Quan điểm và mục tiêu xây dựng chiến lược tài chính toàn diện quốc gia
Bạn đang xem tài liệu "Quan điểm và mục tiêu xây dựng chiến lược tài chính toàn diện quốc gia", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- quan_diem_va_muc_tieu_xay_dung_chien_luoc_tai_chinh_toan_die.pdf
Nội dung text: Quan điểm và mục tiêu xây dựng chiến lược tài chính toàn diện quốc gia
- QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN QUỐC GIA ThS. Vũ Ngọc Anh Học viện Tài chính Tóm tắt Tài chính toàn diện có vai trò quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, phát triển và ổn định kinh tế. Vì vậy, tài chính toàn diện được các tổ chức phát triển quốc tế cũng như Chính phủ nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm, trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích sự cần thiết của việc xây dựng chiến lược quốc gia trong việc phát triển tài chính toàn diện, đồng thời dựa trên những phân tích về thực trạng tài chính toàn diện ở Việt Nam hiện nay để đưa ra quan điểm và mục tiêu xây dựng chiến lược tài chính toàn diện phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa của Việt Nam. Từ khóa: Tài chính toàn diện, tài chính bao trùm, Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia, tiếp cận tài chính. 1. SỰ CẦN THIẾT CỦA CHIẾN LƯỢC Tài chính toàn diện hay còn gọi là tài chính bao trùm (financial inclusion) là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý do các tổ chức tài chính cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Việc tiếp cận với các dịch vụ tài chính như tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm và chuyển tiền cho phép các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nắm bắt cơ hội kinh tế và quản lý các biến động tài chính của mình. Khi được tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản, những người có thu nhập thấp có thể đầu tư vào các hoạt động tạo thu nhập, tiết kiệm và quản lý tài chính tốt hơn, tích lũy tài sản một cách an toàn, giúp họ thoát khỏi bẫy đói nghèo và cải thiện hơn cuộc sống cũng như phúc lợi. Tài chính toàn diện cho phép các hộ gia đình xây dựng nguồn nhân lực bằng cách đầu tư vào y tế và giáo dục, từ đó hỗ trợ sự tăng trưởng công bằng và bền vững, đồng thời giảm bất bình đẳng thu nhập và xã hội. Tuy nhiên tài chính toàn diện được hiểu theo nghĩa rộng hơn so với tiếp cận tài chính. Một số người có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính nhưng lại không muốn sử dụng trong khi nhiều người có nhu cầu lại không thể tiếp cận do những rào cản như thiếu hiểu biết và điều kiện kinh tế, thiếu sản phẩm phù hợp hay quy định pháp luật phức tạp. Tài chính toàn diện không chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng mà bao gồm cả nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người tiêu dùng. Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, các tổ chức quốc tế đã không ngừng nhấn mạnh tầm quan trọng của tài chính toàn diện. Nhóm G20 đã coi tài chính toàn diện là một trong những trụ cột chính trong định hướng phát triển từ năm 2009. Tháng 10/2013, Ngân hàng Thế giới (WB) chính thức đưa ra mục tiêu đến năm 2020 mỗi người trưởng thành phải có một tài khoản giao dịch và xem đó như một mốc quan trọng hướng tới tài chính toàn diện đầy đủ - một thế giới mà ở bất cứ đâu người dân đều có quyền tiếp cận và có thể sử dụng các dịch vụ tài chính mà họ cần để nắm bắt cơ hội cải thiện cuộc sống và giảm thiểu tổn thương. Liên Hợp Quốc xác định tài chính toàn diện là một giải pháp quan trọng để đạt 7 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2020 (SGD). Các nước ASEAN cũng coi tài chính toàn diện là một trong ba trụ cột cho Tầm nhìn ASEAN 2025. Tính đến năm 2017, trên khắp thế giới đã có 34 quốc gia triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và 29 nước khác đang xây dựng Chiến 395
- lược. Trong vòng 5 năm qua, số lượng quốc gia đi theo chính sách xây dựng chiến lược tài chính toàn diện đã tăng gần 6 lần. Nghiên cứu cho thấy, các quốc gia ban hành và thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện có mức độ tài chính toàn diện cao hơn những nước thực thi tài chính toàn diện mà không thông qua chiến lược. Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia sẽ thiết lập nên hệ thống các chiến lược bộ phận, các kế hoạch hành động thống nhất từ các cấp, từ Trung ương đến địa phương, tạo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bên tham gia và đồng thời cũng tận dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có một cách hệ thống, giúp tiết kiệm chi phí và tập trung nguồn lực trong quá trình thực thi tài chính toàn diện giữa các bên có liên quan. Tầm quan trọng của việc xây dựng một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện được đề cập một lần nữa khi tại Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Việt Nam năm 2017, các quốc gia thành viên rất quan tâm và không ngừng thảo luận, nghiên cứu một khuôn khổ chiến lược tài chính toàn diện có thể áp dụng cho mỗi quốc gia thành viên APEC hoặc có thể làm cơ sở thông lệ quốc tế để mỗi thành viên có thể sử dụng và thiết lập nên chiến lược tài chính toàn diện cho riêng quốc gia mình. Ở Việt Nam, một số nội dung của tài chính toàn diện đã được Chính phủ đặt thành ưu tiên và triển khai thực hiện trong những năm qua. Các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011-2020, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đều hướng tới việc nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân, nhấn mạnh đến tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực phát triển và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội. Chính phủ cũng xây dựng và triển khai nhiều chính sách cụ thể hướng đến đối tượng của tài chính toàn diện như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (Nghị quyết 30a của Chính phủ); Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn cùng đồng bào dân tộc và miền núi (Chương trình 135) Một số chính sách mới ban hành đã trực tiếp thúc đẩy các hoạt động tài chính toàn diện. Ngày 6/12/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 2195/QĐ-TTg. Tháng 9/2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1726/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế với mục tiêu đến năm 2020 nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cơ bản cho người dân và doanh nghiệp. Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam được bắt đầu thực hiện từ năm 2006 và đến nay đang triển khai cho giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Những kết quả đạt được trong những năm qua là đáng kể, đặt biệt là công tác xóa đói giảm nghèo. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo từ mức 60% giảm xuống 20,7% trong vòng 20 năm (1990-2010) và hiện giữ ở mức dưới 10%. Đời sống người dân đã tăng lên, nhất là trong tiếp cận các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng - tài chính vẫn còn nhiều khoảng trống. Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng vẫn ở mức thấp, mới chỉ có 30,8% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng theo số liệu của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2017, kém xa so với các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, hay Malaysia đều ở mức trên 80%. Bên cạnh đó trình độ hiểu biết tài chính của người dân và doanh nghiệp còn ở mức thấp trong khi thiếu vắng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính khiến cho niềm tin vào hệ thống ngân hàng - tài chính chưa cao. Trong bối cảnh đó, cần có một chiến lược tài chính toàn diện mang tính bao trùm, tổng thể có thể tập trung nguồn lực và nỗ lực của tất cả các ngành, lĩnh vực, cả nhà nước và tư nhân, đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam. Một chiến lược tài chính toàn diện quốc gia có ý nghĩa hết sức to lớn về mặt phát triển kinh tế xã hội, giảm bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo, giúp cho mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế để không ai bị bỏ lại phía sau. 396
- 2. THỰC TRẠNG TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có mức độ tiếp cận đến các dịch vụ tài chính ở mức thấp. Theo cơ sở dữ liệu Global Findex do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2017, tỷ lệ người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản chỉ là 30,8%, cao hơn Lào (29,1%), Campuchia (21,7%) và Myanmar (26,0%) nhưng thấp hơn so với Indonesia (49%) và thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (80,2%), Malaysia (85,3%), Thái Lan (81,6%). Việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính ở Việt Nam có thể xem xét cụ thể ở những góc độ dưới đây: Mạng lưới và kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính: tính tại thời điểm 2016, mạng lưới hoạt động hệ thống NHTM tổng cộng có 9.787 chi nhánh và phòng giao dịch, tương đương 13,7 điểm giao dịch/10.000 người trưởng thành và 29,5 điểm giao dịch/1000km². Đến cuối 2017, mạng lưới ATM đạt 15.558 máy được lắp đặt, bình quân 53,01 máy/1000km² và 24,3 máy/100.000 dân số trưởng thành. Tuy nhiên số máy ATM tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tới 40% tổng số của cả nước, trong khi ở những địa bàn nông thôn, ATM chỉ xuất hiện ở một số phòng giao dịch, chủ yếu là của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ở địa bàn vùng sâu vùng xa, máy ATM gần như chưa có. Với tiêu chí số máy ATM trên dân số trưởng thành, Việt Nam vẫn còn thua xa các nước như Nhật Bản, Thái Lan hay Trung Quốc, chỉ tương đương Lào và nhỉnh hơn Ấn Độ một chút. Số lượng POS tính đến cuối năm 2017 đạt 268.813 POS/EDC với số lượng giao dịch đạt trên 97 triệu và giá trị giao dịch đạt trên 250.000 nghìn tỷ đồng. Số lượng thiết bị POS trên thị trường mới chỉ tập trung chủ yếu ở các ngân hàng lớn, tăng chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng thẻ phát hành. Tỷ lệ đơn vị kinh doanh có lắp đặt POS còn rất nhỏ. Bên cạnh đó, các mô hình ngân hàng liên kết đã cho phép một số ngân hàng kết hợp với các đơn vị Công nghệ thông tin viễn thông triển khai thí điểm một số loại hình dịch vụ thanh toán chuyển tiền hướng tới vùng sâu vùng xa, giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân. Đến cuối năm 2017, tổng cộng đã có hơn 32.000 điểm cung cấp dịch vụ phục vụ hơn 6 triệu khách hàng với tổng giá trị giao dịch lũy kế lên tới 81.000 tỷ đồng. Các dịch vụ tài chính cơ bản:đến cuối năm 2017, có 97 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tại Việt Nam, trong đó 78 tổ chức cung ứng dịch vụ Internet Banking và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ Mobile Banking. Mặc dù ra đời sau nhưng Internet Banking và Mobile Banking đã đạt được tốc độ phát triển nhanh và đạt được quy mô tương đương với dịch vụ thẻ. Số lượng giao dịch qua kênh Internet Banking năm 2017 đạt hơn 191 triệu món với giá trị giao dịch đạt hơn 13.546 nghìn tỷ đồng (tăng 88,08% so với năm 2016). Số lượng giao dịch qua kênh Mobile Banking năm 2017 đạt hơn 130 triệu món với giá trị giao dịch hơn 690 nghìn tỷ đồng (bằng 127,3% so với năm 2016). Tuy nhiên, giá trị giao dịch của các kênh này còn thấp so với tổng giá trị thanh toán không dùng tiền mặt, chiếm khoảng 15% tổng giá trị. Kết quả mà lĩnh vực Internet Banking và Mobile Banking đạt được không thể không kể đến sự phát triển vượt bậc của nền tảng công nghệ số. Tính đến năm 2018, Việt Nam có 64 triệu người dùng Internet, chiếm 67% dân số, có 70,03 triệu người dùng điện thoại di động, chiếm 74% dân số, độ bao phủ sóng 3G/4G đạt 95% diện tích cả nước. Đây cũng là tiền đề để phát triển các dịch vụ khác như ví điện tử hay nâng cao độ bảo mật bằng việc ứng dụng công nghệ sinh trắc học (vân tay). Tuy nhiên bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam vẫn gặp phải một số hạn chế nhất định: những dịch vụ tiện ích hiện đại được sử dụng chủ yếu ở khu vực thành thị, giao dịch rút tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với các giao dịch khác như thanh toán, chuyển khoản. Đối với dịch vụ tiết kiệm, hệ thống Tổ chức tín dụng hiện là kênh cung cấp dịch vụ tiết kiệm duy nhất của nền kinh tế. Theo số liệu thống kê của Findex 2017, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản tiết kiệm tại các tổ chức tài chính ở Việt Nam là 14,5% thấp hơn rất nhiều nước 397
- trong khu vực như Thái Lan (38,8%), Malaysia (37,8%), Indonesia (21,5%), Trung Quốc (34,8%) và Nhật Bản (64,5%). Về dịch vụ tín dụng, tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2017 là 6,51 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP. Trong đó tín dụng cho khu vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được chú trọng. Đến cuối năm 2017, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 20,9% dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 13,21% so với tháng 12/2016; dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 25,5%. Tỷ lệ người trưởng thành có khoản vay tại các tổ chức tài chính của Việt Nam là khá cao, đạt mức 21,7%, thấp hơn Campuchia (26,7%), Malaysia (23,4%) và cao hơn hầu hết các nước trong khu vực như Indonesia (18,4%), Thái Lan (20,4%), Philippines (10,4%), theo số liệu Findex 2017. Đối với dịch vụ bảo hiểm và hưu trí, năm 2017 tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm đạt 316.300 tỷ đồng, tăng 27,4% so với năm 2016, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2017 đạt khoảng 132.369 tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm 2016. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn quốc đạt 86,5% dân số, theo số liệu của Bộ Tài chính năm 2017. Tuy nhiên tính đến năm 2017, có hơn 3 triệu người về hưu và 80% trong số đó được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chi trả lương hưu bằng tiền mặt. Ngoài ra, bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm vi mô mới đang ở giai đoạn triển khai thí điểm và còn thiếu hành lang pháp lý. Dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới năm 2015 cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận tài chính khá tốt với tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay ngân hàng là 40,8%, cao hơn so với trung bình của 139 nước tham gia khảo sát (33,6%) và cũng cao hơn so với Indonesia, Philippines, Malaysia. Tỷ lệ bị từ chối cho vay là 5.6%, thấp hơn so với trung bình của 139 nước tham gia khảo sát (11,2%). Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đã từng bước được cải thiện, từ mức tăng 2,44% năm 2013 tới 15% năm 2016. Tính đến tháng 12/2017, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 13,21% so với cuối năm 2016, chiếm trên 20,9% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Dịch vụ tài chính cho nông nghiệp, nông thôn: tỷ lệ người dân mở và sử dụng tài khoản ngân hàng ở khu vực nông thôn còn thấp, đạt 25,2% trong khi con số này ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Ấn Độ lần lượt là 80,7%, 81,1%, 40,7% và 79,3%. Đến 31/12/2017, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 1.310 nghìn tỷ đồng, tăng 25,5% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng Các định chế tài chính chuyên biệt phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp, đối tượng chính sách xã hội và cư dân nông thôn: trong những năm qua cũng có những thành tựu rõ rệt trong việc nâng cao khả năng tiếp cận cũng như chất lượng dịch vụ tài chính cung cấp cho khách hàng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đóng vai trò đặc biệt trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng tại khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đến 31/12/2017, thị phần tín dụng của ngân hàng này chiếm hơn 50% toàn thị trường. Tỷ trọng dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn trên tổng dư nợ của ngân hàng này đạt 74%, tỷ trọng nguồn vốn khu vực nông nghiệp nông thôn trên tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 70%, dẫn đầu trong các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, Ngân hàng Hợp tác xã và Quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô, Ngân hàng Chính sách xã hội trong những năm gần đây không ngừng mở rộng mạng lưới hoạt động cũng như gia tăng doanh số huy động vốn và dư nợ cho vay. Cơ sở hạ tầng tài chính: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (IBPS) đã được cải cách mạnh mẽ và sâu rộng, áp dụng công nghệ hiện đại và theo chuẩn quốc tế. Số lượng và giá trị thanh toán qua hệ thống tăng nhanh, lưu lượng thanh toán hàng năm qua hệ thống hiện nay đã gấp 10 lần GDP. 398
- Hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia. Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia hiện đã mở rộng được nguồn thông tin tới 100% các tổ chức tín dụng, các Bộ, Ngành liên quan. Theo đánh giá của Nhóm Ngân hàng Thế giới, với những nỗ lực của CIC, độ phủ thông tin tín dụng của Việt Nam năm 2018 được cải thiện lên 51%, chiều sâu thông tin tín dụng đạt 7/8 điểm, cao hơn mức bình quân các nước trong khu vực và khổi OECD, góp phần đưa chỉ số tiếp vận tín dụng của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm trước, xếp thứ 29/190 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng. Tuy nhiên, CIC vẫn đang gặp khó khăn trong việc mở rộng độ phủ thông tin từ doanh nghiệp tiện ích như viễn thông, điện nước do còn vướng những quy định về bảo mật thông tin khách hàng từ các Luật chuyên ngành. Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2010/NĐ-CP cho phép thành lập các Tổ chức tín dụng tư nhân để góp phần thúc đẩy hoạt động thị trường tín dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên hoạt đông của các tổ chức này còn hạn chế, độ phủ thông tin mới đạt 17,1%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới theo đánh giá của Nhóm Ngân hàng Thế giới. Hiểu biết tài chính và bảo vệ người tiêu dùng: Người dân Việt Nam, đặc biệt người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hiện có năng lực hiểu biết tài chính khá thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Cuộc điều tra của Standard & Poor năm 2014 cho thấy chỉ ¼ dân số trưởng thành có năng lực “hiểu biết tài chính”. Khảo sát về hiểu biết tài chính của Master Card năm 2015 cho biết chỉ số hiểu biết tài chính của Việt Nam đứng thứ 16/17 quốc gia được khảo sát. Khuôn khổ thể chế và luật pháp về bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn bắt đầu. Năng lực của những cơ quan quản lý và giám sát liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng còn thấp. Trách nhiệm giám sát đối với các vấn đề bảo vệ người tiêu dùng chưa có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan quản lý tài chính. Còn thiếu những quy định bảo vệ người tiêu dùng tài chính, nhất là những quy định về tính minh bạch điều khoản và điều kiện; những yêu cầu tư vấn về tính phù hợp của sản phẩm. Khuôn khổ pháp luật chưa đầy đủ về thanh toán di động và thanh toán điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân và công khai thông tin cũng tạo ra những khó khăn không nhỏ. Bên cạnh đó còn thiếu những quy định yêu cầu chuẩn hóa về cơ chế giải quyết khiếu nại và những hạn chế đối với quyền của người tiêu dùng đối với hệ thống thông tin tín dụng. Đánh giá hạn chế về thực trạng tài chính toàn diện tại Việt Nam - Mạng lưới và kênh cung ứng dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn như gánh nặng chi phí; quy mô giao dịch và hiệu quả kinh tế thấp; tính tiện ích, an toàn, bảo mật chưa cao; việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại chưa tương xứng với tiềm năng do còn thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực hạn hẹp cả về số lượng và chất lượng. - Các sản phẩm, dịch vụ tài chính thiếu đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của các phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. - Việc mở rộng mạng lưới của hệ thống ngân hàng thương mại gặp nhiều trở ngại; các tổ chức tín dụng phi ngân hàng có quy mô vốn nhỏ, năng lực hoạt động còn yếu, một số công ty tài chính tiêu dùng lãi suất cho vay quá cao, nên các tổ chức này chưa thể đảm nhiệm được vai trò cung cấp dịch vụ như kỳ vọng. Các Quỹ tín dụng nhân dân có năng lực quản trị còn hạn chế, chưa phát huy hết được hiệu quả của mô hình Tổ chức tín dụng này trong cung cấp dịch vụ cho khách hàng. - Cơ sở hạ tầng thanh toán phát triển và phân bố chưa đều, tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị, chưa phát triển rộng ở địa bàn nông thôn, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, hiệu quả không cao. Việc phát triển các tổ chức thông tin tín dụng tư nhân còn hạn chế. Hạ tầng thông tin và viễn thông, nhất là các hạ tầng phục vụ cho việc tra cứu, truy xuất thông tin khách hàng còn thiếu. - Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận còn thấp, dẫn đến việc các doanh nghiệp này khó tiếp cận tín dụng ngân hàng. Trình độ văn hóa, giáo dục và tiếp cận công nghệ thông tin của người dân, nhất là cư dân nông thôn còn 399
- thấp. Kém hiểu biết về tài chính khiến người dân e ngại sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức, ngược lại, thậm chí còn rơi vào bẫy cho vay nặng lãi, hoặc tham gia vào các hoạt động huy động vốn bất hợp pháp. - Thói quen tiêu dùng tiền mặt còn phổ biến, cả ở thành thị và nông thôn. Các hoạt động thanh toán trực tuyến gắn liền với thương mại điện tử đã gia tăng, nhưng vẫn còn ít - Khuôn khổ pháp luật và thể chế bảo vệ người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng tài chính còn thiếu và phân tán. Điều này là một nguyên nhân dẫn đến người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng vào các giao dịch tài chính, làm hạn chế sự tiếp cận và sử dụng của người dân đối với các dịch vụ tài chính chính thức. 3. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN QUỐC GIA Với những hạn chế còn tồn tại nêu trên, những quan điểm dưới đây cần được tôn trọng triệt để trong suốt quá trình xây dựng và triển khai các giải pháp để thực hiện các mục tiêu của chiến lược tài chính toàn diện: - Nhà nước tạo dựng môi trường thuận lợi thúc đẩy tài chính toàn diện theo định hướng thị trường. - Thúc đẩy tài chính toàn diện phải đi đôi với sự an toàn, hiệu quả và bền vững của cả hệ thống tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính. - Ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo phải phục vụ cho việc thiết kế và cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính một cách thuận tiện và giảm chi phí. - Công tác an toàn bảo mật cần được hết sức chú trọng, các rủi ro liên quan đến quá trình cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính, nhất là những sản phẩm tài chính số cần được quản lý, giám sát và xử lý một cách thỏa đáng. - Thực hiện tài chính toàn diện cần có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của nhà nước, tư nhân và toàn hệ thống chính trị Từ mục tiêu tổng quát: mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu, với chi phí hợp lý do các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia cần đạt được những mục tiêu cụ thể như sau: a. Phát triển, đa dạng hóa các tổ chức cung ứng, kênh cung ứng, sản phẩm, dịch vụ tài chính để cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng của những người chưa tiếp cận hoặc ít tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, dân cư nông thôn, vùng sâu vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế. b. Kiến tạo môi trường thuận lợi với hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng tài chính phù hợp nhằm thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đa dạng các loại hình tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính, đảm bảo cung cấp thông tin một cách hiệu quả đối với tất cả các bên tham gia thị trường. c. Phát triển và đa dạng hóa mô hình hoạt động tài chính vi mô hiệu quả, bền vững trong một môi trường chính sách thuận lợi, tăng cường xã hội hóa, đảm bảo hướng tới mục tiêu phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ với các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, linh hoạt, phù hợp, với chi phí hợp lý, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước vè đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. 400
- d. Nâng cao hiểu biết và kỹ năng tài chính cho người tiêu dùng, tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch tài chính. Triển khai thực hiện giáo dục tài chính để đảm bảo người tiêu dùng có kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp trong lựa chọn và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính để đảm bảo người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin và không bị đối xử không công bằng Phạm vi của Chiến lược hướng tới việc phổ cập các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, bao gồm: thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm, do các tổ chức tài chính được phép hoạt động cung ứng. Đối tượng mục tiêu của Chiến lược là tất cả mọi người dân và doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng tới những người chưa hoặc ít được tiếp cận tới dịch vụ tài chính chính thức, bao gồm: - Người nghèo, người có thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội không có đủ điều kiện tài chính; - Người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi thiếu cơ sở hạ tầng tài chính; - Người lao động di cư, người làm nghề tự do không có tài sản thế chấp hay không có lịch sử tín dụng; - Phụ nữ và người trẻ tuổi bị phân biệt đối xử và dễ bị tổn thương; - Doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã sản xuất kinh doanh gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Phương Linh - Nguyễn Mai Hảo, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài chính (2014), Một số vấn đề chung về tài chính toàn diện 2. Viện Chiến lược Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2017), Sơ lược về Tài chính toàn diện 3. ThS. Phạm Thị Ánh Phượng - Tạp chí tài chính (2017), Chiến lược tài chính toàn diện tại châu Á và hàm ý cho Việt Nam 4. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2017 5. Trang điện tử về tài chính toàn diện của Ngân hàng Thế giới - 6. Trang điện tử của Diễn đàn APEC về tài chính toàn diện ở Việt Nam - 401