Thách thức của việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội một lần đối với hệ thống bảo hiểm xã hội và người lao động ở Việt Nam

pdf 8 trang Gia Huy 23/05/2022 1970
Bạn đang xem tài liệu "Thách thức của việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội một lần đối với hệ thống bảo hiểm xã hội và người lao động ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfthach_thuc_cua_viec_thuc_hien_che_do_bao_hiem_xa_hoi_mot_lan.pdf

Nội dung text: Thách thức của việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội một lần đối với hệ thống bảo hiểm xã hội và người lao động ở Việt Nam

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA THÁCH THỨC CỦA VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN ĐỐI VỚI HỆ THỐNG BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG Ở VIỆT NAM TS. Mai Thị Dung - TS. Trịnh Khánh Chi Khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Lao động - Xã hội Tóm tắt: Bảo hiểm xã hội một lần là quyền lợi cần thiết dành cho NLĐ không đủ điều kiện để hưởng lương hưu hàng tháng. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội một lần còn bộc lộ nhiều hạn chế: số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng nhanh, chi bảo hiểm xã hội một lần ngày càng lớn. Bài viết tập trung nghiên cứu quy định về chế độ bảo hiểm xã hội một lần tại Việt Nam, thách thức của việc duy trì chế độ bảo hiểm xã hội một lần đối với hệ thống bảo hiểm xã hội và NLĐ. Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp hạn chế NLĐ nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần. Từ khóa: bảo hiểm xã hội một lần, NLĐ, thách thức 1. KHUÔN KHỔ PHÁP LUẬT VỀ CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Mục đích cơ bản của mọi hệ thống bảo hiểm xã hội đều hướng tới lợi ích lâu dài của NLĐ thông qua việc thực hiện chi trả trả trợ cấp định kỳ. Theo Công ước về quy phạm tối thiểu về an sinh xã hội C102, Điều 28 (tiêu chuẩn tối thiểu), “Trợ cấp là chế độ chi trả định kỳ ” và Công ước về Trợ cấp tàn tật, tuổi già và tiền tuất (C128), điều 17 “Chế độ (cho người già) phải được chi trả định kỳ ”. Tuy nhiên, ILO cũng khuyến cáo trong quá trình tích lũy, hệ thống bảo hiểm xã hội cần duy trì việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội một lần cho một số trường hợp cần thiết. Tại Việt Nam, nhìn theo chiều dài lịch sử, quá trình ban hành khuôn khổ pháp luật về chế độ bảo hiểm xã hội một lần được thực hiện chính thức từ quy định năm 1995, song quy định đầy đủ về điều kiện hưởng, mức hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu được ban hành và thực hiện từ Luật Bảo hiểm xã hội 2006. Cụ thể như sau: 243
  2. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA Bảng 1. Tổng hợp sự thay đổi trong quy định của pháp luật về các trường hợp NLĐ có thể nhận trợ cấp BHXH một lần Các trường hợp NLĐ có thể nhận Quy định Luật BHXH Luật BHXH Nghị trợ cấp BHXH một lần năm 1995 2006 2014 định 115 Đã đến tuổi nghỉ hưu mà không đủ điều kiện     hưởng lương hưu NLĐ đi định cư ở nước ngoài    NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở    lên và có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm NLĐ đã ngừng đóng BHXH từ một năm trở lên Không quy    và có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm định thời gian chờ Quân nhân xuất ngũ, thôi việc mà chưa đủ điều    kiện hưởng lương hưu Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp Chế độ hưởng bảo hiểm xã hội một lần hiện nay được quy định tại Điều 60 (Luật BHXH 2014) và được hướng dẫn chi tiết ở Nghị quyết 93/2015/QH13, Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và Điều 19 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau: Về điều kiện hưởng NLĐ được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp sau: - Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH; - Đủ 55 tuổi mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện (đối với lao động nữ hoạt động ở xã, phường, thị trấn); - Ra nước ngoài để định cư; - Người đang bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế; - Công an, bộ đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Về mức hưởng Khi đủ điều kiện, mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được xác định là: mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được nhận 1,5 tháng mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014, nhận 2 tháng mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. 244
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA Ví dụ: Một NLĐ có mức lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội là 5.000.000 đồng, số năm đóng bảo hiểm xã hội là 10 năm, trong đó có 5 năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 có mức hưởng: 5,000,000 x (5 năm x 1.5 + 5 năm x 2) = 87.500.000 VND Về hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần Theo Điều 109 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần gồm: - Sổ bảo hiểm xã hội; - Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Ngoài ra, các đối tượng đặc thù như người ra nước ngoài định cư, người đang mắc bệnh nguy hiểm tới tính mạng phải bổ sung các giấy tờ khác theo quy định chứng minh đủ điều kiện hưởng. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người đủ điều kiện hưởng, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết và tổ chức chi trả bảo hiểm cho NLĐ. 2. THÁCH THỨC CỦA VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN TẠI VIỆT NAM Một là, thách thức đối với hệ thống bảo hiểm xã hội. Trong thời gian vừa qua, số lao động xin hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần ngày càng lớn, trung bình mỗi năm có khoảng 700.000 người xin hưởng BHXH một lần, đặc biệt con số này lên tới 807.089 người năm 2019. Hình 1. Số đối tượng hưởng trợ cấp BHXH một lần giai đoạn 2017-2019 Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam So sánh mức độ gia tăng số lao động xin hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng năm với mức độ gia tăng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong giai đoạn 2017-2019, 245
  4. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA số lao động tham gia bảo hiểm xã hội lần lượt là: 13.596.146 người năm 2017, 14.455.069 người năm 2018 và 15.199.985 người năm 2019 cho thấy trung bình hàng năm có khoảng 800.000 lao động mới tham gia vào hệ thống thì đồng thời có hơn 700.000 lao động rút ra khỏi hệ thống thông qua việc xin hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần. Kết quả là khó đảm bảo an sinh xã hội và chính các đối tượng này sẽ không có điểm tựa lương hưu khi về già. Điều đặc biệt là xét theo độ tuổi, nhiều lao động trẻ còn thời gian công tác, làm việc và đóng BHXH dài nhưng xin nhận trợ cấp BHXH một lần. Trong số trung bình 700.000 lao động xin hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần hàng năm, số lao động đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ chiếm trung bình 0,5%, còn lại chủ yếu là lao động hưởng trong trường hợp đã dừng đóng bảo hiểm xã hội 1 năm và đã đóng bảo hiểm xã hội ít hơn 20 năm. Nói cách khác, phần lớn NLĐ hưởng bảo hiểm xã hội một lần hiện nay là lao động chưa có thời gian đóng góp, tích lũy nhiều. Hình 2. Số lao động nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần theo độ tuổi Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam Như vậy, có tới 91% số lao động nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần dưới 40 tuổi. Điều này kéo theo mức nhận thấp, dao động từ 8 đến 20 triệu đồng cho toàn bộ thời gian đã tích lũy được. Việc NLĐ xin nhận trợ cấp một lần khi tuổi đời còn trẻ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của họ khi về già, giảm khả năng tích lũy trong tương lai cũng như ảnh hưởng đến khả năng mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội và đảm bảo tính bền vững của hệ thống bảo hiểm xã hội nói riêng và hệ thống an sinh xã hội nói chung trong tương lai. 246
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA Hai là, thách thức đối với NLĐ. Lựa chọn nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thay vì tiếp tục tích lũy để đủ điều kiện nhận lương hưu hàng tháng khiến NLĐ gặp một số bất lợi sau: - Số tiền nhận được ít hơn số tiền đã đóng và ít hơn mức lương hưu hàng tháng Khoản 2 điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức hưởng bảo hiểm xã hội mỗi năm được nhận 1,5 tháng mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014, nhận 2 tháng mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Trong khi đó, theo quy định tại điều 5 quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 của bảo hiểm xã hội Việt Nam, hàng tháng NLĐ đóng 8% tiền lương vào quỹ hưu trí, tử tuất, người sử dụng lao động đóng 14% tổng quỹ lương. Quy đổi số tiền đóng vào quỹ hưu trí tử tuất một năm của NLĐ tương đương 2,64 tháng lương. Như vậy, NLĐ bị thiệt mất 0,64 tháng lương. So với mức hưởng lương hưu hàng tháng khi đủ điều kiện, xét ở mức tối thiểu nhất là 55% mức lương đóng bảo hiểm xã hội, một năm NLĐ được lĩnh khoảng 6,6 tháng lương. NLĐ hưởng trung bình 8 năm sau khi nghỉ hưu là đã hơn số tiền nhận trợ cấp một lần, trong khi thời gian hưởng lương hưu tính trung bình là 25,3 năm (nam 24,9 năm và nữ 27,4 năm). - Không được cộng nối thời gian tham gia bảo hiểm xã hội Theo quy định tại điều 61 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, NLĐ nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Điều này đồng nghĩa với thực tế là khi đã nhận bảo hiểm xã hội một lần, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội sau này sẽ được tính mới, làm ảnh hưởng đến thời gian tích lũy để xác định điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng. - Không được hưởng lương hưu hàng tháng Khi nhận bảo hiểm xã hội một lần thì NLĐ sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già và sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. - Có thể không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí Ngoài lương hưu, căn cứ khoản 1 điều 2 nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, người được nhận lương hưu được nhận thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (bằng 4,5% mức lương hưu). NLĐ đã nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần dẫn tới không đủ điều 247
  6. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA kiện hưởng lương hưu thì đương nhiên cũng không còn quyền lợi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. - Mất cơ hội có thêm khoản tiền khi về già Theo quy định “mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng”, theo đó mức lương hưu hàng tháng của NLĐ cao hay thấp tùy thuộc vào thời gian đóng và tiền lương đóng khi còn làm việc. Tuy nhiên, Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nêu rõ “Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách Nhà nước và quỹ BHXH”. Thực tế trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã 12 lần điều chỉnh lương hưu hàng tháng với mức tăng thêm từ 207,1% đến 298,59%. Trong đó, riêng đối với những người nghỉ hưu có mức lương hưu thấp, triển khai Nghị quyết số 99/2015/QH13 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016, theo đó từ ngày 01/01/2016, tăng thêm 250.000 đồng/người/tháng đối với người hưởng lương hưu có mức lương hưu dưới 2 triệu đồng/tháng và tăng thêm 150.000 đồng/người/tháng đối với người hưởng trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hàng tháng với mức trợ cấp dưới 2 triệu đồng/tháng. Như vậy, NLĐ nhận trợ cấp một lần thay vì tích lũy cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng bị mất cơ hội có thêm khoản tiền do Chính phủ thực hiện điều chỉnh lương hưu hàng tháng. - Ảnh hưởng đến chế độ tử tuất Theo khoản 1 điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người đang hưởng lương hưu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở và thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (tối đa 4 người) cho đến khi trưởng thành (nếu là con) hoặc hưởng đến khi chết (nếu là vợ, chồng hoặc cha, mẹ đã hết tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương cơ sở); trường hợp nhận trợ cấp tuất một lần thì mức trợ cấp được tính như bảo hiểm xã hội một lần. 3. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT NHẰM HẠN CHẾ SỐ LAO ĐỘNG NHẬN TRỢ CẤP BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Tình trạng số lao động xin hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần gia tăng và duy trì ở mức cao so với số người hưởng bảo hiểm xã hội mỗi năm và so với số NLĐ tham gia mới trong năm trong thời gian qua đã tác động tiêu cực đến việc mở rộng phạm vi bao phủ của bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần tập trung trong nhóm lao động trẻ sẽ tác động nhiều hơn đến mức độ bảo vệ thu 248
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA nhập khi về già. Khi NLĐ nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, nghĩa là toàn bộ quá trình đóng góp trước đó của họ được tính toán vào số tiền trợ cấp một lần, sẽ dẫn đến rủi ro thiếu khoản trợ cấp định kỳ cần thiết khi NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu. Việc vừa duy trì chế độ bảo hiểm xã hội một lần cho những trường hợp cần thiết, vừa đảm bảo quyền lợi cho NLĐ trong bối cảnh bền vững tài chính là bài toán khó chưa có lời giải đối với nhiều quốc gia. Để khắc phục những vấn đề về mất cân đối hệ thống bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí, nhằm ổn định hệ thống an sinh xã hội, phát triển bền vững các quỹ bảo hiểm xã hội, rất cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả thông qua các chính sách đối với chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Một là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NLĐ về bảo hiểm hưu trí Hoạt động tuyên truyền cần được xây dựng thành chiến lược, hướng tới đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, cập nhật nội dung để tác động tới nhận thức của NLĐ về bảo hiểm xã hội. NLĐ ý thức rằng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chính là thành quả của quá trình lao động, là một khoản tích lũy của bản thân. Vậy tại sao khi còn trẻ, còn khả năng lao động để tạo thu nhập thì lại phải sử dụng đến “của để dành” cho những nhu cầu trước mắt để khi về già không còn khả năng lao động tạo thu nhập thì lại không có thu nhập, trở thành gánh nặng không chỉ cho gia đình mà còn cho cả xã hội. Điều này làm ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững của Đảng và Nhà nước. Hai là, tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội Thiếu sự tin tưởng vào các cơ quan Nhà nước và sự không chắc chắn về tính bền vững của quỹ bảo hiểm xã hội cũng có thể dẫn đến việc khó có thể khuyến khích NLĐ duy trì đóng góp. Đặc biệt, trước hàng loạt những quy định về tăng mức lương đóng, thay đổi điều kiện hưởng lương hưu; chi phí quản lý bộ máy bảo hiểm xã hội gia tăng đột biến; nguy cơ mất cân đối quỹ hưu trí, tử tuất trong tương lai gần làm giảm niềm tin vào hệ thống, NLĐ thiếu động lực đóng góp. Chính phủ cần nghiên cứu để tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội như: - Rút ngắn điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu, - Tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để NLĐ thấy được lợi ích thiết thực khi tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, - Tăng cường cải cách hành chính, tư vấn, hỗ trợ, khuyến khích NLĐ duy trì tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội. 249
  8. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA - Khuyến khích NLĐ duy trì đóng bảo hiểm xã hội hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội thông qua những quyền lợi trước mắt, ví dụ như kinh nghiệm của Trung Quốc, NLĐ đóng bảo hiểm xã hội có bố/mẹ ngoài độ tuổi lao động mà không có lương hưu hoặc lương hưu dưới mức quy định thì bố/mẹ NLĐ được nhận trợ cấp hưu trí. Ba là, hạn chế điều kiện để NLĐ được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần - Chính phủ nghiên cứu tính toán quy định khi NLĐ nhận trợ cấp một lần thì chỉ nhận phần NLĐ đóng, còn phần Nhà nước hoặc người sử dụng lao động đóng thì không được nhận. Như vậy mới hạn chế NLĐ xin hưởng bảo hiểm một lần. Quy định này tương tự quy định đối với người tham gia BHXH tự nguyện khi nhận BHXH một lần thì anh chỉ được nhận phần tiền đóng góp của anh, còn phần hỗ trợ của Nhà nước thì để lại trong quỹ (trừ trường hợp mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng). Nhà nước nghiên cứu để NLĐ đã nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần được đóng trở lại. Ngoài số tiền họ đã được nhận một lần, NLĐ đóng thêm tiền lãi phát sinh, có thể tiền lãi được tính dựa trên lãi suất mà quỹ bảo hiểm xã hội cho vay đầu tư, và quy định cụ thể NLĐ nghỉ từ thời điểm nào, nhận từ thời điểm nào thì được đóng trở lại. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội (2015), Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH Quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. 2. Chính phủ (2015), Nghị định 115/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. 3. ILO. (2019), Summary note on options for the design of a multi-tier pension system in Viet Nam. 4. Ippei Tsuruga (2019), Rủi ro của việc duy trì chế độ rút BHXH một lần. 5. Nguyễn Quỳnh Anh (2019), Các thách thức trong việc mở rộng bao phủ an sinh xã hội sang khu vực phi chính thức. 6. Pham Thi Hien (2013), Limitations of the lump-sum package contract policy in implementation of scientific and technological tasks funded by state budget. 7. Quốc hội (2015), Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH15 250