Phát triển công nghiệp hỗ trợ - Con đường để Việt Nam từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

pdf 8 trang Gia Huy 18/05/2022 2730
Bạn đang xem tài liệu "Phát triển công nghiệp hỗ trợ - Con đường để Việt Nam từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfphat_trien_cong_nghiep_ho_tro_con_duong_de_viet_nam_tung_buo.pdf

Nội dung text: Phát triển công nghiệp hỗ trợ - Con đường để Việt Nam từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

  1. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ - CON ĐƯỜNG ĐỂ VIỆT NAM TỪNG BƯỚC THAM GIA VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU SUPPORTING INDUSTRY DEVELOPMENT - ROAD TO VIETNAM EACH STEPS TO JOIN THE GLOBAL VALUE CHAIN Nguyễn Thị Bích Liên, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh Trường Đại học Vinh liennguyen190882@gmail.com TÓM TẮT Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và dưới tác động cạnh tranh quốc tế ngày càng quyết liệt, nhiều hạn chế về chất lượng của nền kinh tế đang dần lộ ra. Vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, lựa chọn mô hình tăng trưởng mới, tái cơ cấu công nghiệp, đang trở nên cấp bách nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của Việt Nam để có thể phát triển ổn định, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực. Trong đó, vai trò của các ngành công nghiệp được xác định là một trong những trụ cột quan trọng nhất. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp cần một quá trình lâu dài tích lũy kỹ năng quản lý và kỹ năng sản xuất và ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ khó có bước nhảy vọt nếu không phát triển công nghiệp hỗ trợ. Phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp các ngành công nghiệp của Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia. Từ khoá: Công nghiệp hỗ trợ, chuỗi giá trị, chuỗi giá trị toàn cầu. ABSTRACT In the context of increasing economic integration and under the impact of increasingly fierce international competition, many restrictions on the quality of the economy are gradually exposed. The issue of economic restructuring, selection of new growth models, industrial restructuring, are becoming urgent to maximize Vietnam's competitive advantage to be able to develop stably and sustainably, improve competitiveness and narrow the development gap with other countries in the region. In which the role of industries is identified as one of the most important pillars. However, industrial development needs a long process of accumulating management skills and production skills, and Vietnam's industry will hardly have a leap if it does not develop supporting industries. Developing supporting industries will help Vietnam's industries to deeply participate in the global value chain of multinational industrial corporations. Keywords: Supporting industry, value chain, global value chain. 1. Đặt vấn đề Từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra vào cuối năm 2008 đến nay, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã bộc lộ nhiều yếu kém. Nổi bật nhất là vấn đề tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Do chưa chủ động được nguồn cung ứng nguyên vật liệu đầu vào nên xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Mô hình tăng trưởng nhờ xuất khẩu như thế đã làm cho chúng ta mất tính chủ động. Nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa thể giải quyết triệt để trong ngắn hạn. Chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, chưa thực sự bền vững; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; khu vực kinh tế trong nước chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, là áp lực lớn đối với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng hiệu quả. Để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tiến lên những “nấc thang” cao hơn trong chuỗi, phát triển công nghiệp hỗ trợ được xem là giải pháp thiết thực và cấp bách hiện nay. Công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ giúp doanh nghiệp lựa chọn được chiến lược phát triển phù hợp với chuỗi giá trị gia tăng của ngành trong phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng tạo cơ hội và thúc đẩy khối doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển mạnh mẽ, tạo nên mạng sản xuất kinh doanh đa dạng và rộng khắp. Đây chính là nền tảng để phát triển một nền công nghiệp tự chủ, hiện đại. Để làm được điều này, trước hết các doanh 1098
  2. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược hợp lý, từng bước nâng cao năng lực, khẳng định vị trí và vai trò trên thị trường. Nhà nước cần đóng vai trò bệ đỡ, tập trung tháo gỡ kịp thời các khó khăn cũng như dành nguồn lực hợp lý đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ, tạo cơ sở vững chắc để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư kinh doanh, sẵn sàng là đối tác tin cậy của các bạn hàng trên thế giới. 2. Phương pháp nghiên cứu Trên cơ sở xác định vai trò và mối quan hệ đa chiều giữa ngành công nghiệp hỗ trợ với các ngành công nghiệp hạ nguồn và với các động lực phát triển kinh tế khác, nghiên cứu này sẽ kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với phân tích thực trạng và sử dụng phương pháp định tính gồm phương pháp thống kê mô tả và thống kê phân tổ nhằm phân tích ý nghĩa các con số, các chỉ tiêu. Nghiên cứu sử dụng số liệu thứ cấp (Số liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục thống kê qua các năm và số liệu tổng hợp của Bộ Công thương) để đánh giá thực trạng của ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay. 3. Kết quả nghiên cứu 3.1. Vai trò của công nghiệp hỗ trợ đối với chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam trong điều kiện hội nhập Công nghiệp hỗ trợ được hiểu là một ngành kinh tế - kỹ thuật, bao gồm các ngành sản xuất sản phẩm trung gian, cung cấp linh, phụ kiện máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu đã qua chế biến và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất theo các quy trình nhất định để lắp ráp các sản phẩm cuối cùng [3]. Công nghiệp hỗ trợ được ví như “chân núi”, tạo phần cứng để hình thành nên “thân núi” và “đỉnh núi” chính là ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm công nghiệp hoặc tiêu dùng (Hình 1). Lắp ráp Tiền lắp ráp Công nghiệp hỗ trợ Linh kiện Gia công Máy móc Nguyên liệu và Nguyên liệu thô Hình 1: Khái niệm công nghiệp hỗ trợ theo nghĩa rộng Nguồn: Ohno Kenichi (2007) Trong bối cảnh nền kinh tế khu vực và thế giới đang ngày càng có quan hệ mật thiết và tạo thành những hệ thống mạng lưới hợp tác phân công lao động toàn cầu (global network of labor division), để công nghiệp hóa thành công Việt Nam cần hòa nhập và tìm cho mình được một chỗ đứng trong đó. Việc chỉ sử dụng những lợi thế so sánh tĩnh (giá nhân công rẻ, tài nguyên thiên nhiên sẵn có, vị trí địa lý thuận lợi ) không còn phù hợp vì những lợi thế này đang bị cạnh tranh ngày càng gay gắt. Không tạo được lợi 1099
  3. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 thế động (kỹ thuật công nghệ, năng lực tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh, khả năng khai thác thị trường, sáng tạo và phát triển sản phẩm ) chúng ta sẽ không thể thâm nhập vào mạng lưới này. Công nghiệp ô tô, xe máy, hay đồ điện gia dụng, đặc biệt là thiết bị truyền thông, thông tin và xử lý dữ liệu (như máy vi tính) ngày càng thể hiện rõ hơn thực tế của sự phân công và hợp tác lao động quốc tế. Không một công ty nào dù nổi tiếng như Toyota, Honda, hay Sony, Panasonic, Fujitsu, ngày nay còn chế tạo một sản phẩm với một quy trình khép kín từ sử dụng nguyên vật liệu sơ chế để sản xuất phụ tùng, linh kiện đến lắp ráp hoàn chỉnh tại một nhà máy của mình. Nếu mở bên trong một chiếc máy tính, với nhãn hiệu dù là “Made in China” (chế tạo tại Trung Quốc) hay “Made in Japan” (chế tạo tại Nhật Bản), ta cũng có thể thấy nhiều chi tiết bên trong được chế tạo tại Đài Loan, Hàn Quốc hay Phi-líp-pin, rồi Thái Lan Họ không phải không có khả năng (trình độ kỹ thuật) để làm toàn bộ, mà giới hạn về tính kinh tế theo quy mô sản xuất (economic of scale) không cho phép làm điều đó. * Tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam đang phải cạnh tranh với các nước trong khu vực để thu hút đầu tư nước ngoài, đối phó với sự tràn ngập của hàng hóa Trung Quốc và áp lực từ hội nhập quốc tế. Dù đã có nhiều cải thiện cụ thể là đóng góp của khu vực công nghiệp trong GDP ngày càng tăng trong những năm gần đây nhưng xét một cách toàn diện, Việt Nam chưa có và cũng rất khó có thể tự xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm công nghiệp. Để thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp và trở thành một nước công nghiệp hóa, việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ có vai trò quan trọng đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam không bị loại khỏi cuộc chơi trong điều kiện hội nhập mạnh mẽ, đây cũng là điều kiện để phát triển ngành công nghiệp một cách vững chắc. Công nghiệp hỗ trợ thực sự cần thiết để Việt Nam có thể cạnh tranh được với Trung Quốc? Sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc là mối de dọa cho bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới. Tuy nhiên, sẽ là không khôn ngoan nếu Việt Nam cạnh tranh thực tiếp với Trung Quốc. Công nghiệp chế tạo của Trung Quốc có lợi thế với nguồn nhân lực rẻ và dồi dào, thị trường lớn nên có thể tiến hành sản xuất hàng loạt theo phương thức mô-đun, sử dụng các thiết kế và công nghệ sao chép và có sức cạnh tranh cao về giá thành. Chỉ bằng cách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ chất lượng cao và trở thành một đối tác chủ chốt trong sản xuất tích hợp với các doanh nghiệp đa quốc gia, các sản phẩm của Việt Nam mới có thể tham gia vào thị trường toàn cầu mà không phải đối đầu với hàng hóa Trung Quốc [2]. Công nghiệp hỗ trợ phát triển cũng sẽ giúp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh và nhanh chóng hội nhập với kinh tế quốc tế. Phần giá trị lớn nhất của các sản phẩm cơ khí là từ các linh phụ kiện, khâu lắp ráp tận dụng lao động rẻ chỉ đóng góp giá trị tương đối thấp (khoảng 5-10%), do vậy để đạt được sức cạnh tranh quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp phải tiếp cận được các nhà cung cấp linh kiện dễ dàng và ổn định, mặt khác các doanh nghiệp cung cấp linh kiện cũng cần phải cung cấp được các linh kiện chất lượng cao, giá thành rẻ và giao hàng đúng thời gian. Nếu không có công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp lắp ráp phải nhập phần lớn linh kiện, điều này sẽ dẫn tới chi phí vận chuyển cao, thời gian nhận hàng lâu, làm giảm tính cạnh tranh so với các đối thủ ở các quốc gia khác vì họ có khả năng tiếp cận các nhà cung cấp ở ngay tại quốc gia đó. Khi công nghiệp hỗ trợ không phát triển, các doanh nghiệp lắp ráp không thể mở rộng sản xuất vì họ không có lợi thế về chi phí. Nhưng khi các doanh nghiệp lắp ráp vẫn còn hoạt động với quy mô nhỏ, không có nhà cung cấp linh kiện nào đầu tư hay mở rộng sản xuất tại quốc gia đó vì không thể giảm giá thành do quy mô sản xuất nhỏ. Đây là vòng luẩn quẩn được thấy ở giai đoạn đầu của công nghiệp hóa. Nó chỉ có thể bị phá vỡ bởi các chính sách mạnh mẽ chuyên tập trung vào việc mời gọi nhiều doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất linh kiện. Điều này rút ra sau khi quan sát các quốc gia trong khu vực ASEAN (Malaysia, Thái Lan ) sau nhiều thập kỷ nỗ lực công nghiệp hóa [5], [6]. Đối với Việt Nam, những hạn chế về nguồn lực và kinh nghiệm trong quá khứ của ngành công nghiệp cho chúng ta thấy một sự thật đó là khả năng tạo ra những tên tuổi sản phẩm lớn mang tầm quốc tế là rất khó đạt được trong thời điểm hiện tại. Với năng lực cạnh tranh hạn chế, sự cố gắng để có thể kết nối 1100
  4. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 được với một trong những mắt xích trong chuỗi sản xuất và cung cấp toàn cầu là hết sức quan trọng. Khi tham gia vào chuỗi sản phẩm có tính toàn cầu, chúng ta sẽ được hưởng lợi từ hệ thống phân phối toàn cầu, có khả năng tiếp xúc và chuyển giao công nghệ, trình độ lao động được nâng cao Tất nhiên, khi mới tham gia vào chuỗi sản xuất, Việt Nam sẽ phải chấp nhận ở những khâu có giá trị gia tăng thấp và sản xuất giản đơn. Khi có cơ hội tham gia vào một khâu của sản xuất sản phẩm, việc tiến tới các nấc thang cao hơn là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, nó đòi hỏi phải có chiến lược phát triển nhân sự, công nghệ rõ ràng và một môi trường cạnh tranh hết sức lành mạnh. * Thu hút và giữ chân các doanh nghiệp FDI Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và ngược lại, doanh nghiệp FDI sẽ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Trong những năm 1980, luồng đầu tư từ các doanh nghiệp đa quốc gia ồ ạt đổ vào các nước đang phát triển vì ở đây có chi phí nhân công thấp. Ngày nay, khi các công ty lựa chọn địa điểm đầu tư, họ không chỉ xét đến lợi thế về chi phí nhân công mà còn tính đến các lợi thế so sánh khác về đầu vào sản xuất như linh kiện, phụ tùng, dịch vụ sản xuất, những yếu tố giúp họ có thể cạnh tranh được về giá và chất lượng. Khi điều kiện kinh tế, mức sống ở các nước đang phát triển được cải thiện, chi phí nhân công sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ, nếu không có các lợi thế so sánh khác để giữ chân các nhà đầu tư thì họ sẽ dễ dàng rời bỏ nơi này để tìm đến nơi khác có chi phí nhân công thấp hơn. Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ là điều kiện cần thiết để hấp dẫn các nhà đầu tư. Mặt khác, nhờ các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp nội địa sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nếu thực sự họ có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của các công ty xuyên quốc gia bởi vì bất cứ doanh nghiệp nào cũng không muốn mua các đầu vào (linh phụ kiện) từ những nước khác vì dễ gặp rủi ro về thời hạn giao hàng, chi phí vận chuyển cao Do đó, đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong nước có thể tham gia cung cấp cũng như tiếp nhận công nghệ và kỹ năng quản lý của các công ty có tầm cỡ quốc tế. Như đã phân tích ở trên, các doanh nghiệp FDI thường là những doanh nghiệp lớn và có tầm cỡ quốc tế, tỷ trọng xuất khẩu cũng khá lớn nên các doanh nghiệp trong nước không cần chú ý phát triển thị trường mà chuyên tâm tập trung sản xuất. Từ đó, khu vực này góp phần tăng cường năng lực sản xuất và đổi mới công nghệ. Mặt khác, nó thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ vì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tạo sức ép buộc các nhà cung cầp đầu vào phải tự đổi mới công nghệ để đáp ứng với điều kiện sản phẩm của họ [1]. Sự phát triển của các nhà cung cấp linh phụ kiện trong nước sẽ là nền tảng và điều kiện giữ chân và thu hút luồng vốn FDI mới đầu tư khi những lợi thế về nguồn lao động rẻ, ưu đãi về đất đai không còn. Đây mới là môi trường kinh doanh bền vững để các công ty xuyên quốc gia kết hợp và sử dụng cho chiến lược phát triển lâu dài của mình. Mặc dù công nghiệp hỗ trợ có vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FDI nhưng theo Trần Văn Thọ (2007), không nhất thiết công nghiệp hỗ trợ trong nước phải phát triển đồng bộ trước rồi mới có FDI chúng có quan hệ tương hỗ với nhau. Cụ thể, quá trình này có thể chia làm 3 giai đoạn: (1) Trước khi FDI vào đã có nhiều công ty trong nước sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho các công ty lắp ráp, sản xuất sản phẩm chính cho thị trường nội địa. Khi có FDI, một bộ phận những công ty sản xuất công nghiệp hỗ trợ sẽ phát triển mạnh hơn nếu được tham gia vào mạng lưới chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI. Sự liên kết (linkage) này không phải tự nhiên hình thành mà các công ty công nghiệp hỗ trợ phải tỏ ra có tiềm năng cung cấp linh kiện, phụ liệu với chất lượng và giá thành cạnh tranh được với hàng nhập. Tiềm năng đó sẽ thành hiện thực nhờ chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI. (2) Đồng thời với sự gia tăng của FDI, nhiều doanh nghiệp bản xứ ra đời trong các ngành công nghiệp hỗ trợ chủ yếu để phục vụ cho hoạt động của các doanh nghiệp FDI. Những doanh nghiệp sớm hình thành sự liên kết với doanh nghiệp FDI sẽ được chuyển giao công nghệ và sẽ phát triển nhanh. 1101
  5. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 (3) Sau một thời gian hoạt động của doanh nghiệp FDI với lượng sản xuất ngày càng mở rộng, tạo ra thị trường ngày càng lớn cho công nghiệp hỗ trợ, nhiều công ty nhỏ và vừa ở nước ngoài sẽ đến đầu tư. Ở đây có trường hợp các công ty con hoặc các công ty có quan hệ giao dịch lâu dài của các doanh nghiệp FDI đến đầu tư do sự khuyến khích của các doanh nghiệp FDI; cũng có trường hợp các công ty nhỏ và vừa ở nước ngoài độc lập với các doanh nghiệp FDI nhưng thấy thị trường của công nghiệp hỗ trợ đã lớn mạnh nên đến đầu tư [4]. Công nghiệp hỗ trợ của một nước sẽ phát triển được khi các công ty trong nước ở trường hợp (1) ngày càng được cải tiến quản lý, công nghệ để cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cạnh tranh được với hàng nhập, và chính phủ có chiến lược, chính sách để thúc đẩy các doanh nghiệp ở trường hợp (2) ra đời, đồng thời tạo điều kiện, môi trường để các công ty nhỏ và vừa ở nước ngoài đến đầu tư (giai đoạn 3). Mối liên quan giữa công nghiệp hỗ trợ và môi trường thu hút FDI có thể được hiểu: chừng nào các công ty nước ngoài không thấy chính phủ đưa ra các chính sách cụ thể và dài hạn để phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng nói ở (1) và (2) cũng như chính phủ không tạo môi trường kinh doanh ổn định cho các doanh nghiệp FDI để từ đó công nghiệp hỗ trợ phát triển theo trường hợp (3) thì họ sẽ không đánh giá cao môi trường FDI ở nước đó. 3.2. Thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay * Quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế: - Về số lượng: Số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay còn rất ít. Hiện tại trên toàn quốc trong số khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện nhưng chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Mặc dù đây là nền tảng để công nghiệp hóa nhưng số liệu thống kê cho thấy các năm qua số lượng các doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn chưa nhiều. Do không có nhiều nhà cung cấp, nên các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng khó có thể tìm mua phụ tùng, linh kiện trong nước mà phải nhập khẩu hoặc tự sảnxuất. Riêng quận Oita, một trong 23 quận của thành phố Tokyo có hơn 3000 doanh nghiệp chế tạo, tỉnh Kanagawa có 60.000 doanh nghiệp chế biến chế tạo tương đương với số doanh nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam, (năm 2017) trong đó phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ nhưng tham gia rất sâu vào các chuỗi sản xuất toàn cầu ở các phân đoạn có giá trị gia tăng rất cao như cung cấp linh kiện và phụ tùng cho công nghiệp hàng không. Việc khởi tạo doanh nghiệp công nghiệp chế tạo gặp nhiều khó khăn và rủi ro so với việc thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ vì các doanh nghiệp này thường phải đầu tư vốn lớn, công nghệ hiện đại và đòi hỏi khắt khe từ các nhà lắp ráp. Hình 1: Cơ cấu doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2018 Nguồn: Tổng cục Thống kê 1102
  6. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo thành lập mới chỉ chiếm khoảng 12,3% tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2018. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ chiếm khoảng gần 15% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế [7]. - Về năng lực: Năng lực doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn rất thấp. Mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của doanh nghiệp đã từng bước được cải thiện, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tuy đã tự chủ được một số loại sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, vẫn còn nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cần được hỗ trợ để phát triển như chất bán dẫn, mạch in, khuôn nhựa trong ngành điện tử; phôi thép, thép tấm, thép hình, khuôn mẫu trong ngành cơ khí; và vải trong ngành dệt may, da giầy. Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà Việt Nam chưa đủ năng lực cạnh tranh, chủ yếu là các sản phẩm hóa dầu như hạt nhựa, cao su nhân tạo, sợi nhân tạo Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Cơ hội mở ra rất lớn đối với các ngành như ô tô, điện tử, dệt may và da dày nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực để cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng các yêu cầu của khách hàng cho các chuỗi sản xuất toàn cầu ở trong nước. Năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế. Đến nay, các doanh nghiệp nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp sản xuất nội địa còn rất lớn. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên rất ít doanh nghiệp có chiến lược phát triển dài hạn để có thể đầu tư chiều sâu về thiết bị, công nghệ, quản lý, cũng như nhân lực. Khu vực dệt may và da giày mới phát triển khá ở sản xuất phụ kiện, còn sản xuất vải, xơ sợi, da thuộc, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế chủ yếu do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thựchiện. * Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thiếu nguồn lực và công nghệ để đổi mới và nâng cao năng lực sản xuất Lĩnh vực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước khá giống nhau cả về trình độ, quy mô, công nghệ và sản phẩm. Trong ngành cơ khí, đa số là gia công các công đoạn cơ khí đơn giản (dập, cắt, hàn, sơn ) rất ít doanh nghiệp thực hiện các công đoạn, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như đúc, xử lý nhiệt, gia công bề mặt. Trong ngành điện tử, các doanh nghiệp mới chỉ tập trung chủ yếu vào các chi tiết nhựa và bao bì. Các chi tiết như mạch in nhiều lớp, các linh kiện điện tử rất ít doanh nghiệp đủ trình độ sản xuất. Trong ngành dệt may, chủ yếu mới chỉ phát triển ở công đoạn may. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không đủ năng lực đầu tư, hấp thụ và đổi mới công nghệ sản xuất. * Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của các ngành công nghiệp hỗ trợ Mặc dù Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với khoảng 54% dân số trong độ tuổi lao động nhưng số lao động ở khu vực nông thôn chiếm trên 67% và phần lớn là lao động có trình độ thấp. Các doanh nghiệp chế biến, chế tạo và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động đáp ứng được các yêu cầu công việc của doanh nghiệp, đặc biệt là lao động tay nghề cao. Cơ cấu đào tạo chưa phù hợp với số lượng học viên cấp bậc đại học và số lượng đào tạo cao đẳng - trung cấp nghề có tỷ lệ rất thấp 1 kỹ sư: 1,25 thợ dẫn đến hiện tượng thừa thầy thiếu thợ nghiêm trọng. Ngoài ra do tác động của cơ cấu kinh tế, các học viên tham gia các ngành kỹ thuật có tỷ trọng nhỏ so với các ngành kinh tế dịch vụ dẫn đến sự thiếu hụt lao động tay nghề cao trong lĩnh vực chế biến chế tạo [7]. 1103
  7. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Phần lớn lao động tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là lao động phổ thông, được đào tạo dưới hình thức vừa học vừa làm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, đặc biệt là lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp rất thấp và luôn trong tình trạng khan hiếm. Trình độ của đội ngũ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn hạn chế, trong khi đây là nhân tố quyết định đường lối, chiến lược kinh doanh và cách thức vận hành doanh nghiệp, khả năng chấp nhận rủi ro để thực thi các điều chỉnh, cải cách thông qua đầu tư, đổi mới công nghệ, cách thức quản lý 4. Kết luận và kiến nghị Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và dưới tác động cạnh tranh quốc tế ngày càng quyết liệt, nhiều hạn chế về chất lượng của nền kinh tế đang dần lộ ra. Vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, lựa chọn mô hình tăng trưởng mới, tái cơ cấu công nghiệp, đang trở nên cấp bách nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của Việt Nam để có thể phát triển ổn định, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực. Trong đó, vai trò của các ngành công nghiệp được xác định là một trong những trụ cột quan trọng nhất. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp cần một quá trình lâu dài tích lũy kỹ năng quản lý và kỹ năng sản xuất, khó có bước nhảy vọt nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước. Các ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói chung và CNHT nói riêng cần phải có môi trường kinh tế vĩ mô ổn định để phát triển. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định sẽ thu hút được sự quan tâm, cũng như nguồn lực đầu tư của xã hội vào khu vực sản xuất, từng bước hình thành “xã hội sản xuất”. Lực lượng chủ yếu trong sản xuất công nghiệp là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 98% doanh nghiệp cả nước với sự dẫn dắt của các tập đoàn sản xuất công nghiệp ngoài nhà nước và các tập đoàn FDI hoạt động tại Việt Nam. Với xuất phát điểm thấp của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, cần các chính sách hỗ trợ và thực hiện đồng bộ các giải pháp để các doanh nghiệp nâng cao trình độ sản xuất và khả năng cạnh tranh: * Hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ: Nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù phát triển CNHT và bố trí nguồn lực triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp và CNHT. CNHT là ngành đặc thù, chủ yếu do hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa đảm nhiệm nhưng đòi hỏi vốn, kỹ thuật và nhân lực rất cao so với các ngành sản xuất khác. Đây cũng là ngành chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực đầu tư nước ngoài. Mặc dù chủ yếu nằm ở trung nguồn của chuỗi giá trị, các ngành CNHT đòi hỏi các chính sách toàn diện: không chỉ trực tiếp vào doanh nghiệp sản xuất CNHT, mà cả các chính sách hiệu quả cho khu vực thượng nguồn là sản xuất vật liệu và cả chính sách tạo dựng thị trường ở hạ nguồn và liên kết với người mua là các ngành lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh. Hoàn thiện chính sách phát triển CNHT, trước mắt cần điều chỉnh, sửa đổi những quy định còn vướng mắc trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP liên quan đến phạm vi CNHT; làm rõ tiêu chí xác định đối tượng ưu tiên; rà soát danh mục các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Nhà nước cần nghiên cứu ban hành các chính sách thúc đẩy những ngành công nghiệp cần ưu tiên như ngành ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày, bao gồm các chính sách về thị trường, hỗ trợ đổi mới công nghệ, phòng vệ thương mại * Phát triển thị trường cho công nghiệp hỗ trợ: Phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh) có vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Bằng cách thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng. * Nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: - Thúc đẩy liên kết giữa nhà cung cấp Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia có nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam. 1104
  8. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 - Phát triển khoa học và công nghệ giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ từng bước đổi mới và nâng cao năng lực công nghệ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các tập đoàn đa quốc gia. Tăng cường tư vấn, tìm kiếm, giới thiệu và hỗ trợ chuyển giao các công nghệ sản xuất hiện đại; hỗ trợ xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT trong nước đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp lắp ráp. - Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ. - Các giải pháp về tài chính như hỗ trợ tín dụng, tiếp cận vốn vay và quỹ phát triển; tháo gỡ khó khăn về chính sách thuế; hỗ trợ công tác xử lý môi trường, cho các doanh nghiệp CNHT. Nhà nước cần bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp nhằm thực hiện Chương trình phát triển CNHT được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai hiệu quả các nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT trong nước. Đồng thời, khuyên khích các địa phương xây dựng các chính sách, chương trình phát triển CNHT riêng, đầu tư các nguồn lực trên địa bàn gắn với việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách về CNHT đến các doanh nghiệp trên địa bàn để doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ các chính sách của Nhà nước. * Xây dựng cơ sở dữ liệu về CNHT: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về chính sách phát triển CNHT để thu hút đầu tư nguồn lực xã hội vào phát triển CNHT; xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp CNHT Việt Nam và cụm liên kết nhằm thúc đẩy liên kết giữa các nhà sản xuất nội địa với các tập đoàn đa quốc gia có nhu cầu tìm kiếm các nhà cung cấp tại Việt Nam. Triển khai hiệu quả các chương trình kết nối doanh nghiệp, liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài; xúc tiến kết nối đầu tư tại thị trường các nước đã ký các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam nhằm đa dạng hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm CNHT. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Đình Bình, Nguyễn Hữu Xuyên (2015), Đổi mới công nghệ trong ngành công nghiệp hỗ trợ. NXB Khoa học xã hội. [2] Nguyễn Việt Khôi (2014), Chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia - Những tiếp cận thực tiễn từ Trung Quốc, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. [3] Ohno, Kenichi (2007), Xây dựng công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, NXB Lao động. [4] Nguyễn Thị Bích Liên, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (2016), Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ dựa vào khoa học – công nghệ, tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 13 tháng 6/2016. [5] Trần Văn Thọ (2007), Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Trẻ. [6] VDF (2011), Điều tra so sánh bối cảnh, biện pháp chính sách và kết quả phát triển công nghiệp hỗ trợ ở ASEAN. [7] VDF and JICA (2011), Survey on comparison of backgrounds, policy measures and outcomes for development of supporting industries in ASEAN - Malaysia and Thailand in comparison with Vietnam. [8] Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê các năm 2016, 2017, 2018. 1105