Hiệp định EVFTA: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

pdf 6 trang Gia Huy 8320
Bạn đang xem tài liệu "Hiệp định EVFTA: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfhiep_dinh_evfta_co_hoi_va_thach_thuc_doi_voi_viet_nam.pdf

Nội dung text: Hiệp định EVFTA: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

  1. HIỆP ĐỊNH EVFTA: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI VIỆT NAM TS. Trần Thị Mai Hoa1 – TS. Nguyễn Hồng Minh2 Tóm tắt: Trong bối cảnh hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng thì việc mở rộng giao thương quốc tế là vấn đề mà mọi quốc gia đều quan tâm và coi trọng. Tuy nhiên các vòng đàm phán thông qua WTO hiện nay ngày càng kéo dài và khó đạt được hiệu quả như mong muốn. Vì thế các nước có xu hướng đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương để mở rộng khả năng thâm nhập vào thị trường của các nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao vị thế cạnh tranh của quốc gia. Không nằm ngoài xu thế đó, Việt Nam cũng đã tiến hành đàm phán thành công Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU). Việc ký kết hiệp định này đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội, tuy nhiên cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Thông qua việc phân tích những cơ hội và thách thức mà Việt Nam sẽ gặp khi tham gia hiệp định EVFTA, bài viết đưa ra một vài hướng đi giúp Việt Nam tận dụng lợi thế của hiệp định EVFTA. Từ khoá: Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam. 1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ EVFTA 1.1. EVFTA là gì? EVFTA là Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam. Là một thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. Đây là hiệp định thương mại tự do có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay bên cạnh Hiệp định CPTPP. Việc ký kết thành công của hiệp định này đánh dấu một cột mốc mới trên chặng đường gần 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và EU, là một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định. 1.2. Sự cần thiết của hiệp định EVFTA Việc ký kết hiệp định EVFTA được xem xét trên góc độ của cả hai bên ký kết là Việt Nam và EU. a) Về phía Việt Nam Việt Nam luôn coi trọng việc hợp tác, ký kết các hiệp định nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác và phát triển kinh tế. Đây là một mục tiêu mang tính dài hạn của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tham gia sâu rộng và toàn diện hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu thông qua ký kết các FTA khu vực và song phương”. EU là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, khoa học – công nghệ, y tế, giáo dục – đào tạo. Việc ký kết hiệp định EVFTA giúp Quan hệ Việt Nam – EU phát triển thuận lợi. 1 Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Email: hoatm@neu.edu.vn. 2 Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Email: hm2003b@gmail.com. 147
  2. EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong các năm từ 2010–2016, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU liên tục tăng. Đến năm 2016, 2017 thì Việt Nam đã trở thành thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của EU với tổng giá trị đạt 23.443 triệu USD. Đến năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt: 65,9 tỷ USD, tăng 2,8%. Đặc điểm nổi bật là cơ cấu xuất nhập khẩu của hai bên có tính bổ sung cao, ít mang tính cạnh tranh trực tiếp. Bảng 1: Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu theo châu lục, khối nước và một số thị trường lớn năm 2019 Xuất khẩu Nhập khẩu So với Kim Thị trường Kim ngạch Tỷ trọng So với năm Tỷ trọng năm 2018 ngạch (Tỷ USD) (%) 2018 (%) (%) (%) (Tỷ USD) Châu Á 135,45 2,9 51,3 202,90 6,6 80,2 – ASEAN 24,96 1,3 9,4 32,09 0,9 12,7 – Trung Quốc 41,41 0,1 15,7 75,45 15,2 29,8 – Nhật Bản 20,41 8,4 7,7 19,53 2,5 7,7 – Hàn Quốc 19,72 8,1 7,5 46,93 –1,4 18,5 Châu Âu 47,27 2,0 17,9 18,63 4,9 7,4 – EU(28) 41,48 –1,0 15,7 14,91 7,4 5,9 Châu Đại Dương 4,46 –7,4 1,7 5,14 16,4 2,0 Châu Mỹ 73,89 27,3 28,0 22,46 10,6 8,9 – Hoa Kỳ 61,35 29,1 23,2 14,37 12,7 5,7 Châu Phi 3,12 8,1 1,2 3,95 –3,7 1,6 Tổng 264,19 8,4 100,0 253,07 6,8 100,0 Nguồn: Tổng cục Hải quan b) Về phía EU EU đẩy mạnh triển khai Chiến lược “Thương mại, tăng trưởng và các vấn đề quốc tế – chính sách thương mại như một cấu phần cốt lõi của Chiến lược EU 2020” nhằm tạo động lực mới để vượt qua khó khăn về kinh tế do khủng hoảng nợ công kéo dài. Đàm phán thương mại tự do ASEAN – EU tạm dừng do vấn đề Myanmar và một số nước ASEAN không “mặn mà”. Việt Nam là thị trường hấp dẫn, năng động với gần 100 triệu dân, do đó EU không muốn “chậm chân” so với các nước thành viên trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong việc khai thác những thế mạnh của thị trường Việt Nam, đồng thời EVFTA sẽ là cầu nối gắn kết EU với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có ASEAN. Do đó, thúc đẩy quan hệ đối tác phát triển với Việt Nam cũng là một hướng đi tích cực cho cuộc đàm phán thương mại tự do ASEAN – EU. 2. CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA HIỆP ĐỊNH EVFTA ĐỐI VỚI VIỆT NAM 2.1. Cơ hội Thứ nhất, Hiệp định EVFTA giúp Việt Nam đẩy mạnh thương mại và đa dạng hóa thị trường. Nhờ hiệp định EVFTA, quan hệ về thương mại giữa Việt Nam với EU sẽ được phát triển, gắn kết chặt hơn. 148
  3. Theo hiệp định EVFTA, 99% các loại thuế quan sẽ được gỡ bỏ. Đặc biệt EU đã loại bỏ thuế với nghìn mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam. Việc được gỡ bỏ hàng rào thuế quan này sẽ giúp cho tình hình thương mại giữa hai bên trở nên tốt đẹp hơn nữa. Từ đó góp phần tạo sự đa dạng hóa cho thị trường và những mặt hàng xuất khẩu. Thứ hai, Hiệp định EVFTA giúp Việt Nam thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng cao, gắn với chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số đang diễn ra hết sức nhanh chóng. Liên minh châu Âu EU là một trong những nhà đầu tư nước ngoài có số vốn lớn nhất tại Việt Nam chúng ta với tổng FDI là 7,8 tỷ euro (tính đến năm 2019). Lĩnh vực đầu tư lớn nhất của EU vào Việt Nam là sản xuất công nghiệp và chế biến. EU có thể cung cấp và đầu tư nhiều hơn vào những lĩnh vực công nghệ cao, ít tiêu thụ năng lượng và thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp đến từ châu Âu khi đầu tư vào Việt Nam cũng mang lại nguồn công nghệ và việc làm chất lượng. Bên cạnh đó họ cũng thực hành kinh doanh rất có trách nhiệm. Thứ ba, Hiệp định EVFTA giúp Việt Nam tạo thêm nhiều việc làm. Dự kiến EVFTA giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU. Mức tăng thêm việc làm trong một số ngành dự kiến như sau: dệt may tăng 71.300 (năm 2025) và 72.600 (năm 2030) mức tăng tương ứng so với năm 2018 là 1,2%, 2,3% và 2,4%; ngành da giày có tốc độ tăng việc làm là 4,3% và 3,8% vào các năm 2025 và 2030. Một số ngành khác cũng có số lượng việc làm tăng cao là vận tải hàng không (1,5% vào năm 2025), vận tải thuỷ (0,9% vào năm 2025). Tuy nhiên một số ngành sẽ chịu tác động giảm việc làm như ngành lâm nghiệp, khai khoáng, sản xuất lúa gạo với mức giảm từ 0,26 đến 0,36%/năm. Ngoài ra, với khả năng mức lương của lao động có tay nghề cao sẽ tăng tới 12%, với mức lương của lao động phổ thông tăng 13%, Hiệp định có thể giúp đưa khoảng 800.000 người thoát nghèo vào năm 2030. Thứ tư, Hiệp định EVFTA giúp doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh. EVFTA là hiệp định hết sức quan trọng nhằm tạo sự liên kết giữa Việt Nam với các nước trên thế giới; giúp Việt Nam có thể thu hút các doanh nghiệp nước ngoài và ngược lại. Đây là động lực hết sức quan trọng để phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, khi tham gia EVFTA, Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn do sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp thế giới chênh lệch khá nhiều. Đa phần doanh nghiệp nước ngoài đều là doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu chỉ là vừa và nhỏ, yếu hơn rất nhiều so với doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ngoài. Hy vọng, EVFTA sẽ là cú huých để các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh và có sức cạnh tranh lớn hơn. Thứ năm, Hiệp định EVFTA giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. EVFTA có cam kết sâu và đưa ra lộ trình thực hiện nhanh, nên sau khi được Quốc hội phê chuẩn, hai bên thống nhất, hiệp định sẽ có hiệu lực ngay. Khi EVFTA có hiệu lực, 99% hàng hóa của Việt Nam sẽ được nhập khẩu vào thị trường châu Âu. Đây là cơ hội rất tốt để hàng hóa Việt Nam tiếp cận với một thị trường cao cấp. Cơ hội này rất đặc biệt bởi hiện tại, do ảnh hưởng của dịch Covid–19, một số thị trường truyền thống của Việt Nam đang gặp không ít khó khăn và chưa thực sự phục hồi. Lợi thế nữa là trong cam kết mở cửa thị trường của hai bên có nhiều hàng hóa thuộc thế mạnh của Việt Nam và những mặt hàng này không cạnh tranh với hàng hóa châu Âu, như: Nông sản, thủy hải sản, đồ gỗ, hàng lắp ráp điện tử Châu Âu đặt ra những tiêu chuẩn kiểm soát về kỹ thuật, quản trị, sự minh bạch rất cao. Khi tham gia EVFTA, chúng ta sẽ phải nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là phải cải thiện môi trường đầu tư ngang tầm các nước châu Âu. Vì vậy, hiệp định này cũng chính là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thứ sáu, Hiệp định EVFTA giúp Việt Nam bảo vệ môi trường. Môi trường Việt Nam đang đối diện với nguy cơ ô nhiễm nặng nề do hệ quả của công nghiệp hóa hiện đại hóa sau cải cách kinh tế từ năm 149
  4. 1986. Rất nhiều vấn đề về môi trường như: Ô nhiễm đất, ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, suy thoái rừng, mất sự đa dạng sinh học. Việc ký kết hiệp định EVFTA sẽ giúp Việt Nam có những biện pháp đối phó để bảo vệ cho môi trường. Thứ bảy, Hiệp định EVFTA giúp Việt Nam có cải cách trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Khi ký hiệp định EVFTA, Việt Nam chúng ta sẽ gia nhập thêm hiệp ước Internet của tổ chức sở hữu trí tuệ WIPO. Những hiệp ước đó giúp ngăn chặn việc truy cập trái phép hoặc sử dụng những sản phẩm mang tính sáng tạo để bảo vệ cho chủ sở hữu những sản phẩm đó. Đồng thời giúp giải quyết những thách thức mà công nghệ, truyền thông mới đặt ra đối với quyền sở hữu trí tuệ. Thứ tám, Hiệp định EVFTA giúp Việt Nam cải thiện toàn diện với chuỗi thực phẩm sạch. Hiện nay an toàn thực phẩm là mối quan tâm lo ngại hàng đầu của Việt Nam. Ký hiệp định EVFTA, thực phẩm sạch của Việt Nam như hạt tiêu hay cà phê, các loại hạt sẽ được nhập khẩu vào châu Âu và phải đáp ứng được tiêu chuẩn đặt ra. Nhờ đó mà chất lượng sản xuất của Việt Nam cũng sẽ tăng cao hơn, góp phần tạo động lực cho nền nông nghiệp của Việt Nam tiến xa hơn. Nhờ đó người dân Việt Nam cũng sẽ nâng cao hơn nhận thức và góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 2.2. Thách thức Thứ nhất, Việt Nam phải tuân thủ các Rào cản kỹ thuật (TBT). Hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU rất cao, đặc biệt đối với những hàng điện máy, điện tử, thủy hải sản. Lâu nay, Việt Nam vẫn đang phải tìm mọi cách để EU gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với hải sản cũng như những quy định về dư lượng hóa chất. Với các sản phẩm Việt Nam hiện đang có thế mạnh xuất khẩu vào EU như sản phẩm gỗ, rất cần coi trọng vấn đề xuất xứ gỗ rừng trồng. Muốn đảm bảo những quy tắc xuất xứ này, Việt Nam cần phát triển công nghiệp phụ trợ hoặc nông nghiệp sạch Thứ hai, Việt Nam phải tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường. Về sở hữu trí tuệ, thống kê cho thấy, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn khá thờ ơ với vấn đề sở hữu trí tuệ, trong khi đây là yêu cầu đặt ra hàng đầu của EU đối với bất kỳ hàng hóa nào tham gia vào thị trường này. Do vậy, để có thể khai thác được lợi ích từ hiệp định EVFTA, Việt Nam cần đặc biệt chú ý tới những quy tắc về sở hữu trí tuệ trong EVFTA. Về sử dụng lao động, dù có nhiều nỗ lực nhưng tại các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại vướng mắc khi áp dụng các tiêu chuẩn lao động. Những vướng mắc phổ biến liên quan đến việc người lao động làm thêm quá số giờ quy định; quy định về nghỉ tuần, nghỉ lễ; môi trường làm việc, vệ sinh an toàn lao động; quyền tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế Nếu không giải quyết, vấn đề này, có thể là một rào cản lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Về bảo vệ môi trường, Việt Nam hiện nay chưa có kinh nghiệm trong thực hiện các nghĩa vụ về môi trường trên cơ sở các ràng buộc và điều chỉnh thương mại. Đồng thời, nguồn lực dành cho hoạt động bảo vệ môi trường còn hạn chế, ý thức và năng lực của cán bộ quản lý cũng như người dân chưa cao ảnh hưởng đến việc thực thi các nghĩa vụ liên quan đến môi trường. Thực trạng này đặt ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam. Thứ ba, Việt Nam phải tuân thủ quy tắc xuất xứ. Thông thường, các loại hàng hoá khi nhập khẩu vào thị trường nội địa nếu muốn hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA thì phải đáp ứng yêu cầu về hàm lượng nội khối nhất định. Hàm lượng nội khối được hiểu là tỷ lệ các nguyên liệu cấu thành nên sản phẩm phải xuất xứ EU và/hoặc Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, các ngành hàng của Việt Nam vẫn nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường khác mà không phải từ EU. Vì vậy, đây được xem là một thách thức to lớn đối với Việt Nam trong việc đáp ứng cam kết trong EVFTA về quy tắc xuất xứ hàng hoá. Nếu 150
  5. không giải quyết tốt vấn đề này, một lượng lớn hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ bị từ chối và hiệu quả kinh tế từ EVFTA của Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng to lớn. Thứ tư, Việt Nam đối mặt với nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại. Thông thường, khi hàng rào thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu nữa, doanh nghiệp ở thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ thị phần và lợi nhuận của các doanh nghiệp nội địa. Theo truyền thống, EU là một thị trường thường xuyên sử dụng biện pháp này để bảo vệ thị phần nội địa. Nếu tình huống này xảy ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị lúng túng về mặt pháp lý. Thứ năm, Việt Nam đối mặt với sức ép từ cạnh tranh hàng hoá và dịch vụ với EU. Mở cửa cho các hàng hoá xuất xứ từ EU đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với việc cạnh tranh gắt gao ngay tại trên thị trường trong nước. Trên thực tế, đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam vì các doanh nghiệp EU có năng lực cạnh tranh cao hơn, kinh nghiệm thị trường và khả năng tận dụng FTA tốt hơn Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình mở cửa đối với hàng hoá EU tại Việt Nam là có lộ trình. Vì thế các doanh nghiệp Việt Nam có thời gian, có sự chuẩn bị để đưa ra những phương pháp ứng phó kịp thời với những áp lực tăng dần. 3. HƯỚNG ĐI ĐỂ VIỆT NAM TẬN DỤNG LỢI THẾ CỦA HIỆP ĐỊNH EVFTA Sức ép cạnh tranh mà EVFTA mang lại được nhận định là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. EVFTA là cơ hội, nhưng cũng là sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Do đó, để khai thác hiệu quả từ Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường để Việt Nam không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam. Cùng đó, các cam kết rộng và sâu về đầu tư của Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới. Để tận dụng cơ hội, hạn chế những thách thức mà EVFTA mang lại và cân bằng lợi ích giữa các bên, Việt Nam cần có các giải pháp triển khai trong thời gian tới, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực cơ bản như: 3.1. Phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm đảm bảo thoả mãn yêu cầu về xuất xứ. Nhà nước cần xác định các ngành xuất khẩu mũi nhọn và quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Với nguồn lực có hạn, Việt Nam không thể phân tán lực lượng mà phải tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ mũi nhọn mà mình có khả năng như: dệt may, giày dép và lắp ráp (như ô tô, xe máy, thiết bị điện và điện tử). Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các cụm sản xuất nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài; Xây dựng cơ chế thuận lợi để thu hút FDI từ các nhà đầu tư EU tham gia vào quá trình sản xuất cũng như vào các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu tại Việt Nam. 3.2. Hoàn thiện thể chế và nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi 151
  6. trường và sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế nói chung cũng như EVFTA nói riêng. Đồng thời, cần quy định các chế tài đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm; Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng về các vấn đề môi trường, lao động và sở hữu trí tuệ; Tăng cường đầu tư công nghệ xử lý chất thải, khí thải, đảm bảo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường theo cam kết trong EVFTA 3.3. Phát triển năng lực công nghệ và quản lý chất lượng nhằm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn Cần thực hiện tốt các chính sách khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài ngành chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất có năng suất, chất lượng và hiệu quả; Thu hút các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; Khai thác lợi thế trong các cam kết đầu tư từ EVFTA nhằm tăng cường hợp tác công nghệ để tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất; Phát triển mạnh hình thức thuê mua tài chính trong mua sắm máy móc, thiết bị, công nghệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm nâng cao khả năng phát triển và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp; Tăng cường đầu tư công nghệ phục vụ công tác kiểm tra, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác. 3.4. Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm đáp ứng những cam kết và thể hiện quyết tâm của nước ta khi chấp nhận các “luật chơi” quốc tế, nhất là thị trường các nước phát triển như EU. Bên cạnh những giải pháp trên, để thích ứng và nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết EVFTA, trước hết cần có sự chỉ đạo quyết liệt, thống nhất và cụ thể của Trung ương, thông qua chương trình hành động quốc gia, cụ thể hóa bằng những kế hoạch cấp Chính phủ và bộ, ngành, địa phương và từng cộng đồng DN. Theo đó, cần chú ý rà soát các yêu cầu trong EVFTA cũng như thực tiễn hội nhập thời gian qua, thiết lập danh mục các vấn đề về mặt thể chế cần được xử lý (bao gồm cả về luật pháp và bộ máy quản lý ) cần xây dựng những giải pháp tổng thể nhằm phát triển nguồn nhân lực cũng như đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để tìm hiểu và mở rộng các cơ hội tiếp cận thị trường EU. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Thành Công và Phạm Hồng Nhung (2018), Tác động của hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam đối với nền kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội. 2. Thư viện pháp luật (2019), Toàn văn Hiệp định thương mại tự do liên minh châu Âu – Việt Nam. 3. Các trang Web: 152