Nền công nghiệp gia công: Thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế

pdf 14 trang Gia Huy 18/05/2022 2820
Bạn đang xem tài liệu "Nền công nghiệp gia công: Thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnen_cong_nghiep_gia_cong_thach_thuc_trong_hoi_nhap_kinh_te_q.pdf

Nội dung text: Nền công nghiệp gia công: Thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế

  1. NỀN CÔNG NGHIỆP GIA CÔNG: THÁCH THỨC TRONG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ THE PROCESSING INDUSTRY: CHALLENGES IN INTERNATIONAL ECONOMIC INTEGRATION Nguyễn Kế Tuấn Trường Đại học Kinh tế quốc dân Tóm tắt Từ phân tích vị trí của hoạt động gia công/lắp ráp trong chuỗi giá trị toàn cầu, tác giả làm rõ tính chất gia công/lắp ráp của nền công nghiệp Việt Nam và những hệ lụy của phát triển công nghiệp theo kiểu này trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Từ đó, tác giả đề xuất hai khuyến nghị cơ bản để thúc đẩy chuyển từ nền công nghiệp mang nặng tính chất gia công/lắp ráp sang nền công nghiệp chế tạo có giá trị gia tăng cao, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu. Từ khóa: Công nghiệp gia công, hội nhập, kinh tế quốc tế Abstract From the analysis of the processing activities / assembly in the global value chain, the author clarifies the nature of processing/assembly of Vietnam’s industry and the consequences of this industrial development in the context of deeper international economic integration. Since then, the author proposes two basic recommendations to promote the shift from a heavily processed / assembled industry into manufacturing industry with high added value so as to participate effectively in global value chain and production networks. Key words: processing, assembly, added value, global value chain ĐẶT VẤN ĐỀ Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, công nghiệp được coi là đầu tàu, động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp đang chuyển dịch theo xu hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác. Tuy nhiên, cơ cấu ngành công nghiệp vẫn là cơ cấu kém hiệu quả, năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh còn thấp kém. Một bộ phận lớn của công nghiệp chế biến là công nghiệp gia công/lắp ráp – khâu giản đơn và có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm. Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng vừa tạo ra những cơ hội mới, vừa đặt ra những thách thức gay gắt với công nghiệp Việt Nam trong việc tham gia vào chuỗi giá trị và 899
  2. mạng sản xuất toàn cầu. Thúc đẩy chuyển từ nền công nghiệp mang nặng tính chất gia công/lắp ráp sang thực hiện những khâu phức tạp có giá trị gia tăng cao là yêu cầu tất yếu của quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới. CÔNG NGHIỆP GIA CÔNG TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU Chuỗi giá trị là khái niệm được Micheal Porter mô tả và phổ cập lần đầu tiên vào năm 1985 trong cuốn sách “Lợi thế cạnh tranh – Tạo lập và duy trì thành tích vượt trội trong kinh doanh”. Chuỗi giá trị được hiểu là tập hợp các hoạt động để đưa một sản phẩm từ khái niệm, thiết kế sản phẩm và công nghệ sản phẩm, chế tạo, đến marketing, phân phối và các dịch vụ sau khi bán cho người tiêu dùng cuối cùng. Những hoạt động này có thể được thực hiện trong phạm vi một doanh nghiệp hoặc được thực hiện trong sự phối hợp giữa các doanh nghiệp khác nhau. Các doanh nghiệp này có thể được phân bố trong phạm vi một khu vực địa lý hoặc trải rộng ở nhiều quốc gia. Chuỗi giá trị toàn cầu được hình thành khi có sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc nhiều quốc gia khác nhau, mỗi doanh nghiệp thực hiện một hoặc một số khâu của toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm. Ngày nay, với sự phát triển của toàn cầu hóa, nền kinh tế của mỗi quốc gia trở thành một bộ phận trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Trong điều kiện đó, chuỗi giá trị toàn cầu của các loại sản phẩm khác nhau được phát triển ngày càng rộng rãi. Tuy nhiên, trong sự “phân công lao động quốc tế” để thực hiện các khâu khác nhau của chuỗi giá trị sản phẩm, các công ty ở quốc gia phát triển thường nắm giữ những khâu “then chốt” (những khâu phức tạp và tạo giá trị gia tăng cao, có khả năng chi phối các khâu khác) và chuyển giao cho các doanh nghiệp ở nước đang phát triển thực hiện một số khâu giản đơn, sử dụng nhiều lao động sống nhưng giá trị gia tăng không nhiều. Việc chuyển giao này có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức công ty nước ngoài đặt hàng cho các doanh nghiệp nước sở tại gia công chế tạo hoặc lắp ráp sản phẩm theo thiết kế của công ty nước ngoài và với các nguyên, phụ liệu do công ty nước ngoài cung cấp hoặc chỉ định nhà cung cấp. Các hình thức này được gọi chung bằng thuật ngữ “Thuê ngoài/hoặc Gia công” (Outsourcing). Với các công ty ở quốc gia phát triển, lợi ích cơ bản nhất của việc thực hiện hình thức gia công, lắp ráp sản phẩm là giảm các chi phí đầu tư, chi phí sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhờ sử dụng nguồn nhân lực dồi dào với giá rẻ, khai thác thị trường tại chỗ và tranh thủ các ưu đãi của nước sở tại. Các quốc gia đang phát triển trong những giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa thường sẵn sàng tiếp nhận loại đầu tư ấy với mục tiêu giải quyết khó khăn về vốn và công nghệ để phát triển sản xuất trong nước, giải quyết việc làm, học tập kỹ năng quản lý và kỹ năng marketing quốc tế, thâm nhập thị trường nước ngoài. Cũng trong những giai đoạn đầu này, việc phát triển hoạt động gia công và lắp ráp sản phẩm cho các hãng nước ngoài sẽ tạo lập nên nền tảng ban đầu quan trọng của hệ thống công nghiệp chế biến. Điều đó góp phần làm giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai khoáng mà việc phát triển không những không mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề. 900
  3. Quốc gia (vùng lãnh thổ) có doanh nghiệp nhận gia công, lắp ráp cho công ty nước ngoài có thể đạt được thành công từ thực hiện phương thức gia công nếu có một chiến lược phát triển hợp lý. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đã bắt đầu từ phát huy lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ và lợi dụng đầu tư, công nghệ và thị trường xuất khẩu từ Hoa Kỳ và các nước Tây Âu thông qua việc sản xuất dưới hình thức gia công/lắp ráp các loại hàng hóa đơn giản như quần áo, giầy dép, đồ gia dụng. Bằng cách đó, các doanh nghiệp ở đây dần chiếm lĩnh các khâu phức tạp có giá trị gia tăng cao và mở rộng ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Ngày nay, nhiều công ty ở các quốc gia và vùng lãnh thổ này lại trở thành người đặt hàng gia công/lắp ráp cho các doanh nghiệp ở các quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa. Nhưng không phải quốc gia nào theo đuổi cách thức này cũng đạt được thành công mong muốn. Điều này được giải thích bởi hai lý do cơ bản: 1/ Sự hạn chế về khả năng sáng tạo, “an phận” với việc thực hiện gia công, lắp ráp cho công ty nước ngoài do độ rủi ro trong kinh doanh thấp; 2/ Sự chậm trễ trong việc chuyển hướng chiến lược từ thực hiện các khâu giản đơn với giá trị gia tăng thấp sang các khâu phức tạp có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị sản phẩm. Hậu quả không thể tránh khỏi là cơ cấu ngành công nghiệp ở các quốc gia này luôn trong tình trạng lạc hậu, kém hiệu quả và lệ thuộc vào nước ngoài. TÍNH CHẤT GIA CÔNG CỦA NỀN CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, công nghiệp đã trở thành ngành chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong cơ cấu ngành kinh tế quốc dân: năm 2015, công nghiệp đóng góp 33,25% giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nền kinh tế, đóng góp gần một nửa vào mức tăng trưởng GDP của cả nước. Công nghiệp được coi là đầu tàu và động lực tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Theo định hướng công nghiệp hóa hướng mạnh về xuất khẩu, trên cơ sở khai thác lợi thế về tài nguyên và sức lao động, trong những năm qua, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp liên tục tăng với tốc độ cao cả về chủng loại, sản lượng, kim ngạch và là ngành có mức đóng góp chủ yếu vào gia tăng xuất khẩu của đất nước. Năm 1995, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước mới đạt 5,45 tỷ USD, trong đó nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chiếm 46%, nhóm hàng công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp chiếm 28,5%, nhóm hàng công nghiệp nặng và khai thác chiếm 25,5%; năm 2015, kim ngạch xuất khẩu cả nước đã đạt 162,4 tỷ USD, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chỉ còn chiếm 14,6%, nhóm hàng công nghiệp nặng và khai thác chiếm 45,5%, nhóm hàng công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp chiếm 39,9%. Đến nay, thị trường xuất khẩu của Việt Nam mở rộng đến gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung chủ yếu ở 5 thị trường lớn là EU, Mỹ, Nhật, ASEAN và Trung Quốc. Cùng với sự thay đổi vị trí trong cơ cấu ngành kinh tế quốc dân, cơ cấu nội tại của công nghiệp đang chuyển biến theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác. Về hình thức, đó là quá trình chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Nhưng về thực chất, sự chuyển dịch ấy chưa bảo đảm yêu cầu hiệu quả và bền vững: sự phát triển công nghiệp chế biến chủ yếu tập trung vào khu vực hạ nguồn, thực hiện những khâu đơn giản có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này biểu hiện rõ nét trong các ngành công nghiệp có 901
  4. tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao và có đóng góp lớn nhất vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xin nêu hai ví dụ điển hình để minh họa: - Năm 2015, điện thoại và linh kiện đứng hàng đầu trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,6 tỷ USD, tăng 29,9% so với năm 2014 và chiếm 18,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều đang chú ý là các doạnh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà chủ yếu là của Hàn Quốc, chiếm tới 99,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này. Các hãng điện tử, điện thoại của Hàn Quốc, điển hình là Samsung và LG, đầu tư vào Việt Nam chủ yếu thực hiện khâu lắp ráp sản phẩm cuối cùng trên cơ sở khai thác nguồn nhân lực dồi dào và chi phí thấp. Các nhà quản lý địa phương của Việt Nam thường đưa ra những ưu đãi ở mức cao với kỳ vọng về sự chuyển giao công nghệ từ các công ty nước ngoài và ảnh hưởng lan tỏa của chúng tới sự phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Tuy nhiên trên thực tế, kỳ vọng này còn khá xa vời. - Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 22,63 tỷ USD, tăng 8,2% so với năm 2014, chiếm 13,93% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 60,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này. Đến nay, hàng dệt may Việt Nam vẫn chưa tạo lập được thương hiệu mạnh trên thị trường thế giới và chủ yếu xuất khẩu dưới hình thức gia công cho nước ngoài hoặc hình thức sản xuất xuất khẩu từ nguyên, phụ liệu nhập khẩu. Với phương thức gia công, các hãng nước ngoài cung cấp thiết kế sản phẩm và các nguyên, phụ liệu chủ yếu, các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng lao động và cơ sở vật chất của mình, tổ chức sản xuất theo yêu cầu của bên đặt hàng và nhận số tiền theo đơn giá và sản lượng đã chuyển giao. Việc sử dụng nguồn nguyên, phụ liệu theo chỉ định và yêu cầu của các hãng đặt hàng nước ngoài làm cho các doanh nghiệp may mặc Việt Nam ít có cơ hội xem xét và lựa chọn các doanh nghiệp trong nước. Năm 2015, ngành dệt may phải nhập khẩu 1.013.000 tấn bông, trị giá 1,622 tỷ USD, 790.000 tấn sợi, trị giá 1,515 tỷ USD, 10,197 tỷ USD vải, trong đó chủ yếu là từ Trung Quốc. Trong chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm dệt may, khâu may là khâu có giá trị gia tăng thấp nhất với tỷ suất lợi nhuận chỉ ở khoảng 5 - 10%. Trong khi đó, khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) và thương mại (bán hàng, phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng) là khâu có giá trị gia tăng cao nhất lại đang là khâu yếu nhất của ngành may Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam nằm trong số 10 nước xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu thế giới và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhờ khai thác lợi thế về nhân công và vị trí địa lý thuận lợi. Ngành dệt may Việt Nam cũng được đánh giá là ngành được hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với thuế suất được điều chỉnh xuống 0% so với mức bình quân hiện nay là 17%. Song với sự yếu kém của công nghiệp hỗ trợ, cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu theo các quy tắc xuất xứ nguyên, phụ liệu sử dụng trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên TPP có khả năng bị chiếm mất bởi các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc, đang ồ ạt vào Việt Nam trong những năm gần đây. 902
  5. Qua hai ví dụ trên đây có thể thấy, việc phát triển công nghiệp chế biến dưới hình thức gia công/lắp ráp tuy có thể tạo được tốc độ tăng trưởng khá cao, đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo thêm được nhiều việc làm, nhưng những nhược điểm của nó cũng bộ lộ ngày càng rõ. Đó là năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp kém và tình trạng lệ thuộc vào nước ngoài cả về các yếu tố đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân cơ bản nằm trong chính mô hình tăng trưởng mà Việt Nam đã theo đuổi trong những năm qua. Đó là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa trên cơ sở tăng vốn đầu tư, khai thác lợi thế về tài nguyên và sức lao động giản đơn. Sự phát triển công nghiệp bị ràng buộc bởi mô hình tăng trưởng chung của nền kinh tế và tư duy coi trọng số lượng hơn chất lượng. Tuy công nghiệp chế biến có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của công nghiệp và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu ngành công nghiệp, nhưng sự phát triển lại tập trung chủ yếu ở khu vực hạ nguồn dưới hình thức gia công/lắp ráp sản phẩm, khâu đơn giản nhất và có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm. Ngoài nguyên nhân cơ bản này, còn có một số nguyên nhân sau đây: - Nguyên nhân từ chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). FDI đã được nhìn nhận như là một trong những trụ cột góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Vai trò của FDI được thể hiện thông qua việc đóng góp vào các yếu tố quan trọng của tăng trưởng kinh tế như: bổ sung nguồn vốn đầu tư; tiếp nhận công nghệ mới; tạo việc làm và phát triển nguồn nhân lực đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần thúc đẩy hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên đến nay, FDI cũng đã và đang bộc lộ những khiếm khuyết ảnh hưởng đến yêu cầu phát triển có hiệu quả và bền vững đất nước. Phần lớn các doanh nghiệp có vốn FDI tập trung vào khai thác lợi thế giá nhân công rẻ, nguồn tài nguyên có sẵn, thị trường tiêu thụ dễ tính để lắp ráp, gia công sản phẩm tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu những năm gần đây, các doanh nghiệp có vốn FDI đóng góp tới trên 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó chủ yếu là những mặt hàng gia công, lắp ráp đơn giản (điện thoại, máy tính, quần áo, giày dép ). Hơn nữa, sự liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn FDI và các doanh nghiệp nội địa còn hạn chế. Do vậy, chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng hàng hoá và các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. - Nguyên nhân từ sự yếu kém của các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Sự yếu kém của các ngành công nghiệp hỗ trợ thể hiện qua tỷ lệ linh kiện, phụ kiện sản xuất trong nước (tỷ lệ nội địa hóa) mới chỉ đạt bình quân 27,8%, trong khi đó tại Thái Lan đã đạt 60% và Trung Quốc cũng đạt 50%. Ngành công nghiệp ôtô đặt mục tiêu 2010 - 2020 đạt tỷ lệ nội địa hóa là 60%, nhưng hiện chỉ đạt khoảng 7% - 8%. Ngành dệt may có kế hoạch nâng tỉ lệ nội địa hóa lên 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020, nhưng đến nay, đại bộ phận nguyên, phụ liệu của công nghiệp dệt may vẫn phải nhập khẩu từ ngước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Sự yếu kém này dẫn tới hàng loạt hệ lụy tiêu cực: năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản xuất công nghiệp thấp kém; gia tăng sự lệ thuộc vào nước ngoài 903
  6. Tình trạng yếu kém trong phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ có nguyên nhân thuộc về cả Nhà nước và nhà đầu tư. Về phía Nhà nước Trong những năm gần đây, Nhà nước đã chú trọng hơn đến phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng các chủ trương, chính sách đã ban hành, một mặt, chưa quy định cụ thể những ưu đãi tạo động lực thúc đẩy các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ; mặt khác, còn mang đậm nét của cơ chế “xin – cho”, Nhà nước chưa đầu tư đủ nguồn lực tài chính và con người để hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cũng cần nói thêm rằng, môi trường kinh tế Việt Nam trong thời gian qua chưa tạo đủ điều kiện thuận lợi để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Một số lĩnh vực đem lại tỷ suất lợi nhuận cao như bất động sản, chứng khoán đã tạo lực hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, đồng thời làm nguồn lực xã hội đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ trở nên kém hấp dẫn hơn. Về phía nhà đầu tư Khu vực thượng nguồn là thường đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn, thời hạn hoàn vốn dài, có sự phức tạp về công nghệ và khả năng thay đổi công nghệ thích ứng với sự biến đổi của nhu cầu thị trường và chứa đựng nhiều rủi ro kinh doanh hơn nhiều so với đầu tư vào lĩnh vực hạ nguồn thực hiện gia công/lắp ráp sản phẩm. Đó là yếu tố cơ bản mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước tính toán, cân nhắc trong việc lựa chọn lĩnh vực đầu tư và định hướng chiến lược kinh doanh. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi của Nhà nước với phát triển công nghiệp hỗ trợ vừa chưa đủ mạnh để tạo động lực thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, vừa hết sức phức tạp trong thủ tục tiếp nhận. Do những khó khăn về vốn và công nghệ, các doanh nghiệp nội địa sản xuất nguyên, phụ liệu gặp nhiều khó khăn trong việc cung ứng sản phẩm của mình cho các doanh nghiệp hạ nguồn. Hiện đang tồn tại khoảng cách giữa yêu cầu của các doanh nghiệp gia công/lắp ráp với khả năng cung ứng của các doanh nghiệp trong nước thuộc khu vực thượng nguồn cả về chủng loại, chất lượng, giá bán và thời hạn cung ứng. - Nguyên nhân từ sự yếu kém trong khả năng sáng tạo của nguồn nhân lực. Sự thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Trung Quốc trong việc chuyển từ nền công nghiệp mang nặng tính chất gia công/lắp ráp sang công nghiệp chế tác, suy đến cùng, là nhờ khả năng sáng tạo của nguồn nhân lực ở cả cấp vĩ mô và cấp vi mô. Ở cấp vĩ mô, đó là việc phát huy tính tích cực của nền công nghiệp gia công/lắp ráp trong những giai đoạn đầu của công nghiệp hóa, kịp thời chuyển hướng chiến lược sang phát triển công nghiệp chế tác bằng việc chú trọng đầu tư cho khâu nghiên cứu – phát triển (R & D), phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ở cấp vi mô, đó là việc điều chỉnh định hướng chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp, mở rộng dần phạm vi tham gia vào các khâu phức tạp và có giá trị cao trong chuỗi giá trị sản phẩm. 904
  7. Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào và giá nhân công rẻ. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực cả về trình độ, năng lực, kỹ năng và ý thức trách nhiệm chưa cao lại đang là bất lợi thế của nguồn nhân lực Việt Nam. Theo công bố mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở Châu Á –Thái Bình Dương: bằng 1/15 của Singapore; 1/11 của Nhật Bản; 1/10 của Hàn Quốc; 1/5 của Malaysia; 2/5 của Thailand. Nguồn nhân lực quản lý, điều hành các cấp và công nhân trực tiếp sản xuất ở các doanh nghiệp có chất lượng thấp và chậm được cải thiện là yếu tố cản trở trực tiếp việc chuyển từ nền công nghiệp mang nặng tính chất gia công/lắp ráp sang phát triển nền công nghiệp chế tạo với giá trị gia tăng cao. THÚC ĐẨY CHUYỂN TỪ NỀN CÔNG NGHIỆP GIA CÔNG SANG NỀN CÔNG NGHIỆP CHẾ TẠO TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ Chuyển từ nền công nghiệp mang nặng tính chất gia công/lắp ráp sang nền công nghiệp chế tạo là một quá trình phức tạp, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiểu giải pháp từ phía Nhà nước và phía các nhà đầu tư. Trong bài này, xin chỉ đề cập tới hai giải pháp then chốt: 1/ Xác định rõ yêu cầu và nội dung tái cơ cấu công nghiệp; 2/ Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Xác định rõ yêu cầu và nội dung tái cơ cấu công nghiệp trong khuôn khổ tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Ngày 19/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 339/2013/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020. Mục tiêu tổng quát của Đề án là “Thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình và bước đi phù hợp để đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”. Tái cơ cấu ngành công nghiệp nằm trong khuôn khổ tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế và được thực hiện trong mối quan hệ tương tác với các nội dung khác của quá trình này. Quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp phải bảo đảm yêu cầu phát huy cao nhất những lợi thế dài hạn của đất nước, phù hợp với yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, hội nhập kinh tế quốc tế và có khả năng thích ứng với những thay đổi của môi trường trong nước và quốc tế. Ngày nay, toàn cầu hóa đã biến nền công nghiệp của mỗi nước thành một bộ phận của nền công nghiệp toàn cầu, có quan hệ tương hỗ với công nghiệp của các nước khác. Với tác động này, việc tham gia vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu được coi là một xu hướng tất yếu chi phối định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp của nước ta. Song vấn đề là ở chỗ tham gia vào những khâu nào trong chuỗi giá trị toàn cầu và được hưởng lợi bao nhiêu từ việc thực hiện những khâu ấy. 905
  8. Với điều kiện cụ thể của Việt Nam, khi nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong marketing quốc tế, trong những năm trước mắt vẫn cần phải thực hiện song song hoạt động gia công/lắp ráp với việc thúc đẩy chuyển mạnh sang hoạt động chế tạo trong nước. Dẫu rằng việc thực hiện gia công/lắp ráp sản phẩm chưa mang lại hiệu quả mong muốn, nhưng cũng không dễ dàng trong một sớm một chiều xóa bỏ loại sản xuất này, bởi lẽ các hoạt động này góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm với chi phí đầu tư không cao. Tuy nhiên, khi tiếp tục duy trì hoạt động này, cần phải có những cải tiến và hoàn thiện nhất định để nâng cao hơn hiệu quả. Chẳng hạn, trong thực hiện phương thức gia công cho nước ngoài, có thể chuyển từ việc doanh nghiệp trong nước nhận toàn bộ nguyên, phụ liệu từ bên ngước ngoài và giao thành phẩm theo hợp đồng đã ký kết sang việc tự mua các loại nguyên, phụ liệu phù hợp với yêu cầu sản xuất sản phẩm và giao sản phẩm cho bên nước ngoài. Theo cách này, quyền chủ động trong điều hành sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhận gia công được mở rộng và có khả năng kích thích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Việc chuyển các ngành công nghiệp từ trình độ gia công/lắp ráp sang trình độ chế biến sâu, thực hiện các khâu phức tạp có giá trị gia tăng cao phụ thuộc vào nhiều điều kiện, trong đó có hai điều kiện cơ bản là: 1/ Sự sẵn sàng chuyển giao của các đối tác nước ngoài; 2/ Khả năng đảm nhận của các chủ thể kinh tế trong nước. Trong lịch sử phát triển công nghiệp, đã và đang xảy ra xu hướng chuyển dịch một số ngành công nghiệp hoặc một số khâu của quá trình sản xuất công nghiệp từ các nước công nghiệp phát triển sang các nước đang phát triển để tập trung vào phát triển lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Đó là điều được các nhà khoa học gọi là “hiệu ứng chảy tràn” hay “làn sóng cơ cấu”. Điều này không những chỉ xảy ra với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động (dệt may, giầy dép ), mà cả với một số khâu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghệ cao (sản xuất linh kiện điện tử). Sự dịch chuyển này không phải chỉ được thực hiện ở khâu sản xuất sản phẩm cuối cùng (lắp ráp sản phẩm), mà còn cả ở các khâu sản xuất nguyên, phụ liệu và linh kiện – bộ phận quan trọng của các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Việc lựa chọn địa bàn đầu tư để thực hiện sự dịch chuyển ấy là điều được các hãng nước ngoài quan tâm hàng đầu. Địa bàn ấy không phải chỉ là có nguồn nhân lực dồi dào, mà là chất lượng nguồn nhân lực có khả năng thực hiện tốt những yêu cầu của quá trình sản xuất. Điểu này lại liên quan đến điều kiện thứ hai: khả năng của các chủ thể trong nước trong việc tiếp nhận sự “chuyển giao” của các nước công nghiệp phát triển. Những ưu đãi về giá thuê đất, miễn giảm thuế, nguồn nhân lực dồi dào với chi phí thấp chỉ được coi là điều kiện cần; điều kiện đủ để quyết định đầu tư lâu dài và ổn định là sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, làm chủ công việc được phân công và tác phong công nghiệp. Đó chính là yếu tố cơ bản tạo ra năng suất lao động cao và chi phí tính cho đơn vị sản phẩm thấp. Bởi vậy, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gồm cả cán bộ quản lý các cấp, cán bộ khoa học kỹ thuật và đội ngũ công nhân, được coi là những tiền đề thiết yếu để thúc đẩy chuyển từ gia 906
  9. công/lắp ráp sản phẩm sang thực hiện các khâu phức tạp, có giá trị gia tăng cao của công nghiệp chế biến. Ở Việt Nam, việc thực hiện tốt ba khâu đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển cơ sở hạ tầng) là những điều kiện thiết yếu để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững nền kinh tế, trong đó có công nghiệp. Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ Phát triển công nghiệp hỗ trợ được coi là trụ cột để thúc đẩy quá trình chuyển từ phát triển nền công nghiệp mang nặng tính chất gia công/lắp ráp sang phát triển nền công nghiệp chế biến sâu với giá trị gia tăng cao. Phát triển công nghiệp hỗ trợ phải được coi là lĩnh vực giành được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2020. Khắc phục những hạn chế trong cơ chế chính sách và trong chỉ đạo điều hành, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và có hiệu quả các ngành công nghiệp hỗ trợ cần chú ý một số vấn đề sau đây: Thay đổi nhận thức về công nghiệp hỗ trợ và lực lượng phát triển công nghiệp hỗ trợ Phát triển công nghiệp hỗ trợ không phải duy nhất là phát triển hoạt động sản xuất các loại nguyên, phụ liệu, linh kiện cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh, mà là tổng thể các hoạt động của các chủ thể khác nhau có quan hệ chặt chẽ với nhau. Các hoạt động này bao gồm: hoạt động trợ giúp trực tiếp và gián tiếp của Nhà nước để phát triển công nghiệp hỗ trợ (bao gồm cả trợ giúp về tài chính, nhân lực và trợ giúp qua cơ chế, chính sách ưu đãi tạo động lực mạnh); hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ; hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp khu vực hạ nguồn với các doanh nghiệp khu vực thượng nguồn Nhận thức này là cơ sở để xử lý các vấn đề một cách tổng thể và mới có thể huy động được lực lượng rộng rãi trong xã hội tham gia vào phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, cũng cần có sự thay đổi tư duy về lực lượng tham gia phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Lâu nay, cả các nhà quản lý và các chuyên gia thường coi việc huy động nội lực với nòng cốt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước là lượng trụ cột trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nhưng với nguồn lực của cả Nhà nước và các nhà đầu tư trong nước còn hạn chế, trong ngắn hạn và trung hạn, việc dựa vào lực lượng này không thể tạo sức bật mang tính đột phá trong phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là sản xuất các loại nguyên, phụ liệu, linh kiện có công nghệ phức tạp và yêu cầu cao về chất lượng. Bởi vậy, trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, bên cạnh việc mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và chế tạo, cần coi việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là đầu tư của các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia (TNC) có tiềm lực lớn về khoa học - công nghệ và tài chính, lực lượng tạo nền tảng ban đầu cho sự phát triển đột phá trong phát triển các loại nguyên, phụ liệu và linh kiện này. Điều này được thực hiện thông qua việc yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực lắp ráp sản phẩm đồng thời đầu tư vào một số khâu trọng yếu của khu vực thượng 907
  10. nguồn. Trong tư duy và trong chỉ đạo điều hành, không nên phân biệt một cách cứng nhắc doanh nghiệp “nội” và doanh nghiệp “ngoại”. Theo quy định của luật pháp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, gồm cả doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, đều được coi là “các chủ thể kinh tế của Việt Nam, hoạt động theo pháp luật Việt Nam và có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”. Trong quá trình phát triển, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ kết nối với các doanh nghiệp nội địa tạo thành các lực lượng nòng cốt trong hệ thống công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Phát triển có trọng điểm các ngành công nghiệp hỗ trợ. Với tính chất của nền công nghiệp gia công/lắp ráp, nhu cầu máy móc, phụ tùng, nguyên, phụ liệu và linh kiện cho các ngành công nghiệp Việt Nam là rất lớn. Trong những năm qua, với tinh thần tăng tỷ lệ “nội địa hóa”, việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ được thực hiện một cách dàn trải. Trong khi các nguồn lực còn hạn chế, hệ quả tất yếu của tình trạng này là không tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt hiệu quả như mong đợi. Để khắc phục tình trạng này, cần điều chỉnh chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng phát triển có trọng điểm để đầu tư và chỉ đạo điều hành một cách tập trung. Để xác định đúng trọng điểm phát triển công nghiệp hỗ trợ, các yếu tố cơ bản cần được tính đến là: Nền tảng ban đầu về cơ sở vật chất, công nghệ, nhân lực đã được tạo lập; Khu vực hạ nguồn có nhu cầu lớn và có xu hướng tăng trưởng ổn định trong tương lai; Có khả năng bảo đảm sức cạnh tranh về chất lượng và giá cả để mở rộng thị trường quốc tế; Phù hợp với yêu cầu phát triển các quan hệ liên kết trong mạng sản xuất toàn cầu. Tư tưởng phát triển có trọng điểm cũng cần được quán triệt ngay trong từng ngành công nghiệp hỗ trợ: không phát triển “đồng bộ” tất cả các loại nguyên, phụ liệu, linh kiện cho khu vực hạn nguồn. Theo đó, các trọng điểm cần được ưu tiên đầu tư phát triển là: - Ngành ngành dệt – may: ngoài việc đầu tư tăng năng lực thiết kế thời trang, tập trung phát triển khâu sản xuất vải sợi và một số loại phụ liệu cơ bản (chỉ khâu, khóa kéo, khuy, nhãn mác, bao bì) bảo đảm sản phẩm phù hợp với yêu cầu của may mặc đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Với tính chất phức tạp về công nghệ và yêu cầu thích ứng nhanh với sự thay đổi mẫu mã của khu vực hạ nguồn, sản xuất vải sợi là khâu cần được đầu tư tập trung với quy mô lớn, công nghệ hiện đại; còn sản xuất các loại phụ liệu khác sẽ được giành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. - Ngành da giày: việc tập trung đầu tư vào khâu vải sợi trong nhóm ngành dệt may cũng đóng vai trò tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu của sản xuất một số loại giày dép; mở rộng liên kết với cơ sở chăn nuôi tập trung và đầu tư nâng cấp khâu thuộc da; liên kết với các cơ sở cao su – hóa chất sản xuất các loại đế giày dép; sản xuất các loại phụ liệu (dây, khóa, ô dê, nhãn mác, bao bì ) tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa. - Ngành điện tử: thu hút các hãng nước ngoài đầu tư dưới những hình thức khác nhau (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh với đối tác Việt Nam) sản xuất các loại chíp, bảng mạch phục vụ lắp ráp hàng điện tử dân dụng và công nghiệp, điện thoại và 908
  11. máy tính Sử dụng lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất các bộ phận bằng nhựa, dây dẫn, ốc vít, nhãn mác và bao bì. - Ngành cơ khí: tập trung phát triển các chi tiết, bộ phận của thiết bị toàn bộ phục vụ sản xuất, lắp ráp các sản phẩm cơ khí trọng điểm là cơ khí giao thông vận tải (gồm ô tô, xe máy, tàu thuyền, thiết bị thi công), máy động lực, cơ khí phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp và công nghiệp chế biến Hoàn thiện và bổ sung các chính sách ưu đãi tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ Do các dự án công nghiệp hỗ trợ thường đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn, thời hạn hoàn vốn dài và mức độ rủi ro cao, nên Nhà nước cần giảnh cho các dự án này mức độ ưu đãi cao, sự hỗ trợ thiết thực và có hiệu quả. - Chính sách ưu đãi về tài chính Vận dụng những ưu đãi cao nhất về thuế quy định tại Luật Đầu tư (2005) cho các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Đó là: các quy định về ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (được hưởng thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm), về miễn giảm thuế (được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo), miễn thuế nhập khẩu thiết bị vật tư phục vụ xây dựng và sản xuất; các quy định ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất. Về tín dụng: ngoài việc ban hành chính sách ưu đãi tín dụng, cần hình thành Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ từ nguốn vốn được bảo đảm từ Ngân sách nhà nước và huy động sự đóng góp hoặc ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Quỹ này đóng vai trò cung cấp tín dụng, hỗ trợ tài chính, bảo lãnh tín dụng cho các dự án nghiên cứu và sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. - Chính sách hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Tạo môi trường và điều kiện gắn hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ với các ngành công nghiệp hỗ trợ để phát triển sản phẩm mới, “nội hóa” công nghệ và thiết bị nhập ngoại, bảo đảm sản xuất công nghiệp hỗ trợ thích ứng với nhu cầu của khu vực hạ nguồn. Hình thành Chương trình Khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia nghiên cứu giải quyết các vấn đề kỹ thuật, kinh tế và tổ chức liên quan đến công nghiệp hỗ trợ nói chung và từng nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học, các tổ chức và các doanh nghiệp liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ nếu mang lại hiệu quả thiết thực, cần được Nhà nước hỗ trợ về tài chính, phương tiễn và được miễn giảm các loại thuế, phí có liên quan. - Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực Cũng như khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao là điều kiện trọng yếu cho phát triển mạnh và có hiệu quả công nghiệp hỗ trợ. Chính sách hỗ trợ phát triển 909
  12. nguồn nhân lực của Nhà nước là yếu tố cần thiết để bảo đảm điều kiện này. Sự hỗ trợ của Nhà nước có thể thực hiện theo những hướng sau đây: + Xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phù hợp với quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. + Thúc đẩy thiết lập quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các cơ sở đào tạo, bảo đảm đào tạo theo đúng nhu cầu và địa chỉ sử dụng. + Hỗ trợ kinh phí đào tạo, bỗi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân theo các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ. - Hình thành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển công nghiệp hỗ trợ với một Ban chỉ đạo có đủ năng lực và thẩm quyền. Mục tiêu tổng quát của Chương trình mục tiêu quốc gia này là: phát huy lợi thế so sánh, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tạo sự phát triển đột phá của công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn 2015 – 2020, tạo nền tảng cho quá trình chuyển từ nền công nghiệp mang nặng tính chất gia công/lắp ráp thành nền công nghiệp chế biến với năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao, có vị trí xứng đáng trong mạng sản xuất công nghiệp toàn cầu. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển công nghiệp hỗ trợ được điều hành bởi Ban Chỉ đạo trung ương đứng đầu là một Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ phận thường trực gồm Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và công nghệ và các ủy viên là đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước hữu quan. Giúp việc Ban Chỉ đạo trung ương có Văn phòng đặt tại Bộ Công thương với một số cán bộ chuyên trách am hiểu các vấn đề kỹ thuật và tổ chức quản lý phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ban Chỉ đạo trung ương có bốn nhiệm vụ cơ bản: 1/ Xây dựng Chương trình quốc gia, kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp hỗ trợ trọng điểm; 2/ Chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước hữu quan xây dựng, hoàn thiện và hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách về phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; 3/ Tổ chức và giám sát thực hiện sự phối hợp các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. 4/ Quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ. KẾT LUẬN Quá trình chuyển từ nền công nghiệp mang nặng tính chất gia công/lắp ráp với hiệu quả kinh tế thấp kém sang nền công nghiệp chế tạo có giá trị gia tăng cao là yêu cầu cấp thiết của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay, quá trình này là một trong những nội dung của tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao 910
  13. năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Thực hiện nội dung phức tạp này, bên cạnh quyết tâm chính trị, còn đòi hỏi phải xác định những trọng điểm cần tập trung chỉ đạo bằng những biện pháp thích ứng và sự chỉ đạo sát sao, có hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 911
  14. TÀI LIỆU THAM KHẢO Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, NXB Chính trị quốc gia. Quyết định số 339/2013/QĐ-TTg ngày 19/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020. Tổng cục Thống kê (2015), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015. Gso.gov.vn. Michael Porter: Lợi thế cạnh tranh - Tạo lập và duy trì thành tích vượt trội trong kinh doanh. NXB Trẻ, 2008. Nguyễn Kế Tuấn (2011), Quan điểm và định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Tạp chí Kinh tế và Phát triển số 173. Nguyễn Kế Tuấn (2011), Mô hình tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô - Nhìn lại giai đoạn 2001 - 2010 và khuyến nghị cho giai đoạn 2011 - 2020, Tạp chí Quản lý và Phát triển, số 1. Nguyễn Kế Tuấn (2013), Một số vấn đề về thực hiện ba khâu đột phá chiến lược giai đoạn 2011 - 2020, Tạp chí Kinh tế và Phát triển số 196. 912