Một số nhận xét về tình hình ngân hàng ở Việt Nam trong năm 2020

pdf 6 trang Gia Huy 23/05/2022 3760
Bạn đang xem tài liệu "Một số nhận xét về tình hình ngân hàng ở Việt Nam trong năm 2020", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfmot_so_nhan_xet_ve_tinh_hinh_ngan_hang_o_viet_nam_trong_nam.pdf

Nội dung text: Một số nhận xét về tình hình ngân hàng ở Việt Nam trong năm 2020

  1. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ TÌNH HÌNH NGÂN HÀNG Ở VIỆT NAM TRONG NĂM 2020 A FEW REMARKS ON VIETNAMESE BANKING ACTIVITIES IN 2020 TS. Lê Thành Lân1, Huỳnh Thị Bích Ngân2 Tóm tắt – Trong đại dịch Covid 19, nước ta tuy ít bị tổn thất về nhân mạng, tuy nhiên, phần phải dốc rất nhiều công sức để chống dịch, phần do nền kinh tế có độ mở rất lớn nên chưa đo lường hết được các thiệt hại về kinh tế – xã hội, trong đó, ngân hàng bị giảm sụt nghiêm trọng doanh số hoạt động. Giãn cách xã hội làm ngưng trệ hoạt động kinh tế, kéo giảm theo số lượng giao dịch ngân hàng. Hoạt động tín dụng bị đóng băng, dẫn đến nguy cơ tăng nợ xấu và khiến nhiều người hiểu thêm rằng ngân hàng vẫn tồn tại nhờ các hoạt động ngân quỹ, thanh toán. Đại dịch tạo cơ hội xem lại cách ngân hàng xây dựng lãi suất hợp lí trong tư cách một trung gian tài chính làm cầu nối giữa hoạt động kinh tế vi mô và vĩ mô. Để hội nhập quốc tế sâu hơn, các ngân hàng thương mại gốc nhà nước phải được tăng vốn điều lệ để đạt hệ số CAR (capital adequacy ratio – hệ số an toàn vốn) theo chuẩn Basel. Đại dịch cũng là cơ hội vàng để ngân hàng hiện đại hóa công nghệ, đẩy mạnh thanh toán điện tử không dùng tiền mặt khi được người dùng nhiệt liệt hưởng ứng. Từ khóa: dịch Covid-19, chuẩn Basel, ngân hàng Việt Nam. Trong năm 2020, đại dịch Covid 19 tàn phá nặng toàn thế giới. Việt Nam, may mắn hơn, trong đợt 1, sớm chặn đứng được dịch bệnh với những thành quả đáng nể phục, tuy phải chịu những hậu quả nhất định về kinh tế xã hội chưa thể đo lường được hết. Trong tham luận này, chúng tôi đưa ra một số nhận định cá nhân về các vấn đề thực tế đã được “tai nghe mắt thấy” riêng trong lĩnh vực ngân hàng. 1. ĐẠI DỊCH LÀM GIẢM DOANH SỐ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG Trong hai tháng 04 – 05/2020 vừa qua, ngành ngân hàng (NH) phải giãn cách xã hội. Để tránh tập trung đông người, các điểm giao dịch cho nhân viên nghỉ luân phiên và/hay đưa nhân viên hậu đài (back office) đến làm việc ở trụ sở khác trong cùng hệ thống. Các NH hiện nay đều nối mạng trực tuyến (online) 1 Trường Đại học Trà Vinh; Email: lan.mc71@gmail.com 2 Lớp CH18TC_TV7_1; Email: nganhtb11980@gmail.com 78
  2. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” nhưng cũng bất tiện trong luân chuyển chứng từ giấy bắt buộc. Giãn cách xã hội còn tác động đến khách hàng của NH, dù không có lệnh nào cấm khách hàng đến NH giao dịch, nhưng, các cơ sở kinh doanh không thiết yếu bị đóng cửa, gần như không còn nhu cầu giao dịch, làm giảm hẳn doanh số hoạt động của NH. Sau giãn cách đợt 1, hoạt động kinh tế trong nước chưa kịp hồi phục, dịch bệnh lại bùng phát đợt 2 từ cuối tháng 7/2020. Tuy Việt Nam sớm mở lại hoạt động kinh tế, song phần thế giới còn lại vẫn đang giãn cách, nên ngoại thương chưa thể phục hồi (trừ xuất khẩu lương thực và trang thiết bị y tế để chống dịch). Kinh tế nước ta có độ mở rất lớn, du lịch phát triển khá nhanh, nền kinh tế hướng nhiều cho xuất khẩu, kim ngạch xuất nhập khẩu khá lớn so với GDP, lại tiếp nhận thêm hàng tỉ USD kiều hối mỗi năm, nói chung, phụ thuộc khá nhiều vào nước ngoài, không sống tự cấp tự túc. NH ra đời để phục vụ nhu cầu kinh tế của xã hội, hoạt động NH khó tăng trưởng khi nhu cầu này ngưng trệ. Cơ sở kinh doanh đóng cửa – lúc đầu tạm nghỉ trong lúc giãn cách, sau đó, có thể nghỉ luôn vì kiệt quệ tài chính – dẫn đến những hệ quả kinh tế dây chuyền. Nhân viên bị thất nghiệp, mất thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống của bình quân 04 người thân thuộc. Các hoạt động kinh tế khác phục vụ cho các cơ sở nọ đều bị vạ lây, tác động trực tiếp đến bản thân và gia đình của hàng triệu người lao động tham gia . Hiện tượng đình đốn này phổ biến và kéo dài được Kinh tế học gọi là suy thoái kinh tế, dù hiện tại, chính phủ các nước chưa dùng đến cụm từ này. 2. THỰC TẾ KIỂM CHỨNG VAI TRÒ CỦA TÍN DỤNG NGÂN HÀNG Ở Việt Nam, cho đến nay và thêm một thời gian nữa sau này, tín dụng luôn là hoạt động chủ lực thể hiện ở tỉ trọng áp đảo của dư nợ cho vay trong tổng tài sản và của thu nhập hạch toán trong tổng lợi nhuận hằng năm của NH. Điều này dẫn đến nhận thức sai về lí luận là tín dụng giữ vai trò cơ bản trong hoạt động NH nói chung. Mấy tháng qua, NH thừa nguồn vốn, lại thêm các gói hỗ trợ hàng nghìn tỉ đồng của chính phủ sẵn sàng cho vay với lãi suất thấp, nhưng NH rất khó đẩy dư nợ lên để kiếm lời. Doanh nghiệp (được hiểu theo nghĩa cơ sở kinh doanh ở mọi quy mô) tốt chỉ chịu đi vay khi nắm chắc khả năng trả nợ; họ chẳng muốn mang thêm tội quỵt tiền của NH khi tự biết đã hết đường kinh doanh. Ngược lại, NH cũng rất ngại giải ngân cho khách hàng sẵn sàng vay với bất cứ giá nào, mặc cho ngày mai ra sao, do sợ trách nhiệm phải đi xử lí nợ xấu gần như hiển nhiên. Việc cung cầu tín dụng không gặp nhau trên thị trường vốn, gần như đóng băng hoạt động tín dụng NH. Dù vậy, NH vẫn mở cửa thu lợi từ các hoạt động ngân quỹ và thanh toán. Cần nhận thức lại cho đúng rằng ngân quỹ và thanh toán mới là hoạt động cơ bản của ngân hàng thương mại (NHTM) để có đối sách đúng đắn. 79
  3. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” 3. NGÂN HÀNG PHẢI ĐỐI MẶT VỚI NỢ XẤU VÀ NGUỒN VỐN BIẾN ĐỘNG Doanh nghiệp lao đao khó trả đúng hạn nợ gốc và lãi đã vay NH trước đây, dù được giải cứu qua các biện pháp miễn giảm lãi, khoanh nợ, giãn nợ, đảo nợ khiến nợ quá hạn có thể tạm thời chưa phát sinh trong hạch toán kế toán, nhưng, về rủi ro, đó đã là nợ đáng ngờ (doubtful debt). Việc cấu trúc lại nợ, trong thực tiễn, chưa bao giờ thành công 100%; nợ xấu sẽ xuất hiện ít hay nhiều với độ trễ nhất định khi qua hết thời gian giải cứu. NH cần trích lập dự phòng rủi ro khi còn có thể, để có nguồn sử dụng khi cần về sau. Dòng tiền tín dụng NH luôn vận hành theo nguyên lí T T’ = T + ΔT nhằm đảm bảo tái sản xuất mở rộng cho nền kinh tế. ΔT giúp trả lãi vay và đảm bảo lợi nhuận cho người đi vay, trong đó, một phần sẽ quay lại NH dưới hình thức tiền gửi. Việc tín dụng ngưng vận hành theo chu kì này đã cắt đứt một phần nguồn vốn của NH. Người lao động mất việc làm, trước mắt, sẽ rút dần tiền tiết kiệm (thường được gửi NH) về trang trải cuộc sống. Người làm ăn, trái lại, do kinh doanh bị bế tắc, vốn không còn luân chuyển để tạo lợi nhuận, thường gửi tiền vào NH cho vừa an toàn vừa hưởng chút lãi tuy không bằng lợi tức kiếm được trước đây. 4. NGÂN HÀNG LÀM GÌ KHI THỪA NGUỒN VỐN Cần xác định rõ là trong giai đoạn này, doanh nghiệp không làm ăn được để hấp thu nguồn vốn tín dụng NH chứ không phải do tổng cầu về vốn trong nền kinh tế quốc gia đã bão hòa, không cần vay tiền NH để phát triển nữa. Tổng cầu với tổng cầu có khả năng thanh toán là hai phạm trù khác nhau từ nội hàm đến giải pháp. Ở tầm vi mô, là một doanh nghiệp, NH xử lí tương quan cung cầu vốn tiền tệ theo cơ chế giá cả, bằng cách giảm lãi suất huy động để làm nản lòng người gửi tiền, giảm bớt áp lực dư thừa nguồn vốn khi chưa cho vay ra được. Tính toán dựa trên các báo cáo tài chính cuối năm 2019 của các NHTM, chúng tôi nhận thấy lãi suất huy động kì hạn 3 tháng giảm từ 5%/năm vào cuối năm 2019 xuống còn 4,2%/ năm vào đầu tháng 08 năm 2020. Đây là số liệu bình quân trên thị trường; lãi suất của 04 NHTM gốc nhà nước (the big four) sẽ thấp hơn, trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) nhỏ yết mức lãi cao hơn gần 1%/năm cho cùng kì hạn. Trong hệ thống NH, mức chênh lệch này thôi thúc nhiều khách hàng đưa tiền sang gửi ở NH chào lãi suất cao khi điều kiện an toàn cùng chất lượng dịch vụ không mấy khác nhau vì họ luôn muốn kiếm nhiều lợi tức. Các NHTM gốc nhà nước không bao giờ dám chào lãi suất huy động cao hơn NHTMCP đến 1%/năm nên khó thu hút lại khách hàng cũ đã bỏ đi. Một số NH bán trái phiếu trung dài hạn để vừa nâng lãi suất vừa cấu trúc lại nguồn vốn huy động của mình, nhưng khó thành công mĩ mãn vì nhiều người biết áp công thức chiết khấu dòng tiền để tính ra hiện giá thuần (NPV) của món đầu tư. Hơn nữa, kì hạn huy động 80
  4. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” trung dài hạn không thích hợp khi thị trường còn bất định. Tuy vậy, mấy người trường vốn vẫn sẵn sàng mua lượng lớn trái phiếu, để chờ lúc thuận tiện, đem cầm cố lại cho NH đổi lấy vốn kinh doanh. 5. LÃI TIỀN GỬI KHÔNG CHỈ LÀ CHI PHÍ HUY ĐỘNG VỐN CỦA NGÂN HÀNG Lâu nay, người ta thường xem lãi tiền gửi là chi phí đầu vào của NH khi đi vay vốn. NH cộng vào đó khoản chênh lệch về chi phí điều hành cùng lợi nhuận của bản thân để thành lãi cho vay đầu ra. Ít ai nghĩ đến việc lãi tiền gửi sẽ hòa chung vào thu nhập hình thành nên ngân quỹ gia đình (family budget) của người gửi tiền để tham gia vào quá trình tái phân phối thu nhập trong xã hội. Hệ quả của việc ép lãi tiền gửi xuống, khó đo lường trong toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Trước mắt, khi lãi tiền gửi NH không còn hấp dẫn, để đạt lợi tức tối đa, người dân tìm đến những kênh sinh lợi khác như mạo hiểm lướt sóng trên các thị trường vàng, chứng khoán, bất động sản . Thông tin báo chí gần đây nêu lên hậu quả xót xa của các trò chơi may ít rủi nhiều này, khi nhiều khoản tiền lớn tan biến vào các tay lừa đảo cùng các dao động thị trường, thay vì dành giúp xã hội sớm qua cơn đại dịch. Ở cấp vi mô, người dân tự quyết định và tự chịu trách nhiệm trên tài sản của bản thân theo quy luật giá trị; ở cấp vĩ mô lại là thiệt hại kép cho nền kinh tế – xã hội. Điều này, một phần do NH hiện chưa làm tốt chức năng của một định chế tài chính trung gian, cầu nối giữa hai cấp vi mô và vĩ mô. Trong tư cách này, NH phải có hướng xử lí tốt vốn tạm thời thừa/thiếu, tuyệt đối không đẩy khách hàng gửi/vay tiền ra đi, là những thân chủ hay ân nhân nuôi sống mình. NH phải chung thủy đồng cam cộng khổ với thân chủ của mình, không nên thấy thuyền chật thì đuổi bớt thân chủ xuống nước tự bơi tìm thuyền khác đi tiếp. Đại dịch làm tê liệt thương mại toàn cầu, nhưng thị trường vàng hay ngoại hối quốc tế vẫn sôi động, là sân chơi để các NH tham gia kiếm lời với nguồn tiền tập trung đang nắm giữ. Kinh tế nội địa ngưng trệ do giãn cách xã hội làm hụt nguồn thu, ngân sách nhà nước bội chi để chống dịch và cứu trợ xã hội có thể vay tạm nguồn vốn dư thừa của NH hầu giảm bớt áp lực lạm phát. Đây là các giải pháp cổ điển giúp NH giữ khách hàng gắn bó với mình, đa dạng hóa kinh doanh, hỗ trợ ngân sách nhà nước và giữ lửa cho thị trường tài chính trong nước. 6. THÚC ĐẨY 04 NGÂN HÀNG LỚN TRONG NƯỚC ĐẢM BẢO HỆ SỐ CAR THEO CHUẨN BASEL Để NH hoạt động lành mạnh, an toàn, Hiệp ước Basel II định ra hệ số an toàn vốn (CAR) chuẩn là 9% (chuẩn theo Basel III là 10,5 – 13%) mà Việt Nam phải tuân thủ để hội nhập vào thế giới [1], [2]. Đến cuối năm 2019, hầu hết các NHTMCP đều báo cáo đã đạt chuẩn. Giữa năm 2020, Nhà nước mới chấp thuận cho 04 NHTM gốc nhà nước được tăng vốn điều lệ. Trong bối cảnh hiện nay, ngoài tăng vốn từ lợi nhuận không chia (có sẵn), không dễ gọi thêm vốn ngoài xã hội qua thị trường sơ cấp. Liệu ngân sách nhà nước đang bội chi nghiêm trọng, có 81
  5. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” thể cấp đủ vốn cho Agribank hay sẽ cấp bằng trái phiếu chính phủ có giá trị sau vài năm để có số liệu hạch toán và báo cáo. 7. NGÂN HÀNG KHÓ XÁC ĐỊNH LÃI SUẤT HUY ĐỘNG VÀ CHO VAY HỢP LÍ NH ở các nước theo kinh tế thị trường xác định lãi suất của mình theo tương quan cung cầu vốn tức là xoay quanh lãi suất thị trường. Lãi suất NH cho vay ra phải < lợi nhuận bình quân trong nền kinh tế vì người đi vay phải kiếm đủ lợi tức để đóng thuế, trả lãi vay, sinh sống được và có tích lũy. Lãi thu được từ cho vay phải đủ để NH trả lãi huy động vốn, trang trải chi phí điều hành, trích lập dự phòng, đóng thuế và có lợi nhuận riêng. Đây là hai ràng buộc khống chế trong kinh doanh tiền tệ. Rất khó tính ra lợi nhuận bình quân trong toàn nền kinh tế, nhưng ngành thống kê dễ tính được lợi nhuận bình quân của từng ngành hoạt động cụ thể. Nước ta chưa theo cơ chế thị trường hoàn hảo, NHTM xây dựng lãi suất theo hướng dẫn của NH nhà nước Việt Nam trong từng thời kì và thường bị khách hàng kêu ca. Hoàn cảnh hiện tại đòi hỏi NH giảm lãi suất cho vay để giúp khách hàng vượt khó về kinh tế, nhưng khó xác định là giảm đến đâu cho hợp lí. NH chuyên đi vay vốn để cho vay lại nên khó huy động vốn với lãi suất thấp. Do lịch sử để lại, bình thường lượng tiền gửi thanh toán phi giá ở các NH trong nước khá thấp so với lượng tiền gửi tiết kiệm, chưa nói đến hoạt động thương mại ngưng trệ do dịch bệnh hạn chế nguồn vốn trong thanh toán và huy động từ nền kinh tế. Trước yêu cầu vực doanh nghiệp dậy, NH thường giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, tức là ép người gửi tiền san sẻ khó khăn của người vay, nên báo chí hay phàn nàn là NH “lãi khủng” trong khi kinh tế điêu đứng vì lãi cao. Đến cuối tháng 07 vừa qua, NH nhà nước Việt Nam mới chỉ thị là NHTM phải tự tiết giảm chi phí để giảm lãi cho vay thay vì chỉ rõ là phải thu hẹp chênh lệch (spread) giữa lãi suất đầu vào – đầu ra. NH đang tính cắt giảm chi phí điều hành – chủ yếu là giảm lương nhân viên và giảm trích lập dự phòng rủi ro – để bảo đảm chia cổ tức vào cuối năm theo hành xử của doanh nghiệp ở góc vi mô là chạy theo lợi nhuận. Thật ra, với tiềm lực tài chính còn hạn chế, dù hi sinh lợi ích riêng cho công bằng xã hội, NH cũng chỉ góp phần nhỏ trong nhất thời. Về lâu dài, Nhà nước phải hành động ở tầm vĩ mô qua nghiệp vụ tái chiết khấu (ở các nước) hay tái cấp vốn (ở Việt Nam) theo chính sách nới lỏng tiền tệ để định hướng hệ thống NH. Giảm quỹ dự trữ bắt buộc cho các NH cũng là giải pháp được cân nhắc. Trong điều hành vĩ mô, Nhà nước phải nhắm đến lợi ích của toàn xã hội thay vì chi li lời lỗ trong từng thương vụ. 8. TRANH THỦ ĐẨY MẠNH CÁC NGHIỆP VỤ THANH TOÁN ĐIỆN TỬ TRONG NGÂN HÀNG. Trong thời kì dịch bệnh chưa có thuốc đặc trị và chủng ngừa, người dân lo sợ giấy bạc đang lưu hành có thể lây truyền mầm bệnh trong cộng đồng. Xác tin 82
  6. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” này làm thay đổi hẳn thói quen lâu đời thích dùng tiền mặt, điều mà nhà nước ra sức cổ xúy vô vọng trong suốt mấy thập niên. Bệnh dịch và công nghệ 4.0 tạo cơ hội vàng cho NH đẩy mạnh thanh toán điện tử nhằm đa dạng hóa các dịch vụ phi tín dụng truyền thống với số khách dùng gia tăng phi mã. Bây giờ là thời đại của Internet Banking (ngồi tại chỗ giao dịch qua Internet tránh tiếp xúc) theo yêu cầu giãn cách xã hội, của quét mã QR qua điện thoại thông minh, của thẻ nhựa tích hợp nhiều chức năng để thanh toán không chạm tay đặt ra ưu tiên bảo vệ thông tin cá nhân. Nhược điểm lớn là pháp luật chưa theo kịp tiến bộ công nghệ để tạo hành lang pháp lí an toàn cho hoạt động NH, đồng thời bảo vệ hữu hiệu quyền lợi chính đáng của người dùng, khi các nhà lập pháp chưa có động thái gì để tiếp cận vấn đề. Chỉ trong nay mai, kẻ gian sẽ tranh thủ khoảng trống này để trục lợi, gây thiệt hại cho người dùng, cho nền kinh tế và cho xã hội. Trước mắt, người dùng gặp thêm rủi ro bị giật điện thoại khi phải luôn cầm trên tay. Thẻ NH tuy thông dụng hơn 20 năm qua, nhưng, pháp luật vẫn chưa xử lí nhanh và ổn thỏa các tranh chấp giữa chủ thẻ với NH phát hành về số tiền lớn biến mất khó hiểu. Luật pháp nước ta xem đây là án dân sự, nguyên đơn phải chứng minh là bị đơn có lỗi – điều không dễ. Nếu không kịp thời chấn chỉnh tốt, các bài học trên sẽ lặp lại với dạng thanh toán mới, tất nhiên với mức độ lớn hơn trước, gây thiệt hại không đáng có. 9. KẾT LUẬN Bài viết kết thúc với các kiến nghị cùng ngành ngân hàng như sau: Nhận thức lại cho đúng về vai trò của tín dụng trong hoạt động NH. Khi tín dụng bị đóng băng do dịch bệnh, NH vẫn hoạt động với các mảng nghiệp vụ khác dù doanh số giảm mạnh. Trích lập đủ dự phòng rủi ro khi còn có thể làm để đối phó với nợ xấu sẽ tăng mạnh trong nay mai. Xem lại việc tiếp tục ép giảm lãi suất tiền gửi NH vì lợi có thể bất cập hại cho nền kinh tế. Cần nâng vốn điều lệ cho các NHTM hoạt động tốt hơn nhưng e là khó thực hiện trong lúc này. Tranh thủ cơ hội vàng để đẩy mạnh thanh toán điện tử trong NH cùng với việc khẩn trương xây dựng hành lang pháp lí kín kẽ cho dịch vụ này. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng. Hiệp ước Basel II. 2004. [2]. Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng. Hiệp ước Basel III. 2017. 83