Khả năng thích ứng nghề nghiệp – kỹ năng cần thiết trong đào tạo nhân lực ngành quản trị kinh doanh
Bạn đang xem tài liệu "Khả năng thích ứng nghề nghiệp – kỹ năng cần thiết trong đào tạo nhân lực ngành quản trị kinh doanh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- kha_nang_thich_ung_nghe_nghiep_ky_nang_can_thiet_trong_dao_t.pdf
Nội dung text: Khả năng thích ứng nghề nghiệp – kỹ năng cần thiết trong đào tạo nhân lực ngành quản trị kinh doanh
- 18. KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG NGHỀ NGHIỆP – KỸ NĂNG CẦN THIẾT TRONG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH ThS. Nguyễn Thị Trường Hân Viện Nghiên cứu Kinh tế ứng dụng – UFM Tóm tắt Sự thích ứng có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi cá nhân trong học tập, công việc và cuộc sống. Đối với ngành Quản trị kinh doanh, nơi đòi hỏi con người phải có khả năng làm việc với nhiều áp lực và sự cạnh tranh cao thì thích ứng là kỹ năng thiết yếu đối với người lao động. Sự tự tin, bản lĩnh, khả năng tự điều chỉnh bản thân để phù hợp với công việc mới, môi trường mới chỉ có thể được hình thành, được nuôi dưỡng và phát triển trong một môi trường phù hợp. Vì vậy, bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên quản trị kinh doanh cần được rèn luyện kỹ năng thích ứng ngay trong quá trình học. Trong bài viết này, dựa trên phương pháp tổng hợp và phân tích tài liệu cũng như phương pháp phỏng vấn, tác giả trình bày cơ sở lý luận về khả năng thích ứng nghề nghiệp và cách thức rèn luyện kỹ năng này cho sinh viên Quản trị kinh doanh trong hoạt động học tập tại trường Đại học Tài chính - Marketing. Từ khoá: Thích ứng; Thích ứng nghề nghiệp; Kỹ năng; Quản trị kinh doanh. 1. Đặt Vấn Đề Với sự biến động của thị trường kinh tế trong những năm gần đây, các công ty, doanh nghiệp phải luôn thay đổi hướng đi để phát triển là điều không thể tránh khỏi. Một khi doanh nghiệp phải thay đổi hướng đi, tất yếu mọi thứ phải thay đổi theo. Trong đó yếu tố khả năng thay đổi của bộ máy nhân sự đóng vai trò quyết định. Nếu bộ máy nhân sự không thể thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh thì mọi sự đầu tư khác về tài chính, về kỹ thuật công nghệ, về cơ sở vật chất đều trở nên vô nghĩa. Do đó, khả năng thích ứng hay thích nghi luôn là tiêu chí hàng đầu của các nhà tuyển dụng khi tuyển dụng hoặc đánh giá nhân viên của mình. Họ cho rằng những nhân sự có kỹ năng này sẽ có khả năng sáng tạo, linh hoạt hơn trong mọi hoàn cảnh và vấn đề. Việc sở hữu khả năng này, ứng viên đã có được ưu thế hơn rất nhiều so với các ứng viên khác. Theo định nghĩa của Tổ chức Đánh giá và giảng dạy các kỹ năng của thế kỷ 21, gọi tắt là AT21CS (Assessment and Teaching of 21 Century Skills) tại Đại học Melbourne (Úc), kỹ năng của thế kỷ 21 bao gồm 4 nhóm chính: (1) Nhóm kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) như năng lực giải quyết vấn đề dựa trên máy tính và các công cụ công nghệ; (2) Nhóm các kỹ năng tư duy như sáng tạo, phản biện, giải quyết vấn đề, ra quyết định và khả năng tự học suốt đời; (3) Nhóm kỹ năng làm việc như khả năng giao tiếp và hợp tác làm việc theo 180
- nhóm; (4) Kỹ năng thích ứng trong xã hội toàn cầu, bao gồm vấn đề ý thức công dân, cuộc sống và sự nghiệp, trách nhiệm cá nhân và xã hội, bao gồm cả vấn đề hiểu biết tính đa dạng văn hóa. Khả năng thích ứng trong xã hội toàn cầu là kỹ năng rất cần thiết và không thể thiếu đối với sinh viên trong môi trường học tập cũng như hoạt động nghề nghiệp tương lai, đặc biệt trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên cần có tâm thế và kỹ năng để đối mặt với những thay đổi của xu hướng nghề nghiệp và xã hội. Đặc biệt, với sinh viên Quản trị kinh doanh, nếu không chuyển mình để bắt nhịp với guồng quay của cuộc sống, bắt nhịp với những yêu cầu của môi trường học tập và nghề nghiệp, những mối quan hệ xung quanh cũng như làm chủ những quyết định quan trọng trong cuộc sống của chính mình thì rất khó đạt được những thành công trong học tập, công việc và cuộc sống. 2. Cơ Sở Lý Thuyết Và Phương Pháp Nghiên Cứu 2.1. Cơ Sở Lý Thuyết 2.1.1. Khái quát về khả năng thích ứng nghề nghiệp Khái niệm “Khả năng thích ứng” (Adaptability) Thuật ngữ “khả năng thích ứng” hay “khả năng thích nghi” đã được các nhà nghiên cứu quản trị đưa ra từ thập niên trước. Tuy nhiên, chúng ta cần lược lại một số quan điểm ở các lĩnh vực khác nhau về khái niệm này. Trong Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê (2000), thuật ngữ thích ứng có hai nghĩa: (1) có những thay đổi cho phù hợp với điều kiện mới, yêu cầu mới; (2) như thích nghi, tức là có những biến đổi nhất định cho phù hợp với hoàn cảnh, môi trường mới. Trong Từ điển Tâm lý học của Vũ Dũng (2000), đồng nhất “thích nghi” và “thích ứng”, đồng thời phân biệt rõ “thích nghi” và “thích nghi xã hội”. Thích nghi là sự thích ứng về cấu tạo và chức năng cơ thể bao gồm cả các cơ quan và tế bào của nó đối với điều kiện môi trường. Thích nghi xã hội có hai nghĩa: 1) quá trình thích nghi tích cực của cá nhân đối với những điều kiện của môi trường xã hội mới. 2) kết quả của quá trình trên. Theo tác giả Lê Thị Minh Loan (2008), “Thích ứng là quá trình cá nhân lĩnh hội một cách tích cực, chủ động các điều kiện mới hay hoàn cảnh mới, qua đó đạt được các mục đích, yêu cầu đề ra và sự trưởng thành về mặt tâm lý, nhân cách”. 181
- Dưới góc độ quản trị học, có nhiều tác giả đưa ra những định nghĩa khác nhau về “Khả năng thích ứng”, tuy nhiên, khái niệm của John Wooden – một chuyên gia hàng đầu của Hoa kỳ về lĩnh vực này được nhiều chuyên gia, nhà quản trị đồng tình. Theo John Wooden (2010), thì “Khả năng thích ứng được hiểu là khả năng con người có thể điều chỉnh mình cho thích hợp với bất kỳ tình trạng nào tại bất kỳ thời điểm nào”. Cũng có thể hiểu khả năng thích ứng là kỹ năng giúp con người hòa nhập, thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi của môi trường. Những người có khả năng thích ứng tốt thường được mô tả là những người linh hoạt, dễ dàng làm việc trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Khả năng thích ứng nghề nghiệp (Career adaptability) “Khả năng thích ứng nghề nghiệp” là một thuật ngữ do Savickas (1997) đề xuất cách đây nhiều thập kỷ để thay thế cho khái niệm “trưởng thành nghề nghiệp”. Savickas định nghĩa khả năng thích ứng nghề nghiệp là một cấu trúc tâm lý xã hội biểu thị các nguồn lực của một cá nhân để ứng phó với các nhiệm vụ phát triển hiện tại và tương lai, những sự chuyển đổi nghề nghiệp và những tổn thương trong công việc, v.v. Rottinghaus, Day & Borgen (2005) chỉ ra rằng: Thích ứng nghề là xu hướng mà mỗi cá nhân đưa ra khả năng của bản thân để xây dựng và điều chỉnh kế hoạch nghề nghiệp của mình, đặc biệt là đối mặt với những tình huống không biết trước. Đề cập đến tiến trình, tầm quan trọng của mối quan hệ giao thoa giữa môi trường làm việc và năng lực của mỗi cá nhân, nhấn mạnh đến khả năng điều chỉnh và vấn đề mà mỗi cá nhân phải đối mặt, khả năng xoay sở với những vấn đề rắc rối về nghề nghiệp Một nghiên cứu của M. R. Hyman (2005) đã khám phá nhân tố ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của sinh viên gồm 17 biến thuộc 5 nhóm: Quản lý (ra quyết định, lãnh đạo, hoạch định, tổ chức, quản lý thời gian); nhận thức (giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, phân tích), truyền thông (nói, viết), bắt cầu (ngoại ngữ, làm việc đa chức năng, đa văn hóa), tương tác cá nhân (nhóm, thương lượng, xây dựng mạng lưới quan hệ, xã giao) Theo B.P. Allen, điều kiện cơ bản của sự thích ứng của sinh viên là hình thành ở họ 4 nhóm kỹ năng: Kỹ năng sử dụng quỹ thời gian cá nhân; Kỹ năng hình thành các hành động học tập và các phẩm chất khác; Kỹ năng làm chủ các cảm xúc tiêu cực; Kỹ năng chủ động luyện tập và hình thành các thói quen hành vi mang tính nghề nghiệp. Theo cách hiểu này, sự thích ứng (hay không thích ứng) của sinh viên được giải thích 182
- chủ yếu do sinh viên có (hay thiếu) một số kỹ năng nào đó, mà ít chú ý đến khía cạnh tổ chức trong hệ thống giáo dục của các trường đại học. Trong hoạt động học tập nghề nghiệp của sinh viên ở trường đại học, khả năng thích ứng được thể hiện trên 3 bình diện: - Về mặt nhận thức: Sinh viên hiểu rõ mục đích của từng môn học, nội dung học tập, phương pháp học tập ở Đại học; Nhận thức đầy đủ về các điều kiện học tập (mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, điều kiện, phương tiện học tập ); Nhận thức đầy đủ về những khó khăn có và sẽ có trong hoạt động học tập và nghề nghiệp tương lai. - Về mặt thái độ: Sinh viên tích cực chủ động trong hoạt động học tập, hứng thú với môn học, quan tâm đến việc lĩnh hội tri thức, kỹ năng, kỹ xảo; nghiêm túc trong hoạt động học tập, chủ động hòa nhập với các điều kiện học tập (mối quan hệ bạn bè/thầy cô, điều kiện/phương tiện học tập). - Về mặt hành vi: Sinh viên biết vận dụng kiến thức môn học vào giải quyết những tình huống cụ thể; Giải quyết tốt những vấn đề khó khăn nảy sinh trong hoạt động học tập (Chẳng hạn như: thiết lập các mối quan hệ với thầy cô/bạn bè/phòng đào tạo để hòa nhập và hợp tác; luôn chủ động, tích cực để thích ứng với điều kiện “chưa sẵn sàng”. Đó là: thay đổi tư duy của bản thân và có khả năng cải tạo những hoạt động học tập phù hợp hơn ); Hình thành được những kỹ năng cần thiết trong học tập như: Lên kế hoạch và sắp xếp thời gian để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ học tập; hình thành được những tri thức nghề nghiệp; vận dụng linh hoạt được các phương pháp học tập ở Đại học chính là tự học, tự nghiên cứu Từ những quan điểm khác nhau về khả năng thích ứng nghề nghiệp được trình bày như trên, tác giả cho rằng: Khả năng thích ứng nghề nghiệp của sinh viên nhấn mạnh đến khả năng tự điều chỉnh bản thân (nhận thức, thái độ và hành vi); khả năng tự học hỏi để bổ sung những kiến thức, kỹ năng mới; khả năng tự điều chỉnh kế hoạch nghề nghiệp của mình để phù hợp với tình hình thực tiễn, với sự thay đổi hoặc đòi hỏi mới của môi trường (học tập và công việc), từ đó giúp sinh viên đạt được những mục tiêu trong học tập và nghề nghiệp tương lai. 2.1. Phương Pháp Nghiên Cứu - Phương pháp tổng hợp và phân tích tài liệu: Tác giả phân tích các tài liệu trong và ngoài nước về ba khía cạnh: (1) Khả năng thích ứng nghề nghiệp; (2) Những kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 và (3) Đặc điểm ngành Quản trị kinh doanh. 183
- - Phương pháp phỏng vấn: Tác giả tiến hành phỏng vấn TS. Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng, nguyên Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh trường Đại học Tài chính- Marketing và Thạc sĩ Bùi Đức Tâm, nguyên Phó khoa Quản trị Kinh doanh trường Đại học Tài chính-Marketing. Việc sử dụng hai phương pháp này nhằm làm rõ ba nội dung sau: (1) Tầm quan trọng của khả năng thích ứng nghề nghiệp đối với sinh viên quản trị kinh doanh. (2) Các yếu tố tác động đến khả năng thích ứng nghề nghiệp của sinh viên quản trị kinh doanh (3) Cách thức rèn luyện khả năng thích ứng nghề nghiệp cho sinh viên khoa Quản trị kinh doanh. 3. Kết Quả Nghiên Cứu 3.1. Tầm quan trọng của khả năng thích ứng nghề nghiệp đối với sinh viên Quản trị kinh doanh Theo TS. Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng, nguyên Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh trường Đại học Tài chính-Marketing, “Mỗi giây phút trôi qua đều có những sự thay đổi không ai có thể lường trước được. Bằng chứng là các năm gần đây, sự biến động từ môi trường, chính trị, kinh tế, dịch bệnh khiến hoạt động của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và mỗi quốc gia phải chao đảo. Để vượt qua sự thay đổi của môi trường ngoại cảnh, mỗi người trong chúng ta cần phải “biến hóa” liên tục giống như cách chú “tắc kè hoa” đổi màu để thích nghi với từng điều kiện sống khác nhau”. Khả năng thích nghi nhanh chóng với môi trường sống và môi trường công việc mới là cơ chế chọn lọc những người có tố chất thành công. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng thay đổi môi trường làm việc, khi sang một công ty mới bạn là người nhanh chóng gây ấn tượng và hòa nhập hay trở nên khép mình và căng thẳng? Hoặc trường hợp sếp yêu cầu bạn cải tiến cách thức làm việc và áp dụng công nghệ mới bạn có sẵn sàng nắm bắt cơ hội hay cảm thấy lo sợ trước lĩnh vực mà mình chưa biết? Không ai làm một công việc đến hết đời và chính khả năng thích nghi sẽ giúp bạn “xoay sở” tốt trong mọi tình huống và đương nhiên bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn những người khác nhau. Câu chuyện Dịch Covid -19 mới đây là một ví dụ điển hình cho sự thích ứng đó. Nó đến và phá vỡ hoàn toàn những hoạt động vốn có thường ngày, đảo lộn cuộc sống của con người. Nhưng không phải chúng ta đã thích nghi rất tốt đó sao? Chúng ta đã học được cách làm việc tại nhà, học online, làm việc mà không cần tiếp 184
- xúc đông người chúng ta đã tạm gác những hoạt động, thói quen thường ngày để chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Và kết quả là không chỉ dịch bệnh được đẩy lùi mà cả những hoạt động học tập, làm việc thường nhật cũng không hoàn toàn ngưng trệ như chúng ta nghĩ trước đó Đối với sinh viên, nhất là sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, là những nhà quản trị trong tương lai rất cần phải được trang bị khả năng thích ứng ngay trên ghế giảng đường. Nếu sinh viên chỉ chăm lo học tập những kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp mà không có hoặc rất kém trong khả năng thích ứng thì khi ra trường, các bạn sẽ dễ trở thành những “chú gà công nghiệp”, chỉ biết làm những công việc theo lối mòn, thiếu tính năng động và đổi mới sáng tạo. Lẽ tất nhiên, các nhà tuyển dụng không bao giờ muốn tuyển dụng những sinh viên là những “chú gà công nghiệp” như vậy. Bên cạnh đó, nếu có thể kiếm được việc làm hoặc tự khởi nghiệp thì chỉ những bạn sinh viên nào có khả năng thích ứng tốt mới có cơ may thành công cao. Thạc sĩ Bùi Đức Tâm, nguyên Phó khoa Quản trị Kinh doanh trường Đại học Tài chính-Marketing cho rằng: Khả năng thích ứng của sinh viên học ngành Quản trị kinh doanh sau khi ra trường và làm việc trong các tổ chức, không chỉ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của bản thân mà còn góp phần vào sự nghiệp phát triển của doanh nghiệp và xã hội. Giữa doanh nghiệp và xã hội có mối quan hệ hữu cơ. Không có xã hội, doanh nghiệp không thể hoạt động; ngược lại, không có doanh nghiệp, xã hội cũng không thể đáp ứng nhu cầu. Doanh nghiệp hoạt động dựa trên các nguồn lực, trong đó, nguồn lực con người là nhân tố chủ yếu tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp, đảm bảo mọi nguồn sáng tạo trong tổ chức. Nhân lực trong doanh nghiệp bắt nguồn từ những người lao động được đào tạo bài bản, có khả năng tự học và thích ứng với những thay đổi của môi trường công việc. Sinh viên quản trị kinh doanh là những người được đào tạo để làm việc ở những tổ chức và được phát triển để đảm nhận các công việc quản lý như tổ trưởng, trưởng/phó phòng, giám đốc Sinh viên quản trị cần có định hướng nghề nghiệp rõ ràng để thích ứng với các vị trí khác nhau trong doanh nghiệp. Có như vậy, họ mới có thể phát huy mọi khả năng để đáp ứng tốt yêu cầu công việc và đảm bảo cho sự phát triển của bản thân và có nhiều đóng góp cho tổ chức, cho sự tiến bộ của xã hội 3.2. Các yếu tố tác động đến khả năng thích ứng nghề nghiệp của sinh viên Qua nghiên cứu tài liệu và phỏng vấn, tác giả nhận thấy có hai nhóm yếu tố tác động đến khả năng thích ứng của sinh viên: 185
- (1) Nhóm các yếu tố thuộc về chủ quan, gồm: Trình độ nhận thức của sinh viên; nhu cầu, động cơ nghề nghiệp; hứng thú nghề nghiệp; thái độ đúng đắn đối với hoạt động nghề nghiệp; ý chí vươn lên trong thực tập và tình trạng sức khỏe của sinh viên. Theo thạc sĩ Bùi Đức Tâm, khi xem xét các yếu tố tác động đến khả năng thích ứng của sinh viên, cần lưu ý những nhân tố rất quan trọng sau đây: (1) Kiến thức tổng quát và chuyên sâu về quản trị kinh doanh (2) Định hướng phát triển nghề nghiệp của sinh viên (3) Quyết tâm của sinh viên trong hoạt động học tập (4) Sự siêng năng, không ngại khó khăn của sinh viên (5) Khả năng ứng xử và tạo lập các mối quan hệ của sinh viên (6) Sự khiêm tốn, khả năng học hỏi, lắng nghe với tinh thần cầu tiến (7) Khả năng phân tích đánh giá sự vật hiện tượng để có cái nhìn tổng thể mối liên hệ giữa các sự vật hiện tượng, giữa các nhiệm vụ trong các phòng ban của công ty; từ đó có thể dự đoán các khả năng phát sinh, những khó khăn và thuận lợi trong quá trình thực tiện nhiệm vụ. (2) Nhóm các yếu tố thuộc về khách quan, gồm: Vai trò, ý nghĩa của hoạt động thực tập nghề nghiệp; phương pháp hướng dẫn của giảng viên; điều kiện và phương tiện thực tập nghề nghiệp; thời gian thực tập; các mối quan hệ với mọi người tại đơn vị thực tập Thạc sĩ Bùi Đức Tâm chia sẻ, giảng viên hướng dẫn thực hành nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp, định hướng cách thức rèn luyện khả năng thích ứng của sinh viên quản trị kinh doanh. Họ là người giúp sinh viên hệ thống kiến thức đã học, chỉ ra cách thức ứng dụng kiến thức vào thực tiễn và giúp sinh viên hình thành định hướng đúng đắn để tiếp tục rèn luyện nhằm tạo được sự thuận lợi với khả năng sẵn sàng thích ứng đối với hoạt động thực hiện công việc được giao. Để làm được điều này, đòi hỏi giảng viên cần có kiến thức thực tiễn; phải tâm huyết, trách nhiệm trong quá trình hướng dẫn đối với chính học trò của mình. 3.3. Cách thức rèn luyện kỹ năng thích ứng cho sinh viên Quản trị kinh doanh Theo TS. Nguyễn Văn Hiến: Nhiều nhà tâm lý quản trị cho rằng, khả năng thích ứng của con người được hình thành từ 02 nguồn: khả năng thích ứng bẩm sinh và khả năng thích ứng đến từ thái độ (do rèn luyện mà có). Tony Alessandra (1998) cho rằng, 186
- khả năng thích ứng của mỗi con người dưới 50% do bẩm sinh mang lại , trên 50% do tự rèn luyện mà có. Như vậy có thể khẳng định, khả năng thích ứng của con người đa phần do rèn luyện mà hình thành được. Vậy đối với sinh viên nói chung và sinh viên ngành quản trị kinh doanh nói riêng, có thể tự rèn luyện để hình thành khả năng thích ứng của bản thân. Có nhiều cách để sinh viên hình thành được các khả năng thích ứng ngay trong môi trường nhà trường. Là người đề cao vai trò của khả năng thích nghi trong cuộc sống, TS. Nguyễn Văn Hiến cũng chia sẻ một số cách thức cụ thể giúp sinh viên quản trị kinh doanh có thể tăng cường khả năng thích ứng: Khiêu chiến những thử thách và trải nghiệm mới: Chiến đấu với những khó khăn của cuộc sống là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để rèn luyện khả năng thích ứng. Qua mỗi lần đối mặt với những thách thức và các trải nghiệm mới lạ, sinh viên sẽ bình tĩnh hơn, khôn ngoan hơn và có nhiều kinh nghiệm xoay sở trong đa dạng tình huống. Cuộc sống sẽ trở nên thú vị rất nhiều khi chúng ta thay đổi những thói quen của mình. Chúng ta có thể khám phá và tìm cách phá vỡ những thói quen của mình, có thể là xem một bộ phim mà không cần phụ đề, nấu món ăn đang hot trên mạng hay đơn giản hơn là đi một tuyến đường khác khi tuyến đường mình thường đi hay bị tắc đường. Dẫu chỉ là sự thay đổi nhỏ nhưng nó sẽ kích thích được sự tò mò, tính sáng tạo của bản thân và biết đâu sẽ tìm ra được thứ mình yêu thích. Chấp nhận sự thay đổi và nhìn mọi việc theo hướng tích cực hơn: Theo cách nghĩ thông thường, mỗi khi có sự thay đổi về môi trường sống hay làm việc, nhiều người hay ngồi than vãn hoặc suy nghĩ chán nản, tiêu cực. Để rèn luyện sự thích ứng trước các thay đổi như vậy, chúng ta nên bình tĩnh chấp nhận nó và nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực. Ví dụ như khi dịch covid-19 xảy ra, mọi người phải thực hiện giãn cách xã hội, sinh viên không được đến trường, không được đến các tụ điểm vui chơi giải trí công cộng . Nhiều người sẽ có lối suy nghĩ bi quan, chán nản. Trong trường hợp này ta phải bình tĩnh nhìn nhận sự việc xảy ra và cố gắng tìm những khía cạnh tích cực từ đó như thực hiện học online, ở nhà có điều kiện chăm sóc gia đình, bố mẹ, học cách nấu ăn . Hãy coi thất bại là một bài học: Khi chấp nhận thay đổi, chắc chắn chúng ta sẽ ít nhất một lần gặp phải thất bại, tuy nhiên, thay vì xấu hổ và chán nản, ta hãy coi đó là một bài học thực tế nhất để tránh được sai lầm, một cơ hội để có thể làm lại tốt hơn. 187
- Đừng quá cầu toàn: Việc đặt ra kế hoạch, mục tiêu là bước đầu tiên để thành công. Tuy nhiên, nếu quá cầu toàn theo kế hoạch của mình mà không thỏa hiệp và linh hoạt thay đổi theo từng biến động của môi trường thì sẽ trở nên cứng nhắc, cực đoạn, ngại thay đổi. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự thuận lợi của công việc. Hãy thả lỏng suy nghĩ, chấp nhận việc thay đổi cũng là một phần của cuộc sống. Ngoài ra, theo thạc sĩ Bùi Đức Tâm, để rèn luyện kỹ năng thích ứng, sinh viên cần nghiêm túc với các hoạt động kiến tập, thực hành nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp, các hoạt động tham quan doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sinh viên cần chủ động trong các hoạt động khác như nghiên cứu khoa học trong sinh viên, các buổi hội thảo nghề nghiệp, các câu lạc bộ của Khoa, Trường 4. Hàm Ý Từ kết quả nghiên cứu tài liệu và kết quả phỏng vấn về khả năng thích ứng nghề nghiệp của sinh viên Quản trị kinh doanh, bài tham luận này chú trọng một số vấn đề sau: (1) Cần quan tâm đến hai nhóm yếu tố (khách quan và chủ quan) tác động đến kỹ năng thích ứng của sinh viên: Sinh viên Quản trị kinh doanh cần nhận thức rõ ràng về đặc điểm công việc của một nhà quản trị, những thách thức và đỏi hòi đối với một nhà quản trị trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sinh viên cần tự điều chỉnh bản thân – bắt nguồn từ sự thay đổi về tư duy, tự điều chỉnh kế hoạch nghề nghiệp của mình để phù hợp với tình hình thực tiễn, với sự thay đổi hoặc đòi hỏi mới của môi trường, cả trong học tập lẫn công việc. Để sinh viên có được nhận thức này, vai trò của giảng viên, đặc biệt giảng viên hướng dẫn thực hành nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp là rất quan trọng. Giảng viên không chỉ định hướng, hướng dẫn cho sinh viên, mà cần sáng tạo trong tổ chức các hoạt động dạy học và rèn luyện nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sự thích ứng nghề của sinh viên. Tạo mối quan hệ gần gũi hơn để có sự chia sẻ, thông hiểu sinh viên trong quá trình học tập và rèn luyện nghề nghiệp, cần tạo ra các hình thức đa dạng hấp dẫn để nâng cao hiệu quả rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. (2) Hoạt động thực tập nghề nghiệp có vai trò rất lớn trong việc giúp sinh viên thích ứng với nghề. Vì vậy, cần thắt chặt hơn nữa mối liên hệ giữa khoa và nhà trường với các đơn vị thực tập, đó phải là mối liên hệ mang tính thường xuyên và sâu sắc, thể hiện trong suốt quá trình rèn luyện của sinh viên chứ không chỉ dừng lại ở thời gian thực tập nghề nghiệp và một số đợt thực hành nghề nghiệp. 188
- (3) Việc tạo điều để sinh viên Quản trị kinh doanh tham gia các hoạt động ở qui mô cấp Khoa, cấp Trường, đặc biệt là các hoạt động nghề nghiệp là rất cần thiết. Qua các hoạt động này, sinh viên có thể nhận thức rõ hơn về bản thân, về nghề nghiệp, rèn luyện nhiều kỹ năng mềm, trong đó có kỹ năng thích ứng. Tài liệu tham khảo Hsiu-Lan S. T., & Yu-Chen W. (2017). Career Adaptability, Employability, and Career Resilience of Asian People. Retrieved from: and-career-resilience-of-asian-. Loan, L. T. M., Đạt, N. B., & Duyên, Đ. T. (2008). Mức độ thích ứng nghề nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đề tài NCKH cấp Bộ. Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. Long, T. C, V. (2012). Sự thích ứng ban đầu đối với nghề nghiệp của sinh viên trường đại học Tài chính – Marketing. Luận văn thạc sĩ Tâm lý học. Marlene, S., John, B., Bob, K., & Edys S. Q. (2010). Assessment and Teaching of 21st Century Skills. Retrieved from: g_of_21st_Century_Skills. Rotinghaus P. J., Day S. X., & Borgen F. H. (2005). The Career Futures Inventory: A measure of career - related adaptability and optimism. Jounal of career Assessment, (13), pp.3-24. Trung tâm Tư vấn tâm lý và Đào tạo Ý tưởng Việt (2016). Phương pháp thích ứng với việc học và cuộc sống. Truy xuất từ: tao-ky-nang/ky-nang-thich-ung-voi-viec-hoc-va-cuoc-song-379.html. 189