Kiểm soát hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong giai đoạn hội nhập mới
Bạn đang xem tài liệu "Kiểm soát hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong giai đoạn hội nhập mới", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- kiem_soat_hoat_dong_chuyen_gia_cua_cac_doanh_nghiep_co_von_d.pdf
Nội dung text: Kiểm soát hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong giai đoạn hội nhập mới
- KIỂM SOÁT HOẠT ĐỘNG CHUYỂN GIÁ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TRONG GIAI ĐOẠN HỘI NHẬP MỚI NCS. Đàm Thanh Tú1 ThS. Đàm Thị Thanh Huyền2 ThS. Nguyễn Thị Liên Hương3 Tóm tắt Khi TPP có hiệu lực thì làn sóng đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều, bên cạnh những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp FDI vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khu vực này cũng đã bộc lộ một số vấn đề như tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gây thất thu ngân sách, tác động không tốt đến môi trường đầu tư của Việt Nam Bài viết phản ánh hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và đề xuất một số giải pháp để kiểm soát hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam trong mối quan hệ với chủ trương đẩy mạnh thu hút nguồn FDI của Chính phủ cũng như của chính quyền các địa phương trên cả nước. Từ khoá: Chuyển giá, doanh nghiệp FDI. 1. Đặt vấn đề TPP là khu vực thương mại tự do lớn nhất với trên 800 triệu dân, tổng GDP lên tới 28.000 tỷ USD, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới. Việt Nam trở thành thành viên của TPP sẽ tạo ra những ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống kinh tế - xã hội, đem lại những cơ hội lớn về tăng trưởng GDP và phúc lợi xã hội. Bên cạnh những cơ hội mở ra, khi TPP có hiệu lực cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức không nhỏ cho nền kinh tế của Việt Nam. Tự do hóa thương mại của TPP sẽ khiến nhu cầu giao thương giữa các quốc gia trên thế giới với Việt Nam được mở rộng không ngừng. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam thì nhu cầu về vốn, về công nghệ để phát triển đất nước luôn là đòi hỏi cấp thiết, đặc biệt là vốn để thực hiện công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. 1 Học viện Tài chính. 2, 3 Trường Đại học Thương mại. Email: thanhhuyenqttc.vcu@gmail.com 623
- Theo Cục Đầu tư Nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10/2015, đã có 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam (Nguồn: Bộ KHĐT - Tình hình đầu tư nước ngoài 10 tháng năm 2015). Hàn Quốc vẫn đang dẫn đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Tiếp đến là các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Malaysia, Singapore, Đồng thời, trong thời gian tới, Chính phủ Nhật Bản khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam thay vì tập trung đầu tư vào Trung Quốc vì đầu tư vào Trung Quốc chi phí nhân công cao và là nước đang tranh chấp về vấn đề biển đảo với Nhật. Với những diễn biến kể trên cho thấy, trong những năm tới mặc dù vừa trải qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các công ty đa quốc gia vào Việt Nam vẫn có xu hướng tăng cao, thậm chí như Giáo sư Nguyễn Mại nhận định, sẽ có làn sóng đầu tư FDI thứ ba đổ vào Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, các doanh nghiệp FDI cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực mà nổi bật là hoạt động chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước, tác động không tốt đến môi trường đầu tư Như vậy, qua phân tích xu hướng nguồn vốn FDI và hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam, có thể thấy việc trở thành thành viên của TPP vừa có cơ hội và vừa là thách thức đặt ra cho kiểm soát hoạt động chuyển giá của các đối tượng này. Vấn đề đặt ra là, làm sao vừa gia tăng được nguồn FDI nhiều nhất, vừa bảo vệ khai thác nguồn thu đầy tiềm năng từ hoạt động của các doanh nghiệp FDI hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Nghĩa là, phải đặt vấn đề kiểm soát hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên lãnh thổ trong mối quan hệ với chủ trương đẩy mạnh thu hút nguồn FDI của Chính phủ cũng như của chính quyền địa phương. Muốn vậy, phải xác lập được quan điểm và thực thi hệ thống các giải pháp kiểm soát hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI một cách đúng đắn. 2. Tổng quan tình hình nghiên cứu Trong những năm qua, vấn đề chuyển giá đã trở thành chủ đề quan tâm nghiên cứu không chỉ có ở Việt Nam mà cả nước ngoài, trong đó điển hình là: Sebastian Krautheim (Paris School of economics) and Tim Schmidt- Eisenlohr (2009), Heterogeneous Firms, “Profit Shifting” FDI and International Tax competition, European University Institute, Villa San Paolo, Via della Piazzuola 43, 50133 624
- Florence, Italy; Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế - OECD (2010), Transfer pricing Guidelines for Multinationl Enterprises and Tax Administration; Nguyễn Ngọc Thanh, Phan Hiển Minh, Bành Thúy Sơn (2000), Định giá chuyển giao và chuyển giá tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Thành phố Hồ Chí Minh. PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Chủ biên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (2014). Tăng cường kiểm soát nhà nước đối với hoạt động chuyển giá trong doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế ở Việt Nam”, Nxb Giáo dục. Năm 2010, NCS. Phan Thị Thành Dương - Đại học Luật Hồ Chí Minh nghiên cứu đề tài “Pháp luật kiểm soát chuyển giá ở Việt Nam”, PGS.TS Lê Văn Ái ( 2012), “Một số vấn đề cơ bản về chuyển giá đối với doanh nghiệp FDI”, Kỷ yếu hội thảo khoa học hoạt động chuyển giá - những vấn đề lý luận, thực tiễn và biện pháp hạn chế, Nxb Tài chính (8/2012); TS Nguyễn Thị Kim Anh (2013), “Chuyển giá và chống chuyển giá của các công ty xuyên quốc gia tại Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số 4 (419) từ trang 47 - 53. Các công trình nghiên cứu này là những tài liệu tham khảo có giá trị. Tuy nhiên, nghiên cứu về kiểm soát chuyển giá của các doanh nghiệp FDI trong giai đoạn hội nhập còn chưa đi sâu phân tích có hệ thống và toàn diện đến năm 2016. Thủ thuật chuyển giá của các doanh nghiệp FDI ngày càng tinh vi, công tác kiểm soát chuyển giá cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Do vậy, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cụ thể và có kết quả thiết thực hơn. Nhóm tác giả đã thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về chuyển giá của các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam trong giai đoạn hội nhập mới và đưa ra các giải pháp như một bổ sung có ý nghĩa về khoa học và thực tiễn. 3. Phương pháp nghiên cứu Bài viết sử dụng phương pháp phân tích định tính kết hợp với phương pháp nghiên cứu khác như tổng hợp, so sánh, thống kê nhằm nêu và giải thích rõ vấn đề và nội dung nghiên cứu. Số liệu trong bài viết là số liệu thứ cấp được thu thập từ Tổng cục Thuế và một số số liệu được tính toán và diễn đạt từ số liệu gốc theo mục đích sử dụng của nhóm tác giả. 4. Thực trạng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam Thực tế cho thấy, vai trò của nguồn vốn FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là khá rõ nét và đã được khẳng định. Hiện nay, cả nước có khoảng trên 15.000 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 218,8 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 106 tỷ USD. Tuy nhiên, thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 625
- 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Cụ thể, các báo cáo của cơ quan thuế cho thấy, các doanh nghiệp FDI kê khai kinh doanh thua lỗ thường tập trung trong lĩnh vực gia công may mặc, giày da; sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu; công nghiệp chế biến Đặc biệt, ở TP. Hồ Chí Minh, có đến 90% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc có kết quả kinh doanh thua lỗ trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi. Mặc dù thua lỗ triền miên song các doanh nghiệp FDI này vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trường hợp điển hình có những biểu hiện “đáng ngờ” về chuyển giá, phải nói đến Công ty Coca-Cola Việt Nam. Trong hơn 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Coca-Cola liên tục báo lỗ, lỗ lũy kế tính đến 30/9/2011 của công ty này đã lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. Bảng 1. Doanh thu và lợi nhuận của Coca cola Việt Nam giai đoạn 2004 - 2014 (đvt: tỷ đồng) Nguồn: Cục thuế TP. Hồ Chí Minh Do lỗ liên tục như vậy nên Coca-Cola Việt Nam không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20-30%/năm. Tuy lỗ lớn như vậy nhưng doanh nghiệp này đã có kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD tại Việt Nam. Một công ty khác nằm trong diện nghi vấn chuyển giá với giá trị lớn lên đến hơn 1.200 tỷ đồng là Công ty PepsiCo Việt Nam. Từ khi thành lập năm 1991, gần 20 năm qua PepsiCo lỗ liên tục, cho đến một số năm gần đây mới có lãi nhưng tỷ lệ lợi nhuận 626
- trên doanh thu rất thấp, chỉ trên 2%. Mặc dù vậy, PepsiCo Việt Nam vẫn liên tục mở rộng đầu tư, xây dựng các nhà máy mới ở Đồng Nai (45 triệu USD), Bắc Ninh (73 triệu USD). Trước vấn nạn chuyển giá ngày càng gia tăng, năm 2012, Tổng cục Thuế xây dựng chương trình thanh tra kiểm soát giá chuyển nhượng trong giai đoạn 2012 - 2015, đồng thời, quyết định thành lập Tổ quản lý giá chuyển nhượng. Chỉ tính trong 3 năm kể từ khi Tổng cục Thuế thành lập Tổ quản lý giá chuyển nhượng đã phát hiện nhiều vụ việc chuyển giá, với giá trị điều chỉnh rất lớn. Tại các cục thuế địa phương đều đã quyết liệt thực hiện thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn ngừa tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp. Tháng 9/2012, Cục Thuế Hà Nội đã tiến hành thanh tra chuyển giá tại Công ty TNHH một thành viên KeangNam Vina. Đây là doanh nghiệp 100% vốn của Hàn Quốc (thành lập năm 2007) nhưng liên tục báo lỗ với tổng số lỗ lũy kế đến hết năm 2011 là 277 tỷ đồng. Có nhiều nghi vấn chuyển giá trong các giao dịch liên kết đang được cơ quan thuế làm rõ, như KeangNam Vina trả lãi suất tiền vay tới 12%/năm (lãi suất của ngân hàng Việt Nam từ 5 - 7%/năm) cho khoản vay 400 triệu USD từ ngân hàng KookminBank (Hàn Quốc) - thành viên trong cùng tập đoàn; trả phí dàn xếp vốn tới 30 triệu USD cho nhà thầu chính là Công ty KeangNam Enterprises. Sau nhiều cuộc làm việc, KeangNam Vina đã chịu điều chỉnh giảm lãi suất vay vốn xuống mức thấp hơn, giảm lỗ. Cơ quan thuế đã phân tích hồ sơ, làm rõ các chi phí không hợp lý trong các giao dịch giữa KeangNam Vina và đối tác Trong năm 2013, ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh, tập trung nhân lực vào công tác trọng tâm chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI có giao dịch liên kết, liên tục khai lỗ nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Theo đó, kết quả thanh tra, kiểm tra tại 2.110 doanh nghiệp đã truy thu, truy hoàn, phạt hơn 988 tỷ đồng, giảm khấu trừ 136,95 tỷ đồng. Đặc biệt thanh tra thuế đã buộc doanh nghiệp phải giảm lỗ lên tới hơn 4.192 tỷ đồng. Theo đánh giá của thanh tra, số tiền truy thu chủ yếu tập trung ở khu vực doanh nghiệp FDI (chiếm 40% tổng số thu), tỷ lệ số thu bình quân trên 1 doanh nghiệp là 1,73 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số trên chỉ phản ánh một góc của bức tranh về thực trạng trốn thuế của doanh nghiệp FDI. Báo cáo của 63 cục thuế, hơn 100 chi cục thuế trên cả nước thực sự khiến không ít người phải giật mình. Cụ thể, kết quả thanh tra tại 870 627
- doanh nghiệp FDI có tới 720 doanh nghiệp vi phạm như: Hà Nội thanh tra 332 doanh nghiệp thì phát hiện có 326 đơn vị vi phạm, số tiền giảm lỗ hơn 1.500 tỷ đồng, truy thu, phạt, truy hoàn gần 498 tỷ đồng; TP. Hồ Chí Minh thanh tra 193 doanh nghiệp FDI, có tới 164 doanh nghiệp vi phạm, giảm lỗ hơn 870 tỷ đồng và truy thu, phạt gần 173 tỷ đồng. Cục thuế Bắc Giang kiểm tra 106 doanh nghiệp thì 100% doanh nghiệp vi phạm, tỷ lệ này cũng xảy ra tại Đồng Nai 39/39, Gia Lai 30/30, Hải Phòng 45/45, Thái Nguyên 46/46, Quảng Ngãi 80/80, Năm 2014, ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá tại 2.866 doanh nghiệp khai báo kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, tăng 80% so với năm 2013. Kết quả là, cơ quan thuế đã, giảm lỗ hơn 5.830 tỷ đồng, truy thu, truy hoàn và phạt gần 1.701 tỷ đồng, so với năm 2013 tăng tương ứng gần 82% và 112%. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2015, ngành thuế đã kiểm tra và phát hiện 1.600 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá. Ngay cả trường hợp Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam, sau khi công bố kết quả thanh tra bước đầu, đã điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế với tổng số tiền 507 tỷ đồng. Hiện nay, cơ quan thuế đang tiến hành rà soát, kiểm tra để làm rõ nghi vấn dấu hiệu chuyển giá ở Công ty này. Và đến khi sự kiện Panama bùng nổ thì công chúng trong nước mới được biết đến thông tin là “thiên đường thuế” British Vigrin Islands (BVI) đã đầu tư 20 tỷ USD vào Việt Nam, mặc dù GDP của họ vẻn vẹn có 1 tỷ USD. BVI chính là nơi mà Mossack Fonseca đặt hơn 40% các công ty vỏ bọc trong tổng số 214.000 công ty của mình tại đây. Đến hết năm 2015, BVI đã nằm trong top 5 các quốc gia đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam, với 623 dự án đầu tư khắp các tỉnh, thành phố, với tổng số vốn lên tới 19,3 tỷ USD. Có thể kể ra một số dự án lớn của các doanh nghiệp đến từ BVI như Công ty TNHH Trung tâm thương mại VinaCapital; Công ty TNHH GVD Việt Nam đầu tư xây dựng, quản lý khu căn hộ và các dịch vụ vận chuyển khách du lịch, cho thuê xe; Công ty TNHH Worldon Việt Nam của nhà đầu tư Gain Lucky Limited sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp. Ngoài ra, một số quỹ đầu tư tên tuổi trên thị trường chứng khoán cũng đến từ BVI, như Dragon Capital, VAM, Indochina Capital Adviser, PXP Vietnam Asset Management Ltd, Vietnam Holding Asset Management Ltd. Chuyển giá là câu chuyện muôn thuở mà các quốc gia tiếp nhận dòng vốn FDI lớn như Việt Nam phải đối mặt. Hàng năm, chúng ta đưa ra rất nhiều ưu đãi về chính 628
- sách, đánh đổi nhiều thứ để có thể tiếp nhận bình quân chưa đến 10 tỷ USD vốn FDI mỗi năm. Nhưng ở chiều ngược lại, chúng ta đã để hàng chục tỷ USD di chuyển bất hợp pháp ra khỏi lãnh thổ và thất thu hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế vì chuyển giá. Như vậy, liệu nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế có thực sự được đảm bảo và những ích lợi của FDI có thực sự bù đắp cho những đánh đổi mà cả nước đang gánh chịu hay không? Do đó, vấn đề của Việt Nam cũng như của mọi quốc gia khác trên thế giới là có quy định pháp luật chặt chẽ để chống chuyển giá. Dựa vào các quy định này, doanh nghiệp sẽ biết “giới hạn” để dừng và nhà nước cũng chống được việc thất thu thuế. 5. Các giải pháp tăng cường kiểm soát hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam Hoạt động kiểm soát chuyển giá là vừa bắt buộc các doanh nghiệp phải hoàn trả lại số thu ngân sách nhà nước (NSNN) do hành vi chuyển giá làm thất thoát nguồn thu của NSNN, đồng thời phải bảo đảm lợi ích chính đáng của các chủ thể khác trong nền kinh tế thị trường do hoạt động chuyển giá làm phương hại. Chính vì vậy, các giải pháp kiểm soát chuyển giá không thể không cân nhắc tính toán đến lợi ích do hoạt động kiểm soát chuyển giá mang lại với lợi ích mà các nhà đầu tư FDI mang lại cho Việt Nam. Sự cân nhắc tính toán đó trước hết cần phải so sánh giữa số thu thuế mà hoạt động kiểm soát chuyển giá mang lại với số thu thuế có được do hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI mang lại cho NSNN để có những biện pháp kiểm soát chuyển giá sao cho thích hợp. Cần tranh thủ mọi cơ hội để có thể thu hút càng nhiều nguồn FDI càng tốt, song không vì thế mà chấp nhận tất cả các dự án FDI có ảnh hưởng gây thiệt hại đến lợi ích quốc gia, đặc biệt là nguồn thu NSNN. Bởi vậy, song song với việc cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống hạ tầng thuận tiện , tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam thì cần phải xây dựng một hệ thống các giải pháp kiểm soát hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI một cách phù hợp và hiệu quả. 5.1. Nhóm giải pháp nghiệp vụ Một là, tăng cường công tác kiểm soát kê khai giao dịch liên kết Để công tác kiểm soát hoạt động chuyển giá được hiệu quả thì bắt đầu phải là việc kiểm soát tốt nghĩa vụ kê khai giao dịch liên kết (GDLK) của các doanh nghiệp FDI. Đây là cơ sở ban đầu để cơ quan thuế xác định trọng tâm cần kiểm soát và là cơ 629
- sở cho việc tiến hành phân tích, đánh giá các doanh nghiệp FDI có hoạt động chuyển giá hay không. Để làm tốt nội dung này các công việc cụ thể cần phải thực hiện ở bộ phận kê khai kế toán thuế tại các cục thuế như sau: - Phân công cán bộ chuyên trách thực hiện công tác kiểm soát kê khai GDLK của các đơn vị. Để đảm bảo theo dõi được hiệu quả có thể phân công cán bộ quản lý các doanh nghiệp FDI theo từng nước đầu tư. Ngoài ra có thể phân công theo ngành nghề, lĩnh vực đầu tư như: Ô tô, xe máy, bất động sản, thương mại, dệt may, giày da hay cơ khí chính xác Việc phân công này sẽ đảm bảo các cán bộ có điều kiện nắm bắt và tìm hiểu các doanh nghiệp cũng như tích lũy được kinh nghiệm quản lý đối với từng nhóm doanh nghiệp FDI. - Kiểm soát tất cả các báo cáo tài chính đã được kiểm toán của các doanh nghiệp FDI để phát hiện các doanh nghiệp chưa thực hiện kê khai GDLK theo mẫu 01/GCN- CC theo Thông tư 66/2010/TT-BTC. Tiến hành thông báo kịp thời và yêu cầu doanh nghiệp chưa kê khai thực hiện kê khai GDLK theo quy định. Thông qua báo cáo kiểm toán còn xác định các doanh nghiệp kê khai không đầy đủ các GDLK đã được các công ty kiểm toán xác định. Thực hiện xử phạt nghiêm những vi phạm hành chính về hành vi không kê khai và chậm nộp hồ sơ kê khai GDLK theo quy định. - Tổ chức đánh giá các hồ sơ khai thuế của các đơn vị đã kê khai dựa trên thông tin trên báo cáo kiểm toán, thông tin từ cơ quan đăng ký kinh doanh, thông tin từ các doanh nghiệp cùng ngành nghề lĩnh vực với đơn vị. Thông qua việc kê khai các GDLK của các đơn vị liên quan cũng có thể xác định và đánh giá được việc chấp hành kê khai GDLK của đơn vị. Công tác đánh giá được xem xét trên nhiều khía cạnh như: Số lượng các GDLK (nhiều, ít, trung bình), quy mô (lớn, trung bình, nhỏ), tính chất (hàng hóa, dịch vụ, nguyên vật liệu, cho vay ) và mức độ các GDLK Thông qua đánh giá để xác định mức độ rủi ro đối với từng đơn vị. Những đánh giá, nhận xét đối với từng đơn vị này được lập thành các phiếu đánh giá có xác nhận của lãnh đạo phụ trách phòng để phục vụ cho việc cung cấp thông tin cho các bộ phận chức năng như thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế được kịp thời. - Chuyển thông tin đã được đánh giá cho bộ phận kiểm tra, thanh tra đối với các doanh nghiệp có GDLK nhưng không chấp hành kê khai, những doanh nghiệp đã được đánh giá rủi ro theo các mức độ cao, thấp. Tiếp tục theo dõi đôn đốc đối với các doanh nghiệp chưa kê khai, thông tin và đôn đốc kịp thời việc kê khai theo quy định đối với các doanh nghiệp mới đầu tư. Hai là, tăng cường công tác phân tích thông tin và rà soát ưu đãi thuế Thực tiễn cho thấy, nếu không nắm bắt và phân tích tốt thông tin của đơn vị thì rất 630
- khó để có thể kiểm soát hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI. Làm tốt được nội dung này là điều kiện tiên quyết và là một trong những mấu chốt để quản lý và kiểm soát chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI. Các công việc cụ thể cần làm là: - Tập trung kiểm soát thông tin về ưu đãi thuế, miễn thuế, giảm thuế đối với các doanh nghiệp liên kết trên địa bàn. Đây là một yêu cầu hết sức cần thiết để nắm vững thời kỳ ưu đãi, quy mô, mức độ được ưu đãi thuế, thời gian ưu đãi còn lại, thủ tục, điều kiện được ưu đãi, miễn giảm của đơn vị. Tại bộ phận kê khai kế toán thuế cũng như bộ phận kiểm tra cần phải được phân công các cán bộ thực hiện việc theo dõi này để làm căn cứ phối hợp cũng như trao đổi thông tin để có các biện pháp kiểm soát. Nội dung ưu đãi, mức độ ưu đãi thuế được thể hiện trên các giấy chứng nhận đầu tư cũng như các điều kiện doanh nghiệp tự xác định qua báo cáo tài chính. Cán bộ được phân công cần so sánh đánh giá mức độ ưu đãi của các doanh nghiệp cùng ngành nghề, cùng địa bàn để xác định việc kê khai, xác định ưu đãi miễn giảm của đơn vị. Thực hiện giải pháp này một mặt sẽ giúp cho đơn vị xác định đúng những ưu đãi miễn giảm được hưởng, mặt khác sẽ giúp cho cơ quan thuế quản lý tốt hơn những bất cập nảy sinh sau thời kỳ ưu đãi. Thực tiễn quản lý các doanh nghiệp FDI cho thấy, có nhiều đơn vị khi đang trong thời kỳ miễn, giảm thuế không để ý đến các điều kiện, mức độ miễn thuế được hưởng cho đến khi cơ quan thuế hoặc cơ quan quản lý nhà nước khác như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước rà soát đối chiếu lại mới phát hiện ra những điều kiện ưu đãi, miễn giảm mà doanh nghiệp xác định còn chưa đúng hay cơ quan thuế chưa xác định đúng qua thanh tra kiểm tra. - Tập trung phân tích thông tin dựa trên dữ liệu của ngành, báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán của các doanh nghiệp liên kết, xây dựng sơ đồ GDLK đối với các doanh nghiệp FDI. Phân tích các chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời như: tỷ suất lợi nhuận gộp/doanh thu thuần, tỷ suất lợi nhuận gộp/giá vốn, tỷ suất thu nhập thuần trước thuế TNDN/doanh thu thuần, tỷ suất thu nhập thuần trước thuế TNDN/tổng chi phí, số liệu về vay, trả, công nợ đối với các doanh nghiệp liên kết, ). Cần tiến hành lập bảng phân tích đối với từng doanh nghiệp theo các tiêu chí trên. Đặc biệt, cần lưu ý các thông tin trên báo cáo kiểm toán của các doanh nghiệp FDI, bởi lẽ đây là những thông tin để đánh giá được mối quan hệ, tình hình liên kết của các đơn vị. Hiện nay, cơ sở dữ liệu quản lý của ngành thuế cũng đã đáp ứng được yêu cầu phân tích các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận, phân tích các báo cáo tài chính cũng như theo dõi các chỉ số của doanh nghiệp qua nhiều năm. Tuy nhiên, những số liệu này vẫn chỉ là những con số nếu không được phân tích một cách thấu đáo, đánh giá có trọng tâm và cái nhìn tổng thể sẽ khó có thể phát hiện được những nghi vấn về chuyển giá. Do vậy, các cán bộ được phân công phân tích cần phải thực hiện làm rõ các mối quan hệ, tỷ lệ góp vốn, tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp, mốc thời gian chuyển đổi, sáp nhập, giải thể cùng với 631
- xây dựng và mô tả các mối quan hệ của các doanh nghiệp FDI. Ba là, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra đối với các doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá Kiểm tra các hồ sơ khai thuế của các đơn vị là công việc thường xuyên của bộ phận kiểm tra tại cơ quan thuế. Qua việc phân tích thông tin một cách rõ ràng chi tiết có thể sắp xếp và đánh giá được mức độ rủi ro của các hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp. Đây là công việc đòi hỏi cán bộ thuế cần đánh giá đúng, chính xác cũng như có những căn cứ phân tích thuyết phục đối với các doanh nghiệp trong quá trình yêu cầu giải trình các nội dung nghi vấn trong hồ sơ khai thuế của đơn vị. Tại bộ phận kiểm tra cần tăng cường yêu cầu đơn vị giải trình khi có dấu hiệu chuyển giá. Do quy định trong Luật Quản lý thuế về thời gian công tác kiểm tra đối với các doanh nghiệp là rất ngắn nên việc kiểm tra chuyển giá tại đơn vị thường được bộ phận thanh tra đảm nhiệm. Tuy vậy, vai trò của kiểm tra cũng hết sức quan trọng bởi thông qua kiểm tra tại bàn, với các yêu cầu giải trình có căn cứ xác đáng là cơ sở để các doanh nghiệp FDI có ý thức hơn đối với việc khai báo thuế TNDN. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp FDI sẽ có ý thức tự giác điều chỉnh trước khi cơ quan thuế có quyết định kiểm tra, thanh tra tại đơn vị. Đây có thể đánh giá là “giải pháp mềm và linh hoạt” có nhiều ưu điểm. Bốn là, tăng cường thanh tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động chuyển giá Thanh tra chuyển giá là một công việc phức tạp đòi hỏi một quá trình đấu tranh, phối hợp cũng như có những căn cứ, bằng chứng chứng minh việc sử dụng giá chuyển nhượng của doanh nghiệp để giảm thiểu nghĩa vụ thuế. Các doanh nghiệp FDI là thành viên của các công ty đa quốc gia, đều có các cán bộ chuyên môn tài chính kế toán vững vàng, sự giúp đỡ hùng hậu của các công ty kiểm toán lớn có nhiều kinh nghiệm để tránh thuế mà không vi phạm luật. Do đó, thanh tra chuyển giá cần có tiến trình thực hiện phù hợp với tình hình thực tế. Trong giai đoạn hiện nay, để làm tốt công tác này tại cục thuế các tỉnh cần chủ động thực hiện các bước công việc chủ yếu sau: - Bước 1: Lập danh sách các doanh nghiệp khả năng chuyển giá qua phân tích thông tin và xin Tổng cục Thuế cung cấp cơ sở dữ liệu thông tin các doanh nghiệp độc lập làm cơ sở so sánh với các doanh nghiệp liên kết. - Bước 2: Lập danh sách các doanh nghiệp có rủi ro cao và có cơ sở thông tin dữ liệu của Tổng cục Thuế đã cung cấp để tiến hành thanh tra, kiểm tra. - Bước 3: Thực hiện thanh tra tại doanh nghiệp và xử lý vi phạm về thuế (nếu có). Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ, giải đáp vướng mắc, đối thoại doanh nghiệp FDI trong việc thực hiện chính sách kiểm soát chuyển giá 632
- Mục đích của công tác tuyên truyền, hỗ trợ là nhằm bảo đảm nâng cao hiểu biết về chính sách định giá chuyển giao trong hoạt động liên kết của các doanh nghiệp FDI, về những đối sách của Nhà nước trong kiểm soát chuyển giá cho đội ngũ cán bộ quản lý thuế trong các bộ phận, từ đó tạo ra mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với bộ phận chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá ở cục thuế. Tuyên truyền và hỗ trợ đối với đối tượng nộp thuế là giúp họ nhận rõ chính sách thuế của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giá nhằm một mặt tạo sự tự giác trong chấp hành chính sách, mặt khác tạo cho những hiểu biết để kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý thuế của cơ quan thuế đối với họ. Cùng với công tác tuyên truyền, cần thực hiện hỗ trợ những vướng mắc phát sinh của người nộp thuế trong quá trình thực hiện các quy định liên quan đến các GDLK của doanh nghiệp. 5.2. Nhóm giải pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ viên chức Một là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kiểm soát chuyển giá. Chuyển giá thường tập trung vào các doanh nghiệp FDI là thành viên của các công ty đa quốc gia có nhiều kinh nghiệm hoạt động trên toàn cầu. Hơn nữa, cùng với sự giúp sức của hàng loạt các công ty tư vấn, chuyên gia với đội ngũ hùng hậu nên công tác đấu tranh với các hoạt động chuyển giá đòi hỏi người cán bộ thuế làm công tác kiểm soát chuyển giá phải có kiến thức chuyên sâu, nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, các yêu cầu như về trình độ ngoại ngữ, kiến thức ngành, kiến thức thuế quốc tế, kinh nghiệm thanh tra, kiểm soát, kỹ năng mềm khác như kỹ năng giao tiếp, ứng xử chuyên nghiệp, kỹ năng giải quyết vấn đề, giải thích các vấn đề phức tạp có thể hiểu nhanh chóng, là những đòi hỏi vô cùng cần thiết. Các hướng đào tạo tập trung vào kiến thức về giá chuyển nhượng, kỹ năng phân tích hồ sơ khai thuế, kỹ năng thanh tra, kiểm tra, kỹ năng kiểm soát, phong cách làm việc, các kiến thức về quản trị doanh nghiệp, một số kiến thức ngành đối với các lĩnh vực mà các cơ quan thuế đang quản lý như: tài chính, bất động sản, dệt may, ô tô, xe máy, điện tử, để có thể đáp ứng được yêu cầu. Các hướng đào tạo qua các lớp tập huấn ngắn hạn do các chuyên gia trong các lĩnh vực đảm nhiệm, khuyến khích các cán bộ tự học nâng cao trình độ. Hai là, tăng cường trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ giữa các bộ phận trong cơ quan thuế. Mô hình quản lý theo chức năng là điều kiện giúp cho các cán bộ quản lý có tính chuyên sâu. Tuy nhiên, nếu không có sự phối hợp, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ sẽ là rào cản đối với công tác quản lý thuế. Công tác kiểm soát chuyển giá đòi hỏi rất nhiều thông tin, kinh nghiệm. Hoạt động trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ giữa các bộ phận 633
- trong cơ quan thuế là một phương thức hữu ích để trao đổi thông tin và kinh nghiệm quản lý. Việc phối hợp giữa các bộ phận chức năng sẽ cung cấp thông tin một cách đầy đủ. Những thông tin từ tuyên truyền hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp, thông tin từ kê khai, kế toán thuế, thông tin từ quản lý thuế thu nhập cá nhân, quản lý các khoản thu từ đất đều là những thông tin cần thiết cho công tác kiểm soát thuế đối với hoạt động chuyển giá. Chẳng hạn như, thông tin từ quản lý các khoản thu từ đất có thể cho biết được quy mô hoạt động của đơn vị qua việc sử dụng đất, tình hình cấp các dự án mới hay thông tin từ phòng quản lý thu nhập cá nhân cho biết các thành viên là người nước ngoài, tình hình thu nhập, chi phí chuyên gia hoặc tình hình lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc trao đổi chuyên môn nghiệp vụ giữa các bộ phận sẽ có tác dụng bổ trợ thêm các kinh nghiệm cũng như kiến thức và phát huy sức mạnh tập thể trong công tác kiểm soát đối với hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI. Đây là việc làm cần thực hiện thường xuyên và được khuyến khích. Ba là, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị của ngành thuế Công tác kiểm tra nội bộ là một trong những đòi hỏi hết sức cần thiết đối với các bộ phận trong việc tăng cường chức trách nhiệm vụ trong thi hành công vụ. Kiểm tra nội bộ chặt chẽ sẽ đảm bảo các bộ phận sẽ thực hiện nghiêm chỉnh những quy định về kiểm soát. Kiểm tra nội bộ cần tập trung vào các quy trình quản lý, công tác phân tích thông tin, công tác thu thập và lưu giữ dữ liệu, công tác thanh tra, kiểm tra, công tác kê khai, kế toán thuế, công tác tuyên truyền, công tác phối hợp giữa các bộ phận. Đây có thể nói là một trong những giải pháp quản lý cần được phát huy và làm thường xuyên. Công tác kiểm tra nội bộ cần phải chỉ ra những việc làm được, những việc chưa làm được, có các biện pháp đề xuất xử lý đối với những bộ phận, những cán bộ không thực hiện hoặc không làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra nội bộ cũng cần đánh giá những thành tích mà các bộ phận, cá nhân đã làm được. Có như vậy thì công tác kiểm soát chuyển giá mới phát huy được hiệu quả, tránh thất thu NSNN, lành mạnh hóa môi trường đầu tư cũng như nâng cao tính chuyên nghiệp, Tài liệu tham khảo 1. Andrew Lymer & Jonh Hasseldine (2002), The Internatinal Taxation System. 2. Guoshuifa (1992), Implementing Measures of the State Administration of Taxation for the tax Administration of Business Transactions between Affiliated Enterprises. No.237 3. Niên gián thống kê 2014. 4. Trúc Linh (2016), Thị trường lao động Việt Nam: Cơ hội và thách thức từ TPP, Tạp chí Con số và sự kiện, ISNN 0866-7322. Số 1+2/2016 (505). 634
- 5. Nguyễn Thị Thu Hoài, Dương Văn An (2015), Chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Tài chính, số 12 -2015. 6. Nguyễn Đại Thắng (2016), Kiểm soát hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Luận án tiến sĩ - Học viện Tài chính. 635