Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn Tây Nguyên

pdf 7 trang Gia Huy 2280
Bạn đang xem tài liệu "Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn Tây Nguyên", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiai_phap_nang_cao_chat_luong_tin_dung_chinh_sach_tren_dia_b.pdf

Nội dung text: Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn Tây Nguyên

  1. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH TRÊN ĐỊA BÀN TÂY NGUYÊN Nguyễn Ngọc Anh1, Đinh Văn Nghĩa2 1Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng 2Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai TÓM TẮT Bài viết đánh giá thực trạng chất lượng tín dụng chính sách (TDCS) và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng TDCS trên địa bàn Tây Nguyên trong thời gian qua dựa vào số liệu thứ cấp về hoạt động cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong vùng và thực hiện khảo sát 361phiếu (khách hàng vay vốn TDCS), và 377 phiếu (gồm cán bộ Hội đoàn thể nhận ủy thác, Tổ trưởng Tổ TK&VV và cán bộ NHCSXH) tại địa bàn 17 huyện thị của tỉnh Gia Lai, từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng TDCS trên địa bàn trong thời gian tới. Các giải pháp để giải quyết vấn đề này tập trung vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các chủ thể có liên quan đến hoạt động TDCS như: NHCSXH, Tổ TK&VV, khách hàng vay vốn, các tổ chức chính trị xã hội (CTXH) và các cấp chính quyền địa phương. Từ khóa: Chất lượng tín dụng, Tín dụng chính sách, Ngân hàng chính sách xã hội, Hộ nghèo, Tổ chức chính trị xã hội. 1. Giới thiệu Tây Nguyên có lợi thế lớn về đất đai và tài nguyên, khí hậu, rừng đa dạng nên có tiềm năng to lớn về nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, tạo điều kiện để sử dụng và phát huy hiệu quả vốn TDCS, hơn nữa, đây là địa bàn cư trú của 47 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khá lớn và là khách hàng chủ yếu của TDCS. Qua hơn 15 năm, NHCSXH vượt qua nhiều thách thức để các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn TDCS phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tuy nhiên, với đặc thù riêng của đối tượng vay vốn này, tiềm ẩn rủi ro là rất lớn. Bài viết đánh giá chất lượng TDCS tại Tây Nguyên, phân tích các yếu tố ảnh hưởng và đề xuất một số giải pháp cho vấn đề này. 2. Quan niệm về chất lượng tín dụng chính sách Chất lượng là vấn đề rất quan trọng của mọi tổ chức nhưng khó định nghĩa và đo lường, tùy vào từng lĩnh vực, mục đích mà quan niệm này sẽ khác nhau. Trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, với người sử dụng (khách hàng) thì chất lượng phụ thuộc vào mức độ thoả mãn của khách hàng, chẳng hạn thủ tục vay nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, lãi suất và phí vay hợp lý thì khoản tín dụng đó được coi là chất lượng tốt và ngược lại. Tuy nhiên, với nhà cung cấp (ngân hàng) thì chất lượng thể hiện ở mức độ đạt được mục tiêu đề ra (lợi nhuận) và phải hoàn trả đầy đủ, đúng hạn nên chất lượng gắn với khả năng sinh lời và độ an toàn tín dụng. Ngoài ra, dưới góc độ xã hội, chất lượng phải là sự lành mạnh của tín dụng, là lợi ích kinh tế, xã hội mà tín dụng mang lại cho nền kinh tế bởi hoạt động này luôn chịu sự can thiệp của nhà nước và xuất phát từ an toàn cho ngân hàng. Do vậy, chất lượng tín dụng được hiểu là mức độ đáp ứng yêu cầu của người vay, yêu cầu phát triển của ngân hàng và phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội. Quan niệm này giải quyết được 03 đặc trưng của lĩnh vực tín dụng: (1) sự thỏa mãn của khách hàng; (2) chuẩn mực của lĩnh vực tín dụng; và (3) mục tiêu của ngân hàng. TDCS là công cụ tài chính quan trọng của Chính phủ nhằm giúp đối tượng chính sách có vốn để SXKD, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, ổn định xã hội. Do đó, TDCS có ưu đãi cho người vay về cơ chế cho vay và xử lý rủi ro, lãi suất, điều kiện, thủ tục vay. Vì vậy, quan niệm về chất lượng TDCS có sự khác biệt ở mục tiêu cấp tín dụng nên tiêu chí đánh giá chất lượng TDCS sẽ khác, khả năng sinh lợi sẽ được thay bằng hiệu quả xã hội mà đồng vốn đạt được như: số việc làm được tạo 75
  2. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 ra, hay số người thoát nghèo, , Như vậy, các chỉ tiêu đánh giá chất lượng TDCS gồm: (1) chỉ tiêu đánh giá sự tuân thủ chuẩn mực tín dụng: tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh, xóa nợ, tỷ lệ thu gốc, lãi, lãi tồn đọng, nợ khoanh, tỷ lệ cho vay sai đối tượng thụ hưởng; (2) chỉ tiêu đánh giá mức độ đáp ứng mục tiêu của ngân hàng: tỷ lệ đối tượng chính sách được vay vốn, tỷ lệ sử dụng đúng mục đích, tỷ lệ vay vốn tăng thu nhập, thoát nghèo, tăng tiết kiệm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; (3) và chỉ tiêu đánh giá mức độ thỏa mãn của người vay: số tiền vay, lãi suất vay, kỳ hạn vay, quy trình xét duyệt vay, thủ tục vay, thái độ của người cung cấp dịch vụ. 3. Thực trạng chất lượng tdcs trên địa bàn tây nguyên 3.1. Tình hình thực hiện tín dụng chính sách ở Tây Nguyên Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng) có diện tích tự nhiên 54.637 km2 (chiếm 16,8% cả nước) và dân số 5,6 triệu người (6% cả nước), có 47 dân tộc cư trú, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 37% số dân. Vùng có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, môi trường sinh thái và có lợi thế lớn về kinh tế, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành này vẫn còn thấp so với tiềm năng và chưa thực bền vững do tác động của tự nhiên, bất ổn về giá. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới được triển khai bằng nhiều giải pháp đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn (kết cấu hạ tầng), giảm tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 10,36 % (năm 2018). Tuy nhiên, các yếu tố như dân di ngoài kế hoạch, phong tục, tập quán, trình độ văn hóa, , của vùng chưa được giải quyết khiến tỷ lệ hộ nghèo cao, gấp đôi so với cả nước, trong đó, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 74,67%, công tác giảm nghèo chưa bền vững đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng TDCS trong vùng. Tình hình TDCS tại Tây Nguyên 2015-2018 (Bảng 1) cho thấy, dư nợ các chương trình TDCS đến 31/12/2018 là 16.138 tỷ đồng, tăng 3.975 tỷ đồng so với năm 2015, tốc độ tăng bình quân 9,8%/năm, trong đó, dư nợ từ vốn trung ương đạt 15.365,7 tỷ đồng, chiếm 96,61% dư nợ. Đắk Lắk và Gia Lai là 2 địa phương có dư nợ chiếm tỷ trọng lớn so với các địa phương còn lại, lần lượt là 26,9% và 25,6% dư nợ của vùng năm 2018. Có 21 chương trình TDCS đã triển khai trên địa bàn, trong đó, cho vay hộ nghèo chiếm 26,86%, hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) tại vùng khó khăn chiếm 17,77%, hộ cận nghèo chiếm 16,85% dư nợ năm 2018. Cho vay học sinh, sinh viên có dư nợ giảm mạnh (từ 16% năm 2015 xuống còn 6% năm 2018), trong khi, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường tăng mạnh (từ 10% năm 2015 lên 13%). Ngoài ra, có nhiều chương trình khác chiếm tỷ lệ thấp như: xuất khẩu lao động, thương nhân vùng khó khăn, nhà ở xã hội, hộ nghèo về nhà ở, hộ dân tộc thiểu số, trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bảng 1: Dư nợ cho vay trên địa bàn Tây Nguyên Đơn vị tính: Tỷ đồng, %. 2015 2016 2017 2018 Chi nhánh Số tiền % Số tiền % Số tiền % Số tiền % * Theo địa phương 1. Đắk Lắk 3.278 26,95 3.660 26,71 3.971 26,56 4.271 26,47 2. Gia Lai 3.115 25,61 3.508 25,60 3.856 25,79 4.148 25,70 3. Kom Tum 1.651 13,58 1.907 13,91 2.113 14,14 2.276 14,10 4. Lâm Đồng 2.369 19,48 2.627 19,17 2.799 18,73 3.056 18,94 5. Đắk Nông 1.750 14,39 2.002 14,61 2.209 14,78 2.387 14,79 * Theo chương trình cho vay 1. Hộ nghèo 3.457 28,42 3.973 29,00 4.243 28,38 4.334 26,86 76
  3. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 2. Hộ cận nghèo 2.001 16,45 2.410 17,59 2.679 17,92 2.719 16,85 3. Hộ mới thoát nghèo 326 2,68 796 5,81 1.292 8,64 1.868 11,58 4. Hộ SXKD vùng khó khăn 2.327 19,13 2.436 17,78 2.606 17,43 2.867 17,77 5. Học sinh, sinh viên 1.940 15,95 1.558 11,37 1.221 8,17 969 6,00 6. Nước sạch & môi trường 1.206 9,91 1.509 11,01 1.769 11,84 2.022 12,53 7. Giải quyết việc làm 397 3,27 433 3,16 495 3,31 648 4,01 8. Khác 509 4,19 588 4,28 644 4,31 711 4,40 Tổng cộng: 12.163 100 13.703 100 14.949 100 16.138 100 (Nguồn: Báo cáo kết quả hoạt động của NHCSXH các tỉnh Tây Nguyên) 3.2. Thực trạng về chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn Tây Nguyên Để đánh giá về chất lượng TDCS trên địa bàn Tây Nguyên và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng TDCS của vùng, nghiên cứu dựa vào số liệu cho vay của NHCSXH trong vùng và thực hiện khảo sát 361 phiếu (hộ vay), và 377 phiếu (cán bộ Hội đoàn thể nhận ủy thác, Tổ trưởng Tổ TK&VV và cán bộ NHCSXH) tại 17 huyện, thị Gia Lai. (1) Về chất lượng TDCS theo chuẩn mực tín dụng: - Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh toàn vùng có khuynh hướng giảm mạnh qua các năm: đến 31/12/2018, tỷ lệ nợ quá hạn giảm còn 0,21% (cả nước 0,39%), nợ khoanh là 0,15% (cả nước 0,39%). Tuy nhiên, tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh của mỗi địa phương khác biệt lớn, NHCSXH Gia Lai có tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh thấp nhất, trong khi Đăk Nông và Kon Tum thì khá cao (0,45% và 0,41% năm 2018). Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh của các chương trình còn khá cao như: cho vay hộ nghèo (1,06% năm 2015 giảm còn 0,55%), giải quyết việc làm (1,11% năm 2015 giảm còn 0,46%), học sinh, sinh viên (0,57% năm 2015 tăng lên 0,83%), hộ SXKD tại vùng khó khăn (từ 0,45% năm 2015 giảm còn 0,33% năm 2018). Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xóa toàn vùng có xu hướng tăng qua các năm, trong đó, Gia Lai có tỷ lệ này cao nhất, Lâm Đồng khá thấp và các địa phương khác không ổn định qua các năm. Qua phân tích nợ (thời điểm 30/9/2015) cho thấy, ngoài nợ quá hạn và nợ khoanh, thì nợ trong hạn không có khả năng thu hồi là rất lớn, chiếm 47,82% tổng số nợ không có khả năng thu hồi, cho thấy, chất lượng TDCS trên địa bàn còn khá bấp bênh. - Tình hình thu nợ gốc và lãi: việc thu nợ đến hạn đã có sự chuyển biến, tăng dần qua các năm, năm 2018 tỷ lệ này đạt 70,59%, (cả nước: 67,64%). Tỷ lệ thu lãi thực hiện khá tốt và tăng dần qua các năm nhưng Đắk Lắk và Đắk Nông thì chưa ổn định, bên cạnh đó, trong năm 2018, Kon Tum và Lâm Đồng có tỷ lệ thu lãi thấp. Lãi tồn đọng giảm, từ 96.432 triệu năm 2015 giảm còn 67.791 triệu năm 2018. Công tác thu hồi nợ khoanh không ổn định qua các năm, Kon Tum, Đắk Lắk có tỷ lệ này tốt, các địa phương khác còn rất thấp. - Tình hình cho vay sai đối tượng: công tác kiện toàn hoạt động của Tổ TK&VV được NHCSXH, Hội đoàn thể, chính quyền thực hiện thường xuyên (Tổ trung bình, yếu kém giảm) nên số món và số tiền cho vay sai quy định giảm mạnh nhưng vẫn còn tình trạng cho vay chồng chéo giữa các chương trình (6 món với 353 triệu năm 2018) do Tổ hoạt động yếu kém. (2) Về chất lượng TDCS theo mục tiêu của ngân hàng: TDCS trên địa bàn đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Qua khảo sát tại Gia Lai, các chỉ tiêu về tỷ lệ đối tượng chính sách được vay vốn, tỷ lệ sử dụng đúng mục đích, tỷ lệ vay vốn tăng thu nhập, thoát nghèo, tăng tiết kiệm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thấy, các chỉ tiêu này ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu vốn phát triển sản xuất, cụ thể qua 15 năm, NHCSXH Gia Lai đã cho 131.921 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay, tạo việc làm cho 23.655 lao động, cho vay 57.337 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, 794 đối tượng vay đi xuất khẩu lao động, 10.967 hộ nghèo vay xây dựng nhà ở, cho vay xây dựng 106.116 công 77
  4. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 74.897 hộ SXKD tại vùng khó khăn vay vốn để đầu tư SXKD. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh (2011 - 2015) giảm từ 23,73% xuống 11,36%, và giảm từ 16,55% (năm 2016) xuống 10,04% (năm 2018). Kết quả khảo sát cho thấy, có 358 hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, chiếm 99,17%, chỉ có 3 hộ sử dụng một phần cho chi tiêu gia đình, có 49,86% cho rằng thu nhập của gia đình tăng nhiều và rất nhiều, 3,88% không thay đổi sau khi vay. Bên cạnh đó, 50.97% hộ cho rằng họ có nhiều cơ hội việc làm sau khi vay, chỉ 2,49% hộ trả lời không thay đổi. (3) Về chất lượng TDCS theo mức độ thỏa mãn của người vay: Kết quả khảo sát cho thấy việc xác định đối tượng vay, điều kiện vay, thủ tục vay vốn, thời gian cho vay, tiến độ giải ngân, điểm giao dịch xã là hợp lý và rất hợp lý, tuy nhiên, còn nhiều ý kiến về sự không hợp lý và rất không hợp lý về nhu cầu của hộ vay, mức vay, cách thức trả nợ, lãi suất vay. 3.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn Tây Nguyên 3.1.1. Các yếu tố thuộc về NHCSXH Kết quả khảo sát đều cho rằng NHCSXH tham mưu tốt cho chính quyền địa phương, Ban đại diện HĐQT, chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức CTXH nhận ủy thác trong triển khai TDCS. Ngoài ra, mô hình hoạt động với mạng lưới trải rộng, công tác cho vay, thu gốc, lãi tại Điểm giao dịch xã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận TDCS dễ dàng, hạn chế rủi ro. Ngoài ra, xã hội hóa hoạt động của NHCSXH tạo ra sự tham gia tích cực của chính quyền, Hội đoàn thể làm cho TDCS phát huy tốt hiệu quả. Tuy nhiên, năng lực và kinh nghiệm trong thực hiện nghiệp vụ của cán bộ NHCSXH cấp huyện một số nơi còn hạn chế, chưa nắm vững nghiệp vụ dẫn đến sai sót lặp lại và chậm khắc phục như: gia hạn nợ sai quy định, cho vay chồng chéo giữa các chương trình; hay cán bộ thiếu sâu sát cơ sở, khoán trắng cho Hội đoàn thể và Tổ TK&VV, chưa thường xuyên kiểm tra, đánh giá các chương trình TDCS. 3.1.2. Các yếu tố thuộc về Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp tỉnh, huyện Kết quả khảo sát cho thấy Ban đại diện đã phát huy tốt vai trò chức năng, nhiệm vụ của mình trong chỉ đạo lồng ghép TDCS với chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương để phát huy hiệu quả sử dụng vốn, chỉ đạo tốt xử lý nợ xấu, rủi ro trên địa bàn và các Hội đoàn thể làm tốt công tác nhận ủy thác, kiểm tra, giám sát vốn vay, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích. Tuy nhiên, vẫn còn một số Ban đại diện ở cấp tỉnh, huyện chưa thực hiện nghiêm túc quy chế hoạt động (Thành viên Ban đại diện không tham gia đầy đủ các cuộc họp), chất lượng kiểm tra, giám sát của Ban đại diện nhiều nơi còn hạn chế, chưa kiên quyết trong việc chỉ đạo xử lý, thu hồi nợ xấu. 3.1.3. Các yếu tố thuộc về Tổ TK&VV Kết quả khảo sát cho thấy Ban quản lý Tổ làm tốt việc tuyên truyền TDCS đến các đối tượng, việc bình xét công khai, nắm rõ quy trình nghiệp vụ cho vay, sinh hoạt tổ định kỳ, giám sát sử dụng vốn vay, thu lãi, tiết kiệm hàng tháng. Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn tình trạng: không tổ chức sinh hoạt định kỳ, chưa tích cực tuyên truyền, cho vay không bình xét, không tham gia giao dịch xã, thu lãi theo quý, Tổ trưởng thu nợ gốc, ký thay hộ vay, hồ sơ lưu trữ không đầy đủ. Hiệu quả hoạt động của Tổ kém do trình độ, nhận thức, trách nhiệm của Tổ trưởng yếu kém nên xét duyệt cho vay chưa phù hợp với thực tế nhu cầu và khả năng SXKD của hộ vay, cho cả hộ không có phương án SXKD vay, hay Tổ trưởng lạm quyền, bao che tổ viên (họ hàng) dẫn đến việc bình xét, nhắc nhở, kiểm tra sử dụng vốn còn nể nang và sự chây ỳ trong trả nợ của tổ viên khác, trong khi tổ phó chỉ mang tín hình thức. 3.1.4. Các yếu tố thuộc về tổ chức Hội ở cơ sở Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư đã huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức CTXH vào hoạt động TDCS thể hiện ở việc chỉ đạo Hội đoàn thể cấp cơ sở phối hợp tốt với NHCSXH thực hiện TDCS, củng cố Tổ TK&VV, tuyên truyền TDCS, giám sát, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn hiệu quả. Tuy nhiên, một số nơi vẫn tồn tại: việc tuyên truyền về ý thức trả nợ của hộ vay chưa tốt; kiểm tra của Hội đoàn thể cấp xã chưa thường xuyên, còn hình thức, không phát hiện Tổ yếu kém, không tham gia họp bình xét, kiểm tra mục đích sử dụng vốn, chưa chủ động phối hợp và đề xuất phương án xử lý hộ vay chây ỳ, củng cố Tổ yếu kém; năng 78
  5. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 lực cán bộ Hội đoàn thể còn hạn chế (cán bộ Hội đoàn thể là người đồng bào dân tộc thiểu số), chưa nắm vững quy định chính sách hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, không tham mưu cho chính quyền và sâu sát đến từng Tổ để nắm bắt và xử lý các tồn tại. 3.1.5. Các yếu tố thuộc về chính quyền địa phương Chất lượng TDCS cải thiện đáng kể nhờ Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư, Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng đã huy động sự vào cuộc của chính quyền các cấp, thể hiện: chỉ đạo củng cố chất lượng TDCS, bố trí nguồn vốn cho vay và địa điểm cho hoạt động giao dịch xã, bổ sung xác nhận đối tượng vay, hay gắn trách nhiệm Chủ tịch UBND xã trong chỉ đạo thực thi, giám sát TDCS cơ sở. Tuy nhiên, một số nơi vẫn tồn tại: thiếu cơ chế gắn kết thống nhất và hiệu quả để lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn, giữa hoạt động TDCS với khuyến nông, lâm, ngư, chuyển giao kỹ thuật; cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đúng về TDCS, thiếu sâu sát trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, chưa xử lý quyết liệt nợ quá hạn, lãi tồn đọng, hộ chây ỳ, chưa chỉ đạo tốt Hội đoàn thể, Tổ trưởng, Trưởng thôn trong bình xét và xử lý tồn tại ở cơ sở, hay thực hiện kiểm tra hàng quý tại thôn, tổ, hộ vay. 3.1.6. Các yếu tố thuộc về người vay vốn Kết quả khảo sát cho thấy đa số người vay biết được TDCS để đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, kiến thức, kinh nghiệm SXKD, quản lý vốn, nhận thức về trách nhiệm sử dụng và hoàn trả vốn của người vay rất không tốt, và rủi ro trong SXKD khi sử dụng vốn vay còn khá cao. Điều này là do người vay là hộ nghèo, người đồng bào, họ thiếu đất, tư liệu, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất và thường gánh chịu hậu quả thiên tai, dịch bệnh, nhưng cũng có nhiều hộ thiếu ý thức trả nợ, còn mang tính ỷ lại, tư tưởng trông chờ vào Nhà nước hay chuyển đến nơi khác sinh sống. 4. Giải pháp nâng cao chất lượng tdcs trên địa bàn tây nguyên (1) Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư và Đề án củng cố, nâng cao chất lượng TDCS của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Hoạt động TDCS mang tính xã hội hóa, có nhiều chủ thể tham gia, việc triển khai thực hiện tốt Chỉ thị và Đề án này thời gian qua đã cải thiện đáng kể chất lượng TDCS trên địa bàn nhờ huy động sự tham gia của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức CTXH, và tạo ra cơ chế phối kết hợp trong chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi việc cấp và sử dụng TDCS giữa bên. Do đó, sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền các cấp sẽ góp phần to lớn cho hoạt động TDCS phát triển ổn định. (2) Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của NHCSXH, trong đó, coi trọng khâu giám sát nợ, phân tích nguyên nhân nợ quá hạn, khả năng trả nợ để có biện pháp hợp lý. Đây là giải pháp có tính quyết định bởi NHCSXH là chủ thể chính (vừa thực hiện, vừa tổ chức phối hợp với các bên) của hoạt động TDCS, cụ thể: - Tuân thủ quy định, quy trình tín dụng nhằm đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng và được thu hồi đầy đủ. Việc xét duyệt hộ vay cần công khai và có sự giám sát của Trưởng thôn, Hội đoàn thể cấp xã, hộ vay phải có phương án khả thi, phải tuyên truyền về chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ của hộ vay, cách giải ngân, thu gốc, lãi của NHCSXH. Việc giải ngân cần có chứng kiến của Tổ, Hội đoàn thể để vốn vay đến đúng đúng đối tượng thụ hưởng và tăng cường sự giám sát lẫn nhau. Cán bộ tín dụng phải phối hợp chặt chẽ với Tổ, Hội đoàn thể, chính quyền để giám sát vốn vay và đôn đốc Tổ thu lãi hàng tháng, nhắc hộ vay sử dụng vốn, đối chiếu nợ, và động viên họ gửi tiền tiết kiệm để tạo nguồn trả gốc, thu hồi gốc theo phân kỳ con và kỳ hạn cuối nhằm tạo ý thức và giảm áp lực trả nợ, thường xuyên phân tích khả năng thu hồi nợ để có giải pháp xử lý phù hợp. - Nâng cao hiệu quả hoạt động tại Điểm giao dịch xã thông qua việc xây dựng cơ chế phối hợp với các bên để giảm tình trạng quá tải hiện nay, ảnh hưởng tới số lượng và chất lượng giao dịch, đồng thời, đầu tư trang thiết bị, nâng cao kỹ năng, thao tác của nhân viên trong vận hành internet corebanking và công khai quy định về hồ sơ, thủ tục vay để người dân hiểu rõ chính sách cho vay và trách nhiệm của họ khi vay. - Tăng cường sự kiểm tra của NHCSXH cấp tỉnh đối với cấp huyện trong chỉ đạo điều hành, thực hiện kế hoạch tín dụng, kế toán, hoạt động của Phòng giao dịch, đối chiếu tại Tổ và hộ vay. NHCSXH cấp huyện đối chiếu danh sách đề nghị vay với danh sách tổ viên và tính pháp lý hồ sơ vay, thường xuyên tự kiểm tra 79
  6. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 (kiểm tra chéo địa bàn), đánh giá chất lượng hoạt động tại Điểm giao dịch xã, kiểm tra hoạt động Hội đoàn thể nhận ủy thác, Tổ TK&VV và đối chiếu với hộ vay về các nội dung như: ghi chép của Ban quản lý Tổ, bình xét, mục đích sử dụng vốn, trả lãi, gốc của hộ vay. - Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ TK&VV thông qua việc thành lập tổ đúng quy định, chú trọng lựa chọn nhân sự Ban quản lý Tổ có năng lực, trách nhiệm, đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng để họ đảm nhận tốt các khâu của nghiệp vụ tại Tổ. - Thường xuyên đào tạo, tập huấn để giải quyết sự bất cập, không đều về chuyên môn của đội ngũ NHCSXH và có chế độ tuyển dụng, lương thưởng, kỷ luật phù hợp để thu hút cán bộ trẻ, nhiệt tình, có năng lực vào ngân hàng. (3) Phát huy vai trò tích cực, tính trách nhiệm, sự kiên quyết của Hội đoàn thể các cấp về việc bám sát cơ sở, tuyên truyền, đôn đốc hộ vay chấp hành nghĩa vụ trả nợ và giúp họ sử dụng vốn hiệu quả. Hội đoàn thể cơ sở tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về TDCS; giám sát toàn diện hoạt động của Tổ, thường xuyên rà soát, kiện toàn hoạt động của Tổ, đặc biệt là Tổ trung bình và yếu kém; vận động tổ viên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng vốn; phối hợp với Ban quản lý Tổ kiểm tra, đôn đốc hộ vay trả nợ, sử dụng vốn đúng mục đích và xử lý hộ chây ỳ. Hội đoàn thể cấp trên phối hợp cùng NHCSXH tổ chức tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ cấp dưới và Ban quản lý Tổ; có biện pháp ổn định nhân sự, giao trách nhiệm cho cá nhân và kiểm điểm cá nhân không làm tốt nhiệm vụ; phối hợp với cơ quan khuyến nông, lâm, ngư hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả. (4) Tăng cường hiệu quả kiểm tra của Ban đại diện HĐQT. Ban đại diện cần có kế hoạch phân công các thành viên tổ chức kiểm tra để phát hiện sai sót và có biện pháp xử lý kịp thời. Tổ chức thực hiện phương án củng cố chất lượng đối với Phòng giao dịch có nợ quá hạn từ 1% trở lên và chỉ đạo tổ chức CTXH và UBND cấp dưới xử lý nợ quá hạn, nợ chây ỳ. Thành viên Ban đại diện thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra được phân công, cụ thể, phải kiểm tra đến tận Tổ, hộ vay, thời gian kiểm tra phù hợp với thực tế địa bàn, nội dung kiểm tra toàn diện (thực hiện của NHCSXH tại xã, thực hiện nhiệm vụ nhận ủy thác của Hội đoàn thể, thực hiện bình xét, ghi chép sổ sách, thu lãi và đôn đốc thu nợ gốc của Tổ và sử dụng vốn của hộ). Thành viên Ban đại diện là chủ tịch xã phải kiểm tra ít nhất 01 thôn, một số Tổ và hộ vay trên/quý và tập trung vào Tổ yếu kém, có dư nợ lớn, hộ vay sử dụng vốn kém hiệu quả. (5) Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy chính quyền địa phương nhằm củng cố chất lượng TDCS tại địa bàn. Cấp ủy chính quyền địa phương tiếp tục kiện toàn Ban đại diện HĐQT các cấp, chỉ đạo các cơ quan chính quyền, Hội đoàn thể phối hợp với NHCSXH trong lồng ghép chương trình khuyến nông, lâm, ngư với hoạt động TDCS và bồi dưỡng kiến thức SXKD cho hộ vay. UBND cấp tỉnh, huyện chỉ đạo các ban ngành định hướng đầu tư, tạo việc làm và các chính sách phát triển kinh tế xã hội để lồng ghép vốn TDCS, chỉ đạo Hội đoàn thể thực hiện tốt nhiệm vụ nhận ủy thác. UBND cấp xã thực hiện tốt thành lập Tổ, bình xét, xác nhận danh sách vay; chỉ đạo Trưởng thôn, Hội đoàn thể tích cực phối hợp với NHCSXH vận động đối tượng chính sách có nhu cầu vay gia nhập Tổ, giám sát hoạt động Tổ, giúp đỡ hộ vay sử dụng vốn hiệu quả, vận động họ tiết kiệm, trả gốc, lãi đúng hạn; tích cực tham gia xử lý nợ khó đòi và tham mưu xử lý Tổ yếu kém; tăng cường tập huấn kỹ thuật sản xuất phù hợp với đặc điểm, tập quán và trình độ dân trí từng vùng và hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ. (6) Nâng cao ý thức trả nợ và năng lực sử dụng vốn của hộ vay. Yêu cầu hộ vay chấp hành quy ước hoạt động của Tổ; trả nợ, lãi, thực hiện gửi tiết kiệm và tích cực tham gia các buổi sinh hoạt Tổ, buổi tập huấn khuyến nông, lâm, ngư, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, và trao đổi kinh nghiệm SXKD. Biện pháp tuyên truyền cần làm bằng nhiều hình thức như phát thanh, truyền hình, báo chí, qua Hội đoàn thể; nội dung tuyên truyền bằng cách nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, nhân rộng mô hình SXKD giỏi, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người đồng bào, đối tượng chính sách để họ tự vươn lên. 80
  7. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Thủ tướng Chính phủ (2002), Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 4/10/2002 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. [2] Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020. [3] Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 976/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế phân loại nợ tại NHCSXH. [4] Ban Bí thư Trung ương Đảng (2014), Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. [5] Ban chỉ đạo Tây Nguyên (2015), Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng và hiệu quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ở Tây Nguyên. [6] Ban chỉ đạo Tây Nguyên (2017), Báo cáo năm 2017. [7] Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Báo cáo tổng kết năm 2015, 2016, 2017, 2018. [8] Chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng và Kon Tum, Báo cáo tổng kết năm 2015, 2016, 2017, 2018. [9] Sở LĐTB&XH tỉnh Gia Lai, Báo cáo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2015, 2016, 2017, 2018. 81