Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam

pdf 4 trang Gia Huy 24/05/2022 1680
Bạn đang xem tài liệu "Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfcac_nhan_to_anh_huong_den_phat_trien_tai_chinh_toan_dien_tai.pdf

Nội dung text: Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam

  1. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN TẠI VIỆT NAM ThS. Nguyễn Thị Thương Giang Học viện Tài chính Tóm tắt Tài chính toàn diện hướng tới nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương, các nhóm có nhu cầu chưa được đáp ứng. Do đó tài chính toàn diện có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Phát triển tài chính toàn diện thành công cần có sự nghiên cứu, phân tích một cách toàn diện các nhân tố ảnh hưởng để có cơ sở đưa ra các giải pháp phù hợp. Trường hợp của Việt Nam các nhân tố về đặc điểm dân số, trình độ phát triển của mạng lưới các tổ chức tài chính, vai trò của Nhà nước, đặc điểm của người tiêu dùng tài chính đều có những nét đặc thù cần xem xét khi phát triển tài chính toàn diện. Bài viết dưới đây tập trung nghiên cứu, phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam. Từ khóa: tài chính toàn diện, dịch vụ tài chính, người tiêu dùng tài chính, tổ chức tài chính 1. Các chính sách điều hành của Chính phủ Tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính (tiết kiệm, tín dụng, thanh toán, chuyển tiền, bảo hiểm ) một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu và với chi phí hợp lý. Tài chính toàn diện không chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận các sản phẩm tài chính mà bao gồm cả nâng cao hiểu biết về tài chính và bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Tài chính toàn diện đặc biệt chú trọng đến nhóm cá nhân và tổ chức chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính, người dân có thu nhập thấp, người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một chiến lược tài chính toàn diện có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giúp cho người dân được tiếp cận các sản phẩm tài chính hiện đại. Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có mức độ tiếp cận các dịch vụ tài chính ở mức thấp. Theo cơ sở dữ liệu Global Findex do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2017, tỷ lệ người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản chỉ là 30,8%, cao hơn Lào (29,1%), Campuchia (21,7%) và Myanmar (26,0%) nhưng thấp so với Indonesia (49%) và thấp hơn hơn nhiều so với Trung Quốc (80,2%), Malaysia (85,3%), Thái Lan (81,6%). Các nghiên cứu cho thấy việc người nghèo không tiếp cận được các dịch vụ tài chính xuất phát từ sự thiếu năng lực tài chính và kinh tế. Ở tầm vĩ mô, đó là một biểu hiện của thất nghiệp, đói nghèo và bất bình đẳng. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần triển khai các chương trình chính sách như chương trình xóa đói giảm nghèo, các giải pháp về an sinh xã hội Các chính sách trên thường được cụ thể hóa trong các kế hoạch tài khóa của Chính phủ. Mục tiêu phát triển tài chính toàn diện có được thực hiện thành công và có hiệu quả hay không phụ thuộc vào năng lực tài khóa, việc quản lý tài khóa của Chính phủ và cơ sở hạ tầng pháp lý kỹ thuật để triển khai các chương trình chính sách tài chính của Chính phủ. Hiện nay, khuôn khổ luật pháp và thể chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính của Việt Nam còn thiếu và phân tán, dẫn đến người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng vào các giao dịch tài chính, 102
  2. làm hạn chế sự tiếp cận và sử dụng của người dân đối với các dịch vụ tài chính chính thức. Năng lực của những cơ quan quản lý tài chính và giám sát liên quan (Ngân hàng Nhà nước, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ) bảo vệ người tiêu dùng tài chính còn thấp. Còn thiếu những quy định về cơ chế giải quyết khiếu nại và những hạn chế đối với quyền của người tiêu dùng đối với hệ thống thông tin tín dụng. 2. Sự phát triển của mạng lưới các tổ chức tài chính và các kênh cung ứng dịch vụ Sự phát triển của các tổ chức tài chính cho phép phát triển các sản phẩm tài chính, từ đó người dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính hơn, khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ tài chính. Mạng lưới chi nhánh của các tổ chức tài chính phát triển sẽ ảnh hưởng tích cực đến việc tiết kiệm cũng như vay tiền của người dân. Khoảng cách địa lý giữa khu dân cư và các điểm giao dịch gây khó khăn cho việc tiếp cận tài chính toàn diện của người dân. Việc mở rộng mạng lưới của các NHTM khó thực hiện do cần cân nhắc các yếu tố như: doanh thu dự tính có đủ để bù đắp chi phí cho việc vận hành một chi nhánh/phòng giao dịch tại các vùng sâu, vùng xa có mật độ dân cư thưa thớt; yêu cầu tối thiểu về vốn tự có khi muốn mở thêm chi nhánh/phòng giao dịch Chính sách phát triển của các tổ chức tài chính cũng ảnh hưởng đến phát triển tài chính toàn diện. Các ngân hàng có tỷ lệ CAR cao thường thận trọng hơn khi cho vay để đảm bảo an toàn trong hoạt động, điều đó ảnh hưởng đến phát triển tài chính toàn diện. Trong khi đó việc cung cấp tín dụng cho nhóm thu nhập thấp phần lớn đến từ các chương trình tín dụng ưu tiên của Nhà nước. Các tổ chức tín dụng như công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô hoạt động với quy mô nhỏ, năng lực còn hạn chế, mạng lưới hoạt động bị giới hạn chưa đáp ứng yêu cầu cho cung cấp các sản phẩm tài chính. Việc phát triển tài chính toàn diện còn phụ thuộc vào sự phát triển của các định chế tài chính chuyên biệt phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp, các đối tượng chính sách xã hội và cư dân nông thôn. Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng tại khu vực nông nghiệp nông thôn, đến ngày 31/12/2017 thị phần tín dụng chiếm hơn 50% toàn thị trường. Từ năm 2017 Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đã triển khai mô hình Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho người dân nông thôn ở những vùng điều kiện đi lại khó khăn, nơi chưa có trụ sở ngân hàng. Ngoài ra các Ngân hàng Hợp tác xã, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cũng góp phần cung ứng sản phẩm tín dụng ngân hàng đa dạng Thông qua các tổ chức tài chính, Chính phủ có thể phát triển tài chính toàn diện bằng việc cung cấp các sản phẩm tài chính cho người nghèo, người thu nhập thấp Các kênh cung ứng dịch vụ hiện đại qua thiết bị di động và internet cũng là nhân tố tác động sự phát triển tài chính toàn diện. Tuy nhiên ở Việt Nam, các kênh phân phối điện tử (thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, ATM, Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking ) đã tăng trưởng nhưng quy mô giao dịch và hiệu quả kinh tế còn thấp. 3. Sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ tài chính Khối lượng của các sản phẩm dịch vụ tài chính và tính đa dạng của các sản phẩm này chính là cơ sở để người dân dễ dàng hơn trong tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính. Người dân dễ bị tổn thương khi gặp các rủi ro như bệnh tật, bi kịch cá nhân, thảm họa thiên nhiên, suy giảm kinh tế Đối với người nghèo là người có ít tài sản vật chất và có mức độ tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức còn thấp thì mức tổn thương càng lớn gấp bội. Nhà nước đã hình thành hệ thống tương trợ tài chính, bảo vệ xã hội nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện. Các chương trình quốc gia được triển khai nhằm giảm thiểu tính dễ tổn thương của người nghèo và hộ gia đình thu nhập thấp, đặc biệt trong nền kinh tế không chính thức. Những 103
  3. khoản chi trợ cấp từ ngân sách nhà nước như chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ các hộ gia đình nghèo giúp chống lại tình trạng đói nghèo. Nhà nước cũng có các biện pháp tài trợ đối với các loại rủi ro thiên tai và thảm họa tự nhiên. Bên cạnh đó trên thị trường cung cấp ngày càng đa dạng các sản phẩm tài chính như tiết kiệm, cho vay, thanh toán, chuyển tiền, bảo hiểm Sản phẩm bảo hiểm ngày càng mang lại mức độ bảo vệ cao hơn so với tiết kiệm và tín dụng khi dựa trên nguyên tắc phân bố rủi ro trên nhiều người với mức đóng phí bảo hiểm thấp trên một đầu người. Tuy nhiên các sản phẩm dịch vụ tài chính còn thiếu đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Các sản phẩm chủ yếu tập trung vào tín dụng, trong khi dịch vụ tiết kiệm và dịch vụ thanh toán còn thiếu và chưa đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn. Các sản phẩm tín dụng nông nghiệp, nông thôn còn chưa phù hợp với nhu cầu và tính mùa vụ của các hoạt động sản xuất nông nghiệp, người dân vẫn phải đi huy động nguồn tài chính từ khu vực phi chính thức là chủ yếu. Thị trường bảo hiểm nông nghiệp chính thức chưa phát triển. Sự thiếu các sản phẩm tài chính phù hợp với người dân, đặc biệt với nhóm có thu nhập thấp làm giảm khả năng bao phủ của các dịch vụ tài chính trong xã hội. Nhiều sản phẩm tín dụng yêu cầu các thủ tục giấy tờ phức tạp, hoặc các tài sản đảm bảo khiến cho người thu nhập thấp khó đáp ứng do đó không thể tiếp cận được dịch vụ. Dịch vụ thanh toán với các điểm giao dịch, các ATM, POS hiện chủ yếu phát triển tập trung ở khu vực thành thị, các địa bàn đông dân cư. Chất lượng một số dịch vụ tài chính còn chưa đáp ứng được yêu cầu 4. Cơ sở hạ tầng tài chính Trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin mạnh mẽ hiện nay, các tổ chức tài chính tín dụng có thể phát triển các kênh cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử với chi phí rẻ hơn, tạo điều kiện cho người nghèo, người ở khu vực vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng thuận lợi hơn Cơ sở hạ tầng thanh toán như hệ thống POS/ATM, phát triển và phân bố chưa đều, tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị, chưa phát triển rộng ở địa bàn nông thôn, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Việc phát triển hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch ngân hàng bán lẻ còn chậm. Vấn đề an ninh mạng và bảo mật thông tin, dữ liệu khách hàng khi cung cấp dịch vụ thẻ thanh toán và dịch vụ tài chính điện tử còn nhiều bất cập. Cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ cho việc tra cứu thông tin khách hàng của các tổ chức tài chính còn hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ cho khách hàng. 5. Đặc điểm về dân số, trình độ văn hóa, xã hội, năng lực tài chính của người tiêu dùng tài chính Dân số Việt Nam đến năm 2017 ước tính có 93,7 triệu người, trong đó khoảng 65% sống ở vùng nông thôn, số hộ nghèo chiếm 6,7%. Trong các nhân tố thuộc về dân số, trình độ văn hóa, xã hội thì trình độ học vấn, khả năng tiết kiệm, mức độ tổn thương, công việc của người tiêu dùng tài chính cho thấy có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tài chính toàn diện. Người tiêu dùng có trình độ học vấn càng cao có xu hướng tìm các nguồn tài chính chính thức thay vì các nguồn tài chính phi chính thức, đồng thời khả năng tiết kiệm cao hơn người có trình độ thấp. Các hộ gia đình có mức độ tổn thương cao như ốm đau, dễ gặp thảm họa tự nhiên thì nhu cầu tiếp cận tài chính toàn diện sẽ thấp hơn. Những người có công việc có nhu cầu sử dụng các sản phẩm tài chính nhiều hơn. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa được đánh giá có rủi ro cao và hiệu quả kinh doanh thấp nên khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, do vậy nhóm chủ thể này có xu hướng chuyển sang sử dụng các nguồn tài chính không chính thức. 104
  4. Thói quen tiêu dùng tiền mặt còn phổ biến. Hiện tại ở Việt Nam 91% khách hàng sử dụng phương thức thanh toán bằng tiền mặt, 48% khách hàng thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng, 20% khách hàng thanh toán bằng thẻ thanh toán. Điều này cũng gây cản trở cho phát triển tài chính toàn diện. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. World Bank (2014) Global Financial Development Report: Financial Inclusion. 2. Key APEC Documents 2017. 3. Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12. 4. Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020. 5. Nguyễn Phương Linh, Nguyễn Mai Hảo: Một số vấn đề chung về tài chính toàn diện. 6. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo thường niên thị trường tài chính 2017 Tiếp cận tài chính (2018). 7. TS. Phạm Thị Hồng Vân, ThS. Trần Thị Thu Hường: Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển tài chính toàn diện - giải pháp đối với Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy tiếp cận tài chính tại Việt Nam” (2018). 105