Bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng – thực trạng và giải pháp

pdf 9 trang Gia Huy 23/05/2022 1020
Bạn đang xem tài liệu "Bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng – thực trạng và giải pháp", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfbao_ve_nguoi_tieu_dung_trong_linh_vuc_tin_dung_tieu_dung_thu.pdf

Nội dung text: Bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng – thực trạng và giải pháp

  1. BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG LĨNH VỰC TÍN DỤNG TIÊU DÙNG – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP ThS Đặng Thị Bích Liên - Trường Đại học Hải Phòng Tóm tắt Tín dụng tiêu dùng là một hình thức tài chính còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng đã có những bước phát triển nhất định. Thị trường cho vay tiêu dùng đang ngày càng sôi động với sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư mới, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến cuối năm 2020, đã có 16 công ty tài chính đăng ký hoạt động, với tổng vốn điều lệ khoảng 22 nghìn tỷ đồng. Tín dụng tiêu dùng phát triển đem lại nhiều cơ hội hơn cho các cá nhân có nhu cầu tiêu dùng khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải nhu cầu. Tuy nhiên, đi kèm với đó lĩnh vực này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người tiêu dùng. Thông qua giới thiệu khái quát về tín dụng tiêu dùng, bài viết đã khái quát sự phát triển của thị trường tín dụng tiêu dùng và những rủi ro người tiêu dùng có thể gặp phải khi tham gia thị trường này. Bài viết cũng trình bày thực trạng các chính sách bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng khi tham gia hoạt động tín dụng tiêu dùng. Từ khoá: chính sách bảo vệ người tiêu dùng, người tiêu dùng, tín dụng tiêu dùng CONSUMER PROTECTION IN CONSUMER CREDIT – SITUATION AND SOLUTIONS Abtract Consumer credit is a relatively new form of finance in Vietnam, but there have been certain developments. The consumer lending market is increasingly active with the appearance of many new investors, especially foreign investors. By the end of 2020, there were 16 financial companies registered to operate, with a total charter capital of about 22 trillion VND. The development of consumer credit brings more opportunities for individuals with consumption needs when financial capacity is not enough to cover the needs. However, along with that, this field also has many potential risks that can directly affect the interests of consumers. Through an overview of consumer credit, the article outlines the development of the consumer credit market and the risks consumers may face when participating in this market. The article also presents the current situation of consumer protection policies in the field of consumer credit, thereby proposing some solutions to protect the interests of consumers when participating in consumer credit activities. Keyword: consumer protection policy, consumer, consumner credit 1. Mở đầu Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuy nhiên, tại Việt Nam, nhờ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn đạt 2,91% và thuộc nhóm cao hàng đầu trên thế giới. Kéo theo đó, thị trường tiêu dùng của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng dương (+). Điều 305
  2. này cho thấy thị trường tiêu dùng và cho vay tiêu dùng sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt. Trên thực tế, dù thu nhập người dân đã bị giảm sút bởi Covid-19, nhưng nhu cầu vay vẫn rất lớn. Tăng trưởng bình quân của cho vay tiêu dùng giai đoạn 2010-2020 đạt 33,7%, trong khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế đạt 17,3%. Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng đến cuối năm 2020 đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 10,15% so với cuối năm 2019 và tăng hơn 10 lần dư nợ cuối năm 2010. Về tỷ trọng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng cũng đã tăng từ 8,17%/dư nợ nền kinh tế năm 2010 lên hơn 20%/dư nợ nền kinh tế năm 2020. Việc mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng cho người dân đã góp phần hạn chế người dân tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, giúp giảm thiểu các hệ lụy, bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành mà lĩnh vực tín dụng tiêu dùng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, đòi hỏi cần có cơ chế chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng. 2. Khái niệm tín dụng tiêu dùng Tín dụng tiêu dùng ra đời cùng với sự phát triển của hệ thống ngân hàng. Đây là một hình thức khá phổ biến hiện nay đặc biệt là ở một số nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên hình thức này còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Chúng ta đã quen với việc mua hàng hóa tiêu dùng có giá trị từ vài triệu lên đến vài trăm triệu được trả trực tiếp bằng tiền mặt nhưng việc này là rất hiếm hoi ở nước ngoài. Bới vì ở nước ngoài việc thanh toán bằng tiền mặt đang bị thay thế dần và nhiều giao dịch hầu hết được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng. Tín dụng tiêu dùng (consumer credit) là khái niệm chung dùng để chỉ các khoản tiền cho người tiêu dùng vay để mua hàng hóa và dịch vụ, trừ các khoản tiền cho vay để mua nhà ở. Thông thường người tiêu dùng có thể sử dụng tiền vay để mua bất kỳ hàng hóa gì (tức không bị ràng buộc), nhưng cũng có trường hợp nó gắn với việc mua một hàng hóa cụ thể, ví dụ tín dụng thuê mua. Có thể hiểu theo một nghĩa khác tín dụng tiêu dùng là hình thức cấp tín dụng cho mục đích tiêu dùng của cá nhân bằng nghiệp vụ cho vay bao gồm cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng và phát hành thẻ tín dụng Để tạo điều kiện cho các khách hàng có thể thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng (mua sắm hàng hóa) của mình, các ngân hàng sẽ cho vay tiêu dùng bằng tiền hay hàng hóa. Người được hưởng tín dụng tiêu dùng không phải thế chấp bất cứ một loại tài sản nào mà chỉ cần bằng cách nào đó chứng minh được thu nhập định kỳ. Người vay tín dụng sẽ phải trả một phần gốc và lãi hàng tháng. Hạn mức tín dụng căn cứ vào thu nhập bình quân của người đó. Thời hạn của tín dụng tiêu dùng thường dưới 5 năm. Lãi suất tín dụng có thể được tính theo 2 cách: dư nợ giảm dần hay dư nợ gốc (tùy theo từng ngân hàng). Tính lãi theo dư nợ gốc là người vay tín dụng sẽ phải trả một khoản tiền lãi cố định từ đầu kì cho đến cuối kì tín dụng. Còn tính theo dư nợ giảm dần là người vay sẽ trả tiền lãi căn cứ vào số dư nợ thực tế trên trong từng kì. So với tín dụng doanh nghiệp, tín dụng tiêu dùng có một số đặc điểm khác biệt đó là giá trị khoản vay nhỏ, do mục đích sử dụng khoản vay thường là mua sắm tài sản thường ngày hoặc đầu tư 306
  3. kinh doanh nhỏ nên giá trị các khoản vay thường nhỏ. Số lượng khách hàng lớn, vì nhu cầu tiêu dùng hiện hữu ở tất cả các chủ thể trong xã hội nên đối tượng khách hàng của tín dụng tiêu dùng là rất lớn. Chi phí kinh doanh cao, do giá trị khoản vay nhỏ trong khi đối tượng khách hàng thường là cá nhân và có phạm vi không tập trung nên chi phí bình quân để thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ của công ty tín dụng tiêu dùng thường cao. Điều này dẫn tới lãi suất cung cấp dịch vụ cao. Chính vì vậy nó tiềm ẩn nhiều rủi ro như: để đáp ưng nhu cầu của các cá nhân, đặc biệt là yêu cầu về thủ tục đơn giản và thời gian nhanh chóng, hồ sơ tín dụng tiêu dùng thường đơn giản và ít bao gồm các giấy tờ, thủ tục chứng minh. Điều này dẫn tới việc thẩm định năng lực tài chính và khả năng trả nợ của người vay thường không được chính xác và an toàn. 3. Sự phát triển hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam và những ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số năm 2019, tại ngày 01/4/2019, dân số Việt Nam đạt trên 96 triệu người với 34,4% dân số sinh sống tại khu vực thành thị. Dân số đông, xu hướng đô thị hóa ngày càng phát triển, thu nhập ngày càng cải thiện và ngành Tài chính chuyển dần trọng tâm sang phân khúc cá nhân và hộ gia đình chính là động lực lớn đối với thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2015 - 2018, thu nhập GDP bình quân của mỗi người dân Việt Nam luôn tăng trưởng ổn định với mức tăng khoảng 6,57% (từ khoảng 2.120 USD/người/năm năm 2015 lên mức 2.540 USD/người/năm vào năm 2018). Tiềm năng doanh thu tài chính bán lẻ tại thị trường Việt Nam cũng tăng trưởng gấp gần 4 lần từ khoảng 1,5 tỷ đôla Mỹ năm 2012 lên 6,5 tỷ đôla Mỹ trong năm 2020. Tốc độ tăng trưởng trung bình trong mảng cho vay tiêu dùng giai đoạn 2013 - 2014 chỉ đạt 15%/năm, giai đoạn 2015 - 2017 đã lên đến 61,3%/năm, riêng năm 2018 khoảng 29,38%. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng nói chung và dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm tỷ trọng khoảng 19,7% trong tổng dư nợ toàn hệ thống. Có thể nói đến nay, thị trường cho vay tiêu dùng đang ngày càng sôi động với sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư mới, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Thị phần của nhóm công ty tài chính tiêu dùng trong tổng tín dụng tiêu dùng đã tăng đáng kể, từ mức 1% năm 2011, lên mức 16,3% năm 2020. Tính đến cuối năm 2020, đã có 16 công ty tài chính đăng ký hoạt động, với tổng vốn điều lệ khoảng 22 nghìn tỷ đồng. Tín dụng tiêu dùng đem lại nhiều cơ hội hơn cho các cá nhân có nhu cầu tiêu dùng khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải nhu cầu. Trong điều kiện của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế đang tái cấu trúc quá trình sản xuất kinh doanh và hướng mạnh vào việc đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng nội địa, thì việc cho vay tiêu dùng dưới dạng tín chấp dành cho nhóm khách hàng dưới chuẩn mà các tổ chức tài chính đang triển khai ngày càng phát triển mạnh mẽ. So với các hồ sơ vay tại ngân hàng, các công ty cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng không yêu cầu chặt chẽ về việc chứng minh tài chính, xác minh nhu cầu tiêu dùng hoặc các thủ tục liên quan khác, thời gian giải ngân cũng nhanh hơn và trong nhiều trường hợp khi mua sắm tài sản thì giải ngân ngay sau khi ký hợp đồng. Lợi thế này của các công ty tín dụng tiêu dùng khiến cho một bộ phận rất lớn người tiêu dùng đang sử dụng dịch vụ tín dụng tiêu dùng, góp phần thu hút sự tham gia của nhiều công ty 307
  4. và tạo nên mức tăng trưởng lợi nhuận nhanh chóng cho một số công ty trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, đi cùng sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả của các lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, rất nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đã được ghi nhận. Phần lớn các hành vi có dấu hiệu xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng tập trung vào những nội dung như: cung cấp thông tin không chính xác, đầy đủ về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Nhân viên tư vấn không thông báo đầy đủ, chính xác về mức lãi suất của hợp đồng; về cách thức tính lãi phạt; về thời hạn phải trả tiền hàng tháng và một số điều khoản đặc biệt trong hợp đồng tín dụng tiêu dùng. Thiếu sót này làm cho người tiêu dùng không biết chính xác về nghĩa vụ của mình, dẫn tới thực hiện sai hợp đồng và phát sinh khoản tiền phạt. Trong nhiều trường hợp, khi người tiêu dùng thắc mắc về mức tiền phạt thì không nhận được sự giải thích nhanh chóng, chính xác từ phía công ty. Thậm chí, đa số trường hợp gặp phải tình trạng đẩy trách nhiệm từ phía nhân viên tư vấn sang tổng đài công ty và ngược lại. Dấu hiệu nữa để nhận biết sai phạm là bên ký kết không cung cấp hợp đồng cho người tiêu dùng. Sau khi ký kết hợp đồng, bản chính của hợp đồng không được cung cấp kịp thời cho người tiêu dùng. Đối với một số trường hợp, sau khi ký kết vài tháng và khi có yêu cầu của người tiêu dùng thì công ty mới gửi hợp đồng. Việc không cung cấp hợp đồng và thiếu sót trong cách thức cung cấp thông tin của các nhân viên tư vấn khiến cho người tiêu dùng không tiếp cận được với các điều khoản quy định điều chỉnh món tiền vay của mình, do đó, rất dễ mắc phải các lỗi phạt trong quá trình trả nợ hàng tháng; Ngoài ra, việc không thông báo rõ ràng mục đích thu thập thông tin cũng được xem là dấu hiệu sai phạm. Trong quá trình thu thập thông tin để làm hồ sơ vay tiền, người tiêu dùng không được thông báo là các số điện thoại của người thân sẽ được sử dụng trong quá trình thu hồi nợ (nếu có) phát sinh về sau. Người tiêu dùng được thông báo là việc thu thập số điện thoại của người thân nhằm mục đích xác minh khoản vay, tuy nhiên, thực tế thì nhân viên thu hồi nợ thường xuyên và liên tục liên hệ với người thân để tác động kèm theo đe dọa và quấy nhiễu nhằm thu hồi nợ của khách hàng. Cá biệt, đã có trường hợp quấy nhiễu, đe dọa khách hàng cũng như người thân của họ để thu hồi nợ. Nhân viên thu hồi nợ có dấu hiệu đe dọa, quấy nhiễu người tiêu dùng và người thân của người tiêu dùng trong quá trình thu hồi nợ. Người tiêu dùng và cả người thân của người tiêu dùng thường xuyên và liên tục bị các cuộc điện thoại, tin nhắn liên hệ với mục đích thu hồi nợ. Những cuộc điện thoại và tin nhắn này liên tục kèm theo nội dung đe dọa với lời lẽ thiếu tôn trọng người nghe. Thậm chí, rất nhiều cuộc gọi và tin nhắn được thực hiện lúc tối muộn và tần suất liên hệ trên dưới 10 cuộc/ngày. Lĩnh vực tín dụng tiêu dùng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Các hành vi xâm phạm này được thực hiện rất khéo léo, thường đánh vào đặc điểm chính của loại hình tín dụng tiêu dùng là thủ tục đơn giản và thời gian giải ngân nhanh. Do đó cần thiết phải có một cơ chế riêng nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. 4. Thực trạng các chính sách bảo vệ người tiêu dùng trong các hoạt động tín dụng tiêu dùng 308
  5. Việc bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam dựa trên căn cứ pháp lý chủ yếu là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 Tuy nhiên, trong khi các cam kết về bảo vệ người tiêu dùng nói chung được thể hiện khá rõ nét trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì các quy định pháp lý về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính vẫn còn khá thô sơ. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 không tách riêng các quy định đối với quyền lợi của người tiêu dùng dịch vụ tài chính và thực tế là cũng không có bất cứ quy định nào dành riêng cho nhóm đối tượng này. Cụ thể theo điều 4 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau: - Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. - Quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật. - Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phải được thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật. - Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức, cá nhân khác. Trong Bộ Luật này cũng đưa ra quy định Các tổ chức tín dụng có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của khách hàng được quy định cụ thể tại điều 10 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 như sau: Thứ nhất, tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi và công bố công khai việc tham gia tại trụ sở chính và chi nhánh; Thứ hai, tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền, bảo đảm thanh toán đủ, đúng hạn gốc và lãi của các khoản tiền gửi; Thứ ba, từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng; Thứ tư, thông báo công khai lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ, các quyền, nghĩa vụ của khách hàng đối với từng loại sản phẩm, dịch vụ đang cung ứng; Thứ năm, công bố thời gian giao dịch và thực hiện việc ngừng giao dịch theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, có thể thấy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) gần như chưa đề cập cụ thể đến những vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, do có nhiều yếu tố đặc thù. Trong khi đó, các luật theo các lĩnh vực tài chính như Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán hay Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng nhưng chưa đầy đủ và thiếu những hướng dẫn cụ thể xử lý kịp thời, hiệu quả các khiếu nại của người tiêu dùng tài chính. Ở khía cạnh khác, hệ thống các quy định về bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam hiện có rất ít các quy định cụ thể liên quan đến các dịch vụ tài chính, ví dụ như chưa có các quy định liên quan 309
  6. đến tính minh bạch về giá cả dịch vụ, hoa hồng, các điều khoản và điều kiện trong hợp đồng cho vay và cấp thẻ tín dụng, các yêu cầu về đào tạo nhân viên và tư vấn sản phẩm phù hợp; thiếu giám sát và quản lý đối với một số người cho vay, ví dụ như các tổ chức tài chính vi mô bán chính thức; thiếu tiêu chuẩn hóa cho quy trình khiếu nại nội bộ và chế độ phân xử; các hạn chế liên quan đến quyền của người tiêu dùng trong việc truy cập và cung cấp báo cáo tín dụng Về cung cấp thông tin cho khách hàng đã có quy định về những thông tin cơ bản cần thông báo như các điều khoản cơ bản, lãi, phí liên quan đến dịch vụ, hợp đồng mẫu và yêu cầu phải cho phép khách hàng có một khoảng thời gian nhất định để đọc hợp đồng, tuy nhiên những yêu cầu này là chưa đủ. Hệ thống pháp luật còn thiếu các quy định về cung cấp thông tin để tạo điều kiện cho khách hàng có thể so sánh lãi, phí cũng như các điều kiện khác giữa các sản phẩm, dịch vụ và giữa các nhà cung cấp; hoặc các quy định để đảm bảo rằng thông tin được thông báo một cách rõ ràng, ngắn gọn (thay vì các bản hợp đồng với ngôn ngữ lắt léo, khó hiểu, cỡ chữ quá nhỏ và khoảng cách các chữ dày đặc khiến cho việc đọc trở nên rất khó khăn). Điều này dẫn tới kết quả là, mặc dù các tổ chức tín dụng đều đã có các hình thức để cung cấp thông tin cho khách hàng song chất lượng thông tin, mức độ dễ hiểu và hoàn chỉnh của thông tin hoàn toàn phụ thuộc vào từng tổ chức tín dụng. Tương tự như vậy, đối với hoạt động đào tạo và nâng cao năng lực của nhân viên giao dịch với khách hàng, mặc dù các tổ chức tín dụng đều thực hiện đào tạo nhân viên cách thức giao dịch và thỏa thuận với khách hàng, nhưng từ phía các cơ quan quản lý, không có một tiêu chuẩn tối thiểu nào được đưa ra để giám sát năng lực của các nhân viên, từ đó ảnh hưởng đến kết quả của việc cung cấp thông tin, tư vấn của các nhân viên này đối với khách hàng. Về phía các cơ quan quản lý, hiện nay cũng chưa có một cơ quan chuyên trách nào chịu trách nhiệm về bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, trong khi cơ chế phân công trách nhiệm và phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành liên quan đến vấn đề này còn chưa đầy đủ, dẫn tới việc quản lý cũng như đầu tư các nguồn lực cần thiết để thực hiện công tác bảo vệ người tiêu dùng tài chính còn chưa thỏa đáng. Ví dụ như việc bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động tín dụng tiêu dùng hiện có ít nhất 4 cơ quan gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý các tổ chức tín dụng cũng như hướng dẫn các nghiệp vụ cấp tín dụng; Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thực hiện chức năng thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng trong tất cả các lĩnh vực; Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý các vấn đề liên quan đến hoạt động quảng cáo; Hội Bảo vệ người tiêu dùng thực hiện các chức năng hỗ trợ người tiêu dùng và làm cầu nối giữa người tiêu dùng và cơ quan quản lý trong tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung chủ yếu vào mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và đảm bảo sự an toàn hệ thống của các tổ chức tín dụng. Mặc dù việc đảm bảo sự an toàn hệ thống cũng như thực thi các quy định pháp luật bao gồm Luật Tổ chức tín dụng và các văn bản dưới luật có liên quan ở một số khía cạnh nhất định đến việc bảo vệ khách hàng vay tiêu dùng, song việc bảo vệ người đi vay không phải là nhiệm vụ trực tiếp cũng như không phải là chức năng chính được giao cho bất kỳ cơ quan nào trong cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các cơ quan như Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Bảo vệ người tiêu dùng hoạt động dưới sự điều tiết của Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh, Luật Quảng cáo song các Luật này không có các điều khoản quy định trực tiếp liên quan đến lĩnh vực 310
  7. tín dụng tiêu dùng nói riêng và hoạt động tài chính nói chung. Tương tự như vậy, trong cơ cấu tổ chức của các cơ quan này không có các đơn vị cụ thể chịu trách nhiệm trong lĩnh vực tài chính. Như vậy, cả 4 cơ quan này đều có khả năng tham gia vào quá trình bảo vệ khách hàng đi vay, nhưng đều không có các bộ phận chuyên trách cũng như các quy trình quản lý cụ thể để thực hiện nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, cũng chưa có các quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan này khi khách hàng vay cần sự hỗ trợ cũng như cơ chế giải quyết khi mục tiêu quản lý của các cơ quan này có thể xảy ra xung đột liên quan đến quyền lợi của khách hàng vay tiêu dùng. Điều này dẫn đến thực tế là, vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính nói chung và các khách hàng vay tiêu dùng nói riêng còn bị bỏ trống. Trong một số năm gần đây đã xuất hiện một số vụ việc liên quan đến vấn đề quyền lợi của người vay tiêu dùng đã được báo chí và các phương tiện truyền thông đưa tin, ví dụ như cho vay với lãi suất quá cao, hợp đồng tín dụng quá dài và không rõ ràng, khách hàng không đọc hợp đồng trước khi ký Tuy nhiên vẫn chưa có một cơ quan quản lý chuyên trách nào đứng ra tiếp nhận phản ánh trực tiếp từ khách hàng cũng như chưa có cơ chế xử lý khiếu nại giúp khách hàng khi có tranh chấp xảy ra. Hầu hết các tranh chấp theo quy định của các hợp đồng tín dụng được xử lý ở cơ quan cuối cùng là tòa án. Việc xử lý các hoạt động tín dụng tiêu dùng ở cơ quan tố tụng là ít khả thi do hai lý do: Trình độ hạn chế của khách hàng vay tiêu dùng dẫn tới việc họ khó có khả năng tự nộp đơn và tham gia quy trình tố tụng khá phức tạp; quy trình tố tụng kéo dài và tốn kém nên khi áp dụng với các hợp đồng tín dụng có giá trị rất nhỏ thì thường không hiệu quả về mặt kinh tế, do đó, các chủ thể thường không muốn thực hiện quy trình này. Sự thiếu rõ ràng trong các quy định pháp lý cũng như phân chia trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý đang là một rào cản trong vấn đề bảo vệ người tiêu dùng tài chính nói chung và khách hàng trong hoạt động tín dụng tiêu dùng nói riêng. 5. Một số giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng Tín dụng tiêu dùng sau 10 năm hình thành và phát triển đã đóng một vai trò quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng một hệ thống tài chính toàn diện tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế vẫn nảy sinh những vấn đề khúc mắc, rào cản đòi hỏi cần có giải pháp lâu dài để lĩnh vực này phát triển lành mạnh và nhanh chóng. Trước hết, về phía người tiêu dùng, để bảo vệ quyền lợi của mình khi có nhu cầu vay tiền, cần chú ý một số vấn đề sau: Trước khi ký hợp đồng, người tiêu dùng cần tham khảo các hình thức tín dụng tại các ngân hàng. Nếu không còn lựa chọn nào khác mới tham khảo hình thức tín dụng tiêu dùng tại các tổ chức tài chính. Người tiêu dùng nên lựa chọn các công ty, tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay có uy tín; tham khảo, hỏi ý kiến người thân, bạn bè hoặc tham khảo thông tin trên mạng Internet để xem các đánh giá của cộng đồng người tiêu dùng về dịch vụ, uy tín của công ty cung cấp dịch vụ; đọc thật kỹ hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ nội dung hợp đồng, đặc biệt lưu ý các điều khoản vể lãi suất, 311
  8. thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt; lưu ý và cẩn trọng khi cung cấp các thông tin cá nhân của mình và của người khác cho bên cung cấp dịch vụ. Sau khi ký hợp đồng, người tiêu dùng nên đề nghị nhân viên tư vấn hoặc công ty cung cấp một bản sao có giá trị pháp lý của hợp đồng đã ký kết. Trường hợp hợp đồng được gửi sau bằng đường bưu điện cần lưu ý nhân viên tư vấn có hình thức xác nhận về việc sẽ gửi hợp đồng cho người tiêu dùng và thời gian hoàn thành gửi hợp đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, người tiêu dùng cần lưu giữ tất cả hóa đơn, tài liệu liên quan, bao gồm: hợp đồng, các tài liệu hướng dẫn do công ty cung cấp, các hóa đơn nộp tiền và các tài liệu liên quan khác để làm chứng cứ cho các hoạt động của mình. Nếu có vấn đề phát sinh hoặc thắc mắc, người tiêu dùng cần chủ động liên hệ trực tiếp theo số máy điện thoại được cung cấp trên hợp đồng của công ty. Trường hợp đã phản ánh, liên hệ nhưng vấn đề chưa được làm rõ hoặc giải quyết, cần phản ánh tới bên thứ ba (các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các Sở Công Thương trên địa bàn hoặc Cục QLCT) để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Về phía các cơ quan quản lý, chúng ta cần có những cải thiện pháp lý đáng kể trong vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng. Về cơ cấu tổ chức các cơ quan quản lý, trước thực tế vừa chồng chéo, vừa thiếu phân công và phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan chức năng như hiện nay, Chính phủ cần xem xét lại vai trò của các cơ quan này, đặc biệt là vai trò của Cục Quản lý cạnh tranh. Cụ thể trong ngắn hạn cần thành lập đơn vị chuyên trách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính trong cơ cấu của cơ quan chủ quản đối với các lĩnh vực này là Ngân hàng Nhà nước. Cách thức bố trí như vậy phù hợp với mô hình giám sát an toàn tài chính của Việt Nam hiện nay, đồng thời cơ quan chủ quản có thể phát huy các lợi thế về hiểu biết chuyên sâu đối với các sản phẩm, dịch vụ tín dụng tiêu dùng để đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp. Trong dài hạn, Chính phủ cần thành lập cơ quan chuyên trách độc lập về bảo vệ người tiêu dùng tài chính nói chung. Khuyến nghị này được cho là chỉ phù hợp về mặt dài hạn, tuy nhiên sẽ có lợi ích rất lớn trong việc cho phép cơ quan này quan sát được tổng thể thị trường, cũng như tách riêng được mục tiêu giám sát an toàn tài chính và mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Bên cạnh việc cần thiết thành lập các cơ quan chuyên trách và thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan này với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Hội bảo vệ Người tiêu dùng về bảo vệ người tiêu dùng tài chính, nhiều ý kiến đề xuất cần sớm xây dựng chương trình đào tạo, giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính cũng như đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Để phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng lành mạnh, cạnh tranh đưa đến hạ lãi suất cho vay, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính, nhất là các quy định về chuẩn mực an toàn cũng như minh bạch thông tin, tiếp thị sản phẩm, quản trị rủi ro Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy sản phẩm tài chính gắn với công nghệ, phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, phối hợp phát triển các mô hình kinh doanh mới (Fintech, cho vay ngang hàng, Mobile money ); 312
  9. song vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh thông qua việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi quốc tế để hạn chế rủi ro tập trung vào số ít các công ty tài chính lớn. Điều này sẽ giúp giảm lãi suất, tăng đa dạng về sản phẩm - dịch vụ, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng cũng như nền kinh tế. Tài liệu tham khảo Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân TS. Nguyễn Thị Hiền, sách Tín dụng tiêu dùng Việt Nam - Thực trạng và khuyến nghị chính sách, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2017 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng , số 59/2020/QH12 ngày 17/11/2010 Đặng Hà My, “Cơ hội của tín dụng tiêu dùng”, cua-tin-dung-tieu-dung 639877/ Ths. Trần Trọng Triết, “Tín dụng tiêu dùng phản ánh sức khỏe nền kinh tế”, “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch tín dụng tiêu dùng”, dich-tin-dung-tieu-dung-321228.html “Thực trạng và giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng”, trong-linh-vuc-tin-dung-tieu-dung-267226/ “Khung pháp lý cần sát thực tiễn hơn để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng”, dung/426861.vgp 313