Hội nhập quốc tế trong hoạt động Báo cáo tài chính và thực tiễn tại Việt Nam

pdf 13 trang Gia Huy 24/05/2022 1970
Bạn đang xem tài liệu "Hội nhập quốc tế trong hoạt động Báo cáo tài chính và thực tiễn tại Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfhoi_nhap_quoc_te_trong_hoat_dong_bao_cao_tai_chinh_va_thuc_t.pdf

Nội dung text: Hội nhập quốc tế trong hoạt động Báo cáo tài chính và thực tiễn tại Việt Nam

  1. HỘI NHẬP QUỐC TẾ TRONG HOẠT ĐỘNG BÁO CÁO TÀI CHÍNH VÀ THỰC TIỄN TẠI VIỆT NAM TS. Vũ Đình Hiển1 Tóm tắt Luật kế toán được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2015, giao “Bộ Tài chính quy định chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam” (Quốc hội, 2015), một lần nữa nhắc lại nhu cầu hội nhập giữa kế toán Việt Nam với chuẩn mực kế toán quốc tế. Bài viết tập trung vào việc tổng kết cơ sở lý thuyết và lý luận của hội nhập hoạt động báo cáo tài chính; tổng kết các xu thế cơ bản trong hội nhập báo cáo tài chính trong hơn nửa thế kỷ qua và thực trạng tình hình hội nhập báo cáo tài chính trên toàn cầu. Thông qua thực tiễn cũng như các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực, bài viết phản ánh thực trạng quá trình hội nhập thực hành kế toán và báo cáo tài chính tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Từ khóa: Báo cáo tài chính, chuẩn mực kế toán, thị trường cổ phiếu, minh bạch thông tin 1. Hội nhập kinh tế và nhu cầu hội nhập trong hoạt động báo cáo tài chính Hoạt động báo cáo tài chính với mục tiêu cơ bản là cung cấp thông tin tài chính hữu ích cho các đối tượng sử dụng thông tin (IASB, 2010), thông qua hình thức cơ bản là các báo cáo tài chính công ty. Bởi vậy một trong những đặc tính chất lượng của thông tin tài chính là có tính dễ hiểu và có thể so sánh được. Ngược dòng lịch sử thì khái niệm hội nhập quốc tế hoạt động báo cáo tài chính được chính thức ghi nhận lần đầu tiên bởi ý tưởng về “các chuẩn mực kế toán quốc tế” được manh nha trong Đại hội quốc tế các nhà kế toán lần thứ nhất tổ chức tại St. Louis, năm 1904. Tuy nhiên, xu hướng hội nhập hội nhập hoạt động báo cáo tài chính chỉ thực sự rõ nét vào khoảng những năm cuối của thập kỷ 50 của thế kỷ trước (rất lâu trước khi Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế - IASC ra đời, vào năm 1973), trong xu thế liên kết kinh tế cùng với sự tăng trưởng của dòng vốn liên quốc gia sau thế chiến thứ hai (Comparability in International Accounting Standards - A Brief History). Sự 1 Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Email: vdhien@gmail.com 465
  2. kiện đánh dấu cho trào lưu đó là phát biểu của ngài chủ tịch Jacob Kraayenhof tại đại hội quốc tế các nhà kế toán lần thứ 7, năm 1957 và lần nữa được ông nhắc lại tại hội nghị thường niên của Viện các nhà kế toán công chứng Hoa Kỳ (AICPA’s) hai năm sau đó - năm 1959, về “sự thống nhất quốc tế đối với các nguyên tắc kế toán” (Camfferman & Zeff, 2006). Cùng với xu thế liên kết kinh tế và sự tăng trưởng nhanh chóng của dòng vốn quốc tế, hoạt động và thị trường của các doanh nghiệp không còn bó gọn trong phạm vi “quê hương” của họ nữa mà đã vươn rộng ra thị trường toàn cầu. Chẳng hạn, theo thông cáo báo chí của công ty Apple thì trong quý 2 của năm tài chính 2016, doanh thu bán hàng trên thị trường quốc tế chiếm 67% tổng doanh thu quý của công ty (Apple Reports Second Quarter Results, 2016). Trường hợp của một công ty khác đến từ Trung Quốc là Lenovo cho thấy tỷ trọng doanh thu của thị trường nội địa liên tục giảm từ 44% trong năm 2012 xuống còn 27% trong quý 3 của năm tài chính 2015/2016 (xem Biểu đồ 1). Biểu đồ 1: Tỷ trọng doanh thu của Lenovo theo khu vực địa lý Nguồn: , truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2016 Hiện nay còn rất ít doanh nghiệp lớn chỉ hoạt động dựa trên thị trường nội địa. Đặc biệt với các doanh nghiệp tại các quốc gia nhỏ thì thị trường nội địa gần như bị lãng quên. Chẳng hạn công ty Nestlé trong năm tài chính 2015, doanh thu bán hàng tại chính quê hương - Thụy Sĩ - chỉ chiếm 1,7% tổng doanh thu của công ty (Nestlé 2015, trang 41). Nhiều công ty lớn như Apple, IBM, Lenovo, Toyota, ABB không còn là 466
  3. các tập đoàn ở phạm vi quốc gia mà đã trở thành các tập đoàn đa quốc gia trên mọi phương diện. Cùng với đó, hoạt động của họ không những bị điều chỉnh bởi luật pháp, quy định của một quốc gia duy nhất mà còn bị chi phối, điều chỉnh bởi hệ thống luật pháp, quy định, văn hóa và tập quán của nhiều quốc gia khác nhau. Yêu cầu và quy định đối với thực hành báo cáo tài chính cũng vì vậy trở nên phức tạp hơn. Xu thế hội nhập kinh tế dẫn tới một thực trạng là đối tượng sử dụng thông tin tài chính của các doanh nghiệp không còn giới hạn trong phạm vi mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ mà đối tượng sử dụng thông tin đã thực sự mở rộng ra ở cấp độ toàn cầu, từ đó sự đồng điệu và tính chất có thể so sánh của thông tin báo cáo tài chính cũng trở nên cấp thiết hơn. Tuy nhiên, thực tế tồn tại sự khác biệt trong hoạt động báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đã làm giảm chất lượng và làm chậm quá trình ra quyết định của các nhà đầu tư và những đối tượng sử dụng thông tin khác, không đảm bảo tính hữu ích của thông tin tài chính của các doanh nghiệp trên bình diện toàn cầu. Đó chính là cơ sở tất yếu của hội nhập hoạt động báo cáo tài chính và thực hành kế toán trên phạm vi toàn cầu. 2. Xu hướng trong hội nhập báo cáo tài chính Trải qua nhiều thập kỷ, sự khác biệt lớn trong thực hành hoạt động báo cáo tài chính trên thế giới, cùng với nhu cầu ngày càng tăng của người sử dụng báo cáo tài chính trong phân tích, so sánh thông tin của các công ty đến từ nhiều quốc gia khác nhau đã, đang và vẫn sẽ là động lực cơ bản của xu hướng hội nhập kế toán và báo cáo tài chính (Meek & Choi, 2011, trang 249). Trong lịch sử, hội nhập hoạt động báo cáo tài chính diễn ra dưới hai xu hướng cơ bản: hài hòa (harmonization) và hội tụ (convergence). Ban đầu hội nhập diễn ra dưới hình thức tạo sự hài hòa trong hoạt động báo cáo tài chính, “nhằm giảm bớt sự khác biệt giữa các nguyên tắc kế toán áp dụng trên các thị trường vốn quan trọng trên toàn cầu” (Comparability in International Accounting Standards - A Brief History). Hài hòa trong hoạt động báo cáo tài chính có mục tiêu nhằm giảm bớt sự khác biệt, giảm bớt các phương pháp hay tùy chọn kế toán, trong khi vẫn duy trì mức độ linh hoạt cao trong thực hành kế toán. Đặc điểm của sự hài hòa đảm bảo cho phép các quốc gia khác nhau duy trì các hệ thống chuẩn mực (kế toán) khác nhau chừng nào mà các chuẩn mực đó không mẫu thuẫn với nhau. Nối tiếp các hoạt động khởi động tích cực bởi Jacob Kraayenhof trong những năm cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, việc xây dựng một hệ 467
  4. thống các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (GAAP) mang tính toàn cầu được chính thức bắt đầu vào năm 1966, bởi các hiệp hội nghề nghiệp kế toán đến từ các quốc gia có ảnh hưởng kinh tế lớn trên thế giới, bao gồm Canada, Hoa Kỳ và Vương quốcAnh. Nỗ lực nhằm tạo sự hài hòa trong báo cáo tài chính này đã dẫn tới sự ra đời của Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC) năm 1973 với sự tham gia của 10 quốc gia hàng đầu (Camfferman & Zeff2006, trang 44). Trong giai đoạn từ 1973 cho tới cuối những năm 1990, Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế, trong nỗ lực tạo sự hài hòa trong hoạt động báo cáo tài chính, đã ban hành 26 chuẩn mực kế toán quốc tếcốt lõi (Doupnik &Perera 2012, trang 71). Cách tiếp cận của các chuẩn mực kế toán được ban hành trong giai đoạn này là dựa trên phương pháp “mẫu số chung nhỏ nhất”, với cố gắng nhằm “thỏa hiệp” các thực hành kế toán đang tồn tại ở các quốc gia khác nhau. Các chuẩn mực, cố gắng bám sát các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung, với những lựa chọn, phương pháp kế toán có tính chất khuyến nghị. Do đó, các chuẩn mực thường cho phép có nhiều hơn một lựa chọn hay phương pháp kế toán cho cùng một loại sự kiện kinh tế. Tuy nhiên, sự hài hòa trong các chuẩn mực kế toán không thật sự mang lại sự hài hòa trong thực hành kế toán. Mặc dù dựa trên cơ sở các nguyên tắc được chấp nhận chung, nhưng sự linh hoạt cao mà các chuẩn mực kế toán cho phép thường dẫn tới sự khác biệt trong thực hành. Thực tế khảo sát báo cáo tài chính của các công ty đến từ các quốc gia khác nhau cho thấy có sự khác biệt đáng kể về thông tin tài chính báo cáo: “Daimler Benz, công ty Đức đầu tiên niêm yết tại Hoa Kỳ ghi nhận lợi nhuận thuần 168 triệu DM cho 6 tháng đầu năm 1993, theo nguyên tắc kế toán chấp nhận chung của Đức. Nhưng báo cáo tài chính được điều chỉnh theo nguyên tắc kế toán của Hoa Kỳ thì công ty bị lỗ 949 triệu DM” (Davies, Paterson, &Wilson1997, trang 16). Các công trình nghiên cứu khoa học cũng cho thấy sự hài hòa trong các chuẩn mực kế toán không tự động dẫn tới sự hài hòa trong thực hành kế toán ở nhiều quốc gia. Nghiên cứu tại Trung Quốc của Chen, Sun, Wang năm 2002 đi đến kết luận: bất chấp nỗ lực của chính phủ Trung Quốc, nó (nỗ lực hài hòa) vẫn “ không thể lập tức loại bỏ hay giảm một cách đáng kể sự khác biệt trong kết quả về thu nhập sự hài hòa của các chuẩn mực kế toán Trung Quốc với chuẩn mực kế toán quốc tế không đủ để dẫn tới hài hòa về thực hành trong kế toán” (Chen, Sun, &Wang, 2002). Xu thế hài hòa trên thực tế không đảm bảo một cách chắc chắn sẽ mang lại một ngôn ngữ, một tiếng nói chung trong thực hành báo cáo thông tin tài chính. Điều này thực sự là một trở ngại lớn khi mà các công ty tham gia ngày càng nhiều hơn vào các 468
  5. thị trường vốn ở bên ngoài biên giới quốc gia quê hương.Trên các thị trường chứng khoán chủ chốt, số lượng doanh nghiệp nước ngoài niêm yết ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng lớn. Theo thống kê, cho tới ngày 30/04/2016, có 502 doanh nghiệp đến từ 46 quốc gia ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán New York, con số này chiếm tới gần 21% tổng doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch NYSE (NYSE, 2016). Hay tại thị trường chứng khoán Singapore, tại thời điểm 8/2015, số lượng công ty nước ngoài niêm yết chiếm khoảng 38% toàn thị trường (291 công ty nước ngoài trong tổng số 767 công ty niêm yết). Biểu đồ 2. Tỷ trọng doanh nghiệp nước ngoài niêm yết trên các thị trường chứng khoán chủ chốt Thị trường chứng khoán Thị trường chứng khoán Thị trường chứng khoán New York Singapore Luân Đôn 21% 21% 38% 79% 62% 79% CT nội địa CT nước ngoài CT nội địa CT nước ngoài CT nội địa CT nước ngoài Nguồn: Simon Lim, Singapore capital markets for AusIMM Sydney (10/2015) Như vậy, ở hầu hết các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, doanh nghiệp từ các quốc gia nước ngoài và các doanh nghiệp nội địa cạnh tranh trên cùng một sân chơi. Mỗi doanh nghiệp không chỉ hoạt động trên sân nhà mà cùng lúc tham gia trên nhiều sân chơi quốc tế khác. Bởi vậy nhu cầu hội nhập hoạt động báo cáo tài chính không chỉ dừng ở mức độ hài hòa trong các chuẩn mực kế toán mà đích tới phải là sự hòa hợp thật sự trong thực hành báo cáo tài chính, nhằm loại bỏ sự khác biệt và đảm bảo tính so sánh tức thời của thông tin tài chính. Nhu cầu về một hệ thống chuẩn mực kế toán có chất lượng cao được áp dụng trên toàn cầu dần dần được định hình nhằm tiến tới sự hòa hợp thực sự trong thực hành báo cáo tài chính, đảm bảo tính so sánh của thông tin trên các thị trường tài chính toàn cầu. Như chủ tịch Viện các nhà kế toán công chứng Ấn Độ, K. S. Vikamsey phát biểu năm 2001 “Những ai đầu tư ở nước ngoài đương nhiên là mong muốn có thể theo dõi và nắm bắt được sức khỏe tài chính của các công ty phát hành chứng khoán. Hội tụ 469
  6. chuẩn mực kế toán là cách thức duy nhất để đạt được điều này. Chỉ có thông qua việc nói cùng một thứ ngôn ngữ ta mới có thể hiểu được nhau, khi mọi người đến từ những nơi khác nhau” (Da&Shil, 2009). Bởi vậy, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, xu thế hội nhập hoạt động báo cáo tài chính đã bắt đầu chuyển từ hài hòa sang hội tụ (covergence) - phát triển một bộ chuẩn mực kế toán quốc tế thống nhất có chất lượng cao, áp dụng chung cho tất cả các thị trường vốn chủ chốt trên toàn cầu. Đi đầu trong xu thế này là các tổ chức xây dựng chuẩn mực hàng đầu như IASC và Ủy ban chuẩn mực kế toán tài chính (FASB) của Hoa Kỳ. Tháng 1/1999, FASB phát hành báo cáo “Xây dựng chuẩn mực kế toán quốc tế: Một viễn cảnh cho tương lai”. Trong đó FASB thể hiện quan điểm và đặt ra mục tiêu dứt khoát cho việc hình thành một hệ thống chuẩn mực kế toán duy nhất có chất lượng cao, được xây dựng bởi một tổ chức xây dựng chuẩn mực quốc tế độc lập và duy nhất, cho dù họ có phải là người quyết định hay chỉ là thành viên tham dự trong tổ chức đó (Herz & Petrone, 2005). Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC) cũng có những hoạt động tích cực nhằm theo kịp cũng như thúc đẩy quá trình hội tụ hoạt động báo cáo tài chính quốc tế. Đồng thời để khẳng định vai trò quyết định của tổ chức trong xu thế hội tụ, trong năm 2001 IASC đã tiến hành tái tổ chức lại và chuyển đổi thành Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) - một tổ chức xây dựng chuẩn mực quốc tế độc lập. Mục tiêu của IASB, ghi nhận trong Hiến chương thành lập của tổ chức là “phát triển một hệ thống các chuẩn mực kế toán toàn cầu có chất lượng cao, có tính thực thi và dễ hiểu, một hệ thống chuẩn mực mà yêu cầu các báo cáo tài chính và hoạt động báo cáo tài chính phải cung cấp thông tin minh bạch, có thể so sánh được và có chất lượng cao để hỗ trợ các đối tượng tham gia trên các thị trường vốn quốc tế và các đối tượng sử dụng khác có thể ra các quyết định kinh tế” (Pacter, 2016, trang 9). Việc đầu tiên IASB làm là rà soát và sửa đổi các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) đã ban hành từ năm 1973. Các chuẩn mực kế toán quốc tế sửa đổi và các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) được IASB ban hành sau này không còn cho phép các lựa chọn trong phương pháp kế toán như trước đây. Sự ra đời của IASB năm 2001 với việc chuyển trọng tâm từ hài hòa sang hội tụ/xây dựng chuẩn mực toàn cầu đã đánh dấu một kỷ nguyên mới trong hoạt động báo cáo tài chính quốc tế (Doupnik &Perera, 2012,trang 74). 470
  7. 3. Thực trạng áp dụng chuẩn mực kế toán/chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế Xu hướng hội tụ đã đẩy nhanh tiến trình hội nhập hoạt động báo cáo tài chính trên phạm vi toàn cầu, thể hiện ở mức độ áp dụng hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế, với tư cách là một hệ thống chuẩn mực chung ngày càng tăng.Trước năm 2000 các chuẩn mực kế toán quốc tế chưa có tính thực thi cao, các phương pháp và lựa chọn kế toán mang tính gợi ý và khuyến nghị, số quốc gia và vùng lãnh thổ vận dụng chuẩn mực kế toán quốc tế rất hạn chế. Thực tế các chuẩn mực kế toán quốc tế khi đó được xây dựng trên cơ sở dung hòa thực hành kế toán (khác nhau) đang tồn tại ở các quốc gia, hơn là định hướng hay dẫn dắt thực hành kế toán trên toàn cầu. Mục tiêu hội tụ kế toán của IASB đã chính thức nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức quốc tế, các hiệp hội nghề nghiệp và hội đồng chuẩn mực kế toán tài chính của nhiều nền kinh tế lớn như: Hiệp hội quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO), Nghị viện Châu Âu, Nhóm G20, Ngân hàng Thế giới (WB), Ủy ban chuẩn mực kế toán tài chính Hoa Kỳ (FASB) Các tổ chức này không chỉ ủng hộ mục tiêu hội tụ của IASB bằng lời nói mà bằng cả hành động thiết thực. Năm 2002, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua nghị quyết yêu cầu tất cả các công ty niêm yết phải lập báo cáo tài chính hợp nhất theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế kể từ năm 2005 và trở thành thị trường vốn đầu tiên trên thế giới yêu cầu áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, thay bằng các chuẩn mực quốc gia riêng. Tại Úc, Ủy ban chuẩn mực kế toán tài chính Úc (AASB) cũng quyết định áp dụng một cách đầy đủ các chuẩn mực kế toán và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế bắt đầu từ năm tài chính 2005, thay thế cho các chuẩn mực quốc gia trước đây. Thực tế đã chứng minh nỗ lực hội tụ kế toán của IASB và các tổ chức đối tác. Chỉ ít năm sau sự kiện ra đời của IASB, tới năm 2007 đã có “gần 100 quốc gia yêu cầu, cho phép và có kế hoạch hội tụ với IFRS” (McGill, 2007, trang 70 - 73). Và chỉ trong vòng gần một thập kỷ kể từ đó, số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ đã tăng lên nhanh chóng. Theo số liệu thống kê của IASB, cho tới tháng 3/2016, trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ được ghi nhận thì có tới 119 quốc gia, chiếm 83%, yêu cầu áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đối với tất cả hoặc hầu hết các tổ chức niêm yết trên các thị trường vốn của họ; 133 quốc gia, chiếm 93% đã đưa ra cam kết chính thức đối với các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế với tư cách là một hệ thống chuẩn mực kế toán toàn cầu duy nhất (Pacter, 2016, trang 4). 471
  8. Biểu đồ 3. Thực trạng áp dụng IFRS theo quốc gia Nguồn: Pocket Guide to IFRS Standards: the global financial reporting language (Paul Pacter, 2016) Trong các quốc gia áp dụng IFRS cho hoạt động báo cáo tài chính của các doanh nghiệp thì tỷ trọng tại châu Âu và Trung Đông là cao nhất, 98% quốc gia tại châu Âu bắt buộc áp dụng IFRS đối với các doanh nghiệp niêm yết, con số đó của Trung Đông là 92%. Không có quốc gia nào tại châu Âu cũng như Trung Đông chỉ duy nhất sử dụng chuẩn mực quốc gia. Khu vực châu Á - châu Đại Dương và châu Mỹ là hai khu vực có tỷ trọng quốc gia bắt buộc sử dụng IFRS thấp nhất, lần lượt 74% và 73%. Trong đó châu Á - châu Đại Dương có số lượng quốc gia chỉ sử dụng chuẩn mực quốc gia lớn nhất, 5 nước, trong tổng số 10 quốc gia trên toàn cầu. Bảng 1. Thực trạng áp dụng IFRS theo khu vực địa lý (đến 3/2016) IFRS bắt IFRS được phép IFRS không Tổng Tỷ buộc đối với sử dụng hoặc bắt bắt buộc và số quốc trọng toàn bộ hoặc buộc với một không được Khu vực địa lý gia trong gần như toàn thiểu số doanh phép (sử dụng trong khu bộ doanh nghiệp (tổ chức chuẩn mực khu vực vực nghiệp tài chính) quốc gia) Châu Âu 43 42 98% 1 0 Châu Phi 20 16 80% 1 3 Trung Đông 12 11 92% 1 0 Châu Á-Châu Đại dương 31 23 74% 3 5 Châu Mỹ 37 27 73% 8 2 Tổng số 143 119 83% 14 10 Nguồn: Pocket Guide to IFRS Standards: the global financial reporting language (Paul Pacter, 2016) 472
  9. Nếu tính theo giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thì tổng GDP của các quốc gia bắt buộc áp dụng IFRS hoặc cho phép sử dụng IFRS cho tới 3/2016 lên tới gần 46 nghìn tỷ USD, chiếm gần 61% tổng GDP của toàn bộ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu (xem biểu đồ 4) Biểu đồ 4. Thực trạng áp dụng IFRS theo giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Nguồn: Pocket Guide to IFRS Standards: the global financial reporting language (Paul Pacter, 2016) 4. Thực tiễn hội nhập hoạt động báo cáo tài chính tại Việt Nam Mặc dù với nhiều nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong suốt 2 thập kỷ qua, thực tiễn hội nhập quốc tế trong hoạt động báo cáo tài chính của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn về kết quả đạt được - cả về số lượng cũng như tính hoàn chỉnh của hệ thống chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính. Mức độ hài hòa trong thực hành kế toán Việt Nam với quốc tế vẫn còn rất lớn. Cho tới nay, Việt Nam là một trong 8 quốc gia còn lại vẫn sử dụng và bắt buộc tất cả các doanh nghiệp áp dụng hệ thống kế toán quốc gia (VAS), việc áp dụng các chuẩn mực kế toán khác hay chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế không được phép. Mặc dù Việt Nam nằm trong số 8 quốc gia còn lại, theo IASB, chưa chính thức cam kết đối với hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế với tư cách là hệ thống chuẩn mực kế toán toàn cầu duy nhất (Pacter, 2016, trang 28), nhưng trên thực tế các hoạt động có tính chất hội nhập kế toán quốc tế tại Việt Nam đã có lịch sử từ cuối 473
  10. những năm 1990 và đầu những năm 2000 như là một phần của hoạt động cải cách hệ thống kế toán Việt Nam - được khởi động từ năm 1996. Thực hành kế toán Việt Nam năm 2000 được đánh dấu bằng sự ra đời của quyết định 167/2000/QĐ-BTC ngày 25 tháng 10 năm 2000 “Về việc ban hành Chế độ báo cáo tài chính doanh nghiệp”, thay cho chế độ báo cáo tài chính ban hành theo Quyết định số 1141 TC/QĐ/CĐKT ngày 01/11/1995 của Bộ Tài chính. Lần đầu tiên trong lịch sử kế toán Việt Nam, báo cáo lưu chuyển tiền tệ được giới thiệu chính thức trong hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp, mặc dù khi đó nó mới chỉ có tích chất khuyến khích, chưa mang tính bắt buộc áp dụng. Hoạt động cải cách mang tính chất hội nhập của kế toán Việt Nam thực sự sôi động, xét về lượng, trong khoảng thời gian từ năm 2001 cho tới 2005, khi bộ Tài chính liên tục ban hành 5 đợt, với 26 chuẩn mực kế toán cùng các thông tư hướng dẫn. Đợt 1 ban hành theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và đợt 5 ban hành theo Quyết định số 100/2005/QĐ-BTC, ngày 28/12/2005. Tuy nhiên sau đó là cả một khoảng thời gian trầm lắng. Trong suốt một thập kỷ kể từ năm 2005 đến nay, không có bất cứ một chuẩn mực kế toán mới nào được ban hành thêm. Các chuẩn mực đã ban hành cũng không được cập nhật, sửa đổi như thông lệ quốc tế, mặc dù thực tiễn hoạt động kinh tế đòi hỏi thực hành kế toán phải theo kịp để điều chỉnh cho các nghiệp vụ kinh tế mới, phức tạp liên quan tới thị trường vốn như công cụ tài chính hay nghiệp vụ trên cơ sở cổ phần (share-based transactions). Thay vào đó, bộ Tài chính ban hành một số thông tư, quyết định nhằm hướng dẫn, điều chỉnh các thực hành kế toán mà hệ thống chuẩn mực hiện hành còn khuyết. Chẳng hạn, thông tư số 210/2009/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2009, về việc “Hướng dẫn áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính”. Hay thông tư số 202/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014, về việc “Hướng dẫn phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất”. Các chuẩn mực kế toán Việt Nam ban hành trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến 2005 về cơ bản được dịch từ một số (không phải trọn bộ) chuẩn mực kế toán quốc tế, phiên bản trước khi Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC) tái cơ cấu và chuyển đổi thành IASB. Chính vì vậy, cùng với sự thiếu hoàn chỉnh (thiếu vắng nhiều chuẩn mực quan trọng điều chỉnh cho các nghiệp vụ liên quan tới thị trường vốn, thị trường tài chính) và thiếu tính hệ thống nên tính tương thích và hài hòa của hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam với chuẩn mực kế toán và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IAS/IFRS) không cao. 474
  11. Trong một nghiên cứu về mức độ hài hòa giữa chuẩn mực kế toán việt nam và chuẩn mực kế toán quốc tế, Phạm Hoài Hương (2010) đã chỉ ra trong 10 chuẩn mực có ảnh hưởng quan trọng tới báo cáo tài chính của Việt Nam, mức độ hài hòa bình quân với IAS/IFRS chỉ đạt 68%. Một nghiên cứu khác của Anh Tuan Nguyen, Guangming Gong năm 2014, khảo sát toàn bộ các chuẩn mực kế toán hiện hành của Việt Nam (trừ chuẩn mực số 1 “chuẩn mực chung”, và chuẩn mực số 22 “trình bày bổ sung báo cáo tài chính của các ngân hàng và tổ chức tài chính tương tự” - là chuẩn mực mà IASB đã loại bỏ), với phương pháp đo lường khác, cũng cho kết quả mức độ hài hòa giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và IAS/IFRS chỉ đạt mức bình quân 65,72% (Nguyen & Gong, 2014). Các kết quả nghiên cứu này cho thấy thực tế mức độ hài hòa của chuẩn mực kế toán Việt Nam với chuẩn mực kế toán và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế thấp hơn nhiều so với phát biểu lạc quan (có phần thái quá) của ông Bùi Văn Mai, (nguyên) vụ trưởng vụ Chế độ kế toán, bộ Tài chính rằng cho tới 2005 “kế toán VN sẽ phù hợp 90% kế toán quốc tế” (Kế toán Việt Nam tiến gần các chuẩn mực quốc tế, 2003). Như nghiên cứu thực nghiệm tại Trung Quốc củaS. Chen, Z. Sun, and Y. Wang (2002) chỉ ra: hài hòa trong các chuẩn mực kế toán không tự động dẫn tới hài hòa trong thực hành kế toán. Điều này ở Việt Nam lại càng đúng. Thực tế Việt Nam cho thấy tính chất pháp lý trong thực thi các chuẩn mực không cao, thực hành kế toán lệ thuộc vào các thông tư hướng dẫn chuẩn mực (phần lớn các nhà thực hành kế toán không hiểu hoặc không quan tâm tới chuẩn mực họ chỉ đọc và làm theo - một cách thụ động - các câu chữ trong các thông tư hướng dẫn). Qua thông tư thì các chuẩn mực đã qua một bước diễn giải, và trong nhiều trường hợp không đúng, thậm chí sai với tinh thần của chuẩn mực. Để đưa chuẩn mực vào thực tiễn cuộc sống, việc hiểu và diễn giải tinh thần chuẩn mực là điều quan trọng. Một hệ thống chuẩn mực kế toán có mức độ hài hòa với chuẩn mực quốc tế ở mức khiêm tốn, dựa trên các chuẩn mực kế toán lạc hậu, không hoàn chỉnh, hoàn thiện chắp vá và chậm trễ thay đổi, cập nhật thì việc thực hành kế toán và báo cáo tài chính tại Việt Nam chưa thể hội nhập được với quốc tế cũng là điều dễ hiểu. Giống như phát biểu thẳng thắn của bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt năm 2010 “Đơn cử Việt Nam hiện có hệ thống kế toán riêng không giống ai, thế giới nhìn vào không ai tin và không ai hiểu” (Việt Nam làm ăn vẫn "không giống ai", 2010). Thực tiễn đã có đòi hỏi cấp bách tuy nhiên quá trình đổi mới hệ thống kế toán ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa theo kịp yêu cầu của hội nhập, vẫn còn thiếu một lộ trình chính thức, rõ ràng, cụ thể cho quá trình hội nhập kế toán Việt Nam với quốc tế để có 475
  12. thể thông tin tới công chúng nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Mặc dù từ năm 2013, Bộ Tài chính đã có dự thảo về hệ thống các chuẩn mực kế toán Việt Nam mới và đã được đưa ra thảo luận và hội thảo nhiều, nhưng kể từ đó đến nay đã 3 năm trôi qua vẫn chưa được ban hành chính thức mà công chúng cũng như cộng đồng nghề nghiệp không hiểu vì lý do gì. 5. Kết luận Hội nhập hoạt động báo cáo tài chính trên thế giới đã chuyển biến mạnh sang giai đoạn hội tụ. Chứng kiến nhiều nền kinh nhỏ ở các khu vực, và các nền kinh tế trong cùng khu vực đã thực sự tham gia sâu vào quá trình hội nhập này, thì nhịp độ cải cách kế toán hiện tại ở Việt Nam là một nỗi băn khoăn lớn không chỉ đối với các cơ quan quản lý có trách nhiệm mà còn với cả công chúng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Trước thực tiễn này Việt Nam cần có những động thái mạnh mẽ hơn nữa nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập thông qua các chương trình, kế hoạch và hành động cụ thể, chứ không thể dừng lại ở các phát biểu mang tính chất mong muốn cảm quan. Để đạt được điều này, cần thiết phải tiến hành nhiều hơn nữa các nghiên cứu nhằm nhận diện cũng như xác định các nguyên nhân tác động tới tiến trình hội nhập kế toán quốc tế hiện nay ở Việt Nam. Tài liệu tham khảo 1. Apple Reports Second Quarter Results (2016), truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2016 từ . 2. Camfferman, K.&Zeff, S.A. (2006), Financial reporting and global capital markets: A History of the International Accounting Standards Committee, 1973 - 2000, Oxford University Press. 3. Chen, S., Sun, Z., & Wang, Y. (2002), Evidence from China on Whether Harmonized Accounting Standards Harmonize Accounting Practices, Accounting Horizons 16, No. 3. 4. Comparability in International Accounting Standards-A Brief History(không năm xuất bản), truy cập 1/5/2016 từ 5. Da, B. &Shil, N. C. (2009), Convergence of Accounting Standards: Internationalization of Accounting, International Journal of Business and Management, Vol.4, No.1. 476
  13. 6. Davies, M., Paterson, R., Wilson, A. (1997), UK GAAP: Generally Accepted Accounting Practice in the UK, Macmillan Reference Ltd. 7. Doupnik, T., Perera, H. (2012), International accounting, McGraw Hill, 1221 Avenue of the Americas, New York. 8. Herz, R. H. & Petrone, K. R. (2005), International Convergence of Accounting Standards-Perspectives from the FASB on Challenges and Opportunities, Northwestern Journal of International Law & Business, Volume 25, Issue 3. 9. IASB (2010), The Conceptual Framework for FinancialReporting, IFRS Foundation. 10. Kế toán Việt Nam tiến gần các chuẩn mực quốc tế (2003), truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2016 từ viet-nam-tien-gan-cac-chuan-muc-quoc-te-2676754.html. 11. McGill & Lawrence, M. (2007) IFRS: Coming to America, Journal of Accountancy, June 2007. 12. Meek, G. K. & Choi F. D. S. (2011), International accounting, Prentice Hall, New Jersey. 13. Nestlé (2015), Annual Review 2015. 14. Nguyen, A.T. & Gong, G. (2014), Measurement of Formal Convergence of Vietnamese Accounting Standards with IFRS, Australian Accounting Review No. 69 Vol. 24 Issue 2 2014. 15. NYSE (2016), Current List of All Non-U.S. Issuers,truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2016 từ . 16. Pacter, P. (2016), Pocket Guide to IFRS Standards: the global financial reporting language, IFRS Foundation. 17. Phạm Hoài Hương (2010), Mức độ hài hòa giữa chuẩn mực kế toán việt nam và chuẩn mực kế toán quốc tế, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, số 5 (40) năm 2010. 18. Quốc hội (2015), Luật số: 88/2015/QH13 - Luật kế toán, thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2015. 19. Việt Nam làm ăn vẫn "không giống ai" (2010), truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2016 từ 477