Hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

pdf 6 trang Gia Huy 18/05/2022 1570
Bạn đang xem tài liệu "Hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfhoat_dong_thanh_tra_kiem_tra_thue_doi_voi_doanh_nghiep_fdi_t.pdf

Nội dung text: Hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

  1. HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TRA THUẾ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP FDI TẠI VIỆT NAM ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc Trường Đại học Kinh tế kĩ thuật công nghiệp Tóm tắt Trong quá trình đầu tư tại Việt Nam, ngoài những lợi ích do những dự án FDI mang lại thì vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Đó là tình trạng lợi dụng kẽ hở của các chính sách, chế độ, luật thuế hoặc dựa vào tính chất phức tạp trong hoạt động kinh doanh, khó kiểm soát để khai man, trốn lậu thuế, chây ì, chậm nộp thuế. Chính vì vậy để vừa tạo ra một môi trường đầu tư thật hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, yêu cầu quản lý ngày càng trở nên cấp thiết, trong đó tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế là nhiệm vụ trung tâm không thể thiếu được trong công tác quản lý thuế. Từ khóa: Thanh tra, kiểm tra thuế, Cơ quan thuế, Doanh nghiệp FDI I. HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TRA THUẾ VỚI DOANH NGHIỆP FDI - Kinh nghiệm của Cục thuế Hà Nội Cơ chế tự khai tự nộp được thí điểm tại 09 Cục thuế theo quyết định số 197/2003/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đem lại thành công nhất định. Cơ chế tự khai tự nộp đã được luật hoá và áp dụng trên phạm vi toàn quốc theo Luật quản lý thuế từ ngày 01/07/2007 theo đúng lộ trình tại quyết định số 201/2004/QĐ - TTg ngày 06/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ, đã góp phần quan trọng đóng góp vào thành công chung của công tác thanh tra, kiểm tra người nộp thuế. Tại Cục thuế thành phố Hà Nội, quá trình thí điểm cơ chế tự khai tự nộp được áp dụng cho khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, khi Luật quản lý thuế ra đời, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội đã trải qua giai đoạn thí điểm nên có nhiều thuận lợi hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác khi tiếp cận với cơ chế quản lý mới. Qua thanh tra, kiểm tra thuế phát hiện nhiều sai phạm trong xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: ví dụ như hiện tượng trốn thuế thông qua chuyển giá và xác định sai nghĩa vụ thuế ở thuế thu nhập cá nhân cũng như thuế nhà thầu. + Chuyển giá là vấn đề nhạy cảm đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và việc xác định hành vi vi phạm về thuế thông qua chuyển giá rất phức tạp nên các đoàn thanh tra, kiểm tra thường không kiểm tra sâu sát lĩnh vực này. + Thu nhập và phúc lợi của cá nhân làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tương đối cao so với mặt bằng thu nhập chung tại các khối doanh nghiệp khác. Do đó, các sai phạm về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng cao hơn. Từ năm 2009, Luật thuế TNCN mới được áp dụng nhưng do tính chất phức tạp của Luật 204
  2. mới nên sai phạm về thuế TNCN càng nhiều, đòi hỏi công tác thanh tra, kiểm tra thuế càng sát sao hơn. + Những vi phạm trong lĩnh vực thuế nhà thầu. Do thuế nhà thầu là loại thuế đặc thù chỉ phát sinh trong một số trường hợp giao dịch với công ty ở nước ngoài nên hiểu biết của kế toán cũng như nhà quản trị doanh nghiệp về lĩnh vực này còn hạn chế. Đặc biệt, không phải cán bộ thanh tra, kiểm tra nào cũng nắm vững nghiệp vụ này nên thất thoát thuế nhà thầu hiện nay tương đối phổ biến. - Kinh nghiệm của Cục thuế TPHCM Theo báo cáo của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh về kết quả kinh doanh năm 2017 của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn cho thấy, gần 60% số doanh nghiệp báo cáo thua lỗ. Không nhiều người ngạc nhiên về điều này bởi ngay trong năm 2016 vẫn có gần 70% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kêu lỗ. Năm sau đó, 2017, tỷ lệ này cũng chiếm tới hơn 61%. Điều này lý giải vì sao tỷ lệ đóng góp cho ngân sách quốc gia của khối FDI (không kể dầu thô) khá thấp, dao động 9-10% tổng thu ngân sách của quốc gia trong giai đoạn 2011-2015. Riêng năm 2015, phần đóng góp của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 11,2% so với kế hoạch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm thuế, đặc biệt là công tác chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn, Cục thuế TPHCM đã bước đầu đạt được những kết quả như sau: Giá trị giảm lỗ lớn, với số lỗ giảm là 362 tỷ đồng, số thuế truy thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giá với hơn 15 tỷ đồng. Tại TP.Hồ Chí Minh, hiện tượng báo lỗ phổ biến nhất là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công hàng xuất khẩu. Hiện, địa bàn này có 3.281 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động thì trên 50% số doanh nghiệp kê khai thua lỗ nhưng vẫn tăng trưởng doanh thu, tập trung vào các ngành: dệt, may, da giày, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, chế biến và bảo quản nông sản, lâm sản, thuỷ sản Cùng với việc thường xuyên kê khai thua lỗ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài này còn thường xuyên đề nghị hoàn thuế và không ngừng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, cũng hoạt động trong cùng điều kiện môi trường sản xuất kinh doanh như vậy, các doanh nghiệp độc lập khác trong nước vẫn kê khai có lãi và nộp thuế TNDN. Tình trạng chuyển giá ngày càng gia tăng, phức tạp và với mức độ lớn, làm thất thu cho NSNN. Nhất là trong bối cảnh số thu NSNN ngày càng khó khăn. Vì vậy, một mặt tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp nộp thuế, mặt khác thời gian tới ngành thuế TPHCM sẽ tiến hành thanh kiểm tra liên tục với những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm chính sách thuế, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thuế. Như vậy có thể nói, hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp FDI đã thu được nhiều kết quả khả quan. Thế nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn mà công tác này phải đối mặt. 205
  3. II. NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ TỒN TẠI TRONG QUÁ TRÌNH THANH TRA, KIỂM TRA THUẾ DOANH NGHIỆP FDI - Tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Công tác lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa thực sự khoa học, chưa phát huy hết vai trò tích cực của công tác lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế, tỷ lệ số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thanh tra quyết toán thuế chiếm 10.97% trên tổng số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quản lý thu. Công tác kiểm tra hồ sơ khai thuế tại CQT đối với loại hình doanh nghiệp này cũng còn nhiều hạn chế. Việc phân tích hồ sơ khai thuế, báo cáo tài chính còn mang tính sơ sài, hình thức chưa đánh giá được các rủi ro tiềm ẩn của hồ sơ thanh tra, kiểm tra một cách bài bản. Công tác kiểm tra hồ sơ khai thuế tại CQT chưa đáp ứng yêu cầu phân tích sơ bộ tất cả hồ sơ khai thuế theo quy trình kiểm tra thuế. Tình trạng gian lận thuế thông qua chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn diễn ra song chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Thanh tra thuế vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để đấu tranh, ngăn ngừa, phát hiện và xử lý có hiệu quả. Hiệu quả của việc thanh tra, kiểm tra thuế nói chung, thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI có quan hệ liên kết nói riêng, còn rất hạn chế, doanh nghiệp vẫn báo lỗ và vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí quảng cáo, khuyến mãi với quy mô lớn. Hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ là khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên toàn tỉnh, trong đó nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ liên tục trong 3 năm. Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế đã phát hiện một số doanh nghiệp FDI có biểu hiện áp dụng các thủ thuật chuyển giá tinh vi như nâng khống giá trị góp vốn (bằng máy móc, thiết bị, bản quyền ), giá trị mua bán nguyên vật liệu đầu vào, bán thành phẩm, thành phẩm, dịch vụ, phí quản lý, tiền bản quyền, chi phí bảo lãnh, cho vay, trả lương, đào tạo, quảng cáo, nhà thầu, chuyển nhượng vốn tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách. Vấn đề chống chuyển giá đòi hỏi phải có một chế tài mạnh hơn, mang tính răn đe nhiều hơn, cơ sở để xác định giao dịch liên kết và xác định giá thị trường cần minh bạch và cụ thể hơn nữa. Như vậy, có thể thấy các vi phạm về thuế không những chưa được phát hiện sau thanh tra, kiểm tra do không tiến hành thanh tra, kiểm tra đúng đối tượng, mà còn do chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Tình trạng này vừa làm thất thu NSNN, vừa chưa đảm bảo công bằng xã hội và bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật thuế. - Nguồn nhân lực thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng nhanh, trong khi số lượng cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế gần như không tăng nên tỷ lệ số doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra so với tổng số doanh nghiệp đang quản lý ngày càng giảm. Chất lượng cán bộ thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trình độ chuyên môn của một số cán bộ còn yếu, có những cán bộ không được đào tạo chuyên ngành tài chính, kế toán, thuế; kỹ 206
  4. năng tin học yếu, khả năng sử dụng, khai thác các phần mềm quản lý thuế kém, chưa biết ứng dụng tin học vào phân tích rủi ro hồ sơ khai thuế mà thực hiện thủ công. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế còn quá hạn chế. Khi thanh tra, kiểm tra các đơn vị có yếu tố nước ngoài gặp nhiều khó khăn, lúng túng, không hiểu hết bản chất của nghiệp vụ kinh tế phát sinh, không có khả năng làm việc trực tiếp với ban lãnh đạo người nước ngoài của doanh nghiệp mà phải thông qua phiên dịch viên dẫn đến những hiểu lầm không đáng có, hiệu quả công việc thấp. Ngành thuế chưa có chế độ khuyến khích hiệu quả để cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế tự học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn. Việc khuyến khích đối với cán bộ không chỉ là vấn đề lương, thưởng, bằng cấp, chứng chỉ mà còn là vấn đề tạo áp lực phải đạt đến một trình độ chuyên môn nhất định, tạo mọi điều kiện thuận lợi để học tập. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ cán bộ chưa thoả đáng đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới trình độ chuyên môn và phẩm chất nghề nghiệp của cán bộ thanh tra, kiểm tra. Phong cách ứng xử của một số cán bộ thanh tra, kiểm tra chưa văn minh, lịch sự, cách thức làm việc thiếu tính khoa học và chuyên nghiệp. Công tác quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ công chức còn nhiều bất cập, không theo kịp đòi hỏi của thực tiễn quản lý, chưa thực sự chú ý đến lực lượng cán bộ trẻ với nhiệt huyết và khả năng cống hiến, làm việc lâu dài trong ngành. Việc lựa chọn cán bộ vào bộ phận thanh tra, kiểm tra vẫn mang nặng cảm tính. - Về cơ chế chính sách Cơ chế quản lý thuế tự khai tự nộp được áp dụng từ năm 2007, phòng kiểm tra thuế số 1 với chức năng chính là theo dõi và kiểm tra giám sát kê khai các doanh nghiệp trọng điểm, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bộ máy quản lý thuế được tổ chức tập trung theo các chức năng: tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế; xử lý tờ khai và kế toán thuế, thu nợ và cưỡng chế thuế, kiểm tra và thanh tra thuế. Tuy nhiên sự phối hợp giữa các phòng ban trong nội bộ cơ quan thuế còn kém. Chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa bộ phận quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các phòng thanh tra, kiểm tra trong công tác chuyên môn. Quá trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thuế chưa bao quát hết các đối tượng, tình huống chịu sự điều tiết của luật thuế. Văn bản hướng dẫn quá nhiều, chồng chéo, không thống nhất gây khó khăn cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế Đặc biệt các văn bản pháp luật về vấn đề chống chuyển giá ban hành rất chậm, không điều chỉnh kịp với tình hình thực tế, chế tài lỏng lẻo, không đủ cơ sở để xác định giao dịch liên kết và xác định giá thị trường , gây khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá - Về phối hợp trao đổi thông tin giữa các ngành, các cấp Sự phối kết hợp trong thực hiện pháp luật về thuế của các cơ quan chức năng và tổ chức có liên quan chưa chặt chẽ và còn nhiều khe hở. 207
  5. Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức và chưa thực sự coi công tác thanh tra kiểm tra thuế là nhiệm vụ của cơ quan mình. Các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân có liên quan như: cơ quan địa chính, xây dựng, giao thông, công an, kiểm sát, ngân hàng, các cơ quan thông tin đại chúng từng nơi, từng lúc thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và có hiệu quả với cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin cũng như áp dụng các biện pháp hỗ trợ để thu đầy đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách Nhà nước. Vấn đề chống trốn thuế thông qua chuyển giá có liên quan đến yếu tố nước ngoài đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế giữa cơ quan thuế ở Việt Nam và các cơ quan hữu quan phía nước ngoài. Tuy nhiên đến nay, rất ít các vụ chuyển giá được phát hiện và xử lý triệt để. Đây chính là kẽ hở để các doanh nghiệp FDI lợi dụng nhằm trốn thuế một cách tinh vi, phức tạp. Như vậy, công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua đã giúp tăng cường và phát huy tính tự giác chấp hành, tự chịu trách nhiệm của người nộp thuế trong việc thực hiện đúng quy định của nhà nước về kê khai, nộp thuế. Đồng thời thực hiện cải cách và hiện đại hoá công tác thanh tra, kiểm tra thuế góp phần tăng cường công tác quản lý cán bộ trong nội bộ ngành thuế. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra thuế doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng không tránh khỏi những khó khăn, hạn chế và cần được khắc phục bằng những giải pháp, kiến nghị để ngày càng hoàn thiện hơn. III. GIẢI PHÁP - Giải pháp về tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cần có chế độ tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng thoả đáng cho đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra. Hiện nay, tiền lương của cán bộ thuế nói chung và cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế nói riêng quá thấp, gây khó khăn cho việc duy trì cuộc sống hàng ngày của cán bộ. Chế độ phụ cấp cũng chỉ có tiền công tác phí với mức tượng trưng, khó có tác dụng kích thích cán bộ công chức cống hiến hết mình cho công việc. Do vậy, cần có chế độ lương, thưởng thích đáng, có kế hoạch nâng lương trước hạn cho cán bộ, chế độ phụ cấp thiết thực như: phụ cấp đi lại, phụ cấp tiền ăn trưa, phụ cấp điện thoại, giải quyết chế độ làm thêm giờ cho cán bộ thanh tra, kiểm tra. - Giải pháp Hoàn thiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế Hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ của cơ quan thuế sẽ giúp người nộp thuế cũng như các tổ chức, cá nhân trong xã hội kịp thời nắm bắt các qui định về thuế, hiểu rõ bản chất tốt đẹp và ý nghĩa quan trọng của việc nộp thuế - nghĩa vụ thiêng liêng nhưng cũng là quyền lợi của người nộp thuế. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài một cách chi tiết. Công tác lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế hàng năm có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả thanh tra, kiểm tra thuế tại cơ sở người nộp thuế. Để hoàn thiện thanh tra, kiểm tra thuế, nhất thiết phải nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế. 208
  6. Tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo cả chiều sâu và chiều rộng Phối hợp các ban ngành có liên quan trong việc cung cấp thông tin, điều tra, xử lý và giải quyết các vụ việc liên quan tới các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tốt công tác thanh tra, kiểm tra thuế doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Học viện Tài chính (2009), Giáo trình nghiệp vụ thuế 2. Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1992), Hiến pháp ngày 15/04/1992 3. Lê Thị Thanh Hà, Trần Thị Kỳ, Ngô kim Phương (2007), Giáo trình thuế, Nxb Thống kê, Hà Nội. 4. Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. 209