Hoạt động của ngân hàng nhà nước Thành phố Đà Nẵng – cầu nối triển khai cơ chế chính sách và hiệu quả điều hành của ngân hàng nhà nước Việt Nam

pdf 9 trang Gia Huy 23/05/2022 1630
Bạn đang xem tài liệu "Hoạt động của ngân hàng nhà nước Thành phố Đà Nẵng – cầu nối triển khai cơ chế chính sách và hiệu quả điều hành của ngân hàng nhà nước Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfhoat_dong_cua_ngan_hang_nha_nuoc_thanh_pho_da_nang_cau_noi_t.pdf

Nội dung text: Hoạt động của ngân hàng nhà nước Thành phố Đà Nẵng – cầu nối triển khai cơ chế chính sách và hiệu quả điều hành của ngân hàng nhà nước Việt Nam

  1. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG – CẦU NỐI TRIỂN KHAI CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH VÀ HIỆU QUẢ ĐIỀU HÀNH CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM Võ Minh1, Lưu Thị Mỹ Hạnh2, Trịnh Minh Nhật Vũ3, Đào Thị Thùy Dung4 1Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Đà Nẵng 2, 3, 4Chuyên viên Phòng Tổng hợp và Kiểm soát nội bộ - Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Đà Nẵng TÓM TẮT Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Đà Nẵng đã thực hiện điều hành hoạt động ngân hàng trên địa bàn bám sát các mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề ra trong giai đoạn 2015 - 2019. Kết quả đạt được toàn diện và khá khả quan, góp phần phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội Thành phố. Trên cơ sở đó Ngân hàng Nhà nước Thành phố tiếp tục hoạch định kế hoạch và giải pháp tiếp tục triển khai cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và khu vực miền Trung giai đoạn 2020 - 2025. Từ khóa: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Đà Nẵng, cơ chế điều hành chính sách tiền tệ, hiệu quả điều hành 1. Đặt vấn đề Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), thành phố Đà Nẵng đã có những bước phát triển nhanh, khá toàn diện, đạt được những thành tựu cơ bản trên hầu hết các lĩnh vực, diện mạo đô thị thay đổi ấn tượng. Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 của thành phố Đà Nẵng tăng trưởng so với năm 2018 với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhiều hoạt động được khẩn trương triển khai để thực hiện mục tiêu năm 2019 “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” như tổ chức thành công Tọa đàm mùa Xuân 2019; là địa phương xếp hạng nhất Chính quyền điện tử khối tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xếp hạng nhất về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Index), đánh dấu 11 năm liên tiếp (2009 - 2019) Thành phố vinh dự dẫn đầu bảng xếp hạng này trong toàn quốc và đã vinh dự nhận giải thưởng ASOCIO Smart City 2019. Theo công bố của Cục thống kê thành phố, quy mô kinh tế năm 2019 của Đà Nẵng đạt hơn 109 nghìn tỷ đồng, tăng gần 8,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2018. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 95,7 triệu đồng/người/năm, tương đương 4.095 USD (tăng 4,37% so với năm 2018). Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 của Thành phố tăng 6,47% so với năm trước. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố đã triển khai các chương trình trọng tâm như chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng Thành phố theo hướng phát triển mạnh các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại; tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng thành phố văn minh, môi trường Dưới góc độ là ngành dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tham gia vào quá trình này, vừa thể hiện vai trò là đối tượng của chương trình thực hiện cơ cấu hệ thống ngân hàng gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời cũng là vai trò của định chế tài chính trung gian, đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu của Thành phố đề ra. Năm 2019 có ý nghĩa lớn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của giai đoạn này, đây cũng là năm hoạt động ngân hàng nói chung, trên địa bàn thành phố nói riêng đạt được nhiều kết quả quan trọng, ấn tượng, hội tụ và mang lại từ hiệu quả cơ chế chính sách và điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương (NHTW), đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề cho chu kỳ phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo. Đánh giá tổng quan hoạt động của hệ thống ngân hàng 1
  2. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 trên địa bàn đã thể hiện được vai trò của mình là cầu nối cơ chế chính sách và hiệu quả điều hành của NHTW, thể hiện qua các kết quả được trình bày cụ thể dưới đây. 2. Cơ chế điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ - ngân hàng, trên cơ sở các định hướng phát triển kinh tế - xã hội được Đảng, Quốc hội và Chính phủ thông qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chỉ đạo các NHNN chi nhánh thực hiện cơ chế điều hành hoạt động ngân hàng bám sát vào các mục tiêu cụ thể như sau: Điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó: - Điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT để điều tiết tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đồng thời, tiếp tục giữ ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc; tái cấp vốn để hỗ trợ các TCTD xử lý nợ xấu và cho vay các chương trình theo mục tiêu của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm chi phí huy động vốn cho ngân sách nhà nước. - Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ tạo điều kiện cho hệ thống TCTD ổn định và giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. - Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt theo cơ chế tỷ giá trung tâm phù hợp với các điều kiện thị trường và mục tiêu điều hành CSTT, chỉ đạo thực hiện lộ trình chuyền dần quan hệ huy động - cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua - bán ngoại tệ trong chủ trương tổng thể về chống đô la hóa của Chính phủ. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó: - Mở rộng tín dụng đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực cho tăng trưởng, các dự án trọng điểm quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ; đáp ứng kịp thời nhu cầu hợp pháp về vốn, nhất là vốn tín dụng tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. - Đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng cách tăng cường đối thoại, kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thuận lợi, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. - Chủ động triển khai nhiều giải pháp tích cực góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Đồng thời, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa - nơi dễ bị ảnh hưởng của tín dụng đen; đẩy mạnh công tác truyền thông về các chủ trương, chính sách, các chương trình tín dụng, sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng và cách thức tiếp cận vốn vay; cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng tổ chức cho vay nặng lãi. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM); thực hiện thí điểm các mô hình thanh toán mới, các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech); áp dụng công nghệ mới, giải pháp đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực ngân hàng. Trong đó: - Chỉ đạo TCTD và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh TTKDTM và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân, trong đó tập trung nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới, hiện đại vào các sản phẩm, dịch vụ thanh toán; nâng cao hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, tập trung hóa hệ thống xử lý phân tán về trung tâm thanh toán quốc gia và cung cấp thêm dịch vụ thanh toán ngoại tệ; xây dựng hệ thống thanh toán phục vụ các giao dịch bán lẻ trong nền kinh tế số; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh triển khai thanh toán qua ngân hàng với dịch vụ công. - Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, chỉ đạo các đơn vị chức năng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tăng cường công tác an ninh công nghệ thông tin, an toàn trong lĩnh vực thanh toán dựa 2
  3. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 trên các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đồng thời cảnh báo kịp thời phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng. - Phát triển dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ và kinh tế số, chỉ đạo các TCTD xây dựng hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, cho phép chia sẻ, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng nhiều ngành, lĩnh vực, lấy trải nghiệm khách hàng làm trọng tâm. 3. Kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của các đơn vị trong toàn ngành, hoạt động ngân hàng Thành phố trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Những kết quả tích cực này sẽ tạo tiền đề cho việc hoàn thành kế hoạch của cả giai đoạn 2016 – 2020, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn vào sự nghiệp phát triển chung của kinh tế thành phố Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung. Các chỉ đạo, điều hành và kết quả quan trọng đạt được của ngành ngân hàng Thành phố trong giai đoạn 2015 – 2019 thể hiện qua các mặt: Thứ nhất, thị trường tiền tệ ổn định, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ NHNN Thành phố đã chủ động bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam trong việc điều hành lãi suất, nhờ đó đã ổn định được mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với chi phí hợp lý. Theo đó: - Lãi suất huy động VNĐ: Mặt bằng lãi suất huy động VND khá ổn định từ năm 2015 đến nay. Lãi suất huy động không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 01 tháng phổ biến ở mức từ 0,5% - 1%/năm; kỳ hạn từ 01 đến dưới 06 tháng từ 4,2% - 5,5%/năm; kỳ hạn từ 06 tháng đến 12 tháng từ 5,5% - 7,8%/năm; từ trên 12 tháng từ 6,2 - 8%/năm.1 - Lãi suất cho vay bằng VNĐ: Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến khoảng 7% - 9%/năm, các lĩnh vực ưu tiên tối đa là 6% - 6,5%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn phổ biến khoảng 9% - 11,5%/năm, cho vay các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7,5% - 10,5%/năm. Đối với nhóm khách hàng tốt, tài chính lành mạnh, minh bạch thì lãi suất cho vay ở mức 5,1% - 5,8%/năm.2 Có thể thấy rằng, mặt bằng lãi suất thị trường trên địa bàn được duy trì ổn định trong 5 năm qua và có xu hướng giảm nhẹ ở thời điểm cuối năm 2019 do NHNN ban hành Quyết định 2145/QĐ-NHNN và 2146/QĐ- NHNN3 để cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về phấn đấu giảm lãi suất huy động và cho vay để ổn định kinh tế vĩ mô. Thị trường vàng phù hợp với quy luật cung cầu, tỷ giá ổn định Thị trường vàng Thành phố giai đoạn 2015 – 2019 được điều tiết theo quy luật cung cầu, tình trạng vàng hóa được tiếp tục ngăn chặn, góp phần ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ giá giữa đồng Việt Nam và các loại ngoại tệ khác trong những năm qua được giữ ở mức ổn định, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tình trạng găm giữ ngoại tệ và đô la hóa giảm; thanh khoản thị trường được đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Thứ hai, hoạt động ngân hàng ổn định, tăng trưởng và phát triển theo xu hướng tích cực so với các năm trước đây, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp và người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương Tạo vốn đảm bảo cân đối nhu cầu vốn cho các thành phần kinh tế trên địa bàn 1 Quyết định số 919/QĐ-NHNN: Từ 13/5/2020, lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng là 4,25%/năm. 2 Quyết định số 920/QĐ-NHNN: Từ 13/5/2020, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với các lĩnh vực ưu tiên là 5,0%/năm. 3 Quyết định số 2415/QĐ-NHNN: Từ 19/11/2019, lãi suất tối đa đối đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,8%/năm, tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng là 5%/năm; Quyết định số 2416/QĐ-NHNN: Từ 19/11/2019, lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các lĩnh vực ưu tiên tối đa 6%/năm. 3
  4. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 Thực hiện bám sát chỉ đạo của NHNN Việt Nam và tình hình thị trường, NHNN Thành phố đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn có cơ chế lãi suất huy động hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật để tạo lập vốn, đảm bảo nhu cầu vốn cho các thành phần kinh tế trên địa bàn. Tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động bình quân giai đoạn 2015 - 2019 đạt 10,81%/năm. Năm 2019, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 131.500 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cuối năm 2018. Nguồn vốn huy động có xu hướng tăng dần qua các năm, tuy nhiên tỷ lệ tăng trưởng huy động vốn có xu hướng tăng chậm lại. Điều này là do chủ trương giảm mặt bằng lãi suất huy động qua đó giảm lãi suất cho vay để tài trợ cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng nguồn vốn huy động trên địa bàn có mức tăng trưởng thấp so với tỷ lệ tăng trưởng của hoạt động tín dụng trong những năm gần đây nhưng các TCTD vẫn đảm bảo cân đối nhu cầu vốn cho các thành phần kinh tế trên địa bàn. Mở rộng tín dụng, tập trung vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên Hoạt động cho vay giai đoạn 2015 – 2019 đạt mức tăng trưởng ấn tượng, bình quân 20,94%/năm. Năm 2019, dư nợ cho vay đạt 175.500 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng được kiểm soát nhưng vẫn đảm bảo nguồn cung vốn cho nhu cầu thực của người dân và tổ chức kinh tế. Tín dụng ngoại tệ được kiểm soát theo xu hướng giảm, phù hợp với khả năng huy động vốn và chủ trương chống đô la hóa và vàng hóa của Chính phủ. Bên cạnh đó, các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực được ngành ngân hàng trên địa bàn triển khai tích cực như cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; Cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay xây dựng nông thôn mới; Cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Nợ xấu luôn được kiểm soát ở mức thấp hơn 3% theo chủ trương của NHNN Việt Nam (tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019 lần lượt là 1,78%, 1,36%, 0,96%, 1,8%, 0,73%), đồng thời NHNN Thành phố cùng các TCTD trên địa bàn rất tích cực trong công tác phối hợp với Tòa án, cơ quan Thi hành án nhằm xử lý nhanh các khoản nợ xấu, góp phần đảm bảo an toàn của hệ thống. Thứ ba, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu đem lại hiệu quả tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ thị trường Với chủ trương tăng cường đối thoại, kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thuận lợi, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, hàng năm NHNN Thành phố đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân (UBND) các cấp, các TCTD triển khai tích cực Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Cho đến nay, hoạt động này đã trải qua thực tiễn với nhiều sự thay đổi từ nội dung cho đến cách thức thực hiện để phù hợp với những diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn trong môi trường cạnh tranh và đổi mới không ngừng. Từ giai đoạn đầu phối hợp với chính quyền các cấp, sở, ban ngành, các Hiệp hội, Ban quản lý trên địa bàn nắm bắt nút thắt khó khăn của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn – cho vay theo gói hỗ trợ doanh nghiệp - Lễ ký kết. Giai đoạn tiếp theo ngoài tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, còn phối hợp với cơ quan Thi hành án, Tòa án tháo gỡ khó khăn cho việc xử lý nợ của các TCTD. Đến giai đoạn hiện nay Chương trình kết nối đi vào chiều sâu, với nội hàm hướng đến hiệu quả, thiết thực với những nội dung cụ thể như: (i) Doanh số giải ngân cho vay mới thời điểm cuối năm 2019 đạt 5.232 tỷ đồng, cho hơn 1.300 doanh nghiệp với dư nợ hơn 5.000 tỷ đồng; (ii) Chỉ đạo các TCTD tiếp tục đổi mới quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay theo hướng bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, nâng cao khả năng thẩm định, giải quyết nhu cầu vay vốn cho doanh nghiệp nhanh, gọn song vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; đồng thời, cắt giảm các khoản phí, chi phí không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Thứ tư, thanh toán không dùng tiền mặt trở thành xu thế tất yếu trong hoạt động thanh toán trên địa bàn; các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phát triển dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại; đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán 4
  5. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 Hoạt động TTKDTM trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong những năm qua đã có những bước tiến đáng kể, số lượng giao dịch thanh toán qua ngân hàng không ngừng tăng, nhiều hóa đơn tiền điện, nước, điện thoại, vé máy bay, nộp thuế, phí, lệ phí, nộp phạt vi phạm hành chính, được thực hiện qua hệ thống ngân hàng. Qua đó cho thấy, TTKDTM đã dần khẳng định được ưu điểm và lợi thế so với tiền mặt, khách hàng ngày càng nhận thức được tiện ích của các dịch vụ TTKDTM và tận dụng được những ưu đãi mà ngân hàng đem lại. Các TCTD trên địa bàn đã nhận thức được xu hướng phát triển của TTKDTM và xem đây là một mảng kinh doanh quan trọng bên cạnh hoạt động tín dụng. Nhận thức rõ về sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các TCTD đã triển khai hoạt động TTKDTM theo hướng: chủ động phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, gia tăng số lượng, chất lượng máy ATM, POS, cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ bán lẻ, tiện ích, an toàn, truyền thông rộng rãi về dịch vụ TTKDTM đến với khách hàng thông qua nhiều kênh khác nhau như phát tờ rơi, gửi email, tin nhắn, quảng cáo trên báo chí, website, liên kết với các hệ thống bán hàng trực tuyến, bán hàng truyền thống, chuỗi nhà hàng, rạp chiếu phim, Đồng thời phối hợp tích cực với các Sở, Ngành liên quan nhằm đẩy mạnh TTKDTM. NHNN chi nhánh TP Đà Nẵng là một trong năm chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố tham gia trực tiếp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) ngay từ lúc mới triển khai. Đây là hệ thống thanh toán điện tử trực tuyến, hiện đại, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, NHNN chi nhánh TP Đà Nẵng giữ vai trò là trung tâm xử lý khu vực miền Trung - Tây Nguyên, băng thông kết nối với trung tâm xử lý quốc gia là 20Mbps, thời gian thực hiện một lệnh thanh toán không quá 10 giây, trung bình mỗi ngày, trung tâm xử lý khu vực miền Trung - Tây Nguyên xử lý 8.799 món chuyển tiền đi và 5.961 món chuyển tiền đến, những ngày cao điểm xử lý 22.020 món chuyển tiền đi và 14.384 món chuyển tiền đến. Về cơ bản, hệ thống TTĐTLNH đã đáp ứng nhu cầu thanh toán của các TCTD về tốc độ, khối lượng giao dịch, độ an toàn và bảo mật, là cơ sở để các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát triển các phương tiện, dịch vụ thanh toán cho khách hàng, mở rộng TTKDTM. Bảng: Hoạt động TTKDTM trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2015 – 2019 ĐVT: Thẻ, máy, tỷ đồng Năm Năm Năm Năm Năm Chỉ tiêu 2015 2016 2017 2018 2019 1. Số thẻ phát hành: 281.821 304.867 492.109 578.912 548.500 - Thẻ nội địa 243.164 260.708 407.943 455.489 405.000 - Thẻ quốc tế 38.657 44.159 84.166 123.423 143.500 2. Doanh số giao dịch qua thẻ: 14.036 18.934 40.650 35.985 43.400 - Thẻ nội địa 11.225 13.076 33.818 26.754 31.700 - Thẻ quốc tế 2.811 5.858 6.832 9.231 11.700 3. Máy ATM, máy POS: 4.708 5.352 6.907 7.695 9.003 - Số máy ATM 470 492 501 531 557 - Số máy POS 4.238 4.860 6.406 7.164 8.446 5
  6. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 4. Giao dịch thanh toán theo các kênh giao dịch - Giá trị giao dịch qua ATM 27.570 34.929 45.169 45.102 57.600 - Giá trị giao dịch qua POS 4.589 6.727 12.648 18.121 22.900 Nguồn: Tổng hợp từ các báo cáo tổng kết thường niên hoạt động ngân hàng TP ĐN năm 2015 - 2019 Từ năm 2014 và các năm tiếp theo, NHNN Chi nhánh cùng các TCTD trên địa bàn đã thực hiện việc thành lập các cụm ATM tập trung tại một số vị trí thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân giao dịch qua ATM an toàn, hiệu quả, góp phần xây dựng một thành phố với cảnh quan hiện đại và văn minh, phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Năm 2016 là một bước ngoặt quan trọng khi chính quyền địa phương và ngành ngân hàng TP Đà Nẵng xác định TTKDTM là nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng trong Đề án “Phát triển mạnh các ngành dịch vụ trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2020, định hướng đến năm 2035”. Trên cơ sở đó, NHNN chi nhánh tích cực triển khai Đề án “Phát triển hệ thống thanh toán qua POS tại các trung tâm mua sắm, du lịch trên địa bàn TP Đà Nẵng”. Và trong năm 2019, Đề án “Nâng cao nhận thức và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” được UBND Thành phố phê duyệt đã góp phần tuyên truyền, nâng cao kiến thức thanh toán, đẩy mạnh thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng, thông qua đó cho phép tạo lập nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế. Việc triển khai Đề án này là tiền đề để đẩy mạnh hoạt động TTKDTM trên địa bàn Thành phố trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Chỉ sau thời gian ngắn thực hiện các Đề án, nhiều dịch vụ ngân hàng điện tử như Internet Banking, Mobile Banking đạt tốc độ tăng trưởng cao, thu hút khách hàng sử dụng ngày càng tăng. Đến cuối 2019, trên địa bàn thành phố có 49 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 35 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Mobile Banking, 18 tổ chức triển khai dịch vụ QR Code với giá trị giao dịch lần lượt là 114.000; 76.800; 1.850 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM tiếp tục được đầu tư, phát triển; năm 2019 trên địa bàn thành phố có 557 ATM (tăng 18,51% so với năm 2015), 8.446 POS (tăng 99,29% so với năm 2015) và hiện đã được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, đang mở rộng đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công (cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, ). Nhìn chung, dịch vụ ngân hàng trên địa bàn Đà Nẵng tiếp tục phát triển gắn liền với quá trình đổi mới và ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, thông qua đó cho phép tạo lập nguồn vốn, góp phần cải thiện kết quả kinh doanh, tăng tỷ trọng thu dịch vụ ngày càng cao. Năm 2019, thu từ dịch vụ thanh toán chiếm tỷ lệ khoảng 11% trên tổng thu nhập, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2015. Thứ năm, hoạt động ngoại hối trên địa bàn ổn định, giúp bình ổn và thúc đẩy phát triển kinh tế Thành phố Ngân hàng Nhà nước thành phố Đà Nẵng luôn tích cực tham gia ý kiến với NHNN Việt Nam nhằm hoàn thiện các quy định hiện hành, đồng thời phối hợp tốt với sở, ban, ngành tại địa phương về hoạt động quản lý ngoại hối và vàng, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố, thể hiện vai trò là cầu nối triển khai cơ chế chính sách, những quy định của NHNN Việt Nam phù hợp với định hướng phát triển của thành phố Đà Nẵng. Về hoạt động vay, trả nợ nước ngoài trung dài hạn, trong giai đoạn 2015 - 2019, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Đà Nẵng đã xác nhận đăng ký 138 khoản vay, tổng kim ngạch vay 150,42 triệu USD, đồng thời xác nhận đăng ký thay đổi cho 226 khoản vay. Các doanh nghiệp đăng ký vay nước ngoài chủ yếu là doanh nghiệp FDI, nhu cầu vay phần lớn phục vụ các dự án đầu tư, phương án kinh doanh và đa số các khoản vay được thực hiện bằng đồng USD. Cùng với chính quyền địa phương trong chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và các TCTD trên địa bàn luôn chú trọng phổ biến những quy định của pháp luật Việt Nam và hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp thông qua việc hướng dẫn cụ thể về các thủ tục đăng ký vay vốn, đăng ký thay đổi khoản vay, mở tài khoản và thực hiện thu, chi thông qua các tài khoản liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài , đồng thời rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. 6
  7. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 Trong những năm gần đây, Đà Nẵng đã và đang tích cực xây dựng một thành phố du lịch, thu hút nhiều du khách quốc tế đến tham quan, mua sắm và sử dụng các dịch vụ vui chơi, giải trí. Cùng với đó, hoạt động thanh toán phục vụ nhu cầu chi tiêu của du khách cũng gia tăng mạnh mẽ. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Đà Nẵng đã chủ động tham mưu cho Chính quyền Thành phố về công tác quản lý ngoại hối, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc kiểm tra liên ngành, kết hợp tuyên truyền các quy định của pháp luật về hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng trên địa bàn, góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, nhất là tại các địa điểm, cơ sở kinh doanh phục vụ nhiều khách du lịch nước ngoài nhằm giảm thiểu tình trạng vi phạm. Đồng thời, thông qua các quy định và việc thực hiện nghiêm các quy định để khẳng định chủ quyền trong lĩnh vực tiền tệ trên lãnh thổ Việt Nam. Đến 31/12/2019, trên địa bàn TP Đà Nẵng có 48 tổ chức kinh tế được cấp phép hoạt động đại lý đổi ngoại tệ tại các cơ sở lưu trú du lịch, sân bay, trung tâm thương mại, với tổng số đại lý đổi ngoại tệ là 59 bàn; có 03 đại lý chi, trả ngoại tệ được NHNN chi nhánh cấp phép hoạt động. Bên cạnh đó là mạng lưới 59 chi nhánh TCTD và 248 phòng giao dịch thực hiện dịch vụ mua bán ngoại tệ, đa phần các TCTD cũng đồng thời cung cấp dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ (cung cấp dịch vụ trực tiếp hoặc làm đại lý cho các tổ chức như Western Union, MoneyGram, MoneyPolo, WoldRemit, Xpress Money, Remitly, RIA, ), phục vụ ngày càng tốt hơn các giao dịch ngoại tệ của người dân và khách du lịch, thu hút nhiều ngoại tệ hơn vào hệ thống ngân hàng. Với chủ trương chống đô la hóa và vàng hóa của Chính phủ, trong những năm qua, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và các loại ngoại tệ khác được giữ ở mức ổn định, thị trường vàng không có dấu hiệu đầu cơ làm giá, giao dịch tuân theo quy luật cung cầu của thị trường. Hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng 100 điểm giao dịch (bao gồm TCTD và doanh nghiệp) được NHNN cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng và 44 doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao dịch mua bán vàng. Thứ 6, công tác cải cách thủ tục hành chính được triển khai tích cực góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ ngân hàng Để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình hành động 1355 của NHNN Việt Nam, NHNN chi nhánh TP Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng TP Đà Nẵng, trong đó xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể của ngành ngân hàng trên địa bàn, thể hiện qua các mặt: Về cải cách thủ tục hành chính tại Chi nhánh: Chi nhánh đã thực hiện tốt quy trình ISO vào giải quyết thủ tục hành chính, phần mềm quản lý văn bản, thống nhất chuẩn hóa hồ sơ, quy trình, thủ tục giải quyết thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi tối đa, giảm thời gian đi lại, thuận lợi cho khách hàng. Đến cuối năm 2019, đã giải quyết gần 200 hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực ngoại hối, vàng, cấp phép thành lập, thay đổi và hoạt động. Tất cả hồ sơ đều được giải quyết đúng và trước hạn. Trong đó, thời gian giải quyết hồ sơ được rút ngắn đáng kể, bình quân giảm từ 5 - 15 ngày so với thời gian quy định. Cải cách các thủ tục hành chính trong quan hệ giữa TCTD với khách hàng: (i) Các TCTD trên địa bàn thực hiện niêm yết và chủ động thông tin đầy đủ như lãi suất, tỷ giá, mẫu hợp đồng tín dụng, các chương trình khuyến mãi, thời gian xử lý các hợp đồng liên quan đến giao dịch khách hàng. Thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu liên quan đến doanh nghiệp và cá nhân, lãi suất huy động và cho vay tại quầy và trên website thường xuyên được cập nhật tạo thuận lợi cho khách hàng giao dịch;(ii) Tiếp tục rà soát, rút ngắn thời gian, đơn giản hóa quy trình hướng tới khách hàng, nhằm tinh giảm lượng hồ sơ mẫu biểu; sử dụng hồ sơ điện tử, giao dịch điện tử; cắt giảm các thủ tục thừa, không cần thiết gây mất thời gian; (iii) Tăng cường công tác truyền thông, tiếp thị, quảng bá một cách chủ động và hiệu quả tới khách hàng về các chương trình, chính sách của Hội sở; Tập trung nguồn vốn, ưu tiên hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp. Với sự chỉ đạo sâu sát của NHNN và sự nỗ lực không ngừng của các đơn vị trong toàn ngành, hoạt động ngân hàng thành phố giai đoạn 2015 – 2019 đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Các mục tiêu, định hướng phát triển của ngành cơ bản 7
  8. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 được hoàn thành. Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá, lãi suất được duy trì ổn định trong bối cảnh chịu nhiều sức ép từ những diễn biến phức tạp của kinh tế, chính trị thế giới, góp phần ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tín dụng tăng trưởng hiệu quả phù hợp với mục tiêu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, cơ cấu tín dụng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phát triển mạnh mẽ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại; đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống các TCTD trên địa bàn thành phố. 4. Các giải pháp triển khai cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và khu vực miền Trung giai đoạn 2020 - 2025 Trên cơ sở mục tiêu, định hướng điều hành của NHNN Việt Nam, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng giai đoạn 2020 -2025, tầm nhìn đến năm 2030, NHNN chi nhánh TP Đà Nẵng tập trung xây dựng các mục tiêu định hướng chủ yếu của ngành và thực hiện các giải pháp trọng tâm sau: (1) Bám sát định hướng tăng trưởng tín dụng của NHTW4 và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng chi nhánh được Hội sở giao để kiểm soát tăng trưởng tín dụng của các chi nhánh TCTD trên địa bàn, đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ, NHNN Việt Nam, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; có các giải pháp tín dụng đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan để kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các chương trình, chính sách tín dụng. (2) Chủ động nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để báo cáo và tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố và NHNN Việt Nam về biện pháp quản lý hoạt động, mạng lưới TCTD, bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. (3) Chỉ đạo các CN TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 và thực hiện phương án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020; chỉ đạo các TCTD có nợ xấu cao cần chủ động xây dựng phương án, kế hoạch xử lý nợ xấu, có giải pháp ngăn chặn nợ xấu phát sinh, rà soát việc phân loại nợ, đảm bảo phản ánh đúng chất lượng khoản vay, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. (4) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các TCTD trên địa bàn trong việc chấp hành quy định của pháp luật, của NHNN về tiền tệ và hoạt động ngân hàng đặc biệt là các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao; tham gia công tác kiểm tra liên ngành, kết hợp tuyên truyền các quy định của pháp luật về hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng, hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán, kiến thức về hoạt động thanh toán trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân nhất là các cơ sở thường xuyên phục vụ khách nước ngoài, giảm thiểu tình trạng vi phạm. (5) Thực hiện quản lý thị trường vàng và ngoại tệ trên địa bàn; tiếp tục rà soát, kiểm tra các đại lý thu đổi ngoại tệ được phép trên địa bàn, bảo đảm công khai minh bạch trong việc đổi ngoại tệ theo quy định hiện hành để người dân dễ dàng nhận biết, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý ngoại hối để người dân biết và thực hiện. (6) Chủ động tham mưu với UBND thành phố tích cực phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tiếp tục thúc đẩy phát triển TTKDTM trên địa bàn, đặc biệt là triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn TP Đà Nẵng” nhằm đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội theo Quyết định số 241/QĐ-TTg của Chính phủ. Tăng cường an ninh, bảo mật trong hoạt động thanh toán đảm bảo an toàn và hiệu quả. 4 Theo Chỉ thị 01/CT-NHNN, định hướng tín dụng năm 2020 tăng khoảng 14%. 8
  9. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 (7) Triển khai, chỉ đạo các TCTD về lĩnh vực thanh toán; tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán trên địa bàn; triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động thanh toán vi phạm pháp luật. (8) Đầu mối gắn kết chặt chẽ với các TCTD trên địa bàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành ngân hàng ở địa phương, đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; chủ trì tổ chức làm việc với TCTD để kịp thời phổ biến các chương trình, chính sách tín dụng của ngành ngân hàng, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về hoạt động tiền tệ - ngân hàng; chú trọng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định. (9) Tích cực đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch với ngân hàng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy doanh nghiệp nói chung và TCTD nói riêng phát triển bền vững. Phối hợp với UBND khẩn trương hoàn thiện nâng cấp hệ thống một cửa điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến theo chỉ đạo của Chính phủ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành. (10) Triển khai thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để chủ động phổ biến các chủ trương chính sách của ngành đến với công chúng một cách thiết thực, hiệu quả. Những thành quả đạt được trong thời gian qua là nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng thành phố Đà Nẵng, theo đó gắn hoạt động kinh doanh ngân hàng với việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Đồng thời với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, Chi nhánh NHNN TP Đà Nẵng đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý chủ động, bám sát mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam đã góp phần đưa các cơ chế chính sách của ngành đi vào thực tiễn, không ngừng tham mưu và nâng cao năng lực thể chế cho toàn ngành Ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD, người dân và doanh nghiệp hòa nhịp, quán triệt phương châm hành động của Chính phủ năm 2020 “Kỹ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” góp phần kết thúc thành công kế hoạch kinh tế 5 năm 2016 - 2020, rút ra các bài học kinh nghiệm tạo động lực mạnh mẽ cho chu kỳ phát triển kinh tế của Thành phố và khu vực miền Trung giai đoạn 2020 – 2025 phát triển lên tầm cao mới./. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Báo cáo tổng kết hoạt động ngân hàng TP Đà Nẵng năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019. [2] Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 01/01/2020 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020. [3] Đề án “Nâng cao nhận thức và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. 9