Ngân hàng chính sách xã hội - Trụ cột trong phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam

pdf 7 trang Gia Huy 24/05/2022 2400
Bạn đang xem tài liệu "Ngân hàng chính sách xã hội - Trụ cột trong phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfngan_hang_chinh_sach_xa_hoi_tru_cot_trong_phat_trien_tai_chi.pdf

Nội dung text: Ngân hàng chính sách xã hội - Trụ cột trong phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam

  1. NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI - TRỤ CỘT TRONG PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN Ở VIỆT NAM TS. Nguyễn Minh Phong Phó Vụ trưởng - Phó Ban tuyên truyền lý luận - Báo Nhân Dân TS. Võ Thị Vân Khánh, Học viện Tài chính Tóm tắt Cùng với Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, việc thành lập Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ; Tên giao dịch Quốc tế: Vietnam bank for Social Policies (Viết tắt là: VBSP) Hội sở chính đặt tại Thủ đô Hà Nội (Toà nhà CC5, Bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng phục vụ người nghèo sau khi tách khỏi NHNo&PTNT Việt Nam là một nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam trong quá trình xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước. Với mô hình hoạt động ưu việt, hiệu quả, hiệu lực của Ngân hàng Chính sách xã hội, các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đã được truyền tải một cách kịp thời tới các đối tượng thụ hưởng, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn, thay đổi cơ bản nhận thức của người nghèo về ý thức tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tự có và tích lũy cho tương lai, hoàn thành cơ bản chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững qua các thời kỳ. Đẩy mạnh huy động vốn xã hội và hoạt động cho vay qua NHCSXH cả về luợng và chất là trách nhiệm chung toàn xã hội và cũng là thể hiện bản chất chế độ, vì lợi ích nguời dân và phát triển bền vững đất nước Từ khóa: Ngân hàng chính sách; Tín dụng; Người nghèo; Vốn Ngân hàng Chính sách xã hội được huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; tiếp nhận các nguồn vốn của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hoạt động của NHCSXH không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%, không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Đối tượng đựơc vay từ NHCSXH (gọi chung là người vay) gồm: Hộ nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề; các đối tượng cần vay vốn để giải quyết việc làm theo Nghị quyết số 120/HĐBT ngày 11 tháng 4 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ); các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất, kinh doanh thuộc hải đảo, thuộc khu vực II, III miền núi và thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa (gọi chung là Chương trình 135); các đối tượng khác khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động của NHCSXH không vì mục đích lợi nhuận, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngân hàng Chính sách xã hội có bộ máy quản lý và điều hành thống nhất trong phạm vi cả nước, là một pháp nhân, có vốn điều lệ, có con dấu, có tài sản và hệ thống giao dịch từ Trung ương đến địa phương. Cơ cấu bộ máy của NHCSXH gồm 3 cấp: Hội sở chính (cấp Trung ương), Chi nhánh cấp tỉnh và Phòng giao dịch cấp huyện. Ở mỗi cấp đều có bộ máy quản trị và bộ máy điều hành tác nghiệp. 276
  2. Bộ máy quản trị gồm : Hội đồng quản trị (HĐQT), ở Trung ương hiện có 14 thành viên. Trong đó, 12 thành viên kiêm nhiệm và 02 thành viên chuyên trách. Chủ tịch HĐQT do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm Chủ tịch, 11 Ủy viên kiêm nhiệm là Thứ trưởng hoặc tương đương của các Bộ, Ngành liên quan; Ban Đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện do các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội cử cán bộ Lãnh đạo tham gia kiêm nhiệm. Bộ máy điều hành tác nghiệp theo 3 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện) làm nhiệm vụ thường trực, tổ chức điều hành quản lý vốn thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, là những cán bộ có đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn và năng lực quản lý. Phương thức quản lý tín dụng của NHCSXH là trực tiếp quản lý và cho vay, kết hợp với uỷ thác một số công đoạn qua các tổ chức chính trị - xã hội trên phạm vi cả nước; tổ chức giao dịch theo hình thức lưu động tại Trụ sở UBND xã. Mô hình tổ chức và hoạt động của NHCSXH ở Việt Nam là hoàn toàn mới, chưa có ở bất cứ quốc gia nào. Vì vậy, trong quá trình hoạt động, dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương, của Đảng uỷ NHCSXHTW, sự điều hành của HĐQT; trực tiếp là chỉ đạo và điều hành của Đồng chí Bí thư - Tống giám đốc; NHCSXH đã luôn cải tiến tổ chức, phương thức quản lý và đổi mới hình thức hoạt động. Hiện nay, bộ máy của toàn hệ thống đã lớn mạnh; gồm có Hội sở chính, 63 chi nhánh cấp tỉnh; Trung tâm Đào tạo, Trung tâm Công nghệ thông tin; 614 Phòng giao dịch cấp huyện với trên 8.000 cán bộ, trên 9 ngàn Điểm giao dịch tại xã, hơn 195 ngàn Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhờ có mô hình quản lý mới, có bộ máy gọn nhẹ, phù hợp với tính chất đặc thù của tín dụng chính sách, NHCSXH đã từng bước xã hội hoá hoạt động của một tổ chức tín dụng Nhà nước, tiết giảm chi phí giao dịch của người vay. Là ngân hàng phi thương mại, có nhiệm vụ đặc thù là chuyển tải nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước tới các đối tuợng đặc thù là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, chỉ trong hơn 11 năm đầu thành lập, NHCSXH đã triển khai 19 chương trình cho vay (so với 3 chương trình khi mới thành lập), trong đó khoảng 97% tổng dư nợ tập trung chủ yếu vào 6 chương trình tín dụng là: Cho vay hộ nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm và cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở. Từ ba chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay sau 15 năm hoạt động, NHCSXH đã và đang triển khai cho vay 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước ủy thác thực hiện. Đến hết ngày 31/12/2016, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 162.380 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2015; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 157.372 tỷ đồng với trên 6,78 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Cơ cấu và hiệu quả cho vay của ngân hàng ngày càng tích cực: Tổng dư nợ tính đến 30/6/2014 là 126.666 tỷ đồng, tăng 18 lần so với khi mới thành lập; đặc biệt, nợ quá hạn giảm liên tục 24 lần, còn 0,57% so với mức 13,75% khi mới thành lập, tức chỉ bằng 1/10 mức trung bình toàn ngành ngân hàng thương mại. Tính đến hết ngày 31/8/2017, đã có hơn 30 triệu lượt hộ nghèo và các và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, góp phần giúp hơn 4,5 triệu hộ thoát nghèo. Cũng từ nguồn vốn này, đã thu hút, tạo việc làm cho gần 3,5 triệu lao động được tạo việc làm, trong đó có hơn 111 nghìn lao động thuộc hộ nghèo và gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; hơn 3,5 triệu học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 10 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long, gần 520 nghìn căn nhà cho 277
  3. hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; hơn 11 nghìn căn nhà phòng tránh bão, lụt. Tổng dư nợ của NHCSXH đạt 167.047 tỷ đồng, gấp 23 lần so thời điểm nhận bàn giao. Tỷ lệ nợ quá hạn của NHCSXH là 0,43%/tổng dư nợ. Cơ cấu tín dụng của ngân hàng nếu chỉ tính riêng đến hết tháng 7/2014: - Tổng dư nợ ủy thác qua Hội CCB đạt trên 19.178 tỷ đồng ở 32.674 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2014, đồng vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã giúp cho 10.587 hội viên CCB thoát nghèo. Trong các tỉnh, thành, hội có mức dư nợ ủy thác cao đáng kể nhất là Nghệ An 1.271 tỷ đồng, Thanh Hóa 866 tỷ đồng, Phú Thọ 630 tỷ đồng và Đồng Tháp 437 tỷ đồng - Tổng dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân đạt 41.703 tỷ đồng với hơn 2,3 triệu hộ vay (bình quân gần 18 triệu đồng/hộ) ở hơn 65.900 Tổ TK&VV, tổng dư nợ tăng gần 3,8% so với 31/12/2013 và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Số Tổ TK&VV được xếp loại tốt chiếm tới 60%, khá 32%, trung bình 7% và yếu kém chỉ chiếm 0,2%. Địa phương có dư nợ ủy thác cao nhất là Thanh Hóa đạt 2.586 tỷ đồng và thấp nhất là TP. Đà Nẵng 235 tỷ đồng. Nợ quá hạn của toàn hội chỉ chiếm 0,56%/tổng dư nợ. - Tổng dư nợ uỷ thác qua Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, với 16 chương trình tín dụng ủy thác, lên tới gần 13.600 tỷ đồng, chiếm gần 11% tổng dư nợ ủy thác của NHCSXH. Trong đó, các chương trình cho vay hộ nghèo và HSSV chiếm tỷ trọng cao (lần lượt là 35% và 20,6%). Tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,66%/tổng dư nợ ủy thác, giảm 0,25%, trong đó có 44 tỉnh, thành phố giảm mạnh so với đầu năm 2014. - Tổng dư nợ uỷ thác qua Hội LHPN Việt Nam là hơn 50.507 tỷ đồng ở 76.751 Tổ TK&VV, với gần 2,8 triệu hộ vay đầu tư phát triển kinh tế, chiếm tổng dư nợ lớn nhất trong 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác từ NHCSXH. Kết quả và chất lượng ủy thác tín dụng của các tổ chức hội, đoàn thể trong cả nước từng bước được tăng lên, góp phần củng cố thêm mối quan hệ chặt chẽ giữa NHCSXH với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống chính trị tại địa phương, cũng như giúp gắn bó hơn với người vay và tăng kiểm soát vốn vay hiệu quả hơn. Hoạt động của NHCSXH đã trực tiếp và gián tiếp góp phần tô đậm thành tích bảo đảm an sinh xã hội của đất nước: Cuối năm 2012, trên cả nước khoảng 90,7% số người nghèo nhất đã được sử dụng điện lưới; trên 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có trạm y tế, trong đó 78% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm; 67,5% số xã có công trình thủy lợi nhỏ. Cả nước đã cơ bản hoàn thành phổ cập trung học cơ sở từ năm 2010, với 100% xã có đủ trường tiểu học, trung học cơ sở. Tỉ lệ nhập học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học là 97,7% và bậc trung học cơ sở là 87,2%. Mỗi năm 1,8 triệu lao động được dạy nghề qua hệ thống 10.000 trường, trung tâm học tập cộng đồng và gần 700 trung tâm giáo dục thường xuyên. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước liên tục giảm, chỉ còn gần 9,64% vào cuối năm 2012, so với mức 22% năm 2006. Tỷ lệ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm từ trung bình 47% năm 2006, xuống còn 28,55% năm 2012 ở vùng Tây Bắc, Đông Bắc - 17,39%, Tây Nguyên - 15,58%, Bắc Trung bộ - 15,01%. Thu nhập bình quân của hộ nghèo năm 2010 tăng 2,3 lần so với năm 2005; bình quân GDP tăng từ 1.024 USD/người năm 2008 lên 1.540 USD/người năm 2012. Tuy nhiên, NHCSXH cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời điểm hiện nay: Nguồn vốn hoạt động chưa ổn định lâu dài. Cơ cấu nguồn vốn chưa hợp lý, chưa tiếp cận được các nguồn vốn nhân đạo, vốn ODA. Nguồn vốn ủy thác hàng năm chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn. Việc giao chỉ tiêu cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý hàng năm chưa sát với kế hoạch do NHCSXH xây dựng. Các nguồn vốn vay có thời hạn dài, lãi suất thấp, chất lượng thực hiện dịch 278
  4. vụ ủy thác của các tổ chức hội, đoàn thể cũng như hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn nhiều nơi còn hạn chế, mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đến nay không còn phù hợp, số tiền trích lập thấp hơn nhiều so với các rủi ro phát sinh cần xử lý; trong khi công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở và NHCSXH chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên; việc điều tra, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức làm ảnh hưởng tới việc hỗ trợ vốn kịp thời cho các đối tượng này. Hơn nữa, trải qua chiến tranh tàn khốc kéo dài và đói nghèo cùng cực, phải chịu đựng trên 17 triệu tấn bom đạn (gấp 4 lần tổng số bom đạn dùng trong Chiến tranh thế giới lần 2) và trên 70 triệu lít hóa chất chứa dioxin, Việt Nam hiện có trên 4 triệu người khuyết tật, tàn tật do bom đạn, chất độc chiến tranh, cùng hàng triệu người có công, người già và trẻ em không nơi nương tựa, nghèo, cô đơn. Việt Nam còn chịu áp lực mỗi năm thêm hàng triệu người bước vào độ tuổi lao động và hàng chục triệu lao động khác làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, dễ bị tổn thương Vì vậy, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững ở Việt Nam vẫn còn rất nặng nề và phải được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa. Vì vậy, để NHCSXH thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của mình đã đề ra trong Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020, cần chú ý: Thứ nhất, cải thiện năng lực tài chính và tăng tính tự chủ trong hoạt động của NHCSXH: Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHCSXH phải đảm bảo cho 100% hộ nghèo, đối tượng chính sách khi có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi (Quyết định 852/QĐ-TTg). Bên cạnh đó, NHCS cũng phải phục vụ chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo; đảm bảo dư nợ tăng trưởng bình quân 10%/ năm Để NHCSXH có nguồn vốn lớn, ổn định thực hiện chỉ đạo này, NHNN phải tạo điều kiện để NHCSXH được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi không phải trả lãi hoặc lãi suất thấp có thời hạn dài như vốn ODA, vốn tài trợ từ các nhà đầu tư cho các chương trình an sinh xã hội để thực hiện kênh tín dụng chính sách. Đồng thời tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng Nhà nước, tổ chức tín dụng đã cổ phần nhưng Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối duy trì mức tiền gửi 2% tại NHCSXH. Ngoài ra, Nhà nước sẽ có cơ chế khuyến khích các tổ chức tín dụng trong toàn ngành quan tâm đầu tư trái phiếu NHCSXH. NHNN sẵn sàng tái cấp vốn để NHCSXH đảm bảo đủ nguồn vốn cho vay phục vụ bà con dân nghèo. Ngân hàng cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương để tập trung các nguồn vốn tín dụng có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước vào một đầu mối, tách tín dụng ưu đãi ra khỏi ngân hàng thương mại, đa dạng hoá cơ cấu nguồn vốn, tăng tỷ lệ vốn cấp từ ngân sách Trung ương, vay NHNN, Kho bạc Nhà nước; tạo đìều kiện pháp lý và bảo lãnh nhà nước để tăng quy mô vốn huy động của nước ngoài và các địa phương, các tổ chức và cá nhân uỷ thác cho NHCSXH thực hiện; vay lãi suất thị trường, tiền gửi của các tổ chức tài chính, tín dụng, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, huy động của các tổ chức, cá nhân đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Trước mắt, tăng cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn dành cho các chương trình an sinh xã hội; tạo điều kiện để NHCSXH tiếp cận với các dự án vay vốn ODA; khuyến khích các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp vào nguồn vốn uỷ thác; thực hiện phát hành trái phiếu, huy động vốn từ dân cư. Đồng thời, giao định mức chi phí quản lý cho NHCSXH ổn định trong thời kỳ và nâng mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để tạo tính chủ động cho NHCSXH. Đặc biệt, cùng với việc kêu gọi các nhà hảo tâm và tiếp cận các kênh vốn tài trợ quốc tế khác, cần nghiên cứu cho phép NHCSXH phối hợp với các địa phương và ngành tài chính tổ chức loạt sổ xố chuyên đề huy động vốn bổ sung định kỳ hoặc đột xuất cho các chương trình mục tiêu do ngân hàng chủ trì 279
  5. Thứ hai, rà soát các đối tuợng, chương trình, điều kiện cho vay phù hợp với tình hình mới: Ngoài việc tiếp tục cho vay các đối tượng truyền thống, để góp phần giảm thiểu tình trạng tín dụng đen gây nhiều hệ luỵ tiêu cực trong xã hội và tăng dư nợ tín dụng cả nước nói chung, NHCSXH cần mở rộng đối tuợng và cải thiện điều kiện vay, thuận lợi và minh bạch hoá về lãi suất, bao gồm cả cho vay hỗ trợ nhà ở và tiêu dùng thiết yếu của những hộ nghèo và cận nghèo ở nông thôn. Đối với những học sinh nghèo đỗ đại học cần được vay ưu đãi thời hạn dài và lãi suất thấp nhất để tạo điều kiện cho họ học tập, ổn định cuộc sống và trả nợ trong tương lai. Nâng mức và thời hạn tín dụng cho vay sát với nhu cầu và chu kỳ sản xuất, kinh doanh thực tế. Thực tế cho thấy, việc thi hành từ ngày 01/5/2014 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tăng mức vay vốn Chương trình tín dụng NS&VSMTNT từ 4 triệu đồng lên 6 triệu đồng để xây dựng một công trình về nước sạch hoặc vệ sinh môi trường và nâng mức vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa 50 triệu đồng/hộ vay theo Quyết định của HĐQT NHCSXH là những điều chỉnh đúng hướng. Những lĩnh vực cho vay khác cũng cần được tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh với các mức nâng tương tự Đồng thời, để phòng tránh việc lạm dụng vốn ưu đãi của NHCSXH, cần thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn và Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015 Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 510.000 hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011-2015 có khó khăn về nhà ở. Trong đó, có khoảng 345.000 hộ chưa được hỗ trợ nhà ở theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác; 15.000 hộ đã được hỗ trợ nhà ở theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác, nhưng nay nhà đã bị mất, sập đổ hoặc hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai gây ra nhưng chưa có nguồn vốn để sửa chữa hoặc xây dựng lại; 150.000 hộ đã được hỗ trợ nhà ở theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác và đã có thời gian trên 8 năm những nay đã hư hỏng, dột nát. NHCSXH cần mở rộng cho vay hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011-2015 (giai đoạn 2) để có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững. Nhu cầu vốn cần để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2 vào khoảng 18.440 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương khoảng 4.620 tỷ đồng, ngân sách địa phương 320 tỷ đồng, vốn vay ưu đãi tương đương 7.500 tỷ đồng và dự kiến nguồn huy động từ cộng đồng và đóng góp của hộ gia đình khoảng 6.000 tỷ đồng. Việc thực hiện sẽ phân bổ theo năm với mục tiêu giải quyết 5% đối tượng ngay trong năm nay; liên tục trong các năm từ 2015-2017 là 25% mỗi năm và giải quyết nốt 20% còn lại vào năm 2018. Hiện Bộ Xây dựng đề xuất ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo nhiều mức khác nhau, tùy thuộc vào từng nhóm đối tượng, địa phương, khu vực dao động từ 5 - 14 triệu đồng/hộ. Cùng đó, các hộ gia đình thuộc diện này được vay từ NHCSXH với mức tối đa 15 triệu đồng/hộ, lãi suất 3%/năm, trong thời hạn 10 năm và ân hạn 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 5 năm bắt đầu từ năm thứ sáu, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay (bao gồm cả gốc và lãi). Thứ ba, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng qua các kênh cho vay của NHCSXH: Ngoài phương thức trực tiếp cho vay, cần ưu tiên cho vay phục vụ tái cơ cấu theo các chuỗi cung ứng sản xuất các nhóm, ngành, sản phẩm chủ lực liên kết giữa hộ gia đình - doanh nghiệp và các đoàn thể địa phương, đặc biệt là các chương trình tín dụng ưu đãi ủy thác qua “kênh” 4 hội, đoàn thể là Hội cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân và Đoàn thanh niên CS Hồ Chí Minh Đồng thời, cần coi trọng phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cấp ủy, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương với NHCSXH trong việc lồng ghép có hiệu quả các chương trình 280
  6. khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và các hoạt động của các hội, các đoàn thể, nhất là trong tổ chức bình xét tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nhằm giúp người vay sử dụng tín dụng có hiệu quả, đúng đối tượng, đúng chính sách, bảo đảm chất lượng tín dụng; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, kiểm tra và giám sát cộng đồng, cũng như đề cao trách nhiệm công vụ, tăng nhận thức và sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất giữa người dân và bản thân cán bộ NHCSXH trong quá trình tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn từ NHCSXH. Thực tế cho thấy, các tổ TK&VV là một trong những “mắt xích” quan trọng và khá hiệu quả trong quy trình vay vốn của NHCSXH, cầu nối đắc lực giúp NHCSXH cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, cần củng cố, sắp xếp lại các Tổ TK&VV theo hướng liền canh, liền cư và linh hoạt hơn nhằm tăng thông tin hai chiều thường xuyên, tuyên truyền, phổ biến chính sách cho vay vốn ưu đãi của Chính phủ đến hội viên dễ dàng hơn và thuận lợi cho việc họp bình xét, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn, thu hồi vốn gốc và lãi Bên cạnh việc tăng mức cho vay đủ mức và phù hợp chu kỳ sản xuất kinh doanh, cần tăng cường đào tạo về kỹ năng sử dụng vốn vay, áp dụng kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nguời vay; khuyến khích và khen thưởng kịp thời các cá nhân thoát nghèo, nay quay lại giúp đỡ người nghèo khác sản xuất, kinh doanh; tăng cường xử lý dứt điểm các khoản nợ tồn đọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Kinh nghiệm quản lý vốn cho vay uỷ thác của Hội LHPN tỉnh Thái nguyên cho thấy, lãnh đạo Hội phải là thành viên Ban đại diện NHCSXH tỉnh và cần chủ động tổ chức các cuộc kiểm tra Ban đại diện HĐQT NHCSXH các huyện theo sự phân công. Các Ban chuyên đề được phân công theo dõi hoạt động ủy thác của các đơn vị cần chủ động phối hợp với NHCSXH và Hội LHPN cấp huyện tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất, hoặc lồng ghép kiểm tra hoạt động ủy thác tại các cơ sở Hội, chi hội/tổ phụ nữ và hộ gia đình trong các đợt kiểm tra phong trào và công tác Hội thường xuyên, nhằm phát hiện kịp thời những vấn đề phát sinh và đảm bảo theo yêu cầu trong văn bản thỏa thuận ký kết hàng năm. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện 6 công đoạn trong quy trình cho vay của NHCSXH, công tác quản lý vốn, việc ghi chép sổ sách, lưu giữ hồ sơ chứng từ có liên quan và kiểm tra về công tác kiểm tra vốn của Hội LHPN cơ sở kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, các trường hợp vi phạm quy định đã thỏa thuận, đồng thời có kế hoạch đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, nợ xâm tiêu, chủ động phối hợp với Ngân hàng có biện pháp xử lý kịp thời. Để sát sao trong quá trình thu hồi nợ quá hạn, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh yêu cầu các cấp Hội báo cáo danh sách hộ nợ quá hạn từng tháng, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nợ quá hạn của từng hộ, chỉ đạo Hội phụ nữ cơ sở vận động thành viên trả nợ đầy đủ đảm bảo uy tín của tổ chức Hội. Đối với các trường hợp vay ké, vay sai đối tượng, xâm tiêu vốn, các cấp Hội đã phối hợp với NHCSXH và chính quyền địa phương cương quyết xử lý, thu hồi vốn. Đối với các trường hợp chây ỳ không trả nợ, Hội đã lập kế hoạch vận động thu hồi, đề nghị thành viên vay vốn ký cam kết trả nợ và chỉ đạo Ban quản lý tổ vay vốn kiên trì và nghiêm túc thực hiện đúng kế hoạch đã xây dựng. Đối với các trường hợp nợ khó đòi kéo dài từ nhiều năm, các cấp Hội đã phối hợp với NHCSXH lập hồ sơ báo cáo cấp trên và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp nhằm giảm tỷ lệ nợ quá hạn. Thứ tư, coi trọng các giải pháp đồng bộ khác Để góp phần thực hiện những thành công trên, NHCSXH cần coi trọng thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và quốc tế, đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, nâng cao chất lượng thông tin báo cáo, phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo điều hành; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, lãng phí và công tác tổ chức, đào tạo, xây dựng mạng lưới hoạt động của NHCSXH, thực hiện Đề án hiện đại hóa tin học và hoàn thành việc xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 281
  7. Ngân hàng cần chủ động nghiên cứu xử lý hài hoà những mâu thuẫn và bất cập giữa tình trạng nguồn vốn ít, lại giao cho quá nhiều cơ quan chủ quản; cơ chế cho vay còn phức tạp, phiền hà, phải qua nhiều khâu, nhiều ngành, nhiều cấp trung gian xét duyệt, nhưng trách nhiệm không rõ ràng nên thường rất chậm; chưa gắn công tác cho vay vốn với dịch vụ sau đầu tư và kiểm tra, giám sát thực hiện. Đồng thời, cần đẩy mạnh đơn giản hoá và tăng thông tin, huớng dẫn quy trình nghiệp vụ cho vay; tăng cường cơ chế khoán tài chính, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa công nghệ thông tin trong hệ thống NHCSXH. Thực tế cho phép tin tưởng rằng, bằng kết quả kinh nghiệm thực tế đã đạt được, sự chủ động và năng động, đề cao trách nhiệm xã hội và trình độ nghiệp vụ chuyên nghiệp ngày càng cao, NHCSXH đã, đang và sẽ tiếp tục bám sát mục tiêu chính trị đặc thù, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, tạo nhiều cơ hội cho người nghèo và đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tín dụng, các chương trình hỗ trợ giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, tạo công ăn việc làm, cải tạo cuộc sống, dần vươn lên thoát nghèo; góp phần hoàn thiện thể chế ngân hàng và bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với tiến trình đổi mới và yêu cầu hội nhập quốc tế /. TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Cổng thông tin NHNN và NHCSXH; 2. tin-dung-chinh-sach-dac-thu-o-viet-nam.html 3. Báo cáo Thống kê hàng năm của Tổng cục Thống kê 282