Tác động của các cam kết về sở hữu trí tuệ trong hiệp định EVFTA đối với doanh nghiệp Việt Nam
Bạn đang xem tài liệu "Tác động của các cam kết về sở hữu trí tuệ trong hiệp định EVFTA đối với doanh nghiệp Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- tac_dong_cua_cac_cam_ket_ve_so_huu_tri_tue_trong_hiep_dinh_e.pdf
Nội dung text: Tác động của các cam kết về sở hữu trí tuệ trong hiệp định EVFTA đối với doanh nghiệp Việt Nam
- Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” TÁC ĐỘNG CỦA CÁC CAM KẾT VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG HIỆP ĐỊNH EVFTA ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VIỆT NAM THE IMPACT OF INTELLECTUAL PROPERTY-RELATED COMMITMENTS IN THE EVFTA ON VIETNAMESE ENTERPRISES ThS. Nguyễn Thị Tuyết Nga1, ThS. Nguyễn Thị Hà Phương2 Tóm tắt – Sở hữu trí tuệ và thương mại quốc tế có mối quan hệ khá mật thiết, hầu hết các hiệp định thương mại song phương hay đa phương đều có những cam kết về sở hữu trí tuệ. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 đã nâng mức độ cam kết sở hữu trí tuệ ở mức độ cao và toàn diện hơn, phạm vi điều chỉnh cũng đa dạng và bao trùm nhiều lĩnh vực. Điều này mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam không ít thuận lợi và khó khăn. Bài viết này sẽ phân tích các cam kết về sở hữu trí tuệ trong hiệp định EVFTA, nhận dạng các cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp của Việt Nam, từ đó đề xuất những kiến nghị góp phần thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Từ khóa: Hiệp định EVFTA, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp Việt Nam. 1. CÁC CAM KẾT VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG EVFTA 1.1. Giới thiệu về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa một bên là Liên minh Châu Âu và các quốc gia thành viên, và bên kia là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được chính thức khởi động đàm phán tại Brussels (Bỉ) ngày 27 tháng 6 năm 2012, chính thức kí kết vào ngày 30 tháng 6 năm 2019 và chính thức có hiệu lực vào ngày 01 tháng 8 năm 2020 sau khi được Quốc hội Việt Nam và Nghị viện EU phê chuẩn. Mục tiêu của Hiệp định là tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa các bên [1]. Hiệp định gồm 17 Chương, hai Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kĩ thuật 1 Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh; Email: nga.nguyen@hcmute.edu.vn 2 Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức 1
- Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lí – thể chế [2]. Với mong muốn nâng cao mức sống, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế, tạo ra cơ hội việc làm mới và cải thiện phúc lợi chung, Hiệp định sẽ tạo ra một không khí mới cho sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa các bên. 1.2. Các cam kết về sở hữu trí tuệ 1.2.1. Các vấn đề chung Các cam kết về sở hữu trí tuệ được quy định tại Chương 12 của Hiệp định gồm 63 Điều và 02 Mục lục. Mục tiêu của thỏa thuận về sở hữu trí tuệ là tạo thuận lợi cho việc chế tạo, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm, đổi mới và sáng tạo nhằm đóng góp cho nền kinh tế bền vững và toàn diện hơn của mỗi bên; đạt được mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đầy đủ và hiệu quả. Đồng thời, việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ phải đóng góp vào việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển giao và phổ biến công nghệ, vì lợi ích chung của các nhà sản xuất, người sử dụng và theo cách thức có lợi cho phúc lợi xã hội và kinh tế, bảo đảm sự cân bằng giữa các quyền và nghĩa vụ. Về nguyên tắc chung, Hiệp định EVFTA yêu cầu các bên phải cam kết thực hiện các cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định trong các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của WTO (Hiệp định TRIPS), nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) (theo đó Việt Nam và EU cam kết dành cho công dân của nhau mức bảo hộ sở hữu trí tuệ không kém hơn mức bảo hộ dành cho công dân của bất kì một nước thứ ba nào khác) và nguyên tắc cạn quyền3 (Việt Nam và EU được quyền tự do quy định về cạn quyền sở hữu trí tuệ, miễn là phù hợp với TRIPS). 1.2.2. Các tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ cụ thể Thứ nhất, về quyền tác giả và quyền liên quan, EVFTA quy định để được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, các bên phải tuân thủ các quyền và nghĩa vụ quy định tại các điều ước quốc tế: (i) Công ước Berne (Việt Nam đã tham gia năm 2004); (ii) Công ước Rome (Việt Nam đã tham gia năm 2007); (iii) Hiệp định TRIPS (Việt Nam đã tham gia năm 2007). Ngoài ra, trong thời hạn ba năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, các bên phải gia nhập Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả và Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm được thông qua tại Genève (Thụy Sĩ) ngày 20 tháng 12 năm 1996. Hầu hết các quy định cụ thể về quyền tác giả và quyền liên quan của pháp luật Việt Nam hiện hành đã khá 3 Cạn quyền là trạng thái khi một sản phẩm mang đối tượng sở hữu trí tuệ (SHTT) được đưa ra thị trường bởi chính chủ thể nắm giữ quyền SHTT hoặc với sự đồng ý của chủ thể này, thì chủ thể nắm giữ quyền SHTT không còn quyền kiểm soát đối với việc phân phối và khai thác thương mại các sản phẩm đó nữa. 2
- Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” tương thích với các cam kết tại Hiệp định, Việt Nam cần quy định thêm một số nghĩa vụ khác như phải có biện pháp ngăn chặn các hành vi nhằm vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền tác giả (TPMs) và thông tin quản lí quyền (RMIs); còn về quyền của nghệ sĩ đối với việc bán lại tác phẩm, Việt Nam có thể cân nhắc quy định vì đây không phải là nghĩa vụ bắt buộc. Thứ hai, về nhãn hiệu, ngoài việc khẳng định tuân thủ các quy định của Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid về đăng kí quốc tế nhãn hiệu và Thỏa ước Nice về phân loại hàng hóa và dịch vụ, Hiệp định còn quan tâm đến việc đơn giản hóa và thiết lập thủ tục đăng kí nhãn hiệu như quy định phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lí do cụ thể nếu từ chối đăng kí; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật, dễ tra cứu về tất cả các nhãn hiệu đang được bảo hộ đặc biệt quy định về việc thu hồi nhãn hiệu nếu không sử dụng thực tế. Thứ ba, về chỉ dẫn địa lí. Đây là đối tượng được các bên quan tâm nhiều và mất rất nhiều thời gian để đàm phán. Về đối tượng bảo hộ, các cam kết về chỉ dẫn địa lí trong EVFTA chỉ áp dụng đối với nhóm sản phẩm: rượu vang, đồ uống có cồn, nông sản, thực phẩm. Về các trường hợp được bảo hộ đương nhiên, Chương 12 EVFTA có 02 Phụ lục GI-I và GI-II trong đó liệt kê 171 chỉ dẫn địa lí của EU và 39 chỉ dẫn địa lí của Việt Nam (gồm tên gọi, địa phương xuất xứ, nước xuất xứ) mà hai bên cam kết bảo hộ đương nhiên, không cần qua các thủ tục thẩm định, thông báo, khiếu nại theo quy trình thông thường. Thứ tư, về kiểu dáng công nghiệp, Việt Nam phải gia nhập và bảo đảm thực thi các quy định của Hiệp định Hague (La Hay) về đăng kí quốc tế kiểu dáng công nghiệp đồng thời phải quy định rõ hơn về việc bảo hộ kiểu dáng tổng thể và kiểu dáng linh kiện thành phần (thông qua tiêu chí “nhìn thấy được”). Ngoài ra, Việt Nam cần quy định rõ hơn về việc kiểu dáng công nghiệp cũng có thể là đối tượng được bảo hộ theo quyền tác giả. Thứ năm, về sáng chế, EVFTA có một số cam kết mới (so với pháp luật hiện hành của Việt Nam) đáng chú ý sau đây: Quyền áp dụng Tuyên bố DOHA để tiếp cận những sáng chế về dược phẩm phục vụ cho lợi ích cộng đồng (đặc biệt là các ngoại lệ về quyền sử dụng các sáng chế dược phẩm). EVFTA yêu cầu Việt Nam phải có quy định cho phép “bù đắp” cho các trường hợp thời gian bảo hộ sáng chế bị rút ngắn do chậm trễ trong thủ tục cấp phép lưu hành (nhưng không ràng buộc về cách thức “bù đắp”) . Thứ sáu, về thông tin bí mật, các bên cam kết thực thi quy định của Hiệp định TRIPS và để bảo đảm sự bảo hộ hiệu quả trước sự cạnh tranh không lành mạnh theo quy định tại Công ước Paris. Thứ bảy, về giống cây trồng, các bên phải bảo hộ quyền đối với giống cây trồng phù hợp với Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới bao gồm các 3
- Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” ngoại lệ đối với người nhân giống như được đề cập tại Điều 15 của Công ước đó, và hợp tác để thúc đẩy và thi hành các quyền này. 1.2.3. Các biện pháp bảo hộ Về cơ bản, EVFA đưa ra các cam kết mang tính nghiêm khắc cho việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời vào bất cứ thời điểm nào để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm; Tòa án có quyền yêu cầu các đối tượng khác thực hiện việc cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc về thực thi sở hữu trí tuệ mà Tòa đang xem xét. Hiệp định cũng quy định khá chi tiết về các nội dung như chứng cứ, việc bồi thường thiệt hại, chi phí pháp lí Đặc biệt, Hiệp định có quy định về biện pháp kiểm soát tại biên giới như chủ thể quyền có thể nộp đơn yêu cầu cơ quan hải quan đình chỉ việc nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay cơ quan hải quan phải dừng thông quan hàng hóa nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (việc này phải phù hợp với thủ tục quốc gia). 2. CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VIỆT NAM Đã từ lâu, sở hữu trí tuệ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động và phát triển của doanh nghiệp. Với tư cách là chủ thể sử dụng tài sản trí tuệ hay là chủ sở quyền, việc thực thi Hiệp định EVFTA đều có sự tác động mạnh mẽ theo cả hai hướng thuận lợi và khó khăn. 2.1. Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ trong EVFTA Khi EVFTA có hiệu lực, lượng hàng hóa từ châu Âu được nhập khẩu vào Việt Nam đa dạng hơn, phong phú hơn với nhiều sản phẩm mang nhãn hiệu mới, kiểu dáng công nghiệp mới hoặc sáng chế mới đã được cơ quan có thẩm quyền của châu Âu cấp giấy chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận và lựa chọn những đối tác mới phù hợp hơn với điều kiện của mình, tránh được việc mua hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ từ các nguồn cung khác. Nếu các doanh nghiệp đang là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thì sẽ được hưởng nhiều lợi ích kinh tế từ việc khai thác quyền, được đảm bảo việc thực thi và tăng lợi thế cạnh tranh trong chính thị trường nội địa và cả thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm thuộc nhóm 39 chỉ dẫn địa lí của Việt Nam được Liên minh châu Âu công nhận có cơ hội rất lớn trong việc đầu tư phát triển mạnh tại thị trường châu Âu. Bên cạnh đó, khi EVFTA được thực thi sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam. Điều này giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp châu Âu trong việc cải tiến kĩ thuật, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu sáng tạo; phát triển sản phẩm mới. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để học hỏi các doanh 4
- Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” nghiệp châu Âu về chiến lược bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cách thức khai thác các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp để tăng lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư. Những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi thực hiện các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ trong EVFTA Thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ trong EVFTA có hiệu lực có lẽ là nhận thức của doanh nghiệp về quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Điều này gây không ít khó khăn cho chính các doanh nghiệp là chủ sở hữu các tài sản trí tuệ cũng như doanh nghiệp đang sử dụng tài sản trí tuệ. Về phía các doanh nghiệp là chủ thể quyền, việc thiếu hiểu biết về sở hữu trí tuệ dẫn đến việc bảo vệ và khai thác các thành quả của mình thiếu hiệu quả. Trong những năm trước đây Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương hiệu nổi tiếng bị “đánh cắp” tại thị trường nước ngoài, nhiều kiểu dáng công nghiệp bị làm giả, làm nhái vì doanh nghiệp thiếu quan tâm đến việc bảo hộ tài sản trí tuệ như câu chuyện của cà phê Trung Nguyên, võng xếp Duy Lợi, Công ty Thuốc lá Vinataba, Công ty Vifon [3]. Mặc dù vậy, cho đến nay, vẫn có rất ít doanh nghiệp có chiến lược xây dựng hệ thống quản trị tài sản trí tuệ. Trong quá trình hoạt động của mình, doanh nghiệp vẫn có sự sáng tạo nghiên cứu đổi mới công nghệ, có sự sáng tạo trong việc đổi mới mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu mới nhưng không thực hiện việc đăng kí xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, từ đó dẫn đến tình trạng nhiều nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp hay sáng chế mới của mình bị xâm phạm ở thị trường khác. Nhiều doanh nghiệp còn chưa hiểu rõ các quy định về các biện pháp xử lí hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nên không chủ động yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lí, thậm chí có doanh nghiệp còn ngại việc tố giác các hành vi làm giả sản phẩm của mình vì sợ ảnh hưởng đến uy tín và doanh thu khi người tiêu dùng chưa thật sự phân biệt được hàng thật hàng giả [4]. Về phía các doanh nghiệp là chủ thể sử dụng, việc thiếu hiểu biết về sở hữu trí tuệ có thể dẫn đến nhiều thiệt hại. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp mua phải hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì khi nhập khẩu vào Việt Nam, hàng hóa đó có thể bị dừng thông quan khi có yêu cầu của chủ thể quyền. Hoặc trường hợp doanh nghiệp thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm ngăn chặn việc đưa vào và lưu thông hàng hóa, bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu ngay sau khi được phép thông quan. Trong trường hợp việc xâm phạm mang quy mô thương mại, cơ quan tư pháp có thể yêu cầu bắt giữ hoặc phong tỏa động sản và bất động sản bao gồm phong tỏa tài khoản ngân hàng và các tài sản khác của người bị nghi ngờ có hành vi xâm phạm; thậm chí trong trường hợp doanh nghiệp không cố ý xâm phạm mà chỉ làm dịch vụ lưu giữ, vận chuyển, quản lí hàng hóa vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ thể quyền. Ngoài ra, các trường hợp doanh nghiệp bị thua kiện 5
- Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” trong các vụ tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ phải trả cho bên thắng các chi phí tòa án, chi phí thuê luật sư hợp lí và các chi phí khác 3. MỘT VÀI KIẾN NGHỊ CHO CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM Một là, doanh nghiệp chủ động nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và xây dựng chính sách sở hữu trí tuệ tại doanh nghiệp mình. Doanh nghiệp cần tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng bắt buộc phải đăng kí như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, bí mật kinh doanh ; có cơ chế khai thác hiệu quả các đối tượng đã được bảo hộ như kí hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng (hợp đồng li-xăng); thực hiện việc góp vốn, hay kêu gọi đầu tư để mở rộng sản xuất; có cơ chế giám sát việc thực thi các tài sản trí tuệ của mình bằng việc tận dụng các quy định dành cho chủ thể quyền. Hai là, các doanh nghiệp sử dụng các tài sản trí tuệ của chủ thể khác cần phải đánh giá xem xét cẩn thận về quyền sở hữu của đối tác. Cần trang bị các kiến thức sở hữu trí tuệ, hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ của mình về các giao dịch liên quan đến tài sản trí tuệ, cần hiểu rõ về các loại hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng sử dụng các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ tránh những tranh chấp và kiện tụng tốn kém sau này. Ba là, doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào quá trình lấy ý kiến sửa đổi luật, đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội. Đồng thời, tích cực vận động và tham gia vào việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử về sở hữu trí tuệ do hiệp hội các doanh nghiệp thực hiện nhằm tuân thủ các cam kết của Hiệp định một cách hiệu quả nhất. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu năm 2020 (VN-EU). [2] Bộ Công Thương. Tổng quan về Hiệp định EVFTA. Truy cập từ 85ca-c51f227881dd [Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2020]. [3] Phan Anh. Khi thương hiệu nổi tiếng bị lợi dụng. Truy cập tư 03.htm [Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2020]. [4] Bảo Lâm. Vì sao nhiều doanh nghiệp ngại tố cáo hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Truy cập từ m-so-huu-tri-tue-d154392.html [Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2020]. 6