Điều chỉnh chính sách thuế tiêu dùng của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế
Bạn đang xem tài liệu "Điều chỉnh chính sách thuế tiêu dùng của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- dieu_chinh_chinh_sach_thue_tieu_dung_cua_viet_nam_trong_boi.pdf
Nội dung text: Điều chỉnh chính sách thuế tiêu dùng của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế
- 58 HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH THUẾ TIÊU DÙNG CỦA VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA NỀN KINH TẾ Nguyễn Đình Chiến* TÓM TẮT: Thuế tiêu dùng là loại thuế chịu ảnh hưởng lớn từ hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế, chính sách thuế tiêu dùng cần được điều chỉnh để chủ động nắm bắt cơ hội cũng như đối mặt với những thách thức và có những ứng xử phù hợp để vừa đảm bảo thu ngân sách, vừa quản lý và điều tiết các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong xã hội. Bài viết tập trung vào đánh giá chính sách thuế tiêu dùng hiện hành của Việt Nam và đề xuất các điều chỉnh để chính sách thuế này phát huy vai trò của mình trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế tại Việt Nam. Từ khóa: Chính sách thuế, Thuế tiêu dùng, Thu ngân sách, Thuế giá trị gia tăng, Thuế xuất khẩu nhập khẩu, Thuế tiêu thụ đặc biệt ABTRACT: Consumption tax is a tax largely influenced by international integration. In the context of globalization of the economy, the consumption tax policy should be adjusted to proactively seize opportunities as well as face challenges and take appropriate actions to both ensure budget revenue, manage and regulate the production, business and consumption activities in the society. The paper focuses on assessing Vietnam‘s current consumption tax policy and suggesting adjustments so that this tax policy promote its role in the context of economic globalization in Vietnam. Key words: Tax policy, Consumption tax, Budget revenue, Value added tax, Import and export tax, Excise tax 1. KHÁI QUÁT VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ TIÊU DÙNG Ở VIỆT NAM Chính sách thuế tiêu dùng được hiểu là hệ thống những quan điểm, đường lối, phương châm điều tiết phần thu nhập dành cho tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân trong xã hội thông qua thuế tiêu dùng. Biểu hiện cụ thể của chính sách thuế tiêu dùng là các quy định tại các sắc thuế thuộc loại thuế tiêu dùng trong hệ thống thuế các quốc gia. Các sắc thuế tiêu dùng tiêu biểu hiện nay là thuế giá trị gia tăng (GTGT - điều tiết đối với hầu hết các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB - chỉ điều tiết đối với một số hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trong danh mục quy định như thuốc lá, rượu, bia, giải trí đặc biệt ), thuế bảo vệ môi trường (BVMT - điều tiết đối với các hàng hóa mà trong quá trình nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, lưu trữ và tiêu dùng có ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái) và thuế xuất khẩu, nhập khẩu (XK NK - áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu). * Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính, Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Tác giả nhận phản hồi: Email: nguyendinhchien@hvtc.edu.vn - Điện thoại: 0913579977
- HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA 59 Chính sách thuế tiêu dùng ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2018 được thể hiện qua các sắc thuế cụ thể sau: - Chính sách thuế XK NK: thực hiện theo Luật thuế XK NK số 45/2005/QH11 ngày 14/6/2005 (giai đoạn 2011- 2016) và Luật thuế XK NK số 107/2016/QH13 ngày 06/4/2016 (từ 2016 đến nay). - Chính sách thuế GTGT: thực hiện ở Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009. Sau đó, Luật này đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo các Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014; Luật số 106/2016/QH13 ngày 06/04/2016. - Chính sách thuế TTĐB: thực hiện ở Luật thuế TTĐB số 27/2008/QH12 ngày 14/11/2008. Sau đó, Luật này đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo các Luật số 70/2014/QH13 ngày 26/11/2014; Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014; Luật số 106/2016/QH13 ngày 06/04/2016. - Chính sách thuế BVMT: thực hiện ở Luật thuế BVMT số 57/2011/QH12 ngày 15/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Những kết quả đạt được của chính sách thuế tiêu dùng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2018 Chính sách thuế tiêu dùng thực thi ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2018 về cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Thể hiện cụ thể qua các nội dung sau: Thứ nhất, Chính sách thuế tiêu dùng đã góp phần huy động nguồn thu lớn, ổn định cho ngân sách nhà nước Biểu đồ 1: Kết quả thu thuế tiêu dùng trong tổng thu từ thuế và tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2018 [Nguồn: Tổng cục Thống kê, Tông cục thuế và tự tính toán] Với đặc điểm là điều tiết vào các hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, thuế tiêu dùng là loại thuế có phạm vi điều tiết rất rộng nên loại thuế này có khả năng mang lại nguồn thu lớn, ổn định cho ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn 2011 - 2018, chính sách thuế tiêu dùng của Việt Nam đã phát huy tốt vai trò huy động nguồn thu, tổng số thu của 4 sắc thuế thuộc loại thuế tiêu dùng của Việt Nam luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu về thuế (chiếm từ trên 46% đến gần 60%) cũng như trong tổng thu của ngân sách nhà nước (chiếm từ trên 40% đến gần 48%).
- 60 HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA Về từng sắc thuế cụ thể, thuế GTGT là sắc thuế chiếm tỷ trọng lớn nhất. Số thuế GTGT thu được đều có sự gia tăng qua các năm (nhất là số thuế GTGT thu được từ hoạt động SXKD trong nước) và chiếm khoảng 25% trong tổng thu NSNN, 32% tổng thu từ thuế. Thuế XKNK cũng đã huy động được số thu đáng kể, góp phần ổn định nguồn thu cho NSNN và phát huy vai trò quản lý của Nhà nước trong chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế. Tổng thu về thuế XKNK trong giai đoạn này hầu hết đều vượt dự toán do Quốc hội giao, giúp cho ngành Hải quan Việt Nam cơ bản hoàn thành vượt mức dự toán thu (trừ năm 2012 và 2013 do chịu tác động lớn của kinh tế thế giới). Biểu đồ 2: Số thu của từng sắc thuế trong tổng thu từ thuế tiêu dùng giai đoạn 2011 - 2018 (tỷ đồng) [Nguồn: Tổng cục Thống kê, Tổng cục thuế và tự tính toán] Đối với thuế TTĐB, trong điều kiện hội nhập thời gian qua, số thu cũng chịu tác động lớn của việc cắt giảm thuế quan và thực hiện các FTA, tuy nhiên, số thu từ sắc thuế này cũng có sự gia tăng đáng kể. Ngoài ra, qua gần 8 năm thực hiện, số thu từ thuế BVMT đã có sự tăng trưởng so với số thu từ phí xăng dầu trước đây, góp phần tạo nguồn thu NSNN trang trải các chi phí liên quan đến việc bảo vệ, khắc phục các tổn hại về môi trường, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững và thuế BVMT. Bên cạnh vai trò đảm bảo nguồn thu NSNN của chính sách thuế tiêu dùng nói trên, các sắc thuế tiêu dùng còn đóng góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh cơ cấu thu ngân sách theo hướng bền vững. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN đã gia tăng qua các năm, trong khi tỷ trọng thu từ dầu thô không ổn định và có xu hướng giảm xuống, thu từ cân đối XKNK cũng giảm dần, thu từ viện trợ chiếm tỷ trọng không đáng kể. Thứ hai, Chính sách thuế tiêu dùng của Việt Nam đã đảm bảo phù hợp thông lệ quốc tế, thực hiện các cam kết trong WTO, đáp ứng yêu cầu hội nhập khi thực thi các hiệp định song phương, đa phương đã ký kết Chính sách thuế tiêu dùng của Việt Nam ngay từ năm 2005 đã được rà soát, loại bỏ tất cả những quy định trái với nguyên tắc, thông lệ chung của WTO để Việt Nam thực hiện tham gia đầy
- HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA 61 đủ vào WTO. Trong giai đoạn 2011 - 2018, chính sách thuế tiêu dùng tiếp tục có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo bám sát với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, điều chỉnh kịp thời các biến động của nền kinh tế phù hợp với điều kiện hội nhập theo các cam kết song phương, đa phương mà Việt Nam có ký kết hoặc tham gia. Chính sách thuế XNK đã tạo lập khuôn khổ pháp lý trong việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại. Các quy định tại Luật thuế XKNK đã tạo thuận lợi cho Việt Nam trong chủ động đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện cam kết quốc tế về thuế trong WTO, Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN/AFTA, Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ cũng như các Hiệp định thương mại đa phương, song phương khác đúng lộ trình và có trách nhiệm. Ngoài ra, việc quy định các biện pháp phòng vệ về thuế để tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống phân biệt đối xử trong nhập khẩu hàng hóa và đã được Luật hóa trong Luật thuế XNK năm 2016 đã tạo cơ sở pháp lý cần thiết, quan trọng cho việc áp dụng các biện pháp phòng vệ về thuế, bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Chính sách thuế GTGT cũng được hoàn thiện theo hướng phù hợp với thông lệ chung thông qua các quy định như áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa xuất khẩu, hoàn thuế GTGT cho các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA hoặc viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo; hoàn thuế cho đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao; hoàn thuế cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp được hoàn thuế đối với hàng hóa mua tại Việt Nam mang theo người khi xuất cảnh Cùng với đó, các quy định trong Luật thuế TTĐB, luật thuế BVMT đã đảm bảo yêu cầu đối xử bình đẳng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu, đồng thời có lộ trình xây dựng mức thuế phù hợp cho mức độ phát triển các ngành sản xuất hàng hóa chịu thuế trong nước. Như vậy, về cơ bản, chính sách thuế tiêu dùng của Việt Nam đã đảm bảo phù hợp với quá trình hội nhập, làm tiền đề mở ra những cơ hội phát triển kinh tế, giao thương văn hóa và hợp tác chặt chẽ về chính trị, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ huy động nguồn thu cho NSNN, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, thực hiện thành công hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ ba, Chính sách thuế tiêu dùng đã hướng đến điều tiết vĩ mô nền kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững Chính sách thuế tiêu dùng thông qua các quy định tại Luật thuế XKNK đã góp phần bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc đối với một số nhóm mặt hàng, ngành nghề cụ thể phù hợp với tiến trình hội nhập và định hướng phát triển. Chính sách thuế GTGT cũng đã có những sửa đổi, điều chỉnh các nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế, tạo điều kiện cho việc tính thuế, khấu trừ thuế được liên hoàn giữa các khâu trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Việc sắp xếp, điều chỉnh lại hợp lý các nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5% và 10% đã góp phần nâng cao sự minh bạch về chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ Việt Nam trên thị trường quốc tế, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Chính sách thuế TTĐB cũng đã trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước điều tiết sản xuất, hướng dẫn tiêu dùng và phân phối thu nhập góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Thuế suất thuế TTĐB cũng được điều chỉnh theo hướng vừa điều tiết hợp lý thu nhập của người nộp thuế, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển theo định hướng của Nhà nước.
- 62 HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA Ngoài ra, chính sách thuế BVMT đã góp phần nâng cao ý thức chung về BVMT trong tiêu dùng hàng hóa, hạn chế việc sản xuất, sử dụng các hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường, qua đó đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững gắn với trong điều kiện toàn cầu hóa. Thứ tư, Chính sách thuế tiêu dùng cơ bản đã đảm bảo được tính rõ ràng, minh bạch, khả thi, nâng cao tính hiệu lực và ý thức tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế Chính sách thuế tiêu dùng đã thực hiện việc tập trung, đồng bộ các quy định về thuế tại các văn bản quy phạm pháp khác, tạo thuận lợi cho việc thực hiện. Các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật thuế được xây dựng tương đối đồng bộ và đầy đủ; bảo đảm về kỹ thuật soạn thảo, sử dụng từ ngữ chính xác, rõ ràng, nội dung minh bạch và đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Các quy định pháp luật về thuế XKNK đã tạo ra hành lang pháp lý cho người khai hải quan, đồng thời cũng đòi hỏi các đối tượng này phải có ý thức tuân thủ pháp luật, tăng cường chất lượng thi hành chính sách thuế XKNK trong toàn quốc, tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, do có phạm vi điều tiết rộng, danh mục hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế không nhiều, nên thuế GTGT về cơ bản đảm bảo được tính liên hoàn giữa các khâu luân chuyển của hàng hóa, dịch vụ; đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý và bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh trong xã hội. Tính liên hoàn giữa các khâu luân chuyển hàng hóa nói trên cùng với yêu cầu về sử dụng hóa đơn, chứng từ trong sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế đã tạo ra sự kiểm soát lẫn nhau giữa các đối tượng này, hạn chế được các gian lận về thuế, nâng cao hiệu quả quản lý và làm tăng khả tính khả thi của sắc thuế này trong quá trình áp dụng. Ngoài ra, một số quy định của Luật thuế GTGT hiện hành cũng đã góp phần nâng cao tính khả thi, tính hiệu lực của chính sách thuế GTGT như: quy định rõ các trường hợp không phải khai, tính, nộp thuế GTGT; quy định trường hợp tiêu dùng nội bộ phục vụ sản xuất kinh doanh chịu thuế GTGT không phải lập hóa đơn; quy định rõ dịch vụ xuất khẩu không chịu thuế GTGT; đưa ra các quy định rất cụ thể về nguyên tắc, cách thức, điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào; quy định các trường hợp được hoàn thuế GTGT và các trường hợp không được hoàn thuế GTGT do không đầy đủ hồ sơ, chứng từ hay không thực hiện đầy đủ các văn bản pháp luật có liên quan 2. MỘT SỐ HẠN CHẾ CỦA CHÍNH SÁCH THUẾ TIÊU DÙNG HIỆN HÀNH Ở VIỆT NAM Một là, cơ sở thuế của thuế tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa được mở rộng tương xứng Cơ sở thuế của thuế tiêu dùng chính là các hàng hóa, dịch vụ có thể đưa vào diện chịu sự điều tiết của các sắc thuế thuộc loại thuế tiêu dùng. Các sắc thuế tiêu dùng của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều khoảng trống về cơ sở thuế cần thiết phải được xem xét, bổ sung nhằm hoàn thiện hơn về nội dung này. Cụ thể: - Luật Thuế XKNK hiện hành còn quy định 23 trường hợp miễn thuế làm cho cơ sở thuế đã bị thu hẹp đáng kể, đồng thời các quy định này còn làm cho chính sách thuế thêm phức tạp, có thể bị người nộp thuế lợi dụng, gian lận, làm suy yếu cơ sở tính thuế và tạo ra những thách thức cho công tác quản lý thuế, dẫn đến gây thất thu ngân sách nhà nước. - Luật Thuế GTGT hiện này có quy định 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT với nhiều lý do khác nhau. Có thể thấy, là thuế gián thu có tính chất điều tiết chung, thuế GTGT cần phải tuân thủ nguyên tắc bao quát hầu hết hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Việc qui định đối tượng không chịu thuế rộng như hiện nay đã làm giảm cơ sở thuế,
- HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA 63 giảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước và việc kiểm tra, giám sát cũng gặp nhiều khó khăn. - Thuế TTĐB hiện hành chỉ điều tiết đối với 10 nhóm hàng hóa, 6 loại hình dịch vụ. So với nhiều quốc gia khác, số lượng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB của Việt Nam ít hơn rất nhiều. Ví dụ, danh mục chịu thuế TTĐB của Malayxia là 17 loại hàng hóa, của Hungari là 22 loại hàng hóa, của Thụy Điển là 19 loại hàng hóa Một số loại hàng hóa, dịch vụ được nhiều nước đưa vào diện chịu thuế TTĐB nhưng ở Việt Nam vẫn chưa đánh thuế này như các sản phẩm trang sức và đá quý cao cấp, đồng hồ đeo tay cao cấp, mỹ phẩm cao cấp, sản phẩm từ da lông thú, đồ nội thất cao cấp, thiết bị điện tử cao cấp Bên cạnh đó, chính sách thuế TTĐB hiện hành cùng quy định thêm các trường hợp không chịu thuế TTĐB nên cũng làm thu hẹp thêm cơ sở thuế TTĐB. - Tương tự, danh mục chịu thuế BVMT theo quy định hiện hành gồm 8 loại hàng hóa có ảnh hưởng không tốt đến môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều sản phẩm, hàng hóa khác có khả năng gây ô nhiễm môi trường nhưng lại chưa được đưa vào diện điều chỉnh của Luật thuế BVMT. Đây là một trong những lý do khiến cho thuế BVMT có sơ sở thuế hẹp, mức độ tác động không lớn, được ít người tiêu dùng quan tâm, số thu còn khá khiêm tốn. Rõ ràng, trong điều kiện hội nhập, nhu cầu về nguồn thu của ngân sách ngày càng tăng, chính sách thuế tiêu dùng nên xem xét mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung thêm các đối tượng chịu thuế để tăng nguồn thu, đồng thời nâng cao khả năng điều tiết sản xuất, hướng dẫn tiêu dùng nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Hai là, các quy định của pháp luật thuế tiêu dùng vẫn còn bất cập, phức tạp chưa thực sự thúc đẩy sản xuất kinh doanh, gây khó khăn trong việc thực thi và tuân thủ Chính sách thuế tiêu dùng hiện nay thông qua các văn bản pháp luật quy định các sắc thuế cụ thể mặc dù đã được hoàn thiện dần, nhưng vẫn còn những điểm bất hợp lý, gây khó khăn cho việc vận dụng trong quá trình quản lý thuế của cơ quan thuế cũng như tuân thủ thuế của người nộp thuế. Trước hết, về phạm vi áp dụng: việc quy định các trường hợp được miễn thuế XKNK, trường hợp không chịu thuế GTGT, hàng hóa chịu thuế TTĐB, chịu thuế BVMT còn phức tạp. Tiêu thức xem xét vừa xác định theo tính chất của hàng hóa, vừa theo mục đích sử dụng, có trường hợp lại theo cách thức sử dụng, đối tượng kinh doanh gây khó khăn, phức tạp trong xác định các đối tượng, trường hợp này, dẫn đến những kẽ hở mà người nộp thuế có thể lợi dụng khi khai báo để giảm nghĩa vụ thuế. Về mức độ điều tiết: biểu thuế suất thuế NK hiện hành của Việt Nam có nhiều mức thuế, gây khó khăn trong áp dụng và quản lý. Việc tồn tại hai mức thuế suất thuế GTGT ngoài mức thuế suất 0% xét về dài hạn vẫn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp và không hiệu quả trong thực tiễn vận hành dẫn đến những tùy tiện trong vận dụng, tạo ra cơ hội trốn lậu thuế và tăng chi phí kiểm tra, kiểm soát thuế. Cùng với đó, thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu, bia hiện nay chưa phù hợp với mặt bằng chung của các nước trên thế giới để đảm bảo đúng mục tiêu là hạn chế tiêu dùng những mặt hàng có hại cho sức khỏe hoặc có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Ngoài ra, mức thuế tuyệt đối của thuế BVMT cũng chưa thực sự hợp lý, đặc biệt là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều, có ảnh hưởng nhiều đến môi trường như xăng, dầu, túi nilon Bên cạnh đó, các quy định về hoàn thuế GTGT cũng chưa thực sự hợp lý khi doanh nghiệp có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết không được hoàn thuế mà chuyển khấu trừ vào kỳ tính thuế tiếp theo. Ngoài ra, việc khai thuế, nộp thuế BVMT đối với xăng dầu nhập khẩu cũng còn các vướng
- 64 HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA mắc khi quy định xăng dầu nhập khẩu để bán sẽ khai nộp thuế BVMT khi bán trong nước, còn xăng dầu nhập khẩu để sử dụng cho mục đích khác sẽ khai nộp thuế BVMT tại khâu nhập khẩu. Bất cập ở đây là xăng dầu nhập khẩu có bị tính thuế ngay tại khâu nhập khẩu hay không là do mục đích sử dụng của chúng là nhập khẩu về để bán hay để sử dụng cho mục đích khác, khi đó, sẽ dẫn đến những trường hợp thay đổi mục đích sử dụng sau khi nhập khẩu để trốn tránh nghĩa vụ thuế, không đảm bảo nguyên tắc hàng nhập khẩu chịu thuế phải nộp thuế tại khâu nhập khẩu, không phân biệt mục đích sử dụng. Ba là, Chính sách thuế tiêu dùng vẫn chưa đảm bảo tính ổn định Một hệ thống chính sách thuế thường có yêu cầu về tính linh hoạt để đảm bảo tính thích ứng và điều tiết kịp thời các biến động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nếu hệ thống chính sách thuế đó được thay đổi, bổ sung nhanh và nhiều lần trong ngắn hạn thì lại không đáp ứng được yêu cầu chắc chắn, ổn định. Thực tế ở Việt Nam, các sắc thuế thường được sửa đổi, bổ sung trong phạm vi từ ba đến bốn năm một lần, cá biệt, có sắc thuế sửa một năm một lần. Cụ thể: Luật thuế GTGT năm 2008 được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2013, 2014, 2016; Luật thuế TTĐB năm 2008 được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2014 (2 lần tại Luật số 70/2014/QH13 và Luật số 71/2014/QH13) và năm 2016. Ngoài ra, trong các năm 2012, 2013, 2014, Quốc hội đã ra các Nghị quyết để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp như giảm, giãn, miễn thuế. Việc thay đổi thường xuyên, liên tục chính sách thuế sẽ gây bất lợi lớn cho việc hoạch định kế hoạch trung hạn, dài hạn của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và từ đó cũng gây tác động không nhỏ đến nguồn thu ngân sách nhà nước. 3. BỐI CẢNH VÀ QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH THUẾ TIÊU DÙNG CỦA VIỆT NAM THỜI GIAN TỚI Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Nền kinh tế Việt Nam đang vận động trong xu hướng toàn cầu hóa và chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ các diễn biến của nền kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn 2020-2025, tình hình xuất khẩu, nhập khẩu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu thế giới, đặc biệt là những đối tác nhập khẩu lớn của Việt Nam tăng lên; thương mại và đầu tư thế giới cũng gia tăng; các hiệp định thương mại song phương và đa phương bắt đầu phát huy tác dụng. Trong các Hiệp định thương mại có hiệu lực thời gian tới, phải kể đến Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hai Hiệp định sẽ có tác động quan trọng đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nói riêng và tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung cũng như tác động đến việc hoàn thiện chính sách thuế tiêu dùng của Việt Nam trong thời gian tới. Trước bối cảnh chung đó, những quan điểm, mục tiêu cụ thể trong điều chỉnh chính sách thuế tiêu dùng của Việt Nam thời gian tới là: - Chính sách thuế tiêu dùng phải phù hợp với thông lệ quốc tế, khuyến khích thu hút đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, bảo đảm lợi ích quốc gia; đồng thời thực hiện bảo hộ hợp lý, có chọn lọc, có thời hạn đối với các ngành kinh tế, ngành công nghiệp trọng điểm tạo nền tảng cho việc thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế. - Chính sách thuế tiêu dùng cần được điều chỉnh theo hướng tăng thu thuế nội địa theo hướng
- HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA 65 mở rộng diện đánh thuế, nộp thuế, hạn chế miễn giảm thuế với hệ thống thuế suất đảm bảo tỉ lệ động viên vào ngân sách nhà nước ở mức hợp lý. - Đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, tiếp cận với công nghệ thông tin hiện đại; tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế trong quá trình tuân thủ thuế cũng như cho cơ quan quản lý thuế trong quá trình thực thi chính sách. 4. CÁC GIẢI PHÁP ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH THUẾ TIÊU DÙNG Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2020 - 2025 Thứ nhất, mở rộng cơ sở thuế tiêu dùng Đối với thuế XKNK: cơ sở thuế có thể được mở rộng thông qua việc giảm các trường hợp được miễn thuế. Trong đó, những mặt hàng tiêu dùng đa mục đích (như vừa phục vụ cho hoạt động giáo dục, vừa phục vụ cho các hoạt động văn phòng, công sở; vừa phục vụ cho hoạt động BVMT, nghiên cứu khoa học, vừa sử dụng để kinh doanh ) nên đưa ra khỏi diện được miễn thuế nhập khẩu. Bởi vì, hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế sẽ không phải nộp thuế nhập khẩu, nhưng khi hàng hóa này đến tay người tiêu dùng thì không thể đánh giá được việc miễn thuế ở khâu nhập khẩu có tác động hay có đem lại lợi ích gì cho người tiêu dùng hay không? Rất có thể sẽ dẫn đến việc người nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng này sẽ được hưởng lợi từ việc miễn thuế nhập khẩu, còn người trực tiếp sử dụng các hàng hóa này đúng mục đích lại không được hưởng lợi. Ngoài ra, hiện hành các sắc thuế tiêu dùng, thuế thu nhập nội địa cũng đã có những ưu đãi nhất định đối với các hoạt động liên quan đến giáo dục, y tế, nông nghiệp, BVMT rồi, nên không đưa các hàng hóa có thể sử dụng cho các hoạt động này vào diện được miễn thuế nhập khẩu nữa. Đối với thuế GTGT: qua phân tích, đánh giá cụ thể từng nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT theo quy định hiện hành, có thể nhận thấy, trong thời gian trước mắt, cần chuyển các nhóm hàng hóa, dịch vụ sau từ không chịu thuế sang chịu thuế GTGT nhằm mở rộng cơ sở thuế GTGT: - Phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác; giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền. Việc điều chỉnh này sẽ giúp cho ngành sản xuất trong nước các mặt hàng trên giải quyết được khó khăn khi được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, đảm bảo sự bình đẳng và tăng sức cạnh tranh đối với hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, đối với các sản phẩm như thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác là sản phẩm đa mục đích (có thể sử dụng vào mục đích khác, thậm chí có thể làm thức ăn cho con người), việc chuyển sang chịu thuế sẽ hạn chế sự lợi dụng, gian lận khi người nộp thuế cố tình khai báo sai mục đích sử dụng để không bị chịu thuế. Các hàng hóa như máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cũng nên điều chỉnh tương tự. - Một số hoạt động có tính chất công cộng như dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng; Vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện; tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp nếu do các tổ chức, cá nhân thuộc lĩnh vực tư cung cấp với mục đích kinh doanh thì nên đưa các hoạt động này vào diện chịu thuế GTGT. Điều này sẽ phù hợp trong điều kiện việc cung cấp các hàng hoá, dịch vụ công cộng sẽ có sự tham gia mạnh mẽ của lĩnh vực tư nhằm mục đích kinh doanh Việc chuyển các nhóm này sang đối tượng chịu thuế không chỉ góp phần mở rộng cơ sở thuế, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, mà còn đảm bảo công bằng giữa các hoạt động sản xuất
- 66 HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA kinh doanh; đồng thời giúp cho hoạt động bảo hộ sản xuất nội địa tốt hơn, do khi đó các hàng hóa này cũng phải chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu. Đối với thuế TTĐB: Trong những năm tới, có thể cân nhắc mở rộng cơ sở thuế TTĐB bằng cách bổ sung vào diện chịu thuế các hàng hóa, dịch vụ sau đây - Đồ uống có đường: Đây là loại nước giải khát được nhiều người yêu thích nhưng việc sử dụng chúng gắn liền với tăng năng lượng nạp vào cơ thể dẫn đến tăng cân và béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu khác đến sức khoẻ bao gồm tim mạch và tiểu đường. Hiện trên thế giới đã có trên 40 nước thu thuế TTĐB đối với loại đồ uống này trong đó có 6 nước ASEAN đã thu thuế và xem xét thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt*. Do đó, việc bổ sung loại nước ngọt có đường vào diện chịu thuế TTĐB là phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay và thời gian tới cũng như theo thông lệ chung các nước đã thực hiện. - Nước hoa, mỹ phẩm cao cấp, dịch vụ thẩm mỹ: Trong những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được nâng cao đáng kể nên một bộ phận dân cư có thu nhập trung bình khá trở lên sử dụng ngày càng nhiều các sản phẩm nước hoa, mỹ phẩm và đến với dịch vụ thẩm mỹ. Việc điều tiết thu nhập của bộ phận dân cư này là phù hợp với nguyên tắc đánh thuế TTĐB, vừa tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa góp phần đảm bảo công bằng xã hội. - Các sản phẩm điện tử cao cấp như dàn âm thanh, máy ảnh, điện thoại di động không phải là nhu cầu thiết yếu nên việc điều tiết một phần thu nhập của người mua các sản phẩm điện tử cao cấp này qua thuế TTĐB là một giải pháp hợp lý nhằm mở rộng cơ sở thuế để tăng thu thuế từ những người có khả năng chi trả khoản thuế này. Có thể thấy, các hàng hóa, dịch vụ nói trên trong điều kiện hiện nay cũng như thời gian tới là những loại hàng hóa, dịch vụ cao cấp mà thành phần sử dụng đa số là những người có thu nhập cao trong xã hội. Việc mở rộng diện chịu thuế TTĐB với những hàng hóa, dịch vụ này sẽ góp phần điều tiết thu nhập, định hướng tiêu dùng, mở rộng thêm được nguồn thu. Đối với thuế BVMT: Một số loại hàng hóa cần nghiên cứu đưa vào diện chịu thuế BVMT trong thời gian tới bao gồm: Phân bón hóa học, chất tẩy rửa, chất kích thích tăng trưởng, khí than, khí thiên nhiên, pin, ắc quy Các sản phẩm này hiện nay đang được sử dụng nhiều và cũng khó quản lý. Nếu quá trình sử dụng không đúng quy định sẽ gây đột biến gen, dị dạng, ung thư đối với con người, gây ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí. Mặc dù, mỗi loại có tính chất hóa lý khác nhau, cơ chế gây độc khác nhau nhưng ít nhiều đều có tác hại đến môi trường. Bởi đây rõ ràng là những sản phẩm mà trong quá trình sản xuất, lưu thông, lữu trữ, tiêu dùng hay vứt bỏ chúng đều có tác động xấu đến sức khỏe con người, đến môi trường sinh thái. Việc đánh thuế BVMT đối với các sản phẩm này sẽ góp phần tác động đến người sử dụng các hàng hóa này, họ có thể cân nhắc hạn chế sử dụng và qua đó động viên số thu ngân sách nhà nước để sử dụng cho mục đích BVMT. Thứ hai, điều chỉnh một số quy định của các sắc thuế tiêu dùng theo hướng rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho việc thực thi - Đối với thuế XKNK, cần nghiên cứu đầy đủ và áp dụng toàn phần hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (HS) trong xác định mã hàng hóa và thuế suất. Nhanh chóng đưa các mặt hàng với các chủng loại, quy cách mới vào hệ thống đảm bảo hài hòa với các nước liên quan để thực * Dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính kèm công văn số 10958/BTC-CST ngày 17/8/2017 Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB, Luật thuế thu nhập DN, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên
- HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA 67 hiện thống nhất, tránh những sai sót, nhầm lẫn hoặc các vướng mắc trong quá trình áp dụng, vừa gây khó khăn trong quản lý, vừa không đảm bảo yêu cầu công bằng. - Đối với thuế GTGT, cần quy định rõ ràng, đầy đủ hơn các trường hợp không chịu thuế GTGT, trong đó, xác định rõ như thế nào là hàng hóa nông sản, lâm sản, thủy sản đánh bắt, nuôi trồng chưa qua chế biến hoặc mới qua sơ chế thông thường, cách phân biệt với các sản phẩm này đã qua chế biến. Đồng thời, các quy định về đối tượng không chịu thuế cần được quy định rõ ràng hơn nhất là các trường hợp dựa trên đối tượng kinh doanh, mục đích sử dụng để xác định chịu thuế hay không chịu thuế. Bên cạnh đó, cần xem xét, điều chỉnh về phương pháp tính thuế GTGT: phương pháp khấu trừ thuế là phương pháp chính thống của chính sách thuế GTGT, thể hiện đúng việc điều tiết vào phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ và tính liên hoàn của thuế GTGT qua các giai đoạn luận chuyển. Phương pháp tính trực tiếp trên GTGT theo quy định hiện hành của Việt Nam rõ ràng không phải là một nội dung của thuế GTGT, bởi vì chủ yếu thuế được tính trên cơ sở doanh thu nhân với tỷ lệ thuế GTGT ấn định (trừ hoạt động kinh doanh vàng bạc, đá quý). Do vậy, trong tương lai, cần xem xét chỉ quy định một phương pháp tính thuế GTGT là phương pháp khấu trừ thuế, các trường hợp hiện tại chưa thể áp dụng phương pháp khấu trừ thuế sẽ được tiếp tục hoàn thiện về sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ để áp dụng phương pháp này. Các quy định về hóa đơn điện tử, hình thành cơ sở dữ liệu về khai thuế, tính thuế của người nộp thuế hiện hành cũng đang là một trong những điều kiện đang được triển khai để thực hiện được nội dung nêu trên. Ngoài ra, cần sửa đổi các quy định về hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu và các doanh nghiệp có thuế suất thuế GTGT đầu ra nhỏ hơn thuế suất thuế GTGT đầu vào. Bởi vì, theo quy định hiện hành, các DN khởi nghiệp đã đầu tư một lượng vốn ban đầu rất lớn nhưng đang trong quá trình đầu tư, chưa phát sinh doanh thu, chưa phát sinh thuế GTGT đầu ra hoặc đã phát sinh nhưng còn rất thấp họ vẫn không được hoàn thuế, gây khó khăn trong thời gian đầu tư ban đầu. Do đó, cần bổ sung quy định các doanh nghiệp mới thành lập, trong giai đoạn đầu tư có số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết ở một mức nào đó sẽ được hoàn số thuế đầu vào chưa được khấu trừ hết. Tương tự, một số doanh nghiệp sản xuất các loại hàng hóa đang áp dụng thuế suất 5%, có thuế GTGT đầu ra thấp, nhưng khi doanh nghiệp mua sắm nguyên, nhiên vật liệu, hoặc nhập khẩu thiết bị để nâng cấp, bổ sung, thay thế thiết bị cũ, lạc hậu hoặc hết giá trị sử dụng sẽ phát sinh thuế GTGT đầu vào với thuế suất 10% làm cho số thuế đầu vào lớn, không thể khấu trừ hết trong nhiều kỳ cũng cần được xem xét hoàn thuế để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp này. - Đối với thuế TTĐB, cần điều chỉnh quy định về đối tượng chịu thuế TTĐB là thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm từ cây thuốc lá dùng để nhai, hút, hít, ngửi ngậm. Với cách quy định loại hàng hóa chịu thuế này, rõ ràng chúng đang được xác định vừa dựa trên mặt hàng, vừa dựa trên mục đích sử dụng và dựa cả vào cách thức sử dụng, đồng thời các văn bản hướng dẫn kèm theo không thống nhất. Bên cạnh đó, các quy định về khấu trừ thuế TTĐB đối với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu hàng hóa về tiêu thụ cũng cần rõ ràng hơn khi phát sinh số thuế tính trên hàng hóa bán thấp hơn thuế đầu vào khấu trừ. Ngoài ra, cần nghiên cứu đơn giản hóa biểu thuế TTĐB hiện hành. Tuy sắc thuế này nhằm mục tiêu chủ yếu là điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt nên để đảm bảo yêu cầu điều tiết đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể, mức điều tiết cần chi tiết theo từng loại hàng hóa. Nhưng biểu thuế TTĐB hiện hành là quá phức tạp, chi tiết, nhất là đối với mặt hàng rượu, ô-tô, gây khó khăn trong tuân thủ và thực thi. Trong thời gian tới, cần nghiên cứu lại các mức thuế suất của các hàng hóa này theo hướng
- 68 HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA đơn giản hóa, giảm bớt số lượng thuế suất, giảm bớt sự chi tiết quá mức đối với từng chủng loại sản phẩm để đảm bảo tính rõ ràng, khả thi của sắc thuế này. - Đối với thuế BVMT, cần quy định chi tiết, cụ thể hơn về túi ni-lông chịu thuế. Luật thuế BVMT hiện nay chỉ tính thuế đối với túi ni-lông làm từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE hoặc LLDPE, trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định. Trong khi đó, túi ni-lông trên thị trường hiện hành được làm từ rất nhiều loại nhựa khác nhau, không chỉ ba loại quy định nêu trên, do đó, cần phải có các quy định rõ ràng hơn về các loại túi ni-lông có thành phần hạt nhựa nguyên liệu khác nhau, các căn cứ xác định là gì, trong trường hợp không có các căn cứ thì cách thức xác định như thế nào, trách nhiệm của NNT trong kê khai thuế như thế nào Tương tự, đối với các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng chịu thuế BVMT cũng cần bổ sung thêm các quy định cụ thể hơn, bao gồm cả phương pháp xác định, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm định, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có thành phần để giúp cơ quan thuế xác định được đúng đối tượng chịu thuế, đồng thời quản lý, kiểm soát được việc nhập khẩu, sản xuất và sử dụng các sản phẩm này trên thị trường Việt Nam. Ngoài ra, cần xem xét, điều chỉnh thời điểm tính thuế đối với xăng dầu nhập khẩu: theo quy định hiện hành, xăng dầu nhập khẩu về để bán thì kê khai nộp thuế BVMT với cơ quan thuế, còn xăng dầu nhập khẩu để phục vụ sản xuất, tiêu dùng thì kê khai, nộp thuế với cơ quan hải quan ngay khi nhập khẩu. Quy định này có thể dẫn đến thất thoát tiền thuế đối với phần xăng dầu do chính các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tiêu thụ và có thể số lượng xăng dầu kê khai xuất bán ít hơn số lượng xăng dầu thực tế nhập khẩu. Vì vậy, nên điều chỉnh quy định về việc thu thuế BVMT, giao cho cơ quan Hải quan thu các loại thuế phát sinh tại cửa khẩu nhập, phù hợp với quy định của Luật quản lý thuế. Thứ ba, điều chỉnh mức độ điều tiết của các sắc thuế tiêu dùng để vừa đảm bảo nguồn thu NSNN, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển - Xem xét, điều chỉnh thuế suất thuế GTGT: Trong bối cảnh hội nhập, một số nguồn thu suy giảm và không bền vững thì việc điều chỉnh thuế suất thuế GTGT với mục tiêu tiếp tục tăng tỷ trọng số thu của thuế GTGT trong trung hạn và dài hạn là cần thiết. Trước mắt, vẫn giữ mức thuế suất 5% bên cạnh thuế suất 10% và thuế suất 0%; tuy nhiên, cần thu hẹp dần diện chịu thuế 5% để tiến tới áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT ngoài thuế suất 0%. Khi đó, các mặt hàng có nhiều công dụng hay có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau cần đưa về thuế suất 10% để hạn chế gian lận, đồng thời thực hiện được xu hướng thu hẹp thuế suất 5% như lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá; thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, y tế, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học Bên cạnh đó, nhóm các hàng hóa như hoạt động văn hoá, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim, trình diễn thời trang, thi người mẫu, bóng đá, chiếu bóng, cung cấp nước sạch hiện đang áp dụng thuế suất 5%. Tuy nhiên, hiện nay, việc cung cấp các loại hàng hóa, dịch vụ này đã được xã hội hoá sâu rộng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế nhằm mục đích lợi nhuận, do đó, cũng cần thiết phải chuyển sang chịu mức thuế suất 10%. Trong dài hạn, cần xem xét điều chỉnh thuế suất thuế GTGT theo định hướng chỉ nên giữ lại một mức thuế suất ngoài thuế suất 0%. Đây cũng là một mục tiêu đã được đặt ra trong Chiến lược cải cách và hiện đại hóa hệ thống thuế Việt Nam đến năm 2010, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực
- HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA 69 hiện được, nên cần tiếp tục đưa ra xem xét, hoàn thiện trong thời gian tới. Hiện nay, hầu hết hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT đều áp dụng thuế suất 10%, 14 nhóm chịu thuế suất 5% và 25 nhóm không chịu thuế. Do vậy, nên chuyển tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế 5% lên chịu thuế suất 10% và bỏ mức thuế suất 5%. Khi điều chỉnh như vậy sẽ có một vấn đề phát sinh, đó là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với sản xuất và tiêu dùng của đại bộ phận dân cư (thực phẩm tươi sống, máy móc và thiết bị y tế, nông sản chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế ở khâu kinh doanh thương mại ) hiện đang áp dụng thuế suất 5% sẽ phải đưa về mức thuế suất phổ thông hiện nay là 10%. Điều này có nghĩa là mục tiêu muốn điều tiết thấp đối với bộ phận dân cư có thu nhập để giảm bớt tính lũy thoái của thuế GTGT không còn được thực hiện qua con đường quy định thuế suất thuế GTGT thấp nữa. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh này hoàn toàn có thể được khỏa lấp bằng hệ thống thuế suất thuế thu nhập cá nhân lũy tiến, thuế TTĐB đánh vào hàng hóa, dịch vụ cao cấp và hệ thống an sinh xã hội. Bên cạnh đó, thuế GTGT nên nhằm vào mục tiêu điều tiết chung phần thu nhập dành cho tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của đại bộ phận dân cư nhằm tạo số thu lớn và ổn định cho ngân sách nhà nước là chủ yếu. Mục tiêu tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội và hỗ trợ cho người nghèo nên được thực hiện bởi sắc thuế khác hoặc các chính sách tài chính khác. - Xem xét, điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng. Trong đó, xem xét tăng mức thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá để làm cho tỷ lệ thuế TTĐB tính trong giá bán lẻ 1 thuốc lá (bao gồm cả thuế GTGT) đạt đến mức bình quân của thế giới *. Tương tự, đối với mặt hàng bia, rượu: hiện nay, mức giá bia, rượu của Việt nam vẫn còn ở mức quá thấp, bên cạnh yếu tố chất lượng, giá thành thì mức điều tiết thấp của thuế TTĐB cũng là một yếu tố dẫn đến hiện tượng này. Khi đó, việc tiếp cận với các hàng hóa này trong xã hội quá dễ dàng, dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, nếp sống, xã hội, môi trường Do đó, cũng cần xem xét tăng mức thuế suất thuế TTĐB đối với các loại hàng hóa này. Bên cạnh đó, đối với xe ô tô dưới 24 chỗ vừa chở người vừa chở hàng cũng cần đưa thuế suất thuế TTĐB lên ngang bằng với loại xe chở người cùng chỗ ngồi, cùng dung tích và cùng loại nhiên liệu. - Điều chỉnh mức thuế BVMT đối với mặt hàng xăng: Hiện nay, mặt hàng xăng đang ở mức thuế tuyệt đối kịch trần trong khung thuế (4.000 đồng/lít từ ngày 1/1/2019). Có thể nói, mặt hàng xăng dầu có tác động trực tiếp đến hoạt động vận tải cũng như một số hoạt động sản xuất, từ đó tác động đều hầu hết các lĩnh vực khác của xã hội, từ dệt may, lương thực, thực phẩm Do đó, việc tăng mức thuế BVMT đối với mặt hàng này sẽ có tác động lớn đến toàn bộ nền kinh tế theo chiều hướng gia tăng chi phí, giá thành cho hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2020 - 2025, nên giữ mức thuế này và không thực hiện tăng thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu. - Đối với mặt hàng túi ni lông: Luật thuế BVMT quy định Biểu khung mức thuế tuyệt đối đối với túi ni lông từ 30.000 đồng/kg đến 50.000 đồng/kg, mức thuế hiện hành là 50.000 đồng/kg. Mức thu này được cho là thấp và hầu như không được người dân ở các khu chợ quan tâm, họ vẫn thường xuyên sử dụng túi ni lông, gây ô nhiễm môi trường, chưa có tác động nhiều tới hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi ni lông. Do đó, cần nghiên cứu điều chỉnh khung thuế BVMT đối với túi ni lông để góp phần đảm bảo mục tiêu giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế. *
- 70 HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA - Đối với thuế XKNK: cần bổ sung, nâng cấp cơ sở pháp lý về các biện pháp phòng vệ về thuế (thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ ) nhằm phát huy công cụ hữu hiệu này trong trường hợp các ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại hoặc bị đe dọa thiệt hại do các hành vi bán phá giá, trợ cấp, phân biệt đối xử của các đối tác thương mại, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. Thứ tư, quá trình điều chỉnh chính sách thuế tiêu dùng cần quan tâm đến sự ổn định trong dài hạn Mặc dù chính sách thuế luôn cần thay đổi, bám sát với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội để quản lý, điều tiết kịp thời thực tiễn đó. Tuy nhiên, nếu chính sách thuế thường xuyên thay đổi sẽ dẫn đến nhiều khó khăn trong quản lý và tuân thủ. Việc điều chỉnh chính sách thuế tiêu dùng nêu trên cần được xem xét, nhìn nhận và đánh giá trong một thời gian nhất định để đảm bảo sự ổn định này. Trong đó, cần xác định trước những điều chỉnh trong ngắn hạn, những điều chỉnh trong dài hạn để xác định lộ trình thực hiện giúp các chủ thể liên quan dự tính được những thay đổi chính sách để có kế hoạch thích nghi nhằm nâng cao hiệu quả thực thi và tuân thủ chính sách thuế nói chung, chính sách thuế tiêu dùng nói riêng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chính phủ (2011): Quyết định số 723/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020. 2. Nguyễn Đình Chiến (2014): Nâng cao hiệu quả quản lý thuế ở Việt Nam, Đề tài NCKH cấp Học viện, Học viện Tài chính 3. Nguyễn Đình Chiến (2016): Hoàn thiện các quy định về thuế BVMT ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính Kế toán, Tháng 4. Nguyễn Việt Cường & Đỗ Đức Minh (2007): Giáo trình Lý thuyết thuế, Học viện Tài chính, Nhà Xuất bản Tài chính, Hà Nội 5. Nguyễn Thị Thanh Hoài và cộng sự (2016): TPP và điều chỉnh chính sách thuế của Việt Nam, Đề tài NCKH cấp Học viện, Học viện Tài chính 6. Nguyễn Thị Thanh Hoài (2017), Mở rộng cơ sở thuế tiêu dùng ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính, Tháng 7/2017 7. Vương Thị Thu Hiền (2008): Hoàn thiện chính sách thuế ở Việt Nam trong điều kiện gia nhập WTO, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính. 8. Lê Thu Huyền (2008): Đổi mới chính sách thuế tiêu dùng ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính 9. Nguyễn Xuân Nhạt, (1995): Những giải pháp hoàn thiện chính sách thuế gián thu ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính 10. Tổng cục Thuế: Báo cáo Tổng kết công tác thuế năm các năm từ 2011 đến 2017 11. Lê Xuân Trường, (2016): Giáo trình Quản lý thuế, Học viện Tài chính, Nhà Xuất bản Tài chính, Hà Nội 12. Lê Xuân Trường & cộng sự (2014): Cấu trúc thu ngân sách bền vững: Những vấn đề lý luận và thực tiễn Việt Nam, Đề tài NCKH cấp Bộ, Bộ Tài chính 13. Một số tài liệu đã dẫn trong bài viết.