiêu nhằm xây dựng nền tài chính toàn diện. Trong đó “Nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp có kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp trong lựa chọn và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính” là định hướng đúng hướng và kịp thời. Từ căn cứ mục tiêu trên, trên cơ sở các thông lệ quốc tế cũng như kinh nghiệm về giáo dục và nâng cao hiểu biết tài chính ở các quốc gia trên thế giới, nhóm tác giả xin đề xuất một số khuyến nghị sau: - Xây dựng và ban hành khung khổ pháp lý cho giáo dục tài chính quốc gia. Hướng đi cần là: (i) Đưa “giáo dục tài chính” luật hoá thành các văn bản cụ thể, phải trở thành chủ trương chính thống của Chính phủ để các chương trình triển khai sau đó đảm bảo tính đồng bộ và hệ thống; (ii) Giao một cơ quan đầu mối (có thế là NHNN hoặc Bộ Tài chính) chủ trì xây dựng chiến lược quốc gia về giáo dục và nâng cao hiểu biết tài chính. - Trước mắt, Bộ Công thương thích hợp với vai trò chủ trì còn các cơ quan quản lý, giám sát về tài chính đóng vai trò hỗ trợ cho tới khi có một bộ phận riêng thực hiện vai trò chuyên sâu về bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Cụ thể là thời điểm này nên huy động các cơ quan quản lý, giám sát tài chính tham gia vào hoạt động thiết kế, giáo dục tài chính cho công chúng trên các kênh truyền thông theo các nội dung sau: (i) Thiết kế tài liệu đào tạo; (ii) Cung cấp các khóa đào tạo trực tiếp; (iii) Khảo sát hiểu biết tài chính và công bố các báo cáo định kỳ; (iv) Phát hành hướng dẫn về giáo dục hiểu biết tài chính tới các nhà cung cấp dịch vụ tài chính và công chúng; (v) Phát hành thông tin định kỳ về tổng quan thị trường tài chính và sản phẩm tài chính. - Thời kỳ quá độ tiến tới cơ quan chuyên trách thực hiện Bảo vệ người tiêu dùng tài chính, Việt Nam có thể tạm quy định cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính, các cơ quan phối hợp thực hiện giáo dục tài chính theo từng nhóm đối tượng của chương trình giáo dục. Thông thường, nên phân loại dựa vào các tiêu chí về nhân khẩu học như tuổi, giới tính, nghề nghiệp, địa bàn sinh sống, thu nhập, trình độ học vấn, mục tiêu tài chính. Ví dụ như với đối tượng là học sinh phổ thông và sinh viên đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên là cơ quan chủ trì còn Bộ Tài chính, UBCKNN, NHNN, Tập đoàn Bảo Việt là cơ quan phối hợp. Còn với đối tượng là doanh nghiệp, nên giao cho Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì bởi đây là cơ quan quản lý các chứng chỉ nghề nghiệp có liên quan. Đối với đối tượng thuộc vùng nông thôn, miền núi, nên giao cho Chính quyền địa phương kết hợp cùng các tổ chức như Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Quỹ tín dụng nhân dân Thêm nữa, từ chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông có thể hỗ trợ các giải pháp tăng cường tuyên truyền, phổ biến qua nhiều kênh thông tin để nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng sản phẩm tài chính về kiến thức (các loại hình dịch vụ tài chính, các định chế tài chính ), và năng lực quản lý tài chính (quản lý tiền, lập kế hoạch tài chính ) để giúp người tiêu dùng đưa ra được quyết định phù hợp với nhu cầu và khả năng của mình và tối đa hóa lợi ích khi tiêu dùng các sản phẩm tài chính thông qua các hình thức: 218
  9. - Tạo cơ chế phối hợp truyền thông, báo chí nhằm thực hiện các chương trình truyền thông giáo dục tài chính có tính sáng tạo, dễ hiểu, dễ tiếp cận, có tính tương tác cao, ứng dụng sức mạnh công nghệ số. - Có cơ chế phù hợp cho các định chế tài chính để giúp các định chế truyền thông một cách trực quan, sinh động về các sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức tín dụng. - Nghiên cứu để cho phép các ứng dụng công nghệ thông tin vào hình thức cung cấp phổ cập kiến thức, đặc biệt là các ứng dụng trên điện thoại, trò chơi điện tử, gameshow, các khoá đào tạo online, hoặc các clips ngắn. Hiện đại hoá cách thức cung cấp kiến thức sẽ tạo sự hứng thú và dễ dàng khi tiếp cận cho cộng đồng. Đồng thời giúp cho việc chia sẻ kiến thức trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn./. 219
  10. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/ 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trần Thanh Thu và Đào Hồng Nhung (2020) “Chương trình giáo dục tài chính quốc gia trong bối cảnh số hoá ngành Tài chính: Kinh nghiệm và đề xuất cho Việt Nam”, Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, Số 221 – Tháng 10/2020 Hoàng Thị Thu Hiền và Nguyễn Thị Vân (2020) “Bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”, Diễn đàn Tài chính tiền tệ Tháng 11/2020. Lê Thị Thúy Sen (2021), “Truyền thông giáo dục tài chính góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện”, Tạp chí Ngân hàng số 03+04/2021. Đặng Chí Thọ (2015), “Nâng cao hiểu biết và bảo vệ người tiêu dùng tài chính”, Tạp chí Thị trường tài chính – tiền tệ số 6 (423) Tháng 03/2015. OECD (2017), G20/OECD INFE Report on ensuring financial education and consumer protection for all in the digital age. OECD (2016), Financial Educatio in Europe: Trends and Recent Developments, OECD Publishing, Paris. OECD Working Papers on Finance, Insurance and Private Pensions No. 40 (2016), Financial Education Policies in Asia and the Pacific. OECD (2012), G20 High-Level Principles on Financial Consumer Protection, Organization for Economic Co-operation and Development, 2 rue André-Pascal, 75775 Paris cedex 16, France. World Bank (2017), Good practices for Financial Consumer Protection, The World Bank Group, 1818 H Street NW, Washington, DC 20433, USA. Yoshino, N., P. Morgan, and G. Wignaraja. 2015. Financial Education in Asia: Assessment and Recommendations. ADBI Working Paper 534. Tokyo: Asian Development Bank Institute. Tambunlertchai, K. 2015. Financial Inclusion, Financial Regulation, and Financial Education in Thailand. ADBI Working Paper 537. Tokyo: Asian Development Bank Institute. U.S. Financial Literacy and Education Commission (2020), U.S. National Strategy for Financial Literacy 2020. 220