Đào tạo nhân lực ngành tài chính - Ngân hàng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

pdf 10 trang Gia Huy 2480
Bạn đang xem tài liệu "Đào tạo nhân lực ngành tài chính - Ngân hàng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfdao_tao_nhan_luc_nganh_tai_chinh_ngan_hang_trong_boi_canh_cu.pdf

Nội dung text: Đào tạo nhân lực ngành tài chính - Ngân hàng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

  1. ĐÀO TẠO NHÂN LỰC NGÀNH TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG TRONG BỐI CẢNH CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 PGS.TS. Lê Thị Kim Nhung1 Tóm tắt: Cả thế giới đang trong những năm đầu tiên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) - cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá của công nghệ số với những trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ nano. Lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng được dự báo là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất khi ứng dụng các công nghệ thông minh sẽ làm thay đổi dòng thông tin - dữ liệu, tri thức và vai trò của con người trong hoạt động tài chính - ngân hàng. Xu hướng đó đặt ra những thách thức rất lớn đối với quá trình đào tạo nguồn nhân lực lẫn tư duy điều hành hoạt động tài chính - ngân hàng. Bài viết nghiên cứu tác động của cuộc cách mạng 4.0 đến hoạt động kinh doanh trong ngành tài chính – ngân hàng, nhận diện những yêu cầu về nhân lực ngành tài chính – ngân hàng trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, từ đó bàn luận về một số vấn đề đặt ra đối với đào tạo nguồn nhân lực tài chính – ngân hàng trong tương lai. Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, nhân lực tài chính - ngân hàng, đào tạo. Abstract: The world is in the first years of the Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0) - a revolution of smart manufacturing based on the breakthroughs of Digital technology, artificial intelligence, biotechnology and nanotechnology. The Banking and Finance sector is forecasted to be one of the areas most affected by the application of smart technologies which will change the flow of information, data, knowledge and human roles in the financial - banking operation. That trend poses great challenges for the training of human resources and the management mindset of financial and banking organizations. This paper studies the impact of Industry 4.0 on business performance in the banking and finance sector, identifies the sector’s human resource requirements in the context of Industry 4.0, and discusses some issues about the training of human resources in finance and banking sector in the future. Keywords: Fourth Industrial Revolution; banking finance human resources; education and training. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến tất cả mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội bởi việc ứng dụng các công nghệ thông minh. Đặc biệt là ngành Tài chính – Ngân hàng, một ngành hoạt động dịch vụ đặc thù với những đặc trưng: (i) tính vô hình của sản phẩm, (ii) tính đa dạng và phong phú, (iii) liên tục gia tăng tính mới, (iv) hàm lượng khoa học công nghệ thông tin cao, thì tác động của cuộc cách mạng này lại càng trở nên mạnh mẽ. Việc ứng dụng các công nghệ thông minh sẽ làm thay đổi dòng thông tin - dữ liệu, tri thức và vai trò của con người trong hoạt động tài chính - ngân hàng. Xu hướng đó đặt ra những thách thức rất lớn đối với 1 Email: kimnhungdhtm@yahoo.com.vn, Khoa Tài chính ngân hàng,Trường Đại học Thương mại.
  2. PHẦN 3: MÔI TRƯỜNG VẬN HÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ NHÂN LỰC TRONG DOANH NGHIỆP 423 quá trình đổi mới hoạt động tài chính - ngân hàng từ sản phẩm dịch vụ, kênh phân phối, mô hình tổ chức hoạt động, điều hành và quản lý, yêu cầu đối với nhân lực cũng sẽ thay đổi đáng kể. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu tác động của cuộc cách mạng 4.0 đến ngành tài chính – ngân hàng, nhận diện những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của nhân lực là rất cần thiết nhằm có những đổi mới kịp thời trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội – một triết lý giáo dục đại học mà hầu hết các trường đại học đang theo đuổi. 2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Là một vấn đề mang tính thời sự, vì vậy đã có rất nhiều nghiên cứu về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của nó đến lĩnh vực tài chính – ngân hàng, có thể tổng kết trên các khía cạnh: (i) Các ngiên cứu về những đổi mới trong hoạt động tài chính - ngân hàng, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động kinh doanh của các định chế tài chính. Điển hình như các nghiên cứu: Hồ Tú Bảo (2017) - Hiểu về cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Price Waterhouse Cooper (2016) - Nhưng ranh giơi bi xoa nhoa: Cac FinTech đang đinh hinh nganh dich vu tai chinh nhu thê nao; Đăng Khoa (2017) - Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Việt Nam đang “đứng” đâu?; Nghiêm Xuân Thành (2017) - Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự chuẩn bị của ngành Ngân hàng Việt Nam; (ii) Các nghiên cứu đánh giá tác động của cuộc CMCN 4.0, nhận diện thời cơ, thách thức đối với ngành tài chính - ngân hàng. Điển hình như các nghiên cứu: Nguyễn Thị Hiền và Đỗ Thị Bích Hồng (2017) - Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới lĩnh vực tài chính - ngân hàng; Nguyễn Thị Nguyệt Loan (2017) - Xu hướng phát triển ngành Ngân hàng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Lê Công (2017) - Ngân hàng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Tô Huy Vũ và Vũ Xuân Thanh (2016) - Ngành ngân hàng trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thùy Dương (2017) - Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng thế nào tới ngành tài chính?; Bùi Quang Tiên (2017) - Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành Ngân hàng Việt Nam và cơ hội, thách thức đối với lĩnh vực thanh toán; (iii) Các nghiên cứu về chính sách đối với quản lý và giám sát các hoạt động tài chính ngân hàng trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Điển hình như các nghiên cứu: Đào Lê Minh và Nguyễn Thanh Huyền (2017) - Quản lý giám sát ngành chứng khoán trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Trần Hồng Mai, (2017) - Hệ thống kiểm soát nội bộ NHTM Việt Nam và cuộc cách mạng 4.0; Huỳnh Thành Đạt (2016) - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề đặt ra đối với chính sách khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam; Nguyễn Thị Hải Bình (2017) - Chính sách tài chính trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Lê Tuấn Ngọc và Hoàng Thị Kim Oanh (2017) - Nền công nghiệp 4.0 và thách thức đặt ra đối với lao động Việt Nam; Đỗ Lê (2017) - Nhân lực ngân hàng trước cách mạng công nghiệp 4.0, Ngoài ra, đã có nhiều hội thảo khoa học, các diễn đàn được tổ chức để nhận thức đúng về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giới thiệu những thành tựu khoa học công nghệ và các ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính ngân hàng, bàn luận về những thách thức phải đối mặt và thời cơ phất triển, Có thể thấy rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động rất sâu sắc đến hoạt động kinh doanh của các định chế tài chính, làm thay đổi phương thức trao đổi thông tin - dữ
  3. 424 QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 liệu, tri thức cũng như phương thức quản lý, đặc biệt là sự thay đổi vai trò của con người trong hoạt động tài chính - ngân hàng. Do vậy, câu hỏi nghiên cứu đặt ra là: trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, yêu cầu về nhân lực của ngành tài chính - ngân hàng có những biến đổi như thế nào? Những vấn đề đặt ra đối với quá trình đào tạo nhân lực ngành tài chính - ngân hàng để đáp ứng nhu cầu xã hội?. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính với các phương pháp nghiên cứu cụ thể như: phương pháp tổng hợp, phân tích, quy nạp, phương pháp nghiên cứu địa bàn và phương pháp thống kê kinh nghiệm. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 3.1. Khái quát về cuộc cách mạng 4.0 Xã hội loài người văn minh ngày nay là hệ quả của sự phát triển không ngừng với sự nối tiếp của các cuộc cách mạng cả trong lĩnh vực sản xuất và xã hội. Thế giới đã trải qua 3 cuộc CMCN (cách mạng công nghiệp) lớn: CMCN lần thứ nhất diễn ra tại Vương quốc Anh vào cuối thế kỷ XVIII, khi phát minh ra động cơ hơi nước và ứng dụng vào việc cơ giới hóa các ngành sản xuất; CMCN lần thứ hai bắt đầu vào cuối thế kỷ XIX ở khu vực châu Âu và Bắc Mỹ khi năng lượng điện được sử dụng để sản xuất hàng loạt với quy mô lớn; CMCN lần thứ ba bắt đầu khoảng thập kỷ 70 của thế kỷ XX ảnh hưởng rộng lớn trên toàn cầu cùng với sự phát triển của máy tính, các thiết bị điện tử và công nghệ thông tin được sử dụng để tự động hóa sản xuất. Thập niên 2010s của thế kỷ XXI là sự xuất hiện của cuộc CMCN lần thứ tư ((The Fourth Industrial Revolution - FIR) nhen nhóm ngay trong lòng cuộc CMCN lần ba bởi sự kết hợp của 3 lĩnh vực công nghệ vật lý, kỹ thuật số và sinh học. CMCN 4.0 không chỉ giới hạn ở tự động hóa, hệ thống thông minh và được kết nối, mà còn bao trùm phạm vi rộng lớn bao gồm các làn sóng phát triển của những đột phá trong các lĩnh vực khác nhau: từ mã hóa chuỗi gen cho tới công nghệ nano, in 3D, từ các năng lượng tái tạo tới tính toán lượng tử. Yếu tố căn bản khiến CMCN 4.0 khác biệt với các cuộc cách mạng trước đó chính là sự dung hợp của các công nghệ này và sự tương tác của chúng trên các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và công nghệ sinh học. Cụ thể, trong cuộc cách mạng này, các công nghệ mới nổi và sự đổi mới trên diện rộng được khuyếch tán nhanh hơn và rộng rãi hơn so với những lần trước, được coi là biến động lớn thứ tư với tác động mạnh mẽ nhất trong sản xuất chế tạo hiện đại. Theo GS. Klaus Schwab - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, CMCN 4.0 hiểu một cách ngắn gọn là một thuật ngữ bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, xu hướng trao đổi dữ liệu, công nghiệp chế tạo và sản xuất thông minh. Theo đó, cuộc cách mạng này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” với cấu trúc đa dạng và linh hoạt, tại đó các hệ thống vật lý không gian ảo sẽ giám sát các quá trình, tạo ra một bản sao ảo của thế giới vật lý. Với Internet của vạn vật (IOT- Internet of Things), các hệ thống vật lý không gian ảo này tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực. Sau đó, thông qua Internet của các dịch vụ (IOS – Internet of Services), người dùng sẽ được tham gia vào chuỗi giá trị thông qua việc sử dụng các dịch vụ này - đồng nghĩa với sự phức tạp của mạng lưới sản xuất và nhà cung cấp sẽ tăng lên rất nhiều. Thông qua việc kết nối này, các doanh nghiệp sẽ tạo ra những mạng lưới thông minh trong toàn bộ chuỗi giá trị để có thể kiểm soát lẫn nhau một cách tự động, qua đó giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học.
  4. PHẦN 3: MÔI TRƯỜNG VẬN HÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ NHÂN LỰC TRONG DOANH NGHIỆP 425 Có thể thấy, trong cuộc CMCN 4.0 này, hàng tỷ người có thể được kết nối thông qua các thiết bị di động có khả năng xử lý, dung lượng lưu trữ chưa từng có trước đây và khả năng tiếp cận với tri thức là không có giới hạn. Khả năng kết nối còn được nhân lên gấp bội nhờ sự đột phá về công nghệ như trí tuệ nhân tạo, robot, Internet của vạn vật, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng, và tính toán lượng tử. Như vậy, CMCN 4.0 là cuộc cách mạng của sự kết nối các công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh để tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực, thay đổi phương thức tiếp cận và rút ngắn khoảng cách giữa sản xuất với tiêu dùng, thúc đẩy tăng năng suất lao động và hiệu quả, tạo ra những đột phá về tốc độ phát triển, làm biến đổi cơ bản hệ thống sản xuất, cung ứng và quản trị điều hành của nền kinh tế. 3.2. Tác động của cuộc cách mạng 4.0 đến hoạt động kinh doanh trong ngành tài chính ngân hàng Cuộc CMCN 4.0 tác động mạnh mẽ đến tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đưa đến nhiều đổi mới trong sản xuất kinh doanh cũng như trong điều hành và quản lý. Việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ có thể tổng kết trên bốn khía cạnh chính: (1) Kết hợp công nghệ cảm biến mới, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và kết nối Internet vạn vật để thúc đẩy phát triển thiết bị tự động hóa và hệ thống kinh doanh thông minh; (2) Công nghệ in 3D cho phép sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nhờ nhất thể hóa các dây chuyền sản xuất, loại bỏ các khâu sản xuất trung gian và giảm chi phí sản xuất; (3) Công nghệ nano và vật liệu mới tạo ra các cấu trúc vật liệu mới ứng dụng rộng rãi, dùng các kỹ thuật của học máy để rút ngắn giai đoạn thử nghiệm trong phòng thí nghiệm khi chế tạo vật liệu mới; (4) Trí tuệ nhân tạo và điều khiển học có bước phát triển vượt bậc cho phép con người kiểm soát từ xa mọi thứ, không giới hạn về không gian, thời gian; tương tác nhanh, tốt và chính xác hơn. Trong bốn thành tựu ứng dụng công nghệ kể trên, khía cạnh (1) và (4) có ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức và hoạt động kinh doanh của các định chế tài chính - ngân hàng là các tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính trên thị trường. Những tác động chính của cuộc CMCN 4.0 đến hoạt động kinh doanh ngành tài chính – ngân hàng có thể tổng kết trên các khía cạnh chính như : thay đổi về sản phẩm - dịch vụ tài chính; thay đổi mô hình quản trị kinh doanh và kênh phân phối; thay đổi môi trường cạnh tranh; thay đổi hành vi của khách hàng và nhân viên; sự thay đổi trong phân bố nguồn lực và tổ chức nhân sự dẫn tới vấn đề việc làm; thay đổi về quản lý rủi ro; thay đổi về môi trường pháp lý và giám sát. Thứ nhất, CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi hoàn toàn các sản phẩm dịch vụ truyền thống và trải nghiệm khách hàng đang dần trở thành xu hướng vượt trội. Với việc ứng dụng nhiều hơn công nghệ thông tin, ứng dụng chuyển đổi kỹ thuật số, các sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng có thể tích hợp được với nhiều sản phẩm dịch vụ phụ trợ để làm hài lòng khách hàng. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, dịch vụ tài chính số sẽ phát triển mạnh và đóng góp thêm 6% GDP của các nước mới nổi (khoảng 3.700 tỷ USD) đến năm 2025; dịch vụ ngân hàng số có thể đóng góp 44% doanh thu của các NHTM đến năm 2018; bên cạnh đó lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm cũng được số hóa bằng các dịch vụ chứng khoán số và bảo hiểm số. Các ngân hàng và tổ chức tài chính trên thế giới đã và đang có những thay đổi trong cách thức triển khai dịch vụ như: tư vấn tài chính bằng Robots (Robo-advisors); thanh toán (online payment), ví điện tử (online wallet), cho vay
  5. 426 QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 tiêu dùng (personal finance) với các ứng dụng kết nối người vay và cho vay (peer to peer lending, crowd funding), quản lý dữ liệu tài chính cá nhân (data management personal finance), Sự ra đời của các công nghệ như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, bigdata, blockchain, đã mở ra cơ hội cho việc thiết kế các sản phẩm, dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ số với cách tiếp cận đơn giản, tiện lợi và chi phí rẻ. Bắt đầu từ năm 2016, Ngân hàng POSB (Singapore) đã cho phép khách hàng mở tài khoản, thay mới thẻ lẫn thiết bị bảo mật trực tuyến, thay đổi lại thỏa thuận gửi tiền tiết kiệm ; Bank of American cũng đã đưa VTM (Video Teller Machine) vào sử dụng rộng rãi, cho phép khách hàng tiến hành vay tiền để mua xe hơi, mở tài khoản, thế chấp tài sản để vay nợ, mà không cần đến giao dịch trực tiếp. Thứ hai, CMCN 4.0 đã đưa đến những thay đổi lớn trong mô hình tổ chức, quản trị kinh doanh của các NHTM và các định chế tài chính khác. Nhờ CMCN 4.0, công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence), dữ liệu lớn (Big Data), IoT làm khả năng số hóa dữ liệu tăng, việc xử lý dữ liệu diễn ra với tốc độ cao. Tạo ra thay đổi vượt bậc về tốc độ, phạm vi, quy mô và tác động hệ thống trong việc tập hợp và xử lý dữ liệu theo cả bề rộng và bề sâu, đổi mới sâu sắc việc tổ chức và quản trị các hệ thống kinh doanh. Mô hình tổ chức kinh doanh của các định chế tài chính thay đổi theo hướng tinh gọn, sử dụng đa kênh tích hợp (ommi-channels) để giải quyết công việc. Với khả năng tự học hỏi và thích nghi, tiềm năng của AI là không giới hạn trong các ứng dụng, vì vậy, yêu cầu đặt ra trong công tác quản trị là nắm bắt được xu hướng, ứng dụng cách làm việc và kiểm soát AI để đảm bảo các hoạt động diễn ra một cách an toàn và hiệu quả. Socieste Gesneerale (Pháp) đã dùng Microsoft Azure để điều chỉnh giá trị tín dụng; một số định chế tài chính dùng AI để xếp hạng tín nhiệm khách hàng. Bank of America ML sẽ dùng Azure Blockchain để tự động hóa quy trình xử lý các L/C dự phòng (giảm thời gian từ 3-5 tuần còn 3-5 ngày), giảm lỗi tác nghiệp xuống 0% và tiết giảm chi phí. Việc ứng dụng Microsoft Azure có thể chạy các mô hình mô phỏng phức tạp hỗ trợ quá trình ra quyết định, tăng trải nghiệm khách hàng và giảm chi phí hạ tầng. Thứ ba, đối với kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ: Cuộc CMCN 4.0 làm thay đổi các kênh phân phối sản phẩm dịch vụ tài chính. AI giúp phát triển bán hàng qua Internet, Mobile banking, mạng xã hội, phát triển ngân hàng số và giao dịch tự động sẽ là xu thế phát triển mạnh. Xu hướng “ngân hàng không giấy” sẽ trở nên phổ biến, do đó sẽ làm giảm dần vai trò của các chi nhánh. Các ngân hàng cũng sẽ phải thiết kế lại chi nhánh của mình để tối đa hóa trải nghiệm khách hàng như xây dựng các chi nhánh giao dịch với không gian giao dịch hiện đại, tiện ích, những chỗ ngồi hấp dẫn hợp thời gian, những màn hình tivi/máy tính bảng cỡ lớn giúp khách hàng tự tương tác và trải nghiệm dịch vụ mà không cần đến sự giúp đỡ của giao dịch viên truyền thống. Việc xây dựng các chi nhánh này chủ yếu dựa vào nền tảng công nghệ tự động hóa, kết nối đa chiều và thông minh hóa của CMCN 4.0. Trải nghiệm của khách hàng là điều được quan tâm đề cập đến thường xuyên và sẽ là xu hướng vượt trội, ở một số nước phát triển, kể cả các nước đang phát triển đã xuất hiện ngày càng nhiều “ngân hàng không giấy”. Nhờ ứng dụng chuyển đổi kỹ thuật số, các sản phẩm của ngân hàng có thể tích hợp được với nhiều sản phẩm dịch vụ phụ trợ để làm hài lòng khách hàng. Trong tương lai không xa, các vấn đề như giao diện lập trình ứng dụng (API), phân phối liền mạch hay phân tích thông minh (intelligence analytics) sẽ là những ứng dụng phổ biến trong hoạt động phát triển sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao của các ngân hàng. Ngoài ra, dữ liệu lớn (Big Data) và
  6. PHẦN 3: MÔI TRƯỜNG VẬN HÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ NHÂN LỰC TRONG DOANH NGHIỆP 427 phân tích hành vi khách hàng cũng đang trở thành xu hướng tương lai cho thời đại công nghệ số, khi có thể thu thập dữ liệu bên trong và bên ngoài thông qua tổ chức phân tích hành vi khách hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng, tiết giảm chi phí và hỗ trợ cho các quá trình ra quyết định. Với hạ tầng viễn thông ngày càng phát triển, các cuộc đàm thoại đang có xu hướng thành các cuộc gọi hình ảnh (video-call) với mức độ ổn định và chất lượng ngày càng tăng, đưa tới khả năng đổi mới công việc chăm sóc khách hàng của các định chế tài chính. Trong tương lai, công nghệ thực tế ảo (virtual-reality) và hình ảnh 3 chiều (holography) sẽ có thể thay thế hoàn toàn cách giao tiếp của con người, và nó làm thay đổi hành vi của khách hàng và nhân viên. Thứ tư, CMCN 4.0 làm thay đổi môi trường cạnh tranh. Có thể nhận diện hai xu hướng cạnh tranh chính là cạnh tranh giữa kinh doanh tiền thật và kinh doanh tiền ảo; cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng và Fintech. Trong bối cảnh các doanh nghiệp công nghệ tài chính - Fintech đang ngày càng mở rộng và phát triển, thị phần của các NHTM bị thu hẹp đáng kể, cạnh tranh khốc liệt để chiếm lĩnh khách hàng giữa ngân hàng thương mại và công ty công nghệ tài chính là xu thế tất yếu. Thứ năm, bối cảnh của cuộc CMCN 4.0 đem đến những thay đổi trong công tác quản trị rủi ro của các ngân hàng và các định chế tài chính. Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) được ứng dụng trong việc quản lý khách hàng, quản lý cơ sở dữ liệu, quản lý danh mục rủi ro, Big Data sẽ cung cấp cho các định chế kinh doanh những hiểu biết sâu sắc về thói quen và mô hình chi tiêu của khách hàng, đơn giản hóa nhiệm vụ xác định nhu cầu và mong muốn của họ; theo dõi hành vi giao dịch của khách hàng theo thời gian thực, và cho phép cung cấp hiệu quả hơn các lợi ích mà khách hàng cần, từ đó tạo ra các sản phẩm được cá nhân hóa. Big Data mang đến nhiều lợi ích trong công tác quản trị rủi ro với việc định vị và trình bày dữ liệu trên một quy mô lớn giúp giảm nguy cơ rủi ro xuống mức có thể quản lý được. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra những thách thức mới về vấn đề bảo mật, an ninh mạng, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán của ngân hàng. Sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số và xu hướng chuyển dần sang điện toán đám mây, những lỗ hổng bảo mật cũng vì thế mà tăng theo, kéo theo những lo ngại ngày càng nghiêm trọng về rủi ro tấn công tin tặc và vấn đề đảm bảo tính an toàn và riêng tư trong thông tin của khách hàng. Thứ sáu, CMCN 4.0 làm cho thị trường lao động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng có sự thay đổi đáng kể. Khi tự động hóa thay thế lao động thủ công trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, thì nhiều người lao động có thể bị thất nghiệp. Lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng này. Do việc ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng có thể khiến số lượng nhân viên của các ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty chứng khoán sụt giảm một cách đáng kể. Những vị trí việc làm như giao dịch viên ngân hàng, nhân viên đại lý bảo hiểm, môi giới chứng khoán, tư vấn tài chính, sẽ dần dần bị thay thế bởi các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo cùng với sự phát triển của IoT và công nghệ Bigdata. Tuy nhiên, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ gia tăng ở một số vị trí như lực lượng quản lý, bán hàng cao cấp, CNTT, chuyên gia phân tích, dự báo, QLRR công nghệ, 3.3. Yêu cầu về nhân lực ngành tài chính – ngân hàng trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 Cuộc CMCN 4.0 đã và đang đặt ra những yêu cầu mới về năng lực và phẩm chất của người lao động ngành tài chính - ngân hàng. Bên cạnh kiến thức chuyên môn đội ngũ nhân lực ngành tài chính - ngân hàng cần phải được đáp ứng những yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 trên các khía cạnh như:
  7. 428 QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 - Am hiểu về công nghệ và các sản phẩm dịch vụ hiện đại. Khách hàng trong tương lai là thế hệ 1990s-2000s, họ sinh ra và lớn lên trong thời đại phát triển công nghệ, có hiểu biết và muốn dùng công nghệ số, muốn trải nghiệm (customer experience), giao dịch 1 cửa (one-stop shoping), cung cấp dịch vụ nhanh (quick and competen service), giải quyết vấn đề ngay tức thì (immediate problem resolution), chú ý đến yêu cầu riêng của mỗi khách hàng (personalized attention). Vì vậy, đòi hỏi một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp (access to expertise), có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp tốt, am hiểu cả về công nghệ lẫn sản phẩm dịch vụ, có như vậy mới có thể làm chủ công nghệ và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Với xu hướng hình thành các ngân hàng số, ngân hàng trực tuyến hiện đại, công ty FinTech dựa trên nền tảng ứng dụng sự phát triển của AI, công nghệ Bigdata và IoT, đội ngũ lao động trong ngành tài chính - ngân hàng sẽ phải chịu các sức ép của sự thay đổi, phải nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới và hoàn thiện các kỹ năng khai thác sử dụng các ứng dụng công nghệ hiện đại, kỹ năng làm việc, giao dịch dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại nhằm thích nghi với môi trường phát triển liên kết các ứng dụng công nghệ hiện đại trong ngành. Điều đó có nghĩa là đội ngũ nhân lực ngành tài chính - ngân hàng sẽ phải nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và khác biệt của khách hàng để tạo lợi thế cạnh tranh. - Khả năng thích ứng với môi trường luôn biến động và biết quản lý sự thay đổi, tự tin, độc lập, có khả năng tự học hỏi và sáng tạo. Cuộc CMCN 4.0 đã đưa tới sự thay đổi chóng mặt bởi những ứng dụng công nghệ mới và ngày càng thông minh hơn, trong tương lai, đội ngũ nhân lực luôn đứng trước thách thức bị đào thải, vì vậy, đòi hỏi người lao động phải có khả năng thích ứng cao với môi trường luôn biến động và phải biết quản lý sự thay đổi. Bên cạnh đó, cần rèn luyện các tố chất như: tính tự tin, độc lập, khả năng tự học hỏi và đặc biệt là tính sáng tạo. Có như vậy mới có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ngày càng khắt khe hơn. 4. NHẬN DIỆN NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG VÀ KẾT LUẬN 4.1. Những vấn đề đặt ra và giải pháp đối với đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 Với những phân tích về xu thế tác động của cuộc CMCN 4.0 đến thị trường lao động ngành tài chính - ngân hàng như trên có thể nhận diện những vấn đề đặt ra đối với các cơ sở đào tạo nhân lực tài chính - ngân hàng như sau: Thứ nhất, nhận thức đúng triết lý giáo dục. Hầu hết các trường đại học trên thế giới đều theo đuổi triết lý giáo dục “đào tạo theo nhu cầu xã hội”, trong bối cảnh CMCN 4.0 cần phải hiểu đúng triết lý này. Lĩnh vực tài chính ngân hàng là một lĩnh vực hoạt động dịch vụ đặc thù với những đặc trưng: (i) tính vô hình của sản phẩm, (ii) tính đa dạng và phong phú, (iii) liên tục gia tăng tính mới, (iv) hàm lượng khoa học công nghệ thông tin cao. Điều này cho thấy, nhu cầu của các nhà tuyển dụng sẽ thay đổi thường xuyên phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh, trong khi về phía cung luôn có một độ trễ nhất định từ 3 - 5 năm tùy theo thời gian đào tạo. Sẽ không bao giờ có được một sự khớp nối hoàn hảo giữa cung và cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng và toàn xã hội nói chung. Vì vậy, các trường đại học cần trang bị cho người học những kiến thức nền, phương pháp tư duy, khả năng tự nghiên cứu, tự học, để giúp họ có thể thực hiện triết lý “học tập suốt đời”.
  8. PHẦN 3: MÔI TRƯỜNG VẬN HÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ NHÂN LỰC TRONG DOANH NGHIỆP 429 Thứ hai, nâng cao chuẩn chất lượng đào tạo để thích ứng với đòi hỏi của cuộc CMCN 4.0. Chất lượng đào tạo có thể đo lường qua bộ 3 tiêu chí: Kiến thức - Kỹ năng - thái độ mà một cử nhân phải có để có thể hành nghề. - Về kiến thức có 6 mức trình độ là: biết; hiểu; vận dụng; phân tích, tổng hợp; đánh giá; sáng tạo. Đối với yêu cầu về chuẩn chất lượng đào tạo trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay, người tốt nghiệp đại học không chỉ vận dụng một kiến thức đã có để hiểu một kiến thức khác phức tạp hơn (vận dụng), hay vận dụng các quy luật, nguyên lý chung để lý giải, nhận thức các sự kiện riêng và ngược lại, khái quát được các trường hợp riêng lẻ thành kết luận chung (phân tích, tổng hợp), mà nhất thiết phải đạt được ở mức sáng tạo - tức vận dụng được những kiến thức đã có để sáng tạo ra cái mới. Đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 thì tính sáng tạo của người lao động lại trở thành một yêu cầu rất quan trọng. - Về kỹ năng: Làm việc trong môi trường số hóa, dựa trên nền tảng công nghệ, cử nhân tài chính ngân hàng phải có kỹ năng lao động trí óc như: kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng phân tích đánh giá và đưa ra nhận định dựa trên chứng cứ và lý lẽ, kỹ năng phối hợp làm việc nhóm, kỹ năng tổ chức thiết kế, kỹ năng tính toán, và không thể không nói đến hai kỹ năng quan trọng thời đại, đó là kỹ năng sử dụng ngôn ngữ (ngoại ngữ và cả tiếng mẹ đẻ) và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. - Về thái độ: thái độ là một vấn đề rất phức tạp và rất khó đánh giá. Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Vì vậy có nhiều loại thái độ từ rộng đến hẹp cần được đánh giá đối với sinh viên tốt nghiệp đại học như thái độ với nhân loại, với môi trường, với Tổ quốc, với cộng đồng, với gia đình, với bạn bè, với bản thân, nhưng quan trọng nhất là thái độ lao động nghề nghiệp. Các tiêu chí đánh giá thái độ lao động nghề nghiệp đó là: lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, tính kỷ luật, tính trung thực, tác phong công nghiệp, tinh thần làm việc tập thể, Với đặc thù của ngành tài chính ngân hàng, đòi hỏi quá trình đào tạo phải đạt được các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, phải rèn luyện cho sinh viên những thói quen nghề nghiệp ngay từ những ngày đầu ngồi trên ghế nhà trường. Thứ ba, đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo. Trước xu hướng của cuộc CMCN 4.0, các trường đại học cần xem xét hoàn thiện lại mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, trên cơ sở đó đổi mới chương trình đào tạo sao cho phù hợp và theo kịp với xu thế của thời đại. Trong chương trình đào tạo cần trang bị kiến thức nền về quản trị công nghệ thông tin, các học phần chuyên ngành cần bổ sung và cập nhật các kiến thức mới, gia tăng việc ứng dụng các công cụ hiện đại để sinh viên có được nguồn kiến thức cần thiết, bắt kịp xu hướng công nghệ tài chính ngân hàng hiện đại. Bên cạnh đó, cần khuyến khích sinh viên tự học, tự nghiên cứu về các xu hướng phát triển của ngành trong bối cảnh CMCN 4.0 để trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết, làm chủ công nghệ hiện đại trong tương lai. Về phương pháp giảng dạy cần đổi mới theo hướng tăng cường khả năng tư duy độc lập của người học, trang bị phương pháp để người học có thể thực hiện triết lý “học tập suốt đời”, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh các phương pháp đào tạo truyền thống, cần chú trọng việc đầu tư trang bị cơ sở vật chất để số hóa nguồn học liệu, triệt để ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình đào tạo. Hiện đại hóa công nghệ đào tạo là hướng
  9. 430 QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 đi cần chú trọng khai thác trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng xâm nhập sâu rộng vào mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế - xã hội. Thứ tư, xác lập cơ chế liên kết giữa trường đại học với nhà tuyển dụng (các ngân hàng, các tổ chức tài chính, ) trong quá trình đào tạo. Để sản phẩm đào tạo đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội, rút ngắn khoảng cách giữa trường đại học với nhà tuyển dụng thì ngay trong quá trình đào tạo các trường đại học nói chung và Trường ĐHTM nói riêng, phải có mối quan hệ liên kết với các đơn vị thực tế. Việc hợp tác, liên kết đào tạo cần được phát triển dưới nhiều hình thức như: Nhà trường mời cán bộ quản lý, chuyên gia hoạt động thực tiễn trong các ngân hàng, các tổ chức tài chính tham gia giảng dạy các học phần chuyên ngành, tham gia báo cáo các chuyên đề thực tế; ngược lại các đơn vị thực tế hỗ trợ và tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên tiếp cận và tìm hiểu thực tế, phối hợp với nhà trường tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán cho giảng viên và sinh viên nhằm cập nhật kiến thức mới, đặc biệt là các ứng dụng công nghệ mới của ngành; phối hợp với nhà trường đề xuất và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, chương trình, dự án có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn. Các hoạt động hợp tác này là một sự bổ sung cần thiết trong quá trình đào tạo, giúp rút ngắn khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu của xã hội trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. 4.2. Kết luận Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đem lại những cải biến sâu sắc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đội ngũ nhân lực ngân hàng đứng trước những thời cơ và thách thức to lớn trong quá trình phát triển bởi sự thay đổi về yêu cầu nhân sự trong thời đại công nghệ số hóa. Thực tiễn này cũng đặt ra những thách thức cho các trường đại học trong quá trình đào tạo nếu muốn theo đuổi triết lý giáo dục “đào tạo theo nhu cầu xã hội”. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ban Kinh Tế trung ương (2017), Đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và một số định hướng hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam, 2. Hồ Tú Bảo (2017), Hiểu về cách mạng công nghiệp lần thứ 4- cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-4-3574624.html. 3. Nguyễn Thị Hải Bình (2017), “Chính sách tài chính trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 6/2017. 4. Lê Công (2017), Ngân hàng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, php?option=com_k2&view=item&id=2464:ngan-hang-va-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu- tu&Itemid=241&lang=en). 5. Huỳnh Thành Đạt (2016), Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề đặt ra đối với chính sách khoa học khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam, 6. Thùy Dương, (2017), Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng thế nào tới ngành tài chính? com/cach-mang-cong-nghiep-4-0-anh-huong-the-nao-toi-nganh-tai-chinh/c/23542756.epi. 7. Nguyễn Thị Hiền, Đỗ Thị Bích Hồng (2017), “Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới lĩnh vực tài chính - ngân hàng“, Tạp chí Tài chính, số 658.
  10. PHẦN 3: MÔI TRƯỜNG VẬN HÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ NHÂN LỰC TRONG DOANH NGHIỆP 431 8. Đăng Khoa (2017), Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Việt Nam đang “đứng” đâu? mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-viet-nam-dang-dung-dau-118838.html. 9. Klaus Schwab (2016): The Fourth Industrial Revolution. 10. Đỗ Lê, Nhân lực ngân hàng trước cách mạng công nghiệp 4.0, Báo điện tử: Thời báo ngân hàng Việt Nam, , Truy cập ngày 18/10/2017. 11. Nguyễn Thị Nguyệt Loan (5/6/2017), Xu hướng phát triển ngành Ngân hàng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mang-cong-nghiep-4-0.htm. 12. Trần Hồng Mai, (11/2017), Hệ thống kiểm soát nội bộ NHTM Việt Nam và cuộc cách mạng 4.0, Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp trường “Tài chính – Ngân hàng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” tại ĐH Thương mại. 13. Đào Lê Minh và Nguyễn Thanh Huyền, (11/2017), Quản lý giám sát ngành chứng khoán trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp trường “Tài chính – Ngân hàng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” tại ĐH Thương mại. 14. Lê Tuấn Ngọc và Hoàng Thị Kim Oanh (2017), “Nền công nghiệp 4.0 và thách thức đặt ra đối với lao động Việt Nam”, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 6/2017. 15. Price Waterhouse Cooper (2016), Nhưng ranh giơi bi xoa nhoa: Cac FinTech đang đinh hinh nganh dich vu tai chinh nhu thê nao. 16. Nghiêm Xuân Thành, (2017), Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự chuẩn bị của ngành Ngân hàng Việt Nam, tạp chí Tài chính - Kỳ 2, tháng 2/2017; 17. Bùi Quang Tiên (2017), “Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành Ngân hàng Việt Nam và cơ hội, thách thức đối với lĩnh vực thanh toán”, Tạp chí Ngân hàng, số 8 tháng 6/2017. 18. Tô Huy Vũ và Vũ Xuân Thanh (2016), “Ngành ngân hàng trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Tạp chí Ngân hàng, số 15.