Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

pdf 6 trang Gia Huy 23/05/2022 1710
Bạn đang xem tài liệu "Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfchinh_sach_tien_te_chu_dong_linh_hoat_da_gop_phan_on_dinh_ki.pdf

Nội dung text: Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ CHỦ ĐỘNG, LINH HOẠT ĐÃ GÓP PHẦN ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Đà Nẵng TÓM TẮT Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực thi từ năm 2011 đến nay đã mang lại những kết quả khả quan: công cụ lãi suất được vận dụng chủ động, đã dẫn dắt và định hướng được thị trường; nghiệp vụ thị trường mở thực hiện linh hoạt, thanh khoản VND của hệ thống các TCTD liên tục được cải thiện, tình trạng Đôla hóa trong nền kinh tế đã có chiều hướng giảm . Song vẫn còn nhiều vấn đề nan giải: nguy cơ lạm phát có khả năng gia tăng trở lại, dòng vốn tín dụng vẫn chưa thông suốt, hoạt động của các TCTD về cơ bản an toàn nhưng cân đối vốn vẫn chưa thực vững chắc , đòi hỏi NHNN Việt Nam phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt; đảm bảo triển khai thành công Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD. 1. Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước Cuối năm 2010, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có những diễn biến không thuận: bất ổn chính trị thế giới; lạm phát gia tăng ở hầu hết các quốc gia; giá dầu thô, giá nguyên vật liệu cơ bản của đầu vào tăng; giá lương thực thực phẩm tăng Riêng đối với tình hình trong nước: thiên tai, thời tiết tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống; một số mặt hàng là đầu vào quan trọng của sản xuất (điện, xăng dầu ) buộc phải điều chỉnh tăng (cơ chế giá thị trường); đặc biệt là việc nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế trong những năm trước đó đã làm giá cả tăng cao, tăng nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô. Sang những tháng đầu năm 2012, kinh tế vĩ mô đã có những cải thiện đáng kể: lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, cán cân thanh toán được cải thiện, thị trường ngoại hối, tỷ giá ổn định nhưng kinh tế vi mô vẫn còn những khó khăn. Kinh tế trong nước đã xuất hiện những dấu hiệu của suy giảm tăng trưởng; khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, lãi vay ngân hàng cao, giá cả nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho tăng cao . Năm 2013, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện, đã có những tín hiệu tích cực về khả năng kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn năm 2012, chỉ số CPI tăng so với đầu năm và cùng kỳ năm ngoái; tăng trưởng kinh tế cao hơn cùng kỳ năm ngoái, hàng tồn kho tăng chậm lại, nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất tăng lên, số doanh nghiệp thành lập mới đã bắt đầu tăng trở lại, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động đang giảm dần. Mặc dù vậy, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, sức cầu của nền kinh tế còn yếu, ngân sách nhà nước khó khăn, nhập siêu đang quay trở lại, có khả năng tạo áp lực tới tỷ giá và thị trường ngoại hối. 2. Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Từ năm 2011 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có những dấu hiệu mất ổn định của những năm trước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết “Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội” và sang năm 2012 đến nay Chính phủ đã tiếp tục thực hiện mục tiêu lớn là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh - đây được xem như là mục tiêu lớn cho giai đoạn 2011-2015. Trong các Nghị quyết chỉ đạo điều hành hàng năm, Chính phủ ngày càng xác định rõ hơn vai trò của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc thực hiện mục tiêu hàng đầu - kiềm chế lạm phát và chủ động linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm thực hiện các mục tiêu lớn của Chính phủ. 270
  2. HỘI THẢO "NGÂN HÀNG VIỆT NAM: BỐI CẢNH VÀ TRIỂN VỌNG" Trên cơ sở các nhiệm vụ, mục tiêu xác định, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ, chính sách hướng tới tháo gỡ những khó khăn chung của nền kinh tế và của hệ thống ngân hàng cụ thể như sau: (i)aĐiều hành linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ (CSTT) nhằm kiểm soát lượng tiền cung ứng, đảm bảo khả năng thanh toán, hỗ trợ vốn cho các TCTD, ổn định thị trường: Trong năm 2011, khi lạm phát tăng cao NHTW đã điều chỉnh tăng và mở rộng diện dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ với các TCTD; linh hoạt đưa tiền ra và rút tiền về qua nghiệp vụ thị trường mở với lãi suất và kỳ hạn hợp lý, phù hợp với diễn biến vốn khả dụng của hệ thống; tái cấp vốn cho các TCTD gặp khó khăn do thanh khoản và các TCTD cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế; cho vay qua đêm để đảm bảo khả năng thanh khoản trên hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng. Từ năm 2012 đến nay khi lạm phát có dấu hiệu chững lại, các cân đối vĩ mô dần ổn định, nhưng kinh tế tăng trưởng chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, hàng tồn kho ở mức cao, thì NHTW đã linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ cho phù hợp với những diễn biến mới này. Theo đó, hoạt động bơm hút tiền được thực hiện một cách nhịp nhàng qua thị trường mở, để kiểm soát và ổn định vấn đề thanh khoản của hệ thống. Lượng tiền sau khi bơm ra ngay lập tức đã được hút về thông qua hoạt động cho vay thế chấp, phát hành tín phiếu với các kỳ hạn giao dịch khá linh hoạt và mua ngoại tệ (ii) Điều hành các mức lãi suất chính sách của Ngân hàng Nhà nước nhằm mục tiêu định hướng hành vi của thị trường theo định hướng chính sách tiền tệ: Trong năm 2011, khi lạm phát tăng cao NHTW đã điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn từ 9%/năm lên 15%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 9%/năm lên 14-16%/năm; lãi suất chiết khấu từ 7- 13%/năm; Quy định trần lãi suất tiền gửi VND và USD; Quy định áp dụng lãi suất trong trường hợp khách hàng rút tiền trước hạn Tuy nhiên từ 2012 khi kinh tế trong nước xuất hiện những diễn biến mới, NHTW đã chủ động điều hành lãi suất bám sát diễn biến của chỉ số giá, hỗ trợ các doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Theo đó, NHTW đã điều chỉnh giảm 08 lần đối với lãi suất tái cấp vốn từ 15% xuống 7%, lãi suất chiết khấu từ 13% xuống 5%; Điều chỉnh giảm 07 lần trần lãi suất tiền gửi tối đa bằng VNĐ từ 14%/năm xuống 7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng; Riêng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng trở lên thì do các NHTM tự ấn định trên cơ sở cung cầu vốn của thị trường; Bên cạnh đó áp dụng trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế (iii) Thực hiện biện pháp kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, phương tiện thanh toán, điều chỉnh cơ cấu tín dụng. Trong năm 2011 trước tình hình tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống quá nóng trong những năm trước đó, NHTW đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp quy định hạn mức tín dụng nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dưới 20%/năm và điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng khuyến khích cho lĩnh vực sản xuất và hạn chế cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất; Thu hẹp đối tượng vay bằng ngoại tệ; Quy định về mua trái phiếu doanh nghiệp của TCTD . Tuy nhiên, từ năm 2012 diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình hoạt động của các TCTD đã có những thay đổi, NHTW đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng nhóm TCTD (4 nhóm); Quy định tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ. Ngay sau khi nhận thấy tình hình tín dụng của hệ thống trong nửa đầu năm 2012 diễn ra ảm đạm, tăng trưởng khiêm tốn, tăng trưởng tín dụng theo tháng đều thấp hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước, NHNN đã ngay lập tức có những chính sách điều chỉnh thích hợp để tháo gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp và ngân hàng, tạo điều kiện khơi thông tín dụng trong nền kinh tế, cụ thể như việc chỉ đạo các TCTD rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn cho 271
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG khách hàng; từng bước điều chỉnh giảm lãi suất; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay theo quy định; xem xét cho vay mới đối với các nhu cầu vốn vay có hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ; Chấp thuận điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của hơn 30 TCTD trên cơ sở đánh giá khả năng mở rộng tín dụng và tình hình hoạt động của các TCTD này; xem xét cho vay ngắn hạn ngoại tệ đối với một số đối tượng hay để khuyến khích chuyển dịch nguồn vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn NHNN đã áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn đối với các TCTD có tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn cao, đồng thời dành một phần cung ứng tiền cho các TCTD cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn và có chính sách tín dụng chỉ đạo các TCTD trong việc cho vay đối với các hộ gia đình, trang trại, HTX, doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi, nuôi cá tra, chế biến cá tra suất khẩu, hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, cho vay hỗ trợ nhà ở (iv) Điều hành thị trường ngoại hối và tỷ giá phù hợp với tình hình cung cầu ngoại tệ, tăng tính thanh khoản cho thị trường. Đối với các giải pháp điều hành thị trường ngoại hối từ năm 2011 đến nay NHTW điều hành xuyên suốt theo hướng: Giữ tương đối ổn định tỷ giá bình quân liên ngân hàng (sau khi điều chỉnh giảm mạnh trong 2011 ở mức 9,3%), giữ nguyên biên độ giao dịch +/- 1% ( sau lần thu hẹp từ mức 3% của năm 2011); Liên tục mua ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối, kết hợp với việc giám sát chặt chẽ thị trường để can thiệp khi cần thiết; Tiếp tục duy trì chính sách thu hẹp đối tượng vay ngoại tệ nhằm chuyển dần quan hệ huy động - cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Bên cạnh sự ổn định thị trường ngoại tệ, từ năm 2012 đến nay NHNN đã thực hiện thành công bước đầu trong công tác quản lý thị trường vàng theo đúng chủ trương, định hướng chấm dứt tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế của Chính phủ. NHNN đã nỗ lực trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý điều tiết hoạt động kinh doanh và đầu tư vàng (tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ – CP ngày 03/4/2012 và các văn bản triển khai như Thông tư 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012, Quyết định 1623/QĐ –NHNN ngày 23/8/2012, Thông tư số 38/2012/TT – NHNN về trạng thái vàng của các TCTD) và áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường vàng . 3. Những thành tựu đạt được Các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ trong các năm qua đã góp phần kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã thực hiện được những mục tiêu lớn của Chính phủ. Trong công tác điều hành chính sách tiền tệ nổi lên những thành tựu cơ bản: (i)aCông tác điều hành CSTT của NHNN đã hình thành được các tín hiệu dẫn dắt thị trường, thông qua công cụ lãi suất đã phản ánh được động thái của NHNN. Lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu là công cụ chính sách chính yếu trong việc truyền dẫn tín hiệu tới thị trường nhằm kiểm soát lạm phát, hạ nhiệt thị trường tín dụng. Công cụ nghiệp vụ thị trường mở được thực hiện linh hoạt, khi TCTD khó khăn thanh khoản thì tăng cường hỗ trợ, khi cung tiền mạnh qua kênh mua ngoại tệ thì kịp thời phát hành tín phiếu NHNN. (ii) Điều hành lãi suất theo hướng chủ động, dẫn dắt, định hướng thị trường và dần hình thành đường cong lãi suất. NHTW đã điều hành thành công mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất, từng bước nới lỏng quy định trần lãi sất huy động bằng VND. Nếu như trước tháng 6/2013 NHTW quy định trần lãi suất huy động bằng VND nhằm ổn định thị trường thì từ cuối tháng 6, đã cho phép các TCTD tự ấn định ( thỏa thuận với khách hàng) lãi suất tiền gửi VND có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, để dần xây dựng lại đường cong lãi suất. Điểm nỗi bật là đường cong lãi suất đã dần được hình thành nhưng mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục ổn định, không có sự xáo trộn và cạnh tranh không lành mạnh giữa các TCTD như những năm trước. 272
  4. HỘI THẢO "NGÂN HÀNG VIỆT NAM: BỐI CẢNH VÀ TRIỂN VỌNG" (iii) Thanh khoản VND của hệ thống các TCTD liên tục được cải thiện, đảm bảo khả năng thanh toán và chi trả của hệ thống, mặc dù trước năm 2011 thanh khoản của hệ thống có những thời điểm gặp nhiều khó khăn. Các chỉ số như: Hệ số sử dụng vốn bằng VND có xu hướng giảm liên tục qua các năm 2011: 98,5%, 2012: 93,6%, 2013: 92%; Số dư tiền gửi của hệ thống các TCTD tại NHNN thường xuyên dư thừa so với dự trữ bắt buộc; Lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng tương đối ổn định và duy trì mức thấp, không còn tình trạng biến động và tăng ở mức cao như trước năm 2011. Thanh khoản ngoại tệ liên tục được cải thiện kể từ tháng 8/2011. (iv) Lòng tin vào VND đã được nâng cao, tình trạng Đôla hóa trong nền kinh tế đã có chiều hướng giảm. Các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ kết hợp với việc thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ trong nước, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, quy định trần lãi suất ngoại tệ kém hấp dẫn đã có những ảnh hưởng tích cực (tâm lý găm giữ ngoại tệ, tình trạng đô la hóa trên địa bàn đã giảm đáng kể). (v) Chủ trương hạn chế “Vàng hóa trong nền kinh tế” đã đạt những kết quả ban đầu. Mặc dù giá vàng trong và ngoài nước vẫn còn khoảng cách tuy nhiên giá vàng trong nước đã không còn biến động lớn, không còn hiện tượng “sốt vàng”. Hiện tượng nhập lậu vàng qua biên giới hầu như không diễn ra, do đó những tác động tiêu cực của hiện tượng này đã không ảnh hưởng đến tỷ giá và sự ổn định của thị trường ngoại tệ. (v) Riêng hoạt động của Ngành ngân hàng thành phố Đà Nẵng, bám sát định hướng điều hành về tín dụng, lãi suất của NHTW; sự chỉ đạo của Hội sở; sự giám sát, đôn đốc của NHNN Đà Nẵng hoạt động của các TCTD trên địa bàn tương đối ổn định, phù hợp với mục tiêu định hướng của NHTW qua đó đã đạt được những kết quả nhất định: Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng của toàn địa bàn tương đối phù hợp và góp phần vào việc thực hiện mục tiêu “tăng trưởng tín dụng của NHTW” qua các năm, theo đó năm 2011 tăng 7,07%, so với mức 12% của NHTW; năm 2012 tăng 4,97%, so với mức 8,9% của NHTW; năm 2013 tăng 6,43%, so với mức 8,8% của NHTW. Thứ hai, Tín dụng mặc dù tăng trưởng ở mức thấp nhưng cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực hơn. Giảm cho vay lĩnh vực phi sản xuất, tăng cho vay lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế. Trong năm 2011 cả hệ thống tập trung cơ cấu lại hoạt động cho vay, thì tại Đà Nẵng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất giảm 16,4%, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực sản xuất tăng 15,7% so với cuối năm 2010. Tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất trên tổng dư nợ giảm từ mức 27% của năm 2010 xuống còn 21% vào cuối năm 2011. Ngoài ra, tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế từ năm 2011đến nay luôn tăng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tín dụng ngoại tệ đã được kiểm soát theo xu hướng giảm, phù hợp với khả năng huy động vốn và hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế, góp phần ổn định thị trường ngoại hối. Từ tháng 9/2011, tín dụng VNĐ tăng trong khi tín dụng ngoại tệ bắt đầu xu hướng giảm. Năm 2012, tín dụng VNĐ tăng 8,75% trong khi tín dụng ngoại tệ giảm 12,13% so với cuối năm 2011. Năm 2013, tín dụng VNĐ tăng 11,03%, tín dụng ngoại tệ giảm 19,34% so với năm 2012. Thứ ba, lãi suất cho vay liên tục giảm kể từ tháng 9/2011. Lãi suất cho vay bình quân bằng VND tại các TCTD trên địa bàn đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh đến cuối tháng 12/2013 là 11,5%, giảm 8,5 điểm phần trăm so với cuối tháng 9/2011; Lãi suất cho vay bình quân bằng ngoại tệ tại các TCTD trên địa bàn đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh đến cuối tháng 12/2013 là 4,97%, giảm 1,87 điểm phần trăm so với cuối tháng 9/2011. Thứ tư, thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển dần quan hệ Huy động - Cho vay sang quan hệ Mua – Bán ngoại tệ. Kể từ cuối năm 2011 đến nay huy động ngoại tệ và cho vay ngoại tệ đều 273
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG giảm sơn so với huy động và cho vay bằng VND. Doanh số mua, bán ngoại tệ tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đáng chú ý là lượng ngoại tệ mua được từ TCKT và Dân cư tăng mạnh – đây là nguồn ngoại tệ chủ yếu được TCTD bán lại cho NHTW để tăng DTNH nhà nước. Thứ năm, cung - cầu ngoại tệ trên địa bàn tương đối ổn định. Nguồn cung ngoại tệ từ TCKT và dân cư tăng lên trong khi đó cầu ngoại tệ từ các đối tượng này lại giảm. Tâm lý găm giữ ngoại tệ đã giảm đáng kể, tình trạng đô la hóa trên địa bàn đã được đẩy lùi một bước, thị trường ngoại tệ tự do “dường như không có sóng”, tỷ giá biến động thấp. 4. Những hạn chế cần khắc phục Mặc dù trong điều hành chính sách tiền tệ đã đạt được mục tiêu chung nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế cần phải tiếp tục được khắc phục: (i) Dòng vốn tín dụng vẫn chưa thông suốt, còn ách tắc, trong khi đó khả năng mở rộng tín dụng trong thời gian đến vẫn còn khó khăn, mặc dù NHTW đã triển khai nhiều giải pháp về lãi suất, tín dụng. (ii) Nguy cơ lạm phát gia tăng trở lại là vấn đề không được chủ quan, trong bối cảnh công tác điều hành chính sách tiền tệ vẫn chịu nhiều áp lực khi ngân sách nhà nước đang khó khăn. Việc nắm giữ nhiều trái phiếu Chính phủ có thể phát sinh những khó khăn nếu các TCTD không chủ động trong việc cân đối vốn theo kỳ hạn hợp lý. (iii) Riêng tại Đà Nẵng, hoạt động của các TCTD trên địa bàn về cơ bản an toàn nhưng cân đối vốn vẫn chưa thực vững chắc. Nếu không chủ động quản lý hoạt động tiền tệ trên địa bàn tốt sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến kết quả điều hành chính sách tiền tệ của NHTW – bởi tính hệ thống của lĩnh vực tài chính – ngân hàng là rất cao: Dư nợ trung dài hạn /tổng dư nợ vẫn duy trì mức cao trong khi đó huy động vốn chủ yếu là kỳ hạn ngắn; Việc cho vay vẫn còn chủ yếu dựa trên cơ sở tài sản thế chấp (đa phần là BĐS) mà chưa chú trọng đến phương pháp cho vay dựa trên rủi ro. Chính điều này dễ dẫn đến hiện tượng gia tăng nợ xấu, thậm chí làm nợ có khả năng mất vốn tăng nhanh, khi dự án không phát huy được hiệu quả, dòng tiền của khách hàng không ổn định đồng thời giá tài sản đảm bảo tụt giảm nhanh (đặc biệt là đối với TSĐB là bất động sản trong giai đoạn Thị trường bất động sản bị đóng băng); Tỷ trọng dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm tỷ trọng lớn trên tổng dư nợ và có xu hướng tăng cao qua từng giai đoạn; Giai đoạn 2011-2013, tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với các giai đoạn trước, nhưng tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh, phản ánh chất lượng tín dụng đang theo chiều hướng không thuận lợi; Tỷ lệ cho vay/huy động tiền gửi luôn duy trì ở mức cao khoảng 130%. Mặc dù tỷ lệ này đã có xu hướng thay đổi theo chiều hướng tốt hơn song vẫn còn khá xa so với yêu cầu của NHTW trong việc thực hiện lộ trình tái cơ cấu hệ thống TCTD. 5. Một số kiến nghị trong việc điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian đến (i) Tiếp tục thực hiên điều hành CSTT chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt nhằm ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo khả năng thanh khoản của các TCTD; Thực hiện linh hoạt các công cụ CSTT để khuyến khích mở rộng tín dụng phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chỉ đạo của Chính phủ; Thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết của Chính phủ; (ii) Tính toán và xây dựng các kịch bản điều hành chính sách để đối phó với khả năng lạm phát gia tăng khi cầu phục hồi và giá cả các mặt hàng thuộc diện quản lý của Nhà nước tiếp tục thực hiện lộ trình tăng giá; đối phó với những diễn biến không thuận lợi có thể xảy ra đối với cán cân thanh toán trước những biến động của kinh tế khu vực và thế giới. 274
  6. HỘI THẢO "NGÂN HÀNG VIỆT NAM: BỐI CẢNH VÀ TRIỂN VỌNG" (iii) Quản lý thị trường ngoại hối và điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, phù hợp với quan hệ cung cầu ngoại tệ, diễn biến cán cân TTQT và các cân đối vĩ mô; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt nam; theo dõi sát diễn biến và quản lý chặt chẽ thị trường vàng. (iv) Đối với Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để góp phần cùng NHTW điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả cần thực hiện các nội dung: - Triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách về tiền tệ - tín dụng, ngoại hối đến các TCTD trên địa bàn; Theo dõi, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để báo cáo cho NHNN TW xử lý kịp thời. Đặc biệt trong giai đoạn hiện tại dòng chảy tín dụng đang có dấu hiệu “ách tắc” cần phải tham mưu cho NHTW triển khai một số cơ chế “cá biệt” nhằm tạo thuận lợi cho các Chi nhánh TCTD trên địa bàn mở rộng tín dụng trên cơ sở đảm bảo chất lượng tín dụng - Tăng cường công tác thanh tra hoạt động của các chi nhánh TCTD, đề cao ý thức kỷ cương, kỷ luật, chấp hành các quy định về tiền tệ, hoạt động ngân hàng đối với từng chi nhánh TCTD và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát hoạt động của hệ thống các TCTD góp phần đảm bảo ổn định, an toàn và phát triển bền vững; Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường ngoại tệ, vàng và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, khắc phục tình trạng đô la hóa, vàng hóa; - Chủ động làm tốt tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ và NHNN về điều hành CSTT, tín dụng và hoạt động ngân hàng. Theo đó, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, nhằm đưa tin, giải thích về chính sách, tạo lòng tin cho doanh nghiệp và người dân về các chính sách của Chính phủ và NHNN. Bên cạnh đó, cần kịp thời phản hồi, giải thích các vấn đề dư luận quan tâm về chủ trương và giải pháp điều hành CSTT của NHTW để xã hội hiểu rõ hơn về hoạt động và những định hướng chính sách của ngành ngân hàng, tạo sự đồng thuận và sức lan tỏa cao trong xã hội. - Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thống kê tiền tệ nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin để cung cấp kịp thời cho NHTW xây dựng và ứng phó kịp thời với những biến động của nền kinh tế và thị trường tiền tệ; - Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao để góp phần cùng NHTW thực hiện tốt Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015 và Đề án xử lý tổng thể nợ xấu để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu./ 275