Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam gắn liền với phát triển bền vững

pdf 8 trang Hùng Dũng 04/01/2024 1520
Bạn đang xem tài liệu "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam gắn liền với phát triển bền vững", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnang_cao_chat_luong_nguon_nhan_luc_nganh_du_lich_viet_nam_ga.pdf

Nội dung text: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam gắn liền với phát triển bền vững

  1. 1 NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM GẮN LIỀN VỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ThS. Đinh Việt Phương Viện Du lịch – Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM Tóm tắt Du lịch Việt Nam luôn là lựa chọn tuyệt vời đối với khách du lịch quốc tế với đường bờ biển dài hơn 3260km, những khu bảo tồn thiên nhiên đầy lý thú, những thành phố nhiều sắc màu, những di tích lịch sử hào hùng, nền văn hóa độc đáo, cùng danh sách những món ăn thuộc top ngon nhất thế giới do nhiều tổ chức và tạp chí du lịch quốc tế bình chọn. Thời gian gần đây, du lịch Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu tăng trưởng khả quan với với tốc độ tăng trưởng trung bình 7% năm. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Tổng cục du lịch, hiện Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trong top đầu các nước có tốc độ tăng trưởng du lịch cao trên Thế giới nhưng số lượng khách quốc tế đến Việt Năm chỉ khiêm tốn xếp giữa bảng xếp hạng trong khu vực ASEAN và chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong bảng xếp hạng quốc tế. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này nằm ở chất lượng lao động du lịch đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế. Dưới góc độ quản lý kinh tế địa phương, khu vực hay quốc gia muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cần chú ý đến các nguồn lực bao gồm: tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn, khoa học - công nghệ, con người Trong đó, nguồn lực con người hay còn gọi là nguồn nhân lực được xem là yếu tố quan trọng và có tính chất quyết định nhất. Hiện nay có khá nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm liên quan đến nguồn nhân lực. Theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc (UN) thì “Nguồn nhân lực là tất cả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực và tính sáng tạo của con người có quan hệ tới sự phát triển của mỗi cá nhân và của đất nước”. Còn theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thì: “Nguồn nhân lực của một quốc gia là toàn bộ những người trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động”. Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là một bộ phận của nguồn nhân lực nói chung, nhưng là một bộ phận đặc biệt, bao gồm những người có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên đang làm việc trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, có những đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển bền vững của cộng đồng nói riêng và toàn xã hội nói chung. 1
  2. 2 Nguồn nhân lực chất lượng cao là một bộ phận không thể tách rời khỏi nguồn nhân lực quốc gia, khi quốc gia đó chuyển dần cơ cấu sang nền kinh tế dựa trên tri thức là trọng yếu. Trong xu hướng hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm gia tăng giá trị cho con người cả về vật chất, tinh thần, trí tuệ, kỹ năng, làm tươi mới năng lực và phẩm chất để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cho phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của một quốc gia chính là sự thay đổi số lượng và chất lượng về kiến thức, kỹ năng, thể lực và tinh thần; là quá trình tạo lập và sử dụng năng lực toàn diện của con người cho phát triển kinh tế - xã hội cùng sự hoàn thiện của mỗi cá nhân. Hiện tại, Việt Nam đang sở hữu một nguồn nhân lực khá dồi dào về số lượng nhưng lại rất hạn chế về mặt chất lượng. Năm 2015, cả nước có khoảng 14.000 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học; 1.432 giáo sư; 7.750 phó giáo sư; 16.000 thạc sĩ; 30.000 cán bộ hoạt động khoa học và công nghệ; 52.129 giảng viên đại học, cao đẳng, trong số đó 49% giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ trở lên. Đồng thời, cả nước hiện có 14.000 giáo viên trung cấp chuyên nghiệp; 11.200 giáo viên dạy nghề và 925.000 giáo viên hệ phổ thông. Trong số 9.000 tiến sĩ được điều tra thì có 70% giữ chức vụ quản lý, chỉ có 30% thực sự làm công tác chuyên môn. Theo kết quả điều tra gần đây, hiện tại ở nước ta 63% số sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm, nhiều cơ quan, doanh nghiệp nhận sinh viên vào làm việc phải mất từ 1 đến 2 năm đào tạo lại. Trong số 37% sinh viên ra trường có việc làm thì về cơ bản cũng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc Rõ ràng là chất lượng nguồn nhân lực của nước ta chưa cao, có sự mâu thuẫn giữa lượng và chất của nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay đạt mức 3,39/10 điểm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 73 trong tổng số 133 quốc gia được xếp hạng. Cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực ở nước ta cũng có sự mất cân đối nghiêm trọng: cứ 1 cán bộ tốt nghiệp đại học thì có 1,16 cán bộ tốt nghiệp trung cấp và 0,92 công nhân kỹ thuật. Trong khi đó, tỷ lệ này của thế giới tương ứng là 4 và 12. Ở Việt Nam, cứ 1 vạn dân thì có 181 sinh viên đại học, trong khi đó của thế giới là 100 và Trung Quốc là 140 Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta lại phân bố đồng đều theo vị trí địa lý: 92,2% cán bộ có trình độ tiến sĩ trở lên tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, số cán bộ có trình độ từ tiến sĩ trở lên ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ chiếm chưa tới 1%. Trong số giáo sư và phó giáo sư, có tới 86,2% ở Hà Nội; 9,5% ở Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương còn lại chưa tới 4,3%. Những năm gần đây, ở Việt Nam mỗi năm có hàng trăm ngàn sinh viên đại học, hàng chục ngàn học viên cao học, nghiên cứu sinh. Tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên tăng từ 3,8% trong tổng lực lượng lao động năm 2002 lên khoảng 6.2% trong năm 2013 Nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta đang còn rất nhiều vấn đề bất cập. Số lượng lao động qua đào tạo ở trình độ từ đại học trở lên ngày 2
  3. 3 một gia tăng, nhưng chất lượng của lao động qua đào tạo, khả năng thích ứng công việc và phát huy kết quả đào tạo của số lao động này lại rất thấp. [1] Du lịch đã và đang trở thành một nhu cầu tất yếu của cuộc sống hiện đại và được đưa vào nhóm ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia trên Thế giới. Thực tế, theo số liệu thống kê của Tổ chức du lịch Thế giới ngành du lịch đóng góp 10% vào GDP toàn thế giới, cụ thể với đóng góp 1.5 ngàn tỷ USD trong tổng giá trị xuất khẩu toàn thế giới. Cũng trong năm 2015, du lịch quốc tế với tốc độ gia tăng số lượng khách du lịch quốc tế vào khoảng 4.6% đạt 1,184 triệu lượt khách. Gần đây, du lịch Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu tăng trưởng khả quan với với tốc độ tăng trưởng trung bình 7% năm. Theo số liệu thống kê của Tổng cục du lịch, hiện Việt Nam đứng thứ 5 trong các nước ASEAN về số lượng khách du lịch quốc tế đến với 7,94 lượt năm 2015, nhưng chỉ bằng 27% số lượng khách của Thái Lan (29,88 triệu), bằng 31% so với Malaysia (25,70 triệu), 52% so với Singapore (15,23 triệu). Như vậy có thể nói với tốc độ tăng trưởng trong top đầu các nước có tốc độ tăng trưởng du lịch cao trên Thế giới nhưng số lượng khách quốc tế đến Việt Năm chỉ khiêm tốn xếp giữa bảng xếp hạng trong khu vực ASEAN và chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong bảng xếp hạng quốc tế. Điều này đang trở thành một thách thức với ngành du lịch Việt Nam khi từng được UNESCO công nhận 22 di sản Thế giới tại Việt Nam với nhiều điểm du lịch và cơ sở lưu trú lọt top những địa điểm du lịch đáng mơ ước hoặc top những khách sạn, resort đẹp nhất Thế giới do các tổ chức, tạp chí du lịch quốc tế bình chọn như Rough guides (Anh), Trip Advisor (Mỹ), Business Insider (Mỹ), The Richest Những nhận định trên có thể thấy vai trò của các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ trong du lịch sẽ là một trong những đòn bẩy để du lịch Việt Nam có thể rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực và trên Thế giới. Bài tham luận nhằm mục đích xác định các yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành du lịch bao gồm thực trạng và đề xuất giải pháp đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của địa phương và khu vực, vùng miền. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Du lịch mỗi năm ngành Du lịch Việt Nam cần thêm 40.000 lao động nhưng sinh viên ra trường chỉ khoảng 15.000 người, trong đó hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực này vẫn chưa đạt yêu cầu của doanh nghiệp dẫn đến tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu lao động trong ngành Du lịch. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR) với tốc độ tăng trưởng là 6,2%/năm trong giai đoạn 2011-2015, đến hết năm 2015, nhu cầu nhân lực làm việc trực tiếp (hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour, lễ tân ) trong ngành ước cần 620.000 người. Và 5 năm nữa, con số này lên đến 870.000 lao động trực tiếp với tốc độ 3
  4. 4 tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020 là 7,0%/năm. Hiện nay, có khoảng 50 vạn lao động trực tiếp và trên 1 triệu lao động gián tiếp trong ngành này [2]. Đồng thời, ngành Du lịch hiện được đánh giá là ngành có nhu cầu nhân sự cao gấp 2-3 lần so với các ngành trọng điểm khác như giáo dục, y tế, tài chính Riêng tại TP.HCM, một trung tâm lớn về du lịch, đặc biệt với nhiều tiềm năng về du lịch MICE, nhu cầu từ nay đến 2020, mỗi năm cần khoảng 21.600 lao động. Cũng theo quan sát và kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch Việt Nam, lao động trong ngành du lịch hiện nay ở nước ta về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của ngành dịch vụ nói chung. Tuy nhiên, so với yêu cầu của hội nhập, phát triển, cạnh tranh trên thế giới, đặc biệt trong khu vực dịch vụ cao cấp - tiêu chuẩn khách sạn từ 3 đến 5 sao hoặc hơn nữa, nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu trong môi trường có tính cạnh tranh cao, còn thiếu nhiều ở kỹ năng quản trị toàn cầu và quản trị chuỗi giá trị đặc thù của ngành. Một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng chất lượng nguồn nhân lực du lịch chỉ đáp ứng được mức cơ bản còn ở phân khúc chất lượng cao thì còn nhiều khiếm khuyết ở kiến thức, kỹ năng và thái độ như sau: • Nhân lực ngành du lịch hiện nay được đánh giá là không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp vì việc đào tạo tại các trường đặt nặng kiến thức lý thuyết quá nhiều, trong khi ngành du lịch là một ngành dịch vụ đặc thù cần chú trọng thực hành trong môi trường thực tế. Cụ thể, thời gian thực tập tại các doanh nghiệp chưa đảm bảo cung cấp cho người học đủ thời gian tích lũy kiến thức và kỹ năng thực hành dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường hầu như không có kinh nghiệm gì. Trong khi đó tại các quốc gia hàng đầu về du lịch - khách sạn như Thụy sĩ, Singapore, Australia, thời gian thực tập tại các doanh nghiệp phải được sắp xếp tương đương thời gian học lý thuyết. • Tình trạng mất cân bằng giữa nguồn nhân lực có kỹ năng nghiệp vụ và kỹ năng ngoại ngữ dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực chưa hoàn chỉnh để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp. • Khả năng làm việc theo nhóm, tính chuyên nghiệp, năng lực sử dụng ngoại ngữ là công cụ giao tiếp và làm việc của nguồn nhân lực du lịch còn rất hạn chế. Trong môi trường làm việc có yếu tố nước ngoài, ngoại ngữ, hiểu biết văn hoá thế giới luôn là điểm yếu của lao động Việt Nam nói chung và trong ngành du lịch nói riêng. • Tinh thần trách nhiệm làm việc, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân, ý thức văn hoá công nghiệp, kỷ luật lao động của một bộ phận đáng kể sinh viên mới ra 4
  5. 5 trường chưa cao. Điều này một phần dẫn đến năng suất lao động còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Dưới góc độ giáo dục và đào tạo thì giáo dục và đào tạo về du lịch ở Việt Nam hiện nay đang do một số lượng lớn các trường Giáo dục và đào tạo Nghề Du lịch công lập, gần 60 trường đại học và một số các cơ sở dân lập thực hiện. Theo Bộ VHTTDL, số lượng giảng viên chính trong các trường đại học và cao đẳng công lập là 1,460 người và hơn 600 giảng viên cộng tác. Có 2,579 đào tạo viên du lịch có chứng chỉ do Hội đồng cấp Chứng chỉ Du lịch Việt Nam (VTCB) cấp. Thực tế, bên cạnh những đóng góp tích cực về đào tạo ngành du lịch, cũng phải thẳng thắn thừa nhận một số nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo du lịch chưa cao xuất phát từ phía các nhà quản lý giáo dục, đào tạo mà cụ thể vai trò của các trường đào tạo, huấn luyện nhân lực ngành du lịch. Đặc biệt, thỏa thuận ASEAN Mutual Recognition Arrangement (MRA) on Tourism Professionals - Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch đã chính thức có hiệu lực trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 mang đến nhiều cơ hội làm việc tại nước ngoài trong khu vực ASEAN cho nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp với mức thù lao tốt. Tuy nhiên thỏa thuận này cũng mang đến nhiều thách thức cho chính thị trường lao động tại Việt Nam dưới áp lực cạnh tranh của lực lượng lao động từ các quốc gia khối ASEAN. Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch sẽ đưa ra cơ chế thỏa thuận về tính tương đương của các thủ tục chứng nhận và trình độ chuyên môn du lịch trong ASEAN. Khi các quốc gia ASEAN công nhận trình độ của nhau sẽ khuyến khích mở cửa và tự do hóa thị trường lao động du lịch trong khu vực và thúc đẩy khả năng cạnh tranh của ngành du lịch trong mỗi quốc gia ASEAN; đồng thời thu hút nguồn nhân lực giỏi cần thiết bù đắp sự thiếu hụt lao động có tay nghề tại một quốc gia thành viên. Lao động đủ điều kiện để làm việc ở một quốc gia ASEAN sẽ phải tuân theo pháp luật hiện hành trong nước và các quy định của nước sở tại [3]. Có thể dễ dàng nhận thấy, thỏa thuận MRA mở ra cánh cổng luân chuyển lao động các ngành nghề được công bố nói chung và trong du lịch nói riêng trong cộng đồng các quốc gia thành viên ASEAN. Điều này sẽ tăng cơ hội cho lao động ngành du lịch Việt Nam được cọ xát với mọi trường quốc tế, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp với mức thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên sẽ không ít lao động ngành du lịch chịu tác động trực tiếp của việc cạnh tranh việc làm trên chính thị trường nội địa khi lao động tại các quốc gia thành viên ASEAN được quyền làm việc tại Việt Nam theo thỏa thuận MRA. Bởi một trong những điểm yếu của lao động ngành du lịch Việt Nam đó là: Khả năng sử dụng ngoại ngữ hiện đang là rào cản và là một trong những hạn chế của lao động ngành du lịch vì thế lực lượng lao động ngành du lịch trong nước cần hoàn thiện các kỹ năng về ngoại ngữ để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay. 5
  6. 6 Như đã nói ở trên chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam hiện nay vẫn chưa đạt yêu cầu của doanh nghiệp dẫn đến tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu lao động trong ngành Du lịch. Vì thế để có thể phát triển nguồn nhân lực du lịch các cơ sở đào tạo cần thay đổi chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy để bắt kịp xu hướng phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể:  Chương trình đào tạo, giảng dạy cần bám sát với thực tế đồng thời cần có sự tham khảo và tinh chỉnh theo tiêu chí giảng dạy những gì những trường đào tạo ngành du lịch trên Thế giới đang dạy phù hợp với bối cảnh lịch sử-văn hóa của Việt Nam. Tài liệu học tập, giáo trình, bài giảng cần được thường xuyên cập nhật, chuẩn hóa về nội dung. Phương pháp đào tạo của các trường cao đẳng, đại học nên cố gắng đổi mới theo hướng nâng cao tính chủ động, sáng tạo của sinh viên, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng chuyển sang đào tạo theo tín chỉ. Đội ngũ giảng viên cần tuyển chọn đúng chuyên ngành du lịch, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và có kinh nghiệm thực tế nhằm truyền đạt kiến thức lý thuyết và thực tế một cách đầy đủ và xác thực với thị trường du lịch nhiều biến động.  Tăng thời lượng thực hành thực tập tại các DN tương đương với thời lương giảng dạy lý thuyết. Hiện nay, không ít doanh nghiệp sẵn sàng bắt tay với các cơ sở đào tạo để thiết lập mạng lưới hỗ trợ thực tập, huấn luyện cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường bằng việc nhận thực tập, làm việc part-time hay tài trợ học bổng để thu hút nhân tài.  Khuyến khích người học trau dồi ngoại ngữ bên cạnh tiếng Anh. Đặc biệt là các nhóm tiếng có số lượt khách du lịch quốc tế tăng nhanh hàng năm như tiếng Hoa, Nhật, Hàn và thị trường tiếng hiếm như Đức, Italia, Pháp, Tây Ban Nha nhằm thu hút lượng khách du lịch từ các quốc gia vừa được Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP về việc miễn thị thực đơn phương cho công dân ngày 18/6/2015 vừa qua.  Bên cạnh đó nguồn nhân lực du lịch Việt Nam cần được trang bị các kỹ năng mềm (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, ) bên cạnh kỹ năng nghiệp vụ và kỹ năng ngoại ngữ. Mặt khác, chính bản thân sinh viên ngành du lịch cũng nên chủ động tìm hiểu về ngành nghề, chủ động tham khảo tư vấn lựa chọn cấp học cho phù hợp với định hướng phát triển nghề nghiệp trước khi đăng ký chọn khóa học và trường đào tạo. Chủ động nâng cao đạo đức nghề nghiệp gắn liền với phát triển bền vững, tinh thần làm việc chuyên nghiệp (kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp và trưởng thành trong thái độ, cách cư xử ở nơi 6
  7. 7 làm việc) cùng năng suất lao động cao. Lựa chọn bồi dưỡng thêm ngoại ngữ cho phù hợp với thế mạnh của bản thân bên cạnh tiếng Anh – ngôn ngữ phổ biến nhất trong ngành du lịch. Cuối cùng, doanh nghiệp sử dụng lao động ngành du lịch cần chủ động trong việc định hướng, phát triển chính sách nhân sự bền vững. Cụ thể hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo ngành du lịch để lựa chọn và đào tạo những nhân sự tiềm năng, gắn bó lâu dài với công ty thông qua chương trình huấn luyện cùng chính sách đãi ngộ phù hợp, tương xứng mong muốn của người lao động và công bằng trên thị trường. Sẵn sàng tạo điều kiện nhằm mục đích ươm mầm thế hệ tương lai theo định hướng phát triển bền vững. Đồng thời, triết lý kinh doanh phải đảm bảo khai thác tài nguyên du lịch một cách có chọn lọc, phù hợp với khả năng khai thác hiện tại và duy trì cho các thế hệ mai sau. Về cơ bản, khái niệm phát triển bền vững lao động ngành du lịch nên được hiểu theo cả hai nghĩa: thứ nhất là xây dựng nền tảng vững chắc về nhân sự thông qua chương trình đào tạo, huấn luyện cùng cơ chế chính sách đãi ngộ thỏa đáng, thứ hai theo đúng nghĩa phát triển du lịch bền vững tức là “Du lịch bền vững là việc đáp ứng các nhu cầu hiện tại của du khách và vùng du lịch mà vẫn đảm bảo những khả năng đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ du lịch tương lai” theo định nghĩa của Hội đồng du lịch và lữ hành Thế giới (WTTC, 1996). Cần phổ biến rộng rãi hơn nữa về khái niệm phát triển du lịch bền vững cho cả người học, cơ sở đào tạo cùng doanh nghiệp kinh doanh du lịch để cùng nhau chung sức khai thác có chọn lọc phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn tài nguyên du lịch một cách bền vững (bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên, xã hội và văn hóa) cũng như duy trì khả năng khai thác cho thế hệ tương lai. Tóm lại, vai trò của các cơ sở đào tạo ngành du lịch cần phải được phát huy hơn nữa trong thế chủ động hợp tác, liên kết với các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở Nhà nước liên quan đến ngành du lịch các cấp từ địa phương đến TW cùng các doanh nghiệp trong ngành để cùng nhau xây dựng lực lượng lao động ngành du lịch chất lượng cao đáp ứng với nhu cầu phát triền ngày càng cao của ngành và khai thác tiềm năng du lịch của đất nước một cách bền vững. 7
  8. 8 Tài liệu tham khảo [1] PGS, TS. Đường Vinh Sường, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2014, Giáo dục đào tạo với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay, www.tapchicongsan.org.vn (ngày truy cập 10/09/2016) [2] Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NCSEIF), www.ncseif.gov.vn (ngày truy cập 09/09/2016) [3] Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN (MRA) về Nghề Du lịch 8