Hiểu đúng về sự đánh đổi lạm phát - Thất nghiệp từ đường cong Philips

pdf 10 trang Gia Huy 24/05/2022 1140
Bạn đang xem tài liệu "Hiểu đúng về sự đánh đổi lạm phát - Thất nghiệp từ đường cong Philips", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfhieu_dung_ve_su_danh_doi_lam_phat_that_nghiep_tu_duong_cong.pdf

Nội dung text: Hiểu đúng về sự đánh đổi lạm phát - Thất nghiệp từ đường cong Philips

  1. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM 43. 1Nguyễn Trí Minh* Tóm lược Đường cong Phillips, lần đầu xuất hiện vào năm 1958, là mô hình biểu diễn quan hệ đánh đổi giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát và đã được áp dụng trong hoạch định chính sách. Tuy nhiên, đường cong Phillips có những hạn chế và đã có những ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề này. Trong những năm gần đây, ở các nước phát triển có những dấu hiệu cho thấy đường cong Phillips đang bị “phẳng hóa”. Trong khi đó ở Việt Nam, khó xác định chính xác mối quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát, do việc thống kê, đo lường tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Từ khóa: Lạm phát, thất nghiệp, đường cong Phillips. Mở đầu Hầu hết các nhà kinh tế, chính trị gia trên thế giới tin rằng giữa lạm phát và thất nghiệp có sự đánh đổi. Các chính sách kinh tế, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, kích cầu nền kinh tế, trước tiên phải chú ý đến mối quan hệ này để cân nhắc các liều lượng chính sách thích hợp. Giảm lãi suất có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát nhưng đổi lại thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, giảm thất nghiệp (và ngược lại). Tuy nhiên, những bằng chứng gần đây về sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp, nhất là ở các nền kinh tế phát triển, đã không chính xác như những gì lý thuyết đường cong Phillips dự báo. Tại sao như thế? Hiểu được những động cơ khiến đường cong Phillips không đúng trong khoảng hơn một thập niên qua, sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm góc nhìn thú vị về mối quan hệ đánh đổi giữa thất nghiệp và lạm phát, từ đó có những phản ứng chính sách thích đáng hơn. * Trường Đại học Kinh tế TP. HCM |Email liên hệ: minhntri@ueh.edu.vn 603
  2. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Nguyên lý về sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp “Đường cong Phillips” được đặt theo tên của William Phillips (1914-1975) nhà kinh tế học người New Zealand thuộc trường phái kinh tế Keynes. Đường cong này xuất phát từ kết quả nghiên cứu của Phillips đăng trên tạp chí Economica năm 1958, trong đó ông nhận thấy tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thay đổi tiền lương ở Vương quốc Anh giai đoạn 1861- 1957 có mối quan hệ ngược chiều. Nói cách khác, khi tỷ lệ thất nghiệp thấp, tỷ lệ gia tăng tiền lương sẽ cao và ngược lại. Hình 1: Mô phỏng đường cong Phillips Nguồn: Engemann, 2020 Điều này được Phillips giải thích rằng khi tỷ lệ thất nghiệp cao, giới chủ doanh nghiệp có nhiều lựa chọn trong tuyển dụng lao động, nên có rất ít động lực để tăng lương. Ngược lại, khi tỷ lệ thất nghiệp thấp, giới chủ khó kiếm tuyển dụng lao động mới hơn, khiến họ phải tăng lương nhiều hơn. Sau đó, dựa trên nghiên cứu của Phillips, Paul Samuelson và Robert Solow (1960), cũng thuộc trường phái Keynes, đã tìm ra mối quan hệ tương tự giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát, và đặt tên cho mối quan hệ này là “đường cong Phillips”. Đường cong Phillips có thể được xem là công cụ củng cố lý luận kinh tế của trường phái Keynes, vốn chú trọng vào tác động của tổng cầu lên nền kinh tế. Tổng cầu gia tăng sẽ giúp các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều lao động hơn, làm giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, khi nền kinh tế tiến gần đến mức toàn dụng lao động, áp lực từ yêu cầu được tăng 604
  3. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM lương của người lao động sẽ lớn hơn, do doanh nghiệp khó tìm được người mới và người lao động cũng khó tìm chỗ làm khác hơn. Việc tăng lương, cùng với tăng tổng cầu, có thể khiến doanh nghiệp phải gia tăng giá thành sản phẩm bán ra, dẫn đến lạm phát. Nếu tuân theo đường cong Phillips, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải xem xét sự đánh đổi giữa thất nghiệp và lạm phát, và lạm phát là cái giá phải trả cho việc phát triển kinh tế và tạo thêm việc làm cho người dân. Cái giá của sự đánh đổi này càng cao khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức càng thấp. Những tranh luận về đường cong Phillips Sau khi được công bố, đường cong Phillips được sử dụng rộng rãi trong việc hoạch định chính sách. Tuy nhiên, đến cuối thập niên 1960, các nhà kinh tế học thuộc trường phái tiền tệ (monetarist) Milton Friedman (1968) và Edmund Phelps (1967, 1968), đã đưa ra những luận điểm phản bác tính thực tế của đường cong Phillips. Họ cho rằng mối quan hệ được thể hiện qua đường cong Phillips chỉ mang tính ngắn hạn, các yếu tố quan trọng cần được chú là tiền lương thực (real wage), tức sức mua của tiền lương khi có tính đến lạm phát và kỳ vọng lạm phát. Để giải thích quan điểm này, họ đề xuất hình thái mới của đường cong Phillips, bằng cách đưa thêm yếu tố kỳ vọng lạm phát vào “mô hình” (còn gọi là expectations- augmented Phillips curve). Khi các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng làm tổng cầu tăng, người lao động sẽ có nhu cầu được tăng lương danh nghĩa. Ở góc độ doanh nghiệp, các chính sách mở rộng có thể giúp họ dễ dàng tuyển lao động mới và tăng lương. Người lao động được tăng lương nghĩ rằng tiền lương thực của họ cũng tăng theo, sẵn sàng bán sức lao động của mình nhiều hơn để được hưởng lợi ích trên. Kết quả là tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống. Tuy nhiên, lạm phát khiến mặt bằng giá cả gia tăng, làm tiền lương thực (sức mua) suy giảm so với trước khi tăng mức lương danh nghĩa. Điều này khiến người lao động thay đổi kỳ vọng lạm phát tương lai, đồng thời đòi hỏi mức lương cao hơn để bù đắp cho lạm phát, cũng như ít khả năng sẵn lòng bán sức lao động của mình hơn. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trở lại mức ban đầu trong khi lạm phát cũng tăng, từ đó khiến đường cong Phillips dịch chuyển lên trên. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ có thể thay đổi trong ngắn hạn và quay trở lại một mức xác định, khi mọi người thay đổi kỳ vọng lạm phát theo từng thời điểm. Mức này được gọi là tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên. Một biến thể được dùng để biểu thị trạng thái “cân bằng” tương tự có tên gọi NAIRU (non-accelerating inflation rate of employment), tức mức tỷ lệ thất nghiệp giữ cho lạm phát ổn định, không thay đổi. Nói cách khác, việc đặt mục tiêu tỷ lệ thất nghiệp dưới mức tự nhiên không khả thi về lâu về dài. Trong dài hạn, thay đổi tỷ lệ thất nghiệp không còn ảnh hưởng lên lạm phát và đường cong Phillips trở thành đường 605
  4. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM thẳng đứng ở mức tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên. Khái niệm tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên cũng phản ánh được những yếu tố khiến thị trường lao động khó đạt mức toàn dụng, chẳng hạn như lao động tìm kiếm việc làm mới, hay chuyên môn của người lao động không phù hợp với các ngành nghề đang cần tuyển người. Hình 2: Đường cong Phillips có tính đến kỳ vọng, ngắn hạn và dài hạn. Nguồn: Policonomics Thực tế cho thấy, các luận điểm của trường phái tiền tệ không phải không có cơ sở. Vào thập niên 1970, Mỹ trải qua thời kỳ lạm phát phi mã nhưng kinh tế lại đình đốn và tỷ lệ thất nghiệp cao (stagflation). Hiện tượng này được giải thích bởi kỳ vọng lạm phát của người dân lúc đó ở mức quá cao, khiến lạm phát trở nên dai dẳng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến chỉ trích lý luận của Friedman và những người cùng trường phái, cho rằng nguyên lý kỳ vọng lạm phát nói trên giả định người lao động mặc nhiên không đánh giá được sức mua của tiền lương mình nhận, chỉ giới chủ hiểu được điều đó, dù trên thực tế thông tin về chỉ số giá tiêu dùng được công bố rộng rãi, ai cũng có thể tiếp cận. Đồng thời, lý luận này cũng bỏ qua yếu tố chu kỳ kinh tế. Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên hay NAIRU cũng không phải là con số cố định và phụ thuộc vào các điều kiện như thành phần dân số, cơ chế thuế doanh nghiệp, giá cả các mặt hàng liên quan (chẳng hạn như nhiên liệu), vị thế của người lao động và công đoàn. 606
  5. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Đường cong Phillips đang bị “phẳng hóa” Một hiện tượng đang được chú ý trong những năm gần đây là “phẳng hóa” đường cong Phillips. Ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản và Đức, tỷ lệ thất nghiệp giảm liên tục trong thập niên 2010, nhưng lạm phát không có sự thay đổi tương xứng, như được thể hiện trong Hình 3 và 4. Hình 3: Tỷ lệ thất nghiệp ở 4 nước phát triển giai đoạn 2009-2019 12 10 8 Đức 6 Anh Nhật 4 Mỹ 2 0 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019 Nguồn: số liệu từ World Bank Hình 4: Tỷ lệ lạm phát ở 4 nước phát triển giai đoạn 2009-2019 5 4 3 Đức 2 Anh 1 Nhật Mỹ 0 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019 -1 -2 Nguồn: số liệu từ World Bank 607
  6. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Hình 5: Mô phỏng quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát ở 4 nước phát triển giai đoạn 2009-2019. Đức Anh 2.5 5 2 4 1.5 3 1 2 0.5 1 Lạmphát (%) Lạmphát (%) 0 0 0 5 10 0 5 10 Thất nghiệp (%) Thất nghiệp (%) Nhật Mỹ 3 4 2 3 1 2 0 1 0 2 4 6 Lạm phát (%)phát Lạm Lạmphát (%) -1 0 -2 -1 0 5 10 15 Thất nghiệp (%) Thất nghiệp (%) Nguồn: số liệu từ World Bank Không như tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lạm phát của các nước phát triển trong đồ thị có diễn biến phức tạp hơn. Mỹ, Anh, Đức đều có giai đoạn gia tăng lạm phát từ năm 2009 đến 2011 (năm USD trượt giá sâu so với các đồng tiền khác và giá dầu tăng chóng mặt), sau đó giảm gần như liên tục trong giai đoạn 2011-2015, rồi phục hồi các năm kế tiếp nhưng có dấu hiệu chững lại vào năm 2019. Nhật Bản gia tăng lạm phát liên tục trong giai đoạn 2009-2014 do tác động từ các chính sách phát triển kinh tế của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, trước khi hạ nhiệt vào các năm kế tiếp, tăng trở lại trong giai đoạn 2016- 2018, rồi cũng chững lại vào 2019. Dữ liệu từ 4 nước phát triển trên cho thấy không có mối quan hệ thật sự rõ ràng giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát ở các nước này trong vòng một thập niên trở lại đây. Lạm phát ở các nước này không đi lên càng lúc càng nhanh, theo quy tắc của đường cong Phillips, mà trồi sụt thất thường và những giai đoạn lạm phát gia tăng khi tỷ lệ thất nghiệp giảm cũng không quá dài. 608
  7. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Có nhiều lý do để giải thích cho hiện tượng nói trên. Đầu tiên, khi điều kiện kinh tế khó khăn, các công ty không muốn giảm lương quá nhiều để hạn chế ảnh hưởng đến tinh thần làm việc, dẫn đến điều ngược lại, rằng khi tình hình kinh tế khả quan hơn, giới chủ sẽ không vội tăng lương ngay. Hơn nữa, việc truyền dẫn giá từ chi phí tiền lương sang giá thành cũng không phải tức thời. Đối với một số ngành, như dịch vụ ăn uống, việc điều chỉnh giá thành thường xuyên sẽ rất tốn kém. Điều này làm giảm đáng kể tác động của tỷ lệ thất nghiệp lên lạm phát, góp phần “phẳng hóa” đường cong Phillips. Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp có thể không phản ánh đúng tiềm năng còn sót lại của thị trường lao động. Các doanh nghiệp ở các nước phát triển như Nhật Bản có thể tuyển thêm người vốn không được tính vào lực lượng lao động của họ, như phụ nữ và người đã qua tuổi nghỉ hưu. Tuyển dụng những người thuộc nhóm đối tượng này sẽ không làm ảnh hưởng đến con số tỷ lệ thất nghiệp được thống kê. Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin, thị trường việc làm của một nước không chỉ bao gồm các công dân của quốc gia đó. Lao động của một quốc gia có thể di chuyển sang nước khác làm việc, thậm chí có thể làm việc xuyên biên giới nhờ các phần mềm hội họp online. Thí dụ, trong nông nghiệp, các nước phát triển thuê lao động nước ngoài thu hoạch nông sản ở các trang trại quy mô lớn. Ở các ngành mang tính dịch vụ như ngân hàng, nhiều người có thể làm việc cho các công ty có trụ sở ở nước ngoài với chiếc máy vi tính trong phòng của mình, không phải tốn công di chuyển và thực hiện các thủ tục rườm rà. Khó có thể phản ánh được điều này trong thống kê thất nghiệp truyền thống. Nhìn chung, lý thuyết đường cong Phillips không tính đến các yếu tố “phi chính thống” của thị trường lao động hiện nay. Ở góc độ bên điều tiết, chính sách tiền tệ phản chu kỳ của các NHTW cũng có thể làm phẳng đường cong Phillips, do tính chất đón đầu của nó. Khi lạm phát có nguy cơ gia tăng, NHTW có thể đưa ra các chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát từ trong trứng nước. Hệ quả đi kèm là tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ít nhiều. Ngược lại, khi lạm phát có dấu hiệu giảm, chính sách mở rộng được áp dụng, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tóm lại, chính sách phản chu kỳ làm thay đổi tỷ lệ thất nghiệp để giữ lạm phát không đổi. Ngoài ra, mô hình đường cong Phillips vẫn chỉ gói gọn trong 2 yếu tố xác định, trong khi còn có những yếu tố khác tác động lên mặt bằng giá cả và lạm phát. Thí dụ, giai đoạn lạm phát gia tăng 2009-2011 cũng là thời điểm giá dầu tăng chóng mặt, từ 46,17USD/thùng khi thị trường mở vào đầu năm 2009, tăng lên 98,83USD/thùng khi thị trường đóng cửa hết năm 2011. Trong khi đó, năm 2015 chứng kiến sự sụt giảm đáng kể của giá dầu, chỉ ở mức 37,13USD/thùng khi thị trường đóng cửa hết năm đó. Đây cũng là thời điểm lạm phát của các quốc gia xuống mức rất thấp. Điều này có thể được giải 609
  8. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM thích bằng hệ thống petrodollar, khi các giao dịch dầu đều được tính bằng USD. Giá dầu tăng vọt khiến USD mất giá, kéo mặt bằng giá cả đi lên do USD hay được sử dụng làm đồng tiền chuẩn để định giá các loại tài sản khác nhau trên thế giới. Giá dầu tăng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất, vận chuyển ở các nước, góp phần đẩy giá thành lên cao. Hàm ý chính sách cho Việt Nam Hình 6: Tỉ lệ lạm phát và thất nghiệp ở Việt Nam giai đoạn 2009-2020 20.00 18.00 16.00 14.00 12.00 10.00 Lạm phát (%) 8.00 Thất nghiệp (%) 6.00 4.00 2.00 0.00 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 Nguồn: số liệu từ World Bank và IMF Hình 7: Mô phỏng quan hệ giữa tỉ lệ thất nghiệp và lạm phát ở Việt Nam giai đoạn 2009-2020 20.00 18.00 16.00 14.00 12.00 10.00 8.00 Lạmphát (%) 6.00 4.00 2.00 0.00 0 0.5 1 1.5 2 2.5 3 Thất nghiệp (%) Nguồn: số liệu từ World Bank và IMF 610
  9. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Giá dầu tăng cao cũng khiến Việt Nam chịu ảnh hưởng tương tự như hầu hết các nước trên thế giới. Vào năm 2011, lạm phát ở Việt Nam lên đến hơn 18%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam không thay đổi quá nhiều trong giai đoạn 2009-2020 khi lạm phát có biến động lớn. Do đó ta thấy ở Việt Nam không có quan hệ rõ rệt giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát theo đường cong Phillips. Câu hỏi đặt ra, liệu khi lạm phát tăng cao giai đoạn 2008-2011, tỷ lệ thất nghiệp không đổi quá nhiều? Giai đoạn 2015 đến nay lạm phát có xu hướng giảm, tỷ lệ thất nghiệp vẫn không đổi hay có tăng lên? Đây là câu hỏi không có câu trả lời chính xác. Lý do, các thống kê tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam không theo thông lệ quốc tế; đặc biệt mức độ trung thực và chính xác của các thông tin về việc làm và lao động. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam năm 2019 là 1,98%, thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển thường có tỷ lệ thất nghiệp cao trên 3 lần. Điều đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn hoành hành, ở nhiều nơi số lao động bị thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam vẫn ở mức thấp đáng ngạc nhiên 2,29% trong quý III và 2,27% trong 9 tháng năm 2020, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm Covid-19 chưa xuất hiện. Theo lý giải của cơ quan thống kê, đó là do khi bị mất việc làm người lao động nước ta có thói quen sử dụng nguồn tài chính dự trữ nên không đi tìm công việc mới, chấp nhận nghỉ việc tạm thời. Theo quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), những người này không được tính vào lực lượng lao động, cũng như đội quân thất nghiệp. Theo quan điểm người viết, cách lý giải của ILO không phản ánh được cuộc sống bấp bênh của người lao động nếu xét đến tương lai của họ, khi các nguồn tiết kiệm ít ỏi của họ cạn kiệt nhanh chóng. Mặt khác, ngoài tỷ lệ thất nghiệp, nếu sử dụng thêm nhiều tiêu chí khác như tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo, thu nhập của người lao động, lực lượng lao động chưa được khai thác hết tiềm năng tỷ lệ thất nghiệp thực tế có thể cao hơn nhiều con số công bố. Các nhà kinh tế cho rằng đường cong Phillips không phải là công cụ hoàn hảo để hoạch định chính sách. Tuy nhiên chí ít họ cũng có cơ sở bằng các dữ liệu thống kê, thậm chí theo thời gian thực, để hỗ trợ luận điểm của mình. Do đường cong Phillips bị phẳng hóa, các nhà hoạch định chính sách ở các nước phát triển mới mạnh dạn tung ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ (họ vẫn tin rằng lạm phát vẫn không tăng đáng kể do những lý do tác giả phân tích phần trên). Trong khi đó, ở Việt Nam lại thiếu các công cụ đo lường chính xác tỷ lệ thất nghiệp. Điều này dẫn đến thiệt thòi lớn cho người lao động. Chẳng hạn giai đoạn 2015 đến nay 611
  10. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM lạm phát giảm nhiều, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ổn định hay tăng đáng kể? Dường như các nhà hoạch định chính sách đang hoan hỷ với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Các phản ứng chính sách tài khóa, tiền tệ vẫn còn quá nhiều thận trọng để kiềm chế lạm phát, bởi họ tin rằng tỷ lệ thất nghiệp vẫn không đổi. Các nhà hoạch định chính sách tất nhiên có được thành tích ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng cái giá phải trả có thể là thất nghiệp tăng lên trong thực tế. Và do chúng ta vẫn chưa có thước đo tỷ lệ thất nghiệp chính xác, nên không ai có thể bày tỏ nỗi lòng của người lao động, rằng chúng tôi vẫn còn nhiều cơ cực lắm dù lạm phát thấp và ổn định kinh tế vĩ mô. Tài liệu tham khảo Engemann, K., 2020. What’s the Phillips Curve & Why Has It Flattened? [online] Federal Reserve Bank of St. Louis. Available at: [Accessed 3 April 2021]. Friedman, M., 1968. The role of monetary policy. American Economic Review, 58, pp.1-17. Gordon, R., 2018. Friedman and Phelps on the Phillips curve viewed from a half century's perspective. Review of Keynesian Economics, 6(4), pp.425-436. Hoover, K., n.d. Phillips Curve. [online] The Library of Economics and Liberty. Available at: [Accessed 3 April 2021]. Phelps, E., 1967. PCs, Expectations of inflation, and optimal unemployment over time. Economica, 34, pp.254-81. Phelps, E., 1968. Money-wage dynamics and labor-market equilbirum. Journal of Political Economy, 76, pp.678-711. Policonomics. n.d. Monetarism: Expectations-augmented Phillips curve | Policonomics. [online] Available at: [Accessed 3 April 2021]. Samuelson, P. and Solow, R., 1960. Analytical aspects of anti-inflation policy. American Economic Review, 50, pp.177-194. The Economist. 2020. Why does low unemployment no longer lift inflation?. [online] Available at: [Accessed 3 April 2021]. 612