Nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Nha Trang – Khánh Hòa

pdf 10 trang Gia Huy 18/05/2022 2480
Bạn đang xem tài liệu "Nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Nha Trang – Khánh Hòa", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnang_cao_nang_luc_canh_tranh_cua_diem_den_du_lich_nha_trang.pdf

Nội dung text: Nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Nha Trang – Khánh Hòa

  1. NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH NHA TRANG – KHÁNH HÒA ENHANCING THE COMPETITIVENESS OF NHA TRANG – KHANH HOA DESTINATION Huỳnh Cát Duyên Đỗ Thị Thanh Vinh Trường Đại học Nha Trang Tóm tắt Nghiên cứu này sử dụng phương pháp nghiên cứu Delphi để đánh giá năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Nha Trang – Khánh Hòa trong tương quan so sánh với các điểm đến có cùng tiềm năng khác như Hạ Long, Đà Nẵng và Vũng Tàu. 11 chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đã được phỏng vấn để đánh giá năng lực cạnh tranh của các điểm đến thông qua 5 nhóm tiêu chí được xây dựng dựa trên Bộ tiêu chí của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Kết quả nghiên cứu đã cung cấp những thông tin hữu ích cho các nhà quản lý chính sách, các đơn vị kinh doanh du lịch tại địa phương trong việc đưa ra các hoạch định chiến lược phát triển du lịch nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Nha Trang – Khánh Hòa. Từ khóa: Điểm đến du lịch, năng lực cạnh tranh, chuyên gia Abstract This study is to apply the Delphi research method to identify the competitiveness of Nha Trang destination compared with the same potential destinations such as Ha Long, Da Nang and Vung Tau. Eleven tourism experts were interviewed to assess the competitiveness of the destinations on 5 groups of indicators in accordance with the norms of the World Economic Forum (WEF). The result provides implications for tourism policy makers and tourism businesses in formulating tourism development strategy to enhance the competitiveness of Nha Trang - Khanh Hoa destination. Keywords: tourist destination, competitiveness, experts 327
  2. 1. Giới thiệu Trong thời gian qua, việc nghiên cứu về năng lực cạnh tranh trong ngành du lịch ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý chính sách du lịch, các nhà khoa học trên thế giới vì nó được coi là một trong những nhân tố quan trọng dẫn đến thành công của các điểm đến du lịch. Nhiều nghiên cứu đã sử dụng phương pháp định tính kết hợp với định lượng để tiến hành thu thập dữ liệu phân tích năng lực cạnh tranh của điểm đến (Kozak và Rimmington, 1999; Crouch và Ritchie, 2003; Crouch 2007). Mỗi điểm đến du lịch nên phát huy lợi thế riêng phù hợp với điều kiện tự nhiên và cơ cấu ngành du lịch tại điểm đến đó gắn với việc so sánh với các sản phẩm du lịch thay thế tại các điểm đến khác trong khu vực (Kozak và Rimmington, 1999). Để một điểm đến du lịch phát triển bền vững cần phải tạo ra được sự khác biệt (Angelkova, 2012). Ông đã nhấn mạnh tính bền vững của du lịch đòi hỏi phải có sự hợp tác liên kết trong chuỗi cung ứng du lịch: giữa các công ty du lịch, các điểm du lịch và các cơ quan nhà nước, giữa khu vực và địa phương để có thể kiểm soát được những thách thức, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh. Dựa trên mô hình khái niệm chung về năng lực cạnh tranh điểm đến của Crouch và Ritchie (2003), Crouch (2007) đã phát triển một cái nhìn chuyên sâu về các thuộc tính có tầm quan trọng và có tác động mạnh nhất nhằm tạo nên năng lực cạnh tranh của một điểm đến du lịch. Tác giả mong muốn nghiên cứu này sẽ giúp các nhà quản lý phát triển các chính sách du lịch nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các điểm đến du lịch và phát triển du lịch theo hướng bền vững. Tại Việt Nam, vấn đề năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của ngành và của doanh nghiệp đã được quan tâm nghiên cứu trong thời gian qua, tuy nhiên theo hiểu biết của tác giả những công trình nghiên cứu liên quan đến năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch còn ít. Các tác giả đã tập trung làm rõ khái niệm về năng lực cạnh tranh của điểm đến, các mô hình đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến (Bùi Xuân Nhàn, 2008; Nguyễn Đình Hòa, 2010; Nguyễn Thị Thu Vân, 2012). Nghiên cứu trước đã sử dụng Bộ tiêu chí của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) để đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh điểm đến của du lịch Việt Nam so với một số nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan và Singapore (Bùi Xuân Nhàn, 2008), từ đó đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Nghiên cứu điển hình về điểm đến Đà Nẵng (Nguyễn Thị Thu Vân, 2012), tác giả đã chỉ ra năng lực cạnh tranh du lịch Đà Nẵng do 7 nhân tố quyết định là: Nguồn lực tự nhiên; Nguồn lực kế thừa; Nguồn lực tạo ra; Nguồn lực hỗ trợ; Quản trị điểm đến; Điều kiện hoàn cảnh và Điều kiện về cầu. Từ đó đã đưa ra những đề xuất và kiến nghị đối với những nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực này. Nếu so sánh với điểm đến Đà Nẵng và các điểm đến khác có cùng tiềm năng về du lịch như Hạ Long (Quảng Ninh), Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), thì điểm đến Nha Trang- Khánh Hòa chưa phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có, số lượng khách đến Nha Trang- Khánh Hòa còn khá ít so với những điểm đến tương đồng khác, đặc biệt là số lượng khách lưu trú và số ngày lưu trú của khách. 328
  3. Bảng 1.1 So sánh lượt khách tại các điểm đến Đơn vị tính: Lượt Điểm Năm Số đến ngày 2011 2012 2013 2014 lưu Khách Khách Khách Khách trú Tổng số quốc tế Tổng số quốc tế Tổng số quốc tế Tổng số quốc tế BQ Khánh Hòa 2.180.008 440.390 2.317.950 531.022 3.000.122 708.981 3.590.737 847.253 2,36 Quảng Ninh 6.400.000 2.300.000 7.000.800 2.409.000 7.512.000 2.604.000 7.500.000 2.560.000 1,7 Đà Nẵng 2.227.909 402.752 2.570.957 409.551 2.938.563 595.095 3.800.000 955.000 2,2 Bà Rịa – Vũng 9.610.000 365.000 11.053.588 417.180 12.490.521 468.000 13.981.889 500.000 2,45 Tàu Nguồn: Báo cáo tổng kết của Sở VHTTDL từng địa phương Do vậy, việc nhìn nhận đánh giá năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Nha Trang– Khánh Hoà là hết sức cần thiết, góp phần vào việc hoạch định chiến lược phát triển du lịch, đưa Nha Trang-Khánh Hòa trở thành điểm đến du lịch trọng tâm không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực. 2. Lý thuyết về năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch 2.1 Năng lực cạnh tranh điểm đến Trong những thập niên trước đây, năng lực cạnh tranh (Competitiveness – CC) trong du lịch thường chỉ quan tâm đến giá cả và thường chỉ được chú trọng ở tầm mức vi mô. Không thể phủ nhận rằng, giá cả là một yếu tố quan trọng nhằm tạo ra sức cạnh tranh cho một doanh nghiệp, cũng như một điểm đến du lịch (Tourism Destination – TD). Tuy nhiên, từ sau những thập niên 90 (AIEST, 1993), các nhà nghiên cứu du lịch đã ý thức được rằng, bên cạnh giá cả, còn nhiều yếu tố khác xác định sức cạnh tranh của một TD. Từ đó CC điểm đến được xem xét trên hai góc độ: (1) Điểm đến; và (2) Năng lực cạnh tranh. Thuật ngữ CC đã trở thành điểm trọng tâm của chính sách du lịch, khi cạnh tranh gia tăng, chính sách du lịch tập trung vào cải thiện CC thông qua việc tạo ra khuôn khổ pháp lý nhằm giám sát, kiểm soát và tăng cường chất lượng và hiệu quả của ngành, bảo vệ các nguồn lực. Với cách tiếp cận xem xét CC gắn với số lượng khách du lịch và thu nhập của điểm đến, nghiên cứu của Dwyer và Kim (2003, [25]) cho rằng: “Năng lực cạnh tranh của điểm đến là khả năng của điểm đến tạo ra và kết hợp các sản phẩm có giá trị gia tăng để duy trì nguồn lực trong khi giữ vững vị thế trên thị trường trước đối thủ cạnh tranh” và “một điểm đến có năng lực cạnh tranh nếu thị phần của nó được đánh giá bởi số lượng khách du lịch và lợi nhuận tăng lên”. Nếu Dwyer và Kim xác định năng lực cạnh tranh của một điểm đến thông qua thị phần, chỉ xét đến khía cạnh về mặt kinh tế, thì Crouch và Ritchie (1999) lại đề cập đến năng lực cạnh tranh của điểm đến ở khía cạnh bền vững. Các tác giả cho rằng điểm đến có khả năng cạnh tranh nếu “sự phát triển du lịch là bền vững, không chỉ về khía cạnh kinh tế, sinh thái, mà cả về khía cạnh xã hội, văn hoá và chính trị”. Crouch và Ritchie tập trung vào sự thịnh vượng của nền kinh tế trong dài hạn như là tiêu chuẩn để đánh giá khả năng cạnh tranh của điểm đến. Do đó, “điểm đến có khả năng cạnh tranh nhất là điểm đến có thể tạo ra sự thịnh vượng bền 329
  4. vững cho dân cư một cách hiệu quả nhất.” Định nghĩa này rất gần với quan điểm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), theo đó năng lực cạnh tranh được xác định dựa trên lợi ích kinh tế mà cư dân của TD có được. Để đảm bảo được tính bền vững trong việc nâng cao CC, CC của một điểm đến phải được thể hiện cụ thể qua các chỉ tiêu khách quan như số khách đến, thị phần, chi tiêu du lịch, việc làm, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp du lịch; cũng như các chỉ tiêu chủ quan như: sự phong phú của nền văn hóa và di sản, chất lượng của các dịch vụ du lịch. Trong nghiên cứu này, CC điểm đến sẽ chủ yếu được tiếp cận theo định nghĩa của Crouch và Ritchie (1999) và của WEF. Qua đó CC của điểm đến được hiểu là tập hợp các yếu tố nguồn lực như: tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn, cơ sở vật chất kỹ thuật, tài chính, các chính sách, thể chế và con người của một điểm đến tạo ra một hình ảnh về sự phát triển du lịch bền vững, có hiệu quả, có khả năng hấp dẫn, thu hút và thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của du khách hơn so với các điểm đến khác. 2.2 Các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến Năm 2004, Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) sử dụng 8 chỉ số để đánh giá CC của 212 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy vậy, sau vài năm được sử dụng, các chỉ số đánh giá CC TD của WTTC đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Do đó, WTTC và WEF đã xây dựng lại các chỉ số đánh giá CC TD mới để giúp cho Chính phủ và ngành du lịch các nước đánh giá chính xác hơn về CC cũng như tiềm năng phát triển du lịch của quốc gia mình trong quy mô toàn cầu. Năm 2007, WEF đã công bố công trình nghiên cứu CC về lữ hành và du lịch của 124 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới với 13 bộ chỉ số lớn với hơn 70 chỉ số cụ thể để đánh giá CC điểm đến và từ đó công bố các báo cáo này hàng năm. Báo cáo xếp hạng của WEF về CC điểm đến của các nước theo các nhóm tiêu chí cho từng chỉ số được đo lường bằng các số liệu do các tổ chức quốc tế và do các chuyên gia của WEF tại từng quốc gia cung cấp. Với các chỉ số của WEF, đã mang lại công cụ chiến lược khá toàn diện để đánh giá các nhân tố chính và chính sách tạo nên sự hấp dẫn để phát triển ngành du lịch của các quốc gia và có thể vận dụng để đáng giá CC của từng địa phương trong quốc gia. Với các chỉ số của WEF, giúp các chính phủ và ngành du lịch đánh giá đúng tiềm năng và triển vọng của quốc gia, các địa phương, là công cụ hữu ích cho các doanh nghiệp cũng như các nhà hoạch định chính sách phát triển du lịch tại các điểm đến. Từ việc xem xét các mô hình nghiên cứu của WTTC và WEF, dựa trên điều kiện thực tế của du lịch Việt Nam và điểm đến Nha Trang-Khánh Hòa, nhóm tác giả đã kết hợp với phương pháp chuyên gia để phát triển hệ thống các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến như sau: - Nguồn lực tự nhiên và văn hóa du lịch: Tài nguyên du lịch thiên nhiên (bãi biển, hang động, suối thác, hệ thống sinh thái, thắng cảnh đẹp ); Tài nguyên du lịch văn hóa-xã hội (di tích lịch sử, di tích văn hóa, lễ hội truyền thống, làng nghề thủ công, ). - Nguồn nhân lực phục vụ du lịch: Số lượng cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch, cơ cấu nhân lực phục vụ du lịch - Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch: Vị trí địa lý; Hệ thống giao thông; Số lượng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch (lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm, ). 330
  5. - Hệ thống luật pháp, chính sách du lịch: Hệ thống luật pháp du lịch; An ninh, an toàn du lịch; Y tế; Chính sách định hướng phát triển du lịch của điểm đến. - Hoạt động kinh doanh du lịch: Số lượt khách du lịch; Doanh thu du lịch; Tốc độ tăng trưởng GDP của ngành du lịch; Tỷ lệ vốn đầu tư vào ngành du lịch; Chất lượng dịch vụ du lịch. 3. Phương pháp nghiên cứu 3.1 Phương pháp Delphi Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đã đặt ra, tác giả sử dụng phương pháp chuyên gia (Delphi) để thu thập thông tin làm cơ sở cho việc đánh giá, dự báo. Quá trình áp dụng phương pháp chuyên gia được chia thành ba bước như sau: (1) Lựa chọn chuyên gia; (2) Trưng cầu ý kiến chuyên gia; (3) Thu thập và xử lý các đánh giá dự báo. (1) Lựa chọn chuyên gia Để đảm bảo chất lượng đánh giá của phương pháp này, nhóm chuyên gia tối thiểu được chọn gồm 11 chuyên gia giữ các vị trí quan trọng trong lĩnh vực du lịch. Đó là những nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách phát triển du lịch từ các Sở, Ban ngành; Những nhà nghiên cứu khoa học về lĩnh vực du lịch từ các trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước và những doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực này trên địa bàn thành phố Nha Trang. Các chuyên gia được yêu cầu phát triển hệ thống các chỉ tiêu, đánh giá tầm quan trọng và so sánh các chỉ tiêu đánh giá đó giữa các điểm đến. Kết quả đánh giá của chuyên gia sẽ được thể hiện trong ma trận hình ảnh cạnh tranh giữa các TD. (2) Trưng cầu ý kiến chuyên gia Dựa vào ý kiến đánh giá của các chuyên gia để phát triển hệ thống chỉ tiêu đánh giá CC của TD. Tiếp đến, dựa trên hệ thống các chỉ tiêu được đề xuất, tác giả đã xây dựng bản câu hỏi phỏng vấn chuyên gia (Phụ lục 1). Thông qua bản câu hỏi này, các chuyên gia sẽ phát triển thêm hệ thống các chỉ tiêu đánh giá CC, đồng thời đánh giá tầm quan trọng cũng như so sánh các chỉ tiêu này giữa các điểm đến qua thang điểm cụ thể. (3) Thu thập và đánh giá các dự báo Sau khi thu thập điểm số đánh giá của các chuyên gia, tác giả sẽ tiến hành đánh giá các dự báo thông qua việc tính ra trọng số của các chỉ tiêu đánh giá CC của các TD và tiến hành xây dựng ma trận hình ảnh cạnh tranh. Ma trận hình ảnh cạnh tranh cho phép nhận diện những đối thủ cạnh tranh chủ yếu cùng những ưu và nhược điểm đặc biệt của họ. Ma trận này bao gồm cả các chỉ tiêu có tầm quan trọng quyết định đến sự thành công của một TD. Ngoài ra, trong ma trận hình ảnh cạnh tranh, các điểm đến cạnh tranh cũng sẽ được xem xét và tính tổng số điểm quan trọng. Tổng số điểm được đánh giá của các điểm đến cạnh tranh sẽ được so sánh với điểm đến đang nghiên cứu. Điểm trọng số cho từng chỉ tiêu và từng điểm đến được tính bằng cách nhân mức độ quan trọng của chỉ tiêu đó với trọng số phân loại tương ứng. Tổng điểm cho toàn bộ các chỉ tiêu được đưa ra trong ma trận được tính bằng cách cộng điểm số các chỉ tiêu thành phần tương ứng của mỗi TD. Tổng số điểm này cho thấy, đây là CC của các điểm đến. 331
  6. Cuối cùng, thông qua khung đánh giá này sẽ xác định những yếu tố CC nào cần được duy trì, cũng như cần được củng cố thêm và những năng lực nào cần phải xây dựng. Từ đó đề ra các biện pháp nhằm duy trì, củng cố và xây dựng các giải pháp nâng cao CC cho TD Nha Trang-Khánh Hòa. 4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận Kết quả nghiên cứu thu thập được từ ý kiến của 11 chuyên gia, là những nhà quản lý của các Sở, ban ngành; những nhà nghiên cứu về lĩnh vực du lịch tại các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực du lịch tại những điểm đến nghiên cứu. Các chuyên gia đã đánh giá và đóng góp rất nhiều ý kiến bổ sung cho vấn đề nghiên cứu. Dựa vào bảng 1.2, trong 5 nhóm tiêu chí được tác giả đề xuất và xây dựng bản câu hỏi phỏng vấn chuyên gia để đánh giá CC của các TD, kết quả thu được từ đánh giá của các chuyên gia cho thấy nhóm tiêu chí về “Hoạt động kinh doanh du lịch” với các chỉ tiêu khách quan cụ thể và những chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ du lịch được đánh giá quan trọng nhất với tổng điểm quan trọng là 476, chiếm tỷ trọng là 0,305. Đây là những chỉ tiêu quan trọng trong việc nâng cao CC của TD. Nhóm tiêu chí có trọng số quan trọng thứ hai là “Nguồn lực tự nhiên và văn hóa du lịch” với tổng điểm quan trọng là 370 và trọng số là 0,237. Nhóm tiêu chí xếp thứ ba liên quan đến “Hệ thống luật pháp, chính sách du lịch” với các chỉ tiêu về hệ thống luật pháp du lịch; an ninh, an toàn du lịch; y tế và các chính sách định hướng phát triển du lịch của điểm đến. Tuy nhiên trọng số của các nhóm tiêu chí phụ thuộc vào số các chỉ tiêu được đánh giá trong nhóm. Để đánh giá được CC của TD Nha Trang so với các điểm đến khác, tác giả sẽ phân tích cụ thể trọng số, cũng như điểm đánh giá của các chuyên gia đối với từng chỉ tiêu thông qua xây dựng ma trận hình ảnh cạnh tranh giữa các điểm đến. Bảng 1.2 Bảng trọng số giữa các nhóm tiêu chí Số lượng chỉ tiêu Điểm quan Tiêu chí Trọng số thành phần trọng Nguồn lực tự nhiên và văn hóa du lịch 9 370 0,237 Nguồn nhân lực phục vụ du lịch 2 72 0,046 Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch 7 298 0,191 Hệ thống luật pháp, chính sách du lịch 8 344 0,221 Hoạt động kinh doanh du lịch 11 476 0,305 Tổng 1560 1,000 Nguồn: Kết quả nghiên cứu của tác giả, 2015 Dựa vào bảng ma trận hình ảnh cạnh tranh của TD Nha Trang (bảng 1.3), ta thấy Đà Nẵng là điểm đến có CC nhất , tổng số điểm đánh giá của các nhóm tiêu chí của điểm đến Đà Nẵng đạt gần 80,863 điểm, cao hơn 0,5 điểm so với Nha Trang (80,327 điểm). Tiếp đến là TD Hạ Long (73,838 điểm) và thấp nhất là TD Vũng Tàu (70,046 điểm). Trong 5 nhóm tiêu chí, TD Nha Trang có 1 nhóm có tổng điểm đánh giá cao nhất đó là nhóm các tiêu chí về “Hoạt động kinh doanh du lịch”, có 3 nhóm tiêu chí Nha Trang đứng vị trí thứ 2 đó là nhóm các tiêu chí về “Nguồn nhân lực phục vụ du lịch”, “Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch” và “Hệ thống luật 332
  7. pháp và chính sách du lịch”, nhóm tiêu chí cuối cùng về “Nguồn lực tự nhiên và văn hóa du lịch” là nhóm tiêu chí Nha Trang có năng lực cạnh tranh thấp nhất. Như vậy TD Nha Trang có năng lực cạnh tranh về “Nguồn lực tự nhiên và văn hóa du lịch” thấp hơn so với các TD khác, tuy nhiên việc thực hiện các hoạt động du lịch của TD Nha Trang được các chuyên gia đánh giá cao và có CC cao hơn so với các TD được so sánh. Bảng 1.3 Ma trận hình ảnh cạnh tranh của điểm đến Nha Trang-Khánh Hòa Nha Trang Hạ Long Đà Nẵng Vũng Tàu Chỉ tiêu Điểm đánh Điểm đánh Điểm đánh Điểm đánh giá giá giá giá Nguồn lực tự nhiên và văn hóa du lịch 17,570 18,948 17,734 14,462 Nguồn nhân lực phục vụ du lịch 3,418 2,864 3,445 3,124 Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch 15,803 14,220 15,905 14,351 Hệ thống luật pháp, chính sách du lịch 17,519 15,587 18,662 15,561 Hoạt động kinh doanh du lịch 26,017 22,220 25,117 22,547 Tổng điểm 80,327 73,838 80,863 70,046 Nguồn: Kết quả nghiên cứu của tác giả, 2015 Dựa vào kết quả đánh giá chi tiết (Phụ lục 2), đối với nhóm tiêu chí được đánh giá cao nhất về “Hoạt động kinh doanh du lịch”, trong đó hầu hết các chỉ tiêu TD Nha Trang được đánh giá ngang bằng hoặc cao hơn các TD khác, các chỉ tiêu có điểm số cao hơn là những chỉ tiêu khách quan thể hiện sự phát triển của ngành du lịch và chất lượng của các cơ sở phục vụ du lịch, cũng như chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành. Như vậy việc thực hiện các hoạt động du lịch của TD Nha Trang được đánh giá cao, trong đó đặc biệt là chất lượng của các cơ sở phục vụ du lịch của TD Nha Trang có CC cao hơn từ 0,2-0,5 điểm so với các TD khác. Đối với các nhóm tiêu chí về “Nguồn nhân lực phục vụ du lịch”; "Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch" và "Hệ thống luật pháp, chính sách du lịch", CC của TD Nha Trang chỉ xếp sau TD Đà Nẵng. TD Nha Trang đã làm khá tốt công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng số lượng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, số lượng cơ sở đào tạo nhân lực ngành du lịch, cũng như chú trọng nâng cao chất lượng của các cơ sở này, gần 50% số chỉ tiêu trong các nhóm TD Nha Trang được đánh giá cao hơn hoặc bằng với TD Đà Nẵng. Bên cạnh đó vẫn còn những chỉ tiêu TD Nha Trang được đánh giá thấp hơn so với TD Đà Nẵng, đó là những chỉ tiêu về “ Hệ thống giao thông”; “Hệ thống khu mua sắm phục vụ du lịch”, “Số phương tiện vận chuyển du lịch” và những chỉ tiêu có điểm số chênh lệch nhất là “Sự an ninh tại điểm đến du lịch” thấp hơn 0,247 điểm so với Đà Nẵng, tiếp đến là chỉ tiêu “Chính sách phát triển du lịch” thấp hơn 0,215 điểm và chỉ tiêu “Dịch vụ y tế tại điểm đến du lịch” thấp hơn 0,179 điểm so với Đà Nẵng. Nhóm tiêu chí duy nhất TD Nha Trang có CC thấp hơn 2 TD khác là Hạ Long và Đà Nẵng là “Nguồn lực tự nhiên và văn hóa du lịch” với tổng điểm đánh giá là 17,570, thấp hơn 1,378 điểm so với điểm đến Hạ Long và 0,164 điểm so với TD Đà Nẵng. Trong nhóm tiêu chí này, có 3 chỉ tiêu về “Nét văn hóa truyền thống của điểm đến”; “Làng nghề thủ công truyền 333
  8. thống” và “Văn hóa ẩm thực” TD Nha Trang được đánh giá cao hơn Hạ Long, nhưng vẫn thấp hơn so với Đà Nẵng. Các chỉ tiêu có sự chênh lệch điểm cao là “Cảnh quan tự nhiên”; “Danh lam thắng cảnh” và “Giá trị tài nguyên thiên nhiên được công nhận”, chênh lệch từ 0,2-0,4 điểm so với Hạ Long. Bên cạnh đó những chỉ tiêu “Di tích văn hóa”; “Di tích lịch sử” và “Lễ hội” là những chi tiêu quan trọng thu hút khách du lịch thì TD Nha Trang lại kém cạnh tranh hơn so với Hạ Long và Đà Nẵng. Như vậy, dựa trên sự đánh giá ma trận hình ảnh cạnh tranh của TD Nha Trang so với các điểm đến khác, thì TD Nha Trang được đánh giá cao và có thế mạnh về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, từ số lượng và chất lượng của các cơ sở phục vụ du lịch, đến hệ thống phương tiện giao thông tại điểm đến; Nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch và các cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ du lịch TD Nha Trang cũng được đánh giá là khá tốt; Và điểm mạnh cuối cùng của TD Nha Trang đó là hệ thống chính sách phát triển du lịch và môi trường du lịch, cũng như an ninh của du khách tại điểm đến. Bên cạnh những điểm mạnh, những chỉ tiêu được đánh giá cao, thì TD Nha Trang vẫn còn yếu hơn ở những chỉ tiêu về "Nguồn lực tự nhiên và văn hóa du lịch", đó là sự thu hút của các làng nghề truyền thống, của các di tích văn hóa và của những lễ hội địa phương. Qua kết quả nghiên cứu trên đã khẳng định CC của một TD được thể hiện đồng thời ở cả chỉ tiêu khách quan và chủ quan, đồng thời phải có sự phối hợp của cả ba đối tượng: Chính quyền địa phương, doanh nghiệp và xã hội. Những TD có CC cao hơn thể hiện rõ nhất ở những chỉ tiêu đánh giá về chất lượng dịch vụ du lịch gồm: chất lượng dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển và các sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, một chỉ tiêu nữa cũng có tác động đến CC của một TD đó là "Hệ thống luật pháp và chính sách du lịch" của Chính quyền địa phương, cũng như "An ninh của du khách tại TD", những chỉ tiêu này sẽ góp phần thúc đẩy du lịch phát triển và nâng cao hình ảnh du lịch của một TD. Nhóm chỉ tiêu về "Nguồn lực tự nhiên và văn hóa du lịch" là những chỉ tiêu chủ quan góp phần nâng cao CC của một TD, giúp thu hút khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách. 5. Kết luận và kiến nghị chính sách Từ kết quả của nghiên cứu này, tác giả xin đề xuất hai nhóm giải pháp, bao gồm nhóm giải pháp căn bản và nhóm giải pháp hỗ trợ. Đối với nhóm giải pháp căn bản bao gồm 3 giải pháp chính: (1) Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, tập trung đầu tư bảo tồn và phát triển các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống tại điểm đến. Đẩy mạnh khai thác các tour du lịch tham quan các làng nghề để giới thiệu với du khách, đặc biệt là với du khách quốc tế. Việc thu hút khách đến tham quan các làng nghề sẽ góp phần quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm thủ công, tăng thời gian lưu lại và tăng chi tiêu của du khách. Bên cạnh đó cần phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với các lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian của người dân địa phương; (2) Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông khu vực TD Nha Trang và các vùng phụ cận, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ, đường biển và đường hàng không. Đầu tư nâng cấp cả về số lượng và chất lượng các phương tiện vận chuyển phục vụ du lịch. Đồng thời cần có quy hoạch đồng bộ về việc xây dựng hệ thống cơ sở dịch vụ lưu trú và ăn uống phục vụ du lịch, nâng cấp số lượng cơ sở dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách; (3) Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch gắn liền 334
  9. với nhu cầu nhân lực phục vụ du lịch của TD và của các doanh nghiệp hoạt động du lịch tại TD. Thực hiện các chương trình đào tạo lại lao động trong ngành du lịch, nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng quản lý. Đồng thời tăng cường công tác đào tạo chính quy về du lịch trình độ đại học và sau đại học về nghiệp vụ du lịch, đây sẽ là lực lượng cán bộ quản lý nòng cốt góp phần quan trọng vào nâng cao CC của TD Nha Trang. Bên cạnh nhóm giải pháp căn bản, nhóm giải pháp hỗ trợ gồm 2 giải pháp: (1) Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Xây dựng hệ thống các trung tâm hướng dẫn và cung cấp thông tin cho khách du lịch ở những đầu mối giao thông quan trọng. Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, thực hiện các chương trình thông tin tuyên truyền, công bá hình ảnh du lịch tại TD Nha Trang; Và (2) Cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường du lịch, bên cạnh các hoạt động khai thác tài nguyên du lịch để phát triển các sản phẩm du lịch, cần có kế hoạch, chính sách và nguồn ngân sách dành cho việc cải thiện và bảo vệ môi trường du lịch. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ sở doanh nghiệp, các hộ cá thể tư nhân kinh doanh du lịch và người dân địa phương để tạo một môi trường du lịch văn minh, thân thiện, an toàn tại TD Nha Trang. Để thực hiện các giải pháp trên, không chỉ có sự nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch, cần có sự hỗ trợ, quan tâm giúp đỡ của các Sở ban ngành, tác giả xin đưa ra một vài kiến nghị chính sách nhằm nâng cao CC của TD Nha Trang. Một là, các Sở ban ngành cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và cần phải có sự quản lý chặt chẽ các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch nhằm đảm bảo thực hiện đúng theo pháp luật và đúng theo các định hướng phát triển của ngành. Kết hợp với các cấp chính quyền địa phương, với công an địa phương kiểm soát chặt chẽ an ninh trong suốt thời gian khách lưu trú tại điểm đến, đặc biệt là xử lý triệt để tình trạng cướp giật, móc túi, chèo kéo khách hay ăn xin, bán hàng rong, tạo vẻ mỹ quan cho điểm đến du lịch. Thứ hai, cần thực hiện kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh du lịch trong việc thực hiện tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường, phòng dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm. Giám sát và xử lý thật nghiêm khắc các khách sạn, cơ sở kinh doanh du lịch hoạt động sai phạm, gây ảnh hưởng chung đến sự phát triển của hoạt động kinh doanh lưu trú nói riêng và hoạt động du lịch tại điểm đến nói chung. Thứ ba, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch quảng bá, giới thiệu về doanh nghiệp ở các điểm đến khác và ở nước ngoài. Thức tư, các sở ban ngành cần quan tâm nhiều hơn việc khai thác loại hình du lịch sinh thái biển, lễ hội, sự kiện, đặc biệt là khai thác yếu tố đặc thù của loại hình tham quan khám phá vùng biển đảo. Ngoài ra, tỉnh cũng nên có kế hoạch trùng tu và khai thác triệt để các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, nâng cấp và mở rộng hệ thống nhà hàng, khách sạn đủ tiêu chuẩn phục vụ tốt các nhu cầu về ăn ở của khách trong nước và quốc tế, tăng cường công tác quản lý du lịch, đảm bảo hiệu quả kinh tế, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời bảo vệ an ninh chính trị và an toàn xã hội tại điểm đến. Và sở cần theo dõi và tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời ban hành các quy chế, chính sách ưu đãi của địa phương trong lĩnh vực du lịch, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện thành công chương trình phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020. 335
  10. Mặc dù có những đóng góp nhất định nhưng nghiên cứu vẫn còn điểm hạn chế cần khắc phục trong tương lai đó là: Thứ nhất, nhược điểm vốn có của phương pháp chuyên gia là tính khách quan bị hạn chế. Các đánh giá thường bị các yếu tố tâm lý, bản lĩnh chuyên gia chi phối. Bên cạnh đó, phương pháp chuyên gia khi sử dụng cần phải kết hợp với các phương pháp dự báo khác, để có thể lựa chọn phương án tối ưu làm kết quả. Vì vậy dựa vào kết quả của nghiên cứu này nên kết hợp phương pháp thu thập đánh giá của khách du lịch về chất lượng dịch vụ tại TD, để từ đó có một cái nhìn khách quan hơn về CC của một TD. Hai là, nghiên cứu chỉ mới đánh giá và so sánh năng lực cạnh tranh của 4 TD du lịch điển hình về du lịch trong phạm vi quốc gia. Do vậy, một nghiên cứu trong tương lai nên được xem xét cả trên đối tượng các TD du lịch trong khu vực và trên thế giới. 336