Một số yếu tố ảnh hưởng đến ý định nhận bảo hiểm xã hội một lần của người lao động

pdf 12 trang Gia Huy 2680
Bạn đang xem tài liệu "Một số yếu tố ảnh hưởng đến ý định nhận bảo hiểm xã hội một lần của người lao động", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfmot_so_yeu_to_anh_huong_den_y_dinh_nhan_bao_hiem_xa_hoi_mot.pdf

Nội dung text: Một số yếu tố ảnh hưởng đến ý định nhận bảo hiểm xã hội một lần của người lao động

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN Ý ĐỊNH NHẬN BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG NCS.ThS. Lê Thị Xuân Hương - TS. Hoàng Bích Hồng ‐ ThS. Phạm Minh Tú Trường Đại học Lao động - Xã hội Tóm tắt: Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành ở Việt Nam cho phép NLĐ rút BHXH một lần trước khi đến tuổi nghỉ hưu là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng gia tăng số người hưởng BHXH một lần, không những ảnh hưởng đến an sinh xã hội trong dài hạn đối với NLĐ mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu mở rộng diện bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội, làm gia tăng gánh nặng Ngân sách Nhà nước trong tương lai. Bài viết tổng hợp và phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến ý định nhận BHXH một lần của NLĐ dựa trên phương pháp nghiên cứu tổng quan các tài liệu trước có liên quan đến chủ đề nghiên cứu kết hợp phương pháp phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm. Đồng thời, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách BHXH, hạn chế gia tăng hưởng BHXH một lần, đảm bảo an sinh xã hội dài hạn cho NLĐ. Từ khóa: các yếu tố ảnh hưởng, ý định, bảo hiểm xã hội một lần 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trên thế giới, với hầu hết các quốc gia thì chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đều được coi là trụ cột của hệ thống An sinh xã hội (ASXH). Ở Việt Nam, hệ thống pháp luật, chính sách bảo hiểm xã hội đã từng bước được hoàn thiện, phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Số người tham gia và số người được hưởng bảo hiểm xã hội ngày càng được mở rộng và không ngừng tăng lên. Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách BHXH của Ban chấp hành Trung ương ban hành ngày 23 tháng 5 năm 2018 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 35% (năm 2021), 45% (năm 2025), 60% (năm 2030) lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm 319
  2. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội là khoảng 45% (năm 2021), khoảng 55% (năm 2025), khoảng 60% (năm 2030). Tính đến hết năm 2018, theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, số người tham gia BHXH là 14,724 triệu người (chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi), số người hưởng hưu trí là 2,505 triệu người (chiếm khoảng hơn 20% số người sau độ tuổi nghỉ hưu). Tuy nhiên, cùng với đó là sự gia tăng mạnh số lượng NLĐ nhận BHXH một lần và rời bỏ sớm khỏi hệ thống BHXH. Bình quân hàng năm có hơn 600 nghìn người hưởng BHXH một lần, tổng số người xin ra khỏi hệ thống an sinh xã hội gần xấp xỉ số người mới vào hệ thống BHXH bắt buộc. Đây là một thực tế rất đáng lo ngại, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu mở rộng độ bao phủ của BHXH, cũng như vấn đề bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ. Như vậy, có thể nhận thấy rằng việc nghiên cứu để lý giải, phân tích, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến ý định hưởng BHXH một lần của NLĐ; từ đó có thể có những điều chỉnh/tác động về mặt chính sách và các yếu tố nhằm hạn chế tình trạng nhận BHXH một lần, đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ là một chủ đề có ý nghĩa về mặt thực tiễn. Trên cơ sở đó, có những gợi ý/hàm ý giúp cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách để tác động tới ý định hưởng BHXH của NLĐ, góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết của người tham gia về BHXH, hạn chế tình trạng nhận BHXH một lần trước tuổi nghỉ hưu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, đảm bảo an sinh xã hội dài hạn cho NLĐ và tính bền vững cho cả hệ thống BHXH. 2. MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN Ý ĐỊNH HÀNH VI NHẬN BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu trước về chủ đề liên quan kết hợp sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm (đối tượng nghiên cứu tham gia là lãnh đạo BHXH các tỉnh/thành phố, lãnh đạo một số viện nghiên cứu, trường đại học có chuyên ngành về BHXH, cán bộ làm công tác tuyên truyền, cán bộ làm công tác giải quyết chính sách và chi trả chế độ BHXH, NLĐ tham gia BHXH có ý định nhận BHXH một lần); kết quả nghiên cứu khái quát một số yếu tố ảnh hưởng đến ý định nhận bảo hiểm xã hội một lần của NLĐ như sau: 320
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA Hiểu biết về bảo hiểm hưu trí Hiểu biết về bảo hiểm là những hiểu biết của bản thân về các loại hình bảo hiểm và cách sử dụng bảo hiểm để giải quyết khi có tổn thất (H. Hayakawa, 2000). Một số các nghiên cứu trước của các tác giả trong và ngoài nước trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT) cho thấy rằng yếu tố nhận thức, hiểu biết về bảo hiểm là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia hay không tham gia bảo hiểm y tế của người dân. Chẳng hạn như, theo nhóm nghiên cứu Mathauer, I., Schmidt, J. O., & Wenyaa, M. (2008) thì một trong những rào cản quan trọng nhất đối với việc tham gia BHYT xã hội của NLĐ khu vực phi chính thức ở Kenya là sự thiếu hiểu biết của NLĐ khu vực phi chính thức về BHYT xã hội. NLĐ trong khu vực phi chính thức thường thiếu kiến thức và không có thông tin về chính sách, chế độ, không có tổ chức đảm bảo cho việc tham gia BHYT, không muốn tham gia vì chưa tin tưởng vào hoạt động BHYT hoặc việc thanh toán chế độ phức tạp. Một nghiên cứu khác của nhóm tác giả Dror, D. M., Hossain, S. S., Majumdar, A., Pérez Koehlmoos, T. L., John, D., & Panda, P. K. (2016) về các yếu tố ảnh hưởng đến việc tham gia tự nguyện ban đầu của chương trình bảo hiểm y tế dựa vào cộng đồng (CBHI) ở các nước thu nhập thấp và trung bình (LMIC) và các quyết định gia hạn cũng cho thấy rằng kiến thức, hiểu biết về bảo hiểm và CBHI là một trong những yếu tố ảnh hưởng quan trọng. Khi các cá nhân hiểu CBHI hoạt động như thế nào, họ có nhiều khả năng đăng ký hơn và khi mọi người có trải nghiệm tích cực, họ có nhiều khả năng tiếp tục duy trì sự tham gia. Nhóm nghiên cứu Nguyen, T. D., & Wilson, A. (2017) trong bài viết về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo ở nông thôn Việt Nam và các yếu tố liên quan cũng đã xác định việc tham gia chương trình bảo hiểm y tế có liên quan đáng kể đến kiến thức về BHYT. Đồng quan điểm này, nhóm tác giả Nga, N. T. T., Xiem, C. H., & Anh, B. T. M. (2020) trong nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT gia đình đã cho thấy kiến thức về bảo hiểm y tế có ảnh hưởng đáng kể đến việc tham gia/không tham gia BHYT. Những kết quả nghiên cứu trên đã gợi mở cho tác giả ý tưởng về nghiên cứu có hay không sự ảnh hưởng của yếu tố hiểu biết về chính sách bảo hiểm hưu trí và BHXH một lần đến ý định nhận BHXH một lần. Thông qua phương pháp phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm đối với các đối tượng nghiên cứu, tác giả nhận định rằng sự hiểu biết của NLĐ về bảo hiểm hưu trí là một trong những yếu tố có tác động đến ý định hành 321
  4. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA vi nhận BHXH một lần của họ. Trong xã hội ngày càng phát triển, người dân đã ý thức được sự cần thiết của các loại hình bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro khi gặp phải những biến cố bất ngờ trong cuộc sống. Tuy nhiên, hiểu biết về bảo hiểm nói chung và bảo hiểm hưu trí nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này khiến người dân ngần ngại trước khi quyết định tham gia. Nhiều NLĐ chưa hiểu biết rõ về mức đóng, thời gian đóng, quyền lợi hưởng , cảm thấy do dự vì thời gian tham gia quá dài, không hiểu rõ quy định về sự liên thông giữa hai hình thức BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Điều đó dẫn tới hành vi xin nhận BHXH một lần và không có ý định tham gia tiếp khi rời khỏi khu vực tham gia bắt buộc. Nhận thức về tính an sinh xã hội dài hạn của bảo hiểm hưu trí Trong chính sách an sinh xã hội của mỗi quốc gia thì chính sách hưu trí đóng vai trò quan trọng bởi nó đảm bảo ổn định đời sống cho bộ phận dân cư đã hết tuổi lao động, vừa góp phần đảm bảo công bằng, ổn định xã hội, vừa giảm gánh nặng từ ngân sách Nhà nước. Bằng việc nhận thức về tính an sinh xã hội dài hạn của bảo hiểm hưu trí, NLĐ sẽ thể hiện việc mong muốn hay không mong muốn nhận BHXH một lần, từ đó hình thành ý định nhận hay không nhận BHXH một lần. Nhóm nghiên cứu Hazel Bateman và cộng sự (2020) đã thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 3.000 thành viên của Cbus (một quỹ hưu bổng lớn của Úc chủ yếu dành cho lĩnh vực xây dựng), những người rút một phần hoặc toàn bộ số tiền tiết kiệm từ quỹ hưu bổng của họ trong giai đoạn đầu của Covid-19. Kết quả khảo sát cho thấy rằng có khoảng 30% người nộp đơn xin rút khoản trợ cấp hưu trí một lần từ quỹ hưu trí của họ không chắc chắn hoặc không quan tâm đến hậu quả lâu dài của việc rút tiền trước từ quỹ bảo hiểm hưu trí của họ, có khoảng 50% số người tham gia khảo sát đánh giá thấp hoặc không ước tính được các tác động của việc rút tiền trước khi nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm hưu trí. Một nghiên cứu khác trong lĩnh vực bảo hiểm y tế của các tác giả Kansra, P., & Gill, H. S. (2017) cũng đã xác định vai trò của nhận thức trong việc tham gia bảo hiểm y tế ở khu vực phi chính thức ở Punjab, Ấn Độ. Nhận thức đóng một vai trò quan trọng đồng thời là một rào cản tiềm ẩn trong quyết định tham gia BHYT hộ gia đình. Yếu tố này cũng được nhóm tác giả Kituku, A. M., & Amata, E. (2016) đề cập đến trong kết quả nghiên cứu về các yếu tố quyết định việc NLĐ khu vực phi chính 322
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA thức sử dụng bảo hiểm y tế NHIF (Quỹ bảo hiểm Y tế Quốc gia) của Kenya. Kết quả cho thấy nhận thức về lợi ích của NHIF là một trong những yếu tố quyết định chính đến mức độ tiếp nhận chi trả y tế tại Quỹ bảo hiểm y tế quốc gia Kenya của lao động khu vực phi chính thức. Dựa trên kết quả của những nghiên cứu này, thông qua phương pháp phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm đối với các đối tượng nghiên cứu, tác giả cũng thu được kết quả tương tự và đưa ra nhận định nhận thức về tính an sinh xã hội dài hạn của bảo hiểm hưu trí là một yếu tố đáng kể có tác động đến ý định nhận BHXH một lần của NLĐ. Thông tin, tuyên truyền về bảo hiểm xã hội Tuyên truyền là việc đưa ra các thông tin (vấn đề) với mục đích đẩy thái độ, suy nghĩ, tâm lý và ý kiến của quần chúng theo chiều hướng nào đấy mà người nêu thông tin mong muốn (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia). Với bất kỳ chính sách nào, thông tin tuyên truyền cũng luôn đóng vai trò định hướng, giúp cho người dân từ biết đến hiểu, từ hiểu đến thực hiện và tham gia phát triển thêm chính sách ấy. Chính sách bảo hiểm xã hội nói chung và bảo hiểm hưu trí cũng không là ngoại lệ. Bởi lẽ, một trong những nguyên nhân dẫn đến người dân không quan tâm, không muốn tham gia hoặc không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội là họ thiếu hiểu biết, chưa thấy lợi ích của việc tham gia hoặc thiếu tin tưởng vào hệ thống tổ chức thực hiện. Do đó, vấn đề đặt ra là phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ về chính sách, chế độ, vai trò, ý nghĩa, tác dụng cũng như những lợi ích của bảo hiểm hưu trí để họ biết, tin tưởng và nhiệt tình tham gia. Thông tin tuyên truyền chính sách bảo hiểm hưu trí không chỉ đơn thuần là việc của cơ quan tổ chức thực hiện mà đó còn là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Trong nghiên cứu của Kansra, P., & Gill, H. S. (2017), yếu tố thiếu thông tin là một trong những rào cản tham gia bảo hiểm y tế của NLĐ làm việc trong khu vực phi chính thức ở Ấn Độ. Các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục và truyền thông là các giải pháp quan trọng được đề cập đến trong nghiên cứu của Nguyen, T. D., & Wilson, A. (2017) để thúc đẩy sự tham gia bảo hiểm y tế, nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo ở nông thôn Việt Nam. Trong lĩnh vực BHXH, yếu tố truyền thông cũng được nhiều nghiên cứu của nhiều tác giả cho rằng có ảnh hưởng đến ý định/ý định hành vi của người tham gia. Mặt khác, qua phỏng vấn các chuyên gia, thảo 323
  6. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA luận nhóm với một số NLĐ thì họ đều cho rằng yếu tố truyền thông là cần thiết. Vì theo họ thì truyền thông sẽ giúp mang thông tin đến với đại đa số người dân để từ đó họ nâng cao nhận thức, hiểu được tính ưu việt của chính sách BHXH nói riêng và những chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước nói chung. Tình trạng việc làm, mức thu nhập của NLĐ Mức thu nhập có ảnh hưởng tích cực đến nhu cầu bảo hiểm, khi thu nhập cao hơn họ càng muốn tham gia bảo hiểm (Horng và Chang, 2007). Đặc biệt, mức thu nhập được đo lường bằng khả năng tiếp cận việc làm hoặc thu nhập thường xuyên làm tăng xu hướng tiếp tục được bảo hiểm. Tình hình như vậy là bởi vì thu nhập hạn chế cho việc chi tiêu để tiếp tục duy trì bảo hiểm có khả năng làm chuyển hướng nguồn lực khỏi việc tiêu thụ các mặt hàng cấp bách khác (Gertler & Gruber, 2002; Chetty & Looney, 2006). Wagstaff (2000) quan sát thấy rằng các cá nhân không có khả năng đảm bảo tiếp tục gia hạn bảo hiểm khi họ tiến gần hơn đến nghèo đói bởi vì bất kỳ sự giảm thu nhập nào cũng có thể đẩy họ tiến xa hơn tới mục tiêu tồn tại đơn thuần. Các nghiên cứu trong lĩnh vực bảo hiểm y tế đã cho thấy, người có thu nhập thấp có thể gặp khó khăn trong việc tham gia bảo hiểm y tế (Carrin và cộng sự, 2005; Mathauer và cộng sự, 2008; Meng và cộng sự, 2011), bởi lẽ chuyện chi trả mức thu nhập hạn chế cho việc tham gia bảo hiểm có thể ảnh hưởng đến việc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác. Vì vậy, thay vì đầu tư cho các lợi ích sức khỏe trong tương lai có vẻ không chắc chắn, những người có thu nhập thấp có thể từ chối bảo hiểm để không bị trở nên khó khăn hơn khi tham gia bảo hiểm. Thu nhập cũng là một trong những lý do được viện dẫn ảnh hưởng đến quyết định tham gia/không tham gia và tiếp tục/không tiếp tục tham gia BHYT trong nghiên cứu được thực hiện ở vùng Volta của Ghana của các tác giả Boateng, D., & Awunyor-Vitor, D. (2013). Kết quả điều tra về lý do người dân không tham gia BHYT tự nguyện tại thành phố Hà Tĩnh của các tác giả Chu Kim Loan và Nguyễn Hồng Ban (2013) cho thấy lý do chủ yếu là “không đủ tiền mua”. Đối với bảo hiểm hưu trí, cũng trong nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Hazel Bateman và cộng sự (2020) đã đề cập ở nội dung trước, cho thấy rằng, phần lớn những người xin rút một phần tiền trợ cấp BHXH một lần từ quỹ bảo hiểm hưu trí của họ nhằm mục đích giải quyết các nhu cầu trước mắt khi họ rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc đang có việc làm nhưng số giờ làm giảm. Điều này giúp củng cố nhận định rằng, 324
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA mức thu nhập/tình trạng việc làm cũng là một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến ý định/hành vi nhận BHXH một lần của người tham gia. Ở Việt Nam, điều này cũng được ghi nhận qua kết quả nghiên cứu của Nguyen, T. P. (2020). Kết quả nghiên cứu cho thấy NLĐ trong điều kiện có việc làm và thu nhập bấp bênh đều coi số tiền đóng bảo hiểm xã hội của họ là một loại tiết kiệm, bởi một phần trong đó là khoản khấu trừ hàng tháng của thu nhập họ kiếm được. Theo quan điểm của họ, nếu nó không dành cho chương trình BHXH bắt buộc thì NLĐ sẽ có thể giữ tất cả tiền mà họ kiếm được mỗi tháng. Do đó, NLĐ có xu hướng rút quỹ/xin nhận BHXH một lần khi cuộc sống của họ gặp khó khăn, chẳng hạn như khi họ gặp khó khăn về tài chính hoặc cần một khoản tiền lớn để chi tiêu trong gia đình (ở đây có nghĩa là một số tiền bằng khoảng 40-50 triệu đồng). Một số yếu tố khác Kết quả thảo luận cũng cho thấy rằng, ngoài các yếu tố đã đề cập ở trên thì ý định hành vi nhận BHXH một lần của NLĐ còn chịu ảnh hưởng bởi một số các yếu tố khác như: Ảnh hưởng xã hội, trong lĩnh vực BHXH, những cá nhân quan trọng có ảnh hưởng đến việc hình thành ý định nhận BHXH một lần có thể là các nhóm bạn, nhóm người quen biết, các đồng nghiệp, những người thân trong gia đình, Thái độ và sự quan tâm của họ đối với việc nhận BHXH một lần cũng góp phần ảnh hưởng đến ý định nhận BHXH một lần của NLĐ với mức độ mạnh yếu khác nhau tùy thuộc vào mối quan hệ và sự quý trọng của NLĐ đối với nhóm người này. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ BHXH cũng là một yếu tố có ảnh hưởng đến ý định nhận BHXH một lần của người tham gia. Trong lĩnh vực BHXH, chất lượng dịch vụ thể hiện qua các khía cạnh cụ thể như: thủ tục đăng ký tham gia và hưởng chế độ BHXH; trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, thái độ phục vụ của cán bộ BHXH; trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý (hướng dẫn thủ tục, trả lời thắc mắc ). Mặt khác, chất lượng dịch vụ còn là sự đảm bảo quyền lợi cho NLĐ tham gia BHXH thể hiện qua các khía cạnh như: mức trợ cấp BHXH phải đáp ứng được nhu cầu cần thiết, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, Giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, cũng có những ảnh hưởng khác nhau đến ý định nhận BHXH một lần của NLĐ trong các điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. 325
  8. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA 3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM CẢI THIỆN VÀ NÂNG CAO CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN Ý ĐỊNH NHẬN BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN CỦA NLĐ Thứ nhất, giải pháp về tăng cường hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của NLĐ; đồng thời nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội của đơn vị sử dụng lao động, đặc biệt là khối doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Nội dung công tác tuyên truyền cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về những lợi ích của việc tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu khi về già cũng như sự thiệt thòi khi nhận BHXH một lần trước khi đến tuổi nghỉ hưu thay vì lựa chọn bảo lưu thời gian đóng BHXH để sau này có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng thông qua các ví dụ minh họa cụ thể về quyền lợi, mức hưởng mà NLĐ sẽ nhận được trong hai trường hợp. Hơn nữa, muốn thay đổi thái độ và hành vi của NLĐ trong việc tham gia BHXH thay vì lựa chọn các hình thức tích lũy khác thì trong công tác thông tin, tuyên truyền cần tập trung làm rõ cho NLĐ nhận thấy được sự khác biệt giữa các hình thức tích lũy này, nhấn mạnh về tính ưu việt của việc tham gia BHXH so với các hình thức tích lũy khác. Sử dụng kết hợp các hình thức tuyên truyền đa dạng, linh hoạt, như: tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm, đối thoại trực tiếp, tổ chức các đội tuyên truyền lưu động, hội thi tuyên truyền viên, phát hành ấn phẩm; thực hiện các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề và các bài viết, phóng sự, tin tức, tổ chức các buổi tọa đàm, game show truyền hình Ngoài ra, cần tổ chức tuyên truyền trực quan thông qua các ấn phẩm tuyên truyền: pano, khẩu hiệu, áp phích, tranh cổ động, tờ rơi, tờ gấp, sách cẩm nang với nội dung phong phú theo đặc thù kinh tế - xã hội, văn hóa của từng vùng miền. Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức đối với NLĐ, giúp họ có kiến thức và hiểu biết về pháp luật, hiểu rõ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó bao gồm các nghĩa vụ và quyền lợi về BHXH; cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nghĩa vụ và những lợi ích mà doanh nghiệp được hưởng khi thực hiện đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH. Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO cho thấy những doanh nghiệp tăng diện bao phủ BHXH lên thêm 10% sẽ có doanh thu tăng 326
  9. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA thêm từ 1,2% đến 1,5% và lợi nhuận tăng thêm tới 0,7%. Các số liệu dự tính cho giai đoạn 2006-2011 là tăng doanh thu 1,4-2,0% và tăng lợi nhuận 1,8% (Lee và Torm, 2018). Như vậy, cả NLĐ và doanh nghiệp đều có lợi từ gia tăng cung cấp bảo hiểm xã hội. Thứ hai, giải pháp về hoàn thiện hệ thống pháp luật để mở rộng cơ hội cho NLĐ tham gia hệ thống chính sách BHXH. Chính sách BHXH cần sửa đổi theo hướng hấp dẫn hơn, tạo nhiều quyền lợi hơn cho NLĐ, đặc biệt là chế độ hưu trí. Ví dụ như: Rút ngắn điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện để NLĐ thấy được lợi ích thiết thực khi tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, chấp nhận một mức lương hưu khiêm tốn còn hơn không có; Áp dụng tỷ lệ tích lũy cố định trong toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội (tỷ lệ tích lũy cố định ở mức 1,5% sẽ sát với thực tiễn quốc tế hơn, đồng thời cũng phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế về tỷ lệ hưởng tối thiểu tại thời điểm nghỉ hưu trong Công ước 102 về Quy phạm Tối thiểu về An sinh Xã hội, cụ thể là 40% cho 30 năm đóng BHXH); Cần điều chỉnh công thức tính lương hưu, từ căn cứ trên tỷ lệ tăng lương bình quân mà hiện đang áp dụng sang tính dựa trên mức tăng chỉ số giá tiêu dùng, hoặc căn cứ trên trên bình quân mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng lương, hoặc căn cứ trên các hình thức kết hợp khác giữa hai thông số này, nhằm đưa đến một kết quả thỏa mãn đồng thời hai mục tiêu là bảo tồn sức mua cho người hưởng lương hưu và cải thiện tính bền vững tài chính trong dài hạn. Quy định lại điều kiện được thanh toán BHXH một lần cho NLĐ, như: kéo dài thời gian được nhận BHXH một lần sau khi nghỉ việc; Khi NLĐ nhận trợ cấp BHXH một lần thì chỉ cho phép nhận phần NLĐ đã đóng góp vào quỹ BHXH, còn phần đóng góp của Nhà nước hoặc người sử dụng lao động đóng thì không được nhận. Trong một số trường hợp, có thể cho phép NLĐ đang tham gia BHXH mà trước đó đã được hưởng BHXH một lần được trả lại tiền đã nhận để bảo lưu thời gian đóng BHXH. Đây cũng sẽ là một hướng có thể tham khảo khi xem xét điều chỉnh quy định về BHXH một lần. Nhằm mục đích mở rộng bao phủ và đảm bảo các chế độ dài hạn thống nhất với các nguyên tắc của Công ước 102 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Quy phạm Tối 327
  10. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA thiểu về An sinh Xã hội, cần tiến tới xóa bỏ các quy định cho phép hưởng BHXH một lần trong trường hợp NLĐ ngừng đóng BHXH trước khi đến tuổi nghỉ hưu, trong đó quy định việc chi trả lương hưu định kỳ như một hình thức đảm bảo thu nhập cho NLĐ khi về già. Trong một số trường hợp, có thể áp dụng phương án mức hưởng lương hưu thấp hơn cho NLĐ có thời gian đóng BHXH chưa đủ so với thời gian quy định. Thứ ba, giải pháp về nâng cao chất lượng dịch vụ BHXH và chỉ số mức độ hài lòng của NLĐ và đơn vị sử dụng lao động khi sử dụng các dịch vụ hành chính công về BHXH. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình tham gia và giải quyết hưởng các chế độ BHXH cho NLĐ và đơn vị sử dụng lao động. Chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức và lao động. Đội ngũ cán bộ BHXH phải có đủ trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm và sự nhiệt tình; phải coi người tham gia BHXH thật sự là “khách hàng” để có được sự phục vụ họ một cách tận tâm, chu đáo. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động BHXH, từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý bảo hiểm xã hội; hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến trên mạng Internet. Sử dụng đa dạng các kênh thông tin như điện thoại, email, mạng xã hội để có thể giúp NLĐ dễ dàng tiếp cận, thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu các thủ tục tham gia, giải đáp thắc mắc Tiếp tục nâng cấp trang thông tin điện tử của ngành theo hướng hiện đại và đa dạng, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức dễ dàng tiếp cận thông tin về BHXH và các thông tin có liên quan. Mặt khác, nâng cao chất lượng dịch vụ còn là sự đảm bảo quyền lợi cho NLĐ tham gia BHXH thể hiện qua các khía cạnh như: mức trợ cấp BHXH phải đáp ứng được nhu cầu cần thiết, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống. Để có thể thực hiện được điều này, đòi hỏi cần có hệ thống các giải pháp nhằm bảo toàn và phát triển quỹ BHXH bền vững. Đó chính là những yêu cầu cần thiết phải đáp ứng để thật sự nâng cao được chất lượng dịch vụ BHXH, góp phần hạn chế tình trạng NLĐ rời bỏ hệ thống BHXH, đồng thời thúc đẩy NLĐ tham gia BHXH lâu dài. 328
  11. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ban chấp hành Trung ương (2018), Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. 2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2018), Báo cáo tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH. 3. Dror, D. M., Hossain, S. S., Majumdar, A., Pérez Koehlmoos, T. L., John, D., & Panda, P. K. (2016), What factors affect voluntary uptake of community-based health insurance schemes in low-and middle-income countries? A systematic review and meta-analysis. PLoS One, 11(8), e0160479. 4. Ippei Tsuruga (2018), An sinh xã hội và nền kinh tế phi chính thức: Mở rộng diện bao phủ BHXH tới doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hội thảo Mối liên hệ giữa tuân thủ bảo hiểm xã hội và Hiệu quả hoạt động doanh nghiệp tại Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam. 5. Kansra, P., & Gill, H. S. (2017), Role of perceptions in health insurance buying behaviour of workers employed in informal sector of India, Global Business Review, 18(1), 250-266. 6. Kituku, A. M., & Amata, E. (2016), Determinants of the uptake of NHIF medical cover by informal sector workers: a case of Unaitassacco members in Murang’a County, Journal of Public Policy and Administration, 1(1), 17-31. 7. Loan, C. T. K., & Ban, N. H. (2013), Thực trạng tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện ở thành phố Hà Tĩnh, Tạp chí Khoa học và Phát triển 2013, 115-124. 8. Mathauer, I., Schmidt, J. O., & Wenyaa, M. (2008), Extending social health insurance to the informal sector in Kenya. An assessment of factors affecting demand, The International journal of health planning and management, 23(1), 51- 68. 9. Nga, N. T. T., Xiem, C. H., & Anh, B. T. M. (2020), Universal coverage challenges: Determinants of enrolment in family-based social health insurance, International Journal of Healthcare Management, 1-7. 10. Nguyen, T. D., & Wilson, A. (2017), Coverage of health insurance among the near-poor in rural Vietnam and associated factors, International journal of public health, 62(1), 63-73. 329
  12. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA 11. Nguyen, T. P. (2020), Coping with Precariousness: How Social Insurance Law Shapes Workers' Survival Strategies in Vietnam, Law & Society Review, 54(3), 544-570. 12. Nina Torm (2018), An sinh xã hội và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp: Phân tích các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam giai đoạn 2012 đến 2016, Hội thảo Mối liên hệ giữa tuân thủ bảo hiểm xã hội và Hiệu quả hoạt động doanh nghiệp tại Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam. 13. Ogundeji, Y. K., Akomolafe, B., Ohiri, K., & Butawa, N. N. (2019), Factors influencing willingness and ability to pay for social health insurance in Nigeria, PloS one, 14(8), e0220558. 14. Phạm Đỗ Nhật Tân (2015), Những vấn đề đặt ra và giải pháp thực hiện tốt Luật BHXH sửa đổi, Tạp chí Bảo hiểm xã hội, ISSN:1859-2562, 275, 18-20 15. Thủ tướng Chính phủ (2013), Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2020. 330