Những vấn đề cơ bản về tài chính toàn diện

pdf 9 trang Gia Huy 3900
Bạn đang xem tài liệu "Những vấn đề cơ bản về tài chính toàn diện", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnhung_van_de_co_ban_ve_tai_chinh_toan_dien.pdf

Nội dung text: Những vấn đề cơ bản về tài chính toàn diện

  1. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN PGS. TS. Phạm Ngọc Dũng, Học viện Tài chính TS. Bùi Thị Mến, Học viện Ngân hàng Tóm tắt Tài chính toàn diện là chủ đề đa diện, tồn tại nhiều quan niệm khác nhau. Bài viết này tập trung làm rõ khái niệm tài chính toàn diện với nghĩa tất cả mọi cá nhân và doanh nghiệp trong cộng đồng đều được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, được cung cấp bởi các tổ chức tài chính chính thức. Từ khóa: tài chính toàn diện, dịch vụ tài chính, tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính. 1. Khái niệm và đặc điểm của tài chính toàn diện 1.1. Khái niệm tài chính toàn diện Quan niệm về tài chính toàn diện (financial inclusion) nhìn chung khá đa dạng, có sự gắn kết với từng mục tiêu phát triển. Tài chính toàn diện được giới hoạch định chính sách xem là một cách thức phát triển tài chính của xã hội, cộng đồng. Những lý thuyết gần đây cho thấy quan niệm tài chính toàn diện đi liền với việc cung cấp các tiện ích về dịch vụ tài chính (DVTC) chính thức, hay tỷ lệ cá nhân và doanh nghiệp sử dụng các DVTC. Trong đó, DVTC được Tổ chức Thương mại thế giới định nghĩa là bất kỳ dịch vụ nào có tính chất tài chính, được một nhà cung cấp DVTC chính thức cung ứng, gồm: dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ liên quan đến bảo hiểm; dịch vụ ngân hàng và các DVTC khác như tiết kiệm, thanh toán, tín dụng hoặc quản lý rủi ro cho các cá nhân và tổ chức trong xã hội, góp phần phát triển kinh tế của họ. Một số quan niệm về tài chính toàn diện dựa trên quá trình tiếp cận các DVTC (Leyshon & Thrift, 1996) như tài chính toàn diện là quá trình một số nhóm xã hội và cá nhân nhất định được tiếp cận với hệ thống tài chính chính thức; hay tài chính toàn diện là khả năng tiếp cận DVTC cần thiết bằng cách thức thích hợp (Sinclair, 2001). Hoặc tài chính toàn diện là quá trình đảm bảo nhóm dân cư thiệt thòi chẳng hạn như tầng lớp yếu thế và nhóm thu nhập thấp có thể tiếp cận các DVTC kịp thời, đầy đủ khi cần thiết với chi phí hợp lý (Kumar và Mishra, 2011); giống như một trạng thái mà tất cả mọi người có khả năng sử dụng DVTC được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ này một cách chất lượng, được cung cấp ở mức giá phù hợp và cách thức thuận tiện cho khách hàng. Một quan điểm cụ thể hơn nhưng khá tương đồng của Tổ chức Hợp tác toàn cầu về Tài chính toàn diện (GPFI) cho rằng tài chính toàn diện là một trạng thái mà tất cả mọi người có thể tiếp cận hiệu quả tới dịch vụ tín dụng, tiết kiệm, thanh toán và bảo hiểm từ các nhà cung cấp DVTC. Tài chính toàn diện giúp bộ phận xã hội chưa tiếp cận DVTC hoặc đã tiếp cận nhưng không chính thống được tham gia hệ thống tài chính chính thống, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo, cải thiện việc làm, cải thiện đời sống và phúc lợi xã hội. Thuật ngữ “tài chính toàn diện” có thể dễ bị nhầm lẫn với “tiếp cận tài chính”. Tiếp cận tài chính được xem xét trong phạm vi hẹp hơn so với tài chính toàn diện. Cũng cần phân biệt giữa tiếp cận tài chính và sử dụng DVTC. 58
  2. Hình 1: Phân biệt tiếp cận và sử dụng DVTC Tiếp cận dịch vụ tài chính Không tiếp cận dịch vụ tài chính Nguồn: (Beck, Demirgüç-Kunt, & Honohan, 2009) Người sử dụng có khả năng tiếp cận các DVTC nhưng lại không muốn sử dụng trong khi nhiều người có nhu cầu lại không thể tiếp cận do những rào cản như chi phí đắt đỏ, quy định pháp luật phức tạp, thiếu sản phẩm dịch vụ phù hợp, khoảng cách địa lý xa xôi hoặc đơn giản là do thói quen v.v Ngoài ra, nhiều trường hợp khách hàng có thể bị loại trừ một cách vô tình khỏi việc sử dụng các DVTC, nhóm này được gọi là nhóm bị loại trừ tự nguyện (voluntary exclusion). Bao gồm những đối tượng bị phân biệt đối xử, thiếu thông tin, sai sót trong thực thi các hợp đồng tài chính. Trong thực tế, có một số bộ phận dân cư không sử dụng các DVTC vì lý do tôn giáo hoặc văn hóa. Nếu bộ phân này có được kỹ năng về tài chính hoặc công nghệ tài chính thì vẫn có thể thay đổi nhận thức và sẽ tạo ra nhu cầu về DVTC. Chẳng hạn như thói quen sử dụng tiền mặt có thể được thay thế bằng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán qua điện thoại, máy tính và các thiết bị có kết nối internet, qua ngân hàng. Hoặc thói quen vay tiền từ các nguồn không chính thức có thể được hỗ trợ bởi các tổ chức tài chính phi chính thức. Một điều dễ nhận thấy, không phải tất cả các DVTC đều phù hợp cho tất cả mọi người. Trong Báo cáo phát triển tài chính toàn cầu, tài chính toàn diện được nhấn mạnh là loại bỏ các rào cản phí và chi phí trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính (Appleyard & Rowlingson, 2014). Để giảm dần các rào cản chi phí nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện thì cần đảm bảo sự sẵn có của các DVTC và nhà cung cấp phù hợp. Nói cách khác DVTC phải phù hợp với người dùng. Đa số các trường hợp, sự sẵn có và rộng khắp của các DVTC cho phép các cá nhân và doanh nghiệp tận dụng lợi thế của các cơ hội kinh doanh, đầu tư vào giáo dục, tiết kiệm cho thời kỳ nghỉ hưu và đảm bảo ứng phó với các rủi ro (Beck et al., 2009). Trong một chủ đề trình bày tổng quan về tài chính toàn diện được công bố năm 2017, Ngân hàng Thế giới nhận định: tài chính toàn diện là quá trình cung cấp có trách nhiệm và bền vững các sản phẩm hay DVTC hữu ích, phù hợp khả năng cho mọi cá nhân và doanh nghiệp nhằm đáp 59
  3. ứng nhu cầu của họ về giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm (WB, 2017). Quan niệm này cho thấy xu thế của tài chính toàn diện là đưa các DVTC chính thức đến cho mọi chủ thể trong xã hội, nhất là những cá nhân hoặc tổ chức khó khăn nhất do vấn đề thu nhập hoặc kiến thức về tài chính, với chi phí hợp lý và sự tin tưởng, đảm bảo nhu cầu sử dụng và sẵn sàng sử dụng DVTC của khách hàng, khả năng cung ứng và sẵn sàng cung ứng của các đơn vị cung cấp DVTC. Tài chính toàn diện không chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận tài chính mà bao gồm cả nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người sử dụng dịch vụ (SBV, 2016). Cải thiện khả năng tiếp cận tài chính đồng nghĩa với cải thiện tình trạng sử dụng các loại hình DVTC của các cá nhân và tổ chức trong xã hội (Beck et al., 2009). Hoặc có thể hiểu là tỷ lệ các cá nhân và doanh nghiệp đang sở hữu tài khoản tại một tổ chức tài chính, sử dụng các dịch vụ như thanh toán, tiết kiệm, vay vốn hoặc mua bảo hiểm để đầu tư, tiêu dùng hoặc quản lý rủi ro tài chính tốt hơn (Demirgüç-Kunt & Klapper, 2012). Về chất lượng, các DVTC phải được cung cấp bởi các tổ chức tài chính chính thức, với các công cụ tài chính an toàn và hiệu quả và môi trường pháp lý minh bạch. Nhìn chung, nhiều định nghĩa về tài chính toàn diện đã được đề xuất, nhưng có thể thấy sự xuất hiện nhiều nhất và được chấp nhận rộng rãi là: tài chính toàn diện là một quy trình đảm bảo sự tiếp cận dễ dàng và sẵn có của các DVTC và sử dụng hệ thống tài chính chính thức cho tất cả các thành viên trong mỗi nền kinh tế (Sarma, 2016). Chi tiết hơn, tài chính toàn diện đề cập đến một trạng thái nơi các cá nhân, bao gồm những người có thu nhập thấp và các doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp nhỏ nhất có khả năng và sẵn sàng tiếp cận, sử dụng các DVTC chính chính thức một cách chất lượng (thanh toán, chuyển khoản, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm ) được cung cấp một cách trách nhiệm và bền vững bởi nhiều nhà cung cấp DVTC, hoạt động dựa trên pháp luật, trong một môi trường pháp lý phù hợp. Do đó, trong bài viết này, tài chính toàn diện có thể được hiểu là một quy trình đảm bảo cho mỗi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các DVTC chính thức một cách dễ dàng và sẵn có. Tài chính toàn diện là một khái niệm đa diện với nhiều thành tố. Ở đây, tiếp cận liên quan đến khả năng sử dụng các DVTC một cách sẵn có và sản phẩm từ các tổ chức tài chính chính thức. Các tiêu chí phản ánh mức độ tiếp cận DVTC thường phân tích từ các rào cản tiềm năng ảnh hưởng tới mở và sử dụng tài khoản ngân hàng như chi phí, khoảng cách địa lý của các điểm DVTC (chi nhánh ngân hàng, ATM v.v.). Chỉ số tính toán mức độ tiếp cận là số tài khoản ngân hàng (trên 1.000 người trưởng thành), số chi nhánh ngân hàng (trên một triệu dân), số lượng máy giao dịch tự động (ATM) (trên nghìn dân), số tài khoản tín dụng ngân hàng, khối lượng tiền gửi, quy mô tín dụng ngân hàng và tỷ lệ tiền gửi tính trên GDP v.v Sử dụng DVTC chính thức liên quan đến áp dụng nhiều các DVTC cơ bản. Tính toán thông qua việc đo lường tính thường xuyên, tần suất và thời gian sử dụng DVTC bởi bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức là khách hàng sử dụng DVTC. Chất lượng của tài chính toàn diện sẽ được đo lường dựa vào mức độ phù hợp của DVTC hoặc các sản phẩm tài chính với nhu cầu, thói quen của khách hàng. Chất lượng tính đến những trải nghiệm của người tiêu dùng thông qua thái độ và ý kiến đối với những sản phẩm sẵn có. Thước đo này được dùng để đánh giá bản chất và chiều sâu mối quan hệ giữa DVTC, nhà cung cấp và người tiêu dùng cũng như các lựa chọn sẵn có và mức độ hiểu biết của họ đối với từng lựa chọn và lợi ích của chúng. Tài chính toàn diện tạo ra một cơ sở đảm bảo cho các cá nhân và doanh nghiệp trong cùng một nền kinh tế được hưởng lợi từ sự cải thiện tiếp cận các DVTC. Giúp cả phía người tiêu dùng và các nhà sản xuất cải thiện năng suất, nâng cao phúc lợi. Việc tham gia một cách hiệu quả vào thị trường tài chính là tiền đề phát triển kinh tế. Chính vì vậy, bên cạnh rất nhiều nội dung, tài chính toàn diện luôn chú trọng đảm bảo các nhóm thiệt thòi được tiếp cận thị trường DVTC, hướng tới sự phát triển kinh tế xã hội và hòa nhập xã hội. Bên cạnh yếu tố tiếp cận, sử dụng DVTC, tài chính toàn diện góp phần thay đổi cuộc sống của người sử dụng, gồm những thay đổi trong tiêu dùng, sức khỏe hay trong năng suất kinh doanh của họ. 60
  4. 1.2. Đặc điểm của tài chính toàn diện Dựa trên quan niệm tài chính toàn diện đã nêu, có thể tổng kết một số đặc điểm chính của tài chính toàn diện như sau: Thứ nhất, các thước đo của tài chính toàn diện thường được thể hiện ở tiếp cận DVTC, sử dụng DVTC và chất lượng của các DVTC. Thứ hai, tham gia vào hoạt động tài chính toàn diện có các chủ thể gắn liền với quá trình cung ứng và sử dụng các DVTC, bao gồm khách hàng, nhà cung cấp dịch vụ, nhà nước với vai trò giám sát. Khách hàng sử dụng DVTC là những người có nhu cầu và sẵn sàng sử dụng DVTC. Đối tượng này bao gồm: doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội; cá nhân, hộ gia đình; Chính phủ. Mức độ đa dạng của DVTC cũng như chất lượng của nó không hoàn toàn do các tổ chức cung cấp DVTC cung ứng mà còn phụ thuộc vào chính sự cảm nhận của khách hàng hoặc sự hiểu biết của khách hàng trong lĩnh vực này. Thứ ba, tài chính toàn diện hướng tới việc cung cấp đa dạng các loại hình sản phẩm, DVTC tới các đối tượng có nhu cầu với chi phí, phương tiện, thủ tục hợp lý nhất. Đặc biệt là mở rộng khả năng tiếp cận cho các tầng lớp có thu nhập thấp nhằm tạo cơ hội đồng đều và xóa đói, giảm nghèo, hạn chế bất bình đẳng trong nền kinh tế. Đặc điểm này thể hiện tính chất khác biệt của tài chính toàn diện đồng thời cũng là mục tiêu của tài chính toàn diện khi được triển khai. 2. Mục tiêu của tài chính toàn diện Các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, nhóm các quốc gia G20 đều rất chú trọng hỗ trợ và thúc đẩy các quốc gia thực thi các giải pháp về tài chính toán diện. Theo đó, mục tiêu của tài chính toàn diện được đề cập chủ yếu với 5 nội dung chính: Một là: Tiếp cận ở mức chi phí hợp lý của tất cả người dân đối với các loại DVTC, bao gồm dịch vụ tiết kiệm hoặc gửi tiền, dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, tín dụng và bảo hiểm. Trong bối cảnh ứng dụng công nghệ số đang ngày càng được chú trọng, tài chính toàn diện sẽ có cơ hội phát triển khi mà các tổ chức tín dụng có thể phát triển các kênh cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử, xóa nhòa các rào cản về không gian và thời gian, cho phép cung cấp DVTC với chi phí rẻ hơn, tạo điều kiện cho người nghèo, người ở khu vực vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, giúp họ cải thiện đời sống. Hai là: Các tổ chức kinh doanh an toàn và hiệu quả, được quản lý bởi hành lang pháp lý và những tiêu chuẩn hoạt động ngành rõ ràng Tài chính toàn diện hướng đến sự an toàn và hiệu quả của toàn bộ quá trình cung ứng và sử dụng các DVTC. Điều này đặt ra thách thức về quản lý, giám sát và rủi ro bảo mật thông tin, an toàn hệ thống tài chính. Do vậy, các cơ quan giữ chức năng quản lý nhà nước đối với hệ thống tổ chức cung cấp DVTC phải đảm bảo việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý lành mạnh, vững chắc, đảm bảo an toàn đối với DVTC, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Ba là: Bền vững thể chế và tài chính, đảm bảo tính liên tục và chắc chắn của hoạt động đầu tư Tài chính toàn diện được coi là trụ cột quan trọng của tăng trưởng, phát triển và giảm nghèo, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội. Muốn thực hiện được điều đó thì vấn đề bền vững thể chế và tài chính, đảm bảo tính liên tục, sự tin tưởng trong hoạt động đầu tư chính là một mục tiêu mà tài chính toàn diện cần hướng tới. Bốn là: Cạnh tranh giúp mở rộng sự lựa chọn và đáp ứng khả năng chi trả Phát triển thị trường và các sản phẩm DVTC nhằm tạo ra sự cạnh tranh để cải thiện chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, giảm nghèo đói và bất bình đẳng. Tài chính toàn diện không chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng, mà bao gồm cả nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người tiêu dùng. Tài chính toàn diện đặc biệt chú trọng đến nhóm cá nhân và tổ chức chưa được tiếp cận DVTC, người dân có thu nhập thấp, người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp vi mô. 61
  5. Năm là: Phát triển hệ thống tài chính phục vụ cho tất cả các thành viên trong xã hội, cung cấp các dịch vụ phù hợp và thuận tiện với chi phí hợp lý cho mọi cá nhân và doanh nghiệp, qua đó góp phần tạo cơ hội phát triển đời sống dân cư, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu cuối cùng của tài chính toàn diện là xây dựng phương thức cung cấp DVTC phù hợp cho người dân và doanh nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống. 3. Các nội dung của tài chính toàn diện Qua nghiên cứu khung lý thuyết về tài chính toàn diện, có thể thấy tài chính toàn diện có những nội dung chính như: (i) sản phẩm DVTC; (ii) mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ về tài chính; (iii) cơ sở hạ tầng tài chính; (iv) bảo vệ người sử dụng DVTC và (v) giáo dục tài chính (Larquemin, 2015). 3.1. Sản phẩm dịch vụ tài chính Trong nền kinh tế thị trường, các nguồn tài chính vận động từ những người cung cấp tài chính đến những người có nhu cầu; nguồn tài chính có thể vận động một cách trực tiếp từ cung đến cầu không thông qua trung gian hoặc vận động gián tiếp qua một trung gian tài chính. Trong cách thức vận động gián tiếp, các trung gian huy động nguồn tài chính từ những nguồn cung và trả phí huy động, sau đó phân phối lại cho những người có nhu cầu và thu phí. Như vậy, các hoạt động tài chính được thực hiện qua các trung gian được gọi là dịch vụ có tính chất tài chính. Căn cứ vào phạm vi hoạt động DVTC, Tổ chức Thương mại thế giới quan niệm DVTC gồm nhóm ngành dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm, và các DVTC khác. Bên cạnh các dịch vụ được thực hiện qua các trung gian tài chính là sự tồn tại của nhóm dịch vụ kế toán - kiểm toán, tư vấn tài chính, tuy nhiên, nhóm dịch vụ này không nhất thiết do các trung gian tài chính cung cấp. Công nghệ tài chính ngày càng hiện đại cho phép các tổ chức tài chính cung cấp nhiều loại DVTC với kỹ thuật cao và phức tạp, trong khi các tổ chức tài chính thường có mối quan hệ với nhiều khách hàng nhu cầu khác nhau. Quá trình sản xuất các DVTC luôn có sự tham gia đồng thời của các yếu tố: khách hàng, nhân viên và trang thiết bị hỗ trợ. Những yếu tố này đan xen và chi phối trực tiếp đến chất lượng sản phẩm dịch vụ nhưng chúng lại luôn biến động khiến cho DVTC cũng đa dạng và không ngừng thay đổi. DVTC thường gắn với luân chuyển vốn, chứa đựng nhiều giao dịch rủi ro cao: các tổ chức tài chính vừa cung cấp DVTC vừa là một chủ thể kinh doanh quan trọng trên thị trường tài chính, kinh doanh quyền sử dụng vốn. Những rủi ro này có ảnh hưởng lan truyền tới hầu khắp các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. DVTC hỗ trợ sự lưu chuyển nhanh mà hiệu quả các nguồn tài chính: hoạt động DVTC tạo nên các dòng lưu chuyển tiền tệ từ nơi thừa đến nơi thiếu. Sự kết nối này được thực hiện linh hoạt thông qua các tổ chức tài chính trung gian. Sản phẩm DVTC được cung cấp toàn diện đến dân chúng phải bao gồm cả DVTC do khu vực tư nhân cung ứng và các DVTC trong lĩnh vực công, nhằm cải thiện quản trị và minh bạch trong việc phân phối các quỹ tài chính của Chính phủ, như phân phối viện trợ không bằng tiền mặt. 3.2. Mạng lưới các tổ chức cung cấp về dịch vụ tài chính Do tính chất đa dạng của DVTC nên các tổ chức tài chính cũng được hình thành và phát triển dưới rất nhiều dạng thức như: tổ chức tín dụng ngân hàng; tổ chức tín dụng hợp tác; quỹ tín dụng; tổ chức tín dụng phi ngân hàng như hợp tác xã tín dụng, công ty tài chính; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, công ty cho thuê tài chính, công ty bảo hiểm. Có thể chia thành các nhóm chính sau đây: + Tổ chức nhận tiền gửi và thanh toán: gồm ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng. Trong nhiều trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm, các quĩ trợ cấp các dịch vụ bảo hiểm đóng vai trò là tổ chức tiết kiệm theo hợp đồng nhằm mục đích chia sẻ rủi ro trong nền kinh tế. 62
  6. + Trung gian đầu tư: gồm quỹ đầu tư, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm v.v Hoạt động chủ yếu của các tổ chức này là đầu tư gián tiếp thông qua phát hành các công cụ tài chính sau đó đầu tư trở lại nền kinh tế thông qua thị trường. + Tổ chức môi giới và nghề nghiệp: gồm công ty chứng khoán, công ty tư vấn tài chính v.v tham gia vào việc cung cấp DVTC nhằm thúc đẩy quá trình luân chuyển các nguồn tài chính trong nền kinh tế. Khi thị trường tài chính phát triển mạnh, các loại hình DVTC được đa dạng hóa, các chủ thể cung ứng cũng ngày càng đông đảo và chuyên môn hóa với hình thức đa dạng, cơ chế tạo vốn linh hoạt. Đặc biệt doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này luôn chịu sự kiểm soát khá chặt chẽ của pháp luật bằng các qui định về điều kiện kinh doanh và các chỉ số đảm bảo tính an toàn tài chính trong suốt quá trình hoạt động. Quy định này phản ánh tính chất nhạy cảm của DVTC, điều này cũng bắt nguồn từ đặc trưng của sản phẩm DVTC là vô hình nhưng lại tạo nên những mối quan hệ tài chính phức tạp. Đa số các giải pháp tài chính toàn diện đều đặt trọng tâm vào xây dựng một hệ thống các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính hoạt động an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm nhằm giảm thiểu rủi ro cho khách hàng và hệ thống tài chính. 3.3. Cơ sở hạ tầng tài chính Cơ sở hạ tầng tài chính (Financial infrastructure) là một phần cốt lõi của toàn bộ hệ thống tài chính (WB, 2009). Chất lượng cơ sở hạ tầng tài chính xác định hiệu quả hoạt động của các trung gian tài chính, là công cụ để thực hiện DVTC. Một hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính bền vững tạo điều kiện phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ, kênh phân phối hiện đại. Chính vì thế, nó cũng là nội dung trọng yếu của tài chính toàn diện. Tiếp cận tài chính cũng chính là kết quả của quá trình tương tác giữa các nhà cung cấp DVTC với khách hàng hoặc với đối tác của họ dựa trên nền tảng là cơ sở hạ tầng tài chính và khung pháp lý. Tài chính toàn diện đòi hỏi việc thực hiện một chiến lược gồm 2 phần: (i) trước hết là tạo dựng và cải thiện các yếu tố cơ sở hạ tầng tài chính khác nhau phục vụ cho hoạt động tín dụng, hệ thống các phương tiện thanh toán; hệ thống thanh toán chứng khoán, kiều hối v.v cũng như tạo điều kiện pháp lý để cho phép các yếu tố này hoạt động phù hợp trong toàn bộ hệ thống các cơ sở hạ tầng tài chính khác nhau; (ii) thứ hai là làm việc với các tổ chức tài chính khác nhau (các ngân hàng bán lẻ, ngân hàng SME, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính hoặc cho thuê tài chính ) và phát triển năng lực nội bộ của các tổ chức này một cách phù hợp với thể chế tài chính. Thị trường tài chính ngày nay chứa đựng hàng loạt những thay đổi đáng kể trong cả sản phẩm và phương thức phân phối, đặc biệt là thay đổi kênh phân phối dựa trên nền tảng công nghệ tài chính tạo ra nhiều tiện ích với giá cả phải chăng đã thúc đẩy nhu cầu DVTC. Tuy nhiên, đi cùng với những lợi ích là sự tồn tại song song của hàng loạt rủi ro liên quan đến sự phát triển của sản phẩm tài chính và kênh phân phối mới. Chính điều này đặt ra yêu cầu một trong các trong nội dung tài chính toàn diện phải hoàn thiện khuôn khổ luật lệ và hệ thống làm nền tảng để các cá nhân, doanh nghiệp và hộ gia đình lập kế hoạch, đàm phán và thực hiện các giao dịch tài chính, các tổ chức tài chính hoạt động một cách lành mạnh và an toàn. Các thành phần của cơ sở hạ tầng tài chính thường bao gồm: - Hệ thống luật phát và quản lý nhà nước về DVTC và hoạt động liên quan đến quyền và trách nhiệm của các tổ chức tài chính; công ty công nghệ tài chính và các đơn vị trung gian khác; - Nguồn lực và quy định giám sát tài chính; - Cung cấp thông tin; - Hệ thống thanh toán và hỗ trợ giao dịch tài chính. Thiết lập cơ sở hạ tầng tài chính nhằm mở rộng phạm vi của các DVTC để đáp ứng nhu cầu của các phân đoạn khác nhau của xã hội: Các sản phẩm, dịch vụ và kênh phân phối sáng tạo (dịch vụ tài chính kỹ thuật số, ngân hàng đại lý, ngân hàng di động, ngân hàng xe hơi, ATM di động, và hỗ trợ cơ sở hạ tầng); Các sản phẩm tài chính dễ dàng và an toàn đáp ứng nhu cầu và khả năng của người dùng. 63
  7. 3.4. Bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính Bảo vệ người tiêu dùng tức là cung cấp một cảm giác an toàn cho cộng đồng để tương tác với tài chính toàn diện và tận dụng các sản phẩm tài chính, dịch vụ và hệ thống thanh toán được cung cấp. Những người tiêu dùng phải đảm bảo có đủ hiểu biết cơ bản về tài chính và được bảo vệ đầy đủ bằng hệ thống pháp luật. Vấn đề bảo vệ người sử dụng DVTC thực hiện bởi bản thân khách hàng sử dụng dịch vụ bằng việc họ tự nâng cao kiến thức tài chính của mình. Bên cạnh đó là sự uy tín và bền vững của tổ chức cung cấp dịch vụ nhằm hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất. Tuy nhiên, thị trường tài chính với những khuyết tật về thông tin thì không thể thiếu vai trò của nhà nước. Nhà nước tham gia vào lĩnh vực DVTC với vai trò quản lý, giám sát. Sự can thiệp của Nhà nước ở một mức độ nào đó cũng góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh lành mạnh, giảm thiểu những rủi ro hoặc các yếu tố nguy cơ khác có thể phát sinh trong nhiều giao dịch tài chính. Chính việc thể chế dưới dạng các văn bản pháp luật đối với nhiều hoạt động DVTC và các luật có liên quan khác như luật thuế, lãi suất, tỷ giá, chống rửa tiền, giao dịch điện tử góp phần điều chỉnh các hoạt động kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật và theo tín hiệu của thị trường. Bảo vệ người sử dụng DVTC là yếu tố quan trọng để đảm bảo tài chính toàn diện, đặc biệt đối với những người thiếu kinh nghiệm và có hiểu biết hạn chế. Những nội dung chính trong bảo vệ người dùng gồm: (i) Yêu cầu về minh bạch trong mọi điều khoản, điều kiện, phí và quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt đối với khách hàng lần đầu tiên sử dụng dịch vụ, nhờ đó khách hàng sẽ có quyết định dựa trên cơ sở được thông tin đầy đủ, tránh những hiểu lầm đưa đến rủi ro cho chính họ. (ii) Trách nhiệm đối với các giao dịch trái phép, bởi không như các loại phương tiện thanh toán như thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ thường kèm theo yêu cầu cấp phép giao dịch để bảo vệ khách hàng, một số sản phẩm tiền điện tử không kèm theo điều kiện cấp phép giao dịch có thể bị lạm dụng gây thất thoát. (iii) Hỗ trợ khách hàng và giải quyết khiếu nại, khi họ cần phản ánh những vấn đề phát sinh trong giao dịch thanh toán. Bảo vệ khách hàng tránh khỏi những nhà cung ứng dịch vụ yếu kém và chất lượng dịch vụ thấp, tạo lòng tin cho họ. (iv) Bảo vệ thông tin/dữ liệu của khách hàng. (v) Bảo vệ người sử dụng DVTC tránh khỏi bị truy thu từ tài khoản giao dịch, như bị chủ nợ xiết nợ, hoặc các khoản truy thu khác 3.5. Giáo dục tài chính Theo lý thuyết về tài chính ngân hàng, hệ thống tài chính là kênh chuyển vốn và các DVTC đến người sử dụng. Hệ thống tài chính có hiệu quả, bền vững hay không phụ thuộc đáng kể vào trình độ, năng lực của người sử dụng vốn, DVTC. Yếu tố này còn gọi là trình độ dân trí về tài chính ngân hàng hoặc “dân trí về tài chính” (financial literacy). Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dân trí về tài chính có ảnh hưởng đáng kể đến phát triển bền vững hệ thống tài chính, ngân hàng và rộng hơn là nền kinh tế. Nhóm tác giả Fenella Carpena và Bilal Zia thử nghiệm thực tế tại Ấn Độ với nhiều phương pháp giáo dục tài chính khác nhau để tìm hiểu các cơ chế nhân quả giữa giáo dục tài chính và hành vi tài chính. Tập trung vào vai trò trung gian của hiểu biết tài chính, nghiên cứu đưa ra một định nghĩa rộng hơn về hiểu biết tài chính, bao gồm 3 khía cạnh: kỹ năng tính toán, nhận thức về tài chính, và thái độ đối với tài chính cá nhân. Nghiên cứu sau đó sử dụng phân tích trung gian nhân quả để tìm hiểu về tỷ lệ tác động của phương pháp giáo dục tài chính tới 3 kênh nói trên. Điều đáng nói là kỹ năng tính toán không dẫn tới bất kỳ tác động nào của giáo dục tài chính lên kết quả tài chính của hộ gia đình. Đối với các hoạt động tài chính đơn giản như lập kế hoạch ngân sách, cả nhận thức tài chính và thái độ đều là những yếu tố trung gian quan trọng, trong khi đối với các hoạt động tài chính phức tạp hơn như mở tài khoản tiết kiệm, thái độ đóng một vai trò rõ rệt hơn. Những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức về các sản phẩm và DVTC (Carpena & Zia, 2018). 64
  8. Giáo dục tài chính gia tăng khả năng của người dân tiếp cận tài chính được hiểu là quá trình gia tăng khả năng các nhóm dân cư trong xã hội tiếp cận và sử dụng các sản phẩm và DVTC đa dạng với chi phí hợp lý thông qua việc triển khai các biện pháp khác nhau trong đó bao gồm đào tạo và giáo dục hiểu biết về tài chính để hướng tới mục tiêu cải thiện tình hình tài chính cũng như tình trạng kinh tế và xã hội (Atkinson & Messy, 2010). Nghiên cứu cũng chỉ ra một tỷ lệ lớn người trưởng thành thiếu những kiến thức và kỹ năng chung trong đó có kiến thức tài chính và do đó không đưa ra được những phương án hành động có lợi nhất cho mình. Giáo dục tài chính nhằm mục tiêu cải thiện (i) kiến thức công cộng và nhận thức về định chế tài chính chính thức, sản phẩm tài chính và dịch vụ, bao gồm cả tính năng, lợi ích và rủi ro, chi phí, quyền và nghĩa vụ; (ii) nâng cao kỹ năng của cộng đồng trong kế hoạch tài chính và quản lý. Tổ chức OECD phát triển một công cụ khảo sát đánh giá dân trí về tài chính ngân hàng đã được nhiều nghiên cứu sử dụng trên 14 quốc gia, được thiết kế dạng bảng hỏi, đánh giá 03 “thành tố” trong dân trí tài chính gồm: kiến thức, thái độ và hành vi tài chính. Tổng hợp kết quả cả 03 mục theo thang 22 điểm (tương ứng 8 cho kiến thức, 9 cho hành động, và 5 cho thái độ) để có kết quả chung. Bảng 1: Tiêu chí đánh giá trình độ dân trí về tài chính của OECD Số Đạt yêu cầu Tiêu chí Nội dung đánh giá Dạng thức hỏi câu hỏi (điểm) Kiến thức tài chính không chuyên Kiến thức 8 Trắc nghiệm 6/8 ngành (cơ bản) Quan điểm và xu hướng ưu tiên giữa Thang đo likert, Trung bình Thái độ nhu cầu ngắn hạn và kế hoạch tài 3 mức độ 1-5 3 điểm/câu chính dài hạn Hành vi Số lượng hành vi tài chính tích cực 9 Phỏng vấn thực tế 6/9 (Nguồn: Atkinson, A. and F. Messy (2012). ‘Measuring Financial Literacy: Results of the OECD’) Tại nhiều quốc gia đang phát triển thì việc quản lý tài chính của các cá nhân, nhất là các hộ kinh doanh cá thể thì việc kiểm soát thu chi, lập kế hoạch ngân sách thường yếu hơn các chủ thể kinh doanh khác (Blog, 2013). Những kết quả này cũng được giải thích vì thông thường những cá nhân tự doanh là những người có học vấn ở trình độ phổ thông hoặc ít hơn. Giáo dục tài chính cho người dân và doanh nghiệp ở các nước đang phát triển có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì đó là một trong các giải pháp hỗ trợ cho những đối tượng này có thể dễ dàng tiếp cận đến những nguồn lực tài chính hiện hành để đóng góp vào đà tăng trưởng chung của doanh nghiệp của họ hoặc hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp (WB, 2014). Quá trình giáo dục giúp người dân tăng cường hiểu biết của mình về các khái niệm và sản phẩm tài chính, thông qua việc tiếp nhận thông tin/hướng dẫn và/hoặc tư vấn để phát triển các kỹ năng, nhận thức rõ hơn các rủi ro và cơ hội tài chính qua đó có thể đưa ra các quyết định xác thực, biết cách tìm kiếm hỗ trợ ở đâu và có thể hành động một cách hiệu quả để cải thiện tình trạng tài chính của mình hoặc của doanh nghiệp mình. Giáo dục tài chính là một quá trình cần được thực hiện nhắc lại, thường xuyên liên tục, giúp mọi người cập nhật kiến thức thường xuyên. Tuy nhiên, giáo dục tài chính ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình thường gặp những trở ngại nhất định (Holzmann, 2010) như: Khả năng tiếp cận các DVTC thấp ở một phần hay phần lớn dân cư; thu nhập đầu người thấp, việc ưu tiên mưu sinh ảnh hưởng đến hành vi tài chính mà hành vi này có thể thay đổi khi mức thu nhập thay đổi; tỷ lệ khu vực nông thôn cao với đặc trưng về cộng đồng, lối sống, tài sản dẫn đến các hành vi tiết kiệm và lập kế hoạch đặc thù; rủi ro liên quan đến nông nghiệp và sức khỏe được quản lý bằng các hình thức phi chính thức như gia 65
  9. đình, cộng đồng và cuối cùng là nền kinh tế phi chính thức: tỷ lệ các giao dịch chính thức thấp; nhiều cá nhân làm nghề tự do dẫn đến hình thức quản lý tài chính gần hơn với hình thức quản lý chi tiêu cá nhân hoặc quản lý hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ. Những trở ngại này đòi hỏi một cách đánh giá khác về giáo dục tài chính cũng như định hướng can thiệp hay các giải pháp chính sách để giúp thay đổi hành vi trong các cộng đồng này. Chẳng hạn, bên cạnh các kỹ năng sử dụng công cụ tài chính, cần hướng đến đào tạo cơ bản về kinh doanh và quản lý nợ. Đối với các quốc gia có khuôn khổ luật pháp bảo vệ người tiêu dùng yếu, cần bổ sung thêm mục tiêu đào tạo để tránh lừa đảo; chú trọng vào các nhóm đối tượng khác nhau, không đồng nhất, phân biệt bằng các yếu tố nhân khẩu học khi tiến hành điều tra, khảo sát hay xây dựng chương trình đào tạo tài chính; quá trình triển khai đào tạo tài chính tại các quốc gia này nên dựa vào các DVTC cơ bản trước. Sonng song với giáo dục tài chính toàn, nhất là các chương trình về tài chính vi mô (Holzmann, 2010). TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Appleyard, L., & Rowlingson, K. (2014). Financial inclusion Roadmap 2014 - 2020 (Vol. 82). 2. Atkinson, A., & Messy, F.-A. (2010). Measuring financial literacy. The Journal of Consumer Affairs, 44(2), 296-316. 3. Beck, T., Demirgüç-Kunt, A., & Honohan, P. (2009). Access to financial services: Measurement, impact, and policies. World Bank Research Observer, 24(1), 119-145. 4. Blog, S. E. L. (2013). M a Nu a L De Estilo, (June). 5. Holzmann, R. (2010). Bringing Financial Literacy and Education to Low and Middle Income Countries: The Need to Review, Adjust, and Extend Current Wisdom. SP Discussion Paper, (1007), 1-33. 6. Kumar và Mishra, 2011. (2011). Awareness and Access of Financial Inclusion Drive a Study of Below Poverty Line Households in Kerala. Global Journal of Commerce & Management, 3(4), 201-204. 7. Larquemin, A. (2015). An overview of the financial inclusion policies in India An overview of the financial inclusion policies in India, (November). 8. Leyshon, A., & Thrift, N. (1996). Financial exclusion and shifting boundaries of the financial system. Environment and Planning A, 28(February 1996), 1150-1156. 9. Nguyễn Cao Đơn (2012). Nghiên cứu xây dựng đập dưới đất để trữ nước ngầm nhằm phát triển bền vững tài nguyên nước ở các khu vực thường xuyên bị hạn, các vùng ven biển và hải đảo, KC.08.TN01/11-15. 10. Nilson, A. (1988). Ground-water dams for small-scale water supply, Intermediate Technology Publications Ltd., London. 11. Osuga, K (1997). The development of ground-water resources on the Miyakojima Islands, In: J.I Uilto, and J. Schneider (eds), Freshwater resources in arid lands, United Nations University, Tokyo. 12. Sarma, M. (2015). Volume 35 , Issue 1 Measuring financial inclusion, 35(1), 604-611. 13. Sarma, M. (2016). Measuring Financial Inclusion for Asian Economies. In S.Gopalan & T. Kikuchi (Eds.), Financial Inclusion in Asia: Issues and Policy Concerns (pp. 3-34). London: Palgrave Macmillan UK. 14. SBV, Viện Chiến lược ngân hàng. (2016). Sơ lược về tài chính toàn diện. 15. Sinclair, S. (2001). Financial exclusion: An Introductory Survey. CRSIS, Edinburgh College of Art/Heriot Watt University., 1-130. 16. WB. (2009). Financial Infrastructure Policy and Research Series. 66