Nợ xấu của ngân hàng thương mại Việt Nam ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính

pdf 12 trang Gia Huy 1950
Bạn đang xem tài liệu "Nợ xấu của ngân hàng thương mại Việt Nam ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfno_xau_cua_ngan_hang_thuong_mai_viet_nam_anh_huong_tu_cuoc_k.pdf

Nội dung text: Nợ xấu của ngân hàng thương mại Việt Nam ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG NỢ XẤU CỦA NGÂN HÀNG THƢƠNG MẠI VIỆT NAM ẢNH HƢỞNG TỪ CUỘC KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH ThS. Nguyễn Thu Nga, Trần Thị Thùy Linh, Bùi Thị Ngân Trường ĐH Kinh tế & QTKD Thái Nguyên TÓM TẮT Sau cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu năm 2008 người ta nói nhiều đến tình trạng nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam. Nợ xấu càng ngày càng đe dọa đến hoạt động của các ngân hàng thương mại và đã để lại hậu quả rõ rệt trong một số ngân hàng. Do vậy, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra biện pháp khắc phục là điều cần thiết trong thời gian hiện nay. Trong bài viết này, tác giả phân tích rõ những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, từ đó đưa ra một số biện pháp khắc phục hậu quả và phòng ngừa cho tương lai, giúp hệ thống ngân hàng của Việt Nam tránh được những vết xe đổ của hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ đã từng diễn ra. Từ khóa: Nợ xấu, ngân hàng thương mại, Việt Nam. 1. Giới thiệu vấn đề nghiên cứu Tín dụng là hoạt động quan trọng nhất của các NHTM, phản ánh hoạt động đặc trưng của Ngân hàng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng tài sản, mang lại thu nhập lớn nhất song cũng là hoạt động mang lại rủi ro cao nhất cho Ngân hàng. Trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, một số NHTM đã coi chính sách mở rộng tín dụng là một giải pháp để thu hút khách hàng, chiếm lĩnh thị phần. Nhưng không thể đồng nghĩa với việc hạ thấp các tiêu chuẩn đánh giá khách hàng, tìm cách lách rào kiểm soát, thông tin sai lệch mà vẫn phải thực hiện đúng quy trình tín dụng để giảm tỷ lệ nợ xấu, tránh tổn thất cho Ngân hàng. Những khoản cho vay không thu hồi được cả gốc và lãi đúng thời hạn càng lớn, tỷ lệ nợ xấu ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực tín dụng bất động sản, đã có lúc đe dọa tới tính thanh khoản của hệ thống Ngân hàng. Thêm vào đó, ảnh hưởng của cuộc khùng hoảng tài chính 2008 đã làm tăng thêm tình trạng tồi tệ của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Do vậy, kiểm soát được nợ xấu, hạn chế nợ xấu có nguy cơ phát sinh và xử lý nợ xấu đã phát sinh là một yêu cầu cấp thiết, có vai trò quan trọng trong toàn bộ hoạt động quản lý của Ngân hàng. 2. Cơ sở lý thuyết và phƣơng pháp nghiên cứu 2.1. Cơ sở lý thuyết và khung phân tích Định nghĩa nợ xấu Tín dụng là một hoạt động luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, hoạt động tín dụng còn được xem như một nghiệp vụ quản trị rủi ro để sinh lợi trong kinh doanh ngân hàng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng nhưng tựu trung lại rủi ro tín dụng có thể được hiểu là việc ngân hàng không thể thu hồi được toàn bộ gốc và lãi khi khoản vay đến hạn. Và khi một khoản vay không thể thu hồi hay có nguy cơ không thể thu hồi nợ gốc và lãi thì người ta gọi đây là một khoản nợ xấu. Định nghĩa nợ xấu của Việt Nam tại Quyết định 493/2005/QĐ-Ngân hàng Nhà nước ngày 22/4/2005 của Ngân hàng Nhà nước như sau: “Nợ xấu là những khoản nợ được phân loại vào nhóm 3 (dưới chuẩn), nhóm 4 (nghi ngờ) và nhóm 5 (có khả năng mất vốn).” Trong đó: Nợ nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm: Các khoản nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu, trừ các khoản nợ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu 258
  2. HỘI THẢO "NGÂN HÀNG VIỆT NAM: BỐI CẢNH VÀ TRIỂN VỌNG" phân loại vào nhóm 2 ở trên; các khoản nợ được miễn giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng; các khoản nợ khác được phân loại vào nhóm 3. Nợ nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) bao gồm: Các khoản nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ lần thứ 2; các khoản nợ khác được phân loại vào nhóm 4. Nợ nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) bao gồm: Các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ 2 quá hạn theo thời gian trả nợ được cơ cấu lại lần thứ 2; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ 3 trở lên, kể cả chưa bị quá hạn hoặc đã quá hạn; các khoản nợ khoanh, nợ chờ xử lý; các khoản nợ khác được phân loại vào nhóm 5. Tóm lại, nợ xấu là các khoản nợ đã quá hạn trả nợ gốc/lãi trên 90 ngày và/hoặc các khoản nợ mà TCTD có lý do chắc chắn đánh giá là không có khả năng thu hồi nợ gốc và lãi khi đến hạn. 2.2. Phương pháp nghiên cứu: - Phương pháp thống kê mô tả. - Phân tích tổng hợp. - Phương pháp so sánh. - Phương pháp lịch sử, logic. 3. Thảo luận kết quả và đánh giá 3.1. Nguyên nhân của nợ xấu ở Việt Nam Hoạt động tín dụng ngân hàng luôn gắn với rủi ro và nợ xấu là điều không thể tránh khỏi. Khả năng thu hồi vốn hay hiệu quả của hoạt động tín dụng ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của khách hàng vay vốn. Từ đó, nợ xấu phản ánh trên sổ sách kế toán của ngân hàng tương ứng với tài sản có không sinh lời hoặc không dễ dàng chuyển đổi được thành tiền của khách hàng vay dưới dạng hàng tồn kho, chi phí dở dang, nợ đọng trong xây dựng cơ bản ở TW và địa phương 3.1.1. Nhóm nguyên nhân khách quan Những nguyên nhân dưới đây được coi là khách quan do xuất phát từ những nhân tố bên ngoài hệ thống ngân hàng, tạo nên nợ xấu cho hệ thống này. a) Do môi trƣờng kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tình hình kinh doanh và tài chính của các doanh nghiệp suy giảm. Kể từ cuối năm 2008, nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, sau đó là vấn đề lạm phát cao. Những tác động tiêu cực này khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế và tổng cầu chậm lại. Trong 6 tháng đầu năm 2012, tăng trưởng kinh tế ước chỉ đạt 4,38% so với cùng kỳ năm 2011. Các chỉ số tiêu dùng tăng chậm so với cùng kỳ các năm trước. Trong khi đó, tại các doanh nghiệp chỉ số tồn kho tăng mạnh và ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước (tăng 21%), dẫn đến đọng vốn trong sản xuất kinh doanh và làm tăng nợ xấu của các TCTD. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay có năng lực tài chính yếu, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, vốn chủ sở hữu nhỏ và khả năng ứng phó với sự thay đổi môi trường kinh doanh hạn chế. Vì vậy, khi môi trường kinh doanh xấu đi, chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt, lãi suất tăng, đồng thời tiêu thụ hàng hoá khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến điều kiện tài chính, kết quả kinh doanh và khả năng trả nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp. 259
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG Ngoài ra, một số khách hàng vay của TCTD sử dụng vốn vay sai mục đích và phương án đầu tư, kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến không trả được nợ vay ngân hàng cũng làm tăng nợ xấu cho ngân hàng. b) Do chính sách điều hành kinh tế vĩ mô trong những năm qua chƣa thực sự đồng bộ, ổn định và nhất quán Giai đoạn 2008-2010, do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu từ giữa năm 2008, tăng trưởng kinh tế trong nước bị suy giảm. Chính phủ triển khai gói giải pháp kích thích kinh tế, nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế đã tạo điều kiện cho tín dụng ngân hàng tăng trưởng nhanh, bình quân 30,6%/năm, đồng thời làm nợ xấu tăng nhanh (bình quân 47,87%/năm). Đây là mức tăng trưởng tín dụng nóng, kéo theo điều kiện cấp tín dụng thiếu chặt chẽ, làm nảy sinh nợ xấu. Với độ trễ nhất định thể hiện hiệu quả hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng, từ đầu năm 2011 đến nay, Chính phủ tập trung thực thi đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng thắt chặt tài khóa và tiền tệ đã làm lộ diện rõ các khoản nợ xấu phát sinh từ các khoản cấp tín dụng trong giai đoạn tăng trưởng nóng nói trên. c) Do nợ đọng trong xây dựng cơ bản lớn dẫn đến nhiều công trinh thi công dở dang, kéo dài, hiệu quả đầu tƣ thấp, chủ đầu tƣ không có nguồn vốn để thanh toán cho giá trị khối lƣợng thực hiện góp phần làm cho nợ xấu tăng lên Do thiếu vốn thanh toán trong xây dựng cơ bản, các nhà thầu không có đủ nguồn thu để trả các khoản nợ đã vay ngân hàng để mua nguyên vật liệu, thiết bị, trả chi phí nhân công, quản lý Đây là hậu quả của việc đầu tư dàn trải kéo dài trong nhiều năm, đặc biệt là các công trình giao thông, vốn trải rộng cho nhiều dự án nhưng không hoàn thành, bị đình hoãn hoặc giãn tiến độ, không thu hồi được vốn để trả cho nhà thầu hoặc nhiều dự án đã hoàn thành nhưng vốn vẫn không được cấp nên vẫn phải nợ nhà thầu d) Do hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, phá sản, giải thể doanh nghiệp, thi hành án dân sự và cơ chế thực thi pháp luật Việc xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ phức tạp, kéo dài nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD trong việc xử lý nợ xấu và bảo đảm nghĩa vụ của bên vay được thực hiện đầy đủ đối với bên cho vay. Ngoài ra, pháp luật hiện hành đã có những khung pháp lý cơ bản trong việc hạn chế cũng như giải quyết nợ xấu của các TCTD như: quy định về phân loại nợ; quy định về trích lập dự phòng rủi ro; quy định về xử lý tài sản đảm bảo nợ; quy định về quyền khởi kiện yêu cầu các tổ chức cá nhân hoàn trả vốn vay; quy định về hoạt động mua bán nợ Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, các quy định này khi đi vào thực tế lại không phù hợp, không phát huy được hiệu quả trong việc giải quyết nợ xấu, dẫn đến tình trạng nợ xấu không được cải thiện mà còn có xu hướng tăng lên do chưa minh bạch và chưa hợp lý. Cụ thể như: Quy định phân loại nợ xấu chưa rõ ràng, khiến cho việc giải quyết nợ xấu khó khăn: NHNN cho phép các ngân hàng lựa chọn 1 trong 2 phương pháp tùy theo khả năng và điều kiện thực hiện của từng ngân hàng. Trong đó, phân loại nợ theo phương pháp định tính được đánh giá là phương pháp phân loại nợ phát huy hiệu quả hơn, giúp cho TCTD có đầy đủ cơ sở để đánh giá tiềm lực và khả năng thanh toán nợ của khách hàng một cách chính xác và đầy đủ hơn. Tuy nhiên, tại Việt Nam lại chưa có một quy chuẩn chung về tiêu chí định tính. NHNN cũng chưa có bất cứ hướng dẫn cụ thể nào về việc áp dụng phương pháp định tính mà chỉ có những quy định chung chung tại 260
  4. HỘI THẢO "NGÂN HÀNG VIỆT NAM: BỐI CẢNH VÀ TRIỂN VỌNG" Quyết định 493/QĐ-NHNN. Do đó, hiện nay ở Việt Nam có rất ít TCTD tiến hành phân loại nợ theo phương pháp định tính. Trong khi đó việc phân loại nợ theo tiêu chí định lượng lại không quan tâm đến kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, điều này dẫn tới việc phân loại nợ không phản ánh thực chất của khoản nợ, các TCTD cũng không chủ động được về chất lượng danh mục tín dụng của mình. Khung pháp lý về việc mua bán nợ đã có nhưng chưa hoàn thiện, chưa phát huy hiệu quả trong hoạt động giải quyết nợ xấu, trong đó thiếu các quy định và chế tài thực thi để bảo vệ quyền của các chủ nợ, chủ nợ mua lại nợ và bảo đảm nghĩa vụ của bên phải trả nợ được thực thi đầy đủ. e) Do thị trƣờng chứng khoán, thị trƣờng bất động sản sụt giảm mạnh và trì trệ kéo dài làm giảm giá trị tài sản bảo đảm bằng chứng khoán và bất động sản Giá và tính thanh khoản của bất động sản giảm mạnh (giá trị của tài sản bảo đảm giảm và khó bán) làm cho các khoản cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản trở nên rủi ro hơn. 3.1.2. Nhóm nguyên nhân chủ quan a) Do năng lực quản trị của các TCTD còn nhiều bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trƣởng và mức độ rủi ro Hầu hết các TCTD thực hiện chiến lược tăng trưởng nhanh trong khi năng lực quản trị rủi ro còn nhiều hạn chế và chậm cải thiện. Hệ thống quản trị, nhất là hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống kiểm tra, kiểm soát và kiểm toán nội bộ của các TCTD hoạt động chưa hiệu quả và chưa phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; Chính sách, quy trình kinh doanh của các TCTD nhìn chung còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến chưa kiểm soát có hiệu quả những rủi ro và các vi phạm pháp luật trong hoạt động tín dụng; Năng lực đánh giá, thẩm định, quản lý tín dụng và giám sát sử dụng vốn vay còn nhiều yếu kém; Việc mở rộng mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch, đa dạng hóa sản phẩm không gắn liền với nâng cao năng lực quản trị dẫn đến tăng trưởng nhanh nhưng rủi ro tiềm ẩn gia tăng b) Vi phạm quy định pháp luật về hoạt động cấp tín dụng và an toàn hoạt động ngân hàng dẫn đến nợ xấu lớn ở nhiều TCTD Nhiều TCTD bị phát hiện vi phạm nghiêm trọng các quy định an toàn hoạt động tín dụng như giới hạn cho vay một khách hàng và người có liên quan, đặc biệt là cho vay rất lớn đối với cổ đông lớn và người có liên quan của những người này để đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Đến nay, các khoản nợ này hầu như không có khả năng thu hồi. c) Khuôn khổ thể chế, đặc biệt là chính sách quản lý, quy chế an toàn và quy định về hoạt động tín dụng còn bất cập; Cơ chế xử lý nợ xấu chƣa đồng bộ và hiệu quả Quy định phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro chưa phản ánh đầy đủ mức độ rủi ro tín dụng thực tế, từ đó, mức trích lập dự phòng rủi ro chưa tương xứng để tạo nguồn bù đắp tổn thất khi rủi ro tín dụng thực tế xảy ra. Một vấn đề nổi cộm là: Việc xếp hạng tín dụng nội bộ khách hàng của TCTD còn mang tính chất chủ quan. Các ngân hàng chưa xây dựng được thước đo lượng hóa rủi ro nên chưa tính toán chính xác được yếu tố này dẫn đến quyết định cho vay, phân loại nợ chưa chính xác. Bên cạnh đó, các TCTD còn đang rất thiếu các thiết chế và biện pháp xử lý nợ xấu hữu hiệu như: chứng khoán hóa nợ, bán nợ, chuyển nợ thành vốn bên cạnh các biện pháp thu hồi nợ như bán tài sản bảo đảm, sử dụng dự phòng rủi ro Do đó, nợ xấu trong hệ thống các TCTD tích lũy ngày càng lớn và không được xử lý kịp thời. 261
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG d) Hiệu quả công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế Công tác thanh tra, giám sát từ trung ương đến địa phương đã được tiến hành nhưng còn hạn chế trong việc đánh giá chất lượng tín dụng và khả năng phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các rủi ro, vi phạm trong hoạt động tín dụng của các TCTD, đặc biệt là các vi phạm quy đinh an toàn hoạt động tín dụng, hạn chế cấp tín dụng và đầu tư quá mức vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. e) Đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ ngân hàng và khách hàng kém dẫn đến tình trạng thông đồng rút ruột ngân hàng Ngân hàng là ngành kinh doanh đặc thù, cần dựa trên sự tin cậy và mức độ tín nhiệm thì đạo đức phải được đặt lên hàng đầu và ở khía cạnh nào đó còn mang tính bắt buộc. Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ ngân hàng đã thông đồng rút ruột với khách hàng, cho vay khống dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy đã có chi nhánh phải xử lý hàng chục nhân viên do cấu kết với nhau rút ruột ngân hàng. Tuy nhiên hiện chưa có tính toán, trong tỷ lệ nợ xấu có bao nhiêu xuất phát từ đạo đức ngân hàng. Ngoài ra, nợ xấu còn nằm ở dạng “chuyển vốn cho vay thành vốn góp”. Khoản nợ này không chỉ “rất xấu” mà còn nguy hiểm ở chỗ đôi khi chỉ tồn tại trên sổ sách của con nợ và chủ nợ. f) Tình trạng sở hữu chéo Tình trạng sở hữu chéo giữa Ngân hàng với doanh nghiệp, các Ngân hàng cũng sở hữu cổ phần lẫn nhau có thể dẫn tới tình trạng các Ngân hàng sẽ tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp sở hữu ngân hàng này có thể dễ dàng vay được vốn từ ngân hàng kia, hoặc dễ dàng cho các công ty con của các doanh nghiệp có vốn sở hữu tại ngân hàng vay vốn. Thậm chí, khi một TCTD lớn chiếm cổ phần chi phối ngân hàng khác và biến ngân hàng này thành "sân sau” của mình, họ có thể buộc ngân hàng bị chi phối cấp tín dụng cho những dự án không an toàn hoặc cho doanh nghiệp có quan hệ thân thiết. Việc cho vay dễ dàng, thiếu kiểm soát cộng với việc thẩm định vốn vay thiếu cẩn trọng tất yếu sẽ dẫn đến nợ xấu. Do đó, tình trạng sở hữu chéo cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng cao trong thời gian qua. Từ thực trạng nợ xấu trong hệ thống các TCTD Việt Nam những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2013, có thể thấy tốc độ phát sinh nợ xấu đã chậm lại, là kết quả của việc hệ thống ngân hàng đã kiên trì giữ “chuẩn tín dụng” trong các khoản cho vay mới. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ nợ xấu vẫn tiếp tục tăng, mặc dù đã tăng với tốc độ chậm hơn, đồng nghĩa với việc cả hệ thống vẫn đang đối mặt với khó khăn rất lớn. Điều này không thể tốt nào bằng việc tỷ lệ nợ xấu thực sự giảm. Do đó, vấn đề đặt ra cho hệ thống các TCTD nói riêng, cho toàn bộ nền kinh tế nói chung là nắm rõ gốc rễ của từng nguyên nhân gây nên tình trạng nợ xấu, từ đó từng bước xử lý nợ xấu một cách thận trọng, an toàn và hiệu quả. 3.2. Thực trạng nợ xấu ở Việt Nam 3.2.1. Quy mô nợ xấu Từ khi đổi mới, hệ thống Ngân hàng Việt Nam chuyển sang mô hình 2 cấp, phát triển nhanh chóng và từng bước hội nhập quốc tế, phát huy vai trò kênh dẫn vốn lưu thông trong nền kinh tế thị truờng. Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có những đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước với tổng giá trị tài sản đạt hơn 2 lần so GDP, trong đó tổng vốn tín dụng tăng lên gần 116% GDP vào cuối năm 2010 và trên 102% vào cuối năm 2011. Năm 2012 tổng GDP tăng 5,03% tương đương 138 tỷ USD, trong khi đó dư nợ tín dụng tăng 8,91% tương đương 143,3 tỷ USD, tỷ lệ dư nợ tín dụng so với GDP là 104%. 262
  6. HỘI THẢO "NGÂN HÀNG VIỆT NAM: BỐI CẢNH VÀ TRIỂN VỌNG" Hình 1. Tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng các tháng đầu năm 2013 (đơn vị: %) Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Theo tiêu chuẩn phân loại quốc tế, mức cảnh báo nợ xấu cần xem xét ở ngưỡng trên 3% GDP, trong khi đó hiện mức nợ xấu của Việt Nam đã ở mức đáng báo động, vượt mức chuẩn quốc tế rất nhiều và nguy cơ lớn hơn là trong điều kiện tăng trưởng kinh tế thấp, thị trường bất động sản đóng băng sẽ làm cho nợ xấu tăng nhanh và khó xử lý hơn.Bảng 1. Nợ xấu của các ngân hàng thương mại Việt Nam giai đoạn 2009 – 2/2013 Thời gian Nợ xấu (tỷ đồng) Dƣ nợ (tỷ đồng) Tỷ lệ nợ xấu (%) 2009 45.000 1.800.000 2,5 2010 38.000 1.809.000 2,1 2011 78.000 2.363.637 3,3 03/2012 202.000 2.347.837 8,6 06/2012 256.000 2.560.000 10,00 09/2012 255.168 2.880.000 8,86 02/2013 176.208 2.936.800 6,00 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của NHNN Theo báo cáo của các TCTD, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến ngày 31/5/2012 là hơn 117.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ, đến 30/6/2012 là 4,15%, tiếp tục tăng lên khoảng 4,8% vào 30/09/2012. Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đối với gần 1,01 triệu khách hàng vay được chọn mẫu của 57 TCTD Việt Năm, chiếm tới 90,1% tổng dư nợ tín dụng của các TCTD này. Tính đến 31/3/2012 nợ xấu là hơn 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ (chiếm khoảng 10% GDP của cả nước năm 2011). Ðến 30/6/2012, tổng nợ xấu khoảng 256.000 tỷ đồng chiếm 10% tổng dư nợ. Số liệu của NHNN cũng cho thấy đến thời điểm 30/09/2012, nợ xấu của Việt Nam vào khoảng 255.168 tỷ đồng, chiếm 8,86% tổng dư nợ. Nợ xấu của Việt Nam đang có xu hướng giảm nhanh, tính đến 28/02/2013, nợ xấu chỉ còn chiếm 6% tổng dư nợ, ước khoảng 176. 208 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số nợ xấu này chưa tính đến nợ tồn đọng xây dựng cơ bản (chủ yếu của các địa phương) hiện đang dự tính khoảng 90.000 tỷ đồng. Một điểm đáng chú ý là có sự chênh lệch khá lớn về tỷ lệ nợ xấu công bố của các nguồn cung cấp khác nhau, chẳng hạn như số liệu nợ xấu tổng hợp từ các báo cáo của các TCTD khác xa với số liệu do Cơ quan thanh tra Giám sát của NHNN và Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng 263
  7. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG như của các tổ chức quốc tế. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tại các NHTM khoảng 10%. Trong khi cơ quan Thanh tra NHNN lại đưa ra con số tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng khoảng 8,6%, tương đương với trên 200.000 tỷ đồng. Bên cạnh những con số được NHNN công bố nói trên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đưa ra tỷ lệ nợ xấu là 11,8%, tương đương với khoảng 270.000 tỷ đồng. Bảng 2. Thống kê nợ xấu của một số ngân hàng thương mại Việt Nam 2012-2013 Nguồn: Vietstock FinanceVới dư nợ tín dụng trên, các NHTM này chiếm khoảng 50% tổng dư nợ toàn hệ thống tính đến cuối tháng 9-2013. Tính trên tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD này cuối quý III - 2013 là 3,03%, tăng so với mức 2,57% cùng kỳ 2012. Ngân hàng TMCP Xăng Dầu (PG Bank) đang là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ nợ xấu, tính đến hết tháng 9-2013, PGBank có 1.240 tỉ đồng nợ xấu chiếm 9,5% trên tổng dư nợ 13.057 tỉ đồng. Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) xếp thứ hai về tỷ lệ nợ xấu khi có 1.034 tỉ đồng nợ xấu, chiếm 8,87% dư nợ. Navibank có tổng dư nợ cho vay chín tháng đầu năm đạt 11.786 tỉ đồng, âm 9% so với đầu năm. Ngân hàng Phương Nam có tỷ lệ nợ xấu 3,79% (1.650 tỉ đồng) trên tổng dư nợ 43.539 tỉ đồng. So với đầu năm, số tuyệt đối thì nợ xấu của ngân hàng này đã tăng 474 tỉ đồng. Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn tăng 25% lên 999 tỉ đồng. Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) là trường hợp ngân hàng có mức độ tăng nợ xấu thuộc loại nhanh nhất trong các ngân hàng. Thời điểm đầu năm chỉ có 666 tỉ đồng nợ xấu, chiếm 2,26% trên tổng dư nợ. Tuy nhiên đến 30/09 nợ xấu của Ocean Bank đã tăng lên 1.458 tỉ đồng, chiếm 5,21% trên tổng dư nợ cho vay 27.948 tỉ đồng. Trong cơ cấu nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn chiếm đến 986 tỉ đồng, tương đương 67,7% tổng nợ xấu và gấp hơn hai lần so với con số 355 tỉ đồng nợ có khả năng mất vốn hồi cuối năm 2013. Trong các ngân hàng có mức vốn hoá nhỏ thì ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) có tỷ lệ nợ xấu khá thấp 2,17% trên tổng dư nợ. Nam A Bank đã kiểm soát khá tốt chất lượng tín dụng 264
  8. HỘI THẢO "NGÂN HÀNG VIỆT NAM: BỐI CẢNH VÀ TRIỂN VỌNG" của mình khi chỉ có 188,5 tỉ đồng nợ xấu trên 8.664 tỉ đồng dư nợ cho vay. So với cuối năm 2012 thì tỷ lệ nợ xấu của Nam A Bank đã giảm 0,30%. Thời điểm đầu năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của Dong A Bank chiếm 3,95% với gần 2.000 tỉ đồng, nhưng nhờ triển khai các biện pháp xử lý mạnh đã kéo nợ xấu giảm xuống còn 1.503 tỉ đồng, chiếm 2,93% trên tổng dư nợ. Nợ xấu của các ngân hàng “top dưới” kể trên có trường hợp tăng hoặc giảm, thì đối với các ngân hàng được cho là “top trên” nợ xấu hầu hết đều tăng, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5). Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) có tổng cộng 5.072 tỉ đồng nợ xấu, chiếm 7,74% trên tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu giảm so với 8,5% ở thời điểm cuối năm 2012, nhưng chất lượng nợ lại kém đi khi có 3.602 tỉ đồng nợ nhóm 5, tăng 74% so với năm 2012 và chiếm 71% trong tổng nợ xấu. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng có tỷ lệ nợ xấu vượt chuẩn (3%) khi có 3.491 tỉ đồng nợ xấu, chiếm 3,34% tổng dư nợ, tăng 0,84% so với đầu năm. Hai ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nằm trong ngưỡng an toàn là VietinBank 2,47%, Sacombank 2,25%. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn của hai ngân hàng này lại chiếm tỷ trọng cao. VietinBank có 5.431 tỉ đồng nợ nhóm 5, chiếm 63,7% của tổng nợ xấu. Sacombank có 1.289 tỉ đồng nợ nhóm 5, chiếm 52,4% tổng nợ xấu. Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ngấp nghé ngưỡng 3% là Vietcombank 2,98%, KienLong Bank 2,73%, MB Bank 2,58%. Nợ xấu ở BIDV là 2,35%, VPBank 2,27%, Eximbank 1,8%. Hầu hết các ngân hàng đều thừa nhận nợ xấu vẫn không ngừng tăng lên, không chỉ với khoản vay cũ, mà ngay cả với những khoản vay mới giải ngân. Nguyên nhân chính là hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được, trong khi tài sản thế chấp vay chính là dòng tiền bán hàng của DN. Các khoản vay nhiều rủi ro nhất, khiến cho nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng tăng lên chủ yếu của doanh nghiệp. Một số ngân hàng nhìn nhận, hiện nợ xấu trong các doanh nghiệp thủy hải sản đang tăng do kinh tế chung suy thoái, xuất khẩu không có đầu ra. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, số liệu mà các ngân hàng báo cáo có thể vẫn chưa chính xác. Tình trạng nợ xấu có thể tồi tệ hơn so với những gì mà chúng ta được biết. Con số này vẫn thấp xa so với thực tế bởi các ngân hàng vẫn đang giấu nợ, thực tế nợ xấu của ngân hàng phức tạp hơn rất nhiều. Theo tính toán sơ bộ của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia thì có ngân hàng nợ xấu lên tới 40%. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay khi thanh tra 9 tổ chức trong đề án tái cơ cấu cuối năm 2012, Ngân hàng Nhà nước phát hiện có tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu lên tới 30%, 60%, thậm chí một số tổ chức còn lỗ đến mức âm vốn điều lệ. Thực tế cho thấy, các ngân hàng hiện đang thừa rất nhiều vốn và DN thiếu vốn, nhưng lại không gặp được nhau chính là vì nợ xấu. Nếu không giải quyết nợ xấu thì sẽ có hàng trăm ngàn doanh nghiệp tiếp tục bị rơi rụng, ngưng hoạt động do thiếu vốn, và như vậy khó tính tới chuyện phục hồi kinh tế. Cơ cấu nợ xấu Cơ cấu nợ xấu theo ngành tính đến tháng 9 năm 2012 Công nghiệp chế biến chế tạo: 22% Bất động sản và dịch vụ: 19% Buôn bán sửa chữa ô tô, xe máy: 19% Vận tải, kho bãi: 11% Xây dựng: 10% Ngành khác: 19% 265
  9. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG Nợ xấu đang tập trung ở 5 ngành lớn bao gồm: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (22%), Ngành bất động sản và dịch vụ (19%), ngành buôn bán, sửa chữa ô tô, xe máy (19%), ngành vận tải, kho bãi (11%), ngành xây dựng (10%). Chỉ tính riêng nợ của 5 ngành này trong toàn nền kinh tế đã chiếm tới 81% tổng số nợ xấu. Nợ xấu tập trung cao vào bất động sản và chứng khoán. Ðây là hai lĩnh vực hiện thời đang có tính thanh khoản kém. Bất động sản và chứng khoán là 2 lĩnh vực nhạy cảm với sự thay đổi về kinh tế vi mô Cơ cấu nợ xấu theo thành phần kinh tế Các NHTM, TCTD ở Việt Nam đã tập trung cho vay quá nhiều vào các DNNN, trong khi các đơn vị này đầu tư ngoài ngành tràn lan, không kiểm soát dẫn đến tình trạng kinh doanh không hiệu quả. Ðây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nợ xấu như hiện nay. Ðề án Tái cấu trúc DNNN của Bộ Tài chính năm 2012 nêu rõ dư nợ của 80/96 tập doàn, tổng công ty Nhà nước đến cuối năm 2010 là 872.860 tỷ đồng bằng 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Tính đến tháng 9/2011 dư nợ cho vay của các DNNN lớn tại các NHTM đạt 415.000 tỷ đồng, tương đương gần 17% tổng dư nợ tín dụng tại các ngân hàng (nợ vay của 12 tập đoàn kinh tế Nhà nuớc lên đến gần 218.740 tỷ đồng) điển hình như Tập doàn Đầu khí (PVN – 72.300 tỷ), Ðiện lực (EVN – 62.800 tỷ đồng), Than và khoáng sản (Vinacomin – 19.600 tỷ đồng). Với số liệu nợ xấu nói trên, có thể nói nợ xấu của các tập đoàn, tổng công ty trong hệ thống ngân hàng sẽ chiếm tới 30 – 35% tổng dư nợ của khối này. Theo NHNN, năm 2012 các DNNN, tập đoàn kinh tế Nhà nước sử dụng vốn tín dụng chiếm tới 70% tổng số nợ xấu. Ngoài ra theo nhiều phân tích của các chuyên gia kinh tế cho rằng nợ xấu của DNNN có thể lên tới 200.000 tỷ đồng. Trong đó đặc biệt lưu ý các tập đoàn kinh tế Nhà nước chiếm tới 53% tổng số nợ xấu. Dư nợ của các thành phần kinh tế dân doanh và các đối tuợng khác từ 81 – 83% tổng dư nợ và nợ xấu chỉ chiếm khoảng 30% tổng số nợ xấu. Dư nợ của khu vực này hầu hết đều có tài sản đảm bảo nhưng tiến độ xử lý rất chậm. Với thực tế phát sinh trong nhiều năm qua, nhóm đối tượng DNNN được cho là đang chiếm tỷ lệ nợ xấu cao của hệ thống ngân hàng. Ðiều này là khá hợp lý khi tỷ lệ nợ xấu ở các NHTM nhà nước là rất cao. Có thể nói, với số dư cho vay lớn và được hưởng quy trình thẩm định dễ dãi, cộng thêm với hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả của khối DNNN đã tác động mạnh đến tình hình nợ xấu của toàn hệ thống. Nợ xấu của nhóm NHTM Nhà nước đã chiếm tới 54,2% tổng nợ xấu của toàn hệ thống. Trong khi tỷ lệ này ở các NHTM cổ phần chỉ vào khoảng 26,28%. Giải pháp giải quyết thực trạng nợ xấu ở Việt Nam Thực trạng nợ xấu của các ngân hàng thương mại cho thấy tình trạng nợ xấu đang ở mức báo động trong nền kinh tế, nó được ví như “cục máu đông” làm tắc nghẽn cả hệ thống tài chính. Sự tồn tại của nợ xấu có thể tác động tiêu cực đến nhiều mặt. Trước hết, làm tắc nghẽn dòng tín dụng ra nền kinh tế. Vấn đề nợ xấu là một vấn đề hết sức phức tạp, do nhiều nguyên nhân dẫn tới, do đó, việc giải quyết nợ xấu không chỉ đơn giản là đưa ra một vài giải pháp, hay ban hành một vài văn bản quy định trách nhiệm của các chủ thể liên quan mà cần đi vào phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu như hiện nay để từ đó đưa ra giải pháp giải quyết thích hợp. Cần xác định rõ việc giải quyết nợ xấu không chỉ là giải quyết “cục máu đông” hơn hai trăm ngàn tỷ mà còn phải quan tâm tới việc hạn chế không để “mầm bệnh máu đông” tái phát. Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân của thực trạng nợ xấu của Việt Nam hiện nay có thể áp dụng đồng bộ các giải pháp sau: Thứ nhất, hoàn thiện quy định pháp luật về phân loại nợ xấu. Để có thể tiến hành giải quyết nợ xấu thì việc đầu tiên mà các ngân hàng thương mại cần tiến hành là phải xác định rõ, chính xác tình hình nợ của doanh nghiệp. Để làm được điều này, thiết nghĩ pháp luật hiện hành nên có quy định rõ ràng hơn trong việc phân loại nợ xấu, nên thống nhất 266
  10. HỘI THẢO "NGÂN HÀNG VIỆT NAM: BỐI CẢNH VÀ TRIỂN VỌNG" một tiêu chí phân loại nợ áp dụng cho tất cả các ngân hàng thương mại, nên kết hợp giữa phương pháp định lượng và phương pháp định tính trong việc phân loại nợ xấu. Đồng thời cần đưa ra một quy chuẩn chung về tiêu chí định tính, quy định cụ thể về quy trình, cách thức để thực hiện phân loại nợ theo tiêu chí định tính. Thứ hai, Xây dựng thị trường mua bán nợ, hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động mua bán nợ của DATC và MAC. Trong quá trình giải quyết nợ xấu vai trò của DATC và MAC là không thể phủ nhận. Do đó, để góp phần vào việc giải quyết nợ xấu, bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động mua bán nợ việc xây dựng thị trường mua bán nợ ở Việt Nam cũng hết sức cần thiết. Có thể kể đến một số giải pháp sau: (i) Bổ sung quy định cho phép DATC và MAC cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp “con nợ”, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này phục hồi; (ii) Quy định cụ thể về trách nhiệm của ngân hàng thương mại trong công khai, minh bạch hóa các khoản nợ. Đồng thời các ngân hàng thương mại phải có nghĩa vụ bán các khoản nợ khó đòi, xác định việc bán nợ xấu cho các công ty giải quyết nợ xấu chuyên nghiệp là nghĩa vụ chứ không phải là quyền của các ngân hàng thương mại (iii) Cần đưa ra những chính sách nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thị trường mua bán nợ, đơn giản hóa thủ tục xử lý tài sản đảm bảo nợ hay thanh lý tài sản doanh nghiệp và có cơ chế để thực hiện nhanh chóng trong trường hợp phải phá sản doanh nghiệp. Thứ ba, nâng cao năng lực quản trị rủi ro tại các TCTD Nâng cao năng lực quản trị rủi ro của các ngân hàng thương mại là một vấn đề lớn cần xem xét xây dựng trong cả một quá trình dài, tuy nhiên, việc quan trọng đầu tiên trong việc nâng cao năng lực rủi ro của các ngân hàng thương mại đó là cần phải gấp rút xây dựng được thước đo lượng hóa rủi ro để trên cơ sở dó có thể đưa ra quyết định cho vay, phân loại nợ chính xác nhất. Thứ tư, nâng cao ý thức đạo đức, nghề nghiệp cho các nhân viên tín dụng Trước thực trạng ý thức đạo đức, nghề nghiệp của các nhân viên tín dụng kém như hiện nay thì việc tuyên truyền, giáo dục họ nâng cao ý thức là cần thiết nhưng chưa đủ, cần có chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Có như thế thì mới có thể nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức đạo đức nghề nghiệp của các nhân viên tín dụng. Thứ năm, hạn chế, tiến tới giải quyết dứt điểm tình trạng sở hữu chéo Như đã phân tích sở hữu chéo khiến khó nhận dạng được con nợ và chủ nợ thực sự trong hệ thống. Trong thời gian dài việc quản lý sở hữu quá lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng không nhận diện được những chủ sở hữu thực sự. Do đó, nếu không xử lý được tình trạng sở hữu chéo đang tồn tại ở hệ thống ngân hàng hiện nay thì vấn đề nợ xấu rất khó có thể giải quyết. Việc giải quyết tình trạng sở hữu chéo là cả một vấn đề lớn, do đó trong khuôn khổ bài viết tác giả chỉ xin đưa ra một số giải pháp mà các chuyên gia hiện nay đánh giá là cần thiết như sau: (i)“Ngân hàng Nhà nước cần có hành lang pháp lý nhằm kiểm soát đường đi của dòng tiền bởi mọi bất cập của các Ngân hàng thương mại đều phát sinh từ đây” – TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia. (ii) Theo chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, trước hết Ngân hàng Nhà nước cần sửa đổi các giới hạn về sở hữu, cấp tín dụng liên quan đến cổ đông lớn, xóa bỏ các lỗ hổng pháp lý để cá nhân, tổ chức không thể kiểm soát Ngân hàng thông qua nhiều tầng nấc trung gian Với những nhóm cổ đông hiện hữu (gồm cả Nhà nước lẫn tư nhân), nếu có nắm giữ cổ phiếu Ngân hàng trực tiếp hay gián tiếp vượt mức giới hạn của quy định mới thì buộc phải có kế hoạch thoái vốn gửi cho Ngân hàng Nhà nước giám sát, chế tài. (iii) “Chính phủ Việt Nam cần có những điều 267
  11. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG hành rõ ràng, các ngân hàng cũng cần phải công bố thông tin minh bạch và giám sát việc sở hữu chéo” – theo ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc ADB tại Việt Nam Thứ sáu, cần có giải pháp giải quyết nợ xấu phù hợp với từng nhóm nợ, trong mỗi giải pháp cần có sự hỗ trợ của chính phủ thông qua cơ chế, chính sách. Cụ thể: (i) Đối với một số nhóm nợ xấu do doanh nghiệp “con nợ” có hàng tồn kho không thể bán được. Đối với những trường hợp này việc hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thanh lý hàng tồn kho là giải pháp hữu hiệu nhất. Chính phủ có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp trong trường hợp này thông qua việc giảm thuế, miễn thuế để doanh nghiệp hạ giá thành, kích thích tiêu dùng, giải quyết hàng tồn kho. Hàng tồn kho được giải quyết, doanh nghiệp có vốn để tiếp tục quay vòng phục hồi sản xuất. Từ đó, sẽ có tiềm lực để trả nợ cho các ngân hàng thương mại. (ii) Đối với khoản nợ được đánh giá mất hoàn toàn khả năng thu đòi (ví dụ doanh nghiệp nợ bị phá sản, tài sản đảm bảo không còn giá trị). Cần xác định rõ trách nhiệm của ngân hàng thương mại trong những trường hợp này. Ngân hàng thương mại phải chấp nhận chịu lỗ, trích dự phòng rủi ro để giải quyết, thậm chí phải cắt lợi nhuận của ngân hàng để bù đắp vào khoản nợ không thể thu hồi này. (iii) Đối với các khoản nợ có tài sản đảm bảo, khoản nợ doanh nghiệp “con nợ” có khả năng phục hồi nếu có sự hỗ trợ. Trong trường hợp này nên kết hợp giải pháp chứng khoán hóa nợ xấu và giải pháp mua bán chứng khoán nợ xấu. Bởi lẽ: Thực tế cho thấy, đối với những khoản nợ có tài sản đảm bảo việc bán tài sản đảm bảo mất rất nhiều thời gian mà không hiệu quả. Bởi, giá trị tài sản đảm bảo nợ đã “bốc hơi” rất nhiều so với thời điểm vay vốn, ví dụ như các tài sản là tàu biển giá trị giảm trên dưới 50%, các cổ phiếu có nhiều mã giảm tới 60 – 70% so với thời điểm cầm cố, giá trị bất động sản giảm mạnh, các tài sản đặc thù giá trị lớn khó xác định giá giao dịch Điều này khiến các ngân hàng thương mại rất khó xử lý tài sản đảm bảo nợ, nếu xử lý thì chỉ thu hồi được một phần nợ. Ngoài ra, một khó khăn khác mà ngân hàng thường gặp phải khi tài sản đảm bảo của một số doanh nghiệp là các máy móc thiết bị chuyên dùng có giá trị cao thì rất khó thanh lý. Khi bán được thì phải ưu tiên thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhập khẩu, vì hầu hết các thiết bị này đều được miễn thuế nhập khẩu do thường được coi là tài sản cố định khi thành lập công ty , dẫn đến việc thực hiện xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản đảm bảo nợ thường kéo dài, tốn kém về tài chính. Vấn đề còn trở nên khó khăn hơn khi mà việc thu hồi tài sản đảm bảo để tự khai thác đối với các ngân hàng thương mại cũng gặp không ít khó khăn, thậm chí là bất khả thi do các tài sản đặc thù như tàu biển, máy móc chuyên dụng hoặc tài sản gắn liền với tổ hợp tài sản khác như đập thủy điện, tổ máy thủy điện trong nhà máy thủy điện, máy móc trong cả dây chuyền sản xuất, công trình trên đất , nên không thể tách rời ra để xử lý hoặc khai thác. Nếu tiếp nhận về để khai thác tài sản thì ngân hàng thương mại cũng không có năng lực và nghiệp vụ để thực hiện như khai thác tàu biển, cơ khí chế tạo. Như vậy có thể thấy rằng, việc kết hợp chứng khoán hóa nợ xấu và mua bán chứng khoán nợ xấu có thể góp phần giải quyết khá nhanh và hiệu quả tình trạng nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, để ngân hàng thương mại thực hiện hiệu quả giải pháp mua bán chứng khoán nợ xấu cần có sự can thiệp từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thiết nghĩ, để hoạt động mua bán chứng khoán nợ có thể dễ dàng thực hiện nên chăng nhà nước đưa hoạt động mua bán này vào hoạt động mua bán trên thị trường có tổ chức đặt dưới sự điều hành của các nhà tổ chức thị trường, đưa chứng khoán nợ xấu vào mua bán trên thị trường chứng khoán cũng là một giải pháp. Mặt khác, để chứng khoán nợ xấu có thể đến được với các chủ thể có nhu cầu thì việc công khai thông tin chứng khoán nợ xấu là hết sức cần thiết. Pháp luật cần đặt ra những quy định bắt buộc về công khai thông tin nợ xấu và chứng khoán nợ xấu của các ngân hàng thương mại cùng những chế tài đủ mạnh, có như vậy thị trường mua bán chứng khoán nợ xấu mới có cơ hội phát triển. 268
  12. HỘI THẢO "NGÂN HÀNG VIỆT NAM: BỐI CẢNH VÀ TRIỂN VỌNG" DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lê Vân Anh (2008), Khủng hoảng tài chính – các mô hình lý thuyết và các rủi ro đối với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, Tạp chí Khoa học đại học Quốc gia Hà Nội. [2] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Báo cáo thường niên 2009-2012. [3] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2005), Phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD, Quyết định số 493/QĐ-NHNN ngày 22/04/2005. [4] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2007), Quyết định số 18/2007/QĐ-NHNN ngày 25/04/2007. [5] Nguyễn Ngọc Thao (2010), Nợ xấu trong hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại, Tạp chí thị trường tiền tệ, số 3, tập 4 269