Đẩy lùi tín dụng đen - Nhìn từ góc độ tài chính toàn diện

pdf 5 trang Gia Huy 24/05/2022 690
Bạn đang xem tài liệu "Đẩy lùi tín dụng đen - Nhìn từ góc độ tài chính toàn diện", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfday_lui_tin_dung_den_nhin_tu_goc_do_tai_chinh_toan_dien.pdf

Nội dung text: Đẩy lùi tín dụng đen - Nhìn từ góc độ tài chính toàn diện

  1. 3.3. TÍN DỤNG ĐẨY LÙI TÍN DỤNG ĐEN - NHÌN TỪ GÓC ĐỘ TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN TS. Lã Thị Lâm Học viện Tài chính Tóm tắt Tín dụng đen đã và đang được coi là một vấn nạn tác động tiêu cực không nhỏ đến an ninh xã hội trong nhiều năm trở lại đây. Có nhiều nguyên nhân xâu xa dẫn đến sự gia tăng không ngừng của tín dụng đen, nhưng nguyên nhân cơ bản và trực tiếp vẫn là do tình trạng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các kênh chính thức tại các tổ chức tín dụng, như Ngân hàng thương mại, Ngân hàng chính sách, Công ty tài chính, Quỹ tín dụng nhân dân của những chủ thể có nhu cầu về vốn, đặc biệt là các chủ thể đáp ứng kém hơn với các điều kiện cấp tín dụng từ các tổ chức tín dụng, như các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập, các hộ kinh doanh hay cá nhân có thu nhập thấp Vì vậy, tài chính toàn diện hay còn được hiểu là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, được cho là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đẩy lùi nạn tín dụng đen trong điều kiện hiện tại của Việt Nam hiện nay. Từ khóa: Tín dụng đen; Tài chính toàn diện; Tổ chức tín dụng; Ngân hàng thương mại; Dịch vụ tín dụng. 1. Thực tế tín dụng đen ở Việt Nam và sự cần thiết của tài chính toàn diện Với con số 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen trong vòng 4 năm ( 2013-2017) mà cơ quan công an đã công bố vào tháng 12/2018 cho thấy tình trạng nghiêm trọng của nạn tín dụng đen ở Việt Nam. Tín dụng đen đã kéo theo nhiều hệ lụy về xã hội như tan vỡ gia đình, mất tình nghĩa họ hàng, thậm chí là mất mạng do tự tử hay chém giết Ngoại trừ những trường hợp sử dụng tín dụng đen để đáp ứng nhu cầu trả nợ do chơi lô đề cờ bạc hay cá độ bóng đá, thì vấn đề đáng quan tâm hơn cả là nhu cầu vốn xuất phát từ chữa bệnh, học hành của con cái, mua vật tư nông nghiệp, kinh doanh của các cá nhân, hộ kinh doanh. Thậm chí, không ít doanh nghiệp cũng phải tìm đến tín dụng đen để giải quyết tình trạng mất cân đối dòng tiền trong kinh doanh. Thực tế, không có con số chính xác từ các cơ quan quản lý về số khách hàng cá nhân và doanh nghiệp sử dụng tín dụng đen, nhưng theo con số khảo sát ở địa bàn nông thôn, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa đạt đến 25%. Theo nguồn số liệu điều tra của World Bank, trong số 48,5% người dân nông thôn đang nắm giữ ít nhất một khoản vay thì tỷ lệ nắm giữ khoản vay ở khu vực chính thức là 20,7%. Hay như báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, tín dụng cho DNNVV chiếm 21% trong tổng dư nợ tín dụng. Hiện khoảng 60% DNNVV chưa sử dụng nguồn vốn ngân hàng, phần lớn trong số này là không tiếp cận được, đặc biệt là khối doanh nghiệp khởi nghiệp, họ không có vốn, tài sản thế chấp, mà chỉ có trí tuệ, ý tưởng và phương án kinh doanh. Những thông tin trên cho thấy, vẫn có một tỷ lệ khá cao người dân cũng như các doanh nghiệp vẫn phải vay vốn từ kênh phi chính thức do không nhận được dịch vụ tín dụng phù hợp từ các tổ chức tín dụng. Như vậy có thể thấy, nhiều nguyên nhân sâu xa dẫn đến tín dụng đennhưng nguyên nhân trực tiếp vẫn là do tình trạng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các kênh chính thức tại Ngân 198
  2. hàng thương mại, Ngân hàng chính sách, Công ty tài chính, Quỹ tín dụng nhân dân của những chủ thể có nhu cầu về vốn. Thị trường có cầu thì ắt có cung, với ưu điểm là thủ tục nhanh chóng, đơn giản, thậm chí với sự phát triển của công nghệ thông tin, người vay chỉ cần liên lạc qua điện thoại cũng nhanh chóng được đáp ứng nhu cầu vốn tại kênh tín dụng phi chính thức. Trong khi nhu cầu vay vốn cấp bách, việc tiếp cận tín dụng tại các kênh chính thức phải kèm theo nhiều điều kiện khắt khe mà khách hàng không dễ dàng đáp ứng, đó là chưa kể đến việc phải mất một khoảng thời gian chờ đợi để nhận được quyết định vay. Điều này gây trở ngại tâm lý không nhỏ cho những người vay ở khu vực nông thôn, nơi có hạn chế nhất định về thông tin và trình độ hiểu biết pháp lý. Tài chính toàn diện (Financial Inclusion) hay còn được hiểu là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt đối với những đối tượng đáp ứng kém hơn với các điều kiện và khả năng sử dụng dịch vụ tài chính của các tổ chức tín dụng như người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hoặc mới thành lập. Để hoàn thành sứ mệnh của hệ thống trung gian tài chính, việc tăng cường cung cấp các dịch vụ tài chính nói chung và dịch vụ tín dụng nói riêng từ các tổ chức tín dụng đến với mọi đối tượng khách hàng trong nền kinh tế có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trên góc độ vi mô, tài chính toàn diện không chỉ nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng cũng như các dịch vụ tài chính, góp phần tạo cơ hội làm ăn, sinh sống, thực hiện triển khai các kế hoạch về phương án hay dự án kinh doanh của khách hàng, mà còn giúp các Tổ chức tín dụng có thể khai thác tốt thị trường, tăng thị phần cũng như lợi thế trong cạnh tranh. Đứng trên góc độ vĩ mô, tài chính toàn diện sẽ góp phần luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Khi kinh tế tăng trưởng, sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao mức thu nhập cho người dân và hiệu quả đầu tư cho các doanh nghiệp, tạo nên yếu tố cốt lõi cho việc đẩy lùi tín dụng đen. 2. Giải pháp tài chính toàn diện nhằm đẩy lùi nạn tín dụng đen Để hướng tới việc phát triển tài chính toàn diện, đẩy lùi và kiểm soát tín dụng đen, cần có các giải pháp đồng bộ từ hành lang pháp lý của Nhà nước đến sự phát triển của các kênh tín dụng chính thức, trong đó đặc biệt phải kể đến kênh phân phối vốn tín dụng gián tiếp qua hệ thống các tổ chức tín dụng như Ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, quỹ tín dụng nhân dân,các tổ chức tài chính vi mô. Thứ nhất: Hoàn thiện khung pháp lý để tăng cơ hội tiếp cận vốn tín dụng cho các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu vốn nhưng không đáp ứng cao các điều kiện tín dụng. Hoàn thiện khung pháp lý là một trong những giải pháp hàng đầu nhằm tháo gỡ “nút thắt” trong việc tăng cơ hội tiếp cận vốn tín dụng từ các kênh chính thống cho các tổ chức và cá nhân. Thực tế cho thấy, những đối tượng phải sử dụng tín dụng đen thường có nhu cầu vốn cấp bách, khả năng đáp ứng các tiêu chí vay vốn tại các kênh tín dụng chính thống là thấp, do vậy việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến việc cung cấp tín dụng phải theo hướng giảm thiểu các thủ tục vay cũng như thông thoáng hơn các quy định cho vay như về đối tượng, điều kiện tài chính và đảm bảo tiền vay, mức cho vay Bên cạnh đó, để phát triển mạng lưới cung cấp tín dụng, đặc biệt tại các vùng nông thôn, các quy định pháp lý ban hành cần hướng vào việc phát triển công ty tài chính cho vay tiêu dùng, công ty tài chính vi mô, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân kể cả về mặt số lượng cũng như đảm bảo an toàn hoạt động như điều kiện thành lập, quy chế hoạt động, cơ chế giám sát hoạt động, các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn hoạt động phải tuân thủ, lãi suất cho vay Tránh tình trạng “ bắt bí” 199
  3. khách hàng để cho vay với lãi suất quá cao, thành lập và mở rộng cho vay ồ ạt dẫn đến những mất an toàn hoạt động của các tổ chức này cũng như an toàn hệ thống. Thứ hai: Tăng cường cơ hội tiếp cận vốn tín dụng cho các doanh nghiệp và cá nhân tại các Ngân hàng thương mại, Công ty tài chính, Tổ chức tín dụng hợp tác. Để nâng cao trách nhiệm trong sử dụng vốn của người vay cũng như phù hợp về khả năng nguồn lực tài chính Nhà nước, kênh tín dụng mang tính thương mại phải được coi là trọng tâm. Do vậy, các giải pháp đẩy mạnh cho vay tại các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, tổ chức tín dụng hợp tác có tính quyết định trong việc phát triển tài chính toàn diện nhằm hạn chế nạn tín dụng đen. Một số gợi ý có thể đưa ra từ phía các tổ chức tín dụng như sau: - Cần nhìn nhận và có quan điểm đúng đắn về phân khúc thị trường khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập, các hộ kinh doanh hay cá nhân có thu nhập thấp, gắn liền với chiến lược phát triển và cạnh tranh của các tổ chức tín dụng. Không thể phủ nhận một thực tế đối với phân khúc khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh hay cá nhân có thu nhập thấp trên địa bàn nông thôn có mức độ rủi ro cao. Trong khi, với tính chất là các tổ chức kinh doanh cung cấp các dịch vụ tài chính, đòi hỏi phải tuân thủ theo các quy định pháp lý điều chỉnh và tôn chỉ hoạt động, nên tâm lý e ngại, thiếu mặn mà trong việc theo đuổi chiến lược tăng cường cung cấp tín dụng cho các đối tượng khách hàng này là điều khó tránh khỏi.Tuy nhiên, trong điều kiện cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng ngày càng gay gắt, mảng khách hàng còn được cho là khá tiềm năng về thị phần ít được khai thác đó là các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập, khách hàng cá nhân. Do vậy, trong bối cảnh lãi suất cho vay bị giới hạn bởi tỷ suất sinh lời của các doanh nghiệp đã và đang hoạt động hiện nay, thì việc khai thác thị trường khách hàng còn nhiều dư địa về thị phần này là một hướng đi cần thiết mang tính đón đầu của Ngân hàng thương mại hay các Tổ chức tín dụng khác. Chiến lược kinh doanh này không chỉ có ý nghĩa mang lại lợi thế cạnh tranh cho các tổ chức tín dụng, mà còn góp phần đa dạng hóa danh mục cho vay nhằm phân tán rủi ro, gia tăng lợi nhuận và tỷ suất sinh lời cho các Tổ chức tín dụng. - Các NHTM cần nhanh chóng xây dựng và ứng dụng mô hình lượng hóa rủi ro tín dụng theo Basel 2 để hỗ trợ cho việc phê duyệt tín dụng, định giá khoản vay cũng như danh mục cho vay. Chấp nhận rủi ro là triết lý kinh doanh của các Ngân hàng thương mại, quan trọng là ngân hàng có thể chấp nhận rủi ro ở mức độ nào và việc sử dụng các biện pháp thích hợp để phòng ngừa, kiểm soát rủi ro tín dụng. Do vậy, ở giai đoạn hiện nay ngân hàng cần áp dụng mô hình xếp hạng nội bộ nâng cao (IRB nâng cao) theo Basel 2. Để ứng dụng được mô hình này các Ngân hàng thương mại cần nhanh chóng xây dựng mô hình lượng hóa tổn thất tín dụng gắn liền với từng khoản vay, việc lượng hóa được rủi ro và tổn thất tín dụng, một mặt sẽ tạo cơ sở cho ngân hàng lựa chọn khách hàng phù hợp với khẩu vị rủi ro của ngân hàng. Mặt khác, có thể định giá khoản vay cũng như xác định lãi suất cho vay trên cơ sở bù đắp được tổn thất và đảm bảo lợi nhuận cho ngân hàng thương mại. - Song song với việc cải tiến quy trình, thủ tục cho vay để rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, ngân hàng nên xây dựng chính sách cho vay chuyên biệt, thiết kế sản phẩm cho vay phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Thực tế cho thấy ở nhiều ngân hàng, kể cả những ngân hàng lớn chưa có sự chi tiết về điều kiện cũng như sản phẩm vay cho từng nhóm đối tượng khách hàng, hoặc nếu có thì cũng chỉ dừng lại ở những nhóm khách hàng có tính đặc thù phổ biến, chưa thật chi tiết đầy đủ cho tất cả các nhóm đối tượng khách hàng. Điều này không chỉ giảm khả năng tiếp cận thị trường của ngân hàng, mà còn gây cản trở không nhỏ đến việc tiếp cận vốn tín dụng của các khách hàng. Do vậy, 200
  4. để có thể rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, ngân hàng nên có những khảo sát thị trường, từ đó xây dựng các sản phẩm cho vay chuyên biệt đối với từng nhóm khách hàng được phân loại theo các tiêu chí như thời gian thành lập,ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, hạng tín dụng Việc chi tiết hóa nhóm đối tượng khách hàng sẽ giúp cho ngân hàng có thể xây dựng những sản phẩm cho vay theo kiểu “đục lỗ”, từ đó ngân hàng dễ dàng đối chiếu để lựa chọn khách hàng trong một thời gian ngắn nhất. Đối với các tổ chức tín dụng tham gia cho vay tiêu dùng tại địa bàn nông thôn, đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục nghiên cứu đưa ra sản phẩm tín dụng phù hợp nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng của người dân tại khu vực nông thôn để thủ tục vay được nhanh chóng, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay. - Nâng cao hiệu quả cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Một vài năm trở lại đây, để nắm bắt cơ hội kinh doanh, nhiều Ngân hàng thương mại đã thành lập hay mua lại các công ty tài chính cho vay tiêu dùng. Cùng với việc cho vay tiêu dùng được mở rộng với mức lãi suất cao hơn so với lãi suất cho vay của chính các Ngân hàng thương mại, lợi nhuận của các công ty này đã đóng góp đáng kể vào thu nhập của ngân hàng. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh trong việc khai thác thị phần cũng như đảm bảo an toàn hoạt động cho ngân hàng Mẹ, cần có sự nhìn nhận và điều chỉnh lại từ quan điểm đến cách thức hoạt động. Thay vì chỉ “ăn xổi” mang tính thời điểm của thị trường, các ngân hàng thương mại cần có tầm nhìn chiến lược dài hạn hơn trong phát triển, tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp lý ban hành có liên quan để đảm bảo an toàn hoạt động. Thứ ba: Hoàn thiện kênh cho vay ưu đãi qua ngân hàng chính sách xã hội Một bộ phận đáng kể phải sử dụng tín dụng đen là những người nghèo, có mức thu nhập dưới mức tối thiểu quy định, những đối tượng này khó có thể có cơ hội tiếp cận tín dụng theo kênh thương mại. Do vậy, kênh tín dụng chính sách là cần thiết trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho các hộ nghèo, hộ chính sách. Để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nguồn chi cấp bù của ngân sách nhà nước và hiệu quả xã hội của nguồn vốn tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội cần rà soát, đề xuất các điều chỉnh liên quan đến mức cho vay ưu đãi, đối tượng được vay, thời hạn vay, lãi suất cho vay, chương trình cho vay trọng điểm phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Triển khai có hiệu quả các chương trình cho vay đã được xây dựng, bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cần phối kết hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương, các tổ hội nghề nghiệp và tổ chức chính trị xã hội trong việc mở rộng cũng như nâng cao hiệu quả cho vay. Thứ tư: Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức. Đối với người dân, đặc biệt là những người dân sống ở khu vực nông thôn thường ít hiểu biết về các sản phẩm dịch vụ tín dụng tại các Ngân hàng thương mại cũng như các Tổ chức tín dụng khác. Chính vì vậy, càng làm cho họ có tâm lý e ngại tiếp cận khi cần thiết có nhu cầu vay vốn. Những yêu cầu cần thiết do tính chất hoạt động của các Tổ chức tín dụng khiến nguồn thông tin đến với người dân theo kiểu “truyền tai” trở nên thiếu chính xác, tâm lý “khó có thể vay được” luôn hiện hữu trong dân cư. Do vậy, để người dân có thể hiểu rõ hơn về các Tổ chức tín dụng có thể cho vay, cũng như các điều kiện và thủ tục vay vốn với từng đối tượng khách hàng, thì công tác tuyên truyền cần được tăng cường hơn nữa. Thực tế hiện nay, các thông tin về tín dụng chính sách thường được thông tin với người dân một cách bài bản qua chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội, nhưng những thông tin về sản phẩm tín dụng của các Ngân hàng thương mại, công ty tài chính tiêu dùng hay công ty tài chính vi mô trên địa bàn lại ít được quan tâm của chính các tổ chức này cũng như chính quyền địa phương. Do vậy, ngoài việc quảng cáo sản phẩm 201
  5. trên truyền hình và báo chí, các Ngân hàng thương mại và công ty tài chính nên tích cực hơn nữa trong việc cung cấp thông tin đến với người dân trên địa bàn qua các kênh mà người dân có thể tiếp cận trực tiếp và gần gũi nhất. Cách thức truyền thông hiệu quả hiện nay là các Tổ chức tín dụng chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh để cung cấp các thông tin cần thiết về sản phẩm tín dụng đến khách hàng. Kết luận: Tăng cường cơ hội tiếp cận tín dụng cho các cá nhân, tổ chức qua kênh chính thức được cho là giải pháp hàng đầu trong việc đẩy lùi nạn tín dụng đen ở Việt Nam hiện nay. Hoàn thiện hệ thống pháp lý, đơn giản hóa thủ tục, có chiến lược đúng đắn trong việc cung cấp sản phẩm cũng như làm tốt công tác tuyên truyền là vấn đề đặt ra cho các tổ chức tín dụng. Giải quyết được những vấn đề đặt ra này không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý của Chính phủ, mà nó còn xuất phát từ chính yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của các tổ chức tín dụng trong điều kiện mở cửa thị trường tài chính ngày càng sâu rộng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Việt Hưng, Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn về vốn sau 30 năm đổi mới. 202