Kế toán khoản tiền gửi ngân hàng là ngoại tệ theo chuẩn mực kế toán Việt Nam và hướng dẫn của chế độ kế toán Việt Nam

pdf 7 trang Gia Huy 24/05/2022 2950
Bạn đang xem tài liệu "Kế toán khoản tiền gửi ngân hàng là ngoại tệ theo chuẩn mực kế toán Việt Nam và hướng dẫn của chế độ kế toán Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfke_toan_khoan_tien_gui_ngan_hang_la_ngoai_te_theo_chuan_muc.pdf

Nội dung text: Kế toán khoản tiền gửi ngân hàng là ngoại tệ theo chuẩn mực kế toán Việt Nam và hướng dẫn của chế độ kế toán Việt Nam

  1. KẾ TOÁN KHOẢN TIỀN GỬI NGÂN HÀNG LÀ NGOẠI TỆ THEO CHUẨN MỰC KẾ TOÁN VIỆT NAM VÀ HƯỚNG DẪN CỦA CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN VIỆT NAM Nguyễn Bảo Trâm, Trần Thị Hiền Trinh, Ung Thị Bích Nương, Phạm Gia Long, Nguyễn Đình Kin Khoa Tài chính – Thương mại, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh GVHD: ThS. Trịnh Xuân Hưng TÓM TẮT Nền kinh tế Việt Nam càng ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Chính vì vậy, các doanh nghiệp thường xuyên phải sử dụng ngoại tệ để trao đổi, mua bán với các đối tác nước ngoài. Chuẩn mực kế toán Việt Nam và hướng dẫn chế độ kế toán Việt Nam cũng đã thường xuyên thay đổi, cập nhật mới các quy định kế toán cho phù hợp với các chuẩn mực kế toán quốc tế. Tìm hiểu về vấn đề này giúp cho các bạn sinh viên có kiến thức vững vàng hơn, sẵn sàng tham gia vào công việc thực tế trong doanh nghiệp và hội nhập cùng thế giới bên ngoài. Bài viết này được thực hiện dựa trên cơ sở tìm hiểu và nghiên cứu các quy định về kế toán khoản tiền gửi ngân hàng là ngoại tệ trong chuẩn mực kế toán Việt Nam và hướng dẫn chế độ kế toán Việt Nam. Từ khóa: Tiền gửi ngân hàng, ngoại tệ, phương pháp hạch toán, tỷ giá. 1 ĐẶT VẤN ĐỀ Cuộc sống ngày càng hiện đại đồng nghĩa với việc sử dụng tỷ giá mua vào và bán ra của NHTM, nơi Doanh nghiệp mở Tài khoản/chỉ định thanh toán/dự kiến. Giao dịch công bố như vậy, có ưu điểm là phản ánh đúng tình hình tài chính của Doanh nghiệp, đảm bảo được nguyên tắc thận trọng của kế toán, không đánh giá quá cao giá trị tài sản, hay đánh giá quá thấp nợ phải trả của Doanh nghiệp. Chẳng hạn như, khi bán hàng trả chậm cho khách hàng thì khoản phải thu ngoại tệ từ khách hàng nếu thu được bằng ngoại tệ, thì theo quy định của Luật quản lý ngoại hối Việt Nam, các Doanh nghiệp cũng phải bán ngay số ngoại tệ này cho ngân hàng. Do vậy, khi quy đổi khoản phải thu này sang VNĐ phải sử dụng tỷ giá mua của NHTM. Hay khi mua chịu hàng hóa làm phát sinh khoản phải trả người bán, để trả tiền cho người bán, Doanh nghiệp phải mua ngoại tệ đã rồi mới thanh toán được. Do vậy, khi mua chịu, kế toán phải sử dụng tỷ giá bán của NHTM để quy đổi khoản phải trả người bán. Các quy định này hoàn toàn phù hợp và dễ áp dụng cho các Doanh nghiệp có ít giao dịch bằng ngoại tệ. 1240
  2. 2 CƠ SỞ LÝ THUYẾT 2.1 Một số khái niệm cơ bản Tiền: Là vật ngang giá chung có tính thanh khoản cao nhất dùng để trao đổi lấy hàng hóa và dịch vụ nhằm thỏa mãn bản thân và mang tính dễ thu nhận (nghĩa là mọi người đều sẵn sàng chấp nhận sử dụng). Ngoại tệ: Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 07/2012/TT-NHNN quy định về trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thì nội dung này được quy định như sau: Ngoại tệ là đồng tiền của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực. Tỷ giá: Là mức giá tại một thời điểm đồng tiền của một quốc gia hay khu vực có thể được chuyển đổi sang đồng tiền của quốc gia hay khu vực khác. Theo đó tỷ giá được tính bằng số đơn vị nội tệ trên một đơn vị ngoại tệ. Khi tỷ giá giảm đồng nghĩa với việc đồng nội tệ lên giá và ngoại tệ giảm giá, ngược lại tỷ giá tăng thì đồng nội tệ giảm còn ngoại tệ sẽ lên giá. Hiện nay, tỷ giá được niêm yết theo thị trường giao dịch, có nghĩa là đồng tiền yết giá đứng trước, đồng tiền định giá đứng sau. Tiền gửi ngoại tệ: Là số tiền nước ngoài do cá nhân, tổ chức gửi tiết kiệm ngân hàng Nhà nước và ngân hàng TMCP tại Việt Nam. Tiền gửi ngân hàng bằng ngoại tệ là số tiền bằng ngoại tệ mà các doanh nghiệp mở tài khoản tại ngân hàng để giao dịch, trao đổi, mua bán với đối tác. Gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ: Là một hình thức đầu tư mà khách hàng gửi một khoản tiền bằng đồng ngoại tệ vào ngân hàng với mục đích tiết kiệm để dành trong một khoảng thời gian nhất định, kết thúc thời gian đó, người gửi sẽ nhận được một khoản lãi nhất định cộng gốc. 2.2 Cơ sở pháp lý Căn cứ pháp lý để các doanh nghiệp tổ chức công tác kế toán và hệ thống chứng từ hiện nay được dựa trên các văn bản pháp luật sau: Luật kế toán Việt Nam số 88/2015/QH13 được Quốc hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 20 tháng 11 năm 2015. Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam được ban hành theo các quyết định: 149/2001/QĐ-BTC; 165/2002/QĐ-BTC; 234/2003/QĐ-BTC; 100/2005/QĐ-BTC; 12/2006/QĐ-BTC. Của bộ trưởng Bộ Tài chính. Thông tư 200/2014/TT – BTC do Bộ tài chính ban hành ngày 24/12/2019 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015. 3 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Để thực hiện nghiên cứu này nhóm tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nhân quả. Cụ thể như sau: 1241
  3. Nghiên cứu định tính: Để thực hiện đề tài này, nhóm tác giả tiến hành phân công các thành viên trong nhóm tìm đọc các tài liệu có liên quan như: Những nghiên cứu trước đây có cùng chủ đề; các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan sau đó nhóm tác giả sử dụng phương pháp thống kê: liệt kê chi tiết những tài liệu có liên quan, thống kê cụ thể các chứng từ liên quan đến vấn đề đang nghiên cứu là ngoại tệ, đồng thời nhóm tác giả còn sử dụng phương pháp mô tả: Báo cáo một cách cụ thể từ những chứng từ, số liệu thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau, hệ thống hóa lại và mô tả một cách tổng quan những vấn đề cần tìm hiểu và giải quyết. Nghiên cứu nhân quả: Sau khi thực hiện nghiên cứu định tính, nhóm tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu nhân quả để chỉ ra mối liên hệ tương quan giữa những vấn đề cần tìm hiểu và kết quả đạt được sau quá trình tìm hiểu. Từ những tìm hiểu đó, nhóm vận dụng vào quá trình học tập để đạt kết quả tốt nhất. 4 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 4.1 Phần hướng dẫn chung Thông tư 200 quy định nguyên tắc xác định tỷ giá giao dịch thực tế rất chi tiết cho từng trường hợp, theo đó: Tỷ giá giao dịch thực tế khi mua bán ngoại tệ (hợp đồng mua bán ngoại tệ giao ngay, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi): Là tỷ giá ký kết trong hợp đồng mua, bán ngoại tệ giữa Doanh nghiệp (DN) và Ngân hàng thương mại (NHTM). Trường hợp, hợp đồng không quy định tỷ giá thanh toán thì DN ghi sổ kế toán theo nguyên tắc: – Tỷ giá giao dịch thực tế khi góp vốn hoặc nhận vốn góp: Là tỷ giá mua ngoại tệ của Ngân hàng nơi DN mở tài khoản (TK) để nhận vốn của nhà đầu tư tại ngày góp vốn. – Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải thu: Là tỷ giá mua của NHTM nơi DN chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm giao dịch phát sinh. – Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải trả: Là tỷ giá bán của NHTM, nơi DN dự kiến giao dịch tại thời điểm giao dịch phát sinh. – Đối với các giao dịch mua sắm tài sản hoặc các khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ (không qua các TK phải trả), tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá mua của NHTM, nơi DN thực hiện thanh toán. Tuy nhiên, quy định này sẽ làm phức tạp hơn rất nhiều cho công tác kế toán trong những DN thường xuyên phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ. Kế toán sẽ phải cập nhật sự biến động tỷ giá qua từng ngày. Mỗi một giao dịch trong một ngày, kế toán sẽ phải xác định xem sử dụng tỷ giá gì để quy đổi trong ba tỷ giá do NHTM công bố: Tỷ giá mua tiền mặt, tỷ giá mua chuyển khoản hay tỷ giá bán. Chưa kể đến việc, nếu một DN mở TK hoặc thực hiện giao dịch tại nhiều Ngân hàng khác nhau. Đương nhiên, việc phản ánh giá trị tài sản, nợ phải trả càng sát thực càng tốt, càng có lợi cho các đối tượng sử dụng BCTC của DN. Tuy nhiên, không thể đòi hỏi sự tuyệt đối trong kế toán, cần phải cân nhắc giữa chi phí của việc phản ánh đúng và lợi ích của việc phản ánh kịp thời. Trong trường hợp này, tác giả cho rằng Bộ Tài chính không nên quy định cứng nhắc, bắt buộc tất cả các DN phải áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế do NHTM công bố để hạch toán các giao dịch bằng ngoại 1242
  4. tệ, nhất là đối với những DN thường xuyên giao dịch bằng ngoại tệ hoặc những giao dịch bằng ngoại tệ bằng những đồng tiền phổ biến. Bởi tỷ giá mua và tỷ giá bán của các đồng tiền này, thường chênh lệch nhau không nhiều. Thay vì việc sử dụng tỷ giá thực tế do các NHTM công bố, Bộ Tài chính có thể cho phép các DN thường xuyên giao dịch bằng ngoại tệ hoặc giao dịch ngoại tệ bằng những đồng tiền phổ biến được phép sử dụng tỷ giá xấp xỉ với tỷ giá hối đoái thực tế tại ngày giao dịch, ví dụ tỷ giá trung bình tuần hoặc tháng có thể được sử dụng cho tất cả các giao dịch phát sinh của mỗi loại ngoại tệ trong tuần, giống như quy định về hạch toán ngoại tệ trong chuẩn mực kế toán số 10. Điều này, sẽ giúp công tác kế toán ngoại tệ của DN đơn giản hơn nhiều, tránh được những rắc rối, phức tạp không cần thiết. Tỷ giá ghi sổ kế toán được sử dụng sau khi ghi nhận ban đầu, cụ thể được sử dụng khi ghi vào bên Có của TK 131 (thu hồi được khoản phải thu của khách hàng bằng ngoại tệ), hay vào bên Nợ của TK 331 (khi thanh toán nợ phải trả cho người bán bằng ngoại tệ) Theo quy định ở Điều 18 của Thông tư 200 thì với TK 131, tỷ giá ghi sổ là tỷ giá thực tế đích danh cho từng khách hàng nợ hoặc tỷ giá bình quân gia quyền di động các giao dịch của khách hàng nợ. Tương tự ở Điều 51, khi thanh toán nợ phải trả cho người bán bằng ngoại tệ, kế toán phải quy đổi ra đồng Việt Nam, theo tỷ giá ghi sổ là tỷ gía thực tế đích danh cho từng đối tượng chủ nợ hoặc tỷ giá bình quân gia quyền di động các giao dịch của chủ nợ đó. Điều 13, TT 200, cũng quy định bên Có của TK 1122 phải sử dụng tỷ giá bình quân gia quyền di động. Theo tác giả, những quy định này phù hợp với DN có ít giao dịch phát sinh bằng ngoại tệ. Với những DN có nhiều giao dịch phát sinh bằng ngoại tệ, quy định này không làm tăng tính minh bạch của thông tin tài chính vì việc đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ thường chỉ được đánh giá lại vào cuối kỳ kế toán. Vì vậy, với các DN có nhiều nghiệp vụ phát sinh bằng ngoại tệ, nếu cho phép áp dụng tỷ giá thực tế trung bình của tuần/tháng (là tỷ giá giao dịch thực tế dùng cho cả tuần /tháng) như đề xuất ở trên thì, thay vì phải xác định tỷ giá ghi sổ là tỷ giá bình quân gia quyền di động kế toán có thể sử dụng luôn tỷ giá thực tế trung bình này làm tỷ giá ghi sổ. Như vậy, công việc kế toán sẽ giảm nhẹ đi rất nhiều. Cuối kỳ, kế toán vẫn phải đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo tỷ giá thực tế cuối kỳ. Và như vậy, BCTC vẫn luôn phản ánh đúng tình hình của DN. Các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ có thể bao gồm: 1. Tiền mặt, các khoản tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ. 2. Các khoản nợ phải thu, nợ phải trả có gốc ngoại tệ, ngoại trừ: Các khoản trả trước cho người bán và các khoản chi phí trả trước bằng ngoại tệ. Trường hợp, tại thời điểm lập báo cáo có bằng chứng chắc chắn về việc người bán không thể cung cấp hàng hoá, dịch vụ và DN sẽ phải nhận lại các khoản trả trước bằng ngoại tệ thì các khoản này được coi là các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. Các khoản người mua trả tiền trước và các khoản doanh thu nhận trước bằng ngoại tệ. Trường hợp tại thời điểm lập báo cáo có bằng chứng chắc chắn về việc DN không thể cung cấp hàng hoá, dịch vụ và sẽ phải trả lại các khoản nhận trước bằng ngoại tệ cho người mua thì các khoản này được coi là các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. 1243
  5. 3. Các khoản đi vay, cho vay dưới mọi hình thức được quyền thu hồi hoặc có nghĩa vụ hoàn trả bằng ngoại tệ. 4. Các khoản đặt cọc, ký cược, ký quỹ được quyền nhận lại bằng ngoại tệ; Các khoản nhận ký cược, ký quỹ phải hoàn trả bằng ngoại tệ”. 4.2 Về nguyên tắc xác định các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ Rút tiền gửi Ngân hàng về nhập quỹ tiền mặt thì phải quy đổi số tiền mặt ngoại tệ tăng thêm theo tỷ giá ghi sổ kế toán của TK 1122 (Khoản 1e, Điều 12). Rút quỹ tiền mặt bằng ngoại tệ gửi vào Ngân hàng thì phải quy đổi số tiền gửi Ngân hàng ngoại tệ tăng thêm theo tỷ giá ghi sổ kế toán của TK 1112 (Khoản 1đ, Điều 13). Nếu giải thích rằng, các giao dịch rút tiền mặt gửi vào Ngân hàng hoặc rút tiền gửi Ngân hàng nhập quỹ tiền mặt chỉ là các giao dịch nội bộ DN, tiền chỉ lưu chuyển trong DN nên không cần đánh giá lại giá trị những khoản này. Vậy những giao dịch như: Dùng tiền mặt ngoại tệ tạm ứng cho cán bộ công nhân viên đi công tác hay ký quỹ mở L/C bằng tiền gửi Ngân hàng ngoại tệ có được coi là giao dịch nội bộ hay không? Có cần đánh giá lại giá trị của những khoản mục này hay không? Về điểm này, Thông tư 200 vẫn còn chưa làm rõ. Các trường hợp này, tiền được coi là chưa ra khỏi DN, khi tạm ứng cho cán bộ công nhân viên, ký quỹ mở L/C, kế toán chỉ cần sử dụng tỷ giá ghi sổ để hạch toán: – Dùng tiền mặt ngoại tệ tạm ứng cho cán bộ công nhân viên đi công tác: Nợ TK 141: Tỷ giá ghi sổ /Có TK 1112: Tỷ giá ghi sổ. – Ký quỹ mở L/C bằng tiền gửi Ngân hàng ngoại tệ: Nợ TK 244: Tỷ giá ghi sổ/Có TK 1122: Tỷ giá ghi sổ. Đến khi tiền đã thực sự xác định ra khỏi DN, kế toán mới đánh giá lại giá trị tài sản theo tỷ giá thực tế và ghi nhận chênh lệch tỷ giá nếu có: – Cán bộ công nhân viên đi công tác hoàn ứng lại: Nợ TK 152, 153, 156, 211, : Tài sản mua về (Tỷ giá thực tế). Nợ TK 1112, 1122: Số tiền chưa chi hết (Tỷ giá thực tế). Có TK 141: Khoản tiền tạm ứng (Tỷ giá ghi sổ). Nợ TK 515/Có TK 635: Chênh lệch tỷ giá (nếu có). – Ngân hàng thông báo đã dùng tiền ký quỹ thanh toán cho người xuất khẩu: Nợ TK 152, 153, 156, 211 : Tài sản mua về (Tỷ giá thực tế). Có TK 244: Ký cược, ký quỹ (Tỷ giá ghi sổ). Nợ TK 515/Có TK 635: Chênh lệch tỷ giá (nếu có). 1244
  6. 4.3 Về cách trình bày các quy định liên quan tới vấn đề kế toán giao dịch bằng ngoại tệ Khác với kế toán từng phần hành, Kế toán các giao dịch bằng ngoại tệ liên quan tới tất cả các khía cạnh, phần hành kế toán trong DN. Ở đâu có xuất hiện ngoại tệ là cần áp dụng nguyên tắc kế toán ngoại tệ. Chính vì vậy, việc quy định Chế độ kế toán theo Thông tư 200 ra thành các Chương, Khoản, Mục sẽ rất dễ dàng theo dõi nếu nói đến kế toán từng phần hành, nhưng như vậy các nguyên tắc kế toán ngoại tệ lại không tập trung, ở mỗi một Điều, một TK lại có một vài điểm liên quan tới kế toán ngoại tệ. Điều này sẽ làm cho các kế toán viên, các sinh viên kế toán, rất khó tiếp cận các nguyên tắc kế toán ngoại tệ một cách đầy đủ nhất. Thật vậy, phần lớn khái niệm, nguyên tắc kế toán ngoại tệ đều được quy định tại Điều 69 Thông tư 200 về TK 413- Chênh lệch tỷ giá hối đoái. Nhưng nếu chỉ đọc điều này không thì kế toán không thể biết được khi rút tiền gửi Ngân hàng ngoại tệ ra nhập quỹ tiền mặt ngoại tệ, thì tiền mặt ngoại tệ phải được quy đổi theo tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền và ngược lại. Muốn biết điều này, kế toán lại phải dẫn chiếu tới Điều 12 về TK 111- Tiền mặt và Điều 13 về TK 112- Tiền gửi Ngân hàng. Hơn nữa, Điều 69 Thông tư 200 có tiêu đề nói về TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái, nhưng lại đề cập đến rất nhiều khái niệm, nguyên tắc kế toán ngoại tệ như vậy là không hợp lý. Bởi bản thân TK 413 bây giờ theo quy định mới của Thông tư 200 cũng được sử dụng rất hạn chế trong kế toán ngoại tệ, chỉ được sử dụng như TK trung gian trong việc đánh giá lại giá trị các Khoản Mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ kế toán trước khi kết chuyển chênh lệch tỷ giá sang TK 515/635 (Doanh thu, chi phí hoạt động tài chính). 5 KẾT LUẬN Sau khi thực hiện việc tìm hiểu và nghiên cứu về khoản mục tiền gửi ngân hàng là ngoại tệ, nhóm nghiên cứu rút ra được những kết luận như sau: Về mặt ưu điểm: Khi mở tài khoản giao dịch bằng ngoại tệ sẽ dễ dàng trong việc thanh toán với đối tác, tỷ giá giao dịch giữa đồng ngoại tệ với đồng nội tệ ngày các được linh hoạt hơn, giúp cho doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các bút toán ghi sổ sát với các giao dịch thực tế, góp phần làm cho bảng cân đối kế toán trở nên trung thực hơn. Khi gửi tiết kiệm ngoại tệ: Đảm bảo an toàn cho việc mở tài khoản tiết kiệm ngoại tệ khi gửi trực tiếp vào hệ thống ngân hàng quản lý. An tâm với đồng ngoại tệ gửi ngân hàng không bị mất giá hoặc gặp rủi ro khi dự trữ tại nhà. Điều kiện tốt để bảo lãnh cho các khoản vay vốn khác. Chứng minh tài chính cho các hoạt động xin visa du lịch, du học Dễ dàng rút tiền tiết kiệm để sử dụng cho những giao dịch ở nước ngoài khi cần thiết. Về mặt nhược điểm: Ở một số trường hợp cụ thể còn chưa có các quy định rõ ràng gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc hạch toán và ghi chép sổ sách kế toán, như các quy định về luân chuyển tiền nội bộ trong doanh nghiệp. 1245
  7. Không có bảo hiểm tiền gửi ngoại tệ. Tiền gửi ngoại tệ tăng ảnh hưởng đến giá trị đồng Việt Nam. Lãi suất thấp giao động từ 0 - 0,01%. Nguy cơ đô la hóa: Nguồn vốn ngoại tệ tại các ngân hàng hiện nay chủ yếu là đồng đô la Mỹ. Đồng đô la Mỹ giảm mạnh so với các đồng tiền khác trên thị trường quốc tế, nhưng lại tăng giá nhẹ so với tiền đồng ở thị trường trong nước. Vô hình chung, tiền VND có những thời điểm bị giảm giá khá mạnh so với các ngoại tệ khác, khi áp dụng cơ chế tính theo tỷ giá chéo. Điều này đã thúc đẩy một bộ phận nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ các loại ngoại tệ khác để đầu tư, do đó phần nào tác động đến số dư ở các loại tiền gửi ngoại tệ khác của các ngân hàng ngoài đô la Mỹ. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Quốc hội Việt Nam. Luật Kế toán Việt Nam số 88/2015/QH13. [2] Bộ Tài chính. Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam và các thông tư hướng dẫn. [3] Bộ Tài chính. Thông tư 200/2014/TT – BTC. Ban hành ngày 22/12/2014. [4] Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (2019). Kỷ yếu Hội nghị khoa học sinh viên. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. 1246