Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn từ ruột cá trắm cỏ (ctenopharyngodon idella) có khả năng sinh tổng hợp cellulase

pdf 8 trang Gia Huy 20/05/2022 1240
Bạn đang xem tài liệu "Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn từ ruột cá trắm cỏ (ctenopharyngodon idella) có khả năng sinh tổng hợp cellulase", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfphan_lap_va_tuyen_chon_vi_khuan_tu_ruot_ca_tram_co_ctenophar.pdf

Nội dung text: Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn từ ruột cá trắm cỏ (ctenopharyngodon idella) có khả năng sinh tổng hợp cellulase

  1. BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM - HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA LẦN THỨ 4 DOI: 10.15625/vap.2020.000106 PHÂN LẬP VÀ TUYỂN CHỌN VI KHUẨN TỪ RUỘT CÁ TRẮM CỎ (Ctenopharyngodon idella) CÓ KHẢ NĂNG SINH TỔNG HỢP CELLULASE Đoàn Văn Thược*, Nguyễn Thị Ngọc Huyền Tóm tắt: Nghiên cứu này tập trung phân lập và tuyển chọn vi khuẩn có khả năng sinh tổng hợp cellulase từ ruột cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella). Sử dụng môi trường tuyển chọn có chứa Carbomethyl cellulose (CMC), chúng tôi đã phân lập và cấy tách được 35 chủng vi khuẩn. Hai chủng vi khuẩn có khả năng sinh tổng hợp cellulase cao nhất đã được tuyển chọn để nghiên cứu tiếp. Hai chủng tuyển chọn đều là vi khuẩn Gram dương, hình trực khuẩn và có khả năng sinh tổng hợp cellulase cao nhất sau 24-30 giờ nuôi cấy ở điều kiện môi trường có chứa 2-2,5% CMC, pH trung tính, và nhiệt độ 35 oC. Ở các điều kiện tối ưu này, hai chủng C1 và C4 có hoạt tính endoglucanase (EG) cao nhất lần lượt là 4,32 IU/mL và 4,36 IU/mL, hoạt tính exoglucanase (CBH) cao nhất lần lượt là 1,37 IU/mL và 1,39 IU/mL. Từ khóa: Ctenopharyngodon idella, Cá trắm cỏ, cellulase, vi khuẩn. 1. MỞ ĐẦU Cellulose là một hợp chất cao phân tử được cấu tạo từ các đơn phân D-glucose qua các liên kết β - 1,4 - glucoside, có công thức cấu tạo là (C6H10O5)n với n nằm trong khoảng 1.000 - 15.000. Hằng năm một lượng lớn sinh khối cellulose (trên 7,5 x 1010 tấn) được tạo thành chủ yếu từ quá trình quang hợp của thục vật. Cellulose là thành phần chính tạo nên lớp thành tế bào của thực vật, giúp các mô thực vật có độ bền cơ học và tính đàn hồi (Jayasekara & Ratnayyaka, 2019). Cellulase là một nhóm gồm nhiều enzyme hoạt động cùng nhau để phân giải cellulose thành sản phẩm cuối cùng là các phân tử glucose. Phức hệ cellulase gồm 3 loại enzyme là endoglucanase (EG), exoglucanase (cellobiohydrolase - CBH) và β-glucosidases. Cellulase đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống: trong nông nghiệp, công nghiệp sản xuất giấy, công nghiệp dệt, nhiên liệu sinh học, công nghiệp chế biến thực phẩm và thức ăn cho động vật, công nghiệp rượu bia (Kuhat et al., 2018; Jayasekara & Ratnayyaka, 2019). Các chế phẩm cellulase trên thị trường hiện nay chủ yếu có nguồn gốc từ vi sinh vật. Cellulase có thể được sinh tổng hợp bởi các chủng nấm thuộc các chi như Aspergillus, Rhizopus, Tricoderma, Fusarium, Neutospora, Penicillium (Sajith et al., 2016), hoặc bởi vi khuẩn thuộc chi Cellulomonas, Cellvibrio, Bacillus, Pseudomonas, (Kuhat et al., 2018; Jayasekara & Ratnayyaka, 2019). Những động vật ăn cỏ ví dụ trâu bò, cá chép không có khả năng sinh tổng hợp cellulase nên chúng phải dựa vào hệ vi sinh vật (nấm, vi khuẩn, nguyên sinh vật) trong đường tiêu hóa để tiêu thụ cellulose (Li et al., 2016). Nhiều vi khuẩn có khả năng sinh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội *Email: thuocdv@hnue.edu.vn
  2. PHẦN II. NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG SINH HỌC PHỤC VỤ ĐỜI SỐNG VÀ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI 857 tổng hợp cellulase đã được phân lập từ ruột cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella). Saha et al., (2006) đã phân lập được chủng vi khuẩn Bacillus megaterium (CI3) có khả năng sinh tổng hợp cellulase khá mạnh (35,8 IU/mL). Gần đây, Li et al., (2016) đã phân lập được 499 chủng vi khuẩn có khả năng sinh tổng hợp cellulase từ ruột cá trắm cỏ. Trong nghiên cứu này, chúng tôi phân lập và tuyển chọn các chủng vi khuẩn từ ruột cá trắm cỏ có khả năng sinh tổng hợp cellulase mạnh nhằm định hướng ứng dụng trong sản xuất thức ăn cho động vật. Kết quả phân lập và nghiên cứu ảnh hưởng của các điều kiện nuôi cấy như nhiệt độ, pH, thời gian nuôi cấy, nồng độ Carbomethyl cellulose (CMC) sẽ được trình bày chi tiết trong bài báo này. 2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Vật liệu nghiên cứu Vật liệu nghiên cứu: Cá trắm cỏ được thu mua ở chợ. Thành phần môi trường sử dụng trong nghiên cứu Môi trường phân lập vi khuẩn (g/L): NaCl, 0,5; K2HPO4.3 H2O, 1; MgSO4.7H2O, 0,4 KH2PO4, 1; FeSO4.7H2O, 0,001; CaCl2.2H2O, 0,02; NH4Cl, 2; CMC, 10; thạch, 20; pH = 7,0. Môi trường giữ giống và nghiên cứu (g/L): peptone: 5; cao thịt: 5; NaCl: 5; CMC:10; bổ sung thêm 20 g thạch nếu là môi trường đặc, pH = 7,0. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp phân lập mẫu Thu mẫu phân trong ruột cá trắm cỏ, cân 1 g mẫu và hòa trong 9 mL dung dịch có chứa 0,9% NaCl được dung dịch có độ pha loãng 10-1, tiếp tục pha loãng trong dung dịch 0,9% NaCl để được các dung dịch có nồng độ 10-2, 10-3, 10-4, 10-5, 10-6. Dùng pipet hút 50 µl dịch ở các nồng độ khác nhau dàn đều lên đĩa thạch có chứa môi trường phân lập và ủ ở nhiệt độ 30 oC trong 48 giờ. Chọn các khuẩn lạc to mọc riêng rẽ, cấy tách và giữ giống trên môi trường giữ giống. Các chủng vi khuẩn sau đó được cấy chấm điểm trên môi trường có chứa 1% CMC để đánh giá sơ bộ và lựa chọn các chủng có khả năng sinh tổng hợp cellulase mạnh. Ảnh hưởng của điều kiện nuôi cấy (nhiệt độ, pH) và nguồn carbon đến khả năng sinh tổng hợp cellulase Nuôi các chủng giống vi khuẩn tuyển chọn trong bình tam giác 100 mL có chứa 25 mL môi trường lỏng. Ảnh hưởng của thời gian nuôi cấy, nhiệt độ nuôi cấy (25, 30, 35, 40 oC), giá trị pH ban đầu khác nhau (4,5 - 8,5, bước nhảy 0,5) và nồng độ CMC đã lần lượt được nghiên cứu. Sau 30 giờ nuôi cấy trong tủ lắc có tốc độ 180 vòng/phút, li tâm thu dịch nổi để xác định hoạt tính cellulase ngoại bào. Dựa vào hoạt tính enzyme thu được để xác định điều kiện nuôi cấy và nguồn carbon phù hợp. Phương pháp xác định hoạt tính enzyme
  3. 858 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM Xác định sơ bộ hoạt tính cellulase bằng phương pháp cấy chấm điểm Cấy chấm điểm các chủng vi khuẩn trên đĩa thạch môi trường có chứa 1% CMC, ủ ở nhiệt độ 30 oC trong 48 giờ. Sử dụng 1% congo đỏ để nhuộm và giữ trong 30 phút, rửa lại bằng nước muối 1 M. Hoạt tính enzyme được xác định bằng hiệu số D - d (D là đường kính vòng phân giải, d là đường kính khuẩn lạc). Xác định hoạt tính enzyme bằng phương pháp định lượng đường khử Cơ chất CMC được sử dụng để xác định hoạt tính endoglucanase và bột giấy lọc được sử dụng để đánh giá hoạt tính exoglucanase. Hàm lượng đường khử được tạo ra trong quá trình thủy phân cellulose được định lượng bằng phương pháp DNS (Miller, 1959), glucose được sử dụng để xây dựng đồ thị chuẩn. Dịch nuôi cấy (50 µL) được trộn với 450 µL dung dịch cơ chất 0,5% pha trong đệm acetate (pH = 5,5), ủ hỗn hợp phản ứng ở 50 oC trong 1 giờ. Sau đó, 750 µL dung dịch có chứa 1 % DNS được thêm vào hỗn hợp phản ứng, tiếp tục ủ hỗn hợp này ở 100 oC trong 5 phút, để nguội và đo mật độ quang (OD) ở bước sóng 540 nm. Mẫu đối chứng được chuẩn bị tương tự như mẫu thí nghiệm nhưng bỏ qua bước ủ ở 50 oC trong 1 giờ và xử lý ngay với DNS để xác định lượng đường ban đầu không có sự hoạt động của enzyme. Đơn vị hoạt tính enzyme (IU/mL) được tính là lượng enzyme cần thiết để tạo ra 0,18 mg (ứng với 1 µmol) đường khử glucose trong 1 phút ở điều kiện thí nghiệm. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Kết quả phân lập và tuyển chọn vi khuẩn sinh tổng hợp cellulase Từ các mẫu phân lấy từ ruột cá trắm cỏ, chúng tôi đã tiến hành phân lập và tuyển chọn 35 khuẩn lạc vi khuẩn to, mọc riêng rẽ đã được cấy tách trên môi trường giữ giống (kí hiệu từ C1 đến C35). Khả năng sinh tổng hợp cellulase của 35 chủng vi khuẩn phân lập được đã được kiểm tra bằng phương pháp cấy chấm điểm trên môi trường có chứa 1% CMC. Bảng 1. Hoạt tính cellulase của các chủng vi khuẩn phân lập được Chủng Đường kính vòng Chủng vi Đường kính vòng Chủng vi Đường kính vòng vi khuẩn phân giải (D-d, cm) khuẩn phân giải (D-d, cm) khuẩn phân giải (D-d, cm) C1 1,5 C13 1,0 C25 0 C2 0 C14 0,7 C26 0 C3 0 C15 1,3 C27 0 C4 1,3 C16 0,4 C28 0 C5 0 C17 0,6 C29 0 C6 0 C18 0,9 C30 0,5 C7 0 C19 0,7 C31 0,5 C8 0 C20 0,7 C32 0,6 C9 0 C21 0 C33 0 C10 0 C22 0,9 C34 0,8 C11 1,0 C23 0 C35 1,0 C12 0,8 C24 0 Kết quả trong Bảng 1 cho thấy có 18 chủng vi khuẩn trên tổng số 35 chủng tuyển chọn (chiếm 51,4%) có khả năng sinh tổng hợp cellulase. Kết quả nghiên cứu này cũng
  4. PHẦN II. NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG SINH HỌC PHỤC VỤ ĐỜI SỐNG VÀ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI 859 tương tự như kết quả nghiên cứu của Li et al., (2016), các tác giả này đã tuyển chọn được 499 chủng vi khuẩn có khả năng sinh tổng hợp cellulase từ ruột cá trắm cỏ và thấy rằng quá nửa số chủng vi khuẩn phân lập được có khả năng sinh tổng hợp cellulase. Trong số 18 chủng có khả năng sinh cellulase, chúng tôi đã chọn 2 chủng vi khuẩn có khả năng sinh trưởng mạnh và có đường kính vòng phân giải cơ chất lớn hơn 1 cm: đó là chủng C1 (1,5 cm) và chủng C4 (1,3 cm) để thực hiện các nghiên cứu tiếp theo. Khuẩn lạc chủng C1 không tròn, có màu trắng vàng, tế bào dạng trực khuẩn, Gram dương. Khuẩn lạc chủng C4 có màu trắng sữa, nhày ướt, phồng ở giữa, tế bào hình trực khuẩn ngắn, Gram dương. Ngoài khả năng sinh tổng hợp cellulase, 2 chủng vi khuẩn này còn có khả năng sinh tổng hợp enzyme ngoại bào khác là amylase (C1-1,6; C4-1,8) và protease (C1-1,4; C4-1,3). Hai chủng vi khuẩn có khả năng sinh tổng hợp một số enzyme ngoại bào có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc định hướng nghiên cứu các chủng này vào trong thực tiễn ví dụ như sản xuất enzyme bổ sung vào thức ăn chăn nuôi, sản xuất chế phẩm sinh học làm sạch môi trường, xử lý rác thải hữu cơ, làm phân bón vi sinh, 3.2. Ảnh hưởng của thời gian đến khả năng sinh tổng hợp cellulase của 2 chủng vi khuẩn tuyển chọn Chúng tôi tiến hành thí nghiệm xác định ảnh hưởng của thời gian nuôi cấy đến khả năng sinh tổng hợp cellulase của 2 chủng vi khuẩn tuyển chọn. Mẫu được lấy theo các mốc thời gian bắt đầu 12 đến 33 giờ với bước nhảy là 3 giờ. Kết quả được trình bày trong Hình 1. Hình 1. Ảnh hưởng của thời gian nuôi cấy đến khả năng sinh tổng hợp endoglucanase (EG) và exoglucanase (CBH) của 2 chủng vi khuẩn tuyển chọn Hoạt tính sinh tổng hợp cellulase của 2 chủng C1, C4 đạt giá trị cao nhất tại thời điểm từ 24-30 giờ nuôi cấy. Trong đó, chủng C1 có hoạt tính enzyme cao nhất tại thời điểm 30 giờ nuôi cấy với endoglucanase là 2,52 IU/mL và exoglucanase là 1,13 IU/mL; chủng C4 có hoạt tính endoglucanase cao nhất là 2 IU/mL tại thời điểm 27 giờ và exoglucanase cao nhất là 1,05 IU/mL tại thời điểm 24 giờ nuôi cấy. Khi nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian đến khả năng sinh tổng hợp cellulase của 6 chủng vi khuẩn phân lập được từ ruột cá trắm cỏ, Li et al. (2009) thấy rằng cần khoảng 5-7 ngày để các chủng đó có thể đạt nồng độ cellulase cực đại. Tuy nhiên, 3 chủng tuyển chọn trong nghiên cứu này chỉ cần hơn 1 ngày, việc rút ngắn thời gian nghiên cứu sẽ giảm rất nhiều chi phí sản xuất.
  5. 860 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM 3.3. Ảnh hưởng của pH ban đầu đến khả năng sinh tổng hợp cellulase Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của các pH ban đầu khác nhau đến khả năng sinh tổng hợp cellulase được trình bày trong Hình 2. Hoạt tính enzyme của 2 chủng vi khuẩn tuyển chọn tăng dần khi giá trị pH ban đầu của môi trường nuôi cấy tăng lên. Khi pH ban đầu của môi trường nuôi cấy là trung tính (6,5-7,5) thì hoạt tính enzyme cao nhất. Hoạt tính cellulase của chủng C1 đạt giá trị cực đại khi pH ban đầu là 7,5: endoglucanase là 3,22 IU/mL và exoglucanase là 0,94 IU/mL. Trong khi đó chủng C4 có hoạt tính enzyme cực đại (endoglucanase là 3,14 IU/mL và exoglucanase là 1,13 IU/mL) khi pH ban đầu của môi trường nuôi cấy bằng 7. Hình 2. Ảnh hưởng của pH ban đầu đến khả năng sinh tổng hợp cellulase của 2 chủng vi khuẩn tuyển chọn 3.4. Ảnh hưởng của nhiệt độ nuôi cấy đến khả năng sinh tổng hợp cellulase Bên cạnh giá trị pH, nhiệt độ là một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của vi sinh vật. Hai chủng vi khuẩn tuyển chọn được nuôi trên môi trường có pH tối ưu (chủng C1 ở pH 7 và chủng C4 ở pH 7,5) và các nhiệt độ nuôi cấy khác nhau (30 oC, 35 oC, 40 oC, 45 oC). Khả năng sinh tổng hợp cellulase của 2 chủng vi khuẩn ở các nhiệt độ khác nhau được trình bày trong Hình 3. Hai chủng vi khuẩn C1, C4 có khả năng sinh tổng hợp cellulase cao khi được nuôi cấy ở nhiệt độ 30-35 oC, tốt nhất ở nhiệt độ 35 oC. Khi nhiệt độ của môi trường nuôi cấy khoảng 40 oC hoặc trên đó thì hoạt tính cellulase giảm mạnh. Sự thay đổi của nhiệt độ ảnh hưởng đến hoạt tính endoglucanase mạnh hơn so với hoạt tính exoglucanase. Trong một nghiên cứu gần đây của Islam & Roy (2018), các tác giả này đã phân lập được 3 chủng vi khuẩn từ rỉ đường có khả năng sinh tổng hợp cellulase. Trong số 3 chủng vi khuẩn phân lập được thì có 2 chủng vi khuẩn Gram dương là Paenibacillus sp. C1 và Bacillus sp. C2. Islam & Roy đã nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian, nhiệt độ và pH môi trường nuôi cấy đến khả năng sinh tổng hợp cellulase của các chủng phân lập được. Các
  6. PHẦN II. NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG SINH HỌC PHỤC VỤ ĐỜI SỐNG VÀ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI 861 kết quả thu được của Islam và Roy cũng tương tự như ở trong nghiên cứu này: pH thích hợp là 7,0; nhiệt độ trong khoảng 35-40 oC và thời gian nuôi cấy là 24-30 giờ. Hình 3. Ảnh hưởng của nhiệt độ đến khả năng sinh tổng hợp cellulase của 2 chủng vi khuẩn tuyển chọn 3.5. Ảnh hưởng của nồng độ CMC đến khả năng sinh tổng hợp cellulase Trong nghiên cứu gần đây của Islam & Roy (2018), các tác giả này nhận thấy CMC là nguồn carbon có ảnh hưởng tốt đến khả năng sinh tổng hợp cellulase của các chủng vi khuẩn tuyển chọn. Trong nghiên cứu này chúng tôi cũng đã sử dụng 1% CMC trong môi trường phân lập và nuôi cấy. Tuy nhiên, hàm lượng CMC trong môi trường nuôi cấy cũng có thể ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh tổng hợp cellulase. Do vậy, ảnh hưởng của các nồng độ CMC khác nhau trong môi trường nuôi cấy đến khả năng sinh tổng hợp cellulase của chủng C1 và C4 đã được nghiên cứu. Hình 4. Ảnh hưởng của nồng độ CMC đến khả năng sinh tổng hợp cellulase của 2 chủng vi khuẩn tuyển chọn Kết quả nghiên cứu trong Hình 4 cho thấy khi nồng độ C tăng thì hoạt tính enzyme thu được từ dịch nuôi cấy tăng. Hoạt tính endoglucanase của cả 2 chủng nuôi cấy đều đạt giá trị cực đại ở nồng độ 2% CMC, trong đó chủng C1 là 4,32 IU/mL còn chủng C4 là 4,36 IU/mL. Nồng độ 2,5% CMC là thuận lợi nhất cho khả năng sinh tổng hợp
  7. 862 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC Ở VIỆT NAM exoglucanase: chủng C1 là 1,37 IU/mL còn C4 là 1,39 IU/mL. Hoạt tính cellulase có xu hướng giảm khi nồng độ CMC tăng cao. Kết quả nghiên cứu cho thấy, CMC vừa là nguồn dinh dưỡng, vừa là chất cảm ứng quá trình sinh tổng hợp enzyme cellulase, tuy nhiên khi nồng độ chất cảm ứng (CMC) tăng cao thì lại có xu hướng ức chế sinh tổng hợp cellulase. 4. KẾT LUẬN Chúng tôi đã tiến hành phân lập và cấy tách được 35 chủng vi khuẩn từ mẫu phân trong ruột cá trắm cỏ. Hai chủng vi khuẩn kí hiệu C1 và C4 có khả năng sinh trưởng và tổng hợp cellulase mạnh đã được tuyển chọn nghiên cứu. Hai chủng tuyển chọn có khả năng sinh tổng hợp enzyme cao nhất sau 24 đến 30 giờ nuôi cấy ở nhiệt độ 30-35 oC, pH từ 6,5-7,5 và nồng độ CMC từ 2,0-2,5%. TÀI LIỆU THAM KHẢO Islam R., Roy N., 2018. Screening, purification and characterization of cellulase from cellulase producing bacteria in molasses. BMC Res. Note., 11: 445. 018-3558-4. Jayasekara S., Ratnayake R., 2019. Microbial cellulases: an overview and applications. In Pascual A. R., (ed) Cellulose. Intechopen. DOI: Kuhad R. C., Gupta R., Singh A., 2018. Microbial cellulases and their industrial applications. Enzyme Res. 2011:280696. doi: 10.4061/2011/280696. Li H., Wu S., Wirth S., Hao Y., Wang W., Zou H., Li W., Wang G., 2016. Diversity and activity of cellulolytic bacteria, isolated from the gut contents of grass carp (Ctenopharyngodon idellus) (Valenciennes) fed on Sudan grass (Sorghum sudanense) or artificial feedstuffs. Aquac. Res., 47: 153-164. Li H., Zheng Z., Cong-xin X., Bo H., Chao-yuan W., Gang H., 2009. Isolation of cellulose- producing microbes from the intestine of grass carp (Ctenopharyngodon idellus). Environ. Biol. Fish., 86: 131-135. Miller G. L., 1959. Use of dinitrosalicylic acid reagent for determination of reducing sugars. Anal. Chem., 31: 426-428. Sajith S., Priji P., Sreedevi S., Benjamin S., 2016. An overview on fungal cellulases with an industrial perspective. J. Nutr. Food. Sci., 6: 461. doi:10.4172/2155-9600.1000461. Saha S., Roy R. N., Sen S. K., Ray A. K., 2006. Characterization of cullulase-producing bacteria from the digestive tract of tilapia, Oreochromis mossambica (Peters) and grass carp, Ctenopharyngodon idella (valenciennes) Aquac. Res., 37: 380-388.
  8. PHẦN II. NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG SINH HỌC PHỤC VỤ ĐỜI SỐNG VÀ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI 863 ISOLATION AND SCREENING OF CELLULASE PRODUCING BACTERIA FROM THE INTESTINE OF GRASS CARP (Ctenopharyngodon idella) *Doan Van Thuoc*, Nguyen Thi Ngoc Huyen Abstract: Isolation and screening of cellulase producing bacteria in intestine of grass carp (Ctenopharyngodon idella) have been carried out using selective carboxymethylcellulose - agar (CMC-agar) medium. Thirty five bacteria strains were collected from isolation medium. Among the isolated strains, two strains C1 and C4 which exhibited high cellulolytic activity were selected for further studies. The two strains are Gram positive, rod-shaped bacteria. They showed high potentiality for maximum cellulase production at 35 oC, pH neutral, and after 24-30 h of cultivation in a medium containing 2-2.5% CMC. The maximum endoglucanase activity of 4.32 and 4.36 IU/mL, and exoglucanase activity of 1.37 and 1.39 IU/mL were respectively obtained by strains C1 and C4 at the optimum culture conditions. Keywords: Ctenopharyngodon idella, Bacteria, cellulase, grass carp. Hanoi National University of Education *Email: thuocdv@hnue.edu.vn